Tác phẩm đoạt giải

Đổi thay trên một vùng biên

Đ/c Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và đ/c Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao Giải C cho các tác giả, nhóm tác giả

Kỳ 1: Từ một khởi đầu đúng hướng

Đưa dân ra biên giới và ra đảo sinh sống, lập nghiệp là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm “an dân giữ đất”, xây dựng “thế trận lòng dân”, chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đối với Tây Ninh, chủ trương này đã và đang được tỉnh hiện thực hoá với phương châm phát triển kinh tế đi đôi với củng cố quốc phòng, an ninh.

Hơn 10 năm trước, Tây Ninh bắt tay vào thực hiện Đề án “Bố trí, sắp xếp, ổn định 3 khu dân cư biên giới Bắc Tây Ninh” giai đoạn 2008-2019 (gọi tắt là Đề án 407). Từ Đề án này đã ra đời một khu dân cư (KDC) biên giới mới- KDC Chàng Riệc ở ấp Tân Khai, xã Tân Lập, huyện Tân Biên- nơi trước đó chỉ là một vùng biên giới hoang tàn sau chiến tranh.

ƯU TIÊN HỘ NGHÈO, THIẾU ĐẤT

Tây Ninh có đường biên giới dài hơn 240km, tiếp giáp vương quốc Campuchia, là địa phương có địa chính trị đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tây Ninh tiếp tục hứng chịu sự tàn phá của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam do bè lũ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary gây ra. Trong ký ức của nhiều người, biên giới Tây Ninh lúc bấy giờ còn hoang vu lắm! Khắp nơi là hố bom mìn, dân cư rất thưa thớt. Bước vào giai đoạn khôi phục và xây dựng sau chiến tranh, các lực lượng vũ trang đã rà phá hàng trăm ngàn bom mìn các loại ở khu vực biên giới. Tỉnh tập trung xây dựng các chốt dân quân nằm xen kẽ các đồn biên phòng và các cụm dân cư biên giới.

Đề án 407 đề ra mục tiêu xây dựng 3 KDC biên giới gồm: Chàng Riệc ở xã Tân Lập (huyện Tân Biên), Ngã ba Xe Cháy ở xã Tân Hà và Cầu Sài Gòn 2 ở xã Tân Hoà (đều thuộc huyện Tân Châu). Đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo không có đất sản xuất, khó khăn về nhà ở, có lao động trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp; có nguyện vọng đến khu dân cư biên giới, trong đó ưu tiên các hộ có nhiều nhân khẩu, thực sự khó khăn trên địa bàn huyện Tân Biên, Tân Châu và một số địa phương khác trong tỉnh.

KDC Chàng Riệc được thực hiện qua 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (2008-2016) hình thành, cấp 300 căn nhà; giai đoạn 2 (2017-2019) xây dựng 75 căn nhà. Mỗi hộ dân đến sinh sống tại KDC biên giới này được cấp một căn nhà 42m2, đất ở 1.000m2 và đất sản xuất 1 ha. Hai KDC Ngã ba Xe Cháy và Cầu Sài Gòn 2 do nằm biệt lập trong rừng tự nhiên, điều kiện khó khăn, đòi hỏi chi phí đầu tư cao, tỉnh đã quyết định dừng thực hiện nhằm bảo đảm hiệu quả thực chất của Đề án.

CUỘC ĐỜI MỚI TRÊN QUÊ HƯƠNG MỚI

Ông Thành Từ Dũ- Bí thư Huyện uỷ Tân Biên cho biết: “Tân Biên là huyện có đường biên dài nhất trong 5 địa phương biên giới của tỉnh. Vấn đề lớn nhất của Tân Biên cũng chính là vấn đề biên giới. Khi tỉnh thực hiện Đề án 407, một trong những nhánh của Đề án là xây dựng KDC biên giới Chàng Riệc thuộc ấp Tân Khai, xã Tân Lập. Đề án này đã mang lại những lợi ích rất lớn cho tỉnh nói chung, huyện Tân Biên nói riêng. Trên vùng đất biên giới hoang sơ năm xưa từng hai lần được chọn làm nơi đứng chân của Trung ương Cục miền Nam- cơ quan đầu não lãnh đạo cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn, nay đã hiện diện một KDC biên giới khá trù phú, đầy đủ cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh và đã thành lập được tổ chức cơ sở Đảng”.

 

Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ- nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tiến độ thi công Khu dân cư Chàng Riệc ngày 27.12.2011. Ảnh: Đặng Hoàng Thái

Theo Bí thư Thành Từ Dũ, thời gian tới, Tân Biên sẽ chú trọng phát triển Đảng và phát triển kinh tế - xã hội ở ấp Tân Khai; tiếp tục thực hiện những phần việc còn lại của Đề án 407 sau khi đã tổng kết, khắc phục những mặt hạn chế, tồn tại để phát triển KDC biên giới tốt hơn, đồng thời giữ vững mối quan hệ tốt đẹp giữa tỉnh Tây Ninh với các tỉnh bạn Campuchia.

Sau gần 10 năm, diện mạo KDC Chàng Riệc bây giờ hoàn toàn khác so với những ngày đầu nắng chan với nắng. Cây xanh phủ khắp nơi, đường bê tông sạch sẽ, trường học khang trang, nhiều gia đình có điều kiện xây dựng, sửa sang nhà cửa, sắm sửa ti vi, máy lạnh, xe máy, ô tô... Nhiều cửa hàng tạp hoá, quán tiệm... mọc lên, phục vụ nhu cầu đời sống và giải trí của người dân trên địa bàn. Ấp không còn hộ nghèo theo chuẩn Trung ương. Nhiều hộ vươn lên khá giả nhờ trồng mía, mì, điều, các loại cây ăn trái và buôn bán qua cửa khẩu Chàng Riệc.

Dẫn chúng tôi ra thăm vườn tiêu của gia đình, ông Nguyễn Văn Chum (56 tuổi, dân tộc Khmer) cho biết: “Ban đầu mới lên đây cũng rất khó khăn nhưng cả gia đình tôi động viên nhau cố gắng chăm chỉ làm lụng. Gầy dựng dần dần rồi cũng được cái vườn trồng tiêu như bây giờ. Đây là tài sản để lại cho con cháu sau này”.

Ông Chum chia sẻ thêm, đất ở đây toàn sỏi đỏ, thoát nước rất tốt, phù hợp với cây tiêu, ít khi bị sâu bệnh. Do không có vốn, gia đình ông chọn cách đầu tư dần dần, mỗi năm trồng thêm một ít và tự bỏ công đào giếng trong 3 năm. Sau 8 năm, từ 300 gốc tiêu ban đầu, đến nay vườn tiêu của ông Chum đã phủ kín 1 ha với 1.700 gốc tiêu đang độ cho thu hoạch. “Giàu có thì chưa thấy, nhưng cuộc sống nay đã ổn hơn trước nhiều. Dân lên đây ai cũng như ai, đều được Nhà nước cấp đất, cấp nhà, chỉ cần siêng năng, chịu khó bám đất bám làng thì không sợ nghèo đói. Tự bản thân tôi cũng có chút tự hào vì từ hai bàn tay trắng vươn lên, gây dựng cơ ngơi, cùng bà con ở đây làm ăn, phát triển vùng biên giới mới này”- ông Chum nói.

Định hướng cho sự phát triển của ấp Tân Khai, Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Tân Lập nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: Tiếp tục quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư cho ấp, tạo điều kiện để nhân dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. “Hạn chế ở Tân Khai là đất khô cằn, mùa nắng thiếu nước tưới cho cây trồng. Sắp tới đây, xã sẽ đề xuất, kêu gọi đầu tư hệ thống cấp nước để bảo đảm nguồn nước cho bà con sản xuất nông nghiệp. Đối với giáo dục, sau này dân cư đông hơn, xã cũng sẽ sử dụng các nguồn tài trợ xây dựng mở rộng các trường học cho khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của con em ấp biên giới”- Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Tân Lập Đồng Thanh Tùng cho biết.

YÊU TRẺ, YÊU CẢ NƠI NÀY

Từ khi KDC biên giới Chàng Riệc được xây dựng, hệ thống cơ sở giáo dục ở ấp Tân Khai cũng bắt đầu hình thành, phát triển. Bà Nguyễn Thị Thu Yên- Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Biên (Phòng GD&ĐT) thông tin: “Trước năm 2017, ở đây chỉ có những điểm trường của hệ thống giáo dục huyện Tân Biên. Từ năm 2017, thực hiện chủ trương sắp xếp hệ thống cơ sở giáo dục công lập, Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND huyện thành lập Trường mầm non Tân Khai, Trường tiểu học Tân Khai và một điểm phụ của Trường THCS Tân Lập”. Những năm qua, Phòng đã tham mưu huyện đầu tư mọi mặt nhằm nâng cao chất lượng dạy và học cho thầy, trò trên vùng đất biên giới này. Các trường học ở ấp Tân Khai đều đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng tiêu chí xã nông thôn mới. Hằng năm, các đơn vị trường học trên địa bàn được bổ sung sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư thêm trang thiết bị dạy học. Riêng 3 năm trở lại đây, Tân Biên ưu tiên tuyển dụng đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học tăng cường cho vùng biên giới và đã tuyển được 5 giáo viên tiểu học, 6 giáo viên mầm non bổ sung cho các đơn vị trường thuộc khu vực này.

Cô và trò trường Mầm non Tân Khai

Cô Bùi Thị Thương- Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Khai cho biết: “Năm học 2020-2021, trường có 72 học sinh của 4 nhóm lớp từ độ tuổi nhà trẻ đến lớp Lá. Đến nay, nhà trường có tổng số 13 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó đã bố trí đủ 2 giáo viên/lớp theo quy định. Trường cũng tổ chức ăn bán trú cho học sinh, tạo điều kiện để các bậc phụ huynh yên tâm gửi con đi làm”.

Một trong những khó khăn của đội ngũ giáo viên hai trường học trên địa bàn ấp Tân Khai là vấn đề đi lại. Ngày mưa cũng như ngày nắng, cán bộ, giáo viên ở đây phải vượt quãng đường từ 60-80km/ngày. “An cư mới lạc nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho giáo viên yên tâm công tác, Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND huyện, Sở GD&ĐT bố trí nhà công vụ, sắp xếp nơi ăn ở cho giáo viên ở xa. Có chỗ ở khang trang, sạch sẽ, thầy cô mới yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao” - Trưởng phòng GD&ĐT cho biết thêm.

Yêu nghề mến trẻ, lại được địa phương quan tâm, tạo điều kiện, cán bộ giáo viên các trường học ở ấp Tân Khai nhiều năm qua luôn vượt khó, cần mẫn đi gieo con chữ cho đàn em nhỏ trên vùng biên giới. Nhiều người đã lập gia đình và “bám rễ” nơi đây. Một trong số đó là cô giáo Phạm Thị Thuỷ (quê ở huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá) - Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Khai. Cô chia sẻ: “Sau khi vượt qua kỳ thi tuyển và nhận quyết định công tác tại Trường tiểu học Tân Lập, điểm trường Tân Khai từ tháng 10.2013, tôi chưa hình dung nơi đây như thế nào. Đặt chân lên đây mới thấy KDC biên giới còn rất hoang sơ, tôi và một số đồng nghiệp được nhà trường, địa phương tạo điều kiện cho mượn căn nhà G30 ở tổ 12 ấp Tân Khai làm nơi ở. Ban đầu cũng hơi sợ, cứ đi dạy về lại đóng bít cửa vì KDC bấy giờ còn hoang vắng quá, xung quanh chỉ toàn cỏ. Lúc ấy tôi rất buồn và nhớ nhà. Nhưng khi vào công tác, thấy học sinh đa số là người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh rất khó khăn, các em cũng rất ngoan nên lại... thấy thương. Rồi ngày càng có tình cảm sâu đậm hơn, tôi đã gắn bó với ngôi trường được 7 năm và coi vùng đất này là quê hương thứ hai của mình”.

Kỳ 2: Biên giới lòng dân

Cuộc sống của người dân nơi biên giới càng ổn định, sung túc thì công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia ở vùng “phên giậu” càng phát huy hiệu quả. Sau Đề án 407, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và tỉnh Tây Ninh tiếp tục triển khai Đề án “Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới trên địa bàn Quân khu giai đoạn 2019-2025” (gọi tắt là Đề án 811). Đó chính là những biểu hiện sinh động về việc tập hợp sức mạnh đoàn kết toàn dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

NHỮNG ÂM THANH, SẮC MÀU TƯƠI MỚI

Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới (DQBG) Bàu Năng nằm trong khuôn viên Cụm dân cư ấp Phước Tây, xã Long Phước, huyện Bến Cầu, bám sát tuyến đường tuần tra biên giới. Vùng này trước kia chỉ là một khu đất hoang sơ, xung quanh toàn đồng ruộng.

Năm căn nhà cấp 4 đầu tiên được xây dựng hoàn thiện, tường gạch kiên cố, mái lợp tôn, nền gạch sạch sẽ vừa được bàn giao cho dân quân thường trực, quân nhân dự bị xã Long Phước từ cuối tháng 3.2020. Mỗi căn rộng 66m2, gồm một phòng khách, hai phòng ngủ, một bếp, một nhà vệ sinh cùng hệ thống điện, nước sinh hoạt. Kinh phí xây dựng 127 triệu đồng/căn (Quân khu hỗ trợ 90 triệu đồng, UBND tỉnh hỗ trợ 37 triệu đồng). Ngoài ra, Công ty cổ phần xi măng Fico hỗ trợ 500 bao xi măng, phần chi phí xây dựng còn lại do gia đình tự đối ứng.

Những ngôi nhà mới trên vùng biên giới heo hút nay vang rộn tiếng cười trẻ nhỏ, tiếng người lớn í ới gọi nhau đi làm mỗi sáng và cả tiếng đàn gà lục cục kiếm ăn… Những âm thanh cuộc sống quen thuộc ấy đã tiếp thêm sinh khí cho vùng quê mới, đem lại niềm vui cho các chiến sĩ dân quân, quân nhân dự bị nơi đây, giúp họ thêm yên tâm công tác. Hơn 6 tháng sau khi vào nhà mới, nhiều hộ gia đình trẻ đã bỏ công chăm chút thêm cho mái ấm của mình. Có hộ cơi nới thêm phòng ở hoặc đầu tư lắp mái tôn che mát khoảng sân; có hộ dựng chuồng trại để chăn nuôi gia súc. Phần đất trống phía trước và sau mỗi nhà nay cũng đã xanh ngát các loại rau dền, rau lang, mướp, mồng tơi, đậu bắp v.v... Trước mỗi căn nhà đều có treo cờ Tổ quốc.

“Không còn phải trả tiền thuê nhà trọ hằng tháng, sống cuộc đời rày đây mai đó, vợ chồng em nay đã dành dụm được một khoản tiền để lo cho con cái sau này. Có nhà, cuộc sống mới ổn định, tuy không ít vất vả nhưng em cảm thấy hạnh phúc!” - vừa hái rau lang trước nhà, chị Lê Thị Ý Nhi - vợ của anh dân quân Tạ Văn Tiến vừa trò chuyện với chúng tôi về cuộc sống của họ. Cưới nhau 10 năm, cũng chừng đó năm họ phải ở nhà trọ. “Tài sản” quý giá nhất của đôi vợ chồng chính là đứa con trai mới hơn hai tuổi. Gần một năm trước, khi hay tin anh Tiến được ưu tiên xét chọn cấp nhà ở cụm dân cư ấp Phước Tây, anh chị mừng không tả. Ngày về nhà mới, gia tài mang theo của hai vợ chồng chỉ có mấy bộ quần áo cũ, vài món vật dụng mà họ chắt chiu mua sắm khi còn ở trọ. “Nhà mới tuy xa nhưng vui lắm! Vợ chồng em sẽ cố trụ tại đây, phấn đấu làm việc chăm chỉ để cuộc sống ngày càng tốt hơn”- chị Ý Nhi nói.

Dân quân thường trực tại Cụm dân cư ấp Phước Tây (thuộc Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới Bàu Năng) treo cờ Tổ quốc

Năm gia đình - năm hoàn cảnh, nhưng tất cả đều có cùng một ước vọng an cư lạc nghiệp, quyết tâm bám đất, góp sức giữ gìn biên giới. Đối với họ, biên giới giờ đây không còn là một vùng hẻo lánh, xa xôi, heo hút nào đó, mà đã là hiện thực gắn bó mỗi ngày. Chị Ý Nhi chia sẻ thêm: “Hằng ngày, chị em hàng xóm ở đây đều bận đi làm xí nghiệp. Chiều tối về các gia đình lại quây quần trò chuyện với nhau. Riêng em ở nhà không nề hà việc gì, vừa chăm con nhỏ vừa nuôi gà, trồng rau, ai thuê gì làm nấy để kiếm thêm cá mắm cho gia đình. Đợi bé con cứng cáp đi nhà trẻ được, em sẽ xin vào xí nghiệp làm để có thu nhập ổn định hơn”.

HÔM NAY ĐÃ KHÁC

Nằm trên địa bàn xã có hơn 9km đường biên tiếp giáp Campuchia, chốt DQBG Bàu Năng luôn có lực lượng thường trực 24/24, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với Đồn Biên phòng Long Phước trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới. Năm 2019, chốt được đầu tư xây dựng trụ sở mới khang trang. Lực lượng dân quân ở đây ngoài hưởng các chế độ, chính sách theo quy định, còn được huyện Bến Cầu hỗ trợ tiền ăn 25.000 đồng/người/ngày. UBND xã Long Phước cũng cấp 0,3 ha đất công để anh em dân quân tăng gia sản xuất.

Khi Đề án 811 được triển khai, điểm dân cư liền kề chốt DQBG Bàu Năng được Ban CHQS huyện Bến Cầu tham mưu địa phương đưa vào dự án Cụm dân cư ấp Phước Tây (gồm 45 hộ) nằm trên khu đất công rộng 5 ha, cách chốt khoảng 1km. Ông Hồ Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Long Phước cho biết: “Cụm dân cư ấp Phước Tây đã san lấp mặt bằng, xây tường bao, phân chia 45 nền, mỗi nền 400m2. Hệ thống đường, điện được xây dựng từ nguồn vốn do UBND Thành phố Hà Nội trợ giúp”. Theo ông Hải, ngoài 5 nền đã xây dựng 5 căn nhà ở theo Đề án 811, 40 nền còn lại đang chờ rà soát đối tượng thụ hưởng để tiếp tục xây dựng cụm dân cư theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Hiện địa phương đang xem xét 16 trường hợp khó khăn về nhà ở trên địa bàn xã, đồng thời kiến nghị lên cấp trên cho mở rộng đối tượng ra các xã lân cận; xem xét các hộ cận nghèo, người di cư để sớm bố trí cho đủ 45 hộ tại cụm dân cư ấp Phước Tây trong thời gian tới.

Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới Cầu Ván (Tân Lập, Tân Biên) đang hoàn thiện, sẽ bàn giao trong tháng 10.2020

Cũng theo ông Hải, cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội địa phương đã vận động mạnh thường quân ưu tiên các nguồn vốn hỗ trợ, thực hiện mô hình nuôi bò xoay vòng giúp các hộ dân đầu tiên ở cụm dân cư ấp Phước Tây phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, xã cũng tạo điều kiện cho các hộ vay vốn sản xuất từ Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm ổn định cuộc sống.

Ở ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, điểm dân cư liền kề chốt DQBG Cầu Ván cũng đang trong giai đoạn hoàn thành. Dưới cái nắng nung người, tốp thợ đang gấp rút hoàn thiện các công đoạn sơn cửa sổ, quét vôi, lắp cửa cái, đi đường điện sinh hoạt… Đối diện điểm dân cư là chốt dân quân Cầu Ván thuộc Ban CHQS xã Tân Lập cũng đang được xây mới, dự kiến hoàn thành trong năm 2020.

“PHÊN GIẬU” VỮNG VÀNG TỪ “THẾ TRẬN LÒNG DÂN”

Điểm dân cư liền kề chốt DQBG Bàu Năng và Cầu Ván là hai trong số 21 điểm dân cư đã và đang được xây dựng trên tuyến biên giới Tây Ninh theo Đề án 811. Đây là bước hiện thực hoá Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”, thể hiện “Ý Đảng hợp lòng dân”.

Những năm 90 của thế kỷ trước, để bảo đảm an ninh trên tuyến biên giới, giúp người dân biên giới yên tâm làm ăn, sản xuất, từ đề xuất của Bộ CHQS tỉnh, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã cho chủ trương xây dựng các chốt dân quân trên tuyến biên giới. Các chốt Đập Đá (huyện Tân Biên), Bàu Năng, Cây Me (huyện Bến Cầu) là những chốt DQBG đầu tiên được hình thành.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 32 chốt dân quân dọc 240km đường biên giới nằm xen kẽ 15 đồn biên phòng, tạo nên thế trận liên hoàn, chung sức xây dựng tuyến phòng thủ vững chắc. 11 chốt dân quân được xây dựng gần KDC đã có cuộc sống ổn định. 21 chốt còn lại nằm xa KDC, do địa hình phức tạp, điều kiện sinh hoạt và các yếu tố bảo đảm cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu còn gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình này, Đề án xây dựng điểm dân cư liền kề chốt DQBG trên địa bàn Quân khu được triển khai ở 3 tỉnh Long An, Bình Phước và Tây Ninh. Tính đến tháng 9.2020, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã có 4 điểm dân cư liền kề chốt DQBG gồm: Bến Cừ (xã Ninh Điền, huyện Châu Thành), Mít Mọi (xã Tân Đông, huyện Tân Châu), Bàu Năng (xã Long Phước, huyện Bến Cầu), Bàu Sen (xã Tân Hà, huyện Tân Châu). Mỗi điểm dân cư xây dựng năm căn nhà cấp 4, diện tích 66m2/căn cấp cho 5 hộ chiến sĩ dân quân thường trực, quân nhân dự bị, sĩ quan thường trực có hoàn cảnh khó khăn, chưa có nhà ở và đất sản xuất, tự nguyện lên biên giới sinh sống. Mỗi hộ được giao 10.500m2 đất (bao gồm 500m2 đất ở, 10.000m2 đất sản xuất). Riêng hai điểm dân cư Cầu Ván và Thành Nam (xã Thành Long, huyện Châu Thành) sẽ được bàn giao trong tháng 10.2020, ngoài nhà và đất theo Đề án, mỗi hộ còn được tặng một con bò cái để chăn nuôi.

Đánh giá kết quả giai đoạn 1 thực hiện Đề án “Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới trên địa bàn Quân khu, giai đoạn 2019- 2025”, ông Dương Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói: đây là chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Tây Ninh, với tầm nhìn chiến lược bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, phát huy vai trò to lớn của nhân dân trong giữ gìn đường biên, mốc giới, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, biên mậu để phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.

Giai đoạn 2 của Đề án, theo chỉ đạo của tỉnh, các địa phương còn phải quan tâm đầu tư, hỗ trợ người dân tại các điểm dân cư liền kề chốt dân quân có điều kiện phát triển kinh tế, để bà con vùng biên yên tâm bám trụ lâu dài.

Tương lai không xa, trên vùng đất “phên giậu” tỉnh nhà sẽ mọc lên những cụm dân cư đông đúc, củng cố vững chắc “thế trận lòng dân”, tăng cường mối quan hệ gắn kết giữa người dân và các lực lượng phòng thủ khác trên địa bàn, tạo nên sức mạnh tổng hợp giữ gìn sự bình yên nơi biên cương Tổ quốc.

Kỳ 3: Có khu dân cư là có cơ sở Đảng

Có thể nói, Khu dân cư Chàng Riệc đã đóng góp không ít công sức để xã Tân Lập hoàn thành các tiêu chí cần thiết và được công nhận là xã nông thôn mới.

Xây dựng và không ngừng củng cố tổ chức Đảng ngay từ cơ sở, tạo sự nhất quán trong lãnh đạo để đưa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống là quan điểm chung của các cấp uỷ địa phương. Với địa bàn biên giới, khó khăn, đặc thù, điều đó càng đặc biệt có ý nghĩa. Tân Khai là một trong các ấp biên giới đã và đang thực hiện phương châm “Nơi nào có khu dân cư, nơi đó có tổ chức cơ sở Đảng”.

Không thể thiếu “đầu tàu”

Tháng 4.2012, khi cơ sở hạ tầng Khu dân cư biên giới Chàng Riệc (KDC Chàng Riệc) hoàn thiện, các hộ dân được tuyển chọn theo Đề án 407 tập trung đến đây sinh sống, lập nghiệp. Ấp Tân Khai được thành lập, Huyện uỷ Tân Biên, Đảng uỷ xã Tân Lập kịp thời chuẩn bị nhân lực cho Ban Quản lý, Chi bộ KDC cùng các tổ chức đoàn thể của ấp- những thành phần làm nên lực lượng “đầu tàu” để sớm đưa mọi hoạt động ở ấp đi vào guồng, vào nếp.

Bí thư Chi bộ ấp Tân Khai Nguyễn Mạnh Tường là một trong 4 đảng viên đầu tiên được chọn lên KDC Chàng Riệc, làm nòng cốt thành lập “bộ khung” của ấp Tân Khai. Ông đã đưa cả gia đình cùng đến vùng đất mới. Ba đảng viên khác gồm: Nguyễn Đức Thắng- Trưởng ấp Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban Công tác Mặt trận và Ngô Minh Tùng- Phó trưởng ấp kiêm ấp đội trưởng, nay chuyển sang Công an phụ trách ấp. Từ 4 đảng viên ban đầu, đến nay, Chi bộ ấp Tân Khai có 18 đảng viên. Các đảng viên của đơn vị trường học, trạm y tế, công an công tác trên địa bàn ấp cũng tham gia sinh hoạt ghép tại Chi bộ.

Ông Tường cho biết thêm: “KDC mới thành lập, nằm trên địa bàn sát biên giới Campuchia. Người dân nơi đây đều là “tứ xứ”, hầu hết là hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số. Bước đầu lên đây, đa số chỉ có hai bàn tay trắng. Mặc dù tất cả đều được Nhà nước cấp nhà, cấp đất sản xuất nhưng muốn họ trụ lại lâu dài, vai trò của chi bộ và cấp uỷ không thể xem nhẹ”.

Định kỳ hằng tháng, các cuộc họp Chi bộ ấp Tân Khai đều có cán bộ Biên phòng tham gia để nắm tình hình hoạt động của ấp và nhiệm vụ trọng tâm trong tháng tới

Để hoạt động đi vào ổn định, hệ thống chính trị của ấp từng bước được củng cố. Người mới, hoàn cảnh mới, cứ phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Người đi trước truyền kinh nghiệm cho người đi sau, rồi hướng dẫn lại cho các thành viên ban, ngành, đoàn thể ấp. Nhiệm kỳ 2020-2025, trên cơ sở Nghị quyết Đảng bộ xã Tân Lập, Chi bộ ấp Tân Khai cũng xây dựng nghị quyết cho mình để phù hợp với tình hình thực tế, phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở.

Khi quân - dân một lòng

Thực hiện Quyết định 1068-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, quy chế phối hợp giữa Huyện uỷ Tân Biên và Đảng uỷ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Đồn Biên phòng cửa khẩu Chàng Riệc đã lựa chọn, giới thiệu 5 đảng viên là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp của đồn tham gia sinh hoạt Chi bộ ấp Tân Khai. Nhờ mối gắn kết này, công tác phối hợp giữa đồn và ấp ngày càng chặt chẽ hơn. Trung tá Phạm Mạc Thuần- Chính trị viên Đồn cho biết: “Hằng tháng, khi dự sinh hoạt chi bộ ấp, đảng viên đồn biên phòng đều thông tin về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tình hình nội, ngoại biên - nhất là về những quy định có liên quan đến biên giới. Sau đó, đảng viên chi bộ ấp sẽ tiếp tục phổ biến, tuyên truyền tới nhân dân trên địa bàn ấp. Đồn cũng đã phân công 33 đảng viên phụ trách, giúp đỡ 153 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đồn Biên phòng đồng hành cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương nơi đơn vị đóng quân; luôn coi trọng mối quan hệ gắn kết máu thịt với nhân dân biên giới”.

Lực lượng chức năng ấp Tân Khai phối hợp Bộ đội Biên phòng Chàng Riệc giữ gìn cột mốc biên giới, cột mốc 111, thuộc ấp Tân Khai, xã Tân Lập, huyện Tân Biên

Ở KDC Chàng Riệc, có thể thấy sự phối hợp thường xuyên giữa Đồn Biên phòng và các lực lượng của ấp trong các hoạt động tuần tra, canh phòng biên giới cũng như tuần tra nội địa. “Mỗi tháng có 5-6 lượt tuần tra. Tham gia hoạt động này có lực lượng của Đồn cùng với lực lượng của ấp như Tuần tra nhân dân, Dân quân, Công an. Nhờ vậy, tình hình an ninh trật tự biên giới ngày càng ổn định, các vụ việc bất ổn đã giảm nhiều, nạn trộm cắp nông lâm sản nay gần như không còn”- Bí thư Chi bộ Nguyễn Mạnh Tường nói.

Giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, ấp Tân Khai là một trong những nơi được tỉnh chọn làm điểm cách ly tập trung. Cấp uỷ đã chỉ đạo các lực lượng Dân quân, Tuần tra nhân dân, Công an... phối hợp cùng các chốt biên phòng để chốt chặn, phòng dịch, ngăn ngừa các đối tượng vượt biên trái phép vào Việt Nam; vận động các hộ dân có thân nhân bên kia biên giới chấp hành nghiêm các quy định phòng dịch.

Theo Trung tá Phạm Mạc Thuần, ấp Tân Khai đã duy trì được hoạt động của các tổ dân cư tự quản đường biên, cột mốc từ nhiều năm nay. Trên đoạn biên giới dài 19,5km do Đồn Biên phòng Chàng Riệc quản lý, có 19 hộ gia đình đăng ký tự quản 11km đường biên. Nhân dân sinh sống nơi này khi phát hiện có các đối tượng xâm nhập trái phép hoặc các hiện tượng vi phạm pháp luật trên biên giới đều kịp thời báo cho lực lượng Bộ đội Biên phòng xử lý, ngăn chặn. Hiệu quả từ “Thế trận quân-dân một lòng” là điều không thể phủ nhận.

Nhất thiết phải có “nguồn”

Ông Đồng Thanh Tùng- Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Tân Lập nhận xét: “Dù còn non trẻ, nhưng Chi bộ ấp Tân Khai đã khẳng định rất rõ nét vai trò lãnh đạo, từng bước đưa KDC Chàng Riệc đi vào cuộc sống ổn định và có bước phát triển như hôm nay. Bí thư Chi bộ Nguyễn Mạnh Tường là người dày dạn kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nên có nhiều thuận lợi trong công tác xây dựng Đảng ở đây”. 3 năm gần đây, Tân Khai luôn là một trong các ấp dẫn đầu các phong trào thi đua của xã Tân Lập. Chi bộ ấp 2 năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Khu dân cư văn hoá ấp cũng đạt danh hiệu vững mạnh 3 năm liền.

Trên cơ sở quan tâm tạo nguồn, Đảng uỷ xã Tân Lập sẽ bồi dưỡng phát triển Đảng, góp phần xây dựng Chi bộ ấp Tân Khai ngày càng vững mạnh hơn. Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng uỷ xã ưu tiên tạo nguồn phát triển Đảng từ quần chúng đang công tác tại Trạm y tế xã. Bên cạnh đó, chú ý một số đối tượng nguồn trẻ, trưởng thành từ phong trào địa phương như: thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, thành viên lực lượng tuần tra nhân dân, các tổ dân cư tự quản, hội viên các chi, tổ, hội đoàn thể…

Ông Thành Từ Dũ- Bí thư Huyện uỷ Tân Biên cho rằng, việc chăm lo xây dựng chi bộ “trong sạch, vững mạnh” ở KDC Chàng Riệc là một vấn đề mà Huyện uỷ rất quan tâm. Ông nói: “Chúng tôi quyết tâm phát triển Đảng ở khu vực này trong thời gian tới. Bên cạnh đó, quan tâm phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 407 của tỉnh và sẽ làm tốt hơn sau khi sơ kết, tổng kết, khắc phục những mặt hạn chế trong thời gian qua. Đồng thời phải tiếp tục xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa bên ta với các tỉnh bạn thuộc Vương quốc Campuchia để bảo vệ bền vững đường biên giới quốc gia”.

Mục tiêu đề ra của Huyện uỷ Tân Biên là tất cả các xã biên giới trên địa bàn huyện đều phát triển Đảng với tỷ lệ cao, 100% xã biên giới đều đạt tổ chức cơ sở Đảng “Trong sạch, vững mạnh”.

Kỳ cuối: Đảng viên đi trước, dân bước theo sau

Sự nỗ lực vượt khó của mỗi đảng viên, mỗi công dân biên giới tiếp thêm hy vọng hiện thực hoá chủ trương của Đảng - “Mỗi bước phát triển kinh tế là một bước tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh”.

ĐẢNG VIÊN PHẢI TIÊN PHONG

Từ những vùng đất hoang sơ, tiếp giáp Campuchia, xung quanh là rừng, thưa người qua lại, vùng biên giới Tây Ninh đã, đang và sẽ có thêm nhiều ngôi nhà ở những khu dân cư (KDC) biên giới. Đặc biệt, khi hệ thống đường tuần tra biên giới hoàn thiện, không chỉ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh mà còn tạo thuận lợi cho đời sống dân sinh. Đó là thành quả từ chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, được cấp uỷ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Tây Ninh từng bước hiện thực hoá.

Trở lại quá trình hình thành KDC biên giới Chàng Riệc (huyện Tân Biên), những đảng viên đi đầu, nhất là các chi uỷ viên, Ban quản lý ấp Tân Khai luôn sát cánh, động viên, hướng dẫn gần 300 hộ dân phát triển sản xuất. Bởi có chỗ ở, thu nhập ổn định mới có thể “níu giữ” người dân bám trụ lâu dài.

Đảng viên Nguyễn Thị Huỳnh Hoa là một trong 4 đảng viên đầu tiên của Chi bộ ấp Tân Khai từng công tác tại Ban Tổ chức Huyện uỷ Tân Biên. Khi đưa cả gia đình lên KDC biên giới sinh sống, bà đã xác định rõ tư tưởng: “Ra biên giới là khó khăn, nhưng phải cố gắng bám trụ đến cùng. Hơn nữa, mình là đảng viên, khi đã được tổ chức tin tưởng phân công nhiệm vụ thì phải cố gắng hoàn thành”. Những ngày mới đặt chân lên đây, vì lạ lẫm, nắng nóng, đường xa và nhiều bất tiện khác, nhiều lúc các con bà cứ đòi về. “Tôi thường xuyên phải động viên con cùng cố gắng thích nghi với cuộc sống mới. Ở đâu cũng vậy, trước lạ, sau quen!”- bà Hoa chia sẻ.

Bà kể, năm 2012, KDC biên giới Chàng Riệc còn rất thưa thớt, nhà được xây theo Đề án 407 nhưng chỉ lác đác vài người ở, cây cối gần như chưa có. Khi chi bộ ấp, các tổ chức hội, đoàn thể của ấp Tân Khai lần lượt được thành lập, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, mỗi đảng viên, đoàn viên, hội viên có nhiệm vụ vận động nhân dân trồng thêm cây xanh quanh nhà, tập trung khắc phục khó khăn để phát triển sản xuất. “Muốn nói dân nghe thì bản thân mình phải gương mẫu làm trước”- bà Hoa khẳng định.

Dân quân thường trực Chốt dân quân biên giới Bàu Năng làm nhiệm vụ tuần tra

Từ 1 ha đất sản xuất được cấp theo tiêu chuẩn, những đảng viên đầu tiên như bà Huỳnh Hoa bắt tay vào việc cày ải, trồng lúa, mì, mía, điều, tiêu, các loại cây ăn trái để có thu nhập. Tranh thủ lúc nông nhàn, họ còn nhận thêm các công việc ở cửa khẩu Chàng Riệc và khu vực lân cận. Cuộc sống thời gian đầu tuy phải đắp đổi qua ngày nhưng khó khăn dần qua đi...

Đối với bà Huỳnh Hoa, dẫu cơ cực, nhưng quá trình lao động, tích luỹ dần qua từng năm giúp cuộc sống gia đình dần ổn định. Căn nhà 42m2 được cấp, bà Hoa đầu tư cơi nới rộng thêm để mở quán cà phê, sau đó cho thuê lại phụ thêm tiền trang trải sinh hoạt, đất sản xuất thì trồng mì. “Hồi đó nước tưới còn khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết, năng suất không cao nhưng bù lại rất được giá. Vụ mì đầu tiên, tôi sắm được một chiếc xe máy. Mừng lắm! Hai đứa con của tôi đều được ăn học đến nơi đến chốn, cháu lớn đang học đại học, cháu thứ hai học THPT”- bà Hoa phấn khởi.

HIỆN THỰC HOÁ CHỦ TRƯƠNG

Tính đến tháng 9.2020, tại các điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới (DQBG), có 11 đảng viên trong số các dân quân, quân nhân dự bị được lựa chọn ra biên giới sinh sống.

Đảng viên Trần Phương Nguyên- dân quân thường trực Chốt DQBG Bàu Năng (xã Long Phước, huyện Bến Cầu) cho biết, anh chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng từ năm 2017, đang sinh hoạt tại Chi bộ quân sự xã Long Phước và là đảng viên duy nhất của điểm dân cư liền kề chốt dân quân Bàu Năng.

Ông Trần Văn Út (áo xanh) trò chuyện với Bí thư Chi bộ ấp Tân Khai về việc phát triển vườn điều

Trong những ngày này, Nguyên cùng các chiến sĩ dân quân thường xuyên túc trực, tuần tra phòng, chống dịch trên tuyến biên giới thuộc địa bàn xã Long Phước. “Là đảng viên, dân quân, bản thân tôi luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình, vận động người thân trong gia đình và anh em dân quân, quân nhân dự bị cố gắng vượt khó, bám trụ biên giới để cùng nhau xây dựng điểm dân cư, góp phần bảo vệ biên giới”- Phương Nguyên nói.

Dù chưa hoàn thiện “mảng xanh” ở Cụm dân cư ấp Phước Tây, nhưng sau khi hoàn thành nhiệm vụ tuần tra biên giới, Nguyên cùng các chiến sĩ dân quân lại xắn tay áo cuốc đất, cải tạo vườn trồng rau, chăn nuôi bò, gà cải thiện cuộc sống. “Khi có đường tuần tra biên giới, nhà ở trong cụm dân cư, gần chốt nên công việc tuần tra của chúng em thuận tiện hơn. Đối với chúng em, như vậy là quá đủ”- Nguyên hồ hởi.

BIÊN GIỚI LÀ QUÊ HƯƠNG

Đi cùng Bí thư Chi bộ ấp Tân Khai Nguyễn Mạnh Tường, chúng tôi đến thăm gia đình ông Trần Văn Út (SN 1960), một trong những hộ đầu tiên đến lập nghiệp ở KDC Chàng Riệc. Ông là Việt kiều Campuchia về nước từ năm 1974, ngụ tại xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên. Năm 2012, sau khi được nhận một suất tái định cư ở KDC, gia đình ông khăn gói lên biên giới sinh sống.

Thật khó để nhận ra dáng dấp căn nhà cũ 42m2 theo Đề án 407 trước đây, vì ngôi nhà của vợ chồng ông Út giờ khang trang, rộng và đẹp hơn nhiều. Quanh nhà, cây xanh phủ bóng mát. Vài tháng trước, ông đầu tư hơn 300 triệu đồng để sửa chữa, cơi nới nhà, xây hàng rào kiên cố, bao lưới B40. Đó là cả một quá trình đầy gian truân, thử thách đối với vợ chồng ông sau 8 năm dài ở biên giới. Ông Út trầm ngâm: “Hồi mới lên, vợ chồng dắt díu theo đứa cháu ngoại 4 tuổi. Tài sản của 3 con người chỉ mỗi cái “tụng” bàng với vài bộ quần áo cũ. Không tiền, không có gì cả, nhưng chúng tôi có nhà, có đất Nhà nước cấp và mỗi người có đôi bàn tay. Chịu cực làm lụng thì sẽ có thành quả”.

Từ 1.000m2 đất ở, một căn nhà nhỏ, 1 ha đất sản xuất cùng 15 triệu đồng vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, thêm chút tiền mượn bên ngoài, ông Út trồng lúa. Được 3-4 vụ, ông thuê thêm 4,5 ha tiếp tục làm lúa, trồng mì. Nhận thấy đất biên giới hợp với cây điều, mấy năm gần đây ông chuyển sang trồng hơn 260 gốc điều, trung bình mỗi năm thu hoạch gần 2 tấn.

Ông Út nói: “Ở đây trời nắng lắm, khí hậu cũng khắc nghiệt chứ chẳng chơi. Nhưng mình cứ làm, làm rồi nó phát triển lên. Vợ chồng tôi làm bất kể ngày đêm, xịt thuốc mướn, cắt cỏ, mót mì… cái gì cũng làm. Mình trồng lúa, trồng mì, sau này trồng điều, cứ tích luỹ dần rồi cũng có, cuộc sống mới ổn định.

Ở Chàng Riệc, ngoài 13 căn được sử dụng làm nhà công vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế, chốt bảo vệ, điểm sơ sơ cũng đến hơn 20 cửa hàng tạp hoá, quán cà phê, cửa hàng kinh doanh phân bón, thuốc trừ sâu, vật liệu xây dựng… Trước mỗi căn nhà đều trồng cây xanh phủ mát và có cả vườn hoa. Những con đường đất đỏ năm xưa đều được bê tông hoá, có mương thoát nước đầy đủ; trường học, cơ sở hạ tầng cơ bản hoàn thiện. Hiện tại, KDC này có hơn 80 căn nhà chuẩn bị đón chào những công dân mới.

Gần 10 năm lên đây lập nghiệp, cuộc sống của gia đình ông Út và hàng trăm hộ khác đang khá lên từng ngày. Ông được Ban quản lý ấp giao nhiệm vụ làm tổ trưởng tổ tự quản số 1, mọi công việc đều tích cực tham gia. “Lên đây phải bám đất giữ làng. Mình được Nhà nước hỗ trợ đất ở, nhà ở thì phải cố gắng làm mới có của cải tích luỹ như người ta, chứ đừng có tư tưởng nay ở mai về. Như tui giờ cứ về dưới quê một hôm thôi là thấy nhớ trên đây”- ông Trần Văn Út tâm sự.

Đối với những đảng viên như bà Huỳnh Hoa, anh Nguyên hay ông Út, biên giới là quê hương thứ hai. Sự nỗ lực vượt khó, lạc quan của họ đã tiếp thêm hy vọng về những khu dân cư ngày một đông đúc, trù phú trên tuyến biên giới Tây Ninh. Khi rời các KDC biên giới, hình ảnh đọng lại trong chúng tôi không chỉ là nụ cười trên những gương mặt rám nắng rắn rỏi của những công dân biên giới, mà còn là hình ảnh lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trong nắng gió biên cương, không xa kia là cột mốc, đường biên giới Việt Nam - Campuchia.

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất