Tác phẩm đoạt giải

Đồng thuận xã hội, động lực và sức mạnh phát triển đất nước

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng và công cuộc đổi mới đất nước, Ðảng ta luôn kiên trì mục tiêu tạo ra sự đồng thuận, thống nhất cao về ý chí và hành động trong toàn Ðảng và toàn xã hội. Ðồng thuận xã hội là nhân tố quan trọng, là nền tảng của đại đoàn kết toàn dân tộc, yếu tố căn bản bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tăng cường sự đồng thuận xã hội là mục tiêu và quan điểm của Ðảng, đồng thời là nguyện vọng tha thiết của các tầng lớp nhân dân, đang được thể hiện sinh động trong thực tiễn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải B.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải B.


 

Bài 1: Dân vận bảo đảm hành động ngang tầm quyết tâm chính trị

 

Công tác dân vận của hệ thống chính trị kiên trì quan điểm "dân là gốc", lấy lợi ích căn bản của đại đa số nhân dân làm điểm xuất phát và cơ sở của mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước. Những năm gần đây, đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận của hệ thống chính trị theo hướng sâu sát với nhân dân, hướng mạnh về cơ sở, thiết thực, hiệu quả, là giải pháp quan trọng để xây dựng sự đồng thuận xã hội.

Truyền thống tốt đẹp, nguồn sức mạnh vô địch của Ðảng ta chính là sự liên hệ mật thiết với nhân dân và hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng, điều hành, quản lý của Nhà nước được củng cố, tăng cường, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, để đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Bài học kinh nghiệm quan trọng trong công tác dân vận của Ðảng được Ðại hội XIII ghi nhận, khẳng định và tiếp tục triển khai trong thực tiễn, chính là thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ: "Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công".

Phát huy vai trò trung tâm, chủ thể của người dân

Nội dung và nhận thức về công tác dân vận được Văn kiện Ðại hội XIII đề cập một cách toàn diện, sâu sắc, với nhiều điểm mới nổi bật.

Ðề cao việc phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", Ðảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, tạo cơ sở xây dựng sự đồng thuận xã hội, động viên, tập hợp và phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp phát triển đất nước.

Ban Dân vận Trung ương phối hợp Ban cán sự đảng Chính phủ, Ðảng đoàn Quốc hội, các ban, bộ, ngành thực hiện công tác dân vận trên các lĩnh vực, ưu tiên những vấn đề bức xúc, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, giải pháp rõ ràng, bám sát nhiệm vụ của từng tổ chức. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có 5 quy chế phối hợp, 2 nghị quyết liên tịch, 12 chương trình phối hợp giám sát.

Với đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới, nhiều dân tộc thiểu số chung sống, thực hiện chủ trương tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành nhiều quyết định, đề án về công tác tư tưởng, chính trị và tuyên truyền, vận động quần chúng.

Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các địa phương, đơn vị các cấp trong tỉnh đã cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch gắn với tình hình thực tiễn, tập trung vào những việc mới, việc khó. Từ đây, việc xây dựng các mô hình, điển hình "dân vận khéo" được triển khai đồng bộ trong các lĩnh vực công tác và tất cả các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Hướng về cơ sở, cộng đồng, "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin", đến nay Lào Cai có hơn 1.000 mô hình "dân vận khéo".

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lào Cai Nông Ðức Ngọc trao đổi, các mô hình này phát huy hiệu quả rõ rệt trong vận động quần chúng vùng sâu, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số triển khai chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Ðề án thí điểm mô hình "Ban tuyên vận xã, phường, thị trấn", "Tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố" được triển khai ở tất cả các xã, phường, thị trấn từ năm 2012 đến nay đã tạo sự chuyển động liên tục, mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền, vận động, làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân. Theo đánh giá của Tỉnh ủy Lào Cai, các nhân tố trên tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền các cấp.

Trong nhiệm kỳ này, BTV Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành, triển khai thực hiện Ðề án "Về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới". Ban cán sự đảng UBND tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy thống nhất chương trình, quy chế phối hợp về công tác dân vận giai đoạn 2021-2026 với 10 nội dung chính.

Trong đó, trước hết là việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Ðảng, Nhà nước bằng chương trình, kế hoạch cụ thể, đồng thời giao nhiệm vụ đến từng đơn vị, cá nhân. Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Ðức Trung chia sẻ, khi thực hiện quy chế phối hợp, trung tâm của các hoạt động, điểm tựa để xây dựng sự đồng thuận xã hội chính là hướng tới mọi người dân.

Muốn dân tin, dân hiểu, dân đồng thuận thì điều đầu tiên là phải đặt lợi ích của người dân lên trên hết, trước hết. Ðể phát huy vai trò trung tâm, chủ thể của người dân thì chính quyền các cấp phải nâng cao chất lượng giải quyết các công việc hành chính cho người dân.

Thực tế ở Nghệ An, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác dân vận, cấp ủy và chính quyền các cấp hướng về cơ sở, đặt người dân ở vị trí trung tâm, kịp thời giải quyết các vướng mắc từ cơ sở. Cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu tăng cường tiếp xúc, đối thoại, kịp thời giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và các kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Hằng tháng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp công dân định kỳ vào ngày 5, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân định kỳ vào ngày 15. Người đứng đầu tất cả 21 huyện ủy, thành ủy, thị ủy thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân. 372/460 xã, phường, thị trấn định kỳ tổ chức tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp, đông người, giải quyết hơn 90% số vụ việc, không để phát sinh điểm nóng. Ðội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hành phong cách "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân".

Theo Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Ngọc Kim Nam, đến nay, Nghệ An có hơn 4.500 mô hình "dân vận khéo". Trong cải cách hành chính, toàn tỉnh đã cung cấp 2.096 dịch vụ công trực tuyến, trong đó, có 1.136 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2, 646 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 314 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, bước đầu chuyển sang mô hình chính quyền phục vụ. Ðây là yếu tố quan trọng để năm 2022, Nghệ An tăng 7 bậc về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn đứng thứ 3 khu vực và thứ 22 trong cả nước; thu ngân sách đạt gần 21 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay.

Đổi mới phương thức, hướng vào mục tiêu phát triển

Ðổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận, tập trung hướng vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, mục tiêu đột phá của địa phương, đơn vị là định hướng lớn đang thể hiện hiệu quả rõ nét trong thực tế.

Ở cửa ngõ vùng Tây Bắc, Yên Bái là tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc chung sống, giàu tài nguyên và bản sắc văn hóa. Tuy nhiên, do sự khác biệt về địa lý, dân tộc, văn hóa và lối sống, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn còn khá cao.

Từ năm 2019 đến nay, hằng năm, Tỉnh ủy và các cấp ủy trong Ðảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm theo phương châm "giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm"; phân cấp, ủy quyền, xác định rõ chỉ tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu về tiến độ và chất lượng công việc. BTV Tỉnh ủy cũng có kế hoạch thực hiện đối với một số nhiệm vụ mới, việc khó, để tạo sự đồng thuận, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.

Kiên trì quan điểm hiệu quả của công tác dân vận phải thể hiện qua kết quả phát triển kinh tế-xã hội, Tỉnh ủy chú trọng yêu cầu dân vận phải từ việc cụ thể, không chung chung. Khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TU ngày 18-10-2016 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, nội dung công tác dân vận của hệ thống chính trị trong tỉnh là phát huy các giá trị của văn hóa, trở thành nguồn lực trong phát triển kinh tế-xã hội, phù hợp phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc và bảo đảm hội nhập quốc tế.

Tỉnh đã kiểm kê, bảo tồn hơn 700 di sản văn hóa vật thể và hơn 400 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có nhiều di sản và lễ hội nổi tiếng. Từ đây, cấp ủy, chính quyền vận động nhân dân cùng tham gia bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị "biến di sản thành tài sản".

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái Nguyễn Minh Tuấn đánh giá, phương thức dân vận này đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững, vừa bảo đảm lợi ích kinh tế-xã hội, vừa bảo vệ tài nguyên và môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Mới đây, tại chuỗi sự kiện xúc tiến quảng bá du lịch tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ trong khuôn khổ Chương trình hợp tác, phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP. Hồ Chí Minh, Yên Bái đã giới thiệu, lan tỏa những hình ảnh đẹp, đặc biệt của màn trình diễn "Nghệ thuật Xòe Thái" (được UNESCO ghi danh) cùng những sản phẩm du lịch độc đáo, giàu bản sắc, thể hiện rõ tiềm năng, thế mạnh của vùng đất và con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập".

Nhiệm kỳ 2020-2025, Hưng Yên tập trung vào các khâu đột phá chiến lược là thực hiện công tác quy hoạch; thu hút đầu tư phù hợp quy hoạch; ưu tiên dự án quy mô lớn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ số, đóng góp tích cực cho tăng trưởng và ngân sách nhà nước.

Nhiều thách thức, vấn đề "nóng" cần giải quyết, rõ nhất là trong thực hiện chính sách đền bù giải phóng mặt bằng để phát triển các khu, cụm công nghiệp, đường giao thông quốc gia, vùng và nội bộ. Thực tế này đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh phải đổi mới phong cách lãnh đạo, phát huy vai trò công tác dân vận nhằm tạo sự đồng thuận xã hội, thu hút nguồn lực cho các mục tiêu phát triển. BTV Tỉnh ủy có chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; lãnh đạo nhân rộng mô hình "Dân vận khéo"; triển khai thực hiện "Ðề án nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, giai đoạn 2021-2025".

Huyện Ân Thi được quy hoạch là trung tâm phát triển công nghiệp của tỉnh, trong khi cơ sở hạ tầng, nhất là trình độ quản lý và cải cách hành chính còn nhiều bất cập. Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Dương Tuấn Kiệt cho biết, nhờ coi trọng đổi mới phương thức công tác dân vận, nhân dân đồng thuận, tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án, công trình được bảo đảm, tạo sức bật trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tại huyện Khoái Châu, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Ðức Sơn chia sẻ rằng, khi người đứng đầu thực sự nêu gương về phong cách công tác gần dân, sát thực tiễn, mọi công việc nhanh chóng đạt được sự đồng thuận. Hiệu quả đổi mới phương thức công tác dân vận góp phần quan trọng để Hưng Yên đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 là 12,8%, cao nhất trong 15 năm gần đây, đứng thứ nhất vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 5 cả nước.

Khảo sát thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, hiệu quả của công tác dân vận bảo đảm cho hành động của cấp ủy, chính quyền ngang tầm quyết tâm chính trị. Công tác dân vận góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng, cơ chế phối hợp trong hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng tham mưu cho các cấp ủy, góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật, phát huy hiệu quả cơ chế dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, dân chủ ở cơ sở, quyền làm chủ của nhân dân.

Tuy nhiên, một số cấp uỷ, tổ chức đảng chưa xác định đúng vai trò của công tác dân vận; việc nắm bắt, đánh giá, dự báo tình hình, nhất là ở những địa bàn phức tạp chưa kịp thời, sâu sát. Công tác vận động, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và trách nhiệm của nhân dân chưa có hiệu quả.

Việc đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận, nhất là dân vận chính quyền chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân trong quá trình xây dựng một số chính sách, pháp luật liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân chưa tốt. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" là biểu hiện sinh động của sự đồng thuận xã hội, nhưng chưa được coi trọng để tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Thực tế triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng tại nhiều địa phương là minh chứng sinh động rằng hiệu quả công tác dân vận tạo ra sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy tiềm năng sáng tạo, khát vọng phát triển vì một Việt Nam giàu mạnh. Sức mạnh của lòng dân làm nên sức mạnh của Ðảng. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải thực hành dân vận sao cho đúng, cho khéo, nêu gương cho quần chúng, thực sự "Ðem tài dân, sức dân, của dân để làm lợi cho dân".

 

Bài 2: Khơi nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân

 

Sức mạnh nhân dân là cội nguồn của thắng lợi và phát triển. Ðảng ta ghi nhận điều này từ cương lĩnh, đường lối, chủ trương lớn. Nhiều chỉ thị, nghị quyết đã được Trung ương ban hành nhằm phát huy quyền làm chủ và khả năng sáng tạo của nhân dân. Hiệu quả phong trào thi đua của các tầng lớp nhân dân là biểu hiện sinh động của sự đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, tạo đà cho đất nước phát triển nhanh, bền vững.

“Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” là một thành tố trong chủ đề Ðại hội XIII của Ðảng. Yêu cầu “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước” cũng được nêu rõ trong quan điểm chỉ đạo, mục tiêu phát triển và nhiệm vụ trọng tâm trong Văn kiện Ðại hội XIII.

Thực tiễn thực hiện công cuộc đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo chứng minh rằng cùng với việc Ðảng xác định đúng đắn, sáng tạo chủ trương, đường lối, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân là điểm tựa vững chắc để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước cường thịnh, hạnh phúc.

Khẳng định, phát huy sức mạnh lòng dân

Ðánh giá gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của BCH Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương nêu những con số ấn tượng.

Với sự tham gia tích cực, chủ động của hệ thống chính trị, sự hưởng ứng sôi nổi, thiết thực của nhân dân, xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng, về đích sớm so với mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Năm 2020, cả nước có 62,4% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (mục tiêu của Nghị quyết là khoảng 50%). Ðến tháng 11-2022, có 71,4% số xã đạt nông thôn mới, trong đó, có 937 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 110 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 18 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 4 tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là Nam Ðịnh, Ðồng Nai, Hưng Yên, Hà Nam.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong 10 năm (2011-2020), cả nước đã huy động được gần 3 triệu tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối với đô thị, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất và đời sống. Năng lực làm chủ của nông dân, cư dân nông thôn được nâng lên rõ rệt thông qua các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội ở nông thôn; phát huy dân chủ ở nông thôn trong triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người tại khu vực nông thôn tăng 4,5 lần (vượt mục tiêu đề ra là 2,5 lần).

Thành quả ấy khẳng định ý chí, sức mạnh, vai trò chủ thể của nông dân và người dân nông thôn đã được phát huy. Tinh thần đổi mới, sáng tạo của người nông dân thể hiện qua các phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp các miền quê được khích lệ, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.

Hà Giang có 7 huyện nghèo, có 127 xã, 1.353 thôn đặc biệt khó khăn, xây dựng nông thôn mới trong điều kiện là tỉnh kém phát triển nhất so với cả nước.

Với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân, đến nay, tỉnh có TP. Hà Giang và 48/175 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như chương trình cải tạo vườn tạp và phát triển bền vững cây cam sành; 1.935 hộ có vườn cho hiệu quả kinh tế, với bình quân thu nhập 18,8 triệu đồng/hộ/năm. Quỹ phát triển cộng đồng thôn là kinh nghiệm hay của tỉnh về huy động các nguồn lực và phát huy vai trò của nhân dân. Cùng với ngân sách nhà nước hỗ trợ (từ 25-50 triệu đồng/thôn), nguồn quỹ do người dân tự nguyện đóng góp và huy động từ nhiều nguồn khác. Với quỹ này, thôn tổ chức họp, bình xét cho những hộ khó khăn hoặc đang cần vốn phát triển kinh tế, đầu tư trồng trọt, chăn nuôi; chi phí vào việc sửa chữa các công trình hạ tầng dùng chung của thôn, các điểm trường học. Khi được quản lý đúng quy định, công khai, minh bạch và hiệu quả, người dân quan tâm, ủng hộ, thường họp bàn thống nhất các khoản thu để tạo thêm nguồn quỹ.

Chia sẻ với chúng tôi, nhiều cán bộ thôn, bản và người dân ở Hà Giang ghi nhận, chủ trương bí thư cấp ủy trực tiếp làm trưởng ban chỉ đạo các chương trình, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá như xây dựng nông thôn mới, bài trừ các hủ tục lạc hậu, xây dựng nhà ở cho cựu chiến binh nghèo, gia đình chính sách, hộ nghèo… giúp tập hợp, khơi dậy mọi nguồn lực trong nhân dân. Những cách làm hay, sáng tạo của người dân được ghi nhận, biểu dương, lan tỏa.

Khảo sát thực tiễn tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, với nhiều nội dung khác nhau, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tại nhiều địa phương khẳng định sự đồng thuận xã hội đã từ nhận thức thật sự trở thành hành động cách mạng của nhân dân. Hằng năm, có hơn 95% khu dân cư trong cả nước tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến và các hoạt động khích lệ, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng.

Mỗi năm, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã giúp đỡ hơn 220 nghìn hộ nghèo về vật tư nông nghiệp, ngày công lao động, tiêu thụ sản phẩm… trị giá hơn 4.800 tỷ đồng; tạo việc làm tại chỗ cho hơn 1,1 triệu lượt lao động; hỗ trợ một phần nguồn lực cho hơn 1 triệu hộ nghèo khác phát triển sản xuất, trong đó có hơn 100 nghìn hộ thoát nghèo, vươn lên có đời sống khá. Các phong trào thi đua: “Dân vận khéo”; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Sáng tạo trẻ’’; các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Ngày vì người nghèo”; “Sống tốt đời, đẹp đạo”… là biểu hiện sinh động sự hòa hợp của các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh vật chất và tinh thần của toàn xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nguồn nội lực từ sáng tạo, đồng thuận

Một trong những bài học có giá trị lớn trong thời kỳ đổi mới đã được Ðảng ta khẳng định là, đổi mới phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, phù hợp với thực tiễn, luôn luôn sáng tạo... Ðổi mới là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Ðể công cuộc đổi mới thành công phải động viên được mọi tầng lớp nhân dân và các thành phần kinh tế tham gia. Nếu sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia tích cực của người dân tạo sức mạnh to lớn trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội, thì sự chủ động, sáng tạo của người dân là nguồn lực quan trọng bảo đảm cho sự phát triển toàn diện và bền vững.

Trong thực tế, có chủ trương, nghị quyết khi đi vào cuộc sống được người dân vận dụng sáng tạo, linh hoạt góp phần tăng hiệu quả. Có những sáng kiến đổi mới được người dân chủ động “thí điểm” là gợi ý để cấp ủy, chính quyền nghiên cứu, ban hành nghị quyết, chương trình, kế hoạch góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Có những việc xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đời sống, được chính quyền và nhân dân địa phương chủ động triển khai trước khi các cấp ủy ban hành nghị quyết. Những việc làm chủ động, sáng tạo xuất phát từ tâm huyết, nguyện vọng của mỗi tập thể, cá nhân ấy chính là nguồn nội lực to lớn nếu được khơi dậy, phát huy.

Mô hình Hội quán ở Ðồng Tháp là sáng kiến cộng đồng, xuất phát từ việc những người dân cùng ngành nghề sản xuất, cùng chung lợi ích, cùng trao đổi, thảo luận các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, bàn bạc kinh nghiệm sản xuất, liên kết kinh doanh trên tinh thần “ba không, ba tự, ba cùng” (không tổ chức bộ máy, không kinh phí từ ngân sách, không cơ sở vật chất; tự nguyện, tự quản, tự quyết và cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng). Những buổi họp đã kích hoạt sự đổi mới, sáng tạo của người dân và thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Các thành viên từ hợp tác với nhau trong cuộc sống hằng ngày, tiến tới hợp tác trong sản xuất, kinh doanh. Nhận thấy mô hình tự phát của người dân tạo hiệu quả thiết thực, Thường trực Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy, Tỉnh ủy đã xem xét, thống nhất quan điểm thực hiện và tạo điều kiện để mô hình lan tỏa.

Tâm Quê Hội quán ở xã Tân Thuận Tây, TP. Cao Lãnh, được thành lập từ năm 2017, hiện có 60 hội viên. Chủ nhiệm Hội quán Ðặng Văn Những cho biết: Mỗi tháng hội viên tập trung sinh hoạt một lần, trao đổi, thảo luận kinh nghiệm trồng, chăm sóc, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cây xoài, liên kết trong tiêu thụ nông sản. Hội quán có Tổ mô hình sản xuất phân hữu cơ và chế phẩm thảo mộc xua đuổi côn trùng. Các thành viên đã tự mày mò nghiên cứu, học hỏi và cùng thử nghiệm, rút kinh nghiệm, từng bước đúc kết quy trình, cho ra sản phẩm có chất lượng (thay thế phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật). Hội quán đã đăng ký nhãn mác sản phẩm và tiêu thụ trên thị trường.

Thành công này giúp các hội viên tự chủ nguyên liệu chăm sóc vườn cây, phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, đồng thời là sản phẩm kinh doanh, tạo thêm thu nhập. Trăn trở hiện nay của các hội viên là làm sao hình thành được cơ sở chế biến tại địa bàn, ổn định đầu ra cho vùng trồng, khắc phục tình trạng “được mùa rớt giá”.

Cùng với Tâm Quê Hội quán, tại hơn 130 Hội quán khác ở Ðồng Tháp, hơn 7.250 thành viên đều có những trăn trở khác nhau trong các lĩnh vực. Mô hình Hội quán cũng tạo tiền đề thành lập các hợp tác xã. Có 32 hợp tác xã đã được thành lập trên nền tảng Hội quán.

Theo đồng chí Phan Văn Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ðồng Tháp, Hội quán là nơi người dân hiến kế với chính quyền về phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới. Không ít khó khăn trong quá trình thực hiện các tiêu chí nông thôn mới đã được tháo gỡ từ đề xuất của người dân với đại diện cấp ủy, chính quyền tham dự các buổi sinh hoạt. Ðây là nơi các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đến hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng, thông tin thị trường, hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ; là nơi cấp ủy, chính quyền đến gần dân hơn, lắng nghe và trao đổi với người dân thường xuyên hơn.

Thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 2020-2025, ngành du lịch tập trung phát triển loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn kết hợp tham quan trải nghiệm văn hóa, lịch sử địa phương. Ðiều trăn trở của lãnh đạo tỉnh và cơ quan chức năng là nhiều địa phương lân cận cũng phát triển mạnh loại hình này, sản phẩm du lịch của các tỉnh trong khu vực na ná nhau, kém thu hút du khách. Lượng khách du lịch đến Vĩnh Long và một số tỉnh khu vực có tăng nhưng dần chậm lại. Bài toán đặt ra là địa phương phải cơ cấu lại ngành du lịch, xác định loại hình du lịch đặc trưng, sản phẩm tiêu biểu và có hướng đi đúng đắn, tạo nét hấp dẫn riêng.

Tâm huyết với hướng phát triển này, có những cá nhân, hộ gia đình ở Vĩnh Long mạnh dạn suy nghĩ, tìm tòi, mở hướng cho những giải pháp. Có thể kể đến ngôi nhà dừa độc đáo, làm từ hàng nghìn cây dừa có tuổi đời từ 80-100 năm của gia đình ông Dương Văn Thưởng, ở xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ. Ủng hộ ý tưởng đã ấp ủ cả chục năm của cô con gái, cả gia đình ông Dương Văn Thưởng quyết tâm đầu tư hàng tỷ đồng. Sau hai năm, ngôi nhà dừa có kiến trúc rất đẹp ở cù lao An Bình với hầu hết vật liệu thi công, đồ dùng sinh hoạt, vật dụng trang trí trong nhà đều làm từ cây dừa, độc đáo tới từng chi tiết, đã trở thành điểm đến thu hút du khách. Gia đình đang tiếp tục đầu tư, chăm chút phát triển thành quần thể nhà dừa với không gian nghỉ dưỡng đẹp, riêng có, tạo điểm nhấn trong tour du lịch miệt vườn sông nước.

Chị Dương Diệu Hiền, sinh năm 1975 - chủ nhân ý tưởng này chia sẻ: Sinh ra và lớn lên ở miền Tây sông nước, hình ảnh cây dừa quá đỗi thân thương. Khi làm hướng dẫn viên du lịch cho một công ty địa phương, có một số du khách quốc tế phản hồi, sau nhiều năm quay lại, du lịch địa phương không có sản phẩm mới, lạ. Ý kiến này khiến chị trăn trở, tìm tòi, muốn làm điều gì đó độc đáo cho du lịch địa phương và nâng giá trị cây dừa - đặc trưng của quê hương.

Chúng tôi đã khảo sát tại nhiều địa phương, ghi nhận những điển hình tiêu biểu, cách làm chủ động, sáng tạo ở tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Ðó là các mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất mạnh mẽ, hiệu quả ở Sơn La, Ninh Bình, Quảng Nam, An Giang. Các tỉnh Hà Nam, Bắc Giang có những mô hình đổi mới tổ chức sản xuất, tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp. Chương trình OCOP của Quảng Ninh, Bắc Kạn, Bến Tre nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và tăng thu nhập của người dân. Trong xây dựng nông thôn mới có mô hình sáng tạo về khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu ở Hà Tĩnh; bài học sâu sắc về Quỹ phát triển cộng đồng tại Hà Giang, Hòa Bình; các mô hình kiểu mẫu sáng – xanh - sạch - đẹp tại Hà Nội, Nam Ðịnh, Lào Cai…

Nguồn lực trong dân rất to lớn nếu được khơi dậy, phát huy phù hợp và kịp thời, với kim chỉ nam là phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Từ sự đồng thuận xã hội, cần phải khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Ðể làm được điều này, các cấp ủy đảng, chính quyền phải bám sát thực tiễn đời sống, hiểu rõ những khó khăn, vướng mắc, những nguyện vọng chính đáng của nhân dân để có chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện kịp thời, phù hợp.

Tại các Hội nghị triển khai nghị quyết phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh: Phải khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống văn hiến, cách mạng, tinh thần yêu nước; tính chủ động, sáng tạo; ý chí vươn lên, tự lực, tự cường của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong Vùng; quyết vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng tự mãn, bằng lòng với những gì đã làm; trái lại, phải có ý chí và quyết tâm cao hơn nữa, quyết vươn lên làm cho bản thân, gia đình và quê hương, đất nước giàu mạnh và tốt đẹp hơn.c tiêu, nhiệm vụ, tạo đà cho đất nước phát triển nhanh, bền vững.

 

Bài 3: Tăng hiệu quả, khẳng định vai trò hạt nhân lãnh đạo

 

Đảng trong sạch, vững mạnh từ mỗi tổ chức đảng và đảng viên, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, gắn với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.

Các tổ chức đảng khẳng định, phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo, đội ngũ cán bộ thật sự tiên phong, gương mẫu, “vì dân”, là yếu tố nền tảng quan trọng trong thực hiện mục tiêu xây dựng sự đồng thuận xã hội.

Đồng thuận xã hội, đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là các tổ chức đảng và đảng viên. Hiệu quả thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phụ thuộc phần lớn vào khả năng tập hợp, quy tụ quần chúng nhân dân. Củng cố mối quan hệ bền chặt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, tạo nền tảng bảo đảm sự đồng thuận xã hội. Trong đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng luôn là vấn đề căn cốt.

Cán bộ, đảng viên tiên phong, sáng tạo

Đảng ta luôn chú trọng nâng cao uy tín của Đảng trước nhân dân thông qua phát huy trách nhiệm tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Khảo sát thực tế tại nhiều địa phương, ghi nhận các cấp ủy đảng đã quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo bằng hành động nêu gương của cán bộ, đảng viên; xây dựng các tiêu chí nêu gương phù hợp với thực tế để cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu thực hiện, như lời dạy của Bác Hồ: “Cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc”.

Tại ấp Tân Hậu, xã Tân Thuận Tây, TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp), sản xuất nông nghiệp đang dần dịch chuyển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp thông qua các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, các chuỗi liên kết sản xuất, làng thông minh. Mô hình Tâm Quê Hội quán, với 60 hội viên, đã thay đổi tư duy và cách làm của nông dân nơi đây.

Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp, đồng thời là Phó Chủ nhiệm Hội quán Đặng Phụng Đức chia sẻ, khó nhất là thay đổi thói quen canh tác truyền thống, tự phát, bắt nhịp với quy trình khoa học, kỹ thuật. Để có cơ sở thuyết phục người dân, cấp ủy, đảng viên nhất là bí thư chi bộ phải đi đầu, làm trước. Từ băn khoăn của bản thân về đời sống người dân ở mức thấp trong khi thổ nhưỡng nơi đây cho sản phẩm xoài thơm ngon, hay việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật độc hại khiến nhiều người nhiễm bệnh hiểm nghèo, thôi thúc người đứng đầu chi bộ mày mò tìm kiếm, học hỏi phương pháp chế ra các sản phẩm vi sinh.

Từ ý tưởng đến thực nghiệm, Bí thư Chi bộ Đặng Phụng Đức tiếp cận, nghiên cứu tài liệu khoa học trong nước và nước ngoài, tận dụng sản phẩm hữu cơ có sẵn chế ra sản phẩm vi sinh, tự thử nghiệm trên cánh đồng của gia đình. Sản phẩm được Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định, cấp chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, bảo hộ bản quyền.

Khi có kết quả, đồng chí vận động 22 đảng viên trong chi bộ, cũng là hội viên Hội quán cùng sử dụng và phổ biến để các hội viên khác và người dân trong ấp cùng tham gia. Thành quả tiên phong, sáng tạo của bí thư chi bộ nhận được sự ủng hộ, đồng thuận. Nông dân ấp Tân Hậu đang dần quen sử dụng nền tảng số, công nghệ số để quảng bá sản phẩm, áp dụng các hệ thống, quy trình quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic hữu cơ; tham gia cửa hàng số để tiêu thụ nông sản…

Phó Chủ tịch UBND TP. Cao Lãnh Nguyễn Phước Cường cho biết, chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị nhằm xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, quy trình sản xuất hiện đại; ứng dụng công nghệ tiên tiến và chuyển đổi số từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.

Đích đến là nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân; hướng đến phát triển Cao Lãnh có không gian đô thị văn minh kết hợp nông nghiệp đô thị hiện đại và bền vững, bảo vệ môi trường. Các mô hình chuyển đổi số ngành nông nghiệp như Bản đồ quản lý mã số vùng trồng trên địa bàn TP. Cao Lãnh; Làng thông minh; Dữ liệu bản đồ nông sản của 2 ấp Tân Hậu và Tân Dân, xã Tân Thuận Tây… từng bước hiện thực hóa “nông nghiệp sinh thái-nông thôn hiện đại-nông dân thông minh”.

Quá trình chuyển đổi số có vai trò quan trọng của các đảng bộ, chi bộ cơ sở, sự nêu gương của cấp ủy, đảng viên, vừa thực hiện vừa tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn kỹ năng cho người dân, tạo sự đồng thuận phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên cơ sở

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng phụ thuộc phần lớn ở chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, nhất là bí thư cấp ủy. Đội ngũ cấp ủy viên là những người gần dân nhất, nơi tổ chức thực hiện, cũng là nơi kiểm nghiệm và khởi phát của những đòi hỏi thực tiễn cho việc hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thực tế tại nhiều địa phương hiện nay cho thấy, các cấp ủy luôn coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín để lãnh đạo tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của tổ chức cơ sở đảng, thúc đẩy xây dựng sự đồng thuận xã hội.

Tại Lào Cai, Trường Chính trị tỉnh, trung tâm chính trị các huyện, thị xã, thành phố mở các lớp bồi dưỡng cho cấp ủy viên. Trung bình mỗi năm toàn tỉnh mở khoảng 20 lớp bồi dưỡng với hơn 2.000 cấp ủy viên tham gia. Tỉnh ủy Phú Thọ có chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, nghiệp vụ công tác đảng cho cấp ủy viên, bí thư cấp ủy và cán bộ được quy hoạch.

Tỉnh ủy Hà Tĩnh chú trọng nâng cao năng lực chỉ đạo của cấp ủy, bí thư chi bộ, nhất là năng lực thực tiễn, trình độ lý luận đi đôi với phát huy trách nhiệm vai trò nêu gương của bí thư chi bộ. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Tuyên Quang, đến nay, có 64,5% số bí thư cấp ủy cấp xã và 26,1% số chủ tịch UBND cấp xã không là người địa phương.

Tại Quảng Ninh, 100% đơn vị cấp huyện, 87,01% đơn vị cấp xã có bí thư đảng ủy không là người địa phương. Tỉnh ủy Vĩnh Long chỉ đạo các cơ quan biên soạn giáo trình bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo và xử lý tình huống cho bí thư, phó bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn; 5 năm qua, đã mở 17 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng cho hơn 1.600 chi ủy viên, bí thư, phó bí thư chi bộ…

Xã Thuận An là địa bàn tập trung thu hút, mời gọi đầu tư của thị xã Bình Minh (Vĩnh Long), với cụm công nghiệp Thuận Tiến C, tổng diện tích gần 73ha. Để đạt các tiêu chí của nông thôn mới kiểu mẫu, cấp ủy, chính quyền xã tập trung nhiệm vụ giải phóng mặt bằng phát triển công nghiệp. Tăng cường cho cơ sở, Thị ủy Bình Minh luân chuyển đồng chí Nguyễn Văn Xinh, là cán bộ trẻ, Trưởng phòng Văn hóa thị xã về làm Bí thư Đảng ủy xã. Sinh ra và trưởng thành tại xã Thuận An, đồng chí nắm rõ đặc điểm địa bàn, tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Bám từng thôn, ấp, tiếp xúc người dân, với vai trò người đứng đầu, đồng chí trực tiếp tham gia giải quyết nhiều khúc mắc từ cơ sở, trong đó, khó nhất là vận động nhân dân hiến đất làm đường, giải phóng mặt bằng. Một số “điểm nghẽn” như dự án giao thông liên ấp sau thời gian dài đình trệ, có sự vào cuộc của lãnh đạo chủ chốt xã, người dân đã đồng thuận bàn giao mặt bằng để hoàn thành tuyến đường và đưa vào sử dụng.

Nói về chủ trương xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy, Phó Bí thư Thị ủy Bình Minh Huỳnh Thái Nho cho biết, chất lượng cấp ủy cơ sở căn bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Phần lớn cán bộ được đào tạo, có năng lực thực tiễn, có khả năng lãnh đạo, quy tụ sức mạnh tổng hợp; được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tín nhiệm.

Trong từng giai đoạn, Thị ủy chủ động có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, tạo nguồn cán bộ kế thừa bảo đảm đủ tiêu chuẩn theo chức danh quy hoạch. Trong số 231 cấp ủy viên cơ sở hiện nay, 27 đồng chí có trình độ sau đại học; đại học, cao đẳng là 203; về trình độ lý luận, có 60 đồng chí đã hoàn thành chương trình cao cấp, cử nhân.

Nhiều địa phương thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND (chủ tịch UBND) xã, phường; bí thư chi bộ đồng thời là trưởng tổ dân phố, thôn, ấp, khóm.

Với mô hình này, các nhiệm vụ chính trị được thực hiện đồng bộ, linh hoạt, kịp thời; điều hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được cụ thể hóa, triển khai nhanh, hiệu quả và thống nhất cao, khắc phục sự chồng chéo trong kết luận chỉ đạo. Vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng được nâng lên rõ rệt, đoàn kết nội bộ giữ vững và phát huy, bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa chức năng lãnh đạo với chức năng quản lý của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền địa phương.

Quảng Ninh hiện có 100% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố. Lâm Đồng có 88/142 đơn vị cấp xã có bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND; 22/142 đơn vị cấp xã có bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND. Hậu Giang có 282/539 bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ấp, khu vực. Bạc Liêu có 48/64 đơn vị cấp xã có bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND; 488/512 bí thư chi bộ là trưởng khóm, ấp. An Giang có 138/156 xã, phường, thị trấn bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND…

Chú trọng vai trò tổ chức đảng ở cơ sở

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Mỗi chi bộ của Đảng phải là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng, phát huy được trí tuệ và lực lượng vĩ đại của quần chúng”. Triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 16-6-2022 của BCH Trung ương (khóa XIII) về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới nhiều cấp ủy triển khai mô hình Chi bộ bốn tốt, Đảng bộ cơ sở bốn tốt (hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; chất lượng sinh hoạt tốt; đoàn kết, kỷ luật tốt; cán bộ, đảng viên tốt).

Theo Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Tháp Trần Văn Cường, các cấp ủy, tổ chức đảng xác định nội dung cụ thể, xây dựng tiêu chí “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng bộ cơ sở bốn tốt” phù hợp đặc điểm, tình hình của địa phương, đơn vị. Cấp ủy cấp trên chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện hiệu quả mô hình, định kỳ tổ chức gặp gỡ, tuyên dương các chi bộ, đảng bộ tiêu biểu.

Số lượng tổ chức đảng đạt “bốn tốt” càng nhiều đồng nghĩa với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở “trong sạch, vững mạnh” đạt hiệu quả ở mức cao, niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố. Trường hợp chi bộ, đảng bộ đã được công nhận “bốn tốt” nhưng sau đó phát hiện không bảo đảm tiêu chí thì hủy bỏ kết quả đã công nhận. Nghĩa là, Tỉnh ủy yêu cầu các tổ chức đảng phải luôn duy trì sự phấn đấu thường xuyên, liên tục để thật sự trở thành tiêu biểu.

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Tháp, về cơ bản, các loại hình tổ chức cơ sở đảng “bốn tốt” đều phải đáp ứng những tiêu chí chung do Tỉnh ủy quy định. Trước hết, để đạt “bốn tốt”, đảng bộ, chi bộ phải kịp thời cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy cấp trên, phù hợp với thực tiễn; lãnh đạo xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; kịp thời xem xét, giải quyết những vấn đề bức xúc nảy sinh (nếu có)…

Cán bộ, đảng viên tốt phải thể hiện tính nêu gương tốt về đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, bản lĩnh chính trị vững vàng, tiên phong, gương mẫu, gắn bó mật thiết với nhân dân; nói đi đôi với làm; phát huy ý chí, khát vọng vươn lên, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…

Những năm gần đây, hệ thống tổ chức của Đảng ở cơ sở từng bước được kiện toàn, sắp xếp lại theo hướng đồng bộ, phù hợp, hiệu quả hơn. Một số loại hình tổ chức cơ sở đảng có sự thay đổi về số lượng, quy mô, cơ cấu, nội dung và phương thức hoạt động phù hợp với việc đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Khảo sát thực tế, ghi nhận nhiều cấp ủy đã chú trọng xây dựng sự đồng thuận xã hội thể hiện bằng việc xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa tổ chức cơ sở đảng, đảng viên với nhân dân; lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, cán bộ, đảng viên.

Nhiều cấp ủy cơ sở đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác; phân công đảng viên theo dõi, phụ trách hộ gia đình, góp phần nắm chắc tình hình, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở; phát huy vai trò nhân dân trong việc tạo nguồn, kết nạp đảng viên; đa dạng hóa các phương thức vận động quần chúng.

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cơ sở thể hiện rõ nhất là việc tổ chức thực hiện nghị quyết và khả năng phát hiện, đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở; phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Tổ chức đảng ở cơ sở khơi dậy khát vọng, ý chí tự lực, tự cường và nguồn lực nội sinh của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo dựng sự đồng thuận xã hội từ hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên thực hành phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm”.

 

Bài 4: Giám sát, phản biện, phát huy vai trò của nhân dân

 

Tăng cường và mở rộng thực hành dân chủ, phát huy vai trò của nhân dân là biểu hiện sinh động quan điểm xuyên suốt của Ðảng ta, "dân là gốc" của mọi chủ trương, đường lối, chính sách. Thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội, thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, những ý kiến tâm huyết, thiết thực của nhân dân được các cấp ủy đảng, chính quyền ghi nhận, tiếp thu, phát huy mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Ðảng với nhân dân, góp phần quan trọng xây dựng sự đồng thuận xã hội.

Coi trọng việc củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Ðảng với nhân dân, Bộ Chính trị (khóa XI) đã có Quyết định số 217-QÐ/TW ngày 13-12-2013 ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Theo quyết định của Bộ Chính trị, thực hiện nhiệm vụ giám sát là kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém trong quá trình xây dựng và thực hiện chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách cho phù hợp, phát hiện, lan tỏa những việc làm tích cực.

Phản biện xã hội là phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Ðảng, Nhà nước. Kết quả của phản biện là kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường sự đồng thuận xã hội.

Chủ động, sáng tạo từ cơ sở

Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng có những con số ý nghĩa về hoạt động giám sát, phản biện xã hội trong nhiệm kỳ Ðại hội XII. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức 10 chương trình giám sát về các vấn đề, lĩnh vực có ý nghĩa cấp bách đối với toàn xã hội; phản biện một số văn bản quan trọng của Ðảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh tổ chức 721 cuộc giám sát, 784 hoạt động phản biện; cấp huyện tổ chức 6.404 cuộc giám sát, 4.403 hoạt động phản biện và cấp xã tổ chức 49.564 cuộc giám sát, 25.834 hoạt động phản biện. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân đã có 32.064 ý kiến góp ý xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền.

Khảo sát ở nhiều địa phương ghi nhận, sự sâu sát cơ sở, chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp là yếu tố quan trọng khi thực hiện giám sát và phản biện xã hội. Trong 3 năm (2020-2022), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh thực hiện 15 cuộc giám sát; các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh thực hiện 20 cuộc giám sát. Năm 2023, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức 5 cuộc giám sát. Cùng với 4 hình thức giám sát theo Nghị quyết liên tịch 403/2017/NQLT ngày 15-6-2017 của Chính phủ, Quốc hội, Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh mở rộng thêm 2 hình thức khác. Ðó là giám sát thường xuyên, đột xuất, không báo trước và giám sát kết hợp nghiên cứu, xem xét văn bản.

Với phản biện xã hội, từ năm 2023, Mặt trận Tổ quốc tỉnh thực hiện thông qua 3 hình thức là nghiên cứu, tổng hợp các ý kiến tham gia của các tổ chức, cá nhân liên quan; tổ chức hội nghị phản biện xã hội và đối thoại trực tiếp. Tháng 2/2023, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh tổ chức phản biện xã hội thành công đối với dự thảo nghị quyết Quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Ngân chia sẻ kinh nghiệm để thực hiện thành công hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Ðó là, sáng tạo, đổi mới, mở rộng nội dung và hình thức giám sát, phản biện; lựa chọn chủ đề giám sát, phản biện xuất phát từ những vấn đề người dân quan tâm, bức xúc; xây dựng đề cương, biểu mẫu, biên bản cụ thể, chi tiết, dễ thực hiện; thành phần các đoàn giám sát, phản biện gồm những người có chuyên môn, am hiểu luật pháp và các nội dung chuyên sâu, có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn.

Năm 2020, TP. Cẩm Phả là địa phương đầu tiên của Quảng Ninh triển khai chương trình giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đại biểu dân cử ở nơi công tác và nơi cư trú đối với các đồng chí là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã, lãnh đạo các phòng chuyên môn. Việc làm này đã trở thành nền nếp. Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cẩm Phả Trương Thành Công thông tin rằng, qua hoạt động giám sát của nhân dân nơi cư trú, có một số cán bộ đã tự nhận ra thiếu sót, chủ động từ chối việc được cơ quan đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cán bộ, đảng viên có ý thức rèn luyện hơn, nhất là với những trường hợp có đánh giá là chưa thật sự gương mẫu.

Bảo đảm tính xây dựng, khoa học và thực tiễn

Mấy tháng gần đây, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đang thực hiện việc phản biện xã hội đối với Dự án Luật Ðất đai (sửa đổi). Ðây là dự án luật quan trọng, thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Ðến ngày 2/4, cơ quan soạn thảo tiếp thu gần 12 triệu lượt ý kiến của các tầng lớp nhân dân, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và thực hiện đăng tải các bản tổng hợp, tiếp thu, giải trình công khai, minh bạch tới toàn dân. Công tác tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhân dân được thực hiện ngay trong quá trình lấy ý kiến. Theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, riêng báo cáo tiếp thu, giải trình của nhân dân dày khoảng 300 trang; báo cáo tổng hợp, phân loại các ý kiến để đối chiếu, so sánh, tiếp thu, giải trình nếu in ra dày khoảng 3.000 trang.

Tại TP. Ðà Nẵng, từ năm 2014-2022, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã giám sát 99 nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân. Trước khi ban hành các chủ trương, nghị quyết liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân, thành phố đã đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố và các đơn vị chức năng tổ chức 120 hội nghị phản biện xã hội.

Nhờ đó, trong quá trình thực hiện quy hoạch đô thị, có gần 120.000 hộ dân di dời, giải tỏa, tổng diện tích thu hồi đất 11.488ha, tổng số tiền chi cho đền bù giải tỏa khoảng 5.000 tỷ đồng nhưng số trường hợp bị cưỡng chế rất ít. Khi xây dựng các chính sách, Thành ủy quán triệt phương châm "Ðảng nói - Dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động-dân theo; Chính quyền làm-dân ủng hộ". Những gì người dân chưa đồng thuận, không nhất trí cao thì đưa ra bàn bạc, thống nhất. Những ý kiến đóng góp, hiến kế của các tầng lớp nhân dân được cụ thể hóa và triển khai sâu rộng trong đời sống xã hội.

Tháng 12-2022, Bí thư Thành ủy Hà Nội Ðinh Tiến Dũng đã trực tiếp gặp gỡ, giải quyết hai vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân tại trụ sở tiếp dân. Ðó là việc của bác Phạm Văn Sang (ở phố Tô Vĩnh Diện, quận Thanh Xuân) và bác Phan Thị Nghĩa (ngõ chợ Khâm Thiên, quận Ðống Ða). Sau khi xem xét, đối thoại trực tiếp với người dân, đồng chí đã kết luận chỉ đạo, giải quyết từng vụ việc, đồng thời giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị liên quan theo thẩm quyền và thống nhất cách làm, tiến độ giải quyết.

Buổi tiếp dân công khai, khách quan, dân chủ của người đứng đầu Ðảng bộ thành phố đã được đông đảo nhân dân ghi nhận. Ðây là việc làm thể hiện sự thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26-10-2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Ðó là, người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chỉ đạo công tác giám sát, phản biện xã hội. Từ đây, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn thành phố sẽ có những chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn.

Năm 2023, bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Thành ủy và chính quyền thành phố, Mặt trận Tổ quốc các cấp ở Hà Nội thực hiện chuyên đề "Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp thành phố tích cực tham gia hiệu quả việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn TP. Hà Nội".

Với mục tiêu tạo sự đồng thuận xã hội, bảo đảm tiến độ thực hiện dự án, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp chủ động, phối hợp chặt chẽ chính quyền các địa phương có tuyến vành đai 4 đi qua để tuyên truyền, vận động nhân dân. Kế hoạch giám sát năm 2023 của Mặt trận Tổ quốc thành phố có nội dung giám sát kết quả, tiến độ thực hiện dự án; việc thực hiện cơ chế, chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trong quá trình thực hiện dự án. "Dựa vào dân, lo cho dân" là mục tiêu cũng là thước đo hiệu quả của giám sát và phản biện xã hội.

Hoàn thiện cơ chế, phát huy hiệu quả

Thực tế khẳng định tính đúng đắn của chủ trương tăng cường giám sát, phản biện xã hội, giúp các cơ quan có thẩm quyền hoạch định, thực thi hiệu quả các chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng xây dựng sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Nhưng cũng qua khảo sát tại các địa phương, vẫn còn tình trạng việc giám sát, phản biện xã hội mới chỉ là hình thức, nội dung còn sơ sài, thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng nhân dân. Việc theo dõi, đôn đốc giải quyết các kiến nghị sau giám sát, phản biện còn thiếu quyết liệt. Do hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, các ý kiến giám sát, đặc biệt là đối với các nội dung phản biện xã hội chất lượng chưa cao, thiếu tính thuyết phục. Hoạt động của mô hình Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng tại một số địa phương còn nặng về hình thức, kém hiệu quả.

Ðồng chí Lê Thị Kim Cúc, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ninh chia sẻ kinh nghiệm của địa phương. Ðó là, cấp ủy đảng quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện công tác giám sát, phản biện; đồng thời phát huy tính tự chủ của Mặt trận Tổ quốc. Ngược lại, với vai trò là thành viên của mặt trận, các cấp ủy đảng, đảng viên phải chấp hành nghiêm túc nội dung, kết luận giám sát, phản biện, không né tránh, ngoại lệ. Ðể phát huy hiệu quả giám sát, phản biện tạo đồng thuận xã hội ngay từ cơ sở, cần tăng cường hoạt động giao ban thường trực cấp ủy với bí thư chi bộ, trưởng khu, trưởng ban công tác mặt trận thôn, bản, khu phố, hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền với nhân dân...

Từ thực tiễn hai năm triển khai đề án "Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030", Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hồ Chí Minh đề xuất bổ sung quy định về thời gian bắt buộc các cơ quan, tổ chức, cá nhân xem xét, trả lời kiến nghị từ kết quả giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp.

Từ góc độ khoa học pháp lý, Tiến sĩ Nguyễn Văn Cương, Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp nêu ý kiến, hệ thống pháp luật cần định hình đầy đủ hơn, rõ nét hơn cơ chế và cách thức để người dân tham gia quản lý nhà nước bằng giám sát. Ðối với những nội dung bắt buộc phải lấy ý kiến của người dân thì trước khi ra quyết sách, các cơ quan có thẩm quyền phải bảo đảm một cách thực chất sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, cần sớm xây dựng Luật Hoạt động giám sát của nhân dân, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động giám sát, phản biện của nhân dân. Ngoài hoàn thiện cơ sở chính trị, pháp lý cần nghiên cứu đổi mới mô hình, tổ chức bộ máy Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội nhằm làm tốt hơn nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội.

Nhiều năm tham gia hoạt động giám sát, phản biện xã hội của địa phương, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP. Cẩm Phả Ðoàn Thị Liên nêu nhận xét và đề xuất, cần tiếp tục cụ thể hóa quan điểm Ðảng phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về các quyết định của mình; lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Những kết quả đó góp phần tăng cường quyền làm chủ, sự đồng thuận của nhân dân trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Ðảng và nhờ đó mà Ðảng thắng lợi. Nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, đưa yêu cầu "dân giám sát" trở thành một phương thức lãnh đạo của Ðảng nhằm xây dựng sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần hiệu quả trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị, tạo tiền đề triển khai thắng lợi chủ trương, đường lối, quyết sách của Ðảng, phát triển nhanh và bền vững đất nước.

 

Bài 5: Biến những nghị quyết của Đảng thành quyết tâm của quần chúng

 

Xây dựng và tăng cường sự đồng thuận xã hội là phương thức lãnh đạo, đồng thời thể hiện năng lực lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội. Đổi mới phương thức lãnh đạo, giữ vững vai trò và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đặt ra yêu cầu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị trong khơi nguồn, xây dựng và phát huy sự đồng thuận xã hội, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Trong các định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: "Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội;...".

Yêu cầu này xuất phát từ thực tế, các nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa được phát huy tốt. Một số tổ chức cơ sở đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu, chưa thật sự tôn trọng ý kiến của nhân dân và giải quyết kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

Tầm nhìn của Đảng, khát vọng của Nhân dân

Đổi mới phương thức lãnh đạo, ngay từ bước khởi đầu là hoạch định cương lĩnh, đường lối, chủ trương, xây dựng sự đồng thuận xã hội là yêu cầu cũng là mục tiêu mà Đảng ta luôn kiên trì thực hiện. Khảo sát thực tế tại nhiều địa phương ghi nhận rằng nghị quyết của các cấp ủy nhanh chóng đi vào cuộc sống khi phản ánh đúng quy luật khách quan, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và nhân dân sẵn sàng tiếp nhận, tích cực ủng hộ, nhiệt tình thực hiện.

Thành ủy Hải Phòng không ban hành các nghị quyết dàn trải, mà tập trung vào những định hướng lớn, đáp ứng yêu cầu giải quyết những nút thắt, điểm nghẽn. Tỉnh ủy Hòa Bình lựa chọn chủ đề các nghị quyết từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sau khi sơ kết, tổng kết thực hiện các chủ trương trước đó, từ các cuộc khảo sát, đối thoại trực tiếp với các tổ chức, đại diện nhân dân.

Bắc Kạn là tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi phía bắc, diện tích rộng nhưng chủ yếu là địa hình đồi núi, có 88% dân số là dân tộc thiểu số. Điều kiện hạ tầng hạn chế, giao thông không thuận lợi, nguồn lực địa phương yếu, nên việc tìm lời giải cho bài toán "thoát nghèo" luôn là trăn trở của Đảng bộ, chính quyền và người dân trong tỉnh. Những nhiệm kỳ gần đây, khá nhiều nghị quyết của Đảng bộ tỉnh khởi nguồn từ tầm nhìn kiên trì và chủ động, quyết tâm khai thác hiệu quả mọi tiềm năng, phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, luôn có ý chí vươn lên của nhân dân, thu hút đầu tư, tạo tiền đề phát triển toàn diện.

Đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chia sẻ: Sự đồng thuận xã hội giúp quá trình triển khai các nghị quyết nhanh chóng, hiệu quả. Do vậy, khi ban hành các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế-xã hội, các cơ quan chức năng của tỉnh đều tổ chức hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi các ban, ngành, địa phương. Tâm tư, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân, thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, được ghi nhận, thể hiện trong từng mục tiêu, giải pháp của các nghị quyết.

Triển khai thực hiện các nghị quyết về phát triển sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, đến nay, Bắc Kạn có 352 hợp tác xã, trong đó có 299 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Doanh thu của các hợp tác xã tăng bình quân 180%, lợi nhuận tăng 150%, thu nhập tăng 200% so với năm 2016. "Quả ngọt" là toàn tỉnh có 181 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia, đều là các sản phẩm liên kết sản xuất giữa hợp tác xã với nông dân.

Có 2 hợp tác xã ở vùng cao đã xuất khẩu sản phẩm sang Nhật Bản và châu Âu. "Quả ngọt" thể hiện những nỗ lực của tỉnh trong cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính và chất lượng điều hành kinh tế là sự vươn lên đột phá về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, vươn lên thứ hạng 35/63 tỉnh, thành phố (năm 2018, Bắc Kạn đứng thứ 60). Trong hai năm 2021 và 2022, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư cho khoảng 40 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5.000 tỷ đồng, cao hơn số dự án 5 năm trước đó cộng lại.

Truyền cảm hứng, lan tỏa sức mạnh tổng hợp

Quảng Ninh đang thể hiện dấu ấn phát triển mạnh mẽ khi cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh", dựa vào 3 trụ cột là thiên nhiên, con người, văn hóa. Năm 2022, GRDP bình quân đầu người đạt hơn 8.200 USD, cao nhất khu vực phía bắc. Giai đoạn 2020-2022, tổng thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 156,2 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân khoảng 10%/năm và luôn ở trong nhóm dẫn đầu cả nước. Khởi nguồn của những thành quả này là sự quyết liệt, đột phá, sáng tạo của BCH Đảng bộ tỉnh, bằng việc xây dựng và thực hiện Đề án 25 về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế.

Các định hướng, chương trình hành động, chính sách của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh đều đột phá từ việc khó, tháo gỡ "nút thắt", khơi thông "điểm nghẽn". Từ đây, niềm tin và khát vọng của nhân dân, doanh nghiệp trở thành nguồn lực và động lực cho sự phát triển của tỉnh.

Thái Nguyên là địa phương đầu tiên trong cả nước có ngày chuyển đổi số, là ngày 31/12 hằng năm. Sự kiện này cùng với các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01 về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của BCH Đảng bộ tỉnh đã tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, lan tỏa ý thức chuyển đổi số sâu rộng trong nhân dân, để chuyển đổi số trở thành việc làm thường trực và thực chất của từng người dân.

Sau hơn 2 năm, tỉnh đưa vào sử dụng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC) với 11 nền tảng công nghệ số và ứng dụng công dân số Thái Nguyên "C-ThaiNguyen" thu hút hơn 225 nghìn lượt cài đặt, sử dụng. Nền tảng xã hội số "Thai Nguyen ID" cung cấp cho người dân, doanh nghiệp những tiện ích số hữu hiệu. 100% thủ tục hành chính công mức độ 4 được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh.

Hơn 1.000 sản phẩm đã được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh, trong đó có 129 sản phẩm OCOP; hơn 17.000 hộ sản xuất nông nghiệp đã được mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử. Năm 2021, xếp hạng về chuyển đổi số được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố: Thái Nguyên đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số, trong đó chỉ số Chính quyền số xếp thứ 3 toàn quốc.

"Bí quyết" thành công của Thái Nguyên là lan tỏa quyết tâm, tinh thần quyết liệt chuyển đổi số, từ nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên tạo dựng sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Tỉnh tổ chức các khóa học bồi dưỡng nâng cao nhận thức, phương pháp, cách thức chuyển đổi số đối với hệ thống chính trị, lãnh đạo các doanh nghiệp.

Phong cách lãnh đạo dân chủ, coi trọng việc nêu gương

Xác định cương lĩnh, đường lối, chiến lược đúng đắn, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân, sẽ bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng. Để đưa đường lối, chủ trương của Đảng vào cuộc sống, khảo sát tại các địa phương, đơn vị ghi nhận, phong cách lãnh đạo dân chủ, coi trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu tạo tính thuyết phục cao đối với quần chúng nhân dân, dễ dàng đạt được sự đồng thuận xã hội, tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Phong cách lãnh đạo dân chủ, gần dân, sát cơ sở thể hiện rõ nét trong hoạt động của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền. BTV Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp theo hướng 4 tăng (sự hài lòng, ứng dụng công nghệ thông tin, trách nhiệm, minh bạch); 2 giảm (chi phí, thời gian) và 3 không (phiền hà sách nhiễu, bổ sung hồ sơ quá 1 lần và không trễ hẹn).

BTV Tỉnh ủy Bến Tre phân công các Tỉnh ủy viên, lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh theo dõi các xã, phường, thị trấn; quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của cán bộ hỗ trợ cơ sở.

Việc nắm tình hình cơ sở thực hiện theo nội dung: 4 nắm (tổ chức, con người, quy chế, nghị quyết); 4 góp ý (phản ánh những vấn đề của cơ sở cho ủy viên BTV Tỉnh ủy theo dõi, hỗ trợ huyện, nội dung không được sao chép báo cáo của xã; phản ánh, kiến nghị với ngành chuyên môn cấp tỉnh những vấn đề cơ sở đặt ra; góp ý với lãnh đạo huyện trong xem xét, giải quyết kiến nghị của cơ sở; góp ý với đảng ủy xã trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị); 3 kiểm (kiểm tra tình hình, mức độ chuyển biến trong công tác của đảng ủy xã trong từng thời điểm; kiểm tra việc chỉ đạo của ủy viên BTV Tỉnh ủy theo dõi, hỗ trợ huyện trong việc giải quyết những ý kiến, đề xuất như thế nào; kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo xử lý của huyện ủy đối với những phản ánh, kiến nghị ra sao).

Đầu năm 2016, Điện Biên có 5,23% thôn, bản chưa có đảng viên. BTV Tỉnh ủy phân công các cấp ủy viên phụ trách từng thôn, bản, bám sát địa bàn, giúp đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở giải quyết những khó khăn trong chỉ đạo, điều hành. Từ sự nêu gương của đội ngũ cấp ủy viên ở cơ sở, lan tỏa tinh thần tiên phong, vượt khó. Với sự kiên trì, bền bỉ của cấp ủy đảng và hệ thống chính trị, Điện Biên đã hoàn thành công việc xóa tình trạng thôn, bản chưa có đảng viên.

Sự hài lòng của người dân là thước đo năng lực lãnh đạo, hiệu quả hoạt động và phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên. Sự đồng thuận của nhân dân thể hiện niềm tin đối với Đảng, với chế độ do Đảng lãnh đạo.

Do vậy, xây dựng sự đồng thuận xã hội là nhiệm vụ của các cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị.Trao đổi với chúng tôi, nhiều cán bộ cấp ủy cơ sở có chung nhận thức rằng, coi trọng xây dựng sự đồng thuận xã hội trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là làm sao cho các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân một cách nhanh nhất, thiết thực, phục vụ lợi ích chính đáng của người dân, từ đó người dân tin tưởng, ủng hộ, đồng lòng thực hiện.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu phải nâng cao nhận thức, vào cuộc quyết liệt, đổi mới cách nghĩ, cách làm, nói đi đôi với làm, gần dân, trọng dân, hiểu dân, tin dân, chủ động đối thoại với nhân dân. Việc lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát thực tiễn, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp tình hình địa phương.

Quá trình thực hiện và kiểm tra, giám sát có sự phối hợp chặt chẽ, chú trọng tiếp thu ý kiến góp ý, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó cũng chính là thực hiện nghiêm túc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Phải đi đúng đường lối quần chúng, biến những nghị quyết của Đảng thành quyết tâm của quần chúng".

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất