Tác phẩm đoạt giải

Công tác người Việt Nam ở Nhật Bản: Mọi hành động đều hướng về Tổ quốc

Bài 1: Hội Trí thức - lực lượng đầu tàu

Nhật Bản hiện là một trong những điểm đến hấp dẫn của thanh niên Việt Nam nói riêng và người Việt nói chung trong bối cảnh toàn cầu hoá và sự thiếu hụt nhân lực của quốc gia này.

Tính đến giữa năm 2022, có khoảng 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển. Trong số các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng tại Nhật Bản được đánh giá đang ngày càng phát triển và có nhiều đóng góp cho đất nước.

Du học sinh Việt Nam đang theo học tại Đại học Aomori. Ảnh tư liệu: Nguyễn Tuyến/TTXVN
Du học sinh Việt Nam đang theo học tại Đại học Aomori. Ảnh tư liệu: Nguyễn Tuyến/TTXVN


Theo số liệu của Bộ Tư pháp Nhật Bản, tính đến tháng 6/2022, có 476.346 người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản, là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 2 tại Nhật Bản (chỉ sau Trung Quốc). Trong những năm qua, hàng trăm nghìn người Việt Nam đã sang Nhật Bản lao động, học tập, tu nghiệp, đoàn tụ gia đình… là yếu tố chính đưa người Việt Nam phát triển thành một cộng đồng nước ngoài lớn tại Nhật Bản. Người Việt tại Nhật Bản được đánh giá là cộng đồng trẻ vì số lượng chủ yếu tăng trong những năm gần đây, từ khoảng 52.000 người trong năm 2012 đã lên tới gần 500.000 người trong năm 2022, tăng gần gấp 10 lần trong vòng 10 năm.

Nâng cao vị thế và vai trò của cộng đồng trí thức người Việt tại Nhật Bản

Đi cùng với sự lớn mạnh về số lượng, cộng đồng người Việt Nam đang ngày càng có sự phát triển về chất. Nhật Bản hiện là một trong những điểm đến hấp dẫn của thanh niên Việt Nam nói riêng và người Việt nói chung trong bối cảnh toàn cầu hoá và sự thiếu hụt nhân lực của quốc gia này. Theo thống kê của Bộ Tư pháp Nhật Bản, trong gần 500 nghìn người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật, ước tính khoảng một nửa thuộc thành phần trí thức.

Nếu như vài năm trước, khi nhắc đến người Việt tại Nhật Bản, hầu như người Nhật thường nghĩ đến các thực tập sinh hoặc các du học sinh Việt Nam, thì trong những năm gần đây lực lượng trí thức, doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản đang có sự lớn mạnh rõ rệt. Đặc biệt, số lượng các trí thức Việt Nam đảm nhận những vị trí quan trọng các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp lớn tại Nhật Bản tăng lên đang tạo nên những hình ảnh đẹp về người Việt.

Từ phong trào Đông du những năm đầu thế kỷ XX gắn liền với tên tuổi nhà cách mạng Phan Bội Châu, đến thế hệ lưu học sinh Việt Nam sang Nhật Bản du học những năm 1960-70, trong đó có nhiều người đã đạt được thành công và danh tiếng trên đất nước Nhật Bản như Giáo sư Trần Văn Thọ và nhà phát minh máy thở, Chủ tịch Trần Ngọc Phúc của công ty Metran. Từ năm 2000 đến nay, số lưu học sinh nói chung và cộng đồng người Việt Nam liên tục tăng qua các năm. Trong số này có rất nhiều người thuộc thế hệ trẻ, nhiều người đã học tập, nghiên cứu và làm việc tại Nhật Bản trong suốt 15-20 năm qua, hiện đã và đang có được vị trí quan trọng trong giảng dạy, nghiên cứu, quản lý tại các trường đại học uy tín, doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, điện tử-vi mạch, robotics, nông nghiệp, y tế, kinh tế-luật-xã hội-nhân văn…, nhiều người giữ vị trí là Giáo sư, phó Giáo sư, quản lý doanh nghiệp, trưởng Lab nghiên cứu.

Trong bối cảnh đó, cộng đồng trí thức người Việt tại Nhật đã hình thành nhiều tổ chức độc lập, tiêu biểu như Mạng lưới Học thuật người Việt Nam tại Nhật (VANJ), Cộng đồng Chuyên gia người Việt Nam tại Nhật Bản (VPJ) và Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA).

Hội trí thức Việt Nam tại Nhật Bản (AVIJ) được thành lập vào tháng 11/2019, với mục đích kết nối các cá nhân và nhóm trí thức riêng lẻ của Việt Nam tại Nhật Bản để tạo nên sức mạnh tập thể, đồng thời nâng cao vị thế và vai trò của cộng đồng trí thức người Việt tại Nhật Bản, qua đó đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam cũng như quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Ngay từ ngày đầu thành lập, AVIJ đã xác định phương hướng hoạt động là tạo ra kênh thông tin chung để kết nối các trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, xây dựng các trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo nhằm giúp tăng cường trao đổi khoa học - công nghệ giữa Việt Nam và Nhật Bản, thúc đẩy các nhà khoa học Việt Nam tại Nhật Bản tham gia quá trình đổi mới, sáng tạo ở trong nước. AVIJ là cầu nối tạo ra những cơ hội hợp tác giữa các cá nhân và nhóm riêng lẻ, tạo nên sức mạnh tập thể và nâng tầm vị thế, vai trò của cộng đồng trí thức người Việt Nam tại Nhật Bản, từ đó triển khai những dự án mà mỗi cá nhân và nhóm riêng lẻ không dễ dàng thực hiện.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu đánh giá cao đóng góp cộng đồng trí thức, đặc biệt là Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, đã tổ chức thành công nhiều sự kiện thu hút đông đảo trí thức, doanh nhân Việt Nam và Nhật Bản tham gia như Vietnam Summit 2019, 2021, 2023, các Hội nghị khoa học VANJ, VJSE…Theo Đại sứ, thành công của các sự kiện trên không thể thiếu những đóng góp thầm lặng, sự nhiệt huyết, tinh thần cống hiến vì khoa học và vì cộng đồng của các trí thức Việt Nam tại Nhật Bản.

Một trong những hoạt động đặc trưng, mang dấu ấn của AVIJ là Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản (Vietnam Summit in Japan) tại Nhật Bản, được tổ chức định kỳ 2 năm, bắt đầu từ năm 2019.

Trong quá trình AVIJ thực hiện vai trò kết nối các trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, một nhu cầu lớn đã xuất hiện. Đó là tạo lập một diễn đàn chung của cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, nhằm quy tụ nguồn tri thức dồi dào của các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp, từ đó đi tìm câu trả lời cho bài toán xây dựng, phát triển cộng đồng Việt Nam tại Nhật Bản nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. Động lực tạo ra một điểm đến như vậy đã thúc đẩy 3 tổ chức (VANJ, VPJ, VYSA) cùng xây dựng chuỗi chương trình Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, một không gian chung để người Việt Nam tại Nhật Bản nói chung và trí thức Việt Nam tại Nhật Bản nói riêng có thể chia sẻ, thảo luận, và cùng tìm giải pháp cho những vấn đề cấp thiết trong việc xây dựng và phát triển đất nước.

Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản là một sự kiện quy mô, là một trong những hoạt động quan trọng nhất của AVIJ, có sự tham gia của của nhiều bộ ngành trong nước, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, các công ty Việt Nam tại Nhật Bản, các diễn giả khách mời là những chuyên gia uy tín từ nhiều lĩnh vực nghiên cứu và kinh doanh khác nhau. Tiếp nối thành công của Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản 2019 và 2021, Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản 2023 diễn ra tại Tokyo vào tháng 10/2023 đã thu hút hơn 60 diễn giả và hơn 1.700 người tham gia, trở thành một trong những sự kiện nổi bật của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản trong năm 2023.

Có thể khẳng định sự lớn mạnh của cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản ngày nay là kết quả của sự vận dụng hiệu quả nghị quyết của Đảng và chủ trương của Nhà nước về công tác người Việt tại nước ngoài.

Bài 2: Đảng mở đường, chỉ lối

Nghị quyết 36 và Nghị quyết 169 đã tạo nền tảng vững chắc cho cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản phát triển lớn mạnh như ngày nay.

Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài, một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Nghị quyết 36 của Bộ Chính Trị (36-NQ-TW) ban hành ngày 26/3/2004 đã nhấn mạnh thành công của cộng đồng người Việt cũng chính là thành công của đất nước Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã đánh giá cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có tiềm lực kinh tế nhất định, có mối quan hệ với nhiều doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nước ngoài và quốc tế, có khả năng tìm kiếm đối tác và làm cầu nối với các doanh nghiệp, tổ chức trong nước. Đối với tầng lớp trí thức người Việt ở nước ngoài, Nghị quyết 36 đánh giá nhiều trí thức có trình độ học vấn và chuyên môn cao; một số người giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan, cơ sở nghiên cứu, đào tạo, các công ty và tổ chức quốc tế, có khả năng tạo dựng quan hệ với các cơ sở kinh tế, khoa học ở nước sở tại.

Quang cảnh buổi gặp mặt 100 trí thức tiêu biểu Việt Nam tại Nhật Bản.
Quang cảnh buổi gặp mặt 100 trí thức tiêu biểu Việt Nam tại Nhật Bản.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021-2026, Nghị quyết 169 của Chính phủ (169-NQ/CP) ngày 31/12/2021 đã ban hành chương trình hành động của chính phủ. Theo Nghị quyết 169, để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Bộ Chính trị yêu cầu, công tác người Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục được triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn, qua đó phát huy nguồn lực to lớn, tinh thần yêu nước của đồng bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước; nhận thức và hành động đúng đắn, phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc; đồng thời, thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Đặc biệt, trong chương trình hành động của Nghị quyết 169 đã ban hành 2 đề án liên quan đến cộng đồng trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Đề án thứ nhất là “Hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, trí thức, doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài”, do Bộ Ngoại giao và phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, thực hiện trong giai đoạn 2021-2026.

Đề án thứ hai là “Vận hành và phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nước giai đoạn 2021-2026” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực hiện trong giai đoạn 2021-2026.

Cùng với Nghị quyết 36, đây chính là 2 đề án đã tạo nền tảng vững chắc cho cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản phát triển lớn mạnh như ngày nay.

Bộ Ngoại giao – Tăng cường vị thế tại địa bàn cho các hội đoàn người Việt

Quan hệ của Việt Nam - Nhật Bản trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Với sự hợp tác sâu rộng và tin tưởng giữa hai chính phủ, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản có vai trò quyết định trong việc khẳng định sự ủng hộ của Nhà nước Việt Nam cho các hội đoàn người Việt ở nước ngoài, trong đó có AVIJ. Đối với cộng đồng, sự công nhận của Đại sứ quán là lời đảm bảo về tính chính danh của AVIJ, cũng như các hội đoàn người Việt khác. Sự ủng hộ và bảo trợ của Đại sứ quán dành cho AVIJ, từ việc xúc tiến thành lập cho đến các hoạt động của hội trong suốt những năm qua là cơ sở để AVIJ có được vị thế vững vàng trong hệ thống hội đoàn của người Việt tại Nhật Bản cũng như sự công nhận của các cơ quan hữu quan Nhật Bản.

Sự bảo trợ của Nhà nước Việt Nam mà đại diện là Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản dành cho AVIJ trước Chính phủ Nhật Bản đã giúp AVIJ được các cơ quan hữu quan Chính phủ Nhật Bản cũng như các tổ chức, đơn vị nước sở tại tạo điều kiện thuận lợi cho hội triển khai các hoạt động, thực hiện vai trò là nơi kết nối của các trí thức Việt Nam tại Nhật Bản cũng như kết nối với trí thức Nhật Bản.

Đây chính là nhiệm vụ mà Nghị quyết 169 đã nêu, đó là “tập trung củng cố các hội đoàn truyền thống, chú trọng xây dựng lực lượng nòng cốt trong các tổ chức quần chúng ở ngoài nước, khuyến khích việc thành lập các hình thức hội đoàn mới, tư vấn, hướng dẫn các bước thành lập và hoạt động hội đoàn” và “tăng cường hỗ trợ hoạt động hướng về quê hương của các hội đoàn”.

Chủ tịch AVIJ Tạ Việt Phương khẳng định Đại sứ quán đã thực hiện vai trò thúc đẩy, thống nhất các hội nhóm trí thức riêng lẻ, mở đường cho sự hình thành một hội trí thức thống nhất, hoạt động có tôn chỉ, mục đích và phương hướng cụ thể, nhận được sự công nhận của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản và cũng như chính phủ Nhật Bản. Theo ông Tạ Việt Phương, không chỉ giới hạn ở phạm vi Việt Nam và Nhật Bản, Đại sứ quán còn là cầu nối để AVIJ mở rộng phạm vi hoạt động, kết hợp với các cộng đồng trí thức Việt Nam ở các nước khác trên thế giới.

Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản thực hiện tốt vai trò bảo trợ cho AVIJ cũng như các hội đoàn khác của người Việt tại Nhật Bản, chính là nhiệm vụ mà Nghị quyết 36 đã đề ra. Đó là “Nhà nước có trách nhiệm thỏa thuận với các nước hữu quan về khuôn khổ pháp lý để đồng bào ổn định cuộc sống và bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài theo luật pháp, công ước và thông lệ quốc tế; khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài hội nhập và thực hiện nghiêm chỉnh luật pháp nước sở tại, chăm lo xây dựng cuộc sống, làm ăn thành đạt, nêu cao tinh thần tự trọng và tự hào dân tộc, đoàn kết đùm bọc, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nước sở tại với quê hương”.

Bên cạnh việc bảo trợ cho AVIJ, thực hiện đề án “Hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, trí thức, doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài” trong chương trình hành động của Nghị quyết 169, Đại sứ quán còn chủ động thực hiện các cuộc gặp mặt, trao đổi với cộng đồng người Việt tại Nhật Bản, trong đó có sự kiện “Gặp mặt 100 trí thức Việt Nam tiêu biểu tại Nhật Bản”.

Tại buổi gặp mặt, Đại sứ Việt Nam Phạm Quang Hiệu bày tỏ mong muốn Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản cùng cộng đồng trí thức ngày càng có nhiều nghiên cứu, đề xuất và đóng góp ý kiến thiết thực, hiệu quả hơn nữa, làm cầu nối giúp Việt Nam ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến của Nhật Bản để giải quyết các bài toán, các yêu cầu đặt ra trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Buổi gặp mặt đã nhận được các ý kiến đóng góp từ hơn 20 giáo sư, phó giáo sư Việt Nam trong các ngành công nghệ thông tin, vi mạch, vật liệu, y tế, nông nghiệp, kinh tế… đang giảng dạy trong các trường đại học, viện nghiên cứu trên khắp nước Nhật Bản; 15 chủ tịch, giám đốc, quản lý doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đã đánh giá lực lượng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản luôn có những hoạt động thiết thực hướng về Tổ quốc với nhiều tư vấn phản biện chính sách cũng như nhiều hoạt động hỗ trợ, đào tạo, tổ chức nhiều diễn đàn để kết nối chia sẻ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Hỗ trợ nguồn lực ổn định

Cùng với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đóng vai trò bảo trợ cho AVIJ trước Chính phủ Nhật Bản và cộng đồng người Việt, Bộ Kế hoạch – Đầu tư là đơn vị hỗ trợ hiệu quả các hoạt động của AVIJ. Theo tinh thần đề án “Vận hành và phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nước giai đoạn 2021-2026” của Nghị quyết 169, một trong hội liên kết với AVIJ là Mạng lưới Đổi mới sáng tạo mở Việt – Nhật (VJOIN).

Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIN 100) thành lập ngày 19/8/2018 dưới sự chủ trì của Chính phủ cùng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục và Đào tạo với mục tiêu kết nối các chuyên gia khoa học – công nghệ Việt Nam hàng đầu trên thế giới nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn chất xám phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. VIN 100 kết nối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) là đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02/10/2019 với chức năng hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học và công nghệ.

Theo chủ trương này, VJOIN được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ thành lập vào năm 2019 với tầm nhìn là nền tảng mở cầu nối giữa các giải pháp chuyên nghiệp và trí tuệ với nhu cầu công nghiệp và học thuật ở Việt Nam và Nhật Bản. Nhiều thành viên trong thành viên Ban chấp hành AVIJ đồng thời là thành viên Ban chấp hành VJOIN như Chủ tịch AVIJ Tạ Việt Phương phụ trách doanh nghiệp tại Nhật Bản của VJOIN hay Cố vấn AVIJ Lê Đức Anh phụ trách mảng nghiên cứu trong trường đại học tại Nhật Bản của VJOIN.

Như vậy, cùng với sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, AVIJ còn nhận được sự đồng hành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong mục tiêu thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn chất xám Việt Nam trên thế giới để thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học và công nghệ.

Chủ tịch AVIJ Tạ Việt Phương khẳng định sự đồng hành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giúp cho AVIJ có một nguồn lực ổn định để xúc tiến thành công các hoạt động của hội, tiêu biểu như Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, Dự án Tuyển tập Giới thiệu Khoa học – Công nghệ Nhật Bản cùng nhiều dự án khác.

Từ những kết quả trên cho thấy, sự hỗ trợ và phối hợp hiệu quả của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc hỗ trợ cho Hội trí thức Việt Nam tại Nhật Bản chính là thực hiện tốt nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết 169. Đó chính là “Xây dựng các biện pháp đồng bộ, củng cố, hỗ trợ các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài” và “Nghiên cứu xây dựng cơ chế, kế hoạch phối hợp thường xuyên giữa các tổ chức chính trị - xã hội trong nước với các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài”.

Chủ tịch AVIJ Tạ Việt Phương cho biết Hội trí thức Việt Nam hiện nay quy tụ khoảng 2.000 thành viên nòng cốt từ khắp nơi Nhật Bản, đều là những cá nhân ưu tú, năng động và mong muốn được đóng góp cho Tổ quốc, cho quan hệ Việt Nam – Nhật Bản.

Có thể khẳng định, với những thành công đã đạt được, lực lượng trí thức, doanh nhân khởi nghiệp và đông đảo các du học sinh tràn đầy nhiệt huyết đang đóng vai trò đầu tàu cho sự phát triển của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản, đồng thời trở thành cầu nối cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.

Sự thành công của Hội trí thức Việt Nam tại Nhật Bản một lần nữa đã chứng tỏ chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong công tác người Việt ở nước ngoài khi luôn luôn “coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, thành công của cộng đồng người Việt cũng chính là thành công của đất nước Việt Nam”.

Bài cuối: Đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương

Những nỗ lực của các thành viên trong Hội trí thức Việt Nam tại Nhật Bản cùng với sự hỗ trợ của Đại sứ quán và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, rõ ràng đã làm tăng vai trò, vị thế cũng như độ nhận diện của AVIJ trong cộng đồng người Việt Nam cũng như với chính phủ, giới doanh nghiệp Nhật Bản.

Đó là một thành công lớn khi AVIJ đã tạo được một nền tảng bước đầu. Phong trào của AVIJ tại Nhật Bản phát triển mạnh, đa dạng và sôi nổi, được nhận xét là đầu tàu cho cộng đồng người Việt nói chung tại địa bàn. Tuy nhiên, mục tiêu bao trùm của AVIJ không chỉ giới hạn ở cộng đồng người Việt tại địa bàn mà là sự đóng góp hiệu quả của trí thức Việt Nam tại Nhật Bản cho đất nước.

Vẫn còn những trăn trở

Đề cập những thành quả mà AVIJ đạt được, Chủ tịch AVIJ nhận định kể từ khi thành lập vào tháng 11/2019 đến nay, hội đã có những hoạt động có tầm vóc, có tính thường xuyên như Tuyển tập Giới thiệu Khoa học - Công nghệ Nhật Bản, Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, các hội thảo chuyên đề thường xuyên hàng tháng do các hội liên kết thức hiện.…

Chủ tịch AVIJ Tạ Việt Phương cho rằng đó những sản phẩm mang tính thương hiệu của cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, giúp định vị AVIJ là một tổ chức cộng đồng có uy tín cao về học thuật - khoa học.

Theo anh Tạ Việt Phương, AVIJ đã vượt qua được những khó khăn của những ngày đầu để xây dựng được hội trí thức hoạt động mạnh tại địa bàn như ngày nay. Mục tiêu bây giờ là “tiến lên phía trước”, đó chính là trong tương lai làm sao tận dụng được nguồn trí thức Việt Nam tại Nhật Bản một cách hiệu quả nhất.

Về điều này, Chủ tịch AVIJ thừa nhận vẫn còn những vấn đề mà các trí thức Việt Nam tại Nhật Bản trăn trở.

Đầu tiên là hiệu quả thực chất gặt hái từ những hoạt động của hội tại địa bàn. Chủ tịch AVIJ khẳng định các hoạt động mà hội tổ chức được đến nay như Vietnam Summit in Japan 2023, các hội thảo chuyên đề được tổ chức đều đặn hàng tháng chắc chắn là bổ ích, giúp hội xây dựng được một nền tảng tốt vì thu hút được sự tham gia tích cực của các trí thức với nhiều ý kiến chia sẻ, đóng góp sôi nổi, chắc chắn là bổ ích nhưng rất khó định lượng mặt hiệu quả thực chất.

Tuy nhiên, nếu đặt câu hỏi rằng các kiến thức, ý kiến trao đổi, chia sẻ tại Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản các năm, các hội thảo chuyên đề hàng tháng… đọng lại ở đâu, bao nhiêu người gặt hái được lợi ích từ đó, đem lại hiệu quả kinh tế như thế nào, có ra được đề án khoa học nào từ các buổi thảo luận đó hay không, thì rất khó để có câu trả lời.

Trăn trở thứ hai là sự kết nối giữa trí thức Việt Nam tại Nhật Bản với trong nước. Theo Chủ tịch Tạ Việt Phương, nhờ sự hỗ trợ của Đại sứ quán và các bộ như Bộ Kế hoạch và Đầu tư…, AVIJ đã có được sự kết nối với trong nước nhưng sự kết nối này vẫn còn hạn chế, hầu như chỉ trong phạm vi với những bộ, ban, ngành đang phối hợp với hội hiện nay.

Tại Việt Nam, ngoài các cơ quan có phối hợp với hội như Đại sứ quán, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ…, không nhiều nơi biết đến Hội trí thức Việt Nam tại Nhật Bản. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để mở rộng sự kết nối giữa các chuyên gia Việt Nam tại Nhật Bản với nhiều bộ, ban, ngành hơn ở Việt Nam, làm sao để có thêm kênh liên lạc với các bộ, ban, ngành để từ đó đưa ra được các công việc thực chất hơn như tư vấn chính sách công...

Không chỉ kết nối với các bộ, ban, ngành, các trí thức Việt Nam tại Nhật Bản còn muốn xúc tiến việc kết nối với các doanh nghiệp của Việt Nam liên quan đến vấn đề chuyển giao công nghệ hay tư vấn.
Băn khoăn thứ ba là vấn đề cơ chế. Anh Tạ Việt Phương nêu lên một ví dụ liên quan đến gợi ý AVIJ xúc tiến việc chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.

Anh cho biết lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng đưa ra gợi ý này. Xét về cả bối cảnh và năng lực, đây là một gợi ý rất hợp lý. Thứ nhất, nếu việc chuyển giao công nghệ do các doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản tiến hành, thì chi phí cho việc chuyển giao này là khá lớn và mức độ chuyển giao có giới hạn. Tức là nếu so sánh về chi phí và mức độ thực hiện thì hướng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản sẽ có chi phí thấp hơn và mức độ chuyển giao sẽ cao hơn.

Thứ hai, tình trạng dân số già của Nhật Bản đã làm nảy sinh thực trạng có nhiều doanh nghiệp và nhỏ tại Nhật Bản có những kỹ thuật, công nghệ có giá trị cao được đúc rút từ nhiều thế hệ nhưng do dân số lão hóa, thiếu lao động nên các doanh nghiệp này không phát triển được, thậm chí còn bị thu hẹp và xóa sổ.

Các doanh nghiệp Nhật Bản nhỏ và vừa Nhật Bản rất thiếu người, trong khi Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng. Bài toán đặt ra là làm sao để đưa lực lượng trẻ Việt Nam vào làm việc, vừa giúp các doanh nghiệp này duy trì, thậm chí phát triển hoạt động, đồng thời các lao động Việt Nam cũng tiếp thu được công nghệ để chuyển giao cho doanh nghiệp Việt Nam.

Một ý tưởng lớn như vậy cần phải có kế hoạch với đường hướng, biện pháp và mục tiêu được vạch ra một cách cụ thể. Đó chính là cơ chế. Có cơ chế làm nền tảng, các trí thức Việt Nam tại Nhật Bản mới có thể vạch ra kế hoạch hành động, dự án cụ thể để triển khai.

Như vậy, ba trăn trở của các trí thức Việt Nam tại Nhật Bản hiện nay gồm: làm thế nào để mở rộng kết nối với các bộ, ban, ngành trong nước để từ đó có những dự án cụ thể; tiếp xúc với các doanh nghiệp trong nước để tìm hiểu nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước với khoa học – công nghệ Nhật Bản và cơ chế để AVIJ có thể tự tạo cho mình được nguồn lực tài chính thay vì chỉ dựa vào nguồn tài chính từ việc xin tài trợ và phí thành viên.

Mong muốn của các trí thức Việt Nam

Từ những băn khoăn trên, có thể thấy bên cạnh việc ủng hộ cho hội hoạt động tích cực tại Nhật Bản, AVIJ cũng cần đến sự quan tâm mạnh hơn của các bộ, ban, ngành để có thể thực hiện các hoạt động phối hợp với trong nước.

Mong muốn đầu tiên là truyền thông trong nước để làm tăng độ nhận diện của hội tại Việt Nam. Mục tiêu truyền thông thứ nhất là hướng đến đối tượng bộ, ban, ngành và mục tiêu truyền thông thứ hai là hướng đến các doanh nghiệp để tìm hiểu các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu gì và các trí thức Việt Nam tại Nhật Bản có thể đáp ứng được như thế nào.

Để đáp ứng được yêu cầu này, cần tạo ra một sân chơi, một kênh chính thức cho AVIJ tại Việt Nam, đồng thời có biện pháp truyền thông rộng rãi để thêm nhiều cơ quan, doanh nghiệp trong nước biết đến vai trò, năng lực và mục tiêu của AVIJ. Chủ tịch AVIJ cho rằng việc giao lưu thường xuyên và mở rộng hơn sẽ mở thêm các cơ hội.

Mong muốn thứ hai là vấn đề cơ chế. Để sự phối hợp giữa AVIJ với các đơn vị trong nước đạt hiệu quả, cần có những có những dự án, trong đó có có đề bài, có kinh phí và có sự bàn giao với kết quả rõ ràng, định lượng được. Tiếp đó, để triển khai được các dự án, cần phải có cơ chế phù hợp để thu hút các trí thức Việt Nam tại Nhật Bản tham gia.

Trên thực tế, việc kêu gọi các trí thức Việt Nam tại Nhật Bản về nước làm việc sẽ không có tính khả thi cao vì họ đã có cuộc sống, công việc ổn định, hơn nữa mục tiêu là tận dụng được nguồn kiến thức mà các trí thức tích lũy trong quá trình học tập và làm việc tại Nhật Bản. Vậy làm thế nào để các trí thức Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản nhưng vẫn có thể đóng góp hiệu quả cho đất nước thông qua những dự án mà họ có thể làm ngoài giờ. Đó chính là tạo cơ chế, chẳng hạn như có chế độ chuyên gia Việt Nam tại nước ngoài với những đãi ngộ hợp lý căn cứ trên đóng góp của mỗi người cho các dự án, công trình...

Mục tiêu của cơ chế này không chỉ thu hút được chuyên gia Việt Nam tham gia vào các dự án, công trình mà còn tạo ra nguồn tài chính ổn định từ chính dự án hội đảm nhận. Để có nguồn tài chính ổn định, AVIJ cần có nguồn dự án có cam kết lâu dài, tối thiểu là từ 2 năm. Cuối cùng, một dự án có nguồn kinh phí, có thời hạn sẽ cần có các nhân lực chuyên trách với lương sẽ do chính nguồn tiền từ dự án chi trả.

Lấy ví dụ về gợi ý AVIJ xúc tiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam. Một dự án như vậy cần phải nhân lực chuyên trách, chuyên nghiệp, có chuyên môn phù hợp để lên chương trình, biện pháp… cụ thể vì các trí thức Việt Nam tại Nhật Bản có thể không đúng chuyên môn, đồng thời là những người kiêm nhiệm, tức là gánh vác công việc của hội trong khi vẫn đang làm công việc tại Nhật Bản. Việc các thành viên AVIJ đồng thời đảm nhiệm quá nhiều việc sẽ quá sức, không đảm bảo chất lượng và tiến độ.

Ví dụ, với mục tiêu A và một nguồn quỹ cố định, giao Hội Trí thức tại Nhật Bản hoặc Mạng lưới đổi mới sáng tạo tại Nhật Bản một dự án và cam kết chuyển giao được bao nhiêu công nghệ trong vòng 3 năm. Hội sẽ tìm nhân lực chuyên trách cho dự án, đảm nhiệm những đầu việc trong quá trình triển khai thực thi dự án như làm việc với toàn bộ các phòng thương mại công nghiệp của từng tỉnh, từ đó kết nối tìm kiếm các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản, tìm hiểu xem họ có những kỹ thuật gì và doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được đến đâu, rồi sau đó trao đổi với các chuyên gia trong AVIJ đóng vai trò cố vấn để đánh giá, nhận định và vạch ra đường hướng triển khai.

Với những dự án như vậy, AVIJ vừa có có nguồn kinh phí chủ động để tuyển dụng nhân lực chuyên trách và ban chấp hành sẽ thực hiện vai trò cố vấn. Điều đó có nghĩa là hội vừa có kinh phí trả lương cho nhân lực vận hành, vừa có đãi ngộ cho các chuyên gia.

Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã xác định nhiệm vụ thứ 2 gồm “Hoàn chỉnh và xây dựng mới hệ thống chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước.

Xây dựng chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với những chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tư vấn về quản lý, điều hành, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao cho đất nước, góp phần phát triển nền văn hóa, nghệ thuật của nước nhà” và “Xây dựng và hoàn thiện các chính sách tạo thuận lợi và khuyến khích các ngành, các trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ, văn hóa nghệ thuật, giáo dục - đào tạo, y tế, thể dục - thể thao, các cơ sở sản xuất, dịch vụ... ở trong nước mở rộng hợp tác, thu hút sử dụng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia công việc ở trong nước, làm việc cho các chương trình, dự án hợp tác đa phương và song phương của Việt Nam với nước ngoài hoặc trong các tổ chức quốc tế có chỉ tiêu dành cho người Việt Nam và tư vấn trong các quan hệ giữa Việt Nam với đối tác nước ngoài”.

Nhiệm vụ thứ 6 trong Nghị quyết 169 của chính phủ cũng nêu rõ: “Khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc gồm xây dựng và triển khai Đề án tăng cường thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới”, trong đó có nhiệm vụ “tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan nhằm xây dựng và triển khai đồng bộ cơ chế, chính sách trong việc vận động các trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài, kết hợp hài hòa giữa trọng dụng và trọng đãi” và “triển khai các chương trình cụ thể thu hút những nhà khoa học, chuyên gia giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó quan tâm hơn nữa tới nhóm kiều bào trẻ, thông qua vai trò làm cầu nối giới thiệu hợp tác, chuyển giao công nghệ của nước ngoài. Phát triển mạng lưới kết nối nhân tài người Việt Nam đóng góp cho công cuộc phục hồi và phát triển đất nước. Trao quyền tự chủ hơn nữa cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước trực tiếp tham gia thu hút và sử dụng nguồn chất xám kiều bào”.

Chủ tịch AVIJ Tạ Việt Phương cho biết các hoạt động phong trào mạnh của AVIJ tại Nhật Bản đã khẳng định vai trò đầu tàu của hội tại địa bàn nhưng để hội có đóng góp nhiều hơn cho đất nước thì cần phải nâng tầm hoạt động. Không chỉ hoạt động cho cộng đồng, các trí thức Việt Nam tại Nhật Bản mong muốn đóng góp được những lợi ích thực chất hơn cho đất nước.

Những mong muốn của các trí thức Việt Nam tại Nhật Bản phù hợp với những nhiệm vụ đã được đề ra trong Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169 của Chính phủ. Để đạt được mong muốn này, cần sự quan tâm nhiều hơn từ trong nước, trong đó nền tảng là tạo cơ chế để tạo điều kiện cho các trí thức Việt Nam tại Nhật Bản được đóng góp nhiều hơn cho quê hương, theo đúng chủ trương, đường lối đã được Đảng và Nhà nước đã đề ra trong nghị quyết.

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất