Tác phẩm đoạt giải

Hai tiếng Việt Nam luôn thiêng liêng và thôi thúc

PGS, TS. Vũ Minh Khương sinh năm 1959 tại Hải Phòng, tốt nghiệp xuất sắc ngành toán của Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Ông tham gia quân ngũ và xuất ngũ vào năm 1983. Năm 1992, ông giành học bổng chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Đại học Harvard (Hoa Kỳ), hoàn thành xuất sắc luận án tiến sỹ về chính sách và kinh tế tại Trường Hành chính Kennedy (thuộc Đại học Harvard) năm 1999. Năm 2017, ông là thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Hiện ông là giảng viên cao cấp Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Xin-ga-po), nơi ông bắt đầu làm việc từ năm 2006. Nhân dịp Xuân Quý Mão 2023, PGS, TS. Vũ Minh Khương chia sẻ với bạn đọc Tạp chí Xây dựng Đảng những điều tâm huyết dưới góc độ là một chuyên gia chính sách công và kinh tế tại nước ngoài khi nhìn về đất nước.

Chân dung PGS, TS. Vũ Minh Khương
Chân dung PGS, TS. Vũ Minh Khương

 

Việt Nam bản lĩnh và quả cảm

PV: Xin chào PGS, TS. Vũ Minh Khương! Sau một năm đầy biến động của thế giới và đất nước, theo ông đâu là điểm nhấn của Việt Nam trong năm 2022?

PGS, TS. Vũ Minh Khương: Theo tôi, năm 2022 là một dấu mốc đặc sắc cho nỗ lực vươn lên của Việt Nam trên hành trình đi đến phồn vinh, hạnh phúc. Nó cho thấy Việt Nam là một quốc gia không chỉ có bản lĩnh vượt qua khó khăn nghiệt ngã mà còn quả cảm biết nắm bắt cơ hội khi khủng hoảng đã được kiểm soát. Chính nhờ vậy mà Việt Nam được dự báo là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất sau đại dịch COVID-19, ở mức 7,5-8% năm 2022 và dự kiến 6,3-6,7% năm 2023.

PV: Nhưng hẳn cũng có những nút thắt chúng ta chưa tháo gỡ được, thưa ông?

PGS, TS. Vũ Minh Khương: Để tìm ra nút thắt, trước hết phải chỉ ra những trở ngại có tính cấu trúc. Chúng đòi hỏi những nỗ lực cải cách vượt bậc để Việt Nam có thể cất cánh mạnh mẽ trong 2-3 thập kỷ tới. Khó khăn này có liên quan đến năng lực kiến tạo giá trị.

Theo nghiên cứu của tôi, năng lực kiến tạo giá trị là tích số của các giá trị tích hợp trên trục tung (Y) và trục hoành (X). Trên trục Y, giá trị tích hợp được đo bằng năng lực, nguồn lực và nỗ lực hằng ngày. Trên trục X, giá trị tích hợp được đo bằng thực lực chiến lược có được nhờ triển khai nguồn lực với định vị khôn ngoan nhất trong việc nắm bắt các xu thế thời đại, động lực có được là nhờ cơ chế khuyến khích thỏa đáng, khoa học và hợp lực thông qua các nền tảng và nỗ lực phối hợp, hiệp đồng. Theo khảo sát của tôi, Việt Nam đạt điểm 7/10 trên trục Y nhưng chỉ đạt điểm 4/10 trên trục X. Nghĩa là giá trị kiến tạo mới ở mức 7x4=28. Trong khi đó, các nỗ lực phát triển của chúng ta hiện nay vẫn thiên lệch, tăng Y mà chưa chú trọng đặc biệt cho tăng X. Điều này sẽ khiến năng lực kiến tạo giá trị tăng không nhanh trong thời gian tới.

Vì vậy, nút thắt mà chúng ta phải tháo gỡ cấp bách là đổi mới chiến lược phát triển. Chuyển từ chú trọng tăng Y, coi nhẹ X sang chú trọng đặc biệt vào tăng X, trên cơ sở đó tăng Y. Đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước là những nội dung hàng đầu trong đổi mới chiến lược theo cách tiếp cận này.

PV: Để tháo gỡ nút thắt, yếu tố nguồn nhân lực có vai trò quan trọng. Vậy ông nhận định thế nào về dòng chuyển dịch lao động từ khu vực công sang khu vực tư tại Việt Nam thời gian qua?

PGS, TS. Vũ Minh Khương: Sự lưu thông về lao động giữa các khu vực kinh tế và các vùng địa lý được coi là chỉ số lành mạnh của phát triển nếu nó giúp tăng năng suất và hiệu quả sử dụng nguồn lực của nền kinh tế. Kinh nghiệm của Xin-ga-po là khu vực nhà nước nên có kênh thoát cho khoảng 10% nhân lực hằng năm. Kênh này cho phép các nhân lực không phát huy được cao nhất khả năng của mình trong khu vực nhà nước sẽ lựa chọn chuyển dịch tới khu vực ngoài nhà nước để tìm cơ hội mới. Với Việt Nam, sự chuyển dịch này đáng lo ngại vì trong hệ thống cơ quan nhà nước của chúng ta, yếu tố X quá thấp so với Y. Vì vậy, chúng ta có khả năng mất đi nhiều người giỏi cho đến khi Y giảm xuống ngang bằng với X hoặc khi X tăng mạnh để ngang bằng với Y.

PV: Đất nước ta đang đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn. Những mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đặt ra, cụ thể là đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo ông liệu có khả thi không?

PGS, TS. Vũ Minh Khương: Tôi đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát có tính tham khảo về nội dung này. Tôi đề nghị mọi người chọn con số gần nhất với ý kiến của mình về khả năng Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045 theo thang điểm 5 (5: tin chắc chắn; 4: có thể; 3: không rõ; 2: khó có thể; 1: không thể). Kết quả khảo sát ở nhiều nhóm khác nhau đều cho kết quả trung bình trên điểm 3 nhưng dưới 3,5 điểm; trong khi điểm của từng cá nhân rải khá đều trong khoảng 2 tới 4 điểm với số lượng điểm 3 cao áp đảo. Người cho điểm 4 nhấn mạnh đến cơ hội thời đại, thế mạnh của Việt Nam và những nỗ lực cải cách gần đây của Đảng và Nhà nước. Người cho điểm 2 chỉ ra những trở ngại có tính cấu trúc, đặc biệt là tham nhũng và động lực yếu, chưa có lời giải thỏa đáng, trong khi thời gian đến năm 2045 không còn nhiều.

Tôi cho điểm 4, thậm chí 5 nếu chúng ta có những cải cách đột phá trong ba năm tới (2023-2025). Nhưng nếu chúng ta tiếp tục thiên lệch về trục Y (dốc hầu hết sức lực vào đầu tư hạ tầng và thu hút vốn FDI), xem nhẹ cải cách theo trục X thì chúng ta có thể phải dừng ở điểm 2 hoặc 3.

Từ đứng dậy, thức dậy... đến trỗi dậy

PV: Ông nhận định như thế nào về hình ảnh của Việt Nam trong vòng 30 năm tới trên trường quốc tế?

PGS, TS. Vũ Minh Khương: Nếu Việt Nam thành công trong công cuộc đưa đất nước trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045, nước ta sẽ trở thành một biểu tượng kỳ vĩ mà ít dân tộc nào có thể sánh được: Chỉ trong vòng 100 năm chúng ta làm được cả ba điều làm kinh ngạc thế giới: Đứng dậy, thức dậy và trỗi dậy.

Đứng dậy: Từ một dân tộc nhược tiểu, nô lệ, lầm than với hàng triệu người chết đói, chúng ta đã giành lại độc lập vào năm 1945 và làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu chỉ 9 năm sau đó.

Thức dậy: Công cuộc cải cách khởi đầu từ Đại hội VI của Đảng (năm 1986) với những nhận thức mới về động lực phát triển đã giúp Việt Nam có những bước tiến nhanh chóng về tăng trưởng kinh tế và hội nhập toàn cầu. Việt Nam là một mẫu hình phát triển không chỉ có khả năng nắm bắt các xu thế thời đại như toàn cầu hóa, cách mạng số và cách mạng xanh, mà còn góp cho thế giới bài học vô giá về lòng nhân bản và tầm nhìn tương lai trong nỗ lực hết mình để biến thù thành bạn.

Trỗi dậy: Chúng ta đang ở giai đoạn ba thập kỷ của hành trình đi từ độc lập đến phồn vinh, hạnh phúc. Dù phía trước còn muôn vàn khó khăn, thách thức nhưng chúng ta có thể hy vọng và tin rằng thế hệ người Việt Nam hôm nay có thể làm nên những chiến thắng Điện Biên Phủ ở nhiều lĩnh vực trong những năm tới.

Sức mạnh của một dân tộc được đo bằng khả năng thu hút các quốc gia khác đến học hỏi. Nếu chúng ta trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định thì sức mạnh này của chúng ta có thể nói là vô song.

PV: Việt Nam cần có những nội lực nào để hiện thực hóa được mục tiêu này cũng như khơi dậy được khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thưa ông?

PGS, TS. Vũ Minh Khương: Một công cuộc phát triển kỳ vỹ dựa vào ba động lực chủ đạo: Xúc cảm (emotion), khai sáng (enlightenment) và kiến tạo (engineering). Với Việt Nam, động lực xúc cảm rất cao, có thể nói là vô song; động lực khai sáng vượt khá mạnh từ sau đổi mới (Đại hội VI của Đảng) nhưng chưa thực sự bừng phát rực rỡ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Xin-ga-po; động lực kiến tạo còn hạn chế (trục X) như tôi đã nói ở trên.

PV: Theo ông, giải pháp nào để Việt Nam xây dựng được một bộ máy công quyền và đội ngũ cán bộ ưu tú trong việc thực hiện mục tiêu trên?

PGS, TS. Vũ Minh Khương: Tôi nghĩ chúng ta nên tham khảo kinh nghiệm xây dựng bộ máy công quyền ưu tú của Xin-ga-po. Ba nội dung lớn là: 1) Thiết kế lại bộ máy Chính phủ để tạo nên khả năng phát huy sức mạnh tổng lực. 2) Quản lý theo kết quả minh bạch và khoa học, tạo động lực mạnh mẽ cho cán bộ nỗ lực hết sức mình. 3) Thu hút, khai thác và giữ chân nhân tài trong bộ máy công quyền.

Đội tuyển bóng đá Việt Nam dưới thời huấn luyện viên Park Hangseo là một minh chứng thú vị. Từ một đội bóng thi đấu yếu với nhiều cầu thủ bán độ, họ đã vươn lên trở thành niềm tin, niềm tự hào của đất nước.

Phụng sự Tổ quốc là lẽ sống

PV: Từng đệ đơn xin làm giám đốc một doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ với mục tiêu cải tổ, phát triển nó và ông đã trở thành Giám đốc khi mới 29 tuổi. Sau đó, ông tiếp tục đệ đơn xin làm Giám đốc Sở Công nghiệp TP. Hải Phòng. Xin ông chia sẻ về động lực và khát khao của bản thân ở thời điểm đó?

PGS, TS. Vũ Minh Khương: Khi còn thiếu niên, những câu chuyện về người Việt Nam phải chịu cảnh “một cổ hai tròng”, bị đánh đập và chết đói như ngả rạ vào tháng 3-1945 mà bố mẹ tôi kể đã để lại trong tôi những ký ức xúc động không bao giờ phai mờ. Tôi luôn bị thôi thúc bởi ước mong của bố mẹ tôi là được nhìn thấy một ngày mai “dân tộc Việt Nam ta được ngẩng đầu”.

Tôi cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi câu chuyện về nhân vật Pa-ven Coóc-sa-ghin trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Ni-cô-lai Ô-xtơ-rốp-xki với câu nói bất hủ: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.

Tôi tự hứa với mình sẽ làm tất cả vì đất nước, góp phần đem lại hạnh phúc cho đồng bào của mình. Với tôi, phụng sự đất nước là lẽ sống và nguồn năng lượng của cả cuộc đời, cho dù đường đi có khó khăn, trắc trở đến đâu.

PV: Từ kinh nghiệm của bản thân, ông kỳ vọng gì ở thế hệ trẻ Việt Nam?

PGS, TS. Vũ Minh Khương: Tôi kỳ vọng trong tương lai không xa sẽ có những bạn trẻ, sau khi đã chuẩn bị tốt về năng lực và phẩm chất, khẳng khái đề nghị với Đảng, Nhà nước và Nhân dân cho phép ứng cử làm bộ trưởng, chủ tịch tỉnh, thành phố, tổng giám đốc tổng công ty. Tôi mong kỳ vọng này sẽ trở thành hiện thực trong những năm tới. Đó sẽ là những câu chuyện kỳ vỹ, thôi thúc lòng người mà thế hệ người Việt Nam hôm nay có thể góp vào dòng chảy lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Chọn được những người tài, đức, dám đứng lên nhận trách nhiệm như vậy sẽ giúp Đảng không chỉ trường tồn trong lòng dân tộc mà còn để lại những di sản vô giá khiến thế giới ngưỡng mộ và các thế hệ mai sau mãi mãi tự hào.

PV: Ông có nghĩ rằng chúng ta đang lãng phí một nguồn lực lớn ngoài Đảng chưa tham gia cống hiến được nhiều cho đất nước?

PGS, TS. Vũ Minh Khương: Tôi nghĩ là chúng ta mới sử dụng được khoảng 50% tiềm năng của đất nước. Lãng phí nguồn lực và lãng phí thời cơ còn phổ biến trong mọi lĩnh vực và tổ chức. Tuy nhiên, tôi rất mừng được chứng kiến những nỗ lực cải cách của cả hệ thống chính trị thời gian qua. Nó giúp đất nước không chỉ vượt qua đại dịch COVID-19 khủng khiếp mà còn có những bước tiến quả cảm trong việc đẩy nhanh công cuộc phát triển đất nước.

Người Việt Nam có lòng yêu nước rất cao, dù ở đâu cũng luôn hướng về Tổ quốc. Tuy nhiên, đóng góp của người Việt Nam vào sự nghiệp phát triển đất nước phụ thuộc nhiều vào khả năng kiến tạo giá trị của toàn hệ thống như tôi đã đề cập. Nếu giá trị trên trục X tăng tới mức 8/10 hoặc cao hơn, chúng ta sẽ thấy người Việt Nam “trên dưới một lòng, muôn người như một, nhân tài kéo về như nước” để phụng sự quốc gia.

PV: Qua nhiều bài viết của ông, người ta  có thể cảm nhận được tình cảm lớn lao và khát vọng cống hiến cho đất nước Việt Nam luôn thường trực trong ông từ khi còn niên thiếu. Giờ đây điều này tiếp tục được ông định hình như thế nào?

PGS, TS. Vũ Minh Khương: Niềm tin vào sức mạnh dân tộc, những hoài bão, khát vọng phấn đấu cho một ước nguyện tha thiết nhất là “góp phần làm người Việt Nam mình có thể ngẩng cao đầu” sẽ mãi mãi rực cháy trong trái tim và tâm khảm của tôi. “VIETNAM” trong tôi bao gồm những phẩm chất đáng tự hào: V = Vision: Tầm nhìn; I = Integrity: Sự chính trực; E = Enlightenment: Khai sáng; T = Trust-worthiness: Đáng tin cậy; N = Nation-first: Đất nước trên hết; A = Aspiration: Hoài bão và M = Motherland: Tổ quốc, nhắc nhở chúng ta về tình đồng bào, tình đoàn kết. Với tôi, hai tiếng Việt Nam luôn có ý nghĩa thiêng liêng và đầy thôi thúc.

PV: Là người Việt sinh sống và làm việc ở xa quê hương, điều gì khiến ông luôn trăn trở, muốn cống hiến cho quê hương trong thời gian tới?

PGS, TS. Vũ Minh Khương: Tôi định hướng sẽ trở thành một chuyên gia hàng đầu về chiến lược góp phần đưa ASEAN trở thành một nền kinh tế gắn kết, phồn vinh và bền vững trong ba thập kỷ tới. Trong đó, Việt Nam và Xin-ga-po là những động lực chủ đạo và là mẫu hình đặc biệt về xây dựng lòng tin chiến lược và khả năng hợp tác, tạo nên những bước phát triển thần kỳ từ sức mạnh cộng hưởng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện cởi mở hôm nay. Nhân dịp Xuân Quý Mão, kính chúc ông cùng gia đình thật nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui, chúc cho những hoài bão, kỳ vọng của ông về sự lớn mạnh của dân tộc Việt Nam chúng ta sẽ thành hiện thực trong một tương lai không xa.

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất