Loạt bài: "Phát triển Đảng ở miền Tây Nghệ An" của nhóm tác giả: Bách Hợp - Diệp Anh, Báo Đại biểu Nhân dân, đoạt Giải C - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng). Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Đ/c Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và đ/c Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao Giải C cho các tác giả, nhóm tác giả
“Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ hoạt động tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy…”. Nhắc lại câu nói này của Bác Hồ, những Đảng viên nơi biên cương của huyện Kỳ Sơn, Nghệ An hồ hởi: Chúng tôi không còn phải đi sinh hoạt nhờ mà đã có chi bộ Đảng của bản mình; với dân bản, họ coi Đảng như “con mắt sáng”; chi bộ là ngôi nhà chung và đảng viên như “cánh chim đầu đàn” - nơi họ gửi gắm tâm tư và khát vọng về sự đổi thay nơi thượng nguồn Nậm Nơn…
Bài 1: Nỗ lực bên dòng Nậm Nơn
Dẫu đã từng đặt chân đến nhiều nơi “thâm sơn cùng cốc”, nhưng khi về với miền Tây xứ Nghệ, đi sâu tìm hiểu hoạt động của các chi bộ đảng nơi vùng biên viễn này, chúng tôi rất xúc động. Theo dấu chân của những người được ví như cây cầu nối giữa “Ý Đảng - Lòng dân” khiến chúng tôi thêm thấm thía câu nói của Bác Hồ: “Đảng Cộng sản Việt Nam là một cơ thể sống chứ không phải thần thánh, không phải tự nhiên có mà do chính nhân dân và tổ chức xây dựng nên…”.
“Phải làm mạnh, rồi mới đến nói mạnh”
Sau giấc ngủ chập chờn xuyên đêm, vượt hơn 700km trên chiếc xe khách độc nhất, đánh thức bằng tia nắng xuyên qua cửa kính ô tô, chúng tôi cũng đặt chân đến được với huyện Kỳ Sơn. Sau một ngày nghỉ ngơi lấy sức ở thị trấn Mường Xén, dưới sự dẫn đường của hai cán bộ huyện, chúng tôi về xã biên giới Bắc Lý. Con đường cứ nhỏ dần và độ khó cũng tăng dần, khiến bữa sáng ăn vội như muốn trào ra khỏi dạ dày.
Sau cái bắt tay thật chặt như đoán biết được “nhọc nhằn”, Bí thư Đảng ủy xã Vi Oanh chia sẻ: Điểm sáng nhất trong phát triển Đảng nhiệm kỳ qua đó là xóa “trắng” Đảng viên, bản “trắng” chi bộ. “Nói thì dễ nhưng để “phủ xanh” chi bộ lên các bản không hề dễ, bởi hai năm về trước ở 5 bản biên giới đều thiếu đảng viên tại chỗ, phải sinh hoạt ghép các bản khác. Một trong những cách làm của chúng tôi là đưa các đảng viên tăng cường đến sinh hoạt tại các chi bộ cơ sở. Nhờ đó, đến nay các bản đều có chi bộ của chính mình”, ông Oanh chia sẻ.
Để tìm hiểu sâu hơn về những hạt nhân quý nơi biên cương, chúng tôi đã mục sở thị tận nơi. Trên con đường đá lởm chởm, chiếc xe máy cứ chồm lên rồi lộn xuống, chúng tôi mới thấu hiểu những vất vả, hiểm nguy và những gian truân để ý Đảng hòa với lòng dân. Và đó cũng là một cách để lý giải: Vì sao một thời gian dài nơi đây lại “trắng” đảng viên, “trắng” chi bộ?
Phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân trao đổi với Bí thư Chi bộ bản Xám Xúm trong điều kiện “4 không”
“Ngót nghét” thêm hơn tiếng đồng hồ, chúng tôi cũng đặt chân đến với bản người Khơ Mú. Tìm đến nhà Bí thư Chi bộ bản Huổi Bắc, khác với suy nghĩ của chúng tôi, anh Moong Văn Bảy còn rất trẻ (sinh năm 1989). Theo lời kể của anh, thời điểm năm 2009, cả bản chỉ có hai đảng viên và thường phải lặn lội hơn 3km khe rừng để đi sang bản Buộc sinh hoạt ghép. “Những hôm trời mưa xác định là sẽ bị nhuộm bùn đất hoặc phải bỏ sinh hoạt. Lúc bấy giờ, chỉ ao ước thành lập được một chi bộ trên chính bản của mình”, anh Bảy nhớ lại.
Mong ước đó sớm trở thành hiện thực khi năm 2010, Chi bộ Huổi Bắc được thành lập. Thời điểm đó, bà con chưa nhận thức được chi bộ là gì nên công tác phát triển đảng viên gặp nhiều khó khăn. Thấu hiểu được điều đó, năm 2018 sau khi được bầu là Bí thư Chi bộ, anh Bảy đã chủ động phát huy phương châm “Đảng viên đi trước làng nước theo sau” bắt tay khai hoang và thử nghiệm mô hình trồng lúa nước. Sau vài vụ thành công, anh đã tuyên truyền và giúp 34 hộ chuyển đổi từ lúa rẫy sang trồng lúa nước; trong đó, nhiều hộ tích cực khai hoang và có diện tích lớn như: Đảng viên Lương Phò Kỳ, Lo Văn Nòi… Bằng những việc làm thiết thực mà những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đến với bà con được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, điều băn khoăn là việc phát triển đảng viên mới.
Câu chuyện về nỗ lực xóa “trắng” đảng viên ở đây cũng tiêu biểu cho 4 bản còn lại: Nhọt Kho, Kèo Pa Tú, Kèo Nam, Cha Nga. “Chi bộ ở các bản biên giới thường phức tạp và việc phát triển lực lượng đảng viên mới rất khó. Mong rằng các cấp quan tâm, đầu tư hơn nữa về hạ tầng giao thông, sớm đem “ánh sáng điện lưới” phủ lên các bản đặc thù này. Có như vậy, cuộc sống bà con mới đổi thay; mới mong giữ chân được thanh niên ở lại bồi dưỡng và kết nạp vào Đảng…”, Bí thư Đảng ủy Vi Oanh tâm sự.
Chia tay Bắc Lý, tiếp tục con đường quanh co ôm núi để đến với bản Xằng Trên (xã Mỹ Lý). Sau hơn 30 phút, chiếc thuyền máy cũng đưa chúng tôi đến với bản biên giới người Thái. Rót ly chè nóng, Bí thư Chi bộ, ông Lô Hành bắt đầu câu chuyện: Toàn bản có 165 hộ, trong đó có 25 đảng viên. “Nếu không có chi bộ, không có vai trò hạt nhân là các đảng viên, chắc rằng bản không có ngày hôm nay. Tuy nhiên, công tác phát triển đảng viên còn nhiều khó khăn đến từ việc bà con không có mô hình kinh tế để phát triển, con em đều tìm cách thoát ly.
Có thể thấy, mặc dù, “bén rễ” khá muộn nhưng chi bộ ở các bản biên giới của Mỹ Lý đã phát huy tính tiên phong và trở thành cây cầu niềm tin trong đảng viên và quần chúng. Tuy nhiên, theo Bí thư Đảng ủy xã Lô Văn Liệu, nhận thức về Đảng của bà con còn hạn chế; quần chúng đi làm ăn xa nhiều; có đảng viên sa vào tệ nạn, vi phạm pháp luật phải đình chỉ sinh hoạt… Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, các chi bộ có từ 10 - 12 đảng viên, không có chi bộ nhiều năm liền không kết nạp được quần chúng; đồng thời, sẽ tuyên truyền giới thiệu quần chúng đi học cảm tình Đảng.
Chi bộ không mạnh nếu cứ chìm trong “4 không”
Sau những ngày lặn lội ở Bắc Lý và Mỹ Lý, tưởng chừng đó là những bản khó khăn, xa xôi nhất của Kỳ Sơn. Nhưng không, cung đường đó so với quãng đường từ trung tâm xã Mường Lống vào bản Xám Xúm vẫn chưa là gì. Với quãng đường 7km mà hơn 1 tiếng đồng hồ mới vào được. Điểm sáng nhất nơi đây chính là trong câu chuyện kể về Bác Hồ của bà con, ai ai cũng có niềm tin tuyệt đối vào Đảng. Thực sự, chúng tôi không thể ngờ, bà con “một chữ cắn đôi” không biết lại có thể kể vanh vách những dấu ấn hoạt động của Người. Và khi nhắc đến Đảng, họ nói rằng: “Đảng là một cơ thể sống; Đảng như con ngươi mắt mình”…
Trong câu chuyện với chúng tôi, Bí thư Chi bộ Và Xái Cổ nhớ lại: Khoảng chục năm về trước, bà con dường như sống tách biệt. Xám Xúm trở thành một trong những cái tên nổi tiếng trong hồ sơ “điểm nóng” ma túy của cả nước. Đây cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến “trắng” đảng viên, “trắng” chi bộ. Bởi, đơn giản không có nguồn để phát triển Đảng… “Nhờ chủ trương “phủ xanh” những “cánh tay nối dài” của Đảng, năm 2016 cả bản gồm 4 đảng viên, sau 3 năm đã kết nạp được thêm 7 đồng chí. Các đảng viên đều gương mẫu, tuyên truyền đường lối, các hương ước đến từng hộ, giúp bà con dần thay đổi nhận thức và có ý thức về xây dựng quê hương”, ông Và Xái Cổ chia sẻ.
Từ thực tế của địa phương, phải thẳng thắn thừa nhận: Chi bộ sẽ không thể mạnh lên nếu dân cứ nghèo, cứ mãi chìm trong “4 không”: Không điện, không đường, không mô hình kinh tế, không hệ thống liên lạc hoàn chỉnh và cũng sẽ không thể giữ chân được những quần chúng ở lại địa phương để tạo nguồn phát triển. Với nơi có địa bàn phức tạp bậc nhất của xứ Nghệ này, muốn cánh tay của Đảng thực sự phát huy “cầu nối” thì cần có những chính sách đưa công nghệ 4.0 về thay thế “4 không” mà hiện nay bản đang sở hữu. Có như thế, chi bộ mới phát triển mạnh và bà con mới tin tưởng vào sức mạnh của tổ chức cơ sở Đảng tại chỗ.
Đồng hành về Xám Xúm với chúng tôi hôm đó còn có anh cán bộ xã Mường Lống. Theo chia sẻ của anh, xã đã giải quyết được bài toán xóa “trắng” đảng viên, xóa “trắng” chi bộ ở Xám Xúm. Tuy nhiên, bài toán tiếp theo cần phải giải quyết đó là: Đã xóa trắng thì làm gì để giảm yếu? Có lẽ cách giảm yếu thiết thực nhất là phải xây dựng được đội ngũ đảng viên kế cận có học thức và sẵn sàng ở lại kiến thiết, xây dựng quê hương.
Nhưng điều này không hề đơn giản, bởi với vùng đất “trở đi mắc núi, trở lại cũng mắc núi” này thì nguồn nhân lực trẻ sẽ tiếp tục bị “chảy máu” nếu không có giải pháp đồng bộ. “Mong Đảng và Nhà nước, đặc biệt tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ tiếp tục có những quyết sách lớn nhằm giúp vùng đất biên cương thực sự chuyển mình…”, cán bộ xã Mường Lống bày tỏ mong muốn.
Câu chuyện kết thúc cũng là lúc mặt trời gác núi, cả bản Xám Xúm chìm trong bóng tối. Những ánh đèn hắt ra từ những ô cửa nhỏ chẳng đủ để thắp sáng lối đi. Trong giấc ngủ, với bản nhạc của những con côn trùng, con dế... đâu đó vẫn là hình ảnh những người đảng viên kiên trung đi đến từng nhà dân truyền tải đường lối, chính sách của Đảng; nét lam lũ của bà con hay nét u ám còn đọng lại trên những con đường…
Vẫn còn đó nhiều băn khoăn trăn trở, nhiều day dứt ở điểm cuối cùng nơi “cánh tay nối dài” của Đảng. Và, giá như ở các bản biên cương này có thêm những con đường “hạnh phúc” nối từ xã vào bản như con đường Quốc lộ 16, chạy dọc các huyện biên giới rẻo cao kia thì chắc chắn các chi bộ và cuộc sống của bà con ở ngang lưng trời này sẽ có bước phát triển đột phá hơn…
Bài 2: Phát huy vai trò những hạt nhân tích cực
Sau rất nhiều nỗ lực, về cơ bản, các bản biên giới của huyện Kỳ Sơn, Nghệ An không còn bản “trắng” đảng viên, “trắng” chi bộ, cũng như không còn tình trạng sinh hoạt chi bộ ghép. Tuy nhiên, để các chi bộ thực sự là cánh tay đắc lực của Đảng nơi miền biên viễn, cần phát huy vai trò của những hạt nhân tích cực, tạo lập những mô hình sinh kế để đảng viên không phải “ly hương”, để các chi bộ không phải đứng trước nguy cơ “tái trắng”.
Tạo sức mạnh nội sinh cho các chi bộ đảng
Tạm biệt những người dân hiền hậu bản người Mông Xám Xúm của xã Mường Lống, chúng tôi tiếp tục hành trình ngược cung đường “hạnh phúc” - quốc lộ 16 về với các bản biên giới khác của huyện Kỳ Sơn.
Theo lời kể của hai người bạn đồng hành cũng là hai cán bộ của huyện, cách đây 10 năm về trước khi quốc lộ 16 chưa hoàn thiện, việc đi lại của bà con vô cùng khó khăn, phải lần theo đường mòn hoặc đi xuồng dọc sông Nậm Nơn. Khổ nhất là mỗi lúc cán bộ xã có việc lên huyện, dẫu chặng đường có chừng 50km nhưng phải đi mất gần hai ngày đường và ngủ qua đêm ở Huồi Tụ.
Chợt nghĩ, phía sau những con đường gian khó; phía sau những dãy núi cao kia không có lực lượng nòng cốt của Đảng và hạt nhân là những đảng viên kiên trung đi đầu trong mọi phong trào thì sẽ như thế nào? Và để giải mã cho câu hỏi này, chúng tôi tìm về xã biên giới Keng Đu - nơi được mệnh danh là nghèo nhất, xa nhất và nhiều cổng trời nhất của miền Tây xứ Nghệ.
Trong câu chuyện với chúng tôi, bà con nơi đây vẫn không quên nhắc đến những cánh rừng hoa anh túc trải dài dưới chân thung lũng, về cái đói, cái nghèo đeo bám và về những câu chuyện “cười ra nước mắt”. Kinh tế khó khăn là vậy, công tác phát triển cơ sở Đảng ở xã biên giới này còn khó khăn hơn gấp bội. Song, bằng quyết tâm và nỗ lực, đến nay xã cũng đã giải quyết được bài toán “xóa trắng” đảng viên, “xóa trắng” chi bộ. Đồng thời, để các chi bộ có thể phát triển mạnh, xã đã chú trọng vai trò hạt nhân, phát huy vai trò nêu gương của đảng viên, góp phần tạo sức mạnh nội sinh cho chi bộ. Tiêu biểu là ông Cụt Phò Lan (“thâm niên” 56 năm tuổi Đảng) - người đầu tiên của đồng bào Khơ Mú được đứng vào hàng ngũ của đảng, nay đã bước sang tuổi 80.
Với bà con nơi đây, ông như cây cổ thụ của bản làng. Còn đối với chi bộ, ông giống như “bó đuốc sống” để chi bộ tìm đến khi muốn truyền tải hoặc đưa ra những quyết sách quan trọng cho sự phát triển chung của cả cộng đồng. “Mang trong mình lòng nhiệt huyết của một Đảng viên, tôi đã vận động bà con bỏ các hủ tục, một lòng đi theo cách mạng; cùng với bà con trực tiếp chiến đấu, tiêu diệt nhiều tên thổ phỉ, góp phần đẩy lùi nạn thổ phỉ hoành hành trên địa bàn huyện ngày đó”, ông bồi hồi nhớ lại.
Sau khi đã về hưu, ông vẫn thấm đẫm trong mình lời thúc giục: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, nên đã mạnh dạn nuôi trâu bò, lợn gà kết hợp trồng cây trên khu vực đất rừng được giao khoán theo mô hình trang trại. Không chỉ tích cực phát triển kinh tế hộ gia đình, ông còn là một trong những đảng viên gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào để bà con học tập và làm theo. Đặc biệt, ông là người đầu tiên của xã “ngăn suối”, bắt con nước chảy ngược để trồng lúa nước theo mô hình ruộng bậc thang.
Khi được hỏi kinh nghiệm để cho các chi bộ của các bản đặc biệt khó khăn mạnh lên, ông đăm chiêu: Để chi bộ mạnh, cần quan tâm phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số, nhất là những người hội tụ đủ “tài - đức” để dẫn dắt, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở và đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Đây cũng chính một trong những giải pháp nhằm tăng cường sức mạnh của các chi bộ của Đảng bộ huyện Kỳ Sơn.
Trên thực tế, theo ông Cụt Phò Lan, các đảng viên là người đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ tham gia xây dựng Đảng, chính quyền mà họ luôn tiên phong trong mọi hoạt động; tích cực vận động bà con bài trừ lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới ở các bản làng. Họ thực sự là những nhân tố tích cực trong việc đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.
Đảng viên người dân tộc thiểu số không chỉ tham gia xây dưng Đảng, chính quyền mà luôn tiên phong trong mọi hoạt động
Để đảng viên không phải “ly hương”
Chia tay Keng Đu đứng trên cổng trời Khe Linh, ngắm bức tranh sơn hà quá đẹp nhưng vẫn ánh lên sự tất tả mưu sinh của người dân nơi miền sơn cước. Chợt nghĩ, giá như có một mô hình sinh kế nào đó có thể đủ làm thay đổi cuộc sống của bà con, để những đảng viên không phải “ly hương” đến với những vùng đất khách quê người, để các chi bộ không phải đứng trước nguy cơ “tái trắng”?
Mang những nỗi niềm suy tư đó, chúng tôi ngược lên xã biên giới Nậm Cắn. Có lẽ, do gần với trung tâm huyện nên cuộc sống của bà con nơi đây có phần “nhỉnh” hơn. Điểm nhấn nổi bật ở đây có lẽ chính là có chợ biên giới Lào, gần cửa khẩu, địa bàn trọng điểm về an ninh chính trị nên thường xuyên được sự quan tâm đặc biệt. Đó cũng là lợi thế để Nậm Cắn phát triển tổ chức cơ sở đảng xuống đến tận các thôn bản. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà các tổ chức cơ sở đảng, đặc biệt là các chi bộ bản biên giới đang thực hiện chính là phải đẩy mạnh tuyên truyền về công tác đối ngoại, để mỗi đảng viên, mỗi người dân nêu cao ý thức giữ gìn tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Việt - Lào.
Ông Hò Bá Cò, Bí thư Chi bộ bản Tiền Tiêu chia sẻ: Trong các cuộc sinh hoạt chi bộ, chúng tôi đều đưa nội dung thực hiện Lễ kết nghĩa giữa bản với bản để mỗi đảng viên đi đầu trong phong trào xây dựng mối thân tình anh em thắm kết này. Hiện, bản kết nghĩa với bản Loong Quạng Cụm Nọong hét Tây Lào và thường xuyên tạo điều kiện cho bà con hai bên giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Tuy nhiên, điều cần nhất hiện nay là phải tiếp tục tạo được cuộc sống ổn định cho người dân, để không vì lợi ích trước mắt tìm cách vượt biên trái phép. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phát triển đảng viên.
Theo chia sẻ của Bí thư Huyện ủy Vi Hòe, trước năm 2016, Kỳ Sơn vẫn còn nhiều bản có nguy cơ “trắng” đảng viên và “trắng” chi bộ, nhiều đảng viên phải sinh hoạt ghép. Bước đột phá chính là việc thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 10.8.2016 của Tỉnh ủy về “Xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2016 - 2020”. Tuy nhiên, công tác phát triển các tổ chức cơ sở đảng của Kỳ Sơn trong giai đoạn mới đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là tình trạng đảng viên đi làm ăn xa ngày càng gia tăng, dẫn đến việc tham gia sinh hoạt đảng không bảo đảm, thiếu nguồn phát triển Đảng; việc phát hiện, lựa chọn và giới thiệu những đoàn viên, hội viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp còn hạn chế…
“Để Kỳ Sơn thực hiện tốt nhiệm vụ “yên dân, yên địa bàn và yên biên giới”, chúng tôi kỳ vọng Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm, tạo cơ chế đặc thù cho Đảng bộ và Nhân dân huyện có điều kiện khai thác lợi thế; đồng thời, có các chính sách thu hút đầu tư bài bản, mạnh mẽ tạo sự phát triển đột phá”, Bí thư Vi Hòe bày tỏ.
Bài 3: Nỗi lo về đội ngũ kế cận
Phát triển đảng viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, từ các chi bộ ở những nơi được mệnh danh “đệ nhất nghèo” của cả nước là Kỳ Sơn, đến những huyện gần dưới xuôi hơn như Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, hay Anh Sơn… có thể thấy, các tổ chức cơ sở Đảng đã phát triển nhưng chưa thực sự mạnh, chất lượng chưa đồng đều và vẫn có nguy cơ “tái trắng” bất cứ lúc nào nếu không tiếp tục phát triển được đội ngũ kế cận.
Cán bộ xã Châu Khê trò chuyện với bà con Đan Lan bản Khe Bu
Bài toán khó giải
Tạm biệt Kỳ Sơn trong cái chớm lạnh cuối thu, xuôi dòng Nậm Nơn về với Tương Dương, Con Cuông… Lắng lại những mệt nhọc và đôi chân mỏi rã rời sau những ngày đi lại nhiều là bản nhạc rộn rã về cuộc sống đang đi lên ở mảnh đất này: Bản làng quê em, xưa đói nghèo tăm tối/ Sống đời ngựa trâu, sống đời héo hon/ Nay nhờ công ơn của Đảng đưa lối/ Dân tộc Kỳ Sơn đã đổi thay…
Sau hơn 2 tiếng nhấp nhô trên cung đường quanh co, xuyên qua những cánh rừng, chúng tôi cũng đến được với bản Phồng (xã Tam Hợp) - nơi sinh sống của đa số người Tày Pọng, một trong những tộc ít người trên địa bàn huyện Tương Dương. Qua tìm hiểu được biết, một trong những điểm tựa cho bà con nơi đây chính là nhờ có chi bộ thường xuyên làm công tác tư tưởng an dân và “cầm tay, chỉ việc” trong phát triển kinh tế. Nhờ đó, bản Phồng nay không còn cảnh thiếu ăn mùa giáp hạt, thiếu mặc mùa đông giá…
Tuy nhiên, theo nữ Bí thư Chi bộ Vi Thị Ánh, mặc dù được đánh giá là một trong những bản điểm sáng về phát triển đảng viên (cả bản có 30 đảng viên) nhưng nguồn đảng viên kế cận đang là bài toán khó giải. Thực tế, không phải nguồn đảng viên của bản hạn hẹp mà do không ít học sinh sau khi rời ghế nhà trường đều tìm cách thoát ly đi làm ăn xa để mong đổi thay cuộc sống. Là quần chúng ưu tú, em Viêng Thị Diệp chia sẻ: Em mong một ngày gần nhất bản sẽ có những mô hình sản xuất phù hợp để chúng em vừa có thể tham gia vào các phong trào của bản, vừa có thể “sống” được trên chính mảnh đất quê hương mình.
Cũng như bản Phồng, công tác phát triển đảng ở bản Huồi Sơn cũng đang gặp khó tương tự. Quần chúng ưu tú để xem xét kết nạp chủ yếu là các đoàn viên thanh niên, tuy nhiên lực lượng này thường đi làm ăn xa, ít sinh hoạt, tham gia các phong trào tại địa phương. Thế nên, mặc dù được thành lập từ năm 2005 nhưng đến nay cả Chi bộ vẫn mới chỉ có được 10 đảng viên. Bí thư Chi bộ của bản tâm tư: Không hề dễ để phát triển tổ chức cơ sở đảng cũng như nâng cao chất lượng đảng viên mới khi mà điều kiện kinh tế của bản còn quá khó khăn. Bởi, chúng tôi không thể “níu giữ” các cháu ở lại bản gắn bó với nương rẫy!
Thực tế, khó khăn trong phát triển nguồn đảng viên trẻ hiện nay đang là một thách thức lớn không chỉ ở bản Phồng hay Huồi Sơn mà còn là câu chuyện chung của nhiều bản biên giới ở Tương Dương. Trò chuyện với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Hải thừa nhận: Việc tạo nguồn để bồi dưỡng, kết nạp đảng ở nhiều thôn, bản còn rất gian nan. Bởi một số thì mù chữ, bỏ học sớm, đi lao động xa, xác minh lý lịch bị vướng mắc. Một số sau khi học xong đại học, cao đẳng, trung cấp cũng không trở về địa phương sinh sống, khiến nguồn kết nạp ngày càng cạn kiệt. Còn một số trường hợp ở địa phương thì học vấn không “tinh”, thiếu nhiệt huyết với các phong trào thi đua, không phát huy được phẩm chất, năng lực để đáp ứng các tiêu chí…
Tương tự như Tương Dương, việc phát triển tổ chức cơ sở đảng ở các huyện Quế Phong, Anh Sơn hay Thanh Chương… cũng đang gặp nhiều thách thức, nhất là ở các chi bộ thôn bản. Bên cạnh đó, có một thực tế không thể phủ nhận là sự “thiếu lửa” của một số tổ chức đoàn thể chưa phát huy được tính phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu quần chúng ưu tú để xem xét kết nạp đảng…
Cần chiến lược “giữ chân” lực lượng trẻ
Là một trong những bản biên giới của huyện Con Cuông, Khe Bu nằm gọn dưới những tán rừng - nơi sinh sống của bà con Đan Lan. Với phong tục tập quán từ xưa luôn muốn có “con đàn cháu đống” cùng không ít hủ tục đã gây cản trở cho việc phát triển tổ chức cơ sở đảng nơi đây. Theo Bí thư Chi bộ Vi Thanh Ban, có những quần chúng rất mong được đứng trong hàng ngũ của Đảng nhưng lại vướng việc do “trót” sinh con thứ 3, thứ 4…”.
Nguồn phát triển Đảng viên trẻ hiện của bản không hiếm, nhưng lại rất khó. Bởi, một lực lượng đi làm ăn kinh tế xa không muốn quay trở về quê hương. Còn một bộ phận muốn vào Đảng thì không đủ điều kiện… Có lẽ đó không chỉ riêng Con Cuông mà đang là trăn trở chung đối với các huyện miền núi, biên giới vùng cao của Nghệ An.
Liên quan đến câu chuyện độ “lệch” về cơ cấu Đảng viên ở các bản (nam chiếm đa số, còn nữ chiếm tỷ lệ rất nhỏ), đại diện lãnh đạo các huyện đều đồng quan điểm: Để các chi bộ ở các bản biên giới mạnh và đồng đều, cơ cấu hợp lý thì bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới trong cộng đồng, cần đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ trong phát triển kinh tế gia đình; đồng thời cần làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy cùng cấp trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và sử dụng cán bộ nữ… Và, nên chăng có thể “hạ” bớt một số tiêu chuẩn trong Điều lệ Đảng hiện nay hoặc thêm một số quy định “mềm” cho các vùng đặc thù như ở bản biên giới của miền Tây Nghệ An?
Việc phát triển đảng viên mới ở miền biên viễn khó hay dễ? Chắc chắn câu trả lời là rất khó. Để giải quyết tức thì những bất cập nêu trên là điều không thể, mà cần có thời gian và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Và, để các tổ chức cơ sở đảng thực sự mạnh, ngoài những giải pháp về tuyên truyền, vận động, xây dựng các phong trào thu hút đoàn viên, thanh niên nhằm phát hiện bồi dưỡng nguồn kết nạp Đảng… về lâu dài, cần có một chiến lược bài bản để “giữ chân” được lực lượng trẻ ở lại quê nhà.
Bài cuối: Cần chiến lược bài bản và đồng bộ
Đối với các bản biên giới của tỉnh Nghệ An, chi bộ được được ví như cái “nóc” trong ngôi nhà chung của các tổ chức, đoàn thể, của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc. Do đó, để xây dựng và phát triển Đảng ở nơi đây cần có chiến lược bài bản và đồng bộ. Bên cạnh tiếp tục tự chỉnh đốn, tự đổi mới để không ngừng nâng cao nòng cốt của tổ chức đảng thì cần đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương phát triển kinh tế, tạo việc làm tại chỗ... để thanh niên tin tưởng, bám trụ sản xuất, sinh sống ngay tại quê hương, tạo nguồn phát triển đảng viên trẻ ở địa phương.
“Yếu đâu bù đó”
Là một trong những tỉnh có diện tích rộng, riêng miền Tây Nghệ An có tới 11 huyện (trong đó 5 huyện vùng cao, 6 huyện miền núi). Bà con nơi đây sống chủ yếu ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, nơi có tình hình an ninh chính trị phức tạp, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Thế nên, để giữ được 3 yên: “Yên dân, yên địa bàn và yên biên giới”, vai trò lãnh đạo của Đảng càng phải được chú trọng và đặt lên hàng đầu. Có như vậy mới xây dựng được “thế trận lòng dân”, góp phần tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngược thời gian điểm lại cách đây 4 năm về trước, không ít bản biên giới nơi miền Tây xứ Nghệ, tình trạng “trắng” chi bộ, “trắng” đảng viên là một thực tế. Như một sự tất yếu, so với các bản có chi bộ “bám rễ” thì ở các bản “trắng” ấy, đời sống của bà con vô cùng khó khăn; các hủ tục lạc hậu vẫn tồn tại… Điều này đã được minh chứng rõ tại các bản xa xôi nơi chúng tôi vừa đặt chân đến. Do từng không có chi bộ dẫn đường nên hoạt động của các đoàn thể vì thế cũng “lắng” lại.
Theo tìm hiểu, thời điểm tháng 12.2016, toàn tỉnh Nghệ An có 120 xóm có nguy cơ không còn chi bộ (do chỉ có 3 - 4 đảng viên tại chỗ hoặc có nhiều đảng viên tuổi cao mà chi bộ nhiều năm không kết nạp được đảng viên mới). Trong số đó, các bản biên giới miền biên viễn chiếm con số không hề nhỏ. Từ thực trạng đó, ngày 10.8.2016, Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Đề án số 01-ĐA/TU về “Xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2016-2020” với nhiều giải pháp đồng bộ. Một trong những mục tiêu trọng tâm của Đề án là tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên mới, từng bước giảm số xóm chưa có chi bộ, chưa có đảng viên tại chỗ...
Ngay khi Đề án ra đời, các địa phương đã xây dựng chương trình, kế hoạch, vận dụng linh hoạt thực tiễn, tăng cường cán bộ, đảng viên về sinh hoạt tại các chi bộ “yếu và thiếu” nhằm tăng thêm hạt nhân lãnh đạo và nòng cốt trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các chi bộ. Mặt khác, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ tại chỗ bởi “không ai hiểu cái bụng bà con bằng chính mình”… Bên cạnh đó, một số nơi đã chủ động mở các lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức chung cho các quần chúng ưu tú.
Nếu không có giải pháp kịp thời, các chi bộ nơi miền biên viễn sẽ có nguy cơ “tái” trắng
Trò chuyện với các Bí thư Chi bộ tại một số bản của miền Tây xứ Nghệ, nhiều người đã ví Đề án 01 như một “phao cứu sinh” nhằm thúc đẩy con thuyền Đảng đi đến với dân nhanh hơn, gần hơn… Có lẽ chính nhờ những cách làm sáng tạo, đặc biệt theo đúng phương châm “yếu đâu lấp đó” nên chỉ sau 4 năm triển khai thực hiện, các chi bộ thực sự trở thành hạt nhân của Đảng và là cánh tay đắc lực ở khu vực trọng yếu, thổi vào đó làn gió mới để bà con “rục rịch” chuyển mình, hòa nhập vào sự phát triển chung của tỉnh…
Tạo nguồn phát triển đảng viên trẻ
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ song phải thừa nhận: Nghệ An mới hoàn thành “xóa trắng chứ chưa giảm được yếu” ở các chi bộ miền biên viễn. Có một thực tế, nhiều chi bộ hiện đang đứng trước nguy cơ "tái trắng" nếu “rút” các đảng viên tăng cường và chưa thực sự tìm được nguồn thay thế; đời sống của bà con còn quá nghèo, lạc hậu; giao thông đi lại còn nhiều bất cập…
Với những hạn chế đó, có thể thấy, thành quả của mọi nỗ lực sẽ về con số không và nguy cơ “tái trắng” sẽ luôn hiện hữu nếu không có chiến lược bài bản, đồng bộ… Do đó, thiết nghĩ, biện pháp cấp bách ưu tiên hàng đầu hiện nay là cần tập trung phát triển kinh tế, tạo việc làm tại chỗ, có thu nhập ổn định để thanh niên bám trụ sản xuất, sinh sống ngay tại quê hương, từ đó rèn luyện và bồi dưỡng đối tượng, tạo nguồn phát triển đảng viên trẻ ở địa phương.
Thực tế đã minh chứng ở Tương Dương, huyện đã chú trọng đưa các mô hình kinh tế về các xóm, bản có nguy cơ cao “tái trắng” chi bộ, đảng viên. Giải pháp này dường như đã góp phần không nhỏ nhằm vực dậy một số chi bộ nhiều năm liền không phát triển được đảng viên. Đơn cử, với bản Thằm Thẩm (xã Nhôn Mai), khi được huyện triển khai Đề án trồng chanh leo, các đảng viên đã tiên phong tham gia trồng thử nghiệm và cho thu nhập khá cao. “Cách làm của chi bộ là đảng viên làm gương và bà con noi theo. Nhờ đó, chi bộ đã kết nạp được nhiều đảng viên hơn so với mục tiêu đề ra”, Bí thư Chi bộ Và Bá Ca chia sẻ.
Không thể phủ nhận, những kết quả trong việc phát triển đảng ở các bản biên giới của tỉnh Nghệ An thời gian qua là nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An chia sẻ: Để xây dựng và phát triển Đảng nơi vùng biên giới xa xôi bên cạnh chú trọng phát triển đội ngũ đảng viên, cần đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhất là phổ biến cách làm ăn mới, động viên bà con tích cực xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu... Đồng thời, luôn coi công tác nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ tất yếu. Mong rằng, Đảng và Nhà nước tiếp tục có thêm nhiều cơ chế đặc thù để làm đòn bẩy cho các địa phương phát triển, kéo gần hơn khoảng cách giữa các vùng, miền và để “không bị bỏ lại phía sau”.
Khép lại những ngày dài lăn lộn ở khắp các bản làng miền biên viễn, trên chuyến xe trở lại Hà Nội, quá nhiều cảm xúc đan xen cứ hiển hiện trong tâm trí chúng tôi. Đọng lại là những thấm thía về sự vất vả, nhọc nhằn của những đảng viên - cây cầu nối giữa “ý Đảng lòng Dân”. Quên sao được, hình ảnh ở nơi xa xôi “4 không” ấy, bà con hàng ngày vẫn quây quần bên nhau, cùng mở chiếc đài chạy bằng pin lắng nghe những tin tức về Đại hội Đảng và cùng gửi gắm thông điệp: “Bà con luôn tin vào Đảng, tin vào con đường Bác Hồ lựa chọn và tin vào những quyết sách đột phá sắp tới của Đại hội…”.
Bách Hợp - Diệp Anh