Loạt bài "Điều động, luân chuyển cán bộ: Tầm nhìn chiến lược của Đảng" của nhóm tác giả Hữu Tuấn - Huy Hào - Hồ Hạ, Báo Đầu tư, đoạt giải C - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ V - năm 2021. Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Đ/c Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và đ/c Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao Giải C cho các tác giả, nhóm tác giả
Lời tòa soạn:
Công tác cán bộ trong xây dựng Đảng - công tác “then chốt của then chốt” luôn được Đảng ta đặc biệt quan tâm.
Chính vì điều đó, điều động, luân chuyển nhằm đào tạo toàn diện, trui rèn cán bộ qua thực tiễn đã được Đảng ta nhấn mạnh từ năm 2002, với Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 25/1/2002 về việc luân chuyển cán bộ và lãnh đạo quản lý.
Chủ trương này tiếp tục được nêu tại Quyết định số 98-QĐ/TW ngày 7/10/2017 về luân chuyển cán bộ và Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tiếp tục ban hành Nghị quyết 26 -NQ/TW ngày 19/5/2018 về “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, trong đó nêu rõ mục tiêu đến năm 2020, “đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương”; Đến năm 2025, “cơ bản bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện; đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác”.
Thực tế cho thấy, Đại hội Đảng cấp cơ sở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vừa qua, công tác điều động, luân chuyển cán bộ đã tạo dấu ấn mạnh mẽ, với nhiều Bí thư tỉnh ủy, thành ủy là cán bộ được điều động, luân chuyển, nhiều người được Đại hội tín nhiệm với số phiếu tuyệt đối. Trước đó, tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, công tác điều động, luân chuyển cán bộ ở cấp huyện cũng đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, góp phần vào thành công của Đại hội Đảng ở cơ sở.
Kết quả này đang mở ra nhiều kỳ vọng vào bước chuyển chiến lược của Đảng trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, đây mới là kết quả bước đầu, bởi những “lát cắt” từ thực tiễn cho thấy, công tác này vẫn còn một số tồn tại nhất định, còn rất nhiều việc cần làm phía trước, để thực sự trở thành bước chuyển chiến lược trong công tác cán bộ của Đảng, làm nền tảng, động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và đất nước.
Phần 1:
Khởi đầu cuộc chuyển giao thế hệ lịch sử
Từ ngày 20/9 đến ngày 28/10, toàn bộ 63 Đảng bộ tỉnh, thành phố trên cả nước đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025, bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ và các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy. Đại hội Đảng bộ 63 tỉnh, thành phố đã lựa chọn được các nhân tố tiêu biểu vào Ban Chấp hành và bầu được người đứng đầu Đảng bộ với sự tín nhiệm cao. Trong đó, dư luận đặc biệt quan tâm và trông đợi vào các đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy khi nhìn vào sự trẻ trung, trình độ, năng lực, sự trải nghiệm qua thực tiễn nhiều vị trí công tác và đặc biệt, rất nhiều trong số đó không phải là người tại địa phương. Đó được coi là sự khởi đầu cho một cuộc chuyển giao thế hệ ấn tượng và mang nhiều kỳ vọng trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang hướng tới Đại hội XIII của Đảng.
Trao niềm tin, gửi trọng trách
“Sẽ luôn toàn tâm, toàn ý vì sự phát triển chung của tỉnh Thái Nguyên, vì sự hài lòng, hạnh phúc, ấm no và sung túc của nhân dân tỉnh Thái Nguyên” là lời chia sẻ thể hiện sự quyết tâm, là cam kết mà đồng chí Nguyễn Thanh Hải, tân Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nhấn mạnh trong bài phát biểu ngay sau khi tái đắc cử ngày 13/10 vừa qua.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải là một trong hơn 20 cán bộ được Trung ương điều động, luân chuyển về địa phương tháng 5/2020, khi đang giữ cương vị Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Có thể nói, Thái Nguyên đã có một kỳ Đại hội rất thành công khi bầu 51 đồng chí vào Chấp hành Chấp hành Đảng bộ khóa XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với sự thống nhất rất cao. Trong đó, 3 đồng chí Thường trực Tỉnh ủy gồm Bí thư và 2 Phó Bí thư Tỉnh ủy đều ở độ tuổi 7x.
“Chúng tôi nhận thức được rằng, đây thực sự là vinh dự, là nguồn động viên hết sức to lớn để chúng tôi tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao cũng như vượt qua mọi thách thức đang ở phía trước”, đồng chí Nguyễn Thanh Hải phát biểu.
Cũng thuộc thế hệ 7x, nữ cán bộ luân chuyển không là người địa phương và được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XII. Trước đó, từ tháng 4/2018, khi đang là Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng chí Đào Hồng Lan đã được Trung ương quyết định luân chuyển, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Tại Yên Bái, tỉnh đầu tiên đưa “chỉ số hạnh phúc” vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, đồng chí Đỗ Đức Duy, đã được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nhiệm kỳ 2020-2025.
Tân Bí thư Tỉnh ủy thế hệ 7x Đỗ Đức Duy cho biết, “chỉ số hạnh phúc” là điểm mới trong chiến lược phát triển của địa phương trong nhiệm kỳ tới cũng là mục tiêu mà toàn hệ thống chính trị hành động là “làm sao để người dân hài lòng và hạnh phúc”. Đồng chí Đỗ Đức Duy là cán bộ luân chuyển về Yên Bái từ tháng 2/2017 khi đang giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng và được chỉ định tham gia Ban thường vụ Tỉnh ủy, giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy, sau đó được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái.
Ở dải đất phía Nam Tổ quốc, một cán bộ luân chuyển thuộc thế hệ 7x, là đồng chí Lê Quang Mạnh, cũng vừa được Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Cần Thơ khóa XIV bầu giữ chức Bí thư Thành ủy Cần Thơ, nhiệm kỳ 2020-2025. Tháng 5/2019, khi đang giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng chí Lê Quang Mạnh được Trung ương luân chuyển, điều động và chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban thường vụ Thành ủy Cần Thơ và giữ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ và sau đó Hội đồng Nhân dân TP. Cần Thơ đã bầu làm Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, nhiệm kỳ 2016-2021.
Trong 67 đảng bộ trực thuộc Trung ương vừa tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, trường hợp khá đặc biệt là đồng chí Nguyễn Văn Thắng, đã 2 lần được bầu với tín nhiệm cao tại 2 Đại hội khác nhau.
Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 ngày 25-27/9/2020, đồng chí Nguyễn Văn Thắng được bầu tái đắc cử chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Sau đó, ngày 11/10/2020, Bộ Chính trị đã chỉ định đồng chí tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giới thiệu bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên nhiệm kỳ 2020-2025. Ngày 14/10, tại Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên khóa XIV, đồng Nguyễn Văn Thắng được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy khóa XIV nhiệm kỳ 2020-2025.
Năm 2018, đồng chí Nguyễn Văn Thắng là cán bộ được Bộ Chính trị luân chuyển, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2015-2020; sau đó được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhiệm kỳ 2015-2020, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.
Đó chỉ là một vài điểm nhấn, song phần nào cho thấy sự tươi mới, trẻ trung, mang theo nhiều kỳ vọng của một lớp cán bộ trẻ được Trung ương điều động, luân chuyển, “thử lửa” ở cơ sở, mà đợt “sát hạch” cao nhất là Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành vừa diễn ra. Đây là điều ít thấy hoặc không có ở nhiều kỳ đại hội Đảng trước đây.
Có thể nhận thấy, trước thềm Đại hội các Đảng bộ trực thuộc Trung ương, đã có hơn 20 cán bộ được Bộ Chính trị điều động luân chuyển về cơ sở, chỉ định giữ các cương vị chủ chốt tại các địa phương, trong đó có nhiều nơi còn khó khăn, với kỳ vọng thúc đẩy các địa phương phát triển và góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ cấp chiến lược của đất nước. Phần lớn các cán bộ này là cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản, đã thể hiện được năng trong công tác.
Đáng chú ý, tại các Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố, các cán bộ trẻ đã trúng cử với số phiếu rất cao, nhiều trường hợp đạt 100%, chứng tỏ công tác tổ chức nhân sự có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khoa học, đúng đắn, tạo được niềm tin và sự đồng thuận với cán bộ, đảng viên.
Sau Đại hội Đảng, cương vị người đứng đầu Đảng ủy nhiều tỉnh, thành phố đã được trao cho những cán bộ trẻ thuộc thế hệ 7x, như tại Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Hòa Bình, Hà Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Sóc Trăng, Thanh Hóa, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang… Nhưng điểm đáng chú ý là, phần lớn trong Thường trực Đảng bộ trực thuộc Trung ương đều có các đồng chí thế hệ 7x đan xen với thế hệ 6x, tạo nên một lớp cán bộ vừa giàu kinh nghiệm, vừa có sức trẻ, có trình độ, nhiệt huyết, được Đảng bộ, nhân dân các địa phương đặt nhiều kỳ vọng. Đó chính là tính kế thừa, tiếp nối trong bước chuyển chiến lược, chuyển giao thế hệ cán bộ nhằm đảm bảo sự ổn định và phát triển.
Ngày 29/10, tại Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương đã trao quyết đinh của Ban Bí thư điều động, bổ nhiệm, chỉ định đồng chí Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Xây dựng tham gia Ban Thường vụ và giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.
Đồng chí Nguyễn Tường Văn sinh năm 1971,quê TP Hải Phòng, là Tiến sĩ kinh tế, đã có hơn 20 năm công tác trong ngành xây dựng.
|
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Uỷ viên BCH Trưng ương Đảng, Phó Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương trao quyết định của Ban Bí thư cho đồng chí Nguyễn Tường Văn
Điển hình cho câu chuyện này là Nghệ An, Quảng Ninh, khi thực hiện chuyển giao thế hệ đã có sự kế thừa, đan xen độ tuổi lãnh đạo trong Thường trực Tỉnh ủy.
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 ngày 17/10, bên cạnh việc đánh giá những kết quả đạt được về mọi mặt của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặc biệt nhấn mạnh việc Đảng bộ tỉnh Nghệ An “đã thực hiện tốt việc chuyển giao thế hệ cán bộ, tạo được sự đồng thuận cao”.
Theo đó, bên cạnh Bí thư Tỉnh ủy là đồng chí Thái Thanh Quý (sinh năm 1976), đồng chí Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh (sinh năm 1974), Thường trực Tỉnh ủy có đồng chí Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Tỉnh ủy (sinh năm 1963) và các đồng chí trong Ban thường vụ thuộc thế hệ 6x giàu kinh nghiệm công tác, với nhiều năm lăn lộn trong thực tiễn xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tại địa phương.
Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đánh giá: “Dù có sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo, nhưng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh vẫn duy trì được sự đoàn kết, phát huy sáng tạo giúp tỉnh tiếp tục vững bước tiến lên”.
Người đứng đầu Quốc hội có đánh giá này là bởi, Quảng Ninh đã có sự chuyển giao thế hệ 6x sang 7x cho người đứng đầu. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký (sinh năm 1972), đồng chí Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy (sinh năm 1966), đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó bí thư Tỉnh ủy (sinh năm 1973 – hiện đã được Trung ương điều động, luân chuyển về Điện Biên) và các đồng chí trong Ban Thường vụ tỉnh Quảng Ninh khóa mới có cả 2 độ tuổi 6x, 7x.
Theo báo cáo mới nhất, tính đến hết ngày 28/10/2020, trong số 63 Bí thư tỉnh, thành phố, có 9 người là nữ (An Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Lai Châu, Lạng Sơn, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Thái Nguyên, và Vĩnh Phúc).
Về độ tuổi, có 2 đồng chí Bí thư thuộc thế hệ 5x (Hà Nội và TPHCM, chiếm 3%), 34 người thuộc thế hệ 6x (54%), và 27 người thế hệ 7x (43%). Có 22 Bí thư lần đầu tiên đắc cử, 41 người tái đắc cử. Trong đó, 29 đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, 12 đồng chí là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Đáng chú ý, có 11 đồng chí được Bộ Chính trị điều động, luân chuyển trong năm 2020 và đều đắc cử, tái đắc cử làm Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy nhiệm kỳ 2020-2025.
Việc hàng loạt cán bộ trẻ được tín nhiệm, gửi gắm trọng trách ở các Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vừa qua có một ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi lẽ, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII năm 2021 sẽ là một kỳ Đại hội vô cùng đặc biệt khi diễn ra một cuộc chuyển giao thế hệ mới.
Trong bài phát biểu “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh về một cuộc chuyển giao lịch sử “từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau”.
Để có một đội ngũ cán bộ của Đảng “phải vừa có Đức, vừa có Tài, trong đó Đức là gốc”, một “đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ trong từng giai đoạn”, Đảng ta từ năm 2002 đã ban hành Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 25/1/2002 về việc luân chuyển cán bộ và lãnh đạo quản lý.
Ngay từ thời điểm đó, Nghị quyết đã nhấn mạnh: “Đây là một chủ trương rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, của toàn bộ hệ thống chính trị và các lực lượng vũ trang, nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước; tăng cường cán bộ cho các lĩnh vực và địa bàn cần thiết; khắc phục tình trạng cục bộ trong công tác cán bộ, khép kín trong từng ngành, từng địa phương và từng đơn vị”.
Và trong giai đoạn chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2021-2026, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quyết định số 98-QĐ/TW ngày 7/10/2017 về luân chuyển cán bộ. Trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ công tác luân chuyển cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng; ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen...
Bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị và cán bộ cấp chiến lược.
Cùng với đó là việc kết hợp luân chuyển với điều động, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ trong toàn hệ thống chính trị; tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn có nhu cầu, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu và cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ.
Đồng thời tiếp tục thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ kết hợp chặt chẽ với bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Chính vì vậy, trong nhiệm kỳ 2015-2020, công tác điều động, luân chuyển cán bộ đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Thành công của Đại hội đảng 67 Đảng bộ trực thuộc Trung ương đã cho thấy tầm nhìn chiến lược của Đảng trong công tác điều động, luân chuyển cán bộ khoa học, hợp lý đã tạo ra những thế hệ cán bộ có trình độ, năng lực, đạo đức nối tiếp, kế thừa xây dựng đất nước.
Điều động, luân chuyển - Cuộc thử lửa trui rèn cán bộ
Cùng với cuộc chuyển giao thế hệ, tại Đại hội đảng bộ Đảng bộ trực thuộc Trung ương đã ghi nhận một dấu ấn nổi bật là bí thư cấp tỉnh, thành phố không là người địa phương. Cụ thể, trong số 63 bí thư tỉnh, thành ủy mới được bầu (trừ Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương) có tới 32 đồng chí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương.
Trước đó, Nghị quyết 26 -NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đã nêu rõ, mục tiêu đến năm 2020, “đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương”; Đến năm 2025, “cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện; đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác”. Như vậy, đối với việc thực hiện nội dung này của Nghị quyết, ngay từ đầu nhiệm kỳ mới, trước lúc diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã hoàn thành được hơn 50%.
Bên cạnh đó, báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương cho thấy, tại Đại hội cấp huyện, thị nhiệm kỳ 2020-2025 ở các tỉnh, thành phố, đã có hơn 40% số bí thư cấp ủy, cấp huyện không là người địa phương
Tỉnh Quảng Ninh, cái nôi thử nghiệm nhiều chính sách cải cách về thể chế, tinh gọn bộ máy, đến nay cũng là nơi tiên phong thực hiện chủ trương luân chuyển, bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương. Hiện Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ bí thư cấp huyện, xã không phải người địa phương.
Trước thềm Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, tỉnh đã luân chuyển, điều động, bố trí sắp xếp, đưa ra Đại hội bầu, đạt 100% bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương; 84,75% bí thư cấp ủy cấp xã, phường không là người địa phương (150/177 đơn vị); 100% trưởng công an và 100% Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện không là người địa phương.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Quảng Ninh luôn coi công tác cán bộ là một trong những nhiệm vụ quan trọng, có vị trí then chốt trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó, chú trọng yêu cầu rèn luyện, đào tạo cán bộ trong thực tiễn, gắn với thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ cho những nơi có khó khăn và từng bước bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương trong công tác điều động, luân chuyển cán bộ; đẩy mạnh phân công, phân cấp quản lý đi đôi với kiểm tra, giám sát, bảo đảm cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; đảm bảo thực hiện nghiêm túc các chế độ, chính sách đối với cán bộ; coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
Tại Cao Bằng, nơi vừa kết thúc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào ngày 28/10, đồng chí Lại Xuân Môn, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, đối với Cao Bằng, từ trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh, đại hội cấp huyện đã bầu cấp ủy với kết quả 100% Bí thư huyện ủy và 80% Chủ tịch UBND huyện không phải người địa phương.
Tại Thái Nguyên, cũng đã có 8/9 Bí thư huyện và 6/9 Chủ tịch UBND huyện không phải là người địa phương.
Cùng với Quảng Ninh, Cao Bằng, Thái Nguyên, hàng loạt địa phương đã quán triệt, thực hiện rất tốt Nghị quyết 26 số -NQ/TW và Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bằng việc điều động, luân chuyển, bố trí sắp xếp 100% bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương như Yên Bái, Thái Bình, Long An…
Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chủ trương luân chuyển cán bộ của Đảng và Nhà nước cũng là một cách áp dụng “Luật Hồi tỵ” trong tình hình mới (thời vua Lê Thánh Tông, hồi tỵ được luật hóa trong Luật Hồng Đức, quy định, quan lại không được lấy vợ, kết hôn, làm thông gia ở nơi mình cai quản; không được tậu đất, làm nhà nơi mình làm quan lớn; không được dùng người cùng quê giúp việc. Sang đời vua Minh Mạng, luật hồi tỵ còn triệt để hơn, được mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng, như quan lại nếu có bố, con, anh em ruột, chú bác, cô dì cùng làm một chỗ phải đổi đi chỗ khác; không được làm quan ở quê vợ, nơi đi học lúc còn trẻ; người có quan hệ thông gia, thầy trò cũng không được làm quan cùng một chỗ. Luật Hồi tỵ đời vua Minh Mạng còn nghiêm cấm các quan đầu tỉnh không được đặt quan hệ giao du, kết thân, kết hôn nơi mình trị nhậm, cấm tậu nhà, tậu ruộng... trong địa hạt cai quản – PV).
“Thanh Hóa cần tiếp tục chú trọng thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ với phương châm “lựa chọn đúng người, sắp xếp đúng công việc, bố trí đúng vị trí” để công tác cán bộ thật sự là khâu then chốt, lựa chọn được những cán bộ ưu tú, xứng đáng, đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra”.
(Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ngày 27/10/2020).
|
Bộ Công An mới đây thực hiện rất hiệu quả chủ trương luân chuyển này. Trước đại hội Đảng bộ của các tỉnh, hàng loạt Giám đốc Sở Công an đã được điều chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác.
“Chủ trương này chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng quản trị công của đất nước. Đặt biệt, khi luân chuyển cán bộ nhắm một lúc vào cả hai mục đích: không để các cán bộ lãnh đạo giữ chức tại quê hương mình; không để họ tại vị ở một nơi quá lâu”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng bình luận.
Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, việc luân chuyển cán bộ trước hết giúp bảo đảm nguyên tắc không để xảy ra xung đột lợi ích trong thực thi công vụ. Việc nắm giữ quyền lực công là để phục vụ lợi ích công, do đó, nếu xảy ra xung đột khi thực thi công vụ thì lợi ích công khó được đảm bảo.
Thứ nữa, việc điều động, luân chuyển cũng cắt đứt mối quan hệ thân hữu có thể đang tồn tại thì mới chống được tham nhũng, mới bảo đảm được môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng.
Đặc biệt là việc luân chuyển giúp cho lãnh đạo mới có vị thế để tiến hành các cải cách cần thiết và áp đặt các chuẩn mực mới. Lãnh đạo mới rõ ràng ít bị vướng mắc về quan hệ, về những lề lối, những cách thức đã tồn tại trước đây. Ngoài ra, người mới cũng có động lực mạnh mẽ hơn trong việc khẳng định mình trên cương vị và trong môi trường mới.
Còn PGS-TSKH Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu làm được việc điều động, luân chuyển cán bộ chủ chốt không là người địa phương sẽ rất tốt, tránh được tình trạng “cục bộ, địa phương”, vun vén cho gia đình, dòng họ, người thân quen - vấn đề rất phổ biến ở Việt Nam.
“Khi không bị “duy tình” thì cán bộ đứng đầu sẽ khách quan, minh bạch hơn trong quản lý, điều hành. Rộng hơn, việc này còn củng cố đoàn kết giữa nhân dân khắp các vùng miền, bởi đâu cũng là quê hương, đất nước mình”, PGS-TSKH Nguyễn Trọng Phúc bình luận.
Có thể thấy rằng, chủ trương điều động luân chuyển, bố trí, sắp xếp cán bộ chủ chốt không là người địa phương đang tạo nên sự thay đổi lớn trên diện rộng, từ các bộ, ngành; các địa phương cấp tỉnh xuống cấp huyện, xã. Việc này đang từng bước khắc phục các hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ, phá vỡ được chiếc “kén” từng được gọi tên "cục bộ, bè cánh", “ủy ban họ”, “chi bộ gia đình”... vốn đã tồn tại từ lâu trong công tác cán bộ ở một số địa phương, gây nhức nhối trong dư luận, do đó bước chuyển này đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình cao của đông đảo đảng viên và người dân.
Không những vậy, việc luân chuyển này còn đào tạo toàn diện, rèn luyện cán bộ qua thực tiễn công tác, tạo điều kiện để nhiều cán bộ trưởng thành, đồng thời hướng đến mục tiêu chiến lược bồi dưỡng cán bộ trong quy hoạch, nâng cao chất lượng cán bộ đồng đều giữa các địa phương, ngăn ngừa lạm dụng chức quyền, mưu lợi cá nhân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, bất kỳ lĩnh vực, địa phương nào, công tác cán bộ bao giờ cũng đóng vai trò quyết định. Công tác cán bộ đóng vai trò then chốt trong công tác xây dựng Đảng, là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, quyết định sự thành bại của cách mạng. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ”. Mà để đào tạo, bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ “ngang tầm nhiệm vụ” như yêu cầu thì bài học thực tế trong thời gian qua đã chỉ rõ là phải tung cán bộ về cơ sở, vào điểm nóng, sang những lĩnh vực khác nhau.
Thành công của Đại hội các Đảng bộ trực thuộc Trung ương đã thể hiện một tầm nhìn chiến lược xuyên suốt của Đảng từ nhiều năm qua trong công tác cán bộ, tạo niềm tin vững chắc, to lớn trong các tầng lớp nhân dân, đảng viên, tạo cơ sở vững chắc cho sự thành công của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII sắp tới.
Không những vậy, qua công tác điều động, luân chuyển cán bộ Đảng đã từng bước tạo dựng được một đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ, năng lực, uy tín gánh vác trọng trách, tiếp tục kế thừa sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn tới.
Phần 2: Cuộc sát hạch lớn từ thực tiễn
Không chỉ ghi dấu ấn bằng việc nhiều cán bộ trẻ trong diện này vừa được trao gửi niềm tin, kỳ vọng ở các Đại hội đảng cơ sở, công tác điều động, luân chuyển cán bộ còn đang hình thành những “làn sóng” mới ở các bộ, ngành, địa phương với những cách làm chủ động, sáng tạo, góp phần đào tạo nên một đội ngũ cán bộ thế hệ mới. Những trăn trở, tìm tòi của đội ngũ cán bộ được điều động, luân chuyển đã và đang từng bước tạo chuyển biến trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, công tác chuyên môn và phát triển kinh tế - xã hội ở các bộ, ngành, địa phương.
Luân chuyển, điều động nhìn từ “cái nôi” cải cách Quảng Ninh
Quảng Ninh - “cái nôi” của những thử nghiệm chính sách về cải cách thể chế, các mô hình phát triển kinh tế mới, cũng là địa phương đi đầu trong cả nước về điều động, luân chuyển cán bộ, gắn với bố trí sắp xếp cán bộ chủ chốt không là người địa phương.
“Đây là lần luân chuyển thứ 4 của tôi trong 10 năm qua. Cả 4 vị trí trong quá trình đó đều khác nhau về tính chất công việc. Từ quản lý di sản sang làm quản lý hành chính cấp huyện, rồi sang làm chuyên môn cải cách thủ tục hành chính của tỉnh, sau đó được điều chuyển làm Bí thư Huyện ủy. Đó là một hành trình thú vị đầy thử thách”, đồng chí Tô Xuân Thao, Bí thư Huyện ủy Vân Đồn tâm sự.
Tháng 10/2020 là tròn 2 năm đồng chí Tô Xuân Thao được điều động, luân chuyển trở lại Vân Đồn khi đang làm Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh, trước đó là Phó chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, trước nữa là Phó trưởng Ban quản lý Vịnh Hạ Long.
Khi được giao xây dựng, vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công Quảng Ninh - mô hình thí điểm đầu tiên của cả nước, đồng chí Thao cảm nhận được đây là một nhiệm vụ thực sự khó khăn.
“Đây là mô hình chưa từng có tiền lệ, bản thân tôi cũng chưa có kinh nghiệm lĩnh vực này. Khó khăn không chỉ là phải sáng tạo, tìm tòi cách thức, mô hình hiệu quả, hiệu suất cao, mà còn ở tâm lý ngần ngại của các đơn vị khi đưa thủ tục hành chính về một mối; phân cấp, ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính như thế nào; vấn đề cơ sở dữ liệu quản lý ra sao; rồi những vướng mắc trong vấn đề 2 con dấu hay trình độ công nghệ của cán bộ, người dân còn yếu”, đồng chí Tô Xuân Thao nhớ lại.
Sau 3 năm lăn lộn, đồng chí Tô Xuân Thao cùng đồng sự đã xây dựng, vận hành thành công mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công Quảng Ninh, được Bộ Nội vụ đánh giá “thực sự là bước đột phá, đi đầu trong cả nước về công tác cải cách hành chính và hiện đại hóa nền hành chính. Hiệu quả của mô hình đã có sự tác động tích cực, lan tỏa đến các địa phương khác”.
Khi đang hừng hực, say mê với công tác chuyên môn về cải cách hành chính, Tỉnh ủy điều động, luân chuyển đồng chí Tô Xuân Thao về làm Bí thư Huyện ủy Vân Đồn. Lúc đó, Vân Đồn đang được xác định là một khu hành chính - kinh tế đặc biệt không chỉ của Quảng Ninh, khu vực Đông Bắc, mà còn của cả nước, có vai trò vô cùng quan trọng trong khu vực Hành lang kinh tế Trung Quốc - ASEAN. Nhiệm vụ đặt ra cho Huyện ủy Vân Đồn rất nặng nề. Một ví dụ nhỏ là cán bộ, công chức của Vân Đồn không chỉ đáp ứng nhu cầu cho các nhà đầu tư trong nước, mà còn phải đủ trình độ, năng lực đàm phán, làm việc với các nhà đầu tư quốc tế.
Bắt tay vào công tác mới, đồng chí Tô Xuân Thao xác định, công tác quan trọng nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ, gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của chính quyền và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Phải không ngừng nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín. Phải thổi vào đội ngũ cán bộ cơ sở khát vọng xây dựng Vân Đồn phát triển và khơi dậy ý chí vươn lên, học hỏi, rèn luyện, lấy niềm hạnh phúc, sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá cán bộ.
Cùng với đó, nhiệm vụ của một Bí thư Huyện ủy là công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ Vân Đồn nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó, việc bố trí, sắp xếp cán bộ vừa đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương, vừa tuân thủ các quy định, chủ trương, Nghị quyết cũng không hề đơn giản.
Nếu như việc xây dựng Trung tâm Phục vụ hành chính công Quảng Ninh là chưa từng có tiền lệ, thì tại Vân Đồn, chủ trương tinh giản bộ máy, biên chế, luân chuyển cán bộ gắn với bố trí cán bộ chủ chốt không là người địa phương cũng là nhiệm vụ mới, có thể làm xáo trộn về tổ chức bộ máy và động chạm đến vị trí, quyền lợi của các cá nhân, tập thể.
“Chúng tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ. Xác định đúng mục tiêu, phương thức tiến hành phải phù hợp với điều kiện thực tế. Khi triển khai thì phải thận trọng, làm đến đâu, chắc đến đó, bảo đảm lộ trình và không nóng vội”, đồng chí Tô Xuân Thao chia sẻ.
Ngay từ trước Đại hội Đảng bộ huyện, trong 2 năm 2018-2019, Vân Đồn đã có sự đổi mới mạnh mẽ trong công tác sắp xếp, luân chuyển cán bộ. Đặc biệt là việc luân chuyển gắn với bố trí các chức danh chủ chốt như Bí thư, Chủ tịch không phải là người địa phương.
“Ngay trước Đại hội, Huyện ủy đã thực hiện sắp xếp, luân chuyển, điều động 11/12 Bí thư cấp xã không phải là người địa phương; mạnh dạn luân chuyển bố trí cán bộ trẻ về cơ sở; tăng cường luân chuyển cán bộ ngang, dọc. Đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện kiêm nhiệm, nhất thể hóa các chức danh người đứng đầu cấp ủy và chính quyền, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành; thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy với chương trình hành động và việc triển khai tổ chức thực hiện của uỷ ban nhân dân. Tại các Đại hội Đảng bộ xã, 100% các đồng chí Bí thư đảng ủy xã đã trúng cử với số phiếu rất cao, chứng tỏ sự tin tưởng, đồng thuận rất cao từ cơ sở đối với công tác nhân sự”, đông chí Tô Xuân Thao cho biết.
Đánh giá về chủ trương điều động, luân chuyển cán bộ, gắn với bố trí sắp xếp cán bộ chủ chốt không là người địa phương, đồng chí Tô Xuân Thao cho rằng, mục đích của luân chuyển cán bộ không chỉ khắc phục hiện tượng bè phái, hạn chế tiêu cực, tham nhũng, nâng cao chất lượng cán bộ đồng đều giữa các địa phương, mà còn hướng tới giải quyết nhiều mục tiêu có ý nghĩa chiến lược là đào tạo và rèn luyện cán bộ. Đặc biệt là bồi dưỡng cán bộ trong quy hoạch, tạo nguồn cán bộ cho cấp ủy Đảng trong thời gian tới.
“Trước đây, việc bầu bí thư cấp ủy trực tiếp tại Đại hội rất khó khăn. Nhưng nay, khi bố trí cán bộ không là người địa phương thì việc này rất thuận lợi, đạt sự đồng thuận cao. Đối với các đồng chí đảng viên, việc được bầu trực tiếp tại Đại hội còn là niềm tự hào, là vinh dự, tạo sự tự tin trong công tác sau này, nhưng cũng là trách nhiệm khiến họ phải không ngừng phấn đấu”, đồng chí Tô Xuân Thao nói.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Tô Xuân Thao đã không dưới 10 lần nhắc đến từ “cống hiến”. Theo đó, cán bộ được tổ chức luân chuyển điều động xuống cơ sở phải mang trong mình tinh thần cống hiến cho địa phương nơi mình công tác, phải nỗ lực tạo nên thành quả. Phải phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của đảng viên, tìm tòi, phát triển kinh tế, an sinh xã hội cho người dân địa phương.
Nếu có tư tưởng giữ mình cho an toàn, chỉ làm bình bình, sợ trách nhiệm, sẽ mất uy tín của cá nhân, của Đảng và mất cả niềm tin của cấp trên. Do vậy, tinh thần cống hiến hết mình khi được luân chuyển xuống địa phương là hành trang quan trọng hàng đầu, là điều mà cán bộ luân chuyển phải luôn “nằm lòng”.
Nếu như “cống hiến” là điều được Bí thư Tô Xuân Thao nhấn mạnh, thì với Bí thư Huyện ủy Đầm Hà (Quảng Ninh), đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà lại đặc biệt coi trọng sự “tận tụy”, nhất là với người đứng đầu, bởi “sự tận tụy với công việc của người đứng đầu sẽ lan tỏa tới đội ngũ cán bộ cấp dưới, đưa địa phương phát triển”.
Tháng 5/2017, khi đang là một Bí thư tỉnh Đoàn năng nổ, xông pha trong công tác thanh niên, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà được Tỉnh ủy Quảng Ninh giao nhiệm vụ mới, điều động về làm Bí thư Huyện ủy Đầm Hà. Đầm Hà lúc đó có 3 xã nằm trong chương trình 135, 19 thôn đặc biệt khó khăn, 30,8% dân số toàn huyện là đồng bào dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm 10,12%; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện chưa được đầu tư đồng bộ; sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ; nhân dân chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi. Nguồn lực, tài nguyên để phát triển Đầm Hà rất hạn chế. Các nhiệm kỳ trước, Đầm Hà thường chỉ đặt ra nhiệm vụ “Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo đời sống cho người dân”.
Nhưng khi nhận nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà đã xác định phải tạo bước phát triển đột phá cho Đầm Hà, đưa kinh tế Đầm Hà phát triển, xóa đói nghèo, đưa cuộc sống người dân ngày một tốt lên.
“Việc đầu tiên là tôi đi xuống cơ sở. Tôi ngỡ ngàng khi thấy có người dân có 3 - 4 ha quế thì mỗi năm bán 1 ha để lấy tiền tiêu, sang năm bán tiếp 1 ha nữa chứ không khai thác tất cả, dùng tiền tái đầu tư. Còn cán bộ nhiều huyện, xã nắm tình hình không chắc, vênh nhau, nhưng cũng không quan tâm. Sức ỳ lớn, tư tưởng an nhàn, chỉ cần làm tròn nhiệm vụ đã ăn sâu trong đội ngũ cán bộ. Vì vậy, việc đầu tiên là phải thay đổi tư duy của đội ngũ cán bộ, thay đổi suy nghĩ của người dân”, Bí thư Nguyễn Thị Thu Hà nhớ lại.
Nhận thức công tác cán bộ là khâu then chốt của then chốt trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà rà soát và phát hiện, phần lớn cán bộ xã chỉ làm việc, trưởng thành ở cơ sở, có những đồng chí làm vị trí chủ chốt 3 - 4 khóa, cán bộ công chức ở vị trí nhạy cảm làm việc ở một địa phương từ 6-7 năm khá nhiều và những địa phương này đều phát triển khá chậm. Trong khi đó, 3 xã có bí thư, chủ tịch xã do Huyện ủy luân chuyển, điều động xuống thì việc “chạy” hơn, kinh tế - xã hội khởi sắc hơn.
Từ đó, Huyện ủy Đầm Hà đã nghiên cứu, ban hành, sửa đổi, bổ sung đầy đủ các quy chế, quy định về công tác cán bộ, từ quy chế luân chuyển, điều động, biệt phái đến rà soát, đánh giá, thực hiện nghiêm túc quy trình, quy định về công tác cán bộ, đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch…
Bắt tay vào triển khai, Huyện ủy tiến hành điều chuyển một đồng chí Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc huyện xuống làm Phó bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc một xã. Đồng chí này lên tận phòng đề xuất “Bí thư cho em xuống làm cán bộ bình thường cũng được, em không về xã đâu”. Nhưng sau khi vận động, quán triệt, giao nhiệm vụ, sau một thời gian ở địa phương, đến nay đồng chí ấy lại “em xin ở lại thêm để đóng góp công sức mình cho xã, cho người dân”.
Nối tiếp, các đợt luân chuyển cán bộ từ các phòng, ban của huyện về các địa phương giữ vai trò người đứng đầu cấp ủy được tiến hành. Sau Đại hội Đảng bộ cơ sở, hiện nay toàn huyện có 9/9 xã đồng chí bí thư cấp ủy không là người địa phương. Không những vậy, huyện ủy Đầm Hà còn mở rộng công tác luân chuyển đối với đội ngũ công chức xã, huyện phục vụ người dân.
“Sau khi hoàn thành luân chuyển cán bộ chủ chốt cấp xã, từ huyện về xã, từ xã lên huyện, Đầm Hà tiếp tục tiến hành luân chuyển công chức. Bước đầu Đầm Hà tiến hành luân chuyển các vị trí công chức thực hiện nhiệm vụ nhạy cảm như kế toán, địa chính có thời gian công tác tại vị trí đó từ 3 năm trở lên và tới đây sẽ luân chuyển định kỳ tất cả vị trí còn lại. Ở Đầm Hà hiện nay, luân chuyển cán bộ, công chức đã trở thành thông lệ, nề nếp, trở thành công tác bình thường”, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà cho biết.
Sau một thời gian, Đầm Hà đã xuất hiện một luồng sinh khí mới, tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám đề xuất, dám thực hiện ngày càng nhiều. Hàng loạt mô hình kinh tế mới, sản phẩm mới, dự án khởi nghiệp sáng tạo… đã xuất hiện tại Đầm Hà. Hàng loạt dự án lớn đã tìm về Đầm Hà để đầu tư. Các dự án đã và đang đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng ngàn người dân, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của Đầm Hà. Đầm Hà đã hoàn thành Chương trình 135 sớm hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người tăng 2,1 lần so với năm 2015.
Những kết quả đó mang đậm dấu ấn của đội ngũ cán bộ tỉnh Quảng Ninh luân chuyển về Đầm Hà, cán bộ Đầm Hà luân chuyển xuống cơ sở và ngược lại.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh, thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW và hướng dẫn số 26-HD/BTCTW về công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Quảng Ninh đã chủ động đặt ra quyết tâm triển khai sắp xếp, bố trí cán bộ. Kết quả, Quảng Ninh đã có 100% bí thư cấp huyện ủy không là người địa phương, 84,7% bí thư cấp xã không là người địa phương (150/177 đồng chí). Bước đầu, các địa phương có bí thư cấp ủy không là người địa phương đã cho thấy sự đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, lề lối làm việc, có bước phát triển về kinh tế, xã hội, đóng góp vào sự phát triển chung.
Đồng chí Vũ Quyết Tiến, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ninh cho biết, thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục chú trọng đào tạo, rèn luyện cán bộ trong thực tế, qua thực tiễn công tác; thực hiện cơ chế giao việc, đào tạo cán bộ thông qua luân chuyển cán bộ. Quảng Ninh cũng sẽ mở rộng đối tượng luân chuyển đối với cán bộ cấp phòng, ban thuộc sở, ban, ngành địa phương, luân chuyển giữa các khối Đảng, đoàn thể và chính quyền nhằm đào tạo cán bộ một cách toàn diện, cán bộ trưởng thành vừa có “bề rộng” của chuyên môn, vừa có “chiều sâu” của tình cảm trong tiếp xúc, xử lý công việc với công dân, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, với chính quyền.
“Sóng” điều động, luân chuyển đang lan rộng
Tháng 3/2019, khi đang là Chánh Thanh tra tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Đỗ Đức Công được Tỉnh ủy điều động, luân chuyển giữ chức Bí thư Huyện ủy Phú Bình, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Phú Bình là huyện nông nghiệp trọng điểm của tỉnh với hơn 250 trang trại, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 65% cơ cấu nông nghiệp của huyện, nhưng lúc đó đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn châu Phi, nên vừa nhận nhiệm vụ, tân Bí thư đã phải cùng toàn hệ thống tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch. Dịch tả lợn chưa qua, thì cuối năm 2019, Covid-19 ập đến. “Khó khăn kép” khiến vị cán bộ luân chuyển thêm nhiều phần áp lực.
“Trước khi được điều động về Phú Bình, tôi đã trải qua nhiều vị trí công tác, nhưng chủ yếu ở lĩnh vực tư pháp, rồi cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, chưa có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực khác, nhất là công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Trong khi đó, vai trò của Bí thư huyện, người đứng đầu cấp ủy địa phương đòi hỏi phải có kiến thức, năng lực toàn diện trên các lĩnh vực. Tôi cũng không phải là người Phú Bình, nên việc nắm thực tiễn kinh tế - xã hội địa phương và năng lực cán bộ công chức dưới quyền… còn hạn chế”, đồng chí Đỗ Đức Công nhớ lại.
Trong bối cảnh đó, tân Bí thư Huyện ủy Phú Bình xác định, bên cạnh tìm hiểu, nắm bắt nhanh nhất các vấn đề ở địa phương, phải thúc đẩy được tinh thần nhiệt huyết, sự đổi mới, sáng tạo trong đội ngũ cán bộ để tạo nền tảng, động lực hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội.
“Phú Bình xác định công tác luân chuyển cán bộ là giải pháp quan trọng để đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Huyện đã thực hiện luân chuyển các trưởng, phó các phòng ban cấp huyện về giữ các chức vụ chủ chốt cấp xã. Tại các xã, nơi nào cán bộ chủ chốt có vấn đề, phát sinh dư luận đều được tìm hiểu cặn kẽ, có phương án chuẩn bị thay thế. Đến nay, qua luân chuyển, nhiều cán bộ đã trưởng thành hơn, tạo được sự tin tưởng của nhân dân và tiếp tục được sắp xếp vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của huyện. Sau Đại hội, các xã trên địa bàn huyện đều bầu được cấp ủy và người đầu với tín nhiệm cao và không hề có một đơn, thư nào liên quan đến công tác cán bộ, kể cả đơn thư nặc danh. Đây là kết quả của sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thực chất, cho thấy sự tin tưởng, đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo tiền đề cho sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Vừa qua, Phú Bình được tỉnh Thái Nguyên chọn là đơn vị tổ chức Đại hội điểm”, đồng chí Đỗ Đức Công cho biết.
Đánh giá bước đầu, Huyện ủy Phú Bình nhận định, hầu hết các đơn vị có cán bộ luân chuyển đã từng bước thay đổi phương pháp, lề lối làm việc, chất lượng quản lý, điều hành, phục vụ nhân dân được nâng lên.
Chỉ trong một thời gian ngắn, những thay đổi từ công tác cán bộ bằng việc sắp xếp, bố trí cán bộ đúng người, đúng chỗ đã tạo đà phát triển mạnh mẽ cho địa phương này. Huyện Phú Bình có bước phát triển vượt bậc, hầu hết các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đề ra đều có bước phát triển đột phá, thu ngân sách tăng 24%/năm; 00% các xã đều đạt chuẩn nông thôn mới; 100% trạm y tế xã, trường học đạt chuẩn quốc gia; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; nội bộ đoàn kết, thống nhất cao.
“Từ kinh nghiệm bản thân, tôi thấy rằng, đối với cán bộ luân chuyển, chỉ năng lực, trình độ thôi thì chưa đủ để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Theo tôi, cán bộ luân chuyển phải tâm huyết, trăn trở, trách nhiệm, toàn tâm, toàn ý với công việc, phải gương mẫu, công tâm, khách quan và đặt lợi ích tập thể lên trên hết”, Bí thư Huyện ủy Phú Bình chia sẻ.
Đồng chí Đỗ Đức Công đúc kết: “Niềm tin của nhân dân với cán bộ là quan trọng nhất. Muốn vậy, cán bộ phải gần gũi, sâu sát, phải “lao vào điểm nóng” cùng với nhân dân, giải quyết những vấn đề vướng mắc dù là nhỏ nhất trong cuộc sống của người dân, và đặc biệt, làm gì cũng phải đàng hoàng, khách quan, công tâm”.
Ông Dương Văn Tiến, Phó trưởng ban thường trực, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Nguyên cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 11-KH/TU ngày 20/6/2016 “Về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2016 - 2020”, tác động tích cực đến công tác cán bộ trong phạm vi toàn tỉnh.
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã luân chuyển 144 trường hợp, trong đó cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý là 22 trường hợp; cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy quản lý là 122 trường hợp. Đồng thời, đã luân chuyển, bố trí 8/9 cấp huyện, thị bí thư không là người địa phương; 6/9 huyện, thành phố, thị xã chủ tịch UBND không là người địa phương.
“Chủ trương luân chuyển cán bộ là rất đúng đắn. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ luân chuyển cơ bản đã hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự ổn định và phát triển chung của tỉnh, của địa phương, cơ quan, đơn vị nơi luân chuyển đến”, đồng chí Dương Văn Tiến đánh giá.
Cùng với Quảng Ninh, Thái Nguyên, thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã chủ động, sáng tạo, có nhiều cách làm mới trong công tác điều động luân chuyển.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang có Đề án số 04-ĐA/TU ngày 22/5/2017 về việc đưa cán bộ trẻ có trình độ, năng lực, triển vọng phát triển đang công tác ở các cơ quan cấp tỉnh về xã công tác giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, đã có 17 cán bộ biệt phái từ sở ngành về xã công tác đã tạo nên một luồng gió mới tại địa phương này.
Tại Thanh Hóa, từ năm 2012 đến tháng 7/2020, Tỉnh ủy đã điều động, luân chuyển 1.824 lượt cán bộ các cấp, ngành. Trong đó, có 67 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý từ tỉnh về các huyện, 59 đồng chí từ huyện lên tỉnh, 24 cán bộ từ huyện này sang huyện khác, ngành này sang ngành khác; cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ cấp ủy huyện và tương đương quản lý được điều động, luân chuyển 301 lượt cán bộ về các xã, 151 lượt cán bộ từ xã lên huyện; điều động, luân chuyển 382 đồng chí từ xã này sang xã khác và 840 lượt cán bộ các cấp, ngành.
Đến nay, Thanh Hóa đã bố trí các chức danh chủ chốt cấp huyện, cấp xã không là người địa phương, với 25/27 huyện, thị xã, thành phố có một trong ba chức danh chủ chốt không là người địa phương. Toàn tỉnh có 502 đơn vị cấp xã, chiếm tỷ lệ gần 90% tổng số xã, phường, thị trấn bố trí một trong ba chức danh Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND không là người địa phương…
Bộ, ngành tiên phong
Công tác điều động, luân chuyển cán bộ thời gian qua còn lan tỏa mạnh mẽ ở nhiều bộ, ngành trung ương, trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là một trong những đơn vị tiên phong.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc biệt phái các cán bộ là chuyên viên thuộc Bộ làm việc tại các địa phương là chủ trương của Ban cán sự đảng, tập thể lãnh đạo Bộ và đã nhận được sự đồng thuận của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội Vụ. Các cán bộ được biệt phái về làm việc tại địa phương trong một thời gian nhất định sẽ là cơ hội để cán bộ nâng cao trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, các kỹ năng trong công tác, đồng thời, chuyển tải những kinh nghiệm từ cơ quan Trung ương xuống địa phương về các chủ trương, chính sách, tư duy, mô hình, cách làm hay, giúp địa phương nâng cao năng lực công tác.
Đặc biệt, việc xuống cơ sở giúp các cán bộ làm chính sách hiểu được thực tế quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách ở địa phương, từ đó có kinh nghiệm hơn trong việc xây dựng, hoạch định chính sách sau này.
Ngược lại, các địa phương cũng gửi số lượng cán bộ tương ứng về công tác tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm đào tạo, rèn luyện, tích lũy kiến thức thực tế, kinh nghiệm công tác.
Bộ quyết định biệt phái một số cán bộ đang công tác tại các Cục, Vụ về các địa phương như Cần Thơ, Phú Thọ, Hòa Bình, Lào Cai, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An nhận công tác mới. Đồng chí Nguyễn Minh Châu, Tiến sỹ Kinh tế tu nghiệp tại Pháp trở về được tuyển dụng vào Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công tác tại Vụ Tài chính tiền tệ từ năm 2012 là một trong 7 cán bộ được biệt phái theo chủ trương này.
“Tôi nhận thức sâu sắc rằng, biệt phái cán bộ về địa phương, cơ sở là một chủ trương đúng đắn, thiết thực của Ban cán sự Đảng, của tập thể Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đồng chí Bộ trưởng. Đây là cơ hội rèn luyện và trải nghiệm thực tiễn cơ sở rất quý báu cho những cán bộ trẻ. Vì vậy, tôi đã tự nguyện xung phong đi biệt phái về Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa”, TS. Nguyễn Minh Châu cho biết.
Đồng chí Nguyễn Minh Châu, sau gần một năm biệt phái đã có những trải nghiệm quý báu: “Thực tiễn cơ sở rất phong phú, thực sự tôi không ngờ rằng quá trình biệt phái lại giúp tôi học hỏi, rèn luyện và tích lũy được những ý tưởng mới, cách làm hay, kinh nghiệm quý như thế. Có thể nói, đây là trải nghiệm đặc biệt nhất của tôi từ khi trở thành công chức đến giờ”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (đứng giữa) trao quyết định cho các chuyên viên của Bộ được điều động, biệt phái nhận công tác tại các địa phương
Không chỉ là Bộ tiên phong, đi đầu trong công tác biệt phái cán bộ làm việc tại địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn là “cái nôi” bồi dưỡng, đào tạo, giới thiệu cho Trung ương nhiều cán bộ cấp chiến lược thông qua công tác điều động, luân chuyển. Từ 15-20 năm trước, nhiều cán bộ trẻ có trình độ, năng lực, đạo đức được lãnh đạo Bộ quan tâm đào tạo, bồi dưỡng qua giao nhiệm vụ ở nhiều vị trí công tác khác nhau.
Với việc mạnh dạn sử dụng cán bộ trẻ, giao việc khó cho cán bộ trẻ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã từng bước có được đội ngũ cán bộ trẻ trung, có năng lực, tư duy đổi mới, sáng tạo, có bản lĩnh vững vàng, đáp ứng được yêu cầu công tác trong điều kiện mới.
Minh chứng là, trong thời gian qua, đội ngũ cán bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm cao của Trung ương Đảng, Chính phủ. Bộ có 4 đồng chí Thứ trưởng liên tục được điều động, bổ nhiệm đi luân chuyển, giữ trọng trách đứng đầu Đảng ủy, chính quyền địa phương tại Cần Thơ, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị. Tại Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh, thành vừa qua, các đồng chí này tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ cương vị Bí thư, Phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy.
Đánh giá cao cách làm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Đại hội Đảng bộ lần thứ IV của Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, “cần học tập cách làm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư”: “Cán bộ muốn có thực tiễn, muốn có bản lĩnh thì phải đi cơ sở, đi tỉnh. Nhân viên mới vào Bộ có thể biệt phái xuống tỉnh làm việc từ 1 đến 1,5 năm sau đó trở về Bộ. Người của tỉnh thì cử lên Bộ làm việc. Một số cán bộ cấp cao thì về tỉnh làm lãnh đạo để đào tạo qua thực tiễn. Nhiệm kỳ tới, chúng ta sẽ cử cán bộ đi tỉnh nhiều hơn, nhất là cán bộ trẻ”.
Chỉ hơn một tháng sau, Bộ Thông tin và Truyền thông cử đồng chí Lã Hoàng Trung, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia biệt phái về giữ chức vụ Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hậu Giang kể từ ngày 1/9/2020.
“Bản thân tôi thấy khá lo lắng khi phải đến một vùng đất mới, làm việc ở một cơ quan mới với văn hóa, con người và tính chất công việc mới. Việc phải xử lý cùng lúc 6 lĩnh vực mà Bộ đang quản lý tại địa phương là một thách thức rất lớn đối với bản thân. Nhưng tôi tin rằng, đây là một cơ hội tốt để tôi hoàn thiện bản thân và có những động lực công tác mới. Sự ủng hộ của Ban cán sự Đảng, ban lãnh đạo và tập thể Bộ Thông tin và Truyền thông, những kinh nghiệm đã tích lũy trong 15 năm công tác tại Bộ sẽ là hành trang để tôi có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ tại cương vị mới”, đồng chí Lã Hoàng Trung chia sẻ.
Theo đồng chí Phạm Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đây là lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông gửi cán bộ đi biệt phái. Trong thời gian tới, sẽ còn nhiều cán bộ cấp Vụ khác được cử đi biệt phái về địa phương. Ban lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn, đây sẽ là những nhân tố quan trọng để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại các địa phương và lan tỏa trên cả nước.
Không chỉ biệt phái cán bộ, Bộ Thông tin và Truyền thông còn là đơn vị thường xuyên thực hiện công tác luân chuyển, hoán đổi vị trí cán bộ. Đặc biệt, tháng 2/2020, Bộ tiến hành đợt điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ “quy mô nhất” lịch sử ngành Thông tin và Truyền thông” với 13 đồng chí.
“Đây là cách tốt nhất để đào tạo cán bộ. Một người ở đâu 5-10 năm là khó có thể tiếp tục đổi mới, sáng tạo, hăng hái. Vào môi trường mới sẽ có năng lượng mới, như được tái sinh, nhiều khả năng tiềm ẩn sẽ được bộc lộ. Thỉnh thoảng mới luân chuyển thì rất ngại, nhưng làm nhiều lần thì sẽ thấy bình thường và dần trở thành một nhu cầu”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Trong khi đó, dư luận đánh giá cao việc Đảng ủy Công an Trung ương thực hiện luân chuyển, điều động, bổ nhiệm 63/63 Giám đốc công an tỉnh, thành phố và trưởng công an huyện không phải là người địa phương.
Theo Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, Bộ chủ trương bổ nhiệm, luân chuyển nhằm thực hiện 100% giám đốc công an không phải là người địa phương, áp dụng đối với Giám đốc Công an cấp tỉnh và trưởng công an cấp huyện. Trong những đồng chí được bổ nhiệm, có rất nhiều giám đốc công an tỉnh, trưởng công an huyện được cấp ủy và chính quyền cũng như nhân dân tín nhiệm đưa vào quy hoạch ở những vị trí cao hơn, như phó bí thư tỉnh ủy; chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh hoặc Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội.
Đánh giá về vấn đề này, đồng chí Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc điều động, luân chuyển, bổ nhiệm của Bộ Công an bước đầu đã mang lại những hiệu quả nhất định. Ví dụ điển hình cho việc này có lẽ là ở tỉnh Đồng Nai và Thái Bình. Sau khi có giám đốc tỉnh được Bộ điều động ở nơi khác về, Công an các tỉnh này đã triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm, như vụ Đường “Nhuệ” ở Thái Bình hay chấn chỉnh công tác của lực lượng cảnh sát giao thông ở Đồng Nai... Điều này được nhân dân ở 2 tỉnh nói riêng và cả nước nói chung hết sức hoan nghênh.
“Theo tôi, ccách làm của ngành Công an nên nhân rộng ra các ngành, các cấp trên các nước. Một số ngành quan trọng khác như tòa án, ủy ban kiểm tra Đảng cũng cần có người lãnh đạo chủ chốt từ địa phương khác điều động, luân chuyển đến”, ông Lê Như Tiến khuyến nghị.
Còn Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đánh giá, chủ trương giám đốc công an không phải là người địa phương là một cách để đào tạo nguồn nhân lực rất tốt, đồng thời giúp cán bộ gần dân, có điều kiện cọ sát thực tiễn, sau này nếu được bổ nhiệm lên vị trí cao hơn sẽ đề ra các chủ trương chính sách sát thực tiễn hơn.
Có thể nói, thời gian qua, công tác điều động, luân chuyển cán bộ đã và đang được các địa phương, bộ, ngành chú trọng, tạo hiệu ứng tích cực đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và phát triển kinh tế xã - hội. Hiệu ứng đó là sự suy tư, trăn trở, quyết tâm của cán bộ được điều động, luân chuyển đối với nhiệm vụ công tác mới, với địa bàn mới. Đó là sự chuyển biến ban đầu về kinh tế - xã hội, về an ninh trật tự, về sự đoàn kết, thống nhất, không khí tin tưởng, đồng thuận ở các bộ, ngành, địa phương.
Những dấu ấn, tín hiệu tích cực ban đầu ấy đã được cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân ghi nhận, củng cố thêm niềm tin vào công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác cán bộ của Đảng nói riêng.
Song, thực tiễn cho thấy, vẫn còn những việc cần giải quyết triệt để, đồng bộ, xử lý kịp thời những phát sinh từ thực tế để công tác điều động, luân chuyển thực sự bài bản, phát huy hơn nữa hiệu quả trong thực tiễn, trở thành bước chuyển quan trọng, khẳng định tư duy và tầm nhìn chiến lược của Đảng.
Phần 3: Hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược
Chưa bao giờ, chủ trương luân chuyển, điều động để đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược “ngang tầm nhiệm vụ” lại được thực hiện bài bản và tạo được làn sóng mạnh mẽ khắp các địa phương, bộ, ngành; có được sự ủng hộ to lớn của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân như hiện nay. Đây chính là thời điểm có ý nghĩa quan trọng để hiện thực hóa một chủ trương lớn, một tầm nhìn chiến lược của Đảng đối với công tác cán bộ, với đội ngũ là “cái gốc của mọi công việc”. Chính vì thế, cần đánh giá khách quan những kết quả đạt được và thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế, kịp thời xử lý bất cập, phát sinh từ thực tiễn công tác điều động, luân chuyển để chủ trương lớn này đạt hiệu quả cao nhất.
Sẽ không còn cán bộ “tráng men”, “thần tốc”
Thành công tại 67 Đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương cho thấy, công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ để chuẩn bị nhân sự trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, khoa học, bài bản. Toàn Đảng đã dày công chuẩn bị đội ngũ nhân sự trẻ trung, có năng lực, trình độ, trải qua quy trình, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, học tập lý luận chính trị, các lớp đào tạo nguồn và luân chuyển, điều động, thử thách qua nhiều vị trí quản lý.
Điểm ấn tượng tại các kỳ đại hội này là việc bầu 34 Bí thư không phải người địa phương và 11 Bí thư Tỉnh ủy được Trung ương điều động về ngay trước Đại hội để ứng cử, và tại Đại hội, các đồng chí đều trúng cử với số phiếu cao. Kỳ Đại hội này cũng đã ghi nhận một thế hệ Bí thư tỉnh ủy 7x chiếm tới 43%, tạo nên sự kế thừa, tiếp nối, là cơ sở để Đảng lựa chọn đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ tầm đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn tới.
Xuyên suốt những thành công trên là chiến lược xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng. Công tác điều động, luân chuyển cán bộ đã có sự đổi mới mạnh mẽ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng; ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen... Làn sóng này tạo ra một luồng gió mới tích cực, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các ngành, các cấp và cán bộ cấp chiến lược.
Cùng với đó, chủ trương luân chuyển cán bộ kết hợp chặt chẽ với bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn trong đông đảo cán bộ, đảng viên cả nước.
Tuy nhiên, trong công tác điều động, luân chuyển cán bộ vẫn còn những tồn tại, hạn chế, vướng mắc nhất định cần được tháo gỡ để công tác luân chuyển ngày một thực chất, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu phát triển trong tình hình mới.
Tại Hội nghị cán bộ Trung ương điều động, luân chuyển do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức cuối năm 2019, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tổ chức Trung ương đánh giá, công tác luân chuyển cán bộ từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay đã được tiến hành bài bản, chặt chẽ, đồng bộ, minh bạch, khách quan và dân chủ theo đúng chủ trương, quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Việc lựa chọn cán bộ, địa bàn, chức danh luân chuyển được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng theo phương châm "làm đến đâu, chắc đến đó", có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa cơ quan nơi đi với địa phương nơi đến.
Tuy nhiên, vẫn còn có mặt hạn chế, cụ thể là việc luân chuyển cán bộ mới chủ yếu thực hiện từ trung ương về địa phương, việc luân chuyển từ địa phương về trung ương hoặc luân chuyển ngang giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị chưa nhiều. Vẫn còn có nơi chưa làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, còn có biểu hiện cục bộ, khép kín và chưa tạo điều kiện, môi trường công tác đối với cán bộ luân chuyển.
Thực tế trong quá khứ đã xuất hiện hiện tượng điều động, luân chuyển cán bộ kiểu “thần tốc” như “2 năm, 3 chức” khiến dư luận quan ngại, đặt nghi vấn trở thành câu nói truyền miệng “đồng chí này là con đồng chí nào?”.
Dư luận từng lên tiếng trước những trường hợp luân chuyển, bổ nhiệm thần tốc các “quý tử” như ông Lê Phước Hoài Bảo, con trai nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh; ông Huỳnh Thanh Phong, con trai nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc… Họ đều có một mẫu số chung: sau 4 năm công tác mà lên đến 4 chức (từ Phó phòng lên đến Giám đốc sở). Hay như trường hợp luân chuyển được gọi là kiểu theo “đường tiểu ngạch” của Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC). Trịnh Xuân Thanh trong hơn 2 năm được luân chuyển, bổ nhiệm qua đến 4 chức dưới thời ông Vũ Huy Hoàng giữ cương vị Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương, gây bức xúc trong dư luận.
Còn nữa, việc trước mỗi kỳ Đại hội trước đây, để đảm bảo các điều kiện bổ nhiệm như phải trải qua thời gian công tác ở địa phương hoặc ngành chuyên môn mới được bổ nhiệm, nên có những cán bộ được luân chuyển về địa phương trong thời gian rất ngắn, khiến dư luận gọi đó là để “tráng men”. Những cán bộ luân chuyển đó với tâm lý chờ đủ ngày, đủ tháng để nhận quyết định lên cấp cao hơn sẽ không có quyết tâm đóng góp, cống hiến cho sự phát triển của địa phương, dĩ hòa vi quý, không đấu tranh, góp ý với cái chưa đúng; đồng thời địa phương nơi cán bộ đến luân chuyển cũng ngầm hiểu mục đích đó, nên trong phân công, phân nhiệm cũng không giao thực việc, thậm chí coi nhẹ vai trò của cán bộ luân chuyển, điều động.
Nhưng với quan điểm, cách làm hiện nay, cán bộ luân chuyển, điều động sẽ không còn tình trạng “thần tốc”, “tráng men” nữa, nhờ những quy định, quy trình ngày càng được hoàn thiện hơn, đầy đủ hơn.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban nhân sự Đại hội XIII của Đảng, trong bài viết “một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, bên cạnh những tiêu chuẩn chung về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác, còn đặc biệt nhấn mạnh đến việc cán bộ phải “làm việc có hiệu quả, có ‘sản phẩm’ cụ thể, rõ rệt”. Nói cách khác, cán bộ phải được đánh giá thông qua công việc và ngày càng cụ thể, không chung chung, như vậy sẽ không thể có tình trạng thăng tiến “thần tốc”, luân chuyển “tráng men” như trước.
Việc này cũng đã và đang được các cấp cơ sở Đảng quán triệt và thực hiện hiệu quả. Đơn cử, việc Huyện ủy Đầm Hà (Quảng Ninh) có bộ công cụ đánh giá sản phẩm công việc của công chức một cách công khai, minh bạch, sòng phẳng là một trong những cách thức giúp “lượng hóa” được vai trò, đóng góp của cán bộ luân chuyển. Bí thư Huyện ủy Đầm Hà Nguyễn Thị Thu Hà cho hay, Huyện ủy đã kiên quyết không bổ nhiệm lại với cán bộ điều động, luân chuyển không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Với cách làm khoa học và triệt để này, có lẽ tình trạng cán bộ điều động, luân chuyển “dạo chơi”, đứng ngoài mạch chảy công việc sẽ không còn.
“Nếu cán bộ được điều động luân chuyển chỉ xác định tâm lý xuống cơ sở để “tráng men”, chờ bổ nhiệm ở vị trí cao hơn sẽ không có động lực làm việc, không có sự cống hiến, không có “sản phẩm”. Và vì thế, khi quần chúng đánh giá, tổ chức đánh giá đồng chí đó sẽ không còn được trọng dụng”, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ góc nhìn của “người trong cuộc”.
Bí thư Huyện uỷ Đầm Hà Nguyễn Thị Thu Hà cho hay, Huyện uỷ đã kiên quyết không bổ nhiệm lại với cán bộ điều động, luân chuyển không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao
Không chỉ riêng Đầm Hà, Quảng Ninh là một trong những địa phương bám sát và thực hiện đúng chủ trương của Quyết định số 98-QĐ/TW, nên trong Quy định 2138/QĐ/TU ngày 6/5/2020 của Tỉnh ủy về luân chuyển cán bộ đã quy định việc định kỳ 6 tháng, 1 năm hoặc đột xuất các cấp có thẩm quyền tiến hành đánh giá, nhận xét cán bộ luân chuyển theo tiêu chí Quy định của Bộ Chính trị về “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”. Sau thời gian luân chuyển, tổ chức một lần nữa có đánh giá, nhận xét về cán bộ luân chuyển. Sự đánh giá, giám sát chặt chẽ, kịp thời này không chỉ giúp cán bộ điều động, luân chuyển có thêm động lực, nỗ lực làm việc, mà còn giúp tổ chức Đảng nắm bắt kịp thời chuyển biến của cán bộ, những điểm mạnh, điểm hạn chế, để xem xét bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng cán bộ hợp lý, đúng người, đúng việc nhất.
Trong cuộc trò chuyện với báo giới sau khi trúng cử Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, đồng Đỗ Đức Duy, cán bộ diện Trung ương điều động luân chuyển về Yên Bái từ năm 2017, đã tâm sự rằng: “Để làm được công tác tốt tại địa phương, đòi hỏi phải lăn lộn với thực tiễn. Đặc biệt, trong chương trình hành động của Tỉnh ủy lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ hàng năm, Yên Bái áp dụng phương thức “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”; trong đó xác định rõ "Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các ủy viên Thường vụ, ủy viên Ban chấp hành, phải làm việc gì, bao giờ xong".
“Từ đó có thước đo để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và cũng là một điều kiện để cán bộ phải hết sức nỗ lực, phải gắn bó với cơ sở, phải lăn lộn vào công việc thì mới có thể hoàn thành hoàn thành tốt nhiệm vụ được. Còn nếu người nào không lăn lộn, gắn bó với cơ sở, bản thân không nỗ lực thì cuối năm không hoàn thành nhiệm vụ, phải kiểm điểm trước cấp ủy, chính quyền. Những người nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ sẽ được nhân dân tin yêu, được tổ chức ghi nhận để xem xét quy hoạch, đào tạo, bố trí, đảm nhiệm các trọng trách lớn hơn, có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của địa phương, đất nước”, đồng chí Đỗ Đức Duy chia sẻ.
Theo GS.TS Phan Xuân Sơn, giảng viên cao cấp (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), việc luân chuyển cán bộ trước thềm đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng không chỉ nhằm mục đích tạo điều kiện cho cán bộ được cọ xát thực tiễn, nâng cao bản lĩnh, rèn luyện tác phong công tác, mà đây cũng là một bước chuẩn bị nhân sự cho Đại hội các địa phương.
GS.TS Phan Xuân Sơn cũng chỉ ra điểm khác biệt của công tác điều động, luân chuyển cán bộ trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Theo ông, nếu như trước kia, nhiều trường hợp cán bộ được điều động, luân chuyển về giữ cương vị cấp phó ở địa phương trước khi Đại hội diễn ra, chủ yếu để trải nghiệm thực tiễn, hay cho hồ sơ đủ điều kiện mà dư luận gọi là “tráng men” như đã nói, thì nhiều trường hợp cán bộ điều động, luân chuyển vừa qua được giao nắm giữ vị trí người đứng đầu. Khác biệt này là rất lớn, vì chỉ có người đứng đầu mới thể hiện rõ năng lực, bản lĩnh, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. Hơn thế nữa, việc điều động, luân chuyển cán bộ Trung ương về các địa phương cũng là việc cụ thể hóa chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương, đồng thời là cơ chế để kiểm soát quyền lực.
Bình luận về thời gian để cán bộ điều động, luân chuyển có thể phát huy được năng lực, trình độ, thể hiện được uy tín của mình, TS.Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, 3 năm là quãng thời gian tối thiểu cán bộ luân chuyển nắm bắt công việc và thể hiện năng lực quản lý, lãnh đạo. Song, nếu được cả một nhiệm kỳ 5 năm là tốt nhất. Khi đó, kinh nghiệm tích lũy trong thực tiễn vị trí mới sẽ nhiều hơn, sâu sắc hơn. Đồng thời, với quãng thời gian như vậy, sẽ không có những cán bộ đi lên “thần tốc” như dư luận từng bức xúc.
Cũng nhìn nhận ở góc độ thời gian đóng góp cho địa phương của cán bộ luân chuyển, đồng chí Đỗ Đức Công, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Phú Bình (Thái Nguyên) đề xuất, ngoại trừ những trường hợp cấp thiết, cán bộ luân chuyển nên có thời gian gắn bó đủ dài với cơ sở. Do đó, cần lựa chọn cán bộ trẻ có triển vọng phát triển, có năng lực nổi trội để có thời gian dài đóng góp, cống hiến cho sự phát triển của địa phương.
Thực tế chỉ ra rằng, công tác đánh giá toàn diện cán bộ trong thời gian luân chuyển để khắc phục triệt để tình trạng một bộ phận cán bộ coi luân chuyển là việc đi cho “đủ thời gian, xong điều kiện" nên chưa thực sự dốc sức, dốc lòng vào phát triển địa phương là vô cùng quan trọng. Đội ngũ cán bộ đảng viên cũng cần quán triệt tinh thần này trước khi luân chuyển, bởi một trong những nội dung được Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII nhấn mạnh, đó là hướng tới việc "có lên, có xuống", "có vào, có ra" trở thành bình thường trong công tác cán bộ.
Để cán bộ luân chuyển toàn tâm, toàn ý cống hiến
Quá trình thực hiện chủ trương điều động, luân chuyển ở các địa phương, bộ, ngành cho thấy, vẫn còn những tâm tư, vướng mắc của cán bộ khi luân chuyển xuống cơ sở, đặc biệt là nhóm cán bộ huyện xuống xã, từ xã này sang xã khác.
“Cán bộ huyện về xã bán kính 20 km trở lại thì còn đỡ vất vả. Nhưng nếu luân chuyển ở những xã đảo, nơi đi lại bằng thuyền phải mất nửa ngày, mỗi ngày 1 chuyến tàu và chi phí sinh hoạt đất đỏ thì rất khó khăn. Đề nghị cấp trên nghiên cứu chính sách đối với cán bộ luân chuyển đến công tác ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo nơi kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”, đồng chí Tô Xuân Thao, Bí thư huyện ủy Vân Đồn đề xuất.
Tại Thái Nguyên, dù công tác luân chuyển cán bộ đạt nhiều kết quả, nhưng Tỉnh ủy Thái Nguyên thẳng thắn cho rằng, vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Đó là việc luân chuyển từ xã, phường, thị trấn này sang đảm nhận giữ chức vụ chủ chốt của xã, phường, thị trấn khác còn hạn chế.
“Một số cán bộ còn băn khoăn về bố trí công việc sau luân chuyển. Hay như chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển chưa thực sự động viên đối với cán bộ luân chuyển. Đặc biệt là Trung ương chưa có quy định liên thông giữa công chức cấp huyện, cấp xã cũng đã ảnh hưởng đến luân chuyển cán bộ từ huyện về xã và ngược lại”, đồng chí Dương Văn Tiến, Ủy viên Thưởng vụ, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Nguyên cho biết.
Một trong những vấn đề mà cán bộ luân chuyển tâm tư nhất là bản thân được sử dụng như thế nào sau khi luân chuyển. Bởi đã có nhiều trường hợp, cán bộ luân chuyển hết thời hạn, nhưng không có vị trí mới để bổ nhiệm.
“Một khó khăn nữa là công tác luân chuyển cán bộ làm công tác Đảng, mặt trận, đoàn thể sang khối quản lý nhà nước và ngược lại còn ít, chưa phát huy hết khả năng, sở trường của cán bộ. Khi luân chuyển từ xã lên huyện, không có vị trí công chức, không có tiêu chí để chuyển ngạch...”, đồng chí Dương Văn Tiến chia sẻ thêm.
Cũng gặp khó khăn tương tự, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh đề xuất Trung ương nghiên cứu đổi mới việc thống nhất phân cấp quản lý biên chế (cả khối Đảng, đoàn thể và khối nhà nước), tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện việc bố trí, sắp xếp và luân chuyển cán bộ được thuận lợi hơn.
Kinh nghiệm của Thái Nguyên trong công tác điều động, luân chuyển cán bộ tốt là làm tốt công tác quy hoạch. Quy hoạch phải gấp 1,5 lần, một vị trí phải đảm bảo 3-4 đồng chí có đủ năng lực đảm đương. Quy hoạch làm tốt thì điều động, luân chuyển trước và sau quy hoạch cũng sẽ chủ động hơn, cán bộ đỡ tâm tư hơn.
Thực tiễn công tác cán bộ cho thấy, việc đánh giá, xếp loại cán bộ sau luân chuyển có ý nghĩa rất quan trọng, là nhân tố quyết định sự đúng đắn của tiến trình xây dựng kế hoạch, quy hoạch sau luân chuyển để tiếp tục bố trí, sử dụng cán bộ đúng, phù hợp với yêu cầu cách mạng. Xếp loại đúng mới có thể xây dựng kế hoạch đúng và bố trí, sử dụng đúng cán bộ. Do đó, xây dựng kế hoạch sau luân chuyển là vấn đề khó, rất quan trọng và không được coi nhẹ khâu nào, mặt nào. Kế hoạch sau luân chuyển, nếu được xây dựng tốt sẽ là cơ sở cho việc sắp xếp, luân chuyển cán bộ tiếp theo được tốt hơn. Như vậy, cần có quy trình với những bước đi phù hợp để làm cho việc luân chuyển cán bộ nói riêng, công tác tổ chức - cán bộ nói chung thực sự hiệu quả.
Nền móng của khát vọng thịnh vượng
Công tác cán bộ có vai trò tối quan trọng đối với sự tồn vong của Đảng, sự thịnh vượng của đất nước. Đất nước đang bước vào giai đoạn mới, với tầm nhìn, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, với những mục tiêu cụ thể hướng đến năm 2030 - kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước, đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ chiến lược, cán bộ chủ chốt đủ Đức, đủ Tài, “ngang tầm nhiệm vụ” để gánh vác trọng trách đó.
Ngay trong Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đang lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh về việc “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, luôn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”.
Trong nhiệm kỳ mới, Đảng sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị, cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân các cấp, bí thư cấp uỷ là Chủ tịch UBND ở những nơi có điều kiện, bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố hoặc Trưởng ban công tác mặt trận.
Cùng với đó, 2021-2026 sẽ là nhiệm kỳ thực hiện quyết liệt Nghị quyết 26 -NQ/TW và Quyết định số 98-QĐ/TW của Đảng. Theo đó, đến năm 2025 hoàn thành cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện.
Chính vì vậy, những thành công, dấu ấn cũng như hạn chế, vướng mắc trong công tác luân chuyển cán bộ gắn với bố trí, sắp xếp cán bộ chủ chốt không là người địa phương trong thời gian qua, đặc biệt là tại các Đại hội đảng bộ các cấp vừa diễn ra là những bài học kinh nghiệm thực tiễn quý giá trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị đang nỗ lực chuẩn bị tốt nhất cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đồng thời là hành trang quan trọng để tiếp tục hiện thực hóa chủ trương lớn, tầm nhìn chiến lược của Đảng về công tác cán bộ, từ đó xây dựng được một đội ngũ cán bộ chiến lược, cán bộ chủ chốt các cấp có đầy đủ năng lực, trình độ trong công tác; phẩm chất, bản lĩnh trong điều hành và nhận được tình cảm, tín nhiệm từ nhân dân, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong bối cảnh mới.
“Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng (xây dựng tổ chức, xây dựng con người) phải được triển khai toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Kiên định, vững vàng trên nền tảng tư tưởng của Đảng đi đôi với xây dựng tổ chức bộ máy của Đảng và cả hệ thống chính trị thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thấm nhuần sâu sắc di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém". Do đó, công tác tổ chức, cán bộ phải là điểm đột phá, là "then chốt" của nhiệm vụ "then chốt", có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ; sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Phải hết sức chú trọng xây dựng và làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”.
(Trích bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng).
|
Hữu Tuấn - Huy Hào - Hồ Hạ