Tác phẩm đoạt giải

Thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược: Kiến tạo, tăng tốc, bứt phá

Thể chế được xem là nguồn lực gốc và bao trùm của các nguồn lực. Thể chế được khơi thông, hoàn thiện theo hướng kiến tạo, các nguồn lực khác mới phát huy được hết sức mạnh cho công cuộc phát triển đất nước.

Ba khâu đột phá chiến lược gồm hạ tầng, thể chế và nguồn nhân lực được Đảng xác định là 3 “mũi giáp công” chủ lực để đến năm 2025 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại. Sau nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII, đã có những dấu ấn được ghi nhận. Song, để Việt Nam cất cánh, tiến tới hùng cường, thịnh vượng, cả hệ thống chính trị phải đoàn kết một lòng, xây dựng được thể chế kiến tạo, tăng tốc về hạ tầng và bứt phá về nguồn nhân lực.

Bài 1: Xây dựng, hoàn thiện thể chế kiến tạo

Thể chế được xem là nguồn lực gốc và bao trùm của các nguồn lực. Thể chế được khơi thông, hoàn thiện theo hướng kiến tạo, các nguồn lực khác mới phát huy được hết sức mạnh cho công cuộc phát triển đất nước.

Nghị quyết “lịch sử” của giới doanh nhân

Ngày “Tết Doanh nhân” năm nay (13/10), cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đón nhận một tin vui, một món quà hết sức có ý nghĩa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Đây được xem là nghị quyết “lịch sử” với giới doanh nhân kể từ sau Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI cách đây hơn một thập kỷ. Đây cũng là sự tiếp nối có tính hệ thống các nghị quyết: Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Đó là một hành trình kiến tạo khung khổ, đường băng cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển, lớn mạnh.

Ngày 11/10/2023, tại cuộc gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ sẽ tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 41-NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Ngày 11/10/2023, tại cuộc gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ sẽ tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 41-NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. 

Đón nhận thông tin này, ngay tại Hội nghị toàn quốc các hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) hào hứng bày tỏ, đây là việc mang tính biểu tượng về sự tin tưởng, quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Nghị quyết có những nội dung mới về quan điểm, định hướng, giải pháp phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn sắp tới, rất quyết liệt, rất trúng mong đợi của giới doanh nhân và xã hội.

Điều này là dễ hiểu, vì trong 7 nhiệm vụ, giải pháp để phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam đạt tầm khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, Bộ Chính trị nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến.

Trong các yêu cầu về tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp, Bộ Chính trị lưu ý bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế.

Nghị quyết cũng đặt ra yêu cầu phải có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ (tháng 5/2023) cũng khẳng định, một trong những bài học kinh nghiệm rút ra qua thực tế lãnh đạo, chỉ đạo trong nửa đầu nhiệm kỳ khóa XIII là “tập trung ưu tiên ban hành đồng bộ và có chất lượng cao hơn nữa hệ thống pháp luật, các quy định, quy chế, quy trình công tác để thực hiện nghiêm túc, thống nhất trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị”.

Có thể thấy nỗ lực của sự “đồng bộ”, “thống nhất trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị” như Tổng Bí thư đã nói khi nhìn vào nửa nhiệm kỳ khá đặc biệt vừa qua của Quốc hội khóa XV (2021 - 2026).

Trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới biến động phức tạp, khó lường, cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước vừa phải thực hiện các nhiệm vụ chuyển giao nhiệm kỳ, vừa nỗ lực cao nhất cho công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa bàn bạc, quyết định những quyết sách lớn của đất nước, theo tinh thần Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII là “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật”; “nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật”.

 

Đặc biệt, lần đầu tiên, Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất Triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV được tổ chức tháng 9/2023, nhằm tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với thực thi pháp luật.

Tại Hội nghị, tinh thần kiến tạo để phát triển được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi đánh giá về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ông cho rằng, dù dự án luật đã có bước tiến rất dài, nhưng vẫn cần “lạc quan thận trọng”, bởi còn nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết. Mà, kiến tạo và phát triển cũng từ đạo luật quan trọng, đặc biệt này. Luật này mà không xử lý được những vấn đề đặt ra, thì sẽ tiếp tục cản trở quá trình phát triển của đất nước.

Bên cạnh đó, Quốc hội còn tổ chức những kỳ họp bất thường, Quốc hội quyết định dùng một luật sửa nhiều luật để kịp thời tháo gỡ những “điểm nóng” của môi trường kinh doanh đang khiến doanh nghiệp lao đao, hay gỡ nút thắt cho những vấn đề nan giải của xã hội, như đấu thầu thuốc, thuê mua thiết bị y tế đang làm đình trệ, “trói tay” ngành y tế… Những quyết định đó, nhìn trong lịch sử 77 năm của Quốc hội Việt Nam, quả thực là chưa có tiền lệ.

Trong bối cảnh đó, chỉ tính đến hết Kỳ họp thứ năm (tháng 6/2023), Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 1.010 văn bản, gồm 23 luật và 101 nghị quyết của Quốc hội; 4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đằng sau những con số này là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, mỗi bộ, ngành, địa phương và của mỗi cán bộ, đảng viên…

Để triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng rất chủ động, quyết liệt. Cùng các phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã tổ chức 17 phiên họp chuyên đề pháp luật, đề ra nhiều giải pháp đổi mới, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng lực tổ chức thực thi pháp luật của các ngành, các cấp...

Việc tập trung ưu tiên xây dựng thể chế của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đem lại những chuyển biến quan trọng, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá tại Hội nghị lần thứ tám (Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII) vừa qua, là “công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh được đẩy mạnh. Nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài đã được tập trung tháo gỡ, xử lý, bước đầu đạt được kết quả tích cực”.

Hoàn thiện thể chế là con đường gian khó

Đầu tuần sau, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc. Đây là kỳ họp thứ 2 trong năm của Quốc hội như thông lệ, nhưng được dư luận, nhân dân và giới đầu tư, kinh doanh đặc biệt quan tâm, nhất là việc Quốc hội xem xét thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).

Đây có lẽ là một trong những dự thảo luật có thời gian “thai nghén”, xây dựng, hoàn thiện dài nhất trong lịch sử lập pháp nước nhà. Được đánh giá là dự án luật “rất cấp thiết”, “cần phải ban hành sớm”, đã được đưa vào Chương trình từ Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2019), trải qua 4 lần Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội, đến tháng 10/2022, Dự thảo mới được chính thức trình Quốc hội lần đầu tiên.

Trước đó, không thể không kể đến “cú hích” là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Từ đây, các hoạt động sửa đổi pháp luật về đất đai, phản biện xã hội, lấy ý kiến nhân dân được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội... liên tục tổ chức, ghi nhận hơn 12 triệu lượt góp ý, phản biện.

Kỳ họp thứ tư và thứ năm đã ghi nhận thêm những ý kiến tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội, nhưng đến Kỳ họp thứ sáu này, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn nhiều vấn đề được xem là rất khó, chưa có được phương án tối ưu. Hành trình gian nan của Luật Đất đai (sửa đổi) có yếu tố chủ quan, khi nội hàm của vấn đề này vốn dĩ rất phức tạp, liên quan tới tính chất đặc thù, đặc biệt quan trọng của tài nguyên đất đai.

Song, nhìn khách quan, nó cũng cho thấy, vấn đề hoàn thiện thể chế đang gặp khó khăn như thế nào. Nhìn rộng ra, câu chuyện thể chế cho phát triển, dù đã được Đảng, Nhà nước ta sớm nhận ra, sớm đặt quyết tâm và bắt tay hành động, song ở nhiều nơi, nhiều lúc, nhiều ngành, nghề, lĩnh vực, thể chế - chính sách vẫn là nút thắt lớn, kéo dài, cho đến nay chưa thể tháo gỡ hiệu quả.

Có thể kể đến, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua gần như tê liệt sau cú sốc “quả bom” vỡ nợ trái phiếu của Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát... Một khoảng trống mênh mông liên quan đến phát hành, sử dụng trái phiếu, đảm bảo quyền lợi của trái chủ… lộ ra, khiến cơ quan quản lý phải gấp rút họp bàn, ra nhiều văn bản, quy định nhằm tháo gỡ.

Thị trường bất động sản cũng gần như đóng băng, khi hầu hết doanh nghiệp lớn không thể triển khai dự án, những khu “đất vàng” bị bỏ hoang, những dự án lớn dang dở, hàng trăm ngàn tỷ đồng bị “chôn vùi”. Hàng chục cuộc làm việc của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương với nhà đầu tư, doanh nghiệp đã được hối thúc tổ chức, nhằm gỡ khó cho từng địa phương, từng dự án, từng doanh nghiệp cụ thể… Đến nay, mới đang hé ra chút ánh sáng cuối đường hầm, với một vài dự án rục rịch chuyển động…

Nhìn vào những vướng mắc đã và đang tiếp tục diễn ra ở khắp các ngành, lĩnh vực hiện nay, có thể nói, xây dựng một thể chế kiến tạo vẫn là bài toán khó, đòi hỏi phải giải quyết từ gốc rễ và đồng bộ thì mới có thể tạo đột phá, khơi dậy nguồn lực to lớn cho phát triển đất nước.

Tại Hội nghị lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV ngày 6/9/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cần “chấm dứt sử dụng văn bản hành chính đặt ra thủ tục, yêu cầu khác luật”, nghĩa là tình trạng ban hành các văn bản dưới luật xung đột với các đạo luật. Tình trạng xung đột này cũng chính là một trong những điểm nghẽn của cơ chế, thể chế. Đây là thực trạng khá phổ biến và là nguyên nhân chủyếu của rất nhiều ách tắc trong hoạt động công vụ cũng như trong đời sống dân sinh. 

 

Bài 2: “Đường lớn đã mở…”

Những cơ chế, chính sách mang tinh thần kiến tạo, đúng, trúng, kịp thời và những hành động cụ thể, quyết liệt của cả hệ thống chính trị đã tạo động lực mới để khâu đột phá hạ tầng tăng tốc. Mong ước về một tuyến đường cao tốc nối từ địa đầu Tổ quốc đến mũi Cà Mau kéo gần các vùng miền của đất nước đang dần thành hiện thực.

Khánh thành tuyến cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu (ngày 18/10/2023).  Ảnh: A.M
Khánh thành tuyến cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu (ngày 18/10/2023). Ảnh: A.M 

Hối hả những cung đường hy vọng

Sáng nay, ngày 23/10, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV khai mạc. Một trong những nội dung được đặt lên bàn nghị sự kỳ họp này là Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Đây là văn bản rất được trông đợi, nhằm tháo gỡ nút thắt, tạo đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, để đầu tư hạ tầng tăng tốc, tạo “đường lớn” cho “con tàu” kinh tế - xã hội cất cánh.

Trước khi Kỳ họp thứ sáu diễn ra, ngày 18/10 vừa qua, 93 km của 2 dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 chính thức được khánh thành. Đây là tin vui mới nhất, dự án mới nhất trong hàng chục dự án đường cao tốc đang từng ngày vươn tới khắp các vùng miền trên cả nước, như những cung đường mang theo bao kỳ vọng giúp kinh tế - xã hội ngày càng khởi sắc.

Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, việc chính thức khánh thành 2 dự án này là dấu mốc đáng nhớ, khi từ địa đầu Tổ quốc tới “khúc ruột” miền Trung đã nối liền một dải bằng đường cao tốc.

“Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đã được kết nối hoàn toàn bằng cao tốc đến Diễn Châu (Nghệ An), nâng tổng số chiều dài khai thác trên trục cao tốc Bắc - Nam lên 1.048 km. Đây là trục xương sống trên hành lang kinh tế vận tải huyết mạch của đất nước, nên mang ý nghĩa kinh tế - xã hội rất lớn”, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá.

 

Đến nay (tháng 10/2023), cả nước đã có hơn 1.832 km đường bộ cao tốc và đang tích cực triển khai xây dựng các đoạn còn lại trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Trong đó, có những địa phương đã làm nên “kỳ tích”, như Quảng Ninh, từ một tỉnh gần như “trắng” về đường bộ cao tốc, vượt lên trở thành tỉnh có tuyến đường bộ cao tốc dài nhất nước, với 200 km.

Đó có thể xem là sự “lột xác” của hạ tầng kết nối giữa các địa phương, các vùng kinh tế, nếu biết rằng, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 2.063 km đi qua 32 tỉnh, thành phố, nối liền từ Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau - hành lang vận tải quan trọng nhất trong kết cấu hạ tầng giao thông cả nước - đã được khởi công đoạn tuyến đầu tiên từ tháng 12/2004 (đoạn tuyến TP.HCM - Trung Lương), nhưng đến đầu năm 2023, dự án mới chỉ có 1.200 km đường được hoàn thành.

Trước đó, dịp 2/9 vừa qua, khi người dân cả nước đang trong kỳ nghỉ lễ Kỷ niệm 78 năm ngày Quốc khánh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, với cương vị Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông - vận tải (GTVT), vẫn có mặt tại công trường, phát lệnh khởi công đồng loạt 3 gói thầu quan trọng với tổng mức đầu tư lên đến 53.000 tỷ đồng của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Tân Sơn Nhất.

Đây là những dự án trọng điểm về hạ tầng hàng không, được triển khai theo Quy hoạch Tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch này, 420.000 tỷ đồng được đầu tư để phát triển các sân bay, cảng hàng không, trong đó, ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng hàng không lớn, đóng vai trò đầu mối tại Vùng Thủ đô Hà Nội (Cảng hàng không quốc tế Nội Bài) và vùng TP.HCM (Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Long Thành).

Sự hối hả của các dự án hạ tầng được tiếp thêm động lực từ kế hoạch phát triển hệ thống vận tải đường sắt. Chia sẻ tại một cuộc tọa đàm về kinh tế Việt Nam, PGS-TS. Vũ Minh Khương (Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore) nhắc lại ấn tượng của ông về sự quyết tâm, đồng lòng của Chính phủ, các bộ, ngành đối với lĩnh vực này.

“Bàn bạc để triển khai quyết định làm 218 km tàu điện ngầm, hệ thống đường sắt đô thị trong 12, 15 năm tới, mọi người ngồi họp ngày đêm, thu thập tri thức của tất cả mọi người để tìm giải pháp. Tôi nhận thấy một không khí rất đặc biệt”, PGS-TS. Vũ Minh Khương nhớ lại.

Đặc biệt, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội dành nguồn lực riêng để xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam, với tổng nhu cầu vốn dự kiến khoảng 240.000 tỷ đồng. Riêng trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách nhà nước sẽ đầu tư 17.320 tỷ đồng cho các tuyến đường sắt quốc gia. Với đường sắt đô thị, đến năm 2023, nguồn lực đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM là gần 71.500 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, chỉ riêng Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT đã chỉ đạo 25 dự án với 75 dự án thành phần, trong đó có những công trình quy mô vốn rất lớn, như 2 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông; Vành đai 3 TP.HCM; Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; các dự án đường sắt đô thị TP.HCM, Hà Nội; đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam…

“Các dự án này nếu hoàn thành đúng tiến độ không chỉ tạo diện mạo giao thông mới cho đất nước, mà còn tạo xung lực cho nền kinh tế cất cánh, đặc biệt trong điều kiện khó khăn hiện nay”, ông Huy kỳ vọng.

PGS-TS. Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng thư ký, Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá, các thành quả của đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông là một dấu ấn rõ nét trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, cho thấy việc cụ thể hóa khâu đột phá chiến lược về hạ tầng đã đi đúng hướng. Bên cạnh hạ tầng cứng, theo PGS-TS. Nguyễn Viết Thông,  còn có điểm sáng là bước chuyển quan trọng của “hạ tầng số”, như việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, chuyển sang căn cước công dân gắn chíp tích hợp nhiều thông tin, dữ liệu dân cư để bớt gánh nặng thủ tục cho người dân.

Còn nhiều nút thắt, điểm nghẽn cần tháo gỡ

Dù diện mạo kết cấu hạ tầng nói chung, hạ tầng giao thông đường bộ nói riêng đã đạt những kết quả thực sự vượt trội so với giai đoạn trước, song để đạt mục tiêu đột phá về hạ tầng như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, vẫn còn rất nhiều điểm nghẽn, nút thắt ngay trên các công trường, dự án và cả những vấn đề pháp lý chờ được tháo gỡ.

Trong số đó, vướng mắc về nguồn vốn, về pháp lý dường như là “căn bệnh kinh niên” của các dự án cao tốc. Điển hình là Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, khởi công từ năm 2014, tuyến đường dài hơn 57 km đi qua TP.HCM, Long An và Đồng Nai này đã mất gần 10 năm mà chưa thể hoàn thành, do những vướng mắc về nguồn vốn (cơ chế giao vốn, sử dụng nguồn vốn). Tháng 9/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này, để các chủ thể liên quan làm cơ sở tiếp tục thực hiện, hoàn thành tuyến cao tốc vào tháng 9/2025.

Trước đó, Dự án BOT xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (dài 50 km, tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng) khánh thành dịp 30/4 vừa qua cũng phải mất tới 11 năm triển khai với 3 lần động thổ, 3 lần thay đổi nhà đầu tư.

Khi hình thức đầu tư BOT gặp khó, thì sự ra đời của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được hy vọng tạo hành lang pháp lý rõ ràng, tạo bước đột phá về thu hút nguồn vốn xã hội hóa để triển khai các dự án hạ tầng, đường bộ cao tốc. Nhưng gần đây, nhà đầu tư gặp nhiều vướng mắc do sự chồng chéo, mâu thuẫn tại các văn bản quy phạm pháp luật và những lấn cấn trong cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân, dẫn đến nhiều dự án không lựa chọn được nhà đầu tư, các dự án triển khai theo phương thức PPP cũng bị chững lại.

Bên cạnh đó, hầu hết dự án hạ tầng giao thông, đường bộ cao tốc đã và đang triển khai đều nổi lên điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng và thiếu hụt vật liệu phục vụ thi công. Câu chuyện cơ chế quản lý, giao mỏ vật liệu đất đắp cho chủ đầu tư và trách nhiệm, thẩm quyền cấp phép của địa phương, cơ chế kiểm soát giá vật liệu, không để xảy ra tình trạng chủ mỏ găm hàng, tăng giá trục lợi… đang “nóng” ở hầu hết các dự án, các địa bàn, là nguyên nhân trực tiếp kéo lùi tiến độ nhiều dự án.

Đáng mừng là, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn bám sát thực tiễn, liên tục thị sát công trường dự án, làm việc với các chủ đầu tư, nhà thầu, địa phương có dự án… để nắm bắt, lắng nghe từng đề xuất và tháo gỡ kịp thời.

Đặc biệt, nhiều vướng mắc khi áp dụng quy định của pháp luật (như các luật: Giao thông đường bộ, Đầu tư công, Xây dựng, Ngân sách nhà nước, PPP, Khoáng sản, Tổ chức chính quyền địa phương…) vào thực tiễn đầu tư phát triển các dự án đường bộ đã được chỉ ra, như quy định về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia các dự án PPP; thẩm quyền đầu tư dự án quốc lộ, cao tốc qua các địa phương; việc khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng…

Từ đó, một phương án tổng thể để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã được Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương cùng trao đổi, đề xuất. Đó là Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, sẽ được xem xét tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV. Một danh mục cụ thể các dự án giao thông đường bộ quan trọng, cấp thiết sẽ được áp dụng cơ chế đặc thù của Nghị quyết cũng được Chính phủ chuẩn bị.

Những vướng mắc nói trên được xem xét, giải quyết thỏa đáng được kỳ vọng sẽ giúp đa dạng hóa, huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp cho phát triển hạ tầng giao thông, tạo nguồn lực mới, nguồn sinh khí mới để việc đầu tư kết cấu hạ tầng thực sự bứt phá, đạt mục tiêu Đại hội XIII đã đề ra.

Tín hiệu tích cực từ đầu tư công

Theo số liệu của Bộ Tài chính, 9 tháng của năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 363.311 tỷ đồng, tương đương 51,38% kế hoạch (cùng kỳ năm 2022 đạt 46,70%). Về vốn thực hiện, theo Tổng cục Thống kê, tính hết 9 tháng năm 2023, vốn đầu tư công thực hiện đạt 57,4% kế hoạch, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tin tưởng, yêu cầu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn đầu tư công trong năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ sẽ thực hiện được.

 

Bài 3: Nâng tầm nhân lực, bồi dưỡng nguyên khí quốc gia

Để có một thế hệ người Việt đủ “tự tin bước ra thế giới với tâm thế của những công dân toàn cầu”, bên cạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, phải chú trọng bồi dưỡng nguyên khí quốc gia, xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mong muốn các em học sinh phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất. Ảnh: Thống Nhất
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mong muốn các em học sinh phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất. Ảnh: Thống Nhất 

Lời nhắn nhủ của Chủ tịch nước nhân ngày khai trường

Trong bức thư gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học 2023 - 2024, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhắn nhủ các em học sinh, sinh viên phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất, phát huy sở trường cá nhân, “trở nên đặc biệt theo cách riêng của mình”.

Lời nhắn nhủ đó chứa đựng bao kỳ vọng và cả định hướng phát triển một thế hệ con người Việt Nam “tự tin bước ra thế giới với tâm thế của những công dân toàn cầu”.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội bình luận, đó chính là đích đến của nỗ lực đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Để có được nguồn nhân lực chất lượng và đáp ứng yêu cầu mới của xã hội, giáo dục - đào tạo không chỉ trang bị tri thức, kỹ năng, rèn luyện đạo đức, mà còn phải giúp mỗi học sinh, mỗi con người cụ thể phát huy được năng lực, sở trường của mình.

Nói đến đào tạo “những công dân toàn cầu”, TS. Nguyễn Văn Đáng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) liên hệ tới khát vọng đưa đất nước “theo kịp các nước khác trên hoàn cầu”, “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”, đã được Bác Hồ nhấn mạnh trong “Thư gửi học sinh” nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, ngày 5/9/1945. TS. Đáng cho rằng, đến nay, những ước vọng đó vẫn vẹn nguyên giá trị. Và để thực hiện được ước vọng đó, không gì khác, phải có nguồn lực con người xứng tầm.

Bàn về nguồn nhân lực với góc độ là một khâu đột phá như Đảng ta đã xác định, TS. Nguyễn Văn Đáng nhấn mạnh, bên cạnh yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, cần hết sức quan tâm tới nhân lực chất lượng cao, tới nhân tài, như Nghị quyết Đại hội XIII đã nêu, đó là “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ… tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững”.

Đó cũng là một trong những nội dung vừa được Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (diễn ra đầu tháng 10/2023) bàn thảo. Trung ương khẳng định, bối cảnh tình hình mới và yêu cầu, nhiệm vụ mới đòi hỏi phải ban hành nghị quyết mới của Trung ương về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà, bồi đắp nguyên khí quốc gia vững mạnh hơn nữa, đáp ứng yêu cầu chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo TS. Đáng, đó là sự kế thừa truyền thống trọng dụng nhân tài của cha ông, nối tiếp những quan điểm, chủ trương về thu hút, giữ chân, trọng dụng nhân tài đáp ứng yêu cầu bối cảnh mới của Đảng, Nhà nước ta. Bên cạnh nhấn mạnh việc tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà, bồi đắp nguyên khí quốc gia, Hội nghị Trung ương lần thứ tám cũng xem xét Tờ trình và dự kiến quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là bước khởi đầu quan trọng của quá trình xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ khóa XIV. Trong quá trình này, phải quán triệt và triển khai thực hiện thật tốt Kế hoạch số 17-KH/TW của Bộ Chính trị, xác định quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là “công việc rất hệ trọng của Đảng”, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

 

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị giữa kỳ (tháng 5/2023), Tổng Bí thư cũng yêu cầu, phải làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết; thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước.

Đồng thời, với mục tiêu xây dựng, thực hiện hiệu quả các chính sách, giải pháp mạnh, đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài (cả trong và ngoài nước), đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, ngày 31/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia Thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tạo bứt phá khâu “then chốt của then chốt”

Những chuyển động tích cực vừa nêu bước đầu tạo kỳ vọng để phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, song để có sự bứt phá thực sự, đáp ứng yêu cầu phát triển mới, thì còn nhiều điểm nghẽn lớn, thậm chí là “điểm nóng” về nhân lực, nhân sự đã và đang đặt ra cần sớm được giải quyết.

 

Hôm nay (25/10), Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Kết quả phiếu tín nhiệm lần này không mang ý nghĩa “tham khảo”, mà được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, góp phần tạo động lực, đòn bẩy để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước cũng như từng cán bộ, công chức, viên chức.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, từ thực tiễn theo dõi, giám sát của mình và lắng nghe ý kiến cử tri, mỗi đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm cao đối với đất nước, đối với tổ chức, hoạt động của Quốc hội và bộ máy Nhà nước, đánh giá công tâm, khách quan và chính xác trong ghi phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh.

Tháng 8/2023, phát biểu với ngành giáo dục - đào tạo tại lễ tổng kết năm học 2022 - 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, ngành giáo dục - đào tạo tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển, nhưng cũng còn những vấn đề nóng được dư luận xã hội rất quan tâm, cần tập trung khắc phục. Đó là bất cập trong thực hiện chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp; hay tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; đặc biệt là việc chính sách, chế độ đãi ngộ còn bất cập, khó thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên...

Có thể thấy rõ tình trạng này khi nhìn vào những con số thống kê được Bộ Nội vụ công bố. Cụ thể, từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2022, cả nước có 39.500 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc hoặc chuyển sang khu vực tư, tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Năm 2022, cả nước có 16.000 giáo viên bỏ việc, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành…

TS. Nguyễn Văn Đáng nhìn nhận, tình trạng giáo viên bỏ trường, bác sĩ bỏ bệnh viện công hay các doanh nhân trẻ tài năng chọn thị trường nước ngoài để khởi nghiệp…, suy cho cùng, có nguyên nhân sâu xa từ môi trường, chính sách, chế độ tiền lương, đãi ngộ...

Đáng lo là, ngay trong công tác tuyển chọn  người có năng lực phù hợp vào các cơ quan quản lý, vẫn còn tình trạng luồn lách, thao túng, điển hình như những vụ việc lộ đề thi, hay tiêu cực liên quan đến thi tuyển cán bộ, công chức, viên chức thời gian qua. Khi những cán bộ yếu kém “lọt” vào bộ máy sẽ kéo theo những hệ lụy lâu dài cho công cuộc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, nhân tài.

Đối với việc lựa chọn nhân sự ở đội ngũ quản lý cấp cao, tầng lớp tinh hoa, cán bộ chiến lược của đất nước, TS. Nguyễn Văn Đáng cho rằng, bên cạnh một quy trình tuyển chọn, đánh giá chặt chẽ, công khai, minh bạch và “con mắt tinh đời” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, thì cần có phương pháp đánh giá sát thực hơn nữa.

TS Nguyễn Văn Đáng cho rằng, để  lựa chọn nhân sự ở đội ngũ quản lý cấp cao, tầng lớp tinh hoa, cán bộ chiến lược của đất nước, bên cạnh một quy trình tuyển chọn, đánh giá chặt chẽ, công khai, minh bạch và “con mắt tinh đời” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, thì cần có phương pháp đánh giá sát thực hơn nữa
TS Nguyễn Văn Đáng cho rằng, để lựa chọn nhân sự ở đội ngũ quản lý cấp cao, tầng lớp tinh hoa, cán bộ chiến lược của đất nước, bên cạnh một quy trình tuyển chọn, đánh giá chặt chẽ, công khai, minh bạch và “con mắt tinh đời” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, thì cần có phương pháp đánh giá sát thực hơn nữa 

“Bên cạnh đáp ứng các yêu cầu về phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, ứng viên Ủy viên Trung ương Đảng cũng cần được thẩm định nghiêm khắc và chặt chẽ về tố chất và tầm vóc lãnh đạo ngay từ giai đoạn giới thiệu vào quy hoạch. Ứng viên quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cần chứng minh được rằng, họ đã góp phần then chốt trong việc tạo ra những thay đổi tích cực cho đơn vị, ngành, lĩnh vực, hay địa phương. Làm được như vậy sẽ tránh được tình trạng để lọt những nhân sự ‘tài năng ảo’, năng lực hạn chế, không có đóng góp cụ thể, nhưng có thể thăng tiến nhờ sự khéo léo trong ứng xử, hay các quan hệ thân hữu, cánh hẩu”, TS. Nguyễn Văn Đáng đề xuất.

Tín hiệu tích cực là, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền, ưu ái người nhà, người thân…, với những quy định chặt chẽ hơn, sát thực hơn, được kỳ vọng có thể giúp kiểm soát tốt hơn, hiệu quả hơn tình trạng này.

Bên cạnh đó, cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng sẽ được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ sáu đang diễn ra. Theo ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, muốn xây dựng được đội ngũ nhân tài, trí thức, tinh hoa, cùng những yếu tố như môi trường làm việc, sự tôn trọng…, thì chế độ đãi ngộ, tiền lương là rất quan trọng. Do đó, cải cách chính sách tiền lương chính là một khâu đột phá để có được đột phá về nhân lực, nhân tài.

“Làm tốt về chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ, chúng ta sẽ thu hút được người tài vào làm việc ở các cơ quan quản lý công. Tôi cho rằng, đó là nền tảng, là bước vô cùng quan trọng để tạo sự bứt phá về nguồn nhân lực, tập hợp, phát huy tối đa sức mạnh của đội ngũ trí thức, nhân tài cho phát triển đất nước”, ông Bùi Hoài Sơn đặt kỳ vọng.

Bài 4: Niềm tin vào một Đảng “tiến bộ”, “chân chính”

Những thành quả của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và chế độ. Đó chính là chìa khóa để khơi dậy nguồn lực toàn xã hội nói chung, khơi thông điểm nghẽn ở các khâu đột phá chiến lược nói riêng.

 

Khi niềm tin bị “đánh cắp”

Tại phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và một số tỉnh, thành phố (vụ án “chuyến bay giải cứu”), đại diện Viện Kiểm sát bày tỏ thái độ “thực sự phẫn nộ”, khi dẫn lại lời bào chữa của luật sư cho bị cáo Phạm Trung Kiên, nguyên Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế.

Theo cáo trạng, Kiên đã nhận hối lộ tới 253 lần, với tổng số tiền 42,6 tỷ đồng từ 18 doanh nghiệp và khoảng 30.000 công dân Việt Nam ở nước ngoài. Vị luật sư cho rằng, chia bình quân, thì mỗi công dân chỉ bỏ 500.000 - 2 triệu đồng, từ đó đặt câu hỏi số tiền “có lớn không” khi đánh đổi để về nước trong dịch bệnh, “có lớn không” so với thu nhập trung bình của số đông…

“Thực sự phẫn nộ” với quan điểm đó, bởi, Viện Kiểm sát cho rằng, nó thể hiện “sự thờ ơ trước nỗi đau, mất mát của đồng bào”; rằng, hành vi của Phạm Trung Kiên cũng như các bị cáo khác trong vụ án đã làm mất đi ý nghĩa các chuyến bay giải cứu, gây bất bình trong nhân dân và “phản bội lại sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, Đảng, Nhà nước, nhân dân”.

Những hành vi vừa trắng trợn, vừa tinh vi và cả sự trơ trẽn bao biện cho cái sai đến mức gây “phẫn nộ” của Phạm Trung Kiên và những bị cáo khác trong vụ án “chuyến bay giải cứu” chỉ là một điển hình đau lòng về tình trạng cán bộ suy thoái, biến chất, tham nhũng, tiêu cực, “đánh cắp” niềm tin của nhân dân, đến mức “đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ”.

Tại Phiên họp thứ 24 (tháng 8/2023), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho biết, chỉ từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến tháng 8/2023, đã có tới 91 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó, có 17 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng; 23 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, nghỉ công tác, bố trí công tác khác sau khi bị kỷ luật đối với gần 150 cán bộ, trong đó, có 4 cán bộ diện Trung ương quản lý, 65 cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy quản lý. Đây là sự mất mát to lớn về đội ngũ cán bộ, và hơn thế, là sự mất mát khó đong đếm nổi về niềm tin của xã hội với một bộ phận cán bộ, đảng viên, lãnh đạo, bộ máy công quyền.

Nhìn vào con số 17 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng bị thôi chức vụ hoặc xử lý kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ XIII tới nay, PGS-TS. Vũ Văn Phúc, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đặt câu hỏi, vì sao chúng ta dù đã “làm đúng quy trình”, mà vẫn chọn sai cán bộ?

“Do cơ chế, chính sách hay do bản lĩnh, phẩm chất cán bộ yếu kém, suy thoái? Điều này cũng là thử thách niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với việc lựa chọn cán bộ, nhất là cán bộ chiến lược thời gian tới”, ông Phúc nêu vấn đề.

Nhưng không chỉ có cán bộ sai phạm, tham nhũng, tiêu cực mới để lại hậu quả. Theo PGS-TS. Vũ Văn Phúc, tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí có cán bộ nói “thà không làm, chịu đứng trước hội đồng kiểm điểm còn hơn làm mà có thể đứng trước vành móng ngựa” cũng rất đáng lo ngại.

Ông Phúc cho rằng, tha hóa quyền lực là việc vì những mục đích khác nhau mà cán bộ thực hiện vượt quá quyền lực được trao, lạm quyền, lộng quyền, hoặc ngược lại, thực hiện không đúng, không đầy đủ, không hết quyền lực được trao. Như vậy, có thể nói, thực trạng một bộ phận cán bộ không làm hết trách nhiệm như hiện nay cũng là một biểu hiện của tha hóa quyền lực, mà gốc gác cũng là vì lợi ích cá nhân, là sợ trách nhiệm, sợ mất “ghế”.

Do đó, phải giải quyết được câu chuyện này, bao gồm tháo gỡ thể chể, chính sách nói chung và những rào cản về pháp lý, tâm lý của cán bộ, con người thực thi nói riêng, thì các nguồn lực mới được khơi thông, tạo đà cho bứt phá, đột phá.

Củng cố sức mạnh “nguồn lực niềm tin”

Nhìn nhận về kết quả kiểm tra, giám sát, xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, nhất là những đại án được dư luận hết sức quan tâm như Việt Á, FLC, AIC, “chuyến bay giải cứu”…, ông Nguyễn Văn Quyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đánh giá, đó là những mức án nghiêm khắc nhưng cũng thấu tình, đạt lý, đúng phương châm “không vùng cấm”, “không ngoại lệ”, “không hạ cánh an toàn”.

Kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một dấu ấn của nửa đầu nhiệm kỳ khóa XIII.
- PGS-TS. Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương

Kết quả này đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh, ngăn chặn suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân.

Theo PGS-TS. Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một dấu ấn của nửa đầu nhiệm kỳ khóa XIII. Ông Thông đánh giá, việc xử lý nghiêm, xử lý nhiều vừa qua không có nghĩa là số cán bộ của chúng ta tham nhũng, tiêu cực ngày càng nhiều.

 Kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một dấu ấn của nửa đầu nhiệm kỳ khóa XIII.

- PGS-TS. Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương

Ngược lại, điều đó càng khẳng định quan điểm “nhìn thẳng vào sự thật” để sửa mình mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã nhiều lần nhấn mạnh. Đó cũng chính là tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra trong cuốn Sửa đổi lối làm việc, rằng “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Và nhân dân ta, với sự sáng suốt, tấm lòng thủy chung, luôn đặt niềm tin vào sự dũng cảm thừa nhận khuyết điểm, vào nỗ lực tìm mọi cách sửa chữa khuyết điểm để trở nên “tiến bộ”, “chân chính” đó của Đảng.

Đáng chú ý, gần đây, các vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã được cơ quan chức năng xem xét, xử lý trên tinh thần phân hóa sai phạm, vi phạm, xử nghiêm kẻ chủ mưu, vụ lợi và bảo vệ cán bộ dám đấu tranh với sai phạm. Điều này thể hiện sự nhân văn của Đảng, của pháp luật, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, không thích thú gì việc kỷ luật đồng chí của mình và không phải cứ xử nặng là tốt, mà phải làm nhân văn, thấu tình đạt lý.

“Chưa có nhiệm kỳ nào, chúng ta coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng như nhiệm kỳ này. Kết quả đã được cán bộ, đảng viên thừa nhận. Việc xử lý vừa nghiêm minh, vừa có lý, có tình đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của dư luận, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng môi trường lành mạnh cho kinh tế - xã hội phát triển”, ông Thông khẳng định.

Trong khi đó, tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, được xem là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ các dự án, đầu việc, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội cũng đã và đang được cơ quan chức năng quan tâm tìm hướng tháo gỡ.

Tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, từ kết luận của Hội nghị Trung ương giữa kỳ đến Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, đã nhận diện một bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm hoặc sợ sai không dám làm, làm chưa hết chức năng, nhiệm vụ được giao.

Tình trạng này cũng được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu khi thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ngày 24/10/2023. Chủ tịch nước cho rằng, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm là một “khuyết điểm”. “Anh là cán bộ, anh không thể né tránh, sợ trách nhiệm được. Sợ sai thì đúng, làm mà không sợ sai mới chết. Nhưng sợ sai để mình làm kỹ hơn, để nghiên cứu pháp luật đầy đủ hơn, cân nhắc trước sau, lợi - hại đến quốc kế dân sinh trước khi quyết định là một phẩm chất cần thiết của cán bộ”, Chủ tịch nước phân tích.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, phải gỡ từ cơ chế, chính sách và tháo gỡ rào cản cho chính cán bộ khi thực thi.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội đã giao Chính phủ tổng rà soát hệ thống pháp luật, tập trung vào 22 lĩnh vực trọng tâm, qua đó xác định, tình trạng vướng mắc, chồng chéo, chậm hướng dẫn là có, nhưng cơ bản đều phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

“Kết luận này rất quan trọng, đã giải đáp câu chuyện: Những ý kiến cho rằng do sợ sai, không làm được, vướng mắc cái này, cái kia mà đổ hết cho hệ thống pháp luật là không đúng”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định.

Đáng mừng hơn, qua rà soát cho thấy, có tới 70% các vấn đề có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn cần phải sửa ngay đã nằm trong các dự án luật mà Quốc hội đang xem xét, giải quyết tại Kỳ họp thứ sáu này cũng như Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Điều này đồng nghĩa với việc, những vướng mắc, chồng chéo sẽ sớm được tháo gỡ.

Một điểm tích cực nữa là, sau 2 năm Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2023/NĐ-CP cụ thể hóa chủ trương này. Theo PGS-TS. Vũ Văn Phúc, đây là bước tiến rất quan trọng để “cởi trói”, tạo động lực cho cán bộ thực thi. Song, để cán bộ thực sự vững tâm cống hiến, sau một thời gian thực hiện, cần có sơ kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định 73, từ đó có hình thức đảm bảo cao hơn, như nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoặc thậm chí là luật về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Có thể nói, những kết quả tích cực của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cùng nỗ lực tháo gỡ các điểm nghẽn của cơ chế, chính sách, gỡ “rào cản” cho cán bộ thực thi đã và đang tiếp thêm sức mạnh cho toàn hệ thống chính trị để thực hiện hiệu quả các khâu đột phá chiến lược, đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân vào một Đảng cầu thị, chân chính và công cuộc phát triển của đất nước.

Tình trạng cán bộ “không dám làm” đã có cải thiện

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM hôm 13/10/2023, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ, ông đã nhiều lần khẳng định, không phải toàn cán bộ, công chức Thành phố đều e dè, sợ sệt, mà chỉ có ở một bộ phận. TP.HCM đã nhận diện, tìm giải pháp và tình hình đã có nhiều cải thiện, nếu không, Thành phố đã không thể “tải” được lượng công việc khổng lồ thời gian qua. 

 

Bài 5: Sẵn sàng cất cánh, tiến tới thịnh vượng

Nửa chặng đường nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng, đất nước đi qua vô vàn khó khăn, chông gai, có những “cơn gió ngược”, thậm chí là những “cơn bão” chưa từng có trong lịch sử, như đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh đó, vượt qua những gian nan, thử thách, ba khâu đột phá chiến lược vẫn thể hiện được vai trò là những mũi nhọn, là chủ công dẫn dắt kinh tế - xã hội phát triển, cơ bản thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng XIII đã đề ra, góp phần để “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế như ngày hôm nay”.

Đó là minh chứng cho nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách thành những “trái ngọt” dành cho nhân dân, đúng như tinh thần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu khi bế mạc Đại hội XIII và một lần nữa nhấn mạnh tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ (tháng 5/2023), rằng “có biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không; có làm ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho Nhân dân hay không, đấy mới là thành công thực tế của Đại hội”.

Không những thế, chúng ta tiếp tục ghi nhận những chuyển động tích cực của thể chế, chính sách; sự tăng tốc ấn tượng về hạ tầng và sự chăm chút, định hình cho nguồn “nhân lực thế hệ mới” sẵn sàng bứt tốc. Cùng với đó, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần vừa nghiêm minh, vừa nhân văn cũng củng cố hơn nữa niềm tin của nhân dân, của xã hội vào một bộ máy ngày càng trong sạch, vững mạnh, dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật để sửa mình, để lớn mạnh.

Với những trăn trở, nỗ lực và thành tựu bước đầu đó, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để bước vào kỷ nguyên cất cánh, trở thành quốc gia phát triển. Đây là lúc cần hành động quyết liệt hơn nữa, cần nhiều hơn nữa những cán bộ, đảng viên có tầm nhìn chiến lược, tư duy đổi mới, sáng tạo và bầu nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, dám đấu tranh chống lại cái sai, sự tha hóa. Việt Nam chắc chắn sẽ vượt qua giông bão, tiến vững chắc trên con đường tới thịnh vượng, hùng cường.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

“Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách”

Kiên quyết đấu tranh loại ra khỏi đội ngũ những người sa vào tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn.

Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức.

Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để “không thể, không dám, không muốn tham nhũng”. Đồng thời, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn”, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Tôi đã nhiều lần nói rồi; nay xin nhắc lại: Những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm! Tất cả chúng ta, nhất là những người trực tiếp làm công tác tổ chức, cán bộ, phải có ý chí, quyết tâm cao, có tấm lòng trong sáng, có con mắt tinh đời”.

(Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII, tháng 5/2023)

"Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong hoàn thiện đồng bộ thể chế”

PGS-TS. Vũ Văn Phúc, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương

Qua nửa nhiệm kỳ, chúng ta đã đạt được những kết quả, thành tựu trong nhiệm vụ “hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển” đất nước, nhưng vẫn còn sự chồng lấn, chồng chéo, dẫn đến các lĩnh vực vận hành chưa thực sự thông suốt. Để thực sự đột phá về thể chế, thời gian tới, tôi cho rằng, cần chú trọng một số điểm.

PGS-TS. Vũ Văn Phúc.
PGS-TS. Vũ Văn Phúc. 

Một là, phải thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và xã hội về tính đồng bộ, hoàn thiện của thể chế phát triển như tinh thần Đại hội XIII đã nêu. Có như vậy thì xây dựng cơ chế, chính sách mới thông suốt, đồng bộ.

Hai là, trong hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, cần đặt trọng tâm vào hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vì đây là trung tâm liên kết, tác động tới các lĩnh vực khác. Đồng thời, chú trọng hiệu quả, hiệu lực tổ chức thực hiện, đưa chính sách vào đời sống.

Ba là, tạo bước chuyển trong quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả, phát triển kinh tế số, xã hội số. Cần xây dựng bộ máy tinh gọn, phát huy vai trò của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng tính minh bạch, giải trình và có cơ chế để người dân tham gia quản trị đất nước trên các mặt đời sống xã hội.

Bốn là, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển đất nước. Phải tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng thực sự “là đạo đức, là văn minh” như Bác Hồ đã nói. Trong đó, chú trọng công tác cán bộ, có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả. Làm tốt khâu này chính là cái gốc để từ đó phát huy mọi nguồn lực cho xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển đất nước.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. 

"Đầu tư công là khâu đột phá cho hạ tầng”

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, nhiều dự án quan trọng, dự án trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa đã được khởi động, khởi công, hoàn thành đưa vào khai thác. Nhiều dự án của Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, được đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn. Năm 2023, số vốn đầu tư công cần giải ngân rất lớn (700.000 tỷ đồng), nhưng chúng ta sẽ phấn đấu đạt mục tiêu trên 95% kế hoạch. Đó là dấu ấn đáng kể của đầu tư công thời gian qua.

Thời gian tới, các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài sẽ được tập trung tháo gỡ, tạo chuyển biến tích cực hơn, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư… Đáng chú ý, Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ đang được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV này, khi thông qua sẽ gỡ nhiều nút thắt cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, để đầu tư hạ tầng tăng tốc hơn nữa.

Về Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, với 2 năm còn lại, Chính phủ xác định tập trung nguồn lực, ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước cho chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên; tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương. Đồng thời, tiếp tục rà soát, kiên quyết loại bỏ dự án kém hiệu quả, dự án chưa thật sự cần thiết, triển khai chậm, ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách.

Với những chuyển động tích cực đó, tôi tin rằng, trong nửa sau nhiệm kỳ khóa XIII, đầu tư công sẽ tiếp tục phát huy vai trò động lực, dẫn dắt đối với nền kinh tế nói chung và góp phần quan trọng để thực hiện thành công khâu đột phá chiến lược về hạ tầng nói riêng. "Lựa chọn đúng đội ngũ tinh anh của đất nước”      

Ông Nguyễn Văn Đáng.
Ông Nguyễn Văn Đáng. 

Ông Nguyễn Văn Đáng, Tiến sĩ Quản trị công và chính sách, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Tầm nhìn lãnh đạo, quan điểm chính sách và năng lực quản trị của mỗi ủy viên trung ương sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến đường hướng và quyết sách phát triển quốc gia. Do đó, lựa chọn đúng những “tinh anh chính trị” của đất nước có thể xem là “công việc hệ trọng” của Đảng, như xây được nền móng vững chãi, từ đó kỳ vọng vào sự lan tỏa, đổi mới, sáng tạo trong ý tưởng, quyết sách của đội ngũ này tới mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Khi đó, không chỉ nguồn nhân lực, mà cả các lĩnh vực khác cũng sẽ có sự đột phá, bứt phá.

Để đánh giá, lựa chọn đúng những ứng viên cán bộ cấp chiến lược, nên cân nhắc tách bạch 2 quy trình cán bộ, gồm lãnh đạo chính trị và lãnh đạo hành chính, chuyên môn.

Với lãnh đạo chính trị, bên cạnh các quy định, quy trình hiện có, có thể yêu cầu ứng viên trình bày nhận thức về bối cảnh và những thách thức lãnh đạo của địa phương, quốc gia, cũng như quan điểm và giải pháp vượt qua thách thức, từ đó thẩm định tố chất và tầm vóc của ứng viên.

Với lãnh đạo hành chính, chuyên môn, thì yêu cầu số một là các phẩm chất “kỹ trị”. Ứng viên cần đáp ứng những yêu cầu tối thiểu về phẩm chất chính trị, nhưng phải là những người có thời gian gắn bó lâu dài với lĩnh vực chuyên môn nào đó, đã đạt thành tích cá nhân xuất sắc trong hoạt động chuyên môn, được thừa nhận về kỹ năng và những thành tích quản lý, điều hành.

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất