Tác phẩm đoạt giải

Gỡ khó - nhiệm vụ chưa có trong tiền lệ

Sau hơn 1 năm thực hiện Quy định số 67-QĐ/TW ngày 2/6/2022 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cao Bằng có sự chuyển biến rõ rệt trên trận tuyến chống giặc “nội xâm”, khắc phục trình trạng “trên nóng dưới lạnh”, gỡ khó cho Đảng nhiệm vụ chưa có trong tiền lệ.

BÀI 1: DỰA VÀO DÂN ĐỂ ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

“Làm cho dân tin và tham gia PCTNTC là nhiệm vụ quan trọng mà Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh đã và đang làm quyết liệt với cách làm riêng” - đồng chí Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh khẳng định.

Từ dân tin… 

Chỉ sau một tuần diễn ra cuộc đối thoại giữa Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh Trần Hồng Minh với đại diện 15 công nhân Công ty X. kiến nghị phản ánh Ban lãnh đạo Công ty X. không thực hiện giải quyết nghỉ chế độ cho 15 công nhân, Công ty X. chấp thuận thực hiện các chế độ cho công nhân theo đúng quy định. Chị H.T.M., tổ 5, phường Sông Hiến (Thành phố) phấn khởi chia sẻ: Trước đó, chúng tôi đã nhiều lần làm đơn khiếu nại, tố cáo lên các cấp, cơ quan hữu quan nhưng không được giải quyết thỏa đáng nên tiếp tục làm đơn kiện ra Tòa án nhân dân Thành phố. Cũng trong thời gian khởi kiện ra tòa án, chúng tôi được biết, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban PCTNTC tỉnh thực hiện đối thoại với công dân xem xét đơn thư khiếu nại phức tạp kéo dài nên đã viết đơn đề nghị gặp Bí thư Tỉnh ủy. Hôm đó, trước khi vào buổi đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy, ban đầu tôi rất lo lắng, áp lực… Nhưng khi Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh bước vào phòng họp đã ân cần hỏi thăm và lắng nghe nguyện vọng chính đáng của chúng tôi.

Chị M. kể tiếp: Tôi không ngờ Bí thư Tỉnh ủy thăm hỏi rất gần gũi, thiện cảm với người dân nên không còn căng thẳng, áp lực. Sau khi nghe chúng tôi trình bày cụ thể, Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh nói sự việc anh, chị, em công nhân tố cáo, yêu cầu Công ty X. phải giải quyết chế độ cho người lao động đã gắn bó lâu năm các chế độ bảo hiểm là rất đúng. Rồi Bí thư quay sang phía đại diện Công ty X. phân tích việc chưa đúng của Công ty X. và yêu cầu giải quyết các chế độ theo quy định mà công nhân, người lao động đã khiến nghị. Vụ việc sau đó được chúng tôi rút đơn khởi kiện ở tòa án.

Nếu vụ việc của chúng tôi không được đồng chí Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh xem xét công bằng, chỉ đạo xử lý thì chúng tôi sẽ theo kiện không biết đến bao giờ mới đòi được quyền lợi chính đáng? Sau này, chúng tôi thường xuyên quan tâm theo dõi Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo PCTNTC tỉnh đối thoại với công dân đã xem xét chỉ đạo xử lý công tâm trên 40 cuộc đối thoại, trong đó có nhiều đơn khiếu nại vụ việc được cho là không khách quan do sai phạm từ cơ sở. Có những vụ việc đơn thư khiếu kiện kéo dài đến 20 năm được chỉ đạo, tháo gỡ nên nhân dân thêm tin tưởng vào người đứng đầu”.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh đối thoại với công dân Thành phố về xem xét, giải quyết đơn thư khiếu nại phức tạp kéo dài.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh đối thoại với công dân Thành phố về xem xét, giải quyết đơn thư khiếu nại phức tạp kéo dài.

Cùng chia sẻ về niềm tin, bà Hoàng Thị Xuân, tổ 5, phường Hợp Giang (Thành phố) phấn khởi bày tỏ: Những năm trước, tôi xem tivi, đọc báo thấy đấu tranh PCTNTC nóng ở Trung ương  do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo quyết liệt, khởi tố hàng trăm vụ án trọng điểm, trong đó có cán bộ cao cấp, nguyên lãnh đạo cao cấp của  Đảng, Nhà nước. Từ tháng 8/2022 đến nay, khi tỉnh có Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh, đặc biệt có Bí thư Tỉnh ủy đứng đầu chỉ đạo quyết liệt nhiều vụ việc nổi cộm mà dư luận quan tâm được khởi tố. Thông tin các vụ án được công khai, nhân dân đều biết, các cơ quan chức năng khởi tố 30 vụ án/122 bị can, tổng tài sản thiệt hại ban đầu trên 30 tỷ đồng. Trong số đó có 7 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh theo dõi, chỉ đạo. Các bị can bị khởi tố có lãnh đạo cấp sở, ngành, huyện, Thành phố… Điển hình trường hợp ông H.M.T, nguyên Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; N.T.P. là Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường sai phạm gây thất thoát hàng chục tỷ đồng cho Nhà nước. 

Việc các cơ quan chức năng khởi tố một số lãnh đạo cấp tỉnh, huyện, thành phố, xã, phường có hành vi tham nhũng, tiêu cực (TNTC) được thông tin rộng rãi  trên các phương tiện truyền thông, nên người dân tin tưởng Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh, đặc biệt người đứng đầu là Trưởng Ban Chỉ đạo phải liêm chính, công tâm, chỉ đạo đấu tranh quyết liệt, không đùn đẩy, bao che. Qua đó, minh chứng cho nhân dân thấy công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng, mà cốt lõi là đấu tranh PCTNTC đã nóng lên tại cơ sở, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, tạo hiệu ứng “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”.

“Việc quy định Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh, không phải là người địa phương đã tránh lợi ích nhóm, nể nang thân quen, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu chỉ đạo quyết liệt công tác PCTNTC” - bà Hoàng Thị Xuân nhấn mạnh.

… Đến chủ động tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Phát hiện sai phạm về thu hồi đất của UBND Thành phố, UBND tỉnh từ năm 2018 - 2023, bà H.T.V., tổ 5, phường Ngọc Xuân (Thành phố) hành trình 5 năm viết đơn tố cáo lên các cấp, ngành, Thanh tra Chính phủ yêu cầu xử lý sai phạm nhưng không nhận được giải quyết thỏa đáng. Bà V. đã viết đơn lên Bí thư Tỉnh ủy và được Bí thư Tỉnh ủy đối thoại trực tiếp xem xét công tâm, phân tích nguyên nhân xảy ra sai phạm là lỗi do cán bộ UBND Thành phố, công nhận tố cáo của bà V. là đúng. Sau đó, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo cán bộ UBND Thành phố, cơ quan liên quan phải xuống xin lỗi bà V. và khắc phục hậu quả.

Bà V. cho chúng tôi biết thêm: Sau khi được Bí thư Tỉnh ủy xem xét, chỉ đạo giải quyết công tâm nên bước đầu gia đình tôi được minh chứng không vi phạm về sử dụng đất, có cơ hội để tiếp tục yêu cầu cơ quan chức năng khắc phục hậu quả. Hành trình 5 năm tôi đi tố cáo UBND Thành phố ra văn bản sai trong thu hồi đất, xử phạt sai về sử dụng đất gặp rất nhiều khó khăn. Bởi từ khi phát hiện dấu hiệu sai phạm trong thực tiễn, nếu không phân tích ra lỗi sai trên hệ thống văn bản các cấp ban hành để so sánh với áp dụng thực tiễn thì rất khó tố cáo đúng bản chất của sai phạm... 

Tạo điều kiện người dân tham gia đấu tranh, tố cáo TNTC từ cơ sở khi phát hiện dấu hiệu vi phạm và bảo vệ người dám tố cáo là một vấn đề nan giải đặt ra. Đặc biệt, hành vi TNTC diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đối tượng chủ yếu là cán bộ Nhà nước có hiểu biết, có quyền lực luôn che giấu hành vi sai phạm bằng nhiều thủ đoạn tinh vi. Mặc dù Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò giám sát, phản biện, đồng hành với người dân nhưng cũng khó phân tích từng dấu hiệu, hành vi TNTC có liên quan đến từng dự án. Do vậy, một trong những hướng mở an toàn cho người dân khi phát hiện dấu hiệu TNTC sẽ có chỗ dựa tìm hiểu về pháp luật để tố cáo là mở rộng hoạt động của Đoàn Luật sư tỉnh, đây là một hướng mở mới của tỉnh.

Ông Nguyễn Đình, đại diện Đoàn Luật sư tỉnh cho biết: Tháng 7/2023, tôi được đồng chí Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh tiếp, đối thoại xem xét kiến nghị và chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo điều kiện, chế độ hoạt động và hướng dẫn thành lập tổ chức Đảng tại Đoàn Luật sư tỉnh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Đoàn Luật sư tỉnh cùng với thực hiện các nhiệm vụ đơn vị, cần chú ý bồi dưỡng phát triển đảng viên là luật sư, nhất là luật sư trẻ, luật sư có uy tín, có phẩm cách đạo đức tốt, nêu cao tính Đảng, khi có người dân phát hiện hành vi TNTC muốn đi tố cáo sẽ được hỗ trợ, tư vấn pháp luật, là một địa chỉ tin cậy tư vấn pháp luật cho nhân dân.

Sở dĩ tôi đề nghị Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy sớm hướng dẫn thành lập tổ chức Đảng tại Đoàn Luật sư tỉnh để góp phần nâng cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong tổ chức nghề nghiệp. Đồng thời, Đoàn luật sư tuyên truyền, phổ biến, giúp người dân nâng cao hiểu biết pháp luật trong đời sống - Luật sư Nguyễn Đình nhận định.

Thời gian qua, Đoàn Luật sư tỉnh cùng với thực hiện các nhiệm vụ chung còn hướng dẫn cho người dân thực hiện đúng quy định của pháp luật để kiến nghị giải quyết một số vụ việc khiếu nại phức tạp kéo dài như “Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất” tại thị trấn Nước Hai (Hòa An); “Giải quyết tranh chấp lối đi Khuổi Sao - Nà Nâm” tại xã Chu Trinh (Thành phố)… 

Nhiều vụ việc nổi cộm, vụ án trọng điểm liên quan đến lãnh đạo tỉnh, huyện, Thành phố được Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh chỉ đạo xử lý quyết liệt. Khẳng định vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo là Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh và Ủy viên Ban Thường vụ, Giám đốc Công an tỉnh Vũ Hồng Quang, thành viên Ban Chỉ đạo không phải người địa phương nên đã kiểm soát quyền lực tốt hơn, không bị chi phối, áp lực do các mối quan hệ địa phương, lợi ích nhóm, thân quen, nể nang, che tội, đùn đẩy trách nhiệm trong đấu tranh PCTNTC. (Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đặt ra yêu cầu đến năm 2025 phải cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện, đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác). 

 

BÀI 2: ĐỂ NGƯỜI DÂN KHÔNG ĐƠN ĐỘC KHI TỐ GIÁC, TỐ CÁO THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

Thực tế hiện nay, vẫn còn nhiều trường hợp người tố cáo tham nhũng, tiêu cực (TNTC) chưa được bảo vệ, còn bị trù dập, trả thù. Do đó, để người dân không đơn độc khi tố giác, tố cáo, các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách.

Khi người dân còn đơn độc

Quá trình chúng tôi gặp những người dân đi tố cáo TNTC mỗi người có hoàn cảnh, vụ việc khác nhau nhưng hầu hết đều chung một cảnh ngộ là họ đơn độc và phải đối mặt với nhiều áp lực bị trù dập, cô lập… sâu xa hơn là hành trình thân phận con người yếu thế đi tố cáo sẽ dần bị cô lập, cản trở, đối mặt với nhiều rủi ro rình rập khi dám đấu tranh cho lẽ phải, đòi công bằng xã hội. Nhưng cán bộ, đảng viên lại thờ ơ với đấu tranh phòng chống TNTC. Vô hình chung làm cho phai nhạt niềm tin của người dân với Đảng và chế độ.

Bà H.T.A., tổ 5, phường Ngọc Xuân (Thành phố) cho chúng tôi biết: “Sau khi tôi tố cáo sai phạm về thu hồi đất, Thành phố không thu hồi được đất của gia đình tôi. Nhưng sau thời gian rất ngắn gia đình tôi lại nhận được một công văn của Thành phố thông báo là gia đình tôi vi phạm sử dụng lô đất bị thu hồi sai mục đích, ra quyết định xử phạt 15 triệu đồng. Bà H.T.A. thấy rất vô lý, không đúng sự thật nên tiếp tục viết đơn kiến nghị, tố cáo lên các cấp, cơ quan tỉnh, Trung ương… Hành trình bà H.T.A. đi tố cáo Thành phố kéo dài từ năm 2018 đến nay có nhiều diễn biến, vẫn tiếp tục đề nghị khắc phục hậu quả…

Bà H.T.A. cho biết thêm: Quá trình gia đình tôi viết đơn khiếu nại, tố cáo lên các cơ quan chức năng tại khu dân cư có bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, ban mặt trận; cao hơn có UBND, Ủy ban MTTQ phường đều biết nhưng chưa bao giờ có ai đến hỏi thăm gia đình tôi về việc đi tố cáo sự thật như thế nào để có lời khuyên, động viên. Hoặc chí ít tìm hiểu xem gia đình tố cáo có đúng bản chất sự việc không… nhưng tất cả đều im lặng, vô can!

Còn với gia đình ông N.V.T., tại tổ 6, phường Hòa Chung (Thành phố) nhiều lần viết đơn khiếu nại lên các cấp, ngành Thành phố ra quyết định thu hồi đất không đúng nên không chấp thuận thu hồi đất. Ông N.V.T. cho biết: Khi gia đình tôi không chấp thuận thu hồi đất, cũng không thấy Bí thư chi bộ, Tổ dân phố, Ban Mặt trận khu phố đến hỏi thăm, tìm hiểu xem nguyên nhân vì sao gia đình tôi không chấp thuận thu hồi đất. Thậm chí mỗi lần họp Tổ dân phố, gia đình tôi bị phê bình là chống đối nhà nước thu hồi đất, không đạt gia đình văn hóa. Gia đình ông N.V.T. đi khai lại sổ hộ khẩu cũng không được chấp thuận, có lần bị gọi lên răn đe… Sau này, khi Thành phố không thu hồi đất gia đình tôi cũng không thấy có cán bộ khu phố đến hỏi thăm tôi vì sao Thành phố lại không thu hồi đất nữa… để xem lại trước đây gia đình tôi không chấp thuận thu hồi đất là đúng hay sai…

Từ vụ việc của bà H.T.A. và ông N.V.T. cho thấy, việc thu hồi đất của người dân do cấp nhà nước có thẩm quyền ban hành, được niêm yết công khai tại UBND xã, phường và tại nhà văn hóa khu dân cư. Nhưng tại sao các cán bộ, đảng viên, UBND xã, phường, bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, trưởng xóm và tổ chức đoàn thể tại khu dân cư nơi gần gũi nhất với người dân, hiểu rõ về tình hình đất đai địa bàn lại không xem xét kỹ để phát hiện ra sai phạm? Mà chỉ có chính người dân bị xâm hại quyền lợi mới phát hiện ra công văn, quyết định của các cấp không đúng, rồi họ phải tự hành trình đơn độc đi tố cáo. 

Tỉnh ủy triển khai học tập nội dung tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tỉnh ủy triển khai học tập nội dung tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tỉnh ủy triển khai học tập nội dung tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Nếu những cán bộ, đảng viên từ UBND phường, xã, bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố tại 2 hộ dân trên là nơi sớm nhất tiếp nhận công văn của cấp trên về thu hồi đất có trách nhiệm, dành thời gian nghiên cứu kỹ quy hoạch, thông báo, quyết định thu hồi đất và đến gặp dân tìm hiểu tình hình, nếu thấy không hợp lý, không đúng phải kiến nghị ngay cấp trên xem xét dừng lại. Khi cán bộ, đảng viên làm việc có trách nhiệm, phát hiện dấu hiệu TNTC phải sớm ngăn chặn trước thì người dân sẽ không phải chịu oan sai để đi tố cáo ròng rã từ cấp thành phố đến tỉnh, Thanh tra Chính phủ, có trường hợp kiện ra tòa án? Như vậy, tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của đảng viên tham gia đấu tranh tố cáo TNTC để ở đâu? 

Thực tế, khi chúng tôi tìm gặp những người dân đã từng đi tố cáo các vụ việc tiêu cực và hỏi thăm bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, ban Mặt trận tại khu dân cư có quan tâm đến công tác PCTNTC không? Chúng tôi chỉ nhận được sự né tránh, thậm chí từ chối không trả lời. Phải chăng sự thiếu trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên cấp cơ sở đó còn là sự vô cảm với cuộc đấu tranh PCTNTC, vô cảm ngay với chính người hàng xóm bị oan sai trong cộng đồng khu dân cư của mình đang sống? Đó còn là vấn đề xã hội nhức nhối giữa con người với con người?

Nếu đấu tranh PCTNTC chỉ trông chờ vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh mà các cấp ủy Đảng từ cơ sở trở lên vẫn để tình trạng cán bộ, đảng viên thờ ơ, vô cảm, chỉ có người dân đơn độc đấu tranh với TNTC thì khó có thể thực hiện tốt hơn nhiệm vụ cấp bách về xây dựng chỉnh đốn Đảng. Vì vậy, đòi hỏi các  cấp ủy Đảng và cả hệ thống chính trị phải tích cực hưởng ứng thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh vừa phòng và chống mới có thể gỡ khó cho Đảng trong công tác đấu tranh PCTNTC.

Không để “dân thấy quan là thấy tham nhũng”

Không để “dân thấy quan là thấy tham nhũng” là chỉ đạo của đồng chí Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh với lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy các cấp tại hội thảo về “Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới” do Tỉnh ủy tổ chức ngày 12/10/2023. Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh thẳng thắn phân tích, sau hơn 1 năm triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW, một trong những mặt còn hạn chế, yếu kém là cấp ủy cơ sở gần dân nhất nhưng khi giải quyết công việc trực tiếp cho dân còn nhiều bấp cập, nhũng nhiễu, sai phạm. Vì vậy, người dân giảm sút niềm tin với cấp cơ sở nên nghi ngại “thấy quan là thấy tham nhũng”. Còn cán bộ, lãnh đạo cấp trên cơ sở có người giàu lên nhanh chóng nên dân đặt câu hỏi “Sao quan giàu nhanh thế?”. Vì thế công tác PCTNTC tại cơ sở phải làm quyết liệt, kiên trì và kiên quyết như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo. Bởi tổ chức cơ sở đảng là cầu nối gắn bó máu thịt giữa Ðảng với nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo, thanh lọc Đảng ở cơ sở. Tỉnh ủy triển khai quyết liệt Nghị quyết số 21-NQ/TW để người đứng đầu cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng phải tự rèn, tự soi, tự sửa mình, nêu gương cho cấp dưới làm việc rất trách nhiệm với dân và để dân tin người đứng đầu thì mới đến phản ánh, tố giác, tố cáo dấu hiệu, hành vi TNTC, khắc phục dân hoài nghi “thấy quan là thấy tham nhũng”.

Thực tế chúng tôi tìm hiểu những vụ việc đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiện tụng kéo dài và cán bộ, lãnh đạo TNTC có khoảng 60 - 70% vụ việc xuất phát từ cơ sở. Từ một việc nhỏ chưa được giải quyết thỏa đáng, công bằng tại cơ sở nên người dân làm đơn thư khiếu nại, tố cáo lên xã, phường, thị trấn không được giải quyết rồi lại tiếp tục đưa lên huyện, thành phố, tỉnh, Thanh tra Chính phủ, kiện ra tòa án… Điển hình như vụ việc tranh chấp quyền thừa kế đất đai của bà D.T.P., xóm Bế Triều, thị trấn Nước Hai (Hòa An) với người em trai ruột là việc nội bộ gia đình trở thành vụ đơn thư khiếu nại kéo dài 20 năm lên Thanh tra Chính phủ.

Tại các cấp ủy, cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng xuất phát từ cán bộ, đảng viên chưa nêu cao tính tiền phong, gương mẫu để theo dõi kiểm soát dấu hiệu, hành vi TNTC. Thậm chí có đảng viên biết rất rõ cán bộ TNTC cũng thờ ơ, dĩ hòa vi quý. Vì thế, rất nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Đảng về PCTNTC được cấp ủy tổ chức tuyên truyền, quán triệt học tập đến tất cả cán bộ, đảng viên cũng chỉ là hình thức, không đi vào thực tiễn. 

Ông Hứa Trọng Sinh, đảng viên dân tộc Nùng, xóm Nặm Dựa, xã Cần Nông (Hà Quảng) 1 trong 25 người tiêu biểu được tuyên dương toàn quốc về đấu tranh chống tham nhũng năm 2009 chia sẻ với phóng viên về trách nhiệm người đảng viên đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
Ông Hứa Trọng Sinh, đảng viên dân tộc Nùng, xóm Nặm Dựa, xã Cần Nông (Hà Quảng) 1 trong 25 người tiêu biểu được tuyên dương toàn quốc về đấu tranh chống tham nhũng năm 2009 chia sẻ với phóng viên về trách nhiệm người đảng viên đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

Trăm lần nói không bằng một lần nêu gương. Cán bộ, đảng viên cơ sở nêu gương, đấu tranh tố cáo tham nhũng có khó quá mức không? Trả lời câu hỏi này, ông Hứa Trọng Sinh, đảng viên, dân tộc Nùng, xóm Nặm Dựa, xã Cần Nông (Hà Quảng), 1 trong 25 người tiêu biểu được tuyên dương toàn quốc về đấu tranh chống tham nhũng năm 2009 chia sẻ: Năm 2009, tôi là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nông dân xã tố cáo Chủ tịch Hội Nông dân xã lợi dụng chức vụ để chiếm dụng trên 140 triệu đồng từ Quỹ “Hỗ trợ nông dân” và tiền cho vay hộ nghèo từ vốn Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Điều thôi thúc tôi tố cáo lãnh đạo tham nhũng vì nghĩ đến trách nhiệm và danh dự đảng viên. Nếu bà con biết lãnh đạo chiếm dụng tiền công, mình không tố cáo thì bà con sẽ nghĩ tôi là đồng phạm, sẽ mất hết danh dự đảng viên. Hơn nữa, số tiền trên để hỗ trợ cho hộ nghèo, tôi không thể nào làm ngơ nên đã âm thầm 1 năm đi thu thập chứng cứ rồi báo cáo lên Công an huyện vào cuộc. Hiện nay, ông Sinh luôn được Đảng ủy xã Cần Nông nêu gương để lan tỏa sự tích cực việc tham gia đấu tranh PCTNTC của cán bộ, đảng viên cơ sở.

Người dân đưa ra nghi vấn một số quan chức “Sao quan giàu nhanh thế?”, theo bà Hoàng Thị Bình, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, đại biểu HĐND tỉnh cho biết: Các quy định về kê khai tài sản của cán bộ, lãnh đạo đã ban hành. Quan trọng là các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc làm và công khai với dân trung thực không? Việc dân hoài nghi quan chức có dấu hiệu TNTC cũng đồng thời có quyền đề nghị chất vấn, giám sát thực hiện nhiệm vụ đấu tranh PCTNTC với các cơ quan chức năng. Vì vậy, MTTQ các cấp, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tập hợp với nhân dân cùng thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội để kiểm soát tốt quan chức nhà nước - quyền lực Nhà nước. Mở các đường dây nóng để dân phản ánh TNTC. Có như vậy sẽ làm tốt quyền của người dân tham gia đấu tranh với TNTC, cùng gỡ nhiệm vụ khó trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.  

Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Dương Thanh Phúc: Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh triển khai bước đầu có hiệu quả, song cần có thời gian kiểm chứng từ thực tiễn để tiếp tục điều chỉnh. Đảng, Nhà nước ban hành cả hệ thống văn bản cụ thể, chi tiết, bài bản về công tác PCTNTC, nhưng quan trọng nhất vẫn do người đứng đầu làm quyết liệt, linh hoạt và phù hợp; sự tham gia tích cực của các cấp ủy Đảng và cán bộ, đảng viên; nâng cao vai trò giám sát của nhân dân, đặc biệt việc bảo vệ người tố cáo TNTC cần nghiên cứu bổ sung thêm để tránh rủi ro, áp lực bị trả thù cho người tố cáo. 

 

BÀI CUỐI: XÂY DỰNG VĂN HÓA LIÊM CHÍNH CHỐNG “CHIẾM CÔNG VI TƯ”

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) rất khó nhưng khó mấy cũng phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực (TNTC). Để đẩy lùi TNTC, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực sự là công bộc phục vụ dân thì giải pháp căn cơ mà Cao Bằng đã thực hiện thành công bước đầu là  xây dựng văn hóa liêm chính chống “chiếm công vi tư”.

Lan tỏa cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

“Các tổ chức, cơ sở phải lan tỏa làm theo cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trần Hồng Minh Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh đối với cán bộ, đảng viên các cấp ủy tham dự Hội nghị nghiên cứu, triển khai học tập nội dung tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức vào tháng 5/2023. 

Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh phân tích. Tất cả quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước không thể điều chỉnh hết mọi hành vi TNTC của cán bộ, đảng viên mà chỉ có đạo đức, sự liêm chính và trọng danh dự trong mỗi cán bộ, đảng viên mới đẩy lùi được. Vì thế PCTNTC rất khó nhưng khó đến đến mấy cũng kiên trì làm. Căn bản nhất phải lấy đạo đức, sự liêm chính để tự soi, tự sửa vào bản thân mình trong các mối quan hệ xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh dự buổi sinh hoạt Chi bộ tại Tổ dân phố 2, thị trấn Tĩnh Túc (Nguyên Bình). Ảnh Thanh Thúy
Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh dự buổi sinh hoạt Chi bộ tại Tổ dân phố 2, thị trấn Tĩnh Túc (Nguyên Bình). Ảnh Thanh Thúy 

Hưởng ứng xây dựng văn hóa liêm chính đẩy lùi TNTC được cộng đồng doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Cao Bằng quan tâm và đề nghị UBND tỉnh xem xét, tháo gỡ yếu kém về chỉ số năng lực cạnh tranh CPI của Cao Bằng luôn thấp nhất toàn quốc từ nhiều năm qua. Nguyên nhân do đâu? Lãnh đạo, cán bộ, đảng viên có “chiếm công vi tư” hay không? Phải minh bạch trong đấu thầu các dự án, tránh sân sau, lợi ích nhóm… Sự liêm chính của cán bộ, đảng viên làm việc công khai, minh bạch vì sự phát triển là thước đo niềm tin của doanh nghiệp và người dân.

Nhân dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu, Thành ủy và Đảng ủy Công an tỉnh mời GS,TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương lên Cao Bằng kể chuyện tấm gương đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh gắn với đấu tranh PCTNTC. Nhiều câu chuyện kể Bác Hồ sống giản dị, tiết kiệm, tận tụy vì dân của GS,TS Hoàng Chí Bảo khiến ai cũng cảm động sâu sắc. Đặc biệt câu chuyện kể Bác Hồ ngày đầu tiên về nước (28/1/1941) được ăn bữa cơm với gia đình ông Lý Quốc Súng, bản Pác Bó (Hà Quảng), Người lặng đi rất lâu. Bởi để có ngày về với đồng bào của mình ăn cháo ngô với rau rừng, Người đã phải hành trình 30 năm xa Tổ quốc đi khắp thế giới. Thấy đồng bào còn cực khổ, lòng Người càng quặn đau, cùng đồng cam cộng hổ với dân, dựa vào dân, rèn luyện cán bộ Đảng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc làm nên cách mạng thành công… Tấm gương của Người đã bồi đắp tinh thần cống hiến, liêm chính vì dân cho nhiều cán bộ, đảng viên. 

Phó trưởng Phòng Công tác Đảng và công tác chính trị Công an tỉnh Lê Hoài Nam chia sẻ: Nghe chuyện kể về Bác Hồ, tôi càng thêm thấm nhuần lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Thực tiễn, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác cơ sở, tôi luôn tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân để xác minh, xử lý vụ việc chính xác, khách quan, đúng quy định của pháp luật. 

Sinh hoạt tư tưởng chính trị dưới cờ để rèn luyện đạo đức, nhắc nhở cán bộ, đảng viên.
Sinh hoạt tư tưởng chính trị dưới cờ để rèn luyện đạo đức, nhắc nhở cán bộ, đảng viên.

Chào cờ, sinh hoạt tư tưởng chính trị dưới cờ để xây dựng văn hóa liêm chính được Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm Đoàn Trọng Hùng kể với chúng tôi: Định kỳ sáng thứ Hai, tuần đầu hằng tháng, Huyện ủy, Đảng ủy các xã, thị trấn tổ chức Lễ chào cờ và sinh hoạt chính trị tư tưởng dưới cờ, cán bộ, đảng viên hát quốc ca chào cờ Tổ quốc, cờ Đảng, kể một câu chuyện về tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc gương điển hình của tập thể, cá nhân tiêu biểu học và làm Bác. Qua đó, luôn nhắc nhở trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đồng thời, tập thể, cán bộ, đảng viên, Thường trực Huyện ủy, tôi là Bí thư Huyện ủy phải báo cáo công khai nhiệm vụ từng tháng để tự kiểm tra, kiểm điểm lẫn nhau, góp ý và đề xuất giải pháp chấn chỉnh, tháo gỡ kịp thời hạn chế, vướng mắc, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Từ tinh thần tự soi, tự sửa, Thường trực Huyện ủy tăng cường chỉ đạo, kiểm soát chặt chẽ các nguồn lực đầu tư, triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, mô hình giảm nghèo phù hợp với điều kiện của địa phương. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, vừa qua huyện tổ chức các đợt cao điểm tuyên truyền, vận động, đấu tranh xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc Mông. Đến nay, đã xóa bỏ hoạt động của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, đập tan mọi âm mưu của kẻ xấu hòng chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Làm theo cuốn sách của Tổng Bí thư, xây dựng văn hóa liêm chính từng bước đẩy lùi TNTC ngày càng có sức lan tỏa tại cơ sở. Bởi liêm chính là nền tảng đạo đức làm người chống lại mọi cái xấu và lòng tham. 

Kỳ vọng từ mô hình “Dân gọi - Công chức trả lời”

Chúng tôi đến thị trấn biên giới Tà Lùng (Quảng Hòa) được nghe người dân, doanh nghiệp phản ánh sự hài lòng về cán bộ, đảng viên UBND thị trấn làm việc chuyên nghiệp và minh bạch. Người dân đến giao dịch tại trụ sở cán bộ, đảng viên làm việc với tinh thần tôn trọng, hợp tác, cởi mở “4 xin”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép và “4 luôn”: luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. Lịch tiếp công dân của người đứng đầu cấp ủy, UBND thị trấn được niêm yết công khai để người dân đến gặp. Hiện UBND thị trấn xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số và thiết lập đường dây nóng “Dân gọi - Công chức trả lời” trực 24/24 giờ, có cán bộ nghe và hướng dẫn làm thủ tục, hẹn ngày trả kết quả, trả lời thắc mắc…

Chị Đặng Hồng Vân, Khu tái định cư 2, thị trấn Tà Lùng cho biết: “Gia đình tôi làm thủ tục đất đai, chỉ gọi điện thoại đến UBND thị trấn, cán bộ hướng dẫn chi tiết làm thủ tục, rồi gửi qua hệ thống Dịch vụ công trực tuyến. Chỉ một tuần đã có kết quả gửi đến nhà, không mất thời gian đi lại và không mất tiền chi phí và không thấy cán bộ nhũng nhiễu, đòi hỏi. Nhiều người làm các thủ tục khác cũng vậy, được giúp đỡ hỗ trợ, nhanh gọn, minh bạch. Tôi rất hài lòng với tính minh bạch và chuyên nghiệp của cán bộ UBND thị trấn”. 

Chủ tịch UBND thị trấn Tà Lùng (Quảng Hòa) Đàm Thị Phượng kiểm tra cán bộ cập nhật các văn bản Hệ thống thông tin một cửa điện tử, công khai, minh bạch thủ tục hành chính.
Chủ tịch UBND thị trấn Tà Lùng (Quảng Hòa) Đàm Thị Phượng kiểm tra cán bộ cập nhật các văn bản Hệ thống thông tin một cửa điện tử, công khai, minh bạch thủ tục hành chính.

Chủ tịch UBND thị trấn Tà Lùng Đàm Thị Phượng cho biết: “Từ năm 2022 đến nay, tôi chỉ đạo cơ quan thực hành tiết kiệm, đầu tư hạ tầng kỹ thuật số đồng bộ để vận hành chính quyền số gắn với xây dựng văn hóa công sở liêm chính, minh bạch, chuyên nghiệp. Thời gian đầu, do vận hành chuyển đổi số còn bỡ ngỡ, người dân gọi điện thoại đến rất nhiều nên chúng tôi khá vất vả, kiên trì hướng dẫn. Sau này, vận hành quen nên 100% thủ tục hành chính được người dân gửi đến và xử lý trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử, có lịch hẹn đảm bảo tính minh bạch, nhanh gọn hiệu quả”. Theo Chủ tịch Phượng, hiệu quả Chính quyền số giúp UBND thị trấn tiết kiệm chi các cuộc họp về in ấn, ban hành văn bản, chuyển công văn Trung ương, tỉnh, huyện xuống khu dân cư… chỉ một nút ấn chuột văn bản đã chuyển đến điện thoại nhóm là người dân, doanh nghiệp và được cập nhật, phản hồi nhanh chóng. Tiết kiệm thời gian đi lại triển khai văn bản, mời hội họp mà vẫn nhận được sự góp ý thông qua nhóm zalo trên điện thoại thông minh.

Từ điện thoại đường dây nóng, người dân còn gọi điện đến phản ánh bất cập, vụ việc nảy sinh từ cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo, báo cáo lực lượng chức năng phối hợp xử lý kịp thời, đảm bảo an ninh khu vực biên giới quốc gia.

Xây dựng văn hóa công sở liêm chính PCTNTC phải gắn với thực hành tiết kiệm. Theo Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Dương Thanh Phúc, phải xây dựng văn hóa liêm chính chống “chiếm công vi tư”, bởi từ liêm chính mỗi cán bộ, đảng viên thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, thấy vật chất không tham lam; không thủ đoạn để tranh giành chức vụ, đấu đá quyền lực, không mánh khóe, mưu mô, lách luật để chiếm của công làm tư lợi cho cá nhân, nhóm lợi ích. Đây chính là gốc rễ, nền tảng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện đẩy lùi TNTC.

Hiện nay, xây dựng chính quyền số cấp cơ sở gắn với mô hình “Dân gọi - Công chức trả lời” của UBND thị trấn Tà Lùng được người dân và doanh nghiệp hài lòng và nhiều xã, phường, thị trấn trong tỉnh đánh giá cao. Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của xã hội, Tỉnh ủy đang chỉ đạo các cấp, ngành nỗ lực đẩy mạnh triển khai đồng bộ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số gắn với xây dựng văn hóa liêm chính sẽ mở kỳ vọng mới về xây dựng văn hóa công vụ liêm chính, tiết kiệm, minh bạch, chuyên nghiệp trong bộ máy hành chính công. 

Đồng chí Hoàng Thị Bình, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh: Xây dựng văn hóa liêm chính gắn với tiết kiệm thể hiện trách nhiệm cán bộ, đảng viên tiết kiệm tài chính công, không lãng phí, vì lợi ích tập thể. Tiết kiệm góp phần kiến tạo môi trường sống, làm việc lành mạnh với những giá trị liêm khiết, ngay thẳng, chính trực, công bằng được thực thi, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức luôn rèn luyện đạo đức, gương mẫu, tiên phong đẩy lùi TNTC trong cơ quan Nhà nước. 

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất