Tác phẩm đoạt giải

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng từ góc nhìn Vĩnh Phúc

Sau hơn ¼ thế kỷ nhìn lại, khi tái lập tỉnh năm 1997, Vĩnh Phúc là một tỉnh thuần nông nghèo, hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, thu nhập, đời sống nhân dân thấp, cùng vô vàn khó khăn bộn bề, chồng chất… Đến nay, Vĩnh Phúc đã đạt nhiều thành tựu vượt bậc, đáng kể trên các lĩnh vực, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu của tỉnh cao hơn mức bình quân chung của cả nước, thậm chí nằm trong tốp đầu. Vĩnh Phúc trở thành tâm điểm của cả nước về sự phát triển mọi mặt, mà khởi nguồn của những thành công đó bắt đầu từ sự đổi mới không ngừng phương thức lãnh đạo của Đảng.

 

Kỳ 1: “Tiếng gọi” từ cuộc sống

 

Cuộc sống thôi thúc; trăn trở trước sự đói nghèo của người dân; không chấp nhận sự tụt hậu và không để hổ thẹn với các bậc "tiền nhân", đặc biệt, khắc ghi lời căn dặn của Bác Hồ khi về thăm tỉnh năm 1963: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”… đó là "tiếng gọi" đánh thức trái tim, khối óc của những cán bộ, đảng viên mang trọng trách đứng đầu, để chính họ chớp lấy thời cơ, tiên phong sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm, dám dấn thân, dù phía trước còn nhiều thách thức, chông gai, nhằm mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.

Một thời không dễ quên

Tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập sau 29 năm sáp nhập với tỉnh Phú Thọ, có 6 đơn vị hành chính, diện tích 1.371 km2, dân số 1,1 triệu người, trong đó, dân số nông nghiệp chiếm hơn 91%, dân tộc ít người chiếm 2,7%.

Vĩnh Phúc khi tái lập còn là một tỉnh nghèo, xuất phát điểm của nền kinh tế ở mức rất thấp, kinh tế hàng hóa chậm phát triển, sản xuất nông nghiệp vẫn là chủ yếu, công nghiệp nhỏ bé, thu nhập tính theo đầu người thấp xa so với bình quân chung cả nước.

Trong cuộc đời của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Người đã 8 lần về thăm, động viên và chỉ dạy tận tình cho các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và người dân Vĩnh Phúc (ảnh tư liệu).
Trong cuộc đời của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Người đã 8 lần về thăm, động viên và chỉ dạy tận tình cho các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và người dân Vĩnh Phúc (ảnh tư liệu).


Về xã hội, tình trạng thiếu việc làm còn nhiều ở cả thành thị và nông thôn, các tệ nạn xã hội, tiêu cực chưa được đẩy lùi; hoạt động của hệ thống chính trị còn nhiều hạn chế; điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn, khó khăn; đội ngũ cán bộ trong các cơ quan còn thiếu và mới, còn nhiều bất cập với yêu cầu nhiệm vụ…

 Khi tái lập, xuất phát điểm nền kinh tế của tỉnh rất thấp, kinh tế thuần nông, tỷ trọng nông nghiệp chiếm trên 52% giá trị GDP, công nghiệp chiếm gần 13%; thu nhập bình quân đầu người chưa bằng 50% mức thu nhập bình quân chung cả nước; tài chính mất cân đối nghiêm trọng; thu ngân sách dưới 100 tỷ đồng.

Nhớ lại một thời khó quên đó, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chia sẻ với báo chí: Những năm đầu, cơ sở làm việc thiếu thốn. Các cơ quan của tỉnh phải làm việc nhờ tại các cơ sở của thị xã Vĩnh Yên, nhưng mọi người đều phấn khởi, làm việc quên mình… Khi đó, phòng làm việc của tôi cũng như các đồng chí lãnh đạo tỉnh khác chỉ là dãy nhà cấp 4 tạm bợ, nhưng chúng tôi luôn nung nấu, quyết tâm tìm mọi giải pháp để Vĩnh Phúc phát triển.

Vĩnh Phúc chập chững, bắt đầu trên chặng đường mới đầy gian khó. Câu hỏi lớn đặt ra cho toàn Đảng bộ là phải bắt đầu từ đâu, bằng cách nào, người Vĩnh Phúc phải làm gì và phải làm thế nào để Vĩnh Phúc “giàu mạnh, phồn vinh” như lời Bác đã căn dặn?

Đi tìm động lực

Câu chuyện về “khoán hộ” của cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc những năm 1966-1968 một thời gây chấn động cả nước. Ông đã đưa ra và quyết định những quyết sách chưa từng có trong tiền lệ, đã khởi xướng “khoán hộ”, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp và dẹp sang một bên những cánh đồng “cha chung không ai khóc”.

Những thành tựu của khoán hộ cách đây hơn 50 năm không chỉ được đo đếm bằng những con số, quan trọng hơn, nó gợi mở, tạo ra phương pháp luận tư duy khoa học trong quản lý và điều hành sản xuất kinh tế nông nghiệp tập thể.

Chính “khoán hộ”, sau này, là tiền đề để Trung ương cho ra đời “khoán 10” đem lại một thời kỳ đổi thay, phát triển mạnh mẽ cho nền nông nghiệp cả nước. “Khoán hộ” đã thể hiện tầm nhìn trí tuệ, sâu sắc, am tường thực tiễn của cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc với tư duy đột phá, “đi trước thời đại”, “mở đường” đã trở thành tấm gương điển hình cho sự đổi mới của cả nước nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng.

Và không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc đời của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Người đã dành 8 lần về thăm, động viên và chỉ dạy tận tình cho các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và người dân Vĩnh Phúc.

“Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta” trở thành mục tiêu, phương châm và khát vọng cháy bỏng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong suốt hành trình đổi mới, xây dựng, kiến thiết đất nước, quê hương ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ hằng mong mỏi.

Song, làm thế nào để Vĩnh Phúc giàu có là vấn đề quá khó nếu chỉ bằng con đường phát triển nông nghiệp truyền thống. Lời giải cho bài toán dần được hình thành.

Đồng chí Bùi Hữu Hải, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, trong một bài viết cho Báo Vĩnh Phúc số ra ngày 1-1-1997 nhấn mạnh: "Nhân dân Vĩnh Phúc có truyền thống cách mạng, cần cù và sáng tạo, ham học hỏi, có chí tiến thủ… Với ý chí tự lực, tự cường, phát huy trí tuệ cộng đồng, nhất định chúng ta sẽ xây dựng được Vĩnh Phúc thành một tỉnh giàu mạnh, văn minh".

Những lời tâm huyết của người đứng đầu Đảng bộ tỉnh thời điểm đó có sức lay động, lan tỏa mạnh mẽ tới toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân. Tận dụng thời cơ, khai thác tiềm năng, lợi thế, tất cả được chuyển hóa bằng các nghị quyết mang tính “đột phá” của Đảng, từ đó, đã truyền cảm hứng mạnh mẽ đến từng cán bộ, đảng viên, người dân, kết thành sức mạnh, đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, không ngừng đâm chồi, nở hoa, kết trái. Sự mong mỏi của người dân, khát vọng “giàu có, phồn vinh” là “tiếng gọi” của cuộc sống, trở thành “bệ phóng” để các thế hệ đảng viên đi tìm câu trả lời bằng cả trái tim, bằng tư duy đổi mới, sáng tạo, đột phá.

Bước chuyển căn bản

Nhận diện mình đang ở đâu, có lợi thế gì, sử dụng thật hiệu quả các nguồn lực đang có, cùng với nắm bắt đúng xu thế vận động, tình hình trong nước, quốc tế… Đại hội Đảng bộ tỉnh đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh (Đại hội XII, nhiệm kỳ 1997-2000), định hướng phát triển được nêu rõ: “Đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế, nhất là đối với công nghiệp, tập trung mọi nguồn lực tạo động lực khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp, sớm thoát khỏi tình trạng kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, tạo tiền đề cho sự phát triển ổn định, vững chắc sau năm 2000… chuyển dịch nền kinh tế theo hướng cơ cấu công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ”.

Tại Đại hội, các đại biểu còn thống nhất cao với chủ trương: Tranh thủ mọi thời cơ thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào tỉnh nhà nhằm đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra một nền công nghiệp hiện đại, tạo nhiều việc làm… Như vậy là đã rõ, Vĩnh Phúc phải đi bằng con đường công nghiệp hóa, với những định hướng rất cụ thể.

Một tỉnh thuần nông, nền tảng “công nghiệp còn nhỏ bé, vốn ít, kinh doanh kém hiệu quả, không có khả năng tự đầu tư…”, nguồn lực cho công nghiệp hầu hết đang ở “tiềm năng”… quyết nghị lấy công nghiệp là nền tảng, động lực phát triển là một “đột phá” trong tư duy, một bước ngoặt mang tính lịch sử.

Từ đây, Vĩnh Phúc chuyển hẳn nền kinh tế từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, từ tư duy nông nghiệp sang tư duy công nghiệp, đó là bước chuyển căn bản nhất, là nhân tố quyết định đưa Vĩnh Phúc thành tỉnh giàu có, phồn vinh. Có thể coi đó là khởi đầu ghi dấu ấn cho tầm tư duy chiến lược, đánh dấu trang mới trong hoạch định đường lối, mở ra thời kỳ mới trong tiến trình phát triển của Đảng bộ Vĩnh Phúc.

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã trải qua 6 kỳ Đại hội (Từ nhiệm kỳ Đại hội XII đến nhiệm kỳ Đại hội XVII). Mục tiêu xuyên suốt và nhất quán trong các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh từ khi tái lập tỉnh đến nay là lựa chọn con đường đổi mới để phát triển. Trong đó, tập trung phát triển công nghiệp, coi công nghiệp là nền tảng, động lực để phát triển… Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; đến năm 2030 xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, cơ bản đủ các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2045, Vĩnh Phúc là thành phố phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội, môi trường; nền kinh tế phát triển theo hướng kinh tế số, kinh tế tri thức. 

 

 Kỳ 2: “Chìa khóa” thành công

 

Hoạch định phương hướng, bước đi linh hoạt, phù hợp, xác định đúng vị thế của tỉnh trên bản đồ phát triển chung của vùng và cả nước, tự tin với tâm thế mới, xây đắp “cơ đồ” mới cho quê hương… đó là cả một quá trình không ngừng đổi mới toàn diện, vươn lên để Vĩnh Phúc có được những thành quả to lớn.

Mở lối tiên phong

“Chân trời mới” của phát triển công nghiệp được tiếp nối, hoàn chỉnh, được cụ thể hóa trong từng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ, xoay quanh trục là “nền tảng”, “động lực,” là khâu “đột phá”. Mở đường cho công nghiệp hóa, xác định đúng tầm quan trọng của công tác quy hoạch, tỉnh đã sớm hoàn chỉnh, phê duyệt quy hoạch các khu công nghiệp mới, như khu công nghiệp Quang Minh, Kim Hoa, Khai Quang, Bình Xuyên, Bá Thiện, Thăng Long Vĩnh Phúc…

Tạo sức bật cho công nghiệp, để giải phóng nhanh các nguồn lực, mở đường để công nghiệp trở thành đầu tàu, bứt phá, Đảng bộ tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng về cải cách hành chính (năm 2022, Vĩnh Phúc nằm trong nhóm 7 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính), cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; về đầu tư tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc… và hàng loạt nghị quyết của HĐND, cùng các cơ chế, chính sách của UBND, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, là “bệ đỡ” và tất cả “kết tụ”, trở thành phương châm, chương trình hành động cách mạng, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc dốc toàn tâm, toàn lực, tuyên truyền đậm nét, tạo đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay hành động.

“Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc. Doanh nghiệp giàu, Vĩnh Phúc phát triển”; đặt doanh nghiệp đúng vị trí của sự phát triển, luôn quan tâm, lắng nghe, chia sẻ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng là tư tưởng nhất quán, xuyên suốt (qua các thời kỳ) từ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các địa phương. 

 

Nói về sự quan tâm, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại tỉnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thép Việt Đức Lê Minh Hải cho biết: “Vĩnh Phúc là địa phương tiên phong đổi mới tư duy, nhiều cách làm hay, sáng tạo. Qua từng thời kỳ, lãnh đạo tỉnh luôn thống nhất quan điểm xem nhà đầu tư tại Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, sự thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, thực hiện đúng những cam kết ưu đãi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp…”.

Thành quả to lớn, vượt bậc

Từ chỗ không có khu công nghiệp (KCN) khi mới tái lập, đến nay, tỉnh đã có 19 khu công nghiệp, quy mô hơn 1 nghìn ha, trong đó có 14 KCN được cấp giấy chứng nhận đầu tư (có 8 KCN đi vào hoạt động), với hơn 13 nghìn doanh nghiệp - tăng 141 lần so với năm 1997, vốn đăng ký đạt trên 150 nghìn tỷ đồng. Đến nay, công nghiệp - xây dựng giữ tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu nền kinh tế (chiếm trên 64%), giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 80%.

Điều đáng nói là, có hơn 2.000 sản phẩm sản xuất tại các KCN của tỉnh được xuất khẩu đi khắp thế giới. Những sản phẩm mang thương hiệu toàn cầu, với những cái tên trở thành niềm tự hào, là “trụ đỡ” nền công nghiệp, từ lâu đã gắn liền với Vĩnh Phúc như Toyota, Honda, Piaggio, Daewoo… không chỉ mang lại giá trị kinh tế hàng đầu mà còn khẳng định đẳng cấp và thương hiệu trong quá trình hội nhập quốc tế.

Chính vì vậy, hơn 26 năm đồng hành với Vĩnh Phúc, Công ty Honda Việt Nam và cá nhân ông Minoru Kato – nguyên Tổng Giám đốc luôn tâm đắc về môi trường đầu tư tại Vĩnh Phúc, tự hào khi mang đến những công nghệ tiên tiến nhất, hiện đại nhất của Honda toàn cầu để liên tục mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo nên hàng loạt cột mốc kỷ lục về doanh số và đặt nền móng quan trọng cho các nhà máy phụ trợ ở các KCN trong tỉnh và cả nước.

Nét riêng là các KCN của tỉnh đã “trải thảm đỏ” thu hút, mời gọi các nhà đầu tư, do vậy, năm 1997 - thời điểm tái lập, tỉnh có 8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 1 dự án có vốn đầu tư trong nước (DDI), đến năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã có 468 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,9 tỷ USD đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh, trong đó, có nhiều quốc gia phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật, các nước châu Âu.

Tiếp tục đổi mới tư duy về thu hút đầu tư, giai đoạn này, Vĩnh Phúc không “ồ ạt”, không bằng mọi giá để “có được” nhà đầu tư, mà ngược lại “thu hút đầu tư các dự án có quy mô lớn, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao, quy mô sử dụng đất thấp”.

Năm 2023, đánh dấu sự trở lại của các nhà đầu tư tầm cỡ đến từ Mỹ, Nhật Bản, là khởi đầu quan trọng cho giai đoạn mới về thu hút FDI, đòn bẩy quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.

Công nghiệp phát triển không chỉ tạo ra một diện mạo mới, vóc dáng của tỉnh công nghiệp, mà còn tạo nên “cú hích” vượt bậc về thu ngân sách (năm 1997 mới chỉ đạt hơn 100 tỷ đồng, năm 2002 vượt mốc 1.000 tỷ đồng, năm 2004 tự cân đối chi ngân sách và đóng góp, điều tiết về ngân sách Trung ương, năm 2022 đạt trên 40 nghìn tỷ đồng).

Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, bình quân giai đoạn 1997-2021 tăng 13,42%/năm, quy mô nền kinh tế năm 2021 đạt trên 136 nghìn tỷ đồng, gấp gần 70 lần so với năm 1997.

Con số đó cũng nói lên kết quả của tư duy và chủ trương đúng đắn của tỉnh, người dân thay vì “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, hay “đội nắng, gánh mưa”, giờ đây đã thành những công nhân trong các nhà máy có thu nhập ổn định, đời sống kinh tế phát triển. GRDP bình quân đầu người liên tục tăng, đến năm 2020 đạt 105,5 triệu đồng/người, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; năm 2021 đạt 114,3 triệu đồng/người, gấp 52,5 lần so với năm 1997.

“Xung lực” phát triển bền vững

Trong xu thế công nghiệp hóa, đô thị hóa, địa bàn nông thôn, sản xuất nông nghiệp bộc lộ những bất cập cần phải tháo gỡ. Ngày 27-12-2006, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 03 về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020.

Với phương châm “Giảm đóng góp, tăng đầu tư, phát triển nông thôn toàn diện”, cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tạo ra “lực đẩy” mới, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển nhanh, toàn diện, đưa giá trị sản xuất và thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng đáng kể.

Rõ nét nhất là việc chuyển dịch cơ cấu, tăng chất lượng, hiệu quả vùng cây trồng, vùng chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, áp dụng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ; nhiều sản phẩm nông nghiệp OCOP mang thương hiệu Vĩnh Phúc (Thanh long ruột đỏ Lập Thạch; Trà hoa vàng Tam Đảo; Chuối Tiêu hồng Yên Lạc…) đã được xuất khẩu sang các thị trường “khó tính” như Nhật Bản, Mỹ, Australia, Đức, Bỉ…

 Tính đến hết tháng 7-2023, Vĩnh Phúc đã có 89 thôn được công nhận thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 1 thôn NTM thông minh; 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 20 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 1 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 4 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

 

Nhất quán quan điểm xuyên suốt, lấy người dân là chủ thể, lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu, động lực, là trung tâm của mọi chính sách phát triển, và “mọi người dân Vĩnh Phúc đều được hưởng thành quả từ sự phát triển”, bên cạnh việc tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả các lĩnh vực phục vụ an sinh xã hội (y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo…), đầu năm 2023, Vĩnh Phúc ban hành Đề án thí điểm xây dựng mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc” - một bước cụ thể hóa Nghị quyết số 15, ngày 12-12-2022 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Xây dựng LVHKM song song, nhưng không trùng lặp với xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, thông qua 14 tiêu chí và 16 chính sách hỗ trợ, hướng đến mục tiêu làm cho LVHKM trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng - an ninh, người dân có cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc. Đây được xem là chủ trương sáng tạo nổi bật trong cả nước, thể hiện quyết tâm cao của Đảng bộ Vĩnh Phúc trong việc khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh thu hút, đầu tư nguồn lực, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Để xây dựng quê hương “giàu có, phồn vinh”, trong từng giai đoạn, từng bước đi, Vĩnh Phúc luôn đặt ra yêu cầu cao việc thực hiện quy hoạch, coi trọng tính hài hòa, đồng bộ trong đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong đó, không tách rời việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường sống, tài nguyên văn hóa, du lịch, thiên nhiên… Chính vì vậy, trải qua hàng trăm năm sinh tồn, các giá trị văn hóa như hát Soọng Cô của người Sán Dìu, hát ca trù, hát trống quân Đức Bác, tín ngưỡng thờ Quốc mẫu Tây Thiên, kéo song Hương Canh, lễ hội đền Ngự Dội… được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia. Tháp gốm men chùa Trò (Yên Lạc) là bảo vật quốc gia.

Du lịch mở ra trang mới. Nếu như năm đầu tái lập tỉnh, du lịch Vĩnh Phúc chỉ thu hút được gần 45 nghìn lượt khách thì đến năm 2016, đã đón hơn 3,6 triệu lượt khách; năm 2022 đạt 8,4 triệu lượt khách; 9 tháng năm 2023, Vĩnh Phúc đón 6,8 triệu lượt khách, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước và đạt 80% kế hoạch năm, trong đó có 54 nghìn lượt khách quốc tế, hơn 6,7 triệu lượt khách nội địa. Thay đổi từ tư duy đến cách tiếp cận, Vĩnh Phúc đã được xướng tên trên bản đồ du lịch quốc tế với danh hiệu Tam Đảo – thị trấn điểm đến ấn tượng hàng đầu thế giới; khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải Resort cũng trở thành Top 10 khu nghỉ dưỡng đẹp nhất hành tinh…

Khẳng định những thành quả trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội trên chặng đường hơn ¼ thế kỷ vừa qua, đồng chí Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Nhìn ở góc độ chiến lược công nghiệp hóa và phát triển kinh tế, Vĩnh Phúc đã có nhiều đổi mới trong nhận thức, tư duy, hành động. Lấy công nghiệp làm nền tảng, động lực cho sự phát triển là quan điểm xuyên suốt, nhất quán trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh từ khi tái lập đến nay, đó là sự “đột phá” cực kỳ quan trọng thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, tiên phong sáng tạo, vượt qua mọi thách thức, gặt hái thành công trên hầu hết các lĩnh vực, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu của tỉnh cao hơn mức bình quân chung của cả nước, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.

 Từ một miền quê nghèo, giờ đây, hầu hết các làng, xã của Vĩnh Phúc đã trở thành những miền quê đáng sống, mức sống người dân được nâng lên, lối sống ngày càng văn minh, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Những vùng đồi khô cằn giờ đã thành nhữngkhu, cụm công nghiệp, trở thành những “mỏ vàng” tạo ra sinh kế cho hàng vạn lao động. Cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, Vĩnh Phúc có những đảng viên tiên phong, gương mẫu đầu tàu tạo chất "keo" kết dính ý Đảng lòng dân, tạo đồng thuận trong nhân dân; chính quyền các cấp luôn lắng nghe, tháo gỡ những bức xúc ngay từ cơ sở... Thu hút đầu tư nước ngoài như một chất “men” tạo sự kích thích để sản xuất phát triển; nông nghiệp sản xuất theo hướng công nghệ cao; du lịch, dịch vụ từ con số không đã khai thác thế mạnh, biến Tây Thiên, Tam Đảo, Đại Lải trở thành điểm “hút” khách trong và ngoài nước… tất cả đã đưa nền kinh tế của Vĩnh Phúc cất cánh…

 

 Kỳ 3: Đột phá từ những vấn đề “cốt lõi”

 

Trong từng giai đoạn, Đảng bộ tỉnh luôn đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Trong đó, công tác tổ chức, cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ là nhiệm vụ quan trọng được tiến hành đồng bộ, thường xuyên, khoa học, là điểm nhấn nổi bật. Và để có những cán bộ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập quốc tế, Vĩnh Phúc mạnh dạn đột phá, đi vào những vấn đề “cốt lõi”.

Giáo dục chính trị tư tưởng làm rường cột

Công tác xây dựng Đảng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục đổi mới, ngày càng toàn diện, sâu sắc và hiệu quả, tập trung xây dựng Đảng bộ tỉnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong các cấp ủy Đảng luôn được quán triệt, lấy rường cột là thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, XIII), Kết luận 21 của BCH Trung ương (khóa XIII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định nêu gương của Đảng. Vì vậy, đã đi sâu vào tư tưởng, tạo chuyển biến về nhận thức và thấm nhuần sâu sắc để mỗi cán bộ đổi mới, sáng tạo vì việc chung, không ngại khó, ngại khổ, sợ trách nhiệm.

Cùng với sức lan tỏa rộng khắp việc làm theo Bác, thấm nhuần sâu sắc tinh thần: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền”, thông qua các phong trào thi đua do UBND tỉnh phát động hằng năm đã cổ vũ, thúc đẩy hành động của mọi cấp, mọi ngành, các đoàn thể quần chúng, từng cán bộ, đảng viên hội tụ sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng danh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, giành thắng lợi.

Các phong trào thi đua điểm tô cho bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh thêm rực rỡ, sinh động, thấm đượm giá trị truyền thống cách mạng và nhân văn, thật sự “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, góp phần đẩy lùi "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong đội ngũ.

Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 và Kết luận số 01, có 515 tấm gương sáng điển hình tập thể, cá nhân học và làm theo Bác được tôn vinh. Từ chính các phong trào cách mạng đã “ươm mầm” các quần chúng ưu tú cống hiến, trưởng thành, là nguồn quan trọng để các chi, Đảng bộ có cơ sở chọn lựa nhân tố, bồi dưỡng, xem xét phát triển tổ chức Đảng (TCĐ), đảng viên, làm cho hệ thống TCĐ trong toàn Đảng bộ ngày càng lớn mạnh, phát huy hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo trong thực tiễn.

Vì vậy, khi mới tái lập, toàn tỉnh chỉ có 474 tổ chức cơ sở Đảng, với 3,7 vạn đảng viên, đến nay đã phát triển được 598 tổ chức cơ sở Đảng, với trên 7 vạn đảng viên. Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh thành lập 87 chi, Đảng bộ trong các doanh nghiệp, với hơn 3 nghìn đảng viên. Đặc biệt, riêng TCĐ trong doanh nghiệp FDI, từ chỗ "bị trống", hiện tại đã thành lập 10 TCĐ, với 430 đảng viên.

Có thể nói, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản những nội dung trên là những điểm thiết yếu nhất, then chốt nhất mang lại kết quả rõ nét nhất trong quá trình phát triển giai đoạn vừa qua. Song, điểm nhấn mấu chốt, khi thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4, gần đây là Kết luận 21, các quy định nêu gương, các cấp ủy Đảng trong tỉnh đề cao trách nhiệm người đứng đầu, gắn với sắp xếp bộ máy, luân chuyển, đánh giá cán bộ làm tiền đề, đi cùng với công tác kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Tinh gọn bộ máy, luân chuyển, đánh giá cán bộ là tiền đề

Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên trong cả nước xây dựng và triển khai thực hiện Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh giai đoạn 2016-2021 (Đề án số 01 ngày 30-11-2016). Đề án được ban hành trước khi Trung ương ra Nghị quyết số 18 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19 về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Đến nay, toàn tỉnh giảm 584 đầu mối là đơn vị hành chính cấp xã, phòng, ban và tương đương cấp tỉnh, cấp huyện; giảm 461 cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp so với thời điểm 30-11-2016; tinh giản 11.473 người hoạt động không chuyên trách…

Đồng thời với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đảm bảo hoạt động hiệu quả, Vĩnh Phúc cũng là một trong những địa phương tiên phong trong cả nước tiến hành công tác luân chuyển cán bộ. BTV Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 08 về luân chuyển cán bộ và 2 Đề án luân chuyên cán bộ (Đề án số 05, ngày 5-11-2021 và Đề án số 20 về luân chuyển cán bộ ngành Kiểm tra Đảng giai đoạn 2023-2025), trong đó, xác định đối tượng luân chuyển là cán bộ trẻ; cán bộ được bố trí không phải là người địa phương: Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã; cán bộ không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp (8 năm) ở một cơ quan, đơn vị; luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý nhằm phòng ngừa tham nhũng theo Quy định của Bộ Chính trị...

Việc luân chuyển cán bộ đã được thực hiện theo đúng quy trình, thận trọng, chắc chắn, trên tinh thần “từ việc chọn người”. Đa số cán bộ được luân chuyển đã tiếp cận nhanh với điều kiện, môi trường làm việc mới, đã phát huy được khả năng, vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Nhiều đồng chí qua thực tiễn cơ sở đã trưởng thành nhiều mặt, nhất là năng lực điều hành, tổ chức thực hiện. Có cán bộ luân chuyển đã thể hiện rõ năng lực, sự tích cực, chủ động giúp cấp ủy, chính quyền địa phương ổn định tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, từng bước giải quyết nhiều vấn đề nổi cộm, nhiều “điểm nghẽn” kéo dài của địa phương (BTV Tỉnh ủy đã luân chuyển đồng chí Ủy viên BTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đảm nhiệm Bí thư Huyện ủy Tam Dương - địa phương có nhiều tồn tại cần tháo gỡ), góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị.

Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã luân chuyển 7 đồng chí cán bộ diện BTV Tỉnh ủy quản lý; điều động cán bộ giữa các khối 126 đồng chí, đã thống nhất chủ trương luân chuyển cán bộ xuống các địa bàn khó khăn, trọng điểm để tăng cường sự lãnh đạo và đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm thực tế cho cán bộ.

Xác định được tầm quan trọng của công tác đánh giá cán bộ, năm 2021, BTV Tỉnh ủy đã thí điểm triển khai việc giao chỉ tiêu nhiệm vụ cho giám đốc các sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo; Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tại Quyết định số 117 ngày 13-1-2021 và coi đây là bước đầu thực hiện đánh giá cán bộ bằng sản phẩm.

Qua một thời gian triển khai, bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt, nhận thức của cán bộ được giao nhiệm vụ sâu hơn và tích cực hơn. Nhiều địa phương đã cụ thể hóa nhiệm vụ, xác định nhiệm vụ cụ thể, các vấn đề trọng tâm cần giải quyết, có chỉ tiêu đã đạt và vượt nhiệm vụ được giao như thành lập mới TCĐ trong doanh nghiệp có 4 đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ: huyện Vĩnh Tường, Tam Dương, Tam Đảo, thành phố Phúc Yên; 1 đơn vị vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ giao: huyện Lập Thạch.

Sau khi thí điểm thành công, năm 2022, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 371 mở rộng đối tượng đánh giá bằng sản phẩm đến cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý theo khung chỉ tiêu nhiệm vụ, trong đó, bao gồm giao cả nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó. Kết quả việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao là căn cứ để BTV đánh giá, xếp loại, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ.

Thực tiễn cho thấy, áp dụng Quy định 371 đã nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, thể hiện sự chủ động, quyết tâm, quyết liệt tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ những “nút thắt”, “điểm nghẽn” ngay từ cơ sở, khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy phát triển. Là kênh quan trọng để cấp ủy các cấp kiểm tra, giám sát hiệu quả công việc của cán bộ đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, từ đó, có sự nhìn nhận đa chiều, xác thực để đánh giá đúng cán bộ, đồng thời, là cơ chế, thước đo để đảng viên, nhân dân có cơ hội giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ.

 Đánh giá cán bộ được coi là khâu mở đầu mang tính quyết định trong công tác cán bộ, đánh giá đúng sẽ bố trí đúng người, đúng việc, phát huy được năng lực, sở trường, sáng tạo của từng cán bộ, giúp bộ máy hoạt động hiệu quả hơn. Đặc biệt, xóa dần và chấm dứt tư tưởng làm việc “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn” của một bộ phận cán bộ khi thực thi công vụ. Quy định giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm một lần nữa khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, là một trong những “đột phá” tiêu biểu, khắc phục khâu yếu, tình trạng ngại va chạm, nể nang, né tránh trong đánh giá cán bộ. Là tiền đề quan trọng để xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp tỉnh Vĩnh Phúc đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

 

Kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Những năm gần đây, thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hiện nay là Kết luận 21 của BCH Trung ương Đảng (khóa XIII), BTV Tỉnh ủy đã đổi mới công tác kiểm tra, giám sát theo hướng trọng tâm, trọng điểm, giám sát phải mở rộng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Và với quan điểm là tự kiểm tra, tự giám sát trên các lĩnh vực để phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm của TCĐ, cán bộ, đảng viên từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, BTV Tỉnh ủy đã chỉ đạo kịp thời kiểm tra, làm rõ và kết luận đối với nhiều vụ việc phức tạp, khó khăn, được dư luận, nhân dân, các TCĐ, đảng viên đánh giá cao.

Qua đó, xem xét, xử lý kỷ luật kịp thời những TCĐ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm kỷ luật của Đảng; đồng thời, qua công tác kiểm tra, giám sát đã cho thôi giữ chức vụ, điều chuyển công tác khác đối với một số cán bộ năng lực hạn chế hoặc uy tín thấp.

 Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, cấp ủy các cấp trong Đảng bộ tỉnh đã tiến hành kiểm tra 1.506 tổ chức Đảng và 1.343 đảng viên, trong đó, BTV Tỉnh ủy kiểm tra 71 tổ chức Đảng và 57 đảng viên. Cấp ủy các cấp thi hành kỷ luật 10 tổ chức Đảng, 491 đảng viên (trong đó có 3 Tỉnh ủy viên).

 

Riêng năm 2023, BTC Tỉnh ủy tiến hành 4 cuộc kiểm tra đối với 27 cấp ủy và TCĐ, gồm 13/13 Đảng bộ; Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Đảng đoàn HĐND tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và công tác cán bộ.

Qua kiểm tra, kiểm điểm, nhiều cán bộ, đảng viên (kể cả một số cán bộ lãnh đạo đã nghỉ hưu liên quan) nhận thức rõ những hạn chế, khuyết điểm của bản thân và có biện pháp khắc phục. Kết quả công tác kiểm tra, giám sát vừa qua là cơ sở quan trọng để tỉnh tiến hành thực hiện nghiêm chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật theo tinh thần Thông báo kết luận số 20 của Bộ Chính trị. Khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm, uy tín thấp; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm; kiên trì đổi mới, thực hiện phương châm về công tác cán bộ “có vào, có ra, có lên, có xuống”.

 

Kỳ 4: Vươn tầm khát vọng, gặt hái thành công

 

Trước tình hình chiến tranh, xung đột, kinh tế thế giới biến động; hậu quả dịch bệnh, thiên tai, môi trường ô nhiễm; cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0… đất nước ta nói chung, Vĩnh Phúc nói riêng không nằm ngoài tác động, ảnh hưởng. Cùng với đó, dư địa, nguồn lực và các lợi thế phát triển của tỉnh dần bị thu hẹp… Để tỉnh tiếp tục gặt hái những thành công mới trên hành trình CNH, HĐH, hội nhập quốc tế đã và đang cấp thiết đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi mới trong tư duy kiến tạo cũng như phương thức lãnh đạo của Đảng.

Cơ hội và thách thức

Tình hình trong nước, thế giới, khu vực biến động đã và đang tác động nhiều chiều; đặc biệt, một số doanh nghiệp là trụ cột kinh tế của Vĩnh Phúc đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Bên cạnh đó là sự cạnh tranh gay gắt trong thu hút đầu tư FDI, DDI với các tỉnh trong vùng, khu vực. Tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực cho tăng trưởng mới cũng cần được đánh giá, xem xét, cân nhắc thật thấu đáo, khoa học…

Thời gian không chờ đợi ai. Tất cả đang dồn nén, đòi hỏi phải hết sức nhạy bén, năng động, sáng tạo trong tư duy, nỗ lực trong hành động, khát vọng vươn tầm không ngừng; tiếp cận nhanh tình hình, tập trung cao độ, đề ra quyết sách kịp thời, chính xác, quyết liệt chỉ đạo, điều hành. Trong lãnh, chỉ đạo, tỉnh tiếp tục đổi mới tư duy, tìm kiếm các giải pháp, các nhân tố mang tính đột phá nhằm kiến tạo những không gian phát triển mới phù hợp, tạo ra sự khác biệt.

Định hướng và mục tiêu

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu tổng quát: Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Khai thác, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế cho phát triển, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp có giá trị gia tăng cao; phát huy sức sáng tạo, ý chí, khát vọng của mỗi người dân; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khai thác những động lực mới cho tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo; huy động, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực cho phát triển; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển văn hóa, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030…

Quan điểm phát triển nhất quán, xuyên suốt mang tính nền tảng, đậm chất nhân văn, đó là, luôn đặt con người vào vị trí trung tâm và không để ai bị bỏ lại phía sau của sự phát triển. Theo đó, thể chế hóa quan điểm “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, người dân trực tiếp được tham gia hiến kế phát triển, hoạch định chính sách, phản biện dự án liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh, các chính sách tạo cơ hội phát triển kinh tế cho người dân.

Trong phát triển kinh tế, tỉnh thực hiện đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị chất lượng cao, tạo việc làm có chất lượng và tạo nguồn thu ngân sách ổn định, đóng góp cao nhất vào các mục tiêu phát triển chung của cả nước.

Chuyển đổi mô hình kinh tế “nâu” sang mô hình kinh tế “xanh” (chuyển đổi các ngành sử dụng nhiều tài nguyên đất đai, năng lượng, công nghệ thấp sang phát triển các ngành ít sử dụng tài nguyên tự nhiên, đất đai và dựa trên năng lực đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp). Thực hiện công nghiệp hóa dựa trên lợi thế truyền thống (như vị trí địa lý, lao động giá rẻ, sử dụng tài nguyên, đất đai…) sang lợi thế cạnh tranh hiện đại (chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, cơ sở hạ tầng, thể chế tiến bộ…).

Mục tiêu phát triển có sự dịch chuyển theo hướng phát triển bao trùm và bền vững, hài hòa 3 trụ cột: Kinh tế - Xã hội - Môi trường; không quá tuyệt đối hóa thành tích tăng trưởng GRDP mà bỏ qua bản chất của sự phát triển. Đồng thời, phát triển xã hội phải song song với phát triển kinh tế, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng bằng mọi giá, người dân phải được hưởng mọi thành quả từ sự phát triển; giữ gìn tài nguyên và kiến tạo nền tảng phát triển cho thế hệ tương lai. Môi trường sinh thái phải cân bằng bền vững, chất lượng cuộc sống người dân phải được nâng cao. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; giữ gìn sự bình yên cho cuộc sống người dân.

Tương xứng với nhiệm vụ phát triển kinh tế là thúc đẩy sự phát triển xã hội văn minh, hiện đại, phát triển có trật tự, hài hòa, thượng tôn pháp luật; bảo vệ các giá trị đạo đức, giá trị truyền thống của đất nước, của địa phương, giảm bất bình đẳng và phân hóa xã hội, đảm bảo sinh kế cho những đối tượng dễ bị tổn thương.

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa truyền thống quê hương. Mỗi người dân Vĩnh Phúc sẽ tìm thấy giá trị đích thực trong chính môi trường văn hóa được thể hiện trong Nghị quyết số 15 ngày 12-12-2022 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và Nghị quyết số 19 ngày 16-3-2023 về xây dựng LVHLM trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Trước mắt, thí điểm xây dựng LVHKM, hình thành các thiết chế văn hóa - thể thao, sinh hoạt cộng đồng của làng nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần; thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, qua đó, cải thiện thu nhập của người dân; bảo tồn, phát huy, làm sống dậy các giá trị văn hóa tốt đẹp, nhất là truyền thống giữ làng, giữ nước; nâng cao năng lực của bộ máy hệ thống chính trị ở cơ sở trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đây là quyết sách rất mới, nổi trội trong cả nước, thể hiện "tâm" và "tầm" của Đảng bộ tỉnh; một nghị quyết tiên phong, tạo điểm nhấn và sức bật cho văn hóa, nâng cao đời sống người dân.

Về động lực tăng trưởng được xác định: Tiếp tục chú trọng đầu tư mạnh mẽ nhằm phát triển và phát huy vốn con người. Xem con người là tài nguyên quý giá nhất, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là nguồn lực cho sự phát triển bền vững. Thực hiện chính sách thu hút, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài, tập hợp đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học người Vĩnh Phúc cùng tham gia, gánh vác sứ mệnh phát triển quê hương, đất nước.

Cải cách hiệu quả hệ thống giáo dục đào tạo vượt trội về chất so với mặt bằng cả nước; tiếp cận chuẩn khu vực và các nước OECD, đảm bảo công bằng về cơ hội học tập và nhu cầu phát triển kỹ năng của người dân. Chuyển từ tư duy lợi thế lao động giá rẻ sang tư duy lao động có kỹ năng và năng suất lao động. Lấy cải thiện năng suất là nền tảng quyết định thu nhập và sự thịnh vượng của người dân…

Tăng cường ưu tiên bố trí ngân sách đầu tư cho khoa học công nghệ cao hơn mặt bằng chung cả nước. Khuyến khích tư nhân đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) để tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ, tạo dựng nền tảng khoa học, từ đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào thực tiễn sản xuất của khu vực sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Vươn tầm khát vọng

Nhìn lại chặng đường đã qua, trong bài viết trên Báo Vĩnh Phúc ngày 1-1-2017, với tựa đề “Tự hào thành tựu 20 năm tái lập tỉnh, quyết tâm phấn đấu xây dựng Vĩnh Phúc giàu đẹp, phồn vinh”, đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: “… Chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm quan trọng: Trong chỉ đạo điều hành phải thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Trong triển khai thực hiện trên tinh thần tập trung, quyết liệt; vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của tỉnh, tạo ra bước đột phá trong từng thời điểm cụ thể trên các lĩnh vực.

Thường xuyên tổng kết thực tiễn để kịp thời bổ sung cơ chế, chính sách của tỉnh cho phù hợp. Trong phát triển kinh tế, kết hợp hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; quan tâm giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng nhanh và bền vững; giữa tăng trưởng kinh tế với các vấn đề xã hội, giữ gìn môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng”.

Xây dựng Vĩnh Phúc “giàu đẹp, phồn vinh” vẫn luôn là “tiếng gọi”, là động lực và khát vọng cháy bỏng trên những chặng đường đi tới của Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh. Để hiện thực hóa khát vọng đó, yếu tố tiên quyết không thể tách rời, đó là đổi mới không ngừng phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong đó, không ngừng nâng cao nhận thức, bản lĩnh, ý chí cách mạng đúng đắn, tiên phong của mỗi cán bộ, đảng viên, không "tự diễn biến, tự chuyển hoá" trong mọi hoàn cảnh vẫn là “cẩm nang” sống còn.

Cùng với đó, trách nhiệm nêu gương mọi lúc, mọi nơi, trong mọi lĩnh vực, mọi công việc…, trước nhân dân của người cán bộ, đảng viên là “viên đá tảng” tạo dựng niềm tin với Đảng, là cội nguồn tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, yếu tố quan trọng để các nghị quyết, chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống.

Cán bộ, đảng viên nỗ lực trong hành động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”, làm theo Bác, nêu cao tinh thần, trách nhiệm vì hạnh phúc, ấm no cho nhân dân phải là “dòng chảy” chủ lưu trong cuộc sống hiện tại…

Kế thừa những nền tảng đã tạo dựng và phát huy những thành quả đã đạt được trong hơn 1/4 thế kỷ qua, kiên trì đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo, cùng với sự đoàn kết, quyết tâm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc sẽ sớm hiện thực hóa tầm nhìn, mục tiêu mà tỉnh đề ra, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất