Tác phẩm đoạt giải

“Văn hóa còn thì dân tộc còn”

 Bài 1: “Biên giới mềm” nơi miền biên viễn

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, mượn lời tiền nhân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Thông điệp mang giá trị căn cốt này đã, đang và sẽ ăn sâu, bám rễ trên nhiều vùng miền của đất nước.

Trong chuyến tác nghiệp tại các tỉnh miền núi phía Bắc (Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang…), chúng tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều câu chuyện rất đỗi thiết thực với mong muốn hiện thực hóa điều căn cốt: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Tinh thần tiên phong, những nỗ lực từ những “người con của Đảng” đã mang lại luồng sinh khí mới, diện mạo mới trên những miền đất xa xôi. Hơn thế, bản sắc văn hóa các dân tộc được gìn giữ, phát huy đã nhân lên “sức mạnh mềm” để xóa bỏ hủ tục, đói nghèo, lạc hậu, đánh thức những vùng đất, hướng đến một tương lai tươi sáng.

Các nghệ nhân CLB hát Then đàn Tính xã Đàm Thủy với nhiều hoạt động gìn giữ những giá trị truyền thống.
Các nghệ nhân CLB hát Then đàn Tính xã Đàm Thủy với nhiều hoạt động gìn giữ những giá trị truyền thống.

Đưa chúng tôi đi dọc tuyến vành đai biên giới, Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh, Cao Bằng) Lương Văn La nhiều lần nhắc đến phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất. Nhìn về phía thác Bản Giốc đang tung bọt trắng xóa, ông nói, ở nơi giáp biên này mới càng thấm thía ý nghĩa của “sức mạnh mềm” được đúc kết từ những giá trị văn hóa truyền thống ngàn năm. Chúng tôi đã cùng những “đôi mắt” miền biên viễn ấy đi qua nhiều bản làng, nơi từng tấc đất thấm đẫm những sắc màu văn hóa, gắn với nỗ lực phát huy vai trò của những đảng viên nhiệt huyết gìn giữ “biên giới mềm”, góp phần làm giàu quê hương, giữ gìn biên cương Tổ quốc.

“Sức mạnh mềm” ở biên cương

Chiều trên thác Bản Giốc, nhiều du khách dừng chân lắng nghe thanh âm của giai điệu Then và tiếng đàn tính mộc mạc, hòa quyện trong khung cảnh núi rừng hùng vĩ. Các nghệ nhân dân tộc Tày say sưa, khoan nhịp làn điệu Ánh trăng Bản Giốc. Bí thư xã Đàm Thủy tự hào: “Ở vùng biên giới xa xôi, chúng tôi thấm thía rằng văn hóa là hồn cốt dân tộc, giữ văn hóa chính là giữ biên cương, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Những “người con của Đảng” luôn phát huy tinh thần nêu gương, vận động và dẫn dắt đồng bào gìn giữ từng giá trị văn hóa truyền thống, biến đó thành tài sản vô giá của quốc gia…”, ông La bộc bạch.

Góc nhìn của bí thư trẻ tuổi người dân tộc Tày về phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa khiến chúng tôi có cảm giác lời hiệu triệu của Tổng Bí thư tại Phòng họp Diên Hồng năm trước đang hiện hữu thật cụ thể, từ sợi chỉ đỏ xuyên suốt là nhận thức. Cuốn hút với những câu chuyện đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống vùng biên, Bí thư Lương Văn La khiến tuyến đường vành đai biên giới mà chúng tôi đang đi dường như ngắn lại. Đàm Thủy có 17,5 km đường biên giới với Trung Quốc, 20 cột mốc chính, 38 cột mốc phụ, trung bình cứ 330m có một cột mốc, đặc biệt như cột mốc 825 thì phải đi cả nửa ngày mới đến. Trùng điệp núi non, thu vào tầm mắt ngút ngàn ấy luôn có những nỗ lực của từng cán bộ, đảng viên tâm huyết nhằm lưu giữ, bảo tồn giá trị bản sắc của cộng đồng các dân tộc. “Tuyến đường vành đai biên giới này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đồng bào nơi đây là người dân tộc Tày, Nùng. Trước thách thức mới của cuộc sống, cấp ủy, chính quyền xã Đàm Thủy luôn vận động bà con gìn giữ từng giá trị bản sắc như tiếng nói, trang phục, kiến trúc nhà ở, phong tục tập quán… Chúng tôi vẫn nói với người dân rằng, hãy trân quý những giá trị ấy như con ngươi mắt mình. Bởi, mất văn hóa là mất tất cả”, ông La chia sẻ.

Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh Lương Văn La cùng các chiến sĩ biên phòng lên cột
Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh Lương Văn La cùng các chiến sĩ biên phòng lên cột mốc 825

Đàm Thủy được ví như “xứ sở thần tiên” trong vùng Công viên địa chất non nước Cao Bằng. Bí thư Lương Văn La tâm sự, ngày về Đàm Thủy công tác, ông đã nhận thấy nhiều tiềm năng, giá trị văn hóa đặc sắc nơi miền biên viễn này cần được gìn giữ một cách bền vững, thậm chí phải được mài giũa thành ngọc quý để phục vụ du lịch. Bài toán bảo tồn và phát huy được đặt ra song hành. Ông đưa chúng tôi đến làng đá cổ Khuổi Ky, điểm sáng về giữ gìn, phát huy văn hóa vùng biên. Chúng tôi được giới thiệu với Bí thư Chi bộ xóm Bản Gun Khuổi Ky, ông Nông Ích Đạt. Hơn sáu mươi tuổi, gần 30 năm tuổi Đảng, ông Đạt là Bí thư được bà con tin yêu, bởi những tâm huyết vì đời sống cộng đồng.

12 năm kể từ khi có Nhà văn hóa Làng Tày Khuổi Ky, việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống được chi bộ Đảng quan tâm, nhân dân ủng hộ. “Ở nơi xa xôi này, ánh sáng của Đảng luôn soi rọi. Chúng tôi theo lời dạy của Cụ Hồ để vận động bà con: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Họ không hiểu sâu xa được hết, nhưng đều hiểu rằng, còn văn hóa là còn tất cả. Chi bộ thôn luôn quán triệt nghiêm túc mọi đường lối chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, đặc biệt từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, chúng tôi tổ chức nhiều cuộc họp quán triệt, vận động, tuyên truyền để người dân tập trung giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Giữ gìn thể hiện qua từng việc làm cụ thể như giữ nếp nhà truyền thống, lập đội văn nghệ quần chúng, thường xuyên mặc trang phục dân tộc và trao nghề truyền thống…”, Bí thư Nông Ích Đạt say sưa.

Làng Văn hóa Khuổi Ky có tuổi đời hơn 400 năm, từ một miền đất vùng biên đầy rẫy những khó khăn, đến nay đã chuyển mình khởi sắc. Dù cuộc sống có nhiều thay đổi, song những bản sắc ẩn sau những ngôi nhà sàn bằng đá, một trong những kiến trúc độc đáo của người Tày ở đây, vẫn đang được bảo tồn rất tốt. “Hát then đàn tính, nhà sàn bằng đá cổ kính và những nét văn hóa khác biệt đã khiến Khuổi Ky ngày càng thu hút du khách. Năm 2010, Bộ VHTTDL cấp nguồn vốn cho Sở VHTTDL Cao Bằng làm chủ đầu tư để phục dựng bảo tồn Làng văn hóa truyền thống dân tộc Tày xóm Khuổi Ky Trong của xã Đàm Thủy”, ông Đạt cho biết. Bí thư Lương Văn La nói thêm: “Tới đây, xã Đàm Thủy sẽ xây dựng mô hình điểm từ làng văn hóa Khuổi Ky trong phạm vi Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng. Đầu tiên, xã sẽ thành lập Ban quản lý giám sát phát triển du lịch cộng đồng, có sự tham gia của Bí thư chi bộ, trưởng xóm, người dân tiêu biểu…, phát triển theo hướng bền vững. Chúng tôi định hướng bà con lấy bảo tồn văn hóa truyền thống để phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống”.

Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy Lương Văn La (ngoài cùng bên trái), Bí thư chi bộ xóm Bản Gun Khuổi Ky Nông Ích Đạt (ngoài cùng bên phải) và Triệu Thị Huệ, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ x
Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy Lương Văn La (ngoài cùng bên trái), Bí thư chi bộ xóm Bản Gun Khuổi Ky Nông Ích Đạt (ngoài cùng bên phải) và Triệu Thị Huệ, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Đàm Thủy

Dưới ánh nắng chiều tà, trong tiếng nước đổ dồn và bụi nước bay trắng xóa, phía chân thác Bản Giốc ngân nga những giai điệu của tình yêu. Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Đàm Thủy, Chủ nhiệm CLB hát then đàn tính Đàm Thủy Triệu Thị Huệ cũng là tấm gương nữ đảng viên năng nổ trong vận động quần chúng bảo tồn văn hóa. Chị nói: “CLB được thành lập để quy tụ những nghệ nhân tâm huyết, cùng nhau sưu tầm những làn điệu then cổ, sáng tác những bài then mới và biểu diễn phục vụ du khách, truyền dạy cho thế hệ sau gìn giữ, phát huy. CLB hiện có 37 thành viên, là những nghệ nhân nắm giữ và truyền lửa hồn Then Tày”.

Bảo tồn văn hóa truyền thống kết hợp với du lịch cũng là cách để khẳng định chủ quyền, khơi dậy lòng tự hào dân tộc. “Chúng tôi mong muốn có thể xây dựng tuyến du lịch vành đai biên giới nhằm phát huy những giá trị bản sắc văn hóa vô giá đó, thiết thực triển khai tinh thần xuyên suốt của Đảng về gìn giữ, phát triển văn hóa truyền thống, từ Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đến Nghị quyết 33, Nghị quyết Đại hội XIII và gần nhất là lời phát biểu sâu sắc của Tổng Bí thư: Văn hóa còn thì dân tộc còn”, Bí thư xã Đàm Thủy Lương Văn La bộc bạch.

Ông La trầm giọng, tâm tư rằng nhiều năm nay, cái nghèo, cái đói đã khiến người dân nôn nóng, mong muốn làm giàu mà nhiều khi lãng quên văn hóa truyền thống... Con thuyền nhỏ trên sông Quây Sơn lặng lẽ, ánh mắt Bí thư La sáng lên niềm hy vọng:

 “Còn nhiều việc phải làm quá!”. Sâu trong đôi mắt miền biên viễn ấy, chúng tôi hiểu, đó là sự trăn trở, là mơ ước tận đáy lòng của người làm lãnh đạo như ông. Không phải giàu nhanh, không phải làm ăn xa xứ mà là thoát nghèo bền vững, làm giàu trên mảnh đất mình sinh ra, gìn giữ văn hóa, phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tận mắt nhìn thấy quê hương đổi mới và hội nhập.

Ở vùng biên giới xa xôi, chúng tôi thấm thía rằng văn hóa là hồn cốt dân tộc, giữ văn hóa chính là giữ biên cương, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Những “người con của Đảng” luôn phát huy tinh thần nêu gương, vận động và dẫn dắt đồng bào gìn giữ từng giá trị văn hóa truyền thống, biến đó thành tài sản vô giá của quốc gia…

(Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy LƯƠNG VĂN LA)

Ý Đảng, lòng dân nơi cực đầu Tổ quốc

Về công tác bảo tồn văn hóa truyền thống trên những miền đất vùng biên của chúng tôi tiếp tục nối dài với câu chuyện của người đảng viên dân tộc Lô Lô ở ngôi làng nơi cực Bắc Tổ quốc. Dưới mái nhà sàn đầu thôn Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang), mắt hướng lên Cột cờ Lũng Cú, trưởng thôn Sình Dìn Gai đưa chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

 Nhà anh Gai làm du lịch cộng đồng từ năm 2011. Khi đó, Lũng Cú vẫn là mảnh đất vùng cực Bắc xa xôi, lặng lẽ trên bản đồ và ít người biết đến. Đồng bào Lô Lô sống khép kín, và bởi thế, xã Lũng Cú ngày ấy vẫn chỉ như “người con gái đẹp ngủ trong rừng”. Bằng tiếng Kinh lơ lớ, trưởng thôn Lô Lô Chải Sình Dìn Gai nói: “Nếu như ngày đó Đại sứ quán Luxembourg không có dự án tài trợ thì chắc Lũng Cú sẽ vẫn ngủ yên. Ba nhà được lựa chọn, hỗ trợ chăn, ga, gối để làm văn hóa du lịch cộng đồng, nhưng chẳng ai chịu làm. Đói khổ dai dẳng, không ai biết homestay là gì. Tôi nghĩ mình là đảng viên, là trưởng thôn nên cần làm trước. Chỉ một tuần sau nhà tôi có khách. Du khách, nhất là khách nước ngoài rất thích khung cảnh và bản sắc văn hóa độc đáo của người Lô Lô…”.

Mới đầu, ông chủ Lô Lô chỉ làm một nhà sàn nhỏ, đón 6 khách mỗi tối. Năm 2014, khách đông hơn, anh Gai tu sửa thêm một nhà cổ, một tối đón trên 10 khách. Văn hóa Lô Lô độc đáo và những ngôi nhà cổ, cộng với cảnh quan kỳ vĩ của Lũng Cú như một thỏi nam châm thu hút.

Phụ nữ thôn Lô Lô Chải tự tin trong trang phục truyền th
Phụ nữ thôn Lô Lô Chải tự tin trong trang phục truyền thống đón khách.

 “Khách lên tới 15-16 người, không đủ chỗ nên năm 2017, tôi lại xây thêm một nhà, đón 20- 30 khách cùng lúc. Đến năm 2018, thấy làm du lịch từ văn hóa dân tộc mang lại đời sống mới, nhiều nhà trong xã rục rịch làm theo. Chúng tôi tự sang sửa, đi từng nhà tuyên truyền, cảnh quan phải làm đẹp, chuồng trại phải di dời, đẩy lùi hủ tục và đặc biệt, hãy mặc trang phục truyền thống, nói tiếng nói và múa điệu múa của người Lô Lô...”, anh Gai kể chuyện. Ông trưởng thôn nhớ lại, ngày trước, cả làng chỉ làm nông, quanh năm suốt tháng không đủ ăn, lại lắm hủ tục nên đói nghèo bám riết. Thời điểm năm 2008 về trước, cả thôn 100% là hộ nghèo. Thế rồi khi văn hóa và du lịch quyện hòa, người Lô Lô nhìn thấy không ở đâu xa xôi mà ngay chính mỗi nếp nhà, trong từng đường thêu thổ cẩm, sắc màu trang phục và hương vị món ăn..., đều là những tài sản vô giá, giúp người dân thoát nghèo bền vững. Từ định hướng phát triển du lịch bằng văn hóa truyền thống, Sở VHTTDL Hà Giang cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn người dân làm du lịch cộng đồng... Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, thôn Lô Lô Chải đón khoảng 300 khách mỗi tối cuối tuần, thu nhập của các hộ làm du lịch khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng. Sau thời gian đóng cửa phòng dịch, đến nay thôn Lô Lô Chải đã đón khách trở lại.

“Lô Lô Chải khác xưa nhiều lắm. Người dân đoàn kết, chung tay xây dựng cuộc sống mới. Đảng ủy, chính quyền xã quan tâm, giúp bà con bảo tồn văn hóa truyền thống, từ niềm tự hào để phát triển”, anh Gai chia sẻ. Từ một cộng đồng khép kín, đến nay, người dân đã thành thục thuyết minh, giới thiệu với du khách về văn hóa và lịch sử dân tộc mình, ý nghĩa thiêng liêng của mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Bản sắc văn hóa của một dân tộc ít người, sinh sống hơn 700 năm ở Lũng Cú được thể hiện trên trang phục, kiến trúc nhà ở, các tiết mục múa, hát, trống đồng... cũng được từng người dân Lô Lô Chải giới thiệu đến du khách tới thăm vùng địa đầu Tổ quốc.

 

Anh Sình Dìn Gai hướng dẫn bà con trong thôn Lô Lô Chải giới thiệu với du khách về văn hóa và lịch sử dân tộc Lô Lô.
Anh Sình Dìn Gai hướng dẫn bà con trong thôn Lô Lô Chải giới thiệu với du khách về văn hóa và lịch sử dân tộc Lô Lô.
Nhưng, cũng đã có những thời điểm nỗi lo lắng nhịp sống hiện đại lấn át truyền thống dần hiện hữu. Anh Gai cho biết, phát huy sức mạnh của Đảng, vai trò gương mẫu của đảng viên, chi bộ thôn liên tục tuyên truyền nhân dân thông qua từng việc làm cụ thể. Chẳng hạn, vận động người dân thường xuyên mặc trang phục truyền thống, hỗ trợ kinh phí để gìn giữ trang phục dân tộc. Thôn Lô Lô Chải cũng hình thành Câu lạc bộ Bảo tồn tiếng nói, anh Gai trực tiếp đứng lớp dạy tiếng Lô Lô cho con trẻ. Đây là điều cần thiết khi những đứa trẻ dần lớn lên, tầm mắt mở mang nhưng tiếng dân tộc lại ngày càng mai một. “Chúng tôi luôn tâm niệm sẽ cố gắng để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc của mình. Linh hồn của dân tộc Lô Lô chính là lễ cúng tổ tiên, là những bộ quần áo truyền thống, là tiếng nói, là chiếc trống đồng thiêng... Mất trang phục sẽ mất đi màu sắc độc đáo của dân tộc Lô Lô. Mất lễ cúng tổ tiên là mất cả dân tộc. Ẩm thực, múa hát, nhà sàn, kiến trúc... nếu bị lai căng thì dân tộc Lô Lô cũng không còn nữa”, anh Gai giãi bày.

Không chỉ tiên phong xóa nghèo, làm giàu trên quê hương Hà Giang, anh Sình Dìn Gai cũng là gương đảng viên đi đầu trong vận động người dân ở Lô Lô Chải xóa bỏ hủ tục đeo bám hàng trăm năm, chủ yếu trong ma chay, cưới hỏi, vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. “20 năm trước cả thôn say rượu, nhưng đến nay tất cả chỉ lo lao động, làm giàu. Không còn những đám cưới, đám tang nhiều ngày, mổ trâu bò, ăn uống dềnh dang rồi lo “trả nợ miệng”. Cổng làng rộng mở, bà con tiếp xúc với du khách nhiều nơi, biết nói cả tiếng Anh. Niềm tự hào dân tộc cũng nhân lên, lan rộng…”.

Câu chuyện cứ kéo dài suốt sáng, anh Gai khép lại: “Xem ti vi, tôi được nghe lời phát biểu, dặn dò của Tổng Bí thư: Văn hóa còn thì dân tộc còn… Khi đó, tôi xúc động lắm! Tất cả việc làm của những đảng viên dân tộc Lô Lô chúng tôi chính là để giữ gìn những giá trị văn hóa thiêng liêng, có tiền cũng không mua được”.

Bài 2: Vì yêu nên tận sức cống hiến

Đến huyện miền núi Nguyên Bình trong buổi chiều tà, cuộc hành trình đi qua những thung sâu, núi cao từ miền biên viễn Trùng Khánh (Cao Bằng) trở nên thật gần gũi và diệu kỳ khi trước mắt chúng tôi đang hiện lên khung cảnh đẹp như trong cổ tích.

Nghệ nhân Đinh Văn Thức miệt mài truyền dạy các làn điệu hát Then đàn Tính cho các em nhỏ ở huyện Nguyên Bình.
Nghệ nhân Đinh Văn Thức miệt mài truyền dạy các làn điệu hát Then đàn Tính cho các em nhỏ ở huyện Nguyên Bình.

Câu chuyện về những đảng viên người dân tộc vì yêu mà cống hiến đã tạo nên điểm sáng trong hoạt động lưu giữ, bảo tồn và truyền dạy những tinh hoa văn hóa từ ngàn đời, góp phần gắn kết và hình thành sức mạnh cộng đồng, truyền lửa tình yêu cội nguồn cho thế hệ trẻ.

Trao niềm tin tới cộng đồng

Trong áng mây chiều chạng vạng ở Nguyên Bình, vùng đất hội tụ và thấm đẫm những giá trị văn hóa bản sắc của các dân tộc trên quê hương cách mạng Cao Bằng, từ xa xa chúng tôi đã nghe tiếng dặt dìu của những thanh âm hát then, đàn tính đang vang vọng từ lớp học dành cho thiếu nhi của Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) dân tộc Tày Đinh Văn Thức. Cứ nhắc đến thầy giáo Thức, người dân trẻ già ở đây đều biết rõ, bởi ngày nào bản làng bé nhỏ này cũng đều được những làn điệu hát then, đàn tính và những làn điệu dân ca Tày, Nùng ru ngọt. Bất kể nắng mưa, nghệ nhân Đinh Văn Thức cũng không bỏ lớp.

Lớp của thầy Thức chiều hôm đó có chừng 30 học sinh, chủ yếu là các em nhỏ đến từ các xóm trong xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình. Trong lớp học đơn sơ, những “nghệ nhân nhí” trong trang phục dân tộc Tày say sưa với làn điệu then Nhớ công ơn cha mẹ thầy cô. Nhìn vào từng gương mặt học trò, NNƯT Đinh Văn Thức nói nhỏ: “Để đến lớp học này, nhiều em phải đi xa lắm. Có bé nhà tận trên núi cao, phải đi cả tiếng đồng hồ mới tới nơi...”. Ông chỉnh dây đàn, nắn nót từng thanh âm lên xuống, bổng trầm. Những nét mặt trẻ nhỏ thơ ngây hào hứng. Để đưa các em đến lớp học hát then đàn tính này, thầy giáo Thức đã phải lặn lội đến từng nhà, gọi điện cho từng phụ huynh để vận động, thuyết phục. Địa hình miền núi, mỗi ngôi nhà có khi cách nhau nhiều cây số, chưa kể nắng mưa, bão rừng, lũ quét… đều trở thành nguyên nhân để những đôi bàn chân đến lớp ngập ngừng. Với sức hút từ những giá trị văn hóa truyền thống mà thầy Thức hết lòng truyền dạy, những “nghệ sĩ nhỏ” cũng rất hiếm khi nghỉ học.

Các học trò của anh Đinh Văn Thức trong một b
Các học trò của anh Đinh Văn Thức trong một buổi tập hát Then đàn Tính.

Đôi mắt to tròn, cô bé lớp 5, dân tộc Tày Dương Thanh Trúc hồn nhiên kể chuyện, nhà có hai chị em gái đều theo học lớp của thầy Thức. Thường lớp học diễn ra vào buổi tối, mẹ của Trúc là cán bộ văn hóa xã Vũ Minh, chịu trách nhiệm đưa hai chị em tới lớp. Đã 4-5 năm qua, những giai điệu hát then, đàn tính trở thành “người bạn” của hai đứa trẻ, dặt dìu dưới nếp nhà sau những giờ chúng lên lớp, tới trường. Đứng cuối lớp học, NNƯT Đinh Văn Thức giới thiệu với chúng tôi cô bé Đinh Minh Anh, học sinh lớp 7, giọng hát then tốt nhất lớp. “Học lớp hát then, đàn tính của thầy Thức, con được đi biểu diễn nhiều nơi, đoạt nhiều giải thưởng. Con rất tự hào khi được mang tiếng hát then, đàn tính của quê hương khoe với các bạn ở tỉnh khác...”, cô bé thỏ thẻ. Tiếng hát trong trẻo, bay bổng cất lên giữa núi rừng, trong buổi chiều cuối hè bỏng rát khiến không gian và lòng người như dịu lại.

Nhìn dáng vẻ tất bật của thầy giáo Thức trong lớp học truyền dạy hát then, ít ai biết được công việc hằng ngày của ông lại là nghề y. Tưởng thật khó lý giải cho mối cơ duyên giữa hai con đường xa lạ, nhưng với NNƯT Đinh Văn Thức, mọi chuyện thật giản dị: “Vì yêu mà cống hiến, vậy thôi!”. Yêu hát then đàn tính như máu thịt của mình, lo lắng những giá trị truyền thống mai một trong cuộc sống đương đại, nghệ nhân Đinh Văn Thức thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân gìn giữ vốn quý cha ông để lại. “Là đảng viên, tôi tự nhận thấy mình cần phát huy tinh thần tiên phong. Nói phải đi đôi với làm, mình phải trao niềm tin cho cộng đồng bằng những việc làm cụ thể. Từ suy nghĩ đó, tôi dạy hát then, đàn tính và dạy hát dân ca dân tộc Tày tại nhà. Học sinh đến học đều miễn phí, đến nay tôi đã truyền dạy được gần 500 học trò, trong đó có 11 lớp hát then, đàn tính”, nghệ nhân Đinh Văn Thức cho biết.

Năm 2022, ông Thức đã và đang truyền dạy nghệ thuật hát then, đàn tính cho gần 100 học sinh, gồm CLB hát then, đàn tính xã Minh Thanh, CLB hát then, đàn tính huyện Nguyên Bình, lớp học thiếu nhi xã Vũ Minh. Học trò của những lớp học được vun đắp từ tình yêu văn hóa truyền thống trên vùng núi cao Đông Bắc này đã có nhiều người đoạt giải thưởng tại các kỳ thi, hội diễn do tỉnh Cao Bằng, huyện Nguyên Bình tổ chức.

 

NNƯT Đinh Văn Thức và các nghệ nhân hát Then, đàn Tính.
NNƯT Đinh Văn Thức và các nghệ nhân hát Then, đàn Tính.

Bao quanh Nguyên Bình là những lớp lớp núi non trùng điệp. Tự bao đời nay, cuộc sống trên những dãy núi, bản làng giàu sắc màu văn hóa này đã hun đúc và tạo nên những thanh âm, giai điệu mang vóc núi, dáng rừng. NNƯT Đinh Văn Thức nhớ lại, năm 1980, trong một lễ cầu Phúc của người Tày, ông chứng kiến cảnh bà Then tay đánh đàn tính, tay phẩy quạt, chân sóc nhạc và hát giai điệu Mời pợt lồng kin hương (giai điệu truyền thống của người Tày mời tổ tông, mời bà tiên đến ăn cỗ), tiếng hát ngọt ngào, ấm áp đã khiến ông như được thúc giục đến với loại hình nghệ thuật truyền thống này. Không chỉ học hỏi từ nhiều nghệ nhân hát then, những ngày đầu ông Thức còn tranh thủ thời gian rảnh rỗi tự học hát then, đàn tính bằng các chương trình trên Đài Phát thanh tỉnh Cao Bằng.

Sau này, NNƯT Đinh Văn Thức là một trong số ít những nghệ nhân ở Nguyên Bình nắm giữ và thành thục nhiều tri thức, kỹ năng và các làn điệu then cổ. Ông tự biên soạn, sáng tác lời mới cho hát then, đàn tính và các bài hát dân ca Tày, Nùng, với các làn điệu Pụt lằn, Dá hai, Lượn cọi, Sli giang, Phong slư, Nàng ới… “Lớp nghệ nhân nắm giữ linh hồn của di sản đang ngày một thưa vắng. Các giai điệu hồn then vùng cao trong cuộc sống hôm nay cũng ít nhiều mai một. Nếu không kịp thời giữ lại và tìm cách truyền dạy cho lớp cháu con thì những năm sau này, biết ai còn giữ được hồn then?”, nghệ nhân Đinh Văn Thức trút nỗi lòng trăn trở. Ở tuổi 51, ông Thức tận dụng từng khoảng thời gian trống để đứng lớp truyền dạy những làn điệu then cho cộng đồng. Vào những buổi tối và ngày cuối tuần, lớp học của NNƯT Đinh Văn Thức diễn ra đều đặn, như làn suối níu giữ những khoảnh khắc trong lành nơi xóm nhỏ. Đặc biệt, ngọn lửa đam mê được ông truyền tới cộng đồng được nhiều người ủng hộ. Có những người già 82-83 tuổi vẫn tìm đến lớp học hát then đàn tính để được sống với những giá trị văn hóa trường tồn của dân tộc.

Chia sẻ niềm tự hào khi Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, NNƯT Đinh Văn Thức bộc bạch, đó cũng là trách nhiệm mà các nghệ nhân tâm huyết với di sản dân tộc cần chung tay bảo tồn, để những giai điệu then còn ngân vang mãi, như lời phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại lễ đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO với di sản Thực hành Then vừa diễn ra tại tỉnh Tuyên Quang.

Lớp nghệ nhân nắm giữ linh hồn của di sản đang ngày một thưa vắng. Các giai điệu hồn then vùng cao trong cuộc sống hôm nay cũng ít nhiều mai một. Nếu không kịp thời giữ lại và tìm cách truyền dạy cho lớp cháu con thì những năm sau này, biết ai còn giữ được hồn then?

(Nghệ nhân ưu tú ĐINH VĂN THỨC)

Không để mất đi “kho báu” của núi rừng

Cách không xa lớp học của NNƯT Đinh Văn Thức, chúng tôi tìm đến nhà của Bàn Thị Huyền, nữ đảng viên trẻ tuổi ở xóm Nà Roỏng, xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình. Ngôi nhà nhỏ nằm giữa đồng lúa xanh rờn, chênh chếch mé sườn núi cũng là “trụ sở” của Câu lạc bộ Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao đỏ xóm Nà Roỏng. Đón chúng tôi, các thành viên Câu lạc bộ, từ những cô cậu bé ở tuổi vỡ lòng đến những mái tóc pha sương tề chỉnh trong sắc màu trang phục truyền thống- niềm tự hào của đồng bào Dao đỏ.

Người Dao Đỏ ở xóm Nà Roỏng, xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình.
Người Dao Đỏ ở xóm Nà Roỏng, xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình.

Đảng viên Bàn Thị Huyền là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ, cũng là người đưa ra ý tưởng thành lập mô hình này nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Dao đỏ. Điều đặc biệt, Câu lạc bộ Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao đỏ xóm Nà Roỏng được ra đời từ sự quyết tâm, đồng lòng của 3 thế hệ trong gia đình nữ đảng viên trẻ tuổi này. Bà ngoại của Huyền là Chủ nhiệm đầu tiên của Câu lạc bộ. Sau khi bà qua đời vì căn bệnh ung thư, vai trò chủ nhiệm được chuyển từ bà sang mẹ. Bàn Thị Huyền kể chuyện, khi đi học đại học tại Thái Nguyên, mỗi lần về thăm nhà, cô nữ sinh trẻ tuổi lại man mác buồn khi thấy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao đỏ đang dần bị lãng quên, nhất là trong giới trẻ. Những khung thêu làm nên vóc dáng hoa văn riêng có của người Dao, những làn điệu dân ca mượt mà, tiếng nói, trang phục, lễ hội…, tất cả dường như đều không còn trọn vẹn. Không chấp nhận những đổi thay khắc nghiệt ấy, năm 2016, Huyền nói với bà ngoại của mình ý tưởng thành lập Câu lạc bộ. Tình yêu với di sản văn hóa dân tộc đã trở thành sợi dây đồng điệu, kết nối các thế hệ. Ý tưởng cũng được người dân trong làng ủng hộ và đề xuất lên xã. Câu lạc bộ Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao đỏ xóm Nà Roỏng nhanh chóng ra mắt sau đó”, cô gái trẻ dân tộc Dao đỏ nhớ lại.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ, mẹ của Huyền, bà Bàn Mùi Nhất, 49 tuổi, chia sẻ: “Khi còn sống, mẹ tôi thường bảo, bây giờ các con không mặc nhiều quần áo truyền thống, bản sắc dân tộc rất dễ mất gốc. Mẹ tâm niệm và mong muốn cháu con cùng học nghề thêu, giữ lại những bộ trang phục của dân tộc để mặc trong dịp lễ, Tết và những ngày quan trọng của cuộc đời. Bởi thế, khi con gái tôi đi học đại học trở về, cháu đề đạt nguyện vọng có một Câu lạc bộ của xóm, ba mẹ con đã cùng đồng lòng và vận động bà con tham gia...”. Mái nhà của ba thế hệ chẳng biết tự khi nào đã trở thành nơi gặp gỡ của những thành viên trong Câu lạc bộ đặc biệt ở vùng cao này. Nhiều bạn trẻ được Huyền vận động đã khiến tình yêu đối với những sắc màu văn hóa quê hương trỗi dậy. Những cô gái, chàng trai múa đẹp, hát hay, thêu thùa giỏi trở thành niềm kiêu hãnh của bản làng. Những đứa trẻ sinh ra chỉ nói tiếng phổ thông, giờ đây được vận động tham gia Câu lạc bộ để được truyền dạy tiếng nói của người Dao đỏ.

3 thế hệ người Dao đỏ trong trang phục truyền thống.
3 thế hệ người Dao đỏ trong trang phục truyền thống.

Trước khi Câu lạc bộ ra đời, Nà Roỏng không còn nhiều người biết thêu thùa, điệu hát Páo dung truyền thống của đồng bào Dao đỏ cũng dần dần vắng bóng. Đặc biệt là những bộ trang phục với đường nét hoa văn phong phú, đẹp mắt, tạo nét tinh tế trong văn hóa ăn mặc của người Dao đỏ từ xa xưa cũng đang phải đối diện với những thách thức của thời đại mới. Trong khi đó, những “báu vật nhân văn sống” của đồng bào cũng dần dần khuất núi. Nguy cơ mất đi những “kho báu” của núi rừng hiện hữu rõ ràng hơn bao giờ hết.

“Từ ngày còn nhỏ, em đã được bà, được mẹ dạy rằng, nghề may, vá, thêu thùa truyền thống gắn liền với phong tục tập quán và những nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Bất cứ người phụ nữ Dao đỏ nào cũng biết luồn kim, se chỉ, tự may trang phục cho cả gia đình. Chỉ khoảng 10-12 tuổi, các cô gái Dao đỏ đã thêu thùa thành thạo và tự tay làm ra trang phục cho riêng mình...”, Bàn Thị Huyền tâm sự. Nữ đảng viên xông xáo đến từng nhà vận động mọi người tham gia, ủng hộ hoạt động của Câu lạc bộ, cùng nhau gìn giữ những “báu vật” đã có tự ngàn đời.

Sắc màu Dao đỏ ở Vũ Minh.
Sắc màu Dao đỏ ở Vũ Minh.

Chủ nhiệm Bàn Mùi Nhất rơm rớm nước mắt: “Nếu mẹ tôi không tha thiết, con gái không cố gắng trong việc mời gọi mọi người đến học thêu, học hát thì có lẽ không có Câu lạc bộ như ngày hôm nay. Từ những ngày đầu ra mắt đến nay, Câu lạc bộ hoạt động chính là truyền dạy nghề thêu và dạy hát các làn điệu cổ, tuy nhiên cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi kinh phí và thời gian đều eo hẹp. Các thành viên Câu lạc bộ tự gây quỹ bằng cách gặt lúa thuê, cấy thuê trong làng”. Tiếp nối bước chân các thế hệ đi trước, cô gái Dao Bàn Thị Huyền mong muốn phát huy tinh thần đi đầu, nêu gương của một đảng viên trẻ, khao khát mở rộng thêm mô hình và những hoạt động của Câu lạc bộ, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Nâng niu từng hoa văn mềm mại trên bộ trang phục đang mặc trên người, Bàn Thị Huyền nhỏ nhẹ: “Một bộ trang phục của người Dao đỏ làm ra phải rất kỳ công, có khi cả năm cũng chưa thêu xong. Trang phục Dao đỏ không chỉ tạo ấn tượng bởi những sắc màu rực rỡ mà còn hàm chứa những triết lý, giá trị nhân văn, gắn bó với người Dao từ khi sinh ra đến lúc rời cõi tạm. Bởi thế, những hoạt động của Câu lạc bộ Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao đỏ xóm Nà Roỏng hướng đến việc lưu giữ, bảo tồn, lan tỏa và tiếp thêm ngọn lửa tình yêu, niềm nhiệt huyết đối với từng người con của núi rừng nơi đây”, cô gái Dao bộc bạch.

Nữ đảng viên 30 tuổi có gương mặt xinh đẹp, nét mộc mạc đặc trưng của các cô gái Dao nói, ước mơ cháy bỏng của em là bằng những kiến thức học được, những đam mê với văn hóa dân tộc để tiếp tục quy tụ được bà con, “truyền lửa” cho họ, tạo thành khối đoàn kết trong cộng đồng để có thể phát triển hoạt động của Câu lạc bộ. “Em vẫn luôn nghĩ tới ngày, sản phẩm thổ cẩm Dao đỏ sẽ được nhiều người biết tới, nhiều du khách trong và ngoài nước tìm mua. Khi đó, em có thể tự hào rằng những bản sắc văn hóa dân tộc mình được bảo tồn, gìn giữ, được giới thiệu khắp nơi trên thế giới và người dân quê em có thể làm giàu trên mảnh đất quê hương…”. 

Bài 3: Thắp sáng những vùng đất

Xà Phìn đón chúng tôi với “đặc sản” mây trời trên đỉnh Tây Côn Lĩnh. Là thôn vùng cao thuộc xã Phương Tiến (huyện Vị Xuyên, Hà Giang), Xà Phìn chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, nhưng ánh sáng nơi đây thì lại ngập tràn. Người thắp lên ánh sáng cho bản làng là Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Đặng Văn Háu.

Xà Phìn là bản người Dao với những nếp nhà sàn truyền thống phủ đầy rêu xanh.
Xà Phìn là bản người Dao với những nếp nhà sàn truyền thống phủ đầy rêu xanh.

 Ông cũng là người khơi dậy ước mơ cháy bỏng của người Dao Chàm trên đỉnh núi cao, với bước chân không mỏi và tâm trí không ngừng ngẫm ngợi. Xà Phìn sau nhiều năm lặng lẽ, hôm nay đã không chỉ được biết đến với cảnh quan đẹp hút hồn mà còn là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, từng ngày thay da đổi thịt.

Ánh sáng ở Xà Phìn

Con đường mòn từ chân núi lên đỉnh Tây Côn Lĩnh chỉ dài chừng hai mươi cây số, nhưng ngoằn ngoèo và nhiều khúc cua gắt. Đón chúng tôi dưới nếp nhà sàn, Trưởng thôn Đặng Văn Háu kể: “Trước đây, lên đến Xà Phìn mất cả ngày đường. Cán bộ dưới xuôi, cô giáo lên bản dạy học có khi từ đầu năm đến cuối năm mới về”.

Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, quanh năm sương gió, nắng mây bao phủ, Xà Phìn nổi tiếng là nơi sản sinh ra thương hiệu chè Shan tuyết mang hương vị tinh túy của đất trời. Nhiều năm trước, bản nhỏ hơn 50 hộ dân này chỉ sống khép kín với nương lúa ruộng ngô, người dân quanh năm làm bạn với thửa ruộng bậc thang và những mái nhà rêu xanh ngăn ngắt. Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Đặng Văn Háu sớm nhận thấy có nhiều tiềm năng bị lãng quên trên đỉnh núi đẹp như tiên cảnh này. Ông chỉ ra cột điện phía xa xa, nói: “Phương Tiến đạt chuẩn nông thôn mới từ tháng 1.2020 nhưng đến giờ, nhiều hộ dân ở các thôn vùng cao, gồm 53 hộ dân của thôn Xà Phìn vẫn chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Nhiều điều muốn mà chưa làm được vì thiếu điện. Mong ước Xà Phìn là một ngày nào đó điện lưới sẽ thắp sáng cả thôn...”.

Ông Háu cũng không chỉ ngồi im chờ đợi. “Người con của Đảng” quyết tâm đưa ánh điện về với bản làng. Huyện Vị Xuyên trước đó đã đầu tư công trình điện cho các thôn, nhưng vì một số lý do kỹ thuật nên đường điện vẫn chưa được đóng về 4 thôn vùng cao. Chứng kiến đời sống người dân vất vả, ông Háu vận động một số hộ gia đình có điều kiện trong thôn đóng góp để kéo điện từ Nà Màu, cách Xà Phìn 5 cây số. “5 hộ gia đình mua gần 1.400m đường dây để đưa điện về Xà Phìn. Nguồn điện của nhà tôi hiện đang phục vụ nhiều hộ khác trong thôn. Nhà có đám cưới, đám tang, giỗ chạp lại đến xin thắp nhờ điện 1-2 đêm. Lâu dần, nhà tôi lắp đến 9 công tơ, gần cả làng đến thắp điện. Láng giềng tắt lửa tối đèn có nhau, giúp mọi người có chút ánh sáng để sinh hoạt, tôi mừng…”, ông Háu kể. Nhưng ánh mắt trăn trở của ông Bí thư vốn lăn lộn hàng chục năm với cuộc sống bản làng cũng chẳng giấu được những nỗi lo. Không có điện, người dân không thể sử dụng máy móc để phát triển sản xuất. Phần lớn hộ gia đình chỉ biết thắp sáng từ máy phát điện mini, nguồn điện không ổn định và nguy hiểm khi mưa bão, sấm sét. Ông trăn trở: “Ước mơ thắp sáng thôn làng vẫn đang được Xà Phìn mong ngóng ngày đêm”.

Rồi những đoạn đường dốc cheo leo, ngoằn ngoèo cua gắt, hẹp đến mức hai xe không thể tránh nhau… cũng là điều khiến ông trăn trở. “Dường như cuộc sống khó khăn trên đỉnh Tây Côn Lĩnh này khiến người dân Xà Phìn quen với tác phong “tự lập”. Tôi vận động bà con trong thôn góp tiền, công lao động làm hàng nghìn mét đường bê-tông để đi lại, lưu thông hàng hóa. Con đường mòn từ dưới xuôi lên đỉnh núi và nối các hộ trong thôn bây giờ đã không còn lầy lội khi mưa, bụi mù khi hanh nắng…”, ông Háu chia sẻ. Còn một nỗi khát khao ở Xà Phìn được ông bộc bạch, đó là biến tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng thành hiện thực. Ngoài thế mạnh chè Shan tuyết, Xà Phìn là vùng đất có cảnh sắc mê đắm lòng người, với “đặc sản” nhà mái rêu trên sườn núi sát mây trời cùng những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Dao Chàm. Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Hà Giang Đặng Quốc Sử là người đã chỉ ra tiềm năng đó của Xà Phìn. Hiện trong thôn có hơn chục hộ gia đình manh nha làm du lịch. Một lần nữa đóng vai trò mở lối, ông Háu cùng các đảng viên trong chi bộ tuyên truyền bà con phải biết cách khai thác du lịch từ tiềm năng văn hóa.

Ông nói với dân: “Điện, đường quan trọng lắm. Nhưng du khách đến với bản làng còn để trải nghiệm những giá trị văn hóa độc đáo. Người Dao Chàm ở Xà Phìn sinh ra, lớn lên rồi già đi trong những câu hát giao duyên, hát then, hát cọi, lễ hội nhảy lửa... Nếu mất đi những yếu tố này, bản sắc của chúng ta sẽ không còn trọn vẹn”. Để thành Bí thư chi bộ nói dân tin, làm dân theo như vậy, ông Đặng Văn Háu cũng là người luôn tích lũy kiến thức phong phú về văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ông tận tình truyền dạy thế hệ trẻ những điệu múa, bài cúng, câu hát dân ca để bản làng cùng nhau gìn giữ bản sắc, phát triển văn hóa du lịch cộng đồng. Bản thân ông cũng gương mẫu ủng hộ tiền và sức để làm cổng làng văn hóa du lịch Xà Phìn. “Muốn tuyên truyền, vận động có hiệu quả, bản thân và gia đình mình phải gương mẫu”, ông Háu chia sẻ. Thấy lo lắng những khi dân làng xa rời trang phục truyền thống, ông gương mẫu mặc trong đời sống thường ngày. Thấy nhiều đứa trẻ lớn lên không biết nói tiếng Dao, ông thuyết phục các gia đình phải sử dụng ngôn ngữ dân tộc và dạy tiếng cho con cháu của mình.

Ánh sáng ở Xà Phìn nhờ thế mỗi ngày càng rực rỡ hơn. Cũng trên chính vùng đất này, từng ngày, từng ngày, những hủ tục lạc hậu dần được đẩy lùi. Nạn tảo hôn, thách cưới cao, hôn nhân cận huyết… một thời gian dài khiến người Dao Xà Phìn chậm đổi mới. Ông Háu không ngại vất vả vượt núi, băng đồi, đến từng nhà tuyên truyền người dân kết hôn đúng độ tuổi, sinh đẻ theo kế hoạch. “Thách cưới cao khiến những thanh niên nghèo không cưới nhau được, tôi tuyên truyền rằng chỉ cần cuộc sống ấm no, thuận hòa là hạnh phúc...”. Mưa dầm thấm lâu, sự tận tụy của người đứng đầu đã thuyết phục người dân tin tưởng, nghe theo.

Ngày nói chuyện với chúng tôi cũng là những ngày cuối ông Háu đảm nhận vai trò Bí thư chi bộ ở thôn Xà Phìn. Nhiều năm đứng đầu chi bộ ở vùng đất đầy rẫy khó khăn, những nỗ lực, tâm huyết của ông đã thắp lên nguồn sáng trên vùng đất hứa. Điều lớn nhất ông đã làm và được ghi nhận là công tác phát triển đảng viên, phát huy vai trò dẫn dắt của đảng viên trong xây dựng những giá trị tích cực cho cộng đồng. Chi bộ Xà Phìn kể từ khi thành lập đã tạo nên luồng sinh khí mới cho bản làng.

Vợ chồng ông Lý Quốc Thắng, thôn Nặm Đăm.
Vợ chồng ông Lý Quốc Thắng, thôn Nặm Đăm.
 Nặm Đăm ngày mới

Ngôi nhà sàn lâu năm của gia đình ông Lý Quốc Thắng nằm ở ngay đầu thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ (Hà Giang). Nhà trình tường với lối kiến trúc cổ của người Dao Nặm Đăm khiến những người khách phương xa luôn bị cuốn hút. Mộc mạc, giản dị, đó là cách Nặm Đăm xây dựng ngôi làng với giá trị của riêng mình. Con người Nặm Đăm luôn nở nụ cười thân thiện như ông Thắng, bất cứ ai cũng sẵn sàng mời những người khách đi ngang vào nhà, để họ tìm hiểu nền văn hóa của dân tộc mình.

Nặm Đăm được bao bọc bởi rừng nguyên sinh và những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Nơi đây là vùng đất sinh sống lâu đời của người Dao Chàm hay Dao áo dài. Điều đặc biệt là dù cuộc sống xoay vần như thế nào thì người dân Nặm Đăm vẫn luôn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện qua những phong tục tập quán, nghi lễ truyền thống, nếp sinh hoạt thường ngày, với các làn điệu dân ca, dân vũ, trang phục, kiến trúc nhà ở, trò chơi dân gian và đặc biệt là các lễ hội. Trong đó, lễ cấp sắc được xem là linh hồn của dân tộc Dao, người đàn ông được cấp sắc mới được coi là đã trưởng thành. Cùng chúng tôi đi một vòng quanh thôn, ông Thắng nói chuyện, Nặm Đăm mới được chú ý vài năm trở lại đây. Trước kia, du khách tới Hà Giang thường hay bỏ qua khu vực Quản Bạ để thẳng tới cao nguyên đá Đồng Văn, cột cờ Lũng Cú. Rồi Quản Bạ cũng dần trở thành điểm dừng chân khi Nặm Đăm chuyển mình, đổi mới. “Năm 2009, có đoàn chuyên gia tới Nặm Đăm khảo sát. Ngôi làng nguyên sơ, bảo tồn trọn vẹn những giá trị bản sắc văn hóa kiến trúc, trang phục, phong tục bản sắc... của người Dao, khiến Nặm Đăm lập tức đã lọt “mắt xanh” của họ”, ông Thắng nói. Trong sự chuyển mình ở Nặm Đăm không thể không nhắc đến vai trò những đảng viên năng nổ như ông.

Nhìn thấy cơ hội “đánh thức” một miền đất đẹp, ông Thắng không chỉ đi đầu mà còn cùng người dân tích cực giữ gìn trọn vẹn bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, phục vụ cho ngành “công nghiệp không khói”. “Bà con vẫn nghe trên ti vi nói rằng bản sắc là “tấm căn cước” của một dân tộc, là tài sản quý giá ông cha để lại. Còn tôi thì nói, Nặm Đăm thu hút được du khách thì cũng từ những vốn quý văn hóa của cộng đồng…”. Ngày càng có nhiều đoàn khách đến Nặm Đăm để ngắm nhìn những ngôi nhà trình trường, hòa mình trong làn điệu dân ca, xem những trích đoạn cấp sắc… Người dân ngày càng nhận thấy hướng đi đúng đắn khi gắn kết văn hóa với du lịch. Ông Thắng cũng là người tiếp thêm niềm tự hào về “tấm căn cước” Nặm Đăm khi cùng người trong thôn tái hiện những trích đoạn cấp sắc, hát giao duyên và các làn điệu của dân tộc Dao…

Bước chân của những người đảng viên khao khát thắp sáng quê hương đến với từng nếp nhà, họ cùng nhau bàn bạc, chung tay chỉnh trang môi trường sống, lên kế hoạch bảo tồn phong tục tập quán, đẩy lùi hủ tục lạc hậu. Trước đây, các gia đình thường để chuồng trại gần nhà, nhưng nay để phát triển du lịch, tất cả đồng thuận di dời. Những hủ tục lạc hậu, cuộc sống đói nghèo từng bước được người Nặm Đăm bước qua. Lý Tà Sàng, một trong những gương mặt trẻ tâm huyết với giữ gìn bản sắc dân tộc ở Nặm Đăm mộc mạc nói: “Bản sắc văn hóa không phải đi mua, vậy tại sao không phát huy mà lại để biến tướng, mất mát…”. Sàng thuộc thế hệ 9X, độ tuổi quá trẻ để trở thành ông chủ của Dồn Dao homestay, một địa chỉ không nằm ở trung tâm của Nặm Đăm, nhưng rất hút khách bởi các hoạt động bảo tồn, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc. Homestay của Sàng có giàn hoa giấy dịu dàng tỏa sắc phía đầu hồi nhà trình tường.

Để khởi nghiệp, Lý Tà Sàng đi tới nhiều ngôi làng văn hóa du lịch cộng đồng trong và ngoài tỉnh Hà Giang. Trăm nghe không bằng một thấy, đôi mắt cậu trai trẻ được mở mang với nhiều điều mới lạ, dù là Lũng Cú hay Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc thì nơi nào cũng có nét văn hóa riêng. Nhưng hiếm có nơi nào như Nặm Đăm, còn giữ được nguyên vẹn nét truyền thống là những ngôi nhà trình tường bằng đất. Từ đầu làng đến cuối làng có 59 hộ thì có 59 ngôi nhà trình tường. Du khách cũng thường xuyên bắt gặp hình ảnh người Dao mặc trang phục dân tộc trong những sinh hoạt đời thường. “Một ngôi nhà sàn trình tường và một ngôi nhà xây trị giá vài trăm triệu, liệu du khách sẽ tìm đến lựa chọn nào để trải nghiệm? Người Nặm Đăm luôn tự hào về văn hóa truyền thống và tâm niệm rằng, cho dù đầu tư sang trọng thì cũng không thể sánh bằng những nơi khác, chi bằng giữ lại nguyên gốc văn hóa của mình…”, Sàng tâm sự.

Không chỉ mong muốn thật nhiều du khách đến bản làng, Sàng cho biết, anh còn mong muốn có thật nhiều cơ hội để phát huy, giới thiệu những trích đoạn lễ hội hoặc những món ăn, trang phục, những trải nghiệm với ruộng đồng, đồi núi… tới những người yêu mến Nặm Đăm. Những kiến thức văn hóa sưu tầm và được truyền lại từ thế hệ đi trước, Sàng tích cóp đưa vào cuốn “từ điển” của riêng mình và vì thế, ai hỏi gì về văn hóa dân tộc của mình, anh cũng trình bày vanh vách. “Tục ăn hỏi và thách cưới ngày xưa của người Dao rất đắt. Như mẹ em xưa thách cưới cũng hết hơn 100 đồng bạc, bằng khoảng 100 triệu bây giờ. Nhưng những hủ tục đó bây giờ đã được cải tiến nhiều rồi…”, Lý Tà Sàng tâm sự.

Khoe với chúng tôi ý định tái hiện, ghi hình một trích đoạn lễ cấp sắc truyền thống để giới thiệu với du khách vào cuối năm nay, Sàng trùng giọng như “ông cụ non”: “Nếu không giữ bản sắc dân tộc là mất gốc. Chả mấy mà Nặm Đăm sẽ rầm rập cảnh người đến, người đi. Tiếng Anh, tiếng Kinh nhiều hơn tiếng Dao, hip hop nhiều hơn giao duyên, cấp sắc… Nên bà con phải cùng nhau gìn giữ từ bây giờ, chị ạ!”. 

Vợ chồng ông Lý Quốc Thắng, thôn Nặm Đăm.
Vợ chồng ông Lý Quốc Thắng, thôn Nặm Đăm.

Điện, đường quan trọng lắm. Nhưng du khách đến với bản làng còn để trải nghiệm những giá trị văn hóa độc đáo. Người Dao Chàm ở Xà Phìn sinh ra, lớn lên rồi già đi trong những câu hát giao duyên, hát then, hát cọi, lễ hội nhảy lửa... Nếu mất đi những yếu tố này, bản sắc của chúng ta sẽ không còn trọn vẹn.

(Bí thư chi bộ, Trưởng thôn ĐẶNG VĂN HÁU)

Bài 4: Khát vọng nở hoa trên đá

Khó có thể hình dung, một thung lũng chỉ toàn đá tai mèo ở Quản Bạ (Hà Giang), những ngọn đồi trọc ở ven rừng Phja Oắc (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng), một làng dân tộc Dao Tiền hơn 90% hộ nghèo lại có ngày trở thành nơi lãng mạn, giàu màu sắc văn hóa như ngày hôm nay.

Phụ nữ Hoài Khao in sáp ong và thêu thùa trang phục truyền thống Ảnh: TRỌNG HẢI.
Phụ nữ Hoài Khao in sáp ong và thêu thùa trang phục truyền thống Ảnh: TRỌNG HẢI.

Phát huy tinh thần và với sự dẫn dắt của những đảng viên nặng lòng với quê hương, những mảnh đất nghèo đang dần khoác lên mình màu áo mới, khơi dậy và hiện thực hóa khát vọng “nở hoa trên đá”.

Làm giàu trên đất nghèo

Đi trên những con đường xuyên rừng tuyệt đẹp, thăm những tổ ong khoái khổng lồ trong rừng Phja Oắc- Phja Đén, Lý Hữu Nhảy, khi đó đang là Bí thư chi bộ xóm Hoài Khao (xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình) nói với chúng tôi: “Hoài Khao xưa cả làng có đến hơn 90% hộ nghèo, điện không, đường làng nhỏ, người dân không đi đâu ra khỏi làng, nhận thức hạn hẹp...”.

Ở xóm nghèo ấy, người dân cũng không bao giờ nghĩ mình có thể đón khách du lịch. Bí thư Huyện ủy Nguyên Bình Nông Quốc Hùng tới tận nơi khảo sát, trực tiếp chỉ đạo tập trung nguồn lực để phát triển du lịch cộng đồng ở Hoài Khao. “Bí thư Hùng là người đã truyền cho chúng tôi khát vọng thay đổi cuộc đời, để chúng tôi thấy rằng trên nền tảng văn hóa, hồn cốt của dân tộc, đá cũng sẽ “nở hoa”...”, đảng viên trẻ Lý Hữu Nhảy tâm sự. Dù bước đầu bỡ ngỡ nhưng các đảng viên trong chi bộ đã dần nhận thức ra con đường mới để đưa ngôi làng thoát nghèo. Trong tất cả các cuộc họp, nội dung chính là tuyên truyền, vận động người dân chỉnh trang nhà cửa, di dời chuồng trại, trồng thêm cây cảnh, tạo cảnh quan đẹp đón khách tới thăm. Hoài Khao có 34 hộ dân đều là dân tộc Dao Tiền. Nằm ở vùng đệm của Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén, ngôi làng còn giữ được nguyên vẹn nét nguyên sơ, mộc mạc truyền thống. Từ những ngôi nhà mái ngói âm dương; trang phục hoa văn tinh tế, in sáp ong độc đáo đến lễ cấp sắc, nghề chạm khắc bạc; những món ăn, bài thuốc y học cổ truyền..., đã tạo nền tảng để Hoài Khao vừa phát triển kinh tế xanh, vừa bảo tồn văn hóa truyền thống. Từ con số gần bằng 0, đến giờ Hoài Khao đã có 7 hộ gia đình làm homestay, nhiều gia đình khác tham gia du lịch cộng đồng qua các tổ đội thêu thùa, văn nghệ, chấm sáp ong…

Bà con ở Hoài Khao những ngày đầu bỡ ngỡ.
Bà con ở Hoài Khao những ngày đầu bỡ ngỡ làm du lịch cộng đồng.

 Chúng tôi chứng kiến hình ảnh nhiều du khách tìm đến Hoài Khao tham quan và lưu trú để trải nghiệm văn hóa và cuộc sống ở ngôi làng xinh đẹp này. Bên bếp lửa hồng, homestay Nhất Nhất ngập tiếng cười, điệu hát Páo Dung từ xa xa êm ái vọng lại. Lý Hữu Nhất, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Thành, anh trai Lý Hữu Nhảy kể chuyện cổ tích Hoài Khao: “Làng du lịch cộng đồng xóm Hoài Khao được chuẩn bị và công nhận đúng vào năm dịch Covid-19 đang tàn phá. Chúng tôi mừng ít lo nhiều, nhưng nếu cứ run sợ thì sẽ không chiến thắng được đại dịch, nghèo vẫn hoàn nghèo. Anh em tôi đều là đảng viên, thấy mình phải đi tiên phong mới vận động bà con nghe và làm theo. Bao nhiêu vốn liếng tôi sử dụng hết, thiếu thì đi vay. Đến giờ, Hoài Khao đổi mới, tôi càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng ủy, chính quyền địa phương và sự dám nghĩ, dám làm của bản thân”.

Du khách trải nghiệm hái chè ở Kolia.
Du khách trải nghiệm hái chè ở Kolia.

Bóng chiều đổ dài khi chúng tôi men theo con đường nhỏ, thong thả trên những sườn đồi nở đầy hoa mua tím đi vào đồn điền chè Kolia của anh Hoàng Mạnh Ngọc, Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Cao Bằng. Nằm ngay bên rừng Phja Đén (xã Thành Công, huyện Nguyên Bình), trên độ cao 1.200m, đồn điền chè trùng điệp từ quả đồi nọ nối quả đồi kia ở vùng khí hậu nhiệt đới tiểu Á. Đam mê cây chè và dành nhiều tâm huyết để làm ra những sản phẩm chất lượng tốt, anh Ngọc tâm sự, văn hóa độc đáo ở vùng cao Nguyên Bình này mới là thứ làm anh say đắm nhất. Dựa trên những giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương, anh Ngọc đã biến đồn điền chè và địa danh Kolia Organic Farm thành một khu du lịch trải nghiệm mới lạ, khác biệt.

Yêu văn hóa của vùng đất, anh Ngọc luôn tâm niệm phải lấy văn hóa làm gốc để phát triển kinh tế, du lịch. “Chúng tôi luôn luôn nhắc mình phải hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, khai thác các giá trị văn hóa mà không làm mất đi bản sắc, để cộng đồng được hưởng lợi, được thưởng thức các giá trị văn hóa. Và đây cũng là cách đưa hình ảnh Việt Nam đến với thế giới nhanh nhất”, anh Ngọc nói. Ai có thể tin, 15 năm về trước, Kolia là khu chăn thả gia súc của làng Phja Đén, những quả đồi bạc màu trơ sỏi đá. Vợ chồng anh Hoàng Mạnh Ngọc, người con của quê hương Nguyên Bình đã nhìn ra tiềm năng đang ngủ say dưới làn sương trắng, ẩn sau vùng đất hoang kia. Không có nguồn nước, không có đường, chỉ bằng những bàn tay yêu lao động và khát vọng làm giàu cho quê hương, anh Ngọc đã phát quang cỏ dại, vỡ đất hơn 30ha. Dần dần, dự án trồng chè được mở, tạo vùng nguyên liệu và việc làm cho nhân dân trong vùng. Sản lượng chè đạt 7 tấn búp khô, thu nhập 3,5 tỉ đồng/năm. Mô hình sản xuất chè kết hợp du lịch nghỉ dưỡng sinh thái đã thu hút du khách đến tham quan kết hợp trải nghiệm.

Rời Phja Đén, chúng tôi cứ tưởng tượng, sớm thôi, khi trở lại nơi này, sẽ được đắm mình trong một không gian đậm đặc màu sắc văn hóa người Dao, giữa vùng non nước tinh khiết vô ngần.

 Sức bật từ văn hóa truyền thống

Người cựu binh già ở mặt trận Vị Xuyên Nguyễn Văn Cậy đưa chúng tôi lên ngọn đồi toàn những cây cọ cao vút, xanh ngút ngàn bằng chiếc xe máy Dream cũ mà ông lái bằng một cánh tay lành. Ông là chủ của Cậy’s homestay, ở thôn Tha, xã Phương Độ, TP Hà Giang (Hà Giang).

“Sau khi ra quân năm 1988, tôi bị tai nạn cụt mất một bàn tay. Năm 2007, điều kiện kinh tế của gia đình còn khó khăn, tôi làm đủ nghề nhưng thu nhập vẫn thấp. Trong làng khi ấy đã có khách du lịch, họ cứ đi lang thang. Tôi cũng không biết họ đi như thế để làm gì. Sau này lên đây, chỗ đỉnh đồi này nhìn xuống thì tôi cũng sững sờ, vì thôn mình đẹp quá”, ông Cậy nói. Ông chỉ cho tôi điểm ngắm toàn cảnh thôn Tha đẹp nhất. Thôn Tha có hơn 150 nếp nhà sàn lợp mái cọ của người Tày cổ đã sinh sống ở đây từ hơn 800 năm qua. Trước mỗi nhà có một ao nước trong vắt, vừa để tưới tiêu, vừa thả cá và chăn nuôi. Giữa cánh đồng rực rỡ pha màu vàng, xanh, trong ánh nắng chiều thu, thôn Tha đẹp như một bức tranh. Liên tục chào người làng bằng tiếng Tày, chào khách du lịch bằng tiếng Anh, người cựu binh, đảng viên dân tộc Tày hài hước: “Dân thôn Tha giờ nói ngoại ngữ tài lắm. Anh, Pháp, Nhật, toàn “tiếng bồi” nhưng rất thú vị. Chúng tôi cũng giới thiệu được với du khách nhiều hơn về quê hương mình”.

Chúng tôi ngày càng chú ý nhiều hơn tới việc gìn giữ văn hóa truyền thống. Khách du lịch rất yêu thích tìm hiểu văn hóa địa phương. Trước đại dịch, thôn nhỏ sớm tối ngập tiếng hát Then, đàn Tính, các làn điệu hát Cọi, hát Lượn...

Hằng năm, thôn Tha vẫn giữ nguyên phong tục, tổ chức các lễ hội văn hóa của người Tày như lễ hội Lồng Tồng (Xuống đồng), lễ hội tín ngưỡng cầu phúc, cầu an Lẩu Then Bjoóc Mạ, lễ hội cơm mới Lẩu Then Cốm... nên càng thu hút đông khách. Người dân có công ăn việc làm, đường làng ngõ xóm sạch sẽ, bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy.

(Cựu binh NGUYỄN VĂN CẬY)

Hội nhập, làm giàu nhưng những lớp người như ông Cậy vẫn luôn canh cánh nỗi lòng giữ linh hồn dân tộc. Một, hai ngôi nhà đầu làng vội vã bỏ mái nhà cọ để đổ bê tông, rồi cũng nhanh chóng nhận ra việc làm ấy đã đánh mất đi nét văn hóa tinh túy hàng trăm năm của dân tộc. Chi bộ, chính quyền tuyên truyền, vận động. Dân thôn Tha giờ đây ai cũng ý thức được rằng, tất cả đều cần đến văn hóa. Không có văn hóa thì sự no đủ cũng chỉ tạm thời và không bền vững. “Chúng tôi ngày càng chú ý nhiều hơn tới việc gìn giữ văn hóa truyền thống. Khách du lịch rất yêu thích tìm hiểu văn hóa địa phương. Trước đại dịch, thôn nhỏ sớm tối ngập tiếng hát Then, đàn Tính, các làn điệu hát Cọi, hát Lượn... Hằng năm, thôn Tha vẫn giữ nguyên phong tục, tổ chức các lễ hội văn hóa của người Tày như lễ hội Lồng Tồng (Xuống đồng), lễ hội tín ngưỡng cầu phúc, cầu an Lẩu Then Bjoóc Mạ, lễ hội cơm mới Lẩu Then Cốm... nên càng thu hút đông khách. Người dân có công ăn việc làm, đường làng ngõ xóm sạch sẽ, bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy”, người đảng viên già chia sẻ.

Chi bộ Đảng thôn Tha cũng là một chi bộ hoạt động mạnh, thường xuyên đồng hành với bà con giữ gìn bản sắc dân tộc, vượt qua hủ tục. Tại vị trí ông Cậy ngồi trò chuyện với chúng tôi, ngày trước là chuồng trâu, chuồng bò. “Khách lúc đầu còn thích vì tính nguyên bản, nhưng về sau thì không chịu nổi vì mất vệ sinh môi trường. Gia đình tôi và một số gia đình đảng viên khác tiên phong di dời, sau đó tuyên truyền, vận động quần chúng làm theo...”, ông nói.

Ông Nguyễn Văn Cậy giới thiệu về Cậy's Homestay tại thôn Tha, xã Phương Độ, TP Hà Giang (Hà Giang).
Ông Nguyễn Văn Cậy giới thiệu về Cậy's Homestay tại thôn Tha, xã Phương Độ, TP Hà Giang (Hà Giang).
Từ những giá trị văn hóa truyền thống tạo nên bản sắc, nền tảng để thay đổi cuộc sống, trên suốt hành trình tác nghiệp của chúng tôi, có nhiều câu chuyện như gia đình ông Cậy. Nếu không có những hạt nhân tiêu biểu, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng như họ thì rất có thể, thôn Tha hay bất cứ một ngôi làng cổ truyền nào cũng rất dễ mất đi gốc gác của mình. Năm 2018- 2019, có tháng cao điểm gia đình ông thu nhập tới hơn 100 triệu từ du lịch, trừ chi phí cũng còn 60-70 triệu. Sau một thời gian tê liệt vì dịch giã, đến nay khách đã đều đều trở lại.

Triển khai Nghị quyết, hướng dẫn của cấp trên về phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, những “người con của Đảng” trên vùng đất này đều “gặp nhau” ở tinh thần lấy văn hóa làm nền tảng, tạo sức bật. Mỗi ngày đi trên con đường làng, ông Cậy không chỉ nhận ra sở thích của du khách khi trải nghiệm với đồng áng, thiên nhiên, ngắm ruộng bậc thang, đi bộ xuyên rừng... mà còn là những giá trị vô hình được tạo nên từ văn hóa ứng xử, từ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mà cộng đồng đã chung tay hun đúc, giữ gìn. Rời thôn Tha, chúng tôi đến thung lũng Tráng Kìm (xã Đông Hà, huyện Quản Bạ), để được tận mắt nhìn thấy “những đổi thay không ngờ trên cao nguyên đá”, theo cách nói của một cán bộ văn hóa ở Hà Giang. Tráng Kìm ít năm trước vẫn còn hoang vu, toàn một màu xám xịt của đá tai mèo. Giờ đây, thung lũng hiện ra vừa hùng vĩ, vừa lãng mạn như một bức tranh thủy mặc. Hmong Village, một địa điểm đầy sức hút ở Quản Bạ vài năm gần đây càng làm nổi bật lên sức sáng tạo của con người, trên nền tảng của những màu sắc văn hóa dân tộc Mông. Chủ nhân Hmong Village, ông Lại Quốc Tĩnh tâm sự: “Tuổi trẻ tôi gửi lại mảnh đất này, bởi những sắc màu văn hóa các dân tộc ở vùng Quản Bạ và đặc biệt là văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông đã làm tôi mê đắm”.

H'Mong Village hiện thực hoá khát
H'Mong Village hiện thực hoá khát vọng nở hoa trên đá.

 Mời chúng tôi nếm thử bánh ngô, thứ bánh làm từ bột ngô được trồng trên đất Tráng Kìm mang vị ngọt thanh và mùi thơm nhẹ, ông Tĩnh nhớ lại những ngày đầu hoang vu của vùng đất, khi người dân còn không biết làm gì ngoài trồng ngô trên hốc đá. Quán triệt định hướng và vận động của Đảng, chính quyền địa phương, ông Tĩnh đầu tư làm đường, xây dựng những ngôi nhà với kiến trúc cổ trình tường, kiến trúc theo mô hình quẩy tấu, biểu tượng mật thiết trong đời sống đồng bào Mông. H’Mong Village là nơi gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông. Giữa không gian núi rừng Quản Bạ, không gian văn hóa Mông nổi bật dấu ấn xa xưa mà vẫn thấm đẫm hơi thở đương đại. Ở Hà Giang, người Mông chiếm 31%, đông nhất trong các dân tộc thiểu số. Đặc biệt ở vùng cao nguyên đá, dân tộc Mông chiếm 60 - 70%. Người Mông phần lớn còn giữ được nét văn hóa truyền thống, đặc biệt là kiến trúc, trang phục, tiếng nói, phong tục tập quán… “Chúng tôi luôn tâm niệm phải khai thác tối đa giá trị văn hóa bản địa, những giá trị khác biệt thì mới phát triển bền vững được”, ông Tĩnh tâm sự.

Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo các địa phương miền núi như Hà Giang. Câu chuyện thực tế của người dân trên những mảnh đất xa xôi, cằn cỗi mà chúng tôi tận mắt chứng kiến cho thấy sự đúng đắn trong hướng đi này, như lời khẳng định của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh: “Hà Giang đang tập trung phát triển du lịch, đồng thời tạo sinh kế cho người dân, thay đổi tư duy của bà con vùng cao, thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, xóa bỏ các phong tục, hủ tục lạc hậu, đẩy lùi nghèo đói. Phát triển du lịch phải gắn với bảo vệ môi trường, Hà Giang đã dừng tất cả các dự án thủy điện, khai thác quặng để phát triển bền vững, đảm bảo giữ dân, giữ biên cương, giữ đất...”.

 

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất