Tác phẩm đoạt giải

Khơi dậy lý tưởng cách mạng, khát vọng cống hiến của đảng viên trẻ -Vấn đề cần quan tâm
 

Bài 1. Thực trạng đảng viên trẻ xin ra khỏi Đảng

Trong những năm qua, nhất là từ Đại hội lần thứ XIII của Đảng đến nay, Đảng ta rất chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Công tác phát triển đảng viên mới được quan tâm thực hiện nhằm bảo đảm cho Đảng không ngừng phát triển, có sức sống mãnh liệt, đủ sức hoàn thành sứ mệnh lịch sử được giao. Tuyệt đại đa số những đảng viên mới được kết nạp đã rèn luyện, tu dưỡng giữ vững phẩm chất cách mạng của người đảng viên, nêu cao tinh thần tiền phong, gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng tổ chức đảng ngày càng trong sạch vững mạnh. Tuy nhiên, có một số đảng viên vì nhiều lý do đã ra khỏi hàng ngũ của Đảng, trong đó đáng chú ý là hiện tượng đảng viên mới được kết nạp xin ra khỏi Đảng. Điều này đặt ra vấn đề rất cần được các cấp ủy đảng quan tâm.

Ở Hà Nam, trong những năm qua, các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác phát triển Đảng, coi trọng việc kết nạp đảng viên, bảo đảm số lượng và chất lượng, lấy chất lượng làm chính. Tuy nhiên, từ năm 2020 - tháng 6/2023, số đảng viên bị khai trừ, xóa tên, xin ra khỏi Đảng có chiều hướng gia tăng. Có nhiều nguyên nhân, một trong số đó là hiện tượng “nhạt” Đảng, tập trung vào những đảng viên trẻ.

Những người “nhạt” Đảng

Kể lại chuyện một số đảng viên trẻ một mực xin ra khỏi Đảng như nhắc lại một “nỗi đau”, đồng chí Trịnh Thị Hà, Bí thư Đảng ủy phường Hoàng Đông, thị xã Duy Tiên cho biết: Tại Chi bộ tổ dân phố Bạch Xá, nơi tôi đang sinh hoạt đảng, từ năm 2019 đến nay, có 2 đảng viên xin ra khỏi Đảng. Cả hai là đảng viên được kết nạp đảng trong quân ngũ. Trường hợp thứ nhất là Lương Văn T., sinh năm 1992, đã được chuyển đảng chính thức sau khi xuất ngũ về quê sinh hoạt đảng tại Chi bộ tổ dân phố Bạch Xá. Là đảng viên trẻ, T. được cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện để rèn luyện phấn đấu khi được bố trí làm phó thôn, sau đó làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường. Tuy nhiên, T. xin nghỉ việc ở phường, đi làm ở công ty, đồng thời, làm đơn xin thôi không sinh hoạt đảng. Trường hợp thứ hai là Nguyễn Kế T., sinh năm 2000. Năm 2021, T. được kết nạp đảng trong quân ngũ, về quê khi đang là đảng viên dự bị, được làm thủ tục chuyển sinh hoạt về Chi bộ tổ dân phố Bạch Xá. Đến thời điểm phải đi học lớp đảng viên mới, T. đang đi làm công ty nên không sắp xếp được thời gian tham gia lớp Bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đảng viên mới. Sau nhiều lần bố trí công việc không được, Nguyễn Kế T. đã viết đơn xin ra khỏi Đảng.

Đồng chí Trịnh Thị Hà chia sẻ: Thường trực Đảng ủy phường, cấp ủy chi bộ đến vận động, thuyết phục, phân tích nhưng các trường hợp này đều không quyết tâm, không thiết tha.

Cũng cùng tâm trạng ấy, đồng chí Nguyễn Văn Hường, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Cao Cát, thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục kể lại: “Cách đây 5- 6 năm, có một chi ủy viên đang là trưởng thôn, hoạt động rất tích cực. Nhưng khi nghe tin thôn chuẩn bị sáp nhập, đồng chí ấy quyết định xin ra khỏi Đảng, với lý do tới đây đồng chí ấy sẽ không được làm trưởng thôn nữa. Cấp ủy, chi bộ đã thuyết phục, động viên, nhưng anh nhất quyết “xin thôi Đảng” để dành thời gian làm kinh tế.

Là sỹ quan quân đội mới về hưu, tham gia sinh hoạt đảng ở chi bộ tổ dân phố Hòa Trung, thị trấn Bình Mỹ, đồng chí Trịnh Xuân Thu cho rằng: “Rất đáng tiếc! Nhưng chúng ta nên coi đó là chuyện sàng lọc tự nhiên. Bởi vì, có những trường hợp được kết nạp Đảng trong quân ngũ như cựu đảng viên Nguyễn Văn V., là cháu họ tôi. Sau khi xuất ngũ về quê sinh hoạt đảng ở chi bộ này, cậu ấy ham chơi,  không đóng đảng phí, không tham gia sinh hoạt đảng. Lúc đầu, chi bộ rất ngại xử lý, sau chính tôi đã có ý kiến, đề nghị đưa trường hợp này ra khỏi Đảng, vì không thể để một người như vậy trong tổ chức. Tôi đích thân gọi V. đến nói chuyện, gợi ý cậu ấy viết đơn xin ra khỏi Đảng. Tôi thẳng thắn nói rằng, anh nên xin ra khỏi Đảng, vì không còn xứng đáng”.

Không thể bao biện cho việc “nhạt” Đảng

Là bí thư chi bộ thôn nhiều năm, từng phải nhận đơn, chứng kiến việc xin ra khỏi Đảng của  4 đảng viên, hiểu rõ hoàn cảnh, lý do của từng người khi muốn rời hàng ngũ, đồng chí Nguyễn Văn Hường, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Cao Cát, thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục cho rằng: “Tôi thấy, chuyện bỏ sinh hoạt Đảng theo cách này, cách khác là hiện tượng không phải cá biệt hiện nay. Có những người khi vào Đảng thì tích cực phấn đấu, mong có một vị trí trong cơ quan hay tổ chức đoàn thể nào đó nhằm đạt mục đích, lợi ích cá nhân. Nhưng khi không thực hiện được ý đồ thì họ “bỏ Đảng”, đứng ngoài mọi công việc của Đảng”.

Ở Cao Cát, cũng như nhiều nơi khác, việc thực hiện chỉ tiêu kết nạp rất chật vật, phải “đốt đuốc đi tìm nguồn”. Thế nhưng, mãi mới tìm, kết nạp được một đảng viên mới để đào tạo, bồi dưỡng làm nguồn cán bộ thì chỉ vì những lý do không đáng, đảng viên đó lại xin ra khỏi Đảng.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ huyện Bình Lục có 38 đảng viên bị xử lý, trong đó, 16 trường hợp xin ra khỏi Đảng, 20 trường hợp bị xóa tên. Đồng chí Chu Phương, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Bình Lục thẳng thắn: Đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Nếu tỷ lệ đảng viên xin ra khỏi Đảng, bị xóa tên chiếm quá 10% tỷ lệ đảng viên được kết nạp mới thì đó là chuyện đáng báo động đối với tổ chức đảng. Chúng ta phải đánh giá nguyên nhân của thực trạng này một cách thấu đáo để có giải pháp phù hợp trong công tác phát triển đảng viên, xây dựng Đảng. Muốn củng cố đội ngũ thì phải nâng cao vai trò, trách nhiệm và uy tín đảng viên. Đảng viên sống và hành động theo lý tưởng của Đảng là phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân, “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”, nhưng một số đảng viên trẻ không như vậy nữa. Đảng viên lấy lý do phải lo toan kinh tế gia đình, không có thời gian tham gia sinh hoạt đảng nên xin ra khỏi Đảng là một hình thức bao biện cho việc thiếu ý chí phấn đấu, rèn luyện bản thân, thiếu khát vọng cống hiến… Điều này không chỉ là lỗi cá nhân đảng viên, mà còn là thiếu sót của cấp ủy, chi bộ.

Cùng chung nhận định này, đồng chí Trịnh Thị Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Duy Tiên cho rằng, có những lý do xin ra khỏi Đảng hoặc buộc cấp ủy phải xem xét xóa tên mà hết sức phân vân. Không lẽ nào một số đồng chí có thể “nhạt” Đảng chỉ vì những lí do đơn giản. Nào là không thể tham gia sinh hoạt chi bộ; nào là không đóng đảng phí liên tục 3 tháng trở lên; không bố trí được thời gian tham gia lớp bồi dưỡng đảng viên mới; vì điều kiện kinh tế quá eo hẹp, phải lo toan chuyện cơm áo gạo tiền… Tổ chức có thể thông cảm, chia sẻ với những khó khăn của đồng chí mình, nhưng chúng ta không chấp nhận những biểu hiện cá nhân, sự hoang mang, dao động, đánh mất ý chí, bản lĩnh của người đảng viên.

Thời gian qua, công tác phát triển đảng viên ở Hà Nam luôn được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát ở các cấp ủy, tổ chức đảng. Bám sát các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng, các cấp ủy đảng đã tổ chức triển khai, cụ thể hóa thành  chương trình, kế hoạch của cấp mình, thực hiện đồng bộ, phù hợp  tình hình từng đảng bộ. Nửa nhiệm kỳ qua, từ tháng 1/2021 đến 30/6/2023, Đảng bộ tỉnh Hà Nam kết nạp được 2.090 đảng viên.

Đại đa số những đảng viên mới được kết nạp luôn đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững phẩm chất đạo đức, có lối sống trong sạch, lành mạnh, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Song, trong số những đảng viên trẻ đã có một số đồng chí dao động, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm Điều lệ Đảng, đã bị khai trừ, xóa tên, hoặc có những trường hợp “nhạt” Đảng xin ra khỏi tổ chức. Theo báo cáo của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, tính  từ tháng 1/2020 đến hết tháng 6/2023, số đảng viên bị khai trừ, xóa tên, xin ra khỏi Đảng là 298 người, trong đó 89 đảng viên xin ra khỏi Đảng, 163 đảng viên bị xóa tên, 46 đảng viên bị khai trừ khỏi Đảng. So với con số đảng viên mới được kết nạp thời gian này, tỷ lệ đảng viên bị xóa tên, khai trừ, xin ra khỏi Đảng chiếm  tới 14,25 %.

Chúng tôi thấy rằng, trong số những đảng viên bị xóa tên, xin ra khỏi Đảng, có những cán bộ trẻ từng một thời xông pha, năng động, sống nhiệt huyết và quyết tâm, có thành tích nhất định. Nhưng chủ nghĩa cá nhân “trỗi dậy” khiến phai nhạt lý tưởng cách mạng, lý tưởng sống; thui chột khát vọng cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân, thậm chí “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trở thành “tấm gương mờ” trước quần chúng nhân dân. Cố nhiên, có những đảng viên vì hoàn cảnh khó khăn thực sự, không thể nào đáp ứng được yêu cầu của tổ chức, những quy định trong Đảng, cho  nên đã ngậm ngùi xin ra khỏi Đảng… Đây thật sự là vấn đề đáng quan tâm, cần có giải pháp khắc phục.

Bài 2. Niềm tin yêu với Đảng “cháy” trong tim người trẻ

Đảng là tổ chức chính trị của những người cùng chung chí hướng, thuộc cùng giai cấp, tầng lớp hoặc liên minh giai cấp, tầng lớp đấu tranh thực hiện lý tưởng, mục tiêu của mình. Được đứng trong hàng ngũ của Đảng là mơ ước và khát vọng của biết bao người, nhất là thanh niên. Trong giờ phút vinh dự đứng trước cờ Đảng đọc lời tuyên thệ, người đảng viên đã rơi nước mắt khi được chi bộ gọi tên “đồng chí”. Nhiều người trẻ tuổi đã và đang nỗ lực phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng, được thực hiện những mục tiêu lý tưởng cao đẹp như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Chúng ta vào Đảng để hết lòng hết sức phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, làm trọn nhiệm vụ của người đảng viên”...

Nhà thơ Hoàng Văn Việt (hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam) kể lại rằng, ông vào chiến trường và được kết nạp đảng ngay tại chiến hào. Đó là niềm vinh dự, tự hào của cuộc đời ông và ông muốn lấy điều đó để giáo dục con cháu, bồi dưỡng lý tưởng về Đảng cho thế hệ trẻ hôm nay. Ông đã viết một bài thơ để lại: “Đấy là nơi tôi viết đơn vào Đảng/ Trái bom rung vách đất chiến hào/ Trang giấy mỏng loang màu bụi đỏ/ Hút trời xanh cột khói đen cao/ Người thứ nhất giới thiệu tôi vào Đảng/ Ai hay lời ủy thác sau cùng/ Tôi mắc nợ nỗi đau đồng chí/ Trái tim ngừng vách đất còn rung/ Người thứ hai bom cắt bên tay/ Tay làm mẫu giúp tôi tuyên thệ/ Mỗi vấp ngã mỗi lần tôi nhớ/ Có tay người đồng chí dắt tôi lên/ Ôi kỷ niệm không ngày phai nhạt/ Máu hy sinh tươi rói màu cờ/ Đoàn hết tuổi, Đảng vào mãi mãi/ Nỗi nhớ còn gõ cửa đời ta”. Trong số hàng vạn đoàn viên, thanh niên Hà Nam hôm nay, khát vọng và niềm tin với Đảng vẫn cháy trong trái tim và ý chí của biết bao người.

Trịnh Phương Nam, sinh năm 1993, Bí thư Đoàn xã Trác Văn, thị xã Duy Tiên – một đảng viên trẻ tràn đầy khát vọng, lúc nào cũng say mê công việc, sẵn sàng truyền cảm hứng sống tích cực cho mọi người xung quanh. Khi còn là sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Nam tham gia hoạt động đoàn sôi nổi. Khao khát vào Đảng luôn thôi thúc Nam phấn đấu học tập, rèn luyện. Tốt nghiệp ra trường, trong lúc loay hoay xin việc ở thủ đô không được, bà nội ốm nặng, Nam quyết định về quê chăm sóc bà. Nam kể: “Lúc đó, tôi tâm niệm một điều, nếu về quê làm việc, nhất định mình phải vào Đảng. Khi ấy, không hề nghĩ là vào Đảng để làm một chức vụ gì đâu. Chỉ vì, khi là sinh viên, tham gia Ban Phát triển Đảng nên rất hiểu về Đảng, đã từng tuyên truyền cho sinh viên về Đảng”. Ở quê, Nam vừa chăm sóc bà thay bố mẹ, vừa tham gia hoạt động đoàn ở thôn. Tháng 12/2016, Nam được kết nạp Đảng. Nam nói: “Tôi là người đầu tiên trong gia đình vào Đảng, một năm sau bố tôi cũng được kết nạp Đảng. Bây giờ, em trai tôi cũng là đảng viên…”. Gần chục năm công tác ở xã, Trịnh Phương Nam không ngừng phấn đấu, rèn luyện bản thân. Anh đã bồi dưỡng, giúp đỡ, giới thiệu, kết nạp 15 đảng viên là đoàn viên, thanh niên.

Nguyễn Thị Hạnh, sinh năm 1999, thôn Tường Thụy 3. Được kết nạp Đảng khi tham gia hoạt động Đoàn ở cơ sở năm 2018. Trong thời gian là đảng viên dự bị, Hạnh lên trường học, thi cử, làm thêm… không bố trí được thời gian tham gia học lớp bồi dưỡng đảng viên mới. Vì thế, Hạnh không đủ điều kiện để chuyển đảng chính thức. Không còn cách nào khác, em phải làm đơn xin ra khỏi Đảng trong sự tiếc nuối: “Em luôn khao khát đứng trong hàng ngũ của Đảng. Khuyết điểm lớn nhất của em buộc em phải xin ra khỏi Đảng chính là nhận thức về Đảng, về trách nhiệm đảng viên khi đó chưa đầy đủ. Khi không còn là đảng viên, em vẫn tham gia hoạt động Đoàn ở cơ sở. Dù bận học thế nào, nhưng nếu  thôn, xã có việc, có hoạt động gì em đều về tham gia. Em sẽ tiếp tục phấn đấu để được kết nạp vào Đảng…”.

Là một trong số 5 học sinh Trường THPT chuyên Biên Hòa được kết nạp Đảng vào tháng 6/2022, Phạm Đức Thành lúc đó đang là học sinh lớp 12 chuyên Lịch sử - Địa lý đã vô cùng tự hào, coi đó là hành trang quan trọng để tự tin bước vào đời. Thành chia sẻ: “Vì mục tiêu vào Đảng, em đã phấn đấu học tập và rèn luyện thật tốt 3 năm học tại mái trường THPT chuyên Biên Hòa. Ngoài danh hiệu là học sinh giỏi, tham gia các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia, em còn là chủ nhiệm CLB thiện nguyện của trường, tham gia nhiều hoạt động, công tác xã hội khi còn là học sinh”. Vào Đảng được hơn 3 tháng, Phạm Đức Thành nhập Học viện An ninh Nhân dân. Đúng lúc này, khóa của em phải tham gia huấn luyện đầu khóa ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động. Thời gian huấn luyện vô cùng nghiêm ngặt và dày đặc. Có hôm cả sáng, chiều, tối và đêm… vừa học vừa thi. Thành phải chuyển sinh hoạt Đảng về đơn vị huấn luyện. Để tham gia học lớp đảng viên mới do Học viện An ninh Nhân dân tổ chức, Thành phải thu xếp thời gian bảo đảm theo học đầy đủ. Thành kể: “Một buổi chiều, chúng em vừa thi xong môn bơi thì Đại đội trưởng lên báo với em về dự học lớp đảng viên mới. Em chỉ có 15 phút để  thay quần áo, viết đơn và di chuyển đến học viện. Bên đơn vị huấn luyện theo quy định là 21h30 phải đi ngủ, thì lớp học đảng viên mới đến 22h kết thúc, chúng em phải đi lại như thế trong nhiều ngày, cực kỳ áp lực. Nếu tâm lý không vững vàng, cảm thấy mệt mỏi vì không thể bỏ bất kỳ nội dung nào của cả hai lớp huấn luyện và đảng viên mới, người ta sẽ có thể phải lựa chọn… Nhưng em đã cố gắng hoàn thành mục tiêu của mình”. Thực tế, ở trường Thành học, cũng đã có những trường hợp vi phạm Điều lệ Công an Nhân dân, vi phạm quy định Điều lệ Đảng như thế! Trong nhận thức của Phạm Đức Thành, một đảng viên trẻ mới bước sang tuổi 20, “Đảng là nơi để con người ta rèn luyện, phấn đấu và cống hiến. Vào Đảng để trau dồi lý tưởng, để có cơ hội được phát huy khả năng và phẩm chất của mình, cống hiến cho đất nước, cho xã hội. Những khó khăn vừa qua đối với em chỉ là thử thách đầu tiên, bản thân cần kiên định vượt qua để rèn giũa nghị lực cho mình”.

Đi thực tế ở nhiều nơi mới thấy, có nhiều đoàn viên thanh niên vẫn đang ấp ủ khát vọng vào Đảng, muốn cống hiến cho Đảng, cho xã hội. Lại Văn Tuấn, Bí thư chi đoàn Tổ dân phố số 5, Phường Lê Hồng Phong là một thí dụ. Là một thanh niên nhiệt huyết, nên dù đang là lao động tự do, Tuấn vẫn mong muốn khát khao được vào Đảng. Tuấn chia sẻ: “Cả nhà chưa có ai là đảng viên, muốn vào Đảng để có niềm vinh dự cho gia đình. Bản thân mỗi lần đứng trước cờ Đảng, lòng cảm thấy bồi hồi, xúc động. Trong suy nghĩ và hành động, mình là thanh niên, đoàn viên cần sống có lý tưởng, hoài bão, được cống hiến cho xã hội, cho quê hương, dù là việc nhỏ nhất nhưng có ích!”. Hồ sơ lý lịch của Tuấn xét kết nạp Đảng cơ bản đã xong, đang được cấp ủy địa phương xem xét.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: “Thái độ và tinh thần đối với chủ trương đổi mới là thước đo phẩm chất, năng lực, vai trò tiên phong gương mẫu của mỗi đảng viên”. “Chính lúc này là lúc thử thách sự kiên định, bản lĩnh, lòng trung thành của mỗi đảng viên, kiểm nghiệm những nhận thức, quan điểm, ý thức tư tưởng của mỗi người cộng sản… Các tổ chức đảng có thể qua đây xem xét, sàng lọc, xốc lại đội ngũ của mình”.

Trước yêu cầu phát triển của thời kỳ mới, thấy rõ nguyên nhân để tìm ra giải pháp khắc phục, chăm lo công tác phát triển Đảng cần đi liền với sàng lọc, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, tránh tình trạng “tre già nhưng măng chưa mọc”. Đồng thời, cần đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý đảng viên, đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ để thu hút, tạo điều kiện cho đảng viên trẻ tham gia, nhất là những người thường xuyên phải đi công tác, làm việc xa nhà.

Xây dựng Đảng, hiểu một cách đơn giản nhất, đó là xây dựng tổ chức và xây dựng con người.  Bởi, suy cho cùng mọi thành công hay thất bại đều do con người, trong đó giữ vai trò quyết định là ở đội ngũ  cán bộ, đảng viên. Mọi công việc phát triển đảng viên, sàng lọc, xử lí đều rất hệ trọng và là công việc thường xuyên, bình thường của Đảng. Và, để xây dựng và phát triển tổ chức vững mạnh, Đảng cần tiếp tục phát hiện, rèn luyện, bồi dưỡng “hạt giống đỏ” - lực lượng kế cận của Đảng.

Bài 3. Phát hiện, bồi dưỡng, rèn luyện “hạt giống đỏ” cho Đảng – Công việc không thể coi nhẹ

Trong bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Đây là công việc hàng đầu của Đảng để xây dựng và phát triển tổ chức thực sự vững mạnh, bởi thế hệ trẻ chính là lực lượng hậu bị tin cậy của Đảng, lực lượng dự trữ của Đảng cung cấp cho Đảng nguồn nhân lực trẻ có trí tuệ, đạo đức để tiếp tục sự nghiệp của cha anh. Trong giai đoạn hiện nay, cần tiếp tục quyết liệt thực hiện việc rà soát, sàng lọc đưa ra khỏi Đảng những trường hợp không đủ tư cách; đồng thời, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, rèn luyện những “hạt giống đỏ” cho Đảng.

Phát hiện nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong thanh niên

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nhiệm vụ của Đảng “là làm đầy tớ của nhân dân” và Đảng “không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân và Tổ quốc”. Vì vậy, theo Người: “Đảng không phải là một đoàn thể để cầu danh lợi, hẹp hòi, nhỏ nhen” hay “một tổ chức để làm quan phát tài”; mà Đảng “Phải làm đầy tớ cho quần chúng và phải làm cho ra trò, nếu không quần chúng sẽ đá đít”.

Trong một cuộc nói chuyện với các cán bộ đoàn về giáo dục lý tưởng cách mạng cho hệ trẻ hiện nay, GS,TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói: “Tại sao trong những điều chỉ dẫn về Đảng, nhất là xây dựng Đảng cầm quyền thật trong sạch, vững mạnh, phải xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Đảng cầm quyền phải tiêu biểu cho đạo đức cách mạng để xứng đáng với người lãnh đạo, người cầm quyền, người đầy tớ trung thành của nhân dân, thì Bác đặt vấn đề ngay ở tuổi trẻ?”… Vì, “Đảng ta ra đời bắt đầu từ tổ chức thanh niên cách mạng. Chính Bác là người công phu rèn luyện, bồi dưỡng thế hệ trẻ ngay từ đầu – những hạt giống đầu tiên của cách mạng”. Cho nên, Bác để lại lời căn dặn cho Đảng “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Trong công tác xây dựng Đảng, với phương châm kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là cơ bản, chiến lược; “chống” là quan trọng, cấp bách, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc thực hiện tốt việc rà soát, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, trong toàn Đảng bộ đã có 81 đảng viên không đủ tư cách được đưa ra khỏi Đảng; 308 đảng viên có khuyết điểm vi phạm tiếp tục được theo dõi, giáo dục… Đây là công việc bình thường của Đảng, giúp cho tổ chức đảng mạnh hơn, cán bộ, đảng viên gương mẫu hơn, thúc đẩy nhiệm vụ chính trị đạt kết quả cao hơn…

Bên cạnh đó, cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở ở Hà Nam đã thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên, trong đó chú trọng tạo điều kiện để đoàn viên, thanh niên phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vì sự phát triển của quê hương. Qua đó, kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, rèn luyện những gương điển hình, nhân tố mới tạo nguồn phát triển Đảng. Từ năm 2011 đến nay, Đảng bộ tỉnh đã kết nạp được trên 14.000 đảng viên mới thì có tới 8.600 đồng chí là đoàn viên, chiếm xấp xỉ 60% tổng số đảng viên mới kết nạp. Trong Kế hoạch số 62-KH/TU ngày 23/3/2022 về kết nạp đảng viên giai đoạn 2022-2025, Đảng bộ tỉnh phấn đấu mỗi năm sẽ kết nạp thêm từ 850 đảng viên trở lên, nguồn chính được xác định là đoàn viên, thanh niên.

Dù thực hiện đạt được chỉ tiêu này là rất khó khăn, song không thể vì chỉ tiêu mà coi nhẹ tiêu chuẩn điều kiện hay phẩm chất, năng lực. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho rằng: “Việc kết nạp đảng viên mới cần đặc biệt chú ý đến những quần chúng ưu tú, có phẩm chất đạo đức tốt, được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, có nhận thức đầy đủ sâu sắc về Đảng, vào Đảng với động cơ trong sáng”. Để có một lớp đảng viên mới trẻ trung, uy tín trước nhân dân, đồng chí Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Chúng ta tiếp tục nhất quán quan điểm của Đảng là thường xuyên chăm lo, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên; nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên cho thế hệ trẻ. Thực hiện tốt Di chúc của Bác Hồ “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Coi trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, khơi dậy khát vọng cống hiến

Là đảng bộ có 58 đảng viên bị xóa tên, khai trừ và xin ra khỏi đảng trong thời gian từ năm 2020 đến tháng 6/2023, Ban Thường vụ Thành ủy Phủ Lý đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đảng viên, làm tốt công tác phát triển Đảng. Một trong những giải pháp được coi là cốt lõi, căn bản nhất là tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng  cho cán bộ, đảng viên và “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng”. Đồng chí Nguyễn Đức Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Phủ Lý cho rằng: “Tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên là công việc quan trọng, cần thiết của một đảng chính trị nhằm xây dựng và phát triển một đội ngũ cán bộ, đảng viên thủy chung, bản lĩnh, gắn bó mật thiết với lý tưởng cách mạng của Đảng. Nó vừa giải quyết những vấn đề trước mắt vừa mang tính chiến lược, có giá trị định hướng lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta”. Theo đồng chí Nguyễn Đức Toàn, khát vọng cống hiến vốn tiềm tàng trong mỗi con người, nhất là lớp trẻ, để khơi dậy khát vọng của mỗi đoàn viên, thanh niên, giải pháp căn cơ nhất vẫn là giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Công tác tuyên giáo của các cấp bộ đoàn sẽ đóng vai trò quan trọng giúp cho thế hệ trẻ, thanh niên học sinh, sinh viên có một niềm tin với lý tưởng cách mạng. Niềm tin có vững vàng, có thực sự sâu sắc thì con người mới đứng vững được trước những thử thách. Chúng ta cần xây dựng một lớp đoàn viên thanh niên “hồng thắm chuyên sâu”, nghĩa là vừa có năng lực chuyên môn tốt, tài năng, sáng tạo và khát vọng vươn tới; vừa có đạo đức cách mạng trong sáng, trung thực, vô tư, khiêm tốn vị tha, nhân ái  để một lòng, một dạ phục vụ nhân dân.

Ngày 20/9/2023, UBND tỉnh Hà Nam ban hành Kế hoạch số 1839 về thực hiện Quyết định số 1895/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, toàn tỉnh phấn đấu có 26 nghìn đoàn viên ưu tú được giới thiệu cho Đảng. Theo đồng chí Trần Ngọc Nam, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Nam, để chất lượng đảng viên trẻ thực sự được củng cố, nâng cao hơn nữa, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, học sinh, sinh viên cần được đổi mới, tăng cường hơn. “Giáo dục lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên nói chung, trong đó có thế hệ trẻ là giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, văn hóa dân tộc. Đồng thời, trong tình hình hiện nay, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên thông qua tuyên truyền, giáo dục, học tập, nghiên cứu và vận dụng Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách sáng tạo, phù hợp với thực tiễn. Chúng ta cũng cần giáo dục cho thế hệ trẻ khả năng định hướng giá trị, bởi hiện nay, trong điều kiện bùng nổ thông tin, cái thật và cái giả, đúng-sai đan xen, phức tạp, nếu các bạn trẻ không đủ kinh nghiệm, bản lĩnh thì rất dễ nhầm lẫn giữa hiện tượng và bản chất. Để phòng, chống những tác động tiêu cực từ môi trường, người lớn cần nêu gương thật tốt, thật chuẩn. Ngay trong môi trường học tập, môi trường giáo dục, các bạn trẻ phải được nhìn thấy những tấm gương ấy từ thầy cô, các cán bộ đoàn của mình. Nhà trường cần coi trọng giáo dục lịch sử, các môn học bồi dưỡng tinh thần, mỗi nhà giáo phải truyền được lửa, truyền cảm hứng cho học sinh, đánh thức tiềm năng, sáng tạo và dẫn dắt các em học sinh biết tự mình nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng cống hiến cho đất nước.” – đồng chí Trần Ngọc Nam khẳng định.

Đất nước đang bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng với thế giới. Thời cơ thuận lợi đan xen với khó khăn thách thức. Hơn lúc nào hết, lực lượng đoàn viên thanh niên phải xung kích đi đầu trong mọi lĩnh vực. Từ những hành động hằng ngày, khát vọng và nỗ lực trong học tập, lao động với tinh thần tận hiến vì quê hương, với mong muốn góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc. Thế hệ trẻ chính là lực lượng hậu bị của Đảng, cung cấp cho Đảng nguồn nhân lực trẻ có trí tuệ, đạo đức để tiếp tục sự nghiệp của cha anh. Khi đảng cầm quyền có nhiều đảng viên thực sự có năng lực, có phẩm chất đạo đức… thì uy tín, năng lực lãnh đạo của Đảng sẽ ngày càng cao hơn, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.     

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất