Tác phẩm đoạt giải

"Đội quân tiên phong" của Đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Tĩnh

Công tác phát triển đảng viên gắn với nhân rộng các điển hình tiên tiến trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Tĩnh đang ngày càng được chăm lo. Trưởng thành và cống hiến trong môi trường thuận lợi, “đội quân tiên phong” ấy đã phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng tin giao, bà con phó thác. Họ luôn biết mình cần làm gì, làm như thế nào để có ích cho Đảng, có lợi cho dân, phục vụ tốt nhất cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 

Bài 1: Người đảng viên dân tộc Tày 30 năm cống hiến nơi biên viễn

Tự hào là người dân tộc thiểu số được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, ông Nguyễn Văn Thân (SN 1962) - Trưởng thôn Công Thương, xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn) luôn tận tâm, tận lực, cống hiến không ngưng nghỉ để xây dựng thôn biên cương ngày càng khởi sắc, ấm no, đoàn kết...

Miệt mài “vác tù và hàng tổng”

Chủ nhật là ngày dọn vệ sinh định kỳ ở thôn Công Thương nên mới 6h sáng mà ông Nguyễn Văn Thân đã mặc quần áo bảo hộ, đầu đội mũ cứng, chân đeo ủng, tay phải cầm máy cắt cỏ, tay trái cầm dao gấp rút ra đường cùng bà con làm việc. Nghe tiếng ông Thân nhắc nhở trên loa là nhà nào nhà nấy cắt cử người ra quét đường, tỉa cây, cắt cỏ, phát quang bụi rậm, treo biển bảng, sửa đường cờ...

Ông Thân là “tai thính, mắt tinh”, là “cánh tay nối dài” của BĐBP, giúp các lực lượng chức năng bảo vệ biên giới, giữ gìn trị an thôn bản, nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm của Nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.
Ông Thân là “tai thính, mắt tinh”, là “cánh tay nối dài” của Bộ đội biên phòng, giúp các lực lượng chức năng bảo vệ biên giới, giữ gìn trị an thôn bản, nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm của Nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.


Trong khoảng không rộng 0,5 km2 của miền biên ải ngày cuối tuần luôn ngập tràn tiếng nói cười, sắc cờ hoa, điệu nhạc. Dưới sự chỉ đạo, quán xuyến của người trưởng thôn, các tuyến đường nhanh chóng được dọn dẹp sạch sẽ, hàng rào xanh được cắt tỉa gọn gàng, đường cờ được treo lại ngay ngắn, tuyến điện thắp sáng làng quê được kiểm tra an toàn...

Ông Nguyễn Thế Hùng - Bí thư Chi bộ thôn Công Thương khẳng định: “Từ trước đến nay, việc xây dựng NTM, rồi xây dựng khu dân cư kiểu mẫu ở thôn phụ thuộc hoàn toàn vào sức dân. Nhưng để dân nghe, dân tin, rồi đồng lòng ủng hộ phải có một cán bộ mẫu mực, trách nhiệm, tâm huyết như đồng chí Thân. Ở đây, dù là cấp ủy, cán bộ, đảng viên hay Nhân dân, bất kể là người Kinh hay đồng bào thiểu số đều tin tưởng, mến phục và nghe theo đồng chí trưởng thôn để cùng hướng tới những mục tiêu chung là xây dựng thôn biên giới ngày càng văn minh, giàu đẹp, bình yên”.

Sinh ra và lớn lên ở miền biên viễn Hương Sơn, ông Thân là thế hệ người Tày thứ 2 sinh sống ở đây. Ông có gốc tích ở tỉnh Cao Bằng. Là người dân tộc thiểu số, ông Thân có ý thức phấn đấu từ rất sớm, từng có 10 năm làm Đội phó đội sản xuất của HTX Nông nghiệp Đại Thành (1984-1993). Tiếp đó, ông có 10 năm tham gia các hoạt động đoàn thể ở thôn xóm và được kết nạp Đảng năm 2010. Năm 2013, ông được tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn và đến nay vẫn miệt mài thực hiện sứ mệnh “vác tù và hàng tổng”. Dù ở đâu, làm công việc gì, ông đều hết lòng phục vụ bà con, giúp đỡ đồng bào vô điều kiện.

Ông Thân chia sẻ: “Là người dân tộc thiểu số nên tôi rất vinh dự và tự hào khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Do đó, khi được tổ chức tin tưởng giao nhiệm vụ, bà con phó thác công việc xóm làng, tôi đã không chút nề hà, luôn tận tâm, tận lực để hoàn thành tốt nhất có thể. Tôi sẵn sàng đến từng nhà, gặp từng người, xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng phần việc để thực hiện dễ hơn, qua đó xây dựng Công Thương trở thành một trong những thôn biên giới đầu tiên trong toàn quốc đạt chuẩn NTM vào năm 2014. Gần 10 năm qua, tôi luôn kiên trì vận động bà con tự nguyện đóng góp khoảng 200 triệu đồng/năm (con em xa quê hỗ trợ 30%), tham gia khoảng 250 ngày công/tháng, hiến 1.500 m2 đất ở, hàng chục công trình kiên cố và hàng nghìn cây cối các loại... Nhờ vậy, bộ mặt vùng phên dậu ngày càng khang trang, năm 2020 đã đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu, trở thành điểm tham quan, trao đổi kinh nghiệm cho nhiều đoàn công tác trong và ngoài huyện”.

Để thôn phát triển, bình yên, đoàn kết, Trưởng thôn Nguyễn Văn Thân còn là trung tâm, là hạt nhân xây dựng khối đại đoàn kết trong cộng đồng. Là cán bộ có uy tín của thôn, mấy chục năm nay, ông đã đích thân giải quyết hài hòa hàng trăm vụ việc lớn, nhỏ phát sinh trên địa bàn. Từ chuyện vợ chồng, cha con bất hòa, chị em “từ mặt” nhau đến láng giềng mâu thuẫn, nhà nọ xung đột với nhà kia..., ông đều kiên trì vào cuộc can ngăn, khuyên giải thiệt hơn, xử lý hợp tình, đúng lý. Vì tin tưởng, quý mến ông nên mọi người đều nghe theo, lấy “chín bỏ làm mười” để xóm làng bình yên, gia đình êm ấm.

Hiện nay, ngoài chức trưởng thôn, ông Nguyễn Văn Thân còn được bầu làm Phó Trưởng ban Liên lạc đồng bào dân tộc thiểu số xã Sơn Kim 1. Trên cương vị này, nhiều năm qua, ông đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng tình đoàn kết nội bộ, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân. Ông được xem là “sợi dây” thắt chặt mối thân tình giữa 120 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (dân tộc Tày 4, Thái 6, Mán 67, Mường 39, Thổ 3, Khơ Mú 1 hộ) với người dân tộc Kinh bản địa. Ông cũng là người có công lớn trong việc giải quyết hài hòa, bình đẳng các mối quan hệ giữa các hộ đồng bào dân tộc thiểu số với nhau.

Chị Vi Thu Hồng (người dân tộc Mán) chia sẻ: “Bác Thân là một trong những người có uy tín cao nhất trong cộng đồng và luôn được mọi người tôn trọng. Bác ấy luôn quan tâm, chăm lo cho tất cả mọi người, nhất là những hộ đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, đau yếu... Bác ấy đã cùng ban liên lạc tổ chức gây quỹ để bà con khó khăn vay mượn phát triển chăn nuôi, sản xuất. Bác cũng khuyến khích chúng tôi tự tin hòa nhập, tu chí làm ăn, chăm lo buôn bán, luôn nêu cao tinh thần “tương thân tương ái”, sống có nghĩa tình...”.

Là “mắt tinh, tai thính” của lực lượng bảo vệ biên giới

Thôn Công Thương là một trong những khu dân cư trọng yếu, nằm trên tuyến biên giới Việt - Lào. Đây được xem là một trong những địa bàn nhạy cảm về ANTT, các loại tội phạm xuyên quốc gia thường xuyên hoạt động, nhất là buôn bán, vận chuyển ma túy, xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu hàng hóa... Đây cũng là một trong những vị trí bọn phản động và các thế lực thù địch ngoại biên thường xuyên nhòm ngó để kích động, lôi kéo, đưa các tài liệu xấu, độc thâm nhập nội địa để tuyên truyền chống phá. Vì vậy, vai trò của những người có chức sắc, uy tín trong cộng đồng như ông Nguyễn Văn Thân là rất quan trọng.

Cách đây chưa lâu, nhờ tinh thần cảnh giác cao nên một số bà con ở thôn Công Thương đã phát hiện nhóm đối tượng có dấu hiệu bất thường và đã báo cho trưởng thôn. Sau khi xem xét, nhận định tình hình, ông Thân đã kịp thời cung cấp thông tin ngay cho Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, qua đó chặn đứng đường dây tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép, bắt giữ 5 đối tượng. Cũng từ vụ việc này, người dân vùng biên đã tập trung đề cao cảnh giác, chung tay cùng lực lượng bảo vệ biên giới ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép. Trong đợt cao điểm từ tháng 3-5 vừa qua, với sự giúp đỡ của bà con, lực lượng chức năng đã phối hợp phá 3 chuyên án, bắt giữ 11 đối tượng vượt biên.

Trong hàng chục năm làm công tác xã hội ở thôn, mỗi năm, ông Thân đã trực tiếp phát hiện, tiếp nhận từ quần chúng nhân dân và cung cấp cho các lực lượng chức năng từ 30-50 thông tin giá trị có liên quan đến các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo ANTT, bảo vệ rừng… Những thông tin được cung cấp đã giúp lực lượng chức năng, nhất là Bộ đội Biên phòng đấu tranh thành công nhiều chuyên án, vụ án lớn về ma túy, khai thác và vận chuyển lâm sản, xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu và gian lận thương mại... Qua đó, góp phần tạo “lá chắn mềm” để bảo vệ biên giới, bảo vệ cuộc sống bình yên cho Nhân dân.

Ông Thân chia sẻ: “Tôi cũng đã cùng mọi người tham gia xây dựng cuộc sống bình yên vùng biên, bảo vệ vùng “phên dậu”, giữ gìn an ninh biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ bằng những việc làm cụ thể, ý nghĩa hằng ngày. Đặc biệt, tôi luôn vận động, nhắc nhở bà con nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức cảnh giác cao để chung tay bảo vệ biên giới, không tiếp tay cho các loại tội phạm, không đưa người vượt biên, khi phát hiện bất thường thì báo ngay cho lực lượng chức năng. Với ý thức, trách nhiệm đó nên tôi đã có 25 lần được các cấp, ngành tuyên dương, trong đó, vinh dự nhất là được Bộ Tư lệnh Quân khu 4 mời gặp mặt già làng, trưởng bản tiêu biểu năm 2015, được ra Hà Nội gặp Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội và nhận bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc năm 2018”.

Trung tá Phan Văn Thông - Phó Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đánh giá: “Để bảo vệ biên giới cũng như giữ vững sự bình yên trên địa bàn dân cư vùng “phên dậu”, những thông tin, sự góp sức của đồng chí Nguyễn Văn Thân và bà con là hết sức đáng quý. Với uy tín, trách nhiệm, tình cảm của mình, đồng chí Thân đã trở thành “tai, mắt”, là “cánh tay nối dài” của chúng tôi với nhiều đóng góp tích cực, cụ thể để góp phần bảo vệ biên giới cũng như xây dựng “thế trận quốc phòng toàn dân” và “nền biên phòng toàn dân” trên địa bàn trọng yếu ngày càng vững chắc”.

Bài 2: Niềm tự hào của đồng bào Mường ở bản Lòi Sim

Ông Phan Thanh Tuyền (SN 1958) là đảng viên người Mường gương mẫu ở bản Lòi Sim, xã Hương Trạch (huyện Hương Khê). Sau 42 năm liên tục cống hiến, dấu ấn và công sức của ông được thể hiện rõ nét khắp bản Mường. Ông đã được Đảng tin, dân tín nhiệm giao các trọng trách: Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản, Trưởng ban Công tác Mặt trận, công an viên.

“Đánh thức” tiếng Mường ở bản Lòi Sim

Ngày mùa bận rộn, lại nuôi 2 con nhỏ nhưng chị Phạm Thị Hiền (SN 1986) ở bản Lòi Sim, xã Hương Trạch vẫn không quên lịch học tiếng Mường do ông Phan Thanh Tuyền tổ chức ở nhà văn hóa thôn vào cuối tuần. Để biết thêm từ mới và có thể hát thêm các bài dân ca bằng tiếng Mường, mấy ngày nay, chị Hiền phải làm việc đồng áng với cường độ cao hơn, chuẩn bị sẵn nguồn thức ăn dự trữ cho mấy con trâu bò, thu xếp việc gia đình hợp lý và chuẩn bị chu đáo cho các con nhỏ.

Chị Hiền chia sẻ: “Thế hệ trẻ người Mường như chúng tôi ở đây dường như đã phai dần bản sắc của dân tộc mình. Vì vậy, khi được bác Tuyền tổ chức dạy tiếng mẹ đẻ thì ai nấy đều háo hức, tích cực tham gia. Học tiếng Mường không khó, khá gần gũi với ngôn ngữ phổ thông, lại được bác Tuyền chỉ dạy tận tình nên bà con học khá nhanh. Ban đầu chỉ những từ đơn giản như con gà (coon ca), con khỉ (coon voọc), con mèo (coon mcòe), còn chuột (coon thiêng)... rồi quen dần có thể nói những câu đơn giản như con mèo bắt chuột (coon mcòe pắt thiêng), đàn cò đang bay (cỏ pày coò tang păn)... và đến giờ đã có thể hát một số bài dân ca của dân tộc mình”.

Khuyến khích các mầm non tương lai của bản học nói tiếng Mường và các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Ông Tuyền luôn khuyến khích các mầm non tương lai của bản học nói tiếng Mường và các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.


Cũng như chị Hiền, từ đầu năm 2022 đến nay, 144 hộ/578 nhân khẩu người dân tộc Mường ở bản Lòi Sim đều hưởng ứng lời vận động của Trưởng bản Tuyền đi học tiếng mẹ đẻ. Không kể già hay trẻ, gái hay trai, mưa hay nắng, đồng bào nơi đây luôn háo hức chờ đợi những giờ học đặc biệt vào cuối tuần (mỗi tháng 1-2 buổi). Đối với họ, các buổi học này là hoạt động văn hóa ý nghĩa, nếp sinh hoạt mới trong cộng đồng, là không gian lan tỏa niềm vui, nơi cùng nhau hướng về nguồn cội... nên ai nấy đều phấn khởi tham gia. Người biết nhiều bày cho người biết ít, người học nhanh bày cho người học chậm, tất cả cùng quyết tâm khôi phục bản ngữ của người Mường.

Ông Phan Thanh Tuyền chia sẻ: “Đồng bào chúng tôi có gốc tích Thanh Hóa, di cư vào Quảng Bình từ thế kỷ XIV và đến đây sinh cơ lập nghiệp chừng 80 năm. Do quá trình di cư, xa rời gốc tích, mải lo làm ăn... nên các bản sắc dần mai một. Điều này khiến những người trưởng bối như tôi nặng lòng trăn trở, phải nỗ lực tìm cách khắc phục. Rất may mắn, đầu năm 2022, tôi gặp được thầy giáo Lê Hữu Tân - chuyên viên Phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD&ĐT Hà Tĩnh) rồi được thầy hỗ trợ để tôi đưa tiếng Mường trở lại với dân bản”.

Thầy giáo Lê Hữu Tân đánh giá: “Khi nhận ra tiếng của dân tộc mình có nguy cơ biến mất, ông Tuyền rất băn khoăn, lo lắng và đã cùng với hội đồng già bản đứng ra vận động các vị cao niên còn nói được tiếng mẹ đẻ hỗ trợ phiên âm, sưu tầm tư liệu, ghi chép lại, xây dựng thành chương trình dạy học; rồi cấp phát, động viên bà con về truyền dạy ngay trong mỗi gia đình. Ông cũng là người dám chịu trách nhiệm khi trực tiếp đứng ra lo chu toàn mọi việc để dạy tiếng cho người Mường vào các dịp cuối tuần tại hội quán. Ông Tuyền chính là người khơi dậy niền tin, truyền cảm hứng và tiếp thêm động lực để duy trì tiếng Mường cho các thế hệ sau ở bản Lòi Sim”.

Ngoài chủ động tiếp nhận các kế hoạch, bài giảng, giáo án, kỹ năng sư phạm từ thầy giáo Tân, ông Tuyền còn trực tiếp chuẩn bị hội trường, mượn cơ sở vật chất, tự mua trang thiết bị dạy học, đi sưu tầm tư liệu, bỏ tiền in ấn sách và lên lớp giảng bài. Sau mỗi buổi học, ông còn nhắc nhở, hướng dẫn bà con tự ôn luyện trong sinh hoạt gia đình, tăng cường giao tiếp trong cộng đồng, đưa tiếng Mường vào các hoạt động văn hóa, giải trí... để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, ông cũng chủ động gắn khôi phục bản ngữ với tìm lại các hoạt động tín ngưỡng, tổ chức các cuộc hành hương, thăm viếng về cội nguồn ở Quảng Bình và Thanh Hóa để bà con từng bước được tiếp xúc, làm quen, khôi phục lại những giá trị truyền thống đã mất.

Anh Trần Quốc Hoàn - công chức văn hóa xã Hương Trạch nhận xét: “Bác Tuyền là đảng viên người dân tộc Mường, có 42 năm liên tục làm việc cho thôn bản, làng xã. Cùng với đưa bản Lòi Sim trở thành nơi giàu đẹp nhất xã thì thời gian vừa qua, bác Tuyền đã có công lao rất lớn, đóng vai trò quyết định trong việc khôi phục tiếng Mường. Đây được xem là bước khởi đầu để hội đồng già bản cùng chính quyền địa phương, ngành văn hóa tiếp tục khôi phục trang phục, cúng đơm, lễ hội và các nét đặc trưng văn hóa cho cộng đồng dân tộc thiểu số này”.

Sát cánh cùng dân bản thoát nghèo

Cũng như bao ngày khác, hôm nay, ông Phan Thanh Tuyền dậy từ 5h sáng để tranh thủ cho đàn vật nuôi ăn, tưới nước cho vườn cây ăn quả, ăn vội bữa sáng... rồi nhanh chóng rong ruổi khắp thôn bản để nắm tình hình sản xuất, lên loa thông báo lịch tiêm phòng gia súc... Vừa xong, ông lại vội vàng đến hiện trường kiểm tra việc di dời cột điện để mở rộng đường liên thôn.

Chị Nguyễn Thị Thúy chia sẻ: “Gia đình tôi có khu vườn đồi hơn 8 ha làm kinh tế trang trại, trong đó có gần 7 ha keo tràm, hơn 1 ha bưởi, nuôi 4 con trâu bò, mỗi năm có lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng. Không chỉ có hôm nay mà trong quá trình làm ăn, bác Tuyền thường đến động viên chúng tôi tích cực tăng gia sản xuất, hăng say tham gia công tác xã hội để làm “đẹp mặt” cho người Mường ở bản Lòi Sim. Mỗi lần đến, bác đều ân cần chia sẻ kinh nghiệm, thăm hỏi tỉ mỉ từ con cái, công việc đến kế hoạch sản xuất, cây cối, vườn tược, trâu bò... Bác ấy còn động viên tôi chịu khó thu vén việc gia đình để chồng (làm cán bộ xã) công tác tốt, nuôi con ngoan giỏi và khuyến khích tôi hoàn thành chương trình lớp cảm tình để sớm được kết nạp Đảng”.

Trong suốt 42 năm tham gia công tác xã hội, ông Phan Thanh Tuyền luôn làm việc với tinh thần hết sức, hết lòng vì công việc, vì phong trào chung, luôn trăn trở để xóa cái nghèo đói trong đồng bào. Ông tâm sự: “Tôi là thế hệ người Mường thứ hai ở bản Lòi Sim, xã Hương Trạch. Vốn sinh ra và lớn lên trên vùng đất núi đồi trùng điệp, hoang vu nên bản thân, gia đình cùng bản Mường nơi đây đã phải trải qua hàng chục thập kỷ trong cơ cực, đòi nghèo, túng thiếu và lạc hậu. Mơ ước “đổi đời” mà cha ông chúng tôi mang theo trong mỗi chuyến di dân chưa thể thành hiện thực khiến tôi trăn trở, suy nghĩ rất nhiều. Vì vậy, khi tham gia công tác xã hội tôi không bao giờ nề hà khó khăn, chùn bước trước thử thách, sẵn sàng hy sinh quyền lợi bản thân để có thể đóng góp được nhiều hơn, làm được nhiều việc tốt hơn cho đồng bào, cùng đồng hành với người Mường hướng tới cuộc sống trong ấm no, sung túc, bản làng luôn bình yên, giàu đẹp”.

Kể về cuộc đời mình, ông Tuyền tự hào: Lúc còn trai trẻ, ông được đánh giá là một trong những thanh niên tiến bộ, có triển vọng nhất của đồng bào dân tộc thiểu số ở bản Lòi Sim. Năm 1976, ông tham gia bộ đội và phục viên năm 1981. Từ đó đến nay, ông đã liên tục tham gia công tác xã hội ở cơ sở, luôn được cấp trên tin tưởng, bà con tin yêu, mọi người ghi nhận. Năm 2007, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng và hiện là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản, Trưởng ban Công tác Mặt trận, công an viên.

Với sự cống hiến không ngưng nghỉ, cách làm hiệu quả của ông Tuyền cùng sự đồng tình, đồng thuận cao của đồng bào dân tộc thiểu số nên bức tranh của bản Lòi Sim đang ngày càng khởi sắc về mọi mặt. Bản Lòi Sim nay đã hết hộ nghèo và cận nghèo, thu nhập bình quân đạt 48 triệu đồng/người/năm, 15% số hộ có mô hình kinh tế vườn đồi (trồng bưởi, cam, mít và nuôi trâu, bò, lợn, gà...) với mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm/mô hình. Trong 10 năm gần đây, ở bản không có người vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự, các loại tệ nạn như: cờ bạc, rượu chè, trộm cắp vặt... giảm hẳn, không có ma túy, ANTT luôn được đảm bảo, xóm làng bình yên. Năm 2019, bản Lòi Sim được công nhận là khu dân cư kiểu mẫu và đang ngày một giàu đẹp hơn.

Ông Phan Hào Lý - Chủ tịch Hội đồng già bản Lòi Sim phấn khởi khoe: “Chú Tuyền là đảng viên gương mẫu, là cán bộ tâm huyết và trách nhiệm, là niềm tự hào của đồng bào Mường chúng tôi. Có chú ấy tập hợp, động viên, dẫn lối, bản chúng tôi là một trong những điểm sáng, luôn đi đầu của xã Hương Trạch. Nhiều năm gần đây, trong xã có gì mới nhất, nổi bật nhất, đáng được tuyên dương nhất thì ở bản chúng tôi đều có; thậm chí là có trước nhất. Vì vậy, đồng bào ở đây phấn khởi, luôn nghe và làm theo”.

Ông Phan Anh Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Trạch đánh giá: “Bác Phan Thanh Tuyền được cấp ủy, chính quyền địa phương tin tưởng giao đảm trách nhiều chức vụ ở bản Lòi Sim và bác ấy luôn thực hiện tốt các chức trách, nhiệm vụ của mình. Là đảng viên người dân tộc, ngoài phát huy tinh thần xung kích, nêu gương, trách nhiệm, tận lực cống hiến thì bác Tuyền còn là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về với đồng bào, cũng là “cánh tay nối dài” của chính quyền địa phương trong việc nắm bắt tình hình và triển khai các nhiệm vụ phát triển KT-XH xuống bản. Bác Tuyền là tấm gương giàu sức lan tỏa trong cán bộ thôn xóm, là người có uy tín và được tin yêu trong cộng đồng, là nhân tố then chốt để xây dựng bản Lòi Sim ngày càng giàu đẹp. Đây là những điển hình tiên tiến mà cấp ủy, chính quyền địa phương muốn xây dựng và nhân rộng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Bài 3: Chuyện “chi bộ gia đình” dân tộc Chứt ở bản Rào Tre

Bước ra từ rừng già tăm tối, bà Hồ Nam là đảng viên người Chứt đầu tiên ở bản Rào Tre (xã Hương Liên, Hương Khê). Dưới sự dìu dắt của mẹ, các con của bà cũng lần lượt trở thành những “hạt giống đỏ”, bước trước, đi đầu để mang ánh sáng của Đảng rọi soi nơi chân núi Giăng Màn...

Tròn 20 năm một lòng theo Đảng

Bà Hồ Nam (SN 1965) là người dân tộc Chứt (hay người Rục, người Sách, người Mã Liềng...) sinh ra và lớn lên trong hang cùng, núi thẳm. Vốn là người con của rừng già, bà Nam đã có 1/4 thế kỷ cùng bộ tộc của mình sinh sống hoang dã, ở hang đá, ngủ ngồi, thường xuyên phải đối mặt với đói rét, hiểm nguy... nơi rừng thiêng, nước độc. Thế nhưng, khi về với xã hội văn minh, người phụ nữ đó đã trở thành “chim đầu đàn”, là thủ lĩnh tinh thần của bộ tộc này trong hành trình vươn lên dưới ánh sáng của Đảng.

Bà Hồ Nam chia sẻ: “Năm 1991, chúng tôi được Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đưa ra khỏi rừng già, thoát khỏi cuộc sống nguyên thủy, cho mang họ của Bác Hồ. Về với xã hội văn minh, chúng tôi đã có cuộc sống ổn định, có ruộng nương làm, mỗi ngày đều được ăn no, con cháu được học chữ, được chăm sóc sức khỏe, được tiếp nhận nhiều cái tiến bộ. Người Chứt đã được Đảng, Nhà nước ưu tiên chăm lo mọi thứ từ khi còn trong bụng mẹ cho đến lúc về với Giàng nên không còn khổ như trước đây nữa. Tiếp nhận điều đó, bản thân tôi sớm hiểu rằng, mình phải gương mẫu đi đầu để đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền các cấp và BĐBP, đưa dân bản tiến bộ nhanh hơn”.

Bà Hồ Nam cùng các con tin theo Đảng, nghe lời Bộ đội Biên phòng, có ý thức học hỏi những điều hay, lẽ phải để về hướng dẫn, chia sẻ, giúp đỡ dân bản được nhiều hơn.
Bà Hồ Nam cùng các con tin theo Đảng, nghe lời Bộ đội Biên phòng, có ý thức học hỏi những điều hay, lẽ phải để về hướng dẫn, chia sẻ, giúp đỡ dân bản được nhiều hơn.

Bà Nam nhớ lại: “Do có nhiều cố gắng, ý thức tốt, dân bản kỳ vọng nên tôi đã trở thành những đảng viên đầu tiên của bản Rào Tre. Tôi vẫn nhớ rất rõ cảm giác vui sướng của mình khi được đứng tuyên thệ dưới cờ Đảng vào năm 2003. Cũng từ giây phút thiêng liêng đó, tôi đã luôn nỗ lực, cống hiến, hăng say và trách nhiệm hơn với cộng đồng. Điều đó vừa có ích cho bản thân, vừa đóng góp một phần nhỏ công sức cho bản nghèo”.

Trung tá Dương Thanh Tịnh - nguyên Tổ trưởng Tổ công tác Rào tre (Đồn Biên phòng Bản Giàng) nhận xét: “17 năm gắn bó với bản, tôi thấy bà Hồ Nam luôn tích cực tham gia các hoạt động tập thể, biết lắng nghe và làm theo các chỉ dẫn của BĐBP, xung kích đi đầu trong mọi hoạt động. Bà cũng luôn nhắc nhở dân bản phải tin tưởng, chấp hành nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cố gắng thích nghi với cuộc sống mới, chăm chỉ làm ăn, không bỏ trốn vào rừng, hạn chế săn bắn muông thú, giảm uống rượu, từng bước đoạn tuyệt các hủ tục lạc hậu...”.

Đến nay, người đảng viên dân tộc Chứt ấy đã theo Đảng tròn 20 năm với bao công lao, cống hiến. Bà đã từng được tín nhiệm bầu làm Chi hội phó, rồi Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Chứt (2003-2009), Trưởng bản (năm 2010-2014), Bí thư Chi bộ (2014-2020). Bà cũng là đại biểu HĐND xã Hương Liên (2 nhiệm kỳ, từ năm 2005-2015), đại biểu HĐND huyện Hương Khê (nhiệm kỳ 2010-2015). Nay không còn tham gia việc xã hội nhưng bà vẫn luôn gương mẫu trong mọi phong trào, đóng góp nhiều ý kiến hay cho chi bộ và luôn khao khát làm sao để bản Chứt được giàu đẹp, văn minh...

Bà Hồ Nam phấn khởi khoe: “Gia đình tôi luôn làm 3 sào lúa, mỗi năm thu hoạch khoảng 1 tấn thóc, nuôi 3-4 con trâu bò, hàng chục con gà... Nếp sinh hoạt trong gia đình ngày càng sạch sẽ, không có người nghiện rượu, tập tục lạc hậu dần được loại bỏ. Chúng tôi có 4 đứa, trong đó có 2 đứa học THPT, 1 đứa từng được cố nhạc sĩ An Thuyên đưa ra đào tạo ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật quân đội ngoài Hà Nội...”.

Tin vào Đảng, nghe BĐBP, bà Hồ Nam đã góp phần kèm cặp, bồi dưỡng cho đồng bào Chứt thêm 8 đảng viên trong chi bộ. Đặc biệt, bà đã “ươm mầm” các “hạt giống đỏ” ngay trong chính gia đình mình. Hiện bà có 2 con gái được đứng trong hàng ngũ của Đảng và các con trai, con rể khác cũng đang chuẩn bị có được niềm vinh dự đó. Cả đại gia đình người dân tộc Chứt này đang nguyện tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, tin tưởng và cống hiến hết mình dưới cờ Đảng quang vinh.

Xây dựng “chi bộ gia đình” ở bản Rào Tre

Hồ Thị Duyên (SN 1995) là 1 trong 9 đảng viên người dân tộc Chứt của Chi bộ bản Rào Tre hiện nay (toàn chi bộ có 10 đảng viên). Do được “ươm mầm” từ người mẹ đảng viên tiên phong và mẫu mực nên Duyên đã sớm có ý thức học hành, rèn luyện, đam mê công việc xã hội. Lúc còn ngồi trên ghế Trường Dân tộc nội trú Hương Khê, Duyên đã tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, ngoại khóa và thường xuyên đạt học sinh tiên tiến. Rời ghế nhà trường, trở về chân núi Giăng Màn, Duyên tham gia làm Bí thư Chi đoàn, rồi Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ (từ 2011-2015), luôn hăng say cống hiến, “bước trước, đi đầu” trong mọi việc, từng được vinh danh là một trong 10 thanh niên tiêu biểu của huyện Hương Khê (năm 2013) và vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng năm 2016.

Ông Nguyễn Văn Mận - Bí thư Chi bộ bản Rào Tre đánh giá: “Đồng chí Duyên luôn gương mẫu, xung kích và mong ước cho gia đình, bản làng được “sáng đầu, no bụng, mặc đẹp, sống văn minh”. Duyên đã từng đi động viên các em nhỏ đến trường rồi trực tiếp dạy chữ, dạy hát; tập hợp thanh niên bản xuống ruộng cấy lúa, nạo vét kênh mương nội đồng, chỉnh trang vườn hộ, di dời nhà cửa, hiến máu nhân đạo... Đảng viên trẻ này cũng luôn tiên phong trong việc hòa nhập với thế giới bên ngoài, xung kích đi làm ăn xa để tích lũy kinh tế và đưa những điều tiến bộ về bản”.

Là một trong những thanh niên tiến bộ nhất trong bản nên Hồ Thị Duyên đã lựa chọn cho mình một cuộc hôn nhân “lịch sử”. Duyên chia sẻ: “Em xây dựng gia đình tháng 9/2015 (tròn 20 tuổi). Em là trường hợp đầu tiên giữa người Chứt ở Rào Tre với người Kinh lấy nhau và là cuộc hôn nhân ngoại tộc thứ 2 ở bản. Ngày đó, em quyết tâm đi ngược với tập tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết của đồng bào mình để tìm kiếm hạnh phúc, sinh con cái khỏe mạnh, làm gương cho trai bản noi theo”.

Ngày 8/9/2021, gia đình bà Hồ Nam tiếp tục đón nhận tin vui khi con gái út Hồ Thị Khuyên (SN 2000) được vinh dự kết nạp Đảng. Sinh ra và lớn lên trong gia đình được xem là tiến bộ nhất bản, lại may mắn vì từng được thoát ly một thời gian khi nhận học bổng Vừ A Dính (được học tập tại Trường THCS, THPT Duy Tân ở quận 10, TP Hồ Chí Minh) nên Khuyên được kỳ vọng là “hạt giống đỏ” của bản Rào Tre, là người sẽ viết tiếp những ước mơ, hoài bão của mẹ, của chị và đồng bào mình.

Thiếu tá Hoàng Khắc Chinh - Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Gia (Hương Khê) thông báo tin vui: “Hiện nay, chồng của Hồ Thị Khuyên là anh Hồ Đình Long (cũng là người dân tộc Chứt) đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại đơn vị. Binh nhì Long được đánh giá là quần chúng ưu tú, có ý thức phấn đấu tốt, rèn luyện chăm, chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ... Vì vậy, đơn vị đang chăm lo, bồi dưỡng, uốn nắn, định hướng để kết nạp Đảng trước khi đồng chí Long xuất ngũ”.

Hồ Thị Khuyên chia sẻ: “Khoảng một năm nữa chồng xuất ngũ, lúc đó chúng em mới bàn tính chuyện làm nhà cửa, lập nghiệp, nhưng vợ chồng đang có ý định sẽ ở lại bản để được sống trong hơi ấm của đồng bào, được BĐBP che chở và được chứng kiến bản làng mình đổi thay từng ngày. Em sẽ cố gắng tham gia các hoạt động chung của cộng đồng và động viên chồng vào Đảng để được góp một phần công sức nhỏ trong công cuộc xây dựng bản làng tiến bộ, đưa cuộc sống ấm no về với đồng bào”.

Ngoài 2 người con gái là đảng viên, con rể đang trong giai đoạn thử thách, bà Hồ Nam cũng đang rất mong muốn và luôn động viên 2 người con trai của mình phấn đấu vào Đảng. Bà Nam chia sẻ thêm: “Hồ Xuân Nam là con đầu của tôi, hiện đang là công an viên của bản, kinh tế gia đình thuộc diện khá, sống có ý thức và trách nhiệm... nên chi bộ đã đưa vào diện kết nạp Đảng trong năm nay. Còn con trai thứ 2 là Hồ Xuân Kham cũng đang khắc phục khó khăn, từng bước cố gắng để phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình”.

Anh Hồ Xuân Kham chia sẻ: “Noi gương mẹ, tôi đang phấn đấu để sớm được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Hiện tôi đang chăm lo phát triển kinh tế gia đình, tích cực giữ gìn trật tự trị an thôn bản, quan tâm nuôi dạy con cái và tham gia các hoạt động cộng đồng. Nếu được chi bộ tổ chức kết nạp trong năm nay thì tôi rất phấn khởi, tự hào và hứa sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho dân bản”.

Ông Trần Phúc Anh - Bí thư Đảng ủy xã Hương Liên nhận xét: “Gia đình đảng viên Hồ Nam là tiêu biểu, tiến bộ, đáng biểu dương nhất ở bản Rào Tre. Dưới sự chỉ đạo, dìu dắt của cấp ủy, chính quyền địa phương, BĐBP Hà Tĩnh và ý thức phấn đấu của mỗi người, các đảng viên trong “chi bộ gia đình” này có nhiều đóng góp tích cực để hôm nay Rào Tre “cờ hồng vui reo sáng bản”. Những người tiên phong này cũng là nhân tố quan trọng để xây dựng Đảng trong dân, là cầu nối để dân bản tìm đến Đảng và tiếp tục ươm thêm nhiều “hạt giống đỏ” cho nơi đặc biệt khó khăn này”.

Bài cuối: Tháo gỡ khó khăn, tập trung phát triển đảng viên, nhân rộng điển hình tiên tiến

Chăm lo xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên gắn với nhân rộng các điển hình tiên tiến trong đồng bào dân tộc thiểu số đã mang lại nhiều kết quả quan trọng, giúp chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thấm sâu vào cuộc sống nơi biên cương. Dù vậy, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, cần các biện pháp, giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Tiếp thêm nguồn sinh lực cho Đảng

Thôn Kim Quang, xã Quang Thọ (Vũ Quang) chỉ có 52 hộ/270 khẩu người Lào nhưng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ này vẫn mạnh dạn đặt chỉ tiêu kết nạp 2 - 4 đảng viên người dân tộc thiểu số. 2 năm qua, ở đây đã có thêm 2 đảng viên mới và năm nay đã bồi dưỡng 1 quần chúng ưu tú để cuối năm kết nạp. Nhờ chú trọng công tác phát triển đảng viên nên dù ở thôn Kim Quang, người Lào chỉ chiếm ½ dân số nhưng tỷ lệ đảng viên người dân tộc rất ấn tượng với gần 88% (có 7/8 người).

Đảng viên Bùi Văn Bính (người dân tộc Lào) ở thôn Kim Quang cho biết: “Tôi từng có 15 năm cống hiến cho công tác xã hội, song, vì hoàn cảnh gia đình, nỗi lo sinh kế phải bỏ dở công việc và tạm gác lại ước mơ được kết nạp Đảng. Gần đây, nhờ được Đảng bộ xã khuyến khích, cấp ủy thôn bồi dưỡng, chi hội nông dân tạo điều kiện... nên tôi đã tích cực tham gia hoạt động đoàn thể, có nhiều cống hiến cho phong trào nông dân. Tháng 9/2022, tôi vinh dự được kết nạp Đảng và mới được tin tưởng giao làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Kim Quang. Giờ đây, tôi có thể cống hiến nhiều hơn cho tập thể, làm được nhiều việc có ích hơn cho xóm làng”.

Chi bộ Trường THCS&THPT dân tộc nội trú Hà Tĩnh kết nạp đảng viên cho học sinh lớp 12 là người dân tộc thiểu số.
Chi bộ Trường THCS&THPT dân tộc nội trú Hà Tĩnh kết nạp đảng viên cho học sinh lớp 12 là người dân tộc thiểu số.


Cùng với quan tâm số lượng, chất lượng đảng viên luôn được coi trọng. Anh Vi Xuân Hường - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Kim Quang cho biết: “Cả 7 đảng viên người dân tộc thiểu số đang là những người đứng đầu cấp ủy, trưởng ban công tác mặt trận thôn, đứng đầu hoặc tham gia BCH các đoàn thể. Cùng với tích cực tham gia công tác xã hội, đi đầu trong các phong trào thi đua, họ còn là điển hình phát triển kinh tế, làm vườn mẫu, nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc... Sự đóng góp và trưởng thành của các đảng viên người dân tộc được xem là những minh chứng sống động, thuyết phục để tuyên truyền, vận động các quần chúng có chí hướng đứng vào hàng ngũ của Đảng trong thời gian tới”.

Theo thống kê, toàn huyện miền núi Hương Khê hiện có 20 dân tộc thiểu số sinh sống với gần 300 hộ/1.020 nhân khẩu. Từ năm 2021 - 2022, huyện đã kết nạp được 12 đảng viên, nâng tổng số đảng viên người dân tộc lên 30 đồng chí. Nhiều chi bộ ở đây có số đảng viên dân tộc đông như: bản Rào Tre (xã Hương Liên) với 9 đảng viên người dân tộc/tổng số 10 đảng viên của chi bộ; bản Phú Lâm (xã Phú Gia) 10 đảng viên người dân tộc/tổng số 21 đảng viên của chi bộ; ở Bắc Lĩnh - Lòi Sim (xã Hương Trạch) có 9 đảng viên người dân tộc/tổng số 19 đảng viên của chi bộ.

Trong nhiệm kỳ này, trên địa bàn Hương Khê có 3 đảng viên người dân tộc thiểu số tham gia BCH đảng bộ xã, 3 đảng viên tham gia HĐND cấp xã, những người còn lại đều là nòng cốt trong các tổ chức đoàn thể ở xã hoặc thôn. Đây cũng là địa phương có số đảng viên người dân tộc thiểu số là điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực nhiều nhất tỉnh. Hà Tĩnh hiện có 32 dân tộc thiểu số với khoảng 650 hộ/hơn 2.500 nhân khẩu (nhiều nhất là Mán 154 hộ/455 nhân khẩu, Lào 153 hộ/551 nhân khẩu, Mường 152 hộ/gần 600 nhân khẩu, Nùng 57 hộ/239 nhân khẩu, Chứt 44 hộ/156 nhân khẩu...), sống chủ yếu ở Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn. Công tác phát triển đảng viên gắn với xây dựng các nhân tố điển hình trong đồng bào dân tộc ngày càng được quan tâm, chăm lo hơn. Toàn tỉnh đang có 82 đảng viên người dân tộc; riêng 2 năm gần đây kết nạp được 17 người, năm nay dự kiến có thêm 9 - 10 người; phấn đấu đến năm 2025 sẽ có trên 100 đảng viên là người dân tộc thiểu số.

Đại tá Nguyễn Thái Bình - Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh cho biết: “Đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh ta có vai trò rất quan trọng vì họ sinh sống ngay sát biên giới Việt - Lào, ở những vùng khó khăn về KT-XH, trọng yếu về quốc phòng, nhạy cảm về an ninh, có mối quan hệ gần gũi hoặc thân tộc với cư dân nước bạn... Do đó, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã cùng cấp ủy, chính quyền địa phương luôn chăm lo phát triển đảng viên, xây dựng các điển hình uy tín để góp phần tạo sức mạnh đồng bộ trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, xây dựng “thế trận biên phòng toàn dân”, vun đắp tình lân bang, bảo vệ khối đại đoàn kết, thúc đẩy KT-XH phát triển”..

Những năm gần đây, dù rất cố gắng nhưng công tác phát triển đảng viên gắn với xây dựng điển hình trong đồng bào dân tộc Mường ở bản Lòi Sim (xã Hương Trạch) vẫn rất khó khăn. Từ năm 20 20 đến nay, ở đây mới chỉ lựa chọn được 1 hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi để bồi dưỡng cho Đảng. Nguyên nhân chính xuất phát từ nguồn nhân lực dự bị cho Đảng trong cộng đồng ít, chưa đủ tiêu chuẩn kết nạp. Chị Nguyễn Thị Như Thoan - Bí thư Chi đoàn bản Lòi Sim thông tin: “Chi đoàn có 10 đoàn viên người dân tộc thì hơn một nửa đang đi học. Dù rất cố gắng nhưng nguồn giới thiệu đi học cảm tình Đảng hằng năm gần như không có. Chúng tôi phải trông chờ vào các đoàn viên đang đi học, nhưng khi học xong các bạn thường sẽ thoát ly, làm ăn xa”.

Thanh niên là đối tượng chính để phát triển Đảng và xây dựng điển hình tiên tiến. Tuy nhiên, trong xu thế chung, đại đa số thanh niên con em đồng bào dân tộc thiểu số cũng đi làm ăn xa, không thường xuyên ở địa bàn nên kết quả kết nạp Đảng khá khiêm tốn. Còn phát triển Đảng trong các đoàn viên, hội viên ở các tổ chức đoàn thể khác cũng không ngoại lệ vì sinh kế, áp lực cuộc sống gia đình.

Cũng vì khó khăn trong phát triển Đảng nên ở bản Giàng 2, xã Hương Vĩnh (Hương Khê) hiện đang trống đảng viên, không có tổ chức cơ sở Đảng. Theo lãnh đạo xã, bản có 16/53 nhân khẩu là người Lào sinh sống, trong đó chỉ có 5 - 7 thanh niên, các đoàn thể gần như không hoạt động. Bà con ở đây chưa thực sự tiến bộ, canh tác lúa nước thiếu hiệu quả, có đất lâm nghiệp giao nhưng không sản xuất, nguồn sống chủ yếu dựa vào trợ cấp của Nhà nước nên cuộc sống đang rất khó khăn. Trong bản không có nhiều người cầu tiến. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là bà con ở đây suốt năm quanh quẩn nơi “sơn cùng núi tận”, nhận thức hạn chế, trong cộng đồng thiếu tính thi đua, cùng với đó là sự cam chịu, tự ti của đồng bào...

Tại xã Quang Thọ (Vũ Quang), ông Hà Văn Yên - Bí thư Đảng ủy xã cho hay: “Mặc dù đã có những kết quả được đánh giá cao nhưng công tác quản lý, tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên là người dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều trăn trở. Nguyên nhân là do một bộ phận quần chúng ở các thôn, bản còn hạn chế về nhận thức, hiểu biết chính trị, chưa tích cực tham gia các hoạt động phong trào. Cùng đó là một số thanh niên người dân tộc thiểu số còn mang tâm lý tự ti, thiếu ý thức phấn đấu...”. “Nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc trong công tác phát triển đảng viên dân tộc thiểu số hiện nay đến từ việc khó khăn về KT-XH, trình độ dân trí không đồng đều. Ngoài ra, có những lúc, những nơi, các tổ chức cơ sở Đảng, đoàn thể nơi có đồng bào dân tộc thiểu số chưa thực sự quyết liệt trong nhiệm vụ phát triển đảng viên; việc phát hiện, bồi dưỡng, phân công theo dõi, giúp đỡ, giác ngộ lý tưởng cho quần chúng chưa thực sự tốt; một số cán bộ làm công tác Đảng ở thôn, bản chưa nắm hết quy trình trong công tác phát triển đảng viên, chưa biết cách xây dựng các điển hình tiên tiến...”, ông Lê Nhật Lệ - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hương Sơn cho hay.

Thực trạng trên là nguyên nhân dẫn đến số lượng đảng viên người dân tộc thiểu số hằng năm được kết nạp khá khiêm tốn. Riêng 2 năm gần đây, số đảng viên người dân tộc thiểu số được kết nạp lần lượt là 9 (năm 2021) và 8 (năm 2022). Hiện nay, số đảng viên người dân tộc trên tổng số đảng viên toàn tỉnh khá thấp với 82/99.738 đảng viên (chiếm 0,08%); tỷ lệ đảng viên trên dân số đồng bào dân tộc là 82 đảng viên/khoảng 2.500 nhân khẩu (chỉ đạt 3,3%), thấp hơn mặt bằng chung của tỉnh là 99.738 đảng viên/1.302.558 nhân khẩu (đạt 7,7%).

Đâu là giải pháp?

Dù đã khá quyết liệt nhưng hiện nay, Chi bộ thôn Công Thương (xã Sơn Kim 1, Hương Sơn) cũng chỉ có 3/24 đảng viên là người dân tộc Mán, Tày, Mường. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có khâu tổ chức, tuyên truyền, vận động, khuyến khích đoàn viên, hội viên kết nạp Đảng nên mấy năm gần đây không có thêm đảng viên người dân tộc. Trước thực tế đó, ông Nguyễn Thế Hùng - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Công Thương cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ tập trung củng cố các tổ chức đoàn thể gắn phát động phong trào thi đua yêu nước, tổ chức các hoạt động văn hóa - xã hội, đẩy mạnh xây dựng NTM và các phong trào hành động cách mạng khác ở thôn xóm. Qua đó, giúp các tổ chức đoàn thể nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy được vai trò trong tập hợp, động viên đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia; từ đó, tạo cơ hội để phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố đi đầu, những người ưu tú nhất cho Đảng”.

Ông Trần Văn Hải - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Kim 1 chia sẻ: “Trên địa bàn có 120 hộ/286 nhân khẩu đồng bào dân tộc thiểu số nhưng số đảng viên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động, lựa chọn các nhân tố nòng cốt trong các tổ chức đoàn thể để phát triển đảng viên người dân tộc. Ngoài ra, Đảng ủy cũng sẽ làm tốt công tác phát triển đảng viên gắn với đào tạo, quy hoạch nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số để họ có thể trực tiếp phụ trách, lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ tại thôn, bản và làm cán bộ nguồn cho xã”.

Chia sẻ cách làm của một địa bàn vừa tìm được hướng tháo gỡ khó khăn sau nhiều năm giẫm chân tại chỗ trong công tác phát triển Đảng, ông Ngô Văn Sơn - Bí thư Chi bộ thôn Phú Lâm (xã Phú Gia, Hương Khê) cho biết: “Năm 2022, chi bộ kết nạp được một đảng viên mới và hiện đang có thêm một quần chúng đã học xong lớp cảm tình Đảng. Kết quả này là nhờ gần đây, chúng tôi đã tập trung thực hiện tốt các chính sách về dân tộc gắn với đẩy mạnh phát triển sản xuất nên bà con có việc làm ổn định, thu nhập đạt 46 triệu đồng/người/năm, thôn không còn hộ nghèo. Bản thân tôi cũng đã trực tiếp hỗ trợ đồng bào về cây giống, con giống, kinh nghiệm để làm ăn hiệu quả hơn. Khi bà con có sinh kế tốt, hạ tầng cơ sở khang trang, thôn xóm tươi đẹp, thanh bình thì không còn ý định ly hương. Đây được xem là yếu tố rất quan trọng để đảm bảo “nguồn” cũng như thực hiện công tác phát triển đảng viên hiệu quả”.

Để làm tốt công tác phát triển đảng viên gắn với xây dựng điển hình tiên tiến trong đồng bào dân tộc, ông Trần Phúc Anh - Bí thư Đảng ủy xã Hương Liên (Hương Khê) đề xuất: “Cấp trên cần nghiên cứu, xem xét các biện pháp, giải pháp hỗ trợ cơ sở như: tăng cường tập huấn, đào tạo cho đảng viên người dân tộc đang giữ các chức vụ ở thôn, bản về kỹ năng làm việc, nhận thức chính trị; xây dựng đội ngũ đảng viên trẻ để có lực lượng kế cận, giảm làm thay; có chính sách đặc thù, tăng chế độ phụ cấp đối với người dân tộc trực tiếp tham gia công việc ở bản. Ngoài ra, cấp trên cũng cần ưu tiên thêm các nguồn lực để giúp đồng bào dân tộc khắc phục các vấn đề khó khăn nhất như: nâng cấp nhà ở, tổ chức các lễ hội và hoạt động văn hóa, khôi phục trang phục, phục hồi bản ngữ, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, chấm dứt tình trạng hôn nhân cận huyết, chăm sóc tốt cho phụ nữ và trẻ em...”.

Ở phạm vi toàn huyện, bà Từ Thị Hòa - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hương Khê cho hay: “Chúng tôi sẽ tập trung nâng cao nhận thức cho cấp ủy, cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển Đảng là người dân tộc thiểu số. Các cấp ủy Đảng cũng sẽ tăng cường giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị cho bà con dân tộc thiểu số để tạo nguồn và xây dựng kế hoạch, giải pháp phát triển đảng viên sát tình hình thực tế. Ngoài ra, địa phương cũng sẽ đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ để phát huy vai trò, sứ mệnh của các tổ chức cơ sở Đảng và mỗi đảng viên trong việc phát triển nguồn lực cho Đảng”.

Theo Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Đình Trung, thời gian qua, Hà Tĩnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên gắn với xây dựng điển hình tiên tiến trong đồng bào dân tộc thiểu số và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. “Để bồi dưỡng, bổ sung cho Đảng một nguồn sinh lực mới chất lượng từ đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo, lãnh đạo nghiêm túc, kịp thời bằng các biện pháp hữu hiệu, giải pháp căn cơ và đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt, Hà Tĩnh sẽ chú trọng đến các giải pháp như: thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để chăm lo toàn diện cho đồng bào dân tộc; xây dựng các chương trình phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội ở những vùng khó khăn, nơi có đồng bào dân tộc sinh sống để bà con ổn định sinh kế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống; chăm lo xây dựng tổ chức cơ sở Đảng gắn với nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể ở cơ sở để tạo môi trường thuận lợi, lành mạnh cho phát triển đảng viên và xây dựng các điển hình có sức lan tỏa...” - Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất