Tác phẩm đoạt giải

Đảng viên hưu trí, ý chí ở đâu?

LTS: Đảng viên hưu trí là lực lượng rất quan trọng, nòng cốt, chiếm số đông, có uy tín và kinh nghiệm ở khu dân cư. Phải khẳng định rằng, đa số cán bộ, đảng viên khi nghỉ hưu về nơi cư trú vẫn giữ trọn lời thề như khi tuyên thệ trước cờ Đảng. Tuy nhiên, thật đáng tiếc, vẫn còn một bộ phận không nhỏ đảng viên nghỉ hưu đã dần phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, vai trò tiên phong, quên đi lời hứa danh dự của mình là “suốt đời phấn đấu, hy sinh cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng”.

 

Bài 1: Thắm tình đồng chí, đẹp nghĩa xóm làng

 

Nhiều cán bộ, đảng viên tuy đã “hưu” nhưng với “trí” sáng, “tâm” trong vẫn nhiệt huyết đóng góp xây dựng quê hương, xây dựng Đảng. Tiếng nói của các đảng viên cao tuổi ở cộng đồng dân cư có sức thuyết phục không kém khi các đồng chí còn đang công tác. Đây là điều rất đáng trân trọng.

Vẫn hăng hái đi đầu

Công tác tại Quân đoàn 2, nghỉ hưu năm 2009, Đại tá Nguyễn Thanh Xuân về sinh sống cùng gia đình tại số nhà 167, đường Huyền Quang, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang). Nay ở tuổi 68, ông hiện làm Chủ tịch Hội doanh nhân cựu chiến binh (CCB) tỉnh, Chủ tịch Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh. Ông bảo, ngần ấy “chức vụ”, bận rộn nhưng mà vui lắm. Trong 3 tổ chức hội này, ông dành nhiều tâm huyết cho Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh.

Thành lập năm 2017 quy tụ hơn 80 hội viên đều là những CCB từng vào sinh ra tử nơi chiến trường, nhiều người nguyên là trưởng ngành cấp tỉnh, lãnh đạo cấp huyện hoạt động trên nguyên tắc 4 tự: “Tự nguyện, tự quản, tự chi, tự hạch toán”. Mỗi chuyến đi hỗ trợ, từng hội viên trích tiền lương ủng hộ, người 300 nghìn đồng, người 500 nghìn đồng, người 1 triệu đồng... “Nghĩ đến những đồng đội đã hy sinh hay mất một phần thân thể để bảo vệ Tổ quốc, tôi thấy sự lành lặn trở về của mình thật may mắn. Vì vậy, tôi coi sự tri ân đồng đội là trách nhiệm của mình. Mỗi chuyến đi, tôi thấy lòng mình thanh thản”, ông Xuân tâm sự.

Năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Cộng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND, nguyên Trưởng Công an xã Tuấn Đạo (Sơn Động) đã có sáng kiến quy tụ gần 50 anh em cựu công an của xã rồi đề xuất thành lập mô hình “Cựu Công an xã tham gia bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) và phòng, chống thiên tai, dịch bệnh” do ông làm Trưởng ban điều hành. Đi vào hoạt động từ tháng 7/2021, tất cả cựu công an xã ở đây đều tham gia làm việc với tinh thần tự nguyện, không có chế độ.

Như được trở lại những năm tháng còn công tác, nhiều đồng chí nay tuổi đã cao vẫn “miệng nói, tay làm”. Từ xã Tuấn Đạo, đến nay 17/17 xã thuộc huyện Sơn Động đều thành lập mô hình này và nhân rộng ở các huyện trong tỉnh.

Đại tá Trần Quý Trường, Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (Bộ Công an) đánh giá: “Đây là cách làm hay, không chỉ góp phần bảo đảm ANTT ở cơ sở mà còn khẳng định, phát huy năng lực, sở trường của các đồng chí đã có nhiều năm công tác trong lực lượng công an xã. Họ là những đảng viên, những cựu công an có uy tín, trách nhiệm, khơi dậy được tinh thần đoàn kết, lòng tự hào, giúp nhau xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương”. Được biết mô hình này đã được Bộ Công an phổ biến để các tỉnh, thành phố trên cả nước tham khảo.

Cựu tù Phú Quốc vẽ chân dung Bác Hồ và cờ Đảng bằng máu

CCB Nguyễn Thế Nghĩa ở số nhà 138, đường Thánh Thiên, phường Lê Lợi (TP. Bắc Giang) kể: Cuộc đời tôi có nhiều cái đặc biệt, đặc biệt ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời. Tôi sinh ngày 2/9/1945. Vì không đủ cân, lại là con độc trong gia đình có cha là liệt sĩ nên tôi không được đi bộ đội. Khi lòng đã quyết, tôi đã cắn vào ngón tay mình lấy máu viết đơn tình nguyện. Vào bộ đội, ông được kết nạp Đảng cũng thuộc diện đặc biệt.

Ông Nguyễn Thế Nghĩa (bên trái) kể về lá cờ Đảng và tấm ảnh chân dung Bác Hồ vẽ bằng máu.
Ông Nguyễn Thế Nghĩa (bên trái) kể về lá cờ Đảng và tấm ảnh chân dung Bác Hồ vẽ bằng máu.


 

Trước đó một ngày, đồng chí bí thư cho biết dịp này chi bộ kết nạp 3 đồng chí và sẽ thử thách trong trận đánh đêm nay. Bám thắt lưng địch mà đánh, tôi lúc đó đặt quyết tâm lắm. 2 giờ sáng tôi nói với đồng chí bí thư: “Anh ạ, nguyện vọng của em là được vào Đảng, đây là ước mơ từ thời thanh niên của em, anh tạo điều kiện cho em chiến đấu trận này nhé”.

Thấy được sự quyết tâm của tôi, đồng chí bí thư động viên: “Được, tôi tin đồng chí. Đêm nay, dù còn hay mất thì đồng chí cũng đã là đảng viên rồi”. Lúc này tôi đưa tay lên ngực trái, nơi có trái tim đang hừng hực khí thế nói: “Trái tim em đang đập rất mạnh. Địch ở phía trước rồi, em ngắm và bóp cò nhé”. “Cháy rồi Nghĩa ơi”- đồng chí bí thư hô to.

Tôi lắp quả đạn thứ hai tiếp tục bắn xé nòng về phía địch. Bắn xong quay mặt lại, đồng chí bí thư ôm chặt tôi hô: “Mày giơ tay lên thề đi Nghĩa ơi. Kể từ giờ phút này, đồng chí Nghĩa đã được kết nạp vào Đảng”. Nghe đồng chí bí thư nói vậy, tôi giơ tay: “Tôi - Nguyễn Thế Nghĩa, nguyện một lòng theo Đảng, thề chiến đấu đến giọt máu cuối cùng”. Hôm đó là ngày 15-8-1968.

Năm 1969, ông Nghĩa bị bắt, địch kết án tử hình rồi đày ông ra nhà tù Phú Quốc. Ngày 2-9 năm đó, tại nhà tù Phú Quốc diễn ra lễ kết nạp Đảng rất đặc biệt ngay sau khi nghe tin Bác Hồ mất, ông Nghĩa được giao chuẩn bị lá cờ Đảng cho buổi kết nạp. Trong tù lấy đâu ra màu đỏ, vậy là ông đưa tay quẹt vào tấm tôn cánh cửa cho máu ứa ra rồi nhờ giám thị băng gạc, các anh em trong chi bộ cũng cắn chảy máu tay nhỏ vào miếng gạc để tạo hình lá cờ Đảng.

Để có màu vàng vẽ búa liềm, ông tán viên thuốc chống phù nề của tù binh rắc lên. Khi lá cờ Đảng hoàn thành, ai cũng xúc động. “Còn gì vui sướng bằng màu đỏ của mình và anh em hòa quyện vào nhau”- ông thốt lên. Có cờ Đảng rồi, giờ có thêm ảnh Bác nữa sẽ rất trang trọng. Ông Nghĩa cắn giập một đầu tăm và chấm vào vết máu rồi vẽ chân dung Bác trên một tờ giấy.

Nghỉ hưu ở địa phương, ông Nghĩa tiếp tục sống một cuộc đời ý nghĩa đúng với những gì đã thề. Hằng ngày ông miệt mài với công việc của người thợ sửa giày da; gia đình liên tục đạt danh hiệu văn hóa. Mỗi năm vài lần ông đi nói chuyện truyền thống cho thế hệ trẻ, đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, tích cực tham gia các hoạt động ở tổ dân phố.

Trọn vẹn niềm tin yêu

Từng là Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, ông Nguyễn Văn Sỹ (SN 1937) ở tổ dân phố 2B, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) có hơn 60 năm tuổi Đảng. Tuy được miễn sinh hoạt nhưng ông vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ của người đảng viên. Để tiện theo dõi tin tức, ông mua một chiếc đài nhỏ mang bên mình. Từ việc đọc báo, nghe đài, xem truyền hình, ông cập nhật nhanh tình hình.

Hiểu rộng, biết nhiều, ông được cấp ủy, chính quyền, MTTQ mời tham gia góp ý vào các dự thảo nghị quyết đại hội Đảng. Ông thuộc diện được cấp Báo Bắc Giang theo quy định của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Thông thường, người đưa thư báo cứ phải vào trong nhà nên ít nhiều phiền toái cho họ. Ông nghĩ ra cách đóng một hộp báo treo ở ngoài cánh cổng, hằng ngày người đưa thư báo chỉ việc để vào đó. Đọc báo xong ông ghi chép vấn đề quan tâm vào cuốn sổ tay, khi cần đưa ra chi bộ tham góp. Ông nghĩ những việc làm nho nhỏ ấy cũng là thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên.

Là giáo viên trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp (Bộ Công Thương) nghỉ hưu năm 2020 tại quê nhà - thôn Nội Hạc, xã Việt Lập (Tân Yên), khi địa phương phát động phong trào xây dựng NTM kiểu mẫu, đảng viên Nguyễn Đức Huệ (SN 1958) tự nguyện chăm sóc làm đẹp khuôn viên Trung tâm văn hóa của thôn, ủng hộ 20 cây cảnh trị giá hơn chục triệu đồng.

Ông còn vận động nhân dân làm đường điện chiếu sáng; cùng cấp ủy, ban lãnh đạo thôn vận động 41 hộ dân hiến 3.000 m2 đất mở rộng đường giao thông và xây dựng tuyến đường kiểu mẫu. Ông tâm sự: “Khi còn công tác trên tỉnh, tôi ít có dịp về quê hương. Nay về nghỉ hưu khi quê nhà đang xây dựng NTM, tôi nhận thấy mình phải có trách nhiệm, sống sao cho xứng đáng với lời thề của người đảng viên”.

Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc, những việc làm của các đảng viên hưu trí đã góp phần làm tình đồng chí, đồng đội thêm gắn bó, nghĩa xóm, tình làng thêm bền chặt.

 

Bài 2: Phải chăng nghỉ hưu là hoàn thành nhiệm vụ?

 

Trong khi nhiều đảng viên hưu trí thể hiện rõ trách nhiệm trước Đảng, trước dân thì vẫn còn không ít người quan niệm đã nghỉ hưu là hoàn thành nhiệm vụ, phải nghỉ ngơi, “xả hơi” nên không cần thiết phải sinh hoạt Đảng, nếu có chỉ cần “đánh trống ghi tên” là xong. Thực chất đây là biểu hiện của sự thoái thác trách nhiệm, mất ý chí phấn đấu, tự đánh mất vai trò của người đảng viên cộng sản.

Ngại sinh hoạt Đảng

“Có nhiều thời gian, không vướng bận công việc cơ quan nữa, những tưởng khi về với đời thường các đồng chí ấy sẽ gắn bó với cơ sở, với các phong trào của địa phương. Thế nhưng không ít người lại đánh mất vai trò tiên phong của người đảng viên, phai nhạt lý tưởng, thậm chí có những phát ngôn, phát biểu thiếu tinh thần xây dựng”. Đó là giãi bày của một số đảng viên cao tuổi khi gặp gỡ, trò chuyện với chúng tôi.

Biểu hiện rõ nhất là nhiều đảng viên “lách khe” của Điều lệ Đảng để làm đơn xin miễn, nghỉ sinh hoạt. Theo Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, toàn tỉnh hiện có hơn 18.400 đảng viên là cán bộ hưu, trong số này xin miễn công tác và sinh hoạt là gần 11.000 đảng viên (chiếm gần 60% số đảng viên hưu trí). Tại TP Bắc Giang, đảng viên miễn sinh hoạt do tuổi cao, sức khỏe yếu là 2.101 đồng chí, chiếm 21,3% so với tổng số đảng viên của toàn Đảng bộ thành phố.

Điều 7 Điều lệ Đảng nêu: “Đảng viên tuổi cao, sức yếu, tự nguyện xin giảm, miễn công tác và sinh hoạt đảng do chi bộ xem xét, quyết định”. Thực tế có nhiều người sức “chưa yếu” nhưng vẫn xin cơ quan y tế “chứng nhận sức khoẻ yếu” để được miễn sinh hoạt Đảng. Lại có những đảng viên hưu khỏe mạnh, đi làm ngay trên địa bàn dân cư nhưng vẫn nói rằng đang đi làm xa lấy cớ để vắng sinh hoạt. Đồng chí Lại Ngọc Vinh, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Tiền Giang, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) băn khoăn: “Hầu hết đảng viên chi bộ khu phố là cán bộ hưu trí, mà hưu trí thì hết tuổi lao động. Vậy nếu cứ viện cớ hết tuổi lao động, tuổi cao mà miễn sinh hoạt thì miễn hết cả sao?”.

Thực ra, tuổi cao phải kèm với sức yếu (mắc bệnh phải chữa bệnh dài ngày, từ 3 tháng trở lên) và làm đơn hoặc trực tiếp báo cáo để chi bộ xem xét quyết định. Như vậy đảng viên miễn sinh hoạt Đảng phải có 2 điều kiện: Tuổi cao sức yếu; tự làm đơn và được chi bộ đồng ý, báo cáo cấp trên. Hai điều kiện trên là cần và đủ, thiếu một không được. Được biết, Chi bộ tổ dân phố Tiền Giang có 57 đảng viên trong đó miễn sinh hoạt 23 đồng chí.

Đồng chí Đặng Xuân Điệp, 55 năm tuổi Đảng, nguyên Bí thư Chi bộ tổ dân phố 2B, phường Trần Nguyên Hãn (TP. Bắc Giang) nêu ý kiến: “Đội ngũ cán bộ, đảng viên hưu trí được kỳ vọng là lực lượng quan trọng, nòng cốt ở các chi bộ, đảng bộ khu dân cư, khu phố. Thế nhưng nhiều đảng viên hợp pháp hóa việc không phải sinh hoạt bằng giấy khám sức khỏe. Đây chính là thể hiện sự giảm lòng tin, không thiết tha sinh hoạt Đảng; là biểu hiện suy thoái về tư tưởng, một kẽ hở mà bộ phận đảng viên đó tìm cơ hội để trốn tránh trách nhiệm của mình”.

Trong một lần chuyện trò bên bàn trà, ông Điệp khéo léo gợi chuyện: “Pháp luật quy định tuổi nghỉ hưu cho người lao động chứ đâu có quy định tuổi nghỉ hưu cho đảng viên mà sao nhiều bác xin nghỉ thế. Mọi quy định của Đảng không đề cập đến tuổi nghỉ hưu của đảng viên, nên khi còn sức khỏe, đảng viên còn cống hiến”. Theo ông, sinh hoạt chi bộ chưa biết chất lượng ra sao nhưng với số lượng đảng viên giảm, thưa vắng đã phần nào làm ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ.

Thoái thác nhiệm vụ

Đảng viên không thực hiện thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng, cư trú một nơi, nhưng khi về hưu lại xin chuyển hồ sơ sinh hoạt đảng về nơi khác là thực trạng đang diễn ra. Phổ biến nhất là cư trú, sinh sống lâu dài ở thành phố, đô thị nhưng lại xin chuyển sinh hoạt đảng về nông thôn, về chi bộ doanh nghiệp, thậm chí chuyển về nhưng cũng không tham gia sinh hoạt, chỉ “đánh trống ghi tên”. Không ít trường hợp nghỉ hưu vài năm rồi nhưng vẫn nói rằng đang sinh hoạt Đảng chi bộ ở quê, ở doanh nghiệp...

Quy định số 24-QĐ/TW ngày 30-7-2021 của BCH Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng nêu: “Đảng viên được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển công tác sang đơn vị mới, được nghỉ hưu, nghỉ mất sức, thôi việc, phục viên hoặc thay đổi nơi cư trú lâu dài thì trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày quyết định có hiệu lực hoặc thay đổi nơi cư trú phải làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng chính thức. Đồng thời, trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày giới thiệu chuyển đi, đảng viên phải xuất trình giấy giới thiệu sinh hoạt đảng với chi ủy nơi chuyển đến để được sinh hoạt Đảng. Nếu quá thời hạn trên, đảng viên hoặc tổ chức đảng vi phạm phải báo cáo lý do cụ thể để cấp ủy có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định”.

Quy định là như vậy, nhưng có không ít đảng viên kê khai không trung thực giữa nơi sinh hoạt Đảng và nơi cư trú để “trốn” sinh hoạt và thoái thác nhiệm vụ. Một đồng chí bí thư chi bộ ở TP Bắc Giang thông tin có đảng viên về hưu sinh sống ở địa bàn nhưng không chuyển sinh hoạt Đảng về phường. Khi cấp ủy nơi cư trú có ý kiến thì được trả lời là “đã chuyển sinh hoạt Đảng về quê”.

Biết là đảng viên này báo cáo không trung thực, đồng chí bí thư chi bộ xác minh, làm rõ đảng viên này vẫn cư trú ở tổ dân phố, sáng sáng vẫn đi thể dục, vẫn sinh hoạt hằng ngày và lĩnh lương hằng tháng ở phường, đồng chí bí thư đã gặp gỡ riêng và nhắc nhở.

Đồng chí này đã xin lỗi và rút kinh nghiệm, sau đó trở thành đảng viên tích cực của chi bộ. Đối chiếu với Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) thì rõ ràng việc đảng viên hưu trí không chuyển sinh hoạt Đảng, bỏ sinh hoạt là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, gây ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đến uy tín của cá nhân đảng viên mà còn ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng thậm chí cả cơ quan, đơn vị nơi trước kia đồng chí đó công tác.

Đảng viên về hưu luôn được khuyến khích làm bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, trưởng ban công tác mặt trận… Thế nhưng không ít đảng viên nghỉ hưu không chỉ ngại tham gia sinh hoạt Đảng mà còn ngại tham gia các công việc chung của địa phương nơi cư trú, giao nhiệm vụ nhưng không nhận, thoái thác, từ chối. Ai cũng đưa ra nhiều lý do như sức khỏe yếu, bận trông cháu, chăm sóc bố mẹ già thậm chí là con cháu không muốn ông bà tham gia...

Có người vừa nhận quyết định nghỉ hưu hôm trước, hôm sau đã “rào trước, đón sau” với bí thư chi bộ: “Có khi em làm đơn xin miễn sinh hoạt Đảng”. Nghe vậy đồng chí bí thư ngỡ ngàng: “Ấy chết, sao lại thế được, khi đương chức chú đứng trên bục nói như chuông cơ mà”. Có một thực trạng chung ở nhiều chi bộ là cứ đến độ chuẩn bị đại hội lại phải “Đốt đuốc tìm nhân sự”.

Các đoàn thể cũng vậy, chọn lựa người đảm đương công việc cũng vô cùng khó khăn. Khó khăn là bởi, có những đảng viên lắm nỗi vân vi. Rằng, chuyện muôn thuở “ôm rơm rặm bụng”. Rằng, thời còn công tác, đi đâu, làm gì cũng có người “bẩm báo”, thậm chí xe đưa xe đón, nay về làm “thường dân” nếu làm trong các tổ chức ở cấp dưới cơ sở, mình lại phải “báo cáo ngược” thì không còn “oai” nữa, cho nên tìm cách né tránh.

Thật ra “chỉ cần mỗi đảng viên hưu nêu cao trách nhiệm, tinh thần vì Đảng, vì nhân dân, vì các phong trào chung ở khu dân cư, đảm nhận nhiệm vụ một khóa thôi cũng có nguồn cán bộ rất dồi dào, không phải đốt đuốc tìm nhân sự” - nhiều đồng chí cán bộ cơ sở khẳng định thế.

 

Bài 3: Nói và làm không nhất quán...

 

Đảng viên phải nói và làm theo nghị quyết của Đảng, nói đúng sự thật. Thế nhưng đó đây vẫn có những cán bộ khi nghỉ hưu đã có lời nói, việc làm thiếu chuẩn mực, không nhất quán, thậm chí khác thường so với lúc còn công tác.

Phát ngôn sai lệch

Cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ có chức, có quyền về hưu thì trong mắt người dân, họ không chỉ là một công dân bình thường mà vẫn là “người Nhà nước”, là nguyên, là cựu cán bộ, là hình ảnh liên quan đến cơ quan, tổ chức hay lực lượng mà họ đã từng công tác. Nghỉ hưu không có nghĩa là đặt dấu chấm hết với quá khứ công vụ của mình. Vì vậy, những biểu hiện nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã có ít nhiều tác động đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song, đã là người hiểu biết, đã tình nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là người cách mạng thì cần phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu. Vì tính xấu của một người bình thường chỉ có hại cho người đó; còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ, sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân”.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đã chỉ ra 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; trong đó biểu hiện thứ 6 là: “Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu”.

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này một phần do cả quá trình công tác, cống hiến nhiều năm, khi về hưu tâm lý con người muốn nghỉ ngơi cũng là điều dễ hiểu. Có những việc mà trước đây khi còn đang công tác đảng viên này không dám nói, không dám bàn, không bày tỏ chính kiến, nhưng về hưu thì tự cho mình “thả lỏng”, thoát ra khỏi mọi sự ràng buộc của tổ chức. Tư tưởng “ta chẳng có gì để mất”, mình được tự do nên nhiều khi có lời nói và việc làm… hơi quá đà.

Có người trước kia thường e dè, nhìn trước, ngó sau trước khi bày tỏ chính kiến thì nay sẵn sàng “chém gió”, tham gia bàn luận đủ mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là công tác nhân sự, rồi tham gia nhận xét, đánh giá cán bộ đương nhiệm, nêu những dẫn chứng “nghe nói, nghe đồn”. Một số người làm việc trong cơ quan Nhà nước, từng giữ chức vụ cao, khi nghỉ hưu bỗng quay lại chê bôi cơ quan cũ, nói xấu lãnh đạo đương nhiệm và phê phán những chủ trương, chính sách hiện hành là “lợi ích nhóm”, là “mục tiêu trên trời”. Rằng, thời trước cánh này làm thì tốt thế này, ưu điểm thế kia… Còn bây giờ họ xổ toẹt, phủ nhận tất cả. Thậm chí họ nhìn cuộc sống chỉ thấy toàn màu xám - tham nhũng, tiêu cực, đặc quyền, đặc lợi, con ông cháu cha, học giả bằng thật...

Một đồng chí đại tá công an sinh sống tại TP Bắc Giang được tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ khóa thứ ba tâm sự: “Trong khi rất khó khăn để tìm nhân sự cho chi bộ, cho các tổ chức đoàn thể ở cơ sở, vậy mà có đảng viên hưu (đồng chí này đã từng được động viên làm bí thư chi bộ nhưng thoái thác không làm) lại phát biểu “tiếng bấc, tiếng chì” đằng sau, rằng mấy ông công an, quân đội về hưu “lương cao thế mà vẫn còn tham, nhận hết chức vụ ở tổ dân phố”.

Thật ra, chúng tôi tham gia cấp ủy là chấp hành sự phân công, là vì trách nhiệm, danh dự của người cán bộ, đảng viên, chứ đâu phải vì chút thù lao”. Tiếp xúc với ông, trò chuyện với bà con khu phố nơi ông làm bí thư chi bộ, chúng tôi tin ông đã nói giữa dạ mình. Lời nói ấy được sự xác tín của bà con trong tổ dân phố: “Không chỉ công việc ở chi bộ, mà chuyện lớn, chuyện bé “thượng vàng hạ cám” ở khu phố này, việc gì cũng thấy bóng dáng của bác ấy”.

Từ năm 2016-2020, cả nước có 25.104 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa bị xử lý kỷ luật, chiếm 0,5%. Có 15.101 đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, chiếm tỷ lệ cao nhất 60% (60% của số 25.104); có 8.221 suy thoái về tư tưởng chính trị, chiếm 33%.

Trong cuộc sống hằng ngày ở khu dân cư, mỗi khi rảnh rỗi, một số người thường tụ quanh bàn trà bàn đủ thứ chuyện. Chủ đề được bình luận nhiều nhất là công tác nhân sự lãnh đạo các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở. Đặc biệt, trước kỳ đại hội Đảng thì chuyện càng sôi nổi, rôm rả như không có hồi kết. Họ quy kết ông A, bà B được đề bạt, bổ nhiệm, được cơ cấu vào cấp ủy là do chạy chức, chạy quyền, do cánh hẩu, là nhờ con ông nọ, cháu bà kia…

Kế đó là những vụ việc tham nhũng, tiêu cực đang được cơ quan chức năng xem xét được đưa ra phân tích, mổ xẻ thiếu căn cứ, thiếu cơ sở thực tiễn, thậm chí “thổi phồng” sự u ám. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số, mạng xã hội phát triển, số ít cán bộ, đảng viên sau khi nghỉ hưu không mặn mà với các phong trào của khu dân cư nhưng lại rất tích cực lên mạng xã hội “luận bàn thế sự”, nêu quan điểm cá nhân, bình luận, chia sẻ thiếu ý thức chính trị về những thông tin sai lệch, không được kiểm chứng.

Những câu chuyện tưởng như vô hại này đang là mầm mống của những “ung nhọt” nguy hiểm, tuy không phổ biến nhưng cũng đã xuất hiện ở nhiều cơ sở. Các phát ngôn, hành động của số ít đảng viên hưu trí khiến người dân dễ tin đó là sự thật, vì được “tai nghe mắt thấy” trực tiếp từ những người là đảng viên, từng là lãnh đạo.

Tự đánh mất mình

Một thực tế đáng quan tâm hiện nay là trong số những cán bộ, đảng viên nghỉ hưu, nghỉ việc có một bộ phận diễn biến tư tưởng không bình thường, tự đánh mất danh dự, uy tín của bản thân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng rất buồn khi phải nói ra một thực tế rằng: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, đặc biệt là sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước”.

Còn nhớ cách đây chưa lâu, vụ việc tranh chấp đất lâm nghiệp giữa người dân hai địa phương của hai huyện Sơn Động và Lục Ngạn diễn ra rất phức tạp, các cơ quan chức năng từ tỉnh đến cơ sở phải mất nhiều thời gian, công sức mới giải quyết ổn thỏa. Theo cơ quan chức năng, sở dĩ vụ việc trở thành điểm nóng, kéo dài nhiều năm một phần do có người từng được coi là “cây cao bóng cả” ở địa phương đứng đằng sau xúi giục nhân dân không chấp hành pháp luật và các quyết định của chính quyền địa phương.

Vị “quân sư” này đã tạo dư luận và đưa ra những thông tin không đầy đủ về sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, đến mối quan hệ tình cảm láng giềng giữa hai địa phương. Lẽ ra, với trách nhiệm đảng viên, với cương vị, uy tín và kinh nghiệm của mình, “cây cao bóng cả” ấy phải là người gương mẫu, đi đầu tuyên truyền, vận động, giải thích pháp luật để bà con hiểu và làm theo. Nhưng thật đáng tiếc, ông lại làm ngược lại, vi phạm nhiệm vụ của người đảng viên, được thể các đối tượng xấu đã vào hùa lôi kéo, kích động bà con khiếu kiện, làm mất an ninh trật tự ở cơ sở.

Nói không đi đôi với làm, nói một đằng làm một nẻo, nói và làm không nhất quán … không chỉ là biểu hiện của sự thiếu trung thực, vi phạm đạo đức xã hội nói chung mà còn vi phạm nguyên tắc, phẩm chất, danh dự của người cán bộ, đảng viên, là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Bởi lẽ danh dự không chỉ của riêng mỗi người mà còn mang tính xã hội, là thước đo giá trị của mỗi người trong xã hội.

Với một người bình thường, danh dự đã là cao quý; là cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo, quản lý, danh dự càng cao quý, thiêng liêng. Trong nhiều bài viết, bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh đến lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên là phải kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân làm cho không ít cán bộ nảy sinh căn bệnh tham ô, tư túi, đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích tập thể, trên cả lợi ích của quốc gia, dân tộc.

 

Bài 4: Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của đảng viên hưu trí

 

Đảng viên hưu trí là những người đã kinh qua nhiều môi trường công tác, có trí tuệ, uy tín và kinh nghiệm. Để tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ này đòi hỏi người đảng viên phải khép mình vào kỷ luật, không được thoả mãn, buông xuôi. Cấp ủy, chi bộ cần đổi mới phương pháp tập hợp đảng viên, có hình thức sinh hoạt phù hợp, tạo môi trường cho đảng viên được đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật Đảng.

Tự soi, tự sửa, tự rèn

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Đảng mạnh là do mỗi một chi bộ mạnh. Chi bộ mạnh là do mỗi một đảng viên ra sức làm trọn các nhiệm vụ đã ghi trong Điều lệ của Đảng…”. Như vậy, muốn chi bộ mạnh thì không ai khác ngoài các đảng viên của chi bộ đó phải nỗ lực thực hiện nhiệm vụ. Kinh nghiệm của nhiều đồng chí thật dễ… vận dụng. Ấy là trước khi nghỉ hưu, hãy lên kế hoạch, sắp xếp những việc bản thân cần làm cho một “chương” mới trong cuộc đời để tránh sự nhàn rỗi, tìm kiếm những công việc có ý nghĩa như tham gia các hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể, của cộng đồng dân cư, câu lạc bộ...

Những việc làm đơn giản hằng ngày như cùng với bà con tham gia các phong trào “Chủ nhật xanh”, vệ sinh đường làng ngõ phố, làm đẹp cảnh quan môi trường; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; đi họp đầy đủ, đúng giờ, tích cực đóng góp ý kiến xây dựng khu dân cư tiến bộ, văn minh.

Đáng tiếc có những đảng viên về hưu lại tự cho rằng mình như “người thừa”, không còn trách nhiệm gì nữa. Chợt nhớ câu thơ của nhà thơ Nga V. Mayakovsky: “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/Mỗi số phận chứa một phần lịch sử”. Tuyệt nhiên không có chuyện khi còn công tác tôi có chức, có quyền, có địa vị xã hội thì về hưu tôi không còn quan trọng nữa, thế nào cũng được, phó mặc, buông xuôi. Từ cách sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày như giữ gìn sức khỏe bản thân, giữ mình; chăm sóc, nuôi dạy con cháu; suy nghĩ tích cực, hưởng ứng các phong trào chung của địa phương đến làm kinh tế…, tất cả đều là nhiệm vụ của người đảng viên, đều là có ích, không có chuyện nhiệm vụ to, nhiệm vụ nhỏ.

Một cựu chiến binh kể: Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, tổ chức đảng vẫn sinh hoạt thường xuyên, giữ vững mối liên hệ, lãnh đạo nhân dân kháng chiến giành thắng lợi. Ở đó, những đảng viên sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để thực hiện nhiệm vụ do Đảng giao phó. Vì sao vậy? Vì trong quân ngũ, họ được quân đội trui rèn, hình thành trong họ một nếp sống kỷ luật cao, hết lòng vì sự nghiệp chung, vì đồng đội, đồng chí. Sức mạnh của Đảng cũng vậy, Đảng mạnh chính là ở sự tập trung thống nhất, ở kỷ luật “sắt”. Đảng mạnh không chỉ đông về số lượng mà chính nhờ chất lượng của đảng viên và tổ chức đảng. Vì vậy, mọi cán bộ, đảng viên phải khép mình vào kỷ luật, luôn luôn tự soi, tự sửa, tự rèn; không được thỏa mãn, không được buông xuôi, không được cho mình có quyền nghỉ ngơi khi về hưu.

Cấp ủy chủ động, sâu sát

Muốn đảng viên hưu trí tiếp tục cống hiến không thể thiếu vai trò dẫn dắt, chủ động của cấp ủy chi bộ. Điều này thể hiện ở việc sinh hoạt chi bộ có hấp dẫn được đảng viên tham gia hay không? Cũng là cuộc sinh hoạt ấy nhưng cuộc sinh hoạt do một bí thư chi bộ có nhiệt huyết, có phương pháp điều hành tốt nhằm xây dựng chi bộ của mình vững mạnh hơn, vì sự nghiệp của địa phương thì chắc chắn sẽ “hút” được nhiều đảng viên đến sinh hoạt và muốn sinh hoạt. Vì vậy cần phải đổi mới phương pháp tập hợp đảng viên, có hình thức sinh hoạt phù hợp nhằm tạo môi trường thu hút đảng viên hưu trí tiếp tục cống hiến.

Tìm hiểu ở Chi bộ 1A, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) - đơn vị hơn chục năm liên tục đạt chi bộ trong sạch vững mạnh cho thấy: Mỗi khi họp, thường 100% đảng viên đều có mặt và ai cũng muốn đóng góp ý kiến vào nghị quyết, ai cũng muốn mình là tấm gương để quần chúng noi theo nên khi bị khuyết điểm nào đó là thấy chạnh lòng, thậm chí hổ thẹn. Kinh nghiệm cho thấy, mỗi kỳ sinh hoạt, Chi bộ 1A đều có nghị quyết “mầu nhiệm”, người dân cần gì, quan tâm đến vấn đề gì chi bộ sẽ họp bàn về vấn đề đó.

Đơn cử như để xóa hộ nghèo, Chi bộ có nghị quyết phát động đảng viên, cán bộ và nhân dân ủng hộ để xây dựng hai ngôi nhà; giao Chi hội Phụ nữ đứng ra tín chấp giúp hai gia đình vay vốn ngân hàng. Thế là sau vài năm xóa hết hộ nghèo. Hay như ở ngõ 2 trước đây chỉ rộng 1m, ngõ tối om thì nay mở rộng 3,5m đều do các gia đình đảng viên tiên phong hiến đất, ngõ sáng rực đèn Led. Đặc biệt chỉ cần có ý kiến phản ánh nào đó của đảng viên, cán bộ hoặc người dân là lập tức cấp uỷ, Tổ dân vận đến ngay để xem xét giải quyết kịp thời.

Riêng phương pháp làm việc, trước khi họp, đồng chí Bí thư thường đến gặp một số đảng viên, cán bộ và người dân để nghe họ nhận xét, bày tỏ tâm tư mong muốn, đề nghị gì, từ đó đưa vào nghị quyết cho trúng. Trong khi họp, Bí thư định hướng để đảng viên phát biểu tập trung vào những vấn đề cấp uỷ đã bàn. Sau khi họp một ngày thì tổ chức giao ban (gồm tổ trưởng dân phố và trưởng các đoàn thể) để triển khai nghị quyết, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người và ấn định thời gian hoàn thành...

Có những đảng viên hưu trí không phải là họ không muốn sinh hoạt chi bộ mà vì có những yếu tố khách quan. Đồng chí Y từng là trưởng ngành một cơ quan cấp tỉnh, về địa phương nghỉ hưu chưa được bao lâu thì con của đồng chí vướng vào lao lý. Là người cha, một đảng viên, ông không khỏi đau lòng. Ông đến gặp bí thư chi bộ trình bày: “Tôi còn mặt mũi nào mà tham gia dự họp, đóng góp ý kiến với chi bộ nữa, nên cho tôi làm đơn xin nghỉ sinh hoạt”.

Đồng chí Bí thư chi bộ đến tận nhà động viên, chia sẻ, phân tích để đồng chí đảng viên hiểu rõ, không mặc cảm, dám chấp nhận thực tế. Trong những trường hợp này, nếu Chi bộ, cấp uỷ, bí thư dửng dưng, chỉ cần thiếu đi sự nhiệt tình một chút với đồng chí của mình thôi thì vô hình chung gián tiếp đẩy đồng chí xa dần với Đảng.

Giữ nghiêm kỷ luật Đảng

Biết rằng ở nơi cư trú, bí thư chi bộ bận rất nhiều việc, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, đôi khi phải kiêm luôn cả những việc không tên “phông hoa loa đài”. Tuy nhiên, không vì sự “bận bịu” đó mà xuề xoà, bỏ qua, cả nể, né tránh, dĩ hoà vi quý. Việc ngày càng có nhiều đảng viên miễn, giảm sinh hoạt đảng, thoái thác trách nhiệm tại khu dân cư cũng có phần trách nhiệm của chi bộ đã chấp nhận cho nghỉ sinh hoạt...tràn lan. Làm như thế thì không đúng với Điều lệ Đảng, tưởng rằng như vậy là tốt, là thương nhau, là vì đồng chí của mình nhưng thực chất lại “bằng mười hại nhau”. Bởi lẽ hơn ai hết, chi bộ được trao quyền quản lý, giám sát, kiểm tra, kỷ luật đảng viên của mình.

Trân trọng và tiếp thu những ý kiến đóng góp tích cực, trách nhiệm của những đảng viên cao tuổi, đảng viên hưu trí, hằng năm, cấp uỷ các cấp đều tổ chức hội nghị gặp mặt; cấp Báo Bắc Giang miễn phí cho đảng viên từ 50 năm tuổi Đảng trở lên; Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đảng viên được tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng trở lên; thăm hỏi tặng quà dịp Tết Nguyên đán; tổ chức tang lễ đối với đảng viên nhiều năm tuổi Đảng; tất cả đảng viên của chi bộ từ trần đều được Chi bộ tổ chức lễ viếng.

Nguồn: Quy định số 416-QĐ/TU ngày 19/8/2022 của BTV Tỉnh uỷ.

 

 

Đảng viên nói và làm không đúng nghị quyết, đảng viên “hư hỏng” cũng có phần thiếu kiểm tra, giám sát, kỷ luật của chi bộ. Đồng chí Trần Thanh Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Bắc Giang cho rằng: “Chi bộ làm chặt khâu nhận xét, đánh giá đảng viên. Đảng viên có quyết định nghỉ hưu ở đâu, nhận sổ bảo hiểm ở địa phương nào thì chuyển đảng về đó sinh hoạt. Khi có quyết định lĩnh lương hưu tại nơi cư trú, cấp uỷ, chi bộ chủ động gặp gỡ, gần gũi đảng viên, hỏi thăm, nắm tình hình. Như vậy đảng viên tự mình nhận thấy sẽ có trách nhiệm hơn với nhiệm vụ của mình”.

Bên cạnh sự động viên, khích lệ, Đảng cần tiếp tục kiểm tra, giám sát, giữ vững kỷ luật. Nếu đảng viên suy thoái phải cương quyết cho ra khỏi Đảng, có hình thức kỷ luật sắt với đảng viên vi phạm. Chỉ đạo nghiêm túc, chặt chẽ việc xét, miễn công tác và miễn sinh hoạt đảng theo đúng quy định. Cần kiểm tra danh sách những đảng viên đã nghỉ sinh hoạt ở các chi bộ xem số lượng là bao nhiêu, thực tế hiện nay sức khoẻ, hoàn cảnh thế nào, trên cơ sở đó có kết luận cụ thể.

Sau khi kết luận thì nên biểu dương những nơi thực hiện tốt, đồng thời phê bình thậm chí xem xét hình thức kỷ luật ở những nơi làm chưa nghiêm. Cần ban hành hướng dẫn cụ thể để cơ sở y tế có thẩm quyền xác nhận cho đảng viên tuổi cao sức yếu để tránh việc có đảng viên hợp pháp hóa việc không phải sinh hoạt bằng giấy khám sức khỏe.

Trong cuộc đời của mỗi đảng viên, không phải ai, lúc nào cũng tràn đầy nhiệt huyết làm việc, cống hiến. Đâu đó lúc này lúc khác, ngọn lửa nhiệt huyết của đảng viên về hưu không còn bừng sáng như khi còn sung sức, tuổi trẻ. Thế nhưng từ trong sâu thẳm trái tim, nếu đảng viên giữ vững lời thề, xác định rõ trách nhiệm là còn sống thì còn cống hiến cho Đảng; cùng đó, các tổ chức cơ sở đảng biết tạo môi trường, động lực, khích lệ mỗi đảng viên vươn lên chiến thắng chính bản thân mình, tin rằng họ sẽ có thêm giải pháp, thêm động lực, thêm bản lĩnh và sức mạnh thực hiện tốt nhiệm vụ của người đảng viên, thực sự là “ngọn lửa” sưởi ấm cho các phong trào ở khu dân cư. Mình không làm thì ai làm? “Đảng viên hưu trí, ý chí ở đâu” - Thiết nghĩ câu trả lời đã có từ khi người đảng viên tuyên thệ dưới cờ Đảng.

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất