Tác phẩm đoạt giải

Trí tuệ nhân tạo, trí tuệ Việt Nam trong bảo vệ an ninh văn hóa

Bài 1: Cơ hội và thách thức

Trí tuệ nhân tạo (AI) xuất hiện khắp các lĩnh vực đời sống xã hội ở thời điểm, cấp độ, cách thức khác nhau... Và nó chỉ thực sự bùng nổ khi Chat GPT ra mắt, người dùng có thể đặt câu hỏi và sẽ nhận được trả lời bất cứ điều gì, từ địa lý, lịch sử, văn hóa, văn học, âm nhạc, hội họa… Thật là vạn năng khi một loại hình Chat bot trực tuyến uyên bác do con người làm ra để phục vụ con người. Nhưng vì “biết tuốt”, “trả lời tuốt” nên thành tựu ứng dụng AI đột phá mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức trong dòng chảy thông tin, trong không gian văn hóa phát triển đa dạng với nhiều giá trị khác biệt của nhân loại. 

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo – Những giá trị thời đại

Trí tuệ nhân tạo hay AI là một sản phẩm công nghệ do con người làm ra và để phục vụ con người. AI là trí thông minh được thể hiện bằng máy móc, qua máy móc. AI có khả năng bắt chước các chức năng nhận thức và giải quyết vấn đề đặt ra, giúp máy móc có những trí tuệ, kỹ năng như con người: biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu nhiều ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi,… Sự xuất hiện của AI giải quyết được nhiều lao động phức tạp, với tốc độ nhanh và đưa ra các sản phẩm sáng tạo trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhận dạng khuôn mặt, chẩn đoán y khoa, dạy học, phân tích dữ liệu... Nhờ vào sự tiến bộ của AI, chúng ta có thể tận dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề khó khăn trong lao động sản xuất và đời sống xã hội.


Ngày nay, ứng dụng AI được đưa vào hầu hết mọi lĩnh vực: như vận tải, thương mại dịch vụ, quản lý nhân sự, tài chính ngân hàng… Đặc biệt lĩnh vực xã hội như y tế, văn hóa, giáo dục, âm nhạc, hội họa, truyền thông… những năm qua có sự phát triển mạnh mẽ. AI ngày càng trở nên thông minh hơn, giỏi hơn, mạnh hơn và phổ biến hơn. Các công nghệ AI có thể là các thiết bị robot vật lý hay các thành phần xử lý, cảm biến, chip... Có thể là mã hoặc phần mềm như Chat bot, Analytics, phần mềm xử lý giọng nói, phần mềm sinh trắc học, thực tế ảo, học máy… Chính AI là cơ hội cho sự phát triển lĩnh vực xã hội ở nhiều tầng nấc với độ nông sâu khác nhau như: trong nghiên cứu, trong quản lý, trong điều tra xã hội học. Chính AI nâng cao nhận thức, mở rộng tầm nhìn, giao lưu học tập rộng mở, cập nhật dữ liệu trong đời sống xã hội và tác động mạnh mẽ trong vận hành đời sống xã hội. AI đã, đang và sẽ tiếp tục chiếm lĩnh vị trí thống trị, làm thay đổi tất cả các các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh…

Trên lĩnh vực văn hóa, vai trò của AI như thế nào? Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với đặc trưng bởi sự tiến bộ trong công nghệ như AI đã có tác động đáng kể đến văn hóa; đến quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa, tìm hiểu các nền văn hoá đa dạng; biến đổi các khía cạnh khác nhau của văn hóa, bao gồm âm nhạc, phim ảnh, văn học và các loại hình nghệ thuật khác; cho phép cá nhân hóa trải nghiệm văn hóa; thay đổi các hình thức kiểm duyệt truyền thống về văn hóa, như đối với lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh... khiến công chúng dễ dàng tiếp cận sản phẩm văn hóa, nghệ thuật …”.

Hạn chế và lầm lỗi

Rõ ràng, trí tuệ nhân tạo đang tác động sâu sắc đến xã hội, định hình lại xã hội, xây dựng không gian số, văn hóa số… Tuy nhiên, AI dù là trí tuệ tổng hợp mạnh mẽ, nhưng không là chủ thể sáng tạo như con người; nó trở thành trợ lý đắc lực cho con người trong công việc mà con người cần đến với hiệu suất kinh ngạc… Có thể thấy ứng dụng Chat bot (Chat GPT, AnthroP/C Bing) hay các ứng dụng AI về hình ảnh, viết lách hay tuyển dụng… làm được những việc trong quá trình sáng tạo thay con người khiến chúng ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác!

AI không phải là con người và cũng không phải là công cụ hoàn thiện nhất. Nó luôn tồn tại nhiều khiếm khuyết do “trí tuệ” được cô đọng, cài đặt sẵn; khả năng đút rút kinh nghiệm, cập nhật và nâng cao tri thức luôn phải được con người bổ sung… Tự cơ chế hoạt động của nó đặt ra nhiều thách thức cho các nhà phát triển khắc phục một cách thường xuyên. AI thiếu sáng tạo và khả năng tương tác giống như con người trong một số trường hợp nhất là thể hiện cảm xúc, tình cảm trong giải quyết một số công việc có tính thời sự, lịch sử trong không gian, thời gian… Là trí tuệ nhân tạo, sao chép lại nhận thức, kỹ năng xử lý của con người nên AI cũng mang tính chủ quan trong nhân sinh quan, thế giới quan khi tuân thủ các chuẩn mực đạo đức, pháp luật khác nhau ở mỗi quốc gia, khu vực, sắc tộc trên thế giới. Ngay tại tọa đàm “Trí tuệ nhân tạo với khoa học xã hội nhân văn, xu hướng và cách tiếp” đề cập vai trò của AI trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, Ts Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Bộ Khoa học và Công nghệ rất quan tâm đến vấn đề đạo đức, pháp lý liên quan đến AI trong đó có việc tích hợp các kết quả nghiên cứu của khoa học xã hội vào phát triển và xây dựng các hệ thống AI của ngành tâm lý học như cảm xúc, tính cách, ngôn ngữ... bao gồm có ảnh, video, tác phẩm nghệ thuật. Về xây dựng quy chuẩn đạo đức, pháp lý trong nghiên cứu và ứng dụng AI trong đời sống xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các đối tác nước ngoài có các hợp phần xây dựng, phát triển sử dụng AI một cách có trách nhiệm.

"Thách thức nổi lên như tính đúng-sai của thông tin vì các ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh cần khối lượng lớn dữ liệu để tìm hiểu và tạo ra nội dung mới, nếu dữ liệu được sử dụng để đào tạo cho hệ thống bị sai lệch hoặc không đầy đủ thì thông tin do hệ thống tạo ra có thể không chính xác, thiếu trung thực, gây hiểu lầm."- Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Hoàng Hải cho biết. Hệ thống được huấn luyện bởi con người nên có thể nhiễm ý kiến chủ quan của con người, vì vậy vấn đề có thể trở nên nghiêm trọng khi nội dung liên quan đến văn hóa, lịch sử, địa lý, chính trị của các quốc gia, cộng đồng, dân tộc bị lợi dụng để gây bất lợi nào đó.

Rõ ràng, lĩnh vực xã hội rộng lớn, với các nền văn hóa khác biệt, ngôn ngữ khác biệt, những giá trị xã hội khác biệt, thậm trí là xung đột, thì cách tiếp cận và xử lý khác biệt không thể đồng nhất. Và trong những hoàn cảnh cụ thể thì tình cảm, tri thức, cảm nhận cũng rất khác nhau, cách nhìn nhận, đánh giá giải quyết khác nhau. Đây là những thách thức lớn mà AI chưa thể đưa ra câu trả lời thuyết phục, câu trả lời duy nhất. Bên cạnh đó, do nhận thức, tình cảm khác nhau, mục đích khai thác, sử dụng khác nhau dẫn đến những mâu thuẫn, tranh luận không đầu không cuối và gây hiệu ứng đám đông vô định. Không thiếu hiện tượng tiếp nhân thông tin từ AI một cách máy móc, mù quáng và tạo sự xung đột nhận thức, lệch chuẩn, phai mờ ý thức văn hóa dân tộc; phai mờ ý chí độc lập dân tộc; tự cường, tư chủ vươn lên; chạy theo, dựa dẫm, tôn sùng, thần thánh hóa giá trị thương mại máy móc.

AI tự nó không có lỗi mà lỗi ở người sản sinh ra nó và ở người dùng nếu không biết khai thác đúng cách. Nó có thể gây nguy cơ mất an toàn thông tin khi cài đặt ứng dụng AI không có giá trị pháp lý, chứa phần mềm gián điệp. Khi phần mềm này được cài đặt trên các thiết bị điện tử sẽ dẫn đến nguy cơ mất thông tin cá nhân, bị theo dõi. Tội phạm lợi dụng các ứng dụng AI để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua việc chiếm đoạt tài khoản cá nhân; tư vấn các hoạt động phạm pháp như chế tạo thuốc độc, bom mìn, thủ thuật vượt qua các hoạt động an ninh, chỉnh sửa, cải thiện mã độc...  nghiêm trọng hơn có thể gây mất an toàn thông tin cho hệ thống nội bộ.

Cơ hội là rất lớn nhưng thách thức là không nhỏ! Có thể thấy khi các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực xã hội được quan tâm khai thác, nhất là trên mạng xã hội thì các thế lực thù địch, nhóm lợi ích lợi dụng các ứng dụng này để tạo làn sóng dư luận, lan truyền, phát tán tin giả, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, kích động chia rẽ sắc tộc, tôn giáo, gây mất ổn định trật tự - an toàn xã hội, an ninh văn hóa và bảo vệ nền tảng tư tưởng. Đây là mặt trái khi ứng dụng AI không chỉ Việt Nam mà các quốc gia cũng đang nghiên cứu xử lý bằng pháp luật của mỗi nước.

 

Bài 2: Lỗ hổng pháp lý và đạo đức

Không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu, ngay ở những nơi khai sinh và hồ hởi đón nhận AI đã và đang đặt ra những vấn đề đạo đức và pháp luật cho sự phát triển của nó. Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI), trong đó có ChatGPT, Deepfake… đặt ra các vấn đề đạo đức và pháp lý liên quan đến ứng dụng AI một cách có trách nhiệm. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh trong việc đấu tranh không khoan nhượng với thế lực thù địch lợi dụng AI để bảo vệ nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng, an ninh văn hóa của đất nước.

Thiếu vắng đạo đức, pháp luật

Ứng dụng AI đang phát triển nhanh chóng và được sử dụng ngày một rộng rãi trong các lĩnh vực của đời sống, đặc biệt lan tỏa mạnh mẽ trong không gian mạng. Tuy mang lại những trải nghiệm thú vị, hữu ích và được khai thác dưới nhiều góc độ phục vụ đời sống xã hội, nhu cầu cập nhật, tìm hiểu thông tin nhưng không ít ứng dụng công nghệ bị lợi dụng để tạo ra những hình ảnh, thông tin sai lệch, xuyên tạc sự thật, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, phá hoại nền tảng văn hóa, nền tảng tư tưởng của các quốc gia. Đây không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà còn là một vấn đề toàn cầu. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo, các nền tảng công nghệ mới như AI đang góp phần khiến thông tin giả với các tư tưởng thù hận và dối trá tràn lan trên không gian mạng, qua đó kích động xung đột, bạo lực và giết chóc.

Trên bình diện toàn cầu, Nghị viện châu Âu đã sớm thống nhất quan điểm đàm phán về Đạo luật Trí tuệ nhân tạo, nhằm ban hành khuôn khổ pháp lý để quản lý các hệ thống AI, song không kìm hãm sự phát triển của lĩnh vực này. Tháng 6 vừa qua, các thượng nghị sĩ Mỹ đã giới thiệu hai dự luật liên quan đến các quy định quản lý AI, trong đó có dự luật yêu cầu chính quyền thiết lập cơ chế để người dân có thể khiếu nại về những quyết định mà AI đưa ra. Và mới đây, khảo sát chuẩn bị bầu cử 2024 ở Mỹ, phần lớn người dân ủng hộ quản lý chặt việc tổ chức sử dụng AI với 66% người dân ủng hộ chính phủ liên bang cấm các hình ảnh AI sai lệch hoặc gây hiểu lầm trong các thông báo chính trị.


Bên cạnh những vấn đề pháp luật thì vấn đề đạo đức cũng rất quan trọng. Nếu ứng dụng trí tuệ nhân tạo tư vấn vấn đề nấu ăn, chữa bệnh hay hôn nhân mà mang lại kết quả tiêu cực thì rất ảnh hưởng chung đến đời sống, phong tục tập quán, an ninh văn hóa, xã hội. Bản thân các doanh nghiệp công nghệ cũng cảnh báo về những hậu quả khôn lường nếu công nghệ bị lợi dụng vào mục đích xấu và phát triển sai hướng, đồng thời kêu gọi giới quản lý sớm xây dựng và hoàn thiện các quy định giám sát AI. CEO của OpenAI đề xuất thành lập một cơ quan quốc tế, nhằm giám sát việc tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn chung trong phát triển các ứng dụng công nghệ này.

Về mặt bản quyền các tin tức, sáng tạo văn học nghệ thuật của AI đang là vấn đề nhức nhối, là lỗ hổng pháp lý, đạo đức chưa thể kiểm soát. “Có thể thấy rõ ràng về giá trị độc bản thì trí tuệ nhân tạo không thể làm được. Ví dụ tranh phố của Bùi Xuân Phái là độc bản về phố cổ Hà Nội, dù có chép lại tinh vi đến mấy không có được hồn cốt của “phố Phái”. Trí tuệ nhân tạo trong khoảng không đầy một phút có thể làm một bức tranh đường phố Hà Nội nhưng mà nó cũng có những nét gần giống đường phố của Paris, cũng có cây xanh, vỉa hè…” GS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chia sẻ.

Ở Việt Nam, việc triển khai nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo đạt được một số thành tựu nhất định tại các doanh nghiệp, nhưng tốc độ còn chậm. Và theo Báo cáo Chỉ số sẵn sàng về AI của Chính phủ công bố ngày 22.2.2023, chỉ số sẵn sàng cho trí tuệ nhân tạo của Việt Nam đạt 51,82/100, tăng 14 bậc so với năm trước và vượt qua mức trung bình toàn cầu là 47,72. Điều này cho thấy dấu hiệu tích cực về khả năng tiếp cận và phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề khai thác, ứng dụng và việc giám sát việc tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn chung trong phát triển các ứng dụng công nghệ này mới chỉ bắt đầu nghiên cứu. Điều đó đặt ra nhiều khó khăn trong việc đấu tranh với biểu hiện lệch lạc, sai trái, lợi dụng AI, các ứng dụng AI như Chat bot chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, phá hoại sự đoàn kết dân tộc, an ninh văn hóa.

Nhận diện mặt trái

An ninh văn hoá chính là sự bảo vệ và duy trì các giá trị bản sắc văn hoá, truyền thống, quyền sáng tạo và làm chủ văn hoá của người dân, của quốc gia. An ninh văn hoá liên hệ chặt chẽ an ninh chính trị, với bảo vệ nền tảng tư tưởng, nền tảng văn hoá. Hiện nay, trí tuệ nhân tạo đang thu hút rất nhiều người dùng trên thế giới cũng như ở Việt Nam quan tâm và sử dụng bởi những tiện ích và thuận lợi mà nó mang lại.

Ứng dụng được phát minh, sáng chế ra là để phục vụ cuộc sống con người tốt đẹp. Tuy nhiên, cần thấy tính hai mặt của các ứng dụng này khi các tổ chức, thế lực xấu lợi dụng, nó thành công cụ để lan truyền những thông tin sai lệch, chống đại đoàn kết dân tộc, lung lạc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, bôi xấu, xuyên tạc văn hóa, con người Việt Nam... Có thể thấy các thủ đoạn thường gặp như dùng ngay ChatGPT đặt những câu hỏi cắt xén, không đầy đủ, không đúng về lãnh tụ, Đảng, Bác Hồ; hay câu trích về hình tượng trong thơ ca, nhạc họa không đúng ngữ cảnh, không gian và thời gian; thậm chí là câu hỏi gian lận, đánh lừa máy móc... Và thông qua trả lời máy móc của ứng dụng để tuyên truyền, xuyên tạc trên internet, các Websize, báo đài “tự do, lá cải”… hòng dẫn dắt dư luận, hướng dư luận, người dân hiểu sai lệch về Đảng, về hình tượng lãnh tụ… Đây chính là một trong những thủ đoạn sử dụng ứng dụng AI từng bước phá hoại nền tảng tư tưởng, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng; làm mất an ninh văn hóa thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0.

Ứng dụng AI bị lợi dụng phá hoại đời sống chính trị, văn hóa xã hội đang là câu chuyện hiện hữu. Lợi dụng Internet không giới hạn về không gian, thời gian, địa điểm phát hành và truy cập với lượng thông tin lớn, tốc độ nhanh, dễ dàng thu hút, gợi ý thỏa mãn nhu cầu nghe- nhìn đa chiều… Các thế lực thù địch xây dựng các trang thông tin, blog lôi kéo người xem bằng nhiều thủ đoạn tinh vi. Chúng cài các thông tin xấu độc dẫn dụ người đọc tiếp nhận thông tin lệch lạc và hành vi sai trái. Thế lực thù địch tấn công trên các nền tảng xã hội; xuyên tạc đường lối chính sách, lung lạc niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, gây dư luận tiêu cực, hoang mang trong đời sống xã hội, tìm cách tạo lỗ hổng lớn trong an ninh văn hóa, an ninh quốc gia; bôi nhọ lãnh đạo, xuyên tạc những giá trị tư tưởng, văn hóa, thổi phồng những khó khăn và quy chiếu cho sự lãnh đạo kém cỏi, mất dân chủ của Đảng và nhà nước xã hội chủ nghĩa... Vì vậy, phải nhận biết đầy đủ nguy cơ và những lỗ hổng mà kẻ địch muốn khoét sâu, tấn công làm nguy hại an ninh quốc gia, an ninh văn hóa là nhiệm vụ trước tiên rất quan trọng. Và từ nhận thức đúng dắn, chúng ta mới có thể đấu tranh việc lợi dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo để chống phá Đảng, Nhà nước, cuộc sống yên lành của Nhân dân. Đây sẽ là cuộc đấu tranh toàn diện, khoa học, bền bỉ với sự tham gia của cơ quan, tổ chức liên quan đến cán bộ và các tầng lớp nhân dân khi tham gia thông tin trên môi trường mạng internet.

Vấn đề cốt yếu trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh văn hóa vẫn là con người. Con người sáng tạo nghe, suy nghĩ, cảm nhận, hành động để hoàn thiện tri thức, kỹ năng hằng ngày. Máy móc hay trí tuệ nhân tạo do con người sáng tạo chỉ có thể mô phỏng khả năng trực quan vốn có của con người trong những tình huống cụ thể. “Sử dụng công nghệ cũng như sử dụng con dao hai lưỡi, phải biết tính năng của nó để phát huy điểm yếu điểm, ưu điểm, tính năng tốt đồng thời hạn chế mặt hại, mặt tiêu cực. Thực ra mặt lợi, hại hay tiêu cực, suy cho cùng là do người sử dụng, con người sử dụng với một thiện ý, một mong muốn đưa đến những điều tốt đẹp thì nó tạo ra những điều tốt đẹp; còn con người sử dụng nó như là một công cụ để làm điều tiêu cực, thậm chí có thể là công cụ “giết chết” về văn hóa thì cũng rất dễ.”- PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh.

Có thể thấy, để ngăn chặn kẻ xấu lợi dụng AI và môi trường mạng để tấn công nền tảng tư tưởng, nền tảng văn hoá thì cần nhận biết đầy đủ các nguy cơ và có các biện pháp, hoạt động tác nghiệp kịp thời đấu tranh với thế lực thù địch nhằm đảm bảo sự an toàn, bình yên, giữ vững nền tảng và bản sắc văn hoá dân tộc; ngăn chặn có hiệu quả các hành vi phá vỡ trật tự công cộng và xuyên tạc giá trị văn hoá, bôi nhọ danh nhân văn hoá, lãnh tụ, lãnh đạo; kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết; bảo vệ và phát triển di sản văn hoá, ngôn ngữ, truyền thống và những giá trị văn hoá đặc trưng của đất nước.

 

Bài 3: Sáng tạo, khoa học, bền bỉ

Đấu tranh với thế lực thù địch lợi dụng AI, công nghệ số, không gian số gây mất an ninh văn hóa, an ninh chính trị tư tưởng là công việc trực tiếp, thường xuyên, bền bỉ. Đây cũng là công việc khoa học, sáng tạo bằng trí tuệ Việt Nam, văn hóa Việt Nam; đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật và học hỏi kinh nghiệm nước ngoài giám sát những giới hạn đạo đức, pháp luật của trí tuệ nhân tạo khi sáng tạo ra các ứng dụng và đưa vào sử dụng. Và rõ ràng cuộc đấu tranh lợi dụng AI trên lĩnh vực văn hoá, tư tưởng trong kỷ nguyên số hóa, toàn cầu hóa, cạnh tranh phát triển sẽ diễn ra quyết liệt, phức tạp, đòi hỏi tiếp tục nâng tầm trí tuệ Việt Nam.

Chủ động, đi tắt, đón đầu

Chủ động, đi tắt, đón đầu để phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ an ninh văn hóa là tư duy đúng đắn. Trên định hướng đó, chúng ta cần nỗ lực đưa văn hóa phát triển trên đa nền tảng, đến được với mọi tầng lớp nhân dân; thu hẹp khoảng cách tiếp cận, hưởng thụ văn hóa trong không gian số. 

Tại hội thảo “80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, một trong những xu hướng tiếp cận văn hóa phổ biến hiện nay là hỏi – đáp. Tức là cần thông tin gì sẽ đặt câu hỏi. Vì lẽ đó, chúng ta cần xây dựng được công cụ trợ lý ảo, chẳng hạn như ChatGPT chuyên về văn hóa Việt Nam. Từ đó, mọi công dân Việt Nam, thậm chí là bạn bè quốc tế có cơ hội được vào đối thoại, học hỏi, mở mang hiểu biết mọi lúc, mọi nơi. Đây là cách thức truyền bá văn hóa Việt Nam nhanh, hiệu quả và cũng là cách chủ động dẫn dắt bảo vệ an ninh văn hóa. Khi trí tuệ thông minh, trí tuệ Việt tham gia nền tảng công nghệ mới bằng các sản phẩm công nghệ cao thì cũng chính là tiến một bước tới sự bình đẳng trong hưởng thụ, đấu tranh bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, nền tảng tư tưởng của nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Việt Nam có thể làm sàn thương mại điện tử giúp hình thành thị trường văn hoá số; xây dựng môi trường văn hóa số và không gian số giúp văn hóa thích nghi trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Có thể thấy, chúng ta có 3 tập đoàn đang nghiên cứu nền tảng AI tạo sinh giống như ChatGPT. Tuy nhiên, việc phát triển trí tuệ nhân tạo Việt tốc độ còn chậm; nhất là phát triển phần mềm và trí tuệ nhân tạo chứa đựng và xử lý thông tin văn hóa, tư tưởng Việt Nam cung cấp nguồn thông tin trên không gian số còn giới hạn. Chúng ta cần BIG DATA- nguồn dữ liệu lớn- về nền tảng văn hóa, tư tưởng của nhà nước xã hội chủ nghĩa được xử lý, mã hóa, cung cấp nguồn cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo làm nguồn dữ liệu đối chứng, kiểm chứng chống thông tin xuyên tạc, giả tạo của thế lực thù địch.


Trong khi hành lang pháp lý chung cho ứng dụng AI trên toàn thế giới đang bị chậm hơn sự phát triển theo chiều thẳng đứng của công nghệ thì chúng ta càng phải quan tâm lĩnh vực này. Trí tuệ nhân tạo, trí tuệ Việt Nam phải có nhiều sáng tạo, nhiều ứng dụng mạnh mẽ giúp người Việt Nam nắm bắt sâu rộng và phát huy văn hóa Việt. Đồng thời đưa văn hóa Việt giao lưu với các dòng văn hóa khác nhau trên thế giới. Chính sự phát triển ứng dụng trí tuệ thông minh Việt sẽ trợ giúp tích cực công cuộc đấu tranh chống tư tưởng độc hại hòng che đậy cho những mưu đồ chính trị xấu xa của các thế lực thù địch. Và như vậy mới chủ động góp phần bảo vệ an ninh văn hóa của đất nước.

Sự chậm chạp về vấn đề pháp lý và đạo đức của AI dẫn đến những xung đột trên nhiều lĩnh vực nhất là văn hóa không có lời giải và cũng chẳng rõ trách nhiệm của nhà sản xuất. Sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, trong đó có ChatGPT, Deepfake đặt ra các vấn đề đạo đức và pháp lý liên quan đến ứng dụng AI một cách có trách nhiệm. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết: Việt Nam cũng cần chủ động nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các nước trong việc đấu tranh bảo vệ an ninh văn hóa thông qua đàm phán với nhà sản xuất, quản trị mạng và ban hành các quy định đảm bảo tiêu chí đạo đức, pháp luật, bản quyền, chuẩn mực thông tin từ trí tuệ sáng tạo, quyền truy xuất nguồn… Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam còn ở khoảng cách rất xa với các nước đi đầu và xu thế còn tăng tiếp. “Vì vậy, chúng ta không quá tham vọng phát triển các sản phẩm hàng đầu thế giới, chỉ đi vào các sản phẩm ngách phục vụ thị trường Việt Nam.”- Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.

Trong điều kiện hiện nay, các cơ quan, tổ chức hữu quan cần quan tâm đến kỹ năng ứng phó với trí tuệ nhân tạo trên từng lĩnh vực liên quan. Qua sự phát triển ứng dụng trí tuệ thông minh ở Việt Nam, chúng ta tiếp cận vấn đề đạo đức, pháp luật mà Mỹ, EU, các nước tiên tiến đang giải quyết thông qua các đạo luật, các thỏa thuận với nhà sản xuất và ứng dụng. Từ đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam; đấu tranh có bài bản, bền bỉ để bảo vệ quyền, lợi ích quốc gia dân tộc; góp phần chủ động đấu tranh bảo vệ an ninh văn hóa.

Biến thách thức thành cơ hội

Đấu tranh trực diện với thế lực thù địch lợi dụng công nghệ mới, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để bảo vệ an ninh tư tưởng - văn hóa đòi hỏi chúng ta cũng phải sáng tạo, khoa học và bền bỉ; cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Đặc biệt phải có những tổ chức thực sự chuyên nghiệp làm đầu mối. Trong cuộc chiến này, phải luôn rà soát, phát hiện các mạng xã hội, facebook, trang Web đen, báo lá cải... bị lợi dụng lan truyền thông tin xuyên tạc phá hoại khối đoàn kết dân tộc, phá hoại văn hóa, nền tảng tư tưởng của chế độ xã hội chủ nghĩa. Từ đó, có giải pháp, biện pháp ứng phó kịp thời.

Bên cạnh đó, cũng cần nhận thức rõ sự khác biệt giữa trí tuệ thông minh và con người. Con người với tư cách chủ thể sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, cũng là chủ thể giữ gìn, phát huy và bảo vệ nó. “Điều đó đòi hỏi chúng ta tiếp tục nâng cao nhận thức văn hóa trước những thách thức của kỷ nguyên số hóa. Vì vậy, cần phải có những chiến lược, sách lược đi đôi với khuyến nghị, hướng dẫn cụ thể... để đấu tranh bảo vệ an ninh văn hóa. Theo đó, chủ thể văn hóa Việt Nam cần phải được trang bị những hiểu biết về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những thuận lợi và nguy cơ, thách thức của nó.”- ThS. Nghiêm Xuân Mừng, Giảng viên Khoa Quản lý Xã hội, Học viện Hành chính Quốc gia chia sẻ.

Đấu tranh bảo vệ văn hóa tư tưởng theo hướng này chúng ta vừa phải thông thạo về ứng dụng công nghệ, vừa phải có những phần mềm theo dõi, giám sát thông tin, vừa có lực lượng chuyên trách, thường trực có chuyên môn sâu. Đồng thời cần có giải pháp đồng bộ từ cơ quan của Đảng, các cơ quan bộ máy nhà nước, đặc biệt là các cơ quan chuyên ngành như văn hóa, thông tin, khoa học công nghệ, tư pháp; sự vào cuộc của các tổ chức xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội văn hóa nghệ thuật... với trách nhiệm rõ ràng. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, phát huy sức mạnh, lòng yêu nước của Nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh. 

Báo chí cần vào cuộc quyết liệt, bền bỉ, bài bản, hệ thống và nhạy cảm hơn nữa. Một mặt xây dựng luận cứ để có những đấu tranh thuyết phục, khoa học và hiệu quả với các bài viết ngắn gọn, rõ ràng giúp công chúng nhận biết bản chất thông tin sai lệch, xuyên tạc; hiểu sâu và cương quyết bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước. Mặt khác, phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng báo chí cách mạng là yếu tố quan trọng để đấu tranh với các đối tượng thù địch dưới nhiều hình thức, chiêu bài tinh vi trên không gian mạng; góp phần bảo vệ sự phát triển ổn định về tư tưởng và văn hóa đúng định hướng xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ sự đồng thuận, nhất trí về chính trị, tinh thần trong nhân dân; đấu tranh có hiệu quả với các trào lưu tư tưởng, văn hóa phản động, độc hại...

Đấu tranh trực diện với thế lực thù địch mượn cớ, dựa dẫm, đánh lừa công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để xuyên tạc giá trị văn hóa Việt, nền tảng văn hóa và đời sống văn hóa của con người Việt Nam phải là công việc thường xuyên. Đấu tranh với hiện tượng này phải đồng bộ cả việc xây dựng các luận cứ khoa học cũng như các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật để gỡ bỏ, ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng hay thực hiện các giải pháp về kinh tế, tài chính, kiểm soát dòng tiền mà các trang mạng xã hội, thế lực thù địch thao túng. Và chúng ta cần tiến hành tốt công tác giáo dục chính trị, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức của mọi tổ chức, cơ quan liên quan tham gia chủ động đấu tranh; tích cực bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực toàn diện cho lực lượng cán bộ; hoàn thiện các chính sách và khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tích cực tham gia đấu tranh. Hình thức đấu tranh đa dạng nhưng quan điểm và nguyên tắc thì giữ vững; mềm dẻo, linh hoạt trong phương pháp; công khai, minh bạch, dân chủ trong cách làm hay đối thoại, với những người có ý kiến khác trên tinh thần khoa học, dân chủ, xây dựng và thuyết phục… Từ đó góp phần tạo đồng thuận cùng chung sức giữ gìn an ninh văn hóa. 

Việc hạn chế và đấu tranh với thông tin sai là một quá trình dài hơi và đòi hỏi sự kết hợp giữa sự nhận thức cá nhân và nỗ lực tập thể, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, để đấu tranh hiệu quả với thông tin sai lạc trên mạng xã hội và ứng dụng trí tuệ nhân tạo cần lưu ý 5 điểm là: “Thứ nhất là luôn kiểm tra nguồn gốc và độ tin cậy của thông tin trước khi tin tưởng vào nó. Thứ hai là cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đào tạo về trí tuệ nhân tạo cho cộng đồng, từ đó có khả năng phân biệt thông tin đúng, sai. Thứ ba là khuyến khích ý thức chủ động, trách nhiệm của người sử dụng; khuyến khích họ luôn kiểm tra các thông tin trước khi chia sẻ hoặc tin tưởng. Thứ tư là tạo ra một cộng đồng chia sẻ và kiểm chứng thông tin, cùng giúp nhau nhận biết thông tin sai và phản biện các thông tin không đúng. Thứ năm và cũng quan trọng nhất chính là hình thành khuôn khổ pháp lý để quản lý hiệu quả giúp ngăn chặn và đối phó với thông tin sai này.”

Việc hoàn thiện hành lang pháp lý chú trọng sửa đổi, bổ sung các luật: Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng; Luật Viễn thông; Luật Tiếp cận thông tin… theo hướng nâng cao trách nhiệm người dùng về nguồn tin, bản quyền, lan truyền thông tin trong cộng đồng... Đồng thời, ngăn chặn việc lợi dụng công nghệ cao, ứng dụng AI vi phạm pháp luật; khắc phục lỗ hổng đạo đức, pháp luật mà hệ thống AI chưa thể kiểm soát. Bên cạnh đó, Chính phủ cần trình Quốc hội nâng Nghị định quy định phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao thành đạo luật.

Bảo vệ an ninh văn hóa, an ninh chính trị, nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và trước hết là mỗi cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là những chiến sĩ xung phong, đi đầu trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Phải thường xuyên trau dồi, học tập, nhận thức đầy đủ, sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nhạy bén, kịp thời phát hiện, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch; thường xuyên chia sẻ thông tin tốt đẹp, lan tỏa gương người tốt, việc tốt để "lấy cái đẹp dẹp cái xấu"; gương mẫu trong việc chấp hành Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.

Trong kỷ nguyên số, thế giới trở nên phẳng hơn, không gian mạng là xuyên biên giới và cách thông tin truyền thống trở nên lạc hậu. Vì vậy, chúng ta cần chủ động tận dụng triệt để những mặt mạnh, phát huy ưu thế, có hình thức hợp tác phù hợp để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước; quảng bá các sản phẩm văn hóa, thành tựu kinh tế- xã hội của Việt Nam; cung cấp, đăng tải, chia sẻ và tận dụng ưu thế của hạ tầng công nghệ để đưa các sản phẩm văn hóa nhanh chóng đến đông đảo công chúng trong nước và quốc tế.

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất