Tác phẩm “Vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trên không gian mạng” của nhóm tác giả Đức Chuyên - Thành Duy - Thanh Lê - Hữu Quân, Báo Nghệ An đã đoạt Giải Khuyến khích - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VIII - năm 2023. Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Kỳ 1: Những thách thức từ không gian mạng
Bên cạnh những tiện ích mang đến cho người dùng và xã hội hàng ngày, không gian mạng cũng luôn ẩn chứa các nguy cơ và thách thức đối với an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Đầy rẫy những thông tin xấu độc
Sự bùng nổ của mạng xã hội đem lại cơ hội tiếp cận thông tin trí thức, nhưng cũng tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội và tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, hiện nay, Internet nói chung, mạng xã hội nói riêng đã và đang bị các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản động lợi dụng để phát tán tin giả, tin sai sự thật, những thông tin xấu, độc, những quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ với âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi và thâm độc, hành động chống phá ngày càng mạnh cả chiều rộng và chiều sâu. Bịa đặt trắng trợn, cắt xén tư liệu, suy diễn một chiều, hoặc “nhào nặn” lẫn lộn thật, giả với công thức “3 phần thực, 7 phần hư cấu”… là những thủ thuật, chiêu trò được các đối tượng sử dụng thường xuyên nhất. Các đối tượng này còn lập các tài khoản trên mạng xã hội lấy tên giống như cơ quan báo chí (Tintức Việtnam, Tintức 24h, Tin Chính trị Việt Nam…) hoặc các tổ chức (Nhật ký yêu nước, Con đường Việt Nam…) để người xem nhầm tưởng là cơ quan báo chí hoặc tổ chức yêu nước.
Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, đối tượng cực đoan, phản động còn lợi dụng triệt để các tính năng hiện đại của mạng xã hội để lập các hội, nhóm kín, lôi kéo, tập hợp các đối tượng, thành phần bất mãn, những người nhẹ dạ cả tin, bàn bạc, lên kế hoạch tạo ra các “điểm nóng” nhằm gây rối, làm mất trật tự, chống đối chính quyền. Điển hình như vụ tấn công trụ sở UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, xảy ra ngày 11-6-2023. Hậu quả làm 11 người thương vong, trong đó, có 9 người chết, gồm: 4 chiến sĩ Công an xã, 2 cán bộ xã, 3 người dân; 2 chiến sĩ Công an xã bị thương. Qua quá trình điều tra, bắt giữ 75 đối tượng về tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, Bộ Công an cho biết, hầu hết các đối tượng tham gia vụ việc nói trên đều có tuổi đời trẻ, khai nhận thực hiện hành vi do bị xúi giục, kích động qua không gian mạng. Theo đánh giá của Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an: Không gian mạng là một thành tựu của nhân loại về mặt khoa học công nghệ, đem lại lợi ích có thể rất lớn, nhưng cũng trên không gian mạng ấy cũng đầy rẫy những thông tin xấu, độc, cả về đạo đức, cả về chính trị, cả về an ninh, cả về xã hội.
|
Đồng chí Phạm Ngọc Cảnh - Phó trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Nghệ An cho biết, ngoài thách thức chung, ở địa bàn tỉnh còn phải đối mặt với những đặc thù riêng: Nghệ An là một trong những địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch, phản động tập trung chống phá. Các đối tượng lợi dụng các sự kiện chính trị, xã hội để thổi phồng, bôi nhọ, hạ thấp uy tín cơ quan chức năng, như: Việc thu hút, triển khai một số chương trình, dự án quan trọng của tỉnh; việc bố trí, bổ nhiệm, điều động cán bộ ở một số vị trí; việc công nhân một số nhà máy, xí nghiệp đình công, lãn công… để xuyên tạc, tạo dư luận, kích động trái chiều trên mạng xã hội. Tình trạng thành lập hội, nhóm trên mạng xã hội diễn biến phức tạp; đặc biệt, việc phát ngôn, đăng tải thông tin sai trái, thiếu kiểm chứng của một số cán bộ, đảng viên đã ảnh hưởng đến tư tưởng, dư luận nhân dân trên địa bàn.
Có thể điểm qua những sự việc lợi dụng mạng xã hội, gây rối trật tự xảy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong những năm qua, như các vụ việc lợi dụng tự do tín ngưỡng, lôi kéo, kích động người dân chống chính quyền xảy ra ở xã Nghi Phương (Nghi Lộc), năm 2013, ở các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu (2017, 2018); mở rộng Khu Công nghiệp WHA ở huyện Nghi Lộc (2022); triển khai Dự án Nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng ở xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên (2020-2022)… Trong các vụ việc này, các đối tượng cực đoan, phản động đã lợi dụng triệt để các tính năng livestream (tường thuật trực tiếp) của Facebook, Zalo để tung lên các hình ảnh ngay tại các “điểm nóng”, đang có “xung đột” giữa chính quyền và người dân để kích động. Trước mỗi sự việc, chúng đều lên kế hoạch bài bản, có nhiều người ghi hình để livestream trên các trang mạng xã hội, quay các hình ảnh chống đối người thi hành công vụ tung lên mạng để kích động. Các trang thông tin hải ngoại đã lấy các hình ảnh này rồi cắt ghép, bịa đặt và vu cáo rằng, chính quyền Nghệ An vi phạm nhân quyền, đàn áp người có ý kiến bất đồng.
“Đổ thêm dầu vào lửa”
Đồng chí Trần Khánh Sơn - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Thái Hòa (Nghệ An) nhìn nhận: Một thực tế hiện nay là một số cán bộ, đảng viên quá lạm dụng không gian mạng để thông tin khi chưa rõ ngọn ngành sự việc; thậm chí mâu thuẫn đồng nghiệp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, vợ, chồng, mẹ chồng nàng dâu, việc gia đình đều đưa lên mạng;… Mới đây, 2 viên chức của Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông thị xã phản ánh việc chậm chi trả tiền của thị xã. Lãnh đạo thị xã đã xác minh ngay thông tin sự việc trong đêm, yêu cầu Phòng Tài chính, đồng chí Phó Chủ tịch UBND thị xã phụ trách công tác này làm rõ thông tin cán bộ phản ánh trên mạng xã hội. Ngay ngày làm việc hôm sau, lãnh đạo thị xã mời 2 viên chức lên trao đổi cụ thể sự việc, làm rõ về trách nhiệm cá nhân của từng đồng chí chưa làm thủ tục thanh toán (liên quan đến yêu cầu thủ tục tài chính); đồng thời, phân tích để các cán bộ này nhận thức rõ trách nhiệm phát ngôn của cán bộ, đảng viên trên không gian mạng.
|
Hiện nay, bên cạnh đại đa số cán bộ, đảng viên khi về hưu, về với cuộc sống đời thường vẫn luôn phát huy tính tiên phong gương mẫu, kiên định lập trường tư tưởng, còn đầy nhiệt huyết đối với cộng đồng thì thông qua mạng xã hội cho thấy có một số trường cá biệt “đương chức im tiếng, hoàng hôn nói nhiều”, thậm chí không hiếm những trường hợp phát ngôn, bình luận, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội thiếu chuẩn mực, thiếu ý thức chính trị so với lúc còn đương chức; rồi tình trạng “ra rả nghe đài địch” về các thông tin xấu, độc có nội dung tập trung vào công tác nhân sự, hay đường lối đối ngoại của nước ta; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… do các đối tượng cực đoan, phản động cố tình nhào nặn, suy đoán vô căn cứ rồi dựng thành video phát trên các kênh Youtube, Fanpage Facebook là không hề hiếm. Đáng nói là nhiều người nghe xong lại không phản bác, đấu tranh mà lại còn đem ra bàn tán, thông tin sôi nổi nhưng hỏi nguồn ở đâu thì chỉ trả lời là “trên mạng nói thế!”.
Trao đổi về hiện tượng này, đồng chí Nguyễn Hồ Cảnh (nguyên cán bộ lãnh đạo nhiều cấp, ngành ở tỉnh Nghệ An), hiện đang làm Bí thư Chi bộ khối Trung Hợp, phường Hưng Dũng (TP. Vinh), nêu quan điểm: Đảng viên về hưu cơ bản đều sử dụng mạng xã hội để thông tin liên lạc với người thân và tìm hiểu thông tin dư luận xã hội. Cái được là mọi người tiếp cận được các thông tin nhanh, đa chiều và có thể thể hiện được chính kiến, nguyện vọng của mình với các sự kiện đó.
Tuy nhiên, đồng chí cho rằng, thực tế đã bộc lộ một số tồn tại khi còn có những cán bộ, đảng viên về hưu nhận được các thông tin ảo, chưa đầy đủ nhưng vì sự háo danh, muốn nổi tiếng, sự hằn thù cá nhân, ác cảm về bên nào đó trong sự kiện đã vào bình luận, chia sẻ, nên vô hình trung “đổ dầu vào lửa” làm bùng nổ sự kiện. Nguyên nhân của hiện tượng này là do nhận thức, ý thức cá nhân, nhận thức về thông tin không đầy đủ, cá biệt, có người sau khi nghỉ hưu không đồng tình với việc đánh giá, đãi ngộ của chế độ, của cơ quan cũ, không yêu thích cán bộ thay thế mình ở cơ quan, thậm chí có trường hợp bất mãn với chủ trương, chính sách của Đảng… Cùng với đó, công tác giáo dục, quản lý đảng viên trong một số cơ quan chưa tốt, công tác tổ chức sinh hoạt Đảng, quản lý ở các chi bộ khối, xóm chưa tốt; đội ngũ bí thư cấp ủy khối, xóm có nơi còn chưa ngang tầm để quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên về hưu cư trú trên địa bàn là những nguyên nhân cốt yếu dẫn đến hiện tượng trên.
Theo lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An, hiện vẫn còn một số cán bộ, đảng viên chưa chấp hành nghiêm, có những phát ngôn, chia sẻ bài viết tùy tiện, trái với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bị kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc, chống phá chế độ, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Thấy đúng không bảo vệ, thấy sai cũng không lên án, phê phán, đấu tranh trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức lúc đương chức cũng như về hưu; thậm chí còn a dua, hùa theo; phát ngôn, hành động trên mạng xã hội thiếu chuẩn mực, cần được nhận diện thấu đáo để ngăn chặn và từng bước đẩy lùi.
Kỳ 2: Dân chủ phải gắn liền với kỷ cương
“Quá mù ra mưa”
Những năm qua, trên địa bàn cả nước, một số cá nhân, trong đó, có người từng đứng trong hàng ngũ của Đảng, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị vì bất mãn cá nhân hoặc bị mua chuộc bởi lợi ích vật chất, kinh tế nên đã phản bội Tổ quốc, phản bội Nhân dân, chà đạp lên lịch sử dân tộc. Như trường hợp Lê Hữu Thuận - Phó Bí thư Chi bộ khoa (nhiệm kỳ 2017 - 2020), Trưởng Khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Trường Chính trị Trần Phú (Hà Tĩnh) đã sử dụng Facebook cá nhân đăng tải nội dung bịa đặt, xúc phạm đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đồng thời, tham gia bình luận xuyên tạc với những từ ngữ thiếu văn hóa. Hành vi vi phạm pháp luật của ông Thuận đã bị cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh xử lý theo quy định của pháp luật, ông Thuận cũng đã bị cách hết các chức vụ.
Hay trường hợp Nguyễn Năng Tĩnh (sinh năm 1976), quê quán ở xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), khi đang là giáo viên Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Nghệ An, thay vì chuyên tâm dạy dỗ học trò, Nguyễn Năng Tĩnh đã móc nối với một số đối tượng cực đoan, phản động trong và ngoài nước để viết, quay, phát tán phát, đăng tải, chia sẻ, bình luận các nội dung xuyên tạc bản chất của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phủ nhận thành quả cách mạng của dân tộc; phỉ báng chính quyền nhân dân, xuyên tạc lịch sử, xâm phạm chính quyền nhân dân và chế độ chủ nghĩa xã hội, nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; kích động người dân biểu tình, chống chính quyền; đăng tải các tài liệu có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; cung cấp thông tin bịa đặt nhằm gây mâu thuẫn giữa người dân và các cơ quan công quyền… trên trang facebook cá nhân của mình.
|
Các cơ quan chức năng lấy lời khai của Nguyễn Năng Tĩnh; Phiên tòa xét xử Nguyễn Năng Tĩnh. |
Trước những hành vi sai phạm đó, Nguyễn Năng Tĩnh đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên phạt 11 năm tù vì tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Khoản 1, Điều 117, Bộ luật Hình sự. Có thể thấy, từ việc thiếu tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tư tưởng, rồi “quá mù ra mưa”, có những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, trượt dài trên con đường phản bội Tổ quốc, dân tộc. Khi bị xử lý, dù biện hộ do thiếu tỉnh táo, chưa chín chắn, bức xúc, vội vàng, bột phát, vô ý hoặc vin vào lý do nào thì các đảng viên này cũng có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm kỷ luật Ðảng và phải xử lý nghiêm như Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII khẳng định.
Thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh
Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh Nghệ An có 63 tổ chức cơ sở Đảng, với trên 6.000 cán bộ, đảng viên (trên 5.200 đảng viên). Cán bộ, đảng viên trong Khối nhìn chung có trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị cao, công tác tại các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh. Hầu hết cán bộ, đảng viên trong Khối biết cách sử dụng, tận dụng mạng xã hội một cách đúng đắn và hiệu quả, biến mạng xã hội thành một phương tiện, một kênh hữu ích để tuyên truyền tính đúng đắn, cách mạng, khoa học của các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần phòng, chống, ngăn chặn những tư tưởng, quan điểm sai trái, lệch lạc một cách hiệu quả.
Bằng chính những việc làm, hành động cụ thể, rất nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã chủ động đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch bằng cách chia sẻ, giải thích cho Nhân dân hiểu đúng bản chất của vấn đề, nhận thức được những chiêu trò, âm mưu, thủ đoạn của chúng, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, ngăn chặn và đẩy lùi những thông tin xấu, độc, kiến tạo môi trường văn hóa lành mạnh, trong sạch trên không gian mạng.
|
Các cơ quan chức năng lấy lời khai của Nguyễn Năng Tĩnh; Phiên tòa xét xử Nguyễn Năng Tĩnh. |
Tuy nhiên, đồng chí Chu Bá Long - Phó Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh cho biết: Bên cạnh những cán bộ, đảng viên gương mẫu, tạo dựng được niềm tin và định hướng tốt dư luận trên không gian mạng thì vẫn còn có một bộ phận cán bộ, đảng viên còn thờ ơ, phớt lờ những vấn đề xã hội đang quan tâm. Cái tư duy thấy đúng cũng không bảo vệ, thấy sai cũng không lên án, phê phán không chỉ tồn tại ở ngoài đời sống thực mà tồn tại ngay ở trên không gian mạng: không chia sẻ, lan tỏa những bài viết hay, tích cực, nguồn dẫn chính thống; không biểu thị thái độ trước những thông tin tiêu cực, bức xúc trong xã hội… Cá biệt, có một số cán bộ, đảng viên đăng tải đưa những thông tin sai sự thật, những hình ảnh bị cắt ghép nhằm làm sai lệch nhận thức của công chúng về tình hình an ninh, chính trị, xã hội, gây hoang mang dư luận; tham gia bình luận hưởng ứng những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.
Có thể nói, vai trò của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là của người đảng viên phải thể hiện bằng cả cái tâm, cái tầm và hành động gương mẫu trước Nhân dân trong công việc và cả lối sống hàng ngày. Tuy nhiên, điều đáng trăn trở là dường như, chúng ta chưa phát huy được sự vào cuộc đông đảo, rộng khắp của đội ngũ đảng viên và quần chúng vào việc hình thành dư luận xã hội tích cực, phê phán cái tiêu cực, cái ác, cái xấu, đấu tranh với các thông tin xấu, độc. Bởi suy cho cùng, cán bộ, đảng viên là đội ngũ có kiến thức, vị thế xã hội, một phát ngôn, bình luận, một lần nhấn nút “like” trên mạng xã hội của họ cũng đem lại những tác động ở nhiều mức độ trong cộng đồng. Nếu người đó chức vụ càng cao thì tính lan tỏa lại càng lớn, vì quần chúng vẫn đinh ninh họ là “những người thạo tin”, có thông tin nguồn. Điều này sẽ là rất tốt, nếu đó là các thông tin chính xác, mang tính định hướng cao; ngược lại, nếu đó là tin xấu, độc thì ảnh hưởng vô cùng tai hại…
Bên cạnh đó, tình trạng đảng viên không vi phạm pháp luật nhưng cũng không phải là đầu tàu gương mẫu, không xung kích đi đầu, thấy sai không đấu tranh, thấy đúng không bảo vệ, “mũ ni che tai”, giữ an toàn cho riêng mình, phó mặc sự đe dọa bình yên của xã hội, là căn bệnh đã xuất hiện từ rất lâu, nếu không có những giải pháp hữu hiệu, những loại “thuốc đặc trị”, sẽ ngày càng lây lan và gây ra những hệ lụy vô cùng to lớn. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) xác định “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị.
Kỳ 3: Đề cao tính tiên phong, gương mẫu
Khi lãnh đạo là “Facebooker”
Ở Nghệ An, có nhiều đồng chí lãnh đạo các cấp, ngành sử dụng Facebook như một kênh để vừa nắm bắt thông tin, dư luận xã hội, vừa gửi gắm những thông điệp cần tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như định hướng trước các vấn đề “cư dân mạng” đang quan tâm, từ vấn đề xã hội hóa giáo dục đầu năm học, vấn đề chủ nghĩa dân túy, cho đến các vấn đề thời sự quốc tế diễn ra hàng ngày. Có thể kể đến những “Facebooker” như các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đình Hùng - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy; Trình Văn Nhã - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương…
Sử dụng mạng xã hội Facebook từ năm 2012, đồng chí Trình Văn Nhã - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương (Nghệ An) được xem là một Facebooker (người dùng Facebook) uy tín trong cộng đồng mạng, đặc biệt với cán bộ, đảng viên, Nhân dân huyện Thanh Chương. Qua trang Facebook cá nhân có tên “Trình Nhã”, với văn phong gần gũi, ngôn ngữ giản dị,“trọ trẹ” tiếng địa phương, đồng chí thường xuyên đăng các tin, bài về tình hình sự kiện trên địa bàn huyện; đồng thời, kịp thời đăng các “tút” (status) cảnh báo trước các thông tin xấu, độc.
Như ngày 23-6-2023, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương đã đăng trên trang cá nhân của mình các thông điệp: “Không có công việc nào mà chỉ ngồi ở nhà share mấy cái link mà có vài trăm ngàn một ngày. Dễ vậy ai cũng giàu rồi. Nếu thấy công ty nào tuyển kiểu đó thì lên mạng tìm hiểu liền coi có lừa không”. Hay “Không có Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án nào gọi trực tiếp cho người dân để làm việc hết. Cần thì nói họ gởi giấy mời có mộc đỏ cơ quan về tận địa chỉ nhà rồi tính tiếp”; “Không có anh Tây nào làm phi công, người đẹp ngời ngời mà cảm thấy cô đơn xong đi yêu mình rồi chưa gặp mặt mà gửi về cả thùng quà cho mình, bắt mình phải đóng tiền phí nhập hàng hết”;…
|
Lời cảnh báo từ địa chỉ Facebook chính chủ của Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương đã giúp người dân trên địa bàn có tính cảnh giác cao hơn khi tham gia mạng xã hội, nhất là trước những chiêu trò lừa đảo của các đối tượng xấu kéo dài thời gian qua mà nhiều người đã “sập bẫy”, mà ở Nghệ An cũng không ngoại lệ; thậm chí có một người đàn ông ở thành phố Vinh đã bị lừa 12 tỷ đồng khi bị một nữ đối tượng giả danh Việt kiều Canada lừa đảo qua mạng, đã bị Công an Nghệ An phanh phui vừa qua. Tính đến ngày 29-9-2023, “tút” trên của Facebook Trình Nhã đã có đến 1.466 lượt thích, thả tim, 72 bình luận và đặc biệt là có đến 1.283 lượt chia sẻ.
Gần đây, trong “tút” đăng ngày 24-9-2023, vị Chủ tịch huyện xứ Nhút đã có công văn của Ban Quản lý dự án 4 gửi Cục đường Bộ Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án cầu sông Giăng trên địa bàn. Đây thực sự là thông tin rất vui với người dân huyện Thanh Chương, đặc biệt là vùng Cát Văn, vì cầu treo sông Giăng hiện trạng đã đưa vào sử dụng gần 36 năm đã xuống cấp nghiêm trọng, trở thành điểm nghẽn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho người dân và phương tiện qua cầu. Mấy năm trước, chính tại cầu sông Giăng này đã xảy ra vụ tại nạn nghiêm trọng. Khi thông tin được đưa lên, chỉ 2 ngày sau “tút” của Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương đã nhận được 1.282 lượt thích, thả tim, hàng chục lượt chia sẻ.
Cũng chính sử dụng mạng xã hội hiệu quả, xem đây là môi trường để tương tác trực tiếp với người dân, nên thông qua Messenger (ứng dụng chat của Facebook), vị Chủ tịch huyện ở Nghệ An thường xuyên nhận được tin nhắn phản ánh của người dân trên nhiều lĩnh vực từ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đến công tác vệ sinh môi trường;… Ngay tại thời điểm trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, một công dân đã nhắn với Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương phản ánh tình trạng rác thải dồn ứ trên hồ trung tâm thị trấn huyện sau cơn mưa. Đồng chí Trình Nhã đã trả lời công dân và trực tiếp trao đổi với lãnh đạo thị trấn Thanh Chương để xử lý;…
Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương còn là quản trị, tham gia nhiều nhóm trên các mạng xã hội Facebook, Zalo, như đồng chí trực tiếp lập nhóm Zalo “Công bộc Thanh Chương” với thành viên là cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị toàn huyện, giáo viên để thông tin, chia sẻ công tác lãnh đạo, điều hành kịp thời; tham gia tích cực vào các hội, nhóm trên mạng của đồng hương Thanh Chương ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, ở Hà Nội, từ đó thông tin chính thống, kịp thời tình hình quê nhà. Sức lan tỏa vì thế cũng lớn theo, góp phần xây dựng cộng đồng đồng hương Thanh Chương mạnh, đoàn kết, có nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về quê hương.
“Cần thiết, quan trọng, hiệu quả và thiết thực”, đồng chí Trình Văn Nhã đúc kết trong 8 chữ khi nói về việc sử dụng mạng xã hội. Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương (Nghệ An) phân tích thêm, qua sử dụng mạng xã hội, lãnh đạo, cán bộ, công chức có thể nói nôm na là “vi hành qua mạng” thì nắm được thông tin đa chiều trên các lĩnh vực; nắm được dư luận xã hội, tâm tư, suy nghĩ của số đông người dân ở nhiều tầng lớp khác nhau, nhất là khi có vấn đề, sự việc trên địa bàn; qua đó, phục vụ công tác lãnh đạo, điều hành kịp thời, hiệu quả hơn; đồng thời, chủ động thông tin, tuyên truyền, nhất là vào những thời điểm cam go như thiên tai, bão lụt, dịch bệnh. Đó là chưa kể mạng xã hội còn là trường học khi thông qua các tài khoản mạng xã hội khác, nhất là của những trí thức, người có uy tín thì có thể tham khảo thêm các tri thức, kiến thức mới để góp phần nâng cao hiệu quả công việc.
Tất nhiên, với vị trí người đứng đầu chính quyền một huyện có dân số đông, địa bàn rộng chắc chắn thời gian sẽ rất bận rộn? “Mình phải chịu khó. Khi có thông tin của người dân phải tranh thủ giờ nghỉ trưa, hoặc cuối chiều để xử lý ngay trong ngày”, đồng chí Trình Văn Nhã bộc bạch khi trả lời phóng viên; đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm thêm rằng, sử dụng mạng xã hội thì người dùng nói chung, đặc biệt là lãnh đạo chủ chốt có những lúc phải chấp nhận áp lực của dư luận xã hội, mà nhiều khi áp lực số đông chưa hẳn là chân lý thì phải tìm cách điều chỉnh, định hướng, tuyên truyền chính xác, kịp thời, đấu tranh, phản bác với các thông tin xấu, độc hoặc chưa chính xác.
Còn ở xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), địa phương có đến gần 11.000 dân, với trên 60% là đồng bào Công giáo với 2 giáo xứ và 1 giáo họ độc lập, đồng chí Thái Viết Điệp – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã được xem là một lãnh đạo sử dụng Facebook tích cực phục vụ cho công tác. Trên địa chỉ Facebook cá nhân có tên “Thái Viết Điệp”, đồng chí thường xuyên cập nhật “hơi thở cuộc sống” của địa phương, đặc biệt là tình hình sản xuất, triển khai Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030;…
Trao đổi với phóng viên, đồng chí Điệp cho biết: Cấp ủy, chính quyền xã rất quan tâm công tác thông tin, tuyên truyền trên mạng xã hội. Xã đã thành lập Tổ trưởng Tổ công tác mạng xã hội có 4 thành viên, gồm: Phó Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đoàn xã và Phó Bí thư Đoàn xã, do đồng chí làm Tổ trưởng để tuyên truyền, đồng thời, nắm thông tin qua mạng xã hội trên địa bàn, qua đó, báo cáo cấp ủy, chính quyền kịp thời các vấn đề trên địa bàn nhằm phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả nhất.
“Nhờ thông tin, tuyên truyền hiệu quả, đặc biệt, thông qua mạng xã hội nên tình đoàn kết của bà con lương - giáo trên địa bàn ngày càng được củng cố vững chắc. Xã đã về đích nông thôn mới năm 2019 và đang phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao trong năm 2023”, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nghi Vạn cho hay.
Nhận thức đúng đắn trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội
“Thông tin càng sớm, càng chiếm lĩnh nhận thức của xã hội nhanh. Còn nếu đi sau, đặc biệt là để cho các thông tin giả, xấu, độc của các thế lực thù địch, chống phá đi trước chiếm lĩnh trong nhận thức xã hội thì việc mình tuyên truyền, giải thích trở lại là vô cùng khó khăn”, đây là chia sẻ của đồng chí Phan Minh Lý - Trưởng phòng Lý luận Chính trị và Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An.
Đồng chí Phan Minh Lý là một trong những đảng viên tích cực có những bài viết trên Facebook cá nhân, trực diện nêu quan điểm, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, đối tượng bất mãn, chống đối không chỉ đối với những vấn đề tại địa bàn Nghệ An mà trên cả nước. Bởi theo như chia sẻ của nữ cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An, tính chất không gian mạng là không biên giới, cho nên một vụ việc xảy ra ở một nơi nào đó, khi được đưa lên không gian mạng thì không còn là vụ việc ở địa phương, đơn vị đó nữa, mà là sự quan tâm chung của cộng đồng mạng khắp nơi. Các thế lực thù địch cũng lợi dụng vào đó để tấn công, chống phá.
Nói về việc sử dụng mạng xã hội để đấu tranh trực diện với các thế lực chống đối, đồng chí Phan Minh Lý chia sẻ có những thời điểm phải đối diện với nhiều khó khăn, áp lực. Nhưng từ thực tiễn công việc, đặc biệt là từ vụ giàn khoan HD981 vào năm 2015, Formosa năm 2016; Quốc hội xem xét Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu), thông qua Luật An ninh mạng, đều vào năm 2018 cho thấy, trên mạng xã hội vào các thời điểm đó, có nhiều tin giả, thông tin sai sự thật dẫn dắt, dẫn đến hệ lụy về mặt truyền thông, ảnh hưởng đến tư tưởng, tinh thần, an ninh, trật tự trong xã hội, nữ cán bộ Tuyên giáo đã dần làm quen và có các bài viết phản bác, đấu tranh trên mạng, để cung cấp thông tin chính thống, đầy đủ.
Chia sẻ về hiện trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thờ ơ, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, thậm chí chia sẻ, “vào hùa” theo đám đông khi chưa hiểu rõ về vụ việc đó, hoặc không có căn cứ, gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, đồng chí Phan Minh Lý cho rằng, có những người còn ngại do kiến thức họ không sâu, không đủ, chắc chắn để phản bác lại, không có thời gian để theo dõi toàn bộ diễn biến sự kiện (theo trend – xu hướng trên mạng). Ngoài ra, để đấu tranh trực diện trên không gian mạng có hiệu quả cần có kỹ năng diễn đạt với văn phong phù hợp. Tuy nhiên, nếu không đủ các yếu tố trên, thì cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cũng cần phải tỉnh táo, sáng suốt nhận biết thông tin nào là đúng, chính xác, thông tin nào là giả, bịa đặt, xuyên tạc nhằm tránh bị các thế lực thù địch, cơ hội chính trị sử dụng để lôi kéo, kích động. Khi đã nhận diện được bản chất vấn đề, sự việc thì chỉ cần chia sẻ thông tin từ các nguồn chính thống hoặc bình luận, biểu thị thái độ “like - thích”, thả tim… với những bài viết đấu tranh, phản bác để tạo cộng hưởng lớn trên không gian mạng.
Đó cũng là một nguồn động viên, ủng hộ rất hiệu quả đối với những người đấu tranh trực diện như nữ đảng viên Phan Minh Lý. Bởi như đồng chí chia sẻ, “kể cả những tiếng nói đúng, chân lý, nhưng nếu lẻ loi, không có người đồng hành, ủng hộ” thì quan điểm đưa ra sẽ rất khó lan tỏa, thậm chí người chủ “tút” bị các tài khoản ảo của các thế lực thù địch chống phá, “ném đá”, khủng bố tinh thần rất áp lực. Để tăng sức đề kháng, đấu tranh có hiệu quả trước thông tin xấu, độc, theo đồng chí Nguyễn Hồ Cảnh – Bí thư Chi bộ Khối Trung Hợp, phường Hưng Dũng, thành phố Vinh thì cần cung cấp thông tin và định hướng xử lý thông tin cho cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ cấp cao về hưu nói riêng kịp thời, chính xác, nhất là các thông tin nhạy cảm, nhiều người quan tâm, như việc xử lý các vụ án tham nhũng ở cấp Trung ương, trên địa bàn cấp tỉnh, huyện; các sai phạm của cán bộ đã về hưu, công tác cán bộ;…
Từ thực tiễn công tác giảng dạy, nghiên cứu, Thạc sĩ Ngô Bá Cường – Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Nghệ An nhận định: Trong thực tế có những cán bộ, đảng viên thời gian để tương tác trên mạng xã hội lớn, nhưng do đặc tính hiếu kỳ nên vô tình bị các thế lực thù địch đánh lừa về mặt thông tin; rơi vào “bẫy” của các trang mạng có thông tin xấu, độc. Trong bối cảnh đó, bản thân cán bộ, đảng viên cần phải nhạy cảm, nhận diện được nếu thông tin độc hại. “Tôi cho rằng, muốn bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trước hết phải bảo vệ được chính mình. Cán bộ, đảng viên phải có kỹ năng, sử dụng công nghệ thông tin, thu thập, xử lý khai thác ứng dụng thông tin thì khi tham gia đấu tranh mới hiệu quả”, Thạc sĩ Ngô Bá Cường cho hay.
Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ xuyên suốt, thường xuyên và lâu dài; nhiệm vụ tiên quyết của cả hệ thống chính trị, trong đó, mỗi cán bộ, đảng viên đóng vai trò là chủ thể. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị trước hết cần tự nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm của mình khi tham gia mạng xã hội để cộng hưởng thành một khối thống nhất, lực lượng đủ mạnh nhằm ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin xấu, độc, chống phá của các thế lực thù địch; cần hướng đến mục tiêu là một trong những kênh thông tin tuyên truyền tích cực trên mạng xã hội.
Kỳ cuối: Những liều thuốc đề kháng hữu hiệu
Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu
Đảng bộ Nghệ An là đảng bộ lớn, với 1.429 tổ chức cơ sở Đảng, hơn 196.000 đảng viên, chiếm 3,65% tổng số đảng viên trong cả nước. Đây là đội ngũ nòng cốt, quan trọng, nếu phát huy hiệu quả sẽ là lực lượng hùng hậu để lan tỏa những thông tin, hình ảnh tốt đẹp, tích cực; đồng thời, phê phán, đấu tranh với những cái xấu, biểu hiện lệch lạc. Ý thức tầm quan trọng đó, trong toàn đảng bộ đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo với phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, thông qua “người thật, việc thật”, không tô hồng, không thêm thắt, không bôi đen; tránh gây ra những trường hợp phản tác dụng hoặc “chỉ cho có”, từ đó, không còn thuyết phục được sự quan tâm của cộng đồng.
Tại Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh Nghệ An, Ban Thường vụ Đảng ủy đã lần đầu tiên phát động Cuộc thi viết “Gương sáng quanh ta”, thu hút được sự tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên trong Khối, tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ thông qua hàng nghìn lượt like, chia sẻ của cán bộ, đảng viên trong Khối trên các kênh thông tin, nhất là kênh mạng xã hội. Có những bài dự thi thu hút hàng chục nghìn lượt xem và like như: “Nữ chiến sĩ trên mặt trận thu ngân sách” (39.652 lượt xem); “Bông hoa đẹp trong lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã” (36.855 lượt xem); “Một cán bộ lãnh đạo thực sự gần dân, hiểu dân, trọng dân, vì dân” (27.551 lượt xem)…
Các bài viết tham gia cuộc thi là sự lựa chọn từ cơ sở; những nhân vật từ đời thực là những người bạn, người đồng chí, đồng nghiệp qua ngòi bút không chuyên cũng là đồng chí, đồng nghiệp của mình dù không ai là một người toàn diện nhưng phẩm chất đạo đức, lối sống, bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm, kỹ năng lãnh đạo, quản lý và tham mưu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đã tạo nên sức tươi mới, hình ảnh thật đẹp về những người cán bộ, đảng viên trong Khối Các cơ quan tỉnh.
“Đây chính là minh chứng hiệu quả cho phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, lấy thông tin tích cực đẩy lùi các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, đồng chí Chu Bá Long – Phó Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh Nghệ An khẳng định. Còn lãnh đạo, cán bộ các cấp bộ Đoàn tại Nghệ An luôn nằm lòng phương châm: Coi mạng xã hội là mặt trận chính trong công tác giáo dục truyền thống, tuyên truyền, cổ động của Đoàn Thanh niên. Website Tỉnh đoàn, và các địa chỉ: Facebook, Instagram, Tiktok và Youtube của tuổi trẻ Nghệ An được duy trì, hoạt động hiệu quả hiệu quả bằng nhiều hình thức. Fanpage Tỉnh đoàn Nghệ An trên mạng xã hội Facebook đăng khoảng 3.000 tin, bài mỗi năm, hiện đã có hơn 83.000 lượt theo dõi, 15.000 lượt chia sẻ bài viết; 400 clip, video hoạt động của thế hệ trẻ quê Bác đã được đăng tải trên kênh Youtube và Tiktok.
Đặc biệt, từ năm 2018, Tỉnh đoàn Nghệ An đã triển khai Cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Cuộc vận động nhằm tuyên truyền, giáo dục, định hướng cho cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi trong tỉnh hướng tới các giá trị cao đẹp, sống có lý tưởng cách mạng, có bản lĩnh vững vàng, có hoài bão và khát vọng vươn lên, sống đẹp, sống có ích, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; góp phần tạo ra trào lưu, xu hướng đăng tải, chia sẻ thông tin tích cực trên mạng xã hội, xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của thanh thiếu nhi. Trên cơ sở đó, Tỉnh đoàn đã có hướng dẫn cụ thể đến các cấp bộ Đoàn tuyên truyền, vận động cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên đăng tải, chia sẻ các tin tốt, các câu chuyện đẹp trên các trang mạng xã hội của cá nhân, tổ chức mình; các thông tin có mục đích, định hướng tốt, có tính phản biện và tinh thần xây dựng cao.
Để giúp sinh viên có cách ứng xử đúng trên mạng xã hội, em Nguyễn Nguyệt Anh - Trường Đại học Vinh cho biết: Đoàn Trường Đại học Vinh đã đưa ra giải pháp giúp sinh viên tiếp cận thông tin mạng với mô hình 4 bước: Xây dựng những nền tảng vững chắc, chính thống để sinh viên dựa vào (Fanpage: Đoàn Trường Đại học Vinh, Hội Sinh viên Trường Đại học Vinh), xây dựng 5 định hướng thông tin rõ ràng cho các trang mạng (Lịch học tập, chính sách nhà trường; ngày lễ lớn của dân tộc; sự kiện chính trị lớn của Đảng, Nhà nước; các cuộc thi dành cho thanh niên; các câu chuyện đẹp của cuộc sống và những tấm gương thanh niên học tập tốt); luôn chú ý đổi mới, sáng tạo hình thức đăng tải thông tin; mỗi tháng 1 lần trong năm học, Ban Thường vụ Đoàn trường và Ban Thư ký Hội Sinh viên trường tổ chức trao đổi trực tiếp với cán bộ Đoàn, Hội nhằm nắm bắt thông tin và kịp thời chấn chỉnh khi sinh viên tiếp cận các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.
|
Đảng ủy Khối CCQ tỉnh biểu dương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tổng kết cuộc thi viết "Gương sáng quanh ta". Ảnh: Thanh Lê. |
“Tổ chức Đoàn các cấp thường xuyên cung cấp kịp thời thông tin cho thanh niên, nhất là trước các vấn đề nhạy cảm, sự kiện nóng để thanh niên hiểu, nhận thức đúng bản chất sự việc, không mơ hồ, dao động, làm cơ sở vững chắc để đấu tranh, phản bác, “pha loãng” và “hòa tan” luận điệu sai trái, thù địch; đặc biệt là thông qua tăng cường các kênh chính thống phủ sóng rộng trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, YouTube, Tiktok…) để mọi người có thể nhận diện được một cách đúng đắn thông qua việc so sánh và đối chiếu, chọn lọc các thông tin cùng một sự kiện được phản ánh trên không gian mạng. “Áp dụng quy tắc “5K” (Không tin ngay – Không vội nhấn nút thích – Không thêm thắt – Không kích động – Không vội chia sẻ), Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Nghệ An Nguyễn Thị Phương Thúy cho biết.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An cũng là đơn vị rất tích cực hoạt động trên không gian mạng. Từ năm 2019, Fanpage Mặt trận Nghệ An trên mạng xã hội Facebook đã được thành lập và hiện có 126.000 lượt thích, 135.000 người theo dõi. Ngoài trang của cấp tỉnh,trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc tại Nghệ An có 481 trang Fanpage, trong đó, 21 trang Fanpage Mặt trận Tổ quốc cấp huyện và 460 trang Fanpage của Mặt trận Tổ quốc cấp xã và 3.804 Ban Công tác Mặt trận có trang Facebook. Thông qua các trang Fanpage đã lan tỏa các hình ảnh đẹp, nhất là các hoạt động của Mặt trận các cấp trong tỉnh; tích cực, phê phán và đấu tranh với thông tin xấu, độc, tiêu cực; đồng thời là diễn đàn để tương tác, lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân một cách nhanh nhất.
Theo lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An, nhìn chung, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tỉnh đã bám sát tình hình, nắm bắt tư tưởng, dư luận trong xã hội để kịp thời cung cấp thông tin chính thống, định hướng dư luận, thường xuyên chia sẻ thông tin tốt đẹp, lan tỏa gương người tốt, việc tốt để “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, phản ứng nhanh, linh hoạt, chia sẻ, giải thích cho Nhân dân hiểu đúng bản chất của vấn đề, nhận thức được những chiêu trò, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Cùng đó, cán bộ, đảng viên tích cực tham gia cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Năm 2023, toàn tỉnh đã thu nhận được 4.060 bài dự thi. Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Nhiều bài thi có chất lượng tốt, nội dung sâu sắc, hình thức trình bày sinh động, hình ảnh minh họa có ý nghĩa… trở thành nguồn tư liệu phong phú, có tính chiến đấu cao, phục vụ trực tiếp công tác của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh trong công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Kịp thời xử lý, định hướng dư luận xã hội
Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới phải đặt trong tổng thể luôn luôn chủ động nắm chắc tình hình tại địa bàn, trên không gian mạng để phát hiện sớm hoạt động chống phá của các đối tượng nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, đấu tranh. Với phương châm đó, tại huyện Nghi Lộc, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chỉ đạo 35 của huyện đã làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện và chỉ đạo xử lý. Theo đó, từ năm 2019 đến nay đã phối hợp chỉ đạo các ngành chức năng gỡ 33 tin, bài có nội dung xấu, độc; báo cáo xóa tài khoản “Người Việt xấu xí” của đối tượng phản động Phan Công Hải; vô hiệu hóa hoạt động 1 đối tượng tham gia tổ chức “Chính phủ Việt Nam Cộng hòa lưu vong” đã thường xuyên sử dụng Facebook đăng tải, chia sẻ một số bài viết có nội dung xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước.
Đồng thời, từ năm 2019 đến nay, các ngành chức năng huyện Nghi Lộc đã phối hợp bắt, xử lý 12 vụ, trong đó, có 1 đối tượng phản động, 11 vụ liên quan tội phạm sử dụng công nghệ cao; xử phạt hành chính 2 đối tượng, trong đó, 1 đối tượng có hành vi “Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” và 1 đối tượng có hành vi “đăng tải thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan Nhà nước”. Để có được kết quả trên, đồng chí Nguyễn Đình Nam – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nghi Lộc chia sẻ, một trong những kinh nghiệm là cần làm tốt công tác nắm bắt địa bàn, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để đưa tin, truyền truyền, định hướng dư luận; chủ động phối hợp và xử lý các vấn đề bức xúc, nổi cộm, phát sinh từ cơ sở.
Đồng thời, để nâng cao trách nhiệm trong sử dụng mạng xã hội, hiện nay, UBND tỉnh Nghệ An đang xây dựng, chuẩn bị ban hành Quy định mới về phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và xử lý thông tin đăng, phát trên báo chí, thông tin phản ánh trên mạng xã hội của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Nghệ An gần như là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa nội dung xử lý thông tin phản ánh trên mạng xã hội vào quy định trên, trong đó, chỉ rõ trách nhiệm, quy trình xử lý của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức khi có thông tin phản ánh trên mạng xã hội liên quan đến việc thực thi nhiệm vụ, công vụ.
Đồng chí Nguyễn Bá Hảo – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An cho biết: Trong trường hợp, nếu phản ánh trên mạng xã hội là đúng thì phải xử lý người có hành vi sai phạm bị đăng, phát trên mạng xã hội; ngược lại, nếu phản ánh không đúng, có dấu hiệu xuyên tạc, xúc phạm đối tượng bị đăng, phát thì bản thân người đăng, phát phải chịu trách nhiệm. Qua đó, tăng cường trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong việc cần phải suy xét, cân nhắc kỹ khi đăng hình ảnh, video, bài viết lên mạng xã hội về cá nhân, tổ chức, đơn vị, đảm bảo đúng bản chất, tránh xuyên tạc, bôi nhọ.
Cùng với đó, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Nghệ An cũng rất quan tâm đến trang bị các kiến thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các các quan điểm sai trái, thù địch. Thạc sĩ Ngô Bá Cường – Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Nghệ An cho biết: “Vai trò và trách nhiệm của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị là nhận diện, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn. Qua quá trình giảng dạy giúp học viên có tri thức, luận cứ khoa học và kinh nghiệm để có đủ năng lực nhận diện, đấu tranh với các giọng điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Ở cấp tỉnh, mỗi tuần 1 lần, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có báo cáo tổng hợp thông tin dư luận, báo chí, tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, kịp thời chỉ đạo xử lý, định hướng các vấn đề thực tiễn đặt ra, tránh kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc, chống phá. Thông qua hội nghị giao ban báo chí hàng tháng, cử lãnh đạo cơ quan chức năng, cán bộ phụ trách thường xuyên gặp gỡ, trao đổi cung cấp thông tin cho đội ngũ phóng viên, báo chí, văn nghệ sĩ trên địa bàn, góp phần quan trọng làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường tin, bài, phóng sự về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong đó, 2 cơ quan báo chí chủ lực của tỉnh, đó là Báo Nghệ An, Đài PT-TH Nghệ An, thường xuyên duy trì chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” và các chuyên đề, thông tin định hướng, kịp thời đấu tranh với các sự kiện, vấn đề nhạy cảm.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã biên tập và phát hành 2 cuốn sách “Nhận diện âm mưu, hoạt động diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; nhận thức về phòng, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa” và cuốn “Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trên địa bàn tỉnh Nghệ An”; bảo vệ thành công 1 đề tài khoa học cấp tỉnh “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, đấu tranh chống âm mưu, hoạt động diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa ở địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn hiện nay” để góp phần trang bị kiến thức, kỹ năng, biện pháp cho cấp ủy, chính quyền các cấp tham gia có hiệu quả công tác này.
“Hiện nay, đang tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chuẩn bị ban hành văn bản về việc quán triệt cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm Quy định số 85-QĐ/TW, ngày 7-10-2022 của Ban Bí thư về việc “Cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet, mạng xã hội”, đồng chí Phạm Ngọc Cảnh – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An cho biết.
Nâng cao bản lĩnh, tăng “sức đề kháng”, tạo khả năng “tự miễn dịch”
Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An về vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an khẳng định đây là vấn đề rất hệ trọng, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, trong đó, đội ngũ đảng viên có vai trò cực kỳ quan trọng. Cán bộ, đảng viên phải tham gia vào bảo vệ nền tảng tư tưởng thông qua kế hoạch hoạt động thực tiễn của mình. Theo thiếu tướng, để làm tốt việc này, trước hết, mọi cán bộ, đảng viên phải làm tốt nhất nhiệm vụ của mình được giao, chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp, thực hiện đầy đủ tốt nhất các Nghị quyết của Đảng, để tạo ra một xã hội phát triển lành mạnh. Khi người dân đã tin tưởng tuyệt đối vào Đảng thì không còn chỗ nào để các thế lực thù địch chen vào phá hoại được nữa. “Không những cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam cũng phải có trách nhiệm đó. 100 triệu người dân Việt Nam làm tốt trách nhiệm của mình, chấp hành tốt luật pháp, tạo ra điều kiện phát triển kinh tế, đời sống được nâng cao. Đó chính là môi trường lành mạnh nhất để triệt tiêu, vô hiệu hóa những luận điệu tuyên truyền phản động, thù địch, bôi nhọ, xuyên tạc” – Thiếu tướng Lê Văn Cương khẳng định.
Thực tiễn cho thấy, để làm tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, cần phải có các giải pháp để nâng cao bản lĩnh, tạo “sức đề kháng”, khả năng “tự miễn dịch” cho mỗi cán bộ, đảng viên trước thông tin xấu độc, những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Đó là tăng cường tuyên truyền, giáo dục Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên ở cơ sở; Kịp thời cung cấp thông tin chính thống trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị đến kinh tế, xã hội, đến các vấn đề “nóng” ở trong nước và quốc tế; mở các lớp tập huấn trang bị các kỹ năng sử dụng mạng xã hội, kỹ năng phân biệt thông đúng – sai, tích cực – tiêu cực, tốt – xấu trên không gian mạng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, vai trò quan trọng của đảng viên trên không gian mạng.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng phải duy trì thực hiện nền nếp, nghiêm túc, chặt chẽ chế độ sinh hoạt tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa theo Kết luận 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bởi nếu công tác tự phê bình và phê bình được làm tốt từ cấp chi bộ, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả thiết thực trong việc phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của mỗi cán bộ, đảng viên trên không gian mạng.
Trong bối cảnh hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên cũng cần phải nâng cao ý thức, năng lực, trách nhiệm, trở thành “người thông thái”, có tư duy phản biện, thẩm định, đánh giá, phân tích, đối chiếu, so sánh, “thấy đúng thì bảo vệ”, “thấy sai thì kiên quyết đấu tranh”, mỗi khi tiếp nhận thông tin trên không gian mạng xã hội; phát huy tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, là lực lượng tiên phong, gương mẫu, sử dụng không gian mạng có trách nhiệm, hiệu quả nhất; khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trên mặt trận đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, thù địch trên môi trường internet, mạng xã hội.
Đức Chuyên - Thành Duy - Thanh Lê - Hữu Quân
Báo Nghệ An