Tác phẩm "Gieo mầm" Đảng, "gặt trái ngọt" trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Bình, Hà Tĩnh” của nhóm tác giả Hoàng Long - Bùi Tiến, Báo Bảo vệ pháp luật đã đoạt Giải Khuyến khích - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VIII - năm 2023. Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Kỳ 1: Đảng viên trẻ người Rục “thắp lửa” giữa đại ngàn giáp biên
“Mình còn trẻ, lại là Đảng viên, mình phải phấn đấu, phải làm việc nhiều, có kết quả tốt bà con mới tin, mới bầu mình làm Trưởng bản, làm Bí thư Chi bộ. Mà không chỉ mỗi mình đâu, các Đảng viên người Rục trong Chi bộ bản mình đều cố gắng noi gương, cố gắng hết sức, hết lực làm sao đó để đáp ứng được lòng mong chờ, mong mỏi của bà con dân bản…”.
Lời tựa: Người Rục, người Chứt ở Quảng Bình, Hà Tĩnh từng được mệnh danh là “người rừng”, bởi khi được Bộ đội Biên phòng phát hiện vào những năm cuối thế kỷ trước trong rừng sâu biên giới giáp nước bạn Lào, họ đang sinh tồn bằng săn bắt, hái lượm… Không biết đến nền văn minh bên ngoài đại ngàn nơi tộc người này sinh sống và tồn tại cả ngàn năm. Họ từng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Dưới ánh sáng chủ trương và đường lối của Đảng, người Rục, người Chứt trong rừng sâu được chính quyền, cơ quan chức năng thuyết phục, vận động bằng việc tập hợp quần cư sinh sống, dựng nên bản, nên làng, với tập quán sản xuất văn minh, hiện đại. Từ đó từng bước xóa bỏ tập tục, lạc hậu, đói nghèo.
Cũng từ đây, qua công tác vận động quần chúng, đưa ánh sáng của Đảng đến từng thôn, từng bản, những Đảng viên người Rục, người Chứt đầu tiên được kết nạp, là nhân tố nòng cốt trong công tác xây dựng và phát triển tổ chức Đảng trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Các Chi bộ Đảng do người Rục, người Chứt làm “thủ lĩnh” cùng từ đây được thành lập, góp phần thực hiện tốt chủ trương và quyết tâm chính trị của Đảng: “xóa bản trắng Đảng viên, bản trắng Chi bộ, xóa đói nghèo lạc hậu”.
Bí thư Chi bộ dẫn dắt bản làng
“Mình còn trẻ, lại là Đảng viên, mình phải phấn đấu, phải làm việc nhiều, có kết quả tốt bà con mới tin, mới bầu mình làm Trưởng bản, làm Bí thư Chi bộ. Mà không chỉ mỗi mình đâu, các Đảng viên người Rục trong Chi bộ bản mình đều cố gắng noi gương, cố gắng hết sức, hết lực làm sao đó để đáp ứng được lòng mong chờ, mong mỏi của bà con dân bản…”. Đó là lời nói chân thành của Bí thư Chi bộ, Đảng viên trẻ Cao Xuân Long, sinh năm 1994, ở Bản Mò O Ồ Ồ, thuộc xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình).
|
Chân dung Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Mò O Ồ Ồ Cao Xuân Long. |
Cao Xuân Long là người Rục gốc, là thế hệ thứ 2 của người Rục sau khi được chính quyền đưa từ rừng sâu, hang đá ra dựng nhà, lập bản ở vùng đệm Phong Nha – Kẻ Bàng.
Trước đó, khi vào bản gặp Cao Xuân Long, chúng tôi đã được ông Đinh Thanh Văn - Bí thư Đảng ủy xã Thượng Hóa giới thiệu, Long là 1 điển hình của người Rục vượt qua đói nghèo, lạc hậu, cố gắng học tập, vươn lên trở thành Đảng viên, là người nắm giữ 3 chức vụ trọng yếu của bản Mò O Ồ Ồ: Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, Trưởng ban công tác mặt trận của bản.
“Nay Long chỉ làm Bí thư Chi bộ, Trưởng bản thôi. Nhiệm vụ Trưởng ban công tác mặt trận bản Mò O Ồ Ồ giai đoạn 2017 -2022, Long đã hoàn thành xuất sắc, được Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Bằng khen, mời ra Hà Nội dự lễ vinh danh điển hình vào tháng 11/2022. Lần đó, Long là người trẻ nhất toàn quốc được vinh danh đấy” – Thiếu tá Đinh Lâm Viên – Đồn Biên phòng Cà Xèng cho biết.
Trên đường dẫn chúng tôi qua những cung đường quanh co, uốn lượn giữa đại ngàn Thượng Hóa, vào với 3 bản của người Rục nơi đây (bản Mò O Ồ Ồ, bản Ón và bản Yên Hợp), Thiếu tá Đinh Lâm Viên cho biết, những năm gần đây được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, đường sá vào với bản người Rục được quan tâm, được đầu tư xẻ núi, bạt đồi làm đường nhựa, đường bê tông chạy vào tận chân nhà dân.
“Nhưng những dịp mưa lũ lớn, thì các bản vẫn bị ngập, bị cô lập. Như mùa lũ tháng 10/2020, các bản bị cô lập hơn 1 tháng trời, giữa mênh mông biển nước. Chính quyền và Biên phòng chúng tôi phải nỗ lực hết sức để cứu trợ, tiếp tế, không để bà con đói, rét, bệnh tật” – Thiếu tá Viên kể. Chúng tôi nhớ lại, thì đúng thế thật. Lần đó, Báo Bảo vệ pháp luật kêu gọi, kết nối cứu trợ, khi về đây, chỉ có thể dừng xe trên đường Hồ Chí Minh, đổ hàng cứu trợ xuống để từng con thuyền của chính quyền, Biên phòng tiếp nhận, vượt biển nước mênh mông đưa vào cho bà con dân bản.
Lần này vào bản Mò O Ồ Ồ, chúng tôi ngạc nhiên trước khung cảnh sạch sẽ, hiện đại, rất hữu tình của những ngôi nhà người Rục nằm giữa lòng núi, bốn bề xanh mướt cây tràm, cây keo. Đón chúng tôi từ chân đường bê tông, đưa lên ngôi nhà sạch sẽ, ngăn nắp, Bí thư Chi bộ Cao Xuân Long cho biết: “Mình vừa đi làm rừng về”. Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi khi từ sáng đến đầu giờ chiều trời mưa, Long cười: “Mưa nhỏ mà, mình vào rừng chăm mấy cây tràm. Mình phải vào làm cho bà con làm theo. Chứ mình ở nhà bà con nhìn vào, cũng ở nhà chơi à”. Rồi Long chỉ lên vách nhà khoe: “Nhà báo thấy không, mình được khen nhiều lắm. Trong tủ còn cất nhiều bằng khen, giấy khen nữa”.
Nhìn theo tay chỉ, thấy người Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Mò O Ồ Ồ này được khen thưởng nhiều thật. Nổi bật nhất, là Bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khen “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác mặt trận giai đoạn 2017 – 2022”; Bằng khen của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình khen “Đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2021”; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khen “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác cũng cố, phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2014 – 2019”…
Chúng tôi biết, để có được sự ghi nhận xứng đáng này, người Đảng viên Cao Xuân Long đã phải nỗ lực và nỗ lực không ngừng. Bởi Cao Xuân Long thiệt thòi từ nhỏ, khi sinh ra trong một gia đình có 8 anh chị em, bố mất sớm khi Long lên 10 tuổi. Ngày đó đói khổ trăm bề, nhưng với ý thức và ý chí mãnh liệt, chàng trai người Rục nhỏ bé này đã vượt qua được những năm tháng gian khó, quyết tâm đi tìm con chữ, tốt nghiệp được Trung học phổ thông.
“Năm 2013 mình tốt nghiệp Trung học phổ thông, đã đăng ký vào đại học rồi, nhưng gia đình khó khăn, thương mẹ thương các em ở nhà vất vả, mình đành về lại bản lấy vợ, quyết tâm làm kinh tế, để có điều kiện giúp các em được đến trường” – Cao Xuân Long tâm sự.
Với kiến thức có được sau 12 năm đèn sách, cùng với việc ham học hỏi, Cao Xuân Long đã áp dụng được những hiểu biết của mình vào lao động, sản xuất, đưa kinh tế gia đình ra khỏi vòng khốn khó. Không những thế, Long còn rất năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc thôn bản, nên không lâu sau đó được bầu làm Phó Bí thư Chi đoàn. Đến năm 2017, quần chúng ưu tú Cao Xuân Long được kết nạp vào Đảng. Cũng năm này, dân bản đã tin yêu bầu người Đảng viên trẻ tuổi này làm Trưởng bản. Sau 2 năm (2019), Cao Xuân Long chính thức được bầu giữ chức vụ Bí thư Chi bộ bản Mò O Ồ Ồ, một mình đảm trách 3 nhiệm vụ nặng nề mà cấp trên, dân bản tin tưởng giao phó.
“Mình làm một lúc nhiều nhiệm vụ nặng nề, nhưng đã được các đồng chí Đảng viên, bà con tín nhiệm thì mình cũng phải cố gắng phấn đấu, vươn lên để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” – Cao Xuân Long tâm sự.
“Đảng viên càng trẻ thì càng phải có trách nhiệm, nêu gương”.
Đấy là khẳng định chắc như cây gỗ lim trong rừng Phong Nha – Kẻ Bàng của Đảng viên Cao Xuân Nhàn – Trưởng bản Yên Hợp, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Nhàn hiện là Đảng viên người Rục trẻ nhất, cũng là Trưởng bản trẻ nhất.
Cao Xuân Nhàn sinh năm 1998, năm 23 tuổi (2021), lúc đang là cán bộ Chi đoàn bản Yên Hợp, Nhàn được bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng. Sau đó hơn một năm, với sự năng nổ của 1 Bí thư Chi đoàn, Tổ trưởng Tổ xung kích quản lý bảo vệ rừng bản Yên Hợp, Cao Xuân Nhàn được bà con dân bản tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng bản.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà sạch sẽ, ngăn nắp, trên vách nhà cũng treo nhiều giấy khen ghi nhận thành tích người Đảng viên trẻ tuổi này đã đạt được. Nói chuyện với khách lạ, Cao Xuân Nhàn không giấu được niềm tự hào khoe ông nội, ông ngoại mình là Đảng viên. Noi gương gia đình, Nhàn phấn đấu được kết nạp Đảng sớm, là Đảng viên trẻ tuổi nhất trong Chi bộ bản Yên Hợp.
“Được đứng vào ngũ Đảng thì mình rất vinh dự, tự hào. Trách nhiệm là Đảng viên trẻ tuổi thì mình phải ý thức về lối sống, gương mẫu hơn cho bà con họ noi gương, để các bạn trẻ trong bản họ nhìn vào mình họ phấn đấu” – Cao Xuân Nhàn chia sẻ.
Bí thư Cao Xuân Nhàn tâm sự: “Mình được ra ngoài tiếp xúc, hiểu biết nhiều hơn bà con dân bản, nên mình đã cố gắng học tập để về triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế gia đình, an ninh trật tự, đảm bảo cuộc sống của bà con. Mình luôn nói các đồng chí Đảng viên trong bản phải thực hiện nêu gương, để bà con làm theo mình, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, hương ước của thôn bản. Mình cùng với bà con đoàn kết, chung sức làm kinh tế, phát triển kinh tế, để bà con dân bản không còn đói khổ, thiếu ăn thiếu mặc”.
Cao Xuân Nhàn cũng chia sẻ là Đảng viên, Trưởng bản trẻ tuổi, còn có những khó khăn, hạn chế trong công việc, nhưng được bà con dân bản tin tưởng và tín nhiệm, nên chí hướng tiếp tục cố gắng phấn đấu, hết sức chăm lo cho bà con dân bản
“Là bản dân tộc, nên bà con không được học hành nhiều, có nhiều cái còn hiểu biết hạn chế nên bà con hay hỏi, mình phải giải thích, động viên. Ngoài ra ở đây có Chi bộ, có các Đảng viên, cũng như cán bộ Biên phòng, Đảng ủy xã đã thường xuyên gặp gỡ, động viên, tuyên truyền bà con, vận động bà con sống, lao động theo đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nên mình rất yên tâm làm công việc của mình, tiếp tục cố gắng phấn đấu, hết sức chăm lo cho bà con dân bản” – Cao Xuân Nhàn tâm sự.
Kỳ 2: Những đảng viên người Chứt nỗ lực giúp bà con vượt qua định kiến và hủ tục
Là nữ Trưởng bản đầu tiên của người Chứt ở Hà Tĩnh, đảng viên trẻ Hồ Thị Kiên từng bước vượt qua áp lực, định kiến và hủ tục, góp phần đưa đồng bào mình ở bản Rào Tre hòa nhập, làm quen với cuộc sống, tập quán mới, được ví như “vùng sáng” văn minh của đồng bào dân tộc nơi đây.
Bản lĩnh của nữ Đảng viên, Trưởng bản Rào Tre
Người Chứt ở Hà Tĩnh, thực ra cùng tộc với người Rục ở Quảng Bình. Khi được đưa ra khỏi rừng sâu dựng nhà, lập thành bản Rào Tre dưới chân núi Kà Đay, (thuộc xã Hương Liên, huyện Hương Khê), họ vẫn giữ nguyên nếp xưa với rất nhiều định kiến, hủ tục lạc hậu, trong đó có định kiến Trưởng bản phải là người đứng tuổi, uống rượu giỏi, am hiểu tục lệ ma chay cổ xưa…
Chỉ đến khi Hồ Thị Kiên, người con sinh năm 1988 của đồng bào Chứt nơi đây trưởng thành, được địa phương, Bộ đội biên phòng bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng, định kiến này mới được xóa bỏ, khi nữ Đảng viên trẻ này được giao trọng trách làm Trưởng bản Rào Tre vào năm 2015. Khi đó, Hồ Thị Kiên mới 27 tuổi.
|
Đảng viên Hồ Thị Kiên đã có 8 năm làm Trưởng bản Rào Tre. |
“Khi đó bản thân tôi còn trẻ, lại là phụ nữ, áp lực nhiều lắm, bởi nhiều người hoài nghi về tôi, chưa thực sự tin tưởng. Nhưng nhờ có sự động viên, hướng dẫn, tạo điều kiện của cán bộ xã, nhất là cán bộ Biên phòng cắm bản, nên bản thân tôi từng bước vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đến nay đã 8 năm làm Trưởng bản, làm cả Phó Bí thư Chi bộ bản Rào Tre” – chị Hồ Thị Kiên tâm sự.
Trước đó, khi đưa chúng tôi xuống bản gặp Hồ Thị Kiên, Trung tá Nguyễn Văn Thiên – Tổ trưởng Tổ biên phòng cắm bản Rào Tre (Đồn Biên phòng Bản Giàng) đã kể qua về năng lực, bản lĩnh thực sự của nữ Trưởng bản này.
“Người Chứt trước đây phần lớn thất học, dựng vợ, gả chồng sớm, nhưng với Hồ Thị Kiên lại khác. Không chỉ là người chịu khó theo học kiếm con chữ, mà còn chịu khó “hướng ngoại”, giao lưu học hỏi cái hay, cái tốt ở ngoài xã hội, tự mình học hỏi, tiếp thu và áp dụng vào thực tế bản làng, đến năm 19 tuổi mới chịu lấy chồng là người cùng bản, chí thú lao động, sản xuất, vận động bà con xóa bỏ hủ tục lạc hậu, tập trung canh tác để có cái ăn, cái mặc” – Trung tá Nguyễn Văn Thiên kể.
Bản lĩnh thực sự của Hồ Thị Kiên, cũng được thể hiện qua câu chuyện kể về thời gian học cảm tình Đảng. Thời điểm đó, Hồ Thị Kiên mới sinh con, địa điểm học tập ở mãi dưới xuôi, thời gian học theo quy định 1 tuần. Nhưng chí hướng phấn đấu được đứng vào hàng ngũ Đảng khiến chị nỗ lực, buổi sáng vượt gần 30km xuống Trung tâm bồi dưỡng chính trị học, trưa quay về cho con bú, đầu chiều lại xuống học. Các thầy ở trung tâm thương tình, tạo điều kiện về thời gian học tập, nhưng Hồ Thị Kiên vẫn không chịu đón nhận, quyết tâm theo học đúng, đủ thời gian.
Khi đã trở thành Đảng viên, nữ Trưởng bản Hồ Thị Kiên đã nỗ lực đi đầu trong vận động bà con lao động, sản xuất, sinh hoạt theo nếp sống mới. Để nêu gương, Kiên cùng chồng tiên phong cải tiến phương thức canh tác, chăn nuôi, bằng cách phá bỏ cây tạp trong vườn, trồng nhiều cây ăn quả, nuôi nhiều lợn, nhiều gà, thâm canh lúa nước… Hiệu quả kinh tế từ đó tăng theo từng năm, thu nhập ngày một nhiều hơn. Bà con dân bản thấy thế, cũng bắt đầu học làm theo, bước đầu có kết quả tốt.
“Từ đó, mình nói bà con nghe, mình hướng dẫn bà con theo, kể cả trong việc cho con cái đến trường, khám chữa bệnh ở cơ sở y tế… Mình luôn cùng Bộ đội Biên phòng, cán bộ xã tuyên truyền, vận động bà con sống và lao động, sản xuất theo chủ trương, đường lối mới của Đảng” – Hồ Thị Kiên chia sẻ và cho biết, các Đảng viên người Chứt trong bản Rào Tre cũng là những nhân tố nòng cốt, luôn phát huy tính tiên phong, gương mẫu của Đảng viên trong tất cả các lĩnh vực đời sống, lao động, đảm bảo an ninh chính trị.
Ghi nhận sự đóp góp tích cực của nữ Đảng viên Hồ Thị Kiên, ngoài việc tỉnh, huyện và xã nhiều lần khen thưởng, năm 2020, nữ Trưởng bản Rào Tre đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, vì đã có thành tích trong phong trào thi đua về xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo, thực hiện chính sách dân tộc và miền núi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Nòng cốt Đảng viên giúp đồng bào bước ra “vùng sáng”
Chi bộ bản Rào Tre tính đến nay mới hơn 6 năm thành lập, nhưng cách đây 20 năm, đã có người Chứt trong bản được kết nạp Đảng. Bà Hồ Thị Nam là một trong số đó, nhưng là nữ Đảng viên đầu tiên của người Chứt.
Bà Hồ Thị Nam sinh năm 1965 trong rừng sâu núi thẳm, sinh sống với người đồng bào mình trên dãy Trường Sơn, sống đời sống nguyên thủy, săn bắt, hái lượm, ở hang đá... Mãi đến năm 1991, nhóm người Chứt này mới được Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phát hiện, gom lại đưa về dưới chân núi Kà Đay.
Trong ký ức của bà Nam, những ngày đó nhiều người đồng bào của bà quen núi, nhớ rừng, đã nhiều lần bỏ nhà, bỏ bản trốn vào rừng sâu, khiến Bộ đội Biên phòng rất vất vả để tìm về.
“Đến năm 2001 rồi, mà cán bộ cắm bản chúng tôi vẫn còn phải tìm họ đưa về bản, dựng nhà, cho họ cái ăn cái mặc, kể cả tắm cho họ, động viên, thuyết phục họ bám bản, giữ nhà, sống ổn định ở bản Rào Tre. Và để giữ họ lại yên tâm lao động, sản xuất, thì phải có Đảng viên người đồng bào, đi đầu gương mẫu, làm công tác vận động quần chúng, thuyết phục đồng bào Chứt, có như vậy thì họ mới nghe, mới theo. Công tác phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp người Chứt vào Đảng có từ đó, bà Hồ Thị Nam là một trong số đó” – Trung tá Nguyễn Văn Thiên, Tổ trưởng Tổ Biên phòng cắm bản Rào Tre cho biết.
Bà Hồ Thị Nam được kết nạp Đảng vào năm 2003. Nhớ lại giây phút đó, bà vẫn còn nguyên xúc động, tự hào: “Hồi đó chúng tôi được Bộ đội Biên phòng giúp ổn định chỗ ở, cái ăn, yên tâm sinh sống, lại được mang họ Bác Hồ. Sau còn được đứng vào hàng ngũ của Đảng nên vui lắm, tự hào lắm. Tự thấy trách nhiệm của mình cao hơn, phải ý thức chấp hành tốt hơn, nỗ lực cống hiến hơn cho bà con dân bản, vì mình đã là Đảng viên”.
Theo thời gian, từ 3 Đảng viên ban đầu, đến nay Chi bộ Đảng bản Rào Tre đã có 9 Đảng viên là người dân tộc Chứt, trong đó có 2 người con gái của bà Hồ Thị Nam là Hồ Thị Duyên (SN 1995) và Hồ Thị Khuyên (SN 2000). Đáng chú ý nữ Đảng viên Hồ Thị Duyên đã noi gương mẹ, luôn nỗ lực học tập, nhiệt tình với công việc của bản, giữ các chức vụ Bí thư Chi đoàn, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Rào Tre.
Đáng chú ý hơn, Duyên là người con gái dân tộc Chứt ở bản Rào Tre đầu tiên dám vượt qua luật tục, lựa chọn cho mình một người chồng “ngoại tộc”, tạo nên cuộc kết duyên vợ chồng lịch sử giữa người Chứt và người Kinh ở đây.
Đánh giá về vai trò gây dựng, phát triển Đảng viên, xây dựng Chi bộ Đảng ở bản Rào Tre, ông Trần Phúc Anh – Bí thư Đảng ủy xã Hương Liên nhận định: "Chính những nữ Đảng viên người Chứt ở bản Rào Tre, là một trong những nhân tố tiên phong để xây dựng, phát triển Đảng viên, phát triển Chi bộ Đảng, xây dựng tổ chức Đảng trong đồng bào dân tộc. Họ chính là nòng cốt, là cầu nối giữa Đảng và dân, là những “hạt giống đỏ” đã trưởng thành, ươm mầm thêm nhiều “hạt giống đỏ” kế tiếp trong tương lai cho địa phương và bản làng dân tộc".
Kỳ 3: Bí quyết ươm “hạt giống đỏ” trong vùng đồng bào người Rục, người Chứt
Phát hiện nhân tố điển hình, bồi dưỡng kết nạp Đảng cho người Rục, người Chứt ở Quảng Bình, Hà Tĩnh đã khó, nhưng để thành lập và duy trì hoạt động của Chi bộ thôn bản nơi đây, lại là một hành trình khó hơn. Chính những cán bộ cắm bản, cùng sinh hoạt Đảng với Chi bộ người đồng bào là những nhân tố tích cực góp phần gây dựng, phát triển và duy trì tổ chức Đảng ở cơ sở, ươm mầm “hạt giống đỏ” từ thôn bản.
Không để bản “trắng Đảng viên, trắng Chi bộ”
Ngược dòng lịch sử, đến những năm 1960 người Chứt ở Hà Tĩnh mới được bộ đội phát hiện ở trong rừng sâu. Nhưng thực sự được đưa về, dựng bản Rào Tre ổn định cuộc sống dưới chân núi Kà Đay ở xã Hương Liên, phải đến những năm 2000.
Trung tá Nguyễn Văn Thiên – Tổ trưởng Tổ Biên phòng cắm bản Rào Tre kể, “Đến năm 2001 rồi, mà cán bộ cắm bản chúng tôi vẫn còn phải tìm những hộ dân trốn vào rừng đưa về bản, dựng nhà, cho họ cái ăn cái mặc, kể cả tắm cho họ, động viên, thuyết phục họ bám bản, giữ nhà, sống ổn định ở bản Rào Tre”.
Để giữ đồng bào ở lại yên tâm lao động, sản xuất, xây dựng bản làng thì phải có người “nói họ nghe, làm họ nể”, cần gây dựng các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể tại thôn bản. Đảng viên và chi bộ đảng được xác định là điều kiện tiên quyết, là yếu tố “sống còn” trong công tác dân vận, vận động quần chúng, đảm bảo an ninh, chính trị vùng biên giới. Quyết tâm chính trị của cấp ủy địa phương và Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh ngày đó rất cao: Không để bản “trắng Đảng viên, trắng Chi bộ”; đảng viên người đồng bào sẽ là nòng cốt đi đầu, gương mẫu, bởi đảng viên đồng bào nói và làm, người đồng bào mới nghe, mới theo.
|
Bộ đội Biên phòng Quảng Bình giúp người dân bản thu hoạch lúa. |
Nhưng, để có đảng viên người đồng bào, phải có nhân tố tiến bộ, điển hình để bồi dưỡng, phát triển. Muốn như vậy, phải cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt “cầm tay chỉ việc” với dân bản, bày cho dân bản con chữ và cách thức lao động, sản xuất. Nhiều cán bộ cấp xã, cán bộ Biên phòng đã được cử xuống cắm bản, “3 cùng” với đồng bào dân tộc Chứt ở Rào Tre.
Trung tá Dương Thanh Tịnh – nguyên Tổ trưởng Tổ Biên phòng cắm bản Rào Tre là một trong những người tiên phong ngày đó, với thâm niên hơn 15 năm cắm bản, được bà con dân bản xem như người thân ruột thịt. Chính anh và những cán bộ Biên phòng đầu tiên xuống “3 cùng” với dân bản, đã hình thành nên Tổ giáo viên, Tổ quân y, đến từng nhà dân để vận động học cái chữ, nói tiếng Kinh, vận động dân khám chữa bệnh, không tin vào các hủ tục lạc hậu. Không những thế, còn bày cho người dân trồng cây lúa, cây ăn quả, nuôi lợn nuôi gà, trâu bò…
Cũng từ đây, các tổ chức chính trị, xã hội như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên… được hình thành, là tiền đề để phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố điển hình như Hồ Thị Nam, Hồ Kính, Hồ Thị Kiên… kết nạp vào Đảng.
Chính những cán bộ cắm bản “3 cùng” với người dân, đã phát hiện và bồi dưỡng, đề xuất, làm hồ sơ kết nạp Đảng cho những người Chứt đầu tiên. Từ 2 Đảng viên ban đầu, phải sinh hoạt chung với Chi bộ thôn 1 xã Hương Liên cách bản 2 km, đến tháng 8/2017 Chi bộ bản Rào Tre được thành lập, có đảng viên xã, đảng viên Tổ cắm bản Biên phòng cùng tham gia sinh hoạt. Đến nay, Chi bộ bản Rào Tre đã có 10 đảng viên, với 9 đảng viên là người đồng bào, chỉ có 1 đảng viên là cán bộ xã cùng sinh hoạt, giữ cương vị Bí thư Chi bộ.
Việc kết nạp đảng viên và hình thành Chi bộ thôn bản của người đồng bào Rục ở Quảng Bình, cũng tương tự như thế, nhưng sớm hơn đồng bào Chứt ở Hà Tĩnh.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Minh Hóa, ông Đinh Duy Luân cho biết, Chi bộ đảng tại bản đồng bào Rục đầu tiên được hình thành ở bản Yên Hợp, với 5 đảng viên (năm 1962).
Trước đó, sau khi người Rục được phát hiện và đưa về ổn định cuộc sống ở vùng đệm Phong Nha (xã Thượng Hóa), cấp ủy địa phương và Bộ đội Biên phòng nơi đây đã rất nỗ lực dạy cho đồng bào tiếng nói, chữ Việt, bày cho cách thức lao động, sản xuất, bám làng, giữ bản, làm cách mạng. Nhiều cá nhân sớm giác ngộ, tiến bộ tham gia vào các tổ chức chính trị, xã hội ở bản, ở xã, sau đó được bồi dưỡng kết nạp vào Đảng.
Lịch sử Đảng bộ huyện Minh Hóa cũng ghi nhận những Đảng viên người Rục đầu tiên, như Cao Ngọc Miên, Cao Xuân Tài, Cao Vương Luyện, Cao Bắc Nhện, Cao Ngọc Man, Cao Ngọc Ền, Hồ Pum, Hồ Pứa… Đến những năm 1970, thêm nhiều Đảng viên người Rục được bồi dưỡng, đứng vào hàng ngũ Đảng, Chi bộ Đảng Hợp Hòa được thành lập với 6 Đảng viên, trong đó chủ yếu người Rục ở bản Mò O Ồ Ồ, do ông Cao Bắc Nhện làm Bí thư Chi bộ. Năm 1994, Bản Ón được thành lập, gần 10 năm sau (2003) ở đây đã có Chi bộ Đảng với 3 Đảng viên.
“Hành trình xóa bản “trắng Đảng viên, trắng Chi bộ” đạt kết quả tích cực từ ngày đó. Đến nay ở 3 bản (Bản Mò O Ồ Ồ, bản Ón, bản Yên Hợp) có 19 đảng viên người dân tộc thiểu số. Các đảng viên, Chi bộ và các tổ chức chính trị, xã hội các bản hoạt động cơ bản tốt. Đáng mừng là có những đảng viên rất năng động, nhiệt tình, có uy tín được bầu giữ chức vụ Bí thư Chi bộ, Trưởng bản như Cao Xuân Long, Cao Xuân Nhàn… Đảng viên công chức xã, Bộ đội Biên phòng tăng cường về sinh hoạt tại bản, giờ chỉ tham gia sinh hoạt để hỗ trợ, giúp đỡ đảng viên, giúp đỡ bà con nơi đây thôi” – Bí thư Đảng ủy xã Thượng Hóa, ông Đinh Thanh Văn phấn khởi cho biết.
Tiếp tục “ươm mầm”, phát triển “hạt giống đỏ” người dân tộc thiểu số
Như đã nói ở kỳ trước, Đảng viên trẻ Cao Xuân Long – Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Mò O Ồ Ồ ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa là nhân tố điển hình của người đồng bào Rục ở Quảng Bình, được phát hiện, “ươm mầm” phát triển Đảng từ khi còn trẻ. Qua rèn luyện bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững đã được giao giữ những cương vị quan trọng của bản, đã khẳng định được bản thân qua hiệu quả công việc được giao.
Với đảng viên Cao Xuân Long, không chỉ nêu gương, phấn đấu, mà trực tiếp Long còn động viên, thuyết phục người đồng bào mình tin tưởng vào Đảng, sống, lao động, sản xuất theo chủ trương, đường lối của Đảng, có chí hướng phấn đấu để phát triển bản thân, sớm đứng vào hàng ngũ của Đảng. Mà 2 người em của Long cũng là điển hình cho hoạt động “ươm mầm” quần chúng ưu tú của Đảng nơi đây.
Trung tá Hoàng Công Hùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Xèng cho biết, 2 người em của Cao Xuân Long cũng rất giỏi, có tư tưởng tiến bộ, có phẩm chất, tố chất, khi người em gái của Long là Cao Thị Lệ Hằng đã cố gắng học tập, trở thành học sinh người Rục đầu tiên đỗ đại học; người em trai Cao Minh Lệ cũng là người Rục đầu tiên được xét tuyển vào Trung cấp Biên phòng.
“Với sự hỗ trợ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và đơn vị, tin chắc rằng đây sẽ là 2 nhân tố tích cực của bản làng sau khi hoàn thành nhiệm vụ học tập, là những “hạt giống đỏ” nòng cốt của địa phương sau này” – Trung tá Hoàng Công Hùng nhận định.
Hoạt động “ươm mầm”, bồi dưỡng phát triển “hạt giống đỏ” người Chứt cho tổ chức Đảng ở bản Rào Tre (Hà Tĩnh) những năm gần đây cũng hiệu quả không kém, khi Chi bộ bản Rào Tre đến nay đã có 9 Đảng viên là người đồng bào. Có nhiều Đảng viên trẻ noi gương người thân, phấn đấu được đứng vào hàng ngũ của Đảng như 2 người con gái của bà Hồ Thị Nam. Người con trai của bà Nam là Hồ Xuân Nam, hiện là Công an viên, đang được Chi bộ bản Rào Tre dự kiến kết nạp Đảng trong năm nay.
Bí thư Chi bộ bản Rào Tre, anh Nguyễn Văn Mận cho biết, Đảng viên trẻ của bản là nòng cốt tiên phong trong việc tiếp thu và chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng về với bà con, nên Chi bộ rất quan tâm, chú trọng công tác bồi dưỡng, phát triển. Chỉ tính trong năm 2022, Chi bộ bản Rào Tre đã kết nạp Đảng cho 1 quần chúng ưu tú (em Hồ Thị Thường – SN 2000) và chuyển Đảng chính thức cho 2 Đảng viên dự bị; giới thiệu 2 quần chúng ưu tú tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng.
Nói về công tác “ươm mầm”, phát triển “hạt giống đỏ” người dân tộc thiểu số ở địa phương, ông Trần Phúc Anh – Bí thư Đảng ủy xã cho biết, địa phương rất quan tâm đến công tác phát triển Đảng viên người đồng bào dân tộc.
“Những đảng viên này đã phát huy tốt vai trò của mình trong phát triển sản xuất, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Họ là những người góp phần rất tích cực trong hoạt động của địa phương. Hiện các Đảng viên người đồng bào đều tham gia vào bộ máy ở thôn, ở bản, phần rất lớn giúp cấp ủy, chính quyền địa phương chuyển tải chủ trương, chính trách đến với đồng bào” – Ông Trần Phúc Anh nhận xét.
Về phía Huyện ủy Hương Khê (Hà Tĩnh), ông Nguyễn Kim Tú – Trưởng Ban tổ chức cũng cho biết: “Ngay từ đầu nhiệm kỳ, chúng tôi xác định công tác phát triển Đảng viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng, phát triển tổ chức Đảng. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch phát triển Đảng viên đến tổ chức Đảng cơ sở, giao các chỉ tiêu phát triển Đảng hàng năm, tập trung các giải pháp, đặt ra chỉ tiêu tuyên truyền, giác ngộ, nâng cao nhận thức về Đảng cho các chi bộ, nhất là chi bộ vùng khó khăn, dân tộc thiểu số. Chính vì vậy mà công tác phát triển đảng viên thời gian qua ở cơ sở, địa bàn khó khăn đã có nhiều tiến bộ”.
Kỳ cuối: Hiệu quả từ những đề án bảo tồn, phát triển đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước
Từng đứng trước nguy cơ diệt vong, người dân tộc Chứt đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện để bảo tồn và phát triển. Không những thế, còn đặc biệt quan tâm phát triển Đảng viên, tổ chức Đảng của người đồng bào. Kết quả sau hàng chục năm, từ nhóm nhỏ mấy chục người ban đầu, đến nay người đồng bào Chứt, Rục ở Quảng Bình, Hà Tĩnh đã có sự phát triển cả về quy mô dân số, kinh tế - xã hội, văn hóa, cũng như các tổ chức chính trị, xã hội.
Giúp đồng bào Chứt, Rục tránh được nguy cơ diệt vong
Có thể khẳng định, người Chứt là 1 trong những dân tộc có số lượng người ít nhất Việt Nam. Như tại Hà Tĩnh, khoảng năm 1990 Bộ đội Biên phòng phát hiện nhóm nhỏ người Chứt sống trong hang đá, trong rừng sâu giáp biên, đếm vẻn vẹn có mấy chục người, ốm đau, bệnh tật. Nhóm người này sống đời sống nguyên thủy, không có họ, không nhớ tuổi, sống tách biệt với thế giới bên ngoài, với bao hủ tục lạc hậu.
|
Người đồng bào Chứt vui Tết cổ truyền của dân tộc mình. |
Quyết tâm chính trị được đưa ra, “gom” người Chứt lại, đưa về chân núi Kà Đay để dựng nhà, lập bản, trước để họ ổn định cuộc sống, hòa nhập với xã hội bên ngoài, sau nữa chính là để bảo tồn, phát triển người Chứt. Muốn như vậy, phải có cán bộ cắm bản, Bộ đội Biên phòng cắm bản, thành lập các tổ chức chính trị, xã hội. Trong đó, phát triển Đảng viên, tổ chức Đảng cơ sở là “mệnh lệnh chính trị”.
Vượt qua bao khó khăn, vất vả, để rồi đến nay sau hơn 30 năm, người Chứt ở bản Rào Tre được mang họ Bác Hồ, đã phát triển thành 47 hộ với 158 nhân khẩu, có Chi bộ Đảng với 9 Đảng viên người Chứt, có các tổ chức chính trị, xã hội khác như Mặt trận, Hội nông dân, Đoàn thanh niên…
Theo báo cáo của Đảng ủy xã Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), đến nay 100% người Chứt ở Rào Tre có nhà ở kiên cố, 100% hộ gia đình biết trồng cây, cấy lúa, làm vườn, làm lâm nghiệp; 100% hộ dân ở đây được sử dụng nước sạch. Các hạ tầng khác như điện, đường, trường, trạm đầy đủ.
Với người Rục ở Quảng Bình, sau khi được phát hiện trong năm 1960, đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm đặc biệt, dành 1 vùng thung lũng rộng lớn, đất đai màu mỡ để dựng nhà, lập bản ở vùng đệm Phong Nha – Kẻ Bàng, hình thành cả Hợp tác xã mang tên Hợp Hòa để giúp đỡ bà con người Rục nơi đây làm quen với lao động sản xuất.
Nhưng chiến tranh, dịch bệnh, cùng với thói quen “săn bắt, hái lượm”, nhớ núi nhớ rừng… người Rục ở Quảng Bình nhiều lần bỏ nhà, bỏ bản trốn vào rừng. Cấp ủy, chính quyền và Bộ đội Biên phòng nơi đây lại phải nhiều lần phối hợp, cùng nhau vận động từng người Rục ra khỏi rừng, về với “ánh sáng văn minh”.
Từ đây, vùng đồng bào người Rục đã nhận được nhiều chương trình đầu tư của Nhà nước, thụ hưởng nhiều chính sách phát triển của Đảng. Điển hình, từ năm 1990, các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương đã tiến hành đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo môi trường sống, đời sống văn hoá – xã hội cho đồng bào khu vực này.
Bên cạnh việc xây dựng hạ tầng “điện, đường, trường, trạm”, các dự án nhằm vận động, hướng dẫn người Rục thay đổi phương thức lao động, sản xuất cũng ra đời, từ trồng lúa nước, đến chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Kết quả, từ hơn 30 người được Bộ đội phát hiện trong rừng sâu, đến này đồng bào Rục tại Quảng Bình đã có 229 hộ với 977 khẩu, với 19 Đảng viên người đồng bào sinh hoạt tại 3 Chi bộ Đảng tại 3 bản Mò O Ồ Ồ, bản Ón và bản Yên Hợp, thuộc xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa.
“Có được kết quả này, là nhờ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo tồn, phát triển người đồng bào dân tộc thiểu số đã được cấp ủy địa phương, cơ quan chức năng nơi đây vận dụng và thực hiện có hiệu quả. Nhất là sự kiên nhẫn, mềm dẻo theo kiểu “mưa dầm thấm đất” của lực lượng nòng cốt là cán bộ cắm bản, Đảng viên trưởng thành từ quần chúng trong bản, đã góp phần giúp bà con thay đổi nhận thức, tuân thủ đi theo “ánh sáng và niềm tin của Đảng” – Ông Đinh Thanh Văn, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cho biết.
Những đề án mang ánh sáng, niềm tin của Đảng đến với đồng bào
Ngay từ năm 2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Đề án phát triển đồng bào dân tộc Chứt. Đây là đề án kịp thời, thiết thực và có hiệu quả trong việc bảo tồn và phát triển đồng bào dân tộc Chứt, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, từng bước xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển giáo dục, nâng cao trình độ dân trí; bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, giảm sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với trong vùng và trên địa bàn, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng biên giới và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc.
Đặc biệt, trước khi có Đề án này, từ năm 2010 giữa 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh đã phối hợp thực hiện Đề án phát triển đồng bào Chứt. Một nội dung đáng chú ý trong Đề án này là hỗ trợ cho các cặp vợ chồng kết hôn giữa người Chứt với người dân tộc khác, cũng như tạo điều kiện giao lưu, kết nối hôn nhân giữa người Chứt với người “ngoại tộc”. Đây chính là điểm mấu chốt nhằm tuyên truyền, động viên bà con xóa bỏ hủ tục hôn nhân cận huyết, cũng nhằm khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính trong cộng đồng người Chứt, bảo tồn sự phát triển bền vững của tộc người này.
"Dự kiến thời gian tới, sẽ có một con đường được mở từ đây (bản Rào Tre - Hà Tĩnh) sang Quảng Bình, để tạo điều kiện cho dân tộc Chứt ở 2 địa phương giao lưu, kết nối tình cảm, giảm nguy cơ hôn nhân cận huyết, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của người đồng bào Chứt ở 2 địa phương" - Trung tá Nguyễn Văn Thiên, Tổ trưởng Tổ biên phòng cắm bản Rào Tre cho biết
Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số được Quảng Bình, Hà Tĩnh triển khai, áp dụng đem lại hiệu quả thiết thực, trong đó nòng nốt hạt nhân tại cơ sở chính là các Đảng viên người đồng bào, trong đó có những điển hình mà Báo Bảo vệ pháp luật đã khắc họa ở những kỳ trước.
Có thể kể ra đây Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025 của Chính phủ (năm 2016). Đối tượng hưởng lợi của đề án này là 16 dân tộc rất ít người khác nhau (các dân tộc dưới 10.000 người), trong đó có dân tộc Chứt. Mục tiêu của Đề án là nhằm duy trì, phát triển và nâng cao vị thế của các dân tộc rất ít người, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào một cách bền vững.
Mới đây, là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã và đang được triển khai, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa…
Viết đến đây, chúng tôi lại nhớ đến văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh quyết tâm: “Khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và đời sống văn hóa giữa các vùng, miền, các giai tầng xã hội, đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số... Quan tâm, tạo điều kiện phát triển văn hóa, văn nghệ của các dân tộc thiểu số”.
Muốn làm tốt điều đó, ngoài quyết tâm chính trị, hành động quyết liệt của các cấp ủy Đảng, còn là trách nhiệm của Đảng viên, nhất là Đảng viên đồng bào dân tộc thiểu số. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Mọi công việc của Đảng đều do Đảng viên làm. Mọi nghị quyết của Đảng đều do Đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do Đảng viên mà thấu đến quần chúng. Theo đó, Đảng viên là nhân tố cơ bản nhất, năng động nhất của tổ chức Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là “sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng”.
Từ đó có thể thấy công tác bồi dưỡng, phát triển Đảng viên, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, Đảng viên và quần chúng ưu tú đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ cấp bách, hàng đầu trong việc bảo tồn, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cả về kinh tế, văn hóa và xã hội.
Ông Nguyễn Xuân Hải – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết: "Phát triển Đảng viên đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nội dung cụ thể hoá chủ trương của Đảng. Làm tốt công tác phát triển Đảng viên, nhất là Đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ góp phần củng cố hệ thống chính trị ở địa bàn biên giới, mà còn nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và Đảng viên, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân".
Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này, bằng sự ghi nhận của nữ Đảng viên Hồ Thị Kiên – Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Rào Tre (Hà Tĩnh): “Thay mặt bà con dân bản, tôi xin được gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương đã luôn quan tâm, giúp đỡ bà con chúng tôi, cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Nhất là đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân tộc chúng tôi được vào Đảng, được làm nhiệm vụ của tổ chức Đảng giao. Với trách nhiệm Đảng viên, Trưởng bản, tôi sẽ luôn cố gắng hết sức để chăm lo cho bà con dân bản, vận động bà con dân bản sống và làm việc theo đường lối, chủ trưởng của Đảng, Nhà nước, xứng đáng là người dân tộc được mang họ Bác Hồ”.
Bùi Tiến
Báo Bảo vệ pháp luật