Loạt bài “Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ở Tây Nam bộ” của nhóm PV Báo Cần Thơ Khmer ngữ đăng trên Báo Cần Thơ đã đoạt Giải Khuyến khích - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ VI - năm 2021. Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Sinh thời Bác Hồ đã dạy “Muôn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém”. Đối với vùng đồng bào DTTS, vai trò của cán bộ người DTTS càng quan trọng.
|
ĐBSCL có trên 1,5 triệu đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm khoảng 6,8% dân số toàn vùng. Vì thế, các địa phương đặc biệt chú trọng việc phát huy và phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS. Tuy vậy, kết quả thực hiện chính sách này cũng còn một số hạn chế, bất cập cần có giải pháp khắc phục để đội ngũ cán bộ người DTTS ngày càng lớn mạnh, góp phần phát triển vùng đồng bào dân tộc.
Sợi dây liên kết…
Đại hội Chi bộ ấp Phù Ly 2 lần thứ IV, nhiệm kỳ 2019-2022. Ảnh: LY GIANG.
Ông Sơn Phước Hoan, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, từng ví von: Cán bộ là người đem chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Vậy nên, cán bộ dân tộc chính là sợi dây liên kết giữa đồng bào dân tộc với Đảng, với chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở, một cách hiệu quả nhất.
Anh Sơn Sà Ranh hiện là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Anh đã từng kinh qua nhiều vị trí, công việc khác nhau: Bí thư Xã đoàn Phú Mỹ, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Phú Mỹ, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Long Phú… Vì thế, anh am hiểu khá tường tận chủ trương, chính sách, nhất là chính sách dành cho vùng đồng bào dân tộc. Anh Sà Ranh chia sẻ: “Tôi luôn chú trọng quy hoạch, phát triển và đào tạo những cán bộ trẻ, nhất cán bộ người Khmer có năng lực, nhiệt tình trong công việc. Cán bộ người dân tộc sẽ có ưu thế hơn trong việc tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, tình cảm của đồng bào DTTS để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách hiệu quả”.
Nói về anh Sà Ranh, Đại đức Liêu Huyền, Trụ trì chùa Bưng Cốc, kể rằng hằng tháng, hằng quý, vào những ngày rằm và 30 âm lịch, anh Ranh thường kết hợp với sư sãi và Ban Quản trị chùa thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của xã và các chương trình, dự án đầu tư để bà con phật tử hiểu về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. “Nhất là khi xã tổ chức họp dân triển khai chủ trương, hay nói chuyện với người dân về phòng, chống dịch COVID - 19, Sà Ranh trực tiếp đến giảng giải bằng tiếng Việt, rồi tiếng Khmer nên dân rất dễ hiểu. Từ đó, khi vận động dân hiến đất xây dựng đường nông thôn, trường học, lắp đèn đường năng lượng mặt trời, camera an ninh, đến việc thực hiện 5K, “ai ở đâu ở yên đấy” để phòng, chống dịch… người dân rất đồng tình thực hiện” - Đại đức Liêu Huyền nói.
Xã Long Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh có đến 83% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Ông Kim Bảy Ly, Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: “Tôi được sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Long Hiệp. Vì thế, tôi rất sợ cái nghèo đeo bám, nhất là trong đồng bào dân tộc…”. Với suy nghĩ đó, ông Ly thường xuyên đến gặp gỡ, tìm hiểu đời sống của từng gia đình, lập danh sách hộ nghèo để tìm cách giúp đỡ bà con phát triển kinh tế. “Bà con dân tộc Khmer còn hạn chế trình độ học vấn, kể cả trình độ tiếng Khmer. Mỗi lần đến các ấp tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoặc tiếp xúc cử tri, chúng tôi đều sử dụng hai thứ tiếng Việt - Khmer để bà con dễ hiểu và thực hiện. Sau đó, mình phải lắng nghe bà con, tạo điều kiện cho bà con có việc làm ổn định” - ông Kim Bảy Ly chia sẻ. Ông Kim Phước, người có uy tín trong đồng bào Khmer, cho biết: “Chủ tịch xã là cán bộ lo cho dân. Khi dân có việc cần, Chủ tịch xã cố gắng giải quyết, giúp đỡ. Chú Bảy Ly chính là hình mẫu Chủ tịch xã mà bà con Khmer quý mến”.
Nói về việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS cho vùng có đông đồng bào DTTS, ông Sa Vu Thy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lê Trì, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, chia sẻ: Hơn ai hết, cán bộ người dân tộc biết tiếng, am hiểu phong tục, tập quán của dân tộc mình. Từ đó, cán bộ mới hiểu được xuất phát điểm của người dân là gì, người dân có khó khăn gì, cần hỗ trợ như thế nào…
… Phát triển vùng đồng bào DTTS
Với sự đóng góp của đội ngũ cán bộ người DTTS trog công tác vận động nhân dân, hạ tầng vùng đồng bào DTTS ở Tây Nam bộ ngày càng phát triển. Trong ảnh: Một góc giao thông nông thôn ở xã Lê Trì, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ảnh: THANH LONG
Theo ông Nguyễn Văn Mễ, Bí thư Đảng ủy xã Đông Bình, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, Phù Ly 2 là ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống của xã Đông Bình. Do đó, Đảng ủy xã xác định cần phải xây dựng hệ thống chính trị tại ấp thật vững chắc dựa trên số đảng viên dân tộc Khmer. Chi bộ ấp Phù Ly 2 hiện có 19 đảng viên, trong đó có 10 đảng viên người dân tộc Khmer. Chi ủy hiện có 3 đồng chí và cả 3 đồng chí đều là người Khmer. Ấp Phù Ly 2 cũng là nơi tổ chức đại hội điểm Đại hội Chi bộ lần thứ IV, nhiệm kỳ 2019-2022 của xã Đông Bình. Ông Nguyễn Văn Mễ cho biết: “Việc chọn Chi bộ ấp Phù Ly 2 để tổ chức đại hội điểm xuất phát từ những thành tích mà Chi ủy nhiệm kỳ trước đã đạt được. Chi bộ đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án đặc thù của Nhà nước dành cho các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn. Từ đó, góp phần xây dựng xã Đông Bình được công nhận xã nông thôn mới”.
Bà Thạch Thị Thủy, Phó Bí thư Chi bộ ấp Phù Ly 2, chia sẻ: “Xác định kiện toàn bộ máy hoạt động của Chi bộ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhiệm kỳ trước, chúng tôi đã kịp thời đề nghị thay 1 đồng chí công an viên, 1 đồng chí hội người cao tuổi, 1 đồng chí hội cựu chiến binh và thay đổi 3 tổ nhân dân tự quản. Nhờ vậy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể hoạt động rất đều tay và luôn đạt hiệu quả”. Chi bộ đã vận động hiệu quả nhân dân tham gia các hội đoàn thể, góp phần thực hiện hoàn thành chỉ tiêu về nhà ở, dạy nghề để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Từ sự vận động của Chi bộ, 98% hộ dân tham gia và đạt chuẩn gia đình văn hóa. Dọc các tuyến đường đan trong ấp đều được trồng hoa hoàng yến, tạo nên tuyến đường đẹp, cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp… Chi bộ còn tuyên truyền, vận động người dân sử dụng hiệu quả các hỗ trợ của Nhà nước để phát triển kinh tế, nên toàn ấp hiện chỉ còn 6 hộ nghèo. Theo ông Mễ, xuất phát điểm của Phù Ly 2 là ấp khó khăn và nguyên nhân để ấp phát triển như vậy là nhờ vào lực lượng cán bộ ấp là người DTTS số đã hoạt động rất hiệu quả, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc.
Đó chỉ là một minh chứng sinh động trong việc xây dựng lực lượng cán bộ cơ sở đủ mạnh để phát triển vùng đồng bào DTTS. Theo Ủy ban Dân tộc, giai đoạn 2016-2020, vùng Tây Nam bộ có 10 xã và 110 ấp hoàn thành mục tiêu Chương trình 135; giai đoạn này, hằng năm có 13.000 hộ DTTS thoát nghèo… Kết quả này, theo như ông Men Pholly, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang, đúc kết: Những nơi cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể cùng đoàn kết, nhận thức đúng nội dung, ý nghĩa quan trọng của các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc nói chung, chính sách đối với cán bộ người DTTS nói riêng, nơi đó thực hiện công tác dân tộc đạt hiệu quả. Hay nói cách khác, chính năng lực công tác của cán bộ, nhất là cán bộ người DTTS là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong việc đưa chính sách dân tộc đến gần hơn với cuộc sống đồng bào.
* * *
Với vai trò quan trọng là sợi dây liên kết, là người trực tiếp đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với vùng đồng bào DTTS, từng bước góp phần phát triển vùng đồng bào DTTS nên việc phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.
Bài 2: Thuận từ chủ trương, kết quả khả quan từ thực tiễn
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 14,7% dân số. Do vậy, trong quá trình phát triển, Ðảng ta đã dày công xây dựng, đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ DTTS. Công tác này được các địa phương vùng ÐBSCL đặc biệt quan tâm. Số lượng, chất lượng đảng viên và cán bộ, công chức, viên chức người DTTS ngày càng được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS.
Ông Lâm Văn Mẫn (bìa trái), Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nhiệm kỳ 2020-2025, thăm và động viên lực lượng trực chốt phòng, chống dịch COVID-19 tại huyện Châu Thành. Ảnh: LÝ THEN
Thuận từ chủ trương…
Nguyên là Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, ông Sơn Phước Hoan có nhiều đóng góp trong xây dựng, thực hiện chính sách cho vùng đồng bào DTTS, trong đó có việc phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS. Ông Sơn Phước Hoan chia sẻ: Từng giai đoạn cách mạng, Ðảng và Nhà nước ta đều có chủ trương, chính sách xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS. Ðiển hình như, ngày 12-3-2003, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc, chủ trương thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người DTTS cho từng vùng, từng dân tộc. Ngày 14-1-2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2011/NÐ-CP về công tác dân tộc. Ðiều 11 của Nghị định này quy định: Cán bộ người DTTS có năng lực và đủ tiêu chuẩn phù hợp quy định của pháp luật, được bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ chủ chốt, cán bộ quản lý các cấp. Ở các địa phương vùng DTTS, nhất thiết phải có cán bộ chủ chốt người DTTS. Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng đội ngũ cán bộ người DTTS. Tại Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30-10-2019, của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, tiếp tục khẳng định: “Tăng cường phát triển đảng viên là người DTTS và khắc phục tình trạng không có tổ chức đảng và đảng viên ở các thôn, bản, nhất là đảng viên là người DTTS ở những vùng trọng điểm, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới… Tập trung phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS… Chú trọng phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ là người DTTS…”.
Từ các chủ trương lớn của Ðảng, Chính phủ cũng đã xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức người DTTS, như: Nghị quyết số 52/NQ-CP về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định 402/QÐ-TTg về Ðề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới…
Riêng vùng Tây Nam bộ, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 68-CT/TW, ngày 18-4-1991, về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer và Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 10-1-2018, về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới. Ở cả 2 chỉ thị, Ban Bí thư đều yêu cầu các địa phương thực hiện tốt công tác cán bộ trong hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc Khmer. “Có thể nói, Chỉ thị 68-CT/TW, Chỉ thị số 19-CT/TW và các quy định của Trung ương đã được các địa phương vùng Tây Nam bộ cụ thể hóa và triển khai thực hiện khá phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Qua đó, công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS, nhất là cán bộ Khmer ở vùng Tây Nam bộ đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ” - ông Sơn Phước Hoan cho biết.
Tăng cả về số lượng lẫn chất lượng
Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống, toàn tỉnh hiện có trên 361.000 người Khmer, chiếm trên 30% dân số, có 63/109 đơn vị xã, phường, thị trấn có đông đồng bào Khmer. Trên cơ sở các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Trung ương về công tác cán bộ, công tác dân tộc và chính sách dân tộc, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cụ thể hóa thành các nghị quyết, chuyên đề, kết luận, kế hoạch, đề án sát hợp với vùng đồng bào Khmer. “Nhờ đó, việc quy hoạch tạo nguồn, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ người Khmer có nhiều chuyển biến về nội dung và phương pháp, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ người Khmer trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng. Toàn tỉnh có trên 350 cán bộ người dân tộc Khmer tham gia cấp ủy các cấp; trong đó, cấp ủy tỉnh có 8/51 đồng chí, tỷ lệ 15,68%; cấp ủy cấp huyện có 35/511 đồng chí, tỷ lệ 6,85% và cấp uỷ cơ sở có 307/3.413 đồng chí, tỷ lệ 8,99%; có 159/775 đồng chí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ban nhân dân ấp, khóm là người dân tộc Khmer” - ông Lâm Tiến Thạch, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng, thông tin.
Cán bộ cơ sở ở Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long gần gũi với cơ sở (Ảnh chụp khi dịch COVID-19 chưa bùng phát). Ảnh: LY GIANG
Ngày 14-3-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 402/QÐ/TTg phê duyệt Ðề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới. Trước đó, ngày 9-9-2011, Tỉnh ủy Trà Vinh có Nghị quyết số 03 NQ/TU về phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2011-2015. Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 03 NQ/TU, ngày 7-6-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh có Kế hoạch số 18-KH/TU về tạo nguồn cán bộ nữ, cán bộ dân tộc giữ chức danh lãnh đạo quản lý các cấp trong tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo. “Với quyết tâm chính trị cao, tinh thần trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện, đến nay, tỉnh Trà Vinh đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ trong phát triển đội ngũ cán bộ DTTS. Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 140 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Khmer, chiếm 17,7% trong tổng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh được cử đi đào tạo đại học, sau đại học; 3.330 cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc Khmer, chiếm 13,15% trong tổng số cán bộ công chức, viên chức của tỉnh được cử đi bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước. Tỉnh cũng triển khai chính sách thu hút, trọng dụng, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS. Theo đó, tỉnh tiếp nhận 62 sinh viên người dân tộc Khmer có trình độ đại học công tác ở xã, phường, thị trấn và hợp tác xã nông nghiệp. Tỉnh cũng thu hút được 26 ứng viên là người DTTS tham gia thực hiện đề án Thu hút bác sĩ về công tác trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2013-2020” - ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết.
Theo thống kê chưa đầy đủ từ Vụ Ðịa phương III, Ủy ban Dân tộc, năm 2019, trên địa bàn 8 tỉnh (An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long) và TP Cần Thơ có gần 24.600 đảng viên là người DTTS; trên 17.500 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS. Hiện nay, có 20 cán bộ đảng viên người DTTS tham gia ban chấp hành tỉnh ủy; trong đó có 1 đảng viên Khmer là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Ðảng khóa XIII, 5 đồng chí tham gia ban thường vụ tỉnh ủy. Trong đó, 1 đồng chí là Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, 1 đồng chí là Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh. Trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố nêu trên có 10 đại biểu là người DTTS trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV; có 44 đại biểu người DTTS trúng cử HÐND cấp tỉnh. Ông Tào Việt Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Ðịa phương III, nhận định: Số lượng, chất lượng đảng viên và cán bộ, công chức, viên chức DTTS ở các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống trong vùng ÐBSCL ngày càng nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS.
Bài 3: Cán bộ dân tộc thiểu số vẫn còn thiếu so với yêu cầu thực tiễn
Mặc dù việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) đã đạt được một số kết quả khả quan, song, nhiều địa phương có đông đồng bào DTTS, nhất là cấp cơ sở ở vùng Tây Nam bộ, đội ngũ cán bộ DTTS vẫn còn thiếu so với yêu cầu thực tiễn.
“Khan hiếm” cán bộ chủ chốt
Xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, có trên 54% dân số là đồng bào dân tộc Khmer nhưng nhiều năm nay, xã luôn “khan hiếm” cán bộ người dân tộc Khmer cơ cấu vào cấp ủy và lãnh đạo chủ chốt. Ông Trần Ngọc Diệp, Bí thư Ðảng ủy xã Thạnh Quới, cho biết: Khó khăn nhất của xã là không có cán bộ người Khmer có đủ trình độ học vấn, chuyên môn. Ða số cán bộ quy hoạch có nguồn từ ấp, nhưng xét về trình độ thì không đạt chuẩn, tối thiểu là trình độ 9/12. Xã đã tập trung quy hoạch, đưa đi đào tạo để cơ cấu vào cấp ủy nhưng sau khi được đào tạo, nhiều cán bộ còn hạn chế về năng lực trong quá trình công tác”.
Cán bộ xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, kiểm tra tuyến đường giao thông nông thôn (Ảnh chụp khi dịch COVID-19 chưa bùng phát). Ảnh: Lý Then
Vấn đề này, ông Mai Thanh Cầu, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Người có trình độ đại học ít khi về xã công tác do thu nhập thấp và kiêm nhiệm quá nhiều công việc. Vì vậy, thời gian qua, nguồn quy hoạch của xã là từ các ấp nhưng khi được quy hoạch, đào tạo đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị thì nhiều trường hợp do hoàn cảnh kinh tế gia đình, xin nghỉ việc để đi làm ăn xa. Tôi tha thiết đề nghị Ðảng, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách thu hút cán bộ người Khmer sau khi tốt nghiệp đại học về công tác ở xã. Có như thế thì mới hy vọng có cán bộ người Khmer đạt chuẩn chuyên môn, có năng lực, công tác tại địa phương”.
Xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh có trên 62% dân số là đồng bào dân tộc Khmer nhưng đa số cán bộ xã là người dân tộc Kinh, nên việc trao đổi, giao tiếp tiếng Khmer còn hạn chế. Vì vậy, xã cũng gặp khó khăn trong công tác triển khai, tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như giải quyết các thủ tục hành chính cho đồng bào dân tộc Khmer. “Lãnh đạo xã trực tiếp trao đổi với Sư cả, ban quản trị chùa và người có uy tín các ấp để hỗ trợ xã triển khai, tuyên truyền, vận động nhân các dịp lễ, Tết, các buổi thuyết pháp, cầu an. Ngoài ra, xã còn được Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ tuyên truyền tập trung định kỳ theo kế hoạch,… Nhưng đó chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài, cần phải quy hoạch, đào tạo cán bộ người DTTS đủ trình độ về chuyên môn và đủ năng lực về nghiệp vụ” - ông Bùi Trường An, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Cần, chia sẻ.
Thiếu lực lượng kế thừa
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm cán bộ người DTTS, nhất là cán bộ cơ sở là do thiếu lực lượng kế thừa. Ðiển hình như Trà Côn - một trong hai xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Côn, xã có 789 hộ Khmer, chiếm trên 15% dân số toàn xã. Nhờ thực hiện nhiều chương trình dự án dành cho đồng bào DTTS của Nhà nước, nên đời sống người dân thay đổi so với trước đây. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của huyện, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer vẫn còn khó khăn. Một trong những nguyên nhân là do thiếu nguồn nhân lực DTTS để làm công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán, thói quen cũ để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Ông Thạch Việt, Bí thư, Trưởng ấp Ngãi Lộ A, xã Trà Côn, cho biết: “Hiện nay, trong ấp chỉ có người lớn tuổi tham gia phụ trách đoàn thể của địa phương. Thanh niên trẻ người dân tộc hầu như không tham gia các hoạt động tại cơ sở. Nguyên nhân là sau khi tốt nghiệp THPT, các cháu đã vào học đại học hoặc đi làm công nhân ở xa. Nếu tiếp tục học cao hơn, sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng, hầu như thanh niên trong ấp không về địa phương công tác. Chúng tôi luôn gặp khó trong việc chuẩn bị nhân lực kế thừa hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác”.
TP Cần Thơ có 25 DTTS sinh sống với trên 8.818 hộ, với 31.303 người, chiếm tỷ lệ khoảng 2,52% tổng dân số của thành phố. Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, số lượng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS còn thiếu, chưa đạt so với chỉ tiêu và chưa đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa các địa phương trong thành phố; chưa tương xứng với cơ cấu dân tộc do đồng bào DTTS số sống đan xen, số lượng đông DTTS so với dân số chung còn thấp. “Nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương ở một số nơi về chính sách cán bộ dân tộc chưa thật sự quan tâm đúng mức, còn mang tính chủ quan, chưa thấy rõ tầm quan trọng của công tác cán bộ dân tộc. Cán bộ, công chức, viên chức người DTTS có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để giới thiệu quy hoạch, bổ nhiệm còn thiếu về nguồn và đội ngũ kế thừa. Công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tại cơ quan, đơn vị còn mang tính chủ quan, chưa định hướng chuyên ngành đào tạo và cơ sở đào tạo, dẫn đến một số cơ quan, đơn vị chưa hoàn thành chỉ tiêu theo quy định. Ngoài ra, đa số cán bộ, công chức, viên chức người DTTS là viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Cán bộ, công chức, viên chức người DTTS làm công tác chuyên môn ở các cơ quan, nhà nước còn hạn chế, đặc biệt chỉ có cán bộ người DTTS ở cấp xã. Số lượng đã ít, nhưng trình độ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS còn hạn chế, có 90 trường hợp có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở xuống, chiếm 15,2% trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức người DTTS” - ông Trần Việt Trường phân tích.
Theo ông Thạch Dương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long, toàn tỉnh hiện có trên 600 cán bộ là người DTTS. Tuy nhiên, cán bộ giữ các vị trí chủ chốt không nhiều. Vì vậy, việc xây dựng cán bộ nòng cốt các cấp là người DTTS hoặc tâm huyết với công tác dân tộc là thực sự cần thiết. Cùng quan điểm này, ông Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, thông tin, dù tỉnh Kiên Giang có đông đồng bào DTTS sinh sống, nhưng số lượng cán bộ người DTTS nòng cốt cấp huyện, tỉnh hiện nay rất ít. Nguyên nhân là thiếu nguồn nhân lực có chất lượng để bổ nhiệm các vị trí quan trọng.
Chị Lý Thị Tú Trinh - cán bộ trẻ người dân tộc Khmer, được chăm bồi, hiện giữ vị trí Chủ tịch Hội LHPN phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP Cần Thơ (Ảnh chụp khi dịch COVID-19 chưa bùng phát). Ảnh: Ly Giang
Ngoài những nguyên nhân trên, nhiều ý kiến cho rằng, công tác cán bộ người DTTS cũng còn một số hạn chế, khó khăn khác. Ông Sơn Phước Hoan, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cho rằng: “Nhiều nơi chưa định lượng trong chính sách ưu tiên tuyển dụng cán bộ người DTTS gắn với tiêu chí cụ thể; chưa quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ…”. Mặt khác, chính sách đào tạo, tuyển dụng và sử dụng cán bộ người DTTS không theo kịp thực tế dẫn đến tình trạng nhiều người DTTS đã qua đào tạo trình độ cao đẳng, đại học chưa có việc làm trong cơ quan nhà nước. Cơ chế ưu tiên trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ cán bộ DTTS chưa có tiêu chí rõ ràng, chưa lượng hóa thành chỉ tiêu cụ thể. Ðào tạo chưa gắn với tuyển dụng, dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu đội ngũ cán bộ chuyên môn, cán bộ tại chỗ. Vẫn còn cơ chế cạnh tranh chung trong thi tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức, thi nâng ngạch bậc, cả trong ứng cử, bầu cử vào cấp ủy và cơ quan dân cử… chưa tách ra thành cơ chế cạnh tranh chỉ tiêu riêng cho ứng viên là người DTTS trong từng chỉ tiêu cụ thể.
Tất cả những vấn đề trên cần có giải pháp để phát triển và nâng tầm đội ngũ cán bộ DTTS phù hợp với tình hình mới.
Bài cuối: Lượng hóa chính sách phù hợp
Chính sách công tác cán bộ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thời gian qua đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc thực hiện quyền bình đẳng của các dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững sự ổn định an ninh chính trị. Tuy nhiên, trên nền tảng của các thể chế đã được xây dựng, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới phát triển đất nước, chính sách này cần có những thay đổi căn cơ để phát triển vùng đồng bào dân tộc.
Vận dụng linh hoạt những thể chế sẵn có
Trao giấy chứng nhận cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Sóc Trăng hoàn thành lớp đào tạo tiếng Khmer. Ảnh: Lý Then
Để phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng cán bộ là người DTTS trong thời gian tới, quan điểm chủ trương của Đảng đã được thể chế khá toàn diện qua các kết luận, chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… Vấn đề còn lại là việc triển khai thực hiện của các địa phương. Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Trà Vinh tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn thể xã hội về vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ người DTTS ở nơi có đông đồng bào DTTS. Trà Vinh sẽ đánh giá một cách khách quan đội ngũ cán bộ người DTTS hiện có để xác định các chủ trương, giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài”.
Ông Sơn Phước Hoan, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cho rằng: Giải pháp nâng cao nhận thức về vấn đề dân tộc và vai trò lãnh đạo của Đảng trong thực thi chính sách xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS cần được xem là nhân tố có tính quyết định. Các giải pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển, đãi ngộ, đề bạt, cất nhắc và các hoạt động nghiệp vụ thường xuyên gắn với việc đôn đốc, kiểm tra, đánh giá cụ thể cần được chú trọng đúng mức. Các địa phương cần rà soát, cập nhật văn bản chỉ đạo hiện hành để cụ thể hóa chỉ tiêu, tiêu chí, tỷ lệ, loại hình hoạt động sát với yêu cầu thực tế của địa phương. Thống kê, cập nhật đội ngũ cán bộ người DTTS từng cấp, lĩnh vực, địa bàn cụ thể để có cơ sở điều chỉnh, bổ sung, tăng cường, luân chuyển và xây dựng các kế hoạch tuyển dụng, sử dụng, đào tạo bồi dưỡng, đề bạt cất nhắc cho phù hợp với quy định chung và thực tế của địa phương.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần tiếp tục đúc kết, rút kinh nghiệm và phát huy những kết quả đã đạt được trong phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS. Đó là phát huy vai trò, trách nhiệm và tinh thần mẫu mực của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong thực thi chính sách xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ DTTS. Bố trí cơ cấu hợp lý, quy hoạch đội ngũ cán bộ đúng tầm, chọn được người có đức, có tài là cán bộ DTTS trong hệ thống chính trị các cấp. Đặc biệt, trong xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS, cần chú trọng việc thể chế hóa chủ trương thành chính sách khả thi, có tiêu chí cụ thể gắn với trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Hằng năm, cần dành phần ngân sách, tỷ lệ biên chế nhất định để đưa cán bộ người DTTS đi đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng sau đào tạo. Đặc biệt là có giải pháp phù hợp để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo động lực phấn đấu vươn lên, thu hút người có tài vào các cơ quan của hệ thống chính trị, góp phần nâng cao chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ người DTTS.
Xây dựng đội ngũ kế thừa một cách bài bản, căn cơ
Trường THPT Dân tộc nội trú Huỳnh Cương, tỉnh Sóc Trăng, là nơi tạo nguồn cán bộ Khmer cho tỉnh. Ảnh: Lý Then
Xây dựng đội ngũ kế thừa là bài toán khá nan giải của nhiều địa phương trong thực hiện chính sách công tác cán bộ người DTTS. Thời gian qua, hệ thống trường lớp vùng đồng bào dân tộc không ngừng được mở rộng, xây dựng kiên cố và hiện đại từ mầm non đến phổ thông. Đặc biệt, ở vùng có đông đồng bào DTTS đều có trường phổ thông dân tộc nội trú, đảm bảo chăm lo việc ăn ở, học hành của học sinh dân tộc. Sau tốt nghiệp THPT, học sinh DTTS có thể tiếp tục học ở bậc học cao hơn tại tất cả các trường đại học, cao đẳng trong vùng. Riêng Trường Đại học Cần Thơ và Trường Đại học Trà Vinh còn có những ưu đãi đặc thù, các ngành học riêng dành cho sinh viên DTTS. Ông Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng, cho biết: Sóc Trăng đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống các trường dân tộc nội trú phủ khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Hằng năm, các huyện đều có văn bản gửi đến UBND tỉnh để tuyển sinh nhằm đào tạo nguồn cán bộ Khmer ở Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh đã thống nhất Đề án đầu tư khu V - Trường Đại học Cần Thơ tại Sóc Trăng. Đây sẽ là nơi đào tạo nguồn cán bộ, nhất cán bộ người Khmer để cung cấp nguồn nhân lực cho tỉnh.
Theo quy định của Trung ương, đối với các xã, phường có trên 30% dân số là người dân tộc Khmer thì bố trí hợp lý cán bộ người Khmer vào cấp ủy, cán bộ chủ chốt. Ông Lâm Tiến Thạch, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng, cho biết: Để có đủ nguồn cán bộ, ngay từ đầu nhiệm kỳ, các địa phương cần chú trọng xây dựng đề án, phương án quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng và bố trí hợp lý. Hiện nay, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng tham mưu Tỉnh ủy Sóc Trăng nhiệm kỳ này, xây dựng Đề án đào tạo cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ người Khmer có đủ năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng để đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer. Khi Đề án được triển khai thực hiện, Sóc Trăng có thể đảm bảo đủ nguồn cán bộ đạt chuẩn theo quy định để cơ cấu, bố trí vào các cấp ủy, lãnh đạo chủ chốt ở các sở ban ngành, địa phương trong tỉnh.
Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, thành phố sẽ gắn công tác tuyển dụng với sử dụng có hiệu quả cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, nhất là đối với các vị trí lãnh đạo, quản lý. Thành phố đảm bảo các yêu cầu về cơ cấu làm cơ sở cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS theo quan điểm “vì công việc chọn người đào tạo chứ không vì người mà chọn nội dung đào tạo”.
Ông Men Pholly, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang, đề xuất: Nên chăng, các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống có chế độ ưu tiên hoặc đề ra chỉ tiêu cụ thể trong việc tuyển dụng hoặc tuyển công chức là người DTTS là dự nguồn cho cán bộ người DTTS sau này. Trên hết, Trung ương nên tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt cất nhắc đội ngũ cán bộ DTTS các cấp sao cho các quy định được cụ thể hóa, đào tạo gắn với sử dụng, chỉ tiêu được định lượng trong thi tuyển, cử tuyển, xét tuyển, đề cử, ứng cử bầu vào cấp ủy, cơ quan dân cử là người DTTS.
***
Đào tạo, bồi dưỡng, phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ người DTTS nói riêng là quá trình thường xuyên, liên tục. Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS cần có những thay đổi, điều chỉnh phù hợp, nhất là cần tạo môi trường, cơ hội để cán bộ DTTS vươn lên bởi sự hiểu biết và trách nhiệm của đội ngũ người DTTS là yếu tố cần thiết để thúc đẩy quá trình xây dựng năng lực nội sinh vùng đồng bào DTTS, cũng như hiệu quả của việc cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào và phát triển vùng đồng bào dân tộc một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Nhóm PV Báo Cần Thơ Khmer ngữ
Nhóm PV Báo Cần Thơ Khmer ngữ
Báo Cần Thơ