Tác phẩm đoạt giải

Thiếu giáo viên khắp cả nước, ngành giáo dục chật vật đổi mới

Lời tòa soạn:

 Năm 2023 là năm quan trọng, đánh dấu 10 năm ngành giáo dục và đào tạo thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Đây cũng là năm ngành bước vào giai đoạn “cao điểm”, khi mà chương trình giáo dục phổ thông mới đã được triển khai đồng thời ở cả ba cấp học.

Nghị quyết 29 nêu rõ định hướng đổi mới, quan điểm chỉ đạo của Đảng là “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.

Mục tiêu của đổi mới là “tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân… Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng… Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”.

Với những mục tiêu, nhiệm vụ trên, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29 đã tạo ra sự kỳ vọng lớn trong xã hội về nâng cao chất lượng giáo dục.

Để thực hiện mục tiêu này, Nghị quyết chỉ rõ 9 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có vấn đề phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục đào tạo chính là đội ngũ những người thầy giáo và cán bộ quản lý giáo dục: “Nhiệm vụ của giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế - văn hóa”.

Chỉ thị 40-CT/TW ngày 15-6-2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã nêu rõ: "Phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người. Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, trong đó nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là lực lượng nồng cốt, có vai trò quan trọng”.

Là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trưởng thành từ nhà giáo, Giáo sư Nguyễn Kim Sơn cho hay ông hiểu một cách sâu sắc rằng nguồn lực quan trọng nhất của giáo dục là nhà giáo, nhân tố quyết định thành công chất lượng giáo dục là nhà giáo, đội ngũ nhà giáo là tài sản quý giá nhất của ngành, là yếu tố cốt lõi quyết định sự thành công của đổi mới.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ngành giáo dục đang thực hiện đổi mới với “những việc rất lớn và rất khó, có việc khó tựa như dời non lấp bể” trong bối cảnh “thiếu mọi thứ”, gồm cả hai yếu tố mang tính quyết định là giáo viên và cơ sở vật chất, đặc biệt là thiếu giáo viên.

Không chỉ thiếu về số lượng, giáo viên cũng chưa được đảm bảo về chất lượng ở một số môn học theo yêu cầu của chương trình mới. Tinh thần say mê với nghề cũng phần nào bị lung lay bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền khi yêu cầu, áp lực ngày càng cao dẫn đến tình trạng hàng nghìn giáo viên xin nghỉ việc mỗi năm. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục đào tạo, dù toàn ngành đã không ngừng nỗ lực và đã đạt những kết quả tích cực trong bước đầu đổi mới…

Trong khi đó, một năm học mới đã lại bắt đầu, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “trồng người” cao cả với rất nhiều yêu cầu mới, trong bối cảnh “đi cày” mà thiếu “trâu”. Đây thực sự là một bài toán cần sớm có lời giải đáp, đòi hỏi ngành giáo dục và đào tạo cần phải nhanh chóng có những giải pháp kịp thời trước mắt cũng như lâu dài.

Để có cái nhìn tổng quan về thực trạng nhức nhối và những hệ quả của việc thiếu giáo viên cũng như “điểm mặt, chỉ tên” nguyên nhân và gợi mở giải pháp từ phía chuyên gia, những nhà giáo tâm huyết, Báo Điện tử VietnamPlus mời độc giả đón đọc chùm bài “Thiếu giáo viên khắp cả nước, ngành giáo dục chật vật đổi mới”.

 

Bài 1: Đỏ mắt tìm giáo viên, trường “giật gấu vá vai” chạy đua năm học mới

 

Tiếng trống trường đã rộn rã ngoài sân, học sinh quần áo chỉnh tề, khăn quàng đỏ bay phấp phới, tập dượt cho ngày khai giảng năm học mới 2023-2024 đã cận kề, nhưng trong phòng làm việc, cô Hiệu trưởng T.H. (Hà Nội) đang đau đầu để tính toán, sắp xếp thời khóa biểu, bởi so với chỉ tiêu, trường cô đang thiếu đến hơn 10 giáo viên.

“Tôi phải đôn đáo khắp nơi mới tìm được 4 giáo viên để ký hợp đồng. Đa số thầy cô ở trường phải dạy hai môn”, cô T.H. chia sẻ.

Thiếu tới trên 118.000 giáo viên

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở dữ liệu ngành, đến cuối năm học 2022-2023, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên. Trong số đó, bậc mầm non thiếu gần 52.000 giáo viên, tiểu học thiếu trên 33.000 giáo viên, trung học cơ sở (THCS) thiếu hơn 19.300 giáo viên, bậc trung học phổ thông (THPT) thiếu gần 14.000 giáo viên.

Thống kê cũng cho thấy các tỉnh, thành trên cả nước đều trong tình trạng không đủ nhân lực đứng lớp cho ngành giáo dục và đào tạo. Thiếu nhiều nhất là Hà Nội với trên 14.000 giáo viên, tiếp đến là TP. Hồ Chí Minh thiếu trên 9.000 giáo viên, Nghệ An thiếu gần 7.800 giáo viên, Thanh Hóa thiếu gần 5.000 giáo viên.

Đến năm học 2023-2024 này, số lượng giáo viên thiếu còn tăng lên nhiều hơn nữa.

 


Ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho hay thời điểm này, số giáo viên còn thiếu của Thanh Hóa so với định mức là trên 16.600 người, gấp hơn 3 lần số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở dữ liệu ngành năm học 2022-2023. Nguyên nhân do chỉ tiêu được giao thấp so với nhu cầu, trong khi quy mô học sinh tăng lên và ngành bị cắt giảm biên chế.

Thiếu lượng giáo viên lớn nên ngày 4-8 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ để báo cáo và đề xuất về nhu cầu biên chế giáo viên năm học 2023-2024. Theo đó, Thanh Hóa đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, trình Chính phủ giao bổ sung 16.634 biên chế, trong đó bậc mầm non 4.936 biên chế; tiểu học 4.703 biên chế; THCS 6.131 biên chế; THPT 864 biên chế.

Thiếu giáo viên nên tỷ lệ giáo viên/lớp ở các cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT ở các địa phương trên cả nước đều thấp hơn so với quy định.

Tỷ lệ giáo viên trên lớp của tất cả các cấp học trên thực tế đều thấp hơn so với định mức.
Tỷ lệ giáo viên trên lớp của tất cả các cấp học trên thực tế đều thấp hơn so với định mức.


Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho thấy giáo viên thiếu chủ yếu tập trung ở bậc mầm non, các môn học mới xuất hiện trong chương trình giáo dục phổ thông mới (Tiếng Anh, Tin học ở bậc tiểu học; Âm nhạc, Mỹ thuật ở bậc THPT) nhưng chậm được khắc phục, chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế.

Tại Hội thảo về giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam 2023 vừa được tổ chức tại Hà Nội cuối tháng Bảy vừa qua, Tiến sỹ Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết cả nước đang thiếu khoảng 4.000 giáo viên tiếng Anh.

Báo cáo của đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cho thấy ở bậc THPT, tổng số giáo viên môn Nghệ thuật trong biên chế của cả nước chỉ vỏn vẹn 46 giáo viên, dù có đến 2.465 trường. Trong số đó, cả khu vực Đồng bằng sông Hồng có 2 giáo viên, miền núi phía Bắc có 19 giáo viên, Bắc Trung bộ có 12 giáo viên, Tây Nguyên có 4 giáo viên, Đông Nam Bộ có 4 giáo viên, Đồng bằng Sông Cửu Long có 5 giáo viên. Địa phương có nhiều giáo viên Nghệ thuật nhất là Bắc Giang với 7 người.

Thiếu hàng trăm nghìn giáo viên nhưng năm học 2022-2023, ngành giáo dục có hơn 19.300 giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc, trong đó có trên 10.000 giáo viên nghỉ hưu và gần 9.300 giáo viên nghỉ việc.

“Treo thưởng” trăm triệu cũng không có ứng viên

Trước thực trạng thiếu trầm trọng giáo viên ở hầu hết các địa phương, trên cơ sở đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026. Riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhận định: “Phân bổ giáo viên còn thấp so với định mức tối đa theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là thực tiễn ở các địa phương”. Cũng theo ông Cường, năm học 2023-2024, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ nhu cầu so sánh với định mức để xác định mức bổ sung trong thời gian tới.

Tuy vẫn còn ít hơn nhiều so với nhu cầu nhưng việc tuyển dụng cũng không dễ dàng, nhất là với các vùng khó khăn do thu nhập giáo viên thấp, áp lực công việc lớn trong khi ứng viên có nhiều lựa chọn tốt hơn.

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết năm học 2022-2023, tỉnh được giao 614 biên chế nhưng chỉ tuyển được 140 người vì không có nguồn tuyển.

Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho hay hiện tổng số giáo viên của Yên Bái mới đạt 86,5% so với định mức, song dù có chỉ tiêu, việc tuyển dụng rất khó khăn, kể cả có chính sách thu hút, hỗ trợ.

Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã tổ chức nhiều đợt tuyển dụng, bình quân mỗi năm 2 đợt, với tổng số chỉ tiêu tuyển là 2.532 giáo viên nhưng số đăng ký chỉ có 1.359 người, chiếm 53,7%; số trúng tuyển là 726 người, chiếm 53,4% số dự tuyển và chỉ chiếm 28,7% tổng chỉ tiêu tuyển.

“Riêng giáo viên Tiếng Anh, Tin học, tỉnh có chính sách thu hút lên vùng cao đối với giáo viên tuyển mới với số tiền 100 triệu đồng/người nhưng vẫn chưa tuyển mới được một trường hợp nào”, ông Duy buồn rầu cho biết.

Đây cũng là trăn trở của ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau. “Giống như Yên Bái, đội ngũ giáo viên của Cà Mau thiếu rất nhiều. Trung ương quan tâm, phân bổ cho Cà Mau 600 viên chức ngành giáo dục nhưng không tuyển được vì không có nguồn, đặc biệt là các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc”, ông Luân cho hay.

Cũng theo ông Luân, Cà Mau còn có lực lượng khá lớn giáo viên ở các tỉnh phía Bắc được tăng cường vào dạy học từ 15-20 năm trước, đến nay các thầy cô có nguyện vọng chuyển đi địa phương khác, số lượng khoảng 200 người mỗi năm. Vì thế, giáo viên vốn đã thiếu lại càng thêm thiếu, nhất là huyện Ngọc Hiển, huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh.

“Hiện tỉnh đang giao sở giáo dục và đào tạo rà soát để đề xuất ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chính sách thu hút giáo viên, thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên, chính sách với giáo viên mầm non”, ông Luân nói.

Một giáo viên “chạy sô” 4 trường, làm việc 200%

Tình trạng thiếu giáo viên đã khiến cho các địa phương phải chật vật tìm người, “giật gấu vá vai”, co kéo để có giáo viên dạy cho học sinh, đặc biệt là các địa phương vùng khó khăn, vốn ít thuận lợi trong thu hút nhân lực.

Nếu Ngọc Hiển là huyện vùng sâu vùng xa nhất, thiếu giáo viên trầm trọng nhất của tỉnh Cà Mau thì xã Đất Mũi là xã xa xôi nhất của huyện này. Ông Lâm Quốc Trạch, Phó Chủ tịch UBND xã Đất Mũi cho hay toàn xã có 5 trường, gồm một trường mầm non, 3 trường tiểu học và một trường THCS với tổng số gần 2.500 học sinh, nhưng bậc học nào cũng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên Tin học, Tiếng Anh.

Thầy Phạm Minh Đạo là giáo viên dạy môn Tin học duy nhất của xã Đất Mũi nên dù biên chế ở Trường THCS Đất Mũi, thầy vẫn phải “chạy sô” kiêm nhiệm thêm môn học này cho cả ba trường tiểu học trên địa bàn.

Với môn Tiếng Anh, cả trường THCS Đất Mũi cũng chỉ có duy nhất một giáo viên là cô Nguyễn Thị Diễm Trang nên mình cô phải dạy cho gần 700 học sinh. Vì vậy, trong năm học 2021-2022, mỗi tuần cô phải dạy 42 tiết, trong khi quy định giáo viên chỉ dạy 19 tiết/tuần.

Để giảm tải cho cô Trang, năm học 2022-2023, huyện Ngọc Hiển phải huy động một giáo viên ở từ xã Tân Ân Tây, gần huyện Năm Căn, cách Trường THCS Đất Mũi đến 37 cây số, xuống tăng cường. Nhờ vậy, cô Trang không còn phải làm việc hơn 200% như vậy nữa, số giờ dạy của cô giảm xuống còn 27 tiết/tuần, vẫn vượt quy định 8 tiết/tuần.

“Năm học 2023-2024 tới đây, trường đã ký hợp đồng được với một giáo viên nên cô Trang sẽ đỡ vất vả hơn, dù cô vẫn sẽ phải dạy hơn 20 tiết/tuần, vẫn vượt quy định”, thầy Quân chia sẻ.

Trong khi đó, ở bậc tiểu học, xã Đất Mũi có ba trường nhưng chỉ có một giáo viên Tiếng Anh nên giáo viên này phải luân phiên dạy học sinh của cả ba trường. “Điều này đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục”, thầy Vũ Văn Kiên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học 3 xã Đất Mũi thẳng thắn nói.

Để phần nào gỡ khó cho các trường, các địa phương đã phải linh hoạt áp dụng nhiều giải pháp, cả trước mắt và lâu dài.

Trong năm học vừa qua, tỉnh Yên Bái đã thực hiện biệt phái giáo viên Tiếng Anh ở vùng thuận lợi lên vùng khó khăn, khi cả huyện Mù Căng Chải với 16 trường tiểu học và trên 9.000 học sinh nhưng chỉ có duy nhất một giáo viên Tiếng Anh biên chế. Yên Bái còn nhờ sự hỗ trợ của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Nam Định bố trí giáo viên dạy trực tuyến môn Tiếng Anh cho học sinh của 5 trong tổng số 9 huyện, thị trên địa bàn.

“Yên Bái cũng phối hợp với Đại học Thái Nguyên đào tạo cử nhân sư phạm Anh ngữ theo hình thức cử tuyển, đào tạo ngay tại tỉnh. Chúng tôi đã tuyển được khóa đầu tiên với 35 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, làm nguồn giáo viên Tiếng Anh lâu dài”, ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái chia sẻ.

Tại Hà Giang, năm học 2022-2023, toàn huyện Mèo Vạc chỉ có duy nhất một giáo viên Tiếng Anh ở cấp tiểu học. Huyện đã phải nhờ giáo viên Trường Marie Curie (Hà Nội) dạy trực tuyến qua Zoom ba tiết mỗi tuần cho học sinh. Dù huy động cả các bậc học trên, giáo viên của huyện Mèo Vạc chỉ đảm nhiệm được một tiết mỗi tuần.

Sự chung tay của cộng đồng giáo viên vùng thuận lợi hỗ trợ vùng khó khăn là điều vô cùng đáng quý, nhưng theo các chuyên gia, đây chỉ có thể là giải pháp tạm thời và chất lượng giáo dục không thể đảm bảo so với có đội ngũ giáo viên trực tiếp tại trường.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên nhân chính của việc thiếu giáo viên do quy mô học sinh tăng cùng với việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới yêu cầu dạy hai buổi/ngày ở bậc tiểu học, cũng như xuất hiện thêm các môn và nội dung học mới như môn Tin học, Ngoại ngữ ở tiểu học, hoạt động trải nghiệm, giáo dục địa phương. Trong khi đó, công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên chưa sát, không kịp thực tế, việc tuyển dụng giáo viên gặp khó khăn vì thiếu nguồn tuyển, thiếu cơ chế để giữ chân giáo viên gắn bó với nghề. Một số địa phương không tuyển dụng giáo viên mới để thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế.

Tuy nhiên, từ thực tiễn cơ sở, ngoài các nguyên nhân trên, các địa phương đã chỉ ra những hạn chế trong cơ chế, chính sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể, việc quy định một định mức giáo viên/lớp, mức sỹ số học sinh/lớp chung cho cả nước là không phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho địa phương trong tuyển dụng.

Bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho hay dù đã được tăng 319 biên chế trong năm học vừa qua nhưng địa phương này hiện vẫn đang thiếu 836 giáo viên. Nguyên nhân do tỉnh có địa bàn rộng, dân cư phân tán, đặc biệt là ở vùng biên giới và các huyện 30A, nên mạng lưới trường lớp nhỏ lẻ, còn nhiều lớp ghép. Thực trạng này làm tăng nhu cầu cơ sở vật chất, trang thiết bị, tăng số lượng người cần làm trong ngành giáo dục so với tổng số học sinh, dẫn đến thiếu giáo viên. Trong khi đó, đời sống giáo viên còn nhiều khó khăn nên không thu hút được người ứng tuyển.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo các địa phương, để tạo được nguồn tuyển, thu hút được giáo viên, vấn đề chính sách cho nhà giáo ngày càng đặt ra bức thiết hơn, khi nhu cầu đời sống ngày càng tăng và cơ hội nghề nghiệp cũng phong phú hơn, trong khi đồng lương giáo viên eo hẹp.

 

Bài 2: 13.000 giáo viên nghỉ việc mỗi năm, cách nào giữ chân nhà giáo?

 

Từng ngón tay run run khi gõ lá đơn xin nghỉ việc, cô Trịnh Thị Kim Tuyền, nguyên giáo viên Trường THCS Trần Hưng Đạo, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang không cầm được nước mắt bảo sau 14 năm gắn bó với ngành giáo dục, cô không thể nghĩ đến ngày phải lìa xa bục giảng.

“Lương của tôi sau hơn 10 năm giảng dạy là 6,6 triệu đồng, không đủ để nuôi hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi học, bố mẹ cũng đã già, tôi buộc phải lựa chọn”, cô Tuyền rưng rưng nói.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 3 năm học vừa qua (tính từ tháng 8-2020 đến tháng 8-2023), tổng số giáo viên mầm non, phổ thông nghỉ việc, bỏ việc lên đến trên 40.000 người, bình quân mỗi năm trên 13.000 người. Bên cạnh đó, số lượng giáo viên nghỉ hưu mỗi năm khoảng 10.000 người. Trong khi từ năm 2020 đến nay, số chỉ tiêu được giao gần 26.000.

“Đối chiếu số lượng giáo viên nghỉ việc và số lượng giáo viên được tuyển dụng đang có sự chênh lệch lớn. Chưa kể đến tình hình tuyển dụng ở các địa phương đang gặp nhiều khó khăn”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

Số lượng giáo viên vốn đã thiếu lại hụt thêm mỗi năm. Giải pháp nào để giữ chân nhà giáo là vấn đề lớn của ngành. Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ban hành năm 2013 đã nêu rõ: “Có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (…) Có chế độ ưu đãi và quy định tuổi nghỉ hưu hợp lý đối với nhà giáo có trình độ cao (…) Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.

Tuy nhiên, sau 10 năm, tăng thu nhập của giáo viên vẫn là vấn đề bức thiết của ngành.

Tìm nghề "tay trái" để nuôi nghề "tay phải"

Tốt nghiệp ra trường, bắt đầu đứng lớp từ hơn 10 năm trước, chật vật mới tìm được một suất biên chế, nhưng đến nay, thu nhập của cô Nguyễn Thị Thanh (Thái Bình) chỉ hơn 7 triệu đồng.

“Sau chừng ấy năm cống hiến, lương chỉ tương đương thu nhập của một công nhân mới chân ướt chân ráo vào một xưởng may ở địa phương và chưa đủ tiền học cho hai đứa con. Đời sống kinh tế gia đình dựa hoàn toàn vào thu nhập của chồng”, cô Thanh buồn bã nói.

Cô Thanh bảo, để có thêm thu nhập, giáo viên như cô chỉ có hai lựa chọn: Hoặc là mở lớp dạy thêm và tìm nhiều cách khác nhau để học sinh đi học thêm, bất chấp các lệnh cấm hay thậm chí cả sự day dứt vì lương tâm nghề nghiệp, hoặc là tìm một công việc “tay trái” để nuôi “tay phải”, nuôi tình yêu nghề, vì phải “có thực mới vực được đạo”.

Suốt 7 năm qua, quán bún đậu mắm tôm là nguồn thu nhập chính của cô Trịnh Thị Kim Tuyền. “Khi đi làm, đồng lương không đủ để chăm lo cho gia đình, con cái, buộc mình phải vươn ra bên ngoài để kiếm sống. Khi không thể cân đối được thời gian cho cả hai thì mình buộc phải lựa chọn”, cô Tuyền chia sẻ.

Và cô đã buộc phải chọn “miếng cơm manh áo” cho gia đình, chọn lo cho cho các con cuộc sống đầy đủ hơn, lo cho cha mẹ già tuổi cao sức yếu, chọn lá đơn xin nghỉ công việc mình đã được đào tạo bài bản, đã say mê và cống hiến cả thanh xuân.

Với giáo mầm non, nỗi niềm càng đau đáu hơn khi sự vất vả với nghề còn lớn hơn so với các bậc học khác trong khi thu nhập thấp hơn. Cô giáo Lê Thị Tuyết Hường, công tác tại Trường Mầm non xã Thanh Nưa, một trường thuộc xã biên giới của huyện Điện Biên đã có hàng chục năm gắn bó với nghề.

Cô Hường cho hay theo quy định, thời gian làm việc của giáo viên mầm non là 8 giờ/ngày, nhưng trên thực tế, các cô thường làm việc ở trường 10-11 giờ/ngày, từ sáng sớm đến chiều muộn, đến trường trước khi phụ huynh đi làm và ra về khi phụ huynh cuối cùng đến trường đón con, không có nhiều thời gian chăm lo cho gia đình. Trong khi đó, áp lực công việc lớn, thiếu giáo viên nên có những lớp, một cô giáo đang phải một mình nuôi dạy hơn 30 trẻ.

Những giáo viên miền núi như cô, khoảng cách từ trung tâm đến điểm trường lẻ có khi đến 50 cây số, giao thông đi lại khó khăn, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Nhiều nơi không có nhà công vụ, thiếu nước sạch, chưa có điện trong khi giáo viên phải ăn ở, ngủ nghỉ tại điểm trường cả tuần, thậm chí là cả tháng. Điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ chơi cho trẻ còn thiếu thốn nên giáo viên phải thường xuyên tự làm cũng như huy động cha mẹ của trẻ cùng làm.

“Không thể kể hết những nhọc nhằn của giáo viên mầm non, nhưng tôi tin chắc rằng, nếu ai đó chỉ cần có một ngày trải nghiệm làm giáo viên mầm non tại vùng sâu, vùng xa thì chắc chắn sẽ có sự thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ với những vất vả của chúng tôi”, cô Hường chia sẻ.

Cũng theo cô Hường, vất vả và áp lực nhưng thu nhập của giáo viên mầm non chưa tương xứng với thời gian, công sức, chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống.

Đây cũng là tâm tư của cô Lý Thị Trinh Nguyên, giáo viên mầm non tỉnh Hậu Giang. Cô Nguyên cho hay giáo viên mầm non gần như phải làm việc gấp đôi số giờ quy định, với công việc vất vả, phải đóng rất nhiều vai: phải vừa nuôi vừa dạy, chăm sóc từng cháu, phải xử lý trực tiếp những tình huống hay gặp của trẻ nhỏ như quấy phá, lười ăn, những dấu hiệu của bệnh tự kỷ, lại gần như là một chuyên gia về dinh dưỡng, chuyên gia về can thiệp sớm, chuyên gia về tư vấn tâm lý, lại chịu áp lực lớn từ phụ huynh.

“Tuy nhiên, hiện tại, chế độ lương và phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non vẫn còn thấp so với các ngành nghề khác. Dù đã được phụ cấp 33% nhưng thu nhập không đủ trang trải cuộc sống nên vừa qua có rất nhiều giáo viên mầm non không bám trụ được với nghề, bỏ việc hoặc chuyển sang ngành nghề khác”, cô Nguyên chia sẻ.

Đề nghị tăng lương, nâng phụ cấp cho giáo viên

Cô Nguyên cho hay mong mỏi của giáo viên mầm non là đề nghị Chính phủ sớm tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 70% giống như các trường chuyên biệt để thu hút được đội ngũ và giúp các cô an tâm công tác.

Trong buổi gặp gỡ với gần một triệu giáo viên cả nước mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, thu nhập của giáo viên là một trong những vấn đề được các thầy cô đặt ra đầy bức thiết.

Ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết có hơn 6.000 ý kiến đã được cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục gửi đến Bộ trưởng; trong đó gần 2.000 ý kiến liên quan đến chế độ tiền lương, phụ cấp. Nhiều ý kiến mong muốn Bộ trưởng xem xét về chế độ chính sách đối với giáo viên nói chung để đảm bảo cuộc sống, đặc biệt là giáo viên đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Khoảng 500 ý kiến đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non.

Đại diện cho tiếng nói của giáo viên Tiền Giang, cô Nguyễn Thị Duyên, giáo viên Trường Tiểu học Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) cho hay nhiều nhà giáo mong muốn được giữ nguyên tuổi nghỉ hưu (nam 60, nữ 55), nhất là giáo viên mầm non.

“Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho đội ngũ nhà giáo được nghỉ hưu nhưng không bị thiệt so với chính sách chung, mong Bộ trưởng xem xét và đề xuất mức lương tốt hơn cho đội ngũ nhà giáo trong thời gian ngắn nhất”, cô Duyên nói.

Đại diện cho giáo viên Quảng Ngãi, cô Lưu Trương Kim Tuyền, giáo viên Trường Tiểu học Nghĩa Lộ, TP. Quảng Ngãi cho hay cán bộ, giáo viên tỉnh Quảng Ngãi có rất nhiều tâm tư, nguyện vọng, trong đó có vấn đề lương và phụ cấp của nhà giáo thấp so với mặt bằng chung, dẫn đến tình trạng giáo viên khó yên tâm công tác, nhiều giáo viên bỏ việc.

“Kính mong Bộ trưởng tham mưu Chính phủ có chính sách hỗ trợ nâng cao thu nhập cho đội ngũ đảm bảo cuộc sống”, cô Tuyền kiến nghị.

Kiến nghị về chính sách riêng với giáo viên mầm non, cô Dương Thị Thanh Hồng, giáo viên Trường Mầm non 1, TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết hệ số của giáo viên mầm non hạng 2 chỉ bằng hệ số lương của giáo viên tiểu học hạng 3. “Bậc lương giữa 2 cấp học quá chênh lệch, trong khi mỗi bậc học đều có những vai trò, khó khăn riêng. Chúng tôi cũng được đào tạo bài bản, trình độ cao đẳng, đại học. Công việc đặc thù riêng, vất vả trông trưa, ngoài giờ; luôn phải đối mặt với rủi ro về đảm bảo an toàn cho các cháu. Kính mong Bộ trưởng quan tâm về việc xếp hạng cũng như chính sách tiền lương giáo viên mầm non được xếp tương quan với giáo viên các cấp học khác”, cô Hồng đề nghị.

Chia sẻ với những tâm tư, nguyện vọng của các nhà giáo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách quan tâm đến giáo viên mầm non. Theo đó, ngoài lương, giáo viên mầm non còn có phụ cấp ưu đãi, phụ cấp tính theo thâm niên, phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu, trợ cấp một lần khi chuyển công tác với giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…

“Nhưng dù vậy, mức lương của giáo viên mầm non vẫn thấp so với mặt bằng thu nhập chung và so với công sức thầy cô bỏ ra”, Bộ trưởng nói.

Thấu hiểu nên trong nhiều diễn đàn, nhiều cuộc làm việc với các bộ ngành, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều phải cố gắng “tranh thủ” bày tỏ vấn đề này. Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, trước hết cân nhắc để có thể nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học.

“Bước đầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 10%, giáo viên tiểu học tăng thêm 5%. Còn lại, cần có sự thống nhất với Bộ Tài chính, sau đó thông qua Chính phủ… Mức tăng dù nhỏ nhưng cũng thêm một phần để động viên, bù đắp cho giáo viên mầm non, tiểu học”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Cũng theo Bộ trưởng, ngành giáo dục có số lượng người hưởng lương, công chức, viên chức rất lớn, chiếm hơn 70% tổng số công chức, viên chức cả nước. Do đó, mỗi chính sách điều chỉnh, dù nhỏ, cũng cần tính toán các nguồn lực, điều kiện.

“Bởi vậy, chúng ta mong muốn, kiến nghị, nhưng cũng cần từng bước, hợp lý”, Bộ trưởng cho hay.

Liên quan đến độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, Bộ trưởng cho biết hiện Chính phủ đang điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội. Trong góp ý Luật này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ý kiến chính thức đề nghị đưa giáo viên mầm non vào đối tượng lao động nặng nhọc, từ đó liên quan đến tuổi hưu. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã lưu ý đến điều này.

Thu nhập không đủ nhu cầu cuộc sống nên việc học bồi dưỡng nâng cao chuyên môn cũng là thách thức với giáo viên nếu phải tự trang trải chi phí, trong khi chương trình bồi dưỡng giáo viên theo yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chậm. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đội ngũ nhà giáo.

 

Bài 3: Chương trình đi trước, giáo viên mải mướt theo sau

 

Năm học 2023-2024 này, Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được triển khai ở bậc THCS đến năm thứ ba, nhưng dạy các môn học mới như môn tích hợp Lịch sử và Địa lý, Khoa học Tự nhiên, Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục địa phương, trong đó đặc biệt là môn Khoa học Tự nhiên vẫn là thách thức với nhiều giáo viên khi thầy cô chưa được bồi dưỡng hoặc chỉ được bồi dưỡng ngắn hạn.

Chưa đào tạo, làm sao đứng lớp?

Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 với các môn tích hợp Lịch sử và Địa lý, Khoa học Tự nhiên bắt đầu triển khai trên cả nước từ năm học 2021-2022 nhưng đến cuối tháng 7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành các quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT về chương trình bồi dưỡng giáo viên hai môn học này, trước thềm năm học mới vỏn vẹn một tháng.

Phần đầu của hai quyết định này đều khẳng định: Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Mỗi chương trình bồi dưỡng gồm từ 20-26 tín chỉ.

Theo các giáo viên, việc ban hành chương trình bồi dưỡng của Bộ Giáo dục và Đào tạo là quá chậm. “Để học được chứng chỉ phải mất thời gian ít nhất ba tháng nếu học tập trung, trong khi giáo viên vẫn đi dạy, dù tranh thủ dịp nghỉ Hè vẫn phải mất khoảng 4-6 tháng. Chưa kể học xong phải có thời gian để hấp thụ, lên kế hoạch, thu thập tài liệu, soạn bài giảng cho môn học hoàn toàn mới. Tôi cho rằng chương trình bồi dưỡng cần phải ban hành trước khi triển khai chương trình mới ít nhất một năm vì không phải cứ có công văn là giáo viên được đi học ngay”, cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên một trường THCS ở Hải Dương nói.

Chia sẻ của cô Hương là rất thực tế, vì thậm chí đến nay, sau hơn hai năm Bộ ban hành các quyết định trên, nhiều giáo viên vẫn chưa được đi bồi dưỡng vì vướng vấn đề tài chính khi mức học phí khoảng từ 3 đến 5 triệu đồng. Theo quyết định của Bộ, kinh phí bồi dưỡng từ ba nguồn: “Từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương; từ nguồn kinh phí của các đơn vị cử người đi bồi dưỡng; do người học tự đóng góp”. Đây là vấn đề rất khó khăn khi trách nhiệm tài chính không cụ thể cho một bên nên ở các vùng giáo viên đời sống khó khăn, trường không có kinh phí, địa phương không tổ chức lớp, người chịu thiệt là học sinh.

Trước thềm khai giảng năm học 2023-2024 này, Trường THCS Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) vẫn chưa có một giáo viên nào được tham gia bồi dưỡng dạy môn tích hợp.

 “Trường cũng rất mong nhưng đến nay vẫn chưa nhận được kế hoạch nào của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngọc Hiển hay Sở giáo dục và Đào tạo Cà Mau cho bồi dưỡng giáo viên môn tích hợp để cử thầy cô tham gia. Chúng tôi chỉ nhận được thông tin từ các trường sư phạm về việc mở lớp bồi dưỡng, nhưng tham gia thì giáo viên phải tự túc kinh phí trong khi các thầy cô thu nhập không cao, đời sống khó khăn, trường cũng không có điều kiện hỗ trợ. Trường thuộc xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đi học không chỉ phải tốn tiền học phí mà còn tiền ăn, tiền ở, chứ không thể sáng đi, chiều về”, thầy Lê Hồng Quân, Phó hiệu trưởng Trường THCS Đất Mũi chia sẻ.

Kinh phí cho đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp cũng là vấn đề được các giáo viên thẳng thắn đặt ra với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trong buổi gặp gỡ giáo viên cả nước trước thềm năm học mới vừa được Bộ tổ chức ngày 15-8 vừa qua.

Chia sẻ với Bộ trưởng, cô Hoàng Hải Vân, giáo viên Trường THCS Võ Thị Sáu (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) cho hay dạy tích hợp là cơ hội để giáo viên tiếp thu phương pháp dạy học hiện đại, yêu cầu giáo viên bồi dưỡng để dạy tích hợp là do thay đổi từ chương trình nhưng lại không có chính sách hỗ trợ kinh phí cho giáo viên tham gia bồi dưỡng các môn này. “Đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, phối hợp với các ngành chức năng đề xuất chính sách hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho đội ngũ giáo viên”, cô Vân nói.

Lúng túng dạy tích hợp

Cô Khổng Thị Thái, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Hùng Đức, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang cho hay trong năm học vừa qua, giáo viên của trường vừa dạy chương trình mới, vừa tranh thủ cuối tuần đi học bồi dưỡng về dạy tích hợp.

Thầy cô chưa được đào tạo nên thay vì một giáo viên đảm nhiệm cả môn học này, trường vẫn phải phân công công tác giáo viên dạy theo từng môn riêng lẻ. Chỉ riêng việc sắp xếp thời khóa biểu thôi đã là vấn đề đau đầu với các thầy cô và ban giám hiệu nhà trường. Đây cũng là thực tế ở rất nhiều trường THCS trên cả nước trong hai năm học vừa qua, từ vùng khó khăn đến vùng thuận lợi, từ nông thôn đến Thủ đô Hà Nội.

“Tôi được đào tạo về Hóa-Sinh, kiến thức môn Vật lý ở chương trình môn tích hợp Khoa học Tự nhiên ở lớp 6, 7 tuy chưa khó nhưng kiến thức chuyên sâu đủ để có thể tự tin đứng lớp thì không đủ”, thầy Nguyễn Minh Tuấn, Trường THCS Đất Mũi chia sẻ.

Ở cả chương trình lớp 6 và lớp 7, các chuyên đề đầu đều tập trung vào môn Hóa đến khoảng giữa học kỳ I, chuyên đề tiếp theo tập trung vào môn Vật lý đến đầu học kỳ II, sau đó là các chuyên đề nghiêng về môn Sinh học. Vậy nên đầu năm học, giáo viên môn Hóa học rất bận rộn trong khi giáo viên hai môn còn lại rảnh rỗi. Cuối học kỳ I và đầu học kỳ II thì đến thời gian cao điểm của giáo viên môn Vật lý. Học kỳ hai là thời gian vất vả kín tuần của giáo viên Sinh học. Thời khóa biểu phải thay đổi liên tục và bất cập về thời gian làm việc của giáo viên.

“Theo tôi, việc dạy tích hợp là hướng đi đúng nhưng do giáo viên chưa được đào tạo bồi dưỡng nên dù đã nỗ lực, chúng tôi vẫn chưa thể đảm bảo được mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra là dạy kiến thức liên môn cho học sinh. Để có thể đảm bảo được mục tiêu này, giáo viên cần phải được đào tạo, bồi dưỡng phần kiến thức môn học còn thiếu cũng như về việc dạy tích hợp vì đây là môn học mới”, thầy Tuấn thẳng thắn nói.

Cùng quan điểm này, thầy Lê Hồng Quân, Phó hiệu trưởng Trường THCS Đất Mũi cho biết: “Tích hợp là đúng hướng vì các môn học có sự liên quan và có thể đi theo một mạch chung. Dù còn nhiều khó khăn nhưng tôi cho rằng dạy học tích hợp là tốt và hay hơn so với dạy đơn môn như trước đây. Tuy nhiên, giáo viên cần phải được bồi dưỡng”.

Trước sự lúng túng của các trường, thầy Quân cho biết năm học 2023-2024 này, trường đã nhận được hướng dẫn của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngọc Hiển về việc sẽ dạy đồng thời các chuyên đề để giáo viên không còn phải dạy học theo kiểu “no dồn, đói góp”. Tuy nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng đến mạch kiến thức của chương trình và khó khăn trong kiểm tra, đánh giá.

Trên thực tế, ngay cả khi được bồi dưỡng, các giáo viên cũng chưa thể ngay lập tức đảm nhiệm được môn tích hợp mà cần phải có độ “lùi” để tiếp tục bổ sung kiến thức, rèn luyện chuyên môn.

Vốn là giáo viên dạy Sinh học và chỉ được bồi dưỡng các môn Hóa học và Vật lý ngắn hạn nên cô Đinh Thị Mỹ Hạnh, (Trường THCS Thuần Mỹ, Hà Nội) cho hay khi dạy môn Khoa học Tự nhiên, cô phải vừa dạy, vừa tự tìm hiểu bố sung kiến thức để đáp ứng yêu cầu.

Theo các giáo viên, để dạy sâu cho học sinh hiểu đòi hỏi giáo viên phải được đào tạo bài bản. Không được đào tạo bài bản thì với những câu hỏi khó của học sinh, giáo viên cũng khó khăn trong việc giải đáp thắc mắc của các em.

Tại trường THCS Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội), cô Hiệu trưởng Chu Thị Xuân Hường cho hay giáo viên đã được học bồi dưỡng dạy tích hợp từ năm học 2021-2022 nhưng chưa thể dạy tích hợp ngay. Năm học 2022-2023, trường mới bắt đầu thực hiện một giáo viên dạy cả môn tích hợp ở lớp 6. Với khối lớp 7, vẫn bố trí nhiều giáo viên dạy chung một môn.

Cô Nguyễn Thị Thiều Hoa, giáo viên Trường THCS Đặng Thai Mai (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) cho biết việc bồi dưỡng theo khung chương trình của Bộ cơ bản giúp giáo viên có thể dạy được cả môn tích hợp. Tuy nhiên để giáo viên tự tin hơn, dạy học hiệu quả hơn, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương, chỉ đạo, hướng dẫn để tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ giáo viên.

Theo giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, việc dạy môn tích hợp theo cách bố trí các giáo viên đơn môn lần lượt thay nhau dạy các chuyên đề là không đạt mục tiêu của chương trình mới. Vì vậy, việc bồi dưỡng giáo viên dạy học tích hợp phải được triển khai càng sớm càng tốt, nhất là khi năm học 2023-2024 này, môn tích hợp đã được dạy đến lớp 8.

Trong buổi gặp gỡ giáo viên cả nước ngày 15-8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay ông rất chia sẻ với những khó khăn mà giáo viên, cơ sở giáo dục đang gặp phải khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trong đó có dạy học tích hợp, liên môn ở cấp THCS.

Theo Bộ trưởng, đây là điểm mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Khi thiết kế chương trình, chúng ta mong muốn phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương, cơ sở giáo dục, giáo viên đang gặp phải một số khó khăn nhất định.

Có những nhà giáo đủ năng lực nên đã dạy được tích hợp với đủ hợp phần. Song cũng có giáo viên còn nhiều lúng túng, nhất là với giáo viên vùng khó dù đã được tập huấn, bồi dưỡng.

“Trong thời gian tới, Bộ sẽ xem xét để có thể điều chỉnh dạy học tích hợp cấp THCS. Song, điều chỉnh như thế nào để không xáo trộn và không gây sốc là việc cần cân nhắc. Điều chỉnh để tốt hơn, thuận lợi hơn và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục”, Bộ trưởng nói.

 

Bài 4: Phải đảm bảo đội ngũ giáo viên, cả số lượng và chất lượng

 

Trước thực trạng thiếu giáo viên trên cả nước và sự lúng túng của giáo viên ở một số môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Chính phủ đã ngay lập tức vào cuộc.

Nhiều chuyên gia, các địa phương cũng lên tiếng mạnh mẽ về việc phải đảm bảo đội ngũ nhà giáo, cả số lượng và chất lượng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, xây dựng nền tảng tri thức vững chắc cho học sinh - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Người đứng đầu Chính phủ trực tiếp chỉ đạo

Ngày 16-8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 747/CĐ-TTg yêu cầu các bộ liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương đảm bảo giáo viên kịp thời cho năm học 2023-2024.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo tổ chức tuyển dụng giáo viên, rà soát, cơ cấu lại, bảo đảm đủ giáo viên dạy đúng, đủ các môn học theo quy định; linh hoạt điều chuyển giáo viên đồng thời chủ động xây dựng các phương án để có nguồn tuyển dụng giáo viên kịp thời.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nội khẩn trương thực hiện việc sắp xếp, tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được phân bổ, bảo đảm về số lượng và chất lượng, bảo đảm thực hiện chủ trương "có học sinh, phải có giáo viên đứng lớp"; khẩn trương tổng hợp nhu cầu giáo viên năm học 2023-2024 còn thiếu của các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương sắp xếp giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Trong trường hợp chưa thể tuyển dụng đủ giáo viên theo định mức thì thực hiện hợp đồng giáo viên.

Tiếp đó, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 18-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu và thực hiện tốt công điện trên.

Chỉ đạo về các nhiệm vụ năm học 2023-2024, Thủ tướng chỉ rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm là cần nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non. Thủ tướng yêu cầu cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước, có giải pháp hỗ trợ tài chính với giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên sư phạm và các lớp tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông về nội dung đổi mới giáo dục.

“Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ ngành liên quan có chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non, vùng sâu, vùng xa. Tôi đã có văn bản chỉ đạo, đề nghị hai bộ trưởng khẩn trương gặp nhau để giải quyết vấn đề phụ cấp cho giáo viên. Vừa qua đã làm rất quyết liệt cho nhân lực ngành y tế, phải ‘thừa thắng xông lên”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Đoàn Giám sát của Quốc hội cũng kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng chưa tuyển dụng đủ giáo viên theo biên chế được phân bổ nhằm đảm bảo các yêu cầu về đổi mới chương trình theo sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Liên quan đến vấn đề này, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng việc giải quyết hết được các vấn đề giáo viên, xã hội quan tâm thì một mình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể làm được và phải có sự chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp của các địa phương. Vì vậy, với những tồn tại của ngành, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm có nghiên cứu, đánh giá tác động cụ thể.

Cũng theo Giáo sư Nguyễn Thị Doan, cần phải có giải pháp dài hơi trong đào tạo đội ngũ giáo viên, có sự đầu tư cẩn thận cho ngành sư phạm vì đây là ngành quan trọng.

“Ví dụ, chúng ta muốn dạy các môn tích hợp thì giáo viên phải được đào tạo dạy các môn tích hợp, chứ chỉ bồi dưỡng vài tháng học chứng chỉ không thể dạy tốt được, nên mới có tình trạng vẫn giáo viên môn nào dạy môn đấy mặc dù đã tích hợp Lý-Hóa-Sinh”, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói.

Địa phương mong gỡ các nút thắt

Cần tăng thu nhập cho giáo viên, có chế độ đặc thù với giáo viên vùng khó, sửa đổi định mức giáo viên/lớp, sửa đổi Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo giáo viên là những giải pháp đươc lãnh đạo các địa phương kiến nghị để giải bài toán thiếu giáo viên.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm giao chỉ tiêu biên chế giáo viên cho các địa phương để đủ định mức, kèm theo đó là lộ trình tinh giản biên chế theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Ông Duy cũng kiến nghị Chính phủ sớm nghiên cứu bổ sung các chính sách đãi ngộ đặc thù đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh các trường ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, để thực hiện thu hút tuyển dụng, thu hút, giữ chân giáo viên, nhân viên đang công tác của các địa bàn này; nghiên cứu giảm tuổi nghỉ hưu với giáo viên mầm non, tiểu học, nâng cao thu nhập để giáo viên gắn bó với nghề.

Với Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Duy cho đề nghị bộ cho phép các tỉnh miền núi được tuyển vào cơ sở giáo dục vùng cao giáo viên theo chuẩn cũ là cử nhân cao đẳng kèm theo lộ trình để đáp ứng chuẩn mới, đề xuất không quá 5 năm.

Cũng từ đặc thù của vùng khó, ông Duy đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi Thông tư 16 về định mức về số lượng giáo viên mầm non, phổ thông công lập cho phù hợp với địa phương và cơ sở vật chất.

“Chúng tôi cho rằng với điều kiện từng địa phương, cơ sở vật chất khác nhau thì nên có định mức giáo viên khác nhau, không quy định một định mức chung cho tất cả các địa bàn như hiện nay”, ông Duy nói.

Liên quan đến Thông tư 16, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nâng định mức giáo viên tiểu học cao hơn. “Định mức 1,2 giáo viên/lớp với học một buổi/ngày và 1,5 giáo viên/lớp với học hai buổi/ngày là chưa phù hợp với thực tế, không đảm bảo số lượng giáo viên cho số tiết dạy theo quy định”, ông Luân nói.

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo giáo viên để gỡ khó cho các địa phương khi giáo viên đặt hàng đào tạo không được ưu tiên tuyển dụng, dẫn đến nguy cơ rủi ro cho địa phương không thể tuyển sau khi đặt hàng.

Đây cũng là kiến nghị của bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum. “Đề nghị Chính phủ rà soát và ban hành cơ chế đặc thù với giáo viên vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như chính sách thu hút, tiền lương, phụ cấp, hoàn thiện chính sách đối với sinh viên đào tạo cử tuyển theo Nghị định 116 là người dân tộc thiểu số về công tác tại địa bàn khó khăn. Với ngành giáo dục đề nghị không cắt giảm 10% số người làm việc trên địa bàn khó khăn”, bà Y Ngọc nói.

Hoàn thiện thể chế, sắp xếp cơ sở giáo dục

Chia sẻ với các địa phương vùng khó về bất cập trong cách tính định mức giáo viên hiện nay của ngành giáo dục, ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho hay việc thiếu giáo viên, thiếu cân đối trong cơ cấu đội ngũ giáo viên giữa các môn học, cùng một cấp học, vùng miền kinh tế khác nhau và thực tế phân bổ giáo viên còn thấp so với định mức tối đa theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 “Nguyên nhân do quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định học sinh trên 1 lớp học, không phân biệt vùng miền. Đa số các địa phương, đặc biệt là địa phương vùng sâu, vùng xa, không bố trí đủ học sinh trên một lớp học, có nơi chỉ có 10, 15 em, thậm chí 5 em thì làm sao đủ, vì vậy ảnh hưởng đến chỉ tiêu”, ông Cường phân tích.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét không quy định chung mà phải quy định theo từng vùng, miền.

“Hiến kế” cho ngành giáo dục về giải pháp cho vấn đề thiếu giáo viên, ông Cường cho rằng thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thiện các nội dung về thể chế. Thứ hai là các địa phương khẩn trương sắp xếp các cơ sở giáo dục gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp, chuyển đổi mô hình giáo dục mầm non, phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa. Thứ ba là các địa phương phê duyệt quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục trong đó quy định rõ lộ trình tài chính.

Thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về nhà giáo, hoàn thiện hành lang pháp lý trong tuyển dụng, đãi ngộ, sử dụng giáo viên cũng là giải pháp để giải quyết vấn đề đội ngũ nhà giáo được Đoàn Giám sát của Quốc hội về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa nêu rõ trong báo cáo kết quả giám sát. Đoàn Giám sát cũng kiến nghị cần nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, bồi dưỡng giáo viên.

Về những vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết bộ đang triển khai nhiều nội dung, trên nhiều phương diện, từ sửa đổi cơ chế, các quy định liên quan đến tăng cường hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên, điều chỉnh trong đào tạo ở các trường sư phạm.

Cụ thể, bộ đang sửa đổi Thông tư 16 và sẽ sớm công bố để lấy ý kiến từ các địa phương, cơ sở giáo dục và người dân. “Tôi rất mong khi đó sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp để thông tư khi ban hành sẽ phù hợp với nhu cầu thực tiễn”, Bộ trưởng nói.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đề xuất điều chỉnh Nghị định 116 về đào tạo giáo viên liên quan đến đào tạo sư phạm, nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cơ chế đặt hàng của địa phương cũng như hỗ trợ về sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm. Dự kiến, Nghị định 116 sửa đổi sẽ hoàn thành trong năm nay và được kỳ vọng mở rộng nguồn tuyển sư phạm.

Để có nguồn tuyển giáo viên nhiều hơn, về giải pháp tạm thời, bộ đang làm thủ tục trình Quốc hội cho phép tạm thời tuyển dụng những giáo viên theo chuẩn của Luật Giáo dục cũ đồng thời đặt ra yêu cầu đến năm 2030, giáo viên phải đạt chuẩn. Về giải pháp lâu dài hơn, bộ đã có những điều chỉnh về đào tạo của các trường sư phạm.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ chủ động khắc phục những vấn đề về chuyên môn để giáo viên thấy được hỗ trợ và thuận lợi hơn trong công việc, bớt đi căng thẳng áp lực; tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn. Các địa phương cũng cần tích cực chia sẻ kinh nghiệm tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá…

Về vấn đề điều kiện công tác của giáo viên, Bộ trưởng cho hay trong chế độ chính sách của các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như các chương trình dự án khác, ngành giáo dục tăng cường việc kiên cố hóa trường học, chăm lo việc xây nhà ở công vụ cho giáo viên, đặc biệt ở các điểm trường, cắm bản, vùng khó.

Về chế độ cho giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Nội vụ lấy ý kiến các bộ, ngành khác trình Chính phủ đề xuất nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non và tiểu học, kiến nghị các địa phương không giảm biên chế một cách cơ học tạo thêm khó khăn cho ngành giáo dục.

“Chủ trương tinh giảm biên chế của Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo là đúng đắn. Tuy nhiên, nên thực hiện theo hướng giảm số người hưởng lương bằng ngân sách. Các địa phương cần chú ý điều tiết, hạn chế cắt chỉ tiêu biên chế của giáo dục”, Bộ trưởng nói.

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất