Tác phẩm đoạt giải

Cuộc họp triệu người và câu chuyện chuyển đổi số trong Đảng

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và sinh hoạt Đảng giờ đây đã có nhiều đổi mới, nơi khoảng cách không gian bị xóa nhòa, thời gian và kinh phí được tiết giảm. Cuộc họp thu hút tới hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người không còn xa lạ. Đặc biệt, hiệu quả, chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo được nâng lên, đẩy nhanh được “tốc độ” đưa nghị quyết, chỉ thị của Đảng vào cuộc sống. Tuy nhiên, để tạo bước đột phá về chuyển đổi số trong công tác Đảng, cần có những giải pháp đồng bộ mà thực tiễn tại Đảng bộ thành phố Hà Nội đã phần nào gợi mở, hiến kế.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) từ điểm cầu chính tại Tòa nhà Quốc hội.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) từ điểm cầu chính tại Tòa nhà Quốc hội.

 Bài 1: Cuộc họp của 1 triệu 89 nghìn đại biểu

Tháng 7-2022, từ điểm cầu chính Hội trường Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội), Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, quán triệt, học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã được kết nối với 11.661 điểm cầu trên cả nước. Tổng số đại biểu tham dự được ghi nhận là 1.089.000 người. Đây là con số kỷ lục, có thể coi là một “kỳ tích” tổ chức các hội nghị triển khai nghị quyết của Đảng từ trước đến nay.

Khi chi bộ lắp “cam”

Điều đáng nói là con số kỷ lục nêu trên có sự tham gia đóng góp không nhỏ của các cán bộ, đảng viên, các chi bộ tại cơ sở. Những cuộc họp trực tuyến toàn quốc đã được triển khai thường xuyên từ những năm 2014-2015, nhưng phải đến khi dịch Covid-19 xuất hiện đầu năm 2020, hình thức hội họp này mới được sử dụng thường xuyên trong sinh hoạt chính trị. Quãng thời gian xảy ra đại dịch Covid-19 cũng chính là “chất xúc tác” thúc đẩy cấp ủy, chính quyền cơ sở trang bị phương tiện để có thể kết nối với Trung ương và thành phố.

Tại Hà Nội, hệ thống họp trực tuyến hiện nay đã được kết nối xuống 579/579 phường, xã, thị trấn. Nhiều nơi, hệ thống còn được kết nối xuống tận chi bộ, tổ dân phố. Phường Bồ Đề, quận Long Biên là ví dụ. Đến nay, 23/23 chi bộ thuộc Đảng bộ phường đã được trang bị máy tính, gắn camera (mà như cán bộ, đảng viên hay gọi vui là “cam”) để kết nối trực tuyến với các cuộc họp của Trung ương, thành phố và quận, phường. Điều đáng nói là các trang bị này đều được chính các cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn đóng góp, tổ chức mua sắm và lắp đặt. Chi phí mỗi bộ bao gồm máy tính, máy chiếu và camera kèm micro từ 25-30 triệu đồng.

Bí thư Đảng ủy phường Bồ Đề Nguyễn Thị Thanh Hằng chia sẻ: “Ban đầu vận động xã hội hóa để lắp đặt những thiết bị này, có một vài ý kiến cho rằng chưa cần thiết, có người còn lo đảng viên ở tổ dân phố thường nhiều tuổi nên không biết sử dụng. Nhưng sau khi Đảng ủy phường tổ chức làm điểm ở chi bộ tổ dân phố 19 và chi bộ tổ dân phố số 4, mời cán bộ các chi bộ khác đến dự, chứng kiến thì tất cả đều đồng thuận”. Còn Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 7, phường Bồ Đề Nguyễn Văn Thịnh cho biết: “Khi có hệ thống họp trực tuyến này rồi, chúng tôi không còn sợ Covid-19, không còn lo các chỉ đạo từ Trung ương, thành phố, quận, phường bị gián đoạn, chậm trễ nắm bắt, triển khai nữa”. Là nơi đầu tiên phát hiện ca Covid-19 của thành phố, quận Ba Đình là một trong những địa phương đi đầu chỉ đạo hoàn thiện hệ thống họp trực tuyến xuống tận cơ sở, chủ động, tích cực kết nối các cuộc họp của Trung ương và thành phố.

Sinh sống tại phố Trúc Bạch - khu vực cách ly phòng, chống dịch Covid-19 đầu tiên của thành phố Hà Nội thời điểm tháng 3-2020, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố số 4 (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) Nguyễn Thị Minh Trang bộc bạch: “Được tham gia các hội nghị trực tuyến từ Trung ương quả thực rất xúc động. Chúng tôi thấy lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước rất gần gũi, trước chỉ thấy các đồng chí qua tivi, nay được nghe trực tiếp các đồng chí truyền đạt, nên nhận thức vấn đề dễ dàng và sâu sắc hơn”. Đánh giá về hệ thống họp trực tuyến kết nối từ Trung ương đến cấp quận, phường, Quận ủy viên, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm khẳng định, đây là bước tiến to lớn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới, thời kỳ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

“Nếu như trước đây chưa có hệ thống này, Trung ương họp xong, chờ một thời gian rồi quán triệt. Sau đó đến Thành ủy, Quận ủy quán triệt. Cuối cùng mới đến Đảng ủy phường. Do vậy, có những thời điểm nghị quyết khi được phổ biến, quán triệt tới phường cũng phải mất vài tháng, mất đi tính kịp thời, thời sự. Nay tất cả đã thay đổi”, đồng chí Phạm Thị Diễm nói.

Trở thành “chuyện thường ngày”

Thuật ngữ “chuyển đổi số” (tiếng Anh là Digital Transformation) đã phổ biến trên thế giới nhiều năm qua, đến nay vẫn chưa có một định nghĩa chung nào mang tính phổ quát, chính xác áp dụng thống nhất cho tất cả. Nên thực tế tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau. Tuy nhiên, có thể nắm bắt những nội dung cơ bản của “chuyển đổi số” thông qua một số định nghĩa phổ biến. Tech Republic, một tạp chí trực tuyến, một cộng đồng dành cho các chuyên gia công nghệ thông tin từng đưa ra định nghĩa: Chuyển đổi số là cách sử dụng công nghệ để thực hiện lại quy trình sao cho hiệu quả hơn. Tập đoàn công nghệ toàn cầu Microsoft thì định nghĩa: Chuyển đổi số là tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo ra những giá trị mới.

Tại Việt Nam, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của các cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Xét trên những quan niệm nêu trên, có thể hiểu khái niệm “chuyển đổi số” cơ bản là cách các tập thể hay cá nhân trong cộng đồng chuyển từ cách làm việc cũ sang cách làm việc mới nhanh hơn, hiệu quả hơn bằng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ của kỷ nguyên số. Như vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức những cuộc họp trực tuyến như trên thay vì cách hội họp truyền thống chính là “chuyển đổi số”.

Còn nhớ cách đây 10 năm, vào năm 2013, một hội nghị toàn quốc học tập quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) diễn ra tại Hà Nội chỉ có sự tham dự của khoảng 600 đại biểu. Mặc dù đã là con số lớn, nhưng so với ngày nay, với cuộc họp có tới 1 triệu 89 nghìn đại biểu tham gia cùng lúc, gấp hơn 1.800 lần thì chính xác là một cuộc cách mạng. Từ sự quyết liệt, chủ động của Trung ương, đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đều đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức các cuộc họp trực tuyến. Cách đây vài ngày, một tỉnh vùng cao còn nhiều khó khăn như Cao Bằng cũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII với 186 điểm cầu và 4.610 đại biểu các cấp tham dự.

Trong khi đó, tại Hà Nội, các hội nghị quán triệt, triển khai chỉ thị, nghị quyết của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy được tổ chức bằng hình thức trực tuyến đã thành nền nếp. Cùng với việc mở điểm cầu tiếp thu thông tin từ Hội nghị trực tuyến do Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4,5,6 (khóa XIII), thành phố đã tiến hành kết nối từ 226 đến hơn 700 điểm cầu quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc, các xã, phường, thị trấn với sự tham gia học tập của trên 45.000 cán bộ, đảng viên.

Đại biểu cán bộ, đảng viên phường Phúc Xá, quận Ba Đình theo dõi hội nghị thành phố từ điểm cầu tại trụ sở phường.
Đại biểu cán bộ, đảng viên phường Phúc Xá, quận Ba Đình theo dõi hội nghị thành phố từ điểm cầu tại trụ sở phường.


Vừa qua, 23.000 cán bộ các cấp đã tham dự hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”. Ngay sau đó, hơn 10.000 cán bộ các cấp đã tham gia hội nghị giao ban quý III-2023 giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND với các quận, huyện, thị xã, đồng thời triển khai một chỉ thị cấp thiết, cấp bách là Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 20-9-2023 về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới”.

Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học, việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền thực hiện nghị quyết bằng hình thức trực tuyến đem lại hiệu quả cao. Đây là xu thế khách quan vừa tiết kiệm được thời gian, kinh phí đi lại, mở rộng đến nhiều cấp, nhiều đối tượng. Đặc biệt, cấp cơ sở được trực tiếp tiếp thu các bài giảng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, báo cáo viên Trung ương với việc phân tích cụ thể các nội dung của chỉ thị, nghị quyết...

Đồng chí Phạm Thanh Học cho biết, Hà Nội còn là địa phương duy nhất trong cả nước đã từng thực hiện sáng kiến tổ chức học tập, quán triệt 10 Chương trình công tác Thành ủy (khóa XVII) bằng hình thức vừa trực tiếp, vừa trực tuyến từ điểm cầu thành phố kết hợp với truyền hình, phát thanh trực tiếp trên 2 kênh của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội để đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cùng lúc theo dõi, lĩnh hội.

Lượt theo dõi trực tiếp từ sự kiện như vậy chưa được thống kê, nhưng hoàn toàn có thể lên tới hàng triệu người. Sáng kiến của Thành ủy Hà Nội trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 đã mở ra tiềm năng to lớn của hệ thống họp trực tuyến được kết hợp với truyền hình, phát thanh trực tiếp. Điều này cho thấy, “chuyển đổi số” có thể phá vỡ mọi giới hạn để đem lại những giá trị mới.

Bài 2: Zalo, Facebook thành công cụ, đảng viên quét mã QR

Các chuyên gia cho rằng, “chuyển đổi số” quan trọng nhất và trước hết là thay đổi về nhận thức. Một khi cấp ủy tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên có tư duy chuyển đổi số thì bất kỳ phương tiện công nghệ tiến bộ, hiện đại nào cũng có thể được vận dụng phù hợp để trở thành đòn bẩy nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Đảng.

Càng gần dân hơn

Trở lại với câu chuyện ở phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, nơi phát hiện ca Covid-19 đầu tiên của thành phố Hà Nội, cũng là một trong những nơi sớm nhất ứng dụng Zalo, Facebook vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trao đổi công việc trong chi bộ, tổ dân phố. Sinh sống tại phố Trúc Bạch - khu vực cách ly phòng, chống dịch Covid-19 đầu tiên của thành phố Hà Nội thời điểm tháng 3-2020, bà Nguyễn Thị Minh Trang, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố số 4 (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) chia sẻ, thông qua việc áp dụng phương thức thông tin như Zalo, Zoom, Chi bộ vẫn duy trì được nền nếp sinh hoạt Đảng; liên lạc, triển khai phổ biến, quán triệt được tất cả chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và Thành ủy, từ đó thực hiện tốt các nhiệm vụ trong suốt thời gian 21 ngày cách ly.

Từ giải pháp tình thế trong bối cảnh dịch bệnh, đến nay, việc lập các nhóm trên Zalo để trao đổi công việc trong chi bộ đã phổ biến trên toàn thành phố, hầu như các cấp ủy cơ sở, các chi bộ cũng vận dụng cách này. Tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, lãnh đạo phường lập một số nhóm Zalo chuyên ngành để thông tin nhanh, chỉ đạo kịp thời và nắm bắt phản ánh từ cơ sở như nhóm Zalo “Đảng ủy phường Phúc Xá”; “22 Tổ dân phố”; “Công tác 197”; mới nhất là nhóm “Công tác phòng cháy, chữa cháy”...

Không chỉ ở cơ sở, đối với cấp trên cơ sở, ứng dụng mạng xã hội vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng đem lại hiệu quả cao. Phó Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, ứng dụng Zalo vào công tác lãnh đạo cũng chính là một trong những nét đổi mới trong phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy. Hiện nay, huyện thành lập một số nhóm Zalo như nhóm các bí thư đảng ủy xã, nhóm các chủ tịch xã, nhóm các bí thư chi bộ, nhóm các cộng tác viên dư luận xã hội... Tất cả các nhóm đều có cả các đồng chí Thường trực Huyện ủy tham gia, để kịp thời nắm bắt thông tin, ý kiến và tương tác phản hồi chỉ đạo trước những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

“Nhóm Zalo bí thư chi bộ và cộng tác viên dư luận xã hội mà chúng tôi thành lập rất hiệu quả, ví dụ như người dân phản ánh một trận mưa gây ngập chỗ nào, các đồng chí chụp ảnh gửi lên nhóm ngay; có những lúc đội đào đường nước lên xong lấp trả lại mặt đường kém chất lượng, gây sụt, lún, người dân phản ánh lên, các đồng chí cũng đưa vào nhóm. Thấy vấn đề, chúng tôi chỉ đạo ngay, yêu cầu các cơ quan vào cuộc, thì ngày hôm sau xử lý xong, cán bộ lại gửi ảnh phản ánh kết quả lên nhóm. Cho nên, đây là cách giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời hơn, đáp ứng yêu cầu của người dân”, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Bên cạnh đó, tại Hà Nội, cấp ủy các địa phương đều đã chỉ đạo xây dựng các trang fanpage trên mạng xã hội Facebook để kết nối với cán bộ và nhân dân, vừa phục vụ công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vừa kịp thời nắm bắt ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân, dư luận xã hội. Là người rất quan tâm đến việc ứng dụng mạng xã hội để làm công tác tư tưởng tuyên giáo, Bí thư Đảng ủy phường Phúc Xá (quận Ba Đình) Trần Thị Tố Tâm cho biết, xác định các mạng xã hội là kênh thông tin quan trọng để tuyên truyền, định hướng, Đảng ủy phường đã duy trì các kênh Zalo, Facebook để thường xuyên thông tin, cập nhật tình hình của phường trên từng lĩnh vực. Trang fanpage chính thống của phường có tên “Phường Phúc Xá” do các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, UBND phường làm quản trị viên. Trang “Tôi yêu Phúc Xá” do lực lượng Đoàn thanh niên và Công an phường làm quản trị viên. Ngoài ra, từng đơn vị theo ngành dọc cũng có fanpage của mình, như: “Tuổi trẻ Phúc Xá”; “Hội Liên hiệp phụ nữ phường Phúc Xá”...

Thay đổi về chất

Có thể nói, nhờ thay đổi nhận thức, tư duy theo tinh thần “chuyển đổi số”, nhiều cấp ủy tổ chức Đảng đã tạo ra thay đổi về chất cho một số lĩnh vực công tác Đảng, tiêu biểu là công tác tuyên giáo. Ngày 5-5-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là nghị quyết có ý nghĩa quan trọng tạo động lực cho Thủ đô phát triển. Để thực hiện thành công nghị quyết quan trọng này, điều kiện tiên quyết phải phổ biến rộng rãi để cả hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô cùng nắm bắt, thấu hiểu và đồng thuận. Đứng trước nhiệm vụ này, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã có sáng kiến lần đầu tiên tổ chức thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu về Nghị quyết số 15-NQ/TƯ. Sáng kiến này đã đem lại kết quả vượt cả dự kiến với hơn 1 triệu lượt người tham gia.

Các đội tham gia thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu về Nghị quyết số 15-NQ/TƯ (tháng 9-2022).
Các đội tham gia thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu về Nghị quyết số 15-NQ/TƯ (tháng 9-2022).


 
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học nhìn nhận: “Sự thành công của hội thi là đã lan tỏa sâu rộng các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn Minh - Hiện đại”, góp phần đưa Nghị quyết của Bộ Chính trị sớm đi vào cuộc sống”. Hiện nay, hầu hết các hội nghị do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức, các đại biểu không còn phải khệ nệ cầm cả tập tài liệu in như trước kia, thay vào đó, chỉ cần dùng “smartphone” (điện thoại thông minh) quét mã QR để “download” (tải) tài liệu về máy và sử dụng. Việc in ấn vì thế cũng được cắt giảm, vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo vệ môi trường.

Tinh thần “chuyển đổi số” còn được đông đảo cấp ủy tổ chức Đảng, các ban tuyên giáo cấp ủy địa phương vận dụng đổi mới công tác. Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đông Anh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong định hướng nắm bắt dư luận xã hội. Ban Tuyên giáo Quận ủy Tây Hồ từ lâu đã đi đầu trong phát hành Bản tin nội bộ hằng tháng theo hình thức quét mã QR. Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Tây Hồ Trần Thị Thu Hường cho biết, trước đây, hằng tháng, quận phải in hơn 4.000 bản tin để gửi tới các chi bộ, nhưng nhờ ứng dụng quét mã QR, nay số bản in giảm chỉ còn khoảng 1.000 bản, qua đó tiết kiệm đáng kể chi phí.

Là đơn vị tiên phong ứng dụng “chuyển đổi số” vào công tác tuyên truyền, đầu năm nay, Ban Tuyên giáo Quận ủy Bắc Từ Liêm đã cho ra mắt ấn phẩm “Thông tin tuyên truyền điện tử quận Bắc Từ Liêm”. Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Bắc Từ Liêm Dương Ngọc Thanh chia sẻ, ấn phẩm được phát hành bằng đường link và mã QR được cung cấp cho các chi bộ, cán bộ, đảng viên qua các nhóm Zalo và trên Cổng thông tin điện tử của quận. Cán bộ, đảng viên có thể mở và sử dụng ấn phẩm bằng tất cả phương tiện có thể truy cập internet. Ấn phẩm này không chỉ cung cấp bản in dạng điện tử có chức năng lật trang, mà còn đính kèm các video clip, hình ảnh liên quan và cả phần “audio” (tiếng) để tạo thuận lợi cho đảng viên cao niên tiếp nhận nội dung.
Mặc dù còn có thể cải tiến như phát hành thường xuyên hơn, thay vì hằng quý, ấn phẩm “Thông tin tuyên truyền điện tử quận Bắc Từ Liêm” cho thấy sự tìm tòi, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám “chuyển đổi số” của cán bộ tuyên giáo. Đây là ví dụ cụ thể, thiết thực gợi mở cách làm mới, hướng đi mới cho công tác tuyên giáo nói riêng và công tác Đảng nói chung trong kỷ nguyên số.

 

Bài 3: Đưa “chuyển đổi số” đến từng đảng viên

Sổ tay đảng viên điện tử” đang được triển khai khá rộng rãi trên cả nước. Tại Đảng bộ thành phố Hà Nội, đến nay, kết quả thực hiện rất tập trung với hơn 442.000 đảng viên, chiếm 93,1% tổng số đảng viên toàn Đảng bộ đã cài đặt “Sổ tay đảng viên điện tử Thành ủy Hà Nội”. Thông qua phần mềm này, Hà Nội đang từng bước đưa “chuyển đổi số” đến từng chi bộ và mỗi cán bộ, đảng viên.

Tiềm năng to lớn

Đảng bộ quận Long Biên là một trong 10 đơn vị làm điểm trước khi “Sổ tay đảng viên điện tử” được triển khai rộng khắp trong toàn Đảng bộ thành phố Hà Nội. Không chỉ vậy, Long Biên còn là đơn vị đi đầu trong ứng dụng phần mềm này vào công tác xây dựng Đảng, trước hết là đổi mới sinh hoạt chi bộ. Chúng tôi đã đi sâu tìm hiểu cách làm tại Long Biên nhằm làm rõ những kinh nghiệm cần thiết cho việc phổ cập “Sổ tay đảng viên điện tử” và khai thác tiềm năng của nó phục vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Đảng.

Ông Trần Huy Đoạt, Bí thư Chi bộ 2, Đảng bộ phường Việt Hưng, quận Long Biên năm nay đã 70 tuổi. Với dáng vẻ trẻ trung hơn nhiều so với độ tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông chia sẻ: “Từ ngày có ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử”, công việc của tôi không chỉ thuận lợi và hiệu quả, mà còn vui vẻ, hứng khởi hơn”. Cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh, ông Đoạt cho biết, để chuẩn bị sinh hoạt chi bộ hằng tháng, sau khi Chi ủy thống nhất, dự thảo Nghị quyết sẽ được “ắp lên” (upload - tải lên) “Sổ tay đảng viên điện tử”. Tại đây, tất cả cán bộ, đảng viên trong chi bộ, kể cả người được miễn sinh hoạt chi bộ đều có thể nghiên cứu và đóng góp ý kiến.

“Thường thì trước buổi sinh hoạt 2-3 ngày, chúng tôi đưa dự thảo nghị quyết lên. Các đảng viên có thời gian nghiên cứu để đóng góp ý kiến, trong khi chúng tôi không phải in tài liệu, gửi tài liệu như trước”, ông cho biết. Chưa kể, với hệ thống máy chiếu được trang bị phục vụ cho các buổi sinh hoạt chi bộ, “Sổ tay đảng viên điện tử” còn là nội dung trình chiếu minh họa cho các nội dung sinh hoạt, nên không khí các buổi sinh hoạt ngày càng sinh động, thu hút hơn.

“Từ khi ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử” vào sinh hoạt, chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên trông thấy. Chi bộ chúng tôi có 56 đảng viên, trong đó có 13 đồng chí được miễn, 43 đảng viên tham gia sinh hoạt. Tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt thường xuyên đạt từ 40 đồng chí trở lên, tương đương 90-95%. Số ý kiến phát biểu thảo luận cũng tăng lên, nếu trước kia mỗi cuộc họp chỉ có 2-3 ý kiến, thì nay thường có từ 5-7 ý kiến”, Bí thư Chi bộ 2 Trần Huy Đoạt nói.
Theo Bí thư Chi bộ 11 (Đảng bộ phường Việt Hưng) Nguyễn Hữu Trí, “Sổ tay đảng viên điện tử” còn là cẩm nang của người cán bộ cấp ủy trong việc nắm bắt các văn bản, hướng dẫn về nghiệp vụ công tác Đảng.

“Trước đây, cần tìm hiểu về nội dung gì, chúng tôi phải mò tìm tài liệu in hoặc hỏi xin của Đảng ủy phường rất mất công, còn tra google thì nhiều rủi ro, không chắc chắn, nay với mục “Trợ lý ảo” trong “Sổ tay đảng viên điện tử”, chúng tôi có thêm một người đồng hành thông thái”, ông Trí chia sẻ. Còn đối với đảng viên Hà Đức Chính, Chi bộ 11, “Sổ tay đảng viên điện tử” là kênh thông tin chính thống, tiện lợi giúp đảng viên kết nối với chi bộ, các đảng viên trong chi bộ, đặc biệt là giúp đảng viên nắm bắt thông tin chủ trương, đường lối của Đảng, các văn bản mới. Đặc biệt, chúng tôi còn có thể phản hồi, nêu ý kiến với cấp trên ngay trên ứng dụng này".

Công cụ kiểm soát chất lượng

Đối với Ban Tổ chức cấp ủy hay cấp ủy cấp xã, cấp huyện, sau khi triển khai ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử” vào sinh hoạt chi bộ, đây chính là kênh giúp theo dõi, giám sát việc tổ chức sinh hoạt chi bộ định kỳ và sinh hoạt chuyên đề trong toàn đảng bộ. Bí thư Đảng ủy phường Việt Hưng Đinh Quang Luận cho biết, để giúp các chi bộ thành thạo ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử” vào sinh hoạt, Đảng ủy phường đã phân công cán bộ, công chức, viên chức phường là đảng viên về sinh hoạt tại chi bộ; đồng thời giao cho các đồng chí này chịu trách nhiệm vận hành, hướng dẫn chi bộ sử dụng “Sổ tay đảng viên điện tử” vào sinh hoạt hằng tháng.

hó Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Long Biên Nguyễn Xuân Long kiểm soát việc tổ chức sinh hoạt chi bộ ở cơ sở thông qua “Sổ tay đảng viên điện tử” trên máy tính.
Phó Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Long Biên Nguyễn Xuân Long kiểm soát việc tổ chức sinh hoạt chi bộ ở cơ sở thông qua “Sổ tay đảng viên điện tử” trên máy tính.

 

Phó Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Long Biên Nguyễn Xuân Long cho biết, nhờ ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử” vào sinh hoạt chi bộ trong Đảng bộ quận, nên lãnh đạo Quận ủy cũng như Ban Tổ chức Quận ủy có thể theo dõi tình hình tổ chức sinh hoạt chi bộ hằng tháng, số lượng đảng viên tham gia, kiểm tra, đánh giá chất lượng các văn bản liên quan, nhất là dự thảo nghị quyết chi bộ. “Mỗi loại hình lại có đặc thù riêng, nên nghị quyết chi bộ cũng phải khác, không thể rập khuôn, hình thức. Trước đây, muốn xem tài liệu của chi bộ, chúng tôi phải liên lạc đề nghị gửi email hoặc trực tiếp xuống lấy bản in. Nhưng nay, qua máy tính ở quận, chúng tôi cùng lúc có thể xem được dự thảo nghị quyết của hơn 500 chi bộ thuộc quận. Nên nơi nào làm hình thức, nghị quyết không bám sát thực tiễn địa bàn là chúng tôi góp ý để đảng ủy phường lưu ý chỉ đạo ngay. Nhờ đó, chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên, và quan trọng là chúng tôi có thể kiểm soát được”, đồng chí Nguyễn Xuân Long nói.

Cùng với Đảng bộ quận Long Biên, việc ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử” vào sinh hoạt chi bộ đã được chỉ đạo triển khai đồng loạt trên toàn Đảng bộ thành phố. Theo Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, tính đến nay, có 442.970/475.880 đảng viên đã cài đặt thành công phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử”, đạt 102,43% so với số đảng viên đủ điều kiện, đạt 93,1% đảng viên trong toàn Đảng bộ thành phố. 12.734/16.762 chi bộ đã ứng dụng phần mềm trong sinh hoạt chi bộ, đăng tải 1.300 tin bài, 1.496 văn bản tài liệu.

Là một trong những đơn vị tích cực nhất trong ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử” và các phần mềm vào công tác Đảng của đơn vị, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy VNPT Hà Nội Hà Thế Lãng cho biết: “Bây giờ, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh trên tay, tôi có thể tiếp nhận thông tin, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của cấp ủy ở mọi lúc, mọi nơi”. Cùng với “Sổ tay đảng viên điện tử”, đến nay, Ban Tổ chức Thành ủy đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giải quyết công việc với 4 phần mềm gồm: Cơ sở dữ liệu đảng viên 3.0; Quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp của Ban; Đánh giá cán bộ, công chức hằng tháng; Quản lý hồ sơ cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.

Đi kèm với các phần mềm này, Ban Tổ chức Thành ủy đã ban hành hoặc tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành các quy chế quản lý, vận hành sử dụng phần mềm bảo đảm các quy định an toàn, khoa học, hiệu quả; đồng thời, thường xuyên rà soát nâng cấp, hoàn thiện. Trong quý III-2023, Ban Tổ chức Thành ủy đã phối hợp với Công an thành phố triển khai kiểm tra an ninh các phần mềm của Ban, sau kiểm tra, tiếp tục bổ sung các chức năng của 2 phần mềm, tăng cường các tính năng bảo mật. Đến nay, các phần mềm đã đủ điều kiện cập nhật, bảo đảm thông suốt, hiệu quả, dễ sử dụng. Có thể nói, với tư duy “chuyển đổi số” và quyết tâm tìm tòi, sáng tạo, đặc biệt là sự quan tâm, hợp tác của cán bộ, đảng viên, chi bộ, Hà Nội đang thực sự có bước tiến rõ nét về “chuyển đổi số” trong công tác Đảng.

 

Bài cuối: Từ Nghị quyết đến thực tiễn và thách thức của chuyển đổi số

Kết quả “chuyển đổi số” trong công tác Đảng tích cực hiện nay xuất phát từ cách tiếp cận vấn đề một cách nghiêm túc, bài bản và có tầm nhìn chiến lược của Thành ủy Hà Nội. Tuy nhiên, để “chuyển đổi số” thực sự tạo ra bước đột phá thì còn nhiều việc phải làm, trong đó, các địa phương, bao gồm cả Hà Nội, không thể một mình thực hiện thành công trọn vẹn. Cuộc trao đổi với Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho thấy những giải pháp cần thiết để thúc đẩy “chuyển đổi số” trong công tác Đảng thời gian tới.

- Từ kết quả “chuyển đổi số” trong công tác Đảng thời gian qua, đồng chí cho biết, đâu là những yếu tố quan trọng để bắt tay vào thực hiện và đem lại hiệu quả trong “chuyển đổi số”

- Trước tiên, chúng ta phải quán triệt sâu sắc tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về tầm quan trọng của chuyển đổi số. Bộ Chính trị có Nghị quyết số 52-NQ/TƯ ngày 27-9-2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng nêu rõ tính chất cấp thiết của ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào mọi mặt đời sống xã hội. Cụ thể hóa tinh thần này, Ban Bí thư đã ban hành Quyết định số 27/QĐ-TƯ ngày 10-8-2021 về Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Đảng giai đoạn 2021-2025.

hó Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Long Biên NgTrưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho rằng, chuyển đổi số trong Đảng cần được thực hiện đồng bộ từ Trung ương.uyễn Xuân Long kiểm soát việc tổ chức sinh hoạt chi bộ ở cơ sở thông qua “Sổ tay đảng viên điện tử” trên máy tính.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho rằng, chuyển đổi số trong Đảng cần được thực hiện đồng bộ từ Trung ương.uyễn Xuân Long kiểm soát việc tổ chức sinh hoạt chi bộ ở cơ sở thông qua “Sổ tay đảng viên điện tử” trên máy tính.

Đối với Hà Nội, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã nêu cụ thể yêu cầu phải tăng cường “chuyển đổi số” tạo động lực mới cho Thủ đô phát triển mọi mặt, thực sự văn minh, hiện đại. Đặc biệt, cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30-12-2022 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thực tế, khi đã thấu hiểu nội hàm của “chuyển đổi số” như một số nơi đã làm rồi thì không có gì khó khăn. Bởi vì “chuyển đổi số” là nhằm đem lại hiệu quả, chất lượng, tinh giản biên chế, công khai, minh bạch và tiết kiệm thời gian. Trong khi thế giới ngày nay đều triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm, chuyển đổi số vào các lĩnh vực, mà mình không làm thì sẽ lạc hậu. Thực tế, khi chuyển đổi số, chúng ta giảm được biên chế, nhưng hiệu quả công việc được tăng lên, bảo đảm tính chính xác, kịp thời. Tác dụng thiết thực của “chuyển đổi số” là chuyển được những việc bình thường hằng ngày từ lao động thủ công sang bằng máy móc, thiết bị, công nghệ. Đơn giản thế thôi. Như giấy mời trước đây phải chuyển bằng tay thì bây giờ chuyển bằng email, phần mềm, chỉ 5 giây là tới. Đó là “chuyển đổi số” rồi. Nên đâu cũng có thể “chuyển đổi số” được, miễn là nâng cao năng suất lao động, bảo đảm chính xác, kịp thời. Đánh giá cán bộ giờ không ai "trốn" được vì được quản lý bằng phần mềm, chính là hiệu quả, chất lượng mà “chuyển đổi số” mang lại. Tóm lại, để “chuyển đổi số” thì phải có nhận thức đúng, tư duy đúng, bên cạnh đó, cần có dữ liệu, có phần mềm và có con người, có quyết tâm thực hiện.

- Như Ban Tổ chức Thành ủy khi thực hiện “chuyển đổi số” vừa qua, hiệu quả đạt được ra sao và số biên chế giảm là bao nhiêu, thưa đồng chí?

- Ban Tổ chức Thành ủy vừa rồi đầu tư 5 phần mềm phục vụ toàn bộ công tác quản lý như công tác phát triển đảng viên, chính sách cán bộ, nâng lương, nâng bậc, sức khỏe, di biến động của cán bộ quản lý; tất cả đều có thể đưa vào phần mềm được thay cho lao động thủ công. Như chúng ta đã biết, “Sổ tay đảng viên điện tử” đang triển khai rất hiệu quả. Đây là kênh thông tin 2 chiều. Một là giúp đưa toàn bộ chủ trương, văn bản, thông tin mới xuống thẳng đảng viên. Trước đây, chỉ thị, nghị quyết phải qua cấp ủy cấp huyện, cấp xã, đến chi bộ, rồi mới đến đảng viên; bây giờ chuyển thẳng xuống đảng viên luôn, chỉ tính bằng giây, không phải chờ. Cho nên, những chủ trương mới, cấp bách là đảng viên có thể tiếp nhận và thực hiện được ngay, vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm in ấn.

Thứ hai, qua “Sổ tay”, cấp ủy cấp trên hay Ban Tổ chức Thành ủy có thể thu nhận được thông tin ở bên dưới. Đảng viên muốn phản ánh với thành phố, quận, huyện về những vấn đề thực tế ở dưới thì phản ánh được ngay trên ứng dụng này nên thông tin là chính xác nhất.

Thứ ba là chúng tôi kiểm soát được toàn bộ sinh hoạt chi bộ, tháng này có sinh hoạt không, bao nhiêu đảng viên sinh hoạt, thời gian có đúng không, nội dung sinh hoạt là gì... Tất cả đều có thể theo dõi được. Chi bộ nào không sinh hoạt không được, sinh hoạt không có nội dung cũng không ổn. Đảng viên có 40 người mà chỉ có 15 đồng chí sinh hoạt là chúng tôi biết hết. Cho nên, “Sổ tay đảng viên điện tử” có tác dụng rất tích cực.

Việc sử dụng phần mềm còn đem lại tính chính xác, nhất là những nội dung liên quan đến cán bộ, đảng viên như Huy hiệu Đảng, thẻ Đảng, nâng lương, nâng bậc, chính sách khám sức khỏe, đối tượng chăm sóc người có công đều đòi hỏi yêu cầu rất cao về tính chính xác, kịp thời, không được nhầm lẫn. Trước có những trường hợp làm thủ công xảy ra nhầm lẫn, chậm trễ, rất phức tạp, khó xử lý. Nhưng nay, nhờ phần mềm, chúng tôi bảo đảm tốt tính chính xác, kịp thời.

- Thực tế, các phần mềm vẫn chưa được khai thác hết tính năng. Đâu là hạn chế và cách khắc phục là gì, thưa đồng chí?

- Đúng là như vậy, đơn cử như phần mềm quản lý điều hành tác nghiệp công tác đảng viên, đến nay mới có thể phục vụ cho 2 trong số khoảng 10 nghiệp vụ công tác đảng viên. Nếu khai thác hết, tác dụng, hiệu quả và năng suất lao động còn lớn hơn rất nhiều. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để cải tiến, nâng cao hiệu quả sử dụng các phần mềm này, đem lại những giá trị mới, góp phần nâng cao chất lượng công tác Đảng nói chung.

- Như đồng chí nói, dữ liệu công tác Đảng là một trong những thành tố chủ yếu để “chuyển đổi số” thành công. Nhưng hiện nay, việc nhập liệu ở cấp xã, nhất là cập nhật dữ liệu di biến động của đảng viên rất khó khăn do phải đi thuê. Các cấp ủy Đảng kiến nghị bổ sung biên chế Văn phòng Đảng ủy từ nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết. Ban Tổ chức Thành ủy dự định tham mưu giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa đồng chí?

- Đúng là khó khăn nhất và quan trọng nhất trong “chuyển đổi số” trong Đảng hiện nay là nhập dữ liệu, nhất là cập nhật dữ liệu từ cơ sở. Phần mềm không quan trọng bằng nhập dữ liệu. Nhập dữ liệu phải bảo đảm thời gian và tính chính xác. Hiện nay, các cấp cơ sở thường phải thuê, nhưng theo thời gian thì không thể thuê mãi được khi nhập dữ liệu phát sinh di biến động... Chúng tôi đã kiến nghị đưa vấn đề này vào Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đồng thời, chúng tôi cùng với Sở Nội vụ thành phố Hà Nội đã tham mưu giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề này. Nếu các điều kiện thuận lợi thì UBND thành phố sẽ sớm trình HĐND thành phố quyết định bổ sung cho mỗi địa phương 1 biên chế văn phòng cấp ủy chuyên trách được hưởng chế độ. Một số nơi đông đảng viên có thể có nhiều hơn 1 biên chế.

- Để tăng cường và phát huy hiệu quả cao hơn nữa của “chuyển đổi số” trong công tác Đảng, đồng chí có đề xuất những giải pháp gì với Trung ương?

- Hiện nay, Hà Nội cũng như đảng bộ các tỉnh, thành phố trên cả nước cơ bản là triển khai “chuyển đổi số” vẫn còn mang tính địa phương, nội bộ là chính, mỗi tỉnh, thành phố làm một kiểu, chưa thống nhất. Nên “chuyển đổi số” hiện nay rất cần được triển khai đồng bộ từ Trung ương. Tính đồng bộ là rất cần thiết.

Hiện nay, tại Hà Nội, từ Thành ủy xuống các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn cơ bản là thông suốt, thuận lợi, nhưng các vấn đề báo cáo với các cơ quan Trung ương thì vẫn đang phải làm thủ công. Cho nên, giải pháp hiện nay là phải triển khai đồng bộ từ Trung ương. Chúng tôi cho rằng, Trung ương cần ban hành các quy định, các tiêu chí, tiêu chuẩn để các cấp ủy cấp dưới chuẩn hóa và đến lúc nào đó có thể khớp nối đồng bộ, vận hành liên thông, thông suốt.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất