KỲ 5: Để Đảng ta mãi mãi được tin yêu
1. Truyền thống vẻ vang
Năm 1960, trong Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại”. Đúng vậy! Những người cộng sản Việt Nam đã dũng cảm hy sinh, chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Họ đã hành động như những con người cao thượng, đạo đức trong sáng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tự nguyện, tự giác, dâng hiến sức lực, tài năng và xương máu cho Tổ quốc, Nhân dân. Chính vì vậy Nhân dân ta đã ngợi ca Đảng là ánh sáng và niềm tin, ở đâu có đảng viên là nơi ấy có tấm gương soi…
Năm tháng qua đi, lớp bụi thời gian không thể che khuất những tượng đài bất tử biểu tượng cho tinh thần dân tộc. Sự thực có sức thuyết phục hơn muôn vạn lần lời nói. Lịch sử dân tộc trên nửa thế kỷ qua cho phép mỗi người rút ra kết luận. Chính “cơn đau vĩ đại” của lịch sử dân tộc đã làm cho dân tộc Việt Nam, tiêu biểu là những người cộng sản, biết vượt qua, biết sinh thành và tái tạo để trở thành vĩ đại. Nỗi đau dân nước ngót một trăm năm lầm than, nô lệ. Tổ quốc bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác, tình hình đen tối như không có đường ra. Biết bao hy sinh, biết bao vật vã, cả dân tộc trăn trở, kiên trì, thử nghiệm; thất bại nối tiếp thất bại, đau thương kế tiếp đau thương, nhưng lòng dũng cảm được nhân lên và “trí khôn” của dân tộc đã lên tiếng trả lời. Đảng Cộng sản Việt Nam xuất hiện như một sự tất yếu, lẽ đương nhiên của cuộc sống, là kết quả của những nỗi đau đời triền miên nhiều năm tháng của bao kiếp người.
Ngọn cờ của Đảng tập hợp, vẫy gọi, một đường lối đúng chỉ đường, một đội ngũ tiên phong dẫn dắt nhân dân ta tiến bước, lấy một cái không thay đổi - độc lập, tự do, hạnh phúc cho toàn dân - để ứng với muôn triệu đổi thay nổi chìm, kế tiếp của cuộc đời dâu bể. Nhưng để có một đường lối đúng là cả một sự nỗ lực, tìm học và nghĩ suy, chọn lọc và quyết định. Làm giàu trí tuệ của mình bằng toàn bộ di sản văn hoá tinh thần của dân tộc; bằng sự hấp thụ tinh hoa văn hoá của loài người. Học, học tất cả mọi người nhưng chẳng bị nô dịch bởi riêng ai. Hấp thụ và tiêu hoá, tất cả như phương tiện, là điều kiện để ta đích thực là ta, ta vì ta, vì con người, vì mục đích độc lập - tự do - hạnh phúc của dân ta. Ở đâu đó cái gọi là CNXH hiện thực đã sụp đổ, đã suy vong, thì với chúng ta mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, tự do, hạnh phúc, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh vẫn chẳng đổi hướng, thay màu. Và chính nó là CNXH khoa học của Hồ Chí Minh, của Đảng ta và của dân tộc Việt Nam.“Nếu nước độc lập mà dân chưa được hưởng tự do và hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Vì vậy “chúng ta cần phải biết rằng những thắng lợi mà chúng ta đã đạt được mới chỉ là bước đầu trên đường đi muôn dặm”. Hồ Chí Minh, chính Người đã viết những dòng sáng ấy.
Đảng ta là một đảng cầm quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa dặn chúng ta điều cốt tử ấy. Từ 1945 tới nay trên một nửa thế kỷ cầm quyền, nhiều khi đúng, có lúc sai, nhưng xuyên suốt vẫn là một Đảng được Nhân dân tin cậy, giao phó trọng trách chèo lái con thuyền cách mạng tiếp tục tiến lên. Để có được sự tin cậy ấy, trước hết xác định đúng con đường cần đi và cách đi để không bao giờ lạc hướng, sai đường. Vạn sự đúng sai, trước hết bắt nguồn từ đó. May mắn thay, Hồ Chí Minh đã cho ta cái “cẩm nang” vừa thần kỳ, vừa dung dị, dân dã, đời thường để Đảng làm được cái việc “trước tiên”, quyết định ấy. Đó là :
1. Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh đồng bào sung sướng.
2. Cán bộ phải hiểu biết lý luận cách mạng, và lý luận cùng thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau.
3. Khi đặt ra khẩu hiệu và chỉ thị luôn luôn phải dựa vào điều kiện thiết thực và kinh nghiệm cách mạng ở các nước, ở trong nước và địa phương.
4. Phải luôn luôn do nơi quần chúng mà kiểm soát những khẩu hiệu và chỉ thị ấy có đúng hay không.
5. Phải luôn luôn xem xét lại tất cả công tác của Đảng. Mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng. Phải đem tinh thần yêu nước và cần, kiệm, liêm, chính mà dạy bảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.
6. Mỗi công việc của Đảng phải giữ nguyên tắc và phải liên hợp chặt chẽ với dân chúng để “lãnh đạo được dân chúng”, “học được dân chúng” và “nâng cao được dân chúng. Nếu không vậy thì chẳng những không lãnh đạo được dân chúng mà cũng không học được dân chúng.
7. Mỗi công việc của Đảng phải giữ tính cách mạng của nó, lại phải “khéo dùng những cách thức thi hành cho hoạt bát”. Nếu không vậy thì không biết nắm vững cách thức tranh đấu, không biết liên hợp lợi ích ngày thường và lợi ích lâu dài của dân chúng.
8. Đảng không che giấu khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ, và để dạy bảo cán bộ và đảng viên.
9. Đảng phải chọn lựa những người rất trung thành và rất hăng hái, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo.
10. Đảng phải luôn luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hóa ra ngoài.
11. Đảng phải giữ kỷ luật rất nghiêm từ trên xuống dưới.
Kỷ luật này là tư tưởng phải nhất trí.
Kỷ luật này là do lòng tự giác của đảng viên về nhiệm vụ của họ đối với Đảng.
12. Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hoá ra là nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”(1).
Ngày nay, nhìn rộng ra thế giới, suy ngẫm kỹ về đất nước mình, Đảng và Nhân dân ta luôn tìm thấy trong “cẩm nang thần kỳ” của Hồ Chí Minh ánh sáng chỉ đường.
2. Lãnh đạo và nêu gương
Đảng giữ vai trò lãnh đạo toàn xã hội. Nhưng muốn lãnh đạo được người khác thì trước hết mình “phải làm mực thước cho người ta noi theo”. Hồ Chí Minh dặn chúng ta như thế! Mực thước tức là Đảng phải có uy tín chính trị và phải tiên phong, gương mẫu. Uy tín chính trị của Đảng do nhiều nhân tố cấu thành, chúng gắn bó hữu cơ tạo thành một hệ chuẩn mực thống nhất.
Trước hết, uy tín chính trị của một đảng tiên phong lãnh đạo cách mạng được quyết định bởi trình độ lý luận của Đảng đó. V.I.Lê-nin hoàn toàn có lý khi khẳng định rằng chỉ đảng nào có được lý luận tiên phong mới làm tròn được nhiệm vụ của đảng tiên phong. Hồ Chí Minh đã nói một cách dung dị, nhưng chính xác, bao quát được tính quyết định của lý luận tiên phong đối với toàn bộ hoạt động thực tiễn của Đảng. Người coi lý luận như là “trí khôn” của Đảng. Trí khôn ấy đạt tới đâu thì toàn bộ hành động của Đảng sẽ thành đạt tới đó, do vậy uy tín của Đảng được xác lập và được nhân dân thẩm định.“Trí khôn”- trình độ lý luận của Đảng – không thể có một cách dễ dàng, không tự nhiên mà có, cũng không chỉ giở sách ra để tìm lời giải. Hồ Chí Minh dạy: “Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét cho rõ ràng làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính”(2). Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Hồ Chí Minh đã có một lý luận chân chính như thế giữ vai trò nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, làm cho Đảng trở thành người cầm lái, người chỉ đường, dẫn lối cho hành động của Nhân dân. Trong những bước ngoặt của lịch sử, trong những thời khắc dường như “bước chân của Nhân dân” đang ngập ngừng giữa ngã ba đường, đòi hỏi “trí khôn” phải lên tiếng trả lời, phải quyết định thì khi ấy vai trò của lý luận cách mạng, của tư tưởng tiên tiến của Đảng cách mạng đi tiên phong, giữ vai trò quyết định. Sự chính xác của những quyết định ấy do có lý luận soi sáng đã xác lập uy tín chính trị của Đảng.
Thứ hai, uy tín chính trị của Đảng được quyết định bởi những nhiệm vụ chính trị, mà Đảng thực hiện. Uy tín chính trị của Đảng ta là do khả năng vận dụng lý luận một cách thông minh vào hoàn cảnh thực tiễn để định ra Cương lĩnh, chủ trương, chính sách đúng. Lý luận tiên phong, thể hiện trước hết ở Cương lĩnh chính trị của Đảng. Thiếu nó Đảng sẽ mất phương hướng, nó là ngọn cờ vẫy gọi, là khẩu hiệu kêu gọi hành động. Chủ trương, chính sách lớn tác động trực tiếp đến toàn bộ đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín chính trị của Đảng. Quần chúng thường đánh giá sự lãnh đạo của Đảng thông qua những cảm nhận trực tiếp, những chính sách và thành tựu thực tế. Uy tín chính trị của Đảng sẽ tăng lên hay giảm đi cùng với thời gian mà những chủ trương, chính sách của Đảng thể hiện trong cuộc sống. Mỗi bước tiến về kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh - quốc phòng, về quan hệ quốc tế… đem lại lợi ích cho Tổ quốc, Nhân dân sẽ củng cố uy tín của Đảng. Nói cách khác, lợi ích chính đáng của Nhân dân do chính sách của Đảng đem lại sẽ tỷ lệ thuận với uy tín chính trị của Đảng.
Thứ ba, uy tín chính trị của Đảng được quyết định từ chính bản thân mỗi đảng viên và tổ chức của Đảng. Hữu xạ tự nhiên hương. Đó là chân lý tự nhiên của cuộc đời. “Trước mắt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “Cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(3). Giữ gìn và nâng cao tư cách của một đảng chân chính cách mạng luôn luôn là vấn đề sống còn của Đảng. “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”. Cuộc đời này cần có Đảng là bởi qua kinh nghiệm bản thân, nhân dân thừa nhận chỉ có Đảng mới là người có thể đáp ứng được những yêu cầu cơ bản nhất của đất nước là: giải phóng dân tộc, Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào ấm no. Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là con đường đi tới mục tiêu đó. Đảng lãnh đạo xã hội phải đủ uy tín và năng lực thực hiện mục tiêu. Trong Đảng, do nhiều nguyên nhân khác nhau có không ít đảng viên không xứng đáng. Do vậy, Hồ Chí Minh đã dạy Đảng luôn luôn phải tự chỉnh đốn bản thân, tổ chức đảng “có trách nhiệm gột rửa cho các đồng chí đó”. Tổ chức đảng phải biết làm cho mình trong sạch, vững mạnh. Điều quan trọng nhất là danh hiệu người đảng viên, cán bộ phải được bảo vệ và chứng minh trên thực tế, không phải trên lời nói. Quần chúng quan niệm về Đảng thường là qua những đảng viên cụ thể ở nơi làm việc và khu dân cư. Do vậy, năng lực trí tuệ, khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có đạo đức, không tham ô, hủ hoá, sống trung thực với mình, với đồng chí, đồng bào, có tác phong sâu sát quần chúng, vì nhân dân phấn đấu, hy sinh, được quần chúng yêu mến, kính trọng của mỗi đảng viên là điều kiện cơ bản quyết định uy tín chính trị của Đảng.
Thứ tư, uy tín chính trị của Đảng được bảo đảm bởi Đảng biết sống trong lòng quần chúng, trước hết từ nguyên thủ quốc gia đến những cán bộ chủ chốt của Đảng biết sống giữa đời thường, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, nhọc nhằn và cả những oan trái, đau khổ của Nhân dân, có ý thức trách nhiệm, dũng cảm và kiên trì tìm cách giải quyết có hiệu quả tình trạng đó. Khi Đảng đã lãnh đạo Nhân dân giành được chính quyền thì “các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là đầy tớ của dân, nghĩa là gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ thống trị của Pháp, Nhật”(4). Dù cuộc sống còn thiếu thốn, khó khăn nhưng đa số nhân dân thấy rõ Đảng là trí tuệ, văn minh, là “quang minh chính đại”, người dân đến với Đảng là đến với chân lý và lòng nhân ái. Đó là uy tín chính trị đích thực của một đảng cách mạng chân chính, một đảng đủ khả năng đi tiên phong hướng dẫn Nhân dân trong công cuộc phấn đấu lao động, dựng xây cuộc sống mới.
3. Không ngừng phấn đấu làm cho cái thiện nở hoa, cái ác lụi tàn
Đảng không phải là một thực thể trừu tượng. Đảng cũng chẳng phải là một đấng siêu nhân, thần kỳ. Đảng ở giữa đời thường, giữa mọi người, cùng làm các chức phận con người, ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, anh, chị, em… Như tất cả mọi người, có biết bao mối quan hệ ràng buộc, chằng chịt đan xen trong cuộc đời trần thế. Chẳng có một ai - dù vĩ nhân lại hoàn toàn “thoát tục”, bởi dẫu là gì họ cũng vẫn là con người của một dân tộc, một Tổ quốc ở một thời đại nhất định. Do vậy, họ có quyền và có nghĩa vụ của một công dân. Trước khi là một đảng viên, và trong suốt cuộc đời mang danh hiệu ấy, bao giờ họ cũng vẫn phải là một con người, hơn thế nữa, họ phải luôn luôn xứng đáng với danh hiệu Con người. Vì lẽ đó, Hồ Chí Minh đã viết lên sổ vàng của Trường đào tạo cán bộ cấp cao của Đảng những dòng nói về việc học:“Học để làm việc, làm người…”. Hai điều quan trọng nhất: Con người sinh ra, lớn lên có thể tồn tại và phát triển được là phải biết làm việc. Có biết làm việc, làm việc có hiệu quả, có năng suất, chất lượng, làm việc có ích cho mình và cho xã hội mới đủ điều kiện để làm người. Nghĩ suy và làm việc. Lời nói đi liền với việc làm và làm có hiệu quả. Đó là tư cách của con người chân chính mà mỗi đảng viên cộng sản không thể quên, không thể thoái thác. Tư cách con người - đảng viên được Nhân dân thẩm định qua cuộc sống đời thường. Hồ Chí Minh không để lại cho Nhân dân ta, Tổ quốc ta và nhân loại tiến bộ nhiều tập sách đồ sộ, song toàn bộ cuộc đời vô cùng oanh liệt, đẹp đẽ và cao thượng của Người đã để lại cho chúng ta một tấm gương sáng: Phấn đấu để biết làm việc, biết làm việc để biết làm người. Và , khi trở thành người cộng sản rồi thì tư cách kép đảng viên - công dân cũng vẫn chỉ có một đòi hỏi nghiêm ngặt: dù ở đâu, giữ chức vụ gì, cũng đều phải biết làm việc - làm người. Đó chính là điều kiện để có thể làm đảng viên, cán bộ. Trải qua 90 năm cùng Nhân dân đấu tranh để giành độc lập, tự do, nhiều cán bộ - đảng viên thể hiện rõ nhân cách của mình, xứng đáng làm gương cho quần chúng noi theo. Thắng lợi vĩ đại của cách mạng, vinh quang của những chiến công đã đương nhiên định vị chức quyền cho những người cộng sản. Song cũng bắt đầu từ đó, trong hàng ngũ của Đảng “lẫn vào một số người thấp kém về tinh thần và đạo đức cách mạng. Số người đó coi Đảng như một cái cầu thang để thăng quan phát tài. Họ không quan tâm đến đời sống của Nhân dân mà chỉ lo nghĩ đến lợi ích của riêng mình. Họ quên rằng mỗi đồng tiền, hạt gạo đều là mồ hôi, nước mắt của Nhân dân, do đó mà sinh ra phô trương lãng phí. Họ tự cho mình có quyền sống xa hoa hưởng lạc, từ đó mà đi đến tham ô, trụy lạc, thậm chí sa vào tội lỗi”(5).
Đảng đã lãnh đạo Nhân dân đánh thắng ngoại xâm nhưng “kẻ thù bên trong”- chủ nghĩa cá nhân đang tiến công Đảng, làm tha hoá con người đảng viên, đục ruỗng cơ thể Đảng. Nó đẻ ra hàng trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa… Những căn bệnh ấy đã làm cho biết bao sự nghiệp từng được coi là biểu tượng của những kỳ tích anh hùng tan thành tro bụi. Lời nhắc nhở của lãnh tụ Hồ Chí Minh vẫn mãi mãi vang lên vừa như một lời tiên tri, vừa như một hồi chuông cảnh tỉnh, nó chính là bức thông điệp gửi tới những người cộng sản ở khắp mọi miền của Tổ quốc ta:“Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân…”(6).
Người cộng sản khi nắm chính quyền cần phải giữ cho lòng mình trong sáng, phải hiểu rằng đó là quyền lực của Nhân dân mà mình được ủy thác. Lạm dụng chức quyền tức là “lạm dụng” và “tiêu xài quá cái vốn” mà Nhân dân ủy thác cho mình. Mức lạm phát càng cao thì uy tín cá nhân càng giảm. Tai hoạ bắt đầu từ đó! Số đảng viên ấy càng đông thì lòng tin của Nhân dân đối với Đảng càng giảm. Từ sự giảm sút ấy, nếu không được khắc phục thì Đảng sẽ đứng trước nguy cơ mất quần chúng, thậm chí thành thái cực đối lập với Nhân dân.
Trước khi qua đời 2 năm, Hồ Chí Minh đã về thăm và làm việc với một đảng bộ ở đồng bằng Bắc Bộ, Người đặc biệt lưu ý: Muốn làm cho phong trào của nhân dân tiến bộ thì cán bộ, đảng viên phải gương mẫu. “Muốn làm gương mẫu thì điều quan trọng nhất là các chú từ tỉnh đến huyện, đến xã phải đoàn kết, đoàn kết thật sự, làm sao tự mình nêu gương và giáo dục cho đảng viên, đoàn viên, cán bộ gìn giữ phẩm chất đạo đức cách mạng, làm sao cho dân biết hưởng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”(7).
Cuộc sống đời thường với bao bộn bề, gian khó và phức tạp. Cái xấu, cái ác cứ lẩn khuất quanh ta, níu kéo ta từng khắc, từng giờ. “Mỗi con người đều có cái thiện và cái ác ở trong lòng”. Với tư cách là đảng viên của một Đảng đã cùng Nhân dân làm nên lịch sử, đã từng là “đại diện cho trí tuệ, lương tâm và danh dự của dân tộc”, “ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”(8). Đó cũng chính là “cẩm nang thần kỳ” để Đảng ta mãi mãi được Nhân dân kính trọng, tin yêu.
-----
(1), (2), (3), (4) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.1995, tập 5, tr.249-250; tr.233; tr.552; tập 4, tr.56. (5), (6), (7), (8) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.1996, tập 11, tr.374; tập 12, tr.557; tr.221; tr.558.
|