Tác phẩm đoạt giải

Làm tốt công tác cán bộ - "Đánh chìa khóa" mở nhiều "cánh cửa"

Bài 1: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy”

Cả nước đã, đang tiến hành đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trước mỗi kỳ đại hội nói riêng, trong sự phát triển nói chung, công tác cán bộ luôn là vấn đề hệ trọng, quyết định, thu hút sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân. Điều này không có gì phải bàn cãi, nhưng thực tế không phải khi nào, ở đâu vấn đề nhân sự cũng “thấu tình, đạt lý”. Ngăn chặn những hạn chế, ngày càng làm tốt công tác cán bộ được xem như việc “đánh chìa khóa” để mở ra nhiều “cánh cửa” đầy hy vọng...


(Ảnh minh họa)

 

Trong so sánh ấy, mọi người đều có thể hiểu, nhìn nhận và đánh giá được vai trò của từng khâu, từng mắt xích trong dây chuyền của bộ máy. Và mỗi người đều có thể dễ mường tượng, hình dung ra việc khi mà dây chuyền bị trục trặc ở mắt xích, công đoạn nào đó thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của dây chuyền cụ thể nói riêng, đến cả bộ máy nói chung. Và từ đó, có thể suy ra rằng, khi cán bộ có vấn đề về năng lực, trình độ, tư cách, phẩm chất đạo đức... thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cả một tập thể, khiến tập thể đó không thể hoạt động bình thường, mà sẽ vấp phải những trục trặc, khó khăn về nhiều mặt khác nhau...Sự so sánh giản dị, dễ hiểu...“Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được (1). Không chỉ so sánh hết sức giản dị, dễ hình dung nhưng khúc chiết, chuẩn mực, bao quát như vậy, tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ luôn khẳng định rõ rằng, cán bộ là cái gốc của mọi vấn đề, mọi công việc thành hay bại đều do cán bộ.

Không chỉ so sánh giàu hình ảnh về vị trí, vai trò của cán bộ, cũng như công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề cập đến tầm quan trọng của việc đào tạo đội ngũ cán bộ, để dây chuyền, cũng như bộ máy có thể vận hành trơn tru, hiệu quả. Người đúc kết từ thực tiễn trở thành lý luận rằng: “Nơi nào mà cán bộ cấp trên biết lựa chọn và dìu dắt, thì có nhiều cán bộ mới nảy nở và công việc rất phát triển. Trái lại, nơi nào cán bộ cấp trên không biết lựa chọn, dìu dắt, thì vẫn thiếu người mà công việc cứ luộm thuộm... Nơi nào có cán bộ tốt, thì cả vùng đó hoạt động như một bộ máy. Và cả vùng đó tỏa ra một bầu không khí hăng hái, vui vẻ” (2).

Rõ ràng, khi mà không đặt cái chung, vì tập thể lên trên hết với tinh thần khách quan, công tâm thì thật khó mà có đủ tâm, tầm, tài, trí để chọn lựa, bồi dưỡng, dìu dắt đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ kế cận “vừa hồng vừa chuyên”. Và ngược lại, nếu cán bộ tài đức, vì cái chung, vì sự phát triển của tập thể thì chắc chắn sẽ tạo ra được môi trường làm việc tốt, kích thích, phát huy tài năng, công sức, nâng cao hiệu quả làm việc của từng thành viên, nhờ đó mà tập thể có thể hoạt động tốt, tạo đà cho việc đạt được những thành tích quan trọng, đóng góp cụ thể vào sự phát triển chung.

Với việc lựa chọn, dìu dắt cán bộ kế cận, nói như Người rất dễ hiểu, nhưng trong thực tế việc thực hiện lại không hẳn đã dễ dàng. Mỗi thời kỳ, ở chỗ này, chỗ khác vẫn tồn tại hiện tượng khá phổ biến là việc chăm chút đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận không thật sự được quan tâm, thậm chí còn bị lơ là, xem nhẹ, thậm chí buông lỏng nên dẫn đến tình trạng nhiều nơi còn để xảy ra tình trạng “đứt gãy”, khủng hoảng đội ngũ cán bộ, dẫu cho khoảng trống ấy các thành viên trong tập thể đều dễ dàng nhìn ra. Bên cạnh đó, việc lựa chọn, đề bạt cán bộ cũng không hẳn dựa trên những tiêu chí khách quan, những tiêu chuẩn cứng, không dựa trên năng lực thực sự, nên vẫn xảy ra tình trạng ưu ái cất nhắc, đề bạt “con ông, cháu cha”, vẫn diễn ra tình trạng chạy chức, chạy quyền ngày càng ngang nhiên, tinh vi. Điều ấy dẫn đến sự tha hóa cán bộ, tình trạng tiêu cực, tham nhũng tràn lan, ảnh hưởng xấu đến cả dây chuyền và bộ máy, tới sự phát triển chung...

Theo nhiều nhà nghiên cứu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý chống các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ, nổi bật là 4 vấn đề phải tránh, đó là: 1. Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bạn bè; 2. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mà ghét những người chính trực; 3. Ham dùng những người tính tình hợp với mình và không dùng những người không hợp với mình, bất kể người đó có năng lực ra sao; 4. Hiện tượng cục bộ địa phương...

Người chỉ rõ: “Vì những bệnh đó, kết quả những người kia đã làm bậy, mình cũng cứ bao dung, che chở, bảo hộ, khiến cho chúng càng ngày càng hư hỏng. Đối với những người chính trực thì bới lông tìm vết để trả thù. Như thế, cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh giá của người lãnh đạo”

(Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2011, tập 11, tr.31).

 

“Sửa đổi lối làm việc”

Tháng 10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết xong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, lấy bút danh là X.Y.Z, do Nhà Xuất bản Sự thật xuất bản lần đầu năm 1948. Người chú trọng 6 nội dung trong cuốn sách, đó là:

1. Phê bình và sửa chữa. Người nêu tầm quan trọng của việc tự phê bình và phê bình, cách thức tiến hành phê bình và tự phê bình, 3 chứng bệnh (bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh ba hoa) rất nguy hiểm cần phải sửa trong lối làm việc của Đảng.

2. Mấy điều kinh nghiệm. Người chỉ ra các kinh nghiệm: Muốn công việc thành công phải có cán bộ tốt; có chính sách đúng đồng thời phải có cách làm đúng; phải biết nghiên cứu kinh nghiệm đến gốc; phải nâng cao sáng kiến và lòng hăng hái; bất kỳ việc gì lợi ích của nhân dân thì làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân; sát quần chúng, hợp quần chúng.

3. Tư cách và đạo đức cách mạng. Người nhấn mạnh tư cách của Đảng chân chính cách mạng gồm 12 tiêu chí; phận sự của đảng viên và cán bộ là trọng lợi ích của Đảng hơn hết; có đạo đức cách mạng gồm “năm điều: Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”; phải giữ kỷ luật, phải “chí công vô tư, chống chủ nghĩa cá nhân và sửa chữa những khuyết điểm, sai lầm bằng phê bình và tự phê bình...”; tư cách và bổn phận đảng viên là phải căn cứ vào Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương; phải rèn luyện tính Đảng.

4. Vấn đề cán bộ. Người viết: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc... huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Người chỉ rõ những biện pháp tiến hành công tác huấn luyện cán bộ, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ, tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ, chính sách cán bộ.

5. Cách lãnh đạo. Người phân tích: Lãnh đạo đúng nghĩa là thế nào? Lãnh đạo thế nào? Học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng.

6. Chống thói ba hoa. Người chỉ rõ thói ba hoa là gì? cách chữa thói ba hoa...

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.237-238, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2008.

Tiêu chuẩn và việc bố trí, sử dụng cán bộ

Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, Người không nhắc đến những tiêu chuẩn cụ thể liên quan bằng cấp, học hàm, học vị, trí tuệ uyên bác hay thành tích, mà chỉ là những yêu cầu rất đơn giản, không khó kiếm tìm, đó là: “Tự mình phải: cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít tham muốn vì vật chất. Bí mật. Đối với người: Với từng người thì phải khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người. Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm phục tùng đoàn thể (3).

Tuy rất rõ ràng, giản đơn, dễ hiểu như vậy, nhưng không phải ai cũng có thể nhớ, hiểu và thực hiện. Ví dụ như tiêu chuẩn “Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình” thôi, cũng thấy rất khó biểu hiện sinh động trong cuộc sống. Bằng chứng là không ít cán bộ các cấp lãng phí, xa hoa, tốn kém chứ không hề cần kiệm. Không ít cán bộ, kể cả những người đứng đầu, không thể gần gũi, quy tụ, đoàn kết với mọi người vì sự nghiệp chung mà không vì lợi ích cá nhân, riêng tư nào. Việc chia bè kéo cánh, tạo nhóm lợi ích để tư lợi cá nhân diễn ra ở nhiều nơi, nhiều lúc, gây mất đoàn kết, khiến công việc bị lơ là, trì trệ, kém hiệu quả... Tất nhiên, cán bộ không thể không nghĩ suy đến lợi ích của bản thân. Nhưng đó là điều hiển nhiên, bởi lợi ích của cán bộ, của người đứng đầu luôn được đa số người trong tập thể quan tâm, vì khi gặt hái thành quả thì đó là điều tưởng thưởng xứng đáng cho những vị “thuyền trưởng” dẫn dắt con tàu đi đúng hướng, về đích an toàn. Khi ấy, lợi ích của cán bộ gắn liền với kết quả đạt được, bởi như tục ngữ Việt Nam khẳng định rằng: “Một người biết lo bằng kho người làm”. Lợi ích của cán bộ không hề bị bỏ qua, nhất là khi nó được tiến hành một cách công khai, minh bạch...

Một điều rất quan trọng khác trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, đó là Người chỉ rõ cán bộ: “Phải tỏ cho mọi người biết rằng công việc là công việc chung, thiếu người ra gánh vác thì mình ra, nếu có người thay, mình sẽ nghỉ để làm việc khác, sẵn sàng nhường lại cho ai muốn làm và làm được”(4). Rõ ràng, trong thực tiễn, sự khảng khái ấy, biết mình, biết người, không ham hố danh lợi ấy không dễ dàng thực hiện. Thế nên mới xuất hiện không ít trường hợp tham quyền cố vị, dẫu không hoàn thành tốt trách nhiệm của mình. Nói rộng hơn, việc bố trí, sử dụng cán bộ, dù rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định, nhưng không phải ở đâu, khi nào cán bộ cũng được bố trí đúng với năng lực, sở trường của mình, thậm chí không ít cán bộ còn cố tình bị bố trí lệch vai, ngược với khả năng của họ, như một cách “dằn mặt”, “trả thù cá nhân” để hạn chế, kìm hãm sự phát triển, cống hiến của họ, khiến họ chán nản, thối chí, mất hết động lực, hưng phấn khi làm việc, thậm chí không ít trường hợp xin chuyển công tác, hoặc xin thôi việc...

***

Không có gì phải bàn cãi, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ là những chỉ dẫn hết sức cụ thể, dễ hiểu, dễ hình dung và hoàn toàn có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, trong thực tế, việc học tập, làm theo tư tưởng của Người không phải lúc nào cũng thuận lợi, trơn tru, mà nhiều trường hợp, nhiều khi vẫn trục trặc, va vấp vì nhiều lý do khách quan, chủ quan khiến dây chuyền bị gián đoạn, thậm chí hỏng hóc, ảnh hưởng đến nhà máy, đến hoạt động, sự phát triển chung. Vì vậy, việc chú trọng đến công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ một cách bài bản, khoa học, chu đáo, thiết thực, có tầm chiến lược là rất quan trọng, là gốc rễ của vấn đề, là “chìa khóa” có thể mở ra những “cánh cửa” đầy hy vọng cho từng tập thể, mỗi đơn vị, địa phương, cũng như cho cả quốc gia, dân tộc.

 (1). Hồ Chí Minh,Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2011, tập 5, tr. 68.

(2). Hồ Chí Minh,Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2011, tập 5, tr. 166 – 167.

(3). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2011, tập 5, tr.309.

(4). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2011, tập 4, tr.51-52.

Kỳ 2: Sự kế thừa, vận dụng linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”... Không chỉ thấm nhuần tư tưởng của Người, Đảng, Nhà nước ta phát triển nhận thức lý luận, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn phù hợp với tình hình cụ thể ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau...

Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống


Ảnh minh họa

 

Mỗi kỳ đại hội Đảng toàn quốc, công tác cán bộ đều là một trong những vấn đề quan trọng được xem xét, bàn thảo kỹ lưỡng, về những thành tựu cũng như hạn chế cùng nguyên nhân của nó. Dưới đây là một số dấu mốc bắt đầu từ thời kỳ đổi mới (năm 1986), bắt đầu từ Đại hội Đảng lần thứ VI. Tại đại hội này, Đảng ta đã nhìn thẳng vào sự thật, nghiêm túc chỉ rõ những sai lầm, khuyết điểm của Đảng và những nguyên nhân cụ thể trong công tác lãnh đạo kinh tế, xã hội bắt nguồn từ những khuyết điểm trong hoạt động tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ của Đảng và coi đó là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”.

Tiếp đó, Nghị quyết Trung 6 khóa VI (ngày 29-3-1989) bổ sung một số vấn đề quan trọng về công tác cán bộ, nổi bật là: Thống nhất tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực cán bộ, về đánh giá cán bộ trong công cuộc đổi mới; cụ thể hóa tiêu chuẩn cán bộ cho từng chức danh lãnh đạo và quản lý; phân định rõ cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ chuyên môn; xúc tiến mạnh việc xây dựng quy hoạch cán bộ, từ cán bộ lãnh đạo cao nhất trong Đảng, Nhà nước cho đến cán bộ cơ sở, tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt quy hoạch đó... Chống tư tưởng nể nang, hữu khuynh, thiếu tin vào cán bộ trẻ, không tích cực đào tạo, chuẩn bị hoặc “níu áo” nhau. Thay thế kịp thời những cán bộ không còn phù hợp với nhiệm vụ được giao; việc sắp xếp, bố trí, đề bạt cán bộ phải theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Khắc phục tư tưởng cục bộ, địa phương, tệ bè phái, cảm tình cá nhân trong công tác cán bộ...

Đại hội Đảng lần thứ VII (năm 1991) khẳng định quan điểm thực hiện chính sách đoàn kết, động viên, phát huy mọi lực lượng cán bộ cả trong và ngoài Đảng, không hẹp hòi định kiến về lý lịch và thành phần. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội chỉ rõ: Đảng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, có phẩm chất, năng lực, có sức chiến đấu cao. Đảng quan tâm bồi dưỡng, đào tạo lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân...

Đại hội Đảng lần thứ VIII (năm 1996), trên cơ sở tổng kết 10 năm đổi mới, đã khẳng định phải “sớm xây dựng chiến lược cán bộ của thời kỳ mới”. Sau đó, Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII (ngày 18-6-1997) “về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh” khẳng định: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng...

Tháng 11-2008, Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Cán bộ, công chức (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2010). Luật Cán bộ, công chức quy định: Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước...

Trên thực tế, mỗi kỳ đại hội Đảng toàn quốc đều có những nghị quyết quan trọng về công tác cán bộ, mang đủ đầy tính kế thừa, sự xuyên suốt, đồng thời chỉnh sửa, bổ sung những nội dung cho phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn trong nước và trên thế giới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa. Gần đây, Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII (ngày 19-5-2018) “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” xác định, cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng... Nghị quyết đề ra 8 nhóm giải pháp, trong đó nhóm giải pháp thứ 5 về công tác cán bộ được xem là bước đột phá sâu sắc, chiến lược khi chú trọng “kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền”...

Nhìn suốt diễn trình lịch sử, trải qua biết bao khó khăn, thách thức, Đảng ta luôn kế thừa, từng bước phát triển, vận dụng linh hoạt Tư tưởng Hồ Chí Minh để rồi hình thành hệ thống quan điểm về cán bộ và công tác cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có đạo đức cách mạng, trình độ, năng lực, trí tuệ cao, phương pháp làm việc khoa học, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh mới. Nhờ đó, khi hiện thực hóa, triển khai trong thực tiễn, đã khắc phục được không ít khuyết điểm, hạn chế, ngày càng phát huy một cách cao nhất năng lực của đội ngũ cán bộ, góp phần quan trọng, quyết định giúp đất nước ta vượt qua những trở ngại, đạt nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII đặc biệt quan trọng, mang tầm chiến lược dài hạn, giải quyết những vấn đề then chốt, cấp bách trong bối cảnh hiện nay nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

184 nhân sự được quy hoạch cán bộ cấp chiến lược

Ngày 25-12-2019, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, đồng chí Nguyễn Thanh Bình – Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương - cho biết, hiện có 560 cán bộ diện Trung ương quản lý, 184 cán bộ cấp chiến lược đã được phê duyệt quy hoạch. Cán bộ cấp chiến lược được hiểu là lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Nhà nước; lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành, đoàn thể và các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương. Đây là những người có trọng trách ra quyết sách và giải quyết các vấn đề chiến lược của Đảng, Nhà nước, quốc gia, thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với khoảng 600 người.

Nghị quyết nêu rõ: “Nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ đông, nhưng chưa mạnh; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi; sự liên thông giữa các cấp, các ngành còn hạn chế. Tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số chưa đạt mục tiêu đề ra. Thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực. Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế, yếu kém; nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế. Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm”(1).

Rõ ràng, chỉ nhìn vào những đánh giá khoa học, thẳng thắn, khách quan, đúng sự thật về công tác cán bộ, cũng như trình độ, chất lượng, phẩm chất, năng lực... của đội ngũ cán bộ hiện nay, những hạn chế, yếu kém được chỉ ra rõ ràng là vấn đề quan trọng, cần khắc phục, thay đổi. Cùng với những tồn tại đã chỉ ra, Đảng ta không ngần ngại đối mặt với sự thật và tìm cách khắc phục, sửa chữa những bất cập đã trông thấy trong công tác cán bộ. Có dũng cảm, có bản lĩnh đổi mới, có quyết liệt trong hành động, mới có thể từng bước xây dựng được đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển mới hết sức năng động trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày một tác động sâu rộng đến mọi quốc gia cũng như tất cả các nền kinh tế trên thế giới...

Điều đáng chú ý, đây là lần đầu tiên có một nghị quyết của Trung ương đề cập đến vấn đề “cán bộ cấp chiến lược”. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, cán bộ cấp chiến lược là những cán bộ và bộ phận cán bộ ở đỉnh cao của tháp nhân sự của Đảng, Nhà nước ta, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hoạch định chính sách, đường lối đổi mới, cũng như trong công tác chỉ đạo, điều hành. Cán bộ cấp chiến lược là những chiến lược gia, chính trị gia; là lực lượng tinh hoa trong xã hội, có trí tuệ, năng lực và phẩm hạnh vượt trội, đủ tầm dẫn dắt đất nước phát triển.

Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân, khái quát, cán bộ cấp chiến lược phải có các tiêu chí như: Có năng lực tư duy vượt trội, hơn người; có khả năng tổng kết thực tiễn, tường minh thực trạng, biết rõ được, mất và phải biết làm gì để đạt được mục tiêu đặt ra; có khả năng tổ chức lực lượng vật chất, sức mạnh tinh thần của cộng đồng xã hội một cách khoa học, hợp lý để triển khai đường lối, chính sách chiến lược trong thực tiễn; là những người có lòng tự trọng và liêm sỉ; là những người chí thành tâm huyết, dốc lòng, dốc sức đem hết khả năng cống hiến, phụng sự cho Tổ quốc và nhân dân mà không màng đến lợi ích cá nhân và gia đình...(2).

Để thực hiện, triển khai nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 26, ngày 25-2-2019, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 179-QĐ/TW “về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ”. Quy định này thêm một lần khẳng định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, sự đoàn kết thống nhất, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương của Đảng; đánh giá đúng về công tác cán bộ, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý các vi phạm và dấu hiệu vi phạm của các tổ chức, cá nhân góp phần bảo đảm công tác cán bộ phải được thực hiện theo đúng quy định.

***

Còn nhiều vấn đề có thể đề cập, luận bàn, kiến giải về công tác cán bộ trong tình hình hiện nay, từ lý luận đến thực tiễn, từ những kết quả thành công đến hạn chế, tồn tại. Nhưng xâu chuỗi từ thời kỳ đổi mới (năm 1986) đến nay, qua 34 năm trải qua biết bao thăng trầm, biến chuyển, Đảng và Nhà nước ta luôn kế thừa, phát triển Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn phù hợp với tình hình cụ thể ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau...

 (1). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, 2018, tr.47.

(2). Lê Thanh Vân, Cán bộ cấp chiến lược là ai? https://dantri.com.vn/xa-hoi/can-bo-cap-chien-luoc-la-ai-20180506233555879.htm, xem ngày 1-3-2020.

Kỳ 3: Để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền

Như kỳ 2 đã đề cập, Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về công tác cán bộ. Trong đó, nhóm giải pháp thứ 5 về công tác cán bộ được xem là bước đột phá sâu sắc, chiến lược khi chú trọng “kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền”... Phải khẳng định ngay rằng, việc kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền là không dễ, nhưng khó mấy cũng phải làm, nếu không muốn dân phai nhạt, mất dần niềm tin...

Quyền lực và kiểm soát quyền lực

Ảnh minh họa

 

Hiểu một cách chung nhất, quyền lực là năng lực, khả năng của một tổ chức hay cá nhân tác động đến hành động, hành vi của những người khác, buộc họ phải thực hiện ý chí của mình thông qua các phương tiện, phương thức nào đó như uy tín, quyền hành, cơ chế, chính sách, quy định, thậm chí cưỡng bức thực hiện. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, hay như ở nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Tuy nhiên, nhân dân chỉ trực tiếp thực hiện một số quyền mang tính cá nhân còn những quyền chung thì trao cho các cơ quan, tổ chức do nhân dân lập lên, bầu lên, thậm chí nhân dân trao quyền cho một nhóm, hoặc một cá nhân đại diện thực hiện...

Quyền lực trong công tác cán bộ là thẩm quyền của tổ chức, cá nhân trong việc tuyển dụng, bố trí, quản lý, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, phong, thăng cấp bậc hàm, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Quy định số 205-QĐ/TW “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”.

Trong phạm vi công tác cán bộ, quyền lực chính trị đóng vai trò quan trọng, chi phối, quyết định tới các quyền lực khác, không chỉ với riêng người nắm giữ quyền lực, mà còn trong cả phạm vi không gian rộng lớn mà người đứng đầu có quyền. Chính vì vậy, khi được trao quyền lực, người có quyền (lãnh đạo) dễ bị tha hóa, lạm quyền, lộng quyền, tự tung, tự tác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư lợi cá nhân, kéo bè kéo cánh, mặc sức “ban phát” lợi ích về kinh tế, chính trị... cho những người mình yêu thích, vun vén, thâu tóm quyền, lợi ích về phía mình, gia cố vị trí của mình và những người “biết điều”, chịu nghe mình...

Những sự lạm quyền, tha hóa quyền lực diễn ra khá phổ biến trong thực tiễn, gây tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là về kinh tế - xã hội, làm suy giảm niềm tin của người dân vào những người nắm giữ quyền lực, vào tập thể. Khi ngày càng có nhiều lãnh đạo, thậm chí cả tập thể lãnh đạo, không chú trọng thực hiện những quyền trong phạm vi được giao mà cố tình lợi dụng, lạm dụng quyền lực để rồi gây ra những thiệt hại, hậu quả to lớn cho tập thể, cho đất nước, phải vướng vòng lao lý, điều ấy còn làm xói mòn, xao động, lung lay niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, việc kiểm soát quyền lực là đòi hỏi tất yếu khách quan, là vấn đề hệ trọng, sống còn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ.

Quy định số 205-QĐ/TW “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”.

Ngày 23-9-2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Quy định gồm 4 nội dung chính, với 15 điều, có hiệu lực từ ngày ký và được phổ biến đến chi bộ. Nội dung kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ gồm 7 điều, nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, cũng như trách nhiệm và việc xử lý trách nhiệm của những cá nhân, tập thể được giao thực hiện công tác cán bộ, đó là: 1. Đối với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị; 2. Đối với thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị; 3. Đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị; 4. Đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị được giao thực hiện công tác cán bộ ở các cấp; 5. Đối với cán bộ tham mưu, đề xuất; 6. Đối với nhân sự.

Hy vọng rằng, với những quy định cụ thể, rõ ràng, quy định trách nhiệm cụ thể của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; những hạn chế, sai lầm, tiêu cực, khuất tất của những người được giao quyền lực nhưng không thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm, phạm vi quyền hạn của mình sẽ dần được ngăn chặn. Tất nhiên, những cá nhân, đơn vị được giao kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ cũng cần phải được giám sát, kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên, tường minh. Và một khi đã làm tốt công tác kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, việc chống chạy chức, chạy quyền cũng sẽ “nhẹ gánh” phần nào...

Chống chạy chức, chạy quyền - khó mấy cũng phải làm quyết liệt

Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị cũng dành 4 điều về chống chạy chức, chạy quyền, đề cập cụ thể đến các hành vi chạy chức, chạy quyền; hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; cũng như trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong chống chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền và việc xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.

Bộ Chính trị đã nhìn nhận, mô tả cụ thể, rõ ràng những hành vi chạy chức, chạy quyền, đó là: 1. Tiếp cận, thiết lập quan hệ, hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi; 2. Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, nhất là các dịp lễ tết, sinh nhật và các cơ hội khác, sử dụng danh nghĩa tình cảm cá nhân hoặc danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân khác để tặng quà, tiền, bất động sản, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền hoặc người có liên quan nhằm mục đích được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi; 3. Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác, “cánh hẩu” vào vị trí, chức vụ theo ý đồ cá nhân hoặc một nhóm người, 4. Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề cử, bổ nhiệm mình; 5. Dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để mặc cả, cài đặt điều kiện, đòi hỏi vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi; 6. Sử dụng các hành vi tiêu cực khác nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

Thực tế, từ lâu trong xã hội ta đã diễn ra tệ chạy chức, chạy quyền làm đảo lộn không ít giá trị, gây mất đoàn kết, làm tha hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, phương hại đến lợi ích chung, đến sự công bằng, khách quan trong công tác cán bộ, làm xói mòn niềm tin của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Những cụm từ đúc kết, mỉa mai đầy hàm ý về việc quy hoạch, sắp xếp, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển cán bộ từ lâu đã trở nên quen thuộc, như: “Con cháu các cụ cả”, “Con ông cháu cha”, “Thứ nhất quan hệ/ Thứ nhì tiền tệ/ Thứ ba hậu duệ/ Thứ tư trí tuệ”, “Mua quan, bán chức”... Không ít bài học về công tác cán bộ, đặc biệt liên quan đến việc chạy chức, chạy quyền đã xảy ra, hết sức đau đớn, ở nhiều đơn vị, địa phương, bộ, ngành trên cả nước. Có đại biểu Quốc hội còn khẳng định trên diễn đàn Quốc hội vào tháng 11-2019 rằng, dư luận râm ran về “chợ đen” mua quan, bán chức, nhưng không dễ trả lời ai mua và ai bán. Đó chính là tệ nạn tham nhũng trong công tác cán bộ (1). Quả thực, những hành động mua - bán trên “thị trường quan chức” ngày càng trở lên trắng trợn, tinh vi hơn, việc phát hiện, tìm ra bằng chứng là không hề dễ dàng, dẫu biểu hiện, dấu hiệu để nhận biết thì không quá khó.

Thực tế, nguyên nhân căn bản, sâu xa của việc chạy chức, chạy quyền là lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Vậy nên, khi mà vấn đề lợi ích được công khai, minh bạch, lợi ích của những người có chức quyền không có khoảng cách quá lớn so với số đông trong tập thể, “chợ đen” chức, quyền có thể sẽ đìu hiu, vắng vẻ...

Rõ ràng, việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền là rất khó. Nhưng khó mấy cũng phải làm quyết liệt, bởi việc tham nhũng quyền lực còn nguy hiểm hơn rất nhiều tham nhũng vặt, tham nhũng cụ thể, đơn lẻ nào đó vì nó kéo theo đó là bè cánh, cục bộ, lợi ích nhóm, triệt tiêu động lực, sự hăng say làm việc, cống hiến của nhiều người. Khi đã có “chiếc gậy” là Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị thì việc chạy chức, chạy quyền đã được nhận diện, chỉ rõ, đồng thời việc kiểm soát quyền lực cũng đã hình thành. Hy vọng, với quyết tâm cao nhất có thể, việc chạy chức, chạy quyền sẽ dần được ngăn chặn, khi việc kiểm soát quyền lực được đề cao, tôn trọng, thực thi nghiêm cẩn. Khi ấy, việc “nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế lập pháp”, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc đến, sẽ thuận lợi hơn.

 (1). Luân Dũng - Trường Phong, ĐBQH: Dư luận râm ran “chợ đen” mua quan, bán chức, https://www.tienphong.vn/xa-hoi/dbqh-du-luan-ram-ran-cho-den-mua-quan-ban-chuc-1483246.tpo, truy cập ngày 2-3-2020.

Kỳ 4: Để chặn đứng những sự xuyên tạc nhằm chống đối, phá hoại

Thực tế, trước bất kỳ vấn đề gì không trọn vẹn về công tác cán bộ xảy ra, đặc biệt với đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, các thế lực thù địch, phản động, những kẻ cơ hội chính trị đều tìm mọi cách chống phá. Chúng ra rả xuyên tạc, bóp méo, thổi phồng, cắt ghép sai sự thật nhằm gieo rắc sự hoài nghi, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, kích động chống phá, rắp tâm lật đổ... Làm tốt công tác cán bộ cũng là một trong những giải pháp triệt tiêu sự chống phá điên cuồng, hằn học, ác ý này...

Nhận diện những thủ đoạn chống phá...


Ảnh minh họa

 

Không phải trước kỳ đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch, phản động và những kẻ cơ hội chính trị mới tung ra ào ạt những ý kiến - quan điểm bất mãn, sai trái, xuyên tạc, thổi phồng, bóp méo, chắp vá sai lệch bản chất... nhằm gieo rắc sự hoài nghi, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam. Thực tế, chưa bao giờ và chưa khi nào chúng từ bỏ những dã tâm, hằn học, âm mưu thâm độc, thủ đoạn xấu xa, đớn hèn nhằm chống phá đất nước ta trên mọi lĩnh vực, mọi lúc, mọi nơi, nhất là trên không gian mạng, khi các thiết bị di động cầm tay dễ dàng kết nối internet - “ngôi nhà chung toàn cầu” – ngày càng trở nên phổ biến.

Nhìn chung, không khó để nhận ra thủ đoạn của những kẻ chống phá, bất mãn với những “bổn cũ soạn lại”, những luận điệu “bình mới rượu cũ” nhưng thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc, nham hiểm hơn, như tìm mọi cách bôi nhọ, hạ thấp và tiến tới phủ nhận những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà chúng ta đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là từ khi Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới (năm 1986) đến nay. Chúng còn xằng bậy nói rằng, những thành tựu của đổi mới nếu có cuối cùng cũng chỉ “chui vào túi của bọn độc tài”, quan tham, còn nhân dân không được thụ hưởng điều gì... Chúng xảo quyệt “lập lờ đánh lận con đen”, đưa ra những hạn chế, khiếm khuyết liên quan đến quá trình lãnh đạo của Đảng, nêu ra những bất cập, khó khăn trong công cuộc đổi mới đất nước, những sai phạm trong công tác cán bộ, những vụ tham nhũng bị triệt phá... để rồi quy kết, chụp mũ, la lối rằng tham nhũng là bản chất của chế độ ta, sự tồn tại của Đảng là căn nguyên dẫn đến mọi trì trệ, yếu kém, sai lầm...

Thực tế, không phải các thế lực thù địch, phản động và những kẻ cơ hội chính trị không biết hoặc thiếu thông tin về tình hình đất nước, về những việc mà Đảng ta làm được, nhưng chúng cố tình hiểu sai, cố tình bóp méo, “bôi đen”, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta; cố tình nói xấu, vu khống, “thổi phồng”, “bơm căng” các khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên... Tất cả những âm mưu, thủ đoạn, chiêu bài mà chúng cố tình tạo dựng ấy chỉ nhắm đến mục đích cuối cùng là làm sai lệch những giá trị thực, tốt đẹp mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang nỗ lực xây dựng.

Đặc biệt, với những hạn chế, yếu kém, sai phạm trong công tác cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao, các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị luôn tận dụng triệt để, nhân thời cơ ấy dồn sức chống phá bằng mọi cách có thể, đặc biệt là với những thông tin sai sự thật. Đó là những vấn đề nhiều người quan tâm, dễ gây bức xúc, dễ lan truyền, nhất là trên không gian mạng. Chúng dựng chuyện, xuyên tạc, thổi phồng, bóp méo... rồi quy chụp nói xấu Đảng, Nhà nước và đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp chỉ biết tham nhũng, làm tổn hại đất nước... với mục đích cuối cùng là nhằm gây rối an ninh trật tự, “bất tuân dân sự”, phá hoại các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước ta; kích động, kêu gọi bạo động, lật đổ...

Lợi dụng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng ta đang diễn ra quyết liệt, cẩn trọng, nghiêm túc, khách quan, không có vùng cấm, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân; chúng không ngượng mồm vu khống rằng, đó là “cuộc chiến phe phái”, “thanh trừng nội bộ”, “trả thù cá nhân”... Chúng xoáy vào những vụ “đại án”, những cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật để nói xấu, bôi nhọ, kích động dư luận... nhằm làm nhiễu loạn thông tin, khiến những ai không có đủ trình độ, bản lĩnh, kinh nghiệm có thể tin theo, hoang mang, dao động.

Trên thực tế, việc chống tham nhũng là việc mà bất kỳ quốc gia nào, thể chế chính trị nào cũng phải đối mặt và không ít nguyên thủ các nước trên thế giới đã vướng vòng lao lý vì tham nhũng. Thế nhưng, khi mà quyết tâm của toàn Đảng ta ra sức chỉnh đốn, làm trong sạch nội bộ, cắt bỏ những “mầm bệnh”, “ung nhọt”, “khối u” để “cơ thể” khỏe mạnh thì chúng lại ra sức xuyên tạc, tung tin sai trái, bịa đặt nhằm hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng... Nhưng không vì thế mà chúng ta chùn tay trong cuộc chiến chống tham nhũng, trái lại càng cần làm quyết liệt hơn, để bộ máy ngày càng trong sạch, đội ngũ cán bộ ngày càng đủ đức, đủ tài, đủ tâm, đủ tầm gánh vác trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Kiên quyết xử lý những cán bộ sai phạm

Lẽ thường, không có sự hoàn hảo tuyệt đối ở trên đời, trong mọi lĩnh vực, với mọi quốc gia. Thế nên, những sai phạm, lỗi lầm diễn ra trong cuộc sống là điều dễ hiểu, do trình độ cán bộ hạn chế, thiếu kinh nghiệm; do chủ quan, thờ ơ, thiếu tinh thần trách nhiệm... Nhưng với những sai phạm do cơ chế, do cố tình làm sai, do thoái hóa, biến chất, do việc kiểm tra, giám sát bị buông lỏng thì cần thiết phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời, thậm chí phải xử lý nghiêm minh, thích đáng, “không có vùng cấm”. Có như thế, công tác cán bộ mới dần được hoàn thiện, không tái phát những khuyết tật, gieo rắc, lây lan những “ung nhọt” làm suy yếu “cơ thể”.

Chiều 12-10-2019, phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (khóa XII), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ khóa XII (tháng 1-2016) đến nay, các cấp có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý. Trong đó, có 1 Ủy viên Bộ Chính trị và 4 Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII; 14 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 1 nguyên Phó Thủ tướng, 5 bộ trưởng và nguyên bộ trưởng, 2 Bí thư Tỉnh ủy, 5 nguyên Bí thư Tỉnh ủy và 17 tướng lĩnh. Một số cán bộ cấp cao đã bị xử lý hình sự...

“Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói. Trước những “bài học sâu sắc, đắt giá” như vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị từng Ủy viên Trung ương Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện; thường xuyên nêu gương, tự soi, tự sửa, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng để không đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất khôn lường... Trong quá trình chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, “phải kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ vi phạm, thoái hóa, biến chất!”.

Ngày 10-1-2020, thông tin từ hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 cho biết, tới tháng 1-2020, đã có 1.111 tổ chức đảng, 18.265 cấp ủy viên các cấp và 54.573 đảng viên bị kỷ luật. Trong số đảng viên bị kỷ luật, có 92 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, gồm: 2 Ủy viên Bộ Chính trị, 21 Ủy viên và nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 38 sĩ quan trong lực lượng công an, quân đội (cấp tướng là 23 người).

Con số thống kê ấy thể hiện sự quyết tâm chính trị cao trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của Đảng ta. Quyết tâm ấy sẽ không thể dừng lại, bởi đòi hỏi chính đáng từ nhân dân về một bộ máy trong sạch, vững mạnh, về một đất nước công bằng, dân chủ. Và quyết tâm ấy cũng là thể hiện cố gắng của Đảng ta - Đảng của dân, do dân, vì dân - trong việc ngày càng làm sạch, làm mạnh bản thân mình, dù có phải chấp nhận những dằn vặt, đớn đau khi “trị bệnh”. Có như thế, Đảng duy nhất cầm quyền mới tiếp tục vững vàng lãnh đạo đất nước ta đạt thêm những thành tựu mới, giúp đất nước phát triển vững bền, được bạn bè quốc tế thừa nhận, vị nể, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.

“Chỉ có đội ngũ cán bộ cấp ủy đủ tiêu chuẩn mới đủ khả năng tổ chức thực hiện thật tốt đường lối của nhiệm kỳ mới. Thành trì xã hội chủ nghĩa cả hệ thống Đông Âu ai cũng tưởng rằng không bao giờ đổ mà cơ đồ đổ xuống biển sâu, có nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản là nguyên nhân công tác cán bộ, là người đứng đầu... Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, ngày 25-12-2019.

***

Công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng là để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để làm trong sạch, vững mạnh hệ thống chính trị, để góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, giúp Đảng lãnh đạo đất nước phát triển cường thịnh, vững bền, hội nhập tự tin, khẳng định vị thế của đất nước với bạn bè thế giới. Khi kiên quyết xử lý các cán bộ sai phạm, dù ở bất kỳ cấp nào, khi công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt kết quả, đó cũng là một trong những phương cách làm triệt tiêu sự chống phá điên cuồng, hằn học, ác ý của các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị, bất mãn, hận thù...

Kỳ cuối: “Đúng vai, thuộc bài” và những “cánh cửa” mở ra

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định rằng, “đúng vai, thuộc bài” thì ít va vấp. Đó cũng là biểu hiện sinh động của việc làm tốt công tác cán bộ, để mỗi người đều làm tốt việc của mình, thượng tôn pháp luật. Và khi mỗi cán bộ đều “đúng vai, thuộc bài”, nhiều “cánh cửa” hy vọng, tươi sáng sẽ mở ra, trên nhiều lĩnh vực...

Để ít xảy ra va vấp

Ảnh minh họa

 

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương triển khai nhiệm vụ năm 2020 tổ chức sáng 30-12-2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phân tích, nhấn mạnh rằng: Đúng vai tức là đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng việc làm, đúng vị trí. Việc gì đáng làm, việc gì người khác làm, đừng làm việc của người khác, việc của mình thì bỏ. Thuộc bài là nắm vững chức năng, nhiệm vụ, luật pháp, cơ chế, chính sách, hiểu biết. Bất cứ cương vị nào cứ làm đúng vai, thuộc bài thì ít xảy ra va vấp... Câu khái quát, đúc kết dễ nhớ, dễ hiểu “đúng vai, thuộc bài” sau đó được lan tỏa rộng rãi, trở thành câu trích dẫn của nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp trong những diễn văn, phát biểu, chỉ đạo điều hành công việc.

Về đúng vai, trong thực tế nếu như làm đúng việc của mình, cả theo nghĩa là chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, cũng như làm đúng luật pháp là điều hiển nhiên, ai cũng phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc. Thế nhưng, ở nhiều nơi, nhiều khi vẫn diễn ra những bất cập, khá phổ biến là trường hợp nhiều người thường không chú tâm vào công việc được giao nhưng lại rất hay “để ý” việc của người khác, thậm chí cản trở, ngăn cản người khác làm việc hiệu quả. Bên cạnh đó, không ít trường hợp nhìn người khác rồi làm theo, nhưng lại theo chiều hướng không tích cực, làm việc qua loa, đại khái cho xong... Tinh thần làm việc thiếu trách nhiệm, nhiệt tình, thờ ơ nên chất lượng công việc kém, hiệu quả không cao. Đã thế, những người làm việc tích cực lại không được khích lệ, động viên kịp thời, đúng lúc, có thể gây tâm lý hoài nghi, cảnh giác, mất đoàn kết nội bộ, chia rẽ bè phái trong tập thể...

Trong thực tế, không ít cán bộ không làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, trình độ không ngang tầm nhiệm vụ nên thiếu tự tin, thiếu bản lĩnh, thậm chí còn dò xét cấp dưới, nhất là những người có ý kiến trái chiều với mình, ưa thích những người biết điều, ngọt nhạt, nịnh nọt, bợ đỡ... nên không công tâm, khách quan trong đánh giá nhân viên. Cũng vì thiếu tự tin, “mặc áo quá rộng” nên cán bộ không quyết đoán, không dám đột phá đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ mong cầu sự yên ổn... Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lề lối, môi trường, hiệu quả làm việc của cả tập thể trong cơ quan, đơn vị.

Về thuộc bài, không ít trường hợp cán bộ chưa thuộc bài, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về mặt khách quan, do công tác cán bộ không được triển khai đúng pháp luật, chưa trung thực, khách quan, công tâm nên vẫn không ít trường hợp bổ nhiệm kiểu “chín ép”, “thần tốc”, cố tình bỏ qua những quy định pháp luật. Có những cán bộ không nắm vững chức năng, nhiệm vụ, luật pháp, cơ chế, chính sách. Có những cán bộ trình độ không ngang tầm nhiệm vụ gây trì trệ, ì ạch, rối loạn cả bộ máy... Về mặt chủ quan, nhiều người dù thiếu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tư cách đạo đức không trong sáng, không đủ 3T (tâm - tầm - tài) nhưng vẫn tìm mọi cách để chạy chọt, lo lót làm sao để được thăng quan, tiến chức.

Rõ ràng, không có con số thống kê chính xác, không thể ước đoán được số lượng cụ thể những cán bộ không được bố trí sắp xếp, làm việc đúng vai, thuộc bài. Nhưng chắc chắn, điều này không phải hiếm hoi, cá biệt. Cứ nhìn vào những vụ việc cán bộ tham nhũng, lãng phí, kéo bè kéo cánh, trù dập người tố cáo tham nhũng... mà báo chí phát hiện, thông tin trong suốt thời gian qua có thể dễ dàng kiểm chứng. Và để ít xảy ra va vấp, vi phạm pháp luật, vướng vòng lao lý, chỉ có thực hiện đúng những gì Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khái quát: Làm đúng vai, thuộc bài!

Những “cánh cửa” mở ra

Cả về mặt lý luận và thực tiễn đều chứng minh rằng, nếu làm tốt công tác cán bộ, nói giản dị là khi cán bộ làm đúng vai, thuộc bài thì sẽ không có va vấp, không gây ra những hệ lụy tiêu cực, những hậu quả đáng tiếc. Nói cách khác, nếu vấn đề nhân sự được thực hiện một cách khách quan, công tâm, khoa học, đúng người, đúng việc, đúng tầm chiến lược thì sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực, hoặc ví von hình ảnh là nhiều “cánh cửa” sẽ được mở ra, giúp cá nhân, tập thể bước tới những cái đích đặt ra như kỳ vọng. Việc làm tốt công tác cán bộ cũng như quá trình “đánh chìa khóa” để mở ra nhiều “cánh cửa”, hay việc bắn một mũi tên trúng nhiều đích. Những “cánh cửa” ấy, có thể bước đầu hình dung như sau:

- Thứ nhất, làm tốt công tác cán bộ cũng là thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Đó cũng là việc triển khai thiết thực Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Có như thế, cán bộ mới thực sự là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ đúng là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

- Thứ hai, làm tốt công tác cán bộ sẽ góp phần ngày càng hoàn thiện những quy định, chính sách pháp luật về công tác cán bộ, để cán bộ thực sự là cái gốc, là nhân tố, là khâu then chốt quyết định sự thành công của mọi công việc, để hiện thực hóa Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. Có như vậy, mọi “dây chuyền” của tất cả các “bộ máy” đều vận hành trơn tru, hiệu quả chứ không trục trặc, tê liệt. Và khi ấy, cán bộ sẽ thực sự là những “đầu tàu”, là thủ lĩnh thực sự uy tín, công tâm, đáng kính của đơn vị đủ sức chèo lái con tàu đi đến bến bờ đã định. Làm tốt công tác cán bộ, vì thế, chính là giải pháp quan trọng để xây dựng bộ máy nhà nước vững mạnh.

- Thứ ba, làm tốt công tác cán bộ cũng chính là công việc quan trọng để “xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”, đúng như quan điểm của Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Làm tốt công tác cán bộ sẽ là bước quan trọng, quyết định đến việc xây dựng được đội ngũ cán bộ chất lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống lành mạnh, “vừa hồng, vừa chuyên” đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Đồng thời, đó cũng là triển khai thực hiện quá trình “kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài” (Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII).

- Thứ tư, làm tốt công tác cán bộ sẽ góp phần chặn đứng tình trạng tham nhũng, lãng phí, những tiêu cực, khuất tất, những mất đoàn kết nội bộ, rối ren, bất công... trong xã hội. Khi ấy, mọi cán bộ đều được đặt đúng vị trí, đúng khả năng, trình độ của mình và việc sử dụng cán bộ thực sự như cổ nhân dạy rằng “dụng nhân như dụng mộc”. Và khi việc sử dụng người cũng tuân theo nguyên tắc của người thợ mộc chọn gỗ làm đồ thì sẽ không có sự bố trí cán bộ “lệch vai”, trái sở trường, không có việc tiêu cực, “chạy chức, chạy quyền”, “lợi ích nhóm”... dẫn đến những sai lầm gây hậu quả đáng tiếc, thậm chí với cá nhân cán bộ thì “thân bại, danh liệt”, với tập thể thì suy yếu, mất cán bộ, với xã hội thì suy giảm lòng tin, giảm sút ý chí phấn đấu, cống hiến...

- Thứ năm, làm tốt công tác cán bộ sẽ tạo ra môi trường làm việc lý tưởng, chuyên nghiệp, mọi cá nhân đều được đối xử bình đẳng, kích thích sự hăng say lao động, làm việc, tư duy đổi mới, đột phá, vì tập thể, dám nghĩ dám làm. Thực tế, con người chính là tài sản quý nhất của mỗi đơn vị, là nền tảng cơ bản để đơn vị xây dựng, phát triển. Khi tạo được môi trường làm việc lý tưởng, mọi người đều được tạo cơ hội phát triển một cách toàn diện, với trách nhiệm cũng như quyền lợi, việc khen thưởng, xử phạt được quy định rõ ràng, nhờ đó mỗi người đều toàn tâm toàn ý ra sức cống hiến cho đơn vị. Cũng vì thế, các chế độ, chính sách, việc chăm sóc, đãi ngộ sẽ được quan tâm hơn, trong đó có cả chế độ thăng tiến trong công việc, để triệt tiêu việc “chạy chức, chạy quyền”. Mặt khác, khi tạo được môi trường làm việc lý tưởng, từng thành viên trong tập thể cảm thấy thân thiện, có sự tin tưởng lẫn nhau, yêu thương, gắn bó với nhau, tạo ra sự đoàn kết chung sức đồng lòng giúp tập thể phát triển nhanh, mạnh, vững bền. Từ những hạt nhân, tế bào mạnh, từ những “dây chuyền”, “bộ máy” hoạt động hiệu quả, phát triển tăng trưởng chắc chắn sẽ góp phần quan trọng giúp xã hội mạnh hơn, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Ngày 27-12-2019, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành nội vụ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, công bằng, công minh trong công tác cán bộ cũng là động lực để xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi, có phẩm chất, năng lực, trình độ và có động lực để cống hiến. Nếu để mảnh đất tiêu cực phát triển thì cán bộ tốt cũng thành xấu. Điều này còn làm thui chột và dập tắt ngọn lửa cống hiến của cán bộ tốt. “Nếu công tác cán bộ không công khai minh bạch, lại vây cánh cục bộ, rồi chạy tuổi, chạy chức, chạy bằng cấp, thì sẽ làm thui chột động lực phấn đấu của những cán bộ giỏi, trung thực và sẽ là điều kiện để những cán bộ cơ hội phát triển trong đội ngũ chúng ta”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.


Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất