Tác phẩm đoạt giải

Hoàn thiện thể chế - Khâu đột phá chiến lược trong công tác xây dựng Đảng

Quyết tâm hoàn thiện thể chế trong công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng được thể hiện rất rõ nét từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay. Riêng trong năm 2022, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành gần 50 nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, hướng dẫn về công tác này. Con số đó vẫn không dừng lại mà tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2023. Điều này đủ thấy quyết tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế của Đảng ta mạnh mẽ như thế nào. Cùng phóng viên Báo điện tử ĐCSVN nhìn nhận, đánh giá những quy định, kết luận của Bộ Chính trị qua loạt bài: “Hoàn thiện thể chế - Khâu đột phá chiến lược trong công tác xây dựng Đảng”.

 

Bài 1: Để “rời ghế” không còn là "chuyện hiếm" 

- Nghị quyết số 28-NQ/TW nêu rõ: Khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm; kiên trì thực hiện “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ.

Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Đây là 1 trong 5 nội dung lớn, quan trọng đã được Hội nghị Trung ương 6 thảo luận, thống nhất ban hành nghị quyết.

Quang cảnh Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII). (Ảnh: PC)
Quang cảnh Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII). (Ảnh: PC)


Theo đó, Nghị quyết 28 khẳng định: Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng phải kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; làm rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu; giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm, mọi cán bộ, đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, nguyên tắc và kỷ luật của Đảng.

Về công tác cán bộ, Trung ương Đảng yêu cầu bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Đảng trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, xem xét, phân công, giới thiệu cán bộ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và thông qua đội ngũ cán bộ để lãnh đạo thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng.

Các cấp ủy, tổ chức đảng chú trọng lựa chọn, bố trí cán bộ đủ tiêu chuẩn để bầu vào cấp ủy, chức danh lãnh đạo của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp; lãnh đạo việc bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật, điều lệ của các tổ chức.

Đồng thời hoàn thiện quy định lựa chọn, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ của các cấp ủy, tổ chức đảng theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện quy định…Tiếp tục hoàn thiện các quy định về cơ chế tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cán bộ, nhất là trong đánh giá, giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ.

Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị; thể chế chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; sửa đổi chính sách, pháp luật để liên thông cán bộ từ cấp xã tới cấp huyện, cấp tỉnh.

Nghị quyết 28 cũng nêu rõ, khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Đặc biệt, Nghị quyết số 28-NQ/TW một lần nữa khẳng định việc kiên trì thực hiện “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần đề cập. Tổ chức thực hiện nghiêm kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật, góp phần bảo đảm kỷ cương, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Trước đó, ngày 8/9/2022, Thông báo kết luận số 20-TB/TW của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật của Bộ Chính trị cũng đã thể hiện quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, liêm chính khi khuyến khích cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Theo Kết luận 20, việc bố trí công tác đối với cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật nhằm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng và Quy định của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, thực hiện phương châm "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ. Điểm nhấn Thông báo 20 nêu rõ: “Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định”.

Trước nữa, ngày 6/7/2022, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Theo đó, Quy định 69 nêu rõ, về nguyên tắc xử lý kỷ luật: Tất cả tổ chức đảng và đảng viên bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều phải xem xét thi hành kỷ luật công minh, chính xác, kịp thời. Đáng chú ý, kỷ luật tổ chức đảng phải xem xét rõ trách nhiệm của tổ chức, đồng thời xem xét trách nhiệm của từng cá nhân liên quan để kỷ luật đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; không điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm, phong, tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng, Nhà nước với đảng viên đang bị tổ chức đảng xem xét xử lý kỷ luật…

Các nghị quyết, quy định, chỉ thị khác như Quy định 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Quy định 41 -QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ; Quy định số 80-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử…, Nghị quyết số 28-NQ/TW là sự hoàn thiện, tiếp tục đổi mới, nâng cao phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đặc biệt là với công tác cán bộ hiện nay.

Một số chuyên gia xây dựng Đảng cho rằng, thực tế, thời gian qua, không ít cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ, giải quyết công việc đã không đáp ứng yêu cầu do trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế... dẫn đến đánh giá không đúng tình hình, thiếu biện pháp xử lý kịp thời. Những yếu kém về trình độ, năng lực chuyên môn của những cán bộ này không chỉ làm ảnh hưởng tới chất lượng công việc của từng cá nhân, từng bộ phận công tác mà còn làm giảm chất lượng hoạt động của cả hệ thống chính trị.

Mặt khác một số cán bộ sau khi bị kỷ luật vẫn được điều chuyển sang cơ quan khác để làm lãnh đạo thì rất khó điều hành công việc, khó cho bản thân cán bộ đó và khó cho cả cấp dưới, nhất là khó cho tổ chức... Vì vậy, việc khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm là đúng đắn. Và khi việc từ chức chưa thành tiền lệ, chưa trở thành văn hóa thì không nên chỉ dựa vào ý thức tự giác mà cần có sự vào cuộc của cấp ủy, cơ quan, của những người làm công tác tổ chức cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết 20.

Mỗi cán bộ, đảng viên trước hết phải thấy được ý nghĩa của Nghị quyết để có nhận thức đúng đắn trong cách hành xử. Nếu không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, không hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng giao thì cần phải dừng lại để “rời ghế”, “nhường ghế” cho người xứng đáng không còn là "chuyện hiếm". Điều này một mặt thể hiện sự dũng cảm, tự trọng của người đảng viên. Mặt khác, việc từ chức còn thể hiện sự tự trọng, tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân khi không đủ điều kiện, không đủ khả năng, không đủ uy tín để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...

Chúng ta có quyền hi vọng rằng, Nghị quyết 28 cùng với một loạt các nghị quyết, quy định, chỉ thị được ban hành từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Đảng trong giai đoạn mới...

Bài 2: Thêm "chốt chặn" nhằm lựa chọn cán bộ có tâm, xứng tầm

Quy định 96 cùng với hàng loạt các quy định, kết luận, chỉ thị mà Bộ Chính trị ban hành từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay với tính răn đe mạnh mẽ sẽ đóng vai trò như một "chốt chặn", tạo nên những dấu mốc mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tạo niềm tin vững chắc để đưa đất nước tiến lên phía trước khi lựa chọn được một đội ngũ cán bộ vừa có tâm, xứng tầm.

Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Quy định 96 thay thế cho Quy định 262 ban hành năm 2014 cùng về nội dung này nhưng có nhiều điểm mới, bổ sung, trong đó các điều khoản được cụ thể hóa hơn và xử lý nghiêm hơn. 

Điểm mới đầu tiên của văn bản này là quy định cụ thể và chặt chẽ hơn việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với các cán bộ lãnh đạo, quản lý đã được thực hiện trong thời gian qua. Cụ thể ngay ở phần quan điểm, nguyên tắc của quy định đã nêu rõ việc lấy phiếu tín nhiệm là nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ, được thực hiện định kỳ. Việc lấy phiếu tín nhiệm không còn chỉ là kênh thông tin mang tính chất tham khảo quan trọng như Quy định 262 mà đã trở thành nội dung không thể thiếu trong công tác cán bộ.

Theo đó, người có trên 1/2 nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp sẽ bị đưa ra khỏi quy hoạch chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ các chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức; hoặc sẽ bỏ phiếu tín nhiệm mà không chờ đến hết nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm.

Trong khi đó, theo quy định cũ, người có trên 1/2 phiếu tín nhiệm thấp chỉ bị xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch chức vụ cao hơn khi rà soát, bổ sung quy hoạch và xem xét bố trí, sắp xếp công tác phù hợp. Người có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên "cần kịp thời xem xét, nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác".

Như vậy, so với quy định Quy định 262, Quy định 96 về lấy phiếu tín nhiệm có sự thay đổi trong quy định về sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm; kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ... Cùng với đó, các mức xử lý đối với kết quả tín nhiệm cũng cụ thể, nặng hơn trước.

Quy định 96 nêu rõ 2 "tiêu chí" lấy phiếu tín nhiệm, bao gồm: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu). Trong khi Quy định 262 (năm 2014) quy định 2 "nội dung", gồm: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; và năng lực thực tiễn.

Đáng lưu ý, Quy định 96 cùng với các tiêu chí chung về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật của người cán bộ lãnh đạo, còn có xét đến khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm; kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng Đảng cho rằng, theo Quy định 262, phiếu tín nhiệm là một trong những kênh thông tin tham khảo quan trọng cho việc đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ; còn ở Quy định 96 là được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Điều này có nghĩa là lấy phiếu tín nhiệm từ "kênh thông tin tham khảo" trở thành "sử dụng để đánh giá cán bộ". Do đó, Quy định 96 đã trở thành một thước đo quan trọng phản ánh năng lực, hiệu quả hoạt động của cán bộ lãnh đạo, quản lý so với trước đây.

Mặt khác, việc quy định rõ ràng như vậy sẽ giúp các cấp ủy, đơn vị khi tổ chức lấy phiếu sẽ dễ dàng thực hiện. Từ việc khẳng định đây là biện pháp nhằm đánh giá cán bộ chứ không phải tham khảo sẽ tránh được tâm lý của người được lấy phiếu và người bỏ phiếu là lấy phiếu chỉ là hình thức, mang tính tham khảo "tín nhiệm thấp vẫn được dùng" hay “xong xuôi tất cả lại về”...

Ngoài ra, việc lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định 96 còn xem xét đến tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; kết quả lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... Qua đó nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Cùng với đó, Bộ Chính trị nêu rõ việc lấy phiếu tín nhiệm góp phần chống tham nhũng, giúp cán bộ tự soi, tự sửa. Đây cũng như một biện pháp nhắc nhở, tạo ra yêu cầu cao đối với người được lấy phiếu phải thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, phải dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với thử thách, năng động, sáng tạo, đổi mới...

Có thể nói, Quy định 96 ra đời trong thời điểm cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng quyết liệt với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”...  nên đã thu hút được sự quan tâm, chú ý của dư luận xã hội. Quy định cũng cập nhật tình hình, thể hiện sự đồng bộ, liên thông các Quy định 41 năm 2021 của Bộ Chính trị về việc từ chức, miễn nhiệm cán bộ và thông báo Kết luận số 20 năm 2022 của Bộ Chính trị về bố trí cán bộ sau khi bị kỷ luật mà có năng lực, uy tín giảm sút.

Như vậy việc lấy phiếu về thực chất là một khâu trong quy trình công tác cán bộ và cụ thể hóa hơn nhằm đánh giá cán bộ. Khi đánh giá đúng sẽ đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng sẽ đúng. Cho nên, thiết nghĩ, trước hết, các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác này phải tuyên truyền, quán triệt quy định mới này đến từng cán bộ, đảng viên để thấy rõ được tầm quan trọng, trách nhiệm của mình để thực hiện. Bên cạnh đó phải tổ chức thực hiện cho tốt và tiến hành đồng bộ, công minh, khách quan, trung thực, tránh tình trạng "đánh trống bỏ dùi", hình thức hay trở thành phong trào lúc thì lên cao, lúc lại xuống thấp.

Chúng ta tin tưởng rằng, Quy định 96 cùng với hàng loạt các quy định, kết luận, chỉ thị mà Bộ Chính trị ban hành từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay với tính răn đe mạnh mẽ sẽ đóng vai trò như một "chốt chặn", tạo nên những dấu mốc mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tạo niềm tin vững chắc để đưa đất nước tiến lên phía trước khi lựa chọn được một đội ngũ cán bộ vừa có tâm, xứng tầm…

Bài 3: Siết cơ chế, bịt khoảng trống

Quy định mới về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ lần này là rất rõ ràng khi chỉ ra từng hành vi cụ thể. Điều này cho thấy sự nghiêm minh của Đảng, không dung túng cho bất cứ sai phạm nào của mỗi cán bộ, đảng viên và đây cũng là công cụ để các cơ quan chức năng, người dân giám sát các hành vi vi phạm.

Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai vừa ký ban hành Quy định 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Quy định có hiệu lực kể từ ngày 11/7/2023, thay thế Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Theo đó, Quy định với 5 Chương, 16 điều đã liệt kê cụ thể 8 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn; 6 hành vi “chạy chức, chạy quyền” và 5 hành vi tiêu cực khác, trong đó có việc không bố trí người có quan hệ gia đình làm lãnh đạo ở 13 ngành.

Cụ thể, theo Quy định 114, các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, bao gồm: Dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình. Để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ.

Lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác này. Chỉ đạo, tham mưu các khâu trong công tác cán bộ đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; không đúng nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định. Trì hoãn, không thực hiện khi thấy bất lợi hoặc chọn thời điểm có lợi đối với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ.

Khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thỏa hiệp, dung túng, bao che không xử lý theo thẩm quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

Xác nhận, chứng thực, nhận xét, đánh giá mang tính áp đặt, không đúng bản chất, không đúng sự thật hoặc làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ nhân sự, kết quả bầu cử, lấy phiếu giới thiệu, phiếu tín nhiệm, xét tuyển, thi tuyển nhằm có lợi cho nhân sự hoặc để đạt mục đích cá nhân.

Cung cấp hoặc tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ cán bộ, đảng viên cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là những thông tin, tài liệu, hồ sơ nhân sự đang trong quá trình thực hiện quy trình công tác cán bộ.

Bên cạnh đó, Quy định 114 cũng liệt kê cụ thể các hành vi “chạy chức, chạy quyền” bao gồm: Trực tiếp hoặc gián tiếp môi giới, đưa và nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi. Tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích vật chất, phi vật chất khác… “Chạy” tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, phong, thăng quân hàm… nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền lợi.

Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi. Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc phân công, bổ nhiệm, giới thiệu, đề cử, chỉ định bản thân.

Việc dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để đặt ra yêu cầu vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi cũng được coi là hành vi “chạy chức, chạy quyền”.

Ngoài ra, các hành vi tiêu cực khác như gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với nhân sự trái quy định trong quá trình thực hiện công tác cán bộ; nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian, đặt điều kiện với nhân sự và cơ quan trình nhân sự...

Chưa hết, Quy định mới của Bộ Chính trị dành hẳn một chương nêu rõ trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, trong đó, có trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo; trách nhiệm của thành viên cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo. Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo….

Một điểm nhấn quan trọng không thể không nhắc đến trong Quy định chính là việc không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh liên quan như thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự Đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị.

Đặc biệt, Quy định nhấn mạnh cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh người đứng đầu cấp ủy đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương.

Trường hợp không có phương án nhân sự đáp ứng yêu cầu mà nhân sự là người có quan hệ gia đình được tín nhiệm cao phải báo cáo và được sự đồng ý của cấp ủy cấp trên trực tiếp trước khi bố trí. Đối với chức danh thuộc diện cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương quản lý phải báo cáo Ban Tổ chức Trung ương; chức danh thuộc trung ương quản lý phải báo cáo Ban Tổ chức Trung ương để báo cáo cấp có thẩm quyền.

Người có quan hệ gia đình là vợ (chồng); bố, mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng hoặc bố, mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng vợ (chồng); con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; anh, chị, em ruột; anh, chị, em ruột của vợ (chồng).

So với quy định năm 2019 của Bộ Chính trị, Quy định lần này chi tiết các ngành cấm bố trí người có quan hệ gia đình. Theo quy định cũ, những người có quan hệ gia đình không được cùng đảm nhiệm các chức danh như: Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cùng cấp ủy; chủ tịch UBND và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Một số chuyên gia lĩnh vực xây dựng Đảng cho rằng, Quy định mới về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền lần này là rất rõ ràng khi chỉ ra từng hành vi cụ thể. Điều này cho thấy sự nghiêm minh của Đảng, không dung túng cho bất cứ sai phạm nào của mỗi cán bộ, đảng viên và đây cũng là công cụ để các cơ quan chức năng, người dân giám sát các hành vi vi phạm.

Đây cũng được xem là một trong những vấn đề mấu chốt của công tác cán bộ, nhằm chặn đứng ngay từ đầu những phần tử cơ hội lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ. Đồng thời cũng góp phần ngăn chặn để những kẻ “chạy chức, chạy quyền” không thể “chui” vào hàng ngũ để có thể “leo cao, luồn sâu”.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, Quy định đã rất rõ ràng, nhưng thực tiễn việc áp dụng không phải dễ dàng. Để thực hiện được, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên trước hết phải tự nhận thấy được ý nghĩa của quy định để có nhận thức đúng đắn trong cách hành xử. Từ đó phát huy tinh thần tự giác, tự nguyện, tự chỉ trích, lòng tự trọng và biết liêm sỉ. Điều đó phải xuất phát từ lòng trung thực, từ nhân cách lớn của cán bộ, đảng viên.

Nhưng nói gì thì nói, với những quy định mới, với tính răn đe mạnh mẽ, được kỳ vọng đóng vai trò như một chốt chặn, siết cơ chế, bịt khoảng trống khiến cán bộ, đảng viên nhìn thấy mà chùn tay, không thể, không dám, không muốn vi phạm, những phần tử cơ hội biết sợ. Đây cũng chính là “lá chắn” bảo vệ những cán bộ, đảng viên biết đặt quyền lợi của Đảng, của dân, của nước lên trên hết, trước hết. Từ đó tạo nên những dấu mốc mới trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, cũng như công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo niềm tin vững chắc của Nhân dân đối với Đảng, với chế độ.

Bài 4: Văn hóa xin lỗi và nhận lỗi trong Đảng

Quy định số 117/QĐ-TW về xin lỗi, phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan là vô cùng cần thiết. Điều đó không chỉ thể hiện nét đẹp nhân văn của Đảng mà chắc chắn sẽ làm cho dân chủ trong Đảng thực chất hơn, minh bạch hơn, công khai hơn, góp phần khắc phục oan sai đối với tổ chức đảng, đảng viên khi bị kỷ luật oan.

Ngày 18/8/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định 117/QĐ-TW về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan. Quy định là bước hoàn thiện Quy định 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng, Chính phủ nhận khuyết điểm và xin lỗi dân về những sai lầm trong cải cách ruộng đất tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa I (29/12/1956 - 25/1/1957). (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng, Chính phủ nhận khuyết điểm và xin lỗi dân về những sai lầm trong cải cách ruộng đất tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa I (29/12/1956 - 25/1/1957). (Ảnh tư liệu)


Quy định gồm 4 chương, 15 điều, đề cập cụ thể từ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc, căn cứ, trình tự thủ tục, thời hạn giải quyết việc xin lỗi và phục hồi quyền lợi… cũng như những trường hợp bị oan thật nhưng không được xin lỗi, phục hồi quyền lợi và các điều khoản thi hành.

Theo đó, căn cứ để xác định một đảng viên hoặc tổ chức đảng bị oan gồm: Kết luận hoặc quyết định của tổ chức đảng có thẩm quyền xác định tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan. Kết luận, quyết định, bản án của cơ quan pháp luật xác định đảng viên bị điều tra, truy tố, xét xử oan dẫn đến tổ chức đảng quyết định kỷ luật oan.

Về nguyên tắc, theo Quy định 117, việc xin lỗi, phục hồi quyền lợi cho tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan phải thực hiện kịp thời, công khai, khách quan và do chính tổ chức đảng đã ra quyết định gây oan chịu trách nhiệm thực hiện.

Cùng với đó là bãi bỏ, thu hồi quyết định kỷ luật oan; xem xét trách nhiệm của tổ chức, đảng viên tham mưu, quyết định kỷ luật oan. Giải quyết oan phải triệt để, kể cả khi người bị oan đã qua đời thì vẫn phải tổ chức xin lỗi với thân nhân đảng viên...

Đó là về mặt tinh thần. Còn bồi thường về vật chất và các lợi ích hợp pháp khác cho người bị oan thì Quy định 117 yêu cầu thực hiện theo pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Đối tượng áp dụng Quy định khá rộng, không chỉ với tổ chức đảng, đảng viên đang làm việc, mà cả những tổ chức đảng đã giải tán, đảng viên đã qua đời…

Sau một thời gian ngắn ban hành, Quy định 117 đã thu hút sự chú ý, quan tâm, ủng hộ rất lớn của đảng viên cả nước vì đây là văn bản có tính pháp quy đầu tiên của Đảng, cụ thể hóa quan điểm đảng viên, tổ chức đảng bị kỷ luật oan thì được phục hồi quyền lợi bằng văn bản một cách chặt chẽ, hoàn chỉnh. Điều này đã được nhiều lần đề ra trong các cuộc họp, hội nghị các cấp từ nhiều khóa trước. Trung ương khóa XIII quyết định tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy chế nhằm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Do đó, quy định này cũng cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.

Đề cập đến Quy định này, nhiều người cho rằng, trong thực tế cuộc sống chắc chắn không thể nào tránh khỏi được sai sót. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng nói riêng cũng không ngoại lệ. Vì thế, làm thế nào để khắc phục được các kết luận oan sai mới là cái cốt của vấn đề.

Mặt khác, việc nhận ra sai sót và xin lỗi công khai sẽ làm cho dân chủ trong Đảng thực chất hơn, minh bạch hơn, thể hiện chia sẻ nỗi oan của tổ chức đảng và đảng viên. Đây không phải là vấn đề mới bởi trong quá khứ, tổ chức Đảng của chúng ta đã từng nhận sai, chủ động sửa sai. Nhìn lại lịch sử, cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc từng “bị kiểm điểm và tự phê bình” vì chủ trương “khoán hộ, đổi mới nông nghiệp”. 20 năm sau chủ trương khoán hộ của Bí thư Kim Ngọc, năm 1988, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về khoán hộ (còn được gọi là khoán 10) đã chính thức được ban hành, việc sửa sai đã được thực hiện.

Hay sau những sai lầm về cải cách ruộng đất, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa I (29/12/1956 - 25/1/1957), Bác Hồ đã thay mặt Đảng, Chính phủ thẳng thắn nhận khuyết điểm trước Quốc hội. Nước mắt Người đã rơi trước những khuyết điểm do chủ quan, thiếu lắng nghe Nhân dân, thiếu sâu sát thực tiễn cơ sở. Trước quốc dân đồng bào, Người đã không ngần ngại công khai khuyết điểm của Đảng, của người lãnh đạo cao nhất là chính Người. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy khăn lau nước mắt chính là lời xin lỗi chân thành nhất của một người suốt cả cuộc đời chỉ biết hy sinh, một lòng một dạ vì nước, vì dân.

Sau này trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", Bác đã chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Đồng tình, ủng hộ với Quy định 117, không ít chuyên gia cũng cho rằng, sự ra đời của Quy định là một tiến bộ rất lớn, cho thấy cùng với kỷ luật nghiêm minh những tổ chức đảng, đảng viên có sai phạm thì Đảng cũng đặt ra yêu cầu phải giải quyết hợp tình, hợp lý đối với những trường hợp bị kỷ luật oan sai. Tinh thần là công tội rạch ròi, cán bộ làm sai phải bị xử lý, ngược lại cán bộ bị kỷ luật sai phải được xin lỗi, khắc phục.

Tuy nhiên, trong cuộc sống có những thứ xin lỗi được, phục hồi được, nhưng có những cái không thể xin lỗi, không thể phục hồi. Bởi khi nhân cách, sự nghiệp chính trị của mỗi con người bị chà đạp sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Thậm chí có người đã từ giã cuộc sống vì những nỗi oan khuất không phải do mình gây ra. Cũng có người khi được xin lỗi thì đã quá muộn bởi gia đình, con cái của họ cũng phải gánh chịu hậu quả của những quyết định oan sai. Do đó, Quy định 117 như chính là một lời nhắc nhở, cảnh báo tổ chức đảng có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật phải thận trọng, cân nhắc, trách nhiệm để không xảy ra oan sai phải xin lỗi. Đi liền với trách nhiệm là các biện pháp xử lý đối với tổ chức đảng có thẩm quyền ra quyết định và cá nhân tham mưu kỷ luật, góp phần hạn chế oan sai, tăng trách nhiệm thực thi công vụ.

Để Quy định 117 đi vào cuộc sống, một số chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng Đảng cho rằng, cần phải tạo sự thông suốt trong nhận thức để củng cố thêm lòng tin của Nhân dân vào Đảng, chế độ. Đồng thời, quá trình tổ chức thực hiện cần phải có sự kiểm tra, giám sát để nơi nào làm tốt thì nhân rộng, nơi nào làm chưa tốt kịp thời nhắc nhở, thậm chí kể cả đến mức phải xử lý kỷ luật...

Quy định cán bộ đảng viên làm sai phải nhận khuyết điểm và xin lỗi Nhân dân sẽ góp phần hoàn thiện các văn bản trong các lĩnh vực về xây dựng Đảng. Việc của từng cán bộ, đảng viên từ trung ương xuống cơ sở phải luôn thường xuyên học tập, tu dưỡng bản thân, ý thức làm việc có trách nhiệm, thận trọng, khách quan để ít xảy ra lỗi nhất. Làm được như vậy chính là góp phần xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh.

Mặt khác, Quy định này cùng với những quy định khác nhanh chóng đi vào cuộc sống cũng sẽ kịp thời bảo vệ và khuyến khích những cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung như Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Qua đó sẽ tiếp thêm niềm tin, động lực để cán bộ đảng viên yên tâm cống hiến, đương đầu với khó khăn, thử thách để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, xây dựng đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; hiện thực hóa khát vọng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045…

Bài 5: Bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể” tham nhũng

“Giữ lửa” phòng, chống tham nhũng trên tinh thần “không dừng, không nghỉ, không có vùng cấm”, Quy định số 131-QĐ/TW 2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán chắc chắn sẽ thêm “bảo bối” tiếp tục bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở", tạo chuyển biến rõ hơn nữa trong việc phòng ngừa và xử lý các vi phạm.

Phòng, chống tham nhũng có vai trò quan trọng với công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp và quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, kiểm soát quyền lực trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là vấn đề vẫn luôn thời sự không chỉ bởi những vụ án, mà còn bởi quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Gần đây nhất, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh, thành phố.

Cùng với đó, nhiều quy định mới để “bịt” những khoảng trống về cơ chế kiểm soát quyền lực, giải pháp đột phá được đưa ra. Đó là Quy định 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; Kết luận số 12-KL/TW ngày 6/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Và việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán được ban hành ngày 27/10/2023 được nhiều người đánh giá sẽ là một "thanh bảo kiếm" của tổ chức Đảng, chính quyền và các cơ quan hành pháp soi rọi vào quá trình kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng. Đây cũng là kim chỉ nam cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân giám sát trước hành vi tiêu cực, tham nhũng, những hiện tượng coi thường phép nước và kỷ cương của Đảng.

Cụ thể, Quy định 131-QĐ/TW nêu rõ, kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm, nhất là hành vi lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Vì thế nhiều người kỳ vọng, văn bản quan trọng này sẽ góp phần phòng ngừa và xử lý các vi phạm. Bởi khi giao quyền lực cho cán bộ mà thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực hay kiểm soát chưa chặt chẽ sẽ dẫn tới tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để sai phạm. Trong khi đó, thời gian qua, không ít những vi phạm xảy ra trong chính các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thậm chí đã phải xử lý hình sự, gây bức xúc trong dư luận.

Chưa hết, Quy định 131-QĐ/TW đã nhận diện sự "tha hóa quyền lực" có thể xảy ra, đưa ra chuẩn mực hành động và tuyên chiến với tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực rất nhạy cảm này. Quy định cũng nêu rõ các nguyên tắc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra giám sát, thi hành kỷ luật Đảng chặt chẽ hơn.

Đặc biệt, các nhóm hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán đã được liệt kê; trách nhiệm cùng từng cấp, từng ngành được chỉ rõ. Điều đó được thể hiện rõ tại 22 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng...

Với quy định cụ thể như vậy, chắc chắn Quy định 131-QĐ/TW sẽ góp phần kiểm soát được tổ chức, người có trọng trách kiểm tra, kiểm toán, hạn chế tối đa việc thông cung, “chạy tội”, “chạy án”, “chạy chức”, “chạy quyền” của người có khuyết điểm, tránh tình trạng "mang tiêu cực đi đánh tiêu cực"; dùng quyền lực, chức vụ của mình để bổ nhiệm con, cháu, vợ, chồng vào vị trí lãnh đạo, vào vị trí có nhiều nguồn thu nhập….

Đồng thời, hạn chế kéo bè, kéo cánh để đe dọa người không đồng quan điểm hoặc người phát hiện ra mình có những khuất tất trong quá trình công tác; ngăn chặn và xử lý kịp thời việc "tham nhũng, hối lộ tập thể", khống chế thói hư, tật xấu, hống hách, cửa quyền và bệnh quan liêu cũng như tư tưởng "dưới một người, trên nhiều người".

Một số chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng Đảng đánh giá, việc xây dựng và ban hành Quy định số 131-QĐ/TW sẽ góp phần bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; nâng cao hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong các hoạt động này.

Từ đó, sẽ tạo sự minh bạch hơn nữa, cơ chế kiểm soát hiệu quả hơn đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán…, ngăn chặn tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, “vòi vĩnh”, “chung chi”, phục vụ động cơ cá nhân trong thực thi công vụ.

Có thể nói rằng, khi cuộc chiến với “giặc nội xâm” vẫn còn rất cam go, nhiều thách thức, đòi hỏi phải rất kiên trì, không ngừng nghỉ, để quét sạch những cán bộ hư hỏng, thoái hóa, biến chất ở mọi cấp, mọi lĩnh vực. Trong đó, phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là đột phá, quan trọng. Việc có thêm các quy định như nêu trên để đồng bộ, hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, kiểm soát quyền lực; răn đe nghiêm khắc vi phạm là hết sức quan trọng.

Và chúng ta tin tưởng rằng, cùng với kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, việc nâng cao hơn nữa việc kiểm soát quyền lực của người có thẩm quyền, hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước bảo đảm khách quan, minh bạch…  được đẩy mạnh như hiện nay, sẽ góp phần bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể”, “không dám” tham nhũng.

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất