Tác phẩm đoạt giải

Xây dựng Đảng từ khâu ‘then chốt của then chốt”

Đánh giá về vai trò của công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần khẳng định: Xây dựng Đảng là nhiệm vụ “then chốt” thì công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”.

Bài 1: Nêu gương từ lãnh đạo

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, tặng quà gia đình thương binh tỉnh Gia Lai. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, tặng quà gia đình thương binh tỉnh Gia Lai. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định rõ vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ. Từ Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 18/6/1997 về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đến nay công tác cán bộ của Đảng đã đạt được những kết quả quan trọng. Đảng đã xây dựng, bổ sung, hoàn thiện và ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận về cán bộ và công tác cán bộ, từ khâu tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện cán bộ, tới khâu đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ và thực hiện chính sách cán bộ.

Ngày 03/02/1969, trang nhất báo Nhân Dân đăng bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (bút danh T.L). Ngay ở đầu tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Nhân dân ta thường nói: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là một lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ chúng ta”. Đây là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh thần, trách nhiệm, cũng như vai trò của người đảng viên trong việc đi đầu thực hiện các công tác xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định đảng viên là những người tiên phong, là người dẫn đường trong việc thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước để quần chúng nhân dân noi theo.

Thấm nhuần lời dạy của Người, Đảng đã ban hành nhiều quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên như: Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy trình và hồ sơ nhân sự cấp ủy cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025...

Gần đây, để tạo sự đồng bộ trong từng khâu của công tác cán bộ, có sự kết nối chặt chẽ, liên tục với nhau, Đảng đã ban hành: Kết luận số 08-KL/TW ngày 15/6/2021 của Bộ Chính trị về tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định 41-QĐ/TW về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Quy định 50-QĐ/TW về công tác quy hoạch cán bộ; Quy định số 58-QĐ/TW ngày 8/2/2022 của Bộ Chính trị “Một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”; Kết luận số 35-KL/TW về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; Quy định số 65-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ; Thông báo kết luận số 20-TB/TW ngày 8/9/2022 của Bộ Chính trị về “Chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật”… Trong đó đáng chú ý là Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Thời gian qua, có xu hướng rõ rệt là: Cán bộ trong hệ thống chính trị khi được bổ nhiệm rồi dường như rất khó “ra”, chủ yếu theo hướng đi “lên”, chí ít là đi “ngang”, rất khó “xuống", trừ khi bị kỷ luật nặng. Thậm chí, cá biệt có cán bộ, đảng viên dù vi phạm kỷ luật nhưng vẫn tiếp tục lãnh đạo, quản lý, bất chấp điều tiếng. Nhưng với Quy định số 80-QĐ/TW, phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống” đã được cụ thể hoá và được minh chứng rất rõ qua thực tế, nhất là trong mấy tháng trở lại đây.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN 

Cán bộ, như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành, đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng, cho nên, “muôn công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần khẳng định: Xây dựng Đảng là nhiệm vụ “then chốt” thì công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”.

Quy định 80-QĐ/TW năm 2022 có thể nói là một bước đi mạnh mẽ trong việc tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, Nghị quyết của Đảng; bảo đảm chặt chẽ, dân chủ công khai, minh bạch trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Thông điệp phát đi, như phát biểu của Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai vào ngày 22/9/2022 tại Hội nghị quán triệt Quy định số 80-QĐ/TW, là “Đảng dứt khoát không buông lỏng công tác cán bộ”.

Trên thực tế, trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đặc biệt từ thời kỳ đổi mới đến nay, công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ luôn được Đảng ta quan tâm, chú trọng ở mọi cấp, mọi ngành và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Chúng ta đã xây dựng được đội ngũ cán bộ cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phần lớn đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, đạo đức trong sáng, được nhân dân tín nhiệm, đánh giá cao. Nhờ đó, tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt” đã được hình thành, củng cố, tạo điều kiện thuận lợi triển khai các mặt công tác.

Tuy nhiên, chúng ta cũng thẳng thắn thừa nhận bên cạnh những cán bộ dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân thì vẫn còn cán bộ, đảng viên "dám làm" vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, gây nguy hại cho đất nước, nhân dân, khiến dư luận bất bình, phẫn nộ. Vụ Việt Á, vụ AIC hay vụ chuyến bay giải cứu… là những ví dụ điển hình. Nhưng chính việc hàng loạt quan chức “ngã ngựa”, hầu toà đã lấy lại, củng cố niềm tin của nhân dân về quyết tâm của Đảng trong việc làm trong sạch đội ngũ cán bộ, cho thấy lòng tham không cấp “kim bài miễn tử” cho ai.

Đặc biệt, trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở thành biểu tượng niềm tin về những đảng viên cộng sản đi trước để làng nước theo sau, về những người cán bộ cộng sản nói đi đôi với làm, hằng ngày rèn luyện đạo đức cách mạng như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Đối với những người cộng sản ấy, “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Họ thực sự là “then chốt của then chốt”.

Bài 2: Những lớp sóng bền bỉ trong đại dương bao la

Đại dương vĩ đại với những lớp sóng nối tiếp nhau, cũng như tổ chức Đảng ngày một vững mạnh với sự kế thừa, phát huy trong công tác xây dựng, tuyển chọn, bồi dưỡng không ngừng các thế hệ Đảng viên ưu tú.

Thực tế đã chứng minh chất lượng đội ngũ cán bộ là nhân tố chủ yếu quyết định chất lượng việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, và là cơ sở để xây dựng, củng cố niềm tin vững chắc của quần chúng nhân dân với sự nghiệp cách mạng. Công tác cán bộ, với nội dung xây dựng, bồi dưỡng, bố trí, luân chuyển... do đó, cũng có vai trò đặc biệt quan trọng.

Sinh thời, khi nói về công tác xây dựng, bồi dưỡng cán bộ, Hồ Chủ tịch từng lưu ý tới cả nội dung “tài” và “đức”. Người khẳng định: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.

Theo Người, đức và tài biểu hiện qua kết quả công việc, có sự thống nhất, gắn bó chặt chẽ với nhau trong nhân cách người cán bộ cách mạng, trong đó, đạo đức cách mạng là gốc. Người khẳng định: “Như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Còn chữ “Tài” của người cán bộ cách mạng, theo Bác, là năng lực được biểu hiện bằng hiệu quả hoạt động thực tiễn. Theo dòng phát triển, đến nay những năng lực, phẩm chất của người cách mạng đã được xác định, đó là: “Có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu”… như văn kiện Đại hội Đảng XIII đã nêu.

Suốt chiều dài lịch sử của cách mạng Việt Nam, công tác bồi dưỡng tài, và đức cho các cán bộ, đảng viên, cho những người đứng đầu trong mỗi tổ chức, đơn vị, luôn song song với hoạt động xây dựng, tuyển chọn và sử dụng con người cách mạng. Nghị quyết các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng đều nhấn mạnh vai trò của xây dựng đội ngũ và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đặc biệt, từ giai đoạn Đổi mới đến nay, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo quản lý nói riêng luôn được Đảng ta chú trọng. Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986) xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải là sự kết hợp chặt chẽ giữa kiến thức trong trường học với rèn luyện trong thực tiễn. Từ bước đột phá trong công tác này, đến Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII, Đảng ta chủ trương đào tạo và bồi dưỡng cán bộ theo quy hoạch, gắn với tiêu chuẩn từng chức danh và yêu cầu sử dụng cán bộ.

Các nhiệm kỳ tiếp theo, công tác bồi dưỡng, sử dụng cán bộ không ngừng được nhấn mạnh. Những năm gần đây, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều văn bản về công tác cán bộ, trong đó có Quy định số 98-QĐ/TW ngày 7/10/2017 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, Kết luận số 24-KL/TW ngày 15/12/2017 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Nghị quyết số 26-NQ/TW (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Bộ Chính trị (khóa XII) có Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4/8/2017 về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và Quy định số 90-QĐ/TW ngày 4/8/2017 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Các văn kiện này thể hiện quyết tâm của Đảng trong đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ, đấu tranh không khoan nhượng với tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống, lợi ích nhóm trong một bộ phận cán bộ, Đảng viên.

Triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, các đơn vị, địa phương, bộ ngành đã thực hiện công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, trong đó có nhiều cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Qua gần 5 năm thực hiện Quy định số 98-QĐ/TW, đã có 36 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý được luân chuyển, trong đó có 14 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng (cả Ủy viên chính thức và Ủy viên dự khuyết) giữ chức bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; 22 cán bộ giữ chức Phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Về cơ cấu, trong số cán bộ luân chuyển, các cơ quan của Đảng có 8 cán bộ, Quốc hội có 3 cán bộ, các cơ quan của Chính phủ có 13 cán bộ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có 7 cán bộ (trong đó có 6 Bí thư Trung ương Đoàn), các địa phương có 5 cán bộ. Về hình thức luân chuyển, có 31 cán bộ luân chuyển từ Trung ương về địa phương, 1 cán bộ từ địa phương về cơ quan Trung ương, 4 cán bộ từ địa phương này sang địa phương khác.

Song song với đó, các cuộc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn cũng được Quốc hội tổ chức một cách công khai, dân chủ và cởi mở, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của của bộ máy nhà nước; giúp các cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ cấp cao thấy được mức độ tín nhiệm để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để xem xét đánh giá cán bộ, tăng cường niềm tin trong quần chúng nhân dân về sự quyết tâm xây dựng bộ máy liêm chính, hiệu quả. Đặc biệt, tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, cấp ủy, UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168 nghìn đảng viên. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến giữa năm 2022, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Đáng chú ý, trong văn kiện Đại hội Đảng XIII, công tác “xây dựng, chỉnh đốn Đảng về cán bộ” đã dành sự quan tâm đặc biệt để xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, đồng thời tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên phát huy năng lực, sở trường. Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, được đánh giá là điểm đột phá chiến lược về công tác cán bộ trong tình hình mới. Đây là cơ sở để phát huy phẩm chất dám nghĩ, dám làm, bản lĩnh, sáng tạo và quyết đoán trong từng quyết sách với mục tiêu trong sáng vì nước, vì dân của những người cán bộ, Đảng viên, đặc biệt là cán bộ giữ vị trí rường cột của đất nước. Có thể thấy những năm gần đây, nhất là thời điểm cả nước căng mình chống dịch bệnh COVID-19, những quyết sách táo bạo và sáng suốt trong công tác phòng chống dịch từ cấp trung ương tới địa phương đã góp phần tạo nên thành quả chung về công tác chống dịch COVID-19 của đất nước. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các đơn vị cũng là đòn bẩy để các tập thể, cá nhân, những người đứng đầu… phát huy tài năng, sự năng động, linh hoạt để đột phá thành công. Tất nhiên, đi cùng chủ trương khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, là công tác đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư lợi, tham ô tham nhũng; và những quy định khuyến khích những cá nhân tự giác từ nhiệm khi không thể tiếp tục gánh vác công tác, nhường vị trí cho những hạt nhân tiên tiến có thể đảm đương trọng trách.

Kết quả 10 năm chống tham nhũng của toàn Đảng, toàn dân ta, và một số sự kiện thời sự gần đây đã chứng minh sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc làm trong sạch đội ngũ, và thấm nhuần của các cá nhân, các tổ chức Đảng về những chủ trương hết sức tiến bộ trong công tác cán bộ của Đảng ta, tạo động lực mới cho sự bứt phá trong mỗi cá nhân và tập thể, khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, đồng thời kiểm soát những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa, ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực.

Những yêu cầu đối với công tác bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, được nêu trên trong các văn kiện của Đảng, cùng với những đòi hòi từ thực tiễn của nhân dân, tiếp tục đặt trọng trách lớn lao cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Bên cạnh các cơ sở, các trường, các Học viện làm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thì mỗi tổ chức, cơ sở Đảng, nhất là người đứng đầu, phải có trách nhiệm trong việc không ngừng cập nhật và đổi mới công tác xây dựng Đảng, thể hiện ở việc thường xuyên lên kế hoạch bồi dưỡng cho cán bộ, Đảng viên cả về “tài” và “đức”; thể hiện  ở sự sáng suốt, công tâm khi tuyển chọn, lắng nghe, đánh giá, bố trí và sử dụng nhân sự để phát huy năng lực, sở trường; sự kiên quyết, thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện sai trái ngay trong nội bộ…

Bên cạnh đó, mỗi Đảng viên phải không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, học tập, tích luỹ kinh nghiệm, kiên trì rèn luyện cả về “đức” và “tài”, với động cơ phấn đấu trong sáng, vì sự hoàn thiện nhân cách bản thân và phẩm chất của người cách mạng.

Có như vậy, mỗi cá nhân, mỗi tập thể mới thật sự đủ nội lực và bản lĩnh để đổi mới sáng tạo, đương đầu với khó khăn thử thách, xả thân hành động vì lợi ích chung, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng nhu cầu xây dựng đất nước trong thời kỳ mới. Mỗi cá nhân, tập thể vững mạnh qua thế hệ này tới thế hệ khác, sẽ góp sức làm nên sự vững mạnh của cả tổ chức và dân tộc, như hàng triệu đợt sóng lớp trước lớp sau làm nên đại dương bao la.

Bài 3: Bất thường thành bình thường

Khi việc miễn nhiệm, cho thôi nhiệm vụ đã thực sự không còn “vùng cấm”, thì vấn đề “có vào - có ra, có lên - có xuống” cũng đã vượt qua được lằn ranh đỏ và dần trở thành chuyện bình thường.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ra những quyết định quan trọng về công tác nhân sự. Một số cán bộ cấp cao có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; hoặc phải chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu… đã nhận những quyết định thỏa đáng. Khi việc miễn nhiệm, cho thôi nhiệm vụ đã thực sự không còn có “vùng cấm” như vậy, đồng nghĩa với vấn đề “có vào - có ra, có lên - có xuống” cũng đã vượt qua được lằn ranh đỏ và dần trở thành chuyện bình thường như quy luật vốn có.

 

Trước đây, “quan lộ” vẫn thường được hiểu theo cách “truyền thống” là chỉ thăng tiến hoặc cùng lắm là rẽ ngang, thậm chí đến tuổi nghỉ hưu thì “hạ cánh an toàn”, chứ hiếm khi đi lùi, đi xuống. Tuy nhiên, thực tiễn gần đây đã chứng minh rằng không có “truyền thống” nào có thể vượt khỏi “khung khổ” pháp luật và đứng ngoài “cái lồng” thể chế. Khi cán bộ, đảng viên mắc sai phạm, khuyết điểm hoặc giảm sút uy tín, hoặc có nguyện vọng xin thôi chức vụ, họ đều được xem xét cho miễn nhiệm, được phân công công tác khác hoặc tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và trách nhiệm quản lý có thể bị kỷ luật, bị xử lý hình sự… Việc cán bộ, đảng viên bị xóa tư cách, xóa chức vụ do có vi phạm, khuyết điểm trong những năm gần đây đã không còn là chuyện hiếm. Người ta cũng không còn bất ngờ trước việc cán bộ cấp cao phải ra hầu tòa nữa. Đây có thể được xem là một bước tiến đáng ghi nhận trong xây dựng nhà nước pháp quyền nói chung và là bước đột phá công tác xây dựng Đảng nói riêng, đặc biệt là khâu tổ chức cán bộ. “Có vào - có ra, có lên - có xuống” đã không còn là chuyện cấm kỵ, mà bây giờ được áp dụng “bất kể đó là ai”.

Gần đây, nhiều vụ án liên quan đến cán bộ, đảng viên, trong đó có không ít cán bộ lãnh đạo cấp cao, đã và đang được điều tra, xét xử công tâm. Các đại án xảy ra tại Công ty Việt Á hay Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, dù liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, liên quan nhiều quan chức, nhưng phương châm của Đảng là kiên quyết, kiên trì xử lý đến cùng. Những gièm pha, xuyên tạc về “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”, “làm nhụt chí cán bộ”… đều đã được trả lời bằng thực tiễn: hệ thống chính trị của Việt Nam vẫn duy trì sự ổn định; vị thế và uy tín của đất nước tiếp tục được nâng lên và đặc biệt là niềm tin của nhân dân đối với Đảng đang ngày càng được củng cố vững chắc. Mất cán bộ là điều không ai mong muốn và vô cùng đau xót, nhưng “sâu mọt” thì phải loại bỏ. Chỉ có như vậy mới giúp làm trong sạch bộ máy, thúc đẩy cán bộ, đảng viên tiếp tục phấn đấu và tu dưỡng hoàn thiện bản thân, đồng thời nhắc nhở, răn đe, cảnh tỉnh cán bộ, đảng viên trước những cám dỗ khắp nơi.

Ở đây, Đảng đã thể hiện rõ quyết tâm “nói đi đôi với làm”, nhất là việc tự soi, tự sửa ngay chính trong hệ thống của mình. Sau những vụ việc mới xảy ra, thực tế cho thấy một nguy cơ lớn vẫn đang rình rập phá hoại tiến trình cách mạng và sự phát triển của đất nước, đó chính là sự mục ruỗng, sự tha hóa, sự yếu kém về bản lĩnh của một bộ phận cán bộ, đảng viên, từ đó tham nhũng và tiêu cực mới có cơ hội trỗi dậy. Như trong vụ án Việt Á, vụ án “chuyến bay giải cứu”, vụ án AIC hay mới đây nhất là vụ án liên quan đến đăng kiểm xe cơ giới, sai phạm được phát hiện mang tính hệ thống. Mặc dù vậy, trong những thời điểm khó khăn nhất, ở đó đã nổi bật lên quyết tâm, nỗ lực, sự bền bỉ của Đảng ta để làm trong sạch bộ máy, theo phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Ai sai đến đâu thì phải chịu trách nhiệm đến đó. Tương tự như vậy, cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, giảm sút uy tín cũng được xem xét cho thôi chức hoặc chuyển công tác. “Có vào - có ra, có lên - có xuống” trở thành yêu cầu tất yếu.

Theo báo cáo cuối tháng 11/2022 của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tính từ đầu nhiệm kỳ XIII, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 67 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 7 ủy viên Trung ương Đảng, 6 nguyên ủy viên Trung ương Đảng. Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 6, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, quyết định cho 3 ủy viên Trung ương Đảng thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương theo chủ trương mới của Bộ Chính trị về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật. Các địa phương cũng đã xem xét miễn nhiệm, cho từ chức hoặc bố trí công tác khác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật, trong đó có cả trường hợp là chủ tịch HĐND tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh (Ninh Bình, Phú Yên, Bình Thuận).

Việc Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội mới đây đã đồng ý, phê chuẩn miễn nhiệm một số lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Chính phủ một lần nữa khẳng định kỷ cương, kỷ luật của Đảng đang được thực thi nghiêm túc, trong đó đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, mở ra tiền lệ cho việc giải quyết công tác nhân sự vốn là vấn đề rất nhạy cảm.

Bên cạnh việc làm trong sạch bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ, thực hiện “có vào - có ra, có lên - có xuống” như vừa qua còn là sự khích lệ đối với mọi cán bộ, đảng viên, tạo ra sự tin tưởng rằng bất kỳ ai cũng luôn có cơ hội thăng tiến chính đáng. Đây cũng là bài học quý cho mỗi cán bộ, đảng viên, đó là làm cán bộ không phải để “vinh thân phì gia”, mà mục đích cuối cùng là phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước. Đó chính là nền tảng để xây dựng một bộ máy quản trị quốc gia liêm chính, một xã hội liêm chính.

 

“Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”, hơn lúc nào hết, công tác cán bộ, nhất là đạo đức cán bộ, đang được Đảng ta chú trọng. Và ở đó, dù muộn còn hơn không, vấn đề “có vào - có ra, có lên - có xuống” đang được thúc đẩy mạnh mẽ thành chuyện bình thường, tạo thêm lực đẩy để xây dựng Đảng và bộ máy nhà nước ngày càng vững mạnh.

Bài 4: Lật tẩy những luận điệu chống phá

Trong quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác cán bộ của ta luôn phải đối mặt với rất nhiều luận điệu chống phá từ nhiều phía.

Thời gian gần đây, khi một loạt lãnh đạo cấp cao bị kỷ luật, cảnh cáo hoặc cho miễn nhiệm chức vụ, thì các tổ chức phản động lại được dịp tung ra những luận điệu mỉa mai, bôi đen, chống phá, dù cũ mèm nhưng vẫn nguy hiểm, thâm độc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN 

Những luận điệu cũ kỹ như vậy tràn ngập trang Facebook của tổ chức phản động Việt Tân. Trong một dòng trạng thái đăng ngày 5/2, tổ chức này buông lời bình luận xuyên tạc, đại ý rằng Đảng ta dùng “mưu” và “kế” nhằm loại bỏ nhau để giành quyền lực.

Khi Quốc hội thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước và sau khi diễn ra lễ bàn giao công tác của nguyên Chủ tịch nước cho quyền Chủ tịch nước vào ngày 4/2, trang thoibao.de đặt câu hỏi rằng sắp tới đây Đảng có dám thực hiện đổi mới thực sự, căn bản và triệt để về công tác cán bộ hay không.

Khi Quốc hội cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khoá XV đối với ông Phạm Bình Minh; phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Thường trực đối với ông Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng với ông Vũ Đức Đam, các bài viết mang tính công kích, xuyên tạc, quy chụp xuất hiện ồ ạt trên các trang báo, trang mạng xã hội thù địch. Đài VOA giật ngay dòng tít quy chụp “Bộ chính trị thanh trừng hai phó thủ tướng”, rồi bàn đến chuyện “khuất tất đằng sau”.

Ngày 1/1, Đài Á Châu Tự Do (RFA) thì bình luận rằng đây là “cuộc xâu xé quyền lực mạnh được yếu thua” và lý giải nguyên nhân là “không có phe cánh, không có hậu thuẫn”. Trong một bài khác, RFA còn “khuyên” rằng Đảng cần làm công tác cán bộ triệt để hơn và đó phải là “việc của toàn dân”.

Và còn rất nhiều những ví dụ tương tự nữa. Có thể thấy, những người đứng đằng sau những tổ chức, tờ báo nói trên luôn tìm mọi cách, tận dụng mọi thời cơ, mọi sự kiện trong công tác cán bộ của ta để lồng vào đó thông điệp bôi bẩn, suy diễn, sặc mùi chống phá.

Không phải vô cớ mà chúng đặc biệt chĩa mũi dùi vào Đảng ta trong công tác nhân sự, công tác cán bộ. Khi công tác này được chú trọng trong quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các thế lực xấu cũng tăng cường “kỳ đà cản mũi”. Như Đảng ta luôn khẳng định, công tác cán bộ là “then chốt của then chốt” và việc cán bộ có sai phạm, không làm tròn trách nhiệm, không đủ khả năng đảm đương công việc thì phải “ra”, phải “xuống”, phải “lùi” là điều đương nhiên. Nhưng các phần tử thù địch với Đảng Cộng sản Việt Nam luôn lấy vấn đề đương nhiên đó để quy chụp, thổi phồng, suy diễn vô căn cứ.

Một suy diễn điển hình là coi công tác cán bộ là vỏ bọc của “tranh giành quyền lực”, “đấu đá nội bộ”. Tuy nhiên, cái gọi là tranh giành quyền lực theo giọng điệu thế lực thù địch chính là tranh giành giữa các đảng phái, chủ thể chính trị khác nhau vì lợi ích cá nhân. Do đó, khi Đảng ta thực hiện công tác cán bộ, khi bổ nhiệm người này, bãi nhiệm người kia, không thể gọi là tranh giành quyền lực vì đây là thay đổi nhân sự/cán bộ, là điều hết sức bình thường trong mọi tổ chức, mọi bộ máy không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Chỉ có thể gọi công tác cán bộ là nhằm loại bỏ người thiếu đức, thiếu tài, chọn người có tâm, có tầm vào đúng vị trí để làm Đảng vững mạnh, tiếp tục phát triển như một cái cây tươi tốt, không còn cành sâu mục.

Lập luận phản bác này không chỉ là do Đảng ta, báo chí cách mạng của ta đưa ra một chiều, mà chính những chuyên gia nghiên cứu về tình hình Việt Nam cũng nhấn mạnh những điều tương tự. Giáo sư Carl Thayer tại Học viện Quốc phòng Australia, nói trong một bài viết ngày 1/1 rằng việc miễn nhiệm hai phó thủ tướng không liên quan đến suy đoán vô căn cứ rằng “đây là kết quả của một cuộc đấu tranh quyền lực trong Đảng Cộng sản Việt Nam để lựa chọn lãnh đạo cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14 sẽ được tổ chức vào năm 2026”.

Nhìn rộng ra thế giới, có thể thấy việc lãnh đạo cấp cao từ chức, rời ghế là điều bình thường. Ví dụ như nước Anh, trong chưa đầy 2 tháng, đã có tới ba vị thủ tướng. Hai người là bà Theresa May và ông Boris Johnson vì không đáp ứng được kỳ vọng của đảng cầm quyền, của cử tri, phải từ chức trước sức ép dư luận. Điều lạ là với các quốc gia như vậy, không thế lực nào, không tờ báo nào rêu rao rằng họ “thanh trừng” lẫn nhau hay đấu đá quyền lực, mà chỉ tập trung vào nguyên nhân cốt lõi khiến họ phải “xuống”, phải “ra” để nhường chỗ cho người có năng lực hơn. Vậy mà ở Việt Nam, các sự kiện tương tự lại bị lái sang hướng khác để bôi nhọ, hạ thấp. Lý do vì sao lại có “tiêu chuẩn kép” như vậy chắc ai cũng có thể đoán ra.

Quốc hội khóa XV tiến hành Kỳ họp bất thường lần thứ ba để xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV.  Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Quốc hội khóa XV tiến hành Kỳ họp bất thường lần thứ ba để xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN 

Sau khi tung những luận điệu suy diễn về việc một số lãnh đạo rời ghế, các thế lực phản động lại tiếp tục đoán già đoán non về ai sẽ “lên”, ai sẽ “vào”, ai sẽ “tiến” dựa trên những lý do không hề liên quan tới năng lực, tư cách. Ví dụ như, người này sẽ “lên” vì có “vây cánh”, người kia sẽ không thể “vào” vì không có hậu thuẫn.

Cần nói rõ rằng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng phải cân nhắc kỹ mọi bước đi trong công tác cán bộ. Bãi nhiệm ai, đề cử ai không phải là việc làm cảm tính, xuôi theo chiều dư luận. Tất cả đều phải đúng quy trình, quy định công khai, minh bạch. Nhưng những thế lực phản động lại không nghĩ thế.

Năm 2022, khi Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Quy định số 80-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, một bài bình luận trên đài RFA lại tiếp tục soi mói, suy diễn một số điều trong quy định này. Ví dụ như nói quy định này gây ấn tượng là “nó nhằm hướng dẫn người ta chạy quyền, chạy chức cho đúng chỗ”. Đỉnh điểm suy diễn của bài viết là kết luận rằng quy định 80 “chỉ khuyến khích các ‘nhân sự’ chạy dẻo cả chân lẫn tay”, chứ đời kiếp nào giúp công khai, minh bạch và hiệu quả được cơ chế tuyển dụng người cho bộ máy nhà nước?”

Có thể thấy ngay rằng luận điệu suy diễn này hết sức phiến diện và mang tính “vơ đũa cả nắm”. Không phủ nhận vẫn còn tình trạng chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm, nhưng không thể vì những vụ việc mang tính thiểu số đó mà đánh đồng với toàn bộ hệ thống cán bộ, phủ nhận hoàn toàn thành quả công tác cán bộ của ta.

Trái với những suy diễn vô căn cứ, mục đích của công tác cán bộ không phải là xây dựng “vây cánh” hay bè phái, mà là để tạo ra một tập thể lãnh đạo có trách nhiệm, mang lại “lãi” cho nhân dân, đất nước, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ là tiền vốn của đoàn thể. Có vốn mới làm ra lãi”.

Bài 5: Gốc vững thì cây bền

“Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” – lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được chúng tôi viện dẫn trong những bài trước nay xin được nhắc lại để khẳng định về mối liên quan đến những thành tựu kinh tế - xã hội của đất nước ta trong thời gian qua.

Mới tuần qua, lại một trang mạng nước ngoài đăng bài viết “bình loạn” chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam làm tăng rủi ro cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, rồi việc miễn nhiệm 3 nhà lãnh đạo cấp cao sẽ gây ra sự bất an đối với quỹ đạo hoạch định chính sách, ít nhất trong ngắn hạn. Thêm nữa, trong những cuộc “trà dư tửu hậu”, cũng có những lời than thở kiểu “bao giờ mới hết đánh nhau để còn làm ăn” mặc dù người phát ngôn lại… chẳng phải doanh nhân.

Ở bất kỳ một quốc gia hay chính thể nào, việc lựa chọn những người tài đức để tham gia gánh vác việc công luôn được ưu tiên hàng đầu nếu như quốc gia hay chính thể đó không muốn đi tới con đường sụp đổ. Công cuộc chống tham nhũng để loại bỏ những “con sâu” cũng vì thế đã được Đảng ta xác định là chống giặc nội xâm. Việc xử lý các cán bộ tham nhũng, sai phạm không chỉ là làm trong sạch bộ máy, mà còn tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh, bền vững cho nền kinh tế.

Chúng ta có thể thấy ở những đại án như vụ án xảy ra tại Công ty AIC, sự câu kết giữa doanh nghiệp với người có chức vụ quyền hạn để cố ý làm trái, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trục lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Hay như vụ thâu tóm đất vàng ở Bình Dương, vụ buôn lậu xăng dầu đặc biệt lớn ở các tỉnh miền Nam được đưa ra xét xử trong năm 2022 đều có sự tiếp tay của các cán bộ thoái hóa biến chất. Trong những trường hợp như trên, các doanh nghiệp làm ăn chân chính, có thực lực đã bị cạnh tranh bất bình đẳng. Bởi vậy, cán bộ có chức quyền suy thoái đạo đức không chỉ gây thiệt hại lớn định lượng được mà còn gây thiệt hại vô hình là làm cản trở sự sáng tạo phát triển - động lực đưa đất nước đi lên.

Sản xuất sợi tại Công ty TNHH Logitex (Cụm công nghiệp Vũ Ninh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Sản xuất sợi tại Công ty TNHH Logitex (Cụm công nghiệp Vũ Ninh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Ở một khía cạnh khác, tình trạng trì trệ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc nếu không phải vì mục đích nhũng nhiễu thì chỉ có thể là năng lực cán bộ yếu kém. Việc mượn lý do “phe phái đấu đá” nên phải chờ nghe ngóng là hết sức ngụy biện. Để không xảy ra tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nhiều lần thúc giục, yêu cầu “ai không làm được thì đứng sang một bên để người khác làm”. Chủ trương về công tác cán bộ “có lên có xuống, có vào có ra” chính là để sàng lọc, lựa chọn đúng những người có năng lực, uy tín để phục vụ nhân dân.

Vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp bố trí những cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, ngang tầm nhiệm vụ là hết sức quan trọng, là “then chốt của then chốt”, có liên quan mật thiết đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Trải qua 37 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng với mục tiêu kiên định đi lên con đường chủ nghĩa xã hội, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, kinh tế phát triển, quốc phòng an ninh được giữ vững, nhiều chỉ số phát triển con người đạt và vượt mục tiêu, vị thế quốc gia ngày càng nâng cao trên trường quốc tế. Trong quá trình đó không thể không kể đến sự đổi mới về công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn.

 

Năm 2022 vừa qua, kinh tế thế giới phải đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường và tính bất ổn cao; lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ buộc các quốc gia phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Các tổ chức quốc tế lớn đều dự báo tăng trưởng kinh tế ở mức thấp hơn so với năm 2021. Nhưng vượt qua khó khăn, chúng ta vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 ước tính tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022 do nền kinh tế khôi phục trở lại. Đáng chú ý là tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường năm 2022 đạt 208.300 doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2021. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước, đạt mức cao nhất từ năm 2018 đến nay.


 

Như vậy có thể thấy những “lo ngại” về công tác cán bộ của Đảng ta làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, đến kinh tế - xã hội là không có cơ sở và chắc chắn không như suy diễn “phe phái đánh nhau” bởi “đánh nhau” thì làm gì có ổn định. Mà ngược lại, những kết quả phát triển kinh tế - xã hội đã chứng minh sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, trong đó có công tác cán bộ là đúng đắn.

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất