Tác phẩm đoạt giải

Những đảng viên đặc biệt ở vùng biên viễn

Miền núi Nghệ An, Thanh Hóa được biết tới là những vùng đất xa xôi, là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, đời sống còn nghèo nàn lạc hậu. So với miền xuôi, công tác xây dựng đảng nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng với sự nỗ lực, sáng tạo của chính quyền địa phương và các tổ chức cơ sở đảng, đã xuất hiện nhiều cách làm hay để thu hút đảng viên. Đó là những chi bộ đầu tiên của các tộc người du canh du cư được thành lập, hay những con người từng theo phỉ trở về hoàn lương, được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng... Loạt bài của báo VietNamNet ghi nhận những câu chuyện đặc biệt trong việc phát triển đảng viên ở vùng biên viễn.

Bài 1: Chuyện người Mông từng theo phỉ, trở về đứng vào hàng ngũ của Đảng

Mong muốn cảm nhận được sự đổi thay trong công tác phát triển đảng viên, chúng tôi quyết định làm chuyến ngược rừng vào với bản Phá Lõm (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An), nơi sinh sống của 100% đồng bào người Mông. Khác với những năm trước, khi chúng tôi lần đầu đặt chân đến vùng đất này, các bản làng Tam Hợp giờ đây đã có thêm nhiều ngôi nhà kiên cố, nương rẫy tốt tươi hơn.

Có hẹn từ trước, ông Xồng Bá Nỏ – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tam Hợp đợi sẵn từ sáng sớm. Là người địa phương, ông Nỏ hiểu rất rõ sự thay da đổi thịt trên chính vùng đất này. Dọc đường từ trung tâm xã đến bản Phá Lõm, chúng tôi được chứng kiến cảnh bà con hăng say lao động sản xuất, tiếng nói cười vui vẻ. Ông Nỏ cho biết, cùng với chăn nuôi, người dân trên địa bàn còn có thu nhập đáng kể từ trồng nghệ đỏ, cây dược liệu bo bo, sâm 7 lá.

Cây sâm 7 lá đang trở thành điểm đột phá của bà con dân bản Phá Lõm. Đây là cây sâm bà con thu lượm trên rừng, nhân giống về gieo trồng ở vườn và cho thu nhập tốt, góp phần “xoá đói, giảm nghèo”. Nhưng theo lời ông Nỏ, ở Phá Lõm có một câu chuyện vô cùng đặc biệt.  “Đó là một người Mông từng theo phỉ, trở về, thành công an viên và đứng trong hàng ngũ của Đảng, là điểm sáng trong công tác phát triển và xây dựng Đảng ở nơi đây”, ông Nỏ nói trên hành trình di chuyển vào bản.

Quá khứ lầm lỗi

Mất gần một tiếng đồng hồ, chúng tôi cũng đặt chân đến được bản Phá Lõm và tới nhà công an viên Lầu Nhia Chù (SN 1976). Anh Chù trẻ hơn so với tuổi của mình, niềm nở và hoà đồng. Chù là con thứ 3 trong gia đình có 9 anh em. Trước đây, gia đình sống ở xã Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn), cách vị trí hiện tại hơn 100km. Nhà Chù đông con, bố anh nghiện thuốc phiện, ngôi nhà khang trang bằng gỗ đã bị ông tháo mang đi bán để thỏa mãn những cơn thèm thuốc.

Năm 1983, gia đình chuyển đến nơi ở hiện tại. Khổ lắm thôi, cuộc sống chủ yếu dựa vào săn bắt hái lượm. Anh em trong nhà đến đôi dép cũng không có mà đi, quần áo không có mặc. Điện, đường, trường, trạm vắng bóng. Mỗi lần xuống thị trấn mua nhu yếu phẩm mất 4 ngày băng rừng, lội suối mới về tới nhà”, anh Chù tâm sự về thời điểm khó khăn. Khi đó, đối với người dân ở đây, họ không quen với khái niệm "kilomet". Quãng đường đi lại đối với họ được tính bằng "mấy ngày băng rừng, vượt suối".

Theo lời kể của anh Chù, vào đầu những năm 2000, vì quá đói khổ dẫn đến nạn thổ phỉ nổi lên giữa khu vực giáp ranh biên giới Việt – Lào. Chúng dùng tiền, gạo, nhu yếu phẩm để mua chuộc, lôi kéo bà con. Thậm chí, có gia đình gần như cả nhà đi theo phỉ. “Năm 2001, mình cũng theo phỉ, làm chân tiếp tế để kiếm tiền nuôi gia đình. Làm được hơn 1 năm thì bị bộ đội biên phòng bắt giữ. Mình biết mình sai. Mình đã phải trả giá cho những lỗi lầm, TAND huyện Tương Dương tuyên phạt mình 1 năm cải tạo tại trại giam ở Huế”, anh Chù nhớ lại thời kỳ đen tối.

Ánh sáng của Đảng

Phó Bí thư Xồng Bá Nỏ cho hay, khi nạn thổ phỉ xảy ra, chính quyền địa phương cũng đã “cơm đùm, cơm nắm” cùng các chiến sĩ bộ đội biên phòng lội bộ đến từng bản, gặp mặt các già làng, trưởng bản để vận động, tuyên truyền bà con không đi theo phỉ nữa, trở về làm ăn lương thiện.
Chúng tôi ghi âm băng cassette, phát tờ rơi về chính sách của đảng, nhà nước để tuyên truyền với phương châm mưa dầm thấm lâu. Cuối cùng, bà con đã hiểu ra và quay trở về. Tới năm 2006, tất cả mọi người ra đầu hàng, chấm dứt câu chuyện theo phỉ”, ông Nỏ chia sẻ.

Trở về sau thời gian cải tạo, anh Lầu Nhia Chù cùng vợ con quyết chí làm ăn. Năm 2007, được sự tin tưởng, nhất trí của bà con, anh Chù được bầu làm phó bản Phá Lõm kiêm công an viên. Cũng trong năm đó, anh được lựa chọn là quần chúng ưu tú đi học cảm tình Đảng. “Tôi là người Mông đầu tiên được kết nạp vào Đảng tại bản Phà Lõm, khi đó chi bộ chỉ mới có 5 người. Nhớ lại, khi chưa được kết nạp thì trong đầu mình chưa ổn định tư tưởng. Nhưng khi là đảng viên rồi, mình nhìn được xa hơn, gương mẫu hơn. Khi tuyên truyền cho bà con, mình phải tiên phong, làm trước...” – anh Chù bộc bạch. Anh Chù còn vui mừng kể, bà con Phá Lõm hiện đã nuôi trồng được một số giống cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả. Cuộc sống nhờ thế ngày càng ổn định.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp cho hay, toàn bản Phá Lõm có 125 hộ, với khoảng 600 nhân khẩu, trong đó có 22 đảng viên. Nếu không có chi bộ, không có vai trò hạt nhân là các đảng viên như anh Chù, chắc chắc bản vùng biên này chưa có sự đổi thay như ngày hôm nay. Trong khi đó, Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp Lê Hồng Thái trăn trở, chi bộ ở các bản vùng biên thường gặp khó khăn trong việc phát triển đảng viên mới.

Học xong cấp 2, cấp 3, chỉ một số ít thanh niên ở lại làm nương rẫy, còn phần nhiều đi làm ăn kinh tế ở ngoài tỉnh. Mong rằng các cấp quan tâm, đầu tư hơn nữa về cơ sở hạ tầng, phát triển thêm các mô hình kinh tế hiệu quả. Từ đó, cuộc sống người dân sẽ dần thay đổi, thanh niên ở lại bám bản, giữ vùng biên và có cơ hội được đào tạo, bồi dưỡng để kết nạp vào hàng ngũ của Đảng” - ông Thái mong mỏi. Và trăn trở này không chỉ ở xã Tam Hợp... 

 

Bài 2: “Chi bộ vùng lõi' giữa đại ngàn Pù Mát

Người truyền lửa nơi “ốc đảo”

Những ngày đầu tháng 8, từ bến đập Phà Lài, chúng tôi lên thuyền, ngược dòng sông Giăng hướng tới thượng nguồn. Đích đến là Co Phạt, một bản làng của tộc người Đan Lai nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát. Sau hơn 2 giờ đồng hồ vượt qua thác ghềnh sông Giăng, thuyền cập bến. Men theo những bờ đất thoai thoải là lối dẫn lên bản Co Phạt. Một cảm giác sâu hun hút, xa vời vợi ập đến. Bản làng này thực sự là một ốc đảo, hoàn toàn biệt lập với các vùng khác của huyện Con Cuông.
 
Chúng tôi tìm đến nhà Bí thư Chi bộ bản Co Phạt La Văn Linh (60 tuổi). Đây là người đàn ông nhiệt huyết, năng nổ hiếm thấy trong cộng đồng Đan Lai, với hàng chục năm làm cán bộ bản, nguyên là trưởng bản, công an viên thôn bản. Trò chuyện thân mật như người quen lâu ngày gặp lại, ông Linh kể, tuổi thơ của ông cũng như nhiều đứa trẻ Đan Lai khác, là những ngày theo cha vào rừng đặt bẫy săn thú, hái măng và theo mẹ hái rau dại ăn, tối ngủ bên đống lửa thâu đêm để tránh rét, tránh sự tấn công của thú dữ.
 
Thấu hiểu những gian lao, vất vả, thiếu thốn của đồng bào mình, ngay khi được bố mẹ gửi ra trung tâm xã đi học, cậu bé Linh nung nấu ý chí, phải học thật tốt để có kiến thức, có hiểu biết về giúp đỡ bà con dân bản. Sau khi trở về bản, ông La Văn Linh tích cực tham gia hoạt động xã hội ở bản với vai trò công an viên, là “hạt giống” kết nối bà con dân bản với Đảng ủy, chính quyền cơ sở. 


Được tin tưởng, dần dần ông Linh được bầu làm phó bản, rồi sau đó là trưởng bản và đứng vào hàng ngũ của Đảng khi Co Phạt thành lập chi bộ. Thấm nhuần trong mình lời thúc giục “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, ông Linh mạnh dạn tăng diện tích thâm canh lúa nước kết hợp nuôi trâu bò, lợn gà. Không chỉ tích cực phát triển kinh tế hộ gia đình, ông còn là đảng viên gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào để bà con dân bản học tập và làm theo.

Co Phạt dần khởi sắc. Bà con quen dần với cách thức nuôi nhốt và chăm sóc vật nuôi, đời sống được cải thiện. Chi bộ Đảng cũng kết nạp được thêm một số thành viên mới. “Thời điểm đó, không thể còn dựa dẫm vào rừng, thanh niên trai tráng lũ lượt kéo nhau ra khỏi nơi thâm sâu cùng cốc, làm thuê tứ xứ. Chính vì vậy, rất khó tìm được người để bồi dưỡng kết nạp”, ông Linh kể lại. Nhiều năm liền không thể tìm được đối tượng để bồi dưỡng kết nạp Đảng, các đảng viên trong Chi bộ Co Phạt nhận ra rằng, chỉ có phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống thì mới giữ chân “lực lượng nòng cốt ở lại bám bản”.

Khởi sáng sau những nỗ lực

Năm 2001 đánh dấu một bước ngoặt với tộc người Đan Lai khi tỉnh Nghệ An có chủ trương di dời 36 hộ dân ra khỏi rừng sâu, đến định cư ở vùng gần trung tâm xã. Tuy nhiên, mãi đến năm 2006, khi Chính phủ phê duyệt đề án 'bảo tồn, phát triển bền vững tộc người Đan Lai tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát' thì đó mới là một cuộc “giải cứu” thực sự khi đặt mục tiêu 146 hộ gia đình tộc người Đan Lai ở 2 bản Búng và Co Phạt được di dời ra khỏi rừng sâu.

Ngày đó, ông La Văn Linh cùng Ban cán sự bản ngày đêm đi từng nhà vận động người dân. “4/7 đảng viên cùng phó bản tiên phong di dời. Có hơn 40 hộ dân đầu tiên chuyển đến bản tái định cư ở xã Thạch Ngàn, cách chỗ ở cũ khoảng 60km. Cả bản chỉ còn 3 đảng viên, trong đó 1 đảng viên đã già yếu, chi bộ đứng trước nhiều nguy cơ”, ông Linh chia sẻ. Song hành với trăn trở ấy, Bí thư Chi bộ bản Co Phạt cho hay, bản có 122 hộ với 500 nhân khẩu, bà con sinh sống ở đây đã nhiều đời, vườn quốc gia thì mới thành lập, bản thành một cộng đồng trong vùng lõi. Bấy giờ, cuộc sống và canh tác của người dân rất cực nhọc. Cơ bản, các hộ trong bản vẫn đang thuộc diện hộ nghèo.

Trước thực trạng đó, trên cơ sở chỉ tiêu đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng ủy xã Môn Sơn đã xây dựng kế hoạch cả nhiệm kỳ, kế hoạch từng năm theo sát với tình hình của địa phương. Trong đó, giao trách nhiệm cho từng cấp ủy viên phụ trách cơ sở mỗi năm phải giới thiệu được một quần chúng ưu tú đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn Đặng Văn Thân cho biết: “Đối với các chi bộ thôn, bản từ 3-5 năm không phát triển được đảng viên, đảng ủy xã rà soát đưa vào điểm tập trung chỉ đạo. Trước hết phấn đấu phủ sóng trưởng các chi hội, đoàn thể là đảng viên, đích thân các lãnh đạo trong Thường trực, Ban Thường vụ Đảng ủy xã tham gia sinh hoạt tại chi bộ. Nhiều chi bộ Đảng thường xuyên tổ chức sinh hoạt mở rộng, với sự có mặt của trưởng các chi hội đoàn thể để nắm bắt, sát sao những nội dung trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phát triển thôn, bản”.

Ông Thân cho hay, từ lúc mới thành lập có 5 đảng viên, đến nay, Đảng bộ Môn Sơn đã vững mạnh với hơn 400 đảng viên. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân ngày càng được cải thiện. Năm 2021, toàn xã kết nạp được 14 đảng viên, trong đó có 2 đảng viên là người Đan Lai. Đến năm 2022, xã kết nạp thêm 18 đảng viên, trong đó có 4 người Đan Lai.

“Mặc dù việc theo dõi, lựa chọn thanh niên đi học lớp cảm tình Đảng gặp rất nhiều khó khăn nhưng đến tháng 8 vừa qua, có 3 quần chúng ưu tú ở bản Búng đã tham dự lớp học. Đáng chú ý, 3 người này đều là chi hội trưởng, hội phó của bản”, ông Thân phấn khởi chia sẻ. Gần 20 năm rời vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát ra khu tái định cư, bà La Thị Nguyệt (SN 1965, trú bản Cửa Rào, xã Môn Sơn) tâm sự, trước đây, người Đan Lai trong bản chỉ biết vào rừng bẻ măng, bẫy thú, xuống sông bắt con cá, con tôm.

“Từ khi có chủ trương đúng đắn, đảng viên cắm bản đã cầm tay, chỉ việc. Bà con đã biết trồng lúa, ngô, nuôi trâu, gà, lợn nên cuộc sống khấm khá hơn” – bà Nguyệt chia sẻ. Bàn về vấn đề an cư của tộc người Đan Lan, ông Thân cho biết, địa phương đã kiến nghị tỉnh đề nghị Chính phủ sớm thu hồi đất của Vườn Quốc gia Pù Mát, giao lại đất cho địa phương để cấp đất ở, đất sản xuất cho nhân dân 2 bản Co Phạt và Búng.

Còn ông Trần Đình Đức - Phó Ban tổ chức huyện Con Cuông cho hay, những năm gần đây, huyện đặc biệt quan tâm đến công tác bồi dưỡng quần chúng ưu tú. Ngoài việc tổ chức tại trung tâm huyện, trích ngân sách hỗ trợ khi được cử đi học, các lớp cảm tình Đảng còn được đưa vào tận vùng lõi cho tộc người Đan Lai.

 

Bài 3: Cặp vợ chồng đảng viên đầu tiên ở bản nghèo Mường Lát

Vượt qua đói nghèo

Bản Ón là một trong số những bản xa xôi nhất của huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Trước đây, bản chỉ có vài chục hộ dân, chủ yếu là những người Mông sống du canh, du cư ở các tỉnh phía Bắc như Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang. Chính vì vậy, cuộc sống của họ cũng chỉ mang tính tạm bợ. Không điện, không đường, tất cả đều “không”. Mỗi lần có việc, người dân trong bản phải men theo đường rừng xuống trung tâm xã mất nửa ngày. Cuộc sống gần như biệt lập, nên người dân bản Ón quanh năm nghèo khó.

Năm 1990, Giàng A Chống theo bố mẹ từ tỉnh Sơn La sang bản Ón sinh sống. Anh nhớ lại, trước đây bản Ón khó khăn vất vả lắm. Nhưng nay đã khác rồi. Khác từ sự thay đổi nhận thức của người dân, không còn du canh du cư nữa, thay vào đó là an cư và biết phát triển kinh tế tại nơi mình sinh sống. Nhà Giàng A Chống lúc bấy giờ khai hoang được hơn một sào ruộng, cũng có đồi và chăn nuôi. Khi cái bụng đã no, anh Chống được gia đình cho học cái chữ. Ngày ấy đi học khá vất vả, bố mẹ Chống phải gửi anh xuống tận trung tâm xã để theo học. Và anh trở thành người đầu tiên của bản Ón học hết cấp 3 lúc bấy giờ.


Tốt nghiệp PTTH, anh Chống được bố mẹ cho theo học lớp y tế thôn bản tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát. Đến năm 2008, anh lên đường nhập ngũ, đóng quân tại đảo Mê (Thị xã Nghi Sơn bây giờ). “Thời gian trong quân đội tôi được rèn luyện để trưởng thành, được cử đi học lớp cảm tình Đảng. Sau khi rời quân ngũ về địa phương, tôi đã tham gia đảng viên dự bị tại bản và nộp hồ sơ lên địa phương để theo dõi, kết nạp vào Đảng năm 2010”, anh Chống nhớ lại.

Theo anh Chống, việc vào Đảng ngày đó, người dân còn khá mơ hồ, cứ tưởng vào Đảng là làm cán bộ, nên ra ngoài ai gặp cũng 'chào cán bộ Chống'.  "Nhiều người còn tò mò hỏi tôi Đảng là như thế nào? Lúc đó tôi cũng chỉ biết mang kiến thức mình đã được học ra để giải thích cho bà con" - anh Chống nói.

Chi bộ bản Ón ngày đó chỉ có 4 đảng viên, gồm cán bộ biên phòng, cán bộ xã Tam Chung phụ trách tăng cường cho bản. Mặc dù chỉ có 4 người, nhưng chi bộ vẫn sinh hoạt đều đặn theo định kỳ. Anh Chống bảo, qua mỗi lần sinh hoạt Đảng, anh đã tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích và rút ra được những kinh nghiệm để tuyên truyền, vận động bà con nhân dân.

Vận động vợ vào Đảng

Sau khi vào Đảng, trọng trách lớn nhất lúc bấy giờ đối với Giàng A Chống là làm sao vận động được bà con, người dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, phát triển kinh tế. Với suy nghĩ đó, anh đã phải mất nhiều đêm trằn trọc. “Tôi thầm nghĩ, những già làng, trưởng bản nói chưa chắc người dân đã nghe, huống gì bản thân mình lại là một thanh niên mới lớn. Chưa nói đến việc những người già ở bản lại chính là những người còn nặng với các phong tục, hủ tục lạc hậu này”, anh Chống nhớ lại.

Áp dụng những kiến thức đã học trong quân ngũ, anh Chống nghĩ ngay đến “chiêu” đánh du kích. Vậy là, cứ sau bữa cơm tối, anh lại đến từng nhà dân ngồi uống nước, nói chuyện để họ thấm nhuần tư tưởng để từ đó dần thay đổi trong suy nghĩ, cuộc sống.

“Tôi đến nói chuyện với họ không phải theo kiểu giảng dạy. Bởi nếu giảng như sách vở người dân sẽ không nghe. Tôi kể mộc mạc từ những câu chuyện về mô hình kinh tế, cách làm giàu mà tôi đã được học, cả những câu chuyện trong thời kỳ quân ngũ, được trải nghiệm, được học làm kinh tế, và những câu chuyện về đảng viên làm giàu… khi tôi kể, ai nấy cũng đều chăm chú lắng nghe”, anh Chống nhớ lại. Và cứ thế, để thấm nhuần dần tư tưởng cho người dân, anh Chống phải mất nhiều tháng trời đi đến từng nhà, gặp từng người. Do đường sá xa xôi, cộng với việc người dân chậm hiểu nên anh phải ngồi lân la kể chuyện mất cả buổi tối mới được một nhà.

Theo anh Chống, với người dân địa phương thì việc trăm nghe không bằng một thấy. Mà để người dân thấy được cái hiệu quả như lời mình nói, thì bản thân anh phải là điển hình. Từ đó, anh Chống bắt đầu xây dựng các mô hình phát triển kinh tế riêng cho mình. Thời điểm đó anh nuôi gần chục con bò, mấy chục con lợn, gà và vịt cũng lên đến cả trăm con, mang lại cho gia đình anh cuộc sống no đủ.

Không những vận động bà con, sau một thời gian, anh Chống còn vận động vợ là chị Lâu Thị Cho phấn đấu vào Đảng. Hai người trở thành đôi vợ chồng đảng viên đầu tiên ở vùng đất xa xôi này. Sau khi hai vợ chồng cùng đứng trong hàng ngũ của Đảng, anh chị lại tiếp tục đi vận động bà con nhân dân, những thanh niên ưu tú vào Đảng.

Ngoài ra, vợ chồng anh còn hướng dẫn cho người dân phát triển kinh tế. Nhờ đó, đến nay, cuộc sống người dân bản Ón đã bớt khó khổ phần nào. Hiện, anh Chống đang là Bí thư chi bộ bản Ón. Đến thời điểm hiện tại, Chi bộ đã có 15 thành thành viên, trong đó đảng viên trẻ tuổi nhất 20 tuổi, cao tuổi nhất 60 tuổi và duy nhất vợ anh Chống là đảng viên nữ.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Lò Thị Thiết, Bí thư Đảng ủy xã Tam Chung cho biết, bản Ón là bản xa nhất của xã, 100% là đồng bào Mông sinh sống. Bản Ón có hơn 100 hộ dân, đa phần là hộ nghèo, có 3 hộ cận nghèo. "Anh Chống là đảng viên trẻ có tư tưởng và lối sống tốt, đóng góp nhiều trong quá trình xây dựng, phát triển bản Ón. Về công tác xây dựng, phát triển đảng viên, anh Chống luôn luôn đi đầu trong việc vận động dân bản vào đảng cũng như phát triển kinh tế. Các mô hình như trồng quế, chăn nuôi là một tấm gương sáng cho nhiều người noi theo", bà Thiết nói.

 

Bài 4: Những già làng du canh, du cư thành lập nên chi bộ đảng

Những đảng viên di cư

Quan Sơn và Mường Lát là 2 huyện biên giới xa xôi nhất của tỉnh Thanh Hóa. Trước đây, khi nói đến 2 huyện này, ai cũng ngán ngẩm bởi cung đường đèo dốc quanh co, hiểm trở. Nhiều nơi trong xã còn không đường, không điện. Để lên được đây, cán bộ dưới tỉnh đi công tác phải ngồi ôtô mất cả ngày đường. Ông Sung Văn Cấu (SN 1969), Bí thư chi bộ kiêm Trưởng bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy (huyện Quan Sơn) cho biết, trước đây bản Mùa Xuân được xem là bản "5 không". Đó là, không điện, không đường, không trường, không trạm, không sóng điện thoại.

Mỗi khi có việc xuống trung tâm xã, dân bản phải đi bộ men theo sườn núi, mất cả ngày trời. Hôm nào gặp trời mưa, phải đi xuyên đêm mới về được tới nhà. Còn bây giờ, bản Mùa Xuân đã có đường xe máy lên, thời gian di chuyển cũng nhanh hơn, chỉ mất khoảng 3 giờ đồng hồ. Theo ông Cấu, xưa kia bản Mùa Xuân chỉ có ít hộ dân sinh sống. Vào những năm 1990, ông cùng 4 gia đình người Mông ở xã Pù Nhi (huyện Mường Lát) đã di cư sang bản Mùa Xuân khai hoang. Điều đặc biệt, trong số những người di cư sang lúc bấy giờ, có 4 người là cụ Hơ Nọng Súa, Hơ Văn Tho, Sung Văn Di, Thao Văn Dia là đảng viên.


Sau khi di cư sang bản Mùa Xuân, những đảng viên này đã thành lập chi bộ Đảng, do cụ Hơ Nọng Súa làm Bí thư. "Thời bấy giờ, bản Mùa Xuân chỉ có lác đác vài chục hộ dân, 100% là hộ nghèo, miếng ăn còn không đủ nên cũng chẳng ai quan tâm tới việc vào đảng. Nhiều lần, chi bộ họp để phát triển đảng viên trẻ nhưng đều thất bại. Suốt một thời gian dài chi bộ không phát triển được đảng viên nào", ông Cấu thành thật kể lại.

Ông Cấu là con trai của cụ Sung Nhia Súa (SN 1933). Cụ Súa là người biết chữ, dù không phải đảng viên nhưng thường xuyên tham gia công việc của bản, của chi bộ. Thậm chí, cụ Súa còn được tín nhiệm cao để cùng tham gia với chi bộ vào việc vận động bà con xóa bỏ hủ tục lạc hậu và vận động phát triển đảng viên.

Lấy chính con trai của mình làm 'tiền đề', chi bộ đảng Mùa Xuân lần lượt chia nhau đến từng nhà có thanh niên để vận động vào đảng. Bản thân ông Cấu lúc đó cũng được coi là nhân tố điển hình để làm gương cho những thanh niên khác. Và từ đó, ông đã trở thành đảng viên. Trong một thời gian ngắn, chi bộ Mùa Xuân đã giới thiệu và kết nạp được thêm 8 đảng viên trẻ. Đến năm 2000, tách ra chi bộ Ché Lầu, năm 2005 tách tiếp chi bộ Xía Nọi. Đến nay, ở 3 bản Mùa Xuân, Xía Nọi, Ché Lầu đã có 3 chi bộ với hàng chục đảng viên.

Hành trình gian nan

Là Bí thư chi bộ kiêm Trưởng bản Mùa xuân, năm nào ông Cấu cũng đau đáu một nỗi lo làm sao để phát triển được đảng viên trẻ ở chi bộ mình. Bản Mùa Xuân có 115 hộ, 556 nhân khẩu, tất cả đều là người dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo là 100%. Đến nay, chi bộ Mùa Xuân đang có 19 đảng viên. Mặc dù vậy, ông Cấu vẫn cứ đau đáu, nhất là thực trạng nhiều thanh niên đi làm ăn xa, thiếu nguồn để đào tạo, phát triển đảng viên mới.

Theo ông Cấu, chi bộ Mùa Xuân sinh hoạt đúng quy định, đều đặn mỗi tháng một lần. Lần nào ông cũng đề cập đến việc rà soát thanh niên ưu tú trong bản để giới thiệu đi học lớp cảm tình đảng. Mỗi năm tìm được một người, năm nào không có thì hai năm mới kết nạp được một đảng viên. Theo lý giải rất thành thật của ông Cấu, hầu hết thanh niên hiện nay chưa mặn mà với việc vào Đảng, nguyên nhân là do cuộc sống còn nhiều khó khăn. Các thanh niên lớn lên không ai bám trụ ở quê hương với nương rẫy, mà 'đi làm công ty', đi làm xa nhà. Chính vì vậy, thời gian qua ở bản Mùa Xuân có 2 người sau khi đi học lớp cảm tình đảng về rồi bỏ ngang, 4 người học xong nhưng không kết nạp vào đảng.

"Từ bản đi xuống tận trung tâm huyện cách khoảng 60km, để học lớp cảm tình đảng phải mất một tuần. Sau đó lại học lớp đảng viên mới mất một tháng, toàn bộ chi phí ăn ở phải tự túc, nên nhiều thanh niên không mặn mà, thay vào đó là đi làm kiếm tiền. Hơn nữa, nhiều người cho rằng 'vào đảng rồi cũng về làm nương, đi làm công ty' nên đắn đo trong việc quyết định tham gia", ông Cấu chia sẻ.

Cũng theo ông Cấu, trước đây, khi chọn thanh niên ưu tú để giới thiệu đi học lớp cảm tình đảng, chi bộ cũng chọn những người có trình độ văn hóa 12/12. Sau này hiếm dần, giảm tiêu chí xuống lớp 9/12, rồi dần dần xuống lớp 6, lớp 7... Trao đổi với PV VietNamNet, ông Phạm Bá Thái, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy thừa nhận, việc phát triển đảng ở chi bộ đang là vấn đề nan giải. Nguyên nhân chính vẫn do thanh niên lớn lên 'đi làm công ty', đi làm ăn xa, không ai ở quê để giới thiệu. Hơn nữa, việc vào đảng họ phải tự bỏ tiền túi ra đi học, trong khi đó cuộc sống người dân còn rất khó khăn.

Bí thư Phạm Bá Thái dẫn chứng, năm nay Đảng bộ Sơn Thủy được giao chỉ tiêu kết nạp 10 đảng viên, đến thời điểm này mới kết nạp được 3, đang làm hồ sơ cho 4 người khác. Phấn đấu cuối năm sẽ hoàn thành chỉ tiêu. Tuy nhiên, trong số 10 chỉ tiêu này cũng chỉ có 4 đảng viên ở dưới chi bộ, còn lại là cán bộ, viên chức. Theo ông Thái, để giữ chân được thanh niên ở quê để có nguồn đào tạo đảng viên kế cận, việc đầu tiên các cấp chính quyền phải quan tâm tới là phát triển kinh tế địa phương. Và sát hơn nữa, có chính sách hỗ trợ kinh phí đi lại, ăn ở cho các đối tượng học cảm tình đảng, để họ có điều kiện theo học.

 

Bài 5: Đảng viên lên nương tìm quần chúng

Gỡ “nút thắt” tiêu chí

Mường Lát là huyện biên giới nghèo và xa xôi nhất của tỉnh Thanh Hóa, có khí hậu và địa hình phức tạp. Cuộc sống người dân nơi đây còn nghèo đói, canh tác lạc hậu. Đây cũng là vùng sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, trong đó người Mông chiếm tới 43%, nhiều hủ tục còn tồn tại. Ông Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát cho biết, trước những năm 2010, huyện có 26 thôn bản đặc biệt khó khăn, chủ yếu là bản người Mông. Từ câu chuyện khó khăn, dẫn đến việc suốt nhiều năm các thôn bản này không có người kết nạp vào Đảng.


Nhận thấy cần phải thay đổi tư duy cho người dân, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu để phát triển kinh tế xã hội, huyện đã có nhiều cách làm, đưa được những thanh niên người Mông vào Đảng thông qua đề án 'Xóa trắng đảng viên ở 26 bản người Mông'. Và huyện cũng xem đây là một “cuộc cách mạng”. Từ những yếu tố trên, năm 2010, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét và ban hành 'kết luận 50', giảm một số tiêu chí để đảm bảo kết nạp được đảng viên người Mông ở vùng đặc biệt khó khăn này.

“Xét về tình hình thực tiễn tại địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho giảm một số tiêu chí về trình độ văn hóa và việc xác minh, thẩm tra lý lịch đảng viên. Về trình độ văn hóa, để có thể kết nạp đảng viên chỉ cần biết đọc, biết viết thành thạo là được (trình độ văn hóa càng cao càng tốt). Còn về điều kiện thẩm tra, xác minh lý lịch đối với quần chúng công tác, sinh sống ở Mường Lát trên 10 năm thì không cần phải về quê thẩm tra mà sẽ thẩm tra trực tiếp tại nơi sinh sống, lao động”, ông Xiết cho hay.

Tuy nhiên, theo ông, sau khi có 'kết luận 50', việc bắt tay vào triển khai cũng rất gian nan. Các cán bộ, chi bộ đảng đã phải thay phiên nhau xuống tận nhà dân để tuyên truyền, vận động tới từng người. Ông Xiết kể: “Vốn dĩ người Mông họ thường sống du canh du cư nên rất khó khăn trong việc tuyên truyền, thay đổi nhận thức. Cán bộ phải cắm bản, hướng dẫn cho họ cách làm ruộng, cách chăn nuôi để người dân hiểu. Dần dần dân bản mới tin”.

Vào rừng xác minh lý lịch

Đặc thù của đồng bào người Mông là sinh sống không ổn định, đa phần “một chốn bốn quê”, nên việc thẩm tra lý lịch ở Mường Lát lúc bấy giờ gặp rất nhiều khó khăn. Để tìm được một thanh niên ưu tú giới thiệu vào Đảng đã khó, đến khâu đi xác minh lý lịch còn khó hơn rất nhiều. Nhiều lần, chi bộ phải đi xác minh đối tượng mất nửa tháng trời. Phải thẩm tra qua vài tỉnh, hoặc ở một tỉnh nhưng rất nhiều huyện khác nhau.

“Ngay kể cả ở nơi cư trú, cán bộ gặp được gia đình cũng rất khó. Thời điểm đó, những bản người Mông thường ở những địa bàn khó khăn, không đường, không điện. Bà con sống chủ yếu ở trong thung, trong rẫy có khi cả tuần, cả tháng mới về nhà một lần. Nhiều khi cán bộ đi vào được tới nơi thì lại không có ai ở nhà”, ông Xiết chia sẻ.

Đơn cử, là câu chuyện của Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Lý (cán bộ biên phòng tăng cường). Để đi thẩm tra lý lịch cho một đối tượng Đảng, anh đã phải vượt đường rừng hơn 10km, đi đi lại lại nhiều lần nhưng cũng chẳng thể gặp được gia đình họ. Đến ngày cuối cùng, anh không còn cách nào khác là phải nhờ người trong bản dẫn lên nương cách nhà rất xa mới có thể gặp được.

Nhờ những nỗ lực phi thường và thực tế, tính đến thời điểm hiện tại, ở 24 chi bộ thực hiện theo 'kết luận 50' tại Mường Lát đã có 330 đảng viên sinh hoạt đều đặn. Đời sống nhân dân được nâng cao, các phong tục, hủ tục lạc hậu đã dần được xóa bỏ. Chia sẻ, ông Triệu Minh Xiết cho rằng, thế hệ trẻ ở các thôn bản lớn lên thường đi làm xa nhà, nên công tác phát triển đảng viên mới còn nhiều khó khăn, trăn trở.

“Thường ở các thôn bản có khoảng 70% thanh niên không ở nhà, nhất là nam giới. Ban Thường vụ Huyện ủy thời gian tới sẽ tập trung vào các đối tượng nữ giới và các đối tượng trung niên, bởi trước đây mình chưa tập trung vào các đối tượng này”, ông Xiết cho hay.

Giữ chân thanh niên

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, trước những năm 2010, cuộc sống của người dân ở các huyện miền núi rất khó khăn. Đặc biệt là ở huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào Mông di cư tự do, chưa thông thạo tiếng phổ thông, trình độ dân trí thấp và vẫn còn một số hủ tục lạc hậu. 

Từ những yếu tố trên đã ảnh hướng lớn đến công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của các địa phương. Thời điểm đó, toàn tỉnh Thanh Hóa có 20 thôn, bản chưa có đảng viên và 8 thôn, bản chỉ có 1-2 đảng viên, chưa đủ điều kiện thành lập chi bộ, phải sinh hoạt ghép. Đặc biệt, huyện Mường Lát có 26 bản (người Mông) di cư từ các tỉnh phía Bắc như: Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên… vào từ những năm 1989 đến năm 1997, tập trung chủ yếu ở 3 xã Tam Chung, Trung Lý, Mường Lý.

Để khắc phục tình trạng trên, ngày 20/4/2010, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành kết luận số 50 về “Phát triển đảng viên và chi bộ đảng ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa”. Sau 13 năm (2010-2023) triển khai thực hiện, đến nay toàn tỉnh đã xóa hoàn toàn số thôn, bản “trắng đảng viên” và “ghép chi bộ”. Từ đó, thay đổi tư duy, cách nghĩ, xóa bỏ dần các hủ tục, tập quán lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Mông huyện Mường Lát nói riêng, giúp ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo.

Theo ông Hùng, để làm tốt công tác phát triển đảng viên, ngoài bám sát các chỉ đạo thì phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò cấp ủy, người đứng đầu các chi, đảng bộ. Trong đó, cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, gắn bó với nhân dân, giúp người dân thấy được vai trò thực sự của đảng viên và tổ chức đảng trong cộng đồng dân cư. Đặc biệt, các địa phương, đơn vị phải làm tốt công tác đào tạo nghề và hỗ trợ, giải quyết việc làm tại chỗ cho lực lượng thanh niên trong độ tuổi, giúp họ có điều kiện tham gia công tác và lao động sản xuất ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.

“Để giữ chân được người Mông ở lại với bản làng, thay đổi được các tập tục và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình. Gần đây nhất, tháng 9/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 11 xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, Mường Lát thoát khỏi huyện nghèo. Các quần chúng ưu tú sau khi được kết nạp vào Đảng đều có cơ hội phát triển ở các vị trí công tác trong hệ thống chính trị của tỉnh”, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết.

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất