Tác phẩm đoạt giải

Xây dựng “pháo đài” của Đảng ở biên giới

Nhiều năm qua, công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng biên giới đặc biệt khó khăn là vấn đề thách thức của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Chủ trương đưa cán bộ, đảng viên BĐBP về tăng cường tại các xã biên giới để củng cố tổ chức đảng và chính quyền địa phương đã đem lại nhiều kết quả trong hoạt động thực tiễn.

Bài 1: “Đỏ mắt” tìm cán bộ có trách nhiệm

“Từ đầu năm 2020, theo yêu cầu của Tỉnh ủy Quảng Nam, Đảng ủy BĐBP tỉnh Quảng Nam đã điều động cán bộ, đảng viên BĐBP về tăng cường cho 14 xã biên giới, làm tốt công tác chuẩn bị văn kiện đại hội đảng bộ cấp xã nhiệm kỳ 2020-2025. Sau đại hội, đã có quyết định chuẩn y chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã, lực lượng này sẽ cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền tạo bước đột phá mới trong công tác lãnh đạo ở cơ sở vùng biên giới”.

 

 

Đồng chí Nguyễn Xanh, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã La Êê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam nghiên cứu giống lúa mới ở xã La Êê. Ảnh: Hải Luận

Đó là chia sẻ của đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Đồng chí Phan Việt Cường nói tiếp: “Vấn đề đặt ra hiện nay ở các xã biên giới tỉnh Quảng Nam là phải tìm giải pháp phát triển kinh tế hộ gia đình, chọn cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, gắn với nhà máy chế biến sắp tới sẽ được xây dựng. Phải chọn việc để có bước đột phá mạnh mẽ ở những vùng dân cư nằm trên đỉnh Trường Sơn, sát biên giới Việt - Lào”.

Chọn 3 vấn đề trọng tâm

Theo Thượng tá Hoàng Văn Mẫn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Quảng Nam, 14 cán bộ, đảng viên BĐBP tăng cường cho các xã biên giới đợt này đều đã tốt nghiệp đại học, trình độ lý luận chính trị từ trung cấp đến cao cấp, nhiều cán bộ đã qua Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, chỉ huy đồn Biên phòng.

Ngược dòng thời gian để tìm hiểu câu chuyện và chủ trương tại sao phải điều động cán bộ, đảng viên BĐBP về tăng cường ở xã biên giới, ông Đoàn Thanh Thuận, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam nhớ lại: “Năm 2003, chia tách từ huyện Hiên ra thành 2 huyện Đông Giang và Tây Giang. Lúc đó, huyện Tây Giang chỉ có 60 cán bộ (trừ lĩnh vực giáo dục và y tế) với trình độ còn nhiều hạn chế. Trình độ cán bộ cấp xã, đặc biệt các xã biên giới rất thấp, ảnh hưởng đến công tác điều hành ở cơ sở”.

Ông Hồ Văn Úm là người có thâm niên 25 năm làm Bí thư Đảng ủy xã biên giới A Xan, huyện Tây Giang (đã nghỉ hưu) chia sẻ: “Mỗi lần từ xã đi họp ở huyện Hiên phải đi bộ hết 7 ngày, họp xong quay về hết 7 ngày nữa. Sau khi thành lập huyện Tây Giang, thời gian đi bộ họp huyện ngắn hơn, cả đi và về còn 10 ngày. Có khi, mới đi họp về tới nhà, phải quay trở ra huyện họp nội dung khác. Trung bình có khoảng 15 ngày trong một tháng đi bộ ròng rã trên đường để đi họp. Có thời điểm, tại văn phòng UBND xã, ai thích thì tới làm việc, không thì đi làm rẫy, tôi và Chủ tịch UBND xã phải mang con dấu về nhà cất giữ”.

Từ thực trạng đó, Đảng ủy BĐBP và Tỉnh ủy Quảng Nam thống nhất cử cán bộ Biên phòng xuống tăng cường cho các xã biên giới. Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhớ lại: “Anh em Biên phòng đều “lạ nước, lạ cái” với công tác điều hành ở địa phương. Tôi chỉ nêu ra 3 đầu việc lớn để tập trung làm tốt: Củng cố an ninh quốc phòng và xây dựng thế trận an ninh nhân dân; tham gia phát triển kinh tế - xã hội; tham gia phát triển Đảng. Nếu làm tốt 3 việc này sẽ góp phần xây dựng “pháo đài” của Đảng ở biên giới. Vì vậy, cần phải chọn cán bộ chịu khó, có trách nhiệm, nhiệt huyết mới chịu nổi áp lực công việc đầy khó khăn”.

Lớp cán bộ đặt nền móng

Từ ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, BĐBP tỉnh tiến hành lựa chọn cán bộ tăng cường xã. “Tôi có anh bạn cùng nhập ngũ đang làm đồn trưởng đồn Biên phòng tuyến biển, xuống động viên anh tăng cường cho xã biên giới ở vùng cao. Anh chia sẻ: Làm việc ở xã rất khó, có nhiều vấn đề cần giải quyết, tôi không đủ khả năng làm được. Nếu điều chuyển tôi lên công tác ở xã biên giới vùng cao, có thể tôi sẽ gián tiếp giúp cho xã. Sau đó, đơn vị đã điều chuyển anh ấy lên biên giới làm đồn trưởng để cùng cán bộ đồn giúp đỡ địa phương” – Đại tá Nguyễn Văn Đức, nguyên Chính uỷ BĐBP Quảng Nam kể lại.

 

 

Người dân xã biên giới A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam thu hoạch lúa. Ảnh: Hải Luận

Đại tá Nguyễn Văn Đức cho biết thêm: “Thời điểm đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, phụ trách BĐBP tỉnh, đồng chí cũng thúc giục nhanh chóng điều cán bộ tăng cường cho các xã biên giới. Về sau, Ban Thường vụ Đảng ủy BĐBP Quảng Nam chọn ra 4 cán bộ tăng cường cho các xã biên giới gồm: Trần Công Long, Nguyễn Ánh, Nguyễn Xanh và Đoàn Minh Vương.

“Anh Vương lúc đó đang làm cán bộ quân nhu, tôi gọi lên phòng thông báo sẽ điều động anh tăng cường cho xã biên giới. Lúc đầu, anh Vương e ngại, tôi động viên và phân tích cụ thể về việc tại sao Bộ Chỉ huy chọn cán bộ quân nhu đi làm phó bí thư đảng ủy xã. Sau đó, anh vui vẻ và an tâm thực hiện nhận nhiệm vụ” - Đại tá Nguyễn Văn Đức tâm sự.

Sau khi đã bàn bạc và thống nhất với Huyện ủy Tây Giang và Huyện ủy Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, Đại tá Nguyễn Văn Đức đã trực tiếp bàn giao các cán bộ tăng cường cho 2 địa phương.

Bài 2: Trục xuyên suốt lòng tin với dân

Biên phòng - Nhiều năm qua, công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng biên giới đặc biệt khó khăn là vấn đề thách thức của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Chủ trương đưa cán bộ, đảng viên BĐBP về tăng cường tại các xã biên giới để củng cố tổ chức đảng và chính quyền địa phương đã đem lại nhiều kết quả trong hoạt động thực tiễn.

 

 

Thượng tá Đoàn Minh Vương, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Hải Luận

 “Ngày đầu tiên đến UBND xã A Xan nhận nhiệm vụ, chỉ có Bí thư Đảng ủy xã có mặt tại trụ sở. Cơ sở vật chất của UBND xã chỉ có ngôi nhà nhỏ lợp tranh, xung quanh thưng nứa, phía trong phòng chỉ có duy nhất cái bàn hình chữ U, một cái ghế dựa và 4 ghế băng dài. Tôi đã nghe nói nhiều về các xã biên giới khổ cực, nhưng không thể hình dung được xã A Xan lúc đó lại khó khăn đến vậy. Giờ hành chính, chẳng thấy ai đến làm việc ở văn phòng UBND xã” – Thượng tá Đoàn Minh Vương (đã nghỉ hưu), nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã A Xan mở đầu câu chuyện.

Huy động sức dân

Đêm nằm ở Đồn Biên phòng A Xan, BĐBP Quảng Nam, anh Vương suy nghĩ rất nhiều, làm sao duy trì nền nếp làm việc ở xã, xây dựng mối đoàn kết trong cán bộ, đảng viên, công tác phát triển Đảng... Anh Vương nhờ mấy cán bộ vận động quần chúng của Đồn Biên phòng A Xan dẫn xuống gặp Bí thư Chi bộ, thôn trưởng và già làng các thôn. Anh vận động bà con các thôn khai thác vật liệu sẵn có để làm nhà ở và làm việc của UBND xã A Xan.

Có chỗ ăn, nghỉ tại UBND xã, anh Vương họp với lãnh đạo xã và yêu cầu cắt cử cán bộ trực tại văn phòng, mua sắm thêm tủ đựng tài liệu, hướng dẫn cán bộ cách sắp xếp văn bản, lưu trữ, cách soạn thảo văn bản... Nói thì dễ, lúc đó tìm người có trình độ để soạn thảo văn bản là một điều rất khó, anh Vương phải hướng dẫn tỉ mỉ mọi công việc cho các cán bộ ở xã.

“Chú Vương dạy tôi nhiều điều...”

“Khi chú Đoàn Minh Vương lên làm Phó Bí thư Đảng ủy xã A Xan, việc gì cũng đến tay chú và yêu cầu mọi người làm theo, từ đoàn thể đến công việc Đảng ủy, UBND xã... Lúc đó, tôi làm công tác xã hội, thường hay đi cùng chú xuống thôn họp dân, học hỏi rất nhiều kiến thức điều hành công việc, sinh hoạt. Chú Vương động viên tôi phải đi học thêm để có kiến thức nền tảng, nay tôi đã học xong đại học. Bây giờ, giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã A Xan” – Ông Alăng Sinh chia sẻ.

Xuống thăm các thôn trong xã, anh Vương thấy bà con ăn, ở không hợp vệ sinh môi trường, phía trên nhà sàn là người ở, phía dưới nhà nuôi trâu, bò, heo... Cách sống này ăn sâu vào đời sống của người dân lâu nay. Anh Vương thuyết phục bà con dọn vệ sinh, làm chuồng trại chăn nuôi ở ngoài khu dân cư.

Thượng tá Vương kể: “Tôi đi bộ vào gặp Bí thư Chi bộ, trưởng thôn, già làng bàn chuyện dọn vệ sinh trong thôn. Chọn một thôn làm mẫu trước, huy động lực lượng thanh niên, phụ nữ làm chủ công. Tôi và cán bộ vận động quần chúng của Đồn Biên phòng A Xan xắn tay áo ra làm cả ngày với bà con, thôn xóm sạch sẽ, hết mùi hôi của phân gia súc. Tôi lại đi bộ qua thôn khác triển khai, sau một thời gian, bà con trong xã đều có ý thức ăn, ở hợp vệ sinh”.

Nhiều công việc tiếp theo của Phó Bí thư Đảng ủy xã Đoàn Minh Vương vận động người dân triển khai là làm đường giao thông, bắc cầu tạm ở một số thôn, làm công trình nước sạch, vừa trồng lúa, vừa nuôi cá... Khi người dân đoàn kết và cán bộ biết khơi dậy, huy động sức dân nên đã làm được nhiều công việc lớn, nhỏ trong xã.

Dìu dắt cán bộ trẻ

Những công việc cụ thể đã mang lại lợi ích thiết thực ở các thôn, chính người dân có cảm nhận sâu sắc về điều đó. Khi người dân và cán bộ, đảng viên trong xã đã tin tưởng, anh Vương bắt đầu chuyển hướng sang củng cố chi bộ cơ sở và phát triển lực lượng cán bộ trẻ. “Tôi đi về Tam Kỳ đặt làm 16 cuốn sổ bìa cứng, ghi rõ: “Sổ ra nghị quyết chi bộ”, “Sổ ghi biên bản sinh hoạt chi bộ”. Mỗi cuốn sổ, tôi đều ghi mẫu nội dung ở trang đầu, trực tiếp hướng dẫn cách ghi thật ngắn gọn, cụ thể vào những vấn đề sát sườn nhất ở thôn. Riêng sổ ghi biên bản, hai phần quan trọng nhất không được thiếu: Những kết luận của Bí thư Chi bộ thôn phải ghi cho thật kỹ lưỡng, phần sau cùng là đã đọc cho toàn Chi bộ nghe và nhất trí 100%. Sổ được phát cho 8 chi bộ thôn, về sau Huyện ủy Tây Giang áp dụng và phổ biến các xã trong huyện” – Thượng tá Vương kể chi tiết.Lúc chuẩn bị Đại hội Đảng bộ xã A Xan nhiệm kỳ 2005 – 2010, khó nhất là khâu nhân sự, tuyển chọn những cán bộ trẻ có học vấn bầu vào Ban Chấp hành. Ngày thứ Bảy và Chủ nhật, anh Vương đi bộ xuống các thôn để gặp gỡ, động viên các cán bộ trẻ có nhiệt huyết nhằm tạo nguồn cán bộ cho xã.

 

 

Đại úy Zơ Râm Bên, Phó Bí thư Đảng ủy xã A Xan đến thăm mô hình trồng cam Vinh của gia đình ông Alăng Sinh, Phó Bí thư Đảng ủy xã A Xan. Ảnh: Hải Luận

Theo cách lý giải của Thượng tá Vương: “Nếu mình chỉ chú tâm làm công tác cán bộ cấp xã, mà không làm ở thôn sẽ bị hụt cán bộ trẻ kế cận cho những năm tiếp theo. Tôi đặc biệt chú ý đến các em đã học hết trung học phổ thông, cao đẳng cho vào làm việc ở thôn, làm bước đệm lên xã, rồi đào tạo dần dần. Thật lòng mà nói, trình độ cán bộ cấp xã biên giới là vấn đề vô cùng nan giải, hàng chục năm qua chưa giải quyết được, cần phải kiên trì với thời gian dài mới hoàn thiện được. Có những trường hợp tôi phải gặp riêng Bí thư Huyện ủy Tây Giang xin ý kiến trước. Nhiều cán bộ trẻ phát triển từ thời điểm lúc đó, bây giờ đã giữ chức vụ chủ chốt ở huyện”.

Bí quyết thành công của cán bộ Biên phòng giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã biên giới như anh Đoàn Minh Vương, đó là trục xuyên suốt lòng tin với dân, nói đi đôi với làm. “Người dân không cần miệng anh giải thích, cái gì họ cũng biết rõ, mọi công việc của anh làm không thể “qua mắt” của dân. Tuyệt đối không đụng một đồng cắc nào của công và của dân. Khi dân đã tin việc làm của mình vì lợi ích của thôn, của xã, thì anh nói cái gì, họ cũng nghe, cũng làm theo. Đó mới là kết quả hoạt động thực tiễn sinh động nhất” – Thượng tá Vương chốt lại vấn đề.

Bài 3: Gạt nước mắt ở lại với đồng bào

Nhiều năm qua, công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng biên giới đặc biệt khó khăn là vấn đề thách thức của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Chủ trương đưa cán bộ, đảng viên BĐBP về tăng cường tại các xã biên giới để củng cố tổ chức đảng và chính quyền địa phương đã đem lại nhiều kết quả trong hoạt động thực tiễn.

Câu chuyện về người chồng là cán bộ Biên phòng tăng cường xã và vợ là cô giáo tình nguyện lên non cao dạy chữ, phải dứt ruột để hai con thơ dại ở đồng bằng, “chia” bà ngoại giữ một đứa, bà nội giữ một đứa, để cùng nhau lên biên giới theo tiếng gọi của Đảng khiến ai nghe cũng thấy nao lòng. Anh chị mải mê lo việc của dân, đến nỗi, con đi cấp cứu bệnh viện cũng không có ba mẹ bên cạnh, bão dữ san phẳng ngôi nhà của mình, nhưng họ vẫn đang miệt mài ở biên giới để giúp dân.

 

Trung tá Nguyễn Xanh (bên trái) cùng lãnh đạo xã La Êê xuống thăm vườn cam Vinh của một gia đình trong xã. Ảnh: Hải Luận

Tôi ứa nước mắt khi nghe chuyện về Trung tá Nguyễn Xanh, người cán bộ Biên phòng tăng cường xã và vợ là cô giáo Lưu Thị Hồng tình nguyện lên dạy chữ ở xã biên giới La Êê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. “Muốn về thăm con, anh phải đi bộ 2 ngày từ xã biên giới mới đến điểm trường của tôi dạy, cả hai vợ chồng cùng nhau đi bộ thêm nửa ngày mới ra đường có xe ô tô. Cha mẹ quấn quýt với con được 1 ngày, rồi phải gạt nước mắt xa con, chưa biết lúc nào về lại” - chị Hồng giãi bày.

Miệng nói một - tay làm mười

Trung tá Nguyễn Xanh (nay đã nghỉ hưu) được Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam điều động tăng cường giúp dân ở xã biên giới La Dêê, huyện Nam Giang từ rất sớm theo Chương trình 135.

Trung tá Xanh kể lại: “Việc vận động đồng bào biên giới làm kinh tế thì không thể “nói chay” được. Tôi đề xuất xã cho mượn đám đất để làm mô hình trình diễn làm lúa nước giống như dưới đồng bằng. Đám đất rất đẹp, rộng khoảng 3.000m2, ngặt một nỗi có nhiều cây tạp nằm giữa đám đất. Ngày đó không có máy cưa như bây giờ, phải khai hoang bằng rìu mất 1 tháng trời ròng rã mới có mặt bằng làm ruộng. Đối với đồng bào ở biên giới, miệng mình nói một, nhưng tay phải làm mười thì bà con mới nể, mới nghe theo”.

Coi như công việc khai hoang mấy sào ruộng lúa nước đã xong, bắt đầu xuống giống, vụ đầu tiên đạt năng suất gấp 2 – 3 lần so với lúa của bà con làm. Từ đó, cán bộ Xanh luồn rừng đi cả ngày đường vào từng thôn, ở lại để vận động bà con làm lúa nước theo năng suất cao. Từ hình ảnh bộ đội phá cây đa, hướng dẫn bà con phát triển sản xuất, nhiều người dân trong xã đã khai hoang, mở rộng thêm diện tích trồng lúa nước.

Chứng kiến tình cảnh người dân cứ nai lưng ra cuốc đất làm lúa, anh Xanh tham mưu cho Chủ tịch UBND xã La Dêê làm tờ trình xin huyện con trâu cày đất.

“Tôi ôm được tờ trình của xã, đi bộ 4 ngày mới về huyện, gặp anh trưởng phòng nông nghiệp trình bày. Anh nói, 3 ngày sau, tôi quay lại sẽ có tiền. Nếu đi vào lại xã mất 4 ngày đi đường, quay trở ra mất thêm 4 ngày nữa, vị chi 8 ngày. Tôi nhảy xe ôm về nhà thăm con, rồi quay lên đúng hẹn, huyện cấp cho 6 triệu đồng để mua trâu cày cho dân. Tôi phải quay ngược về nhà tìm trâu để mua, nhưng đi khắp huyện Đại Lộc, họ đều bán với giá từ 7-9 triệu đồng/con. Tôi lại mày mò qua huyện Duy Xuyên, gặp được ông chủ trâu, nài nỉ mãi, ông này cũng chịu bán cho con trâu với giá 6 triệu đồng” - Trung tá Xanh hớn hở kể lại câu chuyện.

Mua được con trâu, Trung tá Xanh dắt bộ gần 10 ngày mới tới xã La Dêê, tự tay chăm sóc hơn 15 ngày thì tìm được hộ chăn trâu là ông Pơ Lôông Dương, với lời nhắn nhủ: “Ông nuôi con trâu đi, rồi bắt nó cuốc đất cho mình”. Anh Xanh tiếp tục hành trình đi bộ cả tuần về đồng bằng mua cày, bừa, vác lên làm đất cho bà con.

Gần 20 ngày, anh Xanh và ông Pơ Lôông Dương hoạt động “bí mật”, hàng ngày, anh đi bộ 2 giờ để vào nhà ông Dương hướng dẫn cách chăm sóc trâu và cách cày bừa. Con trâu đã thuần cày bừa rồi, mình chỉ lắp cày vào là cày đất. Cả nhà ông Dương thấy “con trâu cuốc đất”, thì mừng lắm. Tôi báo với UBND xã La Dêê tổ chức buổi trình diễn cho con trâu cày đất, mời nhân dân đến xem” – Trung tá Xanh kể.

Sự kiện ra mắt “con trâu cuốc đất” tại trung tâm xã đã thu hút hàng trăm người dân trong xã đến xem. Trung tá Xanh biểu diễn trước vài đường cày, sau đó giới thiệu ông Pơ Lôông Dương thực hiện động tác cày điêu luyện, dân làng vỗ tay rần rần.

Trung tá Xanh hào hứng nói: “Khi tập cày, tôi nói ông Dương phải giữ bí mật cho dân làng bất ngờ. Việc ông Dương tự cày, bừa đất đã xóa tan tư tưởng ăn sâu trong suy nghĩ của đồng bào là những “việc khó” chỉ có cán bộ và đồng bào người Kinh làm được. Mô hình này sau đó được huyện Nam Giang phổ biến và nhân rộng ra các xã khác”.

Xứng đáng là “nông dân kiểu mẫu”

Sau đó, Trung tá Nguyễn Xanh được Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam điều động làm cán bộ tăng cường cho xã La Êê, giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã. Đường đi lại và sự phát triển của xã La Êê còn khó khăn gấp nhiều lần so với xã La Dêê. Với tấm lòng nhiệt huyết với công việc, miệng nói tay làm, người “nông dân kiểu mẫu” Nguyễn Xanh đã từng bước hướng dẫn, chấn chỉnh lề lối làm việc tại văn phòng Đảng ủy và UBND xã, đi xuống ruộng hướng dẫn bà con trồng lúa nước đúng cách...

Để chồng an tâm công tác, cô giáo Lưu Thị Hồng đã tình nguyện lên biên giới dạy học để cùng chồng bám trụ lâu dài ở biên cương xa xôi.

 

 

Vợ chồng Trung tá Nguyễn Xanh đang thường trú tại xã biên giới La Êê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Hải Luận

Cô giáo Lưu Thị Hồng (công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã La Êê - Chơ Chun) tâm sự: “Lúc đó, từ trung tâm huyện vào xã biên giới phải đi bộ nhiều ngày. Ở trường chỉ có thầy giáo mới trụ nổi sự khổ cực, còn cô giáo chưa thuộc diện phải điều động lên biên giới. Khi tôi viết đơn xin lên xã La Êê công tác, cả Phòng Giáo dục huyện ai cũng bất ngờ. Cả trường trước nay chỉ toàn nam giới, nay có phụ nữ cũng làm “dịu” đi rất nhiều thứ và chăm chút vệ sinh, nề nếp cho học sinh nhiều hơn”.

Hai vợ chồng cán bộ Nguyễn Xanh “ổn định” ở trong ngôi nhà bằng nứa phía sau trường do bà con dựng lên đã lâu, giống như cái chòi thì đúng hơn. Vì hai con ở quê với ông bà nội ngoại, nên anh bộ đội là lãnh đạo xã và chị giáo viên suốt ngày bám dân, bám học sinh.

Cô giáo Hồng nói trong nước mắt: “Đêm tôi nằm nhớ con cứ khóc mãi. Có lần, con đi cấp cứu ở bệnh viện, người nhà nhắn lên, hai vợ chồng đi bộ về tới nhà, con đã nằm viện được 10 ngày và ra viện, chẳng làm được gì ngoài việc ôm con khóc. Rồi có lần, cơn bão lớn đổ bộ vào Đà Nẵng, bão tan, đường tắc, 12 ngày sau, hai vợ chồng mới về đến nhà. Nhìn thấy ngôi nhà bị san phẳng, tôi ngã gục xuống đất luôn. Ráng ở lại mấy ngày, dựng lại cái nhà nhỏ để hai con có chỗ ở với bà ngoại, rồi chúng tôi quay trở lại biên giới theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng luôn vọng lên từ sâu thẳm con tim, dù trong lòng mỗi chúng tôi luôn quặn thắt vì thương nhớ con”.

Bài 4: Nghị quyết trên mâm cơm

Nhiều năm qua, công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng biên giới đặc biệt khó khăn là vấn đề thách thức của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Chủ trương đưa cán bộ, đảng viên BĐBP về tăng cường tại các xã biên giới để củng cố tổ chức đảng và chính quyền địa phương đã đem lại nhiều kết quả trong hoạt động thực tiễn.

 

 

Ông Zơ Râm Huấn, Bí thư Đảng ủy xã La Êê, huyện Nam Giang, Quảng Nam. Ảnh: Hải Luận

Bao nhiêu năm nay, Nhà nước đã đầu tư kinh phí để mua cây giống, con giống, phân bón... chở từ đồng bằng lên cấp cho đồng bào ở biên giới tỉnh Quảng Nam. Nhưng các dự án chỉ làm “nửa vời” và không hiệu quả, người dân lao động quần quật nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Hiện nay, đội ngũ cán bộ cấp xã đã cơ bản có bằng đại học, cần lắm có bước đột phá thật sự vào các mô hình phát triển kinh tế để làm thay đổi cuộc sống của người dân.

“Các xã biên giới tỉnh Quảng Nam có thời tiết mát mẻ giống như Đà Lạt, nhưng trái mướp, bó rau, quả trứng... phải chở từ dưới đồng bằng lên đây bán với giá rất cao. Khoan hãy nói về công nghệ, quy trình to tát người dân chưa theo kịp, mỗi khi ban hành nghị quyết, cần dựa trên mâm cơm của người dân. Xem bữa cơm của họ đã có rau, có thịt, có trứng... chưa? Vậy, tại sao bữa cơm của nông dân vẫn chưa thường xuyên có những món đó?” - Trung tá Nguyễn Xanh, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã La Êê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam (đã về hưu, hiện đang ở xã La Êê) đặt câu hỏi.

Dự án nửa vời - hiệu quả bằng “0”

Khu vực dọc biên giới tỉnh Quảng Nam nằm ở độ cao từ 900 - 1.500m so với mặt nước biển, nhiệt độ dao động từ 20 - 28oC, có lượng mưa nhiều trong năm, phù hợp các loại cây có múi, cây dâu tây, sầu riêng... có giá trị kinh tế cao. Đặc điểm những loại vật nuôi, cây trồng ở vùng này ăn rất ngon. Nếu tổ chức sản xuất tốt, làm thương hiệu giỏi, sẽ là nguồn cung lớn cho thị trường thành phố Đà Nẵng, Tam Kỳ, Huế...

Tiếc thay, lâu nay, các nguồn vốn Nhà nước đầu tư về cây trồng, vật nuôi ở vùng này đạt hiệu quả cực kỳ thấp, có những dự án hiệu quả bằng con số “0”. Cây keo dễ trồng nhất, bà con phát rẫy trồng, huyện cấp cây giống, sau 5 năm trồng và chăm sóc, gọi thương lái lên mua với giá thấp dưới 50% so với giá mua ở các xã sát đường Hồ Chí Minh, vì chi phí vận tải quá xa. Tính chi li ra, người trồng keo không có lời lãi gì.

Khi cấp giống bò cho nông dân, ngành nông nghiệp mua giống từ các trại bò lớn ở các tỉnh khác rồi đem về cấp cho các hộ nghèo ở xã biên giới. Bò giống mua ở các trang trại tỉnh khác ăn nhiều cám, ăn bột... theo kiểu “con nhà giàu”, khi về xã biên giới tỉnh Quảng Nam, bò phải sống theo kiểu “con nhà nghèo”, toàn ăn cỏ, lá cây rừng, liền bị ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, rồi không quen với khí hậu ở đỉnh Trường Sơn. Đây là nguyên nhân người dân nhận bò nuôi bị chết dần, chết mòn trong những tháng đầu tiên.

Tình cờ tôi đi tham quan vùng trồng lúa nước ở gần UBND xã La Êê, gặp nhiều nhà dân bỏ từng bao phân bón ngoài trời, tôi hỏi họ tại sao không sử dụng mà để hư hỏng uổng phí vậy? “Số phân này của huyện chở lên để trong UBND xã cấp cho dân, mang về nhà chẳng biết dùng như thế nào” - Ông Zơ Râm Ninh trả lời.

- Nông dân ở dưới đồng bằng họ quý từng nắm phân, sao nhà mình không tìm cách bón cho cây? - Tôi hỏi thẳng vào vấn đề.

- Phân phải bón vào mùa mưa để cây nó không bị chết, huyện cấp phân vào mùa nắng, ai mà dám bón cho cây.

- Nhà mình có được cấp giống cây gì không?

- Có, trước đây có cấp giống cây đinh lăng, trồng lên bán không có ai mua. Trồng giống quế ở ngoài miền Bắc đưa vào, không có mùi thơm, dân phải chặt bỏ sạch.

Ông Zơ Râm Huấn, Bí thư Đảng ủy xã La Êê thừa nhận: “Đa số các dự án cây trồng, vật nuôi đều do ngành nông nghiệp huyện làm chủ đầu tư. Họ chở cả xe lên cấp cho hộ nghèo là xong việc, hậu quả như thế nào thì xã phải gánh chịu với người dân. Đa số hộ nghèo lại không chịu khó trồng cây và chăm sóc tốt, nên hiệu quả không cao”.

- Xã mình hiểu thổ nhưỡng, khí hậu vùng này, tại sao không đứng ra làm chủ đầu tư cây trồng, vật nuôi để theo sát từ đầu đến cuối? - Tôi hỏi.

- Khi tôi đang làm Chủ tịch UBND xã La Êê đã nhiều lần họp dưới huyện nêu ra những bất hợp lý và đề nghị xã được làm chủ đầu tư về dự án trồng cây, chăn nuôi. Huyện trả lời, xã không đủ năng lực làm và khó quyết toán dự án.

- Cán bộ chủ chốt của xã đã tốt nghiệp đại học, trẻ hóa cán bộ, có thêm cán bộ Biên phòng tăng cường nữa, tại sao lại không đủ năng lực?

- Đó là trả lời của huyện. Xã không cần nhiều đâu, chỉ cần nguồn vốn 200 - 300 triệu đồng làm dự án trước, khi đó mới khẳng định được năng lực của xã đến đâu.

- Anh có dám cam kết, nếu không thành công sẽ chịu trách nhiệm kỷ luật?

- Điều đó là đương nhiên rồi. Tôi đang có đất rẫy, năm sau huyện có cho làm chủ đầu tư hay không, tôi vẫn tự bỏ vốn ra trồng cam Vinh và bưởi da xanh, phải làm mới có kinh nghiệm nói chuyện với dân, chí ít mấy ông dự án lên đây cũng có cái để nói chuyện từ thực tiễn với họ.

 

 

Vườn cây ăn trái của ông A Lăng Diệm, Phó Chủ tịch UBND xã La Dêê (đi trước), huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam có nhiều cây rừng mọc xen lẫn. Ảnh: Hải Luận

Soi thực tế vườn cây “kiểu mẫu” của xã

Tôi sang tìm hiểu về phát triển kinh tế - xã hội ở xã La Dêê, huyện Nam Giang, gặp Thiếu tá Trần Thanh Vinh (Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang) làm cán bộ tăng cường xã với chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã La Dêê, giới thiệu với tôi mô hình trồng cây ăn trái điểm của xã. Ông A Lăng Diệm, Phó Chủ tịch UBND xã La Dêê dẫn tôi đi xa hơn 10km, với độ cao khoảng 1.300m so với mặt nước biển, thời tiết rất mát mẻ. “Đây là đất của nhà tôi, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Giang hợp tác làm dự án, họ mua giống mít, bưởi da xanh, tập huấn kỹ thuật, hai vợ chồng tôi trực tiếp trồng và tưới nước. Trồng được 6 tháng rồi, chưa biết kết quả như thế nào. Trong xã cũng có mấy hộ thực hiện dự án trồng cây giống như tôi” - Ông A Lăng Diệm tâm đắc giới thiệu.

Quan sát kỹ vườn cây của ông Diệm đang chăm sóc, thấy cây rừng lên khá nhiều, trong đó có cây keo nằm xen lẫn giữa cây bưởi da xanh. Tôi hỏi ông Diệm:

- Tại sao lại trồng xen lẫn, để cây keo che kín làm cây bưởi không lớn nổi?

- Tui chờ cây keo lớn lên chặt bán, rồi cây bưởi lên sau.

- Cách anh tưới nước như thế nào?

- Tui xách nước lên tạt thẳng vào gốc.

Nhìn thực tế ông Diệm làm vườn cây, tôi nghiệm ra rằng, dự án của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Giang làm chủ đầu tư chưa theo sát thực tế tại vườn cây để hướng dẫn một cách kỹ lưỡng cho người dân hiểu và áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt. Đó là chưa kể cách phòng, chống sâu bệnh, bao trái chống côn trùng...

Bài 5: Làm mô hình trình diễn để dân học tập, làm theo

Nhiều năm qua, công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng biên giới đặc biệt khó khăn là vấn đề thách thức của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Chủ trương đưa cán bộ, đảng viên BĐBP về tăng cường tại các xã biên giới để củng cố tổ chức đảng và chính quyền địa phương đã đem lại nhiều kết quả trong hoạt động thực tiễn.

 “Hôm họp triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, tôi đã quán triệt với các cán bộ tăng cường xã biên giới, phải tập trung tìm kiếm mô hình phát triển kinh tế ở địa phương để nâng cao thu nhập cho người dân. Đây là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất hiện nay, cũng là kỳ vọng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam. Sắp tới sẽ có hội nghị chuyên đề cán bộ tăng cường xã biên giới để bàn sâu các giải pháp căn cơ hơn” – Thượng tá Hoàng Văn Mẫn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Quảng Nam nêu nhiệm vụ rất rõ ràng.

 

 

Người dân xã biên giới La Dêê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đang dần cơ giới hóa trong sản xuất lúa nước. Ảnh: Hải Luận

Lúc làm việc với ông Ta Ngôn Thiếu, Chủ tịch UBND xã A Xan về vấn đề phát triển kinh tế – xã hội của địa phương sắp tới, Đại úy Zơ Râm Bên, Phó Bí thư Đảng ủy xã A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam thẳng thắn trao đổi: “Tuần trước, họp Ban Chấp hành Đảng bộ xã, tôi phát biểu, các chương trình, mục tiêu, giải pháp đã ghi đầy đủ trong nghị quyết, báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ xã A Xan, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Năm 2020 đã đi qua hơn một nửa, chỉ còn lại hơn 4 năm của nhiệm kỳ, xã phải làm gì đây? Những ngày bình thường chỉ cắt cử 1 đồng chí lãnh đạo trực ở văn phòng UBND xã, còn lại xuống cơ sở, giám sát thật chặt các công trình do Nhà nước đầu tư, tránh tình trạng “làm dối”, theo sát và đốc thúc các mô hình, dự án điểm về phát triển kinh tế vườn đồi ở trong dân. Cái nào làm tốt, hiệu quả kinh tế cao sẽ nhân rộng ra nhiều thôn làm theo”.

Giúp dân bằng cả tấm lòng

Thiếu tá ALăng XRăng, cán bộ Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng La Êê, BĐBP Quảng Nam đi xuống địa bàn vận động người dân chăn nuôi heo tập trung, nhân giống thành đàn heo nhiều con mới có lãi cao. Người dân trong vùng chẳng nghe XRăng nói. Một ngày cuối tuần, XRăng đi xe máy vượt gần 200km xuống huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam gặp người nuôi giống heo rừng. Anh giới thiệu mình ở trên vùng cao biên giới xuống học hỏi cách nuôi heo. Chủ trại nuôi heo mời anh ở lại qua đêm để hướng dẫn kinh nghiệm.

Tạo điểm nhấn

“Bao nhiêu năm nay, các hội nghị, cuộc họp nào cũng nói và phân tích đến mô hình trồng cây và chăn nuôi ở các hộ dân trong xã. Nói mãi thành quen luôn, nhưng thực tế vẫn chưa có mô hình nào mang tính chủ lực và điển hình cho dân làm theo. Lãnh đạo Đảng ủy và UBND xã La Dêê, huyện Nam Giang đang nỗ lực làm điểm giúp dân trồng bưởi da xanh, mít cao sản và cam Vinh, hy vọng đây là điểm nhấn của nhiệm kỳ này” – Thiếu tá Trần Thanh Vinh, Phó Bí thư Đảng úy xã La Dêê chia sẻ.

Trở về quê ở xã Zuôih, huyện Nam Giang, XRăng quyết định lấy tiền lương dành dụm bấy lâu mua vật liệu làm trại nuôi heo rừng bán hoang dã. “Lúc đó, mới xảy ra dịch tả lợn châu Phi, nhiều người phản đối ghê lắm. Tôi tự làm mọi công đoạn, mua 4 con giống F2 (heo nhà thụ tinh với heo rừng tự nhiên) trị giá 20 triệu đồng. Sau một thời gian, con này đẻ, con kia đẻ, đàn heo tăng lên gần 40 con. Tháng trước bán bớt 20 con, thu 80 triệu đồng, số còn lại để tăng đàn lên 100 con”.

Tiếng lành đồn gần xa, cán bộ xã và người dân ở các xã khác tự tìm đến tham quan mô hình nuôi heo của Thiếu tá ALăng XRăng. Anh đã vận động ông Rơ Nước Zức, ở xã Chơ Chun, huyện Nam Giang xuống xem mô hình. Về nhà, ông Zức đồng ý làm trại nuôi heo. XRăng đã bỏ hơn 10 ngày công làm chuồng trại cho ông Zức, mua 2 con giống thả nuôi. Tổng mức đầu tư của ông Zức chỉ 15 triệu đồng, hiện nay đã nhân ra 20 con heo, mới bán 2 con nhỏ với giá 6 triệu đồng. Theo XRăng, có 3 hộ chuẩn bị đầu tư trại nuôi heo giống như mô hình của anh.

“Hôm tôi lên rẫy của ông Zơ Râm Huấn, Bí thư Đảng ủy xã La Êê, huyện Nam Giang tìm hiểu tại sao heo của ông chết hết, mà heo của tôi không chết. Tôi khẳng định với ông Huấn: Anh thả nuôi đúng giống heo cận huyết nên nó chết. Anh nên đầu tư làm lại trại heo, thả giống nuôi F2, dù có đắt hơn chút đỉnh, nhưng nó đảm bảo tốt. Tôi sẽ giúp anh ngày công làm chuồng trại và kỹ thuật nuôi không lấy tiền” - Thiếu tá ALăng XRăng chia sẻ thành tâm.

Theo XRăng, thức ăn cho heo là thân cây chuối cắt nhỏ, các loại rau, sắn..., không cần phải nấu gì cả. Ngoài ra, XRăng còn nuôi trên 100 con vịt, gà và hồ nuôi cá sản lượng khoảng 1 tấn/năm.

Ứng dụng khoa học để tăng giá trị sản phẩm

Hiện nay, xã Ga Ry và xã Ch,Ơm, huyện Tây Giang đang triển khai dự án “Mô hình cây dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm”, tập trung trồng đẳng sâm, táo mèo, nhân sâm, ba kích... dùng chế biến dược liệu, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khả quan. Ông Pơloong Năng, Bí thư Đảng ủy xã Ch,Ơm nhẩm tính: “100% hộ dân ở đây tham gia trồng đẳng sâm với tổng diện tích hơn 200ha, trong đó, thôn Achoong chiếm gần một nửa. Các công đoạn như chọn giống, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch, bà con làm theo truyền thống nên năng suất vẫn còn thấp”.

Trong định hướng và quy hoạch phát triển kinh tế ở các xã biên giới của tỉnh Quảng Nam, ông Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam khái quát mục tiêu: “Tới đây sẽ khởi công xây dựng nhà máy chế biến nông sản nên các vùng cần có quy hoạch hợp lý để gắn kết vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến sâu, qua đó, tăng giá trị sản phẩm cho người sản xuất”.

 

 

Thiếu tá ALăng XRăng chăm sóc đàn gà, vịt trong trang trại của gia đình. Ảnh: Hải Luận

- Dọc biên giới tỉnh Quảng Nam có điều kiện khí hậu lý tưởng, tại sao không tập trung trồng và sản xuất lớn những loại cây có giá trị kinh tế cao? - Tôi đặt vấn đề.

- Những vùng này cần có những doanh nghiệp lớn hoặc viện nghiên cứu vào khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng mới quyết định trồng được cây gì có giá trị kinh tế cao. Cần phải ứng dụng khoa học để tăng giá trị và thu nhập của người dân.

- Người dân các xã biên giới họ hiểu rõ thổ nhưỡng, khí hậu, con người ở đây..., tại sao tỉnh, huyện không để cho các xã làm chủ đầu tư các dự án trồng cây, chăn nuôi nhỏ và vừa ở ngay địa phương như quy định của Chính phủ?

- Đó là thực tế đã diễn ra trong thời gian qua. Tới đây, cần xem xét kỹ lưỡng và sẽ giao cho xã làm chủ đầu tư để anh em ở cơ sở có trách nhiệm với người dân hơn và cập nhật được kiến thức thực tiễn. Phải mạnh dạn làm mới biết khả năng và trình độ của xã đến đâu, từ đó học tập bổ sung thêm kiến thức. Bám sát thực tiễn sẽ “gỡ” được nhiều vướng mắc.

 

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất