Tác phẩm "Hội nghệ nhân dân gian ở Hà Giang “cánh tay” nối dài của Đảng" của nhóm tác giả: Đặng Kim Tiến - Hoàng Kim Ngọc - Trần Diệu Kế - Biện Thị Luân - Trần ThijThu Phương - Nguyễn Thị Phương đăng trên Báo Hà Giang đã đoạt Giải C - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ VIII - năm 2023. Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Kỳ 1: Dưới ánh sáng soi đường của Đảng
Nếu như năm 2003 toàn tỉnh Hà Giang chỉ có 1 Hội nghệ nhân dân gian (NNDG) thì nay, 11/11 huyện, thành phố có tổ chức hội với tổng số 189 Hội NNDG, hoạt động ở 3 lĩnh vực: Tín ngưỡng dân gian; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và truyền dạy nghề truyền thống. Sự lớn mạnh, hoạt động chất lượng, hiệu quả của Hội NNDG đã trở thành “cánh tay” nối dài trong công tác dân vận của Đảng ở cơ sở, làm đa dạng hóa các hình thức tập hợp, tạo sự đồng thuận trong nhân dân để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc.
|
Hội Nghệ nhân dân gian xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) thực hành Then Tày – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. |
Việc thành lập Hội NNDG đã đưa tỉnh ta trở thành địa phương duy nhất của cả nước thực hiện mô hình độc đáo này. Đây cũng là bước ngoặt quan trọng ghi dấu son sáng trong việc phát hiện, phát huy vai trò của các NNDG cùng tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Độc đáo mô hình Hội nghệ nhân dân gian
Hà Giang là mảnh đất biên cương nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 87,7% cơ cấu dân số toàn tỉnh. Trong đó, dân tộc Mông chiếm tỷ lệ cao nhất (34,46%), tiếp đến là Tày (22,43%), Dao (14,82%), còn lại là các dân tộc khác; có 9 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn và 5 dân tộc có khó khăn đặc thù gồm: Pu Péo, Bố Y, Cờ Lao, Lô Lô, Pà Thẻn. Nhằm gìn giữ, bảo tồn, phát huy nét đẹp truyền thống độc đáo của các dân tộc, xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh cũng như củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; năm 2003, BTV Tỉnh ủy lựa chọn xã Hồ Thầu để xây dựng thí điểm mô hình Hội NNDG. Đây không chỉ là đột phá trong việc phát hiện vai trò quan trọng của NNDG mà còn là một trong những giải pháp chiến lược của cấp ủy tỉnh Hà Giang để góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết T.Ư 5, khóa VIII của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu.
Hồ Thầu là xã phía Nam của huyện Hoàng Su Phì. Đây là nơi sinh sống của 5 dân tộc anh, em: Dao, Nùng, Mông, Kinh, Tày; trong đó, đồng bào Dao đỏ chiếm trên 80% dân số toàn xã. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa, phong tục tập quán khác nhau. Việc thờ cúng thần linh, tổ tiên đã thấm sâu vào dòng máu đồng bào và được lưu truyền qua nhiều thế hệ; tuy nhiên, vẫn còn nhiều hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu cản trở sự phát triển tiến bộ của cộng đồng. Trong mối quan hệ xã hội, thầy cúng là người có uy tín được nhân dân nể trọng, bởi họ biết cúng bái, am hiểu các phong tục tập quán, nắm vững lai lịch và mối quan hệ họ hàng của dân làng, công tâm khi tham gia xét xử các vụ vi phạm luật tục của mọi thành viên trong cộng đồng. Đặc biệt, từ khi Hội NNDG xã Hồ Thầu được thành lập (gồm 46 hội viên tham gia), vai trò của các Hội NNDG được phát huy, tiếng nói của Hội hòa cùng ý Đảng đã tạo nên cuộc “cách mạng” đẩy lùi hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu; bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc như: Lễ hội Bàn Vương, Cấp sắc, Nhảy lửa, văn nghệ dân gian. Chủ tịch Hội NNDG xã Hồ Thầu, Triệu Chòi Quyên đánh giá: “Việc thành lập Hội NNDG là chủ trương đúng của cấp ủy, phù hợp với thực tiễn hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa ở địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho các NNDG hoạt động”.
Sau thành công của mô hình Hội NNDG xã Hồ Thầu; năm 2006, 23 xã, thị trấn còn lại của huyện Hoàng Su Phì đều thành lập Hội NNDG với hơn 1.000 hội viên tham gia. Đặc biệt, cuối năm 2010, sau khi tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình Hội NNDG trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì, BTV Tỉnh ủy đã có chủ trương nhân rộng mô hình này. Đến nay, toàn tỉnh có 1 tổ chức hội quy mô cấp huyện là Hội NNDG huyện Xín Mần; 188 Hội NNDG hoạt động ở quy mô cấp xã, chiếm tỷ lệ 97,4% số xã trên địa bàn tỉnh có tổ chức hội; 11/11 huyện, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo Hội NNDG. Trong tổng số gần 9.100 hội viên Hội NNDG thì trên 3.500 hội viên hoạt động ở lĩnh vực tín ngưỡng dân gian; hơn 3.300 hội viên thuộc lĩnh vực phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; trên 2.200 hội viên hoạt động ở lĩnh vực truyền dạy và làm nghề truyền thống. Ấn tượng trong đó, toàn tỉnh có 290 Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội NNDG là đảng viên, 161 người đang tham gia công tác tại cấp xã; 156 Chủ tịch Hội NNDG đồng thời là hội viên Hội NNDG.
Nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của tổ chức Hội, các địa phương còn lựa chọn gần 30 Hội NNDG để xây dựng mô hình điểm trên cả 3 lĩnh vực hoạt động. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mèo Vạc, Vương Thị Thủy chia sẻ: BTV Huyện ủy đã chỉ đạo lựa chọn Hội NNDG của thị trấn Mèo Vạc, xã Tát Ngà, Sủng Trà, Niêm Sơn, Khâu Vai làm điểm lĩnh vực tín ngưỡng dân gian về bài trừ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân. Đến nay, các mô hình điểm đã đạt chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra; bước đầu làm thay đổi nhận thức, tư duy của cán bộ, đảng viên và nhân dân về sự cần thiết của việc bài trừ các hủ tục rườm rà, tốn kém trong việc cưới, việc tang làm suy giảm kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe của người thân và gia đình.
Tôn vinh nghệ nhân
Theo đánh giá của nhiều cấp ủy địa phương trong tỉnh, các hội viên tham gia vào tổ chức Hội NNDG đều là những người am hiểu văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, giỏi nghề truyền thống, văn nghệ dân gian, thành thạo các thủ tục tín ngưỡng của đồng bào. Do vậy, họ đã tích cực góp phần giữ gìn, phát huy vốn văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS, từng bước xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới ở cơ sở, chung sức xây dựng Nông thôn mới, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như hương ước, quy ước thôn, tổ dân phố đề ra.
Đặc biệt, NNDG còn là những người có uy tín, tiếng nói trong gia đình, dòng họ và cộng đồng thôn bản; bởi vậy, việc làm, lời nói của họ có tác động, ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, tín ngưỡng, hành động của quần chúng nhân dân sẽ rất khó cho những kẻ xấu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta. Huyện Mèo Vạc hiện có hơn 17.000 hộ với trên 93.000 nhân khẩu. Đồng bào DTTS chiếm hơn 95% dân số toàn huyện, trong đó dân tộc Mông chiếm khoảng 78%; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo toàn huyện chiếm hơn 67%; đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều là một trong những nguyên nhân chính để tà đạo “San sư khẻ tọ” xâm nhập vào địa bàn. Từ năm 2021 đến nay, toàn huyện có 82 hộ đồng bào Mông với 489 khẩu, tại 11 xã, thị trấn bị phần tử xấu lợi dụng, lôi kéo theo đạo “San sư khẻ tọ”, làm ảnh hưởng xấu đến công tác giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Mông, gây bức xúc trong cộng đồng. Bởi, người theo đạo này buộc phải từ bỏ phong tục, tập quán của dân tộc, dỡ bỏ bàn thờ cúng tổ tiên, khi bị ốm đau không đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh mà ở cầu nguyện. Trước thực tế này, các Hội NNDG trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã phối hợp với cơ quan liên quan tuyên truyền, vận động thành công các trường hợp trên quay lại phong tục tập quán truyền thống của dân tộc, góp phần giữ vững an ninh trật tự tại địa bàn.
Nhằm ghi nhận công lao và tôn vinh các NNDG, ngày 25.9.2017, Tỉnh ủy ban hành Đề án 19 thí điểm phong tặng danh hiệu NNDG thuộc lĩnh vực tín ngưỡng dân gian trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; làm cơ sở cho việc phong tặng danh hiệu NNDG thuộc các lĩnh vực khác như giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân gian, truyền dạy và làm nghề truyền thống. Đến nay, toàn tỉnh có 22 người được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng công nhận danh hiệu NNDG. Họ đều là những nghệ nhân người DTTS, có phẩm chất đạo đức tốt, có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định, hương ước, quy ước của địa phương và quy chế hoạt động của Hội NNDG; gương mẫu trong cuộc sống, có uy tín và được quần chúng ở cơ sở tín nhiệm, kính trọng. Không những vậy, họ còn là người nắm vững và thực hành ở trình độ cao những giá trị, kỹ năng, bí quyết, phong tục tập quán, tín ngưỡng và lễ hội truyền thống của dân tộc mình; sẵn sàng và có khả năng truyền dạy toàn bộ hiểu biết của mình cho thế hệ trẻ.
Đặc biệt hơn, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có 33 cá nhân có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú. Trong số 33 Nghệ nhân được phong tặng danh hiệu, hiện 5 nghệ nhân đã mất, còn 28 nghệ nhân đang hoạt động trong các Hội NNDG, tiếp tục truyền dạy, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thuộc 2 loại hình: Tín ngưỡng dân gian; phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nghệ nhân ưu tú Lò Sì Páo, dân tộc Lô Lô, thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc) không giấu được sự xúc động: Trước đây, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô là việc làm thường xuyên của mỗi nghệ nhân. Nhưng nay được tôn vinh Nghệ nhân ưu tú là sự ghi nhận, tôn vinh của Đảng, Nhà nước dành cho chúng tôi. Đây là niềm vinh dự, tự hào cũng là trách nhiệm lớn lao để chúng tôi tiếp tục cống hiến, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xứng đáng với danh hiệu cao quý mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng.
Để phát huy vai trò của Hội NNDG, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án 05 về nâng cao chất lượng hoạt động mô hình Hội NNDG, giai đoạn 2016 – 2020; Kế hoạch 79 về tiếp tục triển khai thực hiện mô hình Hội NNDG, giai đoạn 2021 – 2025. Những chủ trương này không chỉ tạo lập cơ sở chính trị, pháp lý để Hội NNDG hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, quy định của pháp luật mà còn góp phần đổi mới công tác dân vận của hệ thống chính trị, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, tạo sự đồng thuận trong nhận thức, thống nhất trong hành động. Sau 12 năm hoạt động kể từ khi mô hình Hội NNDG được nhân rộng (năm 2011) đã góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng dân gian của các dân tộc, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống trước nguy cơ mai một; từng bước xóa bỏ hủ tục trong vùng đồng bào DTTS; gìn giữ, phát huy nghề truyền thống, góp phần giảm nghèo bền vững cho nhân dân các dân tộc.
Kỳ 2: “Cầu nối” giữa Đảng với dân
Với đặc thù tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đội ngũ nghệ nhân dân gian (NNDG) thuộc lĩnh vực tín ngưỡng dân gian là những người có uy tín, phạm vi ảnh hưởng lớn trong cộng đồng đã thực sự là “cánh tay” nối dài của Đảng, Nhà nước trong công tác vận động quần chúng. Qua đó, giúp đồng bào ổn định đời sống, phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn văn hóa truyền thống của các dân tộc nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc Hà Giang.
Giữ “nhịp sống” bản làng
Hà Giang, vùng đất đa sắc màu văn hóa, mỗi dân tộc đều có một di sản văn hóa - văn nghệ, tín ngưỡng dân gian truyền thống phong phú, độc đáo, được lưu giữ trong trí nhớ, được truyền miệng, truyền ngôn từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hiện trên địa bàn tỉnh, các nghệ nhân làm nghề thầy cúng, thầy mo, thầy tạo, xem tuổi... là những người có uy tín, có tiếng nói trong cộng đồng dân cư, là hội viên có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ mê tín, dị đoan và các hủ tục lạc hậu, xóa bỏ tình trạng ma chay dài ngày, cúng khi ốm đau, ép duyên, hôn nhân cùng huyết thống, tảo hôn, thách cưới; tổ chức các lớp truyền dạy các nghi lễ dân gian truyền thống... vừa giúp nhân dân giải tỏa về mặt tư tưởng, giảm gánh nặng về kinh tế, vừa củng cố niềm tin về mặt tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân theo quy định của pháp luật.
Phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, các nghệ nhân đã chủ động phối hợp với các đơn vị, tổ chức đoàn thể tham mưu cho chính quyền cùng cấp mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống, lồng ghép các trò chơi dân gian cho người dân và các cháu học sinh. Hàng năm, sưu tầm, dựng lại và tổ chức 50 lễ hội truyền thống của các dân tộc; qua đó, tạo nên những nét văn hóa đặc sắc riêng cho Hà Giang. Hoạt động giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống của các nghệ nhân gắn với thực hiện các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Chung tay xây dựng Nông thôn mới”, đặc biệt là xây dựng Làng Văn hóa du lịch gắn với xây dựng Nông thôn mới tiêu biểu tại một số địa phương như: Làng Văn hóa du lịch thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ); thôn Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là (Đồng Văn); xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì); thôn Bản Bang, xã Đạo Đức (Vị Xuyên); thôn Hạ Thành, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang)...
Quản Bạ là huyện cửa ngõ của 4 huyện vùng cao biên giới phía Bắc của tỉnh với 19 dân tộc cùng sinh sống. Trong số 107 người có uy tín ở cơ sở, địa phương có 6 NNDG. Đây là lực lượng quần chúng đặc biệt, có vị trí, vai trò quan trọng, là “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; đặc biệt, trong việc tham gia bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của các dân tộc và tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.
Bí thư Huyện ủy Quản Bạ, Đỗ Văn Hùng cho biết: Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng Đề án số 16, ngày 16.6.2022 về xóa bỏ hủ tục và chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn rà soát để xác định hủ tục, phong tục, tập quán nào cần xóa bỏ, phong tục, tập quán nào cần cải tiến; cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tổ chức mạn đàm, trao đổi, thảo luận với người có uy tín và các nghệ nhân để thống nhất. Đến nay, 13 xã, thị trấn đã rà soát xong, lập danh sách các hủ tục, phong tục tập quán cần xóa bỏ và cải tiến; xây dựng kế hoạch với thời gian, lộ trình cụ thể và phân công nhiệm vụ cho các ban, ngành, đoàn thể, cá nhân triển khai thực hiện.
Do thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; các NNDG thuộc lĩnh vực tín ngưỡng dân gian ký cam kết, gương mẫu xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu. Trong việc tang, 28 người có uy tín tham gia vào các ban tang lễ thôn, tổ dân phố; vận động 222/311 trường hợp đám ma người dân tộc Mông đưa vào áo quan. Tuyên truyền nhân dân không thách cưới, đám cưới không còn tổ chức dài ngày, không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; không tổ chức lễ thanh minh, mừng thọ, giải hạn linh đình, gây tốn kém, lãng phí; không thực hiện cúng chữa bệnh, bói đoán bệnh; ăn, ở hợp vệ sinh; di chuyển chuồng trại ra xa nhà…
Đồng thời, người có uy tín phối hợp với Hội NNDG thường xuyên truyền dạy cho thế hệ trẻ, đội văn nghệ dân gian về các điệu múa, làn điệu dân ca, nghề truyền thống... nhằm khôi phục, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; rút ngắn bài cúng, bài khèn thổi trong đám tang; một số người có uy tín tham gia vào đội khèn, trống tại các thôn để hỗ trợ hoạt động tang lễ...
“Cầu nối” giữa Đảng với dân
Bằng uy tín và trách nhiệm của mình, các NNDG đã gương mẫu thực hiện và tích cực tham gia tuyên truyền, vận động đến từng hộ trong thôn, xóm; lồng ghép tuyên truyền trong các ngày lễ hội của các dân tộc, trong các buổi sinh hoạt tổ dân vận, họp thôn; tuyên truyền bằng việc làm cụ thể, tiên phong trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển mô hình kinh tế; vận động các gia đình thực hiện cải tạo vườn tạp, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, xây dựng Nông thôn mới...
Đồng bào dân tộc La Chí ở thôn Mục Lạn và thôn Vinh Ngọc, xã Tân Quang (Bắc Quang) có 40 hộ, 171 khẩu. Theo chia sẻ của người dân, trước đây việc tổ chức tang lễ cho người quá cố chưa phù hợp, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường. Người chết sau khi khâm niệm vẫn mở 1/3 nắp quan tài; các con trai đội nón mê ngồi quạt cho người chết đến khi đưa đi chôn; khi đi đưa ma phải mở nắp quan tài, nắp quan tài khiêng đi trước, quan tài đi sau. Nếu gặp đoạn đường quá khó đi phải bỏ thi thể ra ngoài khiêng; người chết đưa đi chôn phải mang theo 1 con chó con rồi đập chết vứt cạnh mộ, nếu chó chưa chết thì chưa được chôn bởi mọi người quan niệm rằng linh hồn con chó sẽ dẫn linh hồn người chết xuống âm phủ. Khi nhà có người chết hoặc ốm đau đi xem bói, nếu thầy bói nói phải mổ trâu, mổ bò để làm lễ cúng thì phải làm theo… khiến kinh tế gia đình kiệt quệ.
Từ thực trạng đó, xã thành lập Ban tuyên truyền, vận động cấp xã, thôn; chủ động tiếp cận những người có uy tín, nhất là đội ngũ thầy cúng, thầy bói để vận động. Với sự quyết tâm cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, lấy tình cảm kết hợp kiên trì, phân tích có tình có lý; lấy uy tín của thầy cúng, thầy bói làm tâm điểm cho sự vận động nên cơ bản các hộ dân đều thống nhất quan điểm quyết tâm xóa bỏ hủ tục, tạo đồng thuận trong nhân dân. Vì vậy, đến nay, lễ tang được thực hiện theo hương ước, quy ước của thôn theo hướng văn minh.
Để kịp thời động viên, phát huy vai trò đội ngũ người có uy tín, ngày 6.3.2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 12 về chính sách đối với người có uy tín. Từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã động viên các NNDG tích cực tuyên truyền tới nhân dân trên địa bàn đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn, giữ gìn giá trị tín ngưỡng truyền thống (tiếng nói, trang phục, dân ca, kiến trúc nhà ở, phong tục, lễ hội truyền thống…), xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Chủ tịch UBND xã Tân Quang, Phạm Khắc Hoàng cho biết: Từ nguồn kinh phí hỗ trợ để thực hiện chế độ, chính sách, xã tổ chức nhiều nội dung và hình thức gặp gỡ, tiếp đón, tặng quà nhân các ngày lễ, Tết; biểu dương, thăm quan, học tập kinh nghiệm cho người có uy tín tiêu biểu. Từ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, người có uy tín đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm đối với cộng đồng.
Tại huyện Yên Minh, với việc luôn phát huy vai trò người có uy tín, Hội NNDG, coi đây là lực lượng tích cực tham gia bài trừ các hủ tục lạc hậu, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; địa phương đã xác định vai trò của người có uy tín, Hội NNDG trong các dòng họ, cộng đồng dân cư, đồng bào các dân tộc; lựa chọn những người có uy tín, tâm huyết để đưa vào Hội. Vì vậy, người có uy tín và hội viên Hội NNDG phát huy tốt vai trò tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt hương ước, quy ước của thôn, dòng họ.
Mặt khác, lựa chọn những người có uy tín, có nhận thức và có ảnh hưởng lớn trong các dòng họ, trong cộng đồng dân cư để tuyên truyền, vận động các gia đình thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu. Thực tiễn cho thấy, nhiều người có uy tín phát huy tốt vai trò trong cải tiến đám tang, lễ truyền thống của đồng bào các dân tộc. Địa phương trên cơ sở nhận diện hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu của từng dân tộc thiểu số để định hướng hoạt động của các thầy cúng, các tổ kèn trống phù hợp với nếp sống văn minh trong các đám tang, lễ truyền thống của các dân tộc thiểu số; trong đó, các thầy cúng (đối với dân tộc Tày, Giấy, Dao…) giảm các nghi lễ, thời gian cúng, tế; các tổ kèn, trống giảm thời gian và tiền công.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Yên Minh gần như không còn tình trạng kết hôn cận huyết thống; tình trạng tảo hôn giảm; nhiều đám tang giảm thời gian tổ chức dưới 48 tiếng, không mổ nhiều gia súc; một số dòng họ thuộc dân tộc Mông đưa ngay người chết vào áo quan trước khi tổ chức đám tang, tiêu biểu như: Họ Thào xã Du Già; họ Sùng, họ Chảo và họ Vừ xã Lũng Hồ; họ Sùng, họ Giàng và họ Mua xã Đường Thượng; họ Vàng xã Ngam La, xã Lao Và Chải…
Bí thư Huyện ủy Yên Minh, Ngô Xuân Nam cho biết: Ngoài vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và điều hành của chính quyền các cấp, thì vai trò gương mẫu, nêu gương của đảng viên đóng vai trò quan trọng. Để phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ đảng viên, các cấp ủy, nhất là Bí thư chi bộ thôn, bản, tổ dân phố, huyện giao trách nhiệm cho đội ngũ đảng viên trong công tác tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và nhân dân thực hiện việc xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu; tổ chức cho đảng viên ký cam kết gương mẫu thực hiện; là “cầu nối” để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, của đội ngũ NNDG để đưa đội ngũ này trở thành lực lượng tiên phong.
Qua đánh giá, số đông đảng viên trên địa bàn huyện thực hiện tốt việc không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; cải tiến trong đám cưới, hỏi, tổ chức đám tang; nhiều đảng viên gương mẫu đi đầu trong việc tổ chức đám tang không kéo dài ngày, không giết mổ nhiều gia súc… Tiêu biểu như đảng viên Sùng Mí Vư, Bí thư Đảng ủy xã Du Tiến đã ghi âm lời dặn của bố trước khi chết để thực hiện việc đưa ngay người chết vào áo quan; trên cương vị công tác, anh đã tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền được ba dòng họ tại xã Lũng Hồ (họ Sùng, họ Chảo và họ Vừ) thực hiện đưa người chết vào áo quan. Hay như ông Cháng Quang Thảm, NNDG xã Na Khê hoạt động thuộc lĩnh vực tín ngưỡng dân gian là một trong những người đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động và thực hiện cắt giảm thời gian cúng, nghi lễ trong Lễ Cấp sắc của dân tộc Dao.
Có thể khẳng định, đội ngũ NNDG của tỉnh thuộc lĩnh vực tín ngưỡng dân gian có nhiều công lao đóng góp trong lĩnh vực tuyên truyền, vận động bà con nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy ước, hương ước ở cơ sở, thực hiện nếp sống văn hóa, bài trừ các hủ tục lạc hậu, hướng dẫn tổ chức các nghi lễ văn hóa tín ngưỡng của cá nhân và tổ chức; thực sự trở thành “cánh tay” nối dài của Đảng, giúp khăng khít thêm mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân. Tuy nhiên, hiện nay, các di sản văn hóa - văn nghệ, tín ngưỡng dân gian đang có nguy cơ mai một trước sự biến đổi nhanh chóng về nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là sự xâm nhập của đạo lạ, tín ngưỡng mới… nên làm sao để giữ gìn, phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc luôn là câu hỏi được tỉnh chú trọng tìm lời giải nhằm nâng cao đời sống người dân địa đầu cực Bắc.
Kỳ 3: Lan tỏa tinh hoa văn hóa dân tộc
Hà Giang, mảnh đất địa đầu cực Bắc Tổ quốc có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa đặc sắc riêng. Là lớp người am hiểu truyền thống của dân tộc mình, những năm qua, đội ngũ nghệ nhân dân gian (NNDG) luôn ngày đêm trăn trở, tìm cách gìn giữ nét văn hóa truyền thống độc đáo cho thế hệ sau. Qua đó, góp phần lan tỏa tinh hoa văn hóa dân tộc, cùng với các tầng lớp nhân dân chung tay xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc.
Cụ thể hóa chủ trương của Đảng
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế”. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (tháng 11.2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Quán triệt sâu sắc, toàn diện đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa dân tộc, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn xác định: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện, trong đó có các đề án, nghị quyết chuyên đề về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa như: Đề án Bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ các làng văn hóa du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; Đề án Giáo dục kỹ năng sống và văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020; Đề án Bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030... Đặc biệt, trong Nghị quyết 11 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025 xác định rõ: Tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu riêng có của du lịch Hà Giang dựa trên giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của 19 dân tộc...
Một trong những giải pháp hữu hiệu để bảo tồn văn hóa truyền thống của Hà Giang đó là phát huy vai trò “hạt nhân” của đội ngũ NNDG trong cộng đồng. Đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền các cấp, thời gian qua, những NNDG trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, đóng góp không nhỏ vào công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.
Đối với lĩnh vực giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đến nay, toàn tỉnh có 3.356 hội viên Hội NNDG, chiếm 36,92% hội viên của Hội. Đây là lực lượng nòng cốt trong việc tham mưu, đề xuất với chính quyền địa phương thực hiện khai thác, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của từng dân tộc. Thông qua hoạt động của các hội viên lĩnh vực này đã góp phần làm cho các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc ở địa phương ngày càng được khai thác, phát huy hiệu quả hơn. Hàng năm, các tổ chức Hội đã mở nhiều lớp truyền dạy làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ và các nghi lễ truyền thống của các dân tộc; thành lập các câu lạc bộ (CLB), lớp dạy chữ nho, sáng tác thơ, nhạc cho thế hệ trẻ...
Miệt mài gìn giữ và trao truyền tinh hoa văn hóa
Đến xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì - cái nôi của Hội NNDG toàn tỉnh, vào bất cứ thời điểm nào trong năm, dù ngày mưa hay ngày nắng, các NNDG của xã luôn miệt mài với hoạt động truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. Trong những nếp nhà nhỏ nép mình dưới đỉnh núi Chiêu Lầu Thi hùng vĩ hay dưới những bóng cây cổ thụ của thôn, làng, các nghệ nhân Dao đỏ lớn tuổi say sưa truyền dạy những bài hát dân ca, những điệu múa, trò chơi dân gian cho lớp trẻ. Ông Triệu Chòi Hín, NNDG xã Hồ Thầu cho biết: Xã có gần 100% dân số là dân tộc Dao đỏ. Dân tộc Dao đỏ chúng tôi có kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian phong phú và độc đáo với những nghi lễ truyền thống và các làn điệu dân ca, dân vũ nói về cuộc sống, nét đẹp lao động, tình yêu đôi lứa, ca ngợi bản làng, quê hương. Lo sợ nét đẹp văn hóa truyền thống sẽ bị mai một, nhiều năm qua, tôi và các NNDG trong xã đã tích cực duy trì, bảo tồn và truyền dạy những nghi lễ truyền thống, văn nghệ dân gian cho thế hệ trẻ.
Đối với người Dao đỏ Hoàng Su Phì, Lễ hội Bàn Vương là lễ hội quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần và đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Ở độ tuổi ngoài 70, dù đôi tay không còn nhanh nhẹn, đôi mắt chẳng còn tinh anh nhưng NNDG Triệu Chòi Hín vẫn thường xuyên tổ chức trình diễn, thực hành nghi lễ cúng Bàn Vương khi trong thôn, bản có gia đình tổ chức và hướng dẫn cho con, cháu thực hành. Bởi theo ông Hín, lễ cúng Bàn Vương nhằm thể hiện lòng hiếu kính với ông bà, tổ tiên; cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và giáo dục con cháu về truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Ngoài ra, ông còn truyền dạy cho con cháu trình tự nghi Lễ Cấp sắc, các trò chơi dân gian như điệu múa Bắt Rùa, Nhảy lửa, trò chơi Giữ gậy và các làn điệu dân ca truyền thống của người Dao đỏ, góp phần bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc.
Cùng chung tâm nguyện giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ, những năm qua, nghệ nhân Vi Dấu Mìn, dân tộc Giáy, xã Tát Ngà (Mèo Vạc) đã thành lập nhiều Câu lạc bộ (CLB) truyền dạy văn nghệ dân gian như: CLB múa Trống, múa Nón, hát Phươn... Ngoài ra, ông còn tự mở lớp truyền dạy các bài cúng vào nhà mới, cúng Tổ tiên cho người dân trong xã. Ông Mìn chia sẻ: Từ lâu tôi đã nuôi dưỡng niềm đam mê với công việc sưu tầm và lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi khi đến dịp lễ, Tết, thấy con, em trong thôn, xã phần lớn không biết được các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của dân tộc mình, trong lòng tôi rất trăn trở. Tôi đã quyết định dành thời gian đến nhà của các cụ cao niên trong xã để tìm hiểu về nét văn hóa truyền thống dân tộc Giáy, từ đó trau dồi thêm kiến thức cho bản thân và tham gia truyền dạy cho con em trong xã.
Anh Vi Văn Niềm, người dân thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà cho biết: Tham gia các CLB dạy múa, hát truyền thống do ông Mìn tổ chức, bản thân tôi thấy văn hóa của dân tộc Giáy rất độc đáo, cần được lưu giữ. Vào những lúc nông nhàn hay các dịp lễ, Tết, từng lời ca, tiếng hát đậm đà bản sắc của dân tộc mình vang vọng trong mỗi nếp nhà khiến thế hệ trẻ như chúng tôi càng thêm tự hào và thêm yêu nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Hy vọng thời gian tới, các cấp, ngành và các nghệ nhân sẽ mở nhiều lớp truyền dạy văn nghệ dân gian hơn nữa để người dân trong thôn, xã có thêm cơ hội được học hỏi và cùng nhau gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Bên cạnh đó, các hội viên Hội NNDG còn tích cực tham gia hoạt động đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vào giảng dạy trong các trường học trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp bồi dưỡng lòng tự hào về truyền thống văn hóa, tinh thần đoàn kết dân tộc trong mỗi học sinh, để các em được phát triển toàn diện cả về đức, trí, thể, mỹ. Trong giai đoạn 2016 - 2020, các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức trên 5.100 chuyên đề giáo dục kỹ năng sống, xây dựng và tổ chức hoạt động trên 2.400 CLB sở thích, giảng dạy văn hóa truyền thống được trên 46.400 tiết học với 1.156 NNDG tham gia, tổ chức được 1.660 buổi tham quan di tích lịch sử, làng nghề truyền thống… Nhiều CLB, nhóm yêu thích văn hóa truyền thống được thành lập và duy trì đều đặn trong các nhà trường như: CLB thổi và múa khèn Mông, hát Then - đàn Tính, thêu thổ cẩm, đan lát thủ công, CLB sáo Mông, CLB võ thuật truyền thống... Nhiều nghệ nhân còn tự mày mò, đổi mới phương pháp truyền dạy để phù hợp với từng đối tượng học sinh và tình hình thực tế của địa phương. Thông qua hoạt động đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong trường học, các em học sinh được truyền dạy nét đẹp và tình yêu với văn hóa truyền thống, từ đó sẽ trở thành nhân tố quan trọng để gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa độc đáo của mỗi dân tộc, địa phương.
Văn hóa là hồn cốt, là tài sản vô giá của dân tộc. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, cùng tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt huyết, những NNDG của tỉnh Hà Giang bao năm qua vẫn miệt mài gìn giữ, trao truyền lại nét đẹp văn hóa truyền thống, giúp lớp trẻ thêm yêu mến, trân trọng, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc, hướng đến mục tiêu đưa văn hóa thực sự trở thành “nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển KT-XH”.
Kỳ 4 - “Giữ lửa” nghề truyền thống
Một trong những hoạt động nổi bật của Hội Nghệ nhân dân gian (NNDG) là truyền dạy và làm nghề truyền thống. Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, các làng nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc trên miền biên ải Hà Giang đang được các nghệ nhân “thắp lửa”, góp phần quan trọng bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Những nghệ nhân giữ “lửa nghề”
Bà Vàng Thị Mai, thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám (Quản Bạ) sinh năm 1962 trong gia đình dân tộc Mông nghèo khó. Từ nhỏ, như bao cô gái Mông khác, bà Mai cũng được mẹ dạy cách dệt vải lanh truyền thống. Người Mông quan niệm phụ nữ trước khi về nhà chồng đều phải biết tự dệt cho mình những bộ quần áo mặc trong ngày cưới, nghề dệt vải lanh vì thế cũng tồn tại lâu đời trong đời sống người Mông. Tuy nhiên, trước sự phát triển của KT - XH, nghề dệt vải lanh dần mai một. Là một người yêu cái đẹp và truyền thống văn hóa dân tộc, bà Mai luôn trăn trở phải làm gì đó để người phụ nữ Mông có thêm thu nhập, giảm nghèo và giới thiệu, quảng bá văn hóa của dân tộc Mông tới du khách trong và ngoài nước.
Nói là làm, năm 1998, bà xây dựng xưởng sản xuất vải lanh, vận động 10 chị em trong thôn cùng chung tay làm. Bà lặn lội khắp các địa phương trong nước, tham gia hội chợ để tự tay mình giới thiệu, quảng bá, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Tiếng lành đồn xa, sản phẩm dệt lanh của bà Mai và các chị em thôn Hợp Tiến được đón nhận. Năm 2001, bà Mai thành lập Hợp tác xã (HTX) dệt lanh Hợp Tiến để mở rộng quy mô sản xuất. Mỗi sản phẩm dệt lanh hoàn chỉnh phải trải qua hơn 40 công đoạn bằng phương pháp thủ công truyền thống qua đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mông. Bởi vậy, việc truyền dạy kỹ năng dệt lanh cho thế hệ trẻ vô cùng quan trọng. Ngoài việc thu hút, tạo việc làm cho hơn 100 thành viên HTX, bà Mai tích cực truyền dạy nghề cho phụ nữ địa phương, đặc biệt là các em gái có hoàn cảnh khó khăn. Sau 20 năm bền bỉ, bà Vàng Thị Mai đã làm “sống” lại làng nghề truyền thống của dân tộc, sản phẩm của HTX dệt lanh Hợp Tiến được thị trường đón nhận, xuất khẩu ra 20 nước trên thế giới, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều phụ nữ địa phương. Với những cống hiến to lớn của mình, năm 2015, bà Vàng Thị Mai vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Nếu ai từng lên với Hà Giang, sẽ không còn xa lạ với tiếng khèn Mông da diết gọi mời. Tiếng khèn được ví như “linh hồn” của người Mông, bởi vậy việc chế tác khèn Mông được truyền từ đời này sang đời khác. Khèn Mông là nhạc cụ dân tộc độc đáo bởi hình dạng, cấu tạo và chức năng tạo âm thanh của nó. Các nghệ nhân làm khèn bằng kỹ năng, kinh nghiệm, sự khéo léo, công phu và tỉ mỉ. Yêu tiếng khèn Mông quê mình, những năm qua, nghệ nhân chế tác khèn Mông Sùng Mí Pó, xã Hố Quáng Phìn (Đồng Văn) luôn quan tâm truyền dạy nghề chế tác khèn Mông cho thế hệ trẻ. Ông Pó tâm sự: “Trong đời sống văn hóa tinh thần của người Mông, cây khèn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đàn ông Mông phải biết thổi khèn cũng như đàn bà Mông phải biết dệt vải lanh may áo. Để gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc, tôi và các nghệ nhân trong vùng thường xuyên hướng dẫn, truyền dạy nghề chế tác khèn cho lớp trẻ, từ cách lựa chọn nguyên vật liệu, đến các công đoạn chế tác sao cho tiếng khèn phát ra phải là thứ âm thanh nghe réo rắt, mê hoặc lòng người”. Hiện nay, Hà Giang đang phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, du khách đến tỉnh mỗi năm đạt trên 2 triệu lượt người, khèn Mông trở thành món quà lưu niệm có giá trị, được du khách đón nhận.
Trong số hơn 9 nghìn NNDG trên địa bàn tỉnh, có hơn 2.200 NNGD, chiếm 24% tổng số hội viên hội NNDG toàn tỉnh đang hàng ngày truyền dạy nghề truyền thống cho thế hệ mai sau. Thông qua hoạt động của Hội NNDG, các hội viên trao đổi, đề xuất với chính quyền địa phương tôn tạo, khôi phục, truyền dạy các nghề thủ công truyền thống để tăng thu nhập cho đồng bào gắn với phát triển kinh tế, du lịch.
“Sống lại” làng nghề truyền thống
Thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn) hiện có 114 hộ, trong đó 104 hộ là đồng bào dân tộc Lô Lô, một trong những dân tộc rất ít người của nước ta. Cũng giống các dân tộc thiểu số khác, người Lô Lô có nghề thêu, may và trang trí hoa văn trên trang phục truyền thống của dân tộc. Những hoa văn được trang trí trên trang phục thể hiện những quan niệm sống, phản ánh quá trình lao động sáng tạo của người Lô Lô và ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, hạnh phúc lứa đôi. Trải qua thời gian, nghề thêu dệt truyền tống và nghệ thuật trang trí bị mai một. Để phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch, xây dựng Lô Lô Chải thành làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng Nông thôn mới, các NNDG người Lô Lô đã khôi phục làng nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống. Hiện nay, toàn thôn có 28 hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay; du khách đến đây có thể trải nghiệm nghề thêu hoa văn trang trí trên trang phục cùng người dân dịa phương. “Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lô Lô đen” thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia tri thức dân gian nghề thủ công truyền thống.
Tại huyện Mèo Vạc, một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với nhiều nghề truyền thống như: Rèn, đúc nông cụ, dệt vải, khèn Mông, đan lát quẩy tấu và vật dụng gia đình, nghề mộc. Toàn huyện hiện có 18 Hội NNDG với trên 800 hội viên. Phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động, hàng năm Hội NNDG các địa phương thường xuyên mở các lớp dạy nghề truyền thống do các nghệ nhân đứng ra truyền dạy như: Kỹ thuật và nghệ thuật thêu hoa văn trên trang phục truyền thống dân tộc Lô Lô, tại thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc với 70 học viên tham gia; lớp thêu ren hoa văn dân tộc Mông tại thôn Sán Tớ với 30 học viên tham gia; lớp dạy làm khèn dân tộc Mông, nghề may trang phục truyền thống tại xã Sủng Máng. Sau khi được đào tạo nghề, các học viên nhận sản phẩm về nhà làm, thu nhập từ 2 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Tại Đồng Văn, huyện đã phối hợp với các Trung tâm học tập cộng đồng tổ chức truyền dạy nghề làm khèn Mông cho thế hệ trẻ; phối họp với các nhà trường đưa văn hoá truyền thống của các dân tộc vào truyền dạy trong các trường học, nhiều em học sinh đã có thể chế tác được khèn Mông và biểu diễn thành thục trong các sự kiện văn hóa của địa phương.
Một số làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trước nguy cơ mai một cũng đang được các nghệ nhân dân gian phục dựng, duy trì và phát triển như: Nghề chạm Bạc của người Nùng ở Hoàng Su Phì; nghề làm giấy Bản của người Dao ở Bắc Quang; nghề làm hương trầm của người Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn; nghề dệt thổ cẩm của người Pà Thẻn ở Quang Bình hay nghề đan lát, làm các vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động sản xuất truyền thống của một số dân tộc khác. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 36 làng nghề được công nhận, trong đó có 7 làng nghề truyền thống với hàng nghìn NNDG am hiểu và nắm giữ bí quyết nghề. Các Hội NNDG huyện Đồng Văn mở trên 150 lớp truyền dạy nghề và văn hóa dân gian cho gần 3.000 học sinh tham gia; huyện Hoàng Su Phì tổ chức mở các lớp ngoại khóa trong các trường học để truyền dạy nghề cho trên 300 học sinh; huyện Quang Bình mở 9 lớp cho 180 người học nghề truyền thống; huyện Mèo Vạc tổ chức đưa văn hóa vào trường học được 1.950 buổi, tổ chức 29 lớp múa Khèn, dệt lanh, may, thêu thổ cẩm, đan quẩy tấu; huyện Quản Bạ mở các lớp truyền dạy các bài hát dân ca, điệu múa dân gian và nghề truyền thống các dân tộc cho 1.500 lượt học sinh.
Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7.7.2022 của Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030” nêu rõ quan điểm: Việc bảo tồn và phát triển làng nghề có vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân. Bảo tồn các giá trị văn hóa làng nghề gắn với phát triển kinh tế du lịch để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, khơi dậy tiềm năng, lợi thế, giá trị truyền thống mang dấu ấn, thương hiệu của địa phương gắn với việc phong tặng, tôn vinh và phát triển đội ngũ các nghệ nhân, thợ giỏi. Cụ thể hóa các mục tiêu của chương trình, một trong những giải pháp đầu tiên được xác định là phát huy vai trò của nghệ nhân, thợ giỏi, trong đó tập trung duy trì và phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, tạo nòng cốt thúc đẩy công tác đào tạo, truyền nghề, thực hành nghề thủ công truyền thống, lan tỏa các giá trị của di sản văn hóa nghề truyền thống trong cộng đồng; phong tặng, tôn vinh các danh hiệu thợ giỏi, nghệ nhân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân.
Tỉnh Hà Giang xác định, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các làng nghề truyền thống là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; trong đó tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả mô hình Hội NNDG trên cả 3 lĩnh vực: Tín ngưỡng dân gian, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm và dạy nghề truyền thống với nhiều chính sách đặc thù, thu hút đông đảo NNDG tham gia.
Kỳ cuối - Còn đó những việc cần làm
Bằng sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và hiệu quả hoạt động của Hội Nghệ nhân dân gian (NNDG) đã tạo ra “làn gió mới” trong xây dựng nếp sống văn minh, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Tuy nhiên, vẫn còn không ít rào cản cần tháo gỡ để hoạt động của Hội NNDG phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, nguồn lực nội sinh, động lực đột phá trong phát triển KT-XH.
Nhận diện “nút thắt”
Hội NNDG xã Phố Cáo (Đồng Văn) có tổng số 69 hội viên. Hàng năm, Hội được hỗ trợ 10 triệu đồng theo Nghị quyết 56, ngày 3.12.2021 của HĐND tỉnh quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022. Trong tổng số 10 triệu được cấp, Hội chi 3 triệu đồng cho hoạt động sơ kết, 3 triệu đồng cho hoạt động tổng kết, 4 triệu đồng còn lại chi công tác khen thưởng cho các hội viên tiêu biểu, chi văn phòng phẩm.
Chủ tịch Hội NNDG xã Phố Cáo Vàng Chá Thào trăn trở: Mặc dù không có tiền trợ cấp nhưng chúng tôi đã khắc phục khó khăn, tích cực tham gia các hoạt động truyền dạy khèn Mông, các làn điệu dân ca, hát, phục dựng lễ vào nhà mới, lễ đặt tên của đồng bào dân tộc Mông, sưu tầm các hiện vật… Những việc làm đó đều xuất phát từ tinh thần, trách nhiệm với đồng bào, dân tộc mình nhưng về lâu dài thì Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng cho các hội viên Hội NNDG để nâng cao chất lượng hoạt động.
Chung niềm trăn trở, NNDG Triệu Chòi Quyên, thôn Chiến Thắng, xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) chia sẻ: Các hội viên Hội NNDG là những người nòng cốt, đóng vai trò chính trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, xứng đáng được Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi hiện nay là Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương tăng nguồn kinh phí hoạt động cho các Hội NNDG, kinh phí hỗ trợ hàng tháng cho các hội viên; hàng năm được đi tập huấn, học tập kinh nghiệm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc tại các huyện, tỉnh bạn để có thêm kinh nghiệm, kiến thức trong phục dựng, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc…
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nguyễn Thị Hoài cho rằng: Với các NNDG, câu chuyện không phải là trao bằng vinh danh, trợ cấp tiền cho họ hàng tháng mà quan trọng là sau khi được phong tặng, các nghệ nhân sẽ sống như thế nào, hoạt động, cống hiến ra sao. Thực tế những năm qua chính sách của Nhà nước trong bảo vệ di sản văn hóa chưa tác động nhiều đến các nghệ nhân, những người nắm giữ tinh thần cho di sản. Vì vậy, cần phải có chính sách bảo đảm cuộc sống, duy trì sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe để họ có thể cống hiến cho cộng đồng; phát huy các tri thức đang nắm giữ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Theo đồng chí Trần Mạnh Lợi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy: Hoạt động Hội NNDG được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo, góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, xóa bỏ dần các phong tục, tập quán lạc hậu; nhận thức của nhân dân từng bước được nâng lên, nhất là ý thức tự giác thực hiện tốt các quy ước, hương ước của thôn, xóm, khu dân cư… Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động Hội NNDG còn bộc lộ hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn chưa quan tâm đến vai trò, vị trí của Hội NNDG; việc kết nạp hội viên mới còn dàn trải nên chưa phát huy hết được vai trò, hiệu quả hoạt động chưa cao; kinh phí hỗ trợ cho hoạt động Hội còn quá thấp, các hội viên không có tiền phụ cấp; một số tổ chức Hội chưa có quy định, quy chế hoạt động riêng cho từng lĩnh vực, nhất là lĩnh vực tín ngưỡng dân gian…
Đồng bộ giải pháp tháo gỡ
Quan điểm, chủ trương của tỉnh là tiếp tục nhân rộng mô hình Hội NNDG trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, tập trung phát huy vai trò của các NNDG để bài trừ hủ tục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của từng dân tộc gắn với xây dựng Nông thôn mới, xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng, phát triển làng nghề. Việc thành lập các Hội NNDG ở địa phương phải được khảo sát kỹ, phát huy vai trò của Hội theo hướng tích cực, các bước thành lập và hoạt động phải tuân theo quy định của pháp luật; coi trọng chất lượng, kinh nghiệm và trách nhiệm của người đứng đầu Hội và các nghệ nhân. Các địa phương quan tâm phát huy những cách làm hay, sáng tạo ở cơ sở; có cơ chế đặc thù để thu hút, khuyến khích của nghệ nhân tham gia hoạt động Hội. Xây dựng đề tài, đề án bảo tồn, gìn giữ và phát triển các loại hình văn hóa dân gian, làng nghề truyền thống.
Nghệ nhân Hoàng Văn Sơn, dân tộc Giáy, xã Đông Minh (Yên Minh) trăn trở: Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là việc làm thường xuyên, lâu dài, nhiều nội dung; trong khi đó, không ít nghệ nhân được tôn vinh tuổi đã cao, sức khỏe yếu, địa bàn hoạt động rộng, giao thông đi lại khó khăn, nhiều nét văn hóa có nguy cơ mai một. Vì vậy, việc bảo tồn văn hóa truyền thống rất cần sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Từ 1.8.2023, theo Nghị quyết số 14, ngày 15.7.2023 của HĐND tỉnh, các danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú do Chủ tịch nước trao tặng hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể sẽ được hỗ trợ kinh phí, với định mức 1,2 triệu đồng/người/tháng đối với Nghệ nhân nhân dân và 1 triệu đồng/người/tháng đối với Nghệ nhân ưu tú. Sự hỗ trợ này là động lực để các nghệ nhân tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Theo Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh: “NNDG vừa là chủ thể lưu giữ bản sắc văn hóa đồng thời họ cũng là địa chỉ khu trú hủ tục nên khi phát huy được vai trò của NNDG sẽ cải tạo, thay thế và bảo tồn được bản sắc văn hóa dân tộc. Đối với tỉnh Hà Giang, tôi đánh giá rất cao hoạt động của Hội NNDG. Đặc biệt, cấp ủy tỉnh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động để gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; trong đó, phát huy mạnh mẽ vai trò của Hội NNDG, nhất là bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Kết quả đạt được đã chứng minh vai trò hoạt động của Hội NNDG là giải pháp vừa trước mắt vừa lâu dài, là cách làm, kinh nghiệm rất hay của Hà Giang để các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số còn hủ tục học tập, tổ chức thực hiện trong thời gian tới”.
Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người hoàn thiện về nhân cách, đạo đức, lối sống, có trách nhiệm với xã hội và từng bước xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, xây dựng con người mới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo, triển khai Kế hoạch số 79-KH/TU ngày 4.5.2021 của BTV Tỉnh ủy về triển khai hoạt động mô hình Hội NNDG giai đoạn 2021 – 2025; tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở trong công tác quản lý, hướng dẫn hoạt động Hội NNDG; triển khai hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 1.5.2022 của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, trong đó lấy người có uy tín, trưởng dòng họ, cán bộ, đảng viên làm nòng cốt. Thường xuyên sưu tầm các di sản văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các hội viên Hội NNDG phổ biến và truyền dạy di sản văn hóa giúp cho thế hệ trẻ, giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là giáo dục kỹ năng sống và truyền dạy văn hóa truyền thống cho học sinh, sinh viên trên địa bàn. Khuyến khích, khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống gắn với tăng trưởng kinh tế, phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng Nông thôn mới…
Những hủ tục được đẩy lùi, cuộc sống mới đang về trên những bản làng lưng chừng núi. Hình ảnh những NNDG miệt mài gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc như cây Sa mộc trên Cao nguyên đá, trở thành điểm tựa vững chắc trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả Nghị quyết T.Ư 5, khóa VIII của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu. Đây cũng là tiền đề, động lực quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra.