Loạt bài 3 kỳ "Tiết kiệm theo Bác-Cách làm sáng tạo ở Bắc Ninh" của nhóm tác giả Tiến Vụ-Đỗ Xuân-Văn Phong, Báo Bắc Ninh, đoạt Giải Khuyến khích - Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ V - năm 2020. Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Kỳ 1: Thắp sáng ước mơ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng sáng ngời về lối sống “Cần, kiệm, liêm, chính”.Học và làm theo Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh luôn phát huy tinh thần gương mẫu, khơi dậy sức mạnh đoàn kết, xây dựng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo sức lan tỏa trong toàn hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân, đem lại ý nghĩa thiết thực cho cộng đồng xã hội.
Bám sát cơ sở, phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong thực hành tiết kiệm, hỗ trợ kịp thời những hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Đó là ý tưởng sáng tạo, thiết thực và hiệu quả của đồng chí Nguyễn Tuấn Minh, Bí thư Đảng ủy phường Tiền An (thành phố Bắc Ninh).
“Cùng em đến trường”
Đều đặn hằng tháng, Bí thư Đảng ủy phường Tiền An (thành phố Bắc Ninh) Nguyễn Tuấn Minh dành riêng một phần tiền lương của mình “nuôi lợn” xây dựng quỹ “Cùng em đến trường”, nhằm hỗ trợ những em học sinh (từ mầm non đến bậc đại học, cao đẳng) có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Năm học 2020-2021 là năm thứ 6, Đảng ủy phường Tiền An tổ chức trao học bổng và tặng quà cho các em học sinh nghèo vượt khó, học giỏi. Đồng chí Nguyễn Tuấn Minh, Bí thư Đảng ủy phường Tiền An cho biết: “Học và làm theo Bác về tiết kiệm không nhất thiết phải làm việc lớn lao mà đơn giản chỉ từ những việc gần gũi, thiết thực. Từ khi Đảng ta triển khai học tập Chỉ thị 03 rồi đến Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị gắn với quy định 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp và Quy định 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, phù hợp với chức trách nhiệm vụ được giao. Đảng ủy phường Tiền An tập trung chỉ đạo mỗi tổ chức Đảng, đoàn thể hằng năm lựa chọn 1 đến 2 việc làm phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của cơ quan, trường học, khu phố”. Phát huy trách nhiệm nêu gương, đồng chí Nguyễn Tuấn Minh cùng các đồng chí trong cấp ủy thường xuyên sâu sát thực tiễn, gần gũi cơ sở, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân. Những lần bám nắm địa bàn các khu dân cư, chứng kiến nhiều đứa trẻ có số phận éo le, bất hạnh cần sự chung tay, góp sức, chia sẻ của cộng đồng xã hội. Với suy nghĩ ấy, năm 2015, đồng chí Nguyễn Tuấn Minh chủ động đề xuất với Đảng ủy thành lập quỹ “Cùng em đến trường”. Trong đó, Đảng ủy phường giao Ban Tuyên giáo phối hợp với Hội Chữ thập đỏ phường tuyên truyền, phổ biến chương trình, kế hoạch và mục đích, ý nghĩa của quỹ “Cùng em đến trường” đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn.
Lãnh đạo phường Tiền An trao học bổng “Cùng em đến trường” cho các em học sinh năm học 2020-2021.
Lúc đầu triển khai, Ban Tuyên giáo Đảng ủy phường phát động mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu “nuôi lợn” tiết kiệm gây quỹ. Với vai trò gương mẫu, đồng chí Nguyễn Tuấn Minh tự nguyện tiết kiệm đóng góp xây dựng quỹ 3,6 triệu đồng/năm. Nhận thấy ý nghĩa nhân văn từ mô hình “Cùng em đến trường”, nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân phường Tiền An đồng tình, hưởng ứng tham gia đóng góp trên tinh thần tự nguyện. Bí thư Đảng ủy phường Tiền An Nguyễn Tuấn Minh chia sẻ: “Tiết kiệm chính là nguồn gốc để tạo nên sức mạnh bền vững. Xây dựng quỹ khuyến học-khuyến tài cần có tinh thần chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, bởi ai cũng có thể tiết kiệm và cũng nên tiết kiệm vì những việc làm ích nước, lợi dân. Mỗi người cùng chung tay, góp sức thì việc khó mấy cũng thành công”. Từ ý tưởng, hành động và suy nghĩ giản dị, đi đầu của người đứng đầu cấp ủy phường Tiền An đang từng ngày lan tỏa sâu rộng đến cuộc sống cộng đồng.
Từ năm 2015 đến nay, quỹ “Cùng em đến trường” của phường Tiền An (thành phố Bắc Ninh) huy động được 517 triệu đồng trao học bổng và tặng quà cho 219 lượt học sinh, sinh viên nghèo vượt khó.
|
Bà Nguyễn Thị Tình, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Tiền An cho biết: “Mô hình “Cùng em đến trường” được thực hiện theo hình thức hằng tháng. Số tiền đóng góp và chi hỗ trợ được thông báo công khai, đúng đối tượng. Trước mỗi năm học, chúng tôi phối hợp với các khu phố rà soát các đối tượng, hoàn cảnh học sinh nghèo, khó khăn cần sự hỗ trợ, động viên kịp thời. Theo đó, các em được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/năm học và một chuyến tham quan miễn phí đi tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa như: Lăng Bác Hồ, K9-Đá Chông (Hà Nội), ATK Định Hóa (Thái Nguyên), Chùa Bút Tháp (Thuận Thành)...”.
Cán bộ công chức phường Tiền An “nuôi lợn” tiết kiệm xây dựng quỹ “Cùng em đến trường”.
Trong cuốn sổ theo dõi của bà Tình, nhiều em học sinh mồ côi bố hoặc mẹ, có hoàn cảnh khó khăn may mắn được quỹ hỗ trợ, chắp cánh ước mơ. Giá trị tuy không nhiều nhưng mang đậm tính nhân văn bởi đây là tấm lòng thảo thơm của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm động viên, khích lệ các em học sinh đẩy mạnh thi đua học tập, rèn luyện đạt danh hiệu con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ. Em Trần Phương Anh, sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Điện lực (Hà Nội )tâm sự: “Gia đình em thuộc diện hộ nghèo, bố mất sớm, một mình mẹ tảo tần nuôi chúng em ăn học. Năm học 2020-2021 là năm thứ 6 em được nhận học bổng từ quỹ “Cùng em đến trường”. Đó là động lực, tiếp thêm cho em sức mạnh, niềm tin, vượt qua mọi khó khăn thử thách, vươn lên trong học tập, cống hiến sức trẻ cho quê hương, đất nước”.
“Thứ bảy tình nghĩa”
Sáng thứ 7 đầu năm học 2020-2021, chúng tôi đến thăm Trường THCS Tiền An, thật xúc động khi chứng kiến cảnh thầy, cô giáo và gần 1.200 học sinh xếp hàng lần lượt quyên góp: Tiền (tiết kiệm), sách, báo, vở cũ, giấy vụn... hỗ trợ các em học sinh nghèo vượt khó và những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Cô giáo Vương Thị Lan Anh, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Tiền An cho biết: “Tiếp nối ý tưởng quỹ “Cùng em đến trường” của Bí thư Đảng ủy phường Tiền An Nguyễn Tuấn Minh, thời gian qua, Chi bộ Nhà trường quán triệt cán bộ, đảng viên, giáo viên và các em học sinh tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như: Phong trào “Dạy tốt-học tốt”, “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Đôi bạn cùng tiến”, “Thứ 7 tình nghĩa”... Trong đó quỹ “Thứ 7 tình nghĩa” được thành lập từ năm học 2018-2019 thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, thầy cô giáo và các em học sinh nhà trường, tạo sức lan tỏa những điều tốt đẹp”.
Các em học sinh Trường THCS Tiền An (thành phố Bắc Ninh) quyên góp xây dựng quỹ “Thứ 7 tình nghĩa”.
Để quỹ “Thứ 7 tình nghĩa” đạt hiệu quả, vào các buổi chào cờ đầu tuần, Nhà trường tích cực tuyên truyền cho các em học sinh hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của phong trào. Cán bộ, đảng viên, giáo viên và các em học sinh mỗi tuần thực hiện một buổi sinh hoạt ngoại khóa kết hợp quyên góp ủng hộ tùy tâm vào ngày thứ 7. Đây là việc làm nhỏ nhưng là dịp để thầy cô giáo và các em học sinh phát huy tinh thần đoàn kết và giáo dục truyền thống “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam.
Cùng với việc quyên góp tiền tiết kiệm, Nhà trường còn đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục các em học sinh về ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường. Đến nay, 100% học sinh biết cách phân loại rác thải tại nguồn, nắm bắt và hiểu rõ về giá trị tiết kiệm từ những tờ giấy vụn, sách, báo cũ. Qua đó, hạn chế tình trạng vứt rác bừa bãi, làm cho môi trường, khuôn viên ngôi trường luôn xanh-sạch-đẹp. Em Nguyễn Cẩm Vân, lớp 7 A2 tâm sự: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, dù chỉ quyên góp 1.000 đồng hay nhặt nhạnh, thu gom, quyên góp những tờ giấy vụn sau mỗi tiết học, em cũng cảm thấy thật ý nghĩa khi bản thân mình được chia sẻ với cộng đồng xã hội. Đó là dịp để chúng em có thêm động lực rèn đức, luyện tài, không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập, trở thành người có ích cho xã hội”. Sau 3 năm triển khai, quỹ “Thứ 7 tình nghĩa” ở Trường THCS Tiền An tiết kiệm được hơn 40 triệu đồng và hơn 1 tấn sách, báo, giấy vụn, ủng hộ, tặng quà (sách, vở, bút mới, gạo, khẩu trang, thuốc khử khuẩn phòng, chống dịch COVID-19, xây nhà tình nghĩa...) cho hơn 40 lượt học sinh và người dân khó khăn trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Văn Hiện, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Bắc Ninh đánh giá: “Mô hình tiết kiệm xây dựng quỹ “Cùng em đến trường” và “Thứ 7 tình nghĩa” ở Đảng bộ phường Tiền An là điểm sáng trong thực hành tiết kiệm theo gương Bác. Đây là cơ sở để Ban Tuyên giáo tham mưu Thành ủy tuyên dương và nhân rộng mô hình này cho các đơn vị trên địa bàn về trách nhiệm nêu gương trong thực hành tiết kiệm gắn với Chỉ thị 05 về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Kỳ 2: Chuyện ở làng “100% điện táng, hỏa táng”
Vượt qua rào cản của những hủ tục lạc hậu, tiếp nhận nếp sống văn minh trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, làng Phú Mỹ, xã Đình Tổ (Thuận Thành) đang là điểm sáng của tỉnh Bắc Ninh với 100% người dân qua đời được gia đình, dòng họ và nhân dân đồng lòng thực hiện “điện táng, hỏa táng”.
Người “phá vỡ” hủ tục truyền thống
Diện mạo Nông thôn mới ở xã Đình Tổ (Thuận Thành).
Làng Phú Mỹ nằm ven sông Đuống với những bãi mía, bờ ngô, ruộng chuối xanh biếc, hiền hòa. Người dân nơi đây chân chất, mộc mạc, niềm nở mỗi khi có khách đến thăm. Họ bảo rằng, chuyện cả làng khi có người chết đi điện táng, hỏa táng không còn xa lạ nữa, mà trở thành nếp nghĩ, nếp sống trong sinh hoạt cộng đồng. Bên ngôi nhà nhỏ ven sông, bà Đàm Thị Bảng, hơn 80 tuổi tâm sự: “Chuyện chồng tôi đã lâu lắm rồi. Nhưng mỗi khi nhìn lên di ảnh ông ấy, tôi lại nghĩ về những ngày tháng khó khăn, bởi gia đình “vô tình” phá vỡ những tập tục, truyền thống lâu đời của người dân địa phương. Gia đình tôi là trường hợp đầu tiên của làng, của xã thực hiện “điện táng, hỏa táng” nên không tránh khỏi những bàn tán xôn xao: Người bảo điện táng, hỏa táng khổ và nóng lắm; người thì cho rằng làm như vậy chẳng khác nào đánh mất giá trị truyền thống hàng nghìn năm; có người lại nhắc không cẩn thận sẽ bị “động”... Tháng 4-2011, khi chồng tôi qua đời, vì gia cảnh khó khăn, nên gia đình quyết định đưa ông đi hỏa táng chỉ mong vừa tiết kiệm chi phí, vừa giữ vệ sinh môi trường, nguồn nước và hạn chế dịch bệnh lây lan. Thấm thoắt đã hơn 9 năm trôi qua, bây giờ tuổi tôi đã cao, sức đã yếu, nhìn làng quê ngày càng đổi thay, tôi mừng lắm nhưng trong lòng rất băn khoăn vì quỹ đất dành cho khu nghĩa trang nhân dân ngày càng hẹp lại. Tôi thường căn dặn các con, sau này tôi “khuất núi”, thì nhớ đưa mẹ đi điện táng, hỏa táng, rồi đem tro cốt về thả xuống dòng sông quê”. Nghe những lời bộc bạch thân tình của bà Bảng mà chúng tôi vừa cảm động, vừa thán phục, bởi ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng bà vẫn đau đáu một nỗi niềm vì cuộc sống cộng đồng. Tiếp lời mẹ, anh Lê Văn Sơn chia sẻ: “Kinh phí dịch vụ điện táng, hỏa táng lúc bấy giờ hết 7 triệu đồng, nhưng gia đình tôi tiếc nhất là thuê đoàn nhạc hiếu 4 triệu đồng, gấp hơn 3 lần mức lương giáo viên hằng tháng của tôi. Sau ngày đó, tôi có ý kiến với Chi bộ, Chi hội Người cao tuổi nên thay đổi bằng cách phát loa ghi âm cho tiết kiệm, tránh lãng phí không cần thiết”.
100% người chết được điện táng, hỏa táng
Thấy cách làm mới tiện ích và tiết kiệm, năm 2012, Chi bộ thôn Phú Mỹ họp bàn, thảo luận và ra nghị quyết tuyên truyền người dân thực hiện tổ chức đám tang theo hình thức điện táng, hỏa táng. Ông Lê Đình Thất, cán bộ Lao động thương binh và Xã hội xã Đình Tổ kiêm Bí thư Chi bộ thôn Phú Mỹ cho biết: “Khi nghị quyết Chi bộ thông qua, cấp ủy đã giao cho Chi hội Người Cao tuổi làm nòng cốt “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền Nghị quyết số 22/2011/NQ-HĐND17 ngày 19-7-2011 của HĐND tỉnh về quy định một số điều thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích điện táng, hỏa táng đối với người chết và những tiêu chuẩn về diện tích, kích thước ngôi mộ”. So với hình thức địa táng truyền thống thì hỏa táng vừa nhanh gọn, sạch sẽ, văn minh lại không phải cải táng, bốc mộ. Địa phương coi đó là nét mới bổ sung vào quy ước, hương ước của làng và xem xét tiêu chí đánh giá gia đình văn hóa hằng năm”.
Từ năm 2013 đến nay, cán bộ xã Đình Tổ tiết kiệm đóng góp được hơn 60 triệu đồng để hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở, tặng quà những hoàn cảnh khó khăn. Trong ảnh: Đảng ủy xã Đình Tổ thăm hỏi, tặng quà, động viên một người dân đau ốm.
Được cấp ủy giao nhiệm vụ, Chi hội Người Cao tuổi thôn Phú Mỹ đã nêu cao tinh thần “Tuổi cao gương sáng”, nghiêm túc thực hiện chủ trương, nghị quyết Chi bộ. Ông Nguyễn Xuân Trò, Phó Chủ tịch Hội Người Cao tuổi xã, nguyên Chi hội trưởng Người Cao tuổi thôn Phú Mỹ cho biết: “Trước đây, việc tang nặng hủ tục và hệ lụy phát sinh là kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để thay đổi nhận thức của người dân trong việc tiếp cận nếp sống văn minh, ban đầu Chi hội lựa chọn những hội viên là cán bộ, đảng viên nghỉ hưu có uy tín, nhiệt tình và tâm huyết đi tuyên truyền, vận động người dân khi có người thân trong gia đình qua đời nên tổ chức tang lễ trang trọng, tiết kiệm, không rắc vàng mã, không thuốc lá, không tổ chức ăn uống mời khách, không thuê đoàn nhạc hiếu, sử dụng vòng hoa luân chuyển và thực hiện điện táng, hỏa táng”.
Để nghị quyết đi vào cuộc sống, cán bộ, đảng viên, hội viên Người Cao tuổi gương mẫu đi đầu thực hiện trước. Nhờ vậy, hình thức an táng này trở nên phổ biến, được người dân đồng tình ủng hộ, thực hiện làm theo mà không còn băn khoăn về mặt tâm linh, phong tục tập quán. Năm 2013, Chi hội tham mưu Chi bộ, Ban quản lý thôn đầu tư hơn 40 triệu đồng mua sắm hệ thống loa, âm ly và xe đẩy thay thế đoàn nhạc hiếu. Chi hội Người Cao tuổi có trách nhiệm thành lập tổ loa kèn gồm 4 hội viên. Mỗi đám, gia chủ chỉ cần chi trả 800 nghìn đồng (các gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn được giảm 200 nghìn đồng), tiết kiệm được từ 3 đến 3,5 triệu đồng/đám so với thuê đoàn nhạc hiếu. Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay, làng Phú Mỹ có 70/70 (đạt 100%) đám tang đi điện táng, hỏa táng và sử dụng phát file nhạc thu sẵn.
Nhờ sự tiến bộ trong tổ chức việc tang, từ năm 2011 đến nay, Phú Mỹ liên tục giữ vững danh hiệu làng văn hóa; hơn 95% số gia đình được công nhận gia đình văn hóa; Chi bộ và các tổ chức, đoàn thể hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; một số tập thể, cá nhân được Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường.
Lan tỏa cách làm hay
Những tập tục, truyền thống địa táng ở làng quê thuần nông Phú Mỹ đã đi vào dĩ vãng và câu chuyện người đầu tiên của làng vượt qua “rào cản” đưa chồng đi điện táng, hỏa táng sẽ mãi được người dân ghi nhớ, nhắc đến và ngợi ca. Từ những lợi ích thiết thực của điện táng, hỏa táng nên hình thức này ngày càng phổ biến, được các làng trong xã Đình Tổ, các xã trong huyện Thuận Thành học tập, làm theo như: Đình Tổ (xã Đình Tổ), Nghĩa Xá (xã Nghĩa Đạo), Lạc Thổ Bắc (thị trấn Hồ), Văn Quan (xã Trí Quả), Đa Tiện (xã Xuân Lâm)...
Hội Người Cao tuổi xã Đình Tổ trao đổi với gia đình bà Đàm Thị Bảng về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.
Rời xã Đình Tổ, chúng tôi đến thăm làng Đa Tiện, xã Xuân Lâm (Thuận Thành). Bên bờ ao khu di tích đình làng, ông Đặng Đình Tuấn, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đa Tiện cho biết: “Thấy mô hình điện táng, hỏa táng và sử dụng âm ly phát nhạc thay đoàn nhạc hiếu ở Phú Mỹ văn minh và tiết kiệm, năm 2016 chúng tôi đến học tập về làm theo. Cũng từ đó, trong các buổi sinh hoạt định kỳ, Chi bộ đưa ra bàn bạc, thảo luận, đóng góp xây dựng nghị quyết lựa chọn hình thức điện táng, hỏa táng gắn với các phong trào thi đua: “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Phong trào xây dựng Nông thôn mới gắn với đô thị văn minh”. Để người dân thay đổi nếp nghĩ, bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, Chi bộ thống nhất giao cho Chi hội Người Cao tuổi thành lập Ban vận động phổ biến về chủ trương hỗ trợ 10 triệu đồng/trường hợp người chết đi hỏa táng, điện táng theo tinh thần Nghị quyết 191/2015/NQ-HĐND17 của HĐND tỉnh và ban đầu địa phương còn hỗ trợ thêm 2 triệu đồng/trường hợp người chết đi hỏa táng, điện táng”.
Theo ông Đặng Đình Tuấn tính toán và so sánh, với các nguồn hỗ trợ kết hợp không phải cải táng cùng các nghi lễ rườm rà thì việc lựa chọn hình thức điện táng, hỏa táng sẽ giúp các gia đình tiết kiệm được từ 40 đến 50 triệu đồng/đám tang so với địa táng truyền thống. Từ năm 2017 đến nay, thôn Đa Tiện có hơn 30 đám tang không thuê đoàn nhạc hiếu mà sử dụng âm ly phát nhạc thu sẵn. Đặc biệt từ năm 2018 đến nay, toàn thôn có 22/22 đám tang (100%) thực hiện điện táng, hỏa táng.
Đồng chí Văn Quốc Cường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thuận Thành cho biết: “Hình thức điện táng, hoả táng đang trở thành một xu thế được người dân các địa phương quan tâm, bởi nó phù hợp với yêu cầu hiện nay về bảo vệ môi trường, gìn giữ đất đai và tiết kiệm chi phí tổ chức. Làng Phú Mỹ (Đình Tổ) và Đa Tiện (Xuân Lâm) thực sự là những đơn vị điển hình làm theo gương Bác. Đây là động lực quan trọng, để Huyện ủy xây dựng kế hoạch, quán triệt, chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng, lan tỏa việc thực hành tiết kiệm trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Kỳ 3: Hiệu quả kép từ mô hình “Sinh kế”
Hưởng ứng chủ đề năm 2019 “Bắc Ninh hành động vì môi trường sạch”, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Gia Bình triển khai nhiều cách làm hay, mô hình mới trong công tác bảo vệ môi trường. Nổi bật là mô hình “Sinh kế”: Thu gom, phân loại và ủ rác thải, chất thải hữu cơ thành phân vi sinh IMO để chăm sóc cây trồng và xử lý rác thải, giữ gìn môi trường xanh-sạch-đẹp.
Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, trồng rau bằng phân vi sinh IMO của HTX rau sạch Hoàng Gia.
“Biến” rác hữu cơ thành phân vi sinh IMO
Bưng đĩa rau muống mời khách, chị Lưu Thị Cải, HTX rau sạch Hoàng Gia ở thôn Bùng, xã Bình Dương (Gia Bình) niềm nở giới thiệu: “Đây là “đặc sản” của gia đình em, mời các anh thưởng thức”. Nhấm nháp vài cọng rau, ai cũng tấm tắc ngợi khen, rau xanh giòn, hương vị đậm đà, ngọt thanh. Mấy anh em chúng tôi gật gù, tâm đắc bảo nhau rằng “Sống hơn nửa đời người rồi, bây giờ mới được ăn bữa rau muống ngon như thế...”. Vẫn những luống rau trên đồng đất phù sa màu mỡ ấy, nhưng rau muống của chị Cải thật khác lạ và đặc biệt. Chị Cải chia sẻ: “Rau nhà tôi không sử dụng lân, đạm, ka li hay phun thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường mà chăm sóc bằng phân vi sinh IMO (vi sinh vật bản địa). Tất cả là nhờ chị Trần Thị Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Gia Bình “dẫn lối chỉ đường”. Chị ấy tận tình đưa 2 vợ chồng tôi đi khắp nơi học hỏi phương thức sản xuất nông nghiệp sạch, nhất là sử dụng chế phẩm sinh học IMO”.
Chủ trương phát triển nông nghiệp sạch đang là nhu cầu cấp thiết đối với mỗi gia đình và xã hội. Biến chất thải, rác thải hữu cơ thành sản phẩm mới tái sử dụng trong nông nghiệp đang tạo ra “luồng gió mới” cho các hội viên phụ nữ huyện Gia Bình khởi nghiệp. Chị Trần Thị Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Gia Bình cho biết: “Gia Bình là huyện thuần nông, đất đai màu mỡ, để hướng tới nền nông nghiệp sạch thích ứng với môi trường, khí hậu, thời gian qua, Hội chủ động phối hợp với Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ (Hiệp hội bán lẻ Việt Nam) về tập huấn kỹ thuật phương pháp làm phân vi sinh IMO cho các cán bộ chủ chốt cơ sở, biến rác thải hữu cơ dư thừa thành phân vi sinh sản xuất cây trồng, nâng cao giá trị sản phẩm”.
Công đoạn xử lý rác thải hữu cơ thành phân vi sinh IMO.
Sau bữa cơm thân mật, anh Trần Văn Hiển (chồng chị Cải) đưa chúng tôi ra thăm bể 50 m3 sản xuất phân vi sinh IMO. Anh Hiển cho biết: “Nguyên liệu sản xuất phân vi sinh IMO gồm có: Bã đậu, xác cá, thân cây chuối thái nhỏ kết hợp vi sinh IMO gốc đưa vào ủ khoảng 1 tháng đem ra lọc. Cứ 10 lít phân vi sinh pha với 1 m3 nước thông thường sử dụng tưới cho cây. Để giảm nhân công lao động, tôi đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tự động. Ưu điểm khi trồng rau theo phương pháp mới là rau sinh trưởng tốt, lá dày, khỏe khoắn, ít sâu bệnh và có khả năng thích nghi với khí hậu thay đổi theo mùa. Còn thuốc bảo vệ thực vật sinh học, tôi ủ kết hợp các loại tỏi, ớt, gừng, xả, rau mùng tơi, cây xuyến chi. 1 sào rau sản xuất đến khi thu hoạch theo phương pháp truyền thống sẽ phải sử dụng từ 7 kg đến 10 kg lân, đạm, ka li và 50.000 đồng thuốc bảo vệ thực vật. Còn chi phí sản xuất 1 sào rau bằng phân vi sinh IMO chỉ từ 1.500 đồng đến 2.000 đồng”.
Tận dụng nguồn rác thải, chất thải hữu cơ thành phân vi sinh IMO không chỉ thân thiện với môi trường mà còn giúp cây trồng tăng trưởng và phát triển tốt. Chất lượng sản phẩm rau xanh, củ quả từng bước được khẳng định thương hiệu, tạo niềm tin cho khách hàng. Mỗi ngày HTX rau sạch Hoàng Gia cung cấp khoảng 2 tấn rau các loại cho các siêu thị, trường học trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, thành phố Hà Nội và xuất khẩu đi Hàn Quốc với giá từ 15.000 đến 30.000 đồng/kg (rau được các cơ quan đánh giá, kiểm định chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm từ 2 đến 3 lần/năm). Hiện nay, HTX rau sạch Hoàng Gia tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình từ 4,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng.
Nhìn 10 ha rau muống, cải xanh, mùng tơi, ngót, su hào, bắp cải... xanh biếc của HTX rau sạch Hoàng Gia, người dân địa phương và các vùng lân cận như: Nhân Thắng, Lãng Ngâm, thị trấn Gia Bình, Xuân Lai, Thái Bảo... đến thăm, học tập mô hình và nhận được sự hướng dẫn nhiệt tình của chị Lưu Thị Cải và anh Trần Văn Hiển. Chị Đàm Thị Tuyến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Xuân Lai cho biết: “Được sự tận tình giúp đỡ của chị Cải, anh Hiển, tôi về bàn bạc với các đồng chí trong Ban Chấp hành thuê gần 2.000 m2 đất tại thôn Ngô Thôn trồng rau muống bằng phân vi sinh IMO, rồi đem sấy lạnh tạo ra sản phẩm bột rau muống đường phèn, đem lại giá trị kinh tế cao. Sản phẩm này được kiểm nghiệm và đánh giá an toàn, có tác dụng: Lọc máu, thải độc, cung cấp Vitamin A, Vitamin C; hỗ trợ phòng và điều trị bệnh tiểu đường; điều trị bệnh vàng da và các vấn đề về gan...”.
Từ Gia Bình, phong trào sử dụng phân vi sinh IMO được lan tỏa sang các địa phương khác như: Hội Phụ nữ xã Đại Xuân (Quế Võ), Hội Phụ nữ thị trấn Thứa (Lương Tài)... Chị Nguyễn Thị Hợp, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản an toàn gạo Nàng Xuân ở xã Đại Xuân là người đầu tiên của huyện Quế Võ nuôi cấy thành công phân vi sinh IMO sử dụng bón cho rau và lúa thảo dược chất lượng cao. Sau hơn 1 năm thử nghiệm thành công làm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật vi sinh, chị Hợp hướng dẫn và tặng hơn 1.000 lít phân bón và thuốc bảo vệ thực vật vi sinh cho các hội viên phụ nữ trong xã và các vùng lân cận học tập và làm theo.
Hướng đi mới trong xử lý môi trường
Xây dựng làng quê thân thiện với môi trường là 1 trong 19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới. Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng, tác động của môi trường đến chất lượng cuộc sống người dân, thời gian qua, Đảng ủy xã Quỳnh Phú (Gia Bình) chủ động chỉ đạo, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao ý thức tự giác, hành động vì môi trường sạch. Đồng chí Nguyễn Trung Kiên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Phú cho biết: “Năm 2018, Đảng ủy xã ra Nghị quyết chuyên đề thực hiện “Ngày Chủ nhật xanh” hằng tuần. Trong đó, giao cho Hội Phụ nữ làm lực lượng nòng cốt phối hợp với các Chi bộ, đoàn thể, trường học: Cắt tỉa cây xanh, xây dựng con đường hoa; khơi thông cống rãnh; vệ sinh đường làng, ngõ xóm, đồng ruộng; phân loại rác thải tại nguồn và xử lý rác bằng chế phẩm sinh học IMO”.
7 giờ sáng Chủ nhật cuối tháng 8-2020, chúng tôi về xã Quỳnh Phú. Hơn 1.000 người dân từ các em học sinh đến người cao tuổi đồng loạt ra quân vệ sinh đường làng, ngõ xóm, ao hồ, đồng ruộng... Chị Phạm Thị Nhung, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quỳnh Phú ví von: “Cơ thể con người đau ốm phải tìm ra bệnh, môi trường ô nhiễm cũng xuất phát từ các nguyên nhân. Trước đây, người dân đã quen sinh hoạt và đổ rác thải hỗn hợp, đó là nguyên nhân cơ bản đầu tiên tạo ra sức ép cho môi trường. Khi được Đảng ủy xã giao nhiệm vụ, chúng tôi chỉ đạo các Chi hội cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền cán bộ, hội viên và nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm tổ chức phân loại rác thải tại nguồn. Những rác thải, chất thải hữu cơ sẽ được tập kết vào các thùng và ủ thành chế phẩm sinh học để tưới rau và xử lý cống rãnh, ao hồ và rác thải sinh hoạt, còn rác thải nhựa sẽ bán phế liệu, gây quỹ sinh hoạt Hội và làm từ thiện”.
Chi hội Phụ nữ thôn Đổng Lâm xử lý rác thải bằng công nghệ phân vi sinh IMO.
Từ khi triển khai mô hình “Sinh kế”, đến nay hầu hết các hộ gia đình ở xã Quỳnh Phú đã tự giác thực hiện thu gom, phân loại rác thải ngay tại nhà. Ông Vũ Văn Sông, Bí thư Chi bộ thôn Đổng Lâm (Quỳnh Phú) cho biết: “Từ năm 2018 trở về trước, mỗi ngày toàn thôn phải thu gom 5 xe rác hỗn hợp, không được phân loại. Đến nay, lượng rác thải thu gom chỉ còn 3 xe. Nhờ mô hình “Sinh kế”, người dân không còn tình trạng vứt, đổ rác bừa bãi ở rìa đường, các bờ kênh mương nữa mà thay vào đó là những con đường hoa thơm ngát quanh làng. Cống rãnh được khơi thông, không còn mùi hôi thối, côn trùng gây bệnh, ao cá nước xanh trong... Tất cả nhờ người dân chung sức, đồng lòng áp dụng công nghệ mới trong việc bảo vệ môi trường”.
Dẫn chúng tôi đến bãi rác thải trên cánh đồng thôn Phú Dư (Quỳnh Phú), chị Nguyễn Thị Ngọc, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Phú Dư cho biết: “Được Thạc sỹ Hoàng Sơn Công, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ (Hiệp hội bán lẻ Việt Nam) hướng dẫn phương pháp làm chế phẩm sinh học IMO xử lý môi trường, chúng tôi làm thử nghiệm dùng: 20 lít nước (xả vòi từ hôm trước), 2 quả men rượu giã nhỏ, 3 hộp sữa chua, 3 quả chuối chín, 2 kg đường và 0,5 kg gạo cám. Tất cả cho vào thùng ủ 15 ngày (mỗi ngày khuấy 1 lần). Sau đó, chúng tôi dùng lấy 2 lít vi sinh IMO pha với 10 lít nước đổ xuống cống rãnh và bơm xử lý bãi rác thải sinh hoạt tại địa phương”. Sau 5 ngày, bãi rác xẹp xuống, mục ra và không còn mùi hôi thối, ruồi muỗi như trước. Thấy xử lý rác thải hiệu quả, Hội Phụ nữ các xã: Nhân Thắng, Đại Lai, Cao Đức... tích cực học tập, làm theo. Thạc sĩ Hoàng Sơn Công, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ (Hiệp hội bán lẻ Việt Nam) chia sẻ: “Bắc Ninh là địa phương đầu tiên chúng tôi phối hợp, chuyển giao kỹ thuật làm phân vi sinh IMO cho hội viên Hội Phụ nữ các cấp. Đây là giải pháp mới cho trồng trọt không sử dụng hóa chất, mà tự chế tạo phân bón từ những nông sản, phụ phẩm gần gũi với người dân”.
Đồng chí Trần Thị Vân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Sử dụng phân vi sinh IMO trong sản xuất nông nghiệp không chỉ tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn tạo ra những nông sản sạch, đảm bảo chất lượng, tăng giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường. Đây thực sự là hướng đi mới để mỗi hội viên phụ nữ nêu cao vai trò gương mẫu trong công tác Hội gắn với phát triển kinh tế gia đình. Thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh tăng cường công tác tập huấn, nâng cao kiến thức thực hành cho hội viên phụ nữ trong việc phân loại rác và sử dụng rác thải hữu cơ làm phân bón vi sinh gắn với chương trình của tỉnh “Mỗi xã, phường một sản phẩm”.
Kỳ 4: Lợi ích từ những sáng kiến
Tiến sĩ, bác sĩ Đào Khắc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Sản-Nhi Bắc Ninh và anh Phùng Văn Nam ở xã Minh Tân (Lương Tài) là 2 trong 90 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến vinh dự được khen thưởng tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2015-2020. Bằng niềm đam mê sáng tạo, họ tích cực đổi mới tư duy, tiết kiệm chi phí trong công tác khám, chữa bệnh, cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm thời gian, giảm sức lao động cho người dân.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể và cá nhân có thành tích tiêu biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ V.
Sáng tạo để tiết kiệm
Dẫn chúng tôi thăm các buồng bệnh Khoa Sơ sinh, Tiến sĩ, bác sĩ Đào Khắc Hùng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh chia sẻ: “Thực hiện lời Bác dạy “Lương y như từ mẫu”, tập thể cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện không chỉ nêu cao tinh thần y đức chăm sóc sức khỏe nhân dân mà còn nỗ lực đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật nhằm tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân, quỹ bảo hiểm y tế và bệnh viện”. Đầu năm 2020, Đảng ủy Bệnh viện Sản-Nhi Bắc Ninh xây dựng Nghị quyết chuyên đề “Thực hành tiết kiệm” đến toàn thể cán bộ, y bác sĩ theo phương châm “Mỗi cán bộ, đảng viên, y bác sĩ thực hiện 1 việc làm tiết kiệm theo gương Bác gắn với công tác khám, chữa bệnh”.
Những năm qua, số lượng bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh ngày càng nhiều, dẫn đến chi phí có xu hướng gia tăng. Tiền thuốc là một trong những yếu tố cấu thành làm gia tăng chi phí: Năm 2018, tiền thuốc xuất kho là 20,53 tỷ đồng, trong đó chi phí cho bệnh nhi nội trú là 12,8 tỷ đồng (chiếm 62,33%); năm 2019, tiền thuốc xuất kho là 23,67 tỷ đồng, trong đó chi phí của bệnh nhi nội trú là 14,29 (chiếm 60,32%). Xuất phát từ áp lực gia tăng chi trả bảo hiểm y tế cho bệnh nhân hằng năm, với vai trò người đứng đầu cấp ủy, Tiến sĩ, bác sĩ Đào Khắc Hùng cùng cộng sự tiến hành rà soát quy trình, nhận thấy việc sử dụng 1/5, 1/4 hay 1/3 lọ thuốc, bệnh nhân vẫn phải thanh toán 100% số tiền 1 lọ thuốc là lãng phí. Đó là những nguyên nhân cơ bản đầu tiên để Tiến sĩ Đào Khắc Hùng (Chủ nhiệm đề tài) cùng các cộng sự tập trung nghiên cứu, xây dựng thành công Đề tài “Ghép thuốc trong điều trị bệnh nhi tại Khoa Sơ sinh và Khoa Nội tổng hợp”. Tiến sĩ Đào Khắc Hùng cho biết: “Ghép thuốc trong điều trị xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, làm giảm chi phí cho gia đình bệnh nhân, quỹ bảo hiểm y tế, rác thải y tế và cũng là biện pháp hữu hiệu để giám sát quy trình khám, chữa bệnh của đội ngũ y bác sĩ”. Như để chứng minh cho chúng tôi hiểu rõ, Tiến sĩ Hùng đưa ra một số hồ sơ bệnh án, rồi phân tích: “Đối với bệnh nhi A có thể trọng là 3,6 kg được bác sĩ chỉ định dùng Biotaksym 1g. Liều lượng 180mg/lần với 2 lần/ngày (8 h-15 h), pha với nước cất, tiêm tĩnh mạch chậm/3 phút. Khi ra viện, số tiền thanh toán cho Biotaksym 1g của ngày sử dụng đó là 1 lọ. Nếu được thực hiện ghép thuốc, tổng liều 360 mg được quy đổi thành 0,36 lọ, làm tròn thành 0,4 lọ. Trong hồ sơ bệnh án bác sĩ sẽ ghi chỉ định: Biotaksym 1g x 0,4 lọ, 180mg/lần với 2 lần/ngày, pha với nước cất, tiêm tĩnh mạch chậm/3 phút (8h - 15h). Khi ra viện, hồ sơ bệnh án của bệnh nhi A chỉ phải thanh toán số tiền thuốc là 0,4 lọ thuốc đã dùng. Số thuốc còn lại được ghép với bệnh nhân khác theo cách tính tương tự”.
Tiến sĩ, bác sĩ Đào Khắc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Sản-Nhi Bắc Ninh cùng các y bác sĩ ân cần thăm hỏi bệnh nhân.
Câu chuyện “ghép thuốc” trong điều trị bệnh nhi tại Bệnh viện Sản-Nhi Bắc Ninh được triển khai từ tháng 2-2020. Lúc đầu thực hiện, cán bộ, y bác sĩ gặp nhiều khó khăn trong các khâu như: Chỉ định và sắp xếp thuốc trên phần mềm; tổng hợp phiếu lĩnh thuốc, phiếu hoàn trả; quản lý thuốc tại khoa lâm sàng; pha chế thuốc ghép khi sử dụng... Cầm 1 lọ thuốc Amigold nguyên tem cùng 3 ống tiêm trên tay, chị Nguyễn Thị Thơm, Điều dưỡng trưởng Khoa Sơ sinh cho biết: “Theo phương pháp mới, chúng tôi thường xuyên duy trì đảm bảo 5 đúng: Đúng người bệnh, đúng thuốc, đúng liều dùng, đúng đường dùng và đúng thời gian. Từ khi áp dụng ghép thuốc, công việc tuy vất vả hơn trước nhưng ai cũng quyết tâm thực hiện. Để người dân hiểu rõ, trước khi tiêm, tôi luôn công khai từng lọ thuốc, viên thuốc, đồng thời tuyên truyền, phổ biến cụ thể mục đích, ý nghĩa của việc ghép thuốc chỉ nhằm giảm chi phí thuốc cho từng đối tượng bệnh nhi mà vẫn đảm bảo quy trình sử dụng thuốc theo quy định”. Được các y bác sĩ chia sẻ thông tin và công khai thuốc tiêm, thuốc uống hằng ngày, nên các gia đình bệnh nhân đồng tình ủng hộ. Chị Ngô Thị Hiền ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) có người thân điều trị nội trú tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh cho biết: “Mới đầu nghe chuyện ghép thuốc, gia đình tôi còn mơ hồ, lo lắng sợ ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ sơ sinh, nhưng được các y bác sĩ giải thích tường tận cùng với cách làm công khai, an toàn nên chúng tôi cảm thấy yên tâm vì được giảm chi phí đáng kể”.
Mở tập tài liệu hồ sơ bệnh án phục vụ nghiên cứu đề tài sáng kiến, Thạc sỹ Nguyễn Thị Hoài Tâm, Trưởng Khoa Dược (cộng sự đề tài) cho biết: “Chúng tôi thực nghiệm đối với 1.256 hồ sơ bệnh án. Trong đó thuốc Bravine Inmed được dùng để ghép nhiều nhất (chiếm 21,6%); Lipocithin và Lipovenoes cùng được ghép ít nhất (chiếm 0,1%). Tổng chi phí thuốc tiết kiệm được sau khi thực hiện ghép là 157,355,278 đồng (giảm hơn 46,1% so với trước). Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, từ tháng 5 đến hết tháng 12-2020 dự kiến sẽ có khoảng 3.527 bệnh nhi ở cả hai khoa Sơ sinh và khoa Nội nhi tổng hợp được ghép thuốc, dự kiến chi phí thuốc giảm được là 441 triệu đồng”.
Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Ninh nhận định: “Bệnh viện Sản-Nhi Bắc Ninh là đơn vị đầu tiên của tỉnh thực hiện “Ghép thuốc trong điều trị bệnh nhân”. Đây thực sự là điểm sáng, là giải pháp tích cực, mở ra nhiều triển vọng mới trong công tác khám, chữa bệnh, góp phần giảm sức ép cho quỹ bảo hiểm y tế và những tác động tới môi trường”.
“Kỹ sư chân đất”
Dù học chưa hết cấp 2 (THCS), nhưng anh Phùng Văn Nam, sinh năm 1981 ở thôn Hương Trai, xã Minh Tân (Lương Tài) mày mò nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật ra nhiều dàn phay lên luống trong sản xuất nông nghiệp giúp giảm sức lao động, tăng năng suất cây trồng, đem lại lợi nhuận cao cho người nông dân.
Năm 2003, anh Nam vào Sài Gòn kiếm sống với nghề lắp đặt thang máy. Năm 2006, anh về quê lập nghiệp, mở xưởng cơ khí chuyên thiết kế và lắp đặt “Tời vận thăng” đưa gạch vào lò cho các chủ cơ sở sản xuất gạch thủ công ở 2 huyện Gia Bình và Lương Tài. Năm 2013, Nhà nước có chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công, anh Nam trở lại Sài Gòn lần thứ 2. Lúc bấy giờ, ở đây có nhiều máy cày đi bộ và máy cày bốn bánh cũ của Nhật giá rẻ, anh mua chuyển về quê cải tiến kỹ thuật phù hợp với đồng đất địa phương.
Để nắm bắt nguyên lý, kỹ thuật động cơ, anh Nam thường xuyên tìm tòi trên mạng internet, nhất là các trang về máy phay lên luống của Nhật Bản. Anh Phùng Văn Nam chia sẻ: “Nghề nó dạy nghề, chứ tôi không học qua trường, lớp nào cả. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, tôi đưa máy ra cánh đồng, lắp đặt dàn phay “3 trong 1” đến “6 trong 1”: Trồng cà rốt, cây ăn lá, dưa lê, dưa hấu, hành tỏi kết hợp bón phân tự động”. Bằng niềm đam mê, đến nay, anh Phùng Văn Nam sáng tạo nhiều máy móc tiện ích như: Dàn phay lên luống gắn với máy cày đi bộ; dàn phay lên luống gắn với máy cày 4 bốn bánh; máy đào hố trồng cây...
Anh Phùng Văn Nam thực hiện thao tác hàn các răng xới của dàn phay lên luống gắn với máy cày.
Một ngày cuối tuần tháng 9, chúng tôi theo anh Phùng Văn Nam lái “chiếc máy cày đi bộ” xuống cánh đồng ven sông Thái Bình. Vừa lắp ráp xong dàn phay lên luống, anh Nam bảo: “Tôi sản xuất dàn phay lên luống đều phải qua trải nghiệm thực tiễn. Thiết kế, cải tiến kỹ thuật ngay trên đồng ruộng để biết được và khắc phục nhược điểm, đảm bảo người dân mua về dễ dàng sử dụng”. Chứng kiến sau 1 giờ, chiếc máy của anh đã phay lên luống xong 1 sào cà rốt. Anh Phùng Văn Nam cho biết: “Mỗi loại cây trồng thích ứng với mỗi dàn phay lên luống khác nhau: Trồng cà rốt, cây ăn lá rãnh phải sạch, má luống chặt, mặt luống phẳng; trồng dưa lê, dưa hấu thì mặt luống phải chếch 200; trồng hành tỏi, luống phải cao... Rãnh sạch, má chặt có tác dụng thoát nước nhanh, không gây sạt lở, tránh cho cây trồng ngập úng khi gặp trời mưa kéo dài”. Từ khi người dân địa phương sử dụng dàn máy phay lên luống của anh Nam, đã tiết kiệm thời gian, giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất cây trồng. Anh Nguyễn Đình Độ, thôn Nhất Trai, xã Minh Tân cho biết: “Chi phí thuê máy phay lên luống 1 sào ruộng trồng cà rốt là 120 nghìn đồng, trong khi làm thủ công phải thuê 4 lao động với giá từ 200 đến 250 nghìn đồng/người/ngày. Điều quan trọng nhất là từ khi sử dụng máy phay lên luống kết hợp nâng cao kỹ thuật chăm sóc, năng suất cà rốt tăng từ 1,2 tấn lên 2 tấn/sào”. Đồng chí Nguyễn Văn Đềm, Chủ tịch UBND xã Minh Tân cho biết: “Toàn xã có hơn 300 ha vùng chuyên canh cây cà rốt, dưa lê, dưa hấu... Từ khi anh Nam tìm tòi, nghiên cứu và cung ứng dàn phay lên luống cho người dân địa phương, đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương”.
Để quảng bá thương hiệu sản phẩm, anh Nam thường quay các video, đẩy lên mạng internet, đồng thời hướng dẫn khách hàng sử dụng sản phẩm phù hợp với địa hình, loại đất địa phương. Mỗi tháng cơ sở của anh sản xuất và cung cấp khoảng 50 sản phẩm các loại ra thị trường cả nước: Sóc Trăng, Kiên Giang, Thanh Hóa, Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang... Giá 1 dàn phay lên luống “6 trong 1” gắn với máy cày 4 bánh là 25 triệu đồng (bằng 1/2 giá trị máy phay lên luống 1 chức năng trên thị trường). Anh Nguyễn Văn Vững ở tỉnh Kiên Giang cho biết: “Qua mạng internet, tôi đã 2 lần ra cơ sở sản xuất của anh Phùng Văn Nam tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và đặt mua dàn phay lên luống “6 trong 1” trồng gừng. Sau khi tôi cho biết đất ở Kiên Giang rắn, chắc, anh Nam đã thay đổi thiết kế các răng xới của dàn play lên luống từ loại to xuống loại nhỏ và cứng. Nhờ áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, tôi đã mở rộng diện tích trồng gừng từ 5 ha lên gần 10 ha”.
Tiến sĩ, bác sĩ Đào Khắc Hùng và anh Phùng Văn Nam chỉ là 2 trong nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến của tỉnh Bắc Ninh làm theo Bác về thực hành tiết kiệm. Những thành quả trong lao động, sáng tạo của họ thể hiện sâu sắc niềm tin và khát vọng cống hiến, đóng góp thiết thực cho cuộc sống cộng đồng.
Kỳ 5: Tiết kiệm thời công nghiệp 4.0
Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử tạo nền tảng vững chắc cho đô thị thông minh tương lai đang là mục tiêu trọng tâm mà tỉnh Bắc Ninh hướng tới, nhằm thay đổi lề lối làm việc, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Rút ngắn thời gian
Ngày 17-8, anh Nguyễn Thành Đạt đến Trung tâm Hành chính công tỉnh làm thủ tục cấp giấy phép xây dựng Trường Mầm non Hoa Sen trên địa bàn xã Phù Chẩn (thị xã Từ Sơn). Sau 10 phút rà soát hồ sơ, cán bộ chuyên trách Sở Xây dựng chuyển cho anh giấy hẹn trả kết quả ngày 31-8. Nhưng chỉ 8 ngày sau, anh Đạt được thông báo nhận kết quả sớm hơn dự kiến ban đầu. Cầm giấy phép xây dựng trên tay, anh Đạt cảm thấy hài lòng vì được cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn.
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh Bắc Ninh thực hiện nghi thức khai trương Trung tâm Điều hành thành phố thông minh.
Từ năm 2017 đến nay, Sở Xây dựng là đơn vị dẫn đầu trong 17 ban, sở, ngành của tỉnh trong việc giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Chị Nguyễn Thị Hiên, cán bộ chuyên trách Sở Xây dựng tại Trung tâm Hành chính công tỉnh cho biết: “Trước đây, việc cấp giấy phép xây dựng là 30 ngày, nhưng đến nay xuống còn 15 ngày so với quy định. Hiện nay, Sở Xây dựng có 40/40 (đạt 100%) thủ tục hành chính được rút ngắn thời gian làm việc, trong đó thủ tục hành chính được rút ngắn thời gian nhiều nhất là 16 ngày đối với thủ tục cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho tổ chức và cá nhân nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam thực hiện hợp đồng dự án nhóm B, C”. Để làm được điều đó, thời gian qua, Sở Xây dựng đổi mới phương thức lãnh đạo, ứng dụng công nghệ thông tin, sắp xếp lại bộ máy, lựa chọn “đúng người”, “đúng việc”, thực hiện theo phương châm “Vừa rút ngắn thời gian, vừa bảo đảm chất lượng công việc”.
Cùng với Quảng Ninh, Quảng Nam, Bắc Ninh là 1 trong 3 đơn vị đi đầu cả nước thí điểm thành lập mô hình Trung tâm Hành chính công tỉnh vào tháng 4-2017. Đó là chủ trương lớn thể hiện khát vọng và ý chí, quyết tâm chính trị của tỉnh trong việc xây dựng nền hành chính minh bạch, hiệu quả, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đến nay, Bắc Ninh duy trì hoạt động mô hình Trung tâm Hành chính công từ cấp tỉnh xuống cấp huyện và Bộ phận một cửa của cấp xã. Đồng chí Đào Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh cho biết: “Trước đây, mỗi khi đi làm các thủ tục hành chính, công dân phải đi lại nhiều nơi, chờ đợi mất thời gian, công sức. Từ khi mô hình Trung tâm Hành chính công từ tỉnh xuống cơ sở đi vào hoạt động đã tạo sự thay đổi tích cực, giảm thời gian, chi phí cho cả các cơ quan hành chính Nhà nước và nhân dân. Trong đó, Trung tâm đóng vai trò là cơ quan hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ, kiểm tra, đôn đốc, cập nhật thông tin online và nhận xét đánh giá quá trình giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ chuyên trách các sở, ban, ngành...”.
Thành phố Bắc Ninh được đầu tư xây dựng hiện đại, đáp ứng yêu cầu thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Chỉ tính năm 2019 tổng số hồ sơ được kiểm soát tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống tại Trung tâm là 534.190: Trong đó, cấp tỉnh 63.393 hồ sơ; cấp huyện 259.339 hồ sơ; cấp xã 211.458 hồ sơ. Trong đó, trả kết quả sớm trước thời gian là 80%, số ngày được rút ngắn là 2 ngày, thời gian tiết kiệm là: 534.190 hồ sơ x 80% x 2 ngày = 854.704 ngày làm việc/năm, tương đương gần 60 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, mô hình này còn tiết kiệm cho các đơn vị và người dân về chi phí, nhân lực. Hiện nay, tại Trung tâm Hành chính công tỉnh có 14/17 cơ quan với 404 loại phí và lệ phí được ứng dụng thu phí điện tử tại Trung tâm, do đó giảm chi phí in ấn, quản lý biên lai, giảm chi phí đi lại cho công dân... Việc thực hiện “4 tại chỗ” tại Trung tâm còn giúp các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp loại bỏ những trùng lặp, chồng chéo và thực hiện hiệu quả công tác tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 18 và 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII).
Mô hình Trung tâm Hành chính công từ tỉnh xuống cơ sở đã khẳng định được ưu điểm vượt trội, đem lại “lợi ích kép” cho cả Nhà nước và người dân, doanh nghiệp. Đó là bước đi vững chắc, khởi đầu trong tiến trình xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân phục vụ.
Hướng tới thành phố thông minh
Một buổi sáng cuối tuần đầu tháng 9, thấy cháu nội dắt chiếc xe máy ra cổng, ông Nguyễn Văn Thoa, 70 tuổi ở phường Đại Phúc (thành phố Bắc Ninh) gọi vội vã dặn dò: “Bây giờ tham gia giao thông, cháu không được phóng nhanh vượt ẩu, nhất là đừng bao giờ vượt đèn đỏ nhé”. Thấy cháu mình còn lơ mơ chưa hiểu rõ sự tình, ông Thoa lý giải: “Vượt đèn đỏ không chỉ nguy hiểm cho người tham gia giao thông mà còn bị xử phạt nguội dù không bị lực lượng công an trực tiếp bắt gặp. Bởi các cơ quan chức năng đã có hệ thống camera theo dõi 24/24 h”. Đến nay, Bắc Ninh lắp đặt được 296 camera tại các điểm trọng yếu, cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, địa điểm công cộng và các điểm nút giao thông quan trọng trên địa bàn thành phố Bắc Ninh. Qua đó, giúp cho lực lượng chức năng xử lý những trường hợp vi phạm giao thông, nhanh chóng làm sáng tỏ các vụ tai nạn giao thông và các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự. Điển hình mới nhất là vụ bắt cóc trẻ em ở khu vui chơi Công viên Nguyễn Văn Cừ (thành phố Bắc Ninh) vừa qua. Thông qua hệ thống camera trích xuất hình ảnh, lực lượng Công an Bắc Ninh đã phối hợp với các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương truy bắt đối tượng và giải cứu cháu bé thành công trong thời gian ngắn.
Hiện nay, tỉnh đã áp dụng phạt nguội các phương tiện vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ thông qua hệ thống camera giám sát, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, tạo sức răn đe và nâng cao ý thức tự giác, chấp hành tốt quy định Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông. Nếu như trước đây trong giai đoạn thí điểm, trung bình một ngày hệ thống camera giám sát ghi nhận khoảng 6.000 lượt phương tiện vi phạm quy định về Luật An toàn giao thông đường bộ thì kể từ áp dụng phạt nguội đến nay, số lượt phương tiện vi phạm giảm còn 50% . Từ ngày 5-11-2019 đến 31-7-2020 cơ quan chức năng tiến hành thông báo xử phạt nguội 3.712 và đã xử phạt 1050 trường hợp, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 3 tỷ đồng.
Cán bộ Trung tâm Hành chính công tỉnh thực hiện giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Lắp đặt camera giám sát đang trở thành công cụ đắc lực cho các cơ quan quản lý Nhà nước. Đây là 1 trong những bước triển khai đầu tiên trong quá trình xây dựng thành phố thông minh. Năm 2017, Bắc Ninh là 1 trong những địa phương đi đầu cả nước về thực hiện Đề án “Xây dựng triển khai mô hình thành phố thông minh giai đoạn 2017-2022, tầm nhìn 2030” với 6 lĩnh vực cốt lõi: Kinh tế thông minh; cư dân thông minh; quản trị thông minh; dịch chuyển thông minh; môi trường thông minh và cuộc sống thông minh. Đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Ninh cho biết: “Công nghệ thông tin (CNTT) đi trước một bước sẽ tạo hành lang, cơ sở vững chắc xây dựng thành phố thông minh. Sở đã thực hiện đồng bộ các giải pháp đột phá, chuyển đổi phương thức ứng dụng truyền thông đa phương tiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, cải cách hành chính thông qua các ứng dụng của mạng xã hội như: Cổng thông tin Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Ninh; kênh giao tiếp phản ánh kiến nghị; đánh giá mức độ hài lòng qua Zalo... giúp giảm tối đa khoảng cách giữa người dân với cơ quan Nhà nước”.
Được biết Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Ninh đang vận hành thử nghiệm Trung tâm điều hành thành phố thông minh. Đây là “Bộ não số” của tỉnh có chức năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có, tạo ra bức tranh toàn cảnh của tỉnh trên mọi lĩnh vực đời sống: Chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục. Trung tâm có hơn 1.000 chỉ số thống kê ở tất cả các lĩnh vực như: Giáo dục, y tế, giao thông, lao động thương binh và xã hội, tài chính, tài nguyên môi trường, nông nghiệp, khoa học công nghệ, hành chính công… Từ trung tâm này, giai đoạn 1 kết nối với hệ thống camera trên địa bàn thành phố Bắc Ninh và tiến tới là kết nối toàn bộ camera toàn tỉnh.
Mô hình chính quyền quản lý truyền thống sang chính quyền điện tử bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp là cơ sở, nền tảng quan trọng hướng tới xây dựng đô thị thông minh với những tiện ích giảm sức lao động, thời gian và chi phí trong các hoạt động của các cơ quan Nhà nước từ tỉnh xuống cơ sở. Công tác quản lý Nhà nước về CNTT triển khai đồng bộ trên tất cả các mặt hạ tầng, ứng dụng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, an toàn thông tin. Cùng với đó, hệ thống quản lý văn bản điều hành dùng chung thống nhất cho các cơ quan Nhà nước, cơ quan Đảng và các tổ chức chính trị-xã hội ở cả 3 cấp kết nối liên thông với Trục liên thông quốc gia bước đầu đạt kết quả, phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp, tiết kiệm chi phí, thời gian gửi, nhận văn bản và thay đổi tác phong, lề lối làm việc từ giải quyết công việc dựa trên giấy tờ sang môi trường điện tử. Đồng chí Nguyễn Văn Tân, Phó Trưởng phòng Hành chính-Lưu trữ, Văn phòng Tỉnh ủy cho biết: “Mỗi ngày, Văn phòng Tỉnh ủy tiếp nhận từ 20 đến 30 công văn và gửi từ 5 đến 7 công văn, giấy mời qua hệ thống thư điện tử. Nhờ đó, công văn đến và đi diễn ra nhanh chóng, gọn nhẹ, chính xác và tiết kiệm thời gian, chi phí”. Đây là giai đoạn mở đầu cho quá trình chuyển đổi, là cơ sở, động lực quan trọng để Bắc Ninh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, góp phần xây dựng thành công chính quyền điện tử, hướng tới thành phố thông minh.
Thực hành tiết kiệm là phẩm chất đáng quý ở mỗi con người. Học tập tấm gương tiết kiệm của Bác trở thành một thói quen làm việc, sinh hoạt hằng ngày, đòi hỏi các cấp ủy Đảng, các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên phải luôn tiên phong, gương mẫu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo nguồn lực bền vững trong phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đây chính là hành động thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Ghi chép của Tiến Vụ-Đỗ Xuân-Văn Phong/ Báo Bắc Ninh