Tác phẩm "Số hóa công tác đảng vụ: Vượt khó ngay từ giai đoạn đầu" của nhóm tác giả: Hoàng Anh - Thân Thị Mai Linh Lan - Phạm Hồng Tâm - Đồng Hải Hằng - Ma Lăng Khoa (Báo Thái Nguyên) đã đoạt Giải C - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ VIII - năm 2023. Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu với độc giả.
Xác định chuyển đổi số tạo cơ hội bứt phá trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng tỉnh Thái Nguyên phát triển bền vững, ngày 31/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-TU về Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, việc cho ra mắt ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử” (STĐVĐT) là bước đi mới, có tính đột phá để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chất lượng đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh.
|
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, trao đổi kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng và triển khai ứng dụng STĐVĐT của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên với Đoàn công tác của Tỉnh ủy Hậu Giang (tháng 2-2023). Ảnh: Lăng Khoa. |
Bài 1: Hiện thực mục tiêu nghị quyết
Là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước triển khai ứng dụng STĐVĐT, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã khẳng định được những bước tiến đối với việc “số hóa” công tác Đảng. Qua gần 2 năm triển khai cho thấy, STĐVĐT đã giúp từng chi bộ, đảng viên bắt kịp với công nghệ 4.0; góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt, đổi mới phương thức lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng.
Nhiều chức năng được số hóa
STĐVĐT tỉnh Thái Nguyên được xây dựng trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, dễ dàng sử dụng trên các thiết bị di động, đồng thời tương thích các trình duyệt trên các web thông dụng hiện nay. Đây là ứng dụng đầu tiên được tích hợp các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), điển hình như: công nghệ định danh điện tử nhận diện khuôn mặt thông qua thẻ đảng để đăng ký tài khoản, quản lý thông tin một cách an toàn trên môi trường số; công nghệ sử dụng nền tảng trợ lý ảo tự động trả lời các câu hỏi của đảng viên về điều lệ, quy chế, quy định hoạt động, xây dựng và phát triển Đảng. Trong tương lai, trợ lý ảo là bộ phận đắc lực của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong hỗ trợ tự động 24/7 cho các tổ chức đảng và đảng viên trong toàn tỉnh.
Đồng chí Lê Tấn Thủ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Cần Thơ: "Những nội dung được trao đổi, học tập kinh nghiệm về việc triển khai ứng dụng STĐVĐT ở Thái Nguyên rất hữu ích, là cơ sở để chúng tôi tham mưu với Thường trực Thành ủy Cần Thơ chỉ đạo thực hiện ứng dụng này trong thời gian tới"...
STĐVĐT tỉnh Thái Nguyên giúp các tổ chức đảng và đảng viên dễ dàng tiếp cận và tham gia hoạt động của Đảng bộ tỉnh trên môi trường số một cách thuận lợi và an toàn, như: tìm hiểu thông tin hoạt động và các văn kiện của Đảng; học tập nghị quyết; sinh hoạt chi bộ; quản lý thông tin và tài liệu đảng viên; đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện và hoạt động của tổ chức Đảng…
Đảng viên Hoàng Thế Thay, 92 tuổi, ở Chi bộ Đồng Chằm, xã Động Đạt (Phú Lương) sau khi được hướng dẫn cài đặt đã sử dụng thành thạo STĐVĐT. Ông Thay phấn khởi cho biết: Truy cập vào đây có thể cập nhật nhiều thông tin, tài liệu, nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng. Tôi tuổi cao, khi sử dụng STĐVĐT rất thích nội dung về công tác đảng mình muốn biết, nhất là với tính năng hỗ trợ nghe đọc rõ ràng, tiện lợi.
Năm 2022, Ứng dụng thông minh - Sổ tay đảng viên Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2022 do Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin (VINASA) tổ chức. Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thái Nguyên đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về chỉ số chuyển đổi số.
|
Sự hài lòng của các cấp ủy và đảng viên
Tại các buổi sinh hoạt của Chi bộ tiểu khu Thái An, thị trấn Đu (Phú Lương), thay vì vất vả chuẩn bị tài liệu, in ấn văn bản thì giờ đây, đồng chí Phạm Ngọc Tuấn, Bí thư Chi bộ rất phấn khởi khi có phần mềm STĐVĐT hỗ trợ. “Mọi công việc chuẩn bị giản tiện hơn và đảng viên cũng dễ tiếp cận nội dung họp” - đồng chí Tuấn cho biết.
Không riêng ở Chi bộ Thái An, việc sử dụng STĐVĐT trên máy tính và nhất là điện thoại thông minh đã giúp các đảng viên nắm bắt thông tin thời sự, hoạt động của chi bộ mình và đảng bộ cấp trên cũng như chủ trương, nghị quyết của Đảng, hỏi và được trả lời tự động về công tác Đảng... Đối với cấp ủy, chi bộ, ứng dụng có thuận lợi khi nhiều văn bản của Đảng, nhất là về nghiệp vụ công tác được cập nhật giúp việc quản lý đảng viên thuận lợi hơn.
Đồng chí Dương Xuân Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Nguyên: "Triển khai ứng dụng STĐVĐT tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, có tính đột phá trong xây dựng đảng viên số, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt của tổ chức đảng và hướng các nội dung của công tác xây dựng Đảng ở cơ sở bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với xu thế chuyển đổi số quốc gia"...
Thực tế trước đây, khi chưa có ứng dụng STĐVĐT, việc các đảng viên tiếp cận văn kiện, hoạt động chi, đảng bộ chưa kịp thời. Nay thì cơ bản các đảng ủy đã đưa nghị quyết lên phần thông tin nội bộ của ứng dụng để tiện khai thác, chia sẻ; các chi bộ khai thác thông tin, tài liệu để phục vụ các kỳ sinh hoạt định kỳ.
Đặc biệt mới đây, Đảng bộ huyện Đại Từ đã nghiên cứu, đưa ra sáng kiến và trở thành đơn vị đầu tiên thực hiện thành công phần thi trắc nghiệm trực tuyến Hội thi bí thư chi bộ giỏi năm 2023 trên ứng dụng này. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hoạt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đại Từ cho biết: Hội thi được triển khai sâu rộng, với 100% đảng bộ, chi bộ tổ chức, tạo khí thế thi đua sôi nổi. Đây là đợt sinh hoạt chính trị rất thiết thực, giúp nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ cho các đồng chí Bí thư chi bộ trên địa bàn.
“Trái ngọt” từ sự vào cuộc quyết liệt
Sau khi thử nghiệm 2 tháng tại Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh (với gần 5.000 đảng viên), đầu năm 2022, ứng dụng STĐVĐT được nhân rộng toàn tỉnh Thái Nguyên và chỉ trong tháng 3-2022, đã có 80% đảng viên cài đặt và đăng ký tài khoản sử dụng. Đảng bộ tỉnh hiện có 16 đảng bộ trực thuộc, 589 tổ chức cơ sở đảng, với 97.250 đảng viên, tính đến ngày 30/9/2023, đã có 90,14% đảng viên cài đặt, đăng ký sử dụng STĐVĐT.
Công tác triển khai STĐVĐT được chỉ đạo, tổ chức chặt chẽ, từ chủ trương của Tỉnh ủy, thành lập Ban Biên tập, Tổ Thư ký giúp việc quản lý, vận hành, xây dựng giao diện, thiết kế hệ thống, nội dung, chuyên đề, kho dữ liệu, ngân hàng câu hỏi - trả lời về công tác Đảng, đóng góp ý kiến của đảng viên... đến thực hiện thí điểm, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng. Hàng nghìn văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy, các đảng bộ trực thuộc và tài liệu sinh hoạt chi bộ cùng nhiều tin tức, sự kiện đã được cập nhật lên ứng dụng; thu hút hàng triệu lượt truy cập, trung bình hơn 4.000 lượt/ngày.
Tại Đảng bộ TP. Sông Công - đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh trong triển khai cài đặt và sử dụng ứng dụng STĐVĐT đã có 31/33 đảng bộ, chi bộ trực thuộc Thành ủy (không tính đảng bộ Công an, Quân sự) với 5.910 đảng viên đăng ký tài khoản và chuẩn hóa thông tin thành công trên ứng dụng (đạt 100%). Theo đồng chí Nguyễn Trung Hòa, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Sông Công: Thành ủy đã chỉ đạo Ban biên tập cập nhật các thông tin, văn bản chỉ đạo điều hành của Thành ủy, xây dựng chuyên mục “Thông tin thời sự” của địa phương, của tỉnh, trong nước, quốc tế cũng như các văn bản, chính sách mới lên ứng dụng để phục vụ sinh hoạt chi bộ hàng tháng...
Bài 2: Khắc phục hạn chế, cập nhật tiện ích
Với rất nhiều tiện ích và ưu điểm, quá trình triển khai giai đoạn 1 ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử (STĐVĐT) cơ bản nhận được sự hài lòng của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên. Tuy nhiên, ứng dụng này cũng còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế, cần có sự điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp...
Nhiều nội dung cần hoàn thiện
Đảng viên Hoàng Thị Hợi, Chi bộ tổ dân phố 7, Đảng bộ phường Đồng Quang (TP. Thái Nguyên) cho biết: Chúng tôi chưa dùng nhiều ứng dụng STĐVĐT vì có đợt bị lỗi hệ thống, khó truy cập. Biết là ứng dụng có nhiều chức năng tốt, nhưng cần có thời gian để chúng tôi làm quen và sử dụng thành thạo hơn.
Đồng chí Hoàng Anh Trung, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, chia sẻ: Ứng dụng STĐVĐT đang hoàn thiện nên thường xuyên được cập nhật, điều chỉnh, gây khó khăn nhất định cho người dùng, như: Chưa thực hiện được việc chỉ đạo công việc, giao việc, học tập nghị quyết, khảo sát ý kiến trên ứng dụng.
Còn đồng chí Lương Thanh Ngân, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Định Hóa, đánh giá: Một số thao tác trong việc đăng tải tài liệu còn phức tạp; chưa có hướng dẫn cụ thể việc khai thác tài liệu. Ngoài ra, chúng tôi thấy ứng dụng chưa thực hiện phân quyền cho cấp cơ sở nên việc đăng tải tài liệu, thông tin của đảng bộ cơ sở lên ứng dụng chưa thực hiện được để đảng viên khai thác, nắm bắt.
Đại diện nhiều chi bộ, đảng bộ cơ sở trên địa bàn tỉnh cũng phản ánh: Để truy cập vào STĐVĐT với vai trò quản lý đơn vị, tài khoản đăng nhập cần được phân quyền và truy cập vào menu quản lý cho bí thư, nhưng hiện nay chưa sử dụng được. Ví dụ như: Việc thêm đảng viên mới vào danh sách, quản lý số đảng viên đã cài đặt ứng dụng, quản lý giao việc, sinh hoạt chi bộ… Bí thư chi bộ thêm đảng viên chưa cài vào danh sách của chi bộ nhưng không nhập được số thẻ đảng viên nên phần mềm luôn ngầm định là “đảng viên dự bị”.
Tại các hội nghị được tổ chức để đánh giá kết quả triển khai ứng dụng STĐVĐT giai đoạn 1, chúng tôi cũng ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh về phần mềm ứng dụng vẫn còn gây khó khăn cho người dùng, như: Mật khẩu bị mất khó cấp lại do tính bảo mật cao; phần mềm đang trong quá trình hoàn thiện nên mỗi lần nâng cấp đều bị lỗi hệ thống; việc gửi văn bản họp lên ứng dụng qua hệ điều hành IOS gặp khó khăn; một số tính năng quản lý đảng viên từ trần và xoá tên, khai trừ chưa có, nên khó khăn cho công tác quản lý đảng viên thường xuyên của chi bộ…
Cơ sở vật chất và con người chưa thực sự đáp ứng
Cùng với các tiện ích cần tiếp tục được cập nhật và hoàn thiện cho phù hợp thì cơ sở vật chất và bản thân người dùng ở một số nơi chưa thực sự đáp ứng yêu cầu trong lĩnh vực này cũng làm hạn chế hiệu quả của ứng dụng STĐVĐT. Nhiều đảng viên, nhất là đảng viên cao tuổi không sử dụng điện thoại, hoặc điện thoại chưa tương thích, nên không thể cài đặt ứng dụng. Ở một số khu vực nông thôn, miền núi do chưa có sóng hoặc sóng điện thoại chưa ổn định dẫn đến khả năng khai thác các tiện ích của STĐVĐT còn hạn chế, như tại các huyện Võ Nhai, Định Hóa.
Cụ thể với Đảng bộ huyện Võ Nhai, hiện nay số lượng đảng viên đã cài đặt STĐVĐT là 3.906/5.166 đảng viên (đạt tỷ lệ 75,6%), thấp hơn khoảng 15% so với tỷ lệ chung của tỉnh. Điều này xuất phát từ đặc thù địa bàn miền núi, một số nơi sóng điện thoại, mạng 3G/4G không ổn định để cài đặt và sử dụng ứng dụng. Một số đảng viên điều kiện kinh tế còn khó khăn, chưa có điện thoại thông minh; đảng viên cao tuổi chưa biết cách sử dụng nên còn hạn chế trong việc khai thác thông tin và các tiện ích của STĐVĐT...
|
Một số chức năng của STĐVĐT cần có máy tính để soạn thảo, cập nhật nội dung sinh hoạt chi bộ vào ứng dụng nhưng đa số Bí thư chi bộ, nhất là khu vực nông thôn không có máy tính, nếu có thì khả năng sử dụng hạn chế. Hay việc soạn thảo nghị quyết của chi bộ đẩy lên ứng dụng gặp khó khăn đối với các đồng chí Bí thư chi bộ cao tuổi. Nếu viết tay rồi chụp ảnh đưa lên cũng chưa thuận tiện nhất là đối với điện thoại sử dụng hệ điều hành IOS của Iphone. Lý do nữa khiến việc sử dụng STĐVĐT chưa phát huy hết hiệu quả là quá trình truy cập ứng dụng vào hệ thống có thời điểm nghẽn mạng, chưa thông suốt…
Bệnh “hình thức” và “ngại làm” vẫn còn
Đánh giá việc phát sinh những vướng mắc, khó khăn trong giai đoạn đầu thực hiện “số hóa” công tác Đảng vụ là điều không tránh khỏi, trong quá trình triển khai ứng dụng STĐVĐT, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức nhiều hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm. Qua đó, đội ngũ cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở thẳng thắn nhìn nhận, việc STĐVĐT chưa phát huy được tối đa hiệu quả một phần do nguyên nhân chủ quan, như: Một số cấp ủy chưa thực sự quyết liệt triển khai ứng dụng nên tổ quản trị chưa phát huy được hết vai trò định hướng, hướng dẫn cơ sở khai thác các tính năng của ứng dụng.
|
Bên cạnh những đơn vị chủ động trong việc tập huấn, hướng dẫn khai thác, sử dụng ứng dụng, còn có cấp ủy chưa tổ chức việc này đến các chi bộ, mà mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt và đăng ký tài khoản. Bởi vậy vẫn tồn tại tình trạng ở một số nơi, tỷ lệ cài đặt STĐVĐT cao nhưng thực chất số khai thác, sử dụng hiệu quả mới chỉ chiếm phần nhỏ. Cũng phải nghiêm túc đánh giá, còn có bí thư chi bộ ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự tâm huyết, trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu trong việc dành thời gian nghiên cứu để triển khai ứng dụng tại chi bộ mình.
Qua khảo sát chúng tôi nhận thấy, tại nhiều chi bộ, đảng bộ, trong đó có một số sở, ngành trên địa bàn tỉnh, tình trạng đảng viên sử dụng điện thoại thông minh đã cài đặt STĐVĐT nhưng lại không hoặc ít sử dụng còn khá phổ biến. Không ít cán bộ, đảng viên chưa thực sự coi trọng và thực hiện nghiêm túc việc khai thác, sử dụng ứng dụng, dẫn tới ứng dụng STĐVĐT chưa thực sự phát huy được hiệu quả như kỳ vọng…
Bài 3: Phát huy thành quả và đồng bộ dữ liệu, quản lý
Sau khi triển khai giai đoạn 1 của ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử (STĐVĐT), tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai giai đoạn 2 với mục tiêu hoàn thiện, tối ưu hóa các tính năng. Đích đến được đề ra là: Nhanh hơn, chính xác hơn, đồng bộ và hiệu quả hơn…
Tiếp nhận phản hồi và hoàn thiện
Nói về những hạn chế của ứng dụng STĐVĐT, đồng chí Hoàng Văn Hán, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Dân Tiến (Võ Nhai) chia sẻ: Đảng bộ xã hiện có 315 đảng viên, tỷ lệ cài đặt khoảng 70%, nhưng còn nhiều điểm dân cư sóng điện thoại chưa ổn định, khó cập nhật. Thực tế STĐVĐT còn chưa “mượt”, quá trình sử dụng hay gặp sự cố về dữ liệu, quyền quản lý đơn vị của người được phân quyền, cập nhật thông tin...
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi STĐVĐT được đưa vào sử dụng trong toàn tỉnh, Ban biên tập, Tổ thư ký đã tham mưu tổ chức 8 hội nghị triển khai xây dựng, tập huấn, đánh giá kết quả triển khai ứng dụng đến các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy. Qua đó, đại diện các đảng bộ, cơ quan, đơn vị, địa phương đã trao đổi, thảo luận về những khó khăn trong quá trình sử dụng ứng dụng STĐVĐT. Trên cơ sở đó, Ban biên tập, Tổ thư ký STĐVĐT tiếp thu, phối hợp với Viettel Thái Nguyên và cơ quan liên quan khắc phục kịp thời, điều chỉnh ứng dụng thuận tiện cho người sử dụng.
Theo đại diện Viettel Thái Nguyên: Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, Viettel Thái Nguyên đã phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy hoàn thành ứng dụng STĐVĐT của Đảng bộ tỉnh, sau đó thí điểm tại Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh. Quá trình triển khai, đơn vị luôn lắng nghe, tiếp thu các ý kiến phản hồi, góp ý từ người dùng để hiệu chỉnh phần mềm trước khi nhân rộng ra toàn tỉnh. Từ đó, xây dựng các bản cập nhật nâng cấp phù hợp thực tiễn của tổ chức đảng và đảng viên ở cơ sở.
Theo đồng chí Thân Thị Nguyệt Quế, Trưởng Phòng huyện, cơ sở đảng và đảng viên (Ban Tổ chức Tỉnh ủy): Sau 2 năm triển khai STĐVĐT đã có 16 lần ứng dụng được cập nhật phiên bản mới. Qua những lần cập nhật, hơn 80 tính năng đã được sửa chữa, bổ sung, nâng cấp, thêm mới, từng bước khắc phục được những lỗi phát sinh ở phiên bản trước và đem lại trải nghiệm cho người dùng tốt hơn.
Từ những kết quả đó, theo đề xuất, kiến nghị của các cấp ủy, đảng viên, các cơ quan chuyên môn của tỉnh sẽ tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện STĐVĐT đơn giản, tiện lợi và chứa nhiều tính năng bổ ích cho người dùng, góp phần nâng cao chất lượng tổ chức sinh hoạt đảng và đảng viên như: Bổ sung tính năng quản lý đảng viên từ trần và xoá tên, khai trừ để tạo thuận lợi cho quản lý đảng viên; tính năng giao việc trong chi bộ với từng đảng viên; tổng hợp báo cáo thống kê hoạt động ứng dụng (thống kê các bài viết, văn bản tài liệu cập nhật; báo cáo kết quả sinh hoạt, báo cáo học tập nghị quyết, báo cáo đảng số, báo cáo đảng viên nơi cư trú); tính năng quản lý của bí thư chi bộ với đảng viên tham gia sinh hoạt nơi cư trú; gửi file nghị quyết, biên bản họp chi bộ hoặc chụp ảnh và chọn ảnh trực tiếp từ kho ảnh trong điện thoại hệ điều hành IOS…
Với sự điều chỉnh, nâng cấp những tính năng này sẽ giúp các tổ chức đảng, đảng viên khai thác hiệu quả hơn những tiện ích, thông tin trên ứng dụng STĐVĐT, nhất là với những đảng viên cao tuổi.
Nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên
Số hóa công tác Đảng vụ là công việc không hề dễ dàng. Quá trình thực hiện rất cần sự gương mẫu, trách nhiệm, tiên phong của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu. Bên cạnh đó, các thành viên tổ thư ký, giúp việc và cơ quan truyền thông của tỉnh cũng cần vào cuộc tích cực hơn nữa. Việc thực hiện nhiệm vụ này cũng cần đưa vào tiêu chí xét thi đua hàng năm của các tổ chức đảng và đảng viên, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Tín hiệu khả quan là đến nay, nhiều đảng bộ trong tỉnh đã chủ động đánh giá kết quả giai đoạn 1 và triển khai ứng dụng STĐVĐT giai đoạn 2. Điển hình như Đảng bộ huyện Đại Từ và TP. Sông Công đã có những cách làm sáng tạo, cần được nhân rộng.
Tỉnh Thái Nguyên đang xây dựng và triển khai 6 phân hệ với khoảng hơn 120 chức năng của ứng dụng STĐVĐT đã có trong giai đoạn 1, tiếp tục bổ sung và điều chỉnh một số chức năng hỗ trợ người dùng tốt hơn, như: Tính năng trả lời trực tiếp các góp ý, kiến nghị trên ứng dụng và chuyển cho các đảng bộ trả lời theo phân cấp; giao việc trong chi bộ đối với từng đảng viên; tự động dẫn nguồn tin về xây dựng Đảng từ Cổng thông tin điện tử của Đảng bộ tỉnh, ứng dụng C-ThaiNguyen; thông báo các văn bản, tài liệu của Trung ương, của Tỉnh ủy và các ban xây dựng Đảng mới được cập nhật lên STĐVĐT theo tuần hoặc tháng để đảng viên dễ theo dõi…
|
Bước đầu thực hiện số hóa công tác Đảng vụ, do số đảng viên đông và sinh hoạt ở nhiều đơn vị, địa phương khác nhau nên việc triển khai các ứng dụng mới trên địa bàn tỉnh sẽ không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, việc triển khai, vận hành ứng dụng STĐVĐT bước đầu đã đạt nhiều kết quả tích cực, với những cách làm sáng tạo, khoa học và phù hợp với thực tiễn.
Tin tưởng rằng dưới sự chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, với sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của đội ngũ cán bộ, đảng viên từ cấp tỉnh đến cơ sở, thời gian tới, ứng dụng STĐVĐT của Đảng bộ tỉnh sẽ ngày càng hoàn thiện hơn và phát huy tối đa tiện ích. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số.
Hoàng Anh - Thân Thị Mai Linh Lan - Phạm Hồng Tâm - Đồng Hải Hằng - Ma Lăng Khoa