Tác phẩm đoạt giải

Khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm

Kỳ 1: Tìm 'vắc xin' cho bệnh sợ trách nhiệm

Khi “vi rút sợ trách nhiệm” vẫn đang âm thầm lây lan trong đội ngũ cán bộ nhiều cấp, tư tưởng trì trệ “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai” đã trở thành nguy cơ cho sự phát triển đất nước.

Vì vậy, Kết luận 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đang được kỳ vọng là liều "vắc xin" hiệu quả khi đi vào cuộc sống...

Một "đại dịch" khác...

Giờ đây, khi Bắc Giang may mắn bước qua những ngày tháng căng thẳng nhất của đại dịch với những tình huống “không giống ai”, Giám đốc Sở Y tế tỉnh này là ông Từ Quốc Hiệu cũng đang sẵn sàng tâm thế cho đợt thanh, kiểm tra sắp bắt đầu.

Đường dây 500 kV Bắc - Nam là một trong những công trình biểu tượng cho sự quyết đoán, sáng tạo, dám làm, dám chịu của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ trong giai đoạn VN bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới. Ảnh: TNG

“Anh em thì rất sợ. Nên chúng tôi động viên nhau là làm cũng chết mà không làm cũng chết, thôi cứ làm”, Giám đốc Từ Quốc Hiệu nói khi được hỏi về chuyện mua sắm thiết bị phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương này. Chống dịch cấp bách, cấp trên yêu cầu phải có thiết bị, vật tư để chống dịch, song với “thực tiễn chưa có tiền lệ”, chưa có bất cứ văn bản hướng dẫn nào về việc mua sắm để những người đứng đầu ngành y tế địa phương như ông Hiệu “bám” vào.


Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương IV ngày 7.10 . Ảnh: TTXVN

Nhưng không phải ở tình huống nào cũng nhắm mắt đưa chân “cứ làm” là xong. “Bài học kinh nghiệm” đối với ông Hiệu là vụ án “thổi giá” thiết bị xét nghiệm Covid-19 tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, khi các kênh tham khảo giá thiết bị, vật tư phòng chống dịch theo ông là “rất khó”, còn Bộ Y tế lại chưa có bất cứ quy định nào. “Giao cho y tế tự mua là đưa chúng tôi vào thế rất khó”, ông Hiệu chia sẻ. Cách làm của ông và “anh em” ngành y tế Bắc Giang là không mua mà xin doanh nghiệp tài trợ. “Họ tài trợ tiền mình cũng nhờ họ mua luôn, chứ cho tiền thì phải mua theo quy định, rất mất thời gian”, ông Hiệu kể.

Cách làm của ông Hiệu, thực tế, là một “sáng tạo” để giữ mình, tránh khỏi những rủi ro bị xử lý, kỷ luật, dù ông thành thật nói rằng “vẫn phải nói với anh em doanh nghiệp là không cần phần trăm gì cả”.

Nhưng không phải địa phương nào cũng tìm kiếm được doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ bằng hiện vật. Hồi đầu tháng 5, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định đình chỉ công tác đối với một phó giám đốc phụ trách Sở Y tế của tỉnh này do “chậm trễ trong tham mưu chống dịch”, mà cụ thể là không dám quyết việc mua thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch tại địa phương.

Nỗi lo bị kỷ luật, bị xử lý vào “một ngày đẹp trời nào đó”, khi người ta đưa ra những quy định bình thường để xem xét, xử lý những tình huống bất thường của đại dịch đã trở thành nỗi sợ phổ biến trong nhiều cán bộ.

Trong cuộc làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi giữa tháng 5.2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thừa nhận thực trạng nhiều địa phương đang có tâm lý “ngại” mua máy móc, thiết bị y tế do sợ bị xử lý, kỷ luật. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi cuối tháng 5, cũng đã chỉ ra tình trạng này: “Dịch giã thế này, năng lực xét nghiệm thấp, nhưng chỗ nào cũng sợ mua sắm, sợ sai. Người ta chỉ thích tiền Mặt trận Tổ quốc hỗ trợ, đó không phải là tiền ngân sách, hoặc tài trợ bằng hiện vật người ta sử dụng được…”.

Không chỉ trong mua sắm, trong điều hành chống dịch, những ngày qua, cả nước đã được chứng kiến nhiều địa phương “bất tuân” Nghị quyết 128 của Chính phủ, nhất quyết “ngăn sông cấm chợ” để bóc tách F0 khỏi cộng đồng vì nỗi sợ hãi dịch bùng thì bị kỷ luật, bị “mất ghế”.

Đối mặt với thực tế chưa có tiền lệ, không chỉ ở địa phương mới có tình trạng cán bộ không dám quyết vì sợ trách nhiệm. Một vị phó thủ tướng, trong một cuộc làm việc tại địa phương, đã tiết lộ rằng việc mua vắc xin là chưa có tiền lệ, ẩn chứa nhiều rủi ro, nên Chính phủ buộc phải ra nghị quyết có sự thống nhất của tất cả các thành viên. “Chỉ có Chính phủ mới không bị xử lý hình sự chứ kể cả Thủ tướng vẫn là đối tượng xử lý hình sự”, vị phó thủ tướng nói. Rất nhiều chính sách chống dịch, đã được quyết bằng nghị quyết.

Thế nhưng, cũng không phải đến 2 năm qua, khi đối mặt với đại dịch, người ta mới nói đến “căn bệnh” sợ trách nhiệm đang trở nên phổ biến trong cán bộ, công chức. Từ năm 2015, báo cáo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã cảnh báo “đáng lo ngại” về việc cán bộ, công chức ngày càng sợ trách nhiệm. Vì sợ nên không dám đề xuất, không dám sáng tạo áp dụng cái mới, hoặc có đề xuất cái mới thì rất lòng vòng, xin phép khắp nơi.

Trong suốt 5 năm của nhiệm kỳ 2016 - 2021, câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công luôn phải đối mặt với những lực cản của sự trì trệ và chậm trễ mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, giai đoạn đó là người đứng đầu Chính phủ, gọi là “vi rút sợ trách nhiệm”. Không có công trình trọng điểm nào hoàn thành đúng tiến độ, hàng loạt dự án bị chậm tiến độ, đội vốn. Khi trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp tháng 10.2019, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - khi đó là Thủ tướng - đã nói: “Nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu kinh tế. Thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí mạnh mẽ vươn lên và nguy cơ lớn nhất là không hành động vì sợ trách nhiệm”.

Thế nhưng, bất chấp những lo lắng ấy, hết 9 tháng của năm 2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ dừng lại ở con số 60%. Chính phủ khi đó đã phải tổ chức liên tiếp nhiều cuộc làm việc với địa phương từ bắc vào nam về vấn đề này; thành lập tổ công tác về giải ngân vốn đầu tư công và yêu cầu nếu tỉnh nào không giải ngân được thì Chính phủ sẽ chuyển vốn cho tỉnh khác. Sức ép quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng khi đó đã giúp kết quả giải ngân vốn đầu tư công của năm 2020 đạt tới 98% - mức kỷ lục trong nhiều năm. Song điều đó cũng cho thấy một thực tế: vi rút sợ trách nhiệm là có thật; đại dịch sợ trách nhiệm đã âm thầm lây lan từ trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.

“Vắc xin” hiệu quả

Tại sao cán bộ, kể cả những cán bộ lãnh đạo, đứng đầu lại sợ trách nhiệm đến như vậy? Tại sao nhiều người biết mình làm đúng và không tư túi gì nhưng vẫn luôn sợ và rồi không ít người quyết định cứ theo người khác mà làm cho an toàn?

Vĩnh Phúc có 200 chiếc xe công đang “đắp chiếu” vì đã hết khấu hao. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cho rằng 200 chiếc xe này giờ chuyển cho các bộ phận, tổ chức hội, đơn vị khác thì vẫn dùng tốt, tỉnh cũng nảy ra ý định sử dụng cho công tác chống dịch vì toàn bộ hệ thống chống dịch không có xe. Thế nhưng, theo quy định, 200 chiếc xe này phải thu hồi về và bán thanh lý với giá mà theo ông Thành là từ 10 - 20 triệu đồng/chiếc. Vấn đề được ông Thành đưa ra “xin ý kiến” trong cuộc làm việc với một phó thủ tướng, nhưng vẫn không quyết được.

“Yêu cầu của thực tiễn bao giờ cũng đi trước các quy định của pháp luật”, ông Thành đúc kết. Điều này càng đúng với thực tế VN. Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc nhận thức rằng Nghị quyết Đại hội XIII yêu cầu tháo gỡ “điểm nghẽn”, rào cản, chính là những chồng chéo, bất cập của chính sách, quy định. Như quy định việc xử lý 200 chiếc xe đắp chiếu ở địa phương này mà như lời ông Thành nói: “Nếu bây giờ tôi quyết sử dụng cho chống dịch thì lại là vi phạm”.

Ông Thành chia sẻ rằng khi điều hành kinh tế xã hội, những người đứng đầu như ông gặp vô vàn tình huống buộc phải vận dụng - tức là phải uốn cong đi, để làm những điều chưa được quy định. Thế nhưng, đến khi thanh tra, kiểm tra thì mọi thứ lại phải thẳng băng. Khi quyết định một việc gì đó nhưng chỉ trong hoàn cảnh tức thời lúc đó là đúng và ai cũng hiểu rằng ai đặt vào điều kiện hoàn cảnh đó mà để làm tốt được cũng quyết định như mình. Nhưng với thứ bật mực thẳng băng của kiểm tra thì sự vận dụng ấy chắc chắn có chồng lấn, chắc chắn có sai phạm. “Cái đấy ai cũng sợ”, ông Thành thừa nhận.

Quá nhiều những “vùng xám”, chồng chéo, và cả những thiếu sót, bất cập trong quy định của pháp luật đã đẩy cán bộ vào nỗi thấp thỏm “đi trên dây” giữa lằn ranh đúng - sai; “qua đúng, nay sai, ngày mai lại thành đúng”.

Bà Lê Thị Nga, người theo dõi công tác tư pháp ở Quốc hội 3 nhiệm kỳ qua, từng nhiều lần thốt lên rằng: “Phải xem lại hệ thống pháp luật của chúng ta thế nào mà cứ động vào đâu cũng thấy sai phạm”.

Đòi hỏi khách quan

Nhìn lại chặng đường 35 năm đổi mới, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN, lý giải việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước - giống như chống dịch hiện nay, là việc chưa có tiền lệ, vừa phải làm vừa rút kinh nghiệm chứ không có bất cứ khuôn mẫu nào có sẵn. “Thành ra, trong bước đi có những lúc không phải lúc nào cũng đúng”, ông Túc nói.

Điều ông Nguyễn Túc nói là đúng khi cho tới tận Đại hội XIII vừa qua, việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn là 1 trong 3 đột phá của giai đoạn tới. Nội hàm “kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa”, sau hơn 35 năm đổi mới vẫn chưa có sự thống nhất trong nhận thức ngay trong đội ngũ cán bộ làm chính sách không chỉ ở địa phương. “Hiện nay vẫn còn lăn tăn về bước đi và định hướng. Vì thực tế, chưa có mô hình nào mà mình sao chép được cả. Anh đã cơ chế thị trường lại định hướng xã hội chủ nghĩa”, ông Túc tâm tư.

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đánh giá khi thực tế chưa có tiền lệ, thì đổi mới, sáng tạo hay dám nghĩ, dám làm là đòi hỏi khách quan và là động lực của phát triển. Thế nhưng, sự đổi mới, như một tất yếu, luôn gặp phải những lực cản của cái cũ, của sự bảo thủ.

“Có ông thủ trưởng không muốn nghe những điều không đúng ý mình, hoặc có động cơ khác mà không muốn. Thực tế, nhiều cái đổi mới thường bị cản trở lại, thành ra đẩy người ta về cái con đường mòn, làm y như cũ cho nó xong chuyện, yên thân”, ông Khoan lý giải.

Báo cáo của Ban Tổ chức T.Ư khi trình Bộ Chính trị đề án quy định bảo vệ cán bộ đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung còn chỉ ra một “nguồn gốc” khác của “vi rút sợ trách nhiệm”. “Từ đầu nhiệm kỳ XII T.Ư Đảng đẩy mạnh siết kỷ luật, kỷ cương và xử lý vi phạm nhưng phần nào cũng dẫn đến tâm lý cán bộ sợ sai, sợ chịu trách nhiệm; những việc không an toàn thì né tránh, đùn đẩy, những cái mới thì ngại triển khai”, báo cáo viết.

Nhiều cán bộ, cả đương chức lẫn người đã nghỉ hưu lâu năm cũng thừa nhận nguyên do này. Ông Nguyễn Túc cho rằng chống tham nhũng mà để đến chỗ cán bộ không dám làm thì chưa đạt yêu cầu tối cao.

“Chống tham nhũng làm sao để đẩy lùi thoái hóa biến chất, nhưng đồng thời kích thích cái gọi là sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm ở trong đội ngũ thì mới đạt được kết quả tốt”, ông Túc nói và cho rằng phải làm cho không chỉ người dân, mà cả cán bộ cũng thấy rằng những người bị xử lý vì tham nhũng thời gian vừa qua là vì tư lợi, lợi ích nhóm, chứ không ai bị bắt vì dám làm, dám chịu trách nhiệm cả.

Một kết luận như Kết luận 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung, theo ông Nguyễn Túc là cần thiết để áp chế “con vi rút” sợ trách nhiệm đang lây lan với nhiều “biến chủng” khác nhau. Ông Lê Duy Thành nói bản thân ông hy vọng Kết luận 14 sẽ là cơ sở để “minh oan” cho cán bộ khi trong những thời khắc, điều kiện nhất định của thực tiễn, họ đã vượt qua nỗi sợ để đưa ra những quyết định vượt khỏi quy định.

Với nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, Kết luận 14 chỉ là “cú huých” ban đầu.

Để “liều vắc xin” này có hiệu quả, theo ông Khoan, thực tiễn cho thấy, nhân tố quyết định là ở người lãnh đạo, bộ máy lãnh đạo. “Anh không phải người đổi mới sáng tạo thì cũng phải là người biết lắng nghe, anh không dám thử thì cũng dám để cho người ta thử và nếu có trục trặc thì đứng ra bảo vệ. Không có lãnh đạo như thế thì mọi chuyện chả đi đến đâu hết”, ông Khoan nói. (còn tiếp)

Người đứng đầu phải thực sự thông suốt

Để kết luận của Bộ Chính trị có thể đi vào cuộc sống, ngăn chặn thói sợ trách nhiệm, điều đầu tiên là phải quán triệt trong nhận thức của tất cả cán bộ đảng viên mà trước hết là những người đứng đầu các cấp ủy từ T.Ư tới cơ sở về vấn đề khuyến khích, bảo vệ cán bộ sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung. Nếu những người đứng đầu không thực sự thông suốt về chủ trương này thì sẽ rất khó để khuyến khích được cán bộ sáng tạo, dám nghĩ, dám làm một cách thực chất. Bên cạnh đó, trong quá trình thí điểm cái mới, chưa có quy định trong luật thì cần phải có sự theo dõi, giám sát và khẳng định của những người có trách nhiệm để khuyến khích những cán bộ này, chứ không nên đồng ý chủ trương rồi buông. Khi có sự theo dõi, giám sát và khẳng định của những người có thẩm quyền, trách nhiệm như vậy thì sẽ dễ dàng xác định được mức độ trách nhiệm của cán bộ khi thí điểm không thành công hoặc thậm chí gặp rủi ro, gây thất thoát.

Ông Nguyễn Túc (Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN)

Cần có quy định, hướng dẫn cụ thể hơn

Sau khi Bộ Chính trị ban hành kết luận, Ban Bí thư hoặc Ban Tổ chức T.Ư theo chức năng nhiệm vụ cần phải có hướng dẫn cụ thể hóa thành các quy định rõ ràng để cán bộ, đảng viên, cấp ủy các cấp có cơ sở thực hiện. Chẳng hạn thế nào là đổi mới, là dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; hay các cấp ủy muốn khuyến khích cán bộ đổi mới, dám nghĩ, dám làm thì cần phải có chính sách cụ thể gì hay không?... Bên cạnh đó, khi có đề xuất những vấn đề mới, chưa có trong quy định thì người đứng đầu, cấp ủy có thẩm quyền phải họp, thảo luận tập thể và thống nhất trong tập thể là cho hoặc không cho làm. Cần phải có thái độ rõ ràng đối với các đề xuất đổi mới này. Khi đã thống nhất chủ trương thì khi xảy ra những sai sót do khách quan không nên quy trách nhiệm cho cá nhân. Còn khi sai sót xảy ra do cá nhân trong quá trình thực hiện thì cần phải xem xét sự việc, hành vi trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể để đánh giá.

Ông Lê Quang Thưởng (nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức T.Ư)

Khuyến khích là mấu chốt

Có một vấn đề tồn tại đã lâu khiến VN chưa tạo được sự đột phá chính là chính sách sử dụng nhân tài của mình chưa hoàn chỉnh và thực hiện trên thực tế cũng chưa được nhiều. Ta nói về trọng dụng nhân tài thì nhiều nhưng làm thì không thực sự trọng nhân tài. Vì vậy, câu chuyện ở Kết luận 14 của Bộ Chính trị trước hết là khuyến khích người đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm mà thực chất là những người có tài; bảo vệ chỉ là một phần thôi. Đất nước sau 35 năm đổi mới, gần như đã “mở toang” hết, động lực cho phát triển của chúng ta lúc này không có gì khác ngoài con người. Lựa chọn, sử dụng người tài thực sự, khuyến khích họ chính là mấu chốt. Thiển ý của tôi là chủ trương này phải được quy định thành văn bản pháp quy với những quy định, quy trình cụ thể thì mới thực hiện được trên thực tế. Quy trình xin ý kiến người đứng đầu, cấp ủy như thế nào? Nếu như người đứng đầu lại là người bảo thủ thì giải quyết ra sao? Cho làm thí điểm mà người đứng đầu không ủng hộ về tinh thần, thấy không thích lắm thì thí điểm làm sao? Ngược lại, cũng phải định nghĩa rõ thế nào là người đổi mới sáng tạo cần ủng hộ, khuyến khích… Cá nhân tôi chờ đợi những văn bản hoàn chỉnh, cụ thể hơn thì kết luận này mới đi vào cuộc sống được.

Ông Vũ Khoan (nguyên Phó thủ tướng)

Kỳ 2: Khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm: Bài học từ lịch sử

Một khi lãnh đạo dám đứng ở “đầu sóng, ngọn gió” thì cán bộ, đảng viên bên dưới sẽ gạt bỏ được nỗi sợ trách nhiệm; dấn thân, sáng tạo, cống hiến và dám nghĩ, dám làm.

Đường dây siêu cao áp 500 KV và luật Doanh nghiệp năm 1999 là 2 dự án mang tính bước ngoặt gắn với hình ảnh của 2 cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải. Nó cho thấy, một khi lãnh đạo dám đứng ở “đầu sóng, ngọn gió” thì cán bộ, đảng viên bên dưới sẽ gạt bỏ được nỗi sợ trách nhiệm; dấn thân, sáng tạo, cống hiến và dám nghĩ, dám làm.

“Cấp trên dám làm, bảo vệ thì mình còn sợ gì”

Nhắc lại kỷ niệm với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Trần Viết Ngãi (nguyên Phó ban Chỉ đạo dự án đường dây 500 KV, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN) nhớ như in, Tết Tân Mùi năm 1991 tại trụ sở Công ty điện lực 2 (72 Hai Bà Trưng, Hà Nội), Thủ tướng Võ Văn Kiệt gọi Bộ trưởng Năng lượng Vũ Ngọc Hải và một số cán bộ lên hỏi chuyện. Ông Kiệt nói: “Miền Bắc thừa điện, các chú có cách gì đưa điện từ Bắc vào Nam được không?”. Ông Hải báo cáo trên thế giới chỉ có đường dây 400 KV, dài nhất là 700 km, chưa nước nào làm đường dây 500 KV dài hơn 1.700 km.

Dù nhiều ý kiến phản đối nhưng với ý chí và quyết tâm cao độ, ông Kiệt ra “tối hậu thư” phải hoàn thành dự án bằng mọi giá trong thời gian 2 năm. Một thời hạn mà đội cán bộ trẻ như ông Hải, ông Ngãi… nghĩ đến thôi đã thấy sợ. Chưa kể, lúc đó đất nước còn nghèo, dự án hơn 5.700 tỉ đồng lấy đâu ra tiền; kỹ thuật của ngành điện thì chủ yếu làm thủ công bằng 2 bàn tay, làm gì có trực thăng, máy xúc, máy đào…

“Nếu lúc đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt không quyết tâm làm tới cùng, thì có lẽ công trình đường dây 500 KV sẽ không bao giờ được thực hiện. Kể từ ý tưởng đến khi triển khai vấp phải rất nhiều ý kiến phản đối, thậm chí ngay trong Bộ Chính trị. Ông Kiệt vẫn rất kiên định. Tuần nào cũng họp giao ban, khó ở đâu gỡ ở đó. Chỉ đạo sát sao bất kể ngày đêm”, ông Ngãi hồi tưởng.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thị sát công trình đường dây 500 KV

ẢNH TƯ LIỆU

Sau 2 năm thi công thần tốc, đường dây 500 KV đã hoàn thành. Chiều 27.5.1994, Bộ trưởng Năng lượng Thái Phụng Nê báo cáo với Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Báo cáo anh Sáu (Sáu Dân, bí danh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt), chiều nay chúng ta chính thức đóng điện”. Chiều hôm đó, ông Kiệt trực tiếp đến Trung tâm điều độ điện quốc gia (Bộ Năng lượng, số 18 Trần Nguyên Hãn) để kiểm tra tình hình. Ông Thái Phụng Nê nhớ lại, khi đó hòa điện mạch trên màn hình có 2 đường sáng đi loằng ngoằng, chập vào nhau nếu đứng là thành công, nhưng 2 lần chập vào lại nhảy ra. Đến lần thứ 3 thành công thì tất cả đều hò reo mừng rõ. Ông Kiệt cũng thở phào như trút bỏ được bao sức ép.

Ông Nê kể, rất nhiều chuyên gia và nhà khoa học phản đối vì cho rằng dự án bất khả thi, viển vông. Không thể cắm được cột trên các đỉnh núi cao, không thể hòa điện do lệch bước sóng… Quốc hội (QH), Bộ Chính trị cũng có nhiều ý kiến không thuận. Tại kỳ họp QH vào tháng 6.1993, Chủ tịch QH Nông Đức Mạnh chủ trì, các đại biểu vẫn chất vấn rất gay gắt các vấn đề xung quanh việc xây dựng đường dây 500 KV. Chủ tịch MTTQ Lê Quang Đạo hỏi ông Kiệt: “Anh làm có được Bộ Chính trị cho ý kiến không?”. Ông Võ Văn Kiệt trả lời: “Bộ Chính trị đã quyết định”. Ông Đạo hỏi lại: “Quyết định thì văn bản đâu?”. Lúc đó Bộ Chính trị không ra văn bản, ông Kiệt nói: “Tôi là đảng viên đảng cộng sản mà ý kiến của đồng chí Tổng bí thư giao cho tôi làm thì tôi chấp hành thôi”.

“Dự án đường dây 500 KV khi đó Bộ Chính trị không quyết định thì khó làm, nhưng cũng có những ý kiến không thống nhất, thành ra Bộ Chính trị không ra văn bản. Chuyện đó cũng là hết sức bình thường. Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết tâm làm và tuyên bố nếu không làm được sẽ từ chức. Đó là một hình ảnh mà bây giờ chúng ta cần phải noi gương về trách nhiệm người đứng đầu, bản lĩnh dám quyết định, dám chịu trách nhiệm”, ông Nê chia sẻ.

Phó ban Chỉ đạo dự án đường dây 500 KV Trần Viết Ngãi và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

ÔNG TRẦN VIẾT NGÃI CUNG CẤP

Nhớ lại chuyện này, theo ông Ngãi, khi đó trong Bộ Chính trị cũng có nhiều điều ra, tiếng vào. Một số nhà khoa học phản đối, gây ra mâu thuẫn, xích mích. Cũng có người bị kỷ luật, xử lý vì liên quan đến một số sai phạm.

Tôi hỏi ông, động lực ở đâu để cán bộ trẻ như ông dấn thân, cống hiến hết mình như vậy, ông Ngãi nói: “Phải có thủ trưởng giỏi, có tâm, có tầm và dám chịu trách nhiệm. Dự án này ý tưởng là của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông sát sao, quan tâm, thôi thúc và thương dân, thương lính. Động lực vì đất nước nghèo quá, dân khổ quá, mình lại là đảng viên thì phải xông pha vào trận địa. Cái cốt nhất là mình được tin tưởng nên thỏa sức cống hiến”.

ũng có những cán bộ bị kỷ luật, ông không sợ à? Ông Ngãi khẳng khái: “Mình có ăn cướp, bòn rút gì của dân đâu. Hồi đó không có tệ tham nhũng, lừa đảo, con người sống thật thà lắm. Bên trên thì có ông Kiệt bảo vệ. Họp ông nói ai không làm, không đồng hành thì đứng sang một bên. Ông bảo đúng cứ làm, sai thì sửa không sợ gì hết. Trên đời này có ai làm đúng hoàn toàn đâu, trong tâm địa mình tốt là được. Tâm là trái tim, địa là tấm lòng, tâm hồn, trí tuệ, bản chất của mình. Mình làm không vụ lợi, động cơ trong sáng, không lừa đảo, tham nhũng, ăn cướp của dân thì không sợ gì cả”.

Người lãnh đạo phải đứng “đầu sóng, ngọn gió”

Cả ông Ngãi và ông Thái Phụng Nê cho rằng, mình may mắn vì được “đứng cùng hàng ngũ” với những nhân vật của lịch sử như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Được truyền lửa, được bảo vệ, được tự do sáng tạo, thoải mái suy nghĩ. Đây cũng là lý do quan trọng mà theo ông, Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Muốn bảo vệ được cấp dưới, muốn họ không sợ trách nhiệm thì trước hết cấp trên, người đứng đầu phải dám đứng trước “đầu sóng, ngọn gió”, gánh vác, dám đột phá.

Tinh thần đột phá, cải cách của người đứng đầu không chỉ khiến cán bộ tự tin hơn, nhiệt huyết hơn mà còn giúp họ có tư duy sáng tạo. Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), TS Nguyễn Đình Cung cũng hồi tưởng những tháng năm chấp bút cho bộ luật Doanh nghiệp (DN).

Vào những năm 1999, sau cuộc khủng hoảng kinh tế 1997, ông cảm nhận được sự trỗi dậy mạnh mẽ về tư tưởng cải cách, đổi mới dưới thời Tổng bí thư Lê Khả Phiêu và Thủ tướng Phan Văn Khải. Tinh thần đó đã giúp luật Doanh nghiệp 1999 tạo được bước đột phá lớn trong lịch sử, vai trò của DN tư nhân được khẳng định. Luật quy định DN được kinh doanh những gì nhà nước cho phép sang DN được kinh doanh những gì pháp luật không cấm, được quyền tự kinh doanh. Kết quả, DN tư nhân được giải phóng, hàng trăm nghìn DN được thành lập, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải, vị lãnh đạo của đổi mới, đột phá, dám chịu trách nhiệm

Ảnh: NGỌC THẮNG

Ông Cung nhớ lại, khi dự thảo luật được trình ra QH có rất nhiều ý kiến phản đối. Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban tư vấn của Thủ tướng Phan Văn Khải, cũng cho biết sức ép khi đó rất lớn đặc biệt khi triển khai luật, song thái độ của người lãnh đạo như ông Thủ tướng Phan Văn Khải rất mạnh mẽ nên những người phản đối cũng bị thuyết phục.

Ông Khải khi đó yêu cầu thành lập ngay tổ thi hành luật DN 1999. Cắt giảm một lúc hơn 100 điều kiện kinh doanh. Ông nói cần phải xóa bỏ giấy phép con, tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh. Đến bây giờ, nhiều chuyên gia quốc tế khi đánh giá về quá trình 30 năm đổi mới của nước ta, họ vẫn cho rằng luật DN năm 1999 là cú hích, là sự đột phá lớn nhất mà VN có được về thể chế. Cũng nhờ sự cải cách thể chế thông qua cải cách luật pháp mà VN vừa có thêm động lực tăng trưởng mới cho DN tư nhân trong nước, vừa giúp đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Bà Phạm Chi Lan cho rằng, từ những hình ảnh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, có thể thấy Kết luận số 14-KL/TW có một điểm rất quan trọng là khi người lãnh đạo gạt bỏ được sự bảo thủ, sợ trách nhiệm, dám đổi mới thì chắc chắn cán bộ, cấp dưới sẽ tự tin để đột phá, dám nghĩ, dám làm. Bác Hồ đã dạy: “Tư tưởng bảo thủ như những sợi dây cột chân cột tay người ta, phải vất nó đi. Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm”. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần nhấn mạnh cần phải kiên quyết chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn” trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Những ai có tư tưởng này thì hãy dẹp sang một bên cho người khác làm... (còn tiếp)

Kỳ 3: Khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm: Cái gì tốt, có lợi cho dân thì làm

Trong 2 năm chống dịch Covid-19 vừa qua, nhiều diễn biến, tình huống chưa từng có trong lịch sử đã đặt người đứng đầu, cán bộ, đảng viên thực thi trách nhiệm ở nhiều địa phương phải có những lựa chọn, quyết định khó khăn.

Từ thực tiễn chống dịch Covid-19 tại Vĩnh Phúc, ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh, nói đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn không chỉ đối với ông ở tư cách người đứng đầu mà cả cán bộ cấp dưới. “Chống dịch là chống giặc” nhưng loại giặc này chưa từng có trong tiền lệ, quy định pháp luật cũng thiếu nên đòi hỏi địa phương phải chủ động vận dụng, thậm chí sáng tạo cả cách thức để chống.

Từ tháng 2.2020, Vĩnh Phúc xuất hiện ổ dịch tại xã Sơn Lôi, H.Bình Xuyên. Đây được coi là ổ dịch cộng đồng đầu tiên trong cả nước. Ngày 12.2.2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành quyết định cách ly toàn bộ xã Sơn Lôi. Cùng ngày, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc triệu tập cuộc họp bất thường, ra nghị quyết hỗ trợ cho người dân trong giai đoạn cách ly với mức 40.000 đồng/ngày/người.

Theo ông Lê Duy Thành, “Lịch sử từ ngày lập nước đến giờ chưa bao giờ có chuyện cách ly một khu vực địa giới hành chính cấp xã, với 11.000 dân. Cách ly là từ mỹ miều, thực ra đó là phong tỏa, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Tìm các căn cứ, quy định pháp luật cho nó thì không có”, và “Chúng tôi họp cả đêm bàn đi tính lại mãi và cuối cùng quyết định lấy Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh làm căn cứ. Trong đó có một câu chúng tôi trích ra và vận dụng vào: Cái gì tốt cho dân thì chúng ta làm”.

“Nếu bây giờ kiểm tra lại cái đó, chúng tôi sai vì quyết định thiếu căn cứ pháp lý nhưng đúng ở chỗ khống chế được đợt dịch đầu tiên. Trong số 14 người mắc Covid-19 đầu tiên của Việt Nam, Vĩnh Phúc có 12 người, chúng tôi khống chế thành công và đã thắng”, ông Thành cho biết.

Cán bộ Q.6, TP.HCM phát thuốc phục vụ F0 điều trị tại nhà

Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Bí thư, chủ tịch phường “chăm” F0

Không riêng gì Vĩnh Phúc, những diễn biến của dịch bệnh với tính chất nguy cấp trong 2 năm vừa qua đã đặt ra nhiều yêu cầu cao đối với người đứng đầu chính quyền các cấp, người thực thi công vụ mà nếu chỉ làm đúng quy định pháp luật, làm theo trách nhiệm thôi cũng chưa đủ.

Cuối tháng 5.2021, làn sóng Covid-19 thứ tư bùng phát tại TP.HCM với hàng chục chuỗi lây nhiễm tại 22 quận, huyện. Đến tháng 7.2021, tại Q.6 có khoảng 6.000 ca F0. Thời điểm này, T.Ư chưa kịp chi viện, còn TP đang phải tập trung nguồn lực cho các khu điều trị tập trung và nhiều nơi bị dịch bệnh nặng hơn, đòi hỏi lãnh đạo quận phải tìm mọi cách chặn dịch, giảm số người tử vong.

Theo Chủ tịch UBND Q.6 Lê Thị Thanh Thảo: “Lúc đó thiếu tùm lum, từ bác sĩ, ô xy, thuốc, bệnh viện thì quá tải, không có sách vở nào dạy mình phải làm thế nào cả. Tôi và chị Hờ Rin, Bí thư Quận ủy, thống nhất với nhau trong nhà có người bệnh chăm sóc ra sao thì giờ mình cũng làm y như vậy”.

Cuối tháng 7, từ gợi ý của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Bí thư Q.6 Lê Thị Hờ Rin đã quyết định phát 2 loại thuốc kháng viêm, chống đông cho F0 điều trị tại nhà. Đây là những loại thuốc được dùng để điều trị có hướng dẫn cho F0 trong bệnh viện, khu cách ly nhưng chưa được Sở Y tế hướng dẫn sử dụng ngoài cộng đồng.

Bà Lê Thị Thanh Thảo cho biết, dù lãnh đạo quận thống nhất chủ trương nhưng khi thực hiện phải tính nát nước: “Ai là người đi phát thuốc, ai là người hướng dẫn người dân sử dụng? Thuốc có các thành phần chống chỉ định, chúng tôi đâu liều lĩnh tính mạng người dân tới mức để cán bộ đi phát”.

Trong giai đoạn đầu và đỉnh dịch, do bác sỹ, nhân viên y tế đều thiếu nên Q.6 đã chủ động mua thuốc và cắt cử cán bộ phường trực tiếp xuống tận nhà dân có F0 cấp phát. Việc hướng dẫn sử dụng thuốc được tính toán kỹ trên cơ sở tham khảo ý kiến của người có chuyên môn. Tiếp đó với sự giúp sức, hỗ trợ của nhiều bác sĩ tình nguyện trên địa bàn và từ nơi khác, cùng việc mạnh dạn sử dụng “đông tây y kết hợp” đã giúp Q.6 giảm hẳn số ca tử vong, ca chuyển biến nặng.

Đáng chú ý, để chia lửa cho các bác sĩ, nhân viên y tế đang cùng lúc điều trị nhiều F0, lãnh đạo Q.6 đã huy động tất cả bí thư, chủ tịch UBND của 14 phường lãnh thêm nhiệm vụ “thay” bác sĩ theo dõi, chăm sóc sức khỏe các ca F0 tại nhà trên địa bàn mình phụ trách. Theo đó, những cán bộ này hằng ngày phải gọi điện cho bệnh nhân giục uống thuốc, kiểm tra huyết áp, nồng độ ô xy trong máu, trực tiếp tham gia lấy mẫu xét nghiệm, đưa bệnh nhân đi cấp cứu…

Bà Lê Thị Hờ Rin nhìn nhận việc yêu cầu bí thư, chủ tịch phường thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc F0 là “trái với chuyên môn” của họ, cũng như nhiều quyết sách của quận trong chống dịch vừa qua, khác với quy định mà xét ở góc độ nào đó là đã làm sai. “Trong trường hợp nếu có cán bộ cấp dưới không làm thì không thể trách cứ hay kỷ luật được bởi vì họ đúng”.

“Thấy dân đau ốm, mình ngồi chờ sao đặng”

Từ giữa tháng 7.2021, 19 tỉnh, thành phía nam đồng loạt áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Từ đây, một số người dân “mắc kẹt” không việc làm, thiếu đói buộc phải lựa chọn về quê. Đã xuất hiện hàng ngàn cuộc hồi hương bằng xe máy, xe đạp, thậm chí đi bộ với nhiều hoàn cảnh bi thương.

Trong khi nhiều địa phương áp dụng biện pháp “ngăn sông cấm chợ” cực đoan, thậm chí quay lưng với đồng hương của mình nhằm mục đích ngăn dịch, thì tỉnh Phú Yên chủ động tổ chức các đoàn xe vào TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... đón công dân hồi hương. Việc đưa người từ vùng dịch hồi hương không nằm trong quy định nào và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng theo ông Nguyễn Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, “đây là nghĩa vụ chính trị của chúng ta” và “bà con của quê mình mà mình không đón thì họ biết đi về đâu bây giờ”.

Để đón được dân ở thời điểm “ai ở đâu ngồi yên đấy”, tỉnh Phú Yên thành lập một tiểu ban đón công dân do Sở LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp nhiều sở, ngành, nhà tài trợ. Đồng thời, một tổng đài về quê được thiết lập để người dân đăng ký thông qua Hội đồng hương Phú Yên tại TP.HCM.

Những chuyến xe nghĩa tình đưa hàng chục ngàn công dân Phú Yên hồi hương

Ảnh: ĐÌNH TRƯỜNG

Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Phú Yên, chủ trương nhân văn của lãnh đạo tỉnh đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao trong đội ngũ cán bộ. Quá trình thực hiện đã phát sinh hàng loạt trường hợp nằm ngoài dự liệu, ngoài quy định buộc những người trực tiếp làm phải linh hoạt giải quyết dựa vào sự thấu cảm, trực giác: “Có những người không nằm trong danh sách đăng ký nhưng bụng chửa vượt mặt, không còn cái ăn… thì đâu có bỏ họ lại được”, bà Hiền nói.

Từ ngày 26.7 - 8.10, tỉnh Phú Yên đã tổ chức 30 đợt đón, đưa 16.772 người dân về quê. Dù chủ trương, cách giải quyết của Phú Yên đều là linh hoạt song người dân được an toàn, cụ thể hóa chủ trương “không ai bị bỏ lại phía sau” của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Trong việc đưa ra các chủ trương liên quan đến chống dịch, lãnh đạo tỉnh Phú Yên, Vĩnh Phúc, Q.6 đều cho biết không ai mong muốn quyết những việc khác quy định pháp luật. “Song thấy dân đau mà mình không làm gì, thấy dân chết mà mình ngồi chờ sao đặng. Đầu tiên là thấy không giống người chứ đừng nói mình là cán bộ nữa”, bà Hờ Rin nói.

Kỳ 4: “Đai bảo hiểm” cho cán bộ dám nghĩ, dám làm

Khi bệnh “ sợ trách nhiệm ” trở thành nguy cơ cản trở sự phát triển, cơ chế cụ thể khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm được các chuyên gia đánh giá như “chiếc đai bảo hiểm” để các cán bộ vượt qua nỗi sợ “đi trên dây”.

Các khách mời tham dự tọa đàm “Làm gì để khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm” do Báo Thanh Niên tổ chức

Ảnh:NGỌC THẮNG

Cần cơ chế rõ ràng, cụ thể

Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua năm 2017 đã “phủ quyết” những quy hoạch cũ nhưng đến nay, theo ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, địa phương này cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước vẫn chưa phê duyệt được quy hoạch tỉnh. Mặc dù Quốc hội đã cho phép sử dụng một số quy hoạch cũ để chờ tích hợp, song theo ông Thành, 4 năm kể từ khi luật Quy hoạch ra đời, nhiều thứ đã thay đổi. Những quy hoạch cũ không còn dùng được nữa.

Vĩnh Phúc đã vận dụng bằng cách cho chủ trương làm, mặc dù chưa có quy hoạch và giao các sở, ngành chuyên môn tích hợp vào khi làm quy hoạch của tỉnh. “Rõ ràng là làm trước, quy hoạch sau mà như thế là bị xử lý, thậm chí bị đi tù. Nhưng không làm như thế thì biết làm thế nào?”, ông Thành chia sẻ.

Bức bối từ những bất cập, tréo ngoe của hệ thống pháp luật mà “đụng đâu cũng sẽ sai phạm” không chỉ là thực tiễn riêng Vĩnh Phúc, cũng không phải tới 2 năm đại dịch vừa qua người ta mới thấy. Và khi cán bộ không đủ dũng cảm để đối mặt với rủi ro, thậm chí “vo tròn” để hưởng lợi, đất nước sẽ phải trả giá đắt cho sự trì trệ.

“Cần sớm có cơ chế để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Rất khó để người ta hy sinh không suy nghĩ đến bản thân mình”, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN, nêu ý kiến tại cuộc tọa đàm “Làm gì để khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm” do Báo Thanh Niên tổ chức chiều qua (27.10). Ông Túc cho rằng “cơ chế” này đã có cơ sở trong Kết luận 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung, trong đó khẳng định về chủ trương cho phép thí điểm đối với những đề xuất đổi mới, sáng tạo; đồng thời xem xét một cách khách quan, toàn diện khi thí điểm xảy ra rủi ro.

Tuy nhiên, theo ông Túc, cần cân nhắc và nên quy định rõ việc đề xuất đổi mới, sáng tạo phải báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc xem xét các đề xuất thí điểm.

“Anh đề xuất dự án, công trình mới, đột phá, nhưng người đứng đầu ngại, thiếu trách nhiệm thì thế nào?”, ông Túc đặt vấn đề, và nhìn nhận nhiều cán bộ đứng đầu hiện nay “vo tròn”, sợ trách nhiệm, lo giữ ghế nên rất ngại những thứ đổi mới, sáng tạo. Ông Túc cũng đề nghị không nên đặt vấn đề kỷ luật cán bộ thí điểm, vì việc đổi mới thường chưa có tiền lệ, có thể đúng, có thể sai, do đó trước hết cần khuyến khích, tạo điều kiện và xem xét ở động cơ, mục đích của họ.

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cũng cho rằng cần sớm có một quy định về cơ chế thí điểm đối với những vấn đề mới. “Cái quan trọng hơn để tạo khuôn khổ thể chế cho người đứng đầu ủng hộ dám nghĩ, dám làm là phải thăng chức theo thành tích. Người đứng đầu ngành đó mà thành tích lớn nhất thì lên chức cao hơn nữa. Thành tích phải đong đếm được chứ không phải chỉ bỏ phiếu tín nhiệm là xong”, ông Dũng nêu.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư, khi trao đổi riêng với Thanh Niên, cũng nhìn nhận bảo vệ cán bộ thì đầu tiên phải là luật. Nói bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm mà không có cơ chế, luật rõ ràng để họ làm thì họ cũng không dám. “Ai sẽ chịu trách nhiệm? Chẳng lẽ chúng ta nói miệng rằng tôi sẽ bảo vệ anh, anh cứ làm đi. Sau đó, sai luật lại bắt bỏ tù họ?…”, ông Cung băn khoăn.

Ngăn ngừa “tác dụng phụ”

Đồng tình cơ chế cụ thể cho phép việc thí điểm cho những đề xuất đổi mới sáng tạo, song ông Nguyễn Sĩ Dũng cũng cho rằng bất cứ chính sách nào cũng có “tác dụng phụ” của nó. Cùng với việc khuyến khích cán bộ vượt qua nỗi “sợ trách nhiệm”, dấn thân vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, sẽ có những người lợi dụng chính sách khuyến khích, bảo vệ này để tư lợi, thậm chí phục vụ cho lợi ích nhóm.

Theo ông Dũng, vấn đề “cấp bách hơn” hiện nay là xử lý tình trạng trì trệ, đùn đẩy, lẩn tránh trách nhiệm đang trở nên rất nghiêm trọng và đang đặt đất nước trước nguy cơ trả giá đắt với những chi phí cơ hội rất cao đang bị đánh mất. “Ở thời điểm này, lợi ích đang lớn hơn tác dụng phụ”, ông Dũng nhìn nhận. Tuy vậy, ông Dũng cho rằng “tác dụng phụ” có thể được ngăn chặn bằng hệ thống đánh giá kết quả có định lượng rõ ràng. Ông Dũng dẫn chứng: anh đưa ra chính sách an sinh, làm đường cho bà con thì phải cam kết xóa đói giảm nghèo trong bao lâu hay cam kết giúp cho bản làng này từ nghèo đói lên thu nhập trung bình. “Không có chính sách nào đáng tin cậy nếu không có hệ thống chỉ số để đo đếm rõ ràng”, ông Dũng nêu.

Cũng trao đổi tại buổi tọa đàm của Báo Thanh Niên, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư, cũng cho rằng công khai, minh bạch là chiếc chìa khóa để ngăn cản các tiêu cực cho việc lợi dụng chính sách và cơ chế thí điểm cũng không phải ngoại lệ. Theo ông Doanh, cần tận dụng tối đa lợi thế mà công nghệ thông tin đem lại, đưa tất cả dịch vụ hành chính công của cơ quan nhà nước lên môi trường số. “Công khai minh bạch là liều thuốc rõ ràng nhất thúc đẩy trách nhiệm cá nhân và chế độ thưởng phạt mới vận dụng được”, ông Doanh nêu.

Còn ông Lê Duy Thành thì cho rằng một cơ chế thí điểm rõ ràng, cụ thể sẽ là cách để hạn chế những tiêu cực. “Và nó sẽ được kiểm soát bằng số đông thôi”, ông Thành nói và cho rằng khi một đề xuất được công khai, người ta sẽ rất dễ “đọc vị” được rằng, “anh làm vì số đông, vì lợi ích chung hay chỉ vì cá nhân anh”.

Báo chí là “pháo đài” trong phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Sáng 27.10, phát biểu chỉ đạo tại hội thảo khoa học “Báo chí với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị báo chí cần đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, kết hợp giữa “xây” và “chống”; tăng cường các thông tin chính thống, tích cực, chủ động để lấn át các thông tin xấu, độc trên không gian mạng…

Nhấn mạnh cơ quan báo chí là lực lượng tiên phong trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái trên cả 3 phương diện nhận thức, tuyên truyền và trực tiếp đấu tranh xử lý, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư yêu cầu: “Mỗi cơ quan báo chí phải là pháo đài chính trị tư tưởng vững chắc trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”. “Cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, thế hệ trẻ có sức đề kháng, sức miễn dịch tốt trước các thông tin xấu độc, tự giác tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng yêu cầu các cơ quan báo chí phải chủ động nhận diện, làm rõ các luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay, xác định âm mưu, thủ đoạn, hoạt động tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch; phát hiện đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch. Từ đó, chủ động cung cấp thông tin chính thống kịp thời cho báo chí, góp phần định hướng dư luận.

“Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ, ngăn chặn, xử lý đúng pháp luật đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, trang thông tin điện tử và các cá nhân lưu trữ, cung cấp, đăng tải, phát tán thông tin giả mạo, xuyên tạc, vu khống, nói xấu, kích động, chống phá trên internet, mạng xã hội”, ông Nghĩa nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu tăng cường công tác quản lý, đào tạo phóng viên có kiến thức sâu sắc về nền tảng tư tưởng của Đảng, có nhận thức đúng đắn trong việc nhận biết, đấu tranh các quan điểm sai trái.

Kỳ 5: Chọn cán bộ - liều thuốc đặc trị cho 'bệnh sợ trách nhiệm

Các chuyên gia cho rằng mọi cơ chế khuyến khích và bảo vệ sẽ thất bại nếu cán bộ chỉ nghĩ đến chiếc ghế của bản thân. Khi con người là yếu tố quyết định, chọn đúng cán bộ mới là mấu chốt để tạo nên sức bật đổi mới, sáng tạo, phá bỏ sự trì trệ mà chúng ta hướng đến.

Tạo không gian thể chế cho đổi mới

Đánh giá Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm là “hết sức cần thiết”, thậm chí “cấp bách” trong giai đoạn hiện nay, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, cũng nhấn mạnh để chủ trương đúng đắn này đi vào cuộc sống, trước hết cần có sự thống nhất, đồng thuận trong cả xã hội, đặc biệt là từ lãnh đạo cấp cao nhất. “Nếu không có sự nhất trí cao thì rất khó”, ông Túc nói.

Đồng tình với ông Túc, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhìn nhận khi “người ta dấn thân, dám nghĩ dám làm, chưa biết kết quả thế nào mà đã ném đá thì khó lắm”. “Vấn đề nhận thức, nhất trí là rất quan trọng”, ông Dũng nói. Cũng theo ông Dũng, Kết luận 14 của Bộ Chính trị khơi gợi những cải cách về thể chế để đảm bảo khuôn khổ cho tự do - cốt lõi cho sự đổi mới, sáng tạo.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng báo cáo tại Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: Công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”

Ảnh: GIA HÂN

Dẫn câu chuyện quy định của pháp luật về trưng thu tài sản cá nhân trong trường hợp khẩn cấp, ông Dũng phân tích, nếu có một quy định chung, một công chức có thể lấy ô tô đi ngang qua để cứu đê trong trường hợp khẩn cấp nhưng nếu luật quy định để sử dụng chiếc ô tô đó đi cứu con đê sắp vỡ, phải có người làm chứng, phải có thỏa thuận, hoặc có ý kiến của UBND thì làm xong có khi đê vỡ từ lâu. Theo ông Dũng, tư duy lập pháp kiểu “cái gì cũng cần luật” và luật nào cũng cần chi tiết hiện nay đang “trói chặt” không gian đổi mới sáng tạo không chỉ ở khu vực công. “Nếu luật khung thì có thể xảy ra tự tung tự tác, có thể tham nhũng, nhưng luật chi tiết thì còn cái gì mà làm nữa”, ông Dũng nói và cho rằng chỉ nên quy định chi tiết ở những lĩnh vực có thể xảy ra tham nhũng, khi công chức tồi, còn ở các lĩnh vực khác thì chỉ nên quy định khung.

“Luật pháp sinh ra để bảo vệ quyền tự do của con người. Nếu cái gì cũng điều chỉnh hết sẽ thành vô vàn sợi dây trói buộc, trói chặt tiềm năng của đất nước, trói chặt khả năng của con người”, ông Dũng nói. Bên cạnh đó, sự chồng chéo, xung đột trong hệ thống pháp luật đến mức không ai có thể tuân thủ hết được, vì cứ tuân thủ luật này sẽ vi phạm luật kia dẫn đến tình trạng “càng làm nhiều càng sai nhiều” mà nhiều người đã nhắc tới.

“Không xử lý được những vấn đề nói trên thì không có sáng tạo, không có tự do và đòi hỏi cán bộ dám nghĩ, dám làm là điều rất khó”, ông Dũng nói.

Cốt cách con người vẫn là quyết định

Tuy nhiên, mọi cơ chế thí điểm, thậm chí không gian thể chế cho tự do đổi mới, sáng tạo sẽ trở nên vô dụng, thậm chí có khả năng bị lợi dụng, nếu như cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo vẫn chỉ nghĩ tới chiếc ghế của bản thân. Sợ trách nhiệm lúc này đã trở thành ngó lơ trách nhiệm.

Thực tiễn từ lịch sử cho tới hiện tại cho thấy, chỉ khi những người đứng đầu quyết liệt dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và những cán bộ thực thi dù không đủ thẩm quyền để chịu trách nhiệm nhưng xác quyết mục tiêu: cái gì tốt, có lợi cho dân thì làm, chúng ta mới có những câu chuyện “xé rào” thành công. “Cốt cách con người vẫn là quyết định”, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đúc kết.

Ông Vũ Khoan kể, khi giao cho ông làm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao) để thực hiện chủ trương ngoại giao làm kinh tế, ông Nguyễn Cơ Thạch (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) đã phải gọi điện cho ông Lữ Minh Châu, khi đó là Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước (tương đương Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hiện nay) để “chỉ thị”, cung cấp thông tin cho ông Khoan. “Ông Thạch đứng ra hỗ trợ thì mới làm được chứ nếu không thì tôi có là vụ trưởng thì đến bảo vệ cũng gạt ra từ ngoài cổng chứ làm sao mà tiếp cận được Thống đốc Ngân hàng”, ông Khoan nói và nhấn mạnh, nhân tố quyết định nhất vẫn là người lãnh đạo, “không có lãnh đạo đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì mọi chuyện chẳng đi đến đâu hết”.

Theo ông Vũ Khoan, tâm lý sợ hãi, giữ mình khi nhiều cán bộ bị xử lý, kỷ luật là có, song không phải là trở ngại. “Vì anh đã đổi mới sáng tạo, tâm anh trong sáng anh sợ gì. Chỉ sợ anh lợi dụng cái đó anh đút túi thôi. Thời chúng tôi khó khăn thế nhưng vẫn vượt qua được nhờ có sự ủng hộ của người lãnh đạo. Sai lầm bây giờ là do mình chọn cán bộ dở quá, thành thử mới xảy ra tình trạng nhiều cán bộ bị xử lý như vừa qua. Chứ còn dùng người mà đúng, có tư tưởng đổi mới, sáng tạo thật và động cơ trong sáng thì đâu có phải. Đừng lẫn lộn 2 chuyện đó”, ông Khoan nói và cho rằng những người bị xử lý thời gian qua là do vi phạm chứ không ai bị xử lý vì đổi mới, sáng tạo cả.

Cũng theo ông Khoan, một khi cán bộ dám đổi mới, sáng tạo thì phải sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng, thậm chí là vị trí, uy tín của mình cũng có thể phải hy sinh. Thường những người đổi mới sáng tạo thực sự sẽ như vậy. “Còn nghĩ đến thân thì không bao giờ có đổi mới, sáng tạo gì cả”, ông Khoan nói.

Cũng cho rằng, cách chọn người cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc chúng ta chưa có những cán bộ dám nghĩ, dám làm, và dám chịu trách nhiệm, GS-TS Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, chỉ ra rằng hạn chế trong việc chọn người hiện nay là quá phụ thuộc vào cơ quan tổ chức, chọn từ trên xuống mà không phát hiện từ dưới lên, trong khi cơ quan tổ chức cán bộ quá phụ thuộc vào lý lịch, bằng cấp mà ít lắng nghe ý kiến nhân dân.

“Quy trình lựa chọn cán bộ rất chặt chẽ nhưng vẫn sai vì dù quy trình rất đúng, rất chặt chẽ nhưng từng bước trong quy trình ấy lại không đúng”, ông Chuẩn nói và cho rằng chỉ khi cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược được chọn có đủ nền tảng văn hóa, tầm nhìn sâu rộng, tiếp cận được những tư duy mới thì họ mới dám đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đồng thời dám chịu trách nhiệm.

Không ít bí thư cấp ủy hiện nay ở tư thế vo tròn, giữ ghế

Có thể nói không ít bí thư cấp ủy hiện nay ở tư thế vo tròn, giữ ghế. Cơ chế thị trường là thế, không như thời trước. Yếu tố cơ chế thị trường ngày nay tác động quá lớn. Chúng ta nói giải quyết hài hòa giữa cái tôi và cái ta nhưng mấy người giải quyết được, nhất là trước những cám dỗ. Cho nên 2 nhiệm kỳ vừa qua mới có tới hơn 130 cán bộ do T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật. Muốn Kết luận 14 đi vào cuộc sống thì chủ trương 1, giải pháp 10, quyết tâm phải 20. Có chủ trương mà không có giải pháp, không có quyết tâm đặc biệt những người đứng đầu thì rất khó.

Ông Nguyễn Túc (Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN)

“Điểm nghẽn” lớn nhất là trong tư duy

Tạo đột phá đã trở thành nhu cầu bức thiết. Nếu không, với hệ thống pháp luật chồng chéo, đan xen và độ trễ quá lớn như hiện nay thì không thể phát triển được. Nhưng điểm nghẽn lớn nhất của chúng ta hiện nay không phải điểm nghẽn ở đất đai, tài nguyên, tiền mà lớn nhất là trong tư duy, nỗi sợ hãi của mỗi con người. Bây giờ chúng ta đang khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám vượt rào, chưa có tiền lệ cũng làm, thậm chí chưa có quy định cũng làm, thì đó là khuyến khích số ít những người dám vươn lên, dám bứt phá. Do đó, nếu cụ thể hóa được Kết luận 14, tôi cho rằng sẽ tạo ra sức bật cực kỳ lớn cho sự phát triển của đất nước.

Ông Lê Duy Thành (Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc)./.

 

 

 

 

 

 

 

 

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất