Tác phẩm “Từ các nghị quyết phát triển vùng của Bộ Chính trị đến hiện thực sinh động” của nhóm tác giả: Ngọc Thanh - Văn Bắc - Việt Anh - Hồng Vân - Kiều Hương - Sơn Bách - Bông Mai - Thiên Lam - Thành Đạt - Văn Toản - Khánh Giang - Huy Thạch - Thi Uyên - Trung Hiếu - Thanh Tùng - Văn Lúa - Công Lý - Hiển Cừ - Trịnh Bình - Hữu Nghĩa - Văn Toản - Thanh Tâm - Phạm Hà, đăng trên Báo Nhân Dân đã đoạt Giải B - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ VIII - năm 2023. Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
BÀI 1: TẠO Ý CHÍ VÀ KHÁT VỌNG MỚI ĐỂ KHƠI DẬY TIỀM NĂNG VÙNG
Năm 2022, Bộ Chính trị ban hành sáu Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh sáu vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ, vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng. Đây là một chủ trương mới với nhiều kỳ vọng nhằm khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới.
|
Chú trọng phát triển hài hòa các vùng, miền trong cả nước, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: "Bảo đảm phát triển hài hòa giữa các vùng, miền; thúc đẩy phát triển nhanh các vùng kinh tế trọng điểm, đồng thời tạo điều kiện phát triển các vùng có nhiều khó khăn;… giảm dần tình trạng chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư;… Các chính sách kinh tế - xã hội phải phù hợp với đặc thù của các vùng và các dân tộc".
Hơn 20 năm qua, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết chuyên đề và 6 Kết luận về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của 6 vùng. Được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện, các nghị quyết đã tạo những chuyển biến tích cực, hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư, cải thiện đáng kể việc kết nối giữa các tỉnh trong vùng và giữa các vùng trong cả nước. Trước đây nhiều cung đường từ địa phương này sang địa phương khác thời gian đi lại mất hằng ngày, thậm chí là hơn, nhưng khi đường giao thông được mở rộng, cải tạo nâng cấp, nhất là khi có đường cao tốc thì thời gian đi lại chỉ tính bằng giờ. Hệ thống đường cao tốc chưa bao giờ được triển khai quyết liệt, nhanh và hiệu quả như mấy năm gần đây. Ước tính cả nước hiện có gần 1.900 km đường cao tốc. Nhiều tuyến cao tốc trọng điểm Bắc - Nam, hoặc kết nối giữa các vùng kinh tế động lực được đưa vào sử dụng đã trở thành huyết mạch giao thông, làm thay đổi nhanh chóng sự giao lưu, giao thương giữa các vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm cho quốc phòng và an ninh. Nhờ đó một số địa phương, ngành có những phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng của vùng.
Tuy nhiên, để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của từng vùng thì còn rất nhiều việc để làm. Thể chế phát triển, điều phối kinh tế vùng chưa được quan tâm và chậm cụ thể hóa bằng pháp luật, cho nên liên kết vùng còn lỏng lẻo; khoảng cách giữa các vùng chưa được thu hẹp như mong muốn. Đơn cử như Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 37, ngày 1-7-2004 của Bộ Chính trị khóa IX, nơi đây vẫn là “vùng trũng” trong phát triển và là “lõi nghèo” của cả nước, các tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác hiệu quả; giao thông đi lại còn khó khăn hơn nhiều so với các vùng khác... Đó là một trong những “điểm nghẽn” có hóa giải được thì vùng đất khó này mới có cơ hội để phát triển.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: Cơ cấu lại kinh tế vùng, đổi mới thể chế liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng, phát huy vai trò các vùng kinh tế động lực, quan tâm phát triển các vùng còn khó khăn, thu hẹp chệnh lệch phát triển giữa các vùng. Nâng cao chất lượng quy hoạch vùng; đổi mới, hoàn thiện thể chế quản lý vùng có hiệu quả, phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của từng vùng, tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng.
Cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội, sáu nghị quyết phát triển vùng mà Bộ Chính trị ban hành lần này là nhằm tạo bước đột phá mới trong phát huy vai trò, vị trí quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển to lớn của các vùng trong giai đoạn mới.
Các nghị quyết lần này có nhiều điểm mới với tầm nhìn bao quát hơn và xa hơn; mục tiêu đề ra cao hơn, thậm chí làm hoàn toàn mới. Quan điểm, nhận thức và tư tưởng chỉ đạo trong các nghị quyết được kế thừa phát triển các nghị quyết trước, nhưng có nhiều điểm mới để tạo bước phát triển đột phá cho từng vùng, đồng thời phù hợp với chiến lược phát triển chung của cả nước.
Trước đây, các nghị quyết phát triển vùng thường xác định phương hướng, nhiệm vụ trong khoảng thời gian 10 năm, nhưng lần này, nghị quyết xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2030, đồng thời đưa ra tầm nhìn đến năm 2045, tức là khoảng thời gian thực hiện lên đến hơn 20 năm. Tầm quan trọng, vai trò, vị trí của từng vùng được đánh gía toàn diện, sát hơn với đặc điểm, tình hình của giai đoạn mới. Nhiều quan điểm chỉ đạo được thể hiện rõ hơn, đầy đủ hơn, như khai thác sử dụng hiệu quả tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và an ninh nguồn nước; gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Không phát triển bằng mọi giá mà phù hợp với chiến lược phát triển nhanh, bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu,... Trong phát triển lấy con người làm trung tâm, tôn trọng các quy luật tự nhiên và phù hợp với vị trí, vai trò của từng vùng.
Về mục tiêu, có vùng được xác định hoàn toàn mới, như Vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nếu Nghị quyết số 21 trước đây không đề cập thì Nghị quyết lần này xác định rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phấn đấu đến năm 2030, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; là trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia,... Đến năm 2045, có trình độ phát triển khá so với cả nước; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu; kinh tế phát triển năng động, hiệu quả với cơ cấu phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người...
Những điểm mới trong các nghị quyết lần này vừa thể hiện tầm nhìn, vừa là ý chí và khát vọng của từng vùng cũng như của toàn Đảng, toàn dân biến Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng thành hiện thực, phấn đấu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Để có ý chí và quyết tâm biến chủ trương của Đảng thành hiện thực, trước hết phải thống nhất về tư tưởng và nhận thức. Tư tưởng có thông, nhận thức có đúng mới tạo được động lực chohành động. Khi “Trên dưới đồng lòng dọc ngang thông suốt” thì khó khăn mấy cũng có thể vượt qua. Đó là thông điệp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến nhiều lần, nhất là khi tổ chức thực hiện những chủ tương lớn trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức như hiện nay.
Sau khi mỗi nghị quyết được ban hành, Bộ Chính trị đã tổ chức hội nghị toàn quốc (kể cả các địa phương không trong vùng cũng tham gia) để quán triệt, thống nhất tư tưởng và hành động, sớm biến nghị quyết thành hiện thực sinh động. Điều đó cho thấy quyết tâm cao của Đảng trong việc hiện thực hóa chủ trương này với tư tưởng chỉ đạo là phát triển vùng là nhiệm vụ chính trị chung của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trong cả nước chứ không riêng của vùng và các địa phương trong vùng. Sự phát triển của mỗi vùng liên quan mật thiết và tác động qua lại với các vùng khác.
Tại các hội nghị nêu trên, sáu bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là định hướng quan trọng cho quá trình quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện. Trong đó Tổng Bí thư đã phân tích và trả lời, làm rõ ba vấn đề có tính quyết định để đưa nghị quyết vào cuộc sống. Một là, vì sao vào lúc này Bộ Chính trị lại bàn và ra Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của từng vùng cụ thể? Hai là, những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của mỗi Nghị quyết lần này là gì? Ba là, chúng ta phải làm gì và làm như thế nào để tổ chức thực hiện có kết quả những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết lần này của Bộ Chính trị đã đề ra, biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động?
Việc triển khai các nghị quyết vùng phải gắn liền với chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn hệ thống chính trị. Một nghị quyết nhưng liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, khác với các nghị quyết chuyên đề về một lĩnh vực mà chủ thể có thể là một ngành, một địa phương. Nếu không tổ chức triển khai chỉ đạo quyết liệt, không phân công rõ ràng, không kiểm tra đôn đốc thường xuyên thì dễ có nguy cơ bị rơi vào quên lãng, hoặc làm qua loa, cầm chừng. Vì thế, nếu không “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” thì rất khó tạo được sức mạnh tổng hợp mà ngược lại dễ dẫn đến chống chéo, hoặc tạo ra những “vùng trống” hành động, hay “cua cậy càng, cá cậy vây”, không ai chịu ai như Tổng Bí thư thường nói.
Các cấp các ngành, các địa phương và cơ quan Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ cần làm “đúng vai, thuộc bài” đồng thời phải có sự phối hợp nhịp nhàng trong xây dựng cơ chế, chính sách, nhất là giải quyết những vấn đề đặt ra hay có nhiều ý kiến khác nhau trong tổ chức thực hiện nghị quyết. Các cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương trong vùng là chủ thể, lực lượng chính; các cơ quan, bộ ngành Trung ương là đầu mối kết nối và có thể là “trọng tài” trong quá trình vận hành cơ chế, chính sáchđể biến nghị quyết thành hiện thực.
Trong triển khai thực hiện nghị quyết, cần chú trọng hơn nữa việc gắn phát triển kinh tế - xã hội với đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ tâm, đủ tầm để “cầm lái” đưa nghị quyết đi đúng hướng và về đích đúng lộ trình, kế hoạch đã đặt ra.
Tại các hội nghị toàn quốc nghiên cứu quán triệt nghị quyết về phát triển vùng, điều được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tập trung phân tích, chỉ đạo làm gì, làm như thế nào để biến nghị quyết thành hiện thực sinh động. Từ kinh nghiệm và bài học thành công cũng như những hạn chế trong việc tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết nói chung, nghị quyết về vùng nói riêng, việc quan trọng đầu tiên là các cấp, các ngành cần quán triệt thật đầy đủ, đúng đắn, sâu sắc ý nghĩa mục tiêu yêu cầu nội dung của từng nghị quyết, nhất là nghị quyết thuộc vùng địa phương mình. Đồng thời thống nhất nhận thức, liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển của toàn vùng và các địa phương trong vùng.
Nhưng mặt khác, từng vùng và các địa phương trong vùng cần chủ động khơi dậy tinh thần tự lực tự cường, sáng tạo trong tổ chức thực hiện nghị quyết với ý chí, khát vọng vượt lên chính mình, làm giàu cho gia đình, cho địa phương, cho vùng và cho cả nước. Muốn làm được như vậy, các cơ quan chức năng, các địa phương phải tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách cho phát triển vùng và liên kết vùng về tổ chức, nguồn lực và cơ chế triển khai thực hiện.
Việc phát triển vùng phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia; đồng thời hình thành hành lang kinh tế một số vùng động lực, các cực tăng trưởng, phát triển các chuỗi ngành kinh tế, vùng đô thị và công nghiệp để tạo sự bứt phá cho toàn vùng. Mặt khác, ưu tiên nguồn vốn của Nhà nước để đầu tư hạ tầng giao thông cho những địa bàn xa xôi, đặc biệt khó khăn; coi đây là vấn đề có ý nghĩ trọng yếu đối với công tác bảo đảm quốc phòng và an ninh cho cả nước.
|
Nhận định về bối cảnh ban hành 6 Nghị quyết vùng của Bộ Chính trị, Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, trên thế giới đang diễn ra sự phát triển mất cân đối, gây ra hệ lụy của kinh tế lớn là hình thành những siêu đô thị. Vì thế, theo Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh, để tránh đi vào “vết xe đổ” của thế giới, chúng ta cần tiếp tục khai thác lợi thế từng vùng, nhưng vẫn phát triển hài hòa. Phải xây dựng cực tăng trưởng để hút nhân lực, nguồn lực, nhưng để tạo nên thể thống nhất trong nền kinh tế, phải kết nối các cực với nhau.
“Việc Bộ Chính trị ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với sự phát triển của vùng và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với sự phát triển của đất nước”, đồng chí Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, năm 2021-2022 là “thời điểm vàng”, có tính bước ngoặt để khẩn trương nghiên cứu xây dựng, ban hành các Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đề ra các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển phù hợp với bối cảnh, tình hình mới nhằm phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, góp phần tạo ra sự chuyển biến có tính đột phá trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở cả 6 vùng kinh tế - xã hội.
Nghị quyết còn là cơ sở chính trị quan trọng để xây dựng cơ chế, chính sách mới nhằm khai thác và phát huy cao nhất mọi tiềm năng, lợi thế để các địa phương trong các vùng phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Với từng vùng kinh tế - xã hội, Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng có những ý nghĩa riêng. Theo đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, vùng Đồng bằng sông Hồng mang vị trí động lực phát triển của cả nước, có nhiều địa phương lớn, bứt phá nhanh, có vị trí trong thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nói riêng, cả nước nói chung, như thủ đô Hà Nội, TP. Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh... Cả vùng đạt được nhiều thành tựu lớn, toàn diện từ kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị. Vùng đồng bằng sông Hồng cần phải là vùng đi đầu trong quá trình hội nhập, tận dụng tiềm năng lợi thế, giữ vai trò dẫn dắt với 6 vùng trong cả nước.
Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng được Bộ Chính trị ban hành với nhiều quan điểm, chủ trương mới. Trong đó, cần phải nhận thức liên kết vùng giữ vai trò chủ đạo dẫn dắt toàn bộ quá trình phát triển, đặc biệt trong việc ban hành quy hoạch vùng, địa phương bảo đảm tính kết nối trong tổng thể vùng. Chúng ta phải chú trọng ban hành chính sách đặc thù từng vùng để tận dụng tiềm năng, lợi thế.
“Chúng tôi tin Nghị quyết 30 được hiện thực hóa, sẽ đóng góp rất quan trọng vào quá trình phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung và các các địa phương trong vùng nói riêng, đem lại đời sống tốt đẹp hơn cho người dân toàn vùng”, đồng chí Nguyễn Duy Hưng đánh giá.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Ban Cán sự đảng UBND TP. Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị tiếp tục xác định Thủ đô Hà Nội là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Hồng, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.
Đặc biệt, theo đồng chí Trần Sỹ Thanh, Nghị quyết 30 được xây dựng trên cơ sở đánh giá tổng kết thực tiễn và lý luận rất khoa học, công phu do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì chuẩn bị. Nghị quyết đã dành sự quan tâm đặc biệt đến Thủ đô; xác định Hà Nội có vai trò đầu tàu, hạt nhân, dẫn dắt các địa phương trong Vùng. Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội là trung tâm, là động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực; đến năm 2045, Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
“Như vậy, cùng với Nghị quyết số 15 ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết về phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng sẽ là căn cứ, cơ sở chính trị quan trọng để xây dựng định hướng mang tính chiến lược, dài hạn nhưng rất cụ thể cho phát triển Thủ đô Hà Nội trong không gian chung của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định.
Đối với vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên đánh giá: “Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10-2-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một nghị quyết là quan trọng và được ban hành rất là đúng thời điểm, đúng trọng tâm và đúng đối tượng”.
Từ khi có Nghị quyết, Thái Nguyên đã ban hành các chương trình, kế hoạch để thực hiện Nghị quyết. Đồng thời tỉnh cũng tiến hành tuyên truyền để người dân địa phương, cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành, các cấp ủy nắm rõ nội dung và vị trí của Thái Nguyên trong Nghị quyết.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình cho rằng: “Nghị quyết số 11 có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Bắc Kạn, Nghị quyết đã đề ra các phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng, đẩy mạnh tính liên kết trong vùng, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng nói chung và từng tỉnh nói riêng. Qua đó, đây là cơ sở để tỉnh Bắc Kạn xác định được các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045”.
|
Phát biểu tại các Hội nghị triển khai nghị quyết phát triển Vùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh, phải nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển Vùng và phát triển chung của cả nước, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Vùng và liên kết vùng. Liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong Vùng. Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách cho phát triển Vùng và liên kết vùng về tổ chức, bộ máy, nguồn lực và cơ chế triển khai.
Từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa khẳng định: “Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là chủ trương lãnh đạo rất quan trọng, nhằm chỉ đạo quán triệt sâu sắc hơn và tổ chức triển khai thực hiện tốt hơn chủ trương, đường lối của Đảng, không chỉ thúc đẩy phát triển các tỉnh trong vùng, mà còn góp phần quan trọng hiện thực hóa mục tiêu liên kết vùng, thúc đẩy các vùng trong cả nước phát triển bền vững”.
Đặc biệt, việc triển khai Nghị quyết lần này sẽ giúp cho tỉnh Đồng Tháp tiếp tục phát huy những kết quả thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt cản trở sự phát triển và tạo ra động lực lớn giúp các tỉnh vượt qua những khó khăn, thách thức mới đang đặt ra, tạo bước đột phá mới trong việc phát huy vai trò, vị trí quan trọng đặc biệt của từng địa phương và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển to lớn trong giai đoạn mới.
Từ vùng Đông Nam Bộ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nhấn mạnh: “Dưới dự quan tâm sâu sắc của Bộ Chính trị và đồng chí Tổng Bí thư, sự ra đời của Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã củng cố sự tin tưởng, tạo sự phấn khởi trong Đảng bộ và nhân dân trong vùng, mang lại nguồn cảm hứng và động lực mới cho quyết tâm thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới. Tỉnh Bình Dương bày tỏ sự thống nhất cao và sẽ phấn đấu thực hiện thật tốt những nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại nghị quyết”.
“Vùng Tây Nguyên hiện vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức lớn. Do đó, để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Nguyên, ngày 6-10-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết số 23-NQ/TW được ban hành có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh Tây Nguyên hiện nay, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng Tây Nguyên, đáp ứng nguyện vọng của các Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các tỉnh Tây Nguyên”, đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk nói.
Các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 23-NQ/TW là định hướng để tỉnh Đắk Lắk tiếp tục công cuộc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong giai đoạn tiếp theo, phấn đấu để đưa Đắk Lắk thuộc nhóm phát triển khá của cả nước theo mục tiêu chung mà Nghị quyết đã đề ra.
Đồng thời, Nghị quyết số 23-NQ/TW cùng với Kết luận số 67-KL/TW, ngày 16-12-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng là căn cứ quan trọng cho tỉnh Đắk Lắk trong việc triển khai, xây dựng Quy hoạch, định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong gian đoạn tới, kỳ vọng sẽ tạo được đột phá và có bước chuyển biến mới, bộ mặt mới với nhiều đóng góp mới cho toàn vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi nhận định: “Nghị quyết số 26-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi”.
Thứ nhất, Nghị quyết số 26 đã xác định rõ hơn vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhất là về kinh tế biển và quốc phòng, an ninh biển, đảo của Tổ quốc.
Thứ hai, Nghị quyết số 26 là cơ sở chính trị quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới nhằm khai thác và phát huy mức cao nhất tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển nhanh, bền vững của toàn vùng cũng như các địa phương trong vùng trong thời gian tới.
Thứ ba, những nhiệm vụ, giải pháp được xác định đầy đủ trong Nghị quyết số 26 là cơ sở, định hướng quan trọng để các địa phương trong vùng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cho sự phát triển cho từng địa phương, đồng thời thúc đẩy liên kết phát triển giữa các địa phương trong Vùng, phát huy sức mạnh tổng thể của Vùng.
Nhằm triển khai việc tuyên truyền hiệu quả và sớm đưa Nghị quyết của Bộ Chính trị vào cuộc sống, Báo Nhân Dân là cơ quan báo chí đầu tiên trên cả nước tiên phong xuất bản các phụ trương chuyên trang, chuyên đề riêng biệt về 6 vùng kinh tế - xã hội. Báo Nhân Dân xuất bản 6 chuyên trang tương ứng với 6 vùng, phát hành kèm theo Báo Nhân Dân hằng ngày vào các ngày thứ hai, thứ tư, thứ năm. Trên Báo Nhân Dân điện tử và Truyền hình Nhân Dân có các chuyên trang Trung du và miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và Đồng bằng sông Hồng.
|
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: “Việc ra mắt các phụ trương chuyên trang, chuyên mục riêng biệt về sáu vùng kinh tế - xã hội là cột mốc lịch sử có ý nghĩa của Báo Nhân Dân theo đúng tinh thần của Nghị quyết Bộ Chính trị. Đây được xem là một bước đi mạnh dạn, thể hiện rõ tính định hướng dẫn đầu của cơ quan ngôn luận của Đảng”.
Việc xuất bản phụ trương trên Báo Nhân Dân hằng ngày và thực hiện mở chuyên trang, chuyên mục về sáu vùng trên các ấn phẩm Báo Nhân Dân điện tử và Truyền hình Nhân Dân sẽ đẩy mạnh tuyên truyền khai thác và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng; liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới...
BÀI 2: TẠO “BỆ ĐỠ” CHO CÁC ĐỊA PHƯƠNG PHÁT TRIỂN BỨT PHÁ
Sáu Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị đã tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá cho các địa phương. Từ đây, các địa phương vừa phát huy được thế mạnh của mình, vừa thúc đẩy kết nối, giao thương để phát triển kinh tế liên vùng. Sau gần một năm hiện thực hóa Nghị quyết vào cuộc sống, mỗi địa phương đang có hướng đi riêng, đột phá trên hành trình kiến tạo những giá trị về mặt kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
|
Tân Cảng Hải Phòng những ngày cuối năm đang vận hành tối đa công suất để xếp container lên 2 tàu xuất đi Mỹ và nội Á lên tới 2.500 teus/tàu. Công trường bến cảng 3, 4, 5, 6 cũng đang hối hả hoàn thiện hạ tầng dự kiến sẽ đưa vào hoạt động cuối năm 2023, đầu năm 2024. Khi “cảng cửa ngõ quốc tế” này đi vào hoạt động đồng bộ, Hải Phòng dự kiến đón tàu tải trọng lên tới 200 nghìn tấn, tiếp nhận được nhiều tàu hàng lớn tại châu Âu, có thể cạnh tranh với nhiều cảng quốc tế lớn quanh khu vực, trở thành trung tâm kinh tế biển hàng đầu ở Đông Nam Á, giúp miền bắc trở thành mắt xích quan trọng kết nối các vành đai kinh tế trong chuỗi hoạt động logistics của cả nước.
Đây là một hướng đi thành công của TP. Hải Phòng trong hiện thực hóa Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng trong gần một năm qua.
Giám đốc Cảng vụ Hải Phòng Nguyễn Anh Vũ cho chúng tôi hay, 5 năm đi vào hoạt động, lượng hàng thông quan tại Tân cảng Hải Phòng đạt trên 100% công suất thiết kế với khoảng 1,2 triệu teu/năm. Hiện cảng đang tiếp nhận được tàu có trọng tải đến 145.000 dwt (tấn), và dự kiến sẽ tiếp nhận tàu lên tới 160.000 tấn vào cuối năm.
Ra đời sau và còn non trẻ, cảng MPC đang vươn lên với thế mạnh phục vụ tuyến vận chuyển gần và sang thị trường nội Á. Đặc biệt, đây là bến cảng đầu tiên trên cả nước đủ khả năng đáp ứng vận chuyển xuất khẩu ô-tô với 2 chuyến xuất khẩu cho ô-tô Vinfast thành công sang thị trường Mỹ.
Tổng Giám đốc cảng MPC Nguyễn Xuân Giang tâm sự, mới đi vào hoạt động 3 năm, còn nhiều khó khăn, nhưng MPC nhìn thấy tiềm năng còn bỏ ngỏ của thị trường cảng biển. “MPC có thuận lợi ngay gần cửa biển, giúp các doanh nghiệp rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm thiểu chi phí một cách tối đa. MPC cũng là cảng đi tiên phong vừa vận chuyển hàng container, vừa làm hàng tổng hợp. Đặc biệt, các cảng biển khác trên cả nước chỉ nhập khẩu ô-tô thì chúng tôi là cảng đầu tiên có kết cấu phù hợp với các tàu xuất khẩu ô-tô. Tiến tới, chúng tôi sẽ triển khai dự án năng lượng sạch trong vận chuyển hàng hải”, ông Giang chia sẻ.
Khu vực cảng biển Hải Phòng có 102 cầu bến bốc xếp hàng hóa với tổng chiều dài cầu cảng khoảng 13,5km. Cảng biển Hải Phòng được xếp vào nhóm các cảng quan trọng nhất trong hơn 500 cảng biển của khu vực Đông Nam Á. Nằm trong 2 hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, trong khu vực Vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ, Hải Phòng có vị trí quan trọng trong giao lưu kinh tế giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước trong khu vực…
Hiện thực hóa Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng, những năm qua, TP. Hải Phòng tập trung phát triển theo mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng.
Theo đó, Hải Phòng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Ông Vũ tâm sự, với vai trò là cảng biển cửa ngõ, trung chuyển quốc tế, cảng biển Hải Phòng không chỉ đáp ứng nhu cầu tàu trọng tải lớn đi các nước nội vùng châu Á mà còn nhằm hướng tới các tàu mẹ chạy tuyến viễn dương như Panamax, Post Panamax, New Panamax,… trên hành trình châu Á - châu Âu - châu Mỹ sẽ ghé Việt Nam.
“Khi cảng biển được xây dựng đồng bộ, hàng hóa từ Việt Nam sẽ không phải trung chuyển qua Hồng Kông (Trung Quốc), Kao Hùng nữa mà sẽ được vận chuyển trực tiếp bằng tàu mẹ… thu hút các tàu trọng tải lớn vào Việt Nam, tăng nguồn doanh thu cho địa phương. Khi đó, Hải Phòng sẽ thành đầu mối vận chuyển lớn sang một số nước quanh khu vực và nội địa”, Giám đốc Nguyễn Anh Vũ nói.
Bên cạnh đó, Hải Phòng đang thúc đẩy việc xây dựng, nâng cao năng lực cảng Chùa Vẽ, cảng Đình Vũ. Xây dựng mới cảng khu công nghiệp Nam Đình Vũ, cảng Nam Đồ Sơn, sông Văn Úc. Xây dựng mới các cảng hành khách đầu mối tại khu vực Bến Bính và đảo Cát Hải, Cát Bà.
Từ thành công của Tân cảng Hải Phòng, thành phố đang thúc đẩy các doanh nghiệp xúc tiến triển khai nhanh xây dựng từ bến 3 đến bến 12 tại khu vực Lạch Huyện. Nhờ vị trí nằm ở đầu luồng hàng hải Hải Phòng, thời gian hàng hải trên luồng cũng sẽ được rút ngắn hơn so với các bến phía trong sông Bạch Đằng, sông Cấm; tiếp nhận được cỡ tàu trọng tải lớn đến 8.000 teus (khoảng 145.000DWT), tiếp nhận trực tiếp được tàu mẹ để đi các tuyến biển xa sang châu Mỹ, châu Âu, Nam Á,… mà không cần phải trung chuyển sang các cảng như Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Cao Hùng,… vì vậy thời gian vận chuyển hàng hoá, logistics được rút ngắn từ 3-5 ngày so với hiện nay.
“TP. Hải Phòng hội tụ đủ mô hình về giao thông vận tải. Tuy nhiên, để tương xứng với kỳ vọng là một trung tâm liên kết vùng còn nhiều vấn đề phải tiếp tục xây dựng và phát triển, trong đó cần phải ưu tiên xây dựng khu vực bến cảng Lạch Huyện thành cảng cửa ngõ quốc tế theo mục tiêu Chính phủ đặt ra”, ông Vũ bày tỏ.
Vận dụng sáng tạo Nghị quyết vào cuộc sống, phù hợp với tình hình của địa phương, gần một năm qua, Quảng Ngãi cũng đã đạt được một số kết quả nhất định trong phát triển kinh tế cảng biển. Phát triển kinh tế cảng biển, đưa một số cảng có thông thương lớn với thị trường quốc tế, là đầu mối xuất nhập hàng lưu thông cho hàng nội địa là một trong những nội dung quan trọng mà Quảng Ngãi đang hiện thực hóa Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ”.
Theo đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị có những định hướng chiến lược phù hợp với lợi thế phát triển của tỉnh Quảng Ngãi. Quảng Ngãi là tỉnh có vị trí chiến lược, nằm trong vùng kinh tế động lực miền Trung. Khu kinh tế Dung Quất là một trong những khu kinh tế tiên phong và thành công trong cả nước với hệ thống giao thông kết nối với các địa phương, vùng trong cả nước được tích cực đầu tư đồng bộ, theo hướng hiện đại với hệ thống cảng biển nước sâu Dung Quất, nằm cạnh cảng hàng không Chu Lai được quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế.
Hiện thực hóa Nghị quyết, tỉnh Quảng Ngãi xác định 2 định hướng lớn liên quan trực tiếp đến Quảng Ngãi, đó là mở rộng và xây dựng trung tâm lọc, hoá dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất và phát triển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trở thành trung tâm du lịch biển - đảo.
Hiện tỉnh đã thu hút được 2 dự án đầu tư kinh doanh cảng nâng tổng các dự án đầu tư cảng biển ở Khu kinh tế Dung Quất lên 9 hệ thống bến cảng và triển khai một số dự án trọng điểm trong Khu kinh tế Dung Quất như dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất; các dự án điện khí thuộc Trung tâm điện lực Dung Quất.
Đến nay, trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi đã thu hút được 26 dự án thuộc lĩnh vực logistics; tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn, phối hợp với Bộ Công thương xây dựng Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng Quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất.
Cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Quảng Ngãi đã cân đối nguồn lực của địa phương để thi công và thực hiện hoàn chỉnh thủ tục đầu tư các dự án như: đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn 2a; đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi; đường Trì Bình - Cảng Dung Quất; đê chắn sóng cảng Bến Đình; đê chắn cát, giảm sóng và nạo vét thông luồng vào khu neo đậu tránh trú bão cảng cá Sa Huỳnh; công viên Quảng trường biển, kết hợp khu đô thị - dịch vụ sinh thái thành phố Quảng Ngãi; nâng cấp, sửa chữa, hoàn thiện hạ tầng các cảng cá, cảng neo đậu tàu thuyền....
“Chúng tôi tích hợp đầy đủ các nội dung đề xuất quy hoạch, đầu tư phát triển chuỗi đô thị ven biển và hải đảo với hạ tầng đồng bộ, hiện đại từng bước hình thành các khu đô thị, dịch vụ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các đô thị dọc theo tuyến đường Dung Quất - Sa Huỳnh”, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân chia sẻ.
Tỉnh Quảng Ngãi đã tích cực làm việc với các bộ, ngành, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục cần thiết để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi được phê duyệt sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh Quảng Ngãi thu hút đầu tư, phát triển các ngành kinh tế biển như: Du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên, khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển khác.
Hệ thống cảng TP. Hồ Chí Minh là một trong 20 cảng thông qua lớn nhất thế giới năm 2020 cũng đang dần trở thành “trụ đỡ” cho phát triển vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.
Là "đầu tàu" kinh tế khu vực miền trung, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng cho biết, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, BTV Thành ủy Đà Nẵng kịp thời chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương quán triệt, tuyên truyền và xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW với 5 nhóm mục tiêu và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể.
Một trong những nội dung mà Đà Nẵng ưu tiên triển khai đó là kịp thời nghiên cứu, xây dựng và trình cấp thẩm quyền xem xét Đề án Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.
Với tiềm năng và thế mạnh về biển, xuyên suốt 3 kỳ đại hội Đảng bộ thành phố gần đây, Đà Nẵng luôn chủ trương khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về biển để phát triển với tốc độ cao, bền vững và hiệu quả; nghiên cứu từng bước xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị du lịch ven biển chất lượng cao; xác định lấy kinh tế biển làm chủ đạo cho sự phát triển bền vững của thành phố với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, đô thị biển quốc tế trên cơ sở phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường; đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố đạt 10% vào năm 2025 và 15% vào năm 2030. Mục tiêu đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành thành phố phát triển kinh tế biển bền vững và thịnh vượng.
Một giải pháp điển hình, khác biệt mà thành phố Đà Nẵng đã triển khai khi đây là địa phương đầu tiên đã cho tiến hành nghiên cứu, xây dựng Bộ Chỉ số phát triển bền vững các ngành kinh tế biển, kinh tế thuần biển cấp tỉnh - BEI (Blue Economy Indicators). Bộ chỉ số này được xây dựng trên cơ sở tiếp cận lý luận liên quan đến phát triển bền vững, phát triển bền vững kinh tế biển; tiếp cận các tiêu chí đó lường kinh tế biển xanh; và tập trung nghiên cứu tổng quan các mục tiêu phát triển bền vững đã có liên quan đến các phát triển kinh tế biển. BEI giúp xác định rõ thực tiễn tốt trong phát triển bền vững kinh tế biển tại đại phương, nhờ đó có thể nhân rộng mô hình, tập tập kinh nghiệm giữa các địa phương có biển trên phạm vi cả nước; góp phần hướng đến mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển của Việt Nam.
|
Hiện cả nước đang có 4 cực tăng trưởng gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. Theo tinh thần của sáu Nghị quyết về sáu vùng kinh tế, việc kết nối các cực tăng trưởng, thúc đẩy nhanh cao tốc bắc - nam tạo hành lang kinh tế dọc, liên thông các vùng là nội dung quan trọng để thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế vùng.
Theo đồng chí Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh, Nghị quyết 30/NQ-TW được xem là một căn cứ để Hà Nội nghiên cứu, đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thủ đô 2012 và lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, trong đó, xây dựng Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước.
Xác định vị trí là một trong bốn cực tăng trưởng của cả nước, có vai trò dẫn dắt toàn vùng đồng bằng sông Hồng, ngày 3-2-2023, Thành uỷ Hà Nội ban hành Chương trình hành động 23-CTr/TU; ngày 9-5-2023, UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch số 140/KH-UBND; trong đó đặt mục tiêu “Đến năm 2030: Xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội trở thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới”, đồng thời đề ra 20 chỉ tiêu chủ yếu (10 về phát triển kinh tế; 5 về phát triển văn hóa, xã hội; 5 về phát triển đô thị) và 55 nhiệm vụ cụ thể giao các sở, ban, ngành thực hiện.
Kế hoạch 140/KH-UBND đề ra 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó Thành phố đang chỉ đạo tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và liên kết vùng, cụ thể là rà soát, sửa đổi Luật Thủ đô (dự kiến báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội trong năm 2024); Trình duyệt Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 trong năm 2024.
“Ba nội dung quan trọng này dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Khi được Quốc hội thông qua, đây sẽ là con đường phát triển của Thủ đô trong 20-40 năm tới, cho nên ý nghĩa rất hệ trọng”, đồng chí Hà Minh Hải cho hay.
Là cực tăng trưởng ở phía nam, Cần Thơ đang thể hiện vai trò dẫn dắt Vùng đồng bằng sông Cửu Long. theo ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là Nghị quyết quan trọng giúp định hướng vùng phát triển toàn diện trong thời gian tới. TP. Cần Thơ với vị trí, vai trò là trung tâm vùng đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết này và các Nghị quyết của Trung ương. Một số địa phương trong vùng cũng công bố quy hoạch tỉnh để khai thác lợi thế, tiềm năng cùng phát triển.
Ngoài 4 cực tăng trưởng đã được định hình, tỉnh Thái Nguyên đang vươn lên trở thành một cực tăng trưởng ở khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ với những bước chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế. Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Cán sự Đảng bộ Thái Nguyên đã ban hành các chương trình, kế hoạch để thực hiện Nghị quyết. Đồng thời tỉnh cũng tiến hành tuyên truyền để người dân địa phương, cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành, các cấp ủy nắm rõ nội dung và vị trí của Thái Nguyên trong Nghị quyết.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nhấn mạnh, Nghị quyết số 11 nêu rõ, với vị trị địa chính trị quan trọng, Thái Nguyên được định hướng trở thành trung tâm công nghiệp, logistics của vùng.
“Thái Nguyên không chỉ là trung tâm vùng mà còn là cửa ngõ của vùng trung du miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng sông Hồng. Với sự đầu tư vào giáo dục và y tế, Thái Nguyên còn cung cấp nguồn nhân lực cho các tỉnh lân cận trong lĩnh vực chăm sóc khám, chữa bệnh và an sinh xã hội. Nhận thấy vai trò quan trọng của Nghị quyết, tỉnh đã có kế hoạch tuyên truyền, triển khai. Hiện nay, việc triển khai đang ở giai đoạn đầu và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ”, đồng chí Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.
Cao tốc bắc - nam cùng nhiều tuyến đường giao thông kết nối liên tỉnh đã hình thành trục nối chung, tạo hành lang kinh tế dọc toàn quốc, giúp các vùng liên thông kinh tế một cách thuận lợi. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để tạo nền kinh tế hàng hóa ngày càng phát triển. Liên kết vùng, chỉ thật sự thuận lợi khi hạ tầng giao thông được thông suốt. Bởi vậy, các vùng đều đang thúc đẩy nhanh hoàn thiện hạ tầng giao thông, để tạo thông thương thuận lợi cho phát triển kinh tế.
Tại Vùng đồng bằng sông Hồng, “đầu tàu” của vùng là Thủ đô Hà Nội đã khởi công đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô từ ngày 25-6-2023. Đồng chí Dương Đức Tuấn, Ủy viên BTVThành ủy Hà Nội, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, với quy mô đầu tư 85.813 tỷ đồng, kéo dài 112,8km, đi qua ba tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án quan trọng quốc gia, được Chính phủ, Quốc hội rất quan tâm, tạo mọi điều kiện triển khai thực hiện, đồng thời cũng đòi hỏi rất cao về tiến độ thực hiện.
Việc đầu tư tuyến đường Vành đai 4 trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, không chỉ khắc phục tình trạng quá tải về giao thông, mà quan trọng hơn là mở rộng không gian, khai thác hiệu quả hàng nghìn hec-ta đất phía tây đường Vành đai 4; phát triển các khu đô thị, công nghiệp hai bên tuyến đường trên địa phận tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và TP. Hà Nội, từ đó góp phần cơ cấu lại kinh tế, thu hút đầu tư các địa phương, tăng khả năng liên kết, giao thương hàng hóa với các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, cũng như vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng nêu rõ, dự án đường Vành đai 4 khi hoàn thành sẽ góp phần xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội của từng địa phương, trong đó có tỉnh Bắc Ninh, thực hiện quy hoạch vùng tỉnh, đẩy nhanh lộ trình nâng cấp các đô thị và quá trình đô thị hóa, phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong khi đó, Giám đốc Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Hưng Yên Trịnh Văn Diễn cho biết: Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và hệ thống đường song hành, cùng với các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, như tuyến đường Tân Phúc - Võng Phan, tuyến đường kết nối di sản dọc tuyến đê sông Hồng từ Văn Giang đến thành phố Hưng Yên… sẽ tăng cường khả năng kết nối tỉnh với Thủ đô Hà Nội và các địa phương khác trong vùng đồng bằng sông Hồng. Khi tuyến đường lưu thông sẽ tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; giải quyết nhu cầu giao thông cho tỉnh Hưng Yên với các khu vực trung tâm, đô thị, cảng hàng không Nội Bài; tạo điều kiện đi lại, lưu thông cho chuỗi đô thị lớn: Ecopark, Dream city, đô thị Đại An, các huyện phía bắc…
Xác định tầm quan trọng của dự án cũng như lường trước những vướng mắc có thể phát sinh trong quá trình triển khai, cả hệ thống chính trị của Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên đã vào cuộc với tinh thần chủ động, rốt ráo. Đến nay công tác triển khai dự án đã đạt kết quả tích cực, nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Nhờ đó, chỉ một năm kể từ khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 6-2022, dự án trọng điểm quốc gia này đã chính thức được khởi công.
Đồng chí Dương Đức Tuấn cho biết, đến nay các địa phương tại Hà Nội đã phê duyệt và thu hồi đất được 717,8ha, đạt 90,70%. Các quận, huyện đã khởi công, đang thực hiện 8 khu tái định cư. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội đã nhận 647,65ha, đạt 90,22% so diện tích đất đã thu hồi giải phóng mặt bằng để tổ chức rà phá bom mìn, bàn giao cho các nhà thầu thi công xây dựng.
Tại Hưng Yên, theo Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình giao thông (Sở Giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên) Hoàng Hải Bình, hiện nay các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng diện tích đất nông nghiệp và đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng đất ở, đất doanh nghiệp, đất tái định cư, đất di dời hệ thống lưới điện…; diên tích đất đã chi trả tiền bồi thường, thu hồi bàn giao cho chủ đầu tư được hơn 186ha, đạt 81,1% kế hoạch (đến ngày 24/10). Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng cho biết, đến ngày 18/10, tỉnh đã thu hồi, giải phóng mặt bằng khoảng 310ha, đạt gần 84% diện tích phục vụ dự án. Diện tích cần thu hồi chỉ còn khoảng hơn 60ha liên quan đến đền bù đất ở, tái định cư.
Bằng nhiều nguồn vốn, TP. Hải Phòng đang và sẽ đầu tư phát triển khu cảng cửa ngõ Lạch Huyện, Sân bay quốc tế Cát Bi - Hải Phòng, hệ thống đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, cầu Tân Vũ… Sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp với các ngành nghề kinh doanh mang tính chất xuất nhập khẩu cao đã tạo nguồn hàng hóa cho việc thúc đẩy đầu tư, khai thác các cầu, bến cảng trong khu vực cảng biển Hải Phòng.
Riêng tuyến đường thủy nội địa, hàng hải Hải Phòng đang khơi thông tiềm lực kênh Hà Nam để duy trì tàu cỡ nhỏ, trung bình vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao khả năng hoạt động hành lang đường thủy số 1, thi công nâng tĩnh không cầu sông Đuống để nâng lên đến 4 lớp container, giúp tăng luồng lưu thông hàng hóa nội thủy đến nhiều địa phương.
Là "cửa ngõ" phía nam khu vực miền bắc, cũng là "cửa ngõ phía nam của Nền văn minh sông Hồng"; thuộc hành lang kinh tế quốc gia Bắc - Nam; hành lang kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Kim Sơn (Ninh Bình); điểm kết nối, giao thoa, chuyển tiếp của 3 vùng kinh tế: Vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Vùng rừng núi Tây Bắc và Vùng duyên hải Bắc Trung Bộ, tỉnh Ninh Bình đang có nhiều ưu thế để phát triển kinh tế và thực hiện liên kết với các vùng.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình chia sẻ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định một trong ba khâu đột phá của tỉnh là tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, chất lượng. Tỉnh Ninh Bình đã triển khai thực hiện quyết liệt, đã phát huy, khẳng định quan điểm này đúng, ngày càng hiệu quả. Điều đó thể hiện rất rõ từ sự thay đổi ngay trong tư duy của đội ngũ cán bộ, đảng viên, sự phấn khởi của nhân dân, của các nhà đầu tư.
Trung ương và tỉnh Ninh Bình đã và đang chú trọng, quan tâm đầu tư phát triển hệ thống kết cấu giao thông đồng bộ, phục vụ và thúc đẩy quá trình kết nối vùng, liên vùng, như: Đường Quốc lộ 1A, Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; tuyến đường bộ ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An; tuyến đường bộ cao tốc Hải Phòng - Ninh Bình; hệ thống đường nội tỉnh kết nối các vùng trong tỉnh với nhau và kết nối với các trục đường của quốc gia…
“Thời gian di chuyển kết nối bằng đường bộ từ Ninh Bình đến Hà Nội khoảng 1 giờ đồng hồ; đến Hải Phòng chỉ khoảng 2 giờ và đến Quảng Ninh chưa đến 3 giờ. Đây cũng là điều kiện thuận lợi về vận tải, thông thương với các tỉnh trong cả nước và quốc tế, tạo lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, du lịch, dịch vụ, lưu thông hàng hóa, giao lưu văn hóa…”, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc chia sẻ.
Minh chứng về một điểm sáng trong phát triển kinh tế có tính liên kết vùng, đồng chí Phạm Quang Ngọc cho hay, DOVECO (tiền thân là Nông trường Đồng Giao (thành phố Tam Điệp) được biết đến với tư cách là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng ngành nông sản Việt Nam, là cầu nối giữa thị trường nông sản quốc tế với công ty thương mại, nhà sản xuất, người nông dân và người tiêu dùng trong nước.
Theo ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty DOVECO, hiện nay, công ty đã phát triển mạng lưới liên kết nông sản với rất nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Việc liên kết giữa các vùng trồng nông sản ở các địa phương khác nhau sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn, vừa đa dạng về thổ nhưỡng sẽ tạo ra những sản phẩm rau, củ, quả có chất lượng tốt.
Đến nay, Công ty đã có vùng nguyên liệu ổn định từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương, Hà Nam, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Bắc Kạn, hàng năm cung cấp trung bình hơn 30.000 tấn rau, quả các loại. Công ty đã hình thành chuỗi sản xuất khép kín hiện đại đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh. Không chỉ chinh phục khách hàng trong nước, hiện sản phẩm DOVECO đã có mặt ở 55 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tại Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Nghệ An đang là một địa phương vươn lên phát triển mạnh về kinh tế. Đồng chí Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho hay, Nghệ An đang hướng đến là một trong những trung tâm sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, thiết bị điện tử thông minh của cả nước. Nghệ An đứng đầu 14 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ về thu hút vốn FDI. 9 tháng đầu năm 2023, Nghệ An lần đầu tiên đã lọt vào tốp 6 tỉnh, thành phố có chỉ số thu hút FDI cao nhất cả nước.
Lý giải về một trong những thành công của hoạt động thu hút FDI, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết: Nghệ An đã và đang chuẩn bị "5 sẵn sàng" về: Mặt bằng; hạ tầng thiết yếu; nguồn nhân lực; đổi mới, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh và sẵn sàng hỗ trợ để thu hút các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài... Về mặt bằng, ngoài vấn đề quy hoạch mở rộng Khu kinh tế Đông Nam, Nghệ An đã và đang thúc đẩy, hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp. Trong đó, các nhà đầu tư VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt đã, đang hoàn thành đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp VSIP, WHA và Hoàng Mai 1 rộng cả nghìn ha. Cùng với đó, tỉnh cũng sẵn sàng các điều kiện để phát triển thêm các khu công nghiệp mới.
Theo đúng tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW, Nghệ An đang dần kết nối đồng bộ với vùng Bắc Trung Bộ, toàn quốc, nước bạn Lào và vùng đông bắc Thái Lan. Nghệ An đang gần hoàn thành các dự án giao thông quan trọng, như Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông đi qua địa bàn Nghệ An; quốc lộ ven biển; các dự án giao thông trong khu kinh tế Đông Nam… Qua đó, giúp việc đi lại, lưu thông hàng hóa được nhanh chóng và thuận lợi; đồng thời, kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp khu vực nam Thanh - bắc Nghệ, nam Nghệ - Bắc Hà xích lại gần hơn và có điều kiện khai thác chung hạ tầng thiết yếu, dịch vụ logistics…
Tại tỉnh Quảng Ngãi, theo Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thị Quỳnh Vân, tỉnh dành nguồn lực để tập trung đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong khu công nghiệp, khu kinh tế, đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống giao thông theo quy hoạch, ưu tiên các công trình trọng điểm có sức lan tỏa; đầu tư, đưa vào sử dụng các công trình hạ tầng giao thông quan trọng như: Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi; đường ven biển Dung Quất-Sa Huỳnh (đoạn Dung Quất - Mỹ Khê); đường bờ nam sông Trà Khúc (đường Trường Sa); cầu Cổ Lũy; cảng Bến Đình; đường cơ động kết hợp kè biển chống sạt lở huyện Lý Sơn.
Cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã cân đối nguồn lực của địa phương để thi công và thực hiện hoàn chỉnh thủ tục đầu tư các dự án như: đường ven biển Dung Quất- Sa Huỳnh, giai đoạn 2a; đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi; đường Trì Bình - Cảng Dung Quất; đê chắn sóng cảng Bến Đình; đê chắn cát, giảm sóng và nạo vét thông luồng vào khu neo đậu tránh trú bão cảng cá Sa Huỳnh; công viên Quảng trường biển, kết hợp khu đô thị-dịch vụ sinh thái thành phố Quảng Ngãi; nâng cấp, sửa chữa, hoàn thiện hạ tầng các cảng cá, cảng neo đậu tàu thuyền.... Bên cạnh đó, tích hợp đầy đủ các nội dung đề xuất quy hoạch, đầu tư phát triển chuỗi đô thị ven biển và hải đảo với hạ tầng đồng bộ, hiện đại từng bước hình thành các khu đô thị, dịch vụ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các đô thị dọc theo tuyến đường Dung Quất - Sa Huỳnh.
Ở cực nam tổ quốc, Vùng đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai 4 tuyến tuyến cao tốc trục dọc và trục ngang, với chiều dài hơn 350km. Trong đó, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (dài hơn 110km), Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (dài 188km) là 2 tuyến trọng điểm có ý nghĩa quan trọng đến sự phát triển của vùng.
Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, Chính phủ cùng các địa phương trong vùng đang tập trung đầu tư nhiều dự án cao tốc, các tuyến đường liên vùng nhằm tăng cường kết nối hạ tầng giao thông, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch số 342/KH-UBND ngày 6-12-2021 về việc thực hiện xây dựng các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2021-2025, với 26 danh mục công trình trọng điểm, 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và phân công nhiệm vụ cụ thể, trách nhiệm đối với từng sở, ban, ngành và chỉ đạo UBND cấp huyện tổ chức thực hiện toàn diện.
Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đã và đang chuẩn bị triển khai các dự án trọng điểm quốc gia như: cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1, tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, tuyến cao tốc Cao Lãnh - Lộ Tẻ.
Các dự án khi hoàn thành sẽ góp phần hình thành mạng lưới đường cao tốc vùng đồng bằng sông Cửu Long, đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo không gian kết nối và phát triển vùng, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển; phát triển cụm liên kết ngành; nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Là tỉnh đang có khao khát vươn lên trở thành cực tăng trưởng mới ở Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, Thái Nguyên được Chính phủ đầu tư xây dựng tuyến đường liên kết vùng, nối giữa 3 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc. Hiện nay, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó là vốn của trung trương là khoảng 1.700 tỷ đồng, vốn đối ứng của địa phương là 1.800 tỷ đồng. Theo tiến độ, dự án sẽ được hoàn thành vào khoảng quý 4 năm 2024, về đích trước tiến độ khoảng 1 năm.
“Quá trình chuẩn bị, triển khai dự án của Thái Nguyên được làm rất bài bản, là một trong những tỉnh đầu tiên sử dụng được nguồn vốn đầu tư công trung hạn là do Trung ương phân bổ. Với con đường liên vùng này, chúng tôi hy vọng tỉnh sẽ có những bước đổi mới, đột phá trong thu hút, phát triển công nghiệp, đặc biệt là phát triển liên kết vùng”, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên bày tỏ tâm huyết.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Thanh Hải, việc đầu tư cơ sở hạ tầng đường giao thông, cụ thể là tuyến đường liên vùng dài khoảng 46km nối Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc sẽ mở ra nhiều cơ hội để thu hút vốn đầu tư trong nước cũng như vốn FDI. Ngoài ra, hệ thống giao thông nội tỉnh cũng được địa phương đầu tư với nguồn ngân sách khá lớn. Cụ thể, các nguồn tăng thu cuối năm, cuối nhiệm kỳ đều được Thái Nguyên dùng để đầu tư cho hệ thống này. Ngay sau khi Nghị quyết 11 được ban hành, trong năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đã ký kết phối hợp nhiều hoạt động với tỉnh Bắc Giang.
“Nếu có đủ nguồn lực để thực hiện chính sách, đẩy mạnh liên kết vùng, các hoạt động sẽ rất hiệu quả, tiết kiệm. Khi đó, các tỉnh có thể khai thác nhiều tiềm năng, thế mạnh chung để thu hút nhiều nhà đầu tư lớn. Các doanh nghiệp có thể đầu tư vào Thái Nguyên vì có tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh ở bên cạnh, hoặc ngược lại”, đồng chí Nguyễn Thanh Hải khẳng định.
Tại Vùng Đông Nam Bộ, tỉnh Bình Dương sớm nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong lan tỏa, kết nối và thúc đẩy sự phát triển chung của vùng Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Để đạt được mục tiêu Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra, một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh hợp tác, phát triển cộng hưởng với các tỉnh trong vùng, đặc biệt là các địa phương giáp ranh trong vùng như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế, kết hợp nguồn vốn giữa trung ương và địa phương, đẩy mạnh thu hút có chọn lọc các dự án FDI, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác để phát triển hạ tầng kinh tế, văn hóa-xã hội, công nghệ thông tin, đô thị, trọng tâm là phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm của tỉnh như Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Chơn Thành… kết nối các địa phương trong Vùng ra sân bay (Tân Sơn Nhất, Long Thành), cảng biển (Cái Mép - Thị Vải); phát triển ga Sóng Thần (Dĩ An) thành trung tâm vận chuyển hàng hóa trọng điểm của vùng Đông Nam Bộ, từ đó hàng hóa bằng đường sắt từ Bình Dương sẽ kết nối với Trung Quốc và các nước trên tuyến vận tải đường sắt Á - Âu.
Tỉnh định hướng đến cuối năm 2045 phải cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng, trở thành đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới; đổi mới căn bản mô hình tăng trưởng, tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, nhất là phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao theo hướng trở thành các trung tâm tài chính, trung tâm thương mại, trung tâm giáo dục, trung tâm chăm sóc sức khỏe tầm cỡ khu vực và thế giới, các dịch vụ khác. Phát triển công nghiệp thế hệ mới hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp khoa học công nghệ, công nghiệp xanh, công nghiệp tuần hoàn, công nghiệp 4.0 tạo lập một vành đai công nghiệp.
Theo đồng chí Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đối với giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đô thị, Nghị quyết số 24-NQ/TW đã xác định cần thiết phải “Hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 3, Vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng”. Vì vậy, trong quá trình xây dựng quy hoạch tích hợp, hiện nay tỉnh Bình Dương đã quy hoạch các khu vực phát triển đô thị, khu vực phát triển công nghiệp dọc các tuyến vành đai-cao tốc này. Điều đó sẽ tạo ra một không gian phát triển mới với nhiều dư địa để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, di dời các doanh nghiệp/các khu công nghiệp trong đô thị không còn phù hợp quy hoạch, đồng thời tạo nguồn thu lớn từ quỹ đất để tái đầu tư phát triển.
|
Tây Nguyên là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của quốc gia, được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư phát triển. Đến nay đời sống người dân trong vùng đã có nhiều thay đổi về mọi mặt. Tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả đạt được trong những năm qua, trên cơ sở Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18-1-2002 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 24-10-2011; ngày 6-10-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên cho thấy vị trí, vai trò của vùng Tây Nguyên trong chiến lược phát triển cùng cả nước.
Theo đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, Tây Nguyên là vùng có vị trí chiến lược trong giữ vững an ninh quốc phòng. Nghị quyết số 23-NQ/TW là bước đột phá quan trọng mở ra cơ hội phát triển mới cho khu vực và là tiền đề, định hướng đặc biệt quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng có thể phát huy, khai thác có hiệu quả hơn nữa các tiềm năng, thế mạnh, vượt qua khó khăn, thách thức, tạo bước chuyển biến mới, mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Vùng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 23-NQ/TW cũng là định hướng, căn cứ quan trọng cho tỉnh Đắk Lắk trong việc triển khai, xây dựng Quy hoạch, định hướng, chiến lược phát triển trong thời gian tới, kỳ vọng sẽ tạo được đột phá và có bước chuyển biến mới, bộ mặt mới với nhiều đóng góp mới cho toàn vùng nói riêng và đất nước nói chung trong thời kỳ chiến lược mới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngay sau khi Nghị quyết số 23-NQ/TW được ban hành, Trung ương và các địa phương trong vùng đã khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết đề ra, đặc biệt Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW như: Ban hành Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15-11-2022, trong đó cụ thể hóa thành 23 nhiệm vụ cụ thể; 9 dự án đầu tư và hạ tầng giao thông kết nối của vùng.
Chính phủ đã thành lập Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên nhằm xác định cơ chế hoạt động, phương thức phối hợp trong việc đưa ra những hành động cấp vùng; lựa chọn lĩnh vực, nhiệm vụ ưu tiên của từng tiểu vùng, địa phương… để thúc đẩy sự phát triển của toàn vùng.
Lãnh đạo, chỉ đạo bộ, ngành có liên quan lập và tổ chức thực hiện quy hoạch vùng; xây dựng cơ chế, chính sách về phát triển vùng, liên kết vùng; các hoạt động xúc tiến, huy động nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện các chương trình, dự án liên ngành, liên tỉnh, liên vùng… Bên cạnh đó, một số bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã tổ chức các Hội nghị về liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương…
Qua đó, bước đầu đã tạo cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết và tạo được sự liên kết, chia sẻ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa giữa các địa phương, kết nối doanh nghiệp sản xuất…, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương, cùng cả nước đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Tại vùng Đông Nam Bộ, Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đặt ra nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại kết hợp với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo các quy hoạch, đề án, kế hoạch có tính khả thi cao, gắn với bảo đảm an ninh kinh tế trong tình hình mới. Xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Triển khai Nghị quyết, vùng Đông Nam Bộ đang tiếp tục xây dựng và phát huy hiệu quả các Khu kinh tế quốc phòng trên địa bàn vùng theo quy hoạch; hoàn thành đường tuần tra biên giới; phối hợp với Campuchia thực hiện phân giới cắm mốc trên đất liền và thúc đẩy phân định biên giới trên biển.
Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của vùng trong tình hình mới. Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, góp phần bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đối ngoại.
Là địa bàn trọng yếu ở dải đất miền trung, tại Quảng Ngãi, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thường xuyên được duy trì. Các công trình phòng thủ dọc tuyến ven biển và hải đảo được tiếp tục đầu tư xây dựng, tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững mạnh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ven biển thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới biển.
Tận dụng ưu thế địa phương có sẵn, học tập kinh nghiệm các đầu tàu kinh tế của vùng, tăng cường liên thông kết nối về mọi mặt, mỗi tỉnh, thành phố đang có những hướng đi riêng để phát triển kinh tế, hòa chung vào thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Gần một năm sau khi Bộ Chính trị ban hành 6 Nghị quyết, các địa phương vẫn còn nhiều vướng mắc chưa thể tháo gỡ để hiện thực hóa Nghị quyết vào cuộc sống. Khó khăn còn nhiều, nhưng quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương rất lớn. Trên lộ trình ấy, vai trò của Nhà nước rất quan trọng để giúp các địa phương có được cơ chế, chính sách về mặt nguồn lực để cùng “cất cánh”.
Bài 3: Nhận diện thách thức để giải bài toán phát triển, liên kết vùng
Năm 2022, Bộ Chính trị ban hành 6 Nghị quyết về phát triển vùng, mỗi vùng kinh tế đều có những đặc điểm, tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức mang tính đặc thù. Nhận diện được khó khăn, thách thức với từng tỉnh, thành phố, từng vùng kinh tế trọng điểm chính là cách để có thêm bài học thực tiễn, kiến giải chính sách và tạo thêm động lực thực hiện thành công nhóm Nghị quyết trong tương lai.
1. Khó khăn về hạ tầng giao thông
“Chúng tôi chưa có một kilomet cao tốc nào đúng nghĩa”.
Đó là chia sẻ thẳng thắn của đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn khi nói về những khó khăn trong khi triển khai Nghị quyết 11/NQ-TW của Bộ Chính trị tại địa phương.
Theo đồng chí, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 11-NQ/TW), tỉnh Bắc Kạn đã thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh Bắc Kạn để tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết. Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 30-9-2022; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 828/KH-UBND ngày 12-12-2022 để tổ chức thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ.
Đồng thời, để cụ thể hóa các nhiệm vụ của Hội đồng điều phối vùng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Kạn đã thành lập Tổ điều phối vùng tỉnh Bắc Kạn và ban hành Quy chế hoạt động của Tổ điều phối vùng, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể đến các sở, ngành để tham mưu triển khai các nhiệm vụ, hoạt động liên kết vùng, lập quy hoạch vùng,…
Một trong những mục tiêu quan trọng của tỉnh là tập trung hoàn thiện các quy hoạch, kết cấu hạ tầng, liên kết với các tỉnh trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ phù hợp quy hoạch phát triển của vùng và quy hoạch tổng thể quốc gia. Ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, viễn thông đồng bộ, hiện đại và thông minh.
Đồng chí Nguyễn Đăng Bình thông tin: Sau 1 năm triển khai Nghị quyết, hiện hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh vẫn còn yếu và thiếu. Cụ thể, Bắc Kạn mới chỉ có một đoạn bán cao tốc chạy từ Thái Nguyên lên tới huyện Chợ Mới.
“Ngoài trục nối dọc này, từ Bắc Kạn nếu muốn đi đến Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Phúc đều phải qua Hà Nội nên rất xa. Nếu như có các trục đường ngang sẽ thuận tiện hơn rất nhiều. Theo tôi, đây là một bài toán đặt ra, vì ngoài phát huy tiềm năng thế mạnh ra thì cũng phải đầu tư một nguồn lực nhất định để kết nối giao thông, hạ tầng”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn chia sẻ.
Ông Hoàng Văn Khởi, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn cho biết: Trong nhiệm kỳ vừa qua, tỉnh xác định cần tập trung phát triển hạ tầng giao thông kết nối các huyện, đặc biệt là tuyến từ thành phố đi hồ Ba Bể, tuyến từ Chợ Mới lên thành phố. Tuy nhiên, thực tế do kinh tế địa phương vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn ngân sách Trung ương nên hạ tầng giao thông vẫn chưa có bước chuyển biến rõ rệt.
“Giao thông chưa tốt khiến cho giá thành sản phẩm cuối cùng của doanh nghiệp bị tăng cao do phải “cõng” thêm chi phí vận chuyển, từ đó đánh mất một phần lợi thế cạnh tranh”, ông Khởi khẳng định.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đề xuất, để Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị phát huy được hiệu quả, cần phải có sự phát triển đột phá về hạ tầng giao thông trong vùng, hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông là giải pháp then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy liên kết vùng; đồng thời cần có những chính sách, nguồn lực để tạo thêm mạng lưới hạ tầng liên kết vùng. Theo đó, Tỉnh đề xuất Trung ương xem xét hỗ trợ đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối giữa các tỉnh, nhất là kết nối theo trục ngang; có chính sách hỗ trợ liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng.
Đồng tình với quan điểm trên, đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Cần Thơ cho biết: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, UBND TP. Cần Thơ đã ban hành kế hoạch thực hiện với mục tiêu đến năm 2030, Cần Thơ là đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long; thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao. Cần Thơ đã đề ra một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là tăng trưởng GRDP đạt mức 7-7,5%/năm giai đoạn 2025-2030, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 9-11,5%/năm, tổng thu ngân sách hằng năm đạt và vượt chỉ tiêu dự toán Trung ương giao…
Theo đồng chí, hiện nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai 4 tuyến cao tốc trục dọc và trục ngang, với chiều dài hơn 350km. Trong đó, cao tốc Cần Thơ-Cà Mau (dài hơn 110km), Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (dài 188km) là 2 tuyến trọng điểm có ý nghĩa quan trọng đến sự phát triển của vùng.
Khó khăn lớn nhất của các tuyến cao tốc này là thiếu cát đắp nền làm chậm tiến độ do nguồn cát khai thác ở các sông ngày càng cạn kiệt, khai thác cát ảnh hưởng đến sụt lún, sạt lở đất đe dọa sự phát triển của đồng bằng.
Đối với cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, Chính phủ giao cho các địa phương làm chủ đầu tư đoạn qua địa bàn mình, đồng thời phải có vốn đối ứng cùng với ngân sách Trung ương đầu tư tuyến cao tốc này. Trong năm 2023, Cần Thơ đã bố trí 1.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương cho dự án này. Tuy nhiên, ngân sách địa phương hạn hẹp, để có vốn cho dự án này, thành phố Cần Thơ phải cắt giảm vốn những dự án khác để bố trí cho dự án, làm ảnh hưởng chung đến đầu tư phát triển của thành phố.
Một khó khăn, thách thức khác đối với Cần Thơ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long là cần khơi thông luồng tàu có tải trọng lớn vào sông Hậu. Hiện kênh Quan Chánh Bộ sau một thời gian khai thác đã bị bồi lắng, tàu tải trọng lớn không thể vào được và đang chờ cải tạo, nạo vét. Dự án nạo vét luồng Định An cho tàu tải trọng 5.000 tấn vào sông Hậu đang triển khai theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 45 Quốc hội nhưng tiến độ chậm.
“Do vậy, hiện tại, tàu có tải trọng lớn không thể vào cụm cảng Cái Cui để vận chuyển hàng nông sản tiêu thụ. Hiện, khoảng 80% hàng hóa xuất khẩu của vùng phải vận chuyển lên cụm cảng Thành phố Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh hàng hóa vùng”, đồng chí Phạm Văn Hiểu nhận định.
Trong khi đó, đồng chí Phạm Thiện Nghĩa, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng: Kết cấu hạ tầng thiếu và yếu hiện nay thậm chí chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, kể cả giao thông kết nối nội vùng hay liên vùng. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý nhà nước cũng còn thiếu sự liên kết và phối hợp; cơ chế liên kết để tạo nên sức mạnh tổng hợp phát triển ngành, lĩnh vực và vùng hiện nay mới được hình thành nhưng chưa hoàn chỉnh.
Thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây viết tắt là Nghị quyết 13-NQ/TW) và xuất phát từ thực tiễn phát triển của tỉnh Đồng Tháp, Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động số 48-CTr/TU ngày 17-2-2023 với 05 quan điểm phát triển, 17 nhóm chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030 và 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để lãnh đạo triển khai thực hiện.
Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa nêu quan điểm: Cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng theo quy hoạch, giải quyết các điểm nghẽn trong lĩnh vực giao thông vận tải phù hợp với quy hoạch Vùng được phê duyệt.
Bên cạnh đó, cần tăng cường nghiên cứu hoàn thiện cơ chế điều phối liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo cơ sở cho việc định hướng xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, thúc đẩy sự hợp tác giữa các địa phương trong và ngoài vùng, cũng như giữa các ngành, lĩnh vực trong quá trình tổ chức triển khai các chương trình, dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng chung của vùng, hoặc công trình có phạm vi ảnh hưởng liên vùng, quốc gia và quốc tế.
Tại vùng Đồng bằng sông Hồng, hiện thực hóa Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 30-NQ/TW), những năm qua, TP. Hải Phòng tập trung phát triển theo mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng.
Mặc dù vậy, việc phát triển kinh tế biển, thông thương kinh tế liên vùng-một trong những trọng tâm chính của Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đang gặp khó vì… giao thông.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Cảng vụ Hải Phòng cho biết: Hiện, cơ sở hạ tầng về đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa kết nối với cảng biển cơ bản chưa đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai. Ông Vũ dẫn chứng: Để phát triển cảng tại Lạch Huyện, các doanh nghiệp sẽ cần hoàn thiện đường phía sau cảng. Hiện nay, khu vực này mới chỉ được hoàn thiện hạ tầng giao thông đến bến 1, 2.
“Các bến từ 3-12 theo dự kiến sẽ được hoàn thiện dần nhưng vẫn vướng mắc về giao thông. Nếu để doanh nghiệp tự làm, sẽ dẫn đến không đồng bộ về mặt hạ tầng, vướng mắc về cơ chế”, ông Vũ nói.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở nhiều địa phương khác trong cả nước. Tại vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, trong một năm qua, kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 26-NQ/TW), tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết, nhất là các nội dung liên quan đến phát triển các ngành kinh tế biển. Mặc dù có thuận lợi lớn về giao thông biển, nhưng Quảng Ngãi lại “gặp khó”… trên núi.
Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, hiện nay, Quảng Ngãi có nhiều huyện miền núi, đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc miền núi còn khó khăn, trong khi các nguồn vốn đầu tư hằng năm có hạn, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển của tỉnh; đặc biệt là đầu tư đồng bộ hạ tầng để tạo kết nối, giao thương trong phát triển vùng.
Tại vùng Tây Nguyên, đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk thông tin: Sau khi Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 23-NQ/TW) được ban hành, Trung ương và các địa phương trong vùng đã khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết đề ra, đặc biệt Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW. Điển hình như đã ban hành Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15-11-2022, trong đó cụ thể hóa thành 23 nhiệm vụ cụ thể; 9 dự án đầu tư và hạ tầng giao thông kết nối của vùng. Thành lập Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên nhằm xác định cơ chế hoạt động, phương thức phối hợp trong việc đưa ra những hành động cấp vùng; lựa chọn lĩnh vực, nhiệm vụ ưu tiên của từng tiểu vùng, địa phương… để thúc đẩy sự phát triển của toàn vùng.
Mặc dù vậy, hiện nay, cũng như nhiều địa phương khu vực Tây Nguyên, mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật - xã hội tỉnh Đắk Lắk còn thiếu đồng bộ. Hệ thống giao thông đường bộ còn hạn chế so với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế chủ yếu tập trung vào các khu vực đô thị và các vùng ven trục giao thông chính; các vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc còn phát triển chậm.
2. Bài toán khó về nguồn nhân lực
Bên cạnh khó khăn liên kết vùng, trong quá trình triển khai các Nghị quyết phát triển kinh tế vùng, nhiều địa phương cũng vấp phải lực cản lớn từ nguồn nhân lực.
Bắc Kạn là địa phương có dân số thuộc diện thấp nhất cả nước. Trên địa bàn tỉnh hiện có duy nhất một khu công nghiệp tập trung tại huyện Chợ Mới. Mặc dù là giữa tuần nhưng xưởng sản xuất của công ty Lincheenwood trong Khu công nghiệp Thanh Bình vẫn còn 2 dây chuyền bỏ không do… thiếu nhân lực.
Bà Nông Thị Kiểm, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết: “Mặc dù yêu cầu nhân công chủ yếu là lao động phổ thông nhưng nhà máy cũng thường xuyên không tìm đủ người”.
Lý giải về điều này, ông Hoàng Văn Khởi, Phó Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, Đảng bộ tỉnh đã xác định phát triển công nghiệp là một trong 4 trọng tâm hàng đầu. Mặc dù vậy, quá trình phát triển gặp rất nhiều khó khăn do vướng quy hoạch, hết chỉ tiêu quỹ đất dành cho công nghiệp, hạ tầng giao thông và cả vấn đề nguồn nhân lực.
“Thực tế, thời gian qua, Bắc Kạn đã đầu tư cho đào tạo nhân lực, đào tạo nghề nhưng lại thiếu khu làm việc tập trung khi toàn tỉnh duy nhất có một khu công nghiệp duy nhất với quy mô 150ha tại Chợ Mới. Do đó, nguồn nhân lực của tỉnh lại đi làm ở các tỉnh lân cận, phát triển hơn như Bắc Giang, Thái Nguyên”, ông Khởi nói.
Ngoài ra, trình độ lao động địa phương chưa cao, tác phong kỷ luật chưa tốt nên tình trạng tự ý nghỉ việc vẫn rất phổ biến. Qua một vài năm, chất lượng nguồn lao động đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu. Mặc dù vậy, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao lại rất… nan giải.
“Thực tế, việc phát triển khu công nghiệp cần gắn với phát triển đô thị, dịch vụ hạ tầng kèm theo, như thế mới thu hút được nguồn lao động chất lượng cao. Hiện nay, tại Khu công nghiệp Thanh Bình, việc tìm được kế toán, quản trị, lao động kỹ thuật là rất khó khăn”, ông Khởi thừa nhận.
Đồng chí Triệu Đức Văn, Bí thư Đảng ủy huyện Chợ Mới cũng cho rằng, việc đào tạo nghề hiện chưa gắn với nhu cầu việc làm thực tế. Nguồn nhân lực địa phương thường chỉ là lao động phổ thông, do đó tạo thành lực cản nếu muốn phát triển dài hơi hơn.
Nghị quyết 11-NQ/TW đặt ra mục tiêu: Phát triển toàn diện là sự phát triển với người dân là trung tâm, người dân là mục tiêu và là động lực của sự phát triển. Đó là sự phát triển đảm bảo sự bình đẳng không chỉ trong thụ hưởng các thành quả của phát triển mà còn cả trong cơ hội tham gia vào quá trình phát triển, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa vùng với các vùng khác; giảm nghèo bền vững và đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Đây chính là tính xã hội chủ nghĩa trong phát triển vùng.
Theo đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, hiện nay, tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp còn lớn. Tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực phi chính thức còn khá cao; đa số lao động trong các khu vực này là lao động giản đơn, có tính thời vụ, không ổn định nên năng suất lao động thấp. Ngoài ra, Quảng Ngãi có nhiều huyện miền núi, đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc miền núi còn khó khăn, trong khi các nguồn vốn đầu tư hàng năm có hạn, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, bên cạnh các khó khăn về hạ tầng như đã nêu trên, hiện Đắk Lắk cũng gặp vướng mắc về nguồn nhân lực.
“Chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt ở các khu vực khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thiếu đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý giỏi; trình độ chuyên môn kỹ thuật, quản lý, điều hành chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, mặt bằng phát triển kinh tế của tỉnh không đồng đều chủ yếu tập trung vào các khu vực đô thị và các vùng ven trục giao thông chính; các vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc còn phát triển chậm. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng khó lường, tạo ra những thách thức lớn, ảnh hưởng đến nhiều mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh”, đồng chí Nguyễn Đình Trung nêu.
Nhận diện lực cản, lãnh đạo các tỉnh, thành phố cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa chính sách phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực có chất lượng cao; bảo đảm đưa các Nghị quyết phát triển vùng kinh tế về đích thắng lợi.
3. Tư duy liên kết vùng "nghẽn"... ngay từ cơ sở
Năm 2019, một khoảng thời gian sau khi Khu công nghiệp Thanh Bình - khu công nghiệp đầu tiên và duy nhất của tỉnh Bắc Kạn được thành lập, công ty Lechenwood chính thức đầu tư, xây dựng nhà xưởng sản xuất tại xã Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới. Với mục tiêu tận dụng vùng nguyên liệu gỗ dồi dào cùng nguồn nhân lực giá rẻ tại địa phương, Lechenwood tập trung phát triển các sản phẩm gỗ dán, ván sàn, ván ép để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Thế nhưng, từ khoảng 3 năm trở lại đây, những lợi thế này lại đang dần bị mất đi.
Sở dĩ, Lechenwood nói riêng, các doanh nghiệp ngành gỗ nói chung tại Khu công nghiệp Thanh Bình đang “gặp khó” bởi mối liên kết từ vùng trồng, khai thác và vùng sản xuất chưa thực sự bền vững và nhất quán. Quá trình thu mua gỗ bóc của doanh nghiệp theo quy trình từ chủ rừng bán cho các tư thương… qua rất nhiều khâu mới đến doanh nghiệp xuất khẩu. Doanh nghiệp chỉ có thể truy xuất được 1-2 chủ thể trước họ chứ không thể truy xuất đến chủ rừng.
Thừa nhận tình trạng trên, bà Kiểm thông tin: Hiện đơn vị này mới có khoảng 20% nguyên liệu từ trong tỉnh, còn lại vẫn phải nhập từ bên ngoài.
“Nguồn nguyên liệu tại địa phương rất phong phú, có tiềm năng lớn, tuy nhiên giữa người trồng rừng và nhà máy sản xuất vẫn chưa có được sự liên kết chặt chẽ. Để giải quyết vấn đề này thì giữa người trồng rừng, chính quyền và doanh nghiệp cần có sự phối hợp chặt chẽ, sao cho gỗ từ rừng có thể về ngay nơi chế biến trong tỉnh thì sẽ nâng cao hiệu quả lâm sản địa phương", bà Nông Thị Kiểm, Phó Tổng Giám đốc công ty Lechenwood cho biết.
Thiếu tính liên kết vùng trong chính cấp cơ sở thực tế là vấn đề không hề hiếm gặp tại nhiều địa phương thuộc các vùng kinh tế khác nhau trên cả nước.
Tại Bắc Kạn, Công ty TNHH Misakia Việt Nam buộc phải tìm nguyên liệu chế biến tận Hà Giang, Cao Bằng khi không thể chủ động tạo dựng vùng nguyên liệu ở địa phương. Đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh cũng cho biết, nhiều mô hình liên kết sản xuất tại các thôn, bản chưa thành công, khi người dân không thực sự mặn mà. Thêm vào đó, điều kiện núi đồi chia cắt cũng khiến cho mối liên kết nội tại trở nên… dễ bị tổn thương hơn.
Đồng chí Triệu Đức Văn, Bí thư Đảng ủy huyện Chợ Mới thẳng thắn: Mặc dù là địa bàn có điều kiện thuận lợi bậc nhất về hạ tầng - giao thông của tỉnh Bắc Kạn khi nằm ở cửa ngõ, trên trục quốc lộ 3 nối với Thái Nguyên, nhưng hệ thống đường ngang liên xã, liên vùng của Chợ Mới vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển. Do những khó khăn về ngân sách cũng như nguồn lực, mối liên kết giữa các xã, thôn chưa được chặt chẽ. Nhiều doanh nghiệp sau khi đi khảo sát dự án tại các khu vực không thuận tiện về giao thông đều… lắc đầu từ chối.
“Thậm chí như trong lĩnh vực khai thác nông lâm nghiệp, người dân và cả doanh nghiệp sẵn sàng phá chuỗi liên kết. Người dân thì bán ra ngoài khi được giá, hoặc doanh nghiệp hạn chế thu mua”, đồng chí Triệu Đức Văn thông tin.
Dẫn thí dụ trường hợp của Lechenwood, Bí thư huyện ủy Chợ Mới cho rằng, doanh nghiệp hiện nay chủ yếu đầu tư vào giai đoạn cuối mà chưa đầu tư, ký kết với người dân để hình thành vùng trồng nguyên liệu ổn định.
Liên kết yếu từ cơ sở, dẫn tới việc chuỗi liên kết giữa tỉnh và tỉnh cũng còn nhiều hạn chế. Điển hình như tại khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ, sau một năm triển khai Nghị quyết 11/NQ-TW, tình trạng phát triển tự phát, thiếu kết nối vẫn còn tồn tại. Giữa tháng 9-2023, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng điều phối Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: Việc liên kết, hợp tác giữa các địa phương chưa thực chất, hiệu quả thấp, nhất là giải quyết các vấn đề mang tính toàn vùng như lao động, việc làm, thị trường tiêu thụ, môi trường, hệ thống kết nối giao thông.
Đánh giá trên góc độ từ thực tiễn địa phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình cho rằng: Trong quá trình triển khai Nghị quyết 11-NQ/TW, tỉnh gặp không ít khó khăn; trong đó không thể không kể đến điều kiện tự nhiên chia cắt, dân cư phân bố thưa thớt, không đều, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số; cơ sở hạ tầng giao thông, đường kết nối chưa đồng bộ và liên thông. Chính bởi những khó khăn trên, nên tính liên kết vùng còn kém.
“Trong giai đoạn đầu thực hiện Nghị quyết, Bắc Kạn cũng như một số địa phương trong vùng đang tập trung phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng giao thông, bước đầu tạo cơ sở để thúc đẩy liên kết vùng. Do vậy, hiện nay, các mô hình phát triển theo chuỗi liên kết của tỉnh Bắc Kạn với các địa phương khác trong vùng còn rất hạn chế”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn thẳng thắn.
Đồng chí Nguyễn Đăng Bình khẳng định: Để bài toán liên kết vùng được giải quyết triệt để, cần phải có sự liên kết trong tư duy, kết nối trong hành động.
“Tôi cho rằng, quan trọng là các tỉnh cần huy động chất xám, lắng nghe các ý kiến, cho ý kiến về phát triển vùng, liên kết vùng. Người dân cần gì trong liên kết, chính quyền cấp cơ sở cần gì để kết nối tốt hơn. Đầu tiên là kết nối từ tư duy, cùng với đó là kết nối trong hành động. Chúng ta tư duy đúng, có chủ trương đúng nhưng chúng ta phải hành động cùng nhau, đi cùng nhau, chia sẻ lợi ích chung của vùng, dài hạn và có cái nhìn tổng thể”, đồng chí Nguyễn Đăng Bình nhấn mạnh.
4. Vướng mắc về quy hoạch, chính sách
Bên cạnh những khó khăn về hạ tầng giao thông, tính liên kết vùng, nguồn nhân lực, các địa phương cũng đang phải đối mặt với nhiều bài toán liên quan tới quy hoạch cần phải giải.
Tại vùng Đồng Bằng sông Hồng, Nghị quyết 30-NQ/TW được xem là căn cứ để Hà Nội nghiên cứu, đề xuất Quốc Hội xem xét sửa đổi Luật Thủ đô 2012 và lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, trong đó, xây dựng Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước.
Ngay sau khi có các Nghị quyết của Trung ương, Hà Nội đã chủ động xây dựng, ban hành các chương trình hành động, kế hoạch triển khai với nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện đặc thù của Thủ đô. Trong đó luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Thủ đô đối với quá trình phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Mặc dù vậy, Thủ đô cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trọng tâm là hạn chế về nguồn lực, nhất là vốn đầu tư.
Lãnh đạo TP. Hà Nội cho hay: Hiện nay việc thu hút vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách hiện nay còn khó khăn do vướng mắc về cơ chế, chính sách đầu tư, đất đai; nhiều dự án có sử dụng đất chậm triển khai, gây lãng phí nguồn lực. Thu ngân sách có quy mô khá lớn nhưng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu đầu tư phát triển.
Việc giảm tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách TP. Hà Nội sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách đã làm ảnh hưởng lớn đến nguồn lực cho đầu tư phát triển và phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố (giai đoạn 2009-2010 là 45%, giai đoạn 2011-2016 là 42%, giai đoạn 2017-2021 giảm còn 35%, giai đoạn 2022-2025 giảm còn 32%). Ngoài ra, phân cấp của Trung ương cho Thành phố một số nội dung chưa tính đến đặc thù của Thủ đô cũng làm hạn chế sự chủ động trong việc huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, Hà Nội đang nghiên cứu, sửa đổi Luật Thủ đô 2012 theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho Hà Nội, nhằm tiến tới tháo gỡ các nút thắt cản trở, vướng mắc để tạo động lực mới cho Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung tiến lên.
“Nếu những “nút thắt” này được tháo gỡ, không chỉ Hà Nội có sức bật mới để phát triển mà các địa phương khác, các cơ sở, đơn vị liên quan cũng có cơ hội”, lãnh đạo Thành phố thông tin.
Tại vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, tỉnh Bắc Kạn cũng đang đặt trọng tâm vào vấn đề “gỡ vướng” trong quy hoạch. Theo đồng chí Nguyễn Đăng Bình, thực tế, chênh lệch về phát triển kinh tế giữa các tỉnh trong vùng khá lớn và đang có xu hướng nới rộng thêm, trình độ phát triển kinh tế giữa các tỉnh trong vùng không đồng đều, chỉ tập trung phát triển mạnh ở một số tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn, tập trung gần vùng đồng bằng sông Hồng và nằm trên các hành lang kinh tế kết nối với Trung Quốc như Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Phú Thọ; một số tỉnh có điều kiện tự nhiên không thuận lợi và còn gặp nhiều khó khăn như Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang,...
Tại Nghị quyết số 11-NQ/TW, Trung ương cũng đã nhấn mạnh về sự phát triển hài hòa giữa các địa phương, Bộ Chính trị cũng đã chỉ đạo Chính phủ thành lập Hội đồng điều phối vùng. Hội đồng điều phối vùng có vai trò rất quan trọng để giải quyết vấn đề liên kết vùng, Hội đồng là tổ chức liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ xây dựng các cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, đề án, dự án,… có quy mô vùng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thúc đẩy liên kết nội vùng và liên vùng, điều phối cân đối nguồn lực để đảm bảo được sự phát triển hài hòa giữa các vùng, miền.
Tại vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, Quảng Ngãi là địa phương đang tích cực triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW. Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết, trong quá trình thực hiện, địa phương đang đối mặt với không ít thách thức đến từ cả khách quan lẫn chủ quan.
Cụ thể, địa phương đang chịu tác động tiêu cực của những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới gây ảnh hưởng bất lợi tới việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt là tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến kết quả thu hút đầu tư vào tỉnh, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, đời sống nhân dân, nhất là đối với người nghèo và lao động trong các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Quảng Ngãi nằm ở vùng duyên hải miền Trung, thường xuyên bị tác động tiêu cực của thiên tai (bão, lũ, lụt,…), vì vậy có những khó khăn nhất định.
Năng lực quản lý, điều hành của một số cơ quan, đơn vị, chính quyền cơ sở còn hạn chế; nhân lực trong bộ máy nhà nước có bộ phận chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Việc tổ chức thực hiện, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của cấp trên chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới để phát huy tiềm năng, lợi thế của ngành, địa phương, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Theo đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, BTV Thành ủy Đà Nẵng kịp thời chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương quán triệt, tuyên truyền và xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW với 5 nhóm mục tiêu và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể, bám sát quan điểm, mục tiêu và cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Nghị quyết số 26-NQ/TW và Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW; đồng thời, bảo đảm phù hợp với 12 chương trình, kế hoạch của BTV Thành ủy về triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh những thuận lợi, thành phố sông Hàn cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Nhấn mạnh tầm vai trò của nguồn nhân lực và hạ tầng, đồng chí thông tin: Năm 2023, Đà Nẵng đã chọn chủ đề “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội”.
“Sở dĩ chọn chủ đề này bởi vì chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng nền tảng phát triển, quy mô hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực hiện nay đều chưa theo kịp yêu cầu phát triển của một đô thị năng động, đầu tàu, động lực dẫn dắt sự phát triển của vùng”, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết thẳng thắn nói.
Ngoài ra, đồng chí cũng lưu ý những thách thức từ việc thực hiện những chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 26-NQ/TW là rất lớn khi đặt trong bối cảnh kinh tế hiện nay của khu vực, cả nước và thành phố, nhất là những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm toán và thi hành các bản án đã kéo dài nhiều năm phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc nhất là trong thủ tục đất đai, thủ tục đầu tư của các dự án, ảnh hưởng lớn đến việc khơi thông các nguồn lực của thành phố để triển khai Nghị quyết.
Riêng về định hướng phát triển kinh tế biển, đồng chí khẳng định: Thực tiễn cho thấy mặc dù có tầm nhìn chiến lược, có Nghị quyết về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển từ khá sớm, song phát triển kinh tế biển còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai do thiếu các văn bản quy định chi tiết, thiếu các kế hoạch và chương trình hành động. Cụ thể như: (1) Hiện nay, vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể về việc xác định, đánh giá các ngành kinh tế thuần biển làm cơ sở giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW; (2) Cần có bộ chỉ tiêu thống kế quốc gia về biển và hải đảo và bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh để làm cơ sở giám sát, đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.
“Nghị quyết số 26-NQ/TW thực sự như làn gió mới thắp lên niềm tin, động lực mới để Đà Nẵng vượt lên, phát triển xứng tầm như kỳ vọng của Trung ương và người dân thành phố. Hơn ai hết, chính người dân trên mảnh đất kiên trung này càng khát khao, mong mỏi phải làm sao phát huy hết ý chí tự lực, tự cường, dốc sức, đồng lòng huy động mọi nguồn lực để đưa Nghị quyết đi vào thực tiễn cuộc sống, đi vào thực tiễn công cuộc đổi mới phát triển của chính Đà Nẵng và cho cả vùng”, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.
Tại Tây Nguyên, đồng chí Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk nhận định: Xuất phát điểm của nền kinh tế vùng Tây Nguyên còn thấp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa có nhiều sản phẩm mang tính đột phá; chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa chưa cao trong khi áp lực cạnh tranh lớn, đặc biệt từ quá trình hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh, vì vậy, các thế lực thù địch, phản động, FULRO, đối tượng bất mãn, chống đối chính trị thường xuyên tổ chức các hoạt động chống phá với nhiều hình thức tinh vi, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tình hình an ninh trên một số lĩnh vực như dân tộc, nông thôn, đô thị có nhiều diễn biến phức tạp.
Đồng chí cho biết thêm, thời gian tới đây, Đắk Lắk đặt ra nhiều mục tiêu để hiện thực hóa Nghị quyết 23-NQ/TW, trong đó đặt trọng tâm vào hoàn thành việc lập, trình phê duyệt và triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch cấp quốc gia, Quy hoạch ngành quốc gia và Quy hoạch vùng Tây Nguyên để phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù của tỉnh. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt Phương án sử dụng đất chuyển giao từ các công ty nông, lâm nghiệp về địa phương quản lý và hằng năm các địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng đất để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt ngay từ đầu năm, làm cơ sở thu hút đầu tư, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, đồng chí Phạm Thiện Nghĩa, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thông tin: Trong bối cảnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Đồng Tháp nói riêng đang đối mặt với ba thách thức, gồm có: thách thức toàn cầu, thách thức khu vực và thách thức tại địa bàn.
“Các thách thức không chỉ tác động riêng lẻ mà có mối quan hệ tác động tương hỗ chặt chẽ lẫn nhau nên việc dự báo hệ quả của các tác động này là một thách thức tổng hợp đối với sự phát triển bền vững của Vùng và địa phương là một vấn đề nan giải và còn nhiều ý kiến chưa được thống nhất”, đồng chí nhấn mạnh.
Cụ thể, Đồng Tháp nói riêng, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề mang tính toàn cầu: Biến đổi khí hậu, nước biển dâng; toàn cầu hóa kinh tế, hội nhập và an ninh lãnh thổ, quốc gia. Hạn hán, xâm nhập mặn, đường bờ biển bị xâm thực, sạt lở bờ sông cho thấy Biến đổi khí hậu đang diễn ra là một thách thức thực tế đối với sự phát triển của Vùng và địa phương, sự uy hiếp sống còn đối với vùng châu thổ. Trong bối cảnh bị đe dọa như vậy, nền kinh tế phải nâng cao sức cạnh tranh và phải thiết lập được vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu trong khi nền kinh tế thế giới có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại và hàm chứa những yếu tố bất ổn và khó dự báo.
Về thách thức khu vực, ngoài cản trở từ kết cấu hạ tầng, giao thông đã nêu ở phần trước, đồng chí cho rằng: Công nghiệp chế biến của Đồng Tháp chưa phát triển; nông nghiệp chưa hình thành được vùng chuyên canh quy mô lớn, các chuỗi giá trị, các sản phẩm nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ để tập trung cho xuất khẩu. Ô nhiễm môi trường, nguồn nước có xu hướng gia tăng, nhất là ở các khu đô thị. Phát triển văn hóa-xã hội còn nhiều bất cập, nguồn nhân lực thấp chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Còn chênh lệch về mức độ phát triển giữa các địa phương trong vùng.
Ngoài ra, việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, trong đó có việc chuyển nước (trong lưu vực và ra ngoài lưu vực) để phục vụ sản xuất và nhất là việc khai thác thuỷ điện trên dòng chính sông Mekong từ cao nguyên Tây Tạng trở xuống, trong khi nhu cầu về nước trong lưu vực ngày càng tăng. Các đập thuỷ điện của Trung Quốc, Thái Lan đã thay đổi dòng chảy, thay đổi hệ sinh thái thuỷ văn lưu vực sông và giữ lại một lượng nước và trầm tích quan trọng tại các lòng hồ thuỷ điện. Điều này đã và đang làm cho nguồn nước và phù sa trên dòng Mekong ngày càng suy giảm, làm thay đổi đến địa hình, địa mạo và nghiêm trọng hơn là đe doạ đến sự tồn tại của Vùng, tác động tiêu cực đến môi trường, đa dạng sinh học, đời sống dân cư, tập quán sản xuất và nguy cơ sụt lún và xâm thực.
Đồng Tháp là địa phương với vị trí nằm ở thượng nguồn Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là nơi bắt nguồn của dòng Mekong khi vào lãnh thổ Việt Nam cũng đang đối diện với các thách thức trên. Đồng Tháp đã và đang chứng kiến tình hình lũ về ngày càng ít, phù sa ngày càng suy giảm. Mặt khác, việc mở rộng hệ thống thuỷ nông trên đất Campuchia đã làm giảm lượng nước tràn đồng. Việc nâng cao đường xuyên á AH1 vượt đỉnh lũ năm 2000 đã giảm lượng nước lũ tràn đồng vào Đồng Tháp. Việc khai thác vận hành các đập thuỷ điện ở thượng nguồn đã làm tăng nguy cơ hạn hán, lũ lụt mang tính cục bộ và khó dự báo.
Về thách thức tại địa bàn: Đó là việc khai thác tài nguyên (rừng tràm, cát sông, nước ngầm, tài nguyên đất, tài nguyên nước, …) chưa hợp lý và hầu như công tác quản lý còn kém, chưa chặt chẽ. Việc huy động nguồn lực tài nguyên cho mục tiêu phát triển nói chung, nông nghiệp nói riêng tiếp tục thiên về chiều rộng, chậm đi vào chiều sâu, nhận thức của người dân và cộng đồng chưa có nhiều chuyển biến. Sự tham gia vào chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản chưa sâu nên chưa nâng cao giá trị và thu nhập của người dân, doanh nghiệp.
Về tầm vĩ mô, đồng chí Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh: Quản lý nhà nước còn thiếu sự liên kết và phối hợp; cơ chế liên kết để tạo nên sức mạnh tổng hợp phát triển ngành, lĩnh vực và vùng hiện nay mới được hình thành nhưng chưa hoàn chỉnh; khả năng dự báo, nhận diện những tác động thay đổi đến địa phương, Vùng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế còn hạn chế, nhất là đối với nông nghiệp - lĩnh vực đang chịu nhiều ảnh hưởng, rủi ro từ biến đổi khí hậu. Là hậu phương vững chắc cho quá trình thực hiện tái cơ cấu kinh tế của quốc gia đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, vẫn đang là vùng trũng về giáo dục, năng suất lao động, chất lượng nhân lực thấp và hạ tầng cơ sở còn yếu, nhiều bất cập.
*****
Một chiều cuối tháng 10. Xe chúng tôi sau cùng cũng dừng ở điểm đầu tiên của tuyến đường nối giữa thành phố Bắc Kạn và hồ Ba Bể. Được khởi công từ tháng 4/2022, tức là chỉ ít lâu sau khi Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành, đây chính là dự án trọng điểm trong phát triển hạ tầng của tỉnh.
Dự án bao gồm 2 giai đoạn, trong đó trong 3 năm đầu tiên sẽ tập trung xây dựng tuyến đường TP Bắc Kạn - Hồ Ba Bể với chiều dài 39 km. Sau đó, dự án được bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 để xây dựng đoạn tuyến từ huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn kết nối với huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, với chiều dài tuyến khoảng 37,5km.
Nhìn những kilomet đường đầu tiên phẳng lì, mềm mại uốn lượn xuyên qua núi non, sông suối, giống dải lụa mảnh mai hướng về phía hồ Ba Bể, anh đồng nghiệp đi cùng chúng tôi không ngừng xuýt xoa. Con đường mới hình như đang mở ra những hy vọng vươn lên của một tỉnh vốn thuộc diện “lõi nghèo” của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ như Bắc Kạn.
Xa hơn, trên khắp 6 vùng kinh tế, những “con đường vượt qua thách thức, chạy thẳng tới tương lai” cũng đang dần được hình thành và trở nên rõ nét hơn bao giờ hết. Khó khăn còn nhiều, nhưng quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương rất lớn. Trên lộ trình ấy, vai trò của Nhà nước rất quan trọng để giúp các địa phương có được cơ chế, chính sách về mặt nguồn lực để cùng “cất cánh”.
|
Bài 4: Gỡ “điểm nghẽn”, phát huy tốt nhất lợi thế của từng địa phương
Đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, tháo gỡ “nút thắt” về chính sách, phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng an ninh và đặc biệt phát huy vai trò điều phối của Trung ương được cho là những giải pháp hàng đầu để giải tỏa các “điểm nghẽn”, thúc đẩy tỉnh, thành phố, các vùng tăng cường liên kết, xây dựng quy hoạch phù hợp để phát triển bứt phá.
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành 6 Nghị quyết phát triển vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ thành lập các Hội đồng điều phối vùng của 6 vùng kinh tế - xã hội do Thủ tướng, các Phó Thủ tướng là Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng; kiện toàn danh sách thành viên các Hội đồng điều phối vùng và trình ban hành các kế hoạch hành động của các Hội đồng điều phối vùng trong các tháng cuối năm 2023. Với việc có quy hoạch tổng thể phù hợp, khả thi cùng với các chính sách đặc thù tốt cho từng vùng thì có thể hỗ trợ tích cực cho từng vùng, từng địa phương trong vùng phát triển nhanh trong thời gian tới.
Vai trò điều phối của Trung ương đóng vai trò tiên quyết
Ghi nhận tại Vùng Đồng bằng sông Hồng, theo đồng chí Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, trong những năm qua, hoạt động liên kết phát triển vùng đã được triển khai, ghi nhận một số kết quả quan trọng, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và mở rộng các hoạt động văn hoá-xã hội, kết nối cơ sở hạ tầng giữa các địa phương trong vùng.
Tuy nhiên, hoạt động hợp tác chủ yếu mới được triển khai tích cực ở lĩnh vực kinh tế, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, giúp đỡ đào tạo cán bộ, chưa xác định rõ vai trò của từng địa phương trong phối hợp phát triển của Vùng, phạm vi liên kết còn hẹp, các lĩnh vực liên kết về phát triển kinh tế chưa dựa trên lợi thế về ngành nghề và chuyên môn hóa lực lượng lao động mà chủ yếu mang tính tự phát, thiếu bền vững, việc phối hợp triển khai thực hiện một số công trình ở địa bàn giáp ranh chưa được đẩy mạnh triển khai.
Các địa phương trong vùng còn có sự chênh lệch về điều kiện kinh tế, cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực. Để tăng cường sự hợp tác, phát triển giữa các địa phương trong vùng thì vai trò điều phối của các cơ quan Trung ương là rất quan trọng.
“Việc triển khai các công trình có tính chất liên vùng được quan tâm, đặc biệt chú trọng, đồng thời đẩy mạnh phân cấp cho địa phương. Các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ, triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế vùng, liên kết kinh tế vùng. Đối với các địa phương,vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, cần chú trọng nhiều hơn nữa tới các chính sách bảo đảm phát triển bền vững, thu hút đầu tư và hỗ trợ từ các địa phương khác”, đồng chí Hà Minh Hải đề xuất.
Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho rằng, tại Nghị quyết số 11-NQ/TW, Trung ương đã nhấn mạnh về sự phát triển hài hòa giữa các địa phương, Bộ Chính trị cũng đã chỉ đạo Chính phủ thành lập Hội đồng điều phối vùng.
“Hội đồng điều phối vùng có vai trò rất quan trọng để giải quyết vấn đề liên kết vùng, bao gôm cả liên kết nội vùng và liên vùng, điều phối cân đối nguồn lực để bảo đảm được sự phát triển hài hòa giữa các vùng, miền”, đồng chí Nguyễn Đăng Bình nhấn mạnh.
Để phát huy hiệu quả của các Hội đồng điều phối vùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cho rằng, trong thời gian tới cần quan tâm xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp lý quy định đủ mạnh về cơ chế tổ chức và điều phối phát triển vùng. Quy định rõ ràng, cụ thể về các lĩnh vực cần có cơ chế điều phối cũng như quy định về tổ chức quản lý cấp vùng, đặc biệt về vấn đề ngân sách.
Trong quá trình thực hiện quy hoạch vùng, các bộ, ngành Trung ương cần phối hợp với địa phương để phân tích, đánh giá có hệ thống các cơ chế, chính sách và quy hoạch của Trung ương dành cho vùng; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước; hiệu quả của công tác lập, quản lý và triển khai hệ thống các quy hoạch ngành, lĩnh vực gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.
Trong khi đó, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, Hội đồng điều phối vùng phải là cơ chế hữu hiệu để các địa phương chia sẻ kinh nghiệm và thống nhất kiến nghị, đề xuất với các bộ, ngành, Chính phủ trong giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi chính sách; đồng thời đề xuất chủ trương, chính sách mới nhằm thúc đẩy sự phát triển của toàn vùng.
Hội đồng thông qua về lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; các hoạt động xúc tiến, huy động nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện các chương trình, dự án liên ngành, liên tỉnh, liên vùng; điều tiết các hoạt động đào tạo và sử dụng lao động; xây dựng cơ chế, chính sách về phát triển vùng, liên kết vùng; giải quyết các vấn đề liên kết vùng; xây dựng kế hoạch điều phối liên kết vùng; hình thành cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng.
Ngoài ra, Hội đồng điều phối vùng chịu trách nhiệm hỗ trợ các địa phương trong vùng giải quyết những vấn đề liên tỉnh, thành phố không thuộc thẩm quyền của các địa phương trong vùng. Đây là một trong các nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng điều phối vùng nhằm phát hiện kịp thời các vướng mắc có tính chất liên tỉnh, thành phố. Đồng thời, giúp các địa phương đoàn kết, đồng lòng phối hợp với nhau để giải quyết các vấn đề mang tính liên tỉnh, thành phố, không thực hiện manh mún, cạnh tranh và hạn chế lẫn nhau.
Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ cũng cho rằng Hội đồng Điều phối vùng là cơ sở để tạo sự liên kết, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội vùng.
Các địa phương mong muốn, Hội đồng Điều phối vùng đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng. Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách cho phát triển vùng và liên kết vùng về tổ chức, bộ máy, nguồn lực và cơ chế triển khai; tham gia có hiệu quả vào các hoạt động hợp tác với các vùng trong nước và các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong về sử dụng nguồn nước hợp lý. Hội đồng Điều phối cần tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, sự hợp tác, giúp đỡ của các địa phương trong cả nước, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam bộ để phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững hơn.
“Các tỉnh, thành phố Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện kinh tế - xã hội tương tự nhau. Do đó, lợi thế của địa phương này cũng là thế mạnh của địa phương khác. Vấn đề làm sao các địa phương phải vì lợi ích chung, sự phát triển của toàn vùng chứ không thể phát triển theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, cạnh tranh lẫn nhau. Vì thế, Hội đồng Điều phối vùng cần có cơ chế để mỗi địa phương chỉ phát triển ngành, lĩnh vực mà mình có lợi thế nhất, tránh trùng lặp với địa phương khác trên cơ sở quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương thống nhất, đồng bộ nhất là các dự dự án đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội”, đồng chí Phạm Văn Hiểu nhấn mạnh.
Tháo gỡ “nút thắt” về chính sách để tạo sức bật mới
Nghị quyết 30-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tiếp tục xác định Thủ đô Hà Nội là trung tâm của Vùng Đồng bằng sông Hồng, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học và công nghệ, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.
Theo đồng chí Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, thách thức lớn nhất đối với TP. Hà Nội trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ là hạn chế về nguồn lực, nhất là vốn đầu tư. Thu hút vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách hiện nay còn khó khăn do vướng mắc về cơ chế, chính sách đầu tư, đất đai; nhiều dự án có sử dụng đất chậm triển khai, gây lãng phí nguồn lực.
Thu ngân sách có quy mô khá lớn nhưng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu đầu tư phát triển. Việc giảm tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố Hà Nội sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách đã làm ảnh hưởng lớn đến nguồn lực cho đầu tư phát triển và phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Ngoài ra, phân cấp của Trung ương cho Thành phố một số nội dung chưa tính đến đặc thù của Thủ đô cũng làm hạn chế sự chủ động trong việc huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
TP. Hà Nội đang nghiên cứu, sửa đổi Luật Thủ đô 2012 theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho Hà Nội, tập trung vào 2 nhóm. Nhóm 1 được phân quyền trong lĩnh vực tổ chức, bộ máy và nhóm 2 là được phân cấp, phân quyền trong các lĩnh vực cụ thể về quy hoạch, văn hoá, giáo dục, khoa học công nghệ, y tế, môi trường, đất đai, nhà ở, giao thông, nông nghiệp, trật tự an toàn xã hội, tài chính, ngân sách, đầu tư, gắn với quy định về nguyên tắc, điều kiện và quy trình, thủ tục thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân giao.
“Giao quyền cho Hà Nội chính là tháo gỡ các nút thắt cản trở, vướng mắc để tạo động lực mới cho Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung tiến lên. Nếu những “nút thắt” này được tháo gỡ, không chỉ Hà Nội có sức bật mới để phát triển mà các địa phương khác, các cơ sở, đơn vị liên quan cũng có cơ hội. Hà Nội mong muốn các bộ, ngành Trung ương ủng hộ dự án Luật Thủ đô sửa đổi, đồng thời tiếp tục có thêm những chính sách, đặc thù tạo sự linh hoạt cho thành phố Hà Nội, phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô trong từng thời kỳ”, đồng chí Hà Minh Hải bày tỏ.
Để việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng sớm đi vào cuộc sống, đồng chí Trần Sỹ Thanh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội kiến nghị: Về thể chế liên kết vùng, đề nghị Trung ương, Chính phủ, Quốc hội sớm ban hành cơ chế điều phối liên kết phát triển Vùng; thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, có tính cạnh tranh quốc tế cao nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng cũng như tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh và Hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc)-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh; Hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc)-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh,...
Trước mắt đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm rà soát, đánh giá các chính sách thi hành Luật Thủ đô, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng như Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đang trong quá trình xây dựng.
Là một cực tăng trưởng, Đà Nẵng đóng vai trò quan trọng trong dẫn dắt sự phát triển của Vùng bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Theo đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, để “về đích” đúng hẹn với mục tiêu Nghị quyết số 26-NQ/TW đặt ra, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đà Nẵng là sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh thực hiện phát triển vùng giai đoạn 2021-2030 khi được cấp có thẩm quyền ban hành và đột phá để mở rộng, kết nối phát triển không gian và hạ tầng, hình thành vùng đô thị Đà Nẵng bao gồm Chân Mây (Lăng Cô - Huế)-Đà Nẵng-Điện Bàn-Hội An-Nam Hội An. Tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng trọng yếu như sân bay quốc tế, cảng biển, hạ tầng đô thị, logistics, phát triển hạ tầng số.
Ngoài ra, Đà Nẵng còn tập trung phối hợp các bộ, ngành Trung ương xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế cấp vùng và trung tâm fintech của quốc gia vào năm 2045. Chú trọng phát triển, thu hút đầu vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, nhất là lĩnh vi mạch bán dẫn; sớm hình thành và phát huy vai trò Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng. Cùng với đó, Đà Nẵng xác định vị thế là trung tâm cung ứng dịch vụ y tế, giáo dục và đào tạo của khu vực miền trung-Tây Nguyên.
“Trên tinh thần đó, hiện nay, thành phố đang triển khai xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển đột phá kinh tế - xã hội thành phố, góp phần sớm hiện thực hóa các định hướng, mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết số 43-NQ/TW, Nghị quyết số 26-NQ/TW. Do đó, kính đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, ủng hộ, chỉ đạo các ban, bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng thành phố trong việc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố trong thời gian tới”, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.
Đề xuất các giải pháp về chính sách nhằm phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, đồng chí Phạm Thiện Nghĩa, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cần tăng cường nghiên cứu hoàn thiện cơ chế điều phối liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo cơ sở cho việc định hướng xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, thúc đẩy sự hợp tác giữa các địa phương trong và ngoài vùng, cũng như giữa các ngành, lĩnh vực trong quá trình tổ chức triển khai các chương trình, dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng chung của vùng, hoặc công trình có phạm vi ảnh hưởng liên vùng, quốc gia và quốc tế.
Đồng thời, đây cũng là kênh cung cấp những thông tin định hướng phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long tới tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội và người dân địa phương để huy động hiệu quả các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy hợp tác công tư hướng tới sự thịnh vượng chung của toàn vùng.
Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, cần tổ chức huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển, có chế đặc thù ưu tiên áp dụng tỷ lệ cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ thấp hơn so với quy định hiện hành đối với dự án hạ tầng giao thông đường bộ, hạ tầng nông nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu. Xây dựng cơ chế, chính sách mới nhằm phát triển, thu hút đầu tư, bảo đảm tính liên kết giữa các địa phương trong vùng và với các khu vực khác. Cần thúc đẩy hình thành các quỹ đầu tư, các cơ chế huy động vốn khuyến khích cho vay, tăng cường năng lực cho các thành phần kinh tế.
Đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, hiệu quả
Để tạo ra liên kết vùng, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, liên thông giữa các địa phương đóng vai trò quan trọng để các địa phương thông thương kinh tế, phát huy được tiềm năng kinh tế của địa phương.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định: TP. Hà Nội thống nhất cao về định hướng phát triển hệ thống đô thị trong vùng. Trong đó ưu tiên phát triển Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan toả, liên kết Vùng, cả nước và hội nhập mạng lưới đô thị của khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Trên cơ sở kết luận của Hội nghị Trung ương 6 (đầu tháng 10/2023) về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia, đồng chí Trần Sỹ Thanh đề nghị các cơ quan chuyên môn sớm hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở để các tỉnh, thành phố trong Vùng hoàn thiện định hướng phát triển quy hoạch cấp tỉnh.
“Đề nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm triển khai các dự án về phát triển giao thông (đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không), tiếp tục hoàn thiện hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch; hoàn chỉnh các tuyến đường bộ cao tốc hướng tâm và các tuyến vành đai. Thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phấn đấu hoàn thành dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030”, đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Tương tự với Hải Phòng, trong việc triển khai Nghị quyết, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng khẳng định, để trở thành Trung tâm đô thị-dịch vụ-du lịch kết nối với khu vực và thế giới, Hải Phòng tiếp tục phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh.
Trước hết, Hải Phòng tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng, trong đó sẽ sử dụng ngân sách địa phương xây dựng đoạn qua Hải Phòng tuyến cao tốc ven biển từ Ninh Bình qua Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng; cải tạo mở rộng quốc lộ 10 các đoạn còn lại; cải tạo các tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn; đầu tư xây dựng và hoàn thiện các bến Cảng còn lại tại Cảng quốc tế Lạch Huyện; đồng thời khởi động xây dựng Cảng biển quốc tế Nam Đồ Sơn…
Song song với đó, thành phố sẽ mở rộng Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải, xây dựng và hoàn thiện nhiều khu công nghiệp để kêu gọi các Nhà đầu tư về logistics, các nhà đầu tư về phát triển sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghệ cao.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng đề xuất, để phát triển kinh tế cảng biển, rất cần Nhà nước có được chính sách đồng bộ với các địa phương có cảng biển. “Hiện có Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế bỏ tiền ngân sách địa phương để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đưa tàu về cảng. 28 địa phương có cảng biển còn lại không thu phí cảng biển. Hiện có Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh thực hiện thu phí cảng biển. Do đó, để tạo sự phát triển cảng biển đồng nhất, đề xuất Nhà nước cần có một chính sách đồng bộ”, ông Vũ bày tỏ.
Thứ hai, để phát triển cảng tại Lạch Huyện trở thành tân cảng hàng đầu khu vực Đông Nam Á, các doanh nghiệp cần hoàn thiện đường phía sau cảng. Hiện nay, khu vực này mới chỉ hoàn thiện hạ tầng giao thông ở bến 1, 2 của Tân cảng Lạch Huyện, các bến từ 3-12 dự kiến dần hoàn thiện trong vài năm tới đang vướng mắc về giao thông. Nếu để doanh nghiệp tự làm, sẽ tạo ra sự không đồng bộ về mặt hạ tầng, vướng mắc về cơ chế. Các doanh nghiệp cần sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của Nhà nước, nhưng không nên giao hoàn toàn cho doanh nghiệp chủ động làm đường mà nên giao TP Hải Phòng chủ trì, kết hợp đầu tư công và đầu tư tư một cách cụ thể.
Từ thực tế phát triển tại Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh và một số địa phương khác có thể thấy, phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, chất lượng, hiệu quả mang lại lợi thế phát triển rất lớn cho địa phương nói riêng và toàn vùng nói chung. Tuy nhiên, hiện nay, không phải địa phương nào cũng có được lợi thế đó.
Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho rằng: “Để Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị phát huy được hiệu quả, cần phải có sự phát triển đột phá về hạ tầng giao thông trong vùng, hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông là giải pháp then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy liên kết vùng; đồng thời cần có những chính sách, nguồn lực để tạo thêm mạng lưới hạ tầng liên kết vùng. Theo đó, tỉnh đề xuất Trung ương xem xét hỗ trợ đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối giữa các tỉnh, nhất là kết nối theo trục ngang; có chính sách hỗ trợ liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng”.
Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn chia sẻ.
Hạ tầng thiếu đồng bộ cũng là một trong ba thách thức và trở thành điểm nghẽn cho sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ cho rằng, để thực hiện tốt Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Trung ương cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để tăng tính kết nối vùng với các vùng khác trên cả nước và kết nối quốc tế. Bên cạnh đó, Chính phủ ưu tiên đầu tư cho giáo dục-đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giáo dục nghề nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Để giảm tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu, Chính cần phủ tập trung đầu tư các dự án lớn có tính liên kết vùng để thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống sạt lở, sụt lún đất, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, sinh kế của người dân trước những thay đổi khó lường về thời tiết.
“Vừa qua, Chính phủ đã công bố quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến 2030 tầm nhìn đến 2050 làm cơ sở để phát triển toàn diện vùng trong thời gian tới. Một số địa phương trong vùng cũng công bố quy hoạch tỉnh để khai thác lợi thế, tiềm năng cùng phát triển. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng của vùng, mỗi địa phương cần nguồn vốn lớn trong khi ngân sách địa phương hạn hẹp. Vì vậy, Chính phủ, các bộ, ngành có cơ chế tài chính ưu tiên cho địa phương trong vùng, để tạo điều kiện đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, cũng như đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của vùng”, đồng chí Phạm Văn Hiểu nhấn mạnh.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cũng cho rằng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng theo quy hoạch, giải quyết các điểm nghẽn trong lĩnh vực giao thông vận tải; thích ứng biến đổi khí hậu, phù hợp với quy hoạch Vùng được phê duyệt. Thực hiện nhiệm vụ cấp bách về chống sạt lở, sụt lún nghiêm trọng tại một số khu vực bờ biển, bờ sông. Các dự án đầu tư và phát triển hạ tầng phải bảo đảm thống nhất, tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm và có lộ trình hợp lý.
Tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW xác định cần thiết phải “hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 3, Vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng”, theo đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, trong quá trình xây dựng quy hoạch tích hợp, hiện nay tỉnh Bình Dương đã quy hoạch các khu vực phát triển đô thị, khu vực phát triển công nghiệp dọc các tuyến vành đai-cao tốc này. Điều đó sẽ tạo ra một không gian phát triển mới với nhiều dư địa để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, di dời các doanh nghiệp/các khu công nghiệp trong đô thị không còn phù hợp quy hoạch, đồng thời tạo nguồn thu lớn từ quỹ đất để tái đầu tư phát triển.
Trong thời gian tới tỉnh Bình Dương tiếp tục quan tâm đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo nên những động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng. Cơ cấu lại và nâng cao chất lượng ngành công nghiệp thông qua việc xây dựng và triển khai thực hiện bộ tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước thật phù hợp… Tiếp tục chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là sớm khởi công các công trình giao thông trọng điểm của quốc gia và của tỉnh để tạo ra không gian mới, động lực mới và lợi thế mới cho giai đoạn phát triển mới của tỉnh.
Phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh
Xuyên suốt các Nghị quyết phát triển vùng, Bộ Chính trị đều nhấn mạnh nhiệm vụ bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vững chủ quyền quốc gia.
Là một địa phương thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Quảng Ngãi luôn gắn chặt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển. Các công trình phòng thủ dọc tuyến ven biển và hải đảo được tiếp tục đầu tư xây dựng, tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững mạnh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ven biển thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới biển.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân, tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) cơ bản đang được khắc phục; đẩy mạnh tuyên truyền và yêu cầu các chủ tàu, thuyền trưởng không đưa tàu, ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản, không thu mua thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; chủ động nắm bắt những chính sách mới về Biển Đông của các nước lân cận; triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, làm tốt công tác an ninh kinh tế, trật tự, an toàn xã hội phục vụ phát triển kinh tế biển, đảo ở địa phương.
Tỉnh tổ chức tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự tại các mục tiêu quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế khu vực biên giới biển, đảo; chủ động nắm chắc tình hình tại Khu kinh tế Dung Quất, các khu công nghiệp; các dự án, công trình trọng điểm có yếu tố nước ngoài; tham gia thẩm định về an ninh trật tự đối với các dự án trọng điểm về quốc phòng, an ninh tại vùng ven biển; cắm mốc khu vực biên giới biển tại các huyện, thị xã, thành phố có biển; tuyên truyền cho người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế biển, công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông.
Tỉnh vận động ngư dân an tâm sản xuất trên biển góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng biển, đảo của Tổ quốc; xây dựng, duy trì, nhân rộng 75 mô hình tự quản về an ninh trật tự ở các xã ven biển góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác thủy sản trên biển, vươn khơi bám biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Theo đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, TP. Đà Nẵng luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; triển khai các biện pháp kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng thế trận quốc phòng ở vùng biển, đảo; chuẩn bị kế hoạch, phương án sẵn sàng huy động nhân lực tàu, thuyền từ 17m trở lên theo Nghị định số 30/2010/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 130/2015/NĐ-CP của Chính phủ tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển.
Đà Nẵng tích cực chuẩn bị nguồn lực và đẩy mạnh các hoạt động của nhà nước trong vấn đề giải quyết tranh chấp bằng các giải pháp pháp lý; bảo đảm đủ năng lực xử lý tốt các tình huống xảy ra trên biển, giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên các vùng biển, đảo của TP. Đà Nẵng.
Cùng với đó, Đà Nẵng triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Nhà nước về khai thác hải sản xa bờ, rà soát, sửa đổi, ban hành các chính sách hỗ trợ ngư dân thành phố Đà Nẵng tham gia khai thác hải sản xa bờ kết hợp nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên biển, đặc biệt vùng biển Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng.
Là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của quốc gia, Tây Nguyên thường xuyên bị các thế lực thù địch, phản động, FULRO, đối tượng bất mãn, chống đối chính trị tổ chức các hoạt động chống phá với nhiều hình thức tinh vi, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tình hình an ninh trên một số lĩnh vực như dân tộc, nông thôn, đô thị có nhiều diễn biến phức tạp.
Những vụ việc như các vụ tấn công vào chính quyền và người dân tại Đắk Lắk hồi tháng 6-2023 càng cho thấy tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh cơ sở.
Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk nhấn mạnh: “Đắk Lắk xác định, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số. Phát triển kinh tế, xã hội gắn với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới và tăng cường mở rộng hội nhập quốc tế”.
Thay đổi tư duy, quyết liệt hành động, đổi mới sáng tạo
Theo đồng chí Trần Duy Đông, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, đã trình Chính phủ và đang trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 khóa XV.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương nghiên cứu, phối hợp các bộ, cơ quan và địa phương liên quan xây dựng các Báo cáo rà soát cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển các vùng. Đây là nhiệm vụ lớn, quan trọng, chưa có tiền lệ nhằm rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù của từng vùng, khắc phục những khó khăn, điểm nghẽn, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, nhằm đạt mục tiêu phát triển của các vùng.
Dự kiến cuối năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hoàn thành Báo cáo đối với vùng Trung du và miền núi phía bắc, các vùng khác sẽ hoàn thành trong đầu năm 2024 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.
Đến nay, về lập quy hoạch các vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28-2-2022). Đối với các vùng kinh tế xã hội còn lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan để hoàn thành quy hoạch vùng theo quy định của Luật Quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Về lập quy hoạch các tỉnh, hiện cả nước có hơn 50 quy hoạch tỉnh, thành phố đã họp thẩm định trong đó 14 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến đầu tháng 11-2023 sẽ có thêm 5-6 tỉnh, thành phố được phê duyệt.
Với vai trò là cơ quan giúp việc cho Chính phủ triển khai Nghị quyết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị: Căn cứ Kế hoạch hành động của Chính phủ, Kế hoạch hành động của từng bộ, ngành, địa phương để khẩn trương thực hiện thành công các nhiệm vụ cụ thể được giao, trong đó có giải pháp chủ động, sáng tạo để giải quyết những thách thức phát sinh trong quá trình thực hiện.
“Các địa phương ưu tiên nguồn lực để bố trí sớm cho các dự án cơ sở hạ tầng đã đề ra tại Nghị quyết, nhất là các dự án có tính liên kết vùng, có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng. Sắp xếp, tổ chức bộ máy, bố trí nhân sự phù hợp để thực hiện, theo dõi, giám sát các nhiệm vụ đã đề ra trong Kế hoạch hành động của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương. Có chế độ khen thưởng, đánh giá công chức, viên chức nhằm kịp thời khuyến khích động viên những cách làm tốt, rút kinh nghiệm những cách làm chưa hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền phù hợp với năng lực và điều kiện thực tế của từng địa phương nhằm khẩn trương thực hiện bằng được các nhiệm vụ đã đề ra”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, thời gian qua, liên kết của các tỉnh, thành chủ yếu với các địa phương lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… dựa vào những lợi thế sẵn có, nhiều việc chưa mang tính chiến lược, dài hạn. Các chương trình hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong vùng chủ yếu diễn ra trên cơ sở hợp tác 2 bên, giữa các tỉnh liền kề, tập trung vào khai thác các lợi thế tương đồng, giải quyết một số vấn đề nổi cộm…
Thời gian tới, Vùng Đồng bằng sông Hồng, các địa phương cần thúc đẩy đa dạng các hình thức hợp tác liên kết, mở rộng hợp tác trong phạm vi toàn vùng, gắn kết hiệu quả với các vùng trên cả nước; triển khai các dự án có tính dẫn dắt, liên kết vùng như các tuyến đường bộ cao tốc hướng tâm, các đường vành đai vùng Thủ đô (vành đai 4, 5), các hành lang kinh tế: Hành lang kinh tế Bắc-Nam; Hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc)-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh; Hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc)-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh; Hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng-Thái Bình-Nam Định-Ninh Bình … nhằm khai thác các lợi thế trong dài hạn, mang tầm chiến lược và ứng phó với các thách thức mang tính toàn vùng.
Để tổ chức thực hiện thật tốt, có kết quả thiết thực các Nghị quyết lần này của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết, nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm của cả nước, của toàn vùng, của từng địa phương trong vùng, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, chứ không phải chỉ là nhiệm vụ riêng của vùng và các địa phương trong vùng.
Theo đồng chí Nguyễn Duy Hưng, từ thực tiễn triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng cho thấy nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Công tác quán triệt phải tiến hành thường xuyên, đa dạng, với nhiều đổi mới, phù hợp với từng đối tượng để tạo được sự thống nhất, đồng tình cao trong nhận thức về vị trí, vai trò của liên kết vùng. Đồng thời, phải đề cao vai trò và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các địa phương trong vùng để tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết.
Nghị quyết cần sớm được thể chế hóa thành các Chương trình, Kế hoạch hành động cụ thể của các Đảng đoàn, Ban cán sự đảng, tỉnh ủy, thành ủy và các cơ quan liên quan. Việc triển khai Nghị quyết phải đi vào thực tiễn cuộc sống bằng những hành động thiết thực, tập trung lựa chọn những nội dung trọng tâm, giải pháp đột phá, giải quyết hiệu quả những vấn đề nổi cộm, bức xúc, nói đi đôi với làm, thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Kế hoạch 10 phần thì biện pháp 20 phần và quyết tâm 30 phần”, nhằm thúc đẩy vùng phát triển nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong vùng.
Báo Nhân Dân với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình là cơ quan báo chí đầu tiên trên cả nước tiên phong xuất bản các phụ trương chuyên trang, chuyên đề riêng biệt về 6 vùng kinh tế - xã hội. Đồng chí Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, việc ra mắt các phụ trương chuyên trang, chuyên mục riêng biệt về sáu vùng kinh tế - xã hội là cột mốc lịch sử có ý nghĩa của Báo Nhân Dân theo đúng tinh thần của Nghị quyết Bộ Chính trị.
Theo đồng chí Lê Quốc Minh, việc kết hợp đa nền tảng trong tuyên truyền, truyền thông là hướng đi trọng tâm của Báo Nhân Dân trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, sự gắn kết chặt chẽ giữa Báo Nhân Dân và hệ thống các báo Đảng địa phương sẽ giúp tạo luồng thông tin xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, từ đó góp phần lan tỏa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Trong thời gian tới, các phụ trương về 6 vùng kinh tế - xã hội của Báo Nhân Dân tiếp tục xây dựng những nội dung mang tính chuyên sâu, chỉ ra khó khăn cũng như nhấn mạnh những lợi thế của vùng, của địa phương bằng nhiều bài viết, tin, ảnh đặc sắc, chất lượng, góp phần thể hiện đúng tinh thần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh các địa bàn trọng điểm mà Nghị quyết Bộ Chính trị đã đề ra, từ đó lan tỏa, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tổ chức chuyên đề: Ngọc Thanh
Thực hiện chuyên đề: Văn Bắc - Việt Anh - Hồng Vân - Kiều Hương - Sơn Bách - Thiên Lam - Khánh Giang - Thành Đạt - Văn Toản - Văn Lúa - Thanh Tùng - Công Lý - Hiển Cừ - Trịnh Bình - Hữu Nghĩa - Thanh Tâm - Huy Thạch - Trung Hiếu - Bông Mai - Thi Uyên
Báo Nhân Dân