Tác phẩm "Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở huyện đảo Trường Sa" của tác giả An Hiếu (Báo Công an nhân dân) đăng trên Báo Công an nhân dân đã đoạt Giải C - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ VIII - năm 2023. Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Bài 1: Thiêng liêng lễ kết nạp Đảng ở Trường Sa
Thời khắc đặc biệt chào đón năm mới 2023, chúng tôi được hòa mình vào không khí sôi nổi của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) và nhân dân huyện đảo Trường Sa đang ra sức thi đua, rèn luyện, hăng say lao động, sẵn sàng chiến đấu, lập thành tích chào mừng 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2023).
Một mùa Xuân mới đang về trên quần đảo, nơi có những đảng viên, quần chúng ưu tú là tấm gương sáng ngời, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đưa Nghị quyết XIII của Đảng vào cuộc sống, công tác, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu đã và đang được chính quyền và nhân dân huyện đảo Trường Sa; Đảng bộ Vùng 4 Hải quân thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo.
|
Đại úy Lý Quý Cường (người giữa ảnh) và các đảng viên biểu quyết thông qua Nghị quyết trong một buổi sinh hoạt Đảng tại đảo Trường Sa. |
Được công tác, rèn luyện ở địa bàn tuyến đầu là các đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa là vinh dự lớn, niềm tự hào; đồng thời cũng thể hiện phẩm chất tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân của mỗi CBCS, quần chúng, người dân đang công tác, sinh sống ở đây. Khi mỗi đảo, điểm đảo kết nạp thêm một đảng viên mới là đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng vững mạnh, xây dựng các chi bộ, đảng bộ mạnh về chính trị - quốc phòng, vững về phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Kết nạp đảng giữa trùng khơi
Sau 16 ngày lênh đênh trên biển, binh nhất Lý Quý Cường, quê ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã có mặt trên đảo Nam Yết - hòn đảo mà trước đây Cường chỉ biết qua đọc sách, báo, xem tivi. Đón em là những chỉ huy, CBCS trên đảo với nụ cười ấm áp, cái bắt tay rất chặt làm em nhanh chóng quên đi mệt nhọc sau chuyến hành trình trên biển.
Thiếu tá Mai Bá Tuấn, khi ấy là Chính trị viên đảo Nam Yết đã có những lời động viên, chia sẻ, quan tâm đến những binh nhất mới đến đảo công tác. Ngày đầu còn lạ lẫm với khí hậu và nếp sống trên đảo, được các thế hệ CBCS đi trước quan tâm, giúp đỡ, sẻ chia, Lý Quý Cường đã nguôi dần nỗi nhớ gia đình, hăng say rèn luyện, học hỏi các tấm gương cán bộ, đảng viên trên đảo. Tháng 6/2006, sau 18 tháng phấn đấu, rèn luyện, binh nhất Lý Quý Cường đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Câu chuyện về binh nhất Lý Quý Cường, một tấm gương đảng viên sáng mà chúng tôi được nghe anh em CBCS kể lại trong hải trình đến các đảo thuộc quần đảo Trường Sa vào dịp công tác xuyên hai năm 2022-2023 đã thôi thúc tôi tìm gặp đảng viên Lý Quý Cường. Nhân duyên khi đến đảo Trường Sa, chúng tôi đã gặp được nhân vật cần tìm. Hiện, Lý Quý Cường đã có một quá trình phấn đấu liên tục, trở thành "hạt giống đỏ", là cán bộ mang quân hàm Đại úy, đang công tác tại đảo Trường Sa.
“Giữa muôn trùng sóng gió, lễ kết nạp Đảng ở Trường Sa đã mang lại những cảm xúc rất khác biệt với đất liền và rất đỗi thiêng liêng. Khi đó, Chi bộ Cụm chiến đấu 1, đảo Nam Yết đã tổ chức rất trang trọng buổi lễ kết nạp đảng. Trước Đảng kỳ, Quốc kỳ, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi đã xúc động tuyên thệ… Được kết nạp đảng là niềm hạnh phúc, vinh dự với tất cả các đảng viên nhưng với tôi, điều đặc biệt hơn là được kết nạp ngay nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Đây là niềm vinh dự không phải ai cũng may mắn có được, từ đó đến nay, tôi luôn tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng và chia sẻ những kinh nghiệm mình có được cho các đảng viên, chiến sĩ trẻ để kế tục sự nghiệp của các thế hệ CBCS đi trước, ươm mầm giống cho Đảng…” - Đại úy Lý Quý Cường xúc động nhớ lại buổi lễ kết nạp Đảng mà anh không bao giờ quên trong cuộc đời mình. Anh cũng chia sẻ thêm, hồi đó ở đảo chưa có điện thoại, ngay đêm hôm đó anh đã thức viết một lá thư rất dài về cho gia đình, vậy mà phải 6 tháng sau bố mẹ ở quê nhà mới nhận được thư và vui mừng biết con trai đã phấn đấu, trưởng thành, vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Đó chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện cảm động về sự phấn đấu của CBCS, đảng viên, quần chúng ở nơi đầu sóng ngọn gió, đảo tiền tiêu của Tổ quốc mà chúng tôi đã nghe và gặp các nhân vật trong chuyến đi thực tế. Những chiến sĩ trẻ mà chúng tôi gặp, trước khi đến với Trường Sa họ đều có ước mơ, hoài bão riêng của mình nhưng khi được công tác ở đảo tiền tiêu, họ đều có chung ước mơ, có điểm chung là được cống hiến sức trẻ, khi Tổ quốc cần và gọi tên, họ sẵn sàng đến những nơi gian khó nhất để chắc tay súng, bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Thượng tá Nguyễn Công Chính, Bí thư Đảng uỷ, Chính trị viên đảo Trường Sa cho biết: Đảng uỷ đảo Trường Sa luôn xác định xây dựng Đảng là công tác đặc biệt quan trọng. Trong đó, công tác xây dựng Đảng gắn với việc phát triển đảng viên là một trong những nội dung cốt lõi, bởi muốn tổ chức Đảng mạnh thì từng chi bộ phải mạnh, muốn chi bộ mạnh thì từng đảng viên phải mạnh nên việc bồi dưỡng, phát triển đảng viên là một trong những nội dung mà cấp uỷ các cấp thường xuyên quan tâm.
“Đảo xa đất liền, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, với nhiệm vụ, đặc thù riêng của đơn vị thì nguồn phát triển đảng của đơn vị tập trung ở các đồng chí Tiểu đội trưởng, Khẩu đội trưởng... đã được đào tạo hạ sỹ quan, có đầy đủ phẩm chất, năng lực và được ra đảo công tác. Đây là những quần chúng ưu tú, trong quá trình công tác tại đơn vị thì tiếp tục rèn luyện, trải qua thử thách, công tác tại tuyến đầu của tổ quốc, là nguồn cho Đảng bộ đảo Trường Sa. Công tác kết nạp đảng thời gian qua chúng tôi đã làm rất tốt. Chúng tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch phát triển đảng từ đầu năm, lựa chọn nguồn chặt chẽ, đúng quy trình; phân công các đồng chí đảng viên theo dõi giúp đỡ; tổ chức cho quần chúng ưu tú học các lớp đối tượng Đảng, bồi dưỡng kiến thức đảng viên; đặc biệt là giao nhiệm vụ thử thách để quần chúng rèn luyện, trưởng thành… khi có quyết định của cấp có thẩm quyền, các chi bộ tổ chức lễ kết nạp rất trang trọng, thực sự để lại ấn tượng, kỷ niệm sâu sắc cho mỗi đảng viên. Trong nhiều năm qua, trung bình mỗi năm đảo kết nạp được từ 3-5 đảng viên”- Thượng tá Nguyễn Công Chính chia sẻ thêm.
Vinh dự được rèn luyện, phấn đấu nơi tuyến đầu Tổ quốc
Thanh xuân là quãng thời gian đẹp đẽ nhất của đời người và với những chiến sĩ Hải quân, họ đã dành cả tuổi trẻ để cống hiến, để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Có chiến sĩ trẻ được kết nạp đảng ngay trên ghế nhà trường, có chiến sĩ được kết nạp đảng trên đảo nơi họ công tác. Thực tế công tác xây dựng phát triển đảng ở đảo Trường Sa cũng có nhiều thuận lợi đan xen khó khăn. Những chiến sĩ chưa đủ thời gian kết nạp thì khi vào bờ, đến đơn vị công tác mới lại tiếp tục phấn đấu, rèn luyện để sau khi được đứng trong hàng ngũ của đảng họ lại viết đơn tình nguyện ra đảo công tác, trở thành những “hạt giống đỏ”, lan tỏa tinh thần, sức chiến đấu của đảng viên cho các CBCS trẻ. Và còn nhiều chiến sĩ dù hết thời hạn quân ngũ, chưa được kết nạp đảng nhưng trở về địa phương, họ trở thành những công dân mẫu mực, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện ngay trên mảnh đất quê hương mình.
Câu chuyện của Thượng tá Phạm Thế Nhương, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa là một ví dụ điển hình về tấm gương của đảng viên. Ngay từ khi còn là học viên K61 trên ghế nhà trường Sỹ quan Lục quân I (niên học 1994-1998), anh đã phấn đấu, rèn luyện được kết nạp vào Đảng. Sau khi ra trường, anh Nhương được phân công công tác ở Vùng 4 Hải quân. Phát huy sức trẻ của người đảng viên, năm 2000, anh xung phong ra đảo Trường Sa công tác, khi ấy anh Nhương mới mang quân hàm Trung úy, là đảng viên trẻ trên đảo. Đến nay, Thượng tá Phạm Thế Nhương đã 31 tuổi quân và 25 năm tuổi đảng. Năm 2021, Thượng tá Nhương được cấp trên điều động trở lại đảo Trường Sa công tác và đến cuối năm 2022 được bổ nhiệm, giữ chức vụ Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa.
Kiệm lời khi nói về mình và gia đình nhưng qua tìm hiểu chúng tôi được biết, người cán bộ, đảng viên ấy đã từng công tác ở rất nhiều đảo gian khó như: Cô Lin, Song Tử Tây, Sơn Ca… Quá trình phấn đấu, rèn luyện, trải qua nhiều vị trí công tác, với Thượng tá Phạm Thế Nhương, những chuyến về thăm gia đình ở quê hương Nam Định chỉ đếm trên đầu ngón tay và mùa Xuân 2023, thêm một lần nữa anh lại xa gia đình, cùng đồng đội đón Tết trên đảo tiền tiêu, góp phần giữ cho đất nước bình yên. Câu chuyện của những đảng viên nơi đầu sóng ngọn gió như Thượng tá Phạm Thế Nhương, Đại úy Lý Quý Cường và còn rất nhiều thế hệ đảng viên đi trước ở các đảo, điểm đảo trên quần đảo Trường Sa đã lan tỏa được hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân”, sẵn sàng cống hiến, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Những ngày tác nghiệp ở quần đảo Trường Sa, chúng tôi cũng đã gặp những CBCS, đảng viên hải quân trẻ tuổi nhưng chí cao. Được sống những ngày trên đảo, “ba cùng” với CBCS Hải quân, nghe họ trải lòng về công việc và cuộc sống đời thường mới thấy, dù còn nhiều khó khăn nhưng các chiến sĩ trẻ luôn thể hiện niềm vinh dự, tự hào khi được rèn luyện, trưởng thành trong môi trường công tác, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội. Họ đã vượt qua mọi khó khăn, khắc nghiệt, luôn tích cực học tập, rèn luyện, có phẩm chất chính trị vững vàng; hăng say huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tuần tra canh gác, tăng gia sản xuất, có nhiều sáng tạo trong công tác, chiến đấu… xứng đáng là người cán bộ, đảng viên công tác đầu sóng ngọn gió, nơi tuyến đầu của Tổ quốc.
Thượng tá Lương Xuân Giáp, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 146 cho biết: Ngày 8/5/1978, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định số 903/QĐ thành lập Trung đoàn 146 trực thuộc Quân chủng Hải quân. Cùng với quyết định thành lập Trung đoàn, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng ra Quyết định thành lập Đảng bộ Trung đoàn 146. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy Quân chủng Hải quân và Vùng 4 Hải quân, gần 45 năm qua, Đảng bộ Lữ đoàn 146 nói chung, Đảng bộ đảo Trường Sa nói riêng đã thường xuyên quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quân sự của Đảng, bám sát nhiệm vụ và thực tiễn cơ sở, lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, xây dựng Đảng bộ và Lữ đoàn ngày càng trưởng thành, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Tiếp tục phát huy tốt truyền thống “Chiến đấu anh dũng, đoàn kết chủ động, khắc phục khó khăn, giữ vững chủ quyền”, quản lý, bảo vệ vững chắc quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.
Bài 2: Những “hạt giống đỏ” ươm mầm nơi đất thép
Huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà - mảnh đất thép đã trở thành nơi ươm mầm những “hạt giống đỏ” của Đảng, góp phần nâng cao năng lực, sức chiến đấu cho các tổ chức cơ sở Đảng, trong đó, đảng viên gương mẫu là nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển, đảo quê hương.
Trải qua gần 45 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng bộ, chính quyền… tỉnh Khánh Hòa; sự quan tâm, giúp đỡ của Quân đội, Quân chủng Hải quân và nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, cán bộ, công chức, viên chức, quân và dân huyện Trường Sa đã luôn khắc phục khó khăn, phát huy ý chí tự lực tự cường, xây dựng huyện đảo ngày càng phát triển, xứng đáng là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Quân với dân một ý chí
Trong hải trình dài 16 ngày, đêm đến thăm 4 đảo Trường Sa, An Bang, Đá Đông, Trường Sa Đông, điểm đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là đảo Trường Sa.
Tại khu sinh hoạt chung của các hộ dân, đảng viên, Phó Chủ tịch thị trấn Trần Văn Hoàng và đảng viên Lê Duy Phương, công chức văn hoá xã hội kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị trấn Trường Sa đang trò chuyện với người dân về hoạt động chuẩn bị thu dọn sau lễ hội mùa Xuân. Bên ấm trà nóng, chàng trai thế hệ 9X Lê Duy Phương xúc động kể lại câu chuyện xung phong ra đảo công tác và quá trình bền bỉ 4 năm phấn đấu không ngừng để vinh dự được kết nạp Đảng ngay trên đảo Trường Sa.
Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Khánh Hoà, từ nhỏ, Lê Duy Phương đã quen với những con sóng biển, hun đúc tình yêu với biển đảo quê hương. Năm 2018, tốt nghiệp Đại học Thể dục thể thao, có cơ hội lập nghiệp ở đất liền nhưng Phương viết đơn tình nguyện xin ra đảo Trường Sa công tác. Biết tin, ông nội và bố, mẹ Phương băn khoăn, lo lắng, sợ rằng với môi trường khí hậu khắc nghiệt, cuộc sống trên đảo còn khó khăn, chàng trai trẻ sẽ gặp nhiều trở ngại trong công tác và cuộc sống… Tuy nhiên, với quyết tâm và nghị lực của Phương đã thuyết phục được gia đình ủng hộ em ra đảo công tác.
Qua nhiều ngày lênh đênh trên biển, nếm trải những cơn say sóng, ngay khi bước chân đến hòn đảo xinh đẹp, nơi được mệnh danh là thủ phủ, trái tim của cả quần đảo Trường Sa, Lê Duy Phương đã thấy ấm áp với sự đón tiếp nồng hậu của quân và dân nơi đảo tiền tiêu. Ở gia đình lớn thứ 2 này, có sự đoàn kết, cùng hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong công việc và cuộc sống đã tiếp thêm nghị lực, niềm tin vào Đảng, vào một tương lai tươi sáng cho Lê Duy Phương. Với ý chí phấn đấu, rèn luyện nơi đầu sóng ngọn gió, trở thành một hạt nhân trong các phong trào của đảo, cống hiến sức trẻ cho cách mạng, cho công cuộc xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa, sau 4 năm, ngày 21/2/2022, quần chúng Lê Duy Phương đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Anh Lê Duy Phương trải lòng: “Là người con đất Việt, tôi mong muốn được công tác tại đảo Trường Sa, cống hiến sức trẻ cho quê hương, đất nước. Được đứng trong hàng ngũ của Đảng, vinh dự được kết nạp ngay trên đảo Trường Sa thật thiêng liêng, niềm tự hào này không phải ai cũng may mắn có được. Lời tuyên thệ ở đảo tiền tiêu tôi sẽ không bao giờ quên trong cuộc đời mình, nguyện tiếp tục cống hiến, hy sinh cho Đảng. Năm nay là năm thứ 5 công tác ở đảo nhưng tôi chưa năm nào ăn Tết ở nhà với gia đình. Giờ phút giao thừa nhà nhà sum họp đoàn viên nhưng trong khoảnh khắc của năm mới, được hoà mình với quân và dân đón Tết nơi đảo tiền tiêu cũng rất đặc biệt, thiêng liêng. Tôi mong góp phần bé nhỏ, cùng quân và dân đảo Trường Sa giữ yên biển, trời quê hương, cho đất nước đón mùa Xuân mới yên vui…”.
Không chỉ ở đảo Trường Sa mà ở một số đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa có rất nhiều quần chúng là công chức, viên chức, người dân đã luôn đồng hành, sát cánh cùng các chiến sĩ, quân nhân, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, trở thành “nguồn” của Đảng, được kết nạp Đảng, bổ sung đảng viên cho các Đảng bộ, chi bộ Đảng ở đảo, điểm đảo thêm vững mạnh.
Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa chia sẻ: Công tác xây dựng, phát triển Đảng ở huyện đảo Trường Sa cơ bản cũng như ở đất liền. Tuy nhiên, do địa bàn đặc thù tuyến đầu nên có điểm khác nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định, điều lệ Đảng, có sự linh hoạt, gắn sát với thực tiễn công tác, sẵn sàng chiến đấu nơi đảo tiền tiêu. Quan trọng là xác định nguồn đối với quân nhân ngay từ bờ, trước khi ra đảo, nhất là đối với chiến sĩ. Huyện phối hợp chặt chẽ với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Khánh Hoà (qua Ban Tổ chức Tỉnh uỷ) xác định nguồn đối với quần chúng là người dân. Việc bồi dưỡng nguồn lấy tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm, lòng trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc là điều tiên quyết. Ngoài ra, công tác chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật cũng là tiêu chí quan trọng. Việc xác minh lý lịch chính trị và các thủ tục hành chính Đảng chủ yếu là ở trong đất liền nên yêu cầu với các Đảng bộ, chi bộ phải chủ động, kịp thời, chất lượng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bởi đặc thù việc xét kết nạp ở đảo nhưng quyết định kết nạp lại ở đất liền, nhiều nội dung phải thông qua cơ yếu mã, dịch điện và thông tin để báo cáo…
“Những “hạt giống đỏ” của Đảng được “ươm mầm” nơi đất thép, nơi đầu sóng ngọn gió đã góp phần cùng quân và dân cả nước nói chung, cùng quân và dân huyện Trường Sa nói riêng, xây dựng huyện Trường Sa là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc” - Chủ tịch UBND huyện Trường Sa Lê Đình Hải nhấn mạnh thêm.
Mệnh lệnh từ trái tim “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân”
Trải qua quá trình phấn đấu bền bỉ, nghị lực vươn lên trong điều kiện khó khăn, gian khổ, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, những đảng viên, quân nhân chuyên nghiệp mà chúng tôi gặp ở huyện đảo Trường Sa như những viên ngọc được mài giũa, toả sáng giữa muôn trùng khơi. Gác lại những riêng tư, sự hy sinh thầm lặng của họ và các lớp lớp cán bộ, đảng viên cũng như hậu phương ở quê nhà, ở huyện đảo không thể nói hết bằng lời, tất cả vì độc lập, chủ quyền tự do của Tổ quốc và thật đáng trân trọng.
Chúng tôi gặp đảng viên, Thượng úy Hoàng Văn Thông trên tàu Hải quân 561 vào thời khắc những ngày sắp kết thúc năm 2022, khi anh đang cùng CBCS đảo An Bang chuẩn bị vật chất cho chuyến vào đảo công tác. Nói đến đảo An Bang không chỉ cánh phóng viên mà cả những CBCS đã có nhiều năm kinh nghiệm di biển cũng phải ngại vì đây là một trong những đảo khó vào nhất trong hải trình đến các đảo, điểm đảo ở quần đảo Trường Sa. Khó khăn, khắc nghiệt là vậy nhưng cách đây 11 năm, Thượng úy Hoàng Văn Thông khi ấy là binh nhất đã nhận nhiệm vụ công tác tại đảo An Bang.
Trao đổi với PV, Đại uý Phan Văn Anh, Chính trị viên đảo An Bang cho biết: “Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ tại đảo, đồng chí Thông đã được lãnh đạo, chỉ huy các cấp, đồng đội quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ. Với sức trẻ, lòng nhiệt huyết cùng với truyền thống cách mạng của quê hương xứ Nghệ, đồng chí Thông đã không ngừng phấn đấu, học tập, rèn luyện, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Ghi nhận thành tích và sự cống hiến, phấn đấu của đồng chí Thông, Chi đoàn đảo An Bang đã giới thiệu với Chi bộ xây dựng nguồn phát triển Đảng. Ngày 1/12/2011, đồng chí Thông được kết nạp vào Đảng ở Chi bộ đảo An Bang. Đó là kết quả của sự rèn luyện bền bỉ, phấn đấu học tập, vượt qua bao khó khăn, thử thách, không ngừng vươn lên của người chiến sĩ nơi đầu sóng, ngọn gió…”.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, chị Nguyễn Thị Hoa, vợ Thượng uý Hoàng Văn Thông gắn bó với nhau từ thời “thanh mai trúc mã”. Hai lần vượt cạn, năm 2017 và 2021, thì cả 2 lần chị Hoa đều không có chồng bên cạnh. Năm 2017, khi chị sinh con gái đầu lòng thì 14 tháng sau anh Thông mới được nghỉ phép về thăm gia đình. Bế con khi con đã biết đi lẫm chẫm, giây phút sum họp của gia đình họ là những giọt nước mắt xúc động của bao ngày xa cách, của hạnh phúc đoàn viên. Năm 2021, khi đất nước đang trong đại dịch, chị Hoa sinh hạ con trai thứ 2 và không may bị mắc COVID- 19. Em bé sau khi sinh xong phải tách mẹ ra nuôi lồng kính, xa vòng tay hơi ấm của cả mẹ và bố. Hai tháng sau, em bé và lần lượt các thành viên trong gia đình anh Thông phải chống chọi với dịch bệnh COVID-19.
Đó là những ngày tháng khó khăn của gia đình anh Thông nhưng họ không hề lẻ loi. Ở đảo xa, khi anh Thông vẫn chắc tay súng, giữ biển trời thì vẫn luôn có chỉ huy và đồng đội động viên, ở quê nhà, với sự giúp đỡ của hai bên nội ngoại, bà con chòm xóm, gia đình nhỏ của anh chị đã vượt qua được mọi khó khăn. Bé trai sinh ra được đặt tên là Hoàng Quý Bình với ý nghĩa trân trọng và thấu hiểu được giá trị của hoà bình cho đất nước, trong đó, có sự hy sinh vô bờ bến của CBCS Hải quân và hậu phương của họ.
Một câu chuyện chúng tôi được nghe trong chuyến đi thực tế đó là trường hợp của đảng viên, Thiếu tá Lương Tú Đa, cán bộ Cụm chiến đấu 1, đảo Trường Sa Đông. Nhiều năm trước, khi Thiếu tá Lương Tú Đa đang công tác tại đảo thì nhận được tin bố mất ở quê nhà. Nhận tin mà không thể về nhà chịu tang, giờ phút đau đớn ấy, được đồng đội bên cạnh sẻ chia anh đã vơi bớt đi sự mất mát. Nén nỗi đau, anh vẫn cùng đồng đội sát cánh, chắc tay súng, bảo vệ vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tôi đến đảo Trường Sa Đông đúng vào ngày mùng 1 Tết Dương lịch 2023, Thiếu tá Lương Tú Đa khi ấy vừa từ bờ ra đảo nhận nhiệm vụ mới, tất bật nhận quà Tết cho đơn vị. Cầm quyển sổ Đảng viên còn thơm mùi mực mới, Thiếu tá Đa cho biết, mỗi đảng viên ở đây dù xa đất liền nhưng các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng đều được triển khai tới Chi bộ kịp thời và sổ Đảng viên cũng được các tàu Hải quân vận chuyển đến đảo để phục vụ cho sinh hoạt chi bộ, đảng viên ghi chép đầy đủ các cuộc họp, triển khai công tác theo đúng điều lệ Đảng.
Những tấm gương sáng về quần chúng ưu tú, những đảng viên là “hạt giống” nơi đất thép đã chứng minh rằng, khi Tổ quốc cần, khi Đảng gọi, khi nhân dân yêu cầu, CBCS Hải quân đã sẵn sàng gác lại riêng tư của gia đình mình để bảo vệ sự bình yên cho đất nước, đó là điều hạnh phúc, là mệnh lệnh từ trái tim “Bộ đội Cụ Hồ - Người Chiến sĩ Hải quân”, bộ đội của nhân dân. Và cũng chính môi trường công tác còn nhiều khó khăn, gian khổ, huyện đảo Trường Sa trở thành cái nôi cách mạng để mỗi quần chúng, đảng viên được phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành, vững tin vào tương lai, vào sự phát triển cường thịnh của đất nước.
Mỗi thành tích, chiến công của huyện đảo đều gắn liền với thành tích, chiến công của Quân chủng Hải quân, Vùng 4 Hải quân, đặc biệt là Lữ đoàn 146, góp phần tô thắm, làm ngời sáng thêm lịch sử truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Anh hùng…Huyện đảo Trường Sa đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2022); Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; Huân chương Lao động các hạng Nhì, Ba. Nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân như: Đảo Trường Sa (thị trấn Trường Sa); đảo Song Tử Tây (xã Song Tử Tây) và đảo Nam Yết (xã Sinh Tồn). Hai cá nhân được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân là Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương và Anh hùng liệt sĩ Trần Đức Thông…
Bài 3: Vượt trùng khơi, “ba cùng” với những “mầm xanh”
Những chuyến hải trình xuyên năm, có chuyến dài 3 đến 6 tháng lênh đênh trên biển, cán bộ, đảng viên, quần chúng trên các con tàu Khánh Hòa 01 (tàu 561), 571, 905… thuộc Hải đội 411, Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt vẫn luôn nỗ lực vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận tải; đón, đưa các đoàn công tác, đoàn phóng viên báo chí đến các đảo tuyệt đối an toàn.
Trong hải trình dài 16 ngày đêm đến với các đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa trước thềm năm mới 2023, chúng tôi đã “ba cùng”- cùng ăn, cùng ở, cùng làm với CBCS trên các con tàu hải quân, qua đó, hiểu hơn về công tác xây dựng, phát triển đảng, ươm những “mầm xanh” góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng giữa muôn trùng khơi.
“Chất thép” trên những con tàu Hải quân
Dáng người chắc khoẻ, động tác dứt khoát, nhanh nhẹn, đảng viên, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Văn Khánh và đảng viên, Trung uý QNCN Trần Trung Kiên, cán bộ tàu 561 bước xuống xuồng, điều khiển 2 xuồng rời tàu, lướt sóng đưa đoàn công tác Vùng 4 Hải quân và các nhà báo vào đảo An Bang trong những ngày cuối cùng của năm 2022, trong điều kiện thời tiết sóng to, gió lớn. Trong hải trình, các thuyền viên ngoài kiến thức sâu về chuyên ngành Hàng hải thì bề dày kinh nghiệm cũng rất quan trọng. Có mặt tại boong tàu trực tiếp chỉ đạo, động viên anh, em thuyền viên làm nhiệm vụ ngoài chỉ huy Hải đội 411 còn có Đại uý Phạm Văn An, thuyền trưởng tàu 561 và Đại úy Hồng Long, Chính trị viên tàu 561.
Đảo An Bang được ví như một cây nấm là một điểm đảo ra, vào khó nhất trên toàn quần đảo Trường Sa. Mỗi chuyến xuồng ra, vào đảo là cả một sự khéo léo, quả cảm, quyết đoán của người lái xuồng, có sự hợp lực quan trọng của đội quân “cảm tử” của đảo là những CBCS có kinh nghiệm trong việc dùng lợi thế của thuỷ triều để nâng, kéo xuồng vào cồn cát. Những cồn cát như bãi đáp mỗi năm lại bồi đắp, lưu động ở các vị trí quanh đảo, chính vì vậy xuồng vào đảo không dựa theo quy luật nào cả.
Ngay chuyến xuồng đầu tiên, cán bộ vừa quăng dây cho “Tiểu đội dũng cảm” thì lớp lớp con sóng dữ đã ập tới, bủa vây, đánh trôi xuồng ra biển. Không hề nao núng trước sóng gió, các thuyền viên lại khéo léo điều khiển xuồng lựa theo con nước, đưa xuồng vào cồn cát. Xuồng đến điểm thuận lợi, dây quăng ra, các cán bộ trên đảo đã nhanh tay bắt lấy, lao ra biển, áp sát mạn xuồng, vừa đẩy vừa kéo xuồng lên cồn cát an toàn trong sự cổ vũ của các phóng viên. Chứng kiến cảnh xuồng vào đảo đầy khó khăn, những phóng viên mới đi công tác ở quần đảo ở Trường Sa lần đầu như tôi đều cảm thấy rất ấn tượng, xúc động mạnh. Chính trị viên tàu 561 - Đại uý Hồng Long chia sẻ thêm: “Mỗi hải trình đưa đoàn công tác đi công tác tại quần đảo Trường Sa, cứ đưa đoàn đến được đảo An Bang an toàn là coi như tàu chúng tôi hoàn thành 80% nhiệm vụ của chuyến đi”.
Cùng xuất phát từ Quân cảng Cam Ranh, tàu 571 do Đại uý Phan Tiến Định, thuyền trưởng và Thượng uý Lê Vũ Nhâm, Chính trị viên chỉ huy đã chở đoàn công tác Vùng 4 Hải quân đến các đảo: Đá Lớn, Nam Yết, Sơn Ca, Đá Thị, Tiên Nữ. Trong chuyến đi xuyên 2 năm, các đảng viên trên tàu 571 đều đoàn kết một lòng, giữ vững phẩm chất, rèn luyện, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Được biết, năm 2022, tàu 571 vinh dự được Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tặng giấy khen vì thành tích tốt trong 10 năm (2012-2022) thực hiện Nghị quyết số 623-NQ/QUTW ngày 29/10/2012 của Quân ủy Trung ương về công tác Hậu cần trong Quân đội.
Trong những chuyến hải trình dài ngày trên biển, để có những bữa ăn đúng giờ, ngon miệng cho thành viên trên tàu, tổ hậu cần của tàu 561, 571, 905… đã vượt qua những khó khăn về không gian chật hẹp, điều kiện bảo quản thực phẩm trên tàu, chế biến thức ăn trong điều kiện tàu liên tục rung lắc do sóng biển, các thành viên phải liên tục giữ nồi, vừa nấu cơm để chống xô trượt.
Đảng viên, Đại uý QNCN Hoàng Ngọc Chính tàu 571, người có kinh nghiệm hơn 10 năm tham gia nấu ăn, phục vụ trên tàu chia sẻ: “Nhận nhiệm vụ chăm lo hậu cần cho đoàn công tác, anh em trong tổ bếp được chọn là những đồng chí có kinh nghiệm đi biển, có khả năng chịu đựng sóng tốt, biết chế biến những món ăn ngon, đa dạng, lên thực đơn, cơ cấu bữa ăn hợp lý. Mỗi thành viên chúng tôi đều nêu cao tinh thần, trách nhiệm, mang đến những bữa ăn ngon hằng ngày, bảo đảm sức khoẻ cho các đại biểu và CBCS”. Để có bữa ăn sáng nóng sốt phục vụ CBCS trên tàu vào lúc 5h sáng, CBCS tổ bếp đã phải thức khuya, dậy sớm từ lúc 3h hằng ngày. Do say sóng, nhiều đại biểu nôn, bỏ bữa, anh em tổ bếp lại ân cần nấu cháo hay luộc khoai, nắm cơm cháy mang đến tận phòng để chăm sóc sức khoẻ cho CBCS và phóng viên báo chí.
Thiếu tá Đỗ Văn Việt, Chính trị viên tàu 905 cho biết, thời gian qua CBCS tàu 905 đã luôn vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài nhiệm vụ vận tải đa năng, tàu còn thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển. Luôn coi “tàu là nhà, biển cả là quê hương”, các đảng viên, quần chúng đều đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong công tác, sẵn sàng chiến đấu đã xuất hiện nhiều gương sáng đảng viên như: Đại úy, QNCN Vũ Đức Soạn, Chiến sĩ thi đua đã luôn hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ, kịp thời khắc phục các hỏng hóc thông thường, bảo đảm trang bị kỹ thuật đảm nhiệm quản lý luôn hoạt động tốt. Các chiến sĩ tiên tiến gồm: Trung úy Phan Hoàng Nhâm, Phó thuyền trưởng đã tổ chức nhận, sắp đặt hàng hóa, tổ chức đi ca hành trình, chỉ huy cấp hàng bảo đảm an toàn tuyệt đối; Đại úy QNCN Trịnh Ngọc Nhân, Thủy thủ trưởng đã làm tốt công tác bảo quản mặt boong; thu, thả neo, cẩu hàng hóa bảo đảm an toàn; Thượng úy QNCN Lê Đình Minh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, xây dựng thực đơn, bảo quản tốt lương thực, thực phẩm bảo đảm hậu cần cho thực hiện nhiệm vụ…
Có dịp “ba cùng” với cán bộ, đảng viên trên các tàu Hải quân, chúng tôi mới hiểu thêm phần nào về cuộc sống, sự rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành nơi đầu sóng ngọn gió của họ để luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Những CBCS hải quân như những mẻ thép được tôi luyện từ gian khó, bám biển, bám tàu, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; học tập và làm theo Bác từ những việc làm hằng ngày trong thực hiện nhiệm vụ cũng như lễ tiết, tác phong…
Cán bộ, đảng viên gương mẫu, thanh niên xung kích
Không chỉ hải trình đến đảo An Bang mà quá trình di chuyển tàu, xuồng đến các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đoàn công tác cũng gặp khó khăn khi 2 lần vượt bão để vào đảo Trường Sa Đông. Chuyến đi công tác 2 năm, từ 21/12/2022 đến ngày 5/1/2023 tàu mới cập Quân cảnh Cam Ranh cũng trải qua nhiều sóng gió với những lần tàu 561 phải tránh bão, neo tại âu tàu ở đảo Trường Sa hay hồ Đá Tây. Sát cánh cùng Chi bộ tàu 561 trong suốt hải trình nơi đầu sóng ngọn gió, đưa đoàn công tác tuyệt đối an toàn đến các đảo tiền tiêu là Thiếu tá Nguyễn Việt Hà, Đảng uỷ viên Lữ đoàn 955, Phó Bí thư Đảng ủy Hải đội, Hải đội trưởng Hải đội 411. Trước khi đảm nhận chức vụ Hải đội trưởng, Thiếu tá Nguyễn Việt Hà đã từng đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng tàu Trường Sa 18 và tàu 905.
Trong chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa, chúng tôi nhận thấy, Đảng ủy, thủ trưởng BTL Vùng 4 đã rất quan tâm, luôn sâu sát, giao nhiệm vụ cho Đảng bộ Lữ đoàn 146, Lữ đoàn 955 cử những đồng chí là đảng uỷ viên, những chỉ huy dày dạn trận mạc, có kinh nghiệm đi biển, đi cùng các tàu, lên các đảo, trực tiếp chỉ huy, điều hành cũng như kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực hiện nhiệm vụ thay thu quân; đến thăm, tặng quà, vận chuyển quà Tết cho CBCS và nhân dân ăn Tết sớm.Và với bản lĩnh, kinh nghiệm, sự có mặt trên tàu trực tiếp chỉ huy, thậm chí phải đưa ra những quyết định mang tính chất “sinh tử” để đảm bảo cho một hải trình tuyệt đối an toàn của Thượng tá Trần Văn Quyển, Ủy viên Thường vụ Đảng uỷ, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146, Trưởng Đoàn công tác và Thiếu tá Nguyễn Việt Hà có ý nghĩa lớn lao, động viên kịp thời, khích lệ toàn thể CBCS, đảng viên, quần chúng cũng như các thành viên có mặt trên tàu 561 vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong chuyến hải trình dài 16 ngày, đêm.
Trong điều kiện hoạt động đơn tuyến trên biển dài ngày, xa bờ nhưng sức sống của Đảng vẫn lan toả mạnh mẽ trên những con tàu Hải quân 561, 571, 905… Thiếu tá Đoàn Văn Duân, Bí thư Đảng uỷ, Chính trị viên Hải đội 411 cho biết: “100% cán bộ, đảng viên, quần chúng trong đơn vị đều thực hiện có hiệu quả phong trào “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp luôn chú trọng phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ trì các cấp trong học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để quần chúng học tập và noi theo. Sinh hoạt đảng trên tàu hải quân mang nét đặc thù riêng, trước khi tàu đi biển, Chi bộ sẽ ra nghị quyết chuyên đề, triển khai trong toàn chuyến công tác tới các đảng viên. Nhằm đảm bảo Đảng lãnh đạo toàn diện, xuyên suốt, nếu hải trình phát sinh các vấn đề đột xuất, cấp uỷ chi bộ, chỉ huy sẽ hội ý đưa ra các quyết định phù hợp, báo cáo Đảng ủy bộ phận Hải đội 411 để mỗi hải trình đều đảm bảo an toàn tuyệt đối, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao…”.
Trao đổi với PV Báo CAND, Thượng tá Đỗ Văn Sơn, Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Lữ đoàn 955 cho biết, việc triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết, đặc biệt là quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII; Chỉ thị 87-CT/QUTW, ngày 8/7/2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương; Kế hoạch của Đảng ủy Vùng 4 về thực hiện “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã được Đảng uỷ Lữ đoàn quán triệt ngay từ đầu năm. Hằng quý, hằng tháng, các chi bộ đều bám sát vào kế hoạch để thực hiện, triển khai đến 100% cán bộ, đảng viên, quần chúng trong đơn vị. Cấp ủy đảng, chính ủy, chính trị viên và chỉ huy cơ quan, đơn vị cũng như CBCS, đảng viên, quần chúng đã luôn thực hiện nghiêm túc về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân”, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, các tổ chức đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
“Cán bộ, đảng viên nói chung và ở các tàu Hải quân nói riêng trong Lữ đoàn 955 luôn phát huy vai trò nêu gương, có sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức tư tưởng, ý thức rèn luyện tu dưỡng đạo đức, lối sống; coi việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, của người quân nhân cách mạng để góp phần xây dựng Quân chủng, Vùng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới; ra sức thi đua, phấn đấu và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao”- Thượng tá Đỗ Văn Sơn nhấn mạnh thêm.
Bài 4: Rèn thêm cứng, luyện thêm vững “chất thép” từ
cơ sở Đảng
Thời đại công nghệ 4.0, cùng với những khó khăn, thách thức, thuận lợi đan xen, nhiều nguồn thông tin trên mạng cũng tác động đến công tác xây dựng, phát triển Đảng ở quần đảo Trường Sa. Chính vì vậy, phát triển đảng viên là một kế hoạch quan trọng của mỗi cấp ủy, chi bộ. Công tác tạo nguồn, xây dựng, phát triển Đảng tại quần đảo Trường Sa luôn thực hiện theo phương châm “coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng”. Những đảng viên là “hạt giống đỏ” này đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng nơi tuyến đầu Tổ quốc.
|
Cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông thường xuyên đọc Tạp chí Xây dựng Đảng để nâng cao bản lĩnh chính trị, vững chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc. |
Xây dựng chi bộ vững mạnh tại Trường Sa
Quá trình tác nghiệp ở đảo, chúng tôi đã gặp những tấm gương đảng viên tràn đầy nhiệt huyết, cống hiến cho Đảng với tinh thần vững chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cỉa Tổ quốc, như tấm gương: Đại uý Phan Văn Anh, Chính trị viên đảo An Bang; Thượng uý Phạm Ngọc Thành, Phó Bí thư, Chỉ huy trưởng đảo Đá Đông C; Thiếu tá Nguyễn Hồng Tiến, Chính trị viên đảo Trường Sa Đông; Đại uý Lý Quý Cường, cán bộ đảo Trường Sa; Thiếu tá Lương Tú Đa, cán bộ đảo Trường Sa Đông... Ở quần đảo Trường Sa, những quần chúng ưu tú được kết nạp đảng đã trở thành “hạt giống đỏ”, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng.
Công tác phát triển đảng viên, bồi dưỡng đảng viên, phát huy thế mạnh của tổ chức cơ sở Đảng ở Trường Sa mang tính đặc thù riêng, có những khó khăn, thuận lợi đan xen. Thượng tá Lương Xuân Giáp, Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Lữ đoàn 146 chia sẻ: “Điểm thuận lợi thứ nhất, Trường Sa là nơi tuyến đầu, nơi thử thách nên mọi phẩm chất của con người sẽ được bộc lộ thông qua các hoạt động, từ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ công tác bảo đảm chiến đấu… Thứ hai là, điều kiện sống rất khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, xa đất liền, qua đó, CBCS, đảng viên thể hiện được bản lĩnh, sự rèn luyện, phấn đấu “nói đi đôi với làm”. Thứ ba, đây cũng là môi trường thử thách lòng người, từ các thông tin tiếp nhận được để có thái độ với xã hội, với gia đình, với đất nước từ đó chuyển biến nhận thức dẫn đến hành động. Thuận lợi nữa đó là 100% đảo, điểm đảo đều có chi bộ. Một trong những khó khăn là, một đảng viên theo dõi một quần chúng cả năm, tuy nhiên, chúng tôi đã biến đó thành điểm thuận lợi, có cách làm sáng tạo, các chi bộ đều có hoạt động nối nguồn từ đảo vào bờ, từ bờ ra đảo. Đảng viên khi kết thúc nhiệm vụ trong bờ, giới thiệu cho đảng viên khác theo dõi quần chúng, đến đơn vị mới, bảo đảm thời gian liên tục, đánh giá con người được toàn diện. Về hồ sơ, giấy tờ xét liên quan đến kết nạp Đảng được thực hiện từ Chi đoàn xét, sau đó BCH Liên chi đảo báo cáo Đoàn cơ sở Lữ đoàn, chúng tôi đã có cách làm linh hoạt, đảm bảo đúng yêu cầu đặt ra, đúng điều lệ Đảng. Qua đó, các chi bộ ở đảo, điểm đảo vẫn tạo được dòng chảy liên tục trong công tác phát triển đảng viên…”.
“Đối với hoạt động lãnh đạo của Đảng ở Trường Sa mang tính chất đặc thù, luôn đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp, mà trực tiếp là Đảng ủy Lữ đoàn 146. Do đó, việc đưa nghị quyết của Đảng vào các hoạt động của đảo lại càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì vậy, ngoài các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, chúng tôi đã tập trung trọng tâm vào những nghị quyết của Đảng ủy Vùng 4, của Đảng ủy Lữ đoàn 146 để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ hàng năm. Bởi, các nghị quyết này đã được quán triệt và cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng cấp trên, gắn với cụ thể hoạt động của đơn vị. Đối với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, việc triển khai càng cụ thể thì càng tốt…” - Chính uỷ Lữ đoàn 146 Thượng tá Lương Xuân Giáp nhấn mạnh thêm.
Thời gian qua, các cấp ủy, chi bộ ở quần đảo Trường Sa đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân... về công tác xây dựng Đảng, tập trung xây dựng các tổ chức đảng vững mạnh. Đặc biệt là đột phá vào thực hiện “2 chất lượng, 2 nêu cao” (Chất lượng ra nghị quyết lãnh đạo và chất lượng tổ chức thực hiện nghị quyết; nêu cao tự phê bình và phê bình và nêu cao trách nhiệm làm giương của cán bộ đảng viên, nhất là trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp) và xây dựng chi bộ Trường Sa vững mạnh theo tiêu chí “4 tốt” (Cán bộ, đảng viên có nhận thức, trách nhiệm tốt và thực sự tiền phong, gương mẫu; nền nếp, chế độ, chất lượng sinh hoạt chi bộ tốt; dân chủ, đoàn kết, kỷ luật tốt; tự phê bình và phê bình tốt), sát với chức năng, nhiệm vụ. 100% các cấp ủy, chi bộ triển khai thực hiện đồng bộ kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 21, Kết luận số 21 về xây dựng các tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên, Nghị quyết số 847 về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới… Gắn xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”. Vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên được phát huy, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao…
Phát huy hiệu quả mô hình “Đảng viên dìu dắt quần chúng”
Những ngày thâm nhập thực tế, tìm hiểu về công tác xây dựng, phát triển Đảng ở Trường Sa chúng tôi nhận thấy mô hình “Đảng viên dìu dắt quần chúng” là một mô hình được thực hiện thống nhất trong Quân chủng Hải quân từ nhiều năm qua và đến nay, ngày càng phát huy hiệu quả, đặc biệt là ở Lữ đoàn 146 và Lữ đoàn 955. Trong hải trình 16 ngày đến quần đảo Trường Sa, chúng tôi có dịp tìm hiểu về chi bộ tàu 561, tàu Trường Sa 22 thuộc Đảng bộ bộ phận Hải đội 411, Đảng bộ Lữ đoàn 955. Tàu 561 được trang bị các thiết bị y tế hiện đại, giống như một bệnh viện thu nhỏ trên biển.
Tìm hiểu được biết, Phó Bí thư chi bộ, thuyền trưởng tàu 561 Đại uý Phạm Văn An là sinh viên xuất sắc của Học viện Hải quân đã vinh dự được kết nạp Đảng ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Quá trình phấn đấu, rèn luyện, Đại uý Phạm Văn An được cấp trên bổ nhiệm giữ chức vụ thuyền trưởng tàu 522. Hiện nay, anh đang đảm nhiệm dìu dắt quần chúng Trung uý chuyên nghiệp Hà Thanh Trường. Ở chi bộ tàu 561, chúng tôi còn gặp 3 đảng viên là những tấm gương sáng, hạt nhân của chi bộ tàu là các quân nhân chuyên nghiệp (QNCN): Thiếu tá Đoàn Đình Chính, Thiếu tá Lê Văn Khánh và Đại uý Nguyễn Sáng. Họ là những người có mặt đầu tiên tiếp nhận nhiệm vụ ở tàu 561 khi con tàu hạ thuỷ và đến nay vẫn gắn bó với tàu, luôn xác định “tàu là nhà, biển cả là quê hương”, cống hiến, góp tâm sức xây dựng chi bộ tàu vững mạnh toàn diện.
Đại uý Hồng Long, Bí thư chi bộ, Chính trị viên tàu 561 cho biết: “Sau từng tháng, trong phiên họp chi bộ, các đảng viên được phân công sẽ báo cáo kết quả dìu dắt quần chúng trước chi bộ. Chi bộ đánh giá kết quả dìu dắt quần chúng của đảng viên, gắn trách nhiệm và nêu cao vai trò của đảng viên trong việc tuyên truyền giáo dục, quản lý quần chúng. Kết quả dìu dắt quần chúng của đảng viên cũng là một tiêu chí đánh giá phân loại đảng viên, xem xét đề nghị khen thưởng hàng năm. Khi đảng viên được phân công chuyển công tác, những nội dung và kết quả dìu dắt được chi bộ phân công lại hoặc bàn giao lại cho các đồng chí cán bộ, đảng viên thay thế. Khi quần chúng chuyển công tác cũng được bàn giao kết quả cho đơn vị mới, hoặc đảng viên mới được phân công dìu dắt... bảo đảm công tác tạo nguồn không bị ngắt quãng...”.
Ở Đảng bộ bộ phận Hải đội 411, chi bộ tàu Trường Sa 22 cũng là một chi bộ tiêu biểu. Bốn năm liên tục (2019-2022) Chi bộ tàu Trường Sa 22 được cấp trên tặng thưởng Giấy khen chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Tàu liên tục đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng. Thượng uý Đặng Văn Dũng, Bí thư Chi bộ, Chính trị viên tàu Trường Sa 22 cho biết: Giai đoạn 2019 - 2022, tàu Trường Sa 22 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu và thực hiện chuyến vận tải ra các đảo tại Quần đảo Trường Sa; hoàn thành tốt 2 chuyến tìm kiếm cứu nạn trên biển, giúp được 3 lượt tàu cá, 15 ngư dân; đi hơn 9.000 hải lý, vận chuyển được 11.000 tấn hàng hóa các loại, bảo đảm an toàn tuyệt đối… Năm 2022, tàu Trường Sa 22 đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác (từ năm 2019 đến 2020), góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố Quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc.
Lấy ví dụ điển hình về hiệu quả từ mô hình “Đảng viên dìu dắt quần chúng”, Chính trị viên tàu Trường Sa 22 đã nhắc tới tấm gương sáng đảng viên, Trung tá QNCN Khắc Ngọc Lượng, Thuỷ thủ trưởng. Là người duy nhất công tác trên tàu Trường Sa 22 từ khi con tàu hạ thuỷ, đến nay, qua 17 năm công tác, người đảng viên quê Lệ Thuỷ, Quảng Bình vẫn luôn rèn luyện, phấn đấu, gương mẫu, học tập và làm theo tấm gương của Bác, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhiều năm liền, Trung tá QNCN Khắc Ngọc Lượng đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở (2007; 2012; 2016; 2020) và năm 2019 được Tư lệnh Hải quân tặng Giấy khen vì thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ. Hiện nay, Trung tá QNCN Khắc Ngọc Lượng đang đảm nhiệm dìu dắt Trung uý chuyên nghiệp Nguyễn Công Thành, nhân viên Điện tàu.
Thượng tá Đỗ Văn Sơn, Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Lữ đoàn 955 cho biết thêm: “Do đặc thù các tàu hoạt động trên biển dài ngày, hằng năm, sau khi có nghị quyết lãnh đạo năm, các chi bộ xây dựng và thông qua kế hoạch phân công đảng viên dìu dắt quần chúng, bảo đảm 100% quần chúng được dìu dắt, tạo nguồn cho Đảng và góp phần xây dựng chi bộ, đảng bộ có sự phát triển cả về số lượng, chất lượng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu ngày càng được nâng cao”.
Bài cuối: Bảo đảm an ninh biển, đảo, góp phần phát triển
kinh tế, xã hội đất nước
Vùng 4 Hải quân thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân được giao nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và chiến đấu, bảo vệ một vùng biển, đảo rộng lớn, trong đó có quần đảo Trường Sa và căn cứ quân sự Cam Ranh. Đây là vùng biển có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, chính trị, xã hội và quốc phòng, an ninh (QPAN) của đất nước...
LTS: Hoà nhịp với sự phát triển và vận hội mới của đất nước, sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn độc lập, chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc cũng đang đứng trước nhiều cơ hội, thời cơ với những khó khăn, thách thức đan xen. Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có nhiệm vụ bảo đảm an ninh, lợi ích quốc gia, chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao và nặng nề hơn đối với lực lượng vũ trang nói chung, Vùng 4 Hải quân nói riêng. Nhân dịp này, Chuẩn đô đốc Ngô Văn Thuân, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã trả lời phỏng vấn PV Báo CAND về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và an ninh an toàn trên biển, đảo, góp phần phát triển kinh tế, xã hội đất nước.
PV: Bảo vệ an ninh biển, đảo được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu của đất nước, đồng chí có thể cho biết Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Vùng 4 đã triển khai, thực hiện nhiệm vụ nêu trên thế nào trong thời gian qua?
Chuẩn đô đốc Ngô Văn Thuân: Vùng 4 Hải quân thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân được giao nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và chiến đấu, bảo vệ một vùng biển, đảo rộng lớn, trong đó có quần đảo Trường Sa và căn cứ quân sự Cam Ranh. Đây là vùng biển có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, chính trị, xã hội và quốc phòng, an ninh (QPAN) của đất nước. Để thực hiện tốt nhiệm vụ và trọng trách được Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội giao phó, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Vùng 4 luôn xác định việc xây dựng Đảng bộ Vùng, trong đó có Đảng bộ 146 (Đoàn Trường Sa) trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt, quyết định. Do đó, những năm qua, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong đó, một nhiệm vụ quan trọng đó là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bởi đây là nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng, then chốt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, cũng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nói chung, của Đảng bộ Vùng 4 nói riêng. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Vùng 4 đẩy mạnh, tăng cường và không ngừng nâng cao hiệu quả công tác nêu trên, từ đó đề ra định hướng, giải pháp phù hợp. Nhất là, sau khi có Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018, của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Vùng 4 đã triển khai đến cấp ủy, chi bộ trong toàn Vùng một cách bài bản, thống nhất, đồng bộ, toàn diện, quyết liệt, đi vào chiều sâu và thực hiện thường xuyên.
Cụ thể như sau: các cấp ủy, chi bộ trong toàn Đảng bộ Vùng 4 đã quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện đồng bộ các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quân uỷ Trung ương, Quân chủng Hải quân. Bám sát tình hình và yêu cầu nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị để cụ thể hoá và đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo sát đúng, phù hợp từng loại hình đơn vị và triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt ở các cấp. Tập trung lãnh đạo xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên có bản lĩnh, ý chí, quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao… Duy trì thực chất trực SSCĐ ở các cấp. Nắm chắc tình hình, tham mưu đề xuất kịp thời và xử lý đúng đối sách các tình huống không để bị động bất ngờ. Cùng với đó là thường xuyên lãnh đạo toàn Vùng nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu; xây dựng nền nếp chính quy, chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật. Bảo đảm tốt các mặt công tác hậu cần, kỹ thuật… để đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao…
PV: Công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc được triển khai thực hiện như thế nào, thưa Chuẩn đô đốc?
Chuẩn đô đốc Ngô Văn Thuân: Về công tác huấn luyện chiến đấu, đây là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, quyết định khả năng SSCĐ và chiến đấu thắng lợi của Vùng. Do vậy, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã luôn ưu tiên quan tâm lãnh đạo thực hiện nghiêm túc. Trên cơ sở quán triệt, chấp hành nghiêm mệnh lệnh SSCĐ của Tư lệnh Hải quân. Tổ chức huấn luyện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc” tập trung huấn luyện làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT), đồng bộ, chuyên sâu, lấy mục tiêu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và xây dựng Vùng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại làm mục tiêu huấn luyện, huấn luyện theo các phương án tác chiến, sát đối tượng, sát chiến trường và phù hợp với VKTBKT hiện có; tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện hiệp đồng và chú trọng huấn luyện làm chủ VKTBKT mới, hiện đại. Riêng đối với CBCS trên quần đảo Trường Sa, yêu cầu phải có khả năng sử dụng thành thạo nhiều loại VKTBKT và đảm đương, thực hiện được nhiều vị trí chiến đấu khác nhau, giỏi vị trí của mình, biết và sẵn sàng thay thế các vị trí khác… Do đó, chất lượng huấn luyện, năng lực chỉ huy, quản lý, điều hành, xử trí tình huống của đội ngũ cán bộ và trình độ kỹ, chiến thuật, khả năng khai thác, sử dụng VKTBKT của bộ đội ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ SSCĐ và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, giữ vững môi trường hoà bình trên biển.
PV: Đồng chí cho biết việc kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế để bảo đảm vững chắc an ninh, chủ quyền biển, đảo đã và đang được triển khai thế nào?
Chuẩn đô đốc Ngô Văn Thuân: Quán triệt Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, việc kết hợp kinh tế với quốc phòng và quốc phòng với kinh tế để góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển là chủ trương sáng suốt, đúng đắn của Đảng và nhà nước ta, nhằm phát huy mọi tiềm lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện chủ trương đó, Vùng 4 Hải quân là lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển đảo đã tập trung nỗ lực cao nhất giữ vững môi trường hoà bình trên biển, đảo, góp phần quan trọng giúp các ngành kinh tế biển có điều kiện phát triển tốt; đồng thời, phối hợp bảo vệ an toàn các hoạt động kinh tế biển, khai thác thăm dò dầu khí, đánh bắt, chế biến hải sản, các hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên biển… Những năm qua, Vùng 4 Hải quân đã thực hiện tốt các hoạt động cứu nạn, cấp cứu trên biển; phát huy các âu tàu, làng chài trên quần đảo Trường Sa, trở thành các trung tâm dịch vụ hậu cần kỹ thuật trên biển, đảo hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, khẳng định chủ quyền biển, đảo của đất nước. Thực hiện chương trình “Hải quân nhân dân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”, mỗi đảo, điểm đảo và mỗi con tàu của Vùng 4 Hải quân đã thực sự là điểm tựa vững chắc cho ngư dân an tâm bám biển, vừa phát triển kinh tế, vừa củng cố tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân trên biển ngày càng vững chắc, góp phần nâng cao sức mạnh và khả năng SSCĐ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc!
PV: Thưa Chuẩn đô đốc, đồng chí thông tin thêm về công tác dân vận, xây dựng thị trấn Trường Sa và các xã đảo là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo trong giai đoạn hiện nay?
Chuẩn đô đốc Ngô Văn Thuân: Xây dựng thế trận lòng dân, nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân trên biển là chủ trương quan trọng của Đảng và nhà nước ta. Triển khai thực hiện tốt chủ trương này, thời gian qua, cùng với các đơn vị trong Quân chủng, Vùng 4 Hải quân đã tập trung thực hiện toàn diện các biện pháp, trong đó nổi bật là:
- Đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các cơ quan, bộ, ngành của Trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển đảo, tổ chức cho các đoàn đại biểu đi thăm động viên quân dân Trường Sa, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn dân đối với biển đảo và sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo
- Tập trung xây dựng thế trận bờ - biển - đảo mạnh, phối hợp hiệp đồng với các lực lượng vũ trang quân khu, cấp ủy chính quyền và Công an địa phương cũng như các đơn vị bạn không ngừng củng cố khu vực phòng thủ vững chắc.
- Đẩy mạnh thực hiện chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”, các hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên biển… để ngư dân ra biển nhiều, biển xa để khẳng định chủ quyền Tổ quốc và sẵn sàng tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
- Phát huy hệ thống y tế biển, đảo, các làng chài, âu tàu và các dịch vụ, công trình phúc lợi trên đảo để giúp ngư dân an tâm bám biển.
- Tập trung xây dựng các đảo, điểm đảo của huyện Trường Sa “mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường và thắm tình đoàn kết quân dân”. Thực sự là những pháo đài phòng thủ vững chắc trên biển của Tổ quốc.
Có thể khẳng định rằng, những kết quả nêu trên đã góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi đường lối quan điểm của Đảng về QPAN trên biển và xây dựng Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội trên biển của cả nước, là khu vực phòng thủ vững chắc, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Chuẩn đô đốc Ngô Văn Thuân!
An Hiếu