Loạt bài “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ: Những “toa thuốc” đặc hiệu" của nhóm tác giả Đỗ Thị Ngọc Anh - Trần Thị Ngọc Thảo đăng trên Tạp chí Xây dựng Đảng đã đoạt Giải Khuyến khích - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ VIII - năm 2023. Ban Tổ chức Giải Búa liềm vàng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
|
Các tác phẩm đoạt giải Khuyến khích Giải Búa liềm vàng năm 2023 |
LTS: Quyền lực được ví như “con ngựa bất kham”, không phải người lãnh đạo nào cũng có đủ bản lĩnh, năng lực và nhân cách để ghìm cương được. Việc “lạm quyền, lộng quyền” trong công tác cán bộ sẽ là tác nhân to lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: “Phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”. Việc thực sự kiểm soát được quyền lực không phải là điều có thể thực thi bằng một quy trình hay quy định mà cần quyết tâm chính trị cao và giải pháp đồng bộ. Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu với độc giả loạt bài 3 kỳ về chủ đề “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ: Những “toa thuốc” đặc hiệu”.
Kỳ 1: Liều thuốc từ cơ chế
Sau 4 năm Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 (sau đây gọi tắt là Quy định số 205) “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”, căn bệnh “chạy” đã dần được nhận diện. Tình trạng lạm quyền, lợi dụng quyền lực để thao túng công tác cán bộ, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực từng bước được chỉ rõ, khắc phục. Những vụ việc tham nhũng, tiêu cực thời gian qua trong công tác cán bộ vẫn còn nhức nhối bởi minh chứng là một bộ phận cán bộ, mà đặc biệt cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người có trong tay “chức” và “quyền” đã bị quyền lực làm tha hóa. Trong bối cảnh toàn Đảng đang đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, một lần nữa vấn đề kiểm soát quyền lực, đặc biệt trong công tác cán bộ lại càng trở nên cấp bách và cần quyết tâm chính trị cao hơn nữa.
“Căn bệnh nan y” đã được nhận diện từ sớm
Từ thời phong kiến, ông cha ta đã sớm ý thức được quyền lực song hành với lợi ích sẽ làm nảy sinh nhiều tệ nạn tiêu cực trong xã hội. Theo đó, Luật Hồi tỵ ra đời cách đây gần 600 năm, thời vua Lê Thánh Tông (1442-1497) để nhằm chủ động phòng ngừa những hiện tượng tiêu cực xảy ra chốn quan trường; loại bỏ hiện tượng những người thân thuộc, gần gũi của quan chức kéo bè kết phái nhằm bao che, hỗ trợ nhau tham ô, tham nhũng.
Hồi tỵ nghĩa là “né đi”, “tránh đi”. Các quy định của Luật có thể được khái quát thành mấy điểm cơ bản sau: 1) Quan lại không được lấy vợ, kết hôn, kết thông gia ở nơi mình cai quản; cũng như không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà ở nơi mình làm quan, không được dùng người cùng quê làm người giúp việc. 2) Không được bổ nhiệm một viên quan về cai trị huyện hoặc tỉnh nơi ông ta xuất thân. 3) Không được bổ nhiệm một viên quan tới nơi ông ta có người họ hàng tại nhiệm ở vị trí lãnh đạo. 4) Trong thời gian nhậm chức tại một tỉnh hoặc một huyện, quan chức không được cưới vợ, lấy thiếp là người của địa hạt đó. 5) Quan chức không được phép tại vị quá lâu ở cùng một địa phương hoặc cùng một đơn vị.
Đến thời nhà Nguyễn, đặc biệt thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, vấn đề “hồi tỵ” còn được thực hiện gắt gao hơn nữa khi bổ sung thêm nhiều quy định: Quan lại ở các bộ, trong Kinh thành và ở các tỉnh, huyện hễ có quan hệ gia đình như bố, con, anh em ruột, chú bác, cô dì cùng làm một chỗ đều phải đổi đi chỗ khác. Quan lại không được làm quan ở chính quê hương mình, quê vợ mình, thậm chí cả nơi đi học lúc còn trẻ. Người có quan hệ thông gia, thầy trò cũng không được làm quan cùng một chỗ. Quan lại không được coi thi, chấm thi ở nơi nào có người ruột thịt, thân quen ứng thi. Nếu có thì phải tâu trình thay người khác…
Trong “Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ” viết ngày 1-3-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn phê bình và yêu cầu kiểm thảo: “Những đồng chí còn giữ thói một người làm quan cả họ được nhờ, đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này việc kia, làm được hay không, mặc kệ. Hỏng việc, Đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được”. Bác từng chỉ rõ: “Quyền lực có tính hai mặt. Quyền lực nếu được sử dụng đúng đắn sẽ có sức mạnh to lớn để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Ngược lại, nếu bị thoái hóa, biến chất thì quyền lực sẽ có tác hại ghê gớm, thậm chí có thể làm sụp đổ cả chế độ xã hội”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nhấn mạnh đến vấn đề trọng yếu, cần kíp liên quan đến kiểm soát quyền lực là cách làm cho Đảng luôn giữ được bản chất cách mạng, uy tín và thanh danh của đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Người luôn khẳng định, chủ thể quyền lực thuộc về nhân dân và cán bộ, đảng viên chỉ là người thay mặt nhân dân trong thực thi quyền lực.
Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII đã nhận diện 5 loại “chạy”: “Chạy chức” trước khi bầu cử, “chạy quyền” trước khi phân công công tác, “chạy lợi” trước khi phân bổ ngân sách, đấu thầu, xin cô-ta, “chạy chỗ” trước khi bổ nhiệm, “chạy tội” trước khi điều tra, xét xử. Thậm chí biểu hiện “chạy” không chỉ cho bản thân mà còn cho người nhà, người thân, bạn bè, cấp dưới…
Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII), Đảng đều thẳng thắn chỉ rõ vấn nạn “chạy chức, chạy quyền” khiến cho một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất, mua quan, bán chức, luồn sâu, leo cao vào bộ máy. Trung ương khẳng định phải xử lý, ngăn chặn tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, kiên quyết khắc phục tình trạng bổ nhiệm người nhà, người thân. Đến Hội nghị lần thứ 7 (khóa XII), BCH Trung ương nhận định: “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi... Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, “cánh hẩu” xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội”. Trước vấn nạn đang đánh trực diện vào sự tồn vong của Đảng, của chế độ, Trung ương yêu cầu nhận thức sâu sắc về tác hại nghiêm trọng của tệ nạn chạy chức, chạy quyền, coi đây là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ, đồng thời yêu cầu xây dựng, hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, làm sao nhận diện rõ, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các biểu hiện của hành vi chạy chức, chạy quyền và quyết tâm không để lọt những người không xứng đáng, người chạy chức, chạy quyền vào tổ chức bộ máy…
Trên thực tế, những lỗ hổng trong cơ chế kiểm soát quyền lực đã tạo điều kiện cho một số cán bộ lạm dụng chức quyền vun vén cá nhân để “tham nhũng” quyền lực. Điển hình như những vụ việc cả họ làm quan, bố bổ nhiệm con, anh bổ nhiệm em, cả chi bộ họ “Ta”, cả thường vụ họ “Tôi”!
Dư luận xã hội đã từng “dậy sóng” khi chứng kiến cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Ngô Văn Tuấn sai phạm trong công tác quản lý, “nâng đỡ không trong sáng” bà Trần Vũ Quỳnh Anh với quá trình thăng tiến thần tốc tại Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa; ông Hà Quốc Phong, Phó Bí thư Thành ủy Đồng Hới, Quảng Bình để vợ và con trai thăng tiến quá nhanh; ông Huỳnh Minh Chắc, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang (nhiệm kỳ 2010-2015) bổ nhiệm “thần tốc” con trai Huỳnh Thanh Phong giữ chức Giám đốc Sở Công thương khi chưa có đủ các tiêu chí của cán bộ lãnh đạo cấp sở; cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã tiếp nhận, bổ nhiệm và điều động con trai là ông Vũ Quang Hải tham gia Hội đồng quản trị và giữ chức Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn; vụ việc bổ nhiệm vị trí lãnh đạo, quản lý đối với con trai bị bệnh tâm thần xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp; ông Lê Phước Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (nhiệm kỳ 2010-2015) có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, luân chuyển, điều động và bổ nhiệm con trai Lê Phước Hoài Bảo giữ chức vụ Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh (thời điểm năm 2016) có 8 người thân được bố trí các vị trí chủ chốt trong nhiều cơ quan trọng yếu của tỉnh Hà Giang; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến (nhiệm kỳ 2015-2020) có nhiều người nhà nắm giữ các chức vụ chủ chốt tại nhiều cơ quan, đơn vị của tỉnh Bắc Ninh và đã cố gắng “xếp chỗ” cho con trai tốt nghiệp Trường Đại học Thể dục - Thể thao Bắc Ninh vào vị trí Bí thư Thành ủy Bắc Ninh nhưng không êm thấm, đành lui về giữ chức Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội...
Việc xử lý hiện tượng lạm quyền trong công tác cán bộ ở bất kỳ quốc gia nào cũng đầy thách thức và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất cần giải quyết là phạm trù liên quan đến văn hóa, khi chúng ta vẫn quen thuộc với các câu như “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, hay gần đây là 9C “con cháu các cụ cả, chiếu cố các cháu”... Khi những điều này trở thành nếp nghĩ khó bỏ thì việc bổ nhiệm cán bộ dựa trên mối quan hệ cá nhân có thể ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách và quá trình chọn lựa cán bộ. Giờ đây, hiện tượng này đã khá phổ biến, trở thành quán tính, có sức ì rất lớn. Sự thay đổi này cần nỗ lực lớn của toàn Đảng, toàn Dân mới có thể tạo sự chuyển biến thực sự tích cực trong công tác cán bộ.
Đồng chí Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
|
Không thể né tránh và khoan nhượng
Tại Hội nghị toàn quốc Ngành Tổ chức xây dựng Đảng năm 2016, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Hiện nay, dư luận xã hội vẫn râm ran chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp... Bây giờ người ta đang nói chạy cả luân chuyển... Nếu có (chuyện chạy) thì phải sửa, phải rút kinh nghiệm. Nếu không có thì phải trả lời cho sòng phẳng. Ai chạy? Chạy ai? Đằng sau nó là cái gì? Có khi biết mà không nói ra được hay là không dám nói”. Câu hỏi “chạy ai, ai chạy” là một yêu cầu bức thiết để truy tìm nguồn cung và nguồn cầu của điểm đến ban phát quyền lực. Do đó, Quy định số 205 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ đã lượng hóa, chỉ rõ các hành vi “chạy chức, chạy quyền” và các hành vi bao che, dung túng, tiếp tay. Điều này thể hiện quyết tâm của Đảng nhằm lấp những “lỗ hổng” trong công tác cán bộ, ngăn chặn từ gốc những mầm mống thao túng quyền lực.
Sau 4 năm tích cực triển khai, Quy định số 205 đã tạo ra những chuyển biến tích cực. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên được nâng lên. Từng bước khắc phục tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực, thao túng trong công tác cán bộ, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Theo đó, đa số cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo đã quan tâm kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Quy định gắn với công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra. Các cấp uỷ trực thuộc Trung ương đã tổ chức 2.489 cuộc; cấp uỷ cấp huyện và tương đương đã tổ chức 5.404 cuộc; các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị ở Trung ương đã tổ chức 1.179 cuộc kiểm tra, giám sát chuyên đề về công tác cán bộ đối với các cơ quan tham mưu, giúp việc, các cơ quan cấp dưới và cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý trong thực hiện nhiệm vụ về công tác cán bộ.
Đã tiến hành luân chuyển, điều động cán bộ gắn với việc chuyển đổi vị trí công tác 9.100 cán bộ. Một số địa phương, đơn vị đẩy mạnh việc điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ được phân công làm công tác nhân sự hoặc theo dõi công tác cán bộ tại một địa bàn, lĩnh vực đã đảm nhiệm công việc 5 năm liên tiếp như: Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương (946 lượt); Đảng bộ Công an Trung ương (541 lượt); Đảng bộ Quân đội (702 lượt); Đảng bộ tỉnh Hậu Giang (328 lượt)…
Đã có 438 vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng được bổ nhiệm bằng thi tuyển - một hình thức thí điểm đổi mới tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý. Chủ trương bố trí cán bộ chủ chốt (bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND) không là người địa phương đã góp phần khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ. Sau đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, đã bố trí 464 đồng chí (65%) bí thư cấp uỷ cấp huyện không là người địa phương, tăng 38% so với nhiệm kỳ 2015-2020. Hiện cả nước có 33 bí thư tỉnh, thành ủy, 14 chủ tịch UBND tỉnh, thành phố không là người địa phương.
Thông qua rà soát, kiểm tra, giám sát, các cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị đã phát hiện khoảng 50 trường hợp bố trí những người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm chức danh có liên quan để điều động, phân công, bố trí chức danh khác phù hợp.
Từ khi thực hiện Quy định số 205 đến nay, đã có 100 nhân sự tự giác không ứng cử, không nhận đề cử, quy hoạch, bổ nhiệm, phong, thăng cấp bậc hàm, khen thưởng, chế độ, chính sách khi thấy mình không đủ tiêu chuẩn, điều kiện. Tuy nhiên, vẫn còn 10 trường hợp bị tạm dừng có thời hạn theo quy định của cấp có thẩm quyền về việc quy hoạch, điều động, luân chuyên, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại...; 254 trường hợp bị hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ.
Những con số trên khẳng định các cấp, các ngành đã nỗ lực, cố gắng khắc phục tình trạng lạm quyền, tham ô, tham nhũng, thao túng, chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, hiện tượng “gia đình trị”, “công quyền gia trưởng” “một người làm quan, cả họ được nhờ”, thăng tiến “thần tốc”, “ngồi nhầm chỗ”…
Còn nhiều “triệu chứng bệnh” cần kê đơn
Thời gian qua, việc nhận diện, phát hiện, xử lý vi phạm đối với hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền đã có chuyển biến. Dẫu vậy, kết quả vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đạt mục tiêu đề ra.
Qua tổng hợp kết quả xử lý sai phạm về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chạy chức, chạy quyền và bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, đa số các địa phương, cơ quan, đơn vị báo cáo không có cán bộ thuộc cấp mình quản lý sai phạm đến mức phải xử lý, nếu có, còn dừng ở mức nhẹ. Chưa thể xử lý thiếu trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan khi vi phạm kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.
Theo số liệu báo cáo, hiện nay, cấp ủy các cấp mới phát hiện, xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với 4 trường hợp có hành vi tiêu cực nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi; 4 trường hợp có hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức khiển trách, cảnh cáo và giáng chức.
Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205 thể hiện quyết tâm chính trị ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn chạy chức, chạy quyền, bước đầu đã phát huy tác dụng tích cực. Tuy nhiên, sau Đại hội XIII, một bộ phận cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý có những biểu hiện vi phạm rất nghiêm trọng, tất cả các khuyết điểm đều có từ những năm trước. Nguyên nhân ở đây chính là chúng ta chưa chọn đúng người. Tại sao quy trình bổ nhiệm cán bộ vẫn đầy đủ các bước từ nhận xét, đánh giá, quy hoạch, bỏ phiếu tín nhiệm, đến bầu tại Đại hội mà thời điểm hiện tại có tới 11 Ủy viên Trung ương bị kỷ luật? Điều này cho thấy Quy định số 205 vẫn chưa bịt kín những kẽ hở trong cơ chế giám sát quyền lực.
PGS, TS. Đào Duy Quát, Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương
|
Con số này chưa phản ánh đúng thực trạng. Vì hầu hết các sai phạm trong việc lạm quyền trong công tác cán bộ thời gian qua bị phát giác khi nó đã “ăn sâu” vào bộ máy, gây nhức nhối trong dư luận một thời gian dài. Điều này khẳng định cơ chế giám sát, phản biện của nhân dân, của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội chưa được đề cao trong khi đây là một giải pháp căn cốt. Chúng ta chưa có cơ chế phù hợp để khuyến khích, bảo vệ, khen thưởng cá nhân phát hiện, phản ánh, tố cáo vi phạm trong công tác cán bộ.
Thực tế vẫn có tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn, áp đặt ý chí chủ quan của người đứng đầu hoặc buông lỏng, tùy tiện, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc… trong công tác cán bộ, cá biệt, một số cơ quan, đơn vị xảy ra trường hợp cán bộ vi phạm phải xử lý hình sự. Một bộ phận cán bộ có tư tưởng chọn lựa vị trí để tránh việc khó, làm việc dễ, ngại va chạm, né tránh trách nhiệm. Điển hình như vi phạm kéo dài, thiếu kiểm tra, giám sát tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ ở Đảng đoàn Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; thực hiện không đúng quy trình, quy định trong công tác cán bộ ở Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo...
Đáng nói, một số người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn thiếu gương mẫu, bổ nhiệm, giới thiệu người thân, người quen, người có quan hệ gia đình vào vị trí lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị mình phụ trách, gây bức xúc dư luận. Hiện còn 84 trường hợp người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh liên quan ở các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương.
Sau 4 năm thực hiện Quy định số 205, nhiều điều khoản đã bộc lộ sự hạn chế, chưa được cụ thể hóa, còn bất cập, khó triển khai trong thực tiễn. Một số chế tài xử lý khi có hành vi lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực trong công tác cán bộ còn thiếu cụ thể, chưa đủ mạnh, chưa phát huy tác dụng phòng ngừa, răn đe.
Kỳ 2: Tiếp tục “hóa trị” những mầm mống tiêu cực
Con số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng bị xử lý kỷ luật, ra tòa, vào tù thời gian qua đã cho thấy sự nỗ lực của toàn Đảng trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” tham nhũng với mục tiêu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng và chế độ. Tuy nhiên, đây cũng là hồi chuông cảnh báo về việc cần tiếp tục siết chặt cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực để ngăn chặn những cú “trượt dài” theo sai phạm của một bộ phận cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý khi bị quyền lực làm tha hóa.
Gia cố “chân phanh” quyền lực
Lần đầu tiên Đảng ta ban hành một quy định về kiểm soát quyền lực trong đó nhận diện rõ thế nào là chạy chức, chạy quyền; thế nào là bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; quy định rõ trách nhiệm và chế tài, hình thức xử lý đối với người vi phạm. Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền như một “liều thuốc” ngăn chặn tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “hoàng hôn nhiệm kỳ” có thể xảy ra trong công tác cán bộ.
Theo đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Quy định số 205-QĐ/TW thể hiện tinh thần quyết tâm rất cao của Đảng trong việc xử lý, ngăn chặn những tiêu cực trong công tác cán bộ. Quy định ra đời đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của công tác cán bộ, giải đáp những tâm tư, bức xúc của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ.
Qua tổng hợp báo cáo kết quả tự kiểm tra, rà soát, xử lý, khắc phục sai phạm trong công tác cán bộ, cả nước có hơn 125.000 trường hợp sai phạm. Một số địa phương, đơn vị đã nghiêm túc xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân sai phạm như: Yên Bái xử lý kỷ luật 37 tập thể, 37 cá nhân có sai phạm ở cấp huyện; Thanh Hóa xử lý kỷ luật 42 tập thể, 49 cá nhân sai phạm ở cấp huyện; Tỉnh ủy Hà Tĩnh kỷ luật cảnh cáo Ban Cán sự đảng Tòa án Nhân dân tỉnh; Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm điểm, nghiêm khắc phê bình trước toàn thể cơ quan 3 cá nhân liên quan đến sai phạm trong công tác cán bộ...
Dẫu vậy, số lượng cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, những sai phạm liên tiếp liên quan đến việc lạm dụng quyền lực và “mượn danh” tổ chức để giúp “sân sau” vẫn nối dài. Một Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo thư ký của mình gọi điện “vòi tiền” doanh nghiệp để cấp phép kit test và nhận hơn 2,5 triệu đô-la Mỹ tiền hối lộ trong vụ đại án Việt Á. Một thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế gọi điện, dọa dẫm doanh nghiệp, ép chi hàng chục tỷ đồng để có được chữ ký cấp phép chuyến bay của Thứ trưởng. Bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh “lũng đoạn” giúp Công ty AIC “thông” 16 gói thầu để nhận hàng chục tỷ đồng tiền hối lộ… Đó chính là biểu hiện rõ ràng nhất về việc cán bộ đã thao túng quyền lực, thu về lợi ích cá nhân bất chính. Chúng ta trao quyền lực vào tay cán bộ nhưng chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ thì tham nhũng, tiêu cực tất yếu sẽ nảy sinh. Đây là những bài học đau xót trong công tác cán bộ. Những thất thoát về tài sản có thể đong đếm nhưng tổn thất về niềm tin của Nhân dân, uy tín của tổ chức là không thể đo lường, gây ra những hệ lụy to lớn.
Trong quá trình thực hiện Quy định số 205, nhiều chủ trương, quy định của Đảng về công tác cán bộ được sửa đổi, bổ sung theo hướng siết chặt, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; tăng cường phân cấp, phân quyền, sự phối hợp giữa các cơ quan tham mưu trong công tác thẩm định nhân sự. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn Đảng tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, với yêu cầu cấp thiết là phải tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ một cách thực chất và hiệu quả, thì việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, xây dựng một chỉnh thể đồng bộ, thống nhất trong cơ chế kiểm soát quyền lực là điều cấp thiết. Theo đó, Bộ Chính trị đã tiến hành sơ kết việc triển khai thực hiện Quy định số 205-QĐ/TW và ban hành Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11-7-2023 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ thay thế Quy định số 205-QĐ/TW.
Tinh thần chủ động, chiến lược về công tác cán bộ nhiệm kỳ Đại hội XIV
Thứ nhất, Quy định số 114 thể hiện tinh thần chủ động, chiến lược của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương trong công tác cán bộ của nhiệm kỳ Đại hội XIV. Điều này chứng minh Đảng luôn luôn đặt công tác cán bộ là khâu “then chốt của then chốt”. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng sẽ chủ động hoàn toàn trong việc chuẩn bị nhân sự cho đại hội nhiệm kỳ tới, tránh phải “đốt đuốc” đi tìm cán bộ.
Thứ hai, quy định đã cụ thể hóa “cái lồng” để quản lý, giám sát quyền lực. Với việc quy định rõ ràng một số hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, Quy định đã chỉ rõ những yếu tố giúp định lượng, lượng hóa cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần phát biểu: “Phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”.
Thứ ba, Quy định chỉ rõ trách nhiệm của các tổ chức đảng, các cấp ủy, người đứng đầu các cấp từ Trung ương đến cơ sở và các cán bộ lãnh đạo, quản lý. Thực tế cho thấy khi kiểm soát quyền lực, chúng ta phải kiểm soát đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, bởi đây là nhóm đối tượng nắm giữ quyền lực trong tay. Quy định như bản soi chiếu để mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý ý thức và hình dung rõ những việc cần làm và những việc không được làm, bị cấm, thậm chí bị “tuýt còi”.
Thứ tư, Quy định nêu rõ yêu cầu, trách nhiệm đối với những cơ quan tham mưu, giúp việc cho Trung ương về công tác tổ chức - cán bộ, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Những cơ quan này phải nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả tham mưu công tác cán bộ, để đánh giá cán bộ khách quan, trung thực, minh bạch, không để lọt vào cấp ủy những cán bộ không đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực, uy tín.
PGS, TS. Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
|
Thực tế cho thấy, công tác cán bộ là lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực với những hành vi, biểu hiện ngày càng tinh vi, khó nhận diện. Thời gian qua, những hành vi, biểu hiện lạm quyền, vượt quyền, lợi dụng chức quyền gây bức xúc trong dư luận đã được nhận diện, chỉ rõ trong Quy định số 114. Giờ đây, hành vi vi phạm không chỉ bó hẹp ở “chạy chức, chạy quyền” mà đã mở rộng ra với những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, đồng thời nêu rõ trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và xử lý vi phạm. Đây là bước tiến lớn mang tính đột phá, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng trong vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.
Kế thừa Quy định số 205, Quy định số 114 đã bổ sung những điểm mới phù hợp với tình hình thực tiễn và các quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực, từng bước “bịt” những “kẽ hở” trong công tác cán bộ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chủ động ngăn chặn, phòng ngừa từ sớm, từ xa những hiện tượng lạm quyền, lợi dụng quyền lực, thao túng trong công tác cán bộ. Đây là một trong những công cụ sắc bén để thực thi kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Theo nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Đào Duy Quát: Quy định số 114 bổ sung cụm từ “phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ” chứ không chỉ là “chạy chức, chạy quyền” đã thể hiện quan điểm Đảng ta coi phòng, chống tham nhũng là một trong những vấn đề mang tính căn cốt trong công tác cán bộ, là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm của giai đoạn hiện nay. Đảng nhận thức rõ nguy cơ của tham nhũng, tiêu cực đang đe doạ sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Nếu chỉ dừng lại ở vấn đề chạy chức, chạy quyền thì nhiều người sẽ chỉ chú ý đến đối tượng “chạy” mà bỏ quên mất đối tượng “được chạy” là ai.
Liều “vắc-xin” tăng cường
Quy định số 114 đã nêu ra nhiều điểm mới, đặc biệt dành một chương riêng chỉ rõ hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Quy định phân biệt rõ hơn giữa “tiêu cực” và “tham nhũng” trong công tác cán bộ giúp nhận diện, chỉ rõ 8 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong công tác cán bộ. Quy định lần này chỉ đích danh những biểu hiện mang tính bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, như: Lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ; chỉ đạo tham mưu các khâu trong công tác cán bộ đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, không đúng nguyên tắc, quy định…; biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thỏa hiệp, dung túng, bao che, không xử lý theo thẩm quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cấp có thẩm quyền xử lý. Hành vi chạy chức, chạy quyền đã bổ sung thêm các biểu hiện mới là “chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, thăng quân hàm…, nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện có được chức vụ, quyền lợi. Quy định cũng giúp chúng ta nhận diện thêm một số hành vi tiêu cực như: “Làm giả, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu để được xem xét thực hiện quy trình về công tác cán bộ”; “Báo cáo lập hồ sơ kê khai lý lịch đảng viên, lý lịch cán bộ không đầy đủ, không trung thực”...
Về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị được bổ sung, sửa đổi theo hướng tăng cường phòng ngừa, kiểm soát việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo; của thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo; của người đứng đầu; của cán bộ tham mưu và của chính bản thân nhân sự.
Đặc biệt, Quy định số 114 yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan bao gồm: Thành viên trong cùng BTV cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị; người đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, tòa án và viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương... Thực chất, Quy định đã khoanh vùng, “chỉ tên” những nhóm ngành nghề “nhạy cảm”, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực để chủ động, phòng ngừa và tránh hình thành những “gia đình trị” trong hệ thống chính trị hiện nay.
Nếu Quy định số 205 còn chưa quy định rõ về trách nhiệm đối với tập thể, người đứng đầu thì Quy định số 114 đã làm được điều đó. Quy định chỉ ra việc sẽ xử lý trách nhiệm khi vi phạm kiểm soát quyền lực và có các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ với chế tài đủ tính răn đe, phù hợp với các quy định hiện hành của Đảng.
Xóa sổ căn bệnh “thân hữu hóa” trong công tác cán bộ
Với việc nhận diện rõ những biểu hiện như cấm cán bộ có hành vi dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình; hoặc để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu của công tác cán bộ…, Quy định số 114 đã xác định rõ đối tượng “chạy” và “được chạy” để xử lý.
Quy định hợp lòng dân
Quy định số 114-QĐ/TW “về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ” ra đời rất hợp với lòng dân, thể hiện rõ quyết tâm của Đảng đối với nhiệm vụ quan trọng này. Quy định có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường tính minh bạch và đáng tin cậy của công tác cán bộ. Vào những thời điểm quan trọng của Đảng, đất nước như: Sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng; lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ trong toàn hệ thống chính trị; chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIV, Quy định càng phát huy được tác dụng của nó.
Đồng chí Bùi Hoài Sơn
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
|
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, mặc dù Quy định số 205 đã đề cập việc không bổ nhiệm người trong gia đình nhưng kết quả phòng, chống căn bệnh “con ông, cháu cha”, “gia đình trị” trong công tác cán bộ còn khá khiêm tốn. Báo cáo sơ kết Quy định số 205 cho thấy các cấp ủy, tổ chức đảng trong cả nước mới phát hiện được khoảng 50 trường hợp bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh (Thanh Hóa phát hiện 28 trường hợp; Hà Giang phát hiện 4 trường hợp bố trí người thân tại Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ tỉnh; Vĩnh Long bố trí 2 anh em ruột làm Bí thư Tỉnh ủy và Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, tuy nhiên sau Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã thực hiện bố trí lại).
Tuy nhiên, Quy định số 114 đã thể hiện thái độ nghiêm khắc hơn với các biểu hiện ưu ái “nhất hậu duệ” trong công tác cán bộ, khi quy định rõ ràng về khái niệm “người có quan hệ gia đình”, đó là vợ (chồng); bố, mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng hoặc bố, mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng vợ (chồng); con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; anh, chị, em ruột…
Quy định số 114 yêu cầu đề cao tính gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy trong xem xét, bố trí người có quan hệ gia đình, thân quen vào vị trí người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc; giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý khác. Đây là điều được Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đặc biệt nhấn mạnh: “Quy định số 114 là một quy định khó vì liên quan đến con người, động chạm đến tâm tư, tình cảm, mong muốn của cán bộ. Mong muốn người nhà, người thân trong gia đình trưởng thành, phát triển là nguyện vọng chính đáng. Nhưng khi mình là người đứng đầu, người lãnh đạo, quản lý thì phải gương mẫu, công tâm, khách quan, tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng để quyết định của mình phải được cơ quan, cán bộ, đảng viên, xã hội tâm phục, khẩu phục. Gương mẫu, tự giác là điều quan trọng để mình thực hiện nghiêm, bảo đảm đúng nguyên tắc, quy định của Đảng. Người có vị trí càng cao thì càng phải gương mẫu”.
Những năm gần đây, hiện tượng “công quyền gia trưởng”, bổ nhiệm “thần tốc”, thậm chí vượt cấp các cán bộ là con cháu lãnh đạo vào những vị trí “ngon”, nhiều lợi ích, nhạy cảm mặc dù có giảm nhưng vẫn không phải là chuyện hiếm. Nhiều cán bộ tận dụng quyền lực trong tay, lẫn lộn lợi ích công, tư, bất chấp những dị nghị, nghi hoặc của dư luận để bổ nhiệm cánh hẩu, kéo bè, tạo phái trong cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức. Đây là nguy cơ lớn, tạo nên bất công và thiếu minh bạch trong hệ thống chính trị, là mầm mống của tham nhũng, tiêu cực.
Theo đồng chí Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương: Thực tiễn nhiều nơi cho thấy, việc bổ nhiệm người nhà, người thân đúng quy trình nhưng không đúng người, đúng việc gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Điều này bắt nguồn từ lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình, lợi ích dòng họ, lợi ích nhóm… Quy định số 114 góp phần hạn chế hình thành những “gia tộc quyền lực”, xóa bỏ “nhóm lợi ích gia đình”, xóa bỏ tình trạng “nhất hậu duệ” trong công tác cán bộ…, nhằm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Quy định số 114 tiếp tục khẳng định quan điểm trọng dụng nhân tài của Đảng ta trong công tác cán bộ khi quy định trong trường hợp không có phương án nhân sự đáp ứng yêu cầu mà nhân sự là người có quan hệ gia đình được tín nhiệm cao thì phải báo cáo và được sự đồng ý của cấp ủy cấp trên trực tiếp trước khi bố trí. Đây chính là cách để nhân tài không bị bỏ lọt.
Việc ban hành Quy định số 114 trong giai đoạn Đại hội XIII đã đi được nửa nhiệm kỳ là cơ sở quan trọng để Đảng đánh giá và lựa chọn “đúng”, “trúng” cán bộ, nhất là nhân sự cấp cao và người đứng đầu các cấp, không để những cán bộ kém phẩm chất, năng lực có cơ hội, điều kiện luồn sâu, leo cao vào bộ máy. Quy định số 114 về cơ bản đã “bịt” những kẽ hở trong cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, để Quy định này đi vào cuộc sống đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao của các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị. Đây chính là cách giúp Đảng ta lấy lại niềm tin của Nhân dân, của cán bộ, đảng viên vào sự lãnh đạo của Đảng, để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Kỳ 3: Đâu là thuốc đắng giã tật?
Quy định số 205, tiếp đó Quy định số 114 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ được ban hành là bước tiến quan trọng, giúp Đảng có thêm một công cụ hữu ích nhằm hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực “tận gốc” để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, Quy định này khi đi vào cuộc sống còn nhiều khó khăn, thử thách, đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao của toàn hệ thống chính trị cũng như cần có những giải pháp mang tính căn cốt, đột phá.
Thuốc nào chế ngự được lòng tham?
Quyền lực trong công tác cán bộ được định nghĩa là thẩm quyền của tổ chức, cá nhân trong các quy trình của công tác cán bộ. Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trên cương vị được giao. Đối tượng của kiểm soát quyền lực chính là các tổ chức và cá nhân khi thực thi quyền lực trong công tác cán bộ.
Thời gian qua, nhiều cán bộ cấp cao đã bị quyền lực làm cho “mờ mắt”, sa ngã trên cương vị mà họ phải nỗ lực phấn đấu, gây dựng trong thời gian dài. Họ từng là những cán bộ ưu tú của Đảng, được Đảng huấn luyện, đào tạo qua nhiều thử thách, khó khăn nhưng khi được Đảng giao sứ mệnh, trao cho chức quyền, họ lại bị chính thứ quyền lực được Nhân dân ủy quyền đó làm cho tha hóa. Nhiều người đặt câu hỏi việc cán bộ phải đứng trước vành móng ngựa, vào tù, lỗi đó do ai? Tại cơ chế, thể chế hay tại bản thân cán bộ? Cơ chế, thể chế ra đời là do con người, việc tự mình khống chế, kiểm soát quyền lực trong tay là do bản thân cán bộ. Tại sao cùng một cơ chế, vẫn có những tấm gương sáng ngời vì nước quên thân, vì dân phục vụ? Vậy nên, lỗi do cá nhân là chủ yếu, không nên chỉ đổ lỗi do cơ chế!
Cán bộ sa ngã bắt nguồn từ đâu? Xét về yếu tố chủ quan, quan niệm xa xưa về chức quyền đã tạo lập tâm lý “một người làm quan cả họ được nhờ”, tâm lý làng, xã, đồng hương, quen thân, dòng tộc, có việc gì dính dáng đến bản thân, gia đình là đi “nhờ vả”… đã ăn sâu trong tiềm thức nhiều người Việt Nam. Mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế với xu hướng tối đa hóa lợi nhuận bằng mọi giá đã làm “mờ mắt”, sa ngã con người trước sức ép của đồng tiền. Nhiều người đặt giá trị vật chất ở vị trí cao trong thang giá trị cuộc sống, chạy theo lợi ích vật chất dẫn đến sự lạm dụng địa vị, quyền lực đang đảm nhiệm để mưu cầu lợi ích cá nhân. Đồng thời, cơ chế “xin - cho” vẫn còn kẽ hở, chưa bị loại bỏ triệt để. Nhiều trường hợp vi phạm, khi xử lý chưa nghiêm, thiếu công bằng; thậm chí nhiều quy định, hướng dẫn chồng chéo, sai luật... Nhưng cơ bản nhất vẫn là chủ nghĩa cá nhân, lòng tham - “giặc ở trong lòng” mỗi cán bộ, đảng viên không được chế ngự, gột rửa.
Trong bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Trong đời sống chính trị, một khi quyền lực bị đồng tiền chi phối thì quyền lực của nhân dân sẽ bị lấn át”. “Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”.
Vậy làm thế nào để chế ngự được lòng tham trong cán bộ, đảng viên? Câu trả lời chỉ có thể xuất phát từ bản thân người cán bộ và song hành là giải pháp từ công tác giáo dục của Đảng. Muốn giữ được sự liêm chính của bản thân, ngoài việc kiểm soát cán bộ bằng cơ chế, chính sách thì bản thân họ phải tự kiểm soát bằng đạo đức, liêm sỉ của cá nhân, để sự liêm chính trở thành phản xạ như “cơm ăn, nước uống hằng ngày”. Muốn hình thành được thói quen, phản xạ đó, sâu xa hơn, mỗi con người phải được giáo dục ngay từ khi còn nhỏ trong gia đình, nhà trường, sau mới đến xã hội, “học thầy không tày học bạn”. Chúng ta phải học tập cách làm của Bác Hồ trong việc giáo dục cán bộ làm người, làm cán bộ.
Hơn 10 năm qua, chúng ta đã thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ “về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục - đào tạo, từ năm học 2013-2014” và Quyết định số 137/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “phê duyệt Đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng” để thúc đẩy, xây dựng văn hóa liêm chính trong Nhà nước. Đến nay, việc thí điểm đã được triển khai diện rộng trên khắp cả nước, tuy nhiên Đề án vẫn còn nhiều vấn đề khiến nhiều chuyên gia phải lên tiếng, bàn luận. Vẫn cần sự đổi mới thực chất hơn trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng về nội dung và hình thức, trong đó phải đề cao danh dự, lòng tự trọng, hình thành văn hóa cạnh tranh lành mạnh trong bố trí, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và lên án mạnh mẽ việc chạy chức, chạy quyền. Đề cao ý thức trách nhiệm của cá nhân; coi việc thực hiện khách quan, công tâm là lương tâm, nhân phẩm, lòng tự trọng của người có thẩm quyền trong công tác cán bộ.
Đảng ta luôn chú trọng công tác giáo dục, coi đó là quốc sách hàng đầu. Trong những nhiệm kỳ gần đây, công tác giáo dục chính trị tư tưởng của Đảng được đặc biệt chú trọng, nhất là việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần “mọi nơi, mọi lúc, mọi người cùng làm, lấy xây là nhiệm vụ chiến lược, cơ bản, lâu dài, lấy chống là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và cấp bách” gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW và Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị; Quy định số 08-QĐ/TW của BCH Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên… Tuy nhiên, theo nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Đào Duy Quát, công tác cán bộ mà không gắn với công tác tư tưởng sẽ là một cách làm sai lầm. Theo đồng chí, 4 nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng về tư tưởng được nêu tại Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ Đại hội XIII là toàn diện, song việc giáo dục muốn có sức thuyết phục vẫn phụ thuộc nhiều vào sự nêu gương của người cán bộ lãnh đạo, quán lý, nhất là người đứng đầu. Cán bộ lãnh đạo sẽ tác động trực tiếp đến cán bộ cấp dưới.
Để Quy định số 114 đi vào cuộc sống là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt phải lưu ý đến trách nhiệm của người đứng đầu, một trong những chủ thể của quyền lực. Phải cụ thể hóa vai trò, thẩm quyền của người đứng đầu trong từng khâu của công tác cán bộ. Phải nêu rõ trách nhiệm của họ khi để xảy ra vi phạm, đề cao sự nêu gương của người đứng đầu trong công tác này. Trước mắt, Bộ Chính trị giao Ban Tổ chức Trung ương khẩn trương tham mưu Quy định về thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cán bộ, đặc biệt thí điểm chủ trương người đứng đầu lựa chọn giới thiệu cán bộ thuộc quy hoạch để thực hiện quy trình bổ nhiệm cấp phó.
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”
Thực tế thời gian qua cho thấy, tham nhũng, tiêu cực về cơ bản vẫn chưa được kiểm soát. Vẫn xảy ra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân. Một phần nguyên nhân được chỉ ra xuất phát từ chế tài, sức răn đe của pháp luật chưa đủ mạnh để cảnh tỉnh cán bộ trước những cám dỗ của quyền lực và tiền bạc như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng cảnh báo: “Những kẻ nhúng chàm hãy dừng tay và tự mình gột rửa”. Cần có những biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi lạm dụng, lợi dụng, tha hóa quyền lực, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ.
Bày tỏ ý kiến về vấn đề này, PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan đảng Trung ương nêu dẫn chứng về tình trạng “nhẹ trên, nặng dưới” trong xử lý vi phạm tham nhũng, tiêu cực. Đó là chuyện một hiệu trưởng làm thất thoát ngân sách nhà nước gần 50 triệu đồng, phải chịu mức án từ 5 đến 6 năm tù, còn quan chức làm thất thoát ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng cũng chỉ chịu mức án tương đương. Điều này chưa đủ sức răn đe để cán bộ không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng.
Thời gian qua, quy định về kê khai, xác minh sự biến động tài sản và xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm đã được thực hiện từng bước. Tuy nhiên, việc kê khai tài sản dường như vẫn chỉ là một lời nhắc nhở đối với cán bộ, đảng viên, nhiều nơi thực hiện còn mang tính hình thức; cơ cấu, chế tài xử lý cán bộ, đảng viên thiếu trung thực còn chưa quyết liệt, mạnh mẽ. Trong khi đây có thể coi là một trong những biện pháp hữu hiệu để kiểm soát quyền lực của cán bộ, đảng viên và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thực chất, việc “mua ghế”, chạy chọt chỉ có thể biểu hiện, quy đổi ra giá trị vật chất mà ở đây chính là tài sản. Thời gian qua, một số tỉnh, thành, khối, ngành, cơ quan thực hiện bốc thăm ngẫu nhiên các cán bộ để thực hiện kê khai tài sản được coi là một cách làm đổi mới. Tuy nhiên, đối tượng bốc thăm cần phải được mở rộng, làm sâu rộng, thực chất để một số cá nhân không tìm lý do “bán chổi đót, nuôi lợn” để xây biệt phủ hàng chục, hàng trăm tỷ và viện cớ lý giải cho số tài sản giàu có mà họ đang sở hữu.
Sự việc Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị kỷ luật cách hết các chức vụ trong Đảng là bài học sâu sắc về vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Theo Kết luận của Bộ Chính trị, ông Thọ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập. Ông Thọ đã không thể giải trình nguồn gốc và sự biến động tài sản của mình. Sai phạm này “mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm”, đến khi ông Thọ là Ủy viên Trung ương Đảng mới bị phanh phui, thể hiện những lỗ hổng trong công tác kiểm soát quyền lực của Đảng ta. Tới đây, khối tài sản không trung thực, thiếu minh bạch này sẽ được cơ quan chức năng làm rõ nhưng dư luận vẫn đang đặt câu hỏi: Tại sao bao lâu nay khối tài sản của ông Thọ không bị phanh phui và liệu ông Thọ có dùng tài sản này để “mua ghế” không? Tài sản này có đến từ việc tham nhũng hay không?
Quy định số 114 được bổ sung, sửa đổi theo hướng tăng cường phòng ngừa, kiểm soát việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ... Sau khi Quy định số 114 được ban hành, hầu hết các cấp đã triển khai quán triệt sâu rộng và tiến hành rà soát cụ thể việc bố trí người có quan hệ gia đình. Theo đó, đã phát hiện trường hợp Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La và Giám đốc Sở Công thương tỉnh có quan hệ vợ chồng. Ngay sau đó, BTV Tỉnh ủy đã báo cáo kịp thời về Ban Tổ chức Trung ương và tiến hành điều chuyển Giám đốc Sở Công thương tỉnh giữ chức Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh. Ngoài ra tại Hưng Yên cũng phát hiện 12 trường hợp bổ nhiệm người có quan hệ gia đình vào các chức danh liên quan và đang tiến hành xử lý theo quy định.
Để làm tốt khâu kiểm soát quyền lực, ngay từ khâu lựa chọn cán bộ phải tốt. Người làm công tác tổ chức - cán bộ phải lựa chọn cán bộ đúng, trúng để không xảy ra tình trạng “đúng quy trình, nhưng không đúng người, đúng việc”, kiên quyết không để lọt người có hành vi chạy chức, chạy quyền vào các chức danh lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp, nhưng cũng không bỏ lọt người tài cho đất nước. Để góp phần kiểm soát quyền lực từ gốc trong công tác cán bộ, phải xuất phát từ việc lựa chọn cán bộ cho Đảng. Hiền tài là nguyên khí quốc gia, lựa chọn và bố trí được cán bộ có đức, có tài là việc khó, là sự nghiệp của cả đất nước, dân tộc. Lâu nay, chúng ta nặng tìm cơ chế, giải pháp để thu hút nhân tài cho đất nước mà coi nhẹ cơ chế tiến cử người tài.
Dân là những “tế bào gốc”
Công tác kiểm soát quyền lực của cán bộ còn có kẽ hở bắt nguồn từ công tác kiểm tra, giám sát chưa thật sự phát huy hiệu quả, trong đó chưa có sự tham gia, giám sát thực chất, trực tiếp của người dân. Việc trao quyền chưa đi đôi với kiểm tra, giám sát, quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc thực thi quyền lực. Vùng cấm trong đấu tranh vẫn còn, càng lên cấp cao thì việc kiểm tra, giám sát càng gặp khó khăn.
Theo đồng chí Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa - xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), thời gian qua việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ còn gặp nhiều khó khăn do chúng ta chưa giám sát quyền lực đến nơi đến chốn, trong đó yêu cầu quan trọng nhất là sự giám sát của nhân dân. Hầu hết những vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn đều bị phanh phui dưới sự giám sát của nhân dân, qua báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng chứ không phải là từ các cơ quan chuyên môn trong hệ thống chính trị.
Quy định số 114 đã đề cập việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát, phản ánh thông tin của Nhân dân. Theo đó, cần đặt ra yêu cầu đối với vai trò, trách nhiệm của mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông và Nhân dân trong kiểm soát quyền lực, tuy nhiên nội dung này chưa được đề cập một cách sâu sắc, cụ thể, chưa có hình thức kiểm tra, giám sát thực chất, hiệu quả.
Phải đặt ra yêu cầu về mở rộng, phát huy dân chủ trong Đảng, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, chống dân chủ hình thức, chống độc đoán, chuyên quyền; bảo đảm công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình trong công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ. Bổ sung, hoàn thiện và thực hiện nghiêm quy chế phản biện, chất vấn, giải trình và giám sát việc thực hiện công tác cán bộ. Phải tổng kết quy chế giám sát và phản biện xã hội, mở rộng phạm vi, thẩm quyền của mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội để tăng cường giám sát quyền lực của các cơ quan đảng và nhà nước một cách thực chất, hiệu quả.
Đảng ta luôn quan niệm công tác cán bộ là của tập thể, quyền quyết định thuộc về tập thể chứ không phải là công việc của một vài người hay của bất kỳ một cá nhân nào. Thực tế, chủ nghĩa cá nhân vẫn nở rộ, tình trạng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, việc lạm dụng, lợi dụng quyền lực vẫn phổ biến tại nhiều nơi, việc chạy chức, chạy quyền vẫn diễn ra, thậm chí dưới vỏ bọc tinh vi hơn, xảo quyệt hơn làm dư luận rất bức xúc, nội bộ mất đoàn kết.
“Nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” phải được bảo đảm bằng việc các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp phân công quyền lực rõ ràng, rành mạch và không chịu sự lệ thuộc lẫn nhau ngoài khuôn khổ luật định. Theo đó, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới là cơ sở để kiểm soát quyền lực. Hiến pháp năm 2013 cũng như tất cả các bản Hiến pháp trước đây của nước ta đều khẳng định quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân là nguyên tắc bất biến. Nguyên tắc này tự nó đã nói lên vai trò của Nhân dân trong kiểm soát quyền lực Nhà nước. Theo đó, cơ chế công khai, dân chủ là điều cần được nhấn mạnh. Các khâu trong công tác cán bộ phải được thực hiện công khai, minh bạch và giải trình theo quy định. Mở rộng hơn nữa đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm trước, trong và sau khi được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử. Đặc biệt, coi trọng và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ.
Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, để hình thành một cơ chế kiểm soát quyền lực toàn diện, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp sau: Cơ chế công khai, minh bạch; cơ chế phát huy dân chủ; cơ chế cạnh tranh lành mạnh; cơ chế kiểm soát xung đột lợi ích; cơ chế báo cáo, giải trình; cơ chế kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, giám sát; cơ chế truy cứu trách nhiệm và xử lý kỷ luật... Việc thiết kế đồng bộ các cơ chế nhằm kiểm soát chặt chẽ quyền lực là tiền đề quan trọng để tổ chức bộ máy và công tác cán bộ của Đảng vận hành tốt hơn, đồng thời đây cũng là biện pháp hữu hiệu góp phần nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, là phương thức quan trọng nhằm phát huy sức mạnh của toàn dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Đảng.
Đỗ Thị Ngọc Anh - Trần Thị Ngọc Thảo
Tạp chí Xây dựng Đảng