Loạt bài "Củng cố niềm tin trong nhân dân" của nhóm tác giả: Lê HIệp - Vũ Hân - Thái Sơn, Báo Thanh Niên, đoạt Giải B - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ V - năm 2020. Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Đ/c Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương và đ/c Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trao Giải B cho các tác giả, nhóm tác giả
Củng cố niềm tin trong nhân dân
Chính quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” luôn được những lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước thúc đẩy, duy trì... đã củng cố niềm tin trong nhân dân.
10 đại án tham nhũng Tổng bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu đưa ra xét xử năm 2020
ĐỒ HỌA: ĐÔNG XUÂN
Trong hơn 4 năm qua, quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” luôn được những lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước duy trì, thúc đẩy với sự kiên quyết: Ai bàn lùi thì đứng sang một bên cho người khác làm!
“Phát súng đầu tiên”
Ngày 9.6.2016, chưa đầy 5 tháng sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ Tổng bí thư, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thông báo yêu cầu Ủy ban Kiểm tra T.Ư kiểm tra, làm rõ vụ việc Trịnh Xuân Thanh, khi đó là Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, sử dụng xe tư nhân gắn biển số xanh mà báo chí phản ánh. Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng - người giữ cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư khi đó - đánh giá, vụ việc Trịnh Xuân Thanh có ý nghĩa “mở đầu” cho sự đổi mới công tác kiểm tra Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII. Đây cũng được coi là “phát súng đầu tiên” cho cuộc chiến chống tham nhũng nhiệm kỳ Đại hội XII.
“Tôi đã nhiều lần nói rồi, nay xin nhắc lại: những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm!”
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trong đó nhấn mạnh việc chấn chỉnh, loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Những sai phạm của Trịnh Xuân Thanh tại Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) cũng là một trong những “manh mối” dẫn tới sự kiện đặc biệt trong công tác phòng, chống tham nhũng 4 năm qua. Đó là việc xử lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, người từng là Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN). Trong 2 vụ án được đưa ra xét xử vào đầu năm 2018, ông Đinh La Thăng bị tòa án tuyên tổng cộng 30 năm tù, yêu cầu bồi thường 630 tỉ đồng. Tại hội nghị T.Ư 7 (tháng 5.2018), ông Thăng cũng bị T.Ư Đảng khai trừ ra khỏi Đảng.
Với bản án dành cho Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, người dân bắt đầu tin rằng chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” không chỉ là khẩu hiệu suông.
“Uống thuốc đủ liều”
Không phải tới nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng mới bắt đầu chỉnh đốn về xây dựng Đảng; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Những cán bộ lão thành chia sẻ rằng đây là việc luôn được Đảng quan tâm, chú trọng. Ông Phạm Thế Duyệt, người có 3 khóa là Ủy viên T.Ư, 2 khóa là Ủy viên Bộ Chính trị, từng giữ chức Thường trực Bộ Chính trị, cho hay vào năm 1999, tại Hội nghị T.Ư 6 lần thứ 2 khóa VIII, Ban Chấp hành T.Ư đã ban hành nghị quyết nhằm tiến hành một cuộc vận động chỉnh đốn Đảng và chống tham nhũng. “Lúc đó tôi làm thường trực Bộ Chính trị, trong triển khai nghị quyết của T.Ư chúng tôi đã thấy tình hình rất nguy hiểm vì có nhiều biểu hiện suy thoái, nhất là về đạo đức, lối sống”, ông Duyệt nói và cho biết ông vẫn nhớ cảm giác “hừng hực trong người” với những ước mong, quyết tâm tại hội nghị triển khai nghị quyết với cán bộ chủ chốt toàn quốc. Tuy nhiên, nguyên Thường trực Bộ Chính trị cũng thừa nhận “khi thực hiện nghị quyết lại bị rơi vào trầm lắng, đến 2 - 3 khóa sau vẫn không thể hiện được tinh thần nghị quyết”.
Tổng thư ký Hội đồng Lý luận T.Ư Nguyễn Viết Thông kể khi ông hỏi nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu - người đã ký nghị quyết này, ông Phiêu trả lời rằng: “Nghị quyết đã khám đúng bệnh, đã bốc đúng thuốc nhưng uống không đủ liều nên bệnh tình của con bệnh gia tăng”.
Cả ông Duyệt, ông Thông cũng như nhiều cán bộ lão thành khác đều có chung nhận định: Đại hội XII, xây dựng, chỉnh đốn Đảng mới trở thành một “khúc nhấn mạnh”, mới được coi trọng, đúng tầm, đúng mức dù không phải lần đầu tiên. Theo tổng kết, trong nhiệm kỳ này, T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành tới 124 loại văn bản liên quan trực tiếp tới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó 80 văn bản liên quan tới phòng, chống tham nhũng. “Chưa có nhiệm kỳ nào như nhiệm kỳ này Đảng ta tập trung vào công tác xây dựng Đảng kể cả về chính trị, tư tưởng, về tổ chức bộ máy, về cán bộ. Có thể nói là toàn diện trên tất cả các mặt”, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận T.Ư nói.
Song kết quả của 4 năm qua không chỉ ở việc ban hành văn bản. Kết quả chính nằm ở sự quyết tâm, quyết liệt trong thực tiễn chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là chống tham nhũng với tinh thần “không có vùng cấm”, “không khoan nhượng”. Cuối năm 2016, sau khi Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc đi nhắc lại yêu cầu: “Bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh”. Khi Thanh đầu thú, Tổng bí thư đã yêu cầu các cơ quan chức năng “tập trung làm cho bằng được”, xét xử công minh sai phạm tại PVC và PVN. Chỉ 5 tháng sau đó, tối 8.12.2017, ông Đinh La Thăng bị bắt. Một tháng sau, tháng 1.2018, Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và 20 bị cáo khác hầu tòa.
Ông Đinh La Thăng là một trong 2 ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII, song là ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên trong nhiều chục năm qua bị đưa ra tòa trong một vụ án tham nhũng và bị khai trừ ra khỏi Đảng. Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư, người làm công tác kiểm tra từ năm 1987 - 2006, trực tiếp tham gia chỉ đạo xử lý các vụ án lớn liên quan tới nhiều cán bộ đảng viên cấp cao giai đoạn trước cho biết: Trước đây, như vụ án Năm Cam (Trương Văn Cam) và đồng phạm vào đầu thập niên 2000, được coi là “bước đột phá đầu tiên” trong cuộc chiến chống tham nhũng, chúng ta chỉ xử lý được 2 ủy viên T.Ư, 3 thứ trưởng. Tuy nhiên, chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII tới nay, Đảng đã kỷ luật tới hơn 90 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý, trong đó 21 ủy viên T.Ư Đảng, nguyên ủy viên T.Ư Đảng với 2 ủy viên Bộ Chính trị đương chức, 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. “Điều đó thể hiện Đảng ta kiên quyết loại bỏ những sai phạm trong Đảng, của tổ chức Đảng và cá nhân đảng viên”, ông Hùng nhận định.
Ông Nguyễn Văn Yên, Vụ trưởng Vụ Theo dõi các vụ án thuộc Ban Nội chính T.Ư - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo), cho hay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII tới nay, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo xử lý gần 200 vụ án, vụ việc; xét xử sơ thẩm 53 vụ với 550 bị cáo; xét xử phúc thẩm 43 vụ với 412 bị cáo, với các mức án nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn.
Theo ông Yên, trước đây, chống tham nhũng nặng về xử lý các đối tượng “loẹt quẹt” ở cấp phường, xã thì bây giờ đối tượng chính nằm ở các cơ quan T.Ư, khối quyền lực đứng đầu các tỉnh, TP và tập đoàn nhà nước. “Điều đáng nói nhất là nếu trước đây ta chỉ chứng minh được lỗi trách nhiệm như thiếu trách nhiệm hay cố ý làm trái thì bây giờ là tội tham ô, hối lộ, lạm quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Như ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, cũng 30 năm tù. Rồi Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên T.Ư, nguyên bộ trưởng cũng bị đề nghị mức cao nhất khung là tử hình”, ông Yên nói và khẳng định, tinh thần của Ban Chỉ đạo là đối tượng dù ở chức vụ nào của Đảng, Nhà nước khi phạm tội đều phải xử và xử đúng khung, đúng khoản của luật chứ “không kiêng”.
Không có vùng cấm, không có ngoại lệ
Cho rằng chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng trong các giai đoạn trước chưa được như mong muốn là do khâu tổ chức và thực hiện nghị quyết vốn là “khâu yếu lâu nay”, ông Nguyễn Viết Thông nhận định nhiệm kỳ Đại hội XII đã “rút kinh nghiệm” và T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm chính trị cao hơn, thể hiện rõ bất cứ ai vi phạm pháp luật của nhà nước đều bị xử lý nghiêm minh trước kỷ luật Đảng, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. “Đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí là dấu ấn của nhiệm kỳ này”, ông Thông đánh giá. PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), cũng khẳng định nếu không có quyết tâm chính trị rất cao từ T.Ư, Bộ Chính trị, nhất là người đứng đầu là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, chắc chắn không có kết quả như vừa qua. “Người ta đều phải nhìn vào cấp vĩ mô chỉ đạo thì mới chuyển động được”, ông Phúc nói.
Ông Nguyễn Văn Yên cho rằng “quyết tâm chính trị rất lớn là đương nhiên”, song điều quan trọng hơn là quyết tâm này được cụ thể hóa vào hoạt động của các cơ quan phòng, chống tham nhũng, trong đó có hoạt động của Ban Chỉ đạo. Theo ông Yên, trong 4 năm qua, Ban Chỉ đạo thực sự đã chỉ đạo rất sát sao, rất cụ thể; không đi vào tản mạn, chi tiết, lặt vặt song rất sát thực cho từng lĩnh vực, từng vụ án, thậm chí từng diện đối tượng một.
Một ví dụ rất điển hình là vụ MobiFone mua 95% cổ phần Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG). Tháng 7.2017, tại phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu khẩn trương thanh tra, kết luận rõ đúng sai về trách nhiệm trong vụ việc khi sau hơn 1 năm (từ tháng 8.2016) Chính phủ ban hành quyết định thanh tra mà vẫn không ra được kết luận. Tới tháng 4.2018, sau khi có kết luận thanh tra, Thường trực Ban Chỉ đạo đã thống nhất đưa vụ việc này vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, xử lý. Đây là điểm mấu chốt cho việc giải quyết vụ án được coi là giữ nhiều “kỷ lục” trong lịch sử tư pháp Việt Nam khi cùng lúc có tới 2 bộ trưởng hầu tòa với số tiền nhận hối lộ lên tới hàng triệu USD.
Nói về vụ việc này, phát biểu tại hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Vụ AVG là vụ án điển hình khi nhiều bị cáo từng giữ vị trí cấp cao, trong đó có hai cựu bộ trưởng. “Đây là vụ có tác dụng giáo dục răn đe, cảnh tỉnh”, ông nói. Cũng tại hội nghị này, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã nhắc lại thông điệp từng được ông nhấn mạnh nhiều lần, đó là cần chấn chỉnh, loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn” trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. “Tôi đã nhiều lần nói rồi, nay xin nhắc lại: những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm!”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.
Chính quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” luôn được những lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước thúc đẩy, duy trì với sự kiên quyết như Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã nói, được hầu hết các cán bộ lão thành và nhân dân cho là “động lực chính” tạo nên những kết quả trong 4 năm qua. “Đó là cái rất đáng mừng. Nó mang lại, khôi phục niềm tin trong dân”, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch MTTQ Việt Nam, khẳng định đồng thời nhận định, với đà này, nếu cương quyết thì chúng ta sẽ có hy vọng ngăn chặn được tệ tham nhũng, thoái hóa, biến chất trong đảng viên, cán bộ.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII tới nay, Đảng đã kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý, trong đó 21 ủy viên T.Ư Đảng, nguyên ủy viên T.Ư Đảng với 2 ủy viên Bộ Chính trị đương chức, 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Cũng trong thời gian này, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo xử lý gần 200 vụ án, vụ việc; xét xử sơ thẩm 53 vụ với 550 bị cáo; xét xử phúc thẩm 43 vụ với 412 bị cáo.
Ý kiến
Làm cho dân tin tưởng vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước