Tác phẩm đoạt giải

Lực lượng vũ trang Tây Bắc vững vàng trên địa bàn chiến lược
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải C.
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải C.

Tây Bắc là địa bàn chiến lược trọng yếu về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và môi trường sinh thái của cả nước. Sự ổn định, phát triển của Tây Bắc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhận thức rõ điều đó, lực lượng vũ trang trên địa bàn đã và đang phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng đưa các tỉnh Tây Bắc bứt phá vươn lên, hiện thực hóa chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) đề ra: xây dựng Tây Bắc “xanh, bền vững, toàn diện”.

TÂY BẮC – ĐỊA BÀN CHIẾN LƯỢC TRỌNG YẾU CỦA TỔ QUỐC

Tây Bắc hào hùng, tiềm năng và bản sắc

Tây Bắc1, là địa bàn chiến lược trọng yếu quốc gia; “phên giậu”, cửa ngõ, địa đầu của Tổ quốc. Nơi đây có bề dày lịch sử với truyền thống cách mạng vẻ vang, di sản văn hóa đặc sắc, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số và nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển bền vững. Địa hình Tây Bắc chủ yếu là rừng núi, diện tích rộng (khoảng 39.184 km2), được ví là “lá phổi” của miền Bắc và cả nước, với dãy núi Hoàng Liên Sơn, Pu Đen Đinh trùng điệp và án ngữ đầu nguồn nhiều sông, suối lớn, như: sông Hồng, sông Đà, sông Mã, sông Chảy, sông Nậm Na,... tạo cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, vừa có giá trị để phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch, vừa có giá trị về quốc phòng, an ninh. Đây cũng là nơi có nhiều tài nguyên, khoáng sản quý, giá trị cao, trữ lượng khá lớn, như: sắt, chì, kẽm, titan, đất hiếm,… là lợi thế để phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản. Bên cạnh đó, Tây Bắc còn có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc (gần 500 km) và với Lào (gần 700 km), lại án ngữ nhiều tuyến giao thông huyết mạch, với hệ thống cửa khẩu, đường bộ, đường sắt, là cửa ngõ, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam với vùng Tây Nam Trung Quốc, Đông Bắc Lào, các nước ASEAN và có thể mở rộng, kết nối liên vùng, liên quốc gia, liên châu lục trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Trên địa bàn Tây Bắc có hơn 20 dân tộc anh em cùng sinh sống2; trong đó có trên 70% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Trải qua thăng trầm của lịch sử, nhân dân các dân tộc Tây Bắc luôn đoàn kết, gắn bó, chung sức, đồng lòng xây dựng, bảo vệ vững chắc địa bàn, đất nước. Trong các thời kỳ lịch sử, nhất là trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Tây Bắc đã tích cực đóng góp sức người, sức của, cùng quân dân cả nước tiến hành nhiều chiến dịch, trận đánh hào hùng đi vào sử sách, đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ “vang vọng núi sông, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Tây Bắc không chỉ là xứ sở hùng vĩ, thơ mộng, “ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” với những cánh rừng đại ngàn, những dãy núi điệp trùng, xen kẽ những cánh đồng bao la, rộng lớn cùng những triền ruộng bậc thang uốn lượn, mà còn là một kho trầm tích văn hóa dân gian được hình thành, lưu giữ và phát triển từ ngàn đời. Từ lâu, những tên đất, tên làng, như: Mường Thanh, Tuần Giáo, Than Uyên, Mai Châu, Mộc Châu, Bắc Hà, Sa Pa, bản Lác; cùng với “Nghệ thuật Xòe Thái” - hồn cốt văn hóa của người Thái Tây Bắc - được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hình thức sinh hoạt văn hóa gắn kết cộng đồng, không chỉ là niềm tự hào của đồng bào người Thái, mà còn là niềm vui chung của các dân tộc Tây Bắc và người dân Việt Nam, đã hòa quyện tạo tác một không gian văn hóa Tây Bắc đặc sắc và độc đáo.

Quyết sách của Đảng, Nhà nước – yếu tố quyết định để Tây Bắc phát triển

Nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Tây Bắc và những khó khăn, thách thức mà đồng bào các dân tộc Tây Bắc phải đối mặt, những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đã dành sự quan tâm đặc biệt bằng những chủ trương, định hướng chiến lược và những cơ chế, chính sách đặc thù ưu tiêu đầu tư phát triển toàn diện vùng trung du và miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, các tỉnh Tây Bắc nói riêng. Điển hình là, Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020”, Kết luận số 26-KL/TW, ngày 02/8/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, v.v. Qua gần 20 năm triển khai thực hiện, diện mạo của Vùng có nhiều thay đổi, khởi sắc, đạt được nhiều kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân khoảng 08% - 09%/năm, có tỉnh đạt hơn 10%/năm trong giai đoạn 2005 - 2010 và 8,15% giai đoạn 2011 - 2020, cao hơn mức trung bình cả nước (5,9%)3. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ; công tác dân tộc, tôn giáo, chính sách xã hội, chính sách với người có công được thực hiện tốt; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh4; công bằng xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên, v.v.

Tuy nhiên so với mục tiêu mà Nghị quyết số 37 và Kết luận số 26 đề ra, kết quả đạt được còn khá khiêm tốn; quy mô kinh tế Vùng còn nhỏ bé, tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chất lượng nguồn nhân lực thấp, tỷ lệ tái nghèo và phát sinh nghèo còn khá cao; chưa tạo được sự chuyển biến đột phá, căn bản, toàn diện trong xây dựng, phát triển “nhanh, bền vững”; vấn đề an ninh nông thôn, an ninh biên giới còn tiềm ẩn nhân tố gây mất ổn định, v.v.

Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, đánh giá đúng thực trạng kết quả các mục tiêu, chỉ tiêu đạt được trên các lĩnh vực, ngày 10/02/2022, Bộ Chính trị ban hành, triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng trung du, miền núi Bắc Bộ nói chung, các tỉnh Tây Bắc nói riêng - một vùng có vị trí chiến lược, vai trò quan trọng về nhiều mặt đối với cả nước; với mong muốn, quyết tâm của Đảng, Nhà nước là “từng bước thu hẹp trình độ phát triển và mức sống của nhân dân trong vùng so với các vùng khác trong cả nước”, để đồng bào, nhân dân các tỉnh Tây Bắc được thụ hưởng những thành quả cách mạng. Mục tiêu trong Nghị quyết xác định, xây dựng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ nói chung, vùng Tây Bắc nói riêng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành vùng phát triển “xanh, bền vững, toàn diện”, hình mẫu phát triển xanh của cả nước. Như vậy, mục tiêu phát triển Tây Bắc có sự đổi mới, sáng tạo, từ “vững mạnh toàn diện”, “nhanh, bền vững” trước đây sang “xanh, bền vững, toàn diện”, thể hiện bước tiến vượt bậc, đột phá trong tư duy của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với xu thế của quốc tế. Trong đó, phát triển “xanh” là yếu tố được bổ sung, đặt lên vị trí hàng đầu, là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững. Đó là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội với bảo vệ môi trường, đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại, mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu đó của các thế hệ tương lai. Đồng thời, bảo đảm cân đối, hài hòa, toàn diện ở các cấp (xã, huyện, tỉnh), các ngành (công, nông, lâm nghiệp, xây dựng, thủy sản, dịch vụ,…) và các lĩnh vực (kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,…), v.v.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Đảng, Nhà nước xác định chủ trương, biện pháp trên từng lĩnh vực. Đối với lĩnh vực kinh tế, hoàn thiện thể chế, chính sách, thực hiện đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư,... nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Tây Bắc cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, phải tập trung nguồn lực xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ sản xuất, sinh kế, hỗ trợ nhà ở. Tăng cường chăm lo người có công; thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu quốc gia về an sinh xã hội, giáo dục, y tế, v.v. Coi trọng công tác giáo dục, đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số, coi đây là một trong những khâu đột phá cho phát triển nhanh và bền vững của Vùng; ưu tiên bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc, các di tích lịch sử, di sản văn hóa và thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo. Đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt việc phát triển kinh tế - xã hội kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Phát huy hiệu quả các khu kinh tế - quốc phòng; tiếp tục đầu tư và triển khai việc sắp xếp, bố trí dân cư tuyến biên giới. Đẩy mạnh công tác đối ngoại, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chủ động phòng ngừa và đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Phát huy vai trò người đứng đầu, có uy tín, chức sắc tôn giáo trong giải quyết các vấn đề phức tạp, nảy sinh; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn xã hội và các loại tội phạm. Cùng với đó, chăm lo xây dựng tổ chức đảng, hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh xứng đáng là hạt nhân lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở; chăm lo xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực cho xây dựng, phát triển của Vùng.

Những định hướng, chủ trương chiến lược nêu trên không chỉ là chìa khóa, yếu tố mở đường cho các tỉnh Tây Bắc phát triển thời gian qua, mà còn là bệ đỡ, là điểm tựa - ánh sáng soi đường cho Tây Bắc hiện thực hóa mục tiêu thu hẹp, rút ngắn khoảng cách và từng bước bứt phá vươn lên sánh vai cùng các địa phương khác thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng, phát triển, đổi mới đất nước trong thời gian tới. Đây là quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước ta, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt với quyết tâm chính trị cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, trước hết và trực tiếp là của cấp ủy, chính quyền, nhân dân các tỉnh Tây Bắc; trong đó, lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn có vai trò quan trọng, là điểm tựa vững chắc, đồng hành cùng các địa phương, nhân dân, đồng bào các dân tộc vươn lên.

II. VAI TRÒ NÒNG CỐT CỦA LỰC LƯỢNG VŨ TRANG TRÊN ĐỊA BÀN – KẾT QUẢ VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Trước quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước về xây dựng, phát triển toàn diện khu vực Tây Bắc, lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn nhận thức rõ đây không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm, mà còn là tình cảm thiêng liêng, trọng trách lớn lao của mình đối với nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Với nhận thức đó, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nơi đây đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, nỗ lực, bền bỉ bằng những việc làm thiết thực của mình, cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân Tây Bắc bứt phá vươn lên, sánh vai cùng các địa phương trên cả nước.

Kết quả quan trọng từ sự nỗ lực, bền bỉ của “Bộ đội Cụ Hồ”

Với vai trò, chức năng là “Đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất”, các đơn vị lực lượng vũ trang Tây Bắc đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng liên quan, tổ chưc bám địa bàn, bám dân, nhất là ở địa bàn biên giới còn nhiều khó khăn1, thực hiện “3 bám, 4 cùng”2 để tuyên truyền đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức và hành động, làm cơ sở cho tổ chức, thực hiện. Chỉ tính giai đoạn 2018 - 2022 các đơn vị lực lượng vũ trang đã tổ chức hàng trăm lượt “hành quân dã ngoại làm công tác dân vận”, hàng nghìn lượt tổ, cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện đến từng thôn, bản, gia đình làm công tác tuyên truyền3, vận động nhân dân. Trong đó, riêng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 379 đã cử 1.010 lượt tổ, 3.380 lượt cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, trí thức trẻ tình nguyện trực tiếp đến các xã, bản làm công tác dân vận. Điều đáng nói là, quá trình đưa đường lối, chủ trương của Đảng vào đời sống của đồng bào, các đơn vị đã kết hợp chặt chẽ các hình thức tuyên truyền, vận động, dân vận, giáo dục quốc phòng và an ninh,... với giúp dân nâng cao đời sống, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, ổn định cuộc sống, xây dựng nếp sống mới. Đồng thời, tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù; nâng cao nhận thức chính trị, không nghe theo sự xúi bẩy, kích động của các thế lực phản động, phần tử xấu.

Trong tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, các đơn vị đã tham mưu và trực tiếp tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả các nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; gắn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại; thực hiện mỗi bước tăng trưởng là một bước bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, cuộc vận động, các chương trình, mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo; giáo dục, y tế, hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, xây dựng nông thôn mới,... với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, có sức lan tỏa và đạt hiệu quả quan trọng cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh, thực sự là chỗ dựa tin cậy, giúp nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, với tinh thần vì nhân dân phục vụ, cán bộ, chiến sĩ không quản ngại khó khăn, gian khổ, tích cực cùng nhân dân phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy rừng, cứu hộ cứu nạn; nhất là trong phòng, chống dịch Covid-19, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng thường xuyên ăn lán, ngủ rừng tuần tra kiểm soát người, phương tiện qua lại biên giới theo quy định phòng, chống dịch, góp phần quan trọng không để xâm nhập vào địa bàn, cùng cả nước sớm đẩy lùi dịch bệnh, ổn định cuộc sống.

Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động là điểm sáng của lực lượng vũ trang Tây Bắc. Các đơn vị đã luôn nắm vững tình hình, chủ động cử cán bộ, đảng viên tham gia cấp ủy các xã, sinh hoạt tại các chi bộ, tổ đảng, tạo nguồn phát triển Đảng, xóa tình trạng “trắng” đảng viên ở các thôn, bản; trên cơ sở đó, lựa chọn, bồi dưỡng nguồn cán bộ cho cơ sở. Đồng thời, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giúp cấp ủy cơ sở, chi bộ, chính quyền, nhất là nơi mới chia tách, sáp nhập, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, hiệu lực quản lý, điều hành; xây dựng các đoàn thể quần chúng vững mạnh; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, v.v. Trong giai đoạn 2015 - 2020, các đơn vị trên địa bàn, nhất là các đoàn kinh tế - quốc phòng4 đã tham gia xây dựng cơ sở chính trị ở 1.236 lượt xã. Riêng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 379 đã giúp địa phương mở 03 lớp đối tượng Đảng cho 183 đoàn viên ưu tú; bồi dưỡng kết nạp được 103 đảng viên mới, góp phần xóa 28 bản trắng chưa có đảng viên; kiện toàn 15 tổ chức đảng, củng cố 45 tổ chức dân quân; 23 hội cựu chiến binh; 89 tổ hòa giải đi vào hoạt động nền nếp, v.v.

Tây Bắc là địa bàn chiến lược, với nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng cũng không ít thách thức, khó khăn, nhất là các nguy cơ đe dọa sự ổn định của địa bàn. Vì vậy, chủ động đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhất là đối với khu vực biên giới cũng thể hiện sự vững vàng, vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang trên địa bàn trọng yếu. Với quyết tâm, trách nhiệm cao, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã thường xuyên bám, nắm địa bàn; lăn lộn trên các tuyến biên giới; xây dựng, triển khai thực hiện thành công nhiều chuyên án phức tạp; huy động sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, dân quân tự vệ tuần tra bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn các tội phạm, âm mưu, thủ đoạn chống phá, của các thế lực thù địch. Đây là vấn đề rất quan trọng, tạo môi trường thuận lợi để Tây Bắc phát triển nhanh, bền vững.

Với sự nỗ lực, cống hiến cả về sức lực, trí tuệ và lòng nhiệt huyết cách mạng, lực lượng vũ trang trên địa bàn đã góp phần xứng đáng vào sự phát triển của Tây Bắc. Nhiều vùng đất nơi đây vốn trước kia khô cằn, nghèo khó, nay trở thành những điểm sáng về quốc phòng, an ninh và sự phát triển, mang lại cuộc sống ấm no, đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh cho đồng bào các dân tộc. Qua đó, niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và lực lượng vũ trang được nâng lên, “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, tạo môi trường thuận lợi để Tây Bắc tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới.

Những vấn đề đặt ra

Mặc dù được Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đầu tư; sự vào cuộc tận tụy, trách nhiệm của các cấp, ngành, lực lượng vũ trang cùng sự nỗ lực phấn đấu của cấp ủy, chính quyền các địa phương và nhân dân trên địa bàn, song đến nay các tỉnh Tây Bắc vẫn là “vùng trũng”, “lõi nghèo”5 của cả nước; phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đặt ra. Về kinh tế, tuy đã có sự chuyển mình, khởi sắc, song quy mô sản xuất về cơ bản còn nhỏ, lẻ, theo tập quán vẫn là chủ yếu, nhất là ở khu vực biên giới. Bên cạnh đó, do địa hình chia cắt, lưu thông khó khăn; thời tiết khắc nghiệt, bất lợi cho chăn nuôi, trồng trọt; tình trạng mưa lũ, nhất là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân và nhà nước, việc khắc phục hậu quả khó khăn, tốn kém,… cũng là nguyên nhân cản trở sự phát triển của địa bàn. Các chế độ, chính sách đối với Tây Bắc, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số tuy đã được các cấp, ngành quan tâm tháo gỡ, song vẫn còn nhiều bất cập, chủ yếu mang tính hỗ trợ, chưa chú trọng kích thích phát triển nguồn lực tại chỗ, chưa tạo sự thay đổi căn bản về sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế chất lượng còn thấp, thiếu sự liên kết, đồng bộ, thống nhất, thậm chí còn xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo giữa quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế với hạ tầng các ngành, lĩnh vực khác; chưa có chính sách hiệu quả về phân vùng sản xuất, bảo vệ, tái tạo môi trường, khôi phục cảnh quan, giữ gìn không gian sinh tồn cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội còn tồn tại nhiều bất cập. Chất lượng giáo dục và đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực tại chỗ của một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp hơn mức trung bình toàn quốc; nhiều hủ tục còn tồn tại. Đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục và đào tạo, nước sạch,… các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn thấp; cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, dàn trải, hiệu quả sử dụng chưa cao. Đặc biệt, tình trạng di cư diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo có nhiều biến tướng, xu hướng từ bỏ tín ngưỡng truyền thống, cải đạo theo Tin Lành,… có chiều hướng gia tăng, gây nhiều hệ lụy phức tạp trong xã hội.

Hệ thống chính trị cơ sở ở một số địa phương biên giới còn nhiều hạn chế; năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Đội ngũ cán bộ, đảng viên còn hạn chế về trình độ lý luận và chuyên môn, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác và năng lực vận động quần chúng nhân dân.

Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại về cơ bản được giữ vững và tăng cường, song cũng tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, kích động sự mặc cảm, tự ti dân tộc; tổ chức truyền đạo trái pháp luật; lôi kéo, tập hợp đông người chống đối chính quyền, mưu đồ “ly khai”, tổ chức “xưng vua, đón vua”, lập cái gọi là “Nhà nước Mông” tự trị. Bên cạnh đó, tội phạm hình sự: vượt biên, buôn bán ma túy, buôn người, gian lận thương mại, tội phạm xuyên biên giới diễn biến phức tạp,… đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như củng cố, tăng cường mối quan hệ truyền thống láng giềng tốt đẹp giữa các tỉnh Tây Bắc với các địa phương biên giới của Lào và Trung Quốc.

Thực trạng trên đang đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, mà trực tiếp là cấp ủy, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang trên địa bàn cần phải nghiên cứu nắm chắc thực trạng, nhất là những hạn chế, yếu kém, khó khăn, vướng mắc, bất cập; đánh giá nguyên nhân chủ quan, khách quan, các yếu tố tác động, cản trở, ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến quá trình xây dựng, phát triển Vùng; trên cơ sở đó xác định đúng những vấn đề cần quan tâm giải quyết. Đó là, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm, tăng cường quốc phòng, an ninh; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần của nhân dân. Tăng cường xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm; sự chống phá của các thế lực thù địch, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đẩy mạnh quan hệ, đối ngoại với các địa phương biên giới nước Bạn, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hợp tác, phát triển. Đây là những vấn đề căn cốt nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, lực lượng, địa phương, trong đó có lực lượng vũ trang trên địa bàn, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng về phát triển Tây Bắc “xanh, bền vững và toàn diện”.

III. QUYẾT TÂM CHUNG SỨC, ĐỒNG LÒNG CÙNG NHÂN DÂN PHÁT TRIỂN TÂY BẮC “XANH, BỀN VỮNG VÀ TOÀN DIỆN”

Để hiện thực hóa chủ trương của Đảng xây dựng Tây Bắc “xanh, bền vững và toàn diện”, sớm vươn lên thoát khỏi “vùng trũng” trong phát triển và “lõi nghèo” của cả nước, lực lượng vũ trang Tây Bắc luôn phát huy truyền thống, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, đoàn kết, gắn bó, cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn quyết tâm, phấn đấu không ngừng đổi mới, tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu đã xác định.

Khơi dậy ý chí tự lực, tực cường, khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc Tây Bắc

Phát triển Tây Bắc “xanh, bền vững và toàn diện”, cần có động lực vật chất, tinh thần cao; song, những động lực này không hiện hữu, tự nhiên có được, mà được hình thành trên cơ sở khơi dậy trí tuệ, tâm huyết và nguồn lực của tập thể, hệ thống chính trị và mỗi người dân trong Vùng. Trong khi đó, một bộ phận nhân dân, đồng bào có tư tưởng bằng lòng với cuộc sống hiện tại, tự ti, thiếu ý chí vươn lên; các thế lực thù địch, phần tử xấu tìm mọi cách tuyên truyền, kích động, lôi kéo đồng bào theo quỹ đạo của chúng. Vì vậy, lực lượng vũ trang Tây Bắc cần kiên trì bám dân, bám bản; vận dụng hình thức, phương pháp, phương tiện phù hợp với từng địa bàn, đối tượng; phát huy ưu thế của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số kết hợp với phương pháp truyền thống, tổ chức các tổ, đội, hoạt động giao lưu, kết nghĩa, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân. Nội dung tuyên truyền không chỉ đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, mà phải nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, cấp ủy, chính quyền cơ sở; xây dựng tinh thần đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể và sức sáng tạo của nhân dân, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền các cấp, mà phải có ý chí, tự lực vươn lên. Cổ vũ, động viên, thúc đẩy cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào cách mạng, biến nhận thức, niềm tin thành nhiệt huyết, hành động; khơi nguồn động lực, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn thử thách, hiện thực hóa mục tiêu đã xác định. Đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình, điển hình về phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh để đồng bào học tập, tạo hiệu ứng lan tỏa, thi đua trong cộng đồng và giữa các địa phương. Tập trung tuyên truyền xóa bỏ những hủ tục, thói quen sinh hoạt, sản xuất lạc hậu, kém hiệu quả đã ăn sâu bám rễ trong đồng bào, trong đó có cả cán bộ, đảng viên. Cùng với đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị, nhất là những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; phát hiện những hạn chế, bất cập liên quan đến cơ chế, chính sách để tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương, với Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh với những luận điệu sai trái, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Qua đó, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Tây Bắc khắc phục tư tưởng bằng lòng; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, không cam chịu đói nghèo, thua kém các địa phương khác.

Tận tụy, bám địa bàn, bám nhân dân, cùng nhân dân phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững

Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm của đảng bộ, chính quyền, các tổ chức, lực lượng và nhân dân các tỉnh Tây Bắc. Điều đó đòi hỏi lực lượng vũ trang phải tiếp tục quán triệt, nắm vững các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình của địa phương, chủ động phối hợp các ban, ngành tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các chủ trương, biện pháp đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Thực hiện tốt việc thẩm định các dự án phát triển kinh tế, bảo đảm kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh trong mỗi ngành, mỗi lĩnh vực và ở từng địa phương.

Các đoàn kinh tế - quốc phòng cần đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, vừa đóng góp vào sự phát triển của Vùng; nhất là việc tổ chức, bố trí sắp xếp các điểm dân cư, định canh, định cư trên địa bàn biên giới, tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, như: giao thông, thủy lợi, trường học, nước sạch, nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng,… góp phần đột phá, tạo diện mạo mới về kết cấu hạ tầng trong Vùng. Đồng thời, cùng với các cơ quan, đơn vị huy động lực lượng thực hiện “3 bám”1, “4 cùng”2, kiên trì, tận tụy giúp nhân dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số; chuyển giao công nghệ sản xuất, từng bước đưa cây trồng, vật nuôi có năng suất và hiệu quả kinh tế cao thay thế các cây trồng, vật nuôi có giá trị thấp; xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến lâm và hỗ trợ phát triển sản xuất. Phối hợp với các ngành chức năng phát huy vai trò của các doanh nghiệp trên địa bàn để tìm đầu ra cho các sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, bảo đảm cho nhân dân có thể thoát nghèo và làm giàu ngay trên địa bàn mình sinh sống. Cùng với đó, lực lượng vũ trang tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả tham gia các chương trình, mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, các cuộc vận động, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc sức khỏe nhân dân, các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình “nâng bước em tới trường”, “con nuôi đồn Biên phòng”, mở các lớp học tình thương,... thực hiện tốt việc đào tạo nghề cho quân nhân xuất ngũ và các đối tượng khác, góp phần nâng cao dân trí, trình độ tay nghề cho lao động trên địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc; đấu tranh chống văn hóa xấu độc; từ bỏ những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, chống truyền đạo trái pháp luật, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng bản, làng văn hóa, gia đình văn hoá.

Tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh

Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định, xây dựng tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp là nhân tố quan trọng quyết định đến sự phát triển của Tây Bắc. Lực lượng vũ trang quán triệt, nắm vững các nghị quyết, chỉ thị về xây dựng, chỉnh đốn đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nhất là tình hình, chất lượng các đảng bộ, chi bộ ở cơ sở giúp các đảng bộ, chi bộ thực hiện tốt các chủ trương, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Các cơ quan, đơn vị thông qua công tác tuyển quân, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên tập trung nâng cao công tác tạo nguồn đảng viên cho địa phương,... quyết tâm không để thôn, bản “trắng” đảng viên, góp phần nâng cao tỷ lệ lãnh đạo ở cơ sở. Chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng các chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn thực sự trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức đảng. Tăng cường cán bộ, đảng viên lực lượng vũ trang tham gia cấp ủy, hội đồng nhân dân các cấp; đề cao trách nhiệm, trí tuệ, phẩm chất đạo đức, lối sống, cùng tập thể cấp ủy, chính quyền các cấp đề ra những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phối hợp với các lực lượng, ban, ngành tập huấn, bồi dưỡng, nâng chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội nông dân, công đoàn, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể,... thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, trọng tâm là xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, thắt chặt mối quan hệ giữa nhân dân với cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở.

Điểm tựa cho nhân dân an cư, lạc nghiệp

Giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, triệt tiêu mưu đồ chống phá của các thế lực thù địch, các tệ nạn, tội phạm, tạo môi trường thuận lợi để nhân dân các dân tộc trên địa bàn yên tâm sinh sống, lao động, sản xuất là trăn trở, nhiệm vụ quan trọng của lực lượng vũ trang Tây Bắc. Để đạt được mục tiêu này, lực lượng vũ trang tăng cường nắm chắc tình hình địa bàn, chủ động phát hiện âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; các mâu thuẫn phát sinh trong nhân dân; những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở địa phương,... để cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra các chủ trương, giải pháp giải quyết hiệu quả. Tiếp tục bám dân, bám bản, bám địa bàn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn để tuyên truyền, vận động nhân dân nhận rõ, không nghe theo âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an  tăng cường đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; kiên quyết xóa bỏ các điểm trồng cây thuốc phiện; kịp thời giải quyết các vấn đề phức tạp, không để hình thành “điểm nóng” ngay từ cơ sở.

Cùng với đó, lực lượng vũ trang tập trung xây dựng vững mạnh toàn diện, “tinh, gọn, mạnh” có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu cao; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp; xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, làm nòng cốt thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Chăm lo xây dựng “thế trận lòng dân” vững mạnh, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, xây dựng biên giới giữa Việt Nam - Lào, Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, tạo môi trường thuận lợi để xây dựng Tây Bắc “xanh, bền vững và toàn diện”.

 

 

 

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất