Tác phẩm đoạt giải

Đẩy lùi chiêu 'truyền thông bẩn' nhắm vào lực lượng công nhân lao động

Đối với các đối tượng cơ hội, bất mãn về chính trị và các thế lực thù địch chống phá cách mạng, đời sống của công nhân lao động luôn là một trong những “mảnh đất màu mỡ” để tập trung khai thác xuyên tạc, chống phá với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc.

Bởi lẽ, không ai khác, chính công nhân là lực lượng sản xuất đông đảo, tạo ra phần lớn của cải vật chất cho xã hội; “đánh” vào lực lượng công nhân chính là “đánh” trực diện vào đời sống kinh tế - xã hội của nước ta. Quan trọng hơn, tác động đến giai cấp công nhân cũng chính là tác động trực diện đến Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam.

Bài 1: Lật mặt chiêu trò của các thế lực thù địch

Lợi dụng tình hình kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề sau giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành và cuộc khủng hoảng kinh tế tiền tệ, năng lượng trên toàn cầu, xung đột giữa Nga - Ukraine, các thế lực phản động đã không ngừng mở các bàn tròn bình luận, đưa tin xuyên tạc nhắm vào công nhân lao động, nhất là về đời sống, việc làm. Từ đó dẫn dắt, kích động tâm lý người lao động nhằm gây ra sự bất ổn chính trị, kinh tế, xã hội cũng như môi trường đầu tư của nước ta…

Các đối tượng thù địch, cơ hội chính trị luôn nhắm vào đời sống công nhân lao động để thực hiện các hành vi chống phá. Đồ họa: Vĩnh Quỳnh.
Các đối tượng thù địch, cơ hội chính trị luôn nhắm vào đời sống công nhân lao động để thực hiện các hành vi chống phá. Đồ họa: Vĩnh Quỳnh.

* Không ngừng xuyên tạc

Trang Facebook cá nhân SLTV-TNTD, tự giới thiệu là một CLB giao lưu có trụ sở đóng tại nước ngoài có hơn 123 ngàn người theo dõi, vào cuối tháng 1-2023 đã mở “bàn tròn bình luận” về đời sống người lao động (NLĐ) Việt Nam. Video muốn gây chú ý với người xem khi mở đầu đã so sánh: “Khi những doanh nghiệp nhỏ gặp những khó khăn và thách thức, chính phủ (nước ngoài, các nước tư bản - người viết) đưa ra các khoản hỗ trợ rất nhiều. Đi xa hơn là NLĐ, người dân mất việc làm vẫn được trợ cấp… không cần phải lo lắng đến cái ăn cái mặc. Nhưng đối với người dân Việt Nam thì khi bị lừa đảo trái phiếu, bị thất nghiệp như vậy thì chính phủ Việt Nam có đưa ra các biện pháp gì để hỗ trợ người dân không anh?”.

Nhân vật trò chuyện dẫn dắt: “chúng ta hãy xem người dân Việt Nam trong nước ăn Tết như thế nào” bằng cách trích dẫn thông tin sai sự thật: “cạn tiền lại mất việc, lao động nghèo bới rác kiếm thức ăn, quần áo mới đón Tết”, “cơm không có ăn, ăn Tết ra sao?”…

Điều đáng nói, với thông tin sai sự thật này, cơ quan chức năng gồm: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương đã vào cuộc xác minh, làm rõ sự việc và khẳng định đây là thông tin sai sự thật, đã công bố trên các phương tiện truyền thông trước đó nhiều ngày. Tuy nhiên, các đối tượng này vẫn cố tình phớt lờ sự thật và tập trung xoáy sâu vào chi tiết “hút” view này. Nếu tinh ý, người xem video cũng nhận ra độ kệch cỡm, dị hợm của người đăng tin sai sự thật khi thông tin “bới rác” mà đòi “quần áo mới”(!?).

Trong video này, blogger Đ.C đóng vai trò như một khách mời, một “chuyên gia kinh tế” “phân tích” tình hình sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam. Các đối tượng cơ hội chính trị không ngừng dẫn dắt, vẽ lên bức tranh u ám, tiêu cực về kinh tế - xã hội của Việt Nam bằng cách “khoét sâu”, “tô đậm” vào những thông tin chưa được kiểm chứng về một số hạn chế của nền kinh tế hoặc những vụ việc về kinh tế, tham nhũng mà các cơ quan chức năng Việt Nam đang tiến hành điều tra, xử lý.

* Liên tục kích động

Không chỉ bôi đen bức tranh kinh tế của Việt Nam, các bài viết, video được các thế lực thù địch sử dụng trên mạng xã hội còn ra sức phủ nhận vai trò của Công đoàn Việt Nam, cho rằng Công đoàn Việt Nam không đấu tranh bảo vệ được quyền lợi của NLĐ và chỉ có các tổ chức công đoàn độc lập với Công đoàn Việt Nam mới chăm lo tốt cho quyền lợi của NLĐ.

Ngày 17-2-2023, trên trang Facebook tb.d, trong video “Ai chịu trách nhiệm về quyền lợi của NLĐ” kèm dòng trạng thái xuyên tạc: “Đảng của “gia cấp Công nhân” đẩy 20 vạn công nhân ra đường”. Rồi đối tượng chống phá cách mạng này rêu rao giọng điệu: “NLĐ mất lương hưu, cuộc sống của họ và của gia đình họ bị đẩy vào cảnh khốn cùng trong tương lai, ai sẽ là người chịu trách nhiệm về điều này, hay lại là không ai cả”.

Những hành vi cùng luận điệu xuyên tạc, vu khống, thâm độc của các đối tượng cơ hội chính trị tuy không thể làm suy yếu lực lượng giai cấp công nhân, không thể làm chệch hướng, vô hiệu hóa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ta… nhưng rất nguy hiểm. Bởi chúng tạo ra những làn sóng nhiễu đen tối, gây khó khăn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong bối cảnh hiện nay nước ta đang tập trung hồi phục kinh tế sau những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và khủng hoảng chính trị - quân sự - kinh tế ở một số nơi trên thế giới.

 

Song song với việc phân tích trên, các đối tượng cơ hội chính trị không ngừng gieo rắc vào tư tưởng người nghe bằng những câu nói như: “người dân mất niềm tin”, cho rằng “Việt Nam bận đấu đá chính trị trong nội bộ nên không đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu, và có biện pháp nào để người dân gây áp lực với chính quyền không?”.

Đáng báo động hơn, các đối tượng chống phá cách mạng không ngừng kích động NLĐ. Trong video nêu trên của trang Facebook cá nhân S.LTV-TNTD, blogger Đ.C. cho biết thông tin mù mờ nhưng nguy hiểm rằng: “người dân “đấu” rất gay gắt, tìm cách liên minh với nhau. Trước đây nạn nhân ở tỉnh nào biểu tình ở tỉnh đó, nhưng bây giờ họ tìm cách liên minh với nhau… đặc biệt các nhóm nạn nhân họ liên kết với nhau và biểu tình…”. Còn nhân vật dẫn chương trình thì kết thúc clip bằng cách kêu gọi biểu tình trắng trợn, cực kỳ kích động như: “Khi người dân hành động một mình thì sự đàn áp rất quyết liệt, rất dễ xảy ra, nhưng khi người dân liên kết với nhau từ Bắc vào Nam… để xuống đường biểu tình thì gây nên một sức mạnh rất lớn và không có một quyền lực nào có thể khống chế được sức mạnh này. Người dân phải có một hành động cụ thể, đó là xuống đường để gây áp lực cho guồng máy chính quyền này”.

Quả thực, nắm bắt được tâm lý của số đông NLĐ là “muốn giải quyết ngay lợi ích trước mắt mà chưa tìm hiểu kỹ nguyên nhân, bản chất của vụ việc” nên mỗi khi có một sự kiện mang tính chính trị hay tranh chấp lao động tại một doanh nghiệp nào đó, trong khi các tổ chức Công đoàn, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương dốc sức thương lượng, làm việc với chủ doanh nghiệp để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của NLĐ thì các thế lực thù địch lại tìm mọi cách bới móc, kích động tâm lý công nhân tạo nên “hiệu ứng đám đông”, dẫn đến đình công và thiệt hại cuối cùng lại thuộc về chính NLĐ.

Vụ việc xảy ra cách đây tròn 10 năm vẫn là bài học nóng hổi khi hàng chục ngàn công nhân tại nhiều khu công nghiệp phía Nam xuống đường biểu tình phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Nhiều kẻ kích động đã lợi dụng, xúi giục công nhân đốt nhà xưởng, phá hoại tài sản, hành hung bảo vệ và chuyên gia của nhiều doanh nghiệp… không chỉ ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, “sức khỏe” nền kinh tế mà đời sống NLĐ cũng lao đao khi doanh nghiệp đóng cửa, mất việc làm…

Công thức chung của các thế lực chống phá

Tận dụng lợi thế của internet và đặc biệt là mạng xã hội, các đối tượng thù địch đã không ngừng sản xuất, đăng tải những video, hình ảnh, nội dung trên các kênh, trang cá nhân mà chúng lập nên. Tuy cách thức thể hiện, dẫn dắt, đặt vấn đề rất đa dạng nhưng có thể thấy, nội dung thông tin này đều có công thức chung là lợi dụng các vụ việc, sự kiện “nóng” để xuyên tạc thành thông tin sai sự thật; một số thông tin còn tranh cãi, vụ việc đang trong quá trình điều tra, xử lý… để từ đó gây sự chú ý trên không gian mạng, thu hút tương tác.

Lúc này, giọng điệu, chiêu thức của các đối tượng chống phá cách mạng rất tinh ranh, khi thì đứng về phía NLĐ để nỉ non chia sẻ, giả vờ xúc động kể lể đời sống khốn khổ hiện nay và tương lai của NLĐ để tìm kiếm “đồng minh”; khi thì đóng vai kẻ giàu sang, “tầng lớp tư bản phát triển” để ra sức dè bỉu, khinh khi, chê bai cuộc sống nghèo đói mà chúng dựng lên…

Tiếp đó, chúng phủ nhận thành quả, nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trên các phương diện, nhất là các chính sách chăm lo, hỗ trợ kịp thời cho công nhân lao động trên cả nước trong suốt thời gian qua. Các thế lực chống phá cách mạng cho rằng, nguyên nhân của sự thất bại mà chúng bịa đặt là do chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta, rồi ra sức quy chụp chế độ đã “bỏ mặc công nhân”…

 

 

Bài 2: Sự thật khách quan về sức khỏe nền kinh tế Việt Nam

Nền kinh tế Việt Nam có phải suy yếu, đen tối như những gì các thế lực chống phá dựng lên? Đời sống người lao động (NLĐ) Việt Nam có khốn cùng như những gì các đối tượng cơ hội chính trị dè bỉu?… Câu trả lời rõ ràng nằm ở hiện thực khách quan, được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Chỉ có những đối tượng bất mãn chính trị mới cố tình phớt lờ sự thật khách quan, không chấp nhận, không dám nhìn thẳng vào hiện thực: Việt Nam đang trên đà phát triển, người dân Việt Nam vẫn đang đoàn kết, nỗ lực từng ngày để vượt qua khó khăn, xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

“Cú sốc” chung với nhiều nền kinh tế

Tình hình thế giới nhiều biến động phức tạp, với những thách thức đa chiều từ ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19, xung đột tại nhiều khu vực, tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai… những năm qua đã tạo ra “cú sốc” lớn đối với nền kinh tế thế giới và thị trường lao động toàn cầu.

Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đều bị ảnh hưởng. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), số người thất nghiệp năm 2022 có thể lên tới 207 triệu người và việc bảo đảm việc làm, thu nhập cho NLĐ là khó khăn chung của các nước trên thế giới.

Tại Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chứng kiến làn sóng sa thải nhân viên của các công ty lớn, đi đầu là các công ty công nghệ và tài chính ở Phố Wall, trong bối cảnh lo ngại về khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến chi phí hoạt động của doanh nghiệp (DN) tăng vọt. Các đợt tăng lãi suất ngân hàng liên tiếp và nhu cầu tiêu dùng yếu đã buộc các công ty như Amazon, Walt Disney, Meta (công ty chủ quản mạng xã hội Facebook) và các ngân hàng ở Mỹ phải giảm lực lượng lao động...

Các nhà phân tích của hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's mới đây nhận định lạm phát đã vượt đỉnh ở hầu hết các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Đến thời điểm hiện tại, xu hướng tăng giá đang có biểu hiện giảm tại Campuchia, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, những quốc gia còn lại vẫn đang “mắc kẹt” trong lạm phát…

Việt Nam ghi dấu ấn về phục hồi kinh tế

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, cơ hội và thách thức đan xen, Việt Nam tiếp tục ưu tiên duy trì ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và thúc đẩy phát triển bền vững, tiếp tục là một trong những điểm sáng về tăng trưởng kinh tế. Nikkei Asia đánh giá Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 8 thế giới về đà phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Việt Nam tạo được dấu ấn với thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế 8,02% trong năm 2022, cao nhất trong 12 năm qua. Việt Nam đã trở thành nguồn cảm hứng, tạo động lực phát triển cho các quốc gia trong khu vực. Điểm sáng nhất trong nền kinh tế Việt Nam năm 2022 chính là kiểm soát được tỷ lệ lạm phát tương đối thấp trong bối cảnh các nước trên thế giới chật vật đối phó với lạm phát phi mã và "bão giá".

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội ghi nhận, đối với những tháng đầu năm 2023, thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định; giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh; ngành du lịch tiếp tục phục hồi. Theo báo cáo của Chính phủ, trong điều kiện rất khó khăn, GDP quý I vẫn duy trì đà tăng trưởng nhưng không cao, chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ. Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại tệ cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm, trong đó lãi suất cho vay bình quân giảm 0,7% so với cuối năm 2022; thanh khoản của hệ thống ngân hàng được bảo đảm…

Mặc dù các DN vẫn gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh song Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo Cục thống kê Đồng Nai, tính từ đầu năm đến ngày 20-5-2023, thu hút đầu tư từ khu vực nước ngoài của tỉnh đạt khoảng 568,78 triệu USD, tăng 2 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Rõ ràng, những nhận định tích cực của các tổ chức, chuyên gia quốc tế, truyền thống thế giới về kinh tế Việt Nam và các số liệu thống kê cụ thể là sự thật mà chúng ta không thể tự vẽ ra. Đó là sự ghi nhận, đánh giá khách quan về nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng DN và nhân dân cả nước.

Giữ ổn định thị trường lao động - việc làm

Theo thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý IV-2022 và năm 2022 của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tính chung cả năm 2022, thị trường lao động Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng, lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập của NLĐ đều tăng lên; tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm và tỷ lệ lao động phi chính thức đều có xu hướng giảm.

Theo đó, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động của Việt Nam năm 2022 là gần 1,07 triệu người, giảm 359,2 ngàn người so với năm 2021. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2022 là 2,32%, giảm 0,88 điểm % so với năm trước.

Trong tháng 5-2023, Đồng Nai đã giải quyết việc làm cho trên 8,5 ngàn lượt lao động. Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm được hơn 34,5 ngàn lượt lao động, đạt 43,19% kế hoạch năm và giảm 2,7% so cùng kỳ năm ngoái.

Trong những ngày đầu tháng 2-2023, thông tin về việc Công ty Pou Yuen Việt Nam (TP.HCM) thuộc Tập đoàn Pou Chen (Đài Loan) cắt giảm hàng ngàn công nhân khiến nhiều lao động ở Đồng Nai lo lắng “làn sóng” này sẽ lan đến những nhà máy mình đang làm việc. Tại Đồng Nai hiện có 3 nhà máy thuộc Tập đoàn Pou Chen đang hoạt động gồm: Công ty TNHH Pou Sung, Công ty TNHH Pou Chen và Công ty TNHH Pou Phong với trên 50 ngàn lao động.

Trước những thông tin về cắt giảm nhân sự tại Công ty Pou Yuen, nhiều thông tin xuyên tạc rằng sắp có một đợt sa thải hàng chục ngàn công nhân ở Đồng Nai được tung ra nhằm gây hoang mang, bất ổn trong công nhân lao động. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN thuộc Tập đoàn Pou Chen vẫn cơ bản ổn định. Chủ tịch Công đoàn Công ty Pou Chen Việt Nam (TP.Biên Hòa) Nguyễn Tấn Pháp cho biết, thời gian qua, DN gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng song vẫn chi trả lương đầy đủ, đảm bảo đời sống cho NLĐ. Hiện DN không tổ chức cho công nhân tăng ca. Công nhân được nghỉ việc ngày thứ bảy vẫn được hỗ trợ mức lương tối thiểu vùng là 180 ngàn đồng/ngày.

“Hiện nay, tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty vẫn cơ bản ổn định và chưa có kế hoạch cắt giảm lao động như đồn đoán. Tổ chức Công đoàn đang tiếp tục động viên NLĐ yên tâm sản xuất, cùng DN vượt qua giai đoạn khó khăn này” - ông Pháp nói.

Tại Công ty Giày Tuấn Việt (đóng tại Cụm công nghiệp Phú Thạnh, H.Nhơn Trạch) hiện có 900 công nhân lao động. Ông Trần Tuấn Minh, Giám đốc điều hành công ty cho biết, từ tháng 10-2022, tình hình sản xuất, kinh doanh của DN bắt đầu gặp khó khăn, đơn hàng giảm dần và có thời điểm giảm 60-70%. Đặc biệt, từ sau Tết 2023, đơn hàng tiếp tục giảm, chỉ duy trì sản xuất 4 ngày/tuần, không tổ chức tăng ca. Tuy nhiên, DN luôn xác định dù khó khăn vẫn tìm mọi cách giữ việc làm và đảm bảo chế độ phúc lợi, bảo hiểm cho NLĐ. Những ngày nghỉ, NLĐ được tính phép năm, nếu hết phép năm thì công ty hỗ trợ 80% lương cho NLĐ theo quy định.

Bài 3: Đặt người lao động vào trung tâm của chính sách phát triển

Chú trọng quan tâm, chăm lo đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có giai cấp công nhân lao động, là xuất phát điểm của chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta.

Trong khi các thế lực thù địch đang ra sức xuyên tạc cho rằng công nhân lao động đang bị “bỏ rơi”, “bơ vơ” chống chịu với cuộc sống bần cùng thì người đứng đầu Chính phủ đã liên tục có các buổi đối thoại với công nhân tại các địa phương có công nghiệp phát triển. Từ đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của công nhân lao động và có những chính sách hỗ trợ quyết liệt, kịp thời.

* Hàng loạt chính sách chăm lo cho người lao động

Trong các cuộc gặp gỡ, đối thoại với công nhân tại nhiều địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm, chăm lo đời sống và công việc của công nhân; đồng thời, giải quyết vấn đề cơ chế, chính sách để bảo đảm quyền lợi của người lao động (NLĐ).

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, ngay từ năm 2021, Chính phủ đã quyết nghị thực hiện 12 chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Nghị quyết 68/NQ-CP). Trong đó có các chính sách nổi bật như: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ; hỗ trợ NLĐ bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động… Sau hơn 1 năm triển khai, Nghị quyết số 68/NQ-CP đã hỗ trợ kịp thời cho 36,4 triệu lao động, người dân, 394.440 đơn vị sử dụng lao động và 508.127 hộ kinh doanh với tổng số tiền 45,6 ngàn tỷ đồng.

Tiếp đó, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24-9-2021 về chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Còn trong Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thì bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm là nhóm nhiệm vụ đứng thứ 2. Theo đó, hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho NLĐ có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm…

Tại Đồng Nai - địa phương thu hút hơn 1,2 triệu công nhân lao động, các chính sách chăm lo cho đời sống NLĐ được đặc biệt quan tâm. Đồng Nai là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về giải ngân chính sách theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ. Ước tính toàn tỉnh có 260 ngàn lao động được hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà với tổng số tiền hỗ trợ gần 339 tỷ đồng.

Ngay đầu năm 2023, tình hình lao động - việc làm vẫn gặp khó khăn, UBND tỉnh tiếp tục ban hành quyết định về việc chăm lo, hỗ trợ NLĐ bị mất việc, tạm hoãn hợp đồng lao động do doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn. Theo đó, những lao động đang làm việc tại các DN, HTX ở Đồng Nai bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động từ 30 ngày liên tục trở lên được hỗ trợ một lần mức 1,5 triệu đồng/người...

Ngoài gói hỗ trợ của tổ chức Công đoàn, các đơn vị đã tích cực triển khai gói hỗ trợ theo Quyết định 122 của UBND tỉnh về chăm lo, hỗ trợ NLĐ bị mất việc, tạm hoãn hợp đồng lao động trên địa bàn tỉnh. Tính đến cuối tháng 5-2023, các địa phương đã phê duyệt hỗ trợ cho 448 NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động với số tiền 672 triệu đồng và 8.655 NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động với số tiền gần 13 tỷ đồng.

 

* Khẳng định vai trò không thể thay thế của tổ chức Công đoàn

Thông tin từ Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết, theo báo cáo của LĐLĐ các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương, tính từ tháng 9-2022 đến hết tháng 1-2023, đã có khoảng 1.300 DN tại 50 tỉnh, thành phố gặp khó khăn, bị cắt, giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của hơn 546 ngàn NLĐ. Số lao động bị ảnh hưởng phần lớn ở các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tập trung trong 3 ngành: dệt may, giày da, chế biến gỗ; chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam (chiếm 70% tổng số NLĐ bị ảnh hưởng của toàn quốc).

Tuy nhiên, với sự chia sẻ của NLĐ và nỗ lực tổ chức sản xuất, kinh doanh, chăm lo cho NLĐ của DN nên tình hình tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể trong phạm vi cả nước trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023 giảm so với Tết năm 2022. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán 2023, đã có hơn 8,6 triệu lượt đoàn viên, NLĐ được thụ hưởng các hoạt động chăm lo của tổ chức Công đoàn với tổng kinh phí hơn 6 ngàn tỷ đồng. Trong đó, các hoạt động đều ưu tiên hướng về cơ sở, chăm lo cho đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Riêng tại Đồng Nai, với phương châm “Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết”, dịp Tết năm 2023, các cấp Công đoàn tỉnh triển khai các hoạt động thiết thực nhằm chăm lo, hỗ trợ trên 850 ngàn công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn với số tiền khoảng 250 tỷ đồng.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc giữa Thường trực Tỉnh ủy với Đảng đoàn LĐLĐ tỉnh vào tháng 2-2023, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường nhấn mạnh, LĐLĐ tỉnh có những cách làm rất cụ thể, rất sát với đời sống NLĐ. Ví dụ, Tết vừa qua, LĐLĐ tỉnh kịp thời kiến nghị, đề xuất tỉnh hỗ trợ NLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Số tiền tuy không lớn nhưng với số lượng NLĐ rất lớn thì tổng số tiền hỗ trợ từ ngân sách là rất lớn. Dù vậy, món quà Tết góp phần giúp cho NLĐ trong ngày lễ, Tết vui hơn, để họ tin tưởng hơn vào đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và vai trò của tổ chức Công đoàn được khẳng định.

Nỗ lực duy trì việc làm, ổn định đời sống công nhân

Bước sang năm 2023, đơn hàng của DN tiếp tục giảm, thiếu nguyên phụ liệu sản xuất khiến cho nhiều DN phải giảm giờ làm, cắt giảm lao động thay vì tuyển người như các năm trước. Thực trạng này đang xảy ra tại nhiều DN trên cả nước, trong đó có Đồng Nai. Theo LĐLĐ tỉnh, riêng trong tháng 3-2023, trên địa bàn tỉnh có 3 DN phải cắt giảm trên 2 ngàn lao động do bị sụt giảm đơn hàng. Các DN này đều thực hiện đầy đủ chính sách theo quy định và có báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về các chế độ cho những lao động bị cắt giảm.

Bên cạnh những DN thực hiện các thỏa thuận, cũng như quy định pháp luật về lao động thì trong bối cảnh khó khăn hiện nay một số DN vẫn nợ lương, bảo hiểm xã hội của NLĐ, thậm chí có DN có chủ bỏ trốn khiến quyền lợi của NLĐ bị ảnh hưởng nặng nề. Khi có phản ánh của công nhân, LĐLĐ tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành trong tỉnh để hỗ trợ và lên phương án giải quyết kịp thời các chính sách liên quan đến quyền lợi của NLĐ.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, 5 tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các DN sản xuất công nghiệp, tình trạng thiếu việc làm diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là DN có đông công nhân; chỉ số sử dụng lao động ngành công nghiệp giảm 9,17% so với cùng kỳ, đây là mức giảm lớn nhất so các năm gần đây, chỉ sau năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành 2021. 

Dù việc làm và thu nhập giảm, song nhìn chung công nhân lao động vẫn đang tích cực làm việc, học tập nâng cao tay nghề để đảm bảo cơ hội việc làm, quan hệ lao động tại DN ổn định và hài hòa.

Chị Nguyễn Thị Hiền, công nhân làm việc lại Khu công nghiệp Biên Hòa 2 chia sẻ: “Hiện đơn hàng giảm, thu nhập của tôi cũng giảm so với trước song trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, công nhân có việc làm, không thất nghiệp đã là may mắn. Do đó, tôi vẫn cố gắng làm việc, tiết kiệm chi tiêu, đồng hành với DN vượt qua giai đoạn khó khăn này để chờ kinh tế phục hồi, đảm bảo việc làm bền vững”.

Thực hiện Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do DN bị cắt, giảm đơn hàng, tính đến cuối tháng 4-2023, LĐLĐ tỉnh đã rà soát và ra quyết định phê duyệt hỗ trợ cho hơn 16 ngàn NLĐ với tổng số tiền trên 20 tỷ đồng.

 

Bài 4: Giữ vững nền tảng tư tưởng trong giai cấp công nhân

Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc Việt Nam. Do đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng trong giai cấp công nhân cũng đồng thời góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính chất quyết định đến sự tồn vong của chế độ.

Điều này càng có ý nghĩa cấp thiết hơn trong bối cảnh hiện nay, các thế lực chống phá cách mạng không ngừng công kích, tấn công vào lĩnh vực tư tưởng của Đảng ta trên nhiều phương diện cũng như phương tiện.

* Tăng sức đề kháng

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể các cấp luôn chú trọng nắm bắt tình hình tư tưởng trong lực lượng công nhân lao động (CNLĐ), từ đó kịp thời có những chủ trương, chính sách, hoạt động thúc đẩy sự tiến bộ mọi mặt của giai cấp công nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, CNLĐ làm việc trong các khu công nghiệp, đặc biệt là công nhân ở các khu nhà trọ có đời sống vật chất còn khó khăn, đời sống tinh thần thiếu thốn. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp (DN) chưa quan tâm đến hệ thống thiết chế văn hóa, chưa có công trình phúc lợi trường học, nhà ở phục vụ cho công nhân; môi trường văn hóa nơi làm việc và nơi sinh sống của công nhân nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến một bộ phận công nhân có lối sống thiếu lành mạnh, vướng vào tệ nạn xã hội, một số bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động tham gia các hoạt động chống phá, gây rối…

Mặt khác, đa phần CNLĐ có độ tuổi trẻ, nhu cầu hưởng thụ văn hóa, vui chơi, giải trí đa dạng, trong khi thiết chế và các sinh hoạt văn hóa còn hạn chế khiến phần lớn CNLĐ dành thời gian giải trí trên mạng. Từ đó, nhiều người đã bị vướng vào những vụ lừa đảo, “tín dụng đen”, vi phạm pháp luật hay phổ biến nhất là tình trạng bình luận, chia sẻ những thông tin sai trái, độc hại. Cũng thông qua mạng xã hội, nhiều đối tượng đã kêu gọi công nhân đình công, lãn công, biểu tình, không chỉ gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Theo Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Tấn Linh, các ngành chức năng cần phối hợp làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với người lao động và cả người sử dụng lao động. Việc này không chỉ nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của CNLĐ và chủ DN, mà còn để DN thấy được vai trò của Công đoàn, cũng như ý nghĩa của việc xây dựng tổ chức Công đoàn trong DN hiện nay.

Tại Đồng Nai, việc phát triển Đảng và các tổ chức đoàn thể trong lực lượng CNLĐ luôn được tỉnh chú trọng nhằm tạo những “hạt giống đỏ” góp phần đưa phong trào của công nhân phát triển theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế, với hơn 40 ngàn DN đăng ký hoạt động với gần 1,2 triệu lao động thì số lượng tổ chức Đảng trong DN tại Đồng Nai còn rất khiêm tốn. Hiện toàn tỉnh mới chỉ có hơn 4 ngàn đảng viên là CNLĐ trong DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 4,66% tổng số đảng viên toàn tỉnh. Về tổ chức Công đoàn, hiện toàn tỉnh có 2.750 Công đoàn cơ sở.

Công ty TNHH Changshin Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc, đóng tại H.Vĩnh Cửu, hiện có 42 ngàn lao động) là một trong những DN có vốn đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức Đảng từ rất sớm. Bí thư Đảng ủy Công ty TNHH Changshin Việt Nam Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Ban giám đốc công ty đã quan tâm và tạo điều kiện để Đảng bộ và Công đoàn, Đoàn Thanh niên trong công ty hoạt động hiệu quả. Trong đó, chú trọng đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức chính trị, kiến thức pháp luật và tác phong công nghiệp của CNLĐ. Để thu hút CNLĐ tham gia, các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ luôn được tạo điều kiện về địa điểm tập luyện, cấp kinh khí hàng năm lên đến nửa tỷ đồng…

Cũng từ các hoạt động phong trào đã phát hiện, bồi dưỡng và giới thiệu kết nạp những lao động tiên tiến vào hàng ngũ của Đảng. Điều này thể hiện sự chuyển biến về nhận thức chính trị, ý thức giai cấp của CNLĐ ở Đồng Nai. Đây cũng là lực lượng nòng cốt nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của CNLĐ, kịp thời định hướng, phản bác các luận điệu, quan điểm sai trái tác động đến tư tưởng của CNLĐ trong các DN.

* Nâng cao nhận thức chính trị, ý thức giai cấp

Là địa phương thu hút đông đảo CNLĐ và là “cái nôi” công nghiệp của cả nước, Đồng Nai đã rất chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho lực lượng CNLĐ. Từ năm 2008, Tỉnh ủy đã có Kế hoạch số 84-KH/TU về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Tỉnh cũng đã xây dựng Đề án về công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị cho CNLĐ và cán bộ Công đoàn các cấp vào năm 2009. Ban Chủ nhiệm Đề án tỉnh đã biên soạn và phát hành tài liệu sổ tay dạng hỏi - đáp về tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác - Lênin và pháp luật lao động đến với đông đảo CNLĐ. Tỉnh cũng chú trọng đào tạo và cấp bằng trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ Công đoàn cơ sở.

Với sự bùng nổ và thay đổi nhanh chóng của các phương thức truyền thông xã hội thì công tác giáo dục, tuyên truyền, rèn luyện nếp sống văn hóa và tác phong công nghiệp trong CNLĐ cũng cần có sự đổi mới. Thay vì những báo cáo, bài tuyên truyền dài dòng, khô cứng, các phương thức truyền thông mới được ứng dụng mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội thời gian gần đây đã góp phần đáng kể trong nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, nắm bắt tâm tư, tình cảm của đông đảo CNLĐ. Đặc biệt, qua đó còn khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong hàng triệu CNLĐ. Theo đó, mạng xã hội cần được khai thác như một kênh truyền thông hiện đại, một công cụ để nắm bắt tư tưởng của CNLĐ, đồng thời đấu tranh với các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tại Đồng Nai, Fanpage Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai thu hút hơn 13 ngàn người theo dõi với những thông tin thiết thực về nhịp sống Công đoàn và đời sống CNLĐ. Nhiều công ty có số lượng lớn CNLĐ cũng xây dựng các Fanpage của Đoàn Thanh niên nhằm lan tỏa tinh thần lao động sáng tạo, cống hiến vì cộng đồng của thanh niên công nhân. Có thể kể đến như các trang Facebook Đoàn Thanh niên Taekwang Vina; Đoàn Thanh niên Changshin; Đoàn Thanh niên Pousung Việt Nam…

Các trang Facebook của Đoàn Thanh niên các công ty đã góp phần lan tỏa phong trào thi đua, lối sống đẹp và những thông tin thiết thực đối với CNLĐ, đấu tranh vạch trần những thông tin xấu, độc, ghi nhận tâm tư, tình cảm, những thắc mắc của thanh niên công nhân.

Phát biểu tại cuộc họp của Thường trực Tỉnh ủy với Liên đoàn Lao động tỉnh vào tháng 2-2023, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Tấn Linh nhấn mạnh, trách nhiệm hệ thống Công đoàn là phải định hướng giáo dục người lao động trong việc tham gia ứng xử trên mạng xã hội, trong những tình huống thể hiện tâm tư, tình cảm trên mạng xã hội mà không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cần chia sẻ những hành động tốt đẹp trong xã hội để pha loãng, đẩy lùi những thông tin xấu, độc...

Một giải pháp hiện nay được các ngành chức năng hướng đến là đẩy mạnh số lượng và chất lượng các đợt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ CNLĐ.

Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Minh Kiên cho biết, các cấp bộ Đoàn đang nỗ lực đưa các phong trào của Đoàn đến gần hơn với thanh niên công nhân thông qua các chương trình chăm lo đời sống, văn hóa, thể thao; đồng thời, đẩy mạnh phát triển các tổ chức Đoàn Thanh niên trong DN và các chi hội thanh niên công nhân nhà trọ. Thông qua các chương trình, hoạt động nhằm thu hút, tập hợp thanh niên sống và làm việc có lý tưởng, hướng tới những giá trị tốt đẹp, tăng cường “sức đề kháng” trước các thông tin xấu, độc…

Cuối cùng, để CNLĐ yên tâm lao động, sáng tạo, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển đất nước thì đời sống của họ phải được đảm bảo. Do đó, giải pháp trọng tâm được Công đoàn các cấp trên địa bàn Đồng Nai đặt ra chính là tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát các DN trong thực hiện các quy định pháp luật về chế độ chính sách, phúc lợi của CNLĐ; kịp thời giải quyết hiệu quả các vụ tranh chấp lao động, đình công, lãn công để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, việc làm bền vững cho người lao động.

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất