Tác phẩm đoạt giải

Chính quyền thân thiện

7h sáng. Con đường láng xi-măng phẳng lỳ vào ấp Trường Hòa A (xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) nhộn nhịp khác thường. Từng tốp xe máy hướng về phía Nhà văn hóa ấp. Cứ ngỡ trong ấp hôm nay có tiệc cưới, nhưng không phải…

Bên trong nhà văn hóa, hai cán bộ nhà mạng Viettel đã đợi sẵn. Bàn kế bên, hai cán bộ ngân hàng cũng đã có mặt. Bên hông nhà văn hóa, trụ sở Công an xã Trường Long A (huyện Châu Thành A) cũng đông vui, tấp nập, có hàng chục cán bộ công an huyện đang chuẩn bị máy móc, thiết bị…

Hôm nay là ngày đầu tiên trong kế hoạch cấp tài khoản định danh điện tử công dân mức độ 2 của xã. Công an huyện cử cán bộ xuống tận cơ sở thay vì người dân phải lên trụ sở cách xã gần chục km như vài năm trước đó; cấp sim 4G, làm thẻ ngân hàng miễn phí cho bà con.

Cũng trong đợt này, Trường Long A sẽ thực hiện việc hoàn chỉnh hồ sơ lý lịch tư pháp công dân cho các trường hợp có sai sót như tên đệm, tên lót… không thống nhất, đồng bộ; làm sạch dữ liệu dân cư theo tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”; cấp căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 và dịch vụ công trực tuyến.

Châu Thành A là huyện đầu tiên của tỉnh Hậu Giang được lựa chọn làm điểm trong chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử dựa trên ứng dụng các nền tảng công nghệ với ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, trong đó, công dân số là trụ cột nền tảng. Trường Long A là xã điểm của huyện thực hiện Đề án này.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính xã Trường Long A là khối nhà cấp 4 mới xây dựng theo hình chữ L, còn thơm mùi sơn. Nền đá hoa sạch bóng. Người dân đến làm thủ tục đều ý thức bỏ giày dép bên ngoài, vì bên trong phòng tươm tất, điều hòa mát lạnh. Những dãy ghế được kê sẵn để bà con ngồi đợi đến lượt, có nước uống, sách báo... phục vụ miễn phí bà con.

Nếu ai không thích ngồi phòng mát, sẽ sang bên phòng Thư viện kế bên đọc sách. Thư viện xã Trường Long A với 3 kệ đầy sách, xếp thành 4 tầng được chia theo các thể loại: sách pháp luật, sách chính trị, sách khoa học kỹ thuật hướng dẫn trồng trọt - chăn nuôi, sách văn hóa giải trí… Bà con đọc theo sở thích, vừa mau thời gian, vừa có thêm kiến thức, hiểu biết.

Sảnh chính của trụ sở ủy ban kê một bộ bàn ghế gỗ. Chú Ba (ấp Trường Bình) cùng các chú Tư, chú Năm… vừa kêu ly café ở quán chị Bé Bảy sát bên hông ủy ban mang vô đây nhâm nhi, nói chuyện chơi. Đủ các chuyện, từ sản xuất lúa, nuôi ba ba, cua đinh, rồi chuyện thu hoạch sầu riêng năm nay được mùa, trúng giá, chuyện măng cụt xanh bị thu mua sớm làm gỏi gà khiến măng cụt chín năm nay giảm sản lượng, giá tăng gấp rưỡi, gấp hai không có mà bán… Chuyện của mấy bác “hai lúa” ngay giữa ủy ban mà xôm như đang ngồi ở nhà…

Trụ sở ủy ban nằm ở điểm hướng ra ngã tư kênh - một ngả chạy thẳng sẽ xuôi xuống huyện Thới Lai, huyện Cờ Đỏ (thành phố Cần Thơ), nhánh kênh KH9 đổ ra kênh Xáng Xà No - con kênh đào nổi tiếng của Hậu Giang được mệnh danh là “con đường lúa gạo” - để về thủ phủ huyện Châu Thành A, hai nhánh kênh đào còn lại túa ra các ấp, các xã bên thuộc các khu 7000, 8000… - tên gọi theo khoảng cách của những con kênh đào nhân tạo từ thời Pháp thuộc.

Đứng ở ủy ban nhìn qua kênh KH9, bên kia là Nhà văn hóa đang nhộn nhịp hàng trăm người dân từ hai ấp Trường Bình - Trường Hòa, Trường Hòa A, Trường Hưng, Trường Thắng, Trường Lợi… đến đăng ký định danh điện tử mức độ 2, nhận sim điện thoại 4G và thẻ ngân hàng miễn phí…

Trên kênh, cứ mươi phút lại có một chiếc ghe nổ máy giòn đanh rẽ nước lao đi, bên trên chất những đống chuối xanh vừa mới đẵn. Nếu nghe tiếng máy chùng xuống, kêu xình xịch, đó là một chiếc tàu hay xà lan chở cát nặng nề, phải giảm tốc lại khi tới ngã tư kênh.

Khu giải quyết thủ tục hành chính của xã gắn tấm biển “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Trường Long A - Hành chính phục vụ” chữ trắng to nổi trên nền đỏ. Ngay cửa chính, tấm biển in số điện thoại của Bí thư, Chủ tịch xã được niêm yết công khai, ai cũng nhìn rõ. Có gì thắc mắc, hay ấm ức, bà con điện thoại thẳng cho Bí thư, Chủ tịch phản ánh.

Bên trong khu nhà trang bị máy móc hiện đại: bảng hướng dẫn điện tử, máy lấy số thứ tự, có cán bộ hướng dẫn bà con ngay cửa vào. Các quầy dịch vụ được đánh số trên bảng kính trong suốt, tên tuổi, số điện thoại cá nhân của cán bộ được công khai ngay trước mỗi quầy để bà con biết ai sẽ là người giải quyết các thủ tục hành chính cho mình.

“Cái máy lấy số thứ tự này nó hay lắm anh. Bà con ai tới sớm vô sớm, tới sau xếp lượt, máy móc nó chia thứ tự rồi, không ai thắc mắc. Anh có là bà con thân thuộc của cán bộ, muốn chen ngang cũng không được. Mấy cái chuyện tới sớm, tới muộn nhưng được ưu tiên làm trước khiến bà con để ý, rồi ì xèo, rồi từ cái nhỏ nó sẽ nhân lên thành cái lớn, thế là tạo nên những xung đột, tạo thành khoảng cách giữa cán bộ - người dân”, anh Lê Tấn Hoàng, chuyên viên Trung tâm hành chính huyện Châu Thành A cười hiền, giải thích.

Đồng hồ chỉ gần hết giờ hành chính, cụ ông Lưu Trường Sơn mới ra Bộ phân một cửa nộp hồ sơ tách thửa đất chia cho các con. Tuổi cao, cụ muốn tự mình làm công việc quan trọng này khi vẫn còn minh mẫn.

Nhà ở TP Cần Thơ nhưng vợ chồng cụ có 2 thửa đất sản xuất nông nghiệp tại ấp Trường Lợi, xã Trường Long A. Cụ dự định một miếng sẽ cho con trai đứng tên, còn một miếng lớn hơn sẽ tách thành hai sổ cho hai người con gái. Do qua trễ, cụ sợ phải chờ sang chiều, nhưng cán bộ vẫn vui vẻ tiếp nhận, hướng dẫn cụ hoàn tất hồ sơ theo mẫu, nhận hồ sơ và giải quyết ngay khiến cụ Sơn không khỏi bất ngờ.

“Các anh chị cán bộ giờ hay quá, giải quyết việc cho dân như việc của nhà mình, không có dây dưa, làm khó dễ”, cụ Sơn mãn nguyện, rồi nhá tay bấm vào nút “Rất hài lòng” trên bảng điện tử chấm điểm cán bộ công chức.

Anh Huỳnh Văn Dương, Công chức Văn phòng UBND xã, Quản lý Bộ phận một cửa xã Trường Long A cho biết: “Ở đây chúng em phục vụ bà con với tinh thần 'hết việc chứ không hết giờ'. Còn một phút chưa hết giờ mà bà con đưa hồ sơ tới, mình vẫn tiếp nhận. Nếu thủ tục đơn giản thì nán lại, giải quyết ngay để bà con nhận được kết quả, chiều không phải qua tới, qua lui cho vất vả”.

 

Gặp chúng tôi cuối giờ sáng vì bận tiếp xúc cử tri muộn mới xong, Chủ tịch UBND xã Trường Long A Lê Thanh Việt trên gương mặt vẫn thường trực nụ cười, không có biểu hiện của sự căng thẳng. Chỉ màn hình tivi đang truyền hình ảnh bên trong khu vực thủ tục hành chính, anh bảo: “Đó anh, hình ảnh được truyền trực tiếp qua camera giám sát theo dõi, cán bộ làm gì, người dân như thế nào mình đều biết được hết”.

Màn hình điện tử này là “tai mắt” của lãnh đạo xã. Nó cũng được truyền trực tiếp về ủy ban huyện, về Sở Nội vụ tỉnh để cấp trên nắm bắt.

“Cán bộ, công chức mà sách nhiễu, chúng tôi nắm được liền. Một lần thì nhắc nhở, hai lần, ba lần thì tích lại, bình xét cuối năm để đánh giá khen thưởng, kỷ luật, nhận cờ thi đua. Nhiều lần nữa thì xem xét kỷ luật, điều chuyển. Chủ tịch để xảy ra việc này sẽ bị cấp trên xử lý, không có bao che, giấu giếm gì cho nhau hết trơn”, anh Việt cho hay.

Tôi hỏi anh Việt: “Hôm nay tiếp xúc cử tri, bà con kiến nghị nhiều nội dung không anh?”.

“Cử tri kiến nghị nội dung: việc đền bù, kiểm đếm cây trồng để thực hiện dự án làm đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Bà con thắc mắc về giá cả thấp, kiểm đếm thiếu. Việc này có đại diện của huyện cùng tham dự. Anh em tôi giải đáp luôn tại hội nghị, là Hậu Giang ta vẫn là tỉnh nghèo, khung giá đền bù được quy định chung, đã được công bố, phê duyệt nên không thể điều chỉnh. Còn phần kiểm đếm nếu thiếu, bà con còn thắc mắc sẽ đi kiểm tra, kiểm đếm lại, rà soát bổ sung. Hộ nào chưa hài lòng thì huyện, xã sẽ làm việc riêng. Bà con đều vui vẻ.

Về chế độ chính sách nhà ở cho gia đình liệt sĩ, người có công, về điện chiếu sáng, nước sạch… cũng giải đáp luôn”.

“Hội nghị có nợ cử tri nội dung gì và phải trả lời bằng văn bản không anh?” - “Không có anh. Trao đổi, giải đáp ngay tại hội nghị, không nợ câu hỏi, kiến nghị nào hết anh à”, Chủ tịch xã Trường Long A hồ hởi, rồi anh điện thoại kêu chị Bé Bảy mang vào phòng giúp mình mấy ly café mời khách.

“Mô hình chính quyền thân thiện” đang được xây dựng tại Hậu Giang thực hiện theo tiêu chí: Bốn “xin” (gồm: xin chào, xin hỏi, xin lỗi - nếu giải quyết công việc chưa đúng thời gian quy định phải thành khẩn xin lỗi”, xin cảm ơn). Bốn “Luôn”: luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn sẵn lòng giúp đỡ. Cán bộ, công chức của mình còn thực hiện nghiêm, mình càng phải gương mẫu”.

Chuyển đổi số, chính quyền thân thiện về mục tiêu, bản chất đó là lấy người dân làm trung tâm, lấy thước đo sự hài lòng của người dân làm tiêu chí đánh giá năng lực, tư cách đạo đức của cán bộ và hiệu quả, chất lượng phục vụ của chính quyền. Đó là sự đánh giá từ bên ngoài, từ dưới lên, khác với cách thức tự đánh giá bằng những bản báo cáo, tổng kết theo quý, theo tháng, theo năm…

Rõ ràng, người dân được chăm sóc, quan tâm, nhưng cán bộ - người phục vụ hành chính công thì thêm nhiều việc và thực sự vất vả.

Tại mỗi quầy thủ tục hành chính đều đặt một bảng điện tử “đánh giá chất lượng phục vụ” của cán bộ, gồm ba mục: “Rất hài lòng – Hài lòng – Không hài lòng” lồng trong ba ô màu tương ứng (màu xanh lá, màu xanh dương và màu nâu đỏ). Người dân sau khi nhận kết quả sẽ nhấp vào một trong ba mục đó. Một cái nhấp tay bình xét của người dân là thước đo đánh giá chất lượng, thái độ… của người công chức phục vụ.

Tôi hỏi Chủ tịch xã: “Thưa anh, cán bộ đang được đánh giá rất chặt, người dân chấm điểm từ dưới lên, cấp trên theo dõi từ trên xuống. Rõ ràng, áp lực công việc là rất nặng nề. Nhưng cũng cần có những chính sách tưởng thưởng xứng đáng để động viên, khen thưởng, động viên người lao động chứ anh?”.

“Điều này đúng, thưa anh. Các kế hoạch, nhiệm vụ được giao cho các đơn vị đều kèm theo kế hoạch thi đua: nếu hoàn thành sớm hơn thời hạn, vượt chỉ tiêu đề ra sẽ được khen thưởng. Năm ngoái, xã đạt thành tích xuất sắc, huyện thưởng 85 triệu đồng. Tiền thưởng đó, Hội đồng thi đua khen thưởng xã trích thưởng cho 9 đơn vị, thôn ấp mỗi đơn vị 5 triệu đồng; số còn lại (40 triệu đồng), chúng tôi vừa tổ chức chuyến tham quan cho cán bộ, người lao động đi du lịch ở Phan Thiết. Mọi người cũng cần được tiếp thêm năng lượng, cổ vũ tinh thần để phục vụ tốt hơn nữa bà con, anh à” – anh Việt xởi lởi.

Chủ tịch xã Trường Long A là người điềm đạm nhưng cởi mở. Năm 2000, anh Việt công tác tại Thị trấn Rạch Gòi, sau đó làm Phó Chánh văn phòng Huyện ủy, rồi Chánh văn phòng UBND huyện Châu Thành A trước khi được điều động về làm Chủ tịch xã Nhơn Nghĩa A (nay là xã Trường Long A) từ tháng 6/2022.

Là cán bộ đi lên từ cơ sở, lại sinh ra và lớn lên ở địa phương, trải qua hơn 20 năm công tác, hơn ai hết, anh Việt hiểu rõ tâm tính của người dân quê mình.

“Bà con vùng mình bao đời gắn bó với mảnh ruộng, vườn cây, kênh rạch sông nước, ít va chạm với bên ngoài. Khái niệm 'chuyển đổi số, công dân số' với mọi người còn rất mới mẻ. Mình và cán bộ xã xuống cơ sở, tuyên truyền cho bà con hiểu, công dân số là gì, là những dữ liệu cá nhân được số hóa trên phần mềm điện tử, chỉ cần nhấn nút là hiện ra đầy đủ, bà con đi thực hiện các giao dịch chỉ cần đi người không thôi à. Khi bà con hiểu, bà con sẽ phối hợp với chính quyền, không còn có thắc mắc chi hết” – anh Việt cho hay.

Ở Hậu Giang, ở huyện Châu Thành A, ở xã Trường Long A, thói quen, lề lối làm việc của cán bộ, đó là xuống cơ sở, xuống thôn ấp gặp bà con, không để bà con phải lên trụ sở đi tìm cán bộ, trừ những bộ phận chuyên trách như bộ phận thủ tục hành chính phải ngồi ở văn phòng do đặc thù, làm việc gắn với máy tính, thiết bị mới thực hiện được các lĩnh vực chuyên biệt…

Về công tác tại xã từ tháng 6/2022, khi đó, cả nước đang thiết lập trạng thái bình thường mới, nhưng nhiệm vụ chích ngừa (tiêm vacxin Covid) tiêm phủ mũi 3, mũi 4 vẫn là nhiệm vụ quan trọng phải triển khai cho toàn dân. Thời điểm cao điểm dịch, bà con tranh nhau, chen lấn, xô đẩy đi tiêm, nhưng đến giai đoạn cuối, nhiều người chủ quan, không chịu đi.

Anh Việt thành lập một tổ cơ động xuống các ấp, thôn đưa rước những trường hợp neo đơn, người lớn tuổi không tự mình đi được. Tổ công tác đi xe máy, vì đường vào các thôn ấp đều nhỏ, xe máy cơ động, linh hoạt hơn.  

“Anh Việt tới ấp không có giới thiệu là Chủ tịch xã hay cán bộ chi hết. Ảnh chở xe máy bà má lớn tuổi lên Trạm y tế xã để cán bộ tiêm ngừa. Chừng xong, bác sỹ mới chọc má: 'Má uy tín lắm mới được Chủ tịch xã rước lên tận nơi để chích ngừa đó má'. Má xúc động lắm. Bà con trong ấp thấy Chủ tịch xã xuống tận ấp mời rước bà con đi chích ngừa, mọi người bảo nhau tự giác đi” – một cán bộ xã Trường Long A kể chuyện.

Xã ban hành quy chế cán bộ được giao phụ trách nội dung, nhiệm vụ gì thì sẽ xuống ấp để triển khai cùng bà con. 10/10 ấp phủ mạng wifi miễn phí tại các nhà văn hóa, bà con muốn lên mạng truy cập thông tin, ra nhà văn hóa để vào mạng. Các tổ hướng dẫn cài đặt “app Hậu Giang” xuống tận nhà, hướng dẫn từng người. trưởng ấp được trang bị máy iPad cập nhật tình hình…, là “cánh tay nối dài” của xã.

“Chúng tôi cài đặt và hướng dẫn bà con truy cập các trang hữu ích để nắm bắt được các văn bản, chủ trương của tỉnh, huyện, giám sát hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền; các trang truy cập dữ liệu dân cư hay trang phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi…. Nhưng, bên cạnh đó cũng tuyên truyền không xem những trang thông tin xấu độc để không thành nạn nhân của tội phạm công nghệ cao…

Phải xuống với bà con mới nghe được tiếng nói thật của họ, để từ đó điều chỉnh lại tác phong nề nếp, thái độ làm việc… Xuống ấp mới biết bà con cần gì để đáp ứng cho người dân. Tới đây, đang thực hiện chủ trương người dân không xài tiền mặt, cán bộ ngân hàng đang làm thẻ ngân hàng cho cá nhân, rồi cài áp, hướng dẫn cách thức giao dịch, mua bán… đều trên ví điện tử” – Chủ tịch xã Lê Thanh Việt chia sẻ.

Xã Trường Long A hiện có 532ha diện tích vườn cây ăn trái trong đó sầu riêng chiếm diện tích lớn, hơn 200ha. Sầu riêng miền Tây năm nay được mùa, trúng giá, bà con thu nhập cao. Có những hộ đạt trên 60 tấn sầu riêng, thu hàng tỷ đồng. Đề án xây dựng cánh đồng lúa lớn đã triển khai được 50ha với 38 hộ dân, được hỗ trợ lúa giống, phân bón, phân hữu cơ, sử dụng máy móc cơ giới hóa như máy bay phun thuốc trừ sâu, máy cấy, máy gặt đập liên hoàn… Hiệu quả của những cánh đồng lúa lớn đang khiến những hộ cá thể đều muốn được gia nhập, thay đổi phương thức sản xuất và được nhà nước, chính quyền hỗ trợ nhiều hơn trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Từ năm 2019, Trường Long A triển khai kế hoạch phát triển kinh tế tập thể theo Nghị quyết của huyện, đã xây dựng 4 hợp tác xã nông nghiệp với 359 xã viên. Các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, nhất là hợp đồng bao tiêu lúa giống và lúa hàng hóa với diện tích hằng năm khoảng 1.386ha. Những cái tên HTX Mùa vàng, HTX Hiếu Lực, HTX Phước Lộc… đang trở thành niềm tự hào của xã Trường Long A; ngày càng nhiều các sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn 4 sao OCOP (như gạo thơm Hương Quê), tới đây sẽ ra mắt sản phẩm sữa gạo từ loại gạo tím…

Song song phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng nông thôn ở Trường Long ngày càng được chú trọng, đầu tư nâng cấp. Nhiều km đường được cải tạo, trùng tu, xây mới bằng kinh phí nhà nước và xã hội hóa; các cây cầu bắc qua kênh Năm Củ, Tám Chúc, Năm Tài, Tám Hùng… được duy tu, làm mới bằng kinh phí xã hội hóa hàng tỷ đồng…

Những tin vui ấy khiến chúng tôi chỉ là khách nhưng thấy đầy tự hào như thể là thành tựu của chính quê hương mình.

Từ sâu thẳm, tôi cho rằng mô hình “Chính quyền thân thiện” không chỉ là cử chỉ, hành động gần gũi, thân ái với bà con để xóa bỏ khoảng cách giữa người dân và chính quyền, cũng như “thước đo” năng lực của cán bộ và hiệu quả của bộ máy công quyền không chỉ hình thành từ kết quả người dân “chấm điểm”.

Điều quan trọng và thực chất, chính quyền thân thiện phải chăm lo đời sống người dân, giúp người dân bớt nghèo, bớt khổ, giúp bà con làm giàu được trên chính quê hương mình. Đường hướng phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng ngày càng hoàn thiện, những vườn cây ăn trái có giá trị tiền tỷ…, đó là những thước đo về kinh tế, bên cạnh việc người dân chấm điểm về thái đội phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức!

Lê Thanh Việt sinh năm 1977, công tác 23 năm liên tục tại địa phương từ năm 2000 tới nay. Nhà anh ở xã bên, có chục công đất trồng cây ăn trái. Từ khi về xã, đi miết từ sáng sớm tới tối muộn mới về nhà, không còn thời gian làm vườn, anh giao hết vườn cho người anh trai trồng sầu riêng và mít... để tập trung công tác.

“Chính quyền thân thiện” ở xã Trường Long A (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) đang là một thực thể như thế, không phải là một mô hình được phác họa theo kế hoạch, với những khẩu hiệu trên giấy.

Ngô Chí Công (sinh năm 1989) vốn là thạc sĩ công nghệ hóa học của trường Đại học Paris Sorbonne Pháp. Anh chàng ấy vẫn luôn đinh ninh rằng sau khi học xong sẽ ném mình vào một công ty công nghệ nào đó bên trời Âu cho thỏa chí tang bồng. Vậy mà ngồi trước mặt tôi hôm nay lại là Giám đốc Công ty TNHH Eco Lotus Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội ngành hàng sen Đồng Tháp.

Câu chuyện về cú “quay xe” của Công và nhiều bạn trẻ khác ở Đồng Tháp chính là chỉ dấu về một cuộc cách mạng trên Đất Sen hồng. Cuộc cách mạng mà ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, đã biến một vùng đất “khuất nẻo” trở thành địa phương luôn nằm trong tốp đầu cả nước về chỉ số cạnh tranh, chỉ số hài lòng của doanh nghiệp, người dân với chính quyền.

ẢNH

Công hẹn gặp tôi tại trụ sở Eco Lotus Việt Nam ở thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, giữa một không gian thật nhiều sen. Nói các bác, các chú lãnh đạo tỉnh luôn dạy tụi em, bông sen là hình tượng của vùng đất, con người Đồng Tháp. Biết vươn lên trong mọi hoàn cảnh, dẫu khó khăn bùn lầy vẫn tỏa hương thơm ngát và thuần khiết như sen.

Cách đây khoảng mười năm, Đồng Tháp là tỉnh đầu tiên trình lên Thủ tướng Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Một trong những chương trình hành động để hiện thực đề án mới mẻ ấy kêu gọi các bạn trẻ quê hương đang học tập, sinh sống ở các thành phố lớn, ở nước ngoài trở về khởi nghiệp tại quê nhà. Ngô Chí Công là một trong những “chú sếu” đầu tiên của Đàn Sếu khởi nghiệp đất Sen hồng. Những chú sếu non. Cựu thạc sỹ hóa cười. Cái cười chân chất, sảng khoái đặc trưng của miền sông nước đồng bằng.

Thông điệp của chính quyền khi đó là “quay về xây dựng quê hương là trách nhiệm của mỗi người con Đồng Tháp và chính quyền cam kết đồng hành với sự phát triển của các bạn”. Nó giống như là động lực, niềm cảm hứng lại vừa ẩn chứa niềm tin khiến tụi em không thể không về. Anh thấy có nơi nào mà Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh sẵn sàng ngồi cả ngày để nghe mấy đứa con nít trình bày tất cả các ý tưởng khởi nghiệp không? Chắc hiếm ha. Nhưng đó là cách lãnh đạo Đồng Tháp đã đồng hành với tụi em vì mục tiêu đánh thức giá trị tài nguyên bản địa, làm điều gì đó cho quê hương và cùng nhau tạo dựng giá trị cho tương lai.

Công kể, đàn sếu ấy ban đầu có mười con. Đứa khởi nghiệp từ sen, đứa nuôi lợn rừng, cá lóc, đứa làm củ ấu, khăn lụa... Tất cả đều sơ khai, lạ lẫm, thiếu thốn. Chỉ có niềm tin, hoài bão với quê hương được nuôi dưỡng lớn thêm qua mỗi ngày nhờ sự chăm chút của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp. Từ Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đến các Giám đốc sở ban ngành, cấp huyện, cấp xã cũng là thành viên của đàn sếu khởi nghiệp hết. Các chú nói vào để đi cùng nhau. Để tương tác, phản biện, góp ý từng sản phẩm, để tìm hiểu tâm tư, khó khăn vướng mắc và để mỗi khi có chú sếu non nào đó gặp bão giông, sản phẩm làm ra chưa ưng ý sẽ lại nhận được cái vỗ vai hay tin nhắn của những người đứng đầu tỉnh: Ráng lên con.

Có những “bữa tiệc khởi nghiệp” do lãnh đạo tỉnh tổ chức mà ở đó chỉ toàn sản phẩm của “đàn sếu”. Đứa mang khô trâu, củ ấu, đứa mang cá lóc, hạt sen… Có những buổi tiếp khách trung ương, tỉnh Đồng Tháp mạnh dạn đặt hàng các sản phẩm khởi nghiệp để làm quà tặng. Dẫu các thứ còn vụng về, chưa hoàn thiện nhưng ai nấy đều cảm thấy thật vui. Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cũng không ngại bỏ công sức, tiền của, động viên tụi nhỏ đi xúc tiến thương mại, hội chợ để xem cách thức thiên hạ làm ăn ra sao và hoàn thiện sản phẩm của mình.

Chính từ sự đồng hành đó mà đến nay Đàn sếu khởi nghiệp Đất Sen hồng đã có khoảng hơn 350 thành viên, số lượng không ngừng tăng lên mỗi ngày. Người đi trước chỉ bảo người đi sau, người cũ đồng hành giúp đỡ người mới. Mười chú sếu non ngày trước giờ đây cũng đã đủ lông đủ cánh. Tùng sen sấy, Như khăn choàng, Vinh heo rừng, Thùy tinh dầu, Tiến lúa, Thy sen ta..., người trở thành doanh nghiệp tiếng tăm, người còn đang đeo đuổi khát vọng của mình, nhưng hơn hết họ đang trên một cuộc hành trình cùng nhau.

Từng ngày và từng giờ. Một làn gió trẻ thổi lên đất Sen hồng, cùng nhau chắp cánh cho đàn sếu bay cao, bay xa. Đã từng có những cuộc thi khởi nghiệp mà Đồng Tháp gần như giật hết các giải thưởng danh giá nhất và khi Thủ tướng khởi xướng Năm quốc gia khởi nghiệp 2016 thì ở đất Sen hồng đã thực sự là một phong trào rộng khắp. Thương hiệu “Đồng Tháp khởi nghiệp” dần được định hình và khẳng định giá trị đặc biệt, riêng có của vùng đất này.

Trở lại với Ngô Chí Công và hành trình phát huy đa giá trị của Sen Đồng Tháp. Công ty TNHH Eco Lotus của thạc sĩ công nghệ hóa giờ đây đã có hơn 20 công nhân cơ hữu, 50 cộng tác viên. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ sen như túi xách, nón lá, sổ tay đã xuất đi thị trường Nhật, Đức, Thụy Điển, Pháp... Anh cũng mới nhận bằng sáng chế túi giấy lá sen. Mỗi năm nhận đơn hàng từ Tập đoàn Lotte với số lượng 50.000 chiếc.

Công cũng chính là người đầu tiên tìm kiếm và thành công với giá trị từ lá và cây sen. Hội ngành hàng sen Đồng Tháp nơi anh được bầu làm chủ tịch hiện giờ đã có 135 thành viên. Ngoài cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân, nhà khoa học, điều đặc biệt của hội ngành hàng này còn có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước. Lẽ tất nhiên không phải chính thức nhưng đại diện Sở NN-PTNT, Sở Công thương, Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Hội Nông dân... tham gia vào hội đã góp phần hoàn thiện chuỗi liên kết ngành hàng sen Đồng Tháp.

Phải là một hệ sinh thái sen anh ạ. Giọng Công đột nhiên hào hứng. Sen Đồng Tháp giờ đây là ngành hàng chính của tỉnh cùng với lúa gạo, xoài, cá tra... Theo kế hoạch đến năm 2025 tỉnh sẽ đầu tư phát triển vùng sản xuất nguyên liệu sen tập trung với diện tích tầm 1.400 ha, sản lượng ước đạt gần 1.200 tấn. Mục tiêu ngành hàng sen của Đồng Tháp là giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến và phát triển sản phẩm theo hướng chất lượng, an toàn, có giá trị gia tăng cao, theo nhu cầu thị trường, an toàn thực phẩm bền vững.

“Tụi em cũng đã xây dựng các hệ sinh thái trong Hội ngành hàng để đi cùng nhau. Nghiên cứu khoa học để chế biến sen làm thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, chuyển giao công nghệ để bà con nông dân có thể chủ động xử lý sản phẩm giai đoạn đầu, đưa “hồn sen” vào cộng đồng, lan tỏa sức mạnh cộng đồng để xây dựng hình ảnh Sen hồng là niềm tự hào của Đồng Tháp”, Công nói.

Niềm tin, khát vọng là những điều tôi cảm nhận được từ Công và nhiều bạn trẻ khác ở Đồng Tháp. Một “giấc mơ Sen” đang được gầy dựng và hiện thực từ Đàn sếu khởi nghiệp Đất Sen hồng. Để hiện thực giấc mơ đó, từ nhiều năm trước tỉnh Đồng Tháp cũng đã thành lập Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp BSSCL. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đặt mục tiêu: Đồng Tháp đang xây dựng thương hiệu tỉnh khởi nghiệp, một địa phương học tập, cùng chung sống, luôn có tinh thần lạc quan, nhiều niềm tin để cùng nhau phát huy sức mạnh.

Giấc mơ sen cũng “chiếm sóng” phần lớn câu chuyện với ông Phạm Thiện Nghĩa trên đường chúng tôi đi xuống huyện Châu Thành. Một chuyến “xuống với dân” như thường lệ của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp. Cùng đi còn có Giám đốc Sở NN-PTNT, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư và đại diện mấy sở ban ngành.

Suốt cả chuyến đi, tôi cố gợi chuyện bằng một loạt cách làm hay cũng như thành tựu của mô hình chính quyền thân thiện ở Đồng Tháp. Nào là Ngày thứ Sáu cùng dân, mô hình Cà phê doanh nhân hay cả chuyện UBND tỉnh Đồng Tháp vẫn thường tổ chức trang hoàng công sở thật đẹp để đón người dân vào tham quan, vui chơi mỗi dịp lễ tết. Kể cả chuyện thời sự nhất là Đồng Tháp vừa mới đưa vào hoạt động Trung tâm kiểm soát thủ tục hành chính và phục vụ hành chính công, nơi người dân được mời trà, cà phê trong khi chờ làm thủ tục...

Ông Nghĩa lý giải: Đồng Tháp xưa giờ là vùng đất xa xôi, khuất nẻo. Hình ảnh địa phương ít ai biết đến đã đành, tâm lý tự ti của người dân, cán bộ chính quyền cũng còn khá nặng nề. Làm thế nào để tạo sức bật cho quê hương luôn là điều khiến bao thế hệ lãnh đạo rất trăn trở. Cuối cùng chúng tôi chọn thay đổi từ con người.

Thay đổi trước tiên, theo lời ông Nghĩa, là từ chính quyền mệnh lệnh hành chính sang xây dựng chính quyền phục vụ. Thay đổi để xây dựng từng tiêu chí đối với cán bộ công chức, viên chức trong hệ thống với giá trị cốt lõi là tinh thần hành động, phục vụ doanh nghiệp, nhân dân.

“Ban đầu chọn lĩnh vực gần với dân nhất là cải cách hành chính để làm khâu đột phá. Lấy sự hài lòng của người dân làm tiêu chí đánh giá cán bộ. Từ tác phong, cách ăn mặc đến quy định mỗi cán bộ là người đứng đầu ở Đồng Tháp ít nhất một tuần phải có một hai buổi xuống với dân. Phải như thế mới tạo được sự gần gũi, thân thiện, mới có thể lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, của doanh nghiệp, hợp tác xã, từ đó cùng nhau bàn cách tháo gỡ, đi lên. Đồng Tháp cũng xây dựng các mô hình, không gian, mở các kênh thông tin mạng xã hội để lắng nghe người dân, doanh nghiệp chia sẻ, đề xuất, kiến nghị với chính quyền, hay đơn giản nhất là sử dụng từ ngữ khi ban hành văn bản làm sao để bà con dễ nghe, dễ hiểu nhất”, Chủ tịch Đồng Tháp chia sẻ.

Ngày hôm đó đoàn công tác của UBND tỉnh Đồng Tháp đi xuống Châu Thành là để gặp gỡ đại diện của hợp tác xã, hội quán trên địa bàn huyện. Từ hội quán Canh Tân đầu tiên của Đồng Tháp được thành lập ở xã An Nhơn vào năm 2016, những năm qua kinh tế tập thể ở Châu Thành đã phát triển thành một phong trào rộng khắp. 16 hợp tác xã, 14 hội quán với số lượng thành viên đã lên đến hàng ngàn. Cùng nhau thay đổi tư duy sản xuất sang kinh tế nông nghiệp, mua chung, bán chung, đi chung giống như làn gió mát lành len lỏi đến từng ấp, từng nhà. Ông Chủ tịch tỉnh cùng đoàn công tác xắn quần lội bộ men theo những bờ ao, kênh rạch đến thăm một mô hình chuyển đổi trồng sầu riêng ở Hợp tác xã sầu riêng Phú Hựu. Giữa miệt vườn lúc lỉu cây trái, cán bộ và bà con bàn chuyện giống má, rải vụ, chuyện liên kết, chuyện sản xuất theo tín hiệu thị trường, mã số vùng trồng…

Chủ vựa Huỳnh Văn Sỹ bày lên một ít nhãn, dừa, chôm chôm, sầu riêng đãi khách. Cùng nhau nói cười rổn rảng, thân tình và không khoảng cách. Anh Sỹ nhìn ông Chủ tịch tỉnh cười cười, thời buổi này trồng cây ăn trái mà không vào hợp tác xã, không có mã số vùng trồng thì không chơi được với ai anh Nghĩa ơi.

Ông Nghĩa gật gù. Phải dzậy chớ. Rồi quay sang nói với tôi, thân thiện chính là những không gian như vầy. Nông dân mình trước giờ chỉ lo cặm cụi sản xuất, ít khi ngồi lại với nhau. Bà con nghĩ gì, nguyện vọng ra sao nhiều khi cũng khó biết nên mình phải tìm cách gần gũi để bà con trải lòng. Anh nói thời gian qua Đồng Tháp có sự vươn lên mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu là nhờ chính quyền thân thiện nhưng điều chúng tôi cảm thấy quý giá nhất là giữ được uy tín với người dân, được bà con tin tưởng. Muốn như vậy thì cán bộ chính quyền phải nói đi đôi với làm. Đã cam kết với bà con là phải thực hiện bằng được chứ không phải xuống nghe dân nói, ghi vào sổ xong về lại để đấy.

Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp tặng anh Sỹ một món quà. Đó là biểu tượng của niềm tin và tự hào mà Đồng Tháp đã và đang xây dựng. Niềm tin qua thông điệp “Đồng Tháp – thuần khiết như sen” và niềm tự hào công dân đất Sen hồng.

 



Rời Châu Thành, chúng tôi đi giữa những miệt vườn rợp bóng xoài ở ngoại ô thành phố Cao Lãnh. Xã Tân Thuận Tây trước giờ nức tiếng với trái xoài. Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh. Và ngày hôm nay, vùng đất phù sa ven sông Tiền này đang là nơi đầu tiên thực hiện mô hình “Xây dựng Làng thông minh phát triển từ hội quán nông dân ở Đồng Tháp”.

Ở tuổi 72, ông Lê Phước Tánh cầm điện thoại quét lên mã QR code gắn trên cây xoài trước cửa Thuận Tân hội quán. Toàn bộ thông tin truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, biểu tượng làng thông minh và tất cả các thông số về đất đai, mùa vụ, nguồn nước, khí hậu của trái xoài Cao Lãnh lập tức hiện ra. Lại bước phăm phăm về phía mé sông Tiền, nơi mô hình du lịch cộng đồng Về Tân Thuận Tây dỡ chà đãi bạn từ mấy năm nay đã trở thành thương hiệu du lịch riêng có của vùng đất này. Vừa đi vừa chia sẻ, đó là thành tựu của sự đồng hành giữa chính quyền và nhân dân.

Ngày trước Tân Thuận Tây là vùng lúa nhưng ruộng đồng manh lắm. Lúa trồng chen, lạm xạm trong vườn, hiệu quả thấp. Năm 2017 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp xuống vận động bà con thành lập hội quán, nói bà con phải ngồi lại nhau mới được. Ngồi lại để cùng nhau thay đổi tư duy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chia sẻ những cách làm hay và cùng nhau phát triển du lịch cộng đồng, đánh thức tài nguyên bản địa…

“Nghe vậy thôi chứ trước giờ mình chỉ biết làm lúa, làm xoài, nào có biết du lịch cộng đồng, khoa học kỹ thuật nó ra làm sao”, ông Tánh cười hiền. Mấy ổng kiên trì lắm. Vận động bà con đi học tập các mô hình, mời các chuyên gia, nhà khoa học về tận vườn dạy bà con trồng xoài rải vụ. Mời cả ông Nguyễn Sự ngoài Hội An vô nói chuyện làm du lịch cộng đồng. Ổng nói như vầy, làm nông nghiệp chậm tiền lắm, bà con mình phải kết hợp làm du lịch, phát huy giá trị tài nguyên bản địa mới có thêm nguồn thu nhập. Tui chất vấn, Tân Thuận Tây chỉ có lúa, có xoài với sông Tiền, tài nguyên bản địa là cái thứ gì? Ổng cười, chính là nó đó. Ở nơi khác người ta có rừng, có biển thì ở đây mình có miệt vườn, có sông, có rạch, có nghề dỡ chà, có cá, có xoài… Mình phải đi học để xem người ta làm nhưng không phải để về bắt chước lại mà để biết cách phát huy cái gì mình có.

“Công nhận ổng nói trúng thiệt. Xã Tân Thuận Tây bây giờ có bốn ấp, phần lớn bà con đã tham gia vào các hội quán Tâm Quê, Thuận Tân, Nhân Tân, tham gia vào Hợp tác xã xoài. Biết cách trồng xoài rải vụ để ứng biến với thị trường, biết canh tác rau hữu cơ, xoài hữu cơ, VietGAP và dựa vào những giá trị của địa phương để phát triển du lịch cộng đồng. Trước kia chà dưới sông có ai biết tới, mấy nhánh cây trôi dạt mắc vào nhau gọi là chà chôm, thế mà bây giờ “tua” du lịch Về Tân Thuận Tây dỡ chà đãi bạn hút khách dữ lắm. Ngoài trồng xoài, bà con sắm ghe thuyền chở khách dỡ chà, bắt cá, chế biến các món ăn đãi bạn ngay trên thuyền, vừa vui lại vừa có tiền”, ông Tánh cười hỉ hả.

Từ nền tảng của 3 hội quán ở Tân Thuận Tây, tỉnh Đồng Tháp cũng đang phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ Khoa học Công nghệ xây dựng mô hình Làng thông minh phát triển từ hội quán nông dân ở Đồng Tháp. Dự kiến giữa năm 2024 sẽ hoàn thiện. Đó là một hệ sinh thái kết nối giữa chính quyền, người dân, doanh nghiệp nhằm kết nối cộng đồng, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống người dân dựa trên thế mạnh và cơ hội của địa phương. Một số ứng dụng công nghệ ở làng thông minh Tân Thuận Tây hiện đã đi vào hoạt động như quan trắc môi trường, dữ liệu phân tích khí hậu, đất đai, hệ thống chiếu sáng, tưới tự động…

Cầm chiếc điện thoại thông minh lên, ông Tánh nói, từ giờ tất cả có ở trong này hết đó nghe.

 



Đi trên những tuyến phố của thành phố trẻ Cao Lãnh hôm nay thật dễ dàng cảm nhận hồn sen, cảm nhận niềm tự hào của đất và người Đồng Tháp. Sen từ ruộng đồng đi lên phố. Sen khoe sắc ngay trên dải phân cách của tuyến đường Lý Thường Kiệt trước mặt trụ sở Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đồng Tháp. Kinh tế xanh Sen hồng bứt phá – Chuyển đổi số Đồng Tháp tiên phong. Câu slogan năm 2023 của Đồng Tháp có vẻ như là thông điệp mạnh mẽ về một cuộc cách mạng mới trên Đất Sen hồng.

Chủ tịch tỉnh Phạm Thiện Nghĩa tự hào, cuộc cách mạng chính quyền thân thiện góp phần đưa Đồng Tháp vươn lên trong nhiều lĩnh vực. Trước kia tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3% thì nay chỉ còn 1,7%.

Sự thân thiện, đồng hành của cán bộ, chính quyền cũng đã khơi gợi khát vọng, nỗ lực của người dân để từ đó giáo dục, du lịch, nông nghiệp và nhiều chỉ số khác của Đồng Tháp luôn ở tốp dẫn đầu. Nhưng xa hơn, ông Nghĩa nói, khát vọng, mục tiêu của Đồng Tháp là xây dựng tỉnh khởi nghiệp, mọi người dân cùng nhau học tập, chung sống và chia sẻ.

“Quy hoạch Đồng Tháp đến năm 2050 chúng tôi xác định rõ là một tỉnh nông nghiệp. Lấy nông nghiệp làm trọng tâm, con người là cốt lõi để phát triển. Chúng tôi không chạy theo mục tiêu tăng trưởng bởi vì tăng trưởng trong nông nghiệp không thể nhanh bằng công nghiệp hay một số lĩnh vực khác. Đồng Tháp chọn nông nghiệp, nông dân, nông thôn với trọng tâm là con người, đặt vấn đề môi trường sống của người dân, đẩy mạnh kinh tế xanh, chuyển đổi số để tạo ra đột phá. Với người Đồng Tháp hôm nay, giàu nghèo không phải chuyện vật chất tiền bạc mà có những giá trị lớn lao hơn là văn hóa ứng xử, thái độ, tình cảm của con người, là văn hóa của địa phương, xây dựng cộng đồng biết khát vọng, tự hào mới yếu tố quyết định”, ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh.

Xin được kết thúc bài viết này bằng cảm nhận của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi đến với đất Sen hồng. Đó là, đến với Đồng Tháp hôm nay thật dễ dàng cảm nhận người dân luôn tỏa ra vẻ lạc quan, khát vọng và thật nhiều niềm tin. Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng niềm tin và sự lạc quan của người dân chính là những chỉ dấu thắng lợi của một chính quyền đang không ngừng vươn lên.

Hơn hai năm trước khi có chủ trương xây dựng chính quyền thân thiện ở Bảo Yên có không ít những ý kiến tỏ ra nghi ngại. Đã đành là có thấy một số địa phương làm rồi nhưng hầu hết đó là những nơi cơ sở vật chất, hạ tầng phát triển, nhận thức của người dân, cán bộ khá cao... Còn Bảo Yên dù sao vẫn còn là huyện nghèo, nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, lo cái ăn còn đang vất vả, liệu đã đủ nhân lực, vật lực để thân thiện hay chưa?

Chị Nguyễn Thị Cương, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Bảo Yên đã dẫn tôi xuống thị trấn Phố Ràng và mấy xã Bảo Hà, Xuân Hòa... Say sưa và thẳng thắn, người phụ nữ được xem là “linh hồn” của chính quyền thân thiện ở huyện Bảo Yên không ngần ngại chia sẻ những thực tế ở địa phương dẫn đến quyết tâm xây dựng chính quyền thân thiện để “rút dần khoảng cách giữa cán bộ và nhân dân”.

Chị Cương vốn quê ở dưới xuôi lên đây dạy học. Nhiều năm làm giáo viên cấp ba, tiếp xúc nhiều với đồng bào dân tộc đã đúc rút rằng, xưa nay ở trên này dân sợ cán bộ lắm. Bảo Yên cũng giống như các huyện vùng cao Tây Bắc, suốt một thời gian dài đói nghèo, hủ tục lạc hậu, khoảng cách giữa cán bộ cơ sở và nhân dân thật nan giải. Trình độ, ngôn ngữ, phong tục tập quán của từng đồng bào khác nhau khiến chính quyền muốn tuyên truyền vận động chính sách khó đã đành, công tác giải quyết thủ tục hành chính lại càng lắm nỗi. Có cả trăm ngàn lý do khiến người dân sợ đến xã, đến huyện. Từ thủ tục nhiêu khê, rườm rà khiến nhân dân phát hãi đến thái độ của một bộ phận cán bộ cơ sở nhiều khi cũng chưa chuẩn mực. Nạn quan liêu, hách dịch của công bộc khiến khoảng cách giữa người dân với chính quyền cứ doãng dần ra.

Bởi thế, khi được điều động về công tác ở Ban Dân vận Huyện ủy Bảo Yên, chị Cương cùng những lãnh đạo tâm huyết ở đây luôn trăn trở, phải thay đổi nhận thức cán bộ trong bộ máy công quyền trước đã. Ừ thì thủ tục hành chính còn rối rắm, ừ thì trình độ đồng bào còn hạn chế, cơ sở vật chất, hạ tầng, chế độ đãi ngộ cán bộ cơ sở còn thấp… nhưng cái chính phải làm sao để cán bộ thực hiện đúng vai trò phụng sự nhân dân.

Đầu năm 2020, Đề án xây dựng Chính quyền thân thiện ở Bảo Yên ra đời, trở thành địa phương đầu tiên ở tỉnh Lào Cai triển khai thực hiện mô hình này.

“Đơn giản là xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của địa phương, lãnh đạo huyện bàn bạc nhau thực hiện chứ cũng chẳng có chỉ đạo gì từ cấp trên cả”, chị Cương vui vẻ tiết lộ.

Sau khi có chủ trương thực hiện từ Huyện ủy, liên tiếp các cuộc hội thảo quy mô toàn huyện được tổ chức. Một cuộc vận động lớn nhằm kêu gọi các xã, thị trấn bắt tay thực hiện. Cuối cùng Huyện ủy Bảo Yên thống nhất lựa chọn 3 địa phương để triển khai thí điểm, bao gồm: thị trấn Phố Ràng, xã Bảo Hà và xã Xuân Hòa. Ba vùng với những điều kiện đặc thù. Phố Ràng là trung tâm hành chính huyện, Bảo Hà là nơi đơn thư kiện cáo nhiều nhất, Xuân Hòa có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống.

Bộ tiêu chí xây dựng Chính quyền thân thiện được ban hành đồng thời thành lập các tổ tư vấn, hỗ trợ, phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng cấp trưởng các cơ quan ban ngành do Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy làm tổ trưởng. Nhiệm vụ trọng tâm ban đầu là hỗ trợ nhân dân giải quyết các thủ tục hành chính. 100% cán bộ cấp xã, thị trấn được tập huấn nâng cao các kỹ năng cơ bản nhằm đảm bảo thường xuyên thủ tục kịp thời, đúng quy định, lấy mức độ hài lòng của người dân làm tiêu chí đánh giá. Sau những hoạt động cơ bản là các chương trình hành động nhằm nâng cao vai trò của chính quyền với nhân dân.

Lần đầu tiên huyện Bảo Yên xây dựng 4 loại thư phục vụ cho các hoạt động giao dịch hành chính thông thường giữa chính quyền với người dân bao gồm: thư xin lỗi, thư cảm ơn, thư chúc mừng và thư chia buồn. Nghĩa là mọi buồn vui của nhân dân đều có mặt chính quyền. Tại bộ phận một cửa, tiếp dân của các xã, thị trấn đều niêm yết công khai phương châm hành động “chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ”.

Phương châm ấy trở thành quyết tâm xây dựng chính quyền gần dân để chia sẻ, nghe dân để hành động, hiểu dân để đồng hành, trọng dân để phục vụ. Gần như toàn bộ các hoạt động của chính quyền cơ sở ở Bảo Yên đều xoay quanh 4 biết, 4 chống, 4 xin, 4 luôn. Đó là biết nghe dân nói, nói dân hiểu, hướng dẫn dân làm, làm dân tin. Chống quan liêu hách dịch, đùn đẩy trách nhiệm, thờ ơ vô cảm, tham nhũng lãng phí. Cán bộ cơ sở khi tiếp dân phải biết xin chào, xin phép, xin lỗi, xin cảm ơn. Luôn mỉm cười, nhẹ nhàng, lắng nghe, giúp đỡ…

Chúng tôi đến Phố Ràng, Bảo Hà, Xuân Hòa, tiếp xúc với người dân cả mười người như một đều khẳng định các thủ tục hành chính trong năm vừa rồi được thực hiện đầy đủ, đúng hẹn. Có một tổ chức độc lập từ trên tỉnh về phát phiếu khảo sát mức độ hài lòng của người dân thì 100% nhân dân chấm điểm hài lòng từ tốt trở lên. Việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được ghi chép đầy đủ, đảm bảo đúng quy định, không phát sinh đơn thư, khiếu nại vượt cấp…

“Lẽ tất nhiên là cần thêm thời gian để hoàn thiện, tuy nhiên những kết quả tích cực ở các địa phương làm thí điểm chính là cơ sở để Bảo Yên quyết định nhân rộng mô hình Chính quyền thân thiện ra toàn huyện trong năm nay. Vẫn cứ phải vừa làm vừa tìm tòi, học hỏi để hoàn thiện dần chứ cứ ngồi chờ thì biết đến bao giờ”, Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Bảo Yên quyết tâm.

Xuân Hòa là xã vùng 3 khó khăn và có nhiều cái nhất ở huyện vùng cao Bảo Yên. Diện tích lớn nhất, dân số đông nhất, nhiều đồng bào dân tộc sinh sống nhất. Người Tày, người Mông, người Kinh, người Dao, người Phù Lá... tính ra cả xã Xuân Hòa có 1.900 hộ dân, xấp xỉ 10.000 khẩu, nhiều hơn cả thị trấn Phố Ràng. Đời sống người dân chủ yếu dựa vào diện tích quế khoảng 2,7 nghìn ha, cũng thuộc diện lớn nhất cả huyện.

Anh Vũ Thành Công là cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Bảo Yên được tăng cường xuống làm Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa kể: Ngày trước xuống Xuân Hòa công tác bao giờ cũng phải có phiên dịch đi cùng, là vì đồng bào ở nhiều bản làng Xuân Hòa chưa nói được tiếng phổ thông. Địa hình rừng núi phức tạp, chia cắt tới 20 bản nên có những bản làng người Mông, người Dao, người Phù Lá sống tách biệt, rất ít tiếp xúc với người ngoài. Thậm chí như ở bản của người Phù Lá, bà con chỉ xuống xã nếu có trưởng bản đi cùng. Họ sợ. Trên huyện giao cán bộ nông nghiệp xuống phổ biến bà con trồng chuối, mất cả ngày trời không xong vì bất đồng ngôn ngữ.

Ở mấy bản người Mông, nhận thức đồng bào còn hạn chế nên các đối tượng xấu thâm nhập vận động bà con đi theo mấy thứ tà đạo Dương Văn Mình, Bà cô Dợ... Mấy chục hộ trong bản bán hết nhà cửa, đất đai, vườn tược, bỏ làng bản mà đi, chính quyền phải tìm đủ mọi cách mới kéo về lại để ổn định cuộc sống.

Đầu năm 2020 xã Xuân Hòa bắt tay xây dựng Chính quyền thân thiện bằng những buổi đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Từ cán bộ chính quyền, đoàn thể, cán bộ thôn bản đều có lệnh triệu tập. Và bài học đầu tiên ai nấy phải nằm lòng là xác định bà con nhân dân cũng như người thân ruột thịt của mình. Không thể cái gì cũng theo quy định, đặc biệt là giải quyết thủ tục hành chính, phải hướng dẫn tận tình, kiên trì nhẫn nại. Mỗi tuần tổ xây dựng Chính quyền thân thiện Xuân Hòa chia nhau thành từng kíp trực, mỗi kíp là một đoàn thể phụ trách chịu trách nhiệm giám sát lẫn nhau, hỗ trợ bà con giải quyết ngoài giờ.

Dù “thêm việc không thêm tiền” tuy nhiên ai nấy đều chấp hành. Tất cả các hành động của cán bộ cơ sở đều được giám sát thông qua hệ thống máy tính kết nối, chấm điểm hoàn thành nhiệm vụ dựa vào mức độ hài lòng của người dân. Giả sử có chậm giải quyết thủ tục với người người dân vài phút, cả kíp không được chấm hoàn thành nhiệm vụ và lập tức  phải đăng đàn xin lỗi. Hành động cụ thể nhất thể hiện sự thân thiện của chính quyền xã Xuân Hòa là mặc dù điều kinh phí còn hạn hẹp những xã đã dựng nên hai căn phòng để người dân ngồi đợi trong khi chờ làm thủ tục.

“Gọi là phòng nhưng thực chất toàn bộ đều do anh em cán bộ xã góp sức, góp công dựng nên từ những vật dụng sẵn có. Dù còn sơ sài nhưng ít nhiều cũng là cách thể hiện tấm lòng đối với bà con. Nói nôm na, ngày trước ở Xuân Hòa người dân ngại lên công đường vì sợ cán bộ, bây giờ cán bộ lại sợ dân phật lòng. Lỡ không may dân có ý kiến đánh giá người cán bộ nào đó không tốt lại phải giải trình phát ốm”, Chủ tịch Công cười hiền.

Chính nhờ thay đổi tư duy, từ những căn phòng còn sơ sài ấy mà lần đầu tiên Xuân Hòa giải quyết thành công 100% thủ tục hành chính, người dân không phải chịu bất kỳ thủ tục nào quá hạn. 17 đơn thư khiếu nại của người dân được hòa giải thành công. Chính quyền thân thiện Xuân Hòa còn lập cả tổ công nghệ số cộng đồng, xây dựng các nhóm zalo, thư điện tử giữa xã và thôn bản...

Những chuyện mới mẻ nhiều khi còn khiến nảy sinh tình tiết dở khóc dở cười nhưng lâu dần đã đi vào nề nếp và phát huy hiệu quả thực sự rõ nét. Ví như thư chúc mừng, chia sẻ, cảm ơn mỗi khi bà con có chuyện vui, chuyện buồn ở Xuân Hòa cũng phải khác. Gia đình người Dao làm lễ trưởng thành cho con trai thì cán bộ đến đọc thư phải nhờ người Dao phiên dịch. Đám ma, đám cưới người Mông, hay người Phù Lá cũng đều phải có phiên dịch của người đồng bào như vậy. Nhiều khi cán bộ đọc xong cũng không biết dịch có đúng hay không nhưng quan trọng là cảm nhận được sự thay đổi của bà con. Họ thêm tin yêu, gần gũi với chính quyền, với cán bộ cơ sở.

Hôm chúng tôi đến Xuân Hòa đúng vào thời điểm cán bộ xã đang giải quyết thủ tục đất đai cho mấy hộ đồng bào Mông ở trên bản Mo 1. Tất cả đều theo kiểu cầm tay chỉ việc. Từ ký tá vào đâu, nộp lệ phí như thế nào, thời gian ngồi đợi mất bao lâu... bà con đều được cán bộ hướng dẫn tận tình.

Tráng Xuân Phông, một người Mông bản Mo 1 cười cười: Cán bộ làm hết chứ mình có phải làm gì đâu. Mấy lần trước tiền lệ phí mình không có cán bộ còn nộp luôn cho mà. Chủ tịch xã Xuân Hòa liền giải thích: Thời buổi công nghệ, chuyển đổi số, ở nhiều nơi yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính điện tử hết, nhưng bà con vùng cao đã làm gì có tài khoản, có điện thoại thông minh đâu, cán bộ xã phải làm thay cho bà con cả đấy.

Chính từ sự thân thiện và năng động của chính quyền, của cán bộ cơ sở, xã Xuân Hòa đã xây dựng thành công nhiều mô hình du lịch nông thôn, tới đây sẽ hình thành Làng du mục số Xuân Hòa rộng khoảng 8ha để tập hợp các hộ dân cùng nhau làm du lịch, vừa phát triển kinh tế vừa góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của các cộng đồng dân tộc trên địa bàn. Xã cũng đã xây dựng thành công vùng trồng quế lớn nhất huyện Bảo Yên, vùng trồng chè, trồng chuối và thử nghiệm cây mắc ca cho kết quả tốt. Trên 203 ha chè ở các bản có sản lượng thu hoạch hàng năm ước đạt hơn 12,2 nghìn tấn, mấy chục ha trồng chuối tại các bản người Mông từng đi theo tà đạo ngày trước bây giờ mỗi năm thu hàng tỷ đồng.

Đất đai rộng lớn, nếu chủ trương, chính sách đúng đắn rồi đây đời sống bà con chắc chắn sẽ khá, lãnh đạo xã Xuân Hòa chia sẻ.

Thực tế hôm nay Bảo Yên vẫn còn đó nhiều khó khăn, nhưng thành quả rõ nét từ mô hình Chính quyền thân thiện đang mang lại nhiều giá trị tích cực.

Một ngày cuối tháng 2 vừa rồi gia đình anh Trần Trung Hiếu và chị Hoàng Bích Thị bỗng dưng nhận được một bức thư cảm ơn của ông Chủ tịch UBND thị trấn Phố Ràng. Hành động của chính quyền nhằm tri ân không chỉ với vợ chồng anh Hiếu mà còn hàng chục hộ dân khác đã không ngần ngại hiến đất thổ cư của gia đình để mở rộng các tuyến phố. Bức thư chỉ vỏn vẹn mấy dòng, cả hình thức trình bày lẫn nội dung đều đơn giản nhưng lại toát lên vẻ mộc mạc, chân thành.

Chỉ trong vòng nửa năm, tính từ tháng 6 đến hết năm 2022, thị trấn Phố Ràng trao tổng cộng 172 thư đến công dân. Các xã Bảo Hà, Xuân Hòa cũng vậy. Gia đình nào có người sinh, người mất, Chủ tịch UBND xã có thư chúc mừng hoặc chia buồn. Cá nhân nào có thành tích xã có thư chúc mừng, cảm ơn. Trai gái lấy nhau, ngoài việc trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn ngay tại “phòng hạnh phúc” ở trụ sở UBND xã còn được đại diện chính quyền trao thư chúc phúc. Hoặc lỡ may thủ tục hành chính có chậm hơn thường lệ xã cũng phải gửi thư xin lỗi đến người dân. Đặc biệt, mặt sau của mỗi bức thư chúc mừng hay chia buồn đều kèm theo lưu ý những quy định của nhà nước về tổ chức ma chay, cưới hỏi. Những việc làm tưởng chừng như rất nhỏ nhưng ít nhiều thể hiện thái độ phụng sự, tỉ mẩn của công bộc, của chính quyền đối với nhân dân.

Và dường như nhờ những hành động nhỏ ấy mà nhân dân sẵn sàng mở lòng trở lại với chính quyền. Bí thư Đảng bộ thị trấn Phố Ràng, ông Phạm Anh Tuấn nói với tôi, trước đây cả Phố Ràng chỉ duy nhất tuyến quốc lộ 279 chạy qua là đường nhựa, còn lại tất cả các tuyến phố không có lấy một mét asphalt nào. Chỉ sau một năm triển khai mô hình Chính quyền thân thiện Phố Ràng đã xây dựng được 13 tuyến phố. Giữa trung tâm thị trấn tấc đất tấc vàng thế mà người dân đã hiến đất và tài sản trên đất khoảng hơn 6 tỷ đồng. Đường đến đâu sẵn sàng hiến đất, tài sản đến đấy, không mảy may lời ra tiếng vào, đơn thư kiện cáo lại càng không, nghĩa là người dân và chính quyền đã một lòng đồng thuận.

Nhìn vào gia cảnh vợ chồng anh Hiếu, chị Thị càng thấy quý tấm lòng hào phóng của họ. Hai vợ chồng không có nghề nghiệp ổn định, hai đứa con nhỏ lại còn thêm cả mẹ già. 5 miệng ăn chủ yếu trông vào nghề rửa xe của anh Hiếu. Vậy mà khi thị trấn Phố Ràng có chủ trương làm tuyến đường nối với Quốc lộ 279, cán bộ đến đặt vấn đề đã vội gật ngay. Tổng cộng có khoảng hơn 500m2 đất thổ cư, nếu tính theo giá thị trường bây giờ cũng lên đến tiền tỷ chứ không phải ít. “Làm đường được là được chung, mình hiến ít đất có gì đâu mà kể. Giả sử có lấy thêm vào nữa thì gia đình tôi lại hiến tiếp, bao giờ đủ thì thôi. Ở đây nhà nào cũng suy nghĩ như vậy đấy”, anh Hiếu khảng khái.

Ở xã Xuân Hòa, năm vừa rồi nhân dân hiến đất và tài sản trên đất và số ngày công làm đường nhiều nhất huyện Bảo Yên. Điển hình như tập thể nhân dân bản Qua đóng góp gần 600 triệu đồng, nhân dân bản Cuông đóng góp hơn 550 triệu đồng.... Dù đa số diện tích đất của nhân dân đang trồng quế, trồng mỡ, trồng xoan, trồng chuối... nhưng khi có chủ trương kêu gọi của chính quyền thì bà con lập tức sẵn sàng mở lòng mà không hề mảy may suy nghĩ. Thống kê trong năm 2022, tổng giá trị đất và tài sản bà con ở Xuân Hòa hiến cho tập thể có giá trị gần 7 tỷ đồng. Nhìn vào danh sách hiến đất rồi lại đi đến gặp gỡ nhiều Mạnh Thường Quân ở Xuân Hòa, chúng tôi tự hỏi điều gì khiến nhân dân ở đây hào phóng đến vậy.

Ví như gia đình anh Đặng Văn Thao, một người Dao sinh năm 1980 ở bản Cuông 3 hiến 3.000m2 đất rừng, 2.000 cây quế, khi hỏi đến chỉ thấy cười: Xã nói cần để làm đường thì mình biết là cần, mình sẵn sàng hiến nhiều hơn để mở đường cho dân bản.

Rồi các ông Hoàng Văn Thưởng, Hoàng Xuân Thủy ở bản Vắc hiến hơn 2.000m2… Ông Lìu Văn Dỉn ở bản Qua hiến 370m2 đất lúa cũng để làm đường. Lạ ở chỗ, đa phần trong số họ kinh tế chưa phải dư dả gì. Thậm chí nhiều hộ còn thuộc diện khó khăn như hộ bà Bàn Thị Đao, Công Thị Muội, Bàn Văn Thang, Triệu Tiến Hậu ở các bản người Dao, người Tày. Các hộ Hoàng Thị Cỏm, Đặng Văn Bảo, Trưởng Xuân Hạnh ở bản Mai Thượng đã không chỉ sẵn sàng hiến đất làm đường mà còn hiến luôn hàng trăm cây quế đang vào chu kỳ thu hoạch để xã có thêm kinh phí để làm đường, xây nhà văn hóa...

Chị Cương nói với tôi, tấm lòng ấy của nhân dân vừa là tài sản, vừa là giá trị để mỗi công bộc Bảo Yên soi vào và cũng để khẳng định, mô hình chính quyền thân thiện đầu tiên ở tỉnh Lào Cai đã thành công.

Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mới được công bố, tỉnh Quảng Ninh xếp thứ nhất/63 tỉnh, thành phố với 72,95 điểm, tỉnh Bắc Giang xếp thứ nhì với 72,80 điểm, Hải Phòng xếp thứ 3 với 70,76 điểm trên thang điểm 100…

Ghi nhận từ cơ sở của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam tại những địa phương có Chỉ số năng lực cạnh tranh tốp đầu.   

 

Quảng Ninh luôn xác định để phát triển bền vững, hệ thống chính trị phải không ngừng đổi mới tư duy, công tác cải cách hành chính, chính quyền thân thiện đặt lên hàng đầu.

Theo kết quả công bố của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ ngày 19/4/2023, Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu cả nước ở 2 bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2022. Kết quả này tiếp tục khẳng định niềm tin, sự đánh giá hài lòng ngày càng cao của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư về những nỗ lực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; phản ánh thực chất, khách quan các giải pháp đồng bộ mà tỉnh đã triển khai thời gian qua.

Chị Vũ Thị Dung (phường Vàng Danh, TP Uông Bí) có con bị hỏng mắt trái từ nhỏ. Qua tư vấn của cán bộ phường, tháng 10/2022, chị Dung đưa con đến UBND phường làm thủ tục để được hưởng trợ cấp xã hội cho người khuyết tật. Sau khi tiếp nhận đơn của chị Dung, 3 hôm sau đã có cán bộ của Sở Lao động Thương binh xã hội tỉnh Quảng Ninh đến phường để giám định. Và chỉ chưa đầy 20 hôm, hồ sơ của cháu đã được phê duyệt.

"Được cán bộ hướng dẫn cặn kẽ, chi tiết mọi bước thực hiện nên hồ sơ của tôi hoàn thành rất nhanh. Bên cạnh đó, với việc thực hiện các bước lập, gửi hồ sơ trực tuyến như hiện nay, công dân chúng tôi cũng được theo dõi cụ thể các bước giải quyết. Tôi thấy thực sự hài lòng với công tác điều hành, phục vụ người dân của chính quyền tỉnh Quảng Ninh", chị Dung chia sẻ.

Anh Trần Văn Hùng, phường Hoành Bồ (TP Hạ Long) đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh để làm thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề thú y. Tại đây, anh được cán bộ tiếp nhận hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục hành chính tận tình, nhanh chóng.

"Hiện nay, các thủ tục hành chính đều được đưa ra giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh nên người dân không phải đến các sở, ngành như trước. Đến đây, tôi được cán bộ tiếp nhận hồ sơ của Sở NN-PTNT Quảng Ninh hướng dẫn nhiệt tình, còn tư vấn, hướng dẫn tôi cách nộp hồ sơ trực tuyến đối với một số thủ tục của ngành. Lần sau khi có nhu cầu tôi sẽ thực hiện trực tuyến để tiết kiệm thời gian", anh Hùng phấn khởi.

Bà Vũ Thị Hạnh ở thị xã Đông Triều, bày tỏ: "Tôi muốn mở cửa hàng chuyên kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, khi liên hệ làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận, cán bộ bộ phận 'một cửa' Sở NN-PTNT hướng dẫn nhiệt tình, chu đáo, hồ sơ giải quyết nhanh gọn trước thời gian quy định".

Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh, cho biết Sở xác định cải cách hành chính là một trong những giải pháp thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần thúc đẩy ngành phát triển theo hướng hàng hóa.

Thời gian qua, Sở NN-PTNT Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp, từng bước xóa bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo, nâng cao tính công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.



"Chúng tôi xác định xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trách nhiệm là yếu tố then chốt. Sở đã xây dựng quy chế và cải tiến lề lối làm việc; nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ, giao tiếp ứng xử; đổi mới phong cách làm việc của cán bộ, công chức.

Từ những nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, ngành nông nghiệp Quảng Ninh kỳ vọng sẽ thu hút thêm nhiều doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh, từng bước nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân và khu vực nông thôn", ông Sơn cho hay.

Chia sẻ về những kinh nghiệm cải cách hành chính, tạo chính quyền thân thiện của tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Những chỉ số đẹp được công bố là những "con số biết nói", nhưng ẩn chứa đằng sau là các động lực thúc đẩy bởi các tác nhân thể chế, thiết chế tổ chức, chuyển đổi số, nhân lực, nhưng tất cả đều hội tụ ở nhân tố con người. Bằng sự nêu gương, làm gương của người đứng đầu qua hành động thực tế, "nhiệt huyết và truyền lửa" nói đi đôi với làm, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

"Đó còn là chính sách thu hút, lựa chọn đúng người thực đức, thực tài trong bộ máy lãnh đạo, quản lý, mạnh dạn bố trí, sử dụng ở các vị trí phải chịu trách nhiệm đứng mũi chịu sào trong bối cảnh đầy khó khăn, thử thách những năm vừa qua.

Đó còn là việc thiết lập, vận hành cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu lực, hiệu quả để kiên quyết sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, kỷ luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, giảm sút uy tín, nhất là nhũng nhiễu doanh nghiệp, gây phiền hà cho người dân", Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký nói.

Quảng Ninh luôn xác định, trên hành trình cải cách, những nỗ lực phải đến hằng ngày, không chủ quan, tự thỏa mãn với kết quả đã đạt được, mà luôn nhận diện kịp thời những mâu thuẫn trong thực tiễn quản lý, khó khăn, thách thức của người dân và doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ, giải quyết với tư duy quản lý sang tư duy phục vụ, mạnh dạn thí điểm áp dụng những mô hình quản trị mới, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch, chính quyền thân thiện trong thực hiện cung cấp các dịch vụ công phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân và xã hội với chất lượng ngày càng tốt hơn.

 

Giữa tháng 6, bên ngoài nắng như đổ lửa nhưng trong khu vực Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang vẫn mát rượi, hàng chục người dân đang ngồi chờ đến lượt nộp và nhận các thủ tục hành chính.

70 tuổi, ông Trần Văn Đông ra phường từ sớm để làm một số thủ tục, tránh nắng nóng. Hôm nay, ông Đông đi bổ sung giấy tờ chứng tử của người vợ đã qua đời vào hồ sơ cho tặng đất đai và mọi việc rất thuận lợi.

Ở tuổi thất thập cổ lai hy, chuyện hoàn thiện các giấy tờ với người đàn ông cả đời làm nông này không hề đơn giản, phần vì nhiều từ ngữ hành chính, phần vì chữ nhỏ mà mắt lại kém.

Nhưng khi đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của phường Dĩnh Kế, nơi in dòng khẩu hiệu “Hành chính phục vụ” rất rõ ràng thì mọi chuyện đơn giản hơn nhiều.

Các đề mục trong hồ sơ được nhân viên hành chính phường hướng dẫn rất cụ thể cho ông Đông. Đến khi hoàn thiện thì có các bạn thuộc đoàn thanh niên của phường và cả những người trẻ đi làm thủ tục hỗ trợ ông.

“Chu đáo lắm, tận tình lắm chú ạ. Đợt này đông người đi làm thủ tục, vất vả đấy nhưng các cô chú vẫn rất niềm nở, tận tình hướng dẫn cho bà con đến nơi đến chốn”, người đàn ông có mái đầu bạc trắng hồ hởi nói.

Với hơn 17.000 nhân khẩu thường trú, Dĩnh Kế là 1 trong 3 phường có dân số đông nhất của thành phố Bắc Giang. Chưa kể, Dĩnh Kế lại là phường Trung tâm của thành phố do vậy lượng khách lưu trú, vãng lai đến làm các thủ tục hành chính rất nhiều.

“Các tháng 5, 6, 7 là cao điểm của thủ tục hành chính. Mỗi ngày chúng tôi có thể đón đến hàng trăm lượt bà con đến giải quyết các thủ tục. Trong đó phần nhiều là các bạn học sinh đến làm hồ sơ thi các cấp, cán bộ đến làm hồ sơ thi tuyển…”, ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND phường nói.

Từ cách đây hơn 1 năm, chính xác là 14/4/2022, đồng loạt 16 phường, xã của thành phố Bắc Giang triển khai mô hình chính quyền thân thiện. Theo đó, các khu vực tiếp nhận và trả hồ sơ được cải tạo, nâng cấp để phục vụ nhân dân.

Như ở Dĩnh Kế, trong phòng có đầy đủ điều hòa, cây nước, ghế ngồi cho bà con đến làm thủ tục. Đối với các thủ tục khai trực tuyến, phường bố trí một khu vực đặt máy tính để người dân có thể sử dụng ngay tại chỗ. Ngoài ra, các trang thiết bị hạ tầng của cán bộ cũng được nâng cấp để cải thiện năng suất làm việc.

“Việc sử dụng máy tính và kê khai các thủ tục trực tuyến với nhiều người không đơn giản. Do đó, chúng tôi thường xuyên bố trí cán bộ hoặc đoàn viên hỗ trợ bà con thực hiện công đoạn này, chủ yếu là người già”, Phó Chủ tịch Trung cho biết thêm.

Ở Bắc Giang, các cơ quan hành chính bắt đầu làm việc từ 7h sáng cho mùa hè và 7h30 đối với mùa đông. Trong tuần, các phường còn có nhiều sáng kiến để cải thiện công tác thủ tục hành chính cho nhân dân. Ví dụ như ở Dĩnh Kế có “Ngày thứ Sáu nhanh”.

Theo ông Vũ Văn Trung, trong "Ngày thứ Sáu nhanh" đối với các giấy tờ không cần xác minh nhiều như giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh... các cán bộ của phường sẽ đẩy nhanh tiến độ để có thể hoàn thiện ngay trong ngày, không để kéo dài sang tuần sau.

Ngoài ra, phường cũng có chủ trương hạn chế sử dụng tiền mặt khi nộp các loại phí thủ tục hành chính hay hạn chế người dân tiếp xúc trực tiếp với cán bộ làm hồ sơ mà qua trung gian là đội ngũ hướng dẫn.

Đặc biệt, trong những ngày thiếu điện xảy ra khắp nơi như hiện nay, các cán bộ của phường Dĩnh Kế vẫn tạo điều kiện hết mức cho bà con đến xử lý thủ tục hành chính.

“Với các thủ tục kê khai trực tuyến, chúng tôi hỗ trợ, hướng dẫn bà con khai báo sau đó sẽ nhập vào hệ thống trực tuyến sau khi có điện trở lại”, ông Vũ Văn Trung nói khi được hỏi về cách triển khai công việc trong những ngày mất điện.



Chỉ 15 ngày từ khi khảo sát, lập dự án đầu tư vào Bắc Giang, Cty TNHH VAN HUACHENG đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thành lập doanh nghiệp với số vốn điều lệ 400 tỷ đồng.

Ông LIU QIANG, TGĐ Cty này vui vẻ cho biết, các cơ quan thuộc UBND tỉnh thực hiện các thủ tục một cách nhanh chóng khó tưởng tượng nổi. Ban đầu, Cty mẹ phía Trung Quốc xác định sẽ phải chờ khoảng 3-6 tháng mới xong thủ tục để tiến hành thuê đất, xây dựng mặt bằng sản xuất. Tuy nhiên, chỉ khoảng nửa tháng, phía Bắc Giang thông báo mọi thủ tục đã xong xuôi và doanh nghiệp có thể tiến hành các bước tiếp theo trong quá trình đầu tư.

“Ngay cả chi phí cho các thủ tục cũng hết sức nhẹ nhàng. Ban đầu chúng tôi xác định chi phí khoảng 100 nghìn USD, nhưng khi được Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Phát triển doanh nghiệp của tỉnh thực hiện, số tiền bỏ ra có 15 triệu đồng. Không những nhận được kết quả nhanh ngoài sức tưởng tượng, chúng tôi còn nhận được vô vàn nụ cười từ phía những người thực thi nhiệm vụ của tỉnh Bắc Giang”, ông LIU nói.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Giang, cho hay, với mục tiêu đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc của chính quyền cơ sở, hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, sau hai năm triển khai xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện”, tỉnh Bắc Giang đã bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực. Để tiếp tục xây dựng mô hình theo đúng mục tiêu đề ra, Bắc Giang sẽ tiến hành chấm điểm, gắn sao và công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Chính quyền thân thiện từ năm 2023.

Theo đó, nội dung đánh giá, công nhận gồm: Công tác xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tuyên truyền về “chính quyền thân thiện”; thực hiện cải cách hành chính; văn minh, văn hóa công sở và quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức; tổ chức tiếp xúc, đối thoại và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; mức độ hài lòng của cán bộ, công chức, người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Việc xét đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn được thực hiện định kỳ hằng năm; chỉ đánh giá, công nhận các xã, phường, thị trấn đăng ký đạt chuẩn hằng năm hoặc đăng ký nâng hạng sao hằng năm (đối với các xã, phường, thị trấn đã được công nhận đạt chuẩn).

Xây dựng chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm chính trị của Bắc Giang trong xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, hiệu quả cùng với ứng dụng tiến bộ khoa học, nhất là công nghệ thông tin vào các lĩnh vực đời sống hướng đến xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Hơn hết là thể hiện quyết tâm chuyển đổi từ tư duy hành chính sang tư duy phục vụ; thay vì cho phép, cấp phép sang được phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tính đến hết ngày 13/6/2023, tỉnh Bắc Giang đã thu hút được 1,305 tỷ USD tổng vốn đầu tư quy đổi (chưa bao gồm các dự án khu đô thị, khu nhà ở), tăng 44% so với cùng kỳ. Trong đó, 34 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có số vốn đăng ký đạt 1,053 tỷ USD, gấp 4 lần cùng kỳ; điều chỉnh tăng vốn cho 9 dự án đầu tư trong nước với số vốn bổ sung đạt 426 tỷ đồng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ và 16 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn với số vốn đăng ký bổ sung đạt 166,53 triệu USD, bằng 65,3% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, Bắc Giang đứng thứ 2 cả nước về kết quả thu hút nguồn vốn FDI sau thành phố Hà Nội. Đây cũng là một trong những kết quả được đánh giá là do mô hình chính quyền thân thiện mang lại.

'Không lựa chọn được người tài vào bộ máy sẽ không thể nào xây dựng chính quyền gần dân, thân dân', ông Lê Thanh Vân chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Thẳng thắn, trách nhiệm, không ngại những vấn đề nhạy cảm, khi chúng tôi đặt vấn đề bàn về xây dựng chính quyền thân thiện, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nói: "Theo quan điểm của tôi dù tên gọi nào vẫn phải xây dựng chính quyền dựa trên tư tưởng gần dân, thân dân. Bởi đó là tư tưởng xuyên suốt lịch sử dân tộc Việt Nam. Tư tưởng lớn ở các triều đại hưng thịnh và đặc biệt là ở thời đại Hồ Chí Minh thì tư tưởng đó lại càng được thể hiện rõ".

 

Vậy theo quan điểm của ông, những biểu hiện rõ nét của một chính quyền có tư tưởng gần dân, thân dân là gì?

Trước hết phải khẳng định chính quyền không phải hữu hình mà là hiện thân của những người cán bộ, lãnh đạo công tác ở trong bộ máy chính quyền đó. Từ xa xưa đến nay, một chính quyền gần dân, thân dân đã được thể hiện qua ứng xử của chính quyền, Nhà nước đối với nhân dân trên ba phương diện chính. Một là ban hành chính sách. Hai là áp dụng chính sách. Ba là xử lý vi phạm.

Ở phương diện thứ nhất, những đường lối, chính sách, pháp luật được Nhà nước ban hành chính là tư tưởng, đường lối của đất nước, của dân tộc, nhân dân và công cụ quản lý xã hội. Phương diện thứ hai từ đường lối đó, chính sách đó được triển khai, áp dụng vào thực tiễn cuộc sống để định hướng, dẫn dắt nhân dân, đưa quốc gia dân tộc phát triển. Phương diện thứ ba là sử dụng chính sách pháp luật, các quy định, chế tài đã được ban hành để xử lý các hành vi vi phạm nhằm quản lý, ổn định xã hội.

Bất kể triều đại nào, chế độ nào thì ba phương diện nói trên là tấm gương phản chiếu cách hành xử, tư tưởng gần dân, thân dân của Nhà nước, chính quyền. Kể cả ở các triều đại phong kiến, cho dù bất bình đẳng, có sự phân biệt giữa quan lại và nhân dân thì tư tưởng đó vẫn được thể hiện khá rõ, nhất là ở các triều đại hưng thịnh. Ví dụ trong bộ luật Quốc triều Hình luật thời nhà Lê quy định: Cùng một hành vi vi phạm, quan lại hay dân đen đều bị xử lý rất nghiêm minh, bình đẳng. Còn ở thời đại Hồ Chí Minh, tư tưởng gần dân, thân dân của Bác Hồ đã được thể hiện rất triệt để. Bác nói “Chính phủ là công bộc của dân” hay “việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh, chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Ngày nay, chúng ta xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân là một cách nói khác. Bài bản hơn, nhưng tư tưởng xuyên suốt cũng chính là gần dân, thân dân đó. Bởi gốc rễ của quyền lực Nhà nước là từ tay nhân dân giao phó. Vậy thì ban hành chính sách, áp dụng chính sách phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, đặt lợi ích nhân dân, lợi ích của quốc gia dân tộc lên trước hết rồi mới đến lợi ích bộ ngành, địa phương. Xử lý các vi phạm của người dân cũng vậy. Cần sự bao dung, khoan hồng, hợp tình hợp lý. Đó mới là chính quyền gần dân, thân dân thực sự.

 

Nếu đối chiếu trên ba phương diện ông nói, rõ ràng ở đâu đó vẫn còn những biểu hiện, cách hành xử của chính quyền với nhân dân khiến chúng ta không khỏi giật mình. Ông nghĩ sao?

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa rồi tôi đã đặt vấn đề rằng: Quá trình xây dựng luật của chúng ta hiện nay còn một số bất cập, trong đó có tình trạng kỷ cương lập pháp chưa nghiêm, trách nhiệm của người đứng đầu chưa xác định rõ, quá trình xây dựng chương trình luật còn cài cắm lợi ích... Đó là những biểu hiện hết sức nguy hiểm. Lợi ích của nhân dân, lợi ích của quốc gia, dân tộc chưa phải là trên hết, có thể đã bị đặt dưới, đặt sau lợi ích bộ ngành, lợi ích địa phương hay lợi ích của một nhóm người nào đó.

Chính vì vậy, xét ở phương diện thứ nhất, phải xác định Nhà nước thực chất là do nhân dân bỏ tiền thuế ra để nuôi và Nhà nước phải cung cấp dịch vụ tốt hơn cho nhân dân. Dịch vụ đầu tiên là các đạo luật, chính sách. Không thể phủ nhận chúng ta đã có các đạo luật, chính sách rất tốt nhưng rõ ràng vẫn còn đó những cách ban hành chung chung, thậm chí gây bất lợi cho người dân, doanh nghiệp. Luật thông qua, Chính phủ ban hành Nghị định, Thông tư, Chỉ thị hướng dẫn thực hiện nhưng không ít quy định chung chung dẫn đến thực tế doanh nghiệp, người dân rất dễ vi phạm. Thực trạng đó cần phải nhanh chóng khắc phục.

Ở phương diện thứ hai, áp dụng chính sách, rõ ràng vẫn còn tình trạng ở một số nơi chưa đặt mục tiêu lợi ích nhân dân lên trước. Ví dụ, ở những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì lợi ích nhân dân trước tiên phải là an sinh xã hội, là đời sống đồng bào chứ không phải tượng đài hay cổng chào.

Phương diện thứ ba cũng vậy. Có những cách hành xử của chính quyền với doanh nghiệp, người dân còn nặng, thậm chí nếu so sánh còn thấy rằng dù quy định có thể bình đẳng nhưng cách xử sự dường như chưa bình đẳng. Người dân ăn cắp mấy con gà bị xử rất nghiêm, đi tù mất mấy năm, còn cán bộ, quan chức làm thất thoát hàng trăm hàng nghìn tỷ đồng lại lấy đủ thành tích, bằng khen ra để xin giảm tội. Tôi cho rằng như thế cũng là chưa gần dân, thân dân đâu.

Áp dụng pháp luật, xử lý vi phạm, đặc biệt đối với doanh nghiệp, nhân dân, những người làm ra của cải vật chất cho xã hội cần phải xem xét bối cảnh vi phạm, dựa trên quan điểm lợi ích chung. Một người vi phạm pháp luật nhưng không có động cơ lợi ích cá nhân, họ vì lợi ích chung nhưng do pháp luật chưa quy định dẫn đến vi phạm thủ tục, quy trình, những vi phạm mang tính thủ tục hành chính thì khi xem xét, định tội phải nhìn nhận đánh giá yếu tố tích cực, khách quan và công tâm.

Tóm lại là cách hành xử của Nhà nước với người dân phải thể hiện được tinh thần gần dân, thân dân. Nhà nước và nhân dân phải hòa hợp với nhau chứ không phải ở hai chiến tuyến, đến mức phải đối đầu.

Thời gian qua, ở một số vụ việc liên quan đến vấn đề thu hồi đất tôi thực sự rất buồn khi thấy các cuộc đối thoại giữa chính quyền và nhân dân chưa thực sự hiệu quả. Chúng ta vẫn thiên về cưỡng chế quá. Gần dân, thân dân phải làm sao khi cán bộ nói dân nghe và tin. Muốn vậy thì anh cán bộ đó từ lối ăn mặc, hành vi ứng xử phải gần gũi nhân dân, hành động phải vì lợi ích nhân dân thì mới có thể thuyết phục được họ.

Đằng này vẫn có nhiều ông Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh mặc dù đã có quy định tiếp dân định kỳ rồi nhưng vẫn thường xuyên thoái thác, cáo bận. Tôi không biết các vị bận kiểu gì nhưng như thế không thể nào gần dân, thân dân được. Ông ở trong khu cách biệt, ông đi xe cộ đắt tiền, chỉ thích đến nơi sang trọng, dùng đồ hiệu xa xỉ mà không bao giờ đi vào đời sống nhân dân thì gần dân, thân dân làm sao? Và đổi lại, nhân dân chẳng bao giờ tin các ông cả.

 

Thưa ông, thời gian qua ở một số địa phương đã đưa mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện vào Nghị quyết để thực hiện, thực tiễn như Báo Nông nghiệp Việt Nam khảo sát cũng cho thấy đã có nhiều mô hình, cách làm hay với mục tiêu tối thượng là xây dựng chính quyền phụng sự nhân dân. Theo ông, yếu tố nào là giá trị cốt lõi trong “cuộc cách mạng” này?

Con người. Thể chế do con người tạo ra, sử dụng và vi phạm thể chế cũng do con người, cho nên gốc rễ ở đây là con người. Cụ thể trong vấn đề chúng ta đang bàn chính là cán bộ.

Bác Hồ nói “cán bộ là gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”… Từ cán bộ theo nghĩa xưa là những người chung lưng theo một chính đảng. Sau này chúng ta đưa ra nhiều cách hiểu thêm đó là những người cốt cán, nòng cốt, chủ trì công việc, công tác nhân sự… Đây là vấn đề cốt lõi, gốc rễ của chính quyền gần dân, thân dân.

Nếu cán bộ có tâm trong sáng, nghĩ về lợi ích của nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc thì khi khởi xướng, xây dựng chính sách bao giờ cũng đặt lợi ích của nhân dân, đất nước, lợi ích dân tộc lên trên hết. Như thế anh ta sẽ là cầu nối, là sợi dây đưa chính quyền đó gần dân, thân dân, là người cán bộ có phẩm chất như Bác Hồ đã nói là “yêu nước thương dân” hay “yêu nước thương nòi”.

Ngược lại, nếu cán bộ vì lợi ích của ngành mình, địa phương mình, vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, lợi ích bản thân thì khi xây dựng chính sách chắc chắn anh ta cũng hướng chính sách phục vụ những lợi ích đó.

Thứ hai, cũng là yếu tố con người hay cán bộ trong việc áp dụng chính sách pháp luật. Nếu cán bộ vì lợi nhỏ mang tính cá nhân, cục bộ mà bỏ qua lợi ích lớn của nhân dân, của sự nghiệp chung thì rõ ràng anh cán bộ đó không có phẩm hạnh tốt.

Đã là cán bộ không có phẩm hạnh tốt thì cả ba phương diện ban hành chính sách, áp dụng chính sách và xử lý vi phạm trong bộ máy chính quyền anh ta công tác sẽ tồn tại rất nhiều vấn đề. Anh ta sẽ là người xây dựng phe cánh với những người tôn xưng mình như là vua, là chúa trong cơ quan tổ chức. Anh ta đề bạt, cất nhắc những người xun xoe nịnh bợ, hầu hạ, điếu đóm cho mình và lựa chọn những người đó làm trợ thủ, đào tạo bồi dưỡng những con người đó nhằm kế thừa mình… Thế thì làm sao áp dụng chính sách vì lợi ích chung được và anh ta chắc chắn sẽ là mối nguy hại khiến nhân dân mất niềm tin vào chính quyền.

Thứ ba, trong xử lý các vi phạm, nếu cán bộ có hành vi xử lý mang tính chất thù hằn cá nhân, hẹp hòi, đớn hèn thì không thể nào là cán bộ vì lợi ích chung được. Anh ta ganh tị với người tài năng, thông tuệ, uyên bác hơn mình và sẽ luôn tìm cách vùi dập người ta. Anh ta lợi dụng những điều pháp luật chưa quy định rõ để trù dập, tố cáo người khác, bất kể hành vi của người đó như thế nào.

Với nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp cũng vậy. Tại Kỳ họp Quốc hội vừa rồi và cả mấy Kỳ họp trước tôi cũng đã nói nhiều vấn đề này. Đó là trong vấn đề xử lý vi phạm phải xem xét kỹ lưỡng cái nào là vô tình vi phạm do thiếu hiểu biết pháp luật, cái nào do quy định pháp luật chưa đầy đủ để có sự khoan dung.

Bởi vì thực tế pháp luật của chúng ta đôi khi vẫn còn tình trạng “giăng bẫy” khiến bất cứ ai cũng có thể vô tình sa vào. Cho nên khi xem xét vi phạm cần có sự khoan hồng, bao dung và nhìn nhận kỹ càng động cơ, mục đích của người phạm tội đó là gì. Nếu lỗi lầm có thể cải tạo, có cơ hội cho người vi phạm lập công chuộc tội và mang lại lợi ích lớn hơn cho quốc gia, dân tộc thì chúng ta nên xem xét để có hướng xử lý thấu đáo, đó mới là vì lợi ích chung.

Vai trò, yếu tố cán bộ chính là ở chỗ đó. Người cán bộ, lãnh đạo phải đạt được những cảm xúc lớn,cái tâm anh phải chứa đựng được cả thiên hạ, cái đầu anh phải nhìn thấu được cả nhân gian. Thế mới là cảnh giới cao nhất của tư tưởng gần dân, thân dân của người cán bộ phụng sự trong bộ máy chính quyền, Nhà nước.

Và cả những biểu hiện, hành vi cần lên án, cảnh báo, thưa ông?

Thực ra Đảng ta đã cảnh báo các nguy cơ cán bộ suy thoái từ rất lâu rồi và sau này những cảnh báo đó dần trở thành hiện thực. Cho nên mới “đốt lò”, mới chống tham nhũng, tiêu cực. Rõ ràng vấn đề suy cho cùng vẫn là cán bộ, yếu tố con người thôi. Chống tham nhũng, tiêu cực bản thân anh phải sạch trước đã. Còn anh nhân danh chống tham nhũng để đi dọa người ta, lén lút ăn tiền hoặc vì một động cơ nào đó không phải vì lợi ích chung thì chống làm sao được. Rồi đến thái độ, hành vi, cách ứng xử với nhân dân, đạo đức công vụ như tôi đã nói ở trên, trên cả ba phương diện. Có như thế mới củng cố được niềm tin của Nhân dân, mới xây dựng chính quyền gần dân, thân dân được.

 

Gốc rễ là con người, là công tác cán bộ, nhưng để lựa chọn được những người thực sự mang tư tưởng, hành động phụng sự nhân dân dường như luôn là vấn đề khó khăn, thưa ông?  

Có nhiều cách lắm, nhưng theo tôi hiệu quả nhất là học Bác Hồ. Sinh thời, để chọn người tài đức, Bác chỉ xét ở 3 tiêu chí. Một là hỏi bạn bè người đó xem học có giỏi hay không. Hai là tìm hiểu xem người đó ứng xử với bố mẹ, anh em họ hàng, làng xóm như thế nào. Ba là thử thách bằng những công việc khó, thậm chí là gian nan, nguy hiểm.

Và nếu bạn bè người đó bảo là học giỏi thì chắc chắn là người giỏi. Nếu người đó hiếu đễ với bố mẹ, nghĩa khí với bạn bè, tình cảm với xóm làng chắc chắn là người có tâm. Nếu giao việc khó mà không từ nan, có thể làm tốt thì rõ ràng là người tài. Chúng ta học Bác là học những điều giản dị và rất hiệu quả như vậy. Còn bây giờ tôi thấy rằng có quá nhiều tiêu chí, vòng nọ vòng kia, đưa lên đưa xuống để lựa chọn nhưng thử hỏi liệu có hiệu quả bằng cách của Bác Hồ từng áp dụng hay chưa.

Bản thân tôi cũng đã từng đi địa phương nên biết. Người ta lấy tiêu chí áp sát, thuận lợi với người họ đã chọn. Rặt những “tứ ệ” như đồng chí Tổng Bí thư đã nói. "Trực hệ, đồ đệ, quan hệ, tiền tệ". Nếu như một bộ máy nhiều “tứ ệ” như vậy thì làm sao xây dựng được chính quyền gần dân, thân dân?

Cho nên, công tác cán bộ, tôi cho rằng phải thật, phải sát. Phải chọn người thực chứng bằng việc tổ chức thi tuyển các chức danh với công tác thật nghiêm ngặt. Người giỏi, người dốt biết ngay. Còn với các chức danh bầu cứ hãy công khai tranh cử để xem khả năng thuyết phục chính sách, khởi xướng chính sách, đề xuất giải pháp của người được bầu vào chức vụ nào đó như thế nào. Chứ một bộ hồ sơ đẹp lý lịch, đẹp bằng cấp, đẹp tỷ lệ phiếu tín nhiệm chưa biết thật giả thế nào thì làm sao chọn được người tài.

Thứ hai, phải có căn cứ thực chứng để đánh giá xem người đó đã làm được những gì cho đất nước, địa phương, cho cơ quan đơn vị…  Anh có thành tích gì? Ví dụ ở Trung ương, một Ủy viên Trung ương cả nhiệm kỳ không có đề xuất gì cho chính sách cả thì làm sao vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư được. Một Bí thư Tỉnh ủy lãnh đạo một địa phương mà năm nào cũng cắp rá xin Trung ương hỗ trợ thì không thể nào bầu lên làm Bộ trưởng. Một đại biểu Quốc hội ngủ gật cả nhiệm kỳ, không bao giờ phát biểu, thậm chí khi phát biểu cầm giấy đọc ê a đọc xong vẫn không biết mình nói cái gì thì chọn lựa đại diện nhân dân, cử tri làm sao đây.

Và còn có cả những cách đánh giá đơn giản nhất như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng chia sẻ là cứ hỏi dân sẽ biết hết. Chúng ta cần dũng cảm nhìn vào sự thật để chọn người tài chứ không thể theo kiểu dấm dúi lấy tiêu chí bỏ phiếu tín nhiệm ở gầm bàn, căn cứ vào mấy đánh giá của cấp trên là “cậu này có vấn đề”, dù không ai biết vấn đề đó là gì.

Tôi khẳng định, không lựa chọn được người tài vào bộ máy sẽ không thể nào xây dựng chính quyền gần dân, thân dân. Lịch sử dân tộc đã chứng minh giặc ngoại xâm bao phen thất bại là vì cái gì? Chính là vì lòng dân và Nhà nước là một, dưới sự dẫn dắt của người tài được lựa chọn, giao phó đã biến thành sức mạnh vô địch, kẻ thù nào cũng đều đánh thắng. Các thế lực ngoại xâm sợ sức mạnh dân tộc ta chính là sợ sức mạnh của một dân tộc đoàn kết, sợ sức mạnh của một dân tộc nhiều nhân tài.

Thời đại Nhà Trần, giặc Nguyên Mông sang xâm lược nước ta, vó ngựa đi đến đâu cỏ không mọc được đến đấy nhưng 3 lần đều thất bại là vì sao? Chính là vì Nhà Trần và Nhân dân là một. Muốn có lòng dân thì rõ ràng triều đại nào cũng phải gần dân, thân dân mới có được.

Lựa chọn người tài để xây dựng chính quyền gần dân, thân dân, lựa chọn cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm xây dựng chính quyền thân thiện, thực tiễn thời gian qua chúng ta cũng nói nhiều đến tâm lý sợ sai của cán bộ, quan điểm của ông thế nào?

Trong lúc tranh luận kinh tế xã hội trong Kỳ họp Quốc hội vừa rồi tôi phân “cán bộ không làm gì” thành ba loại. Một là loại không biết gì. Nghĩa là anh ta không có kiến thức, năng lực, có thể đi lên bằng “tứ ệ” để chễm chệ ngồi vào vị trí không xứng đáng nên không biết phải làm gì. Loại thứ hai là không thấy có lợi lộc gì cho bản thân, cho gia đình thì không làm. Loại thứ ba, biết nhưng sợ hãi, sợ có thể bị trừng phạt nên không dám làm.

Tôi cho rằng cả ba loại đó đều đáng bị xử lý, phế bỏ. Cán bộ là do dân nuôi, sao lại không làm gì là thế nào. Thậm chí cần phải xem xét hành vi không làm gì của những người đó đã gây tác hại đến lợi ích chung của nhân dân, của quốc gia dân tộc như thế nào để có hình thức xử lý chứ đừng nghĩ không làm gì mà thoát được lưới pháp luật.

Và ngược lại, chúng ta cũng cần phải quan tâm, bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Vấn đề này vào năm 2021, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, một quyết sách rất đúng đắn, kịp thời và cần thiết. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi thấy tiếc bởi vì sau 2 năm chúng ta vẫn chưa cụ thể hóa được bằng các văn bản pháp luật.

Đặc biệt là đối với những trường hợp cán bộ có vi phạm. Tôi cho rằng, ngoại trừ những trường hợp hại nước hại dân thì vẫn có những trường hợp cần xem xét ở cả 3 phương diện chúng ta đã nói ở trên. Mục đích ban đầu họ đặt ra cho việc làm đó là gì? Nếu vì mong muốn có ích cho đất nước, có lợi cho dân, không có động cơ lợi ích cá nhân và phương pháp, kết quả những việc làm đó như thế nào. Phương pháp tốt, kết quả tốt thì có thể là do các quy định pháp luật chưa đầy đủ nên họ mới vi phạm. Những người đó đáng được bảo vệ, thậm chí suy tôn, xem xét công chứ không phải tội.

Xin cảm ơn ông!

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất