Loạt bài “Vì sao nghị quyết thì hay, thực hiện lại "gay trăm bề"? của nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân đăng trên Báo Quân đội nhân dân đã đoạt Giải A - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ VIII - năm 2023. Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
"Nghị quyết thì thật là hay/ Xem ra thực hiện còn gay trăm bề" - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng “lẩy Kiều” như vậy để chỉ ra những khó khăn, yếu kém trong xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng. Đây chính là vấn đề thực tiễn cấp bách, đòi hỏi Trung ương và mỗi cấp ủy, tổ chức đảng phải dồn sức lãnh đạo, khắc phục, nhằm không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới.
Bài 1: Nghị quyết hay bị “đắp chiếu”
Với tinh thần “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật”, sau 15 thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 30-7-2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”, mới đây, Đảng ta đã chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đó là: “Chậm khắc phục tình trạng ban hành nhiều văn bản, một số văn bản còn chung chung, dàn trải, chậm bổ sung, sửa đổi, thay thế”.
Nghị quyết dài dòng, “vòng đời” ra sao?
Theo Quy định số 66-QĐ/TW ngày 6-2-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII “Về thể loại, thẩm quyền ban hành và thể thức văn bản của Đảng” có 25 loại văn bản của Đảng, bao gồm: Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chiến lược, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, kết luận, quy chế, quy định, thông tri, hướng dẫn, thông báo, thông cáo, tuyên bố, lời kêu gọi, báo cáo, kế hoạch, quy hoạch, chương trình, đề án, phương án, dự án, tờ trình, công văn, biên bản.
|
Minh họa: QUANG CƯỜNG |
Nghị quyết là văn bản ghi lại các quyết định được thông qua ở đại hội, hội nghị cơ quan lãnh đạo đảng các cấp, hội nghị đảng viên về đường lối, chủ trương, chính sách, kế hoạch hoặc các vấn đề cụ thể. Nói đến vị trí, vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng trước hết là nói đến việc xây dựng, ban hành nghị quyết. Kể từ khi Đảng lãnh đạo đất nước thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, phần lớn các nghị quyết của Đảng cơ bản được chuẩn bị công phu, chặt chẽ. Nhiều chiến lược, chủ trương, định hướng, chính sách lớn của Đảng được ban hành cơ bản bám sát thực tiễn cuộc sống, bám sát sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, xu hướng phát triển của thế giới và thời đại, từ đó góp phần tạo ra những cú hích, đòn bẩy, từng bước làm thay đổi mọi mặt đời sống xã hội.
Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà trong một số hội nghị gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ví von rằng: “Nghị quyết thì thật rằng hay/ Xem ra thực hiện còn gay trăm bề”!
“Nghị quyết hay” thường được hiểu là nghị quyết đúng về mặt văn phong, nội dung chỉn chu. Ở khía cạnh khác, “nghị quyết hay” còn bao hàm cả ý nghĩa chưa hẳn tích cực vì chứa đựng những từ ngữ “kêu như chuông”, mà khi đọc xong ai cũng cảm thấy nhiều câu từ “hay như chim hót”, “ngọt như mía lùi”, nghe rất “bùi tai” nhưng mục tiêu lại xa rời thực tiễn cuộc sống.
Một trong những lĩnh vực được Đảng ta quan tâm trong khoảng 3 thập niên gần đây là lĩnh vực văn hóa. Trong đó, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” ban hành năm 1998 được coi là “Cương lĩnh thứ hai” của Đảng về văn hóa (sau “Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943” do đồng chí Trường Chinh khởi thảo). Tại nghị quyết này, lần đầu tiên Đảng ta đưa ra những quan điểm rất mới mẻ, rất khoa học về văn hóa, trong đó có quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là động lực vừa là mục tiêu thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội”.
Nếu “Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943” gói gọn trong khoảng 1.500 chữ thì Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” dài khoảng 9.800 chữ (dung lượng gấp hơn 6,5 lần). Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, dù Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII có nhiều luận điểm thể hiện sự đổi mới tư duy lý luận về văn hóa của Đảng, nhưng nghị quyết này cũng bộc lộ tính ôm đồm, nội dung dàn trải khi coi văn hóa bao hàm cả 3 lĩnh vực là giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; hệ thống thông tin đại chúng.
So sánh nêu trên không nhằm mục đích khen-chê, nhưng soi chiếu vào thực tế gần đây cho thấy, tổ chức đảng các cấp ban hành nhiều nghị quyết mới, có ý nghĩa thiết thực với đời sống xã hội, thế nhưng các nghị quyết này có không ít nội dung được cho là trùng lắp, nhắc lại ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, nhiều nghị quyết có độ dài đến hàng chục trang A4, kết cấu cứng nhắc và tên gọi nghị quyết cũng na ná như nhau. Điều đó mang đến sự trăn trở, băn khoăn về tính khả thi, dễ dẫn đến chồng chéo về chủ trương, giải pháp lãnh đạo, gây khó cho việc triển khai thực hiện.
Vì sao nhiều chỉ tiêu “không chịu” đi vào cuộc sống?
Một điều đáng suy ngẫm là trong nhiều nghị quyết của Đảng, các quan điểm đưa ra đều rất đúng, rất ý nghĩa, nhưng khi xác định mục tiêu, chỉ tiêu lại không sát và không đạt được trên thực tế. Chẳng hạn, Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng (ban hành năm 1996) xác định mục tiêu: Đến năm 2020, đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Theo các chuyên gia kinh tế, việc đặt ra mục tiêu như vậy là chủ quan, duy ý chí, vì thực tiễn cho thấy, hầu hết các nước tư bản phải trải qua hàng trăm năm xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường mới có thể trở thành nước công nghiệp; trong khi Việt Nam khi tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) từ điểm xuất phát là một nước nông nghiệp lạc hậu, thấp hơn cả điểm xuất phát của nhiều nước tư bản, thì không thể có chuyện CNH-HĐH “rút ngắn” trong khoảng 25 năm mà trở thành nước công nghiệp được.
Theo đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở đảng (Ban Tổ chức Trung ương), tư duy xây dựng nghị quyết trong “phòng lạnh”, “ngồi ghế sa lông” để xác định phương hướng, xác định mục tiêu là căn nguyên sâu xa khiến một số nghị quyết còn “tràng giang đại hải”, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Vì thế, nghị quyết rất khó đi vào cuộc sống.
Điển hình cho nghị quyết “vẽ ra” nhiều mục tiêu, giải pháp hay có lẽ phải kể đến Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII “Về định hướng chiến lược phát triển giáo dục-đào tạo trong thời kỳ CNH-HĐH và nhiệm vụ đến năm 2000”, ban hành năm 1996. Một trong những giải pháp đó là: “Thực hiện các chính sách ưu tiên ưu đãi đặc biệt đối với tiền lương. Lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”. Thế nhưng, giải pháp đó vẫn nằm trên giấy và “không chịu”... đi vào cuộc sống suốt 27 năm qua.
Một trong những mục tiêu Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28-1-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước” đặt ra là: “Đến năm 2020, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, tiêu biểu cho tinh hoa văn hóa của dân tộc”. Nghị quyết đưa ra mục tiêu rất tốt đẹp. Tuy vậy, theo đồng chí Vi Thanh Hoài, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đến nay đa số các khu công nghiệp trong cả nước chưa có quy hoạch về xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội và các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân lao động; điều kiện sinh hoạt văn hóa, thể thao của công nhân lao động hầu như chưa có; mức hưởng thụ về văn hóa của đối tượng này rất thấp. Vì thế, năm 2020, giai cấp công nhân chưa thể trở thành đại diện “tiêu biểu cho tinh hoa văn hóa dân tộc” như Nghị quyết 20 của Đảng đề ra.
Cũng trong năm 2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, trong đó xác định mục tiêu: “Đến năm 2020, lao động nông nghiệp còn khoảng 30% lao động xã hội, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50%”. Tuy nhiên, theo Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2020 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến năm 2020, lực lượng lao động của khu vực nông thôn vẫn chiếm 67% lực lượng lao động xã hội; trong khi đó, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo mới đạt 24%. Như vậy, cả hai chỉ số mà Nghị quyết số 26-NQ/TW đưa ra đều chưa đạt 50% mục tiêu mà Đảng đã xác định.
Không chỉ cấp Trung ương mà ở cấp tỉnh cũng vậy. Ví như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2005-2010 xác định đến năm 2010 sẽ xây dựng huyện Bắc Quang trở thành thị xã. Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội của huyện này chưa thể đáp ứng đủ tiêu chí nên gần 3 nhiệm kỳ đại hội của Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã trôi qua, mục tiêu đó vẫn chỉ dừng lại trên nghị quyết!
Ở cấp cơ sở, việc đề ra chỉ tiêu chưa sát với thực tế không phải là hiếm. Mới đây, Tỉnh ủy Yên Bái đã tổ chức rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó thẳng thắn chỉ rõ các chỉ tiêu trong một số nghị quyết không phù hợp, cho nên việc thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ví như Nghị quyết số 37-NQ/TU ngày 20-4-2021 về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, trọng tâm là cấp ủy cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đề ra chỉ tiêu về tỷ lệ trung cấp lý luận chính trị đối với cấp ủy viên cấp cơ sở đến năm 2025 đạt 92% là cao so với thực tiễn. Hoặc chỉ tiêu đề ra trong nghị quyết này về tỷ lệ cơ cấu cán bộ trẻ dưới 40 tuổi tham gia ban thường vụ các cấp đến năm 2025 là khá cao, khó thực hiện do chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn chức danh theo quy định.
Những hệ lụy không thể xem thường
Trên thực tế, có nhiều con số, mục tiêu, giải pháp rất “đẹp”, rất hay được xác định trong nghị quyết lãnh đạo các cấp, nhưng không đi vào cuộc sống, trở thành nghị quyết “treo”, nghị quyết bị “đắp chiếu”, chủ trương “cất tủ” do các chỉ tiêu, mục tiêu đưa ra theo lối lạc quan “tếu”. Nguyên nhân của thực trạng trên là do những người có trách nhiệm mắc bệnh duy ý chí trong xây dựng nghị quyết. Đó là khi đánh giá tình hình thường chỉ dựa vào một nhóm người có quyền quyết định (ban thường vụ, cấp ủy, ban cán sự đảng, các bộ phận tham mưu giúp việc như cán bộ tổ chức, tuyên giáo, văn phòng cấp ủy...) mà không nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình thực tế, nên ban hành những chủ trương, quyết sách không phù hợp. GS, TS Vũ Văn Hiền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, khẳng định: “Khi đặt ra mục tiêu, chỉ tiêu cho hay, không sát thực tế thì nghị quyết sẽ sớm trở nên lạc hậu, thậm chí “chết yểu” là tất yếu”.
Theo nhận định của một số chuyên gia văn hóa, nguyên nhân sâu xa của việc ban hành nhiều nghị quyết, nội dung dàn trải, ôm đồm, trau chuốt câu chữ bởi chúng ta chưa thoát khỏi bệnh hình thức, ưa sự chỉn chu, cầu toàn bên ngoài. Điều này ít nhiều bị ảnh hưởng tâm lý văn hóa tiểu nông, thích khoa trương, đôi khi sa vào bệnh lý luận suông, giáo điều.
Nghiêm túc nói ra điều này để thấy rằng, nếu không có thái độ khách quan, nhận thức khoa học và bám sát tình hình thực tiễn để xây dựng, ban hành nghị quyết, đề ra mục tiêu, giải pháp phù hợp, thì không chỉ có cấp vi mô bị “tư duy nhiệm kỳ” chi phối mà đôi khi cấp vĩ mô cũng có thể mắc lỗi “tư duy nhiệm kỳ” trong việc ban hành chủ trương, chính sách. Hệ lụy của vấn đề này được V.I.Lenin chỉ ra: “Đối với một chính đảng vô sản, không có sai lầm nào nguy hiểm hơn là định ra sách lược của mình theo ý muốn chủ quan”. Quả đúng vậy, trong mọi cái sai, cái sai đáng quan ngại nhất là sai về chủ trương, chính sách. Khi “nghị quyết chỉ hay” mà không trúng, không thiết thực với cuộc sống, không đi vào lòng dân, thì nó không những không làm tròn sứ mệnh “soi đường dẫn lối”, mà có thể tạo ra những “góc khuất, điểm mù” làm cản trở tiến trình phát triển của đất nước, địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị. Nguy hại hơn nữa, nếu tình trạng trên không sớm được khắc phục thì có thể làm suy giảm uy tín, năng lực lãnh đạo của các tổ chức đảng, ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.
“Một số nghị quyết có nội dung còn dàn trải, chưa thể hiện đầy đủ, đúng đắn quy luật vận động khách quan của tình hình thực tế, đặt ra mục tiêu quá cao mà lại chưa xác định nguồn lực, điều kiện để thực hiện. Khi không đưa “thực tiễn cuộc sống vào nghị quyết” thì nghị quyết rất khó đi vào cuộc sống. Đó là biểu hiện áp đặt chủ quan, duy ý chí-một căn bệnh mà chúng ta từng mắc phải trong thời kỳ quan liêu bao cấp, nên rất cần phải khắc phục triệt để” (PGS, TS Vũ Văn Phúc, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản). |
Phải có kế hoạch tỉ mỉ, chắc chắn. Xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết phải hết sức thiết thực, không được chủ quan, khô mắc bệnh: “Chỉ mấy cán bộ đóng cửa lại mà làm, ngồi ỳ trong phòng giấy mà viết, cứ tưởng những cái mình làm là đúng, mình viết là hay. Nào có biết, cách làm chủ quan đó, kết quả là “đem râu ông nọ, chắp cằm bà kia”, không ăn thua, không thấm thía, không ích lợi gì cả” (Chủ tịch Hồ Chí Minh). |
Bài 2: Sính hoành tráng nhưng thiếu trách nhiệm
Quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, những hạn chế trong triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng đã được Trung ương Đảng nhận thức đầy đủ.
Tuy nhiên, việc khắc phục, đổi mới, bổ sung các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai thực hiện nghị quyết thì vẫn còn “gay trăm bề”...
Căn bệnh sính hoành tráng và duy ý chí
Một trong những sự kiện chính trị-văn hóa quan trọng được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quan tâm trong những tháng đầu năm 2023 là các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943. 80 năm qua, mặc dù hoàn cảnh lịch sử, tình hình kinh tế-chính trị-văn hóa-xã hội của đất nước đã thay đổi rất nhiều nhưng Đề cương về văn hóa Việt Nam đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị và tính thời sự, đặc biệt là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt từ 3 nguyên tắc cơ bản: Dân tộc, khoa học, đại chúng. Sau 80 năm nhìn lại, các nhà nghiên cứu đã rút ra được rất nhiều bài học giá trị: Về hình thức, văn bản được soạn thảo rất ngắn gọn, khúc chiết, súc tích; cách diễn đạt dễ học, dễ nhớ. Về nội dung tư tưởng, Đề cương về văn hóa Việt Nam vừa thể hiện tầm tư duy chiến lược, vừa bám sát thực tiễn tình hình cách mạng và đời sống xã hội Việt Nam. Chỉ đọc một lần là nắm được những nội dung cơ bản và có thể hình dung ngay nhiệm vụ phải thực hiện, công việc phải làm. Đó là những yếu tố rất thuận lợi để đường lối, chủ trương của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Trước đó, tháng 2-1930, Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được Hội nghị thành lập Đảng thảo luận, thông qua, cũng là những văn bản rất ngắn gọn, khúc chiết, súc tích. Đây là những cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng ta. Mặc dù mỗi văn bản chỉ gói gọn trong một trang giấy nhưng Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt đã xác định rõ chủ trương, các giai đoạn, đối tượng và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng.
|
Tranh của PHÙNG MINH |
Dẫn hai ví dụ điển hình như trên, soi chiếu trong tình hình hiện nay, chúng ta đều thấy rõ, đặc điểm phổ biến của nghị quyết hiện nay là văn bản rất dài. Khập khiễng và duy ý chí khi so sánh về hình thức văn bản, độ dài-ngắn của các nghị quyết của Đảng trong lịch sử với giai đoạn hiện nay, bởi mỗi giai đoạn lịch sử, Đảng có sứ mệnh, nhiệm vụ khác nhau; trình độ của cán bộ, đảng viên và trình độ dân trí cũng khác nhau. Tuy nhiên, theo quy luật nhận thức và hành động thì rõ ràng, chỉ khi cán bộ, đảng viên nắm chắc, hiểu sâu, nhớ rõ nghị quyết thì việc vận dụng vào thực tiễn nhiệm vụ mới thực sự hiệu quả. Chánh cương vắt tắt, Sách lược vắn tắt hay Đề cương về văn hóa Việt Nam có “hay” không? Rất hay! Cái hay không chỉ ở sự ngắn gọn, súc tích mà nội dung vừa mang tính khoa học, vừa mang tính đại chúng, ai đọc cũng có thể hiểu được.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy cán bộ, đảng viên về cách viết: Mình viết ra cốt là để giáo dục, cổ động; nếu người xem không nhớ được, không hiểu được là viết không đúng, nhắm không đúng mục đích. Mà muốn người xem hiểu được, nhớ được, làm được thì phải viết cho đúng trình độ người xem. Người nhấn mạnh: "Trước hết cần phải tránh cái lối viết "rau muống", nghĩa là lằng nhằng "trường giang đại hải”... Như vậy, viết ngắn mà rõ ràng, đầy đủ, dễ nhớ, dễ học, dễ triển khai hiệu quả... thì mới thực sự là hay.
Dưới góc nhìn triết học, TS Phạm Đào Thịnh (Trường Đại học Sài Gòn) cho rằng, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, cấp ủy viên các cấp rơi vào tình trạng tư duy kiểu “duy tâm chủ quan” dẫn đến cảm tính, đề cao vai trò, ý muốn cá nhân, duy ý chí, rập khuôn, máy móc trong tổ chức chỉ đạo soạn thảo, ban hành nghị quyết. Thấy nghị quyết cấp trên dài, cấp mình cũng phải làm cho thật dài. Cách soạn văn bản cũng rập khuôn theo cấp trên. Nghị quyết sau giống nghị quyết trước, chỉ điều chỉnh nội dung, số liệu. Soạn văn bản thật “hoành tráng” cốt để cấp ủy cấp trên kiểm tra, ghi nhận. Sau đại hội, hội nghị thì đưa nghị quyết cất kỹ vào ngăn tủ. Không ít nghị quyết chỉ có tác dụng khi cán bộ, đảng viên để xảy ra vi phạm khuyết điểm thì khi đó, cấp ủy, tổ chức đảng mới giở lại nghị quyết soi chiếu để luận tội. Thế nên, nghị quyết thì rất nhiều, rất dài, rất “hay”, nhưng thấm được vào tư duy, chuyển biến thành hành động của cán bộ, đảng viên thì còn nhiều hạn chế.
“Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới...” (Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30-10-2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ”).
Lối học tập thờ ơ, hời hợt
Rõ ràng, không thể phủ định nhiều nghị quyết rất hay, nhưng đó là lời khen của một bộ phận đảng viên có trách nhiệm soạn thảo, ban hành hoặc đối với những người buộc phải đọc, học để thực hiện nhiệm vụ giáo dục, tuyên truyền. Trong khi phần đông lại chưa thật sự chấp thuận, ghi nhận với “cái hay” đó. GS, TS Vũ Văn Hiền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh: “Nghị quyết càng dài dòng, nội dung càng ôm đồm thì càng khó triển khai, tổ chức thực hiện trong thực tiễn. Khi nghị quyết không phát huy tác dụng trong thực tiễn nghĩa là mất dần “tính thiêng” của nó và đó cũng là một trong những lý do khiến một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa mặn mà, thiết tha với việc học tập nghị quyết của Đảng”.
Quả đúng vậy. Trên thực tế, không khó để bắt gặp những câu chuyện đáng buồn, đáng trách về thực trạng ngại học nghị quyết, sợ học nghị quyết. Ví như khi nhận kế hoạch học tập nghị quyết, không ít cán bộ thở dài, tỏ ra mệt mỏi “khổ nhỉ, lại học nghị quyết!”; “nghị quyết dài thế, nhiều thế, học đến bao giờ cho thấm, cho ngấm”... Có lẽ bởi thế mà tại các buổi quán triệt tập trung, không ít cán bộ, đảng viên hồn nhiên “đi ra, đi vào”, sử dụng điện thoại, ngủ gật; lại có cán bộ dự một lúc, rồi viện lý do “chính đáng” để về trước... Lại có không ít cán bộ, đảng viên chưa xác định rõ trách nhiệm học tập nghị quyết. Nhiều cán bộ quen cách nghĩ “học xong là xong”... mà chẳng buồn bàn thảo, tư duy về giá trị, tinh thần hay nội dung nghị quyết cần vận dụng vào tổ chức mình, bản thân mình trong thời gian tiếp theo. Đặc biệt, khi tiến hành kiểm tra kết quả học tập nghị quyết, vẫn có cán bộ, đảng viên chủ ý cậy nhờ đồng chí, đồng nghiệp chép hộ thu hoạch... Đây quả là một thực tế rất đáng báo động!
Thế nhưng, quan ngại hơn là có nhiều đảng viên luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, nhưng bởi sự dài dòng văn tự của nghị quyết khiến việc học tập trở nên kém hiệu quả và vơi dần lòng nhiệt huyết. Kết quả khảo sát ở 23 đảng bộ xã, phường, thị trấn thuộc 3 tỉnh khu vực Tây Nguyên, cho thấy: 97% đảng viên, quần chúng cho rằng, việc học nghị quyết nên chỉ tập trung vào những vấn đề cốt lõi, cơ bản, sát sườn; gần 98% đảng viên cho rằng nghị quyết càng dài thì khâu quán triệt càng khó; hơn 76% số đảng viên bày tỏ mong muốn, nghị quyết lãnh đạo cần ngắn gọn, dung dị thì mới dễ quán triệt, triển khai.
Học tập nghị quyết là một chế độ bắt buộc đối với cán bộ, đảng viên. Thế nhưng, mọi sự học đều bắt đầu từ ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của đối tượng và việc học tập, quán triệt nghị quyết cũng vậy. Suy cho cùng, bản thân nội dung được học tập có thực sự giá trị, có ý nghĩa thiết thân đối với người học thì mỗi người sẽ tự hình thành động cơ, động lực, kết nên niềm đam mê, ham muốn học tập nghị quyết.
Một điều đáng bàn nữa là cách thức tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết hiện nay chưa có nhiều đổi mới; các chế tài, quy định trong tổ chức học tập nghị quyết thiếu toàn diện, chưa tròn khâu. Gần như ở nhiều nơi, sau học tập thì đương nhiên kết quả kiểm tra là 100% khá, giỏi mà “bỏ quên” cả tính thực chất, khách quan trong đánh giá. Hơn thế, cũng ít thấy tổ chức đảng mạnh tay xử lý cán bộ, đảng viên vì rơi vào các biểu hiện xem nhẹ, lười học, vi phạm quy chế hoặc kết quả học tập nghị quyết thấp kém. Mặt khác, kết quả học tập nghị quyết cũng chưa “hiện thực hóa” như một tiêu chí, căn cứ xem xét, đánh giá cán bộ, đảng viên theo quy định của cơ quan chức năng.
Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng chỉ rõ: “Lười học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng...” đồng thời khẳng định đây là một trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Thế nhưng, công bằng mà nói, việc lười học nghị quyết vẫn có nguyên nhân quan trọng thuộc về phía khách quan. Do đó, những người ban hành nghị quyết và tổ chức học tập nghị quyết cũng phải nhận rõ trách nhiệm, để không ngừng đổi mới, nâng cấp, nâng tầm nội dung nghị quyết và đổi mới công tác tổ chức quán triệt nghị quyết.
Thiếu cơ chế, chính sách vận hành
Là người có nhiều thâm niên, kinh nghiệm trong công tác giáo dục, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng, PGS, TS Phan Xuân Biên, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh bày tỏ trăn trở trước thực tế thiếu cơ chế, chính sách và nguồn lực cho việc lãnh đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết. Ông nêu dẫn chứng: Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành các nghị quyết về phát triển 6 vùng chiến lược trên cả nước. Đây là lần đầu tiên các vùng chiến lược được Bộ Chính trị ban hành nghị quyết riêng, định hướng phát triển trong giai đoạn mới.
Điều này thể hiện tầm nhìn chiến lược, quyết tâm lớn của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng, đẩy mạnh liên kết vùng và liên vùng tạo động lực phát triển đất nước bền vững, khắc phục tình trạng các địa phương “mạnh ai nấy làm”. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách và nguồn lực vận hành, hiện thực hóa các nghị quyết này đang là bài toán khó. Bởi, để các vùng phát triển theo đúng định hướng, mục tiêu, nội dung nghị quyết đề ra, đòi hỏi phải có mô hình “tư lệnh vùng”.
Trước đây, chúng ta đã triển khai mô hình Ban chỉ đạo ở các vùng nhưng do thiếu cơ chế hoạt động nên hiệu quả không cao và buộc phải giải thể. Trong khi, việc triển khai thực hiện 6 nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển 6 vùng chiến lược trên cả nước, đến nay vẫn do các tỉnh, thành phố thực hiện, dưới sự chỉ đạo của Trung ương. Thiếu nguồn lực theo mô hình “tư lệnh vùng”, việc liên kết, hợp tác phát triển giữa các địa phương rõ ràng sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là khi lãnh đạo địa phương chủ yếu quan tâm đến lợi ích của địa phương mình.
Ví như, việc tỉnh Đồng Nai cho lấp một phần sông Đồng Nai để làm công viên đô thị mà không trao đổi ý kiến với TP Hồ Chí Minh diễn ra mới đây; hay tình trạng ô nhiễm kênh Ba Bò ở Bình Dương ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sông Sài Gòn tồn tại nhiều năm giải quyết chưa xong... Đó là những ví dụ rất cụ thể về việc cần phải có “nhạc trưởng” trong các vùng chiến lược để giải quyết những vấn đề về nghĩa vụ, lợi ích đan xen giữa các địa phương. Bởi thế, nếu quy hoạch, phát triển kiểu “mạnh ai nấy làm” vì lợi ích của mỗi địa phương sẽ là tác nhân làm kìm hãm sự phát triển chung, ảnh hưởng lớn đến lợi ích quốc gia.
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch đánh giá: Chủ trương cho TP Hồ Chí Minh thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù là quan điểm mới của Đảng. Nghị quyết của Đảng về vấn đề này đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc hiện nay nằm ở quy trình triển khai, thực hiện. Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phải đi liền với tạo nguồn lực, quy trình thực hiện mang tính đặc thù.
Thực tế này đang hiện hữu ở nhiều nơi. Ở nhiều đảng bộ tỉnh, huyện, xã, tổ chức đảng cơ quan Đảng, Nhà nước, bộ, ngành, đoàn thể, việc ban hành nghị quyết được xem là công việc thường xuyên, nhưng không ít nghị quyết khi được ban hành thì việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn do không có, chưa có, chưa hoàn thiện cơ chế, chính sách, điều kiện để hiện thực trong cuộc sống. Đây chính là rào cản vô hình, cũng là căn nguyên khiến nhiều nghị quyết bị “đắp chiếu” một cách đáng tiếc.
“Một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng không khả thi. Chậm khắc phục tình trạng ban hành nhiều văn bản, một số văn bản còn chung chung, dàn trải, chậm bổ sung, sửa đổi, thay thế” (Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XIII “Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”).
Bài 3: “Buông lỏng lãnh đạo”, “đánh trống bỏ dùi” trong triển khai thực hiện
Nghị quyết dù hay đến mấy, nhưng nếu công tác lãnh đạo tổ chức thực hiện bị xem nhẹ, hoặc thiếu tính kế hoạch, thiếu quyết tâm, thì cái “hay” ấy cũng chẳng để làm gì. Trong khi đó, thời gian qua, nhiều tổ chức đảng vẫn chưa thật coi trọng công việc hệ trọng này.
Nặng việc ban hành, nhẹ việc triển khai
Trong không ít chuyến công tác về cơ sở, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ ý đặt câu hỏi với đồng chí bí thư cấp ủy ở một số địa phương: "Kết quả thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ ở đảng bộ ta đạt đến đâu rồi? Có hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết theo đúng lộ trình, tiến độ không?". Trả lời những câu hỏi ấy, nhiều đồng chí bí thư cấp ủy hồn nhiên: “Đảng bộ địa phương chưa tiến hành công tác tổng kết nên cũng chưa nắm được cụ thể!”.
Nghe vậy, Tổng Bí thư nghiêm túc phê bình và nhắc nhở, việc ban hành nghị quyết là quan trọng, nhưng lãnh đạo triển khai còn quan trọng hơn. Nghị quyết chỉ có giá trị khi và chỉ khi các chủ trương, giải pháp được xác định trong nghị quyết trở thành hành động cách mạng của cán bộ, đảng viên, nhân dân và đi vào thực tiễn đời sống xã hội.
Câu chuyện xem nhẹ, buông lỏng việc lãnh đạo thực hiện nghị quyết xem ra đang là vấn đề rất nghiêm trọng. Đó là việc người đứng đầu tổ chức đảng không biết rõ nghị quyết đã triển khai thực hiện đạt kết quả đến mức nào. Có nghĩa, các tổ chức cơ sở đảng cứ mặc nhiên triển khai nghị quyết mà chưa thật quan tâm đến công tác lãnh đạo tổ chức thực hiện nghị quyết. Nhiều nơi có lối nghĩ rằng, nghị quyết lãnh đạo năm thì đến cuối năm tổng kết, nghị quyết nhiệm kỳ thì đến cuối nhiệm kỳ mới soi lại, đánh giá tổng quan; có hướng dẫn thì mới sơ kết nửa nhiệm kỳ hoặc làm theo yêu cầu của cấp trên.
Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã thực hiện điều tra xã hội học ở 23 đảng bộ cấp xã, phường, thị trấn của 3 tỉnh khu vực Tây Bắc. Kết quả khảo sát mang đến những băn khoăn, lo ngại. Theo đó, người đứng đầu và cấp ủy khẳng định là có triển khai nghị quyết, nhưng phần đa đảng viên chỉ biết và nắm mơ hồ về nội dung; thậm chí không rõ tên nghị quyết. Hơn 92% số lượng đảng viên được khảo sát cho rằng, vì cấp trên yêu cầu học quá nhiều nghị quyết nên chỉ để tâm tới những nghị quyết liên quan đến thực tế địa phương và cương vị, chức trách công tác. 96% cho rằng, không nên để tình trạng nghị quyết lãnh đạo về phát triển kinh tế biển lại yêu cầu cán bộ ở khu vực miền núi tổ chức học tập... Như vậy, nguyên nhân của việc “thả trôi” nghị quyết có tác động từ nhiều yếu tố, chứ không đơn thuần thuộc trách nhiệm của tổ chức đảng ở cơ sở.
Việc không quan tâm đến công tác lãnh đạo triển khai nghị quyết là một thực tế rất đáng báo động. Đó chẳng khác nào tổ chức đảng “vứt” hàng loạt chủ trương, giải pháp, chỉ tiêu vào thực tiễn, rồi để nó tự vận động, tự trôi dạt, mà thiếu theo dõi, kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung. Thành thử, qua năm tháng, các chỉ tiêu nghị quyết đạt được đến đâu, chỉ tiêu nào đã hoàn thành sớm, kinh nghiệm lãnh đạo hoàn thành; chỉ tiêu nào khó đạt được, cần tập trung sức lãnh đạo; hay những vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung, thay đổi trong quá trình thực hiện nghị quyết... thì chính tổ chức đảng triển khai lại không nắm bắt được. Cũng vì thế mà sinh ra tắc trách, mất thời cơ lãnh đạo hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết; tạo sự ngắt quãng trong công tác vận hành lãnh đạo của hệ thống tổ chức đảng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “... Mệnh lệnh và nghị quyết cũng như mạch máu. Mạch máu chạy đều khắp thân thể thì người mạnh khỏe. Mạch máu dừng lại đâu, không chạy thì chỗ đó sẽ tê liệt, sinh bệnh. Mệnh lệnh và nghị quyết đi mau, đi suốt từ trên đến dưới, công tác mau chóng, việc gì cũng xong xuôi. Nó ngừng lại cấp nào, từ cấp đó trở xuống là tê liệt”.
|
Minh họa: MẠNH TIẾN |
Thực trạng trên khiến không ít nghị quyết với nhiều chỉ tiêu “đẹp” và mỹ từ, có cả những nghị quyết rất đúng và hay nhưng chậm đi vào cuộc sống, ít trở thành hiện thực sinh động, chưa tạo ra được nhiều của cải vật chất và văn hóa, mang lại hạnh phúc và giàu có cho nhân dân... PGS, TS Đỗ Duy Môn, Học viện Chính trị nêu nhận định: “Đây chính là một nguyên nhân quan trọng khiến nghị quyết của Đảng khó đi vào cuộc sống, khó dẫn dắt, soi đường cho thực tiễn. Và đây cũng chính là lý do dẫn đến thực tế, dù rằng nghị quyết rất hay, nhưng triển khai thực hiện lại gay trăm bề”.
Một cách làm có thể tham khảo ở Đảng bộ tỉnh Yên Bái là Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc phải luôn làm tốt công tác đánh giá mức độ hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được nghị quyết xác định qua từng giai đoạn. Theo đó, dù nghị quyết nhiệm kỳ, nghị quyết chuyên đề hay nghị quyết hằng năm thì vào bất kỳ thời điểm nào, những người có trách nhiệm buộc phải nắm chắc thực trạng, kết quả thực hiện cả định tính và định lượng. Đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái khẳng định: “Nếu không chủ động chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan chức năng báo cáo tiến độ, kết quả hoàn thành qua từng tháng, quý, thì việc đánh giá kết quả triển khai nghị quyết rất khó lượng hóa. Vì có nhiều nghị quyết, mà cứ để nó trôi đi, thì không tài nào hình dung được chủ trương đang ở đâu, đạt đến mức nào, kết quả ra sao”.
Như vậy, triển khai nghị quyết phải đi liền với lãnh đạo tổ chức thực hiện một cách tích cực, khẩn trương, thường xuyên, liên tục trên thực tế. Cũng qua đó mà có thêm điều kiện phát hiện hạn chế, yếu kém, kịp thời điều chỉnh, bổ sung phương thức, phương pháp lãnh đạo. Còn nếu “bỏ ngỏ”, thiếu quan tâm đến công tác lãnh đạo tổ chức thực hiện nghị quyết thì dễ dẫn đến tình trạng “sai một ly, đi một dặm”, thậm chí bị mất phương hướng lãnh đạo, xa rời chủ trương và giải pháp căn bản; sinh ra sự tự phát, thiếu tính khoa học, thiếu bài bản ở tổ chức đảng cấp dưới, rồi manh nha tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên trải thảm, dưới rải đinh”, hoặc biểu hiện “đánh trống bỏ dùi”...
Băn khoăn những “nghị quyết 0 đồng”
“Nghị quyết 0 đồng” là cách nói vui của nhiều cán bộ địa phương để phản ánh tình trạng: Có nghị quyết nhưng không có nguồn lực, nhân lực triển khai, nên dù nội dung nghị quyết có hay, có đúng thì việc triển khai rất ì ạch, thậm chí kết quả thu về chỉ là con số không. Đây cũng là thực trạng chung đối với hệ thống nghị quyết các cấp, kể cả ở cấp Trung ương; cả nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và mặt trận đoàn thể. Bởi thế, trong tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết thì phần nguyên nhân của hạn chế bao giờ cũng đưa ra một nhận định quen thuộc: Còn thiếu nguồn lực tổ chức thực hiện nghị quyết; do đó, giải pháp kế tiếp luôn vạch rõ: Tập trung mọi nguồn lực để triển khai kịp thời, hiệu quả các chủ trương của nghị quyết trong thời gian tới. Vì thế mới đây, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới” chỉ rõ: Khắc phục tình trạng ban hành văn bản không sát với thực tiễn, thiếu nguồn lực tổ chức thực hiện.
Rõ ràng, Trung ương và các cấp đã nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của nguồn lực trong tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, lời giải cho bài toán: Bố trí, cân đối, phát huy nguồn lực triển khai thực hiện nghị quyết vẫn là “một ẩn số” và chưa có định khuôn về chế tài, pháp lý để hiện thực hóa. Thành thử, ở nhiều tổ chức đảng, cơ quan, ban, ngành, địa phương khác nhau thì việc bố trí nguồn lực khác nhau đối với việc triển khai thực hiện một nghị quyết cụ thể.
Kết quả khảo sát 23 đảng bộ xã, phường, thị trấn trên địa bàn 3 tỉnh khu vực Tây Nguyên cho thấy: Các tổ chức đảng chưa xác định rõ nguồn lực thực hiện nghị quyết bao gồm những nhân tố, yếu tố, thành tố nào? Chưa phân biệt đầy đủ sự khác nhau giữa nghị quyết của Đảng với nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Chính phủ...; giữa nghị quyết lãnh đạo với các kết luận, chỉ thị, văn bản khác của Đảng. Nhiều nơi chỉ mường tượng nhân lực thực hiện nghị quyết là sự lãnh đạo của cấp ủy, phân công cấp ủy viên phụ trách, rồi kêu gọi toàn thể đảng viên nêu cao trách nhiệm tổ chức thực hiện.
Đây là tư duy, cách nghĩ hoàn toàn sai lệch. Nguồn nhân lực để nghị quyết lãnh đạo không chỉ đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tập thể cấp ủy, người được phân công phụ trách, mà đó còn là việc gắn trách nhiệm đối với từng cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Triển khai thực hiện nghị quyết hoàn toàn không phải là nhiệm vụ của riêng tổ chức đảng, mà cần sự tham gia, phát huy đầy đủ vai trò, chức năng của từng tổ chức trong hệ thống chính trị.
Một nguồn lực quan trọng nữa là kinh phí phục vụ việc xây dựng, lãnh đạo thực hiện nghị quyết. Thực tế cho thấy, ở nhiều nơi, cơ quan chức năng chưa thật quan tâm đến vấn đề này, cứ triển khai nghị quyết, dồn mọi chủ trương đổ về cơ sở, “khoán” cho cơ sở thực hiện mà chưa tính toán kỹ các nguồn lực tài chính bảo đảm cho cơ sở hoàn thành nhiệm vụ. Thế mới có chuyện, cơ sở rất ngại, rất lo phải lãnh đạo thực hiện các “nghị quyết 0 đồng”, vì không có, không đủ nguồn lực để hiện thực hóa các chủ trương, mục tiêu của nghị quyết. Đồng chí Lê Anh Tân, Phó chủ tịch UBND TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) thẳng thắn: “Không có kinh phí thì không thể làm được gì cả, chứ nói gì đến việc triển khai nghị quyết bằng “hai bàn tay trắng” và sự kêu gọi, hô hào chung chung”.
Thực tế này được các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước thẳng thắn nhận diện, đề cập ở nhiều diễn đàn chính trị. Có ý kiến cho rằng, việc phân bổ nguồn lực cho lĩnh vực xây dựng Đảng còn quá khiêm tốn so với lĩnh vực kinh tế và các lĩnh vực khác. Một khi thiếu nguồn lực, không bảo đảm nguồn lực thì không thể hô hào suông, rằng: Công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, là việc gốc của Đảng được.
Tương tự, nguồn lực cho việc thực hiện nghị quyết của một số tổ chức đảng hiện nay vẫn chỉ mới vận hành theo lối “cầu may”. Có nơi đề cao trách nhiệm thì chủ động phân bổ, cân đối nguồn lực; có nơi lại “cấu véo” kinh phí từ những lĩnh vực khác để “nhường” cho phần việc hệ trọng của Đảng; có nơi lại “lực bất tòng tâm”, vì không thể hoặc không biết huy động nguồn lực từ đâu, ở đâu và bằng cách nào.
Để không còn những “nghị quyết 0 đồng”, cùng với việc làm tốt công tác tổ chức học tập, quán triệt, thì mỗi cấp ủy, tổ chức đảng phải chủ động làm tốt việc xác định nguồn lực trong thực hiện nghị quyết. Một cách làm khá sáng tạo, nhằm góp phần “đong, đo, đếm” được nguồn lực để nghị quyết đi vào cuộc sống tại Đảng bộ TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) là chủ động, kiên quyết vận hành tròn khâu trong quy trình ban hành nghị quyết. Ví như, trước khi ban hành nghị quyết lãnh đạo xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, Ban Thường vụ Thành ủy giao UBND thành phố xây dựng dự thảo đề án, trong đó xác định rõ nguồn lực lãnh đạo tổ chức thực hiện. Khi dự thảo đề án hoàn thành, Ban Thường vụ Thành ủy nghe UBND thành phố báo cáo, trên cơ sở đó chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện; tiếp đó mới tiến hành họp, quyết nghị ban hành nghị quyết. Làm như vậy sẽ giúp nghị quyết khi được xây dựng có tính khả thi rất cao, vừa xác định đúng vấn đề lãnh đạo, vừa có nguồn lực thực hiện. Mặt khác, khi nghị quyết ra đời, UBND thành phố lại đảm nhiệm trọng trách là cơ quan trung tâm tổ chức thực hiện. Trên cơ sở dự thảo đề án đã có, UBND thành phố tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, ban hành đề án. Đây là căn cứ, cơ sở vững chắc để cụ thể hóa, hiện thực hóa nghị quyết lãnh đạo của tổ chức đảng.
Đồng chí Nguyễn Hoài Nam, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Vĩnh Yên, khẳng định: “Cách vận hành giao nhiệm vụ cụ thể như vậy bảo đảm nghị quyết được xây dựng tròn khâu, bài bản, sát thực tế. Đó cũng là cách tạo nguồn lực cho nghị quyết; bảo đảm mọi chủ trương khi được ban hành tất yếu sẽ đi vào cuộc sống”.
“Muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo, về sau khuyết điểm nhất định bớt đi” (Chủ tịch Hồ Chí Minh). |
“Tổ chức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nghiên cứu, học tập quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng; xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện cụ thể của cơ quan, đơn vị, địa phương; tập trung nghiên cứu, thể chế thành luật và các văn bản dưới luật; xây dựng các quy định, quy chế của Đảng; tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện” (Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”). |
Bài 4: Nhiều chồng chéo, “thất thoát”, sai lệch khi vận hành chủ trương
Trong vận hành đưa nghị quyết vào cuộc sống cần có đồng bộ các giải pháp tổ chức thực hiện. Nguyên nhân khiến không ít nghị quyết của tổ chức đảng các cấp chậm hoặc không đi vào thực tiễn có lỗi từ sự “rơi rụng” chủ trương đến chồng chéo nghị quyết, từ những chỉ tiêu, giải pháp “trên trời” đến triển khai không thống nhất...
Chữ “quan liêu” và những căn bệnh nan giải
Nói đến việc thực hiện nghị quyết của Đảng, chúng ta nhớ tới câu chuyện của Bác Hồ khi Người đề cập đến “chữ quan liêu viết như thế nào” in trong cuốn “Bác Hồ với chiến sĩ” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 1994.
Câu chuyện đã hơn 70 năm mà vẫn sâu sắc và thời sự. Đại ý: Vào năm 1952, trong một lần đến thăm lớp chỉnh huấn chính trị cán bộ trung, cao cấp, Bác cầm cái que vẽ trên mặt đất để đố chữ mọi người. Một vạch thì anh em đoán là chữ “nhất”, hai vạch là “nhị”, ba vạch là “tam” nhưng khi Bác thêm vạch nữa thì “các vị” lúng túng, không hiểu thế nào
Điều đáng nói khi nhìn lại thì thấy vạch đầu tiên còn vừa phải, vạch thứ hai dài hơn đã có hơi lệch một chút, vạch thứ ba dài hơn chút nữa và không “song song” cho lắm, vạch thứ tư thì dài nhất và đã “cong” lắm rồi. Bác lại cầm que vạch một vạch, rồi hai vạch dọc từ trên xuống dưới, ban đầu thì thẳng đứng, xuống đến vạch ngang thứ hai thì đã “queo”, vạch thứ ba thì “quẹo”, vạch bốn như con giun. Bác hỏi:
- Chịu hết à? Có thế mà không đoán ra... Các chú biết cả đấy...
Rồi Người nói:
- Chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng đúng đắn... Đến tỉnh đã hơi cong, đến huyện đã “tả hữu”, đến xã đã sai lệch. Vì sao? Vì cán bộ không làm đúng, không nắm chắc chủ trương, đường lối, không gần gũi dân, không chịu làm “đầy tớ nhân dân” mà chỉ muốn làm “quan cách mạng”. Cho nên chữ ấy là chữ “quan liêu”. Các chú không học nhưng biết và vẫn làm. Còn cái các chú học, thì các chú lại ít làm...
Câu chuyện trên cho chúng ta nhiều suy nghĩ, trong đó có sự nhắc nhở nghiêm khắc của Người với đội ngũ cán bộ khi để “rơi rụng” chủ trương, đường lối trong các nghị quyết của Đảng. Trong triển khai thực hiện, mỗi cấp làm sai lệch một ít, đến cơ sở thì nghị quyết trở nên méo mó. Hậu quả là nghị quyết chậm đi vào cuộc sống hoặc được thực thi một cách lệch lạc, dẫn tới những sai lầm trong nhận thức và hành động.
Giá trị đích thực của một nghị quyết là để giải quyết các vấn đề, nhất là những bức xúc của cuộc sống, tạo chuyển động tích cực, thậm chí là bước ngoặt trong thực tiễn. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: Thành công của đại hội đảng không phải chỉ ở việc thông qua được nghị quyết, bầu được ban chấp hành mới, quan trọng hơn là có biến được nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có ra được của cải vật chất mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đấy mới là thành công thực tế của đại hội.
Bên cạnh tình trạng làm “rơi vãi”, “thất thoát”, sai lệch nghị quyết như cảnh tỉnh của Bác Hồ qua câu chuyện kể trên thì hạn chế khá phổ biến trong triển khai thực hiện nghị quyết hiện nay là việc “sao y” nghị quyết của trên mà không có sự quán triệt và vận dụng sáng tạo, phù hợp vào cấp mình. Có đồng chí bí thư “lý luận” rằng: Nghị quyết của Trung ương, của trên chắc chắn đã được đầu tư kỹ lưỡng, là sản phẩm trí tuệ chung rồi thì không thể “chế biến” khác được. Cho nên, chỉ cần “thay tên đổi họ”, xử lý một số kỹ thuật câu chữ là thành nghị quyết của tổ chức đảng cấp mình...
“Bản sao” nghị quyết sẽ làm cho quá trình thực hiện dễ trở nên hình thức, tựa như là sự quán triệt, học tập nghị quyết của trên, chứ không phải nghị quyết thực sự ở cấp mình, không có thực tiễn sống động ở chi bộ, đảng bộ cấp mình và do đó khó có thể giải quyết được những vấn đề bức xúc của cơ sở. Thế nên, mới có tình trạng, nghị quyết của một số chi bộ ở nông thôn, miền núi nhưng cũng phân tích đặc điểm tình hình thế giới, trong nước, tác động của cuộc cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo, đề ra những đột phá chiến lược, giải pháp vĩ mô...
Với quan điểm thẳng thắn, PGS, TS Nguyễn Danh Tiên, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, việc “sao chép”, “nhân bản” và nghị quyết chồng nghị quyết là tình trạng phổ biến trong các tổ chức đảng hiện nay, nhất là ở cơ sở. Nguyên nhân trước hết là do các cấp ủy chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm.
Nói về thực trạng này, đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng (Ban Tổ chức Trung ương) chỉ rõ, chính việc sao chép nghị quyết cấp trên là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nghị quyết ở các cấp ủy địa phương chưa đi vào cuộc sống vì đây không phải là cách “cụ thể hóa, hiện thực hóa” nghị quyết. Nói cách khác, cơ sở mà áp chủ trương của Trung ương vào vận hành thì chẳng khác nào “ếch ngồi đáy giếng”.
Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) về “tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới” thẳng thắn chỉ rõ: Nhận thức của một số cấp ủy, một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa sâu sắc, toàn diện về vai trò, vị trí, yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ...
“Bội thực nghị quyết” - thực tế đáng báo động
Bên cạnh văn bản dài dòng, số lượng nghị quyết trong một kỳ đại hội, hội nghị từ Trung ương đến địa phương cũng rất nhiều. Có thời điểm, các tổ chức đảng, nhất là cấp cơ sở phải chịu cảnh “bội thực nghị quyết".
Tìm hiểu tại một tỉnh miền núi phía Bắc, thấy rằng, riêng ở cấp tỉnh: Chỉ sau hơn một năm triển khai nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh, tỉnh ủy đã ban hành 11 nghị quyết chuyên đề, ban thường vụ ban hành 47 nghị quyết, chỉ thị, đề án; hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ban hành 41 nghị quyết, 18 đề án... Ngoài ra còn các nghị quyết, kết luận thường xuyên hoặc triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức chính trị-xã hội.
Đây là con số ở một tỉnh nhỏ, nếu ở địa bàn thành phố, tỉnh có quy mô lớn hơn, con số các nghị quyết có thể còn cao hơn nhiều. Trên cơ sở các nghị quyết, chỉ thị, đề án này, đến cấp huyện, xã... sẽ được tiếp tục cụ thể hóa thành nghị quyết ở cấp mình. Cấp cơ sở thì mật độ nghị quyết càng dày, ngành nào, lĩnh vực cơ bản nào cũng có nghị quyết dẫn đến tình trạng chồng chéo, nghị quyết chồng nghị quyết khiến cấp ủy không còn nhiều thời gian để nghiên cứu, cụ thể hóa và thực hiện. Đó cũng là nguyên nhân “nhân bản” nghị quyết, nội dung của dưới na ná trên, ở cơ sở nhưng toàn bàn những vấn đề vĩ mô, đao to búa lớn...
Kết quả điều tra xã hội học với đối tượng là bí thư đảng ủy, phó bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn ở 23 xã trên địa bàn 3 tỉnh khu vực Tây Nguyên cho thấy, phần lớn cán bộ còn không ít băn khoăn, trăn trở khi trong cùng một thời điểm lại có quá nhiều nghị quyết (các cấp, các ngành) được ra đời và triển khai trên địa bàn. Thực tế đó gây nên sự dồn tắc, chậm trễ, hoặc chồng lấn, hoặc phân tán sự tập trung sức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng.
Không khó để thấy, cơ sở đang hiện hữu tình trạng nghị quyết này vừa được ban hành chưa ráo mực, đang tổ chức học tập, thì nghị quyết khác đã ra đời và tiếp tục triển khai. Có nghĩa, nghị quyết cứ thế gối lên nghị quyết, khi ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã... đều ban hành nghị quyết thường kỳ; cùng với đó là hàng loạt nghị quyết chuyên đề; cộng thêm một số lượng không nhỏ kết luận, quy định, quy chế, đề án, chuyên đề, chương trình... về các lĩnh vực lãnh đạo, nhiệm vụ đặc thù.
Thậm chí, ở một số thời điểm, các chủ trương ban hành được ví như “bão lũ” ùa về gây choáng ngợp, lúng túng cho cơ sở. Thế nhưng, vẫn có một số nơi lại sinh ra bệnh tự mãn, tự cho rằng việc ban hành được nhiều nghị quyết là hay; xem đó là căn cứ để đánh giá về năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng cấp mình.
PGS, TS Vũ Văn Phúc, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản trăn trở: “Khi mà nghị quyết trước chưa kịp thấm vào cán bộ, đảng viên thì nghị quyết sau lại ra đời khiến việc nhớ tên nghị quyết đã khó, nói gì đến việc triển khai hiệu quả”.
Cơ sở càng thêm lúng túng khi có nhiều nghị quyết cứ thế ra đời, nhưng cấp trung gian thường chỉ triển khai theo lối “sao y bản chính” rồi "giao" về cơ sở quán triệt, tổ chức thực hiện. Thành thử, khi có quá nhiều nghị quyết, văn bản hành chính... đổ dồn về cơ sở thì người quán triệt, tổ chức thực hiện sẽ gặp lúng túng là chuyện hết sức bình thường, nhất là ở khâu xác định đâu là nghị quyết trọng yếu, cấp thiết đối với địa phương để tổ chức thực hiện.
Thậm chí, vì có quá nhiều văn bản, nghị quyết nên ở một số nơi, cán bộ còn nảy sinh biểu hiện "phương phưởng luận" trong quán triệt, triển khai; không nắm rõ các nội dung, tinh thần nghị quyết, số nghị quyết; có nơi, việc học tập nghị quyết buộc phải vận hành theo lối đối phó, nặng hình thức, “đầu voi đuôi chuột”, “đánh trống bỏ dùi”...
PGS, TS Phan Xuân Biên, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, ông đã nhiều lần tham gia các đoàn công tác sang Trung Quốc. Nước bạn dân số rất đông, diện tích rất lớn; phạm vi của các tỉnh, thành phố rất rộng, chẳng hạn tỉnh Vân Nam của bạn có diện tích còn lớn hơn cả nước ta.
Sự nghiệp phát triển đất nước đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng so với ta, nghị quyết của bạn ít hơn hẳn. Dẫn một góc nhìn tham chiếu, so sánh để thấy, chúng ta cần suy nghĩ để có giải pháp điều chỉnh, đổi mới trong nghiên cứu ban hành và triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng. Nghị quyết không cần nhiều, chỉ cần tinh gọn, sát thực và phải thực sự là những tư tưởng, nội dung “từ cuộc sống đi ra” để sau đó mới “đưa nghị quyết vào cuộc sống”...
Mặt khác, cơ sở cũng đang bị bội thực vì chính văn phong, câu từ nặng tính tung hô, mỹ từ sáo ngữ trong nhiều nghị quyết của đảng bộ cấp tỉnh, cấp huyện thường sử dụng, như: “Nỗ lực thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng tỉnh (huyện) vững về chính trị, giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về quốc phòng, an ninh”; “Thực hiện tốt phương châm phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng, bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu”...
Phần đánh giá hạn chế, khuyết điểm trong nghị quyết của đảng bộ cấp dưới cũng có nội dung y hệt nghị quyết của đảng bộ cấp trên, như: “Sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện (xã) chưa tương xứng với tiềm năng; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ”... Đó thật sự là cách lập ngôn sáo ngữ, đao to búa lớn, “đơm đó ngọn tre”, gây khó cho cấp quán triệt, triển khai. Cho nên, vốn chủ trương đã không rõ ràng, cụ thể, thì làm sao cấp dưới và quần chúng có thể vận hành, triển khai sát đúng, hiệu quả cho được.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị còn chậm đổi mới, có mặt còn lúng túng... Nhận thức về một số chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước còn chưa sâu sắc, thiếu thống nhất, do vậy một số công việc triển khai thiếu kiên quyết, còn lúng túng...
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, một trong những giải pháp quan trọng là phải tích cực, kiên quyết đổi mới, nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện nghị quyết; khắc phục những vấn đề còn “gay trăm bề” trong triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng trên thực tế.
“Khi thi hành, kềnh kềnh càng càng, không hoạt bát nhanh chóng. Hoặc thi hành một cách miễn cưỡng, không sốt sắng, không đến nơi đến chốn. Kết quả nhỏ là: Nghị quyết đầy túi áo, thông cáo đầy túi quần. Kết quả nặng là: Phá hoại tổ chức của Đảng, giảm bớt kỷ luật của Đảng, bỏ mất thời cơ tốt, lúc nên làm thì không làm, khi làm thì trễ rồi” (Chủ tịch Hồ Chí Minh).
“Chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục; năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, nghị quyết còn hạn chế, năng lực tổ chức thực hiện của cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, làm cho pháp luật, nghị quyết chậm được thực hiện và hiệu quả thấp”... “Tư tưởng trông chờ, thụ động, ỷ lại vào cấp trên, tình trạng nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, kỷ cương phép nước không nghiêm còn khá phổ biến; chưa tạo được nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp có tính đột phá, đồng bộ để tháo gỡ khó khăn”... (Văn kiện Đại hội XIII của Đảng).
Bài 5: Thay đổi tư duy và phương thức ban hành, vận hành nghị quyết
Để nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống, thực tiễn đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng và toàn Đảng phải đồng loạt vào cuộc; quyết liệt thay đổi tư duy và phương thức ban hành, vận hành nghị quyết ở các cấp.
Nghị quyết cần ngắn, rõ, đúng
Một con số khá trăn trở thông qua điều tra xã hội học được tiến hành ở 23 đảng bộ xã, phường, thị trấn thuộc 3 tỉnh khu vực Tây Nguyên cho thấy: Khi đặt ra câu hỏi: “Nghị quyết của tổ chức đảng các cấp hiện có quá dài?” thì 72% đảng viên được hỏi chọn phương án “dài”; 21% đảng viên chọn phương án “quá dài”.
Với câu hỏi: “Nghị quyết dài thì gây khó gì cho cơ sở trong quán triệt, triển khai?” thì có hơn 65% đảng viên trả lời: Nghị quyết dài là không cần thiết; gây khó cho học tập, quán triệt; khó xác định các trọng tâm, trọng điểm lãnh đạo. Phần lớn ý kiến cho rằng, cũng một vấn đề, nội dung được nghị quyết đề cập, nhưng nếu đề cao trách nhiệm hơn thì những người xây dựng nghị quyết hoàn toàn có thể thể hiện ngắn gọn và dễ hiểu hơn nhiều. Do đó, hơn 99% đảng viên được khảo sát nêu đề xuất: Nghị quyết của tổ chức đảng hiện nay cấp thiết phải ngắn gọn lại, dung dị, dễ hiểu, dễ triển khai.
Thực tế cho thấy, không ít nghị quyết của tổ chức cơ sở đảng; nhất là ở cấp chi bộ lại dành dung lượng khá lớn để đánh giá tình hình thế giới, khu vực, trong nước và dự báo những vấn đề rất ít liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và đặc thù công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở cấp mình, tổ chức mình. Có chi bộ ban hành nghị quyết một cách cầu toàn, vấn đề nào cũng đề cập, nội dung nào cũng “đá” một ít, như để khẳng định: Tổ chức đảng phải lãnh đạo toàn diện mọi mặt công tác và điều đó phải được thể hiện trong nội dung nghị quyết. Qua công tác tổng hợp cho thấy, các nghị quyết ở đảng bộ cấp xã, phường, thị trấn thường có dung lượng từ 8 đến 10 trang A4 (có nơi ngắn gọn khoảng 6 trang A4)-dung lượng như vậy là quá dài. Điều đó cho thấy, những người chuẩn bị, xây dựng nghị quyết vốn đã rất vất vả, thế nhưng những người quán triệt, đọc, học càng vất vả hơn.
Nhiều cán bộ cơ sở dẫn lại câu chuyện viết nghị quyết và các văn kiện Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh-Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Theo đó, khi trực tiếp biên soạn các văn kiện, văn bản, nghị quyết quan trọng, có tính chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện hết sức ngắn gọn, súc tích. Ví như, Chánh cương vắn tắt của Đảng chỉ có 265 từ; Sách lược vắn tắt của Đảng: 251 từ; Tuyên ngôn Độc lập: 1.085 từ; Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: 205 từ; Di chúc hơn 1.000 từ... Ngắn và gọn là thế nhưng văn bản nào của Người khi ban hành cũng đều được đông đảo quần chúng tiếp nhận, quyết tâm thực hiện, tạo nên các cao trào cách mạng mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ngắn gọn, súc tích là bởi Người luôn bám sát mục đích cao nhất là nhằm tuyên truyền, lãnh đạo, giáo dục, giác ngộ cán bộ, quần chúng. Người chỉ rõ: “Mình viết ra cốt là để giáo dục, cổ động; nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được, là viết không đúng, nhằm không đúng mục đích...”. Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán: “Nhiều anh em hay viết dài. Viết dòng này qua dòng khác, trang này qua trang khác. Nhưng không có ích cho người xem. Chỉ làm tốn giấy, tốn mực, mất công người xem”.
Trong nhiều năm qua, các cơ quan chức năng của Trung ương luôn quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng, ban hành nghị quyết ở tất cả các cấp; tập trung vào đổi mới việc xây dựng nghị quyết ở cấp cơ sở theo hướng ngày càng đi vào thực chất, ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu, dễ triển khai. Thế nhưng, tinh thần đó qua các cấp chưa được quán triệt đầy đủ; trong khi công tác kiểm tra, bồi dưỡng, chỉnh huấn... còn nhiều yếu kém, có nơi còn “bỏ ngỏ”. Đây chính là một trong nhiều nguyên nhân khiến cán bộ, đảng viên và quần chúng ngại học nghị quyết, sinh ra tắc trách, khó triển khai thực hiện nghị quyết đạt hiệu quả.
Để nghị quyết đi vào cuộc sống thì khâu đầu tiên, cấp thiết hiện nay là phải đổi mới phương thức xây dựng nghị quyết, nhất là ở cấp cơ sở. Các cấp cần đặc biệt quan tâm lãnh đạo, quyết liệt đổi mới một cách căn bản việc xây dựng nghị quyết theo hướng ngắn gọn, thực chất, sát thực tế; quyết liệt chống “bệnh ôm đồm”, dài dòng trong thể hiện văn phong nghị quyết. Việc làm đó cần được tiến hành đồng bộ, mạnh mẽ, kết hợp giữa hướng dẫn với kiểm tra, uốn nắn; tạo một đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp trong hệ thống tổ chức đảng. Từng cấp ủy nêu cao trách nhiệm trong thảo luận, quyết nghị các chủ trương, giải pháp lãnh đạo; nhưng cũng đồng thời đặt ra những yêu cầu cao về dung lượng nghị quyết, tất yếu phải “gọt bỏ”, “gọt bớt” những nội dung, câu từ dài dòng, hoa mỹ, sáo rỗng. Để làm được phần việc này, 22/22 chuyên gia khoa học (nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân tiếp cận, phỏng vấn phục vụ tổ chức tuyến bài này) có chung mong muốn: Trung ương phải có trách nhiệm làm trước, làm gương và đề ra các quy tắc, quy định bắt buộc về thể thức, dung lượng nghị quyết để tổ chức đảng các cấp học tập, làm theo và nghiêm túc thực hiện đồng bộ trong toàn Đảng.
Với những người có trách nhiệm trực tiếp soạn thảo nghị quyết, phải luôn khắc nhớ sâu sắc lời phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Viết làm gì dài dòng và rỗng tuếch như thế? Chỉ có một cách trả lời: Là quyết không muốn cho quần chúng xem. Vì đã dài lại rỗng, quần chúng trông thấy đã lắc đầu, ai còn dám xem nữa? Kết quả chỉ để cho những ai vô công rồi nghề xem, và người xem cũng mắc phải thói xấu như người viết”.
Đổi mới cách xây dựng nghị quyết của tổ chức đảng ở cơ sở không chỉ là việc cải cách hành chính trong Đảng mà cao hơn là một giải pháp quan trọng để Đảng ta mạnh lên từ cơ sở, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới. Cũng bởi thế mà phần việc này thuộc sứ mệnh, trách nhiệm của các cơ quan Trung ương, nhất là việc ban hành các hướng dẫn về thể thức, bố cục, dung lượng nghị quyết.
Quyết liệt tinh giản nghị quyết
Khảo sát tại Đảng bộ tỉnh Yên Bái cho thấy, địa phương này đã, đang và tiếp tục tập trung lãnh đạo đổi mới việc ban hành nghị quyết theo hướng sát, đúng với cơ sở và nghị quyết chỉ được ban hành khi thực tiễn đòi hỏi phải có chủ trương lãnh đạo thì hoạt động của hệ thống chính trị mới đạt hiệu quả.
Lãnh đạo Tỉnh ủy Yên Bái cho biết, để có những nghị quyết cấp thiết, cần kíp thì khâu xác định nội dung, xây dựng, ban hành phải chuẩn bị hết sức chu đáo. Tinh thần chung của các cấp ủy thuộc Đảng bộ tỉnh Yên Bái là nghị quyết được ban hành phải có nội dung thật sát, đúng với thực tiễn. Khảo sát 4 đảng bộ địa phương và 3 đảng bộ cơ quan (ban, sở, ngành) trực thuộc Đảng bộ tỉnh Yên Bái cho thấy, bài học thấm thía là: Để có nghị quyết đúng, trúng thì cấp ủy đảng phải nắm, hiểu và biết rõ thực tiễn (nhất là cơ sở) đang thiếu gì, đang cần gì, muốn có gì; lòng dân có thuận không; điều kiện hiện thực nghị quyết có bảo đảm không. Vì vậy, cần nhất quán kết hợp chặt chẽ giữa cặp phạm trù “ý Đảng, lòng dân” với “lòng dân, ý Đảng” trong hoạch định đường lối, chủ trương lãnh đạo. Thậm chí, trong nhiều trường hợp phải đặt “lòng dân” lên trên “ý Đảng”, lấy “lòng dân” làm căn cứ xác lập “ý Đảng”.
Lý giải về vấn đề này, đồng chí Hoàng Việt, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Văn Chấn (Yên Bái) cho rằng, hiện nay vẫn còn rất nhiều nghị quyết, văn bản có nội dung khá chung chung, chỉ là sự cộng gộp của những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo có tính chất logic (văn bản) mà thiếu chất liệu thực tiễn, do đó khi triển khai, tổ chức cơ sở đảng gặp không ít khó khăn vì giữa nội dung nghị quyết với thực tế cuộc sống còn một khoảng cách quá lớn, quá xa!
Tại Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc, tổ chức đảng các cấp nơi đây đang nhất quán tinh thần “ban hành càng ít nghị quyết càng tốt”. Kết quả khảo sát cho thấy, ở cấp đảng bộ huyện, thành phố, ban chấp hành, ban thường vụ huyện ủy chỉ ban hành từ 2 đến 4 nghị quyết nhiệm kỳ có tính chất chuyên đề. Đối với các nghị quyết do Trung ương Đảng, Bộ Chính trị ban hành, các đảng bộ từ cấp huyện, thành phố trở xuống chỉ xây dựng chương trình, kế hoạch lãnh đạo tổ chức thực hiện; triệt để khắc phục tình trạng “nghị quyết mẹ đẻ ra nghị quyết con”, hoặc ban hành "nghị quyết chồng lên nghị quyết". Ở cấp đảng bộ xã, phường, thị trấn hạn chế tối đa việc ban hành nghị quyết; cấp chi bộ thôn, xóm, khu dân cư chỉ có kết luận hoặc kế hoạch thực hiện nghị quyết cấp trên...
Để giải bài toán cùng lúc cơ sở phải quán triệt, triển khai nhiều nghị quyết, văn bản khác nhau, một số đảng bộ cấp huyện, thị xã, thành phố có cách làm khá mới là tiến hành “lược hóa” nghị quyết. Theo đó, những người có trách nhiệm sẽ lựa chọn nội dung cần thiết gắn với địa phương rồi “lược hóa” nghị quyết thành những nội dung dễ nhớ, dễ thuộc, dễ thực hiện; hoặc kết hợp tinh thần của một số nghị quyết vào một “nghị quyết dùng chung” (hay văn bản cụ thể) để tổ chức đảng cấp xã, phường, thị trấn... dễ quán triệt, triển khai, vận dụng. Tất nhiên, phần việc này đòi hỏi công sức, trí tuệ và sự dấn thân của cán bộ cấp huyện, thị xã, thành phố... nếu không muốn tinh thần nghị quyết bị méo mó, nội dung bị rơi rớt, thiếu toàn diện.
Để lượng hóa nghị quyết các cấp, đảng bộ nhiều huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn có xu hướng quy con số phần trăm (%) về con số cụ thể trên thực tế gắn với địa bàn. Ví dụ như nghị quyết Trung ương hoặc cấp tỉnh xác định phải giảm 5% hộ nghèo/năm thì về đến cấp huyện, cấp xã phải cụ thể 5% ấy tương ứng với bao nhiêu hộ trên địa bàn; thực hiện số lượng ấy bằng cách nào; giao những người nào phụ trách, đầu mối nào thực hiện để bảo đảm mọi chỉ tiêu được hoàn thành. Thực tế cho thấy, đây là cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp các cấp dễ quán triệt, vận dụng, biết rõ đầu việc cần tập trung sức lãnh đạo. Đây cũng là lời giải khắc phục tình trạng “trăm chủ trương đổ đầu cơ sở”, gây lúng túng và làm giảm hiệu lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng.
Từ kết quả khảo sát ở nhiều đảng bộ địa phương cho thấy, đội ngũ cán bộ cơ sở kiến nghị các cấp chỉ nên ban hành nghị quyết khi thật sự cấp thiết, cấp bách; cần quyết liệt đấu tranh, khắc phục triệt để hiện tượng “nghị quyết chồng lên nghị quyết”, “nghị quyết mẹ đẻ ra nghị quyết con”, ban hành “nghị quyết 0 đồng”; đẩy lùi các hiện tượng học tập nghị quyết thiếu thực chất, đối phó, học vẹt... Cùng với đó, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thời gian tới cần được cơ quan chức năng Trung ương, nhất là các ban đảng tập trung tháo gỡ cho bằng được “điểm nghẽn” khi có quá nhiều nghị quyết cùng lúc triển khai về cơ sở, gây ách tắc, chồng lấn hoặc phân tán sự tập trung sức lãnh đạo của tổ chức đảng.
Tất cả những vấn đề đó cần được chuẩn hóa, triển khai thống nhất trong toàn Đảng mới có thể tạo bước chuyển biến thực chất, hiệu quả trong việc ban hành, triển khai thực hiện nghị quyết. Đây cũng là giải pháp đúng đắn để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XIII.
THAY LỜI KẾT
Để nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả thì còn rất nhiều phần việc phải được tiến hành đồng bộ, căn cơ, theo đúng quy trình, các khâu, các bước. Thế nhưng, thực tiễn đang nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, cấp bách, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng bằng nghị quyết, mà sâu xa hơn là làm giảm vị thế, sứ mệnh, năng lực lãnh đạo của Đảng cầm quyền.
Do đó, mỗi tổ chức đảng và toàn Đảng phải nghiêm khắc nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, toàn diện, sớm khắc phục hạn chế, vướng mắc, tạo sự đồng thuận quyết tâm cao trong triển khai nghị quyết của Đảng ở các cấp theo tinh thần “chủ trương 1, giải pháp 10, quyết tâm phải 20” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ rõ.
“Khi đã có nghị quyết thì phải lập tức đốc thúc sự thực hành nghị quyết ấy, phải biết rõ sự sinh hoạt và cách làm việc của cán bộ và nhân dân địa phương ấy. Có như thế mới kịp thời thấy rõ những khuyết điểm và những khó khăn, để sửa đổi các khuyết điểm và tìm cách giúp đỡ để vượt qua mọi khó khăn”. (Chủ tịch Hồ Chí Minh) |
“Đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản của Đảng theo hướng đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, tính dự báo cao, bám sát thực tiễn. Chỉ ban hành văn bản mới khi thật sự cần thiết. Tiếp tục hoàn thiện quy định về ban hành văn bản của Đảng; khắc phục tình trạng ban hành văn bản không sát với thực tiễn, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính khả thi, không rõ trách nhiệm, thiếu nguồn lực tổ chức thực hiện”. (Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”). |
Nhóm PV Báo QĐND
Báo Quân đội nhân dân