Tác phẩm “Trị "căn bệnh" cán bộ sợ trách nhiệm” của nhóm tác giả Văn Tuấn - Hải Lý - Bùi Đình Phong - Nguyễn Hữu Quý - Hoàng Đăng, đăng trên Báo Quân đội nhân dân đã đoạt Giải B - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ VIII - năm 2023. Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Bài 1: Né trách nhiệm là biểu hiện của suy thoái
Trách nhiệm là nhiệm vụ phải gánh vác về phần mình; là chịu kết quả về công việc của mình trước Tổ quốc và nhân dân. Cán bộ né tránh trách nhiệm là tìm cách tránh né phần việc công bộc của dân thì đích thực là biểu hiện của suy thoái.
|
Né tránh trách nhiệm là biểu hiện của suy thoái. Minh họa: LÊ ANH |
Trách nhiệm có cái chung và cái riêng, cụ thể. Cái chung được quy định trong Điều lệ Đảng, lời thề của đảng viên dưới cờ Đảng, trong Luật Công chức. Cái cụ thể, cái riêng là trách nhiệm của từng người, từng vị trí công tác, từng chức vụ, quyền hạn.
Trong Quân đội, quân nhân có trách nhiệm chung, nhưng từng vị trí, cấp bậc, chức vụ, nhiệm vụ như các cấp chỉ huy, cán bộ quân sự, cán bộ chính trị... lại có trách nhiệm riêng, cụ thể. Dù chung hay riêng, nói đến trách nhiệm của đảng viên là trách nhiệm trước Đảng, cũng là trách nhiệm trước Tổ quốc và nhân dân. Cũng như vậy, trách nhiệm của công chức, viên chức chính là trách nhiệm trước nhân dân và quốc gia, dân tộc.
Bác Hồ có nhiều cách diễn đạt về trách nhiệm, tinh thần trách nhiệm, phận sự, bổn phận của đảng viên và cán bộ. Người nói, phận sự của đảng viên và cán bộ là trọng lợi ích của Đảng trên hết, đồng nghĩa với trọng lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc. Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc thì Đảng không có lợi ích nào khác. Nhiệm vụ to nhất, vinh quang nhất của Đảng là giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. Cả đời Người chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, Người cũng chỉ theo đuổi một mục đích phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân.
Trách nhiệm có trách nhiệm tập thể (tập thể lãnh đạo) và trách nhiệm cá nhân (cá nhân phụ trách). Bài viết này chỉ bàn về né tránh trách nhiệm cá nhân. Ngay cả khi nói trách nhiệm tập thể thì xét đến ngọn ngành cũng là trách nhiệm cá nhân người đứng đầu. Bác Hồ chỉ bảo rằng, trong một trận chiến đấu, thắng là do toàn thể bộ đội, bại là do người chỉ huy. Trong công tác dân sự cũng vậy, Bác thường nói khi có sai lầm, khuyết điểm, không hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra thì mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải nhận lấy phần trách nhiệm của mình, không nói lãnh đạo chung chung.
Cũng như chữ “cộng sản”, những chữ “trách nhiệm”, “bổn phận”, “phận sự”, “phụ trách” không phải viết lên trán mà phải được khắc trong tim, ghi trong khối óc của đảng viên, cán bộ, của người đứng đầu. Bởi vì một người tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Đảng, đi theo con đường vào đội ngũ công chức của Nhà nước, tức là dấn thân làm người có trình độ cao, tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc thì phải gánh vác nhiệm vụ làm công bộc của dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và chịu kết quả công bộc mà nhân dân và Tổ quốc giao phó. Người cán bộ phải có ý thức về nhiệm vụ phải làm tròn - đó là tinh thần trách nhiệm.
Bác Hồ từng nói: "Làm cán bộ tức là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân. Mấy chữ a, b, c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được". Chuyện đơn giản, lẽ thường tình như vậy nhưng không phải ai cũng thuộc, cũng làm được đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc và làm được, thậm chí không ít người không thuộc, không làm được. Những người không làm được là suy thoái, thoái hóa, mà nếu không được ngăn chặn, đẩy lùi thì sẽ trở nên hủ bại, hủ hóa, tức là đi đến chỗ hư hỏng, tồi tệ.
Suy thoái, thoái hóa là sút kém, thụt lùi, kém hơn trước. Đứng vào hàng ngũ của Đảng và trở thành cán bộ cơ quan, đoàn thể, người đảng viên, cán bộ có niềm vinh dự, tự hào và hạnh phúc lớn lao là được phục vụ nhân dân, trở thành người đày tớ trung thành của dân. Cùng với thời gian, một bộ phận cán bộ, đảng viên, người đứng đầu mất dần cái say sưa, nhiệt huyết công bộc. Họ quên mất lời thề dưới cờ Đảng, có thể nhớ mà không làm hoặc làm nhưng theo cách của họ; có người vẫn mang danh “đày tớ” của dân nhưng không còn trung thành, tận tuy, tận tâm, tận lực như những ngày đầu đứng trong hàng ngũ công chức.
Đặc biệt, như Bác Hồ chỉ ra, những người trở thành cán bộ, công chức đều có nhiều hoặc ít quyền hành, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà không giữ đúng phẩm chất đạo đức cần, kiệm, liêm, chính; thiếu lương tâm nên có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Họ không chỉ suy thoái mà tha hóa, biến chất, biến thành sâu mọt của dân.
Cán bộ né tránh trách nhiệm thời nào cũng có, nhưng thời nay nhiều hơn. Vì sao như vậy? Vì nhiều lý do. Một là, có một số cán bộ năng lực không tương xứng với chức vụ, vị trí công tác. Không ít cán bộ năng lực thấp được giao nhiệm vụ cao, họ không đủ năng lực để làm việc, không thể đảm đương được công việc nên tìm cách né tránh, đùn đẩy, thoái thác.
Thứ hai, có loại cán bộ làm việc gì cũng phải được “bôi trơn”, “phong bì”. Vừa qua, cuộc chiến chống tham nhũng đi từng bước vững chắc, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Thứ ba, các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành còn có “lỗ hổng”, “kẽ hở” hoặc chồng chéo, thiếu nhất quán, đồng bộ, làm đúng quy định này có khi trái quy định khác. Không ít cán bộ chấp nhận bị phê bình, khiển trách, nhắc nhở nên né tránh cho “an toàn”.
Thứ tư, chúng ta nói nhiều về bệnh né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm nhưng chưa có biện pháp để khắc phục. Có nơi, người đứng đầu lại né tránh trách nhiệm trước hết.
Thứ năm, xét đến ngọn ngành, những cán bộ né tránh trách nhiệm là do mất gốc đạo đức chí công vô tư, họ không chịu rèn luyện và tu dưỡng, làm việc trung bình chủ nghĩa, qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức về nhiệm vụ phải làm, về văn hóa công bộc, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; thoái thác, chối bỏ trách nhiệm; thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân.
Khẳng định tiếp tục thực hiện 4 nhóm giải pháp của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, 10 giải pháp nêu trong Đại hội XII, Hội nghị Trung ương 4 khóa XII coi né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và đề xuất 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với 29 giải pháp cụ thể để chống biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa; trong đó có né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm. Đại hội XIII tiếp tục khẳng định kiên quyết, kiên trì, quyết tâm thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã nêu.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bệnh né tránh trách nhiệm có lúc tạm lắng rồi lại lên. Gần đây, trên các diễn đàn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chính phủ, đại biểu Quốc hội nói nhiều về căn bệnh này. Liệu có thuốc đặc trị? Có! Thuốc đó là giải pháp “hai chân”: Cơ chế và con người. Hai phạm trù đó quan trọng ngang nhau, hỗ trợ nhau, nhưng con người là nhân tố quyết định, vì chính con người làm ra cơ chế. Con người xấu có thể cài cắm lợi ích nhóm, thói vô trách nhiệm vào cơ chế. Điều đó cho thấy vai trò gốc, then chốt của công tác cán bộ và tính liêm sỉ của cán bộ, đảng viên, sự gương mẫu của người đứng đầu vô cùng quan trọng. Pháp luật, pháp lý là cần nhưng không thể thiếu và thay được đạo lý. Bác Hồ nhắc nhở chúng ta rằng, pháp luật không trị hết được. Tự mình phải gây ra cái pháp luật để trị mình.
Trong bụng cán bộ, đảng viên có tòa án lương tâm trong đó. Mỗi đảng viên, cán bộ biết vun bồi, nuôi dưỡng ý thức về nhiệm vụ phải làm trọn vẹn; phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, tránh xa và không dính líu gì với vòng danh lợi, luôn suy nghĩ và hành động vì lợi ích của nhân dân là cách tốt nhất để chống bệnh né tránh trách nhiệm.
Ngày 16-10-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 968/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Công điện nêu, tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai khi xử lý công việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong một số cơ quan hành chính nhà nước các cấp vẫn chưa được khắc phục hiệu quả; công tác phối hợp giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị trong xử lý công việc chưa chặt chẽ, kịp thời, còn trường hợp chậm tham gia ý kiến hoặc tham gia ý kiến nhưng không có chính kiến, quan điểm rõ ràng, kéo dài thời gian xử lý, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc.
Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, tiếp tục chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp, đóng góp thiết thực và nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra của năm 2023 và các năm tiếp theo.
|
PGS, TS. BÙI ĐÌNH PHONG
Bài 2: Bài học quý từ tấm gương dám nghĩ, dám làm
Trong tiến trình cách mạng của Việt Nam nói chung, đặc biệt là từ khi Đảng ta tiến hành công cuộc đổi mới tới nay, lịch sử còn ghi lại nhiều tấm gương cán bộ lãnh đạo, quản lý có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của đất nước, của nhân dân. Họ là biểu tượng sinh động, tiêu biểu của tầm cao trí tuệ, đức hy sinh, tinh thần dấn thân. Những việc họ làm đã để lại những bài học có giá trị quý báu cho sự nghiệp đổi mới đất nước.
|
Thủ tướng Võ Văn Kiệt kiểm tra tiến độ thi công đường dây 500kV Bắc - Nam (tháng 11-1993). Ảnh tư liệu TTXVN |
Thực tiễn đã chỉ rõ, trước những khó khăn, thách thức, người cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm chính là người có quyết tâm, có tầm nhìn, có suy nghĩ táo bạo, dám đưa ra quyết định đột phá, để không chỉ hoàn thành nhiệm vụ được giao mà hơn thế còn mang lại lợi ích to lớn cho dân tộc, cho đất nước.
Những năm sau 1975, TP. Hồ Chí Minh với khoảng 4 triệu dân lâm vào nguy cơ thiếu lương thực. Trong cuốn "Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989", tác giả Đặng Phong kể lại. Để giải quyết vấn đề khó khăn về lương thực, với vai trò Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Kiệt khi đó đã "phá rào" tìm cách mua gạo về cứu đói cho người dân. Một buổi sáng năm 1978, ông Kiệt mời ông Lữ Minh Châu, Giám đốc Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh; ông Năm Ẩn, Giám đốc Sở Tài chính số và bà Ba Thi, Phó giám đốc Sở Lương thực tới nhà riêng ăn sáng. Sau khi dùng bữa, Bí thư Thành ủy cho biết nguồn gạo từ trên cung cấp cho thành phố không đủ và không cung cấp kịp. Trong khi đó, Sở Lương thực thì không được phép mua với giá thỏa thuận. Người dân miền Tây có gạo nhưng không chịu bán giá nghĩa vụ cho Nhà nước vì họ bị thiệt. Trong khi đó, dân thành phố có tiền và sẵn sàng mua với giá thỏa thuận lại không được xuống mua. Ông chỉ ra hàng loạt nghịch lý và đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta không ráp hai mối này lại? Đó là vấn đề mà tôi mời anh chị đến để hiến kế giải quyết.
Ý tưởng này trúng suy nghĩ của bà Ba Thi, nhưng để thực hiện không hề dễ dàng. Bởi nếu muốn mua gạo của dân theo giá thỏa thuận, bà Ba Thi chỉ có thể lấy danh nghĩa cá nhân chứ không thể lấy danh nghĩa Sở Lương thực (sở phải mua theo giá Nhà nước). Nhưng với tư cách cá nhân, bà Ba Thi không thể ứng vốn, ngân hàng cũng không thể cho vay và chi tiền mặt. Việc xin mua ở tỉnh và vận chuyển gạo về thành phố cũng không dễ dàng, phải qua nhiều trạm canh gác. Vậy nên, đơn vị tài chính xuất tiền, văn phòng làm giấy đi đường để bà Ba Thi tổ chức mua gạo từ các địa phương miền Tây đưa về TP. Hồ Chí Minh bán cho người dân. Để bảo đảm an toàn cho việc "xé rào", một tổ thu mua gạo ra đời, gồm cán bộ kế toán, ngân hàng, vận tải... do bà Ba Thi làm tổ trưởng.
Ông Võ Văn Kiệt đồng tình với phương án nói trên và đứng ra chịu trách nhiệm về chủ trương để các đơn vị thực hiện. Thế nhưng bà Ba Thi còn lo lắng: Cách này chúng tôi làm được, nhưng nếu Trung ương biết sẽ bị đi tù. Ông Kiệt đáp lời đại ý: Nếu vì việc này mà anh chị đi tù, tôi sẽ mang cơm nuôi.
Vậy là tổ thu mua xuống Cần Thơ mua lúa của dân. Ban đầu, người dân còn e dè nhưng sau đó đồng thuận bán vì thấy giá cao hơn nhiều so với trước. Việc thu mua ngày càng thuận lợi, mở rộng tới Vĩnh Long, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau... Tổ hoạt động liên tục từ năm 1979 đến 1982, khi đời sống người dân thành phố ổn định mới dừng.
Những năm 1978-1979, TP. Hồ Chí Minh còn đối mặt với thiếu hụt nguồn nhập khẩu khiến đầu vào của toàn bộ nền sản xuất suy giảm, kéo theo khủng hoảng về hàng hóa, lao động. Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt lại bàn với lãnh đạo thành phố tìm cách "xé rào" nhập khẩu một số nguyên liệu cần thiết phục vụ sản xuất.
Kinh nghiệm "xé rào" tại TP. Hồ Chí Minh còn được đồng chí Võ Văn Kiệt thể hiện suốt quá trình lãnh đạo đất nước khi ra Trung ương làm Phó chủ tịch thứ nhất rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, sau đó là Thủ tướng. Ông là người ký hàng loạt văn bản tháo gỡ các trở ngại ở lĩnh vực kinh tế. Cụ thể như bãi bỏ tất cả hạn chế về số lần, số lượng với việc gửi tiền và hàng của Việt kiều từ nước ngoài gửi về nước; bãi bỏ các trạm kiểm soát trên tất cả tuyến đường trong nước; giao quyền tự chủ cho các xí nghiệp quốc doanh, xóa bỏ hệ thống chỉ tiêu kế hoạch... Những ý tưởng, đề xuất, việc làm thực tế và có hiệu quả trên của Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ góp phần hình thành đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, mở ra thời kỳ phát triển ổn định và đi lên mạnh mẽ của đất nước.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc cũng là một trong những lãnh đạo tiên phong đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp ở Việt Nam khi thực hiện giao khoán ruộng đất cho từng hộ nông dân những năm 1966-1968. Đây là quyết định táo bạo và vượt ra phạm vi, khuôn khổ của tư duy, quan điểm, đường lối của Đảng lúc bấy giờ. Kết quả từ thực tiễn đã là đáp án để chứng minh quyết định là đúng đắn, có đột phá và mang lại hiệu quả thiết thực to lớn, khơi dậy sức lao động của người nông dân. Tấm gương đổi mới, sáng tạo trong phát triển nông nghiệp của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, để lại những kinh nghiệm, bài học quý có thể kế thừa, phát huy trong sự nghiệp đổi mới, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đó là tấm gương dám dấn thân vì cái chung, xuất phát từ trách nhiệm của người cán bộ lãnh đạo trước cuộc sống của người dân. Nó thể hiện rõ tư duy của người lãnh đạo năng động, sáng tạo, luôn trăn trở và không ngừng tìm tòi hướng đi mới hiệu quả hơn.
Còn nhiều tấm gương cán bộ bản lĩnh, sáng tạo, quyết đoán trong từng quyết sách và để lại dấu ấn tiêu biểu như: Tổng Bí thư Trường Chinh với đổi mới tư duy kinh tế, khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước; Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Chính (bí danh Chín Cần) tại Long An với quyết định đổi mới tư duy, thực hiện “cơ chế một giá theo thị trường”, xóa bỏ tem phiếu; Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với chủ trương động viên, khuyến khích mọi người lao động, mọi năng lực sản xuất, mọi thành phần kinh tế sản xuất bung ra, cải tiến lưu thông, phân phối để thúc đẩy sản xuất phát triển, với “những việc cần làm ngay”...
Từ những câu chuyện trên, có thể thấy, cán bộ dám đột phá, sáng tạo luôn phải đối diện với vô vàn áp lực. Đó là kỷ luật Đảng, sự nghi ngờ về động cơ thực hiện, thậm chí là những hậu quả nặng nề nếu như “xé rào” thất bại. Đã có những bài học đau xót từ việc cán bộ "xé rào", đề xuất ý tưởng vượt ra khỏi khuôn khổ chính sách, pháp luật nhưng có nhiều lý do, trong đó có cả sự áp đặt, chủ quan, nhận thức của bối cảnh lúc đó nên việc đổi mới không phải lúc nào cũng được ghi nhận, thậm chí cán bộ còn bị kỷ luật.
Thực tế, không ai dám khẳng định rằng “xé rào” sẽ thành công, do đó, để thúc đẩy tinh thần dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, trong Kết luận số 14-KL/TW về Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung ban hành ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ nếu việc thí điểm có kết quả không đạt hoặc xảy ra thiệt hại, các cơ quan chức năng phải đánh giá công tâm, xem xét nếu thực hiện có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Quy định này khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Đảng đối với cơ chế đề cao sự năng động, sáng tạo của cán bộ vì lợi ích chung, dù rằng, còn nhiều điều phải làm để chủ trương này đi vào cuộc sống.
Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài mục tiêu đưa đất nước vươn lên giàu mạnh, người dân ấm no, hạnh phúc. Hơn lúc nào hết, chúng ta rất cần những cán bộ có tư duy, việc làm đột phá, dám nghĩ, dám làm. Khi chủ trương, đường lối đúng nhưng nếu cán bộ không quyết liệt, năng động, dám nghĩ, dám làm mà thụ động, trông chờ, ỷ lại vào cấp trên thì sẽ không bao giờ đạt được hiệu quả tốt. Trong mối quan hệ biện chứng, chỉ những cán bộ có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt mới có thể dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ngược lại, những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với động cơ trong sáng, vì nước, vì dân thì đó là những cán bộ có phẩm chất tốt.
Đành rằng, khi thử nghiệm cái mới, ranh giới đúng-sai là rất mong manh, nhưng nếu không mang mục đích cá nhân mà vì cái chung, Đảng ta chắc chắn sẽ nhận ra và bảo vệ, bởi Đảng cũng chỉ có mục đích duy nhất là vì nước, vì dân.
HOÀNG ĐĂNG
Bài 3: Cần cơ chế bảo vệ cán bộ dám làm, dám chịu
Thời gian gần đây, tình trạng sợ trách nhiệm, không dám hành động vì lợi ích chung trong một bộ phận cán bộ, công chức (CBCC) rất đáng lo ngại. Ở khía cạnh nào đó thì sợ trách nhiệm đã trở thành một căn bệnh. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần có cuộc trò chuyện với PGS, TS. Lê Văn Cường, Phó viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về vấn đề này.
Phóng viên (PV): Hiện nay, trong một bộ phận CBCC có biểu hiện né tránh công việc, e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm... Vậy, ý kiến của đồng chí về vấn đề trên như thế nào?
PGS, TS. Lê Văn Cường: Hiện tượng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm diễn ra không đơn lẻ mà xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành. Do đó, nói ở khía cạnh nào đó thì sợ trách nhiệm đã trở thành một căn bệnh. Đã có tình trạng, cấp dưới trình (hay đùn đẩy) lên cấp trên, cấp trên lại trình lên cấp trên nữa. Cuối cùng không cấp nào chịu trách nhiệm.
Thời đại kinh tế số, khoa học - công nghệ phát triển như vũ bão, ngày nay, không còn "cá lớn nuốt cá bé" mà là "cá nhanh nuốt cá chậm". Nếu chậm thì không có cơ hội để vươn lên phía trước. Việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận cán bộ sẽ đẩy cơ quan, đơn vị, mà xa hơn là đất nước rơi vào vòng luẩn quẩn, chậm phát triển, cơ hội bị mất đi.
Biểu hiện của bệnh sợ trách nhiệm là: Người sợ trách nhiệm thường làm việc một cách cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn. Vì lo sợ phải chịu trách nhiệm về những việc sẽ xảy ra, cho nên không muốn cải tiến công tác, không dám mạnh dạn thay đổi những cái không hợp lý, chỉ làm theo nếp cũ.
Người sợ trách nhiệm thường rụt rè, do dự khi giải quyết công việc, không phát biểu rõ ràng, dứt khoát ý kiến riêng của mình, không dám quyết đoán những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình. Vì muốn trốn tránh trách nhiệm cá nhân, thường vin vào những lý do như chưa có chỉ thị của cấp trên để ỷ lại và chờ đợi một cách thụ động; lấy lý do làm việc tập thể, tôn trọng tập thể để dựa dẫm vào tập thể; ngại “va chạm” trong quan hệ với các đồng chí cùng đơn vị, với cấp trên và cả với cấp dưới.
PV: Vậy theo đồng chí, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ né tránh trách nhiệm?
PGS, TS. Lê Văn Cường: Có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Khách quan là do tác động bên ngoài như những vấn đề mới phát sinh, thiếu quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước... Nhưng nguyên nhân chủ quan là chính.
Cán bộ sợ trách nhiệm là những người suy thoái về tư tưởng chính trị, có biểu hiện né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, không muốn làm vì không có lợi ích riêng. Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến căn nguyên của căn bệnh này rất cụ thể: “Có lợi cho tôi thì tôi tích cực; không có lợi cho tôi thì tôi tiêu cực. Tôi muốn có địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm”. Theo Bác, những người mắc bệnh sợ trách nhiệm là những người: “Họ muốn địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm nặng. Dần dần, tinh thần đấu tranh và tính tích cực của họ bị kém sút, chí khí anh dũng và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng kém sút; họ quên rằng tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”.
Cách đây 50 năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết bài “Bệnh sợ trách nhiệm”, đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 11-1973 lấy bút danh là Người xây dựng. Tác giả cũng chỉ rõ: Nguồn gốc chủ yếu của bệnh sợ trách nhiệm là chủ nghĩa cá nhân. Chính vì luôn luôn tính toán cho lợi ích cá nhân, bo bo “bảo vệ” lấy cái cá nhân của mình mà mất cả dũng khí đấu tranh, thiếu hẳn “tinh thần trách nhiệm nghiêm túc, tính kiên quyết, tính nguyên tắc trong khi giải quyết các vấn đề”, không dám đương đầu trước khó khăn, không dám nghĩ, không dám làm, chỉ tránh khó, ngại phiền. Vì vậy, khắc phục bệnh sợ trách nhiệm trước hết là phải chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao tinh thần cách mạng của cán bộ, đảng viên, làm cho mỗi người đều có tinh thần xả thân vì sự nghiệp cách mạng.
PV: Đồng chí có cho rằng tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của CBCC hiện nay đang cản trở sự phát triển?
PGS, TS. Lê Văn Cường: Chính vì luôn luôn tính toán cho lợi ích cá nhân, không dám nghĩ, không dám làm khiến nhiều công việc bị trì trệ, ách tắc, nhiều nguồn lực của đất nước không được phát huy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, kìm hãm tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta.
Ở nhiều nơi, tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám quyết, đùn đẩy trách nhiệm qua lại giữa các bộ phận khiến nhiều công việc bị đình trệ, người dân và doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Hàng loạt dự án, công trình đầu tư bị kéo dài tiến độ hoặc bị ngưng trệ chỉ vì chậm được duyệt, cấp phép. Trong lĩnh vực đầu tư công, nhiều công trình trọng điểm bị chậm tiến độ, tốc độ giải ngân tại một số địa phương, bộ, ngành rất thấp...
Cũng do cán bộ sợ trách nhiệm, chần chừ, né tránh, không quyết, không làm nên dẫn tới tình trạng tốc độ tăng trưởng kinh tế của một số địa phương, ngành, lĩnh vực, kể cả những nơi được đánh giá là có thế mạnh, mũi nhọn kinh tế gần như đứng im, thậm chí tăng trưởng âm trong khi các nguồn lực, tiềm lực phát triển kinh tế của đất nước hiện còn rất lớn. Đơn cử như trong lĩnh vực y tế, do sợ trách nhiệm, sợ làm sai, sợ bị kỷ luật nên nhiều địa phương, cơ sở y tế không dám tổ chức đấu thầu, đấu giá mua sắm thiết bị máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, thuốc, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
PV: Để đặc trị "bệnh sợ sai", không để lan ra diện rộng, theo đồng chí, đâu là giải pháp mang tính toàn diện?
PGS, TS. Lê Văn Cường: Để trị căn bệnh này, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm cá nhân về việc CBCC có dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung hay không? Ngay cả việc khuyến khích, bảo vệ như thế nào để cán bộ không sợ sai, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sáng tạo phụ thuộc rất nhiều vào cách làm của người đứng đầu. Điều quan trọng vẫn là người đứng đầu các cấp có dám chịu trách nhiệm về những đề xuất, việc làm vì lợi ích chung của cán bộ cấp dưới hay không.
Cùng với đó, tổ chức, cơ quan, đơn vị phải kiên quyết bảo vệ và có những khuyến khích đối với cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám vì lợi ích chung. Người làm việc tốt, có nhiều cống hiến, biết hy sinh quyền lợi cá nhân vì tập thể phải được tôn trọng, được hưởng đầy đủ các chính sách đãi ngộ từ vật chất đến tinh thần và bố trí, cất nhắc vào các vị trí công tác xứng đáng. Còn những ai thiếu trách nhiệm, thấy dễ mới làm, khó thì tránh, làm việc hời hợt lại vụ lợi, nịnh hót, chỉ biết mưu lợi cho riêng mình phải phê phán kịch liệt và có thể đưa ra khỏi cơ quan, đơn vị. Khuyến khích, bảo vệ sự đột phá, sáng tạo vì cái chung, nhưng không vì thế mà lợi dụng để làm sai nguyên tắc. Nếu có sai phạm thì cần xem xét cụ thể, do làm ẩu hay do năng lực, hoặc điều kiện khách quan. Có nhìn vấn đề thấu lý, đạt tình mới đánh giá đúng cán bộ.
PV: Để khuyến khích, bảo vệ cán bộ có động cơ trong sáng, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, theo đồng chí, hệ thống pháp luật cần phải được hoàn thiện như thế nào?
PGS, TS. Lê Văn Cường: Hiện nay, chúng ta còn tồn tại thực trạng một số quy định pháp luật chồng chéo, thiếu tính thống nhất, thiếu đồng bộ, liên thông, không còn phù hợp với thực tiễn. Nhiều vấn đề mới nảy sinh, chưa có tiền lệ, chưa được quy định, chưa có kinh nghiệm, dễ gây rủi ro, sai sót, thiệt hại hoặc dễ bị lợi dụng để làm trái, trục lợi trong quá trình triển khai thực hiện. Điều này khiến cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng, chưa phát huy được hết năng lực, tinh thần đổi mới, sáng tạo, thậm chí còn e ngại, sợ bị xem xét trách nhiệm khi có khuyết điểm. Chính vì vậy, chúng ta cần chú trọng hoàn thiện các hệ thống quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực này.
Việc xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám đương đầu với khó khăn, thử thách vì lợi ích chung như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu là vấn đề then chốt trong nhiệm vụ then chốt. Đi liền với đó là chủ trương khuyến khích, bảo vệ họ phát huy tốt các phẩm chất đáng quý ấy. Gần đây, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản nêu rõ chủ trương này. Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị đã đưa ra chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29-9-2023 của Chính phủ cũng quy định rõ về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Cùng với đó, cần có cơ chế, chính sách cụ thể, đồng bộ, sát thực hơn nữa. Đó là hệ thống quy định, quy trình công tác minh bạch. Cán bộ được đánh giá, bổ nhiệm bằng chính năng lực, phẩm chất của họ. Đó là môi trường thật sự bình đẳng, nhân văn để mọi người thấy hạnh phúc khi được làm việc. Môi trường ấy không chỉ là các trang thiết bị đầy đủ, hiện đại, hay tiền lương, thu nhập cao, bảo đảm cho nhu cầu cuộc sống mà còn là tình yêu thương đồng chí, đồng nghiệp, là sự ứng xử văn hóa của cán bộ giữa các cấp, các lĩnh vực chuyên môn, các bộ phận công tác.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Tại Quy định số 22-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 28-7-2021 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng đã quy định rõ một trong những nguyên tắc trong kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng là: Công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng. Khi các vụ việc vi phạm được phát hiện, phải cương quyết xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời để răn đe và giáo dục. |
VĂN TUẤN - HẢI LÝ (Thực hiện)
Bài 4: Ngực dám ưỡn đón những phong ba dữ dội
Tại sao khi đang muốn viết về bệnh đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên (CB, ĐV), nhất là người đứng đầu trong xã hội ta hiện nay tôi lại nghĩ tới mấy câu thơ của Tố Hữu mà mình đã được học thời phổ thông. Bài thơ tôi được học cách đây nửa thế kỷ, trước khi trở thành người lính Trường Sơn. Có lẽ, lý do duy nhất là tôi nghĩ tới điều tốt đẹp về những con người đã nguyện phấn đấu, hy sinh cho Tổ quốc và nhân dân. "Yêu biết mấy những con người đi tới/ Hai cánh tay như hai cánh bay lên/ Ngực dám đón những phong ba dữ dội/ Chân đạp bùn không sợ các loài sên...".
Mấy câu thơ này tôi chép theo trí nhớ, chẳng biết có chuẩn xác tuyệt đối không nhưng tư tưởng của nó chắc chắn không lầm lẫn, chệch hướng được. Những con người đi tới ấy có lý tưởng cách mạng cao đẹp, có phẩm chất đạo đức trong sáng, dám nghĩ, dám làm vì Tổ quốc, vì nhân dân mà kể đến đầu tiên không ai khác chính là đội ngũ trí thức, CB, ĐV.
Cùng dân tộc đi qua các cuộc kháng chiến vĩ đại nhất để giải phóng đất nước, bảo vệ non sông và xây dựng Tổ quốc vô cùng cam go khốc liệt, lớp lớp đảng viên đã làm đúng lời thề cao cả của mình. Họ đi trước và sẵn sàng nhận lấy những khó khăn, gian khổ nhất, không nề hà mất mát, hy sinh. Có thế đất nước mới được độc lập, thống nhất, hòa bình và đổi thay như bây giờ. Nhưng, cũng vì nặng lòng với quá khứ bi tráng ấy mà những CB, ĐV chân chính không khỏi đau buồn, nhức nhối trước thực trạng xuống cấp về phẩm chất đạo đức của một bộ phận (có thể nói là không nhỏ) của CB, ĐV thoái hóa hiện nay. Một trong những biểu hiện của sự xuống cấp đó là căn bệnh đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của CB, ĐV với những hệ lụy trước mắt và lâu dài của nó.
|
Minh họa: Lê Anh |
Sòng phẳng mà nói thì cái tính ích kỷ, hám lợi, muốn dễ mình khó người không phải bây giờ mới có. Tôi nghĩ nó cũng là một thuộc tính của con người nhưng ở phần khuất tối. Nó là góc tăm tối cố thủ bền vững nhất trong tâm tính ta mà chỉ cần có cơ hội là ngóc đầu dậy rủ rê, giục giã con người hành động tiêu cực. Cái sự ích kỷ đó đã có từ thuở ngày xửa, ngày xưa: "Cơm ăn chẳng hết thì treo/ Việc làm chẳng hết thì kêu láng giềng" (ca dao). Lợi ích thì mình hưởng, công việc thì kêu người khác làm, ai mà chịu thấu cơ chứ. Trong chiến tranh, bên cạnh những đồng đội biết “chia lửa, chia bom”, lại có những kẻ đùn đẩy sự nguy hiểm cho người khác để mong bảo toàn mạng sống cho mình. Thậm chí, còn tìm mọi cách để trốn nhập ngũ, tách mình khỏi cuộc kháng chiến chính nghĩa, oanh liệt của dân tộc ta.
Gần đây, tôi có đọc tiểu thuyết "Bất chợt mai vàng" của nhà văn Nguyễn Trí Huân. Trong đó có nhân vật là một chiến sĩ sợ chết nên giả ốm để không phải đi đánh trận. Chỉ huy đơn vị đã cử một người bạn cùng quê với người lính hèn nhát ấy đi chiến đấu thay. Anh ra trận và đã hy sinh anh dũng. Nỗi ân hận, dằn vặt đeo bám người lính hèn nhát còn sống sót sau cuộc chiến đến hết đời. Tuy nhiên, nhà văn của chúng ta xây dựng nhân vật ấy cũng không phải để chì chiết, bỉ bôi hay trách móc ai cả. Nhà văn Nguyễn Trí Huân muốn "Sự thật về cuộc chiến tàn khốc đã lùi xa hơn 50 năm và cũng đến lúc nó cần được khép lại. Khép lại để những con người tham gia cuộc chiến ấy ở cả hai phía có thể sống trong sự tĩnh lặng của đời thường, và cũng bởi cuộc đời như một tấm áo họ đang may dở, hãy để cho họ đơm nốt những chiếc khuy áo cuối cùng...".
Vâng, đúng như thế, cần như thế nhưng những bài học về đối nhân xử thế, về trách nhiệm vẫn phải được nhắc lại, nhắc mãi. Quá khứ khép lại thì cuộc sống mới đồng thời cũng được mở ra. Tổ quốc sau những tan nát, thương đau rất cần những con người mới cho sự nghiệp dựng xây đất nước hôm nay và mai sau. Để cho những thành quả của cách mạng được giữ gìn bền vững và cuộc sống nhân dân ngày càng tươi sáng hơn. Để cho những người theo Đảng được tự do và hạnh phúc ngay trên chính mảnh đất mình đang sống. Mục tiêu ấy, rõ ràng rất khó trở thành hiện thực hay chẳng bao giờ trở thành hiện thực sinh động được khi đội ngũ CB, ĐV cứ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; việc gì thấy có lợi cho mình, gia đình họ hàng, cánh hẩu, phe nhóm thì nhiệt tâm làm, còn ngược lại thì khéo léo chuyển giao sang cho người khác.
Đấy là một thực trạng rất đáng buồn trong một bộ phận không nhỏ CB, ĐV hiện nay. Nó hoàn toàn xa lạ với phẩm chất, đạo đức của CB, ĐV. Những người như Bác Hồ từng dặn rằng: ''Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân" (Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố năm 1969). Không có CB, ĐV nào “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” lại biếng nhác, phất phơ, vụ lợi, phung phí, đùn đẩy, chối bỏ trách nhiệm được tổ chức giao cả. Không có CB, ĐV nào “là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” lại ích kỷ, hẹp hòi và tham lam vô độ cả. Sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm là dấu hiệu dễ thấy nhất của chủ nghĩa cơ hội, khi vui thì vỗ tay vào còn khi gian khó thì tìm cách thoái thác, lẩn tránh. Người chân chính trước hết phải yêu nước thương dân, lo cái lo của nước, lo cái lo của dân. Chẳng phải cụ Nguyễn Trãi từ thế kỷ 15 đã "Bình sinh độc bão tiên ưa niệm/ Tọa ủng hàn khâm dạ bất miên" (Suốt đời một mình ôm cái chí “lo trước thiên hạ”. Ngồi ôm chiếc chăn lạnh, suốt đời không ngủ). Nỗi lo của Ức Trai tiên sinh là nỗi lo làm sao cho dân yên; "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân" ấy mà. Bác Hồ cũng từng có những đêm thao thức vì thương nước, thương dân "Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà".
Có hai trường hợp mà tôi nghĩ rất đáng để cho CB, ĐV hiện nay lấy làm bài học răn mình. Trường hợp thứ nhất liên quan đến quyết định khó nhất trong đời cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông đã bạc tóc khi quyết định đổi chiến thuật “đánh nhanh, thắng nhanh” (đã được thông qua) thành “đánh chắc, tiến chắc” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nếu là người không dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì chắc chắn Đại tướng không bao giờ thay đổi cách đánh đã thông qua rồi.
Trường hợp thứ hai là cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc, con người đổi mới, sáng tạo phát triển nông nghiệp. Với nhân dân Việt Nam nói chung và nông dân Việt Nam nói riêng thì những câu chuyện về Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc mãi mãi là huyền thoại trên những thửa ruộng thấm mặn mồ hôi con người. Từ thực trạng “dong công phóng điểm” đến “khoán hộ” ở nông thôn Vĩnh Phúc những năm đất nước còn đánh Mỹ ghi dấu tài đức của người cộng sản chân chính Kim Ngọc. Chính chủ trương “khoán hộ” từ Vĩnh Phúc đã mở ra hướng đi tích cực trong tìm tòi cách thức quản lý mới trong nông nghiệp, gắn lợi ích của người nông dân với kết quả lao động đưa lại nhiều thành tựu to lớn cho nông nghiệp Việt Nam như chúng ta đã thấy. Tôi nghĩ, những CB, ĐV, đặc biệt là người đứng đầu các tổ chức phải soi vào những tấm gương đó để suy nghĩ và hành động. Không có gì cao hơn danh dự con người. Những ai vì nước, vì dân sẽ mãi mãi được nhân dân tôn vinh, tôn thờ. Họ sẽ bất tử trong lòng dân tộc.
Nói đến con người là nói tới văn hóa. Người CB, ĐV phải là người có văn hóa. Văn hóa được thể hiện rõ trong cả nhận thức và hành động, nói và làm. Nhận thức đúng sẽ hành động đúng. Nói hay phải làm tốt. Có thế mới tạo dựng được niềm tin vững bền trong nhân dân. Cốt lõi của văn hóa chính là lòng yêu thương. Trong yêu thương tỏa sáng sự nhân nghĩa. Những mưu mô, lọc lõi, cầu danh, cầu vinh, cầu lợi và làm hại người khác đối nghịch với nhân văn. Nó là mối nguy hại của đất nước, của chế độ. "Quyền mưu bản thị dụng trừ gian/ Nhân nghĩa duy trì quốc thế an" (Nguyễn Trãi); dịch nghĩa: Quyền mưu vốn chỉ dùng để diệt trừ bọn gian ác/ Nhân nghĩa mới giữ gìn cho thế nước được an.
Do đó, Đảng ta, Nhà nước, nhân dân ta muốn giữ vững được đất nước và chế độ để phát triển tốt đẹp, không được mảy may coi thường việc lựa chọn cán bộ. Cán bộ phải được lựa chọn kỹ càng và cần được thử thách nghiêm túc nhất. Phải cho họ được lăn lộn trong những hoàn cảnh gian khó, thậm chí nghiệt ngã để thể hiện phẩm chất và tài năng của mình. Tôi nghĩ, đừng bao giờ, đừng khi nào nghĩ tới chuyện lót đường rải thảm cho họ bước tới chiếc ghế lãnh đạo dù họ xuất thân từ đâu. Hiền tài phải được phát hiện từ quần chúng và được sử dụng xứng tầm tài đức của họ. Đến lúc phải nói không với chủ nghĩa lý lịch, càng kiên quyết loại bỏ việc chạy chức, chạy quyền. Chỉ cần những người có trách nhiệm lựa chọn phải hết sức công tâm và đừng bao giờ bỏ qua tai mắt nhân dân. Những kẻ đùn đẩy, tắc trách cần bị phát hiện và xử lý sớm. Ai không làm được thì tránh ra hoặc buộc phải "bứng đi" để người khác làm. Hãy để vị trí lãnh đạo cho những ai thực sự yêu nước, thương dân, thực sự dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Không thể khác được, những CB, ĐV ấy phải là những Con Người viết hoa, dám đứng mũi chịu sào, không quản gian khó, hy sinh, không cong queo, ích kỷ. Họ phải là những con người tiêu biểu của Đảng, của chế độ "Ngực dám đón những phong ba dữ dội"...
NGUYỄN HỮU QUÝ
Văn Tuấn - Hải Lý - Bùi Đình Phong - Nguyễn Hữu Quý - Hoàng Đăng
Báo Quân đội nhân dân