Tác phẩm "Lan tỏa việc làm của những “thủ lĩnh” miền sơn cước" của nhóm tác giả Bích Ngọc - Đăng Bách đăng trên Báo Bắc Kạn đã đoạt Giải C - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ VIII - năm 2023. Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
|
Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn tặng Bằng khen cho người có uy tín, trưởng thôn và điển hình tiên tiến tiêu biểu vùng đồng bào DTTS. Ảnh Nông Vui. |
Kỳ 1: Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Sự hiện diện của đội ngũ người có uy tín nơi vùng cao Bắc Kạn được ví như những ngọn đuốc soi đường để Nhân dân học tập, noi theo trong mọi lĩnh vực cuộc sống.
Những “thủ lĩnh” kinh tài của miền sơn cước
Trái với tưởng tượng của nhiều người, rằng người có uy tín phải cao tuổi “lão làng”, tại thôn Nà Chào, xã Như Cố, huyện Chợ Mới, người có uy tín tiêu biểu lại là một “người trẻ”. Đó là anh Lường Đình Hùng, dân tộc Tày, người sáng lập Hợp tác xã Nông nghiệp thanh niên Như Cố. Theo anh Hùng, “muốn tập hợp thanh niên và người dân liên kết làm kinh tế thì chính mình phải đi đầu làm gương. Tốt nghiệp đại học trở về địa phương, nhận thấy bà con trồng cây ăn quả nhưng quy mô nhỏ lẻ, kỹ thuật lạc hậu nên sản phẩm không có thương hiệu, tiêu thụ bấp bênh, tôi quyết định thành lập HTX”.
Với cách nghĩ mới, cách làm mới, HTX Nông nghiệp thanh niên Như Cố nhanh chóng quy tụ được 18 thành viên và liên kết với hơn 50 hộ dân, đầu tư 02 nhà lưới công nghệ cao để trồng dưa lưới, cà chua, dâu tây, dưa lê; liên kết trồng mướp đắng rừng, cà gai leo, triển khai trồng 2ha thanh long ruột đỏ, 10ha chè theo hướng VietGAP, xây dựng 01 xưởng chế biến bún khô, 01 xưởng chế biến trà, một nhóm nuôi ong lấy mật... Hiện HTX có 04 sản phẩm OCOP (gồm mật ong, bún khô, chè, trà mướp đắng rừng). Các mô hình liên kết sản xuất nói trên tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục người dân địa phương và nhiều hộ dân trong vùng. Đoàn viên thanh niên và người dân rất nể phục, tin và nghe theo vị thủ lĩnh Đoàn xã trong làm kinh tế cũng như các phong trào đoàn thể tại địa phương.
Ở tổ 2, phường Xuất Hóa, TP. Bắc Kạn, nhiều người dân nể phục sự năng động và tư duy phát triển kinh tế của ông Phùng Kim Bình, dân tộc Dao, người có uy tín của tổ. Phát huy lợi thế của địa phương, gia đình ông canh tác 1.000m2 ruộng và 6ha rừng trồng, chủ yếu là cây quế, mỡ, keo, và cam, quýt đem lại thu nhập khá. Từ uy tín trong phát triển kinh tế, ông tích cực vận động đồng bào Dao trong địa phương giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội...
|
Ông Phùng Kim Bình, Tổ trưởng tổ 2, phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn là người có uy tín, gương mẫu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. |
Nhạy bén trong phát triển kinh tế, năm 2021, Tổ hợp tác của anh Lộc Văn Dưỡng, người dân tộc Tày ở thôn Nà Hin, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm phát triển thành HTX Giáo Hiệu, chuyên sản xuất các sản phẩm nông sản và sản phẩm OCOP. Hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng khởi sắc, HTX đã ký liên kết bao tiêu sản phẩm nông sản cho 42 hộ nghèo và cận nghèo, qua đó tạo việc làm cho 97 lao động thời vụ thuộc hộ nghèo và cận nghèo, giúp họ có điều kiện tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Từ những nỗ lực này, cuối năm 2022, qua rà soát trong đó đã có 14 hộ thoát nghèo và cận nghèo. Không chỉ vậy, anh Dưỡng còn tích cực tham gia công tác Đoàn và phong trào thiếu nhi. Từ phần công sức tích cực của anh đã giúp xã phối hợp xây dựng được 02 nhà Khăn quàng đỏ, 01 cầu nông thôn tại thôn Khâu Slôm, 03 công trình thắp sáng đường quê tại thôn Nà Hin, Nà Mỵ, Khuổi Lè và 01 cổng trào UBND xã; tặng 02 vườn cây sinh kế với 7.500 cây mỡ, tu sửa 01km đường liên thôn... Anh Lộc Văn Dưỡng còn khâu nối nhận đỡ đầu 02 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại thôn Hồng Mú; phối hợp cùng các nhà hảo tâm tặng 05 xe đạp, hơn 1.000 suất quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trị giá trên 500 triệu đồng. Cùng BCH Đoàn xã hỗ trợ xây dựng được 02 nhà tiêu hợp vệ sinh...
Đi đầu trong xây dựng nông thôn mới
Sau hơn 12 năm triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đến nay Bắc Kạn đã có 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 54 thôn đạt thôn nông thôn mới. Có được kết quả đó là nhờ phần đóng góp rất quan trọng của đội ngũ người có uy tín.
Là trưởng thôn, ông Giàng Á Tịnh, dân tộc Mông, người có uy tín ở thôn Lủng Pạp, xã Cao Tân, huyện vùng cao Pác Nặm rất tâm huyết với cộng đồng. Tâm niệm xây dựng nông thôn mới sẽ giúp nâng cao mọi mặt đời sống cho bà con, ông Tịnh đã tuyên truyền, vận động 07 hộ gia đình hiến đất làm đường mới với tổng diện tích 17.000m2, 05 hộ hiến đất mở rộng mặt đường để đổ bê tông với diện tích hơn 4.300m2; vận động Nhân dân đắp lề, giúp đổ bê tông đường hơn 80 ngày công… tổng số tiền làm lợi cho cộng đồng hàng trăm triệu đồng. Không những vậy, học lời Bác Hồ dạy: “Việc gì có lợi cho dân, cho nước thì ra sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”, dưới sự nỗ lực và kiên trì lãnh đạo của ông Tịnh, ba năm trở lại đây thôn không có nạn tảo hôn; học sinh được đến trường học hành đến nơi đến chốn. Ông Giàng Á Tịnh còn phối hợp hòa giải thành 07 vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân; vận động Nhân dân giao nộp 05 khẩu súng các loại, góp phần đảm bảo ANTT tại thôn…
“Nếu không phát huy tinh thần một người vì mọi người, mọi người vì một người, thì việc xây dựng nông thôn mới rất khó huy động được sự tham gia ủng hộ của bà con”, xuất phát từ tâm niệm đó, ông Triệu Khải Ngân, dân tộc Dao, người có uy tín ở thôn Bản Trù, xã Chu Hương, huyện Ba Bể tích cực đến từng nhà, gặp từng người dân để phân tích cái lợi lâu dài, bền vững của xây dựng công trình nông thôn mới. Do vậy, riêng trong năm 2021, ông đã huy động Nhân dân trong thôn đóng góp được 150 triệu đồng để xây nhà văn hóa; đóng góp 170 triệu đồng và hiến đất mở đường nội thôn khu Nà Cà dài 640m; vận động bà con hiến tổng cộng 6.380m2 đất ruộng, đất vườn rừng để làm tuyến đường liên thôn, đường vào khu sản xuất, kiên cố hoá 2 tuyến kênh mương. Bên cạnh đó, ông Ngân còn vận động Nhân dân chuyển 7ha đất lúa 1 vụ lên 2 vụ, tận dụng đất để trồng đỗ tương, chè cành, bí xanh thơm… cho thu nhập cao. Trong đó đã có 08 hộ xây được nhà ở và đặc biệt đến nay thôn nay không còn hộ đói.
Phát huy sự kiên trì, mềm mỏng, khéo dân vận thuyết phục, những năm qua bà Vy Thị Điều, dân tộc Tày, là Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận, người có uy tín ở thôn Nà Ngò, xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể đã giúp địa phương “gặt hái “nhiều kết quả trong xây dựng nông thôn mới. Bà Điều đã vận động Nhân dân đóng góp hàng chục triệu đồng cùng hơn 100 ngày công để xây dựng nhà họp thôn, rải bê tông 82m đường nội thôn, làm mới hơn 1,7km đường vào khu sản xuất, vận động 25 hộ hiến đất để làm đường với tổng diện tích 3.500m2. Năm 2022 thôn có 65/70 hộ đạt gia đình văn hóa, thôn đạt khu dân cư văn hóa năm 2021, 2022.
Đoàn kết Nhân dân, giữ gìn bản sắc và ANTT ở cơ sở
Bên cạnh đi đầu trong vận động Nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, nhiều người có uy tín trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn còn là hạt nhân tích cực vận động cộng đồng thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không tin nghe theo kẻ xấu truyền đạo trái pháp luật, giữ gìn khối đoàn kết các dân tộc, tháo gỡ những mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở…
Sinh sống trong vùng có đồng bào theo đạo, ông Ngô Văn Tu, dân tộc Mông, người có uy tín ở thôn Phiêng Soỏng, xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn thường xuyên sâu sát Nhân dân, quan tâm đến đời sống của đồng bào. Bằng uy tín của mình, ông thường xuyên tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn các hộ dân đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế hiệu quả. “Người thật, việc thật. Cùng uống chung nguồn nước, cùng nói tiếng nói của đồng bào thì việc tuyên truyền sẽ dễ dàng hơn là áp đặt từ trên xuống”- ông Tu đã phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội giải quyết có hiệu quả nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong Nhân dân, nhất là vấn đề dân tộc, tôn giáo; tích cực vận động đồng bào theo tôn giáo tham gia các phong trào ở địa phương, nêu cao tinh thần cảnh giác, không để kẻ xấu lợi dụng và sống tốt đời, đẹp đạo...
Cùng quan điểm với ông Ngô Văn Tu, ông Thào Seo Pao, dân tộc Mông, người có uy tín ở thôn Vằng Doọc, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn lại cho rằng, cần am hiểu đời sống, văn hóa, đặc điểm của từng vùng để có cách tuyên truyền phù hợp. Do trình độ dân trí của bà con còn thấp, với kinh nghiệm thực tiễn, ông Tu đã cụ thể hóa các nội dung tuyên truyền sao cho dễ hiểu, dễ nhớ và thiết thực với đời sống, từ đó bà con hiểu và hưởng ứng tham gia. Kết quả, những năm qua Nhân dân trong thôn luôn giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, từ bỏ các hủ tục lạc hậu, không phân biệt trọng nam - khinh nữ, con em trong độ tuổi đều được đến trường. Dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng bà con vẫn tham gia đóng góp đầy đủ các loại quỹ do các cấp vận động, như quỹ đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, quỹ vì người nghèo, quỹ phòng chống Covid-19. 100% bà con hưởng ứng tiêm đầy đủ vắc-xin trong các đợt tiêm phòng chống Covid-19…
“Nhờ đóng góp của bà Dung, thôn không những giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc mà còn có thêm sinh kế để có cuộc sống no ấm”, đó là nhận xét của nhiều người dân về bà Triệu Thị Dung, dân tộc Tày, là nghệ nhân - người có uy tín tại thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể. Tâm huyết với việc gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, bà Dung đã phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện tuyên truyền vận động, mở lớp dạy nghề cho người dân để bảo tồn nghề dệt thổ cẩm tại địa phương; tổ chức sản xuất ra những sản phẩm lưu niệm như túi du lịch, khăn, gối, áo vải chàm, chăn thổ cẩm, mở homestay, phục vụ du lịch trải nghiệm… giúp đời sống Nhân dân trong thôn ngày một khấm khá. Hiện nay cả thôn có 30/98 hộ dân có nhà nghỉ để phục vụ khách du lịch. Tổng số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá hằng năm là trên 95%...
Có thể thấy, điểm chung nhất của đội ngũ người có uy tín tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn là luôn “miệng nói, tay làm”, “người thực, việc thực”, xung phong nêu gương để người dân noi theo. Tinh thần ấy là biểu hiện sinh động của việc học và làm theo gương Bác, của ý thức vì cộng
đồng, vì quê hương, mong muốn vùng cao ngày một phát triển đi lên. Người có uy tín tại Bắc Kạn đã và đang làm tốt vai trò cầu nối, là “mắt xích” đặc biệt quan trọng để cố kết, giữ gìn mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, chính quyền với đồng bào các dân tộc vùng cao.
Bắc Kạn là tỉnh miền núi phía Đông Bắc, được tái thành lập năm 1997, có 07 huyện và 01 thành phố, trong đó có 02 huyện nghèo (gồm Ngân Sơn, Pác Nặm), 108 xã, phường, thị trấn với 1.292 thôn, tổ dân phố. Diện tích đất tự nhiên của tỉnh đạt hơn 4.859km2, dân số 324.353 người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 88,2%, với 6 dân tộc chủ yếu là Tày, Nùng, Dao, Mông, Hoa, Sán Chí. 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh đều thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
|
Kỳ 2: Xây dựng đội ngũ người có uy tín, nhiệm vụ cấp thiết trong giai đoạn hiện nay
Đối với những tỉnh miền núi như Bắc Kạn, sự chung tay góp sức của người có uy tín để đoàn kết và phát huy sức mạnh cộng đồng, xây dựng cuộc sống no ấm… là hết sức quan trọng. Xác định rõ điều này, những năm qua tỉnh chú trọng phát triển đội ngũ người có uy tín ngày càng đông đảo, hoạt động hiệu quả.
Xem trọng đội ngũ người có uy tín
Đảng ta xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là cội nguồn của sức mạnh. “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”- câu nói của Bác Hồ đã trở thành khẩu hiệu để toàn Đảng, toàn dân tộc ra sức củng cố sức mạnh khối đoàn kết ngày càng to lớn và vững chắc. Tại Bắc Kạn, người có uy tín là một “mắt xích” quan trọng để đoàn kết, tập hợp Nhân dân.
Nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương củng cố, phát huy đội ngũ người có uy tín ngày càng lớn mạnh cả về chất và lượng.
Đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn có 1.284 người có uy tín trên tổng số 1.292 thôn, bản, tổ dân phố. Đội ngũ này được lựa chọn kỹ lưỡng từ cơ sở, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, là cán bộ, công chức nghỉ hưu, trưởng các hội đoàn thể, trưởng dòng họ, đảng viên, người dân sản xuất, kinh doanh giỏi…
Phát biểu tại Hội nghị Biểu dương người có uy tín, trưởng thôn và điển hình tiên tiến tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số lần thứ 12 năm 2023, đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh: “Sự phát triển của tỉnh Bắc Kạn trong thời gian qua có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ những người có uy tín, trưởng thôn, điển hình tiên tiến vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Các huyện, thành phố cần quan tâm lựa chọn, suy tôn những người có tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và có khả năng tuyên truyền, vận động Nhân dân làm trưởng thôn, người có uy tín. Làm tốt công tác thực hiện chế độ chính sách cho người có uy tín, trưởng thôn gắn với bồi dưỡng, tập huấn, cung cấp thông tin kịp thời phù hợp địa bàn”.
Chăm lo chế độ, chính sách cho người có uy tín
Dưới sự chỉ đạo thống nhất và đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh, mọi chế độ chính sách dành cho người có uy tín được tỉnh thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định.
Hiện nay người có uy tín trên địa bàn tỉnh được cấp và chuyển đến tận tay một số loại báo, tạp chí không thu tiền theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, như Báo Nhân dân, Báo Dân tộc và Phát triển, Báo Bắc Kạn… Người có uy tín còn thường xuyên được tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức do các ban, ngành phối hợp tổ chức. Các lớp tập huấn này tập trung vào những nội dung như: Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của địa phương; công tác an ninh trật tự; kỹ năng hòa giải ở cơ sở; kỹ năng tuyên truyền vận động quần chúng; công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý; công tác dân tộc... Tính từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 10 cuộc tập huấn cho hơn 720 lượt người có uy tín tham dự.
Cùng với đó, tỉnh còn tạo điều kiện để người uy tín đi tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh về mô hình phát triển kinh tế và mô hình xây dựng nông thôn mới; tổ chức gặp mặt lãnh đạo tỉnh và các ngành liên quan; tham dự các kỳ họp, dự các buổi phổ biến cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương...
Người có uy tín còn được hỗ trợ về vật chất và tinh thần, như: Được thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán theo đúng chế độ và thời gian quy định. Việc thăm hỏi, hỗ trợ vật chất còn được tiến hành khi người có uy tín ốm đau nằm điều trị tại bệnh viện; tổ chức thăm viếng khi người có uy tín hoặc người thân của họ qua đời hoặc gặp khó khăn, thiệt hại do hậu quả thiên tai. Từ năm 2021 đến nay, tổng kinh phí tỉnh dành cho việc thực hiện chính sách cho người có uy tín đạt hơn 5,3/6,3 tỷ đồng ngân sách giao.
Về tinh thần, người có uy tín được vinh danh tại cộng đồng dân cư trong các dịp hội họp, tổng kết, ngày hội đại đoàn kết toàn dân. Những người có uy tín tiêu biểu nhiều năm liền được khen thưởng, tổ chức gặp mặt với lãnh đạo tỉnh và vinh dự tham gia đoàn đại biểu dự gặp mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Người có uy tín và đủ điều kiện năng lực theo quy định còn được cử tham gia các thiết chế quản lý ở thôn bản...
Nhìn rõ người, rõ việc
Những năm qua, người có uy tín đã không ngừng tu dưỡng, nêu gương thực hiện tốt vai trò của mình trên nhiều lĩnh vực như: Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; giữ gìn quốc phòng an ninh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ tệ nạn xã hội và các hủ tục lạc hậu; phát huy vai trò của mình trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đại diện cho ý chí làm chủ của Nhân dân, góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc...
Được dân làng tin tưởng, “những thủ lĩnh” luôn gương mẫu, góp phần là lực lượng nòng cốt quan trọng là những “cánh tay nối dài”, là “cầu nối” quan trọng giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền với Nhân dân.
Thôn Nà Mạng cách trung tâm xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn 5km. Toàn thôn có 31 hộ, với 131 nhân khẩu, trong đó có 09 hộ nghèo, 03 hộ cận nghèo. Dù là thôn đặc biệt khó khăn của xã, nhưng từ năm 2020 đến nay, người dân đã đóng góp hơn 400 ngày công, hiến gần 1.000m2 đất để làm đường nội thôn, làm sân nhà văn hóa. Đến nay các cụm dân cư đều đã có lò đốt rác, trên 90% số hộ có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh. Đời sống của Nhân dân ngày một đi lên, trong thôn không có tệ nạn xã hội… Những kết quả này có phần đóng góp của trưởng thôn Nguyễn Văn Hải, người có uy tín của thôn. Với ông, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần bắt đầu từ “gần dân, sát dân”. Không những năng động phát triển kinh tế, gia đình ông còn tiên phong hiến đất làm đường giao thông để bà con làm theo.
Còn tại xã Liêm Thủy, huyện Na Rì, những năm qua đội ngũ người có uy tín luôn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, gương mẫu tại địa phương. Với khả năng “nói dân tin, làm dân theo”, người có uy tín tại thôn Bản Cải đã tuyên truyền vận động Nhân dân đóng góp 105 triệu đồng và trên 100 ngày công, hiến hơn 8.000m2 đất để xây dựng nhà văn hóa, bê tông hóa hơn 2km đường giao thông, mở đường vào khu sản xuất…
Lủng Pạp là thôn vùng sâu, vùng xa của xã Cao Tân, huyện Pác Nặm với 100% dân tộc là đồng bào Mông, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 96%. Trước đây, nạn tảo hôn và kết hôn cận huyết thống tại thôn diễn ra dai dẳng. Trưởng thôn Giàng Á Tịnh rất trăn trở. Học lời Bác Hồ dạy: “Việc gì có lợi cho dân, cho nước thì ra sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”, ông Tịnh bắt đầu tuyên truyền cho chính người thân, dòng họ mình không tổ chức tảo hôn cho con em. Phối hợp với chính quyền địa phương xử lý kịp thời, vừa nghiêm khắc, vừa mềm dẻo với các vụ tảo hôn. Nhờ đó ba năm nay, hủ tục này không còn xảy ra tại thôn.
Tại thôn Nà Pài, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn, đường thôn được bê tông hóa, ban đêm được chiếu sáng phong quang bởi hệ thống 120 bóng đèn theo chương trình “Thắp sáng đường quê”. Kết quả ấy có phần công sức vận động của trưởng thôn, người có uy tín Đặng Văn Long. Theo ông, cán bộ cơ sở phải tự nhìn nhận rõ vai trò và trách nhiệm của mình với cộng đồng…
Còn tại thôn Vằng Doọc, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, với vai trò và uy tín của mình trong cộng đồng người Mông, ông Thào Seo Pao luôn tích cực tuyên truyền vận động bà con thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, ổn định đời sống Nhân dân trong thôn. Với ông Pao, uy tín của bản thân là thế mạnh để đồng bào tin và làm theo các phong trào thi đua yêu nước và xây dựng nông thôn mới…
Phát biểu tại buổi gặp mặt Đoàn đại biểu những người có uy tín, trưởng thôn và điển hình tiên tiến vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề nghị tỉnh Bắc Kạn cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò của đội ngũ người có uy tín và điển hình tiên tiến vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh cũng như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Với sự tham gia tích cực của đội ngũ người có uy tín, tỉnh Bắc Kạn xây dựng, củng cố vững chắc hệ thống chính trị, chính quyền cơ sở, từng bước phát triển kinh tế - xã hội và thu được những bước tiến đáng ghi nhận.
Đến nay, quy mô nền kinh tế của tỉnh Bắc Kạn tăng trưởng gần 40 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng 37 lần; thu ngân sách tăng hơn 51 lần so với năm 1997. Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh bình quân giai đoạn 1997 - 2022 đạt trên 7%/năm. Công tác lao động, việc làm, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội gắn với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Đời sống của đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, các gia đình chính sách, người có công được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 còn 24,7%... Rõ ràng, với những nỗ lực của mình, đội ngũ người có uy tín của tỉnh Bắc Kạn đã trở thành những “điểm tựa” vững chắc của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi vùng cao, “là điểm tựa cho mọi điểm tựa khác” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc nói chuyện với các già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu tại Hà Nội ngày 21/12/2018...
|
Kỳ cuối - Phát huy vai trò lực lượng làm cầu nối
ý Đảng - lòng dân
Người có uy tín là lực lượng quần chúng đặc biệt, được ví như cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động của đội ngũ này tại tỉnh Bắc Kạn đang gặp một số khó khăn cần được tháo gỡ nhằm phát huy tối đa vai trò, vị trí của họ trong quá trình xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc.
Phát huy sức mạnh “lực lượng quần chúng đặc biệt”
Quá trình phát triển nhận thức của Đảng và Nhà nước ta về người có uy tín đã được bắt đầu từ rất sớm. Trong bài báo “Dân vận” của Bác Hồ đăng trên Báo Sự thật, ngày 15/10/1949, Người viết: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (năm 1996) đặt ra yêu cầu cần “Động viên, phát huy vai trò của những người tiêu biểu, có uy tín trong dân tộc và ở địa phương”.
Từ đó, khái niệm người có uy tín ngày càng được hoàn thiện, Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng và đánh giá cao vai trò, vị trí của lực lượng này trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Tại tỉnh Bắc Kạn, khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số thông qua lời nói, việc làm của đội ngũ người có uy tín được khai thác hiệu quả. Bằng uy tín và ảnh hưởng của mình, những người có uy tín đã thực sự trở thành lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa các cấp ủy, chính quyền với đồng bào các dân tộc thiểu số. Họ đã có nhiều đóng góp thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước; tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Nhờ những đóng góp tích cực của gần 1.300 người có uy tín, những năm qua tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh được duy trì ổn định. Các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo. Công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục, lao động, việc làm, giảm nghèo... được quan tâm. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được duy trì ổn định và giữ vững. Tuy nhiên, kết quả này chưa phản ánh hết tiềm năng mà đội ngũ người có uy tín có thể thực hiện, do gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Nhiều hạn chế, vướng mắc
Đánh giá sau gần 3 năm thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã chỉ rõ một số hạn chế, vướng mắc, bất cập.
Theo đồng chí Bế Ngọc Thuấn, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn, công tác phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện chế độ chính sách, vận dụng phát huy vai trò người có uy tín chưa thực sự chặt chẽ.
Những người đang tham gia các thiết chế quản lý ở thôn bản (bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận...) khi kiêm nhiệm người có uy tín được hưởng phụ cấp theo quy định. Nhưng những người có uy tín không tham gia thiết chế quản lý ở thôn bản thì không được hưởng chế độ phụ cấp hằng tháng. Điều này gây thiệt thòi cho người có uy tín bởi phải chi phí điện thoại, xăng xe... khi đi dân vận, thực hiện nhiệm vụ, trong khi địa bàn miền núi đất rộng, dân cư phân bố không tập trung, địa hình đường sá khó khăn. Các chế độ thăm hỏi, động viên đối với người có uy tín còn khá khiêm tốn, đôi khi mang tính tượng trưng, chưa tạo được động lực thúc đẩy người có uy tín đầu tư tâm huyết hơn với công việc.
Bên cạnh đó, do hạn chế về kinh phí và chưa có quy định cụ thể về số lượng, chất lượng nên việc tập huấn cung cấp thông tin cho người có uy tín có lúc chưa kịp thời, chất lượng nội dung chưa cao; tài liệu tập huấn kiến thức cho đội ngũ người có uy tín chưa thống nhất trên toàn quốc. Vẫn còn một số ít người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số chưa phát huy tốt vị trí, vai trò, chưa thực sự gương mẫu trong vận động ở một số lĩnh vực, dẫn đến việc tuyên truyền, vận động Nhân dân còn có những hạn chế nhất định. Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng không gian mạng để tung tin xấu độc, sai sự thật. Người có uy tín là người cao tuổi, không sử dụng thành thạo internet có lúc khó phân biệt được tin chính thống hay tin giả nên có thể bị hoang mang, dao động. Còn ít gương người có uy tín tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh giỏi; việc nhân rộng các gương, mô hình làm kinh tế giỏi trong khu dân cư chưa nhiều; mô hình kinh tế trang trại hộ gia đình chưa bền vững, chưa thu hút lôi cuốn được cộng đồng làm theo…
Nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế, bất cập trên được chỉ ra là do một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò của người có uy tín, chưa thực sự quan tâm đúng mức đối với công tác người có uy tín, vì vậy trong công tác bình chọn chưa chú trọng về chất lượng, dẫn đến nhiều nơi tuy bầu được người có uy tín nhưng chưa thực sự là người có uy tín tiêu biểu, chưa phát huy được vai trò của mình.
Do là địa bàn miền núi, giao thông đi lại khó khăn nên việc tiếp cận thông tin và tuyên truyền cho Nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của người có uy tín vẫn còn hạn chế. Một số người uy tín do tuổi cao, khó khăn trong việc đi lại nên chưa phát huy tốt vai trò và hiệu quả tuyên truyền, vận động. Trình độ dân trí có nơi còn thấp, đời sống của một bộ phận Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; nhận thức pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, vận động của người có uy tín.
Hiện nay kinh phí thực hiện chính sách đối với người có uy tín được bố trí trực tiếp cho người có uy tín. Do vậy hiện không có kinh phí để tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến đến cấp ủy, chính quyền cơ sở, dẫn đến một số thôn, bản đặc biệt khó khăn chưa nắm rõ được nội dung chính sách, việc phát huy vai trò của người có uy tín còn hạn chế…
Những bài học kinh nghiệm và giải pháp từ thực tiễn
Qua thực tiễn triển khai thực hiện chính sách và tranh thủ, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn những năm qua cho thấy có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm quý.
Theo đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục phát huy vai trò giám sát của người có uy tín; tạo điều kiện cho người có uy tín được tham gia góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết của Nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn...
Tiếp tục nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đối với việc xây dựng, bồi dưỡng người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác vận động phát huy vai trò người có uy tín phải được tiến hành thường xuyên và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành và các địa phương.
Thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ, thống nhất; xác định tiêu chuẩn người có uy tín phải cụ thể, rõ ràng; phương pháp tranh thủ người có uy tín phải linh hoạt dựa trên những điều kiện cụ thể của địa phương, dân tộc và bản thân người có uy tín.
Cấp ủy, chính quyền thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin cần thiết cho người uy tín về tình hình thời sự chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội trong, ngoài nước và của địa phương, tình hình âm mưu thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá Đảng và chính quyền.
Thường xuyên quan tâm và thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có uy tín, đảm bảo “Đúng - Đủ - Kịp thời”. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất có thêm những chính sách phù hợp để hỗ trợ người có uy tín trong quá trình hoạt động, công tác. Trường hợp người có uy tín không tham gia các thiết chế quản lý tại thôn bản thì cần có cơ chế, chính sách để hỗ trợ họ về kinh phí hoạt động.
Chú trọng trẻ hóa đội ngũ người có uy tín để bảo đảm đội ngũ này có đủ sức khỏe tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ kế cận cho người có uy tín, coi đây là nhiệm vụ quan trọng của công tác cán bộ ở cơ sở. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành cũng cần vào cuộc để phát huy vai trò của lực lượng đặc biệt này.
Tổ chức biểu dương, khen thưởng người có uy tín có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực, kịp thời đưa ra khỏi danh sách những người có uy tín không đảm bảo tiêu chuẩn, giảm hoặc mất uy tín đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Dù còn nhiều khó khăn trở ngại và cả những bất cập về cơ chế chính sách, song đội ngũ người có uy tín của tỉnh Bắc Kạn vẫn đang tích cực, nhiệt huyết với quê hương. Sự cống hiến đầy tâm huyết và trách nhiệm của những “thủ lĩnh” tinh thần nơi vùng cao đã và sẽ góp phần thúc đẩy vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng gắn bó đoàn kết hơn, vươn lên hội nhập và phát triển.