Tác phẩm đoạt giải

Cán bộ nghĩ đúng, làm trúng phải được bảo vệ

 Bài 1: Vừa làm vừa lo

Tình trạng cán bộ ngại khó, ngại tìm cách giải quyết công việc đã và đang xuất hiện ở không ít nơi, do cán bộ vừa làm vừa sợ sai trước các quy định pháp luật còn chồng chéo, thiếu đồng bộ. Hệ quả là khả năng đột phá, sáng tạo của cán bộ không được phát huy, làm chậm trễ thời gian giải quyết hồ sơ, công việc của người dân và gây ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên động viên các bác sĩ trẻ được tăng cường về y tế cơ sở tháng 2-2022. Ảnh: VIỆT DŨNG.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên động viên các bác sĩ trẻ được tăng cường về y tế cơ sở tháng 2-2022. Ảnh: VIỆT DŨNG.

Sợ sai - việc sẽ không xong

Thực tế hiện nay có tình trạng thiếu thuốc men, vật tư, trang thiết bị y tế nhưng các địa phương, bệnh viện không dám đấu thầu mua sắm. Lãnh đạo Bộ Y tế nhìn nhận, một số đơn vị, địa phương, cán bộ sợ trách nhiệm, không dám đấu thầu, mua sắm vì sợ sai, sợ bị xử lý hành chính, thậm chí bị xử lý hình sự. Việc chi hỗ trợ cho F0 trong đợt dịch Covid-19 vừa qua cũng rất chậm. Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung chỉ ra có một phần nguyên nhân từ cán bộ sợ sai, sợ chịu trách nhiệm. Câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công từ bộ, ngành đến địa phương cũng chậm, thậm chí có nơi xin trả lại vốn, có nguyên nhân là do cán bộ sợ sai.

Cán bộ có tâm lý sợ sai, né trách nhiệm thì việc chẳng những không xong mà còn triệt tiêu sự năng động, sáng tạo. Điều này được Chủ tịch UBND quận 8 (TPHCM) Trần Thanh Tùng nhìn nhận qua thực tế ở địa phương, đó là công việc thuộc chức năng, quyền hạn đã có quy định nhưng cán bộ thực hiện vẫn còn sợ sai. Quy định, hướng dẫn rõ ràng, không đòi hỏi sáng tạo gì thêm nhưng cán bộ vẫn loay hoay, đẩy qua đẩy lại xin ý kiến để né trách nhiệm. Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Nguyễn Việt Dũng chia sẻ, cán bộ quản lý hiện nay cũng e ngại, không dám quyết chứ không riêng cán bộ cấp dưới. Tâm lý sợ sai này lan đến cả những chuyên gia, nhà khoa học. “Khi sở chúng tôi mời chuyên gia, nhà khoa học tham gia hội đồng đánh giá, họ từ chối bởi vì có quy định người tham gia đánh giá cũng chịu trách nhiệm nếu sau này xảy ra sai phạm. Mà sau này thì ai biết trước được”, ông Dũng nêu thực trạng.

Tương tự, cấp sở, ngành thời gian qua cũng có tình trạng đẩy qua đẩy lại mà không dám quyết, không nêu chính kiến dù việc đó thuộc thẩm quyền, dẫn đến tình trạng “ngâm” hồ sơ hàng tháng. Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM Huỳnh Văn Hạnh cho rằng, có hồ sơ “ngâm” ở sở khác đến 5 tháng mới chuyển đến Sở Tư pháp TPHCM. Khi đó, ông chỉ còn 6 ngày để xem hồ sơ và báo cáo!

Quyết làm để cứu người

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, trong lúc thiếu nguồn cung oxy y tế, quận 7 đưa cả bồn oxy lỏng công nghiệp vào lắp đặt hệ thống oxy tập trung cho bệnh viện. Đây là việc làm chưa có quy định. Bí thư Quận ủy quận 7 Võ Khắc Thái nhớ lại, lúc đó cũng có nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc vì việc này sai về quy định và chưa được phê duyệt. Tuy nhiên, nếu đợi ngành y tế phê duyệt thì phải mất vài tháng, thậm chí là cả năm. Thời điểm ấy, cứu người dân là việc cấp bách, làm sớm giờ nào là cứu được nhiều người dân giờ đó nên quận quyết định làm, chấp nhận rủi ro.

Tại buổi làm việc với UBND TPHCM về tình hình kinh tế - xã hội vào tháng 7-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ, bản thân ông cũng rất sốt ruột vì trong giải quyết công việc, các bộ cứ kéo dài thời gian. Lãnh đạo bộ giao việc cho thứ trưởng, thứ trưởng giao xuống vụ trưởng, rồi việc đó giao tới trưởng phòng, đến tận chuyên viên. Có việc mất mấy tháng mới xong. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải xem công vụ như việc nhà mình và phải xác định cụ thể thời gian hoàn thành, đẩy nhanh công việc, chứ không thể “ầu ơ ví dầu”.

Hết sức làm việc có lợi cho dân

Không phủ nhận việc hàng loạt cán bộ bị kỷ luật, khởi tố, truy tố vì có sai phạm trong điều hành, quản lý làm dấy lên tâm lý sợ sai, làm xong rồi cũng không biết có sai hay không. Từ đó, một bộ phận cán bộ vì “giữ an toàn” nên điều hành công việc chung chung, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm, khi gặp khó khăn thì đẩy lên cấp trên dù những vấn đề đó nằm trong thẩm quyền. Song, vì lý do gì chăng nữa, tâm lý sợ sai, làm việc “an toàn” đã kìm hãm sự đổi mới, sáng tạo cũng như sự phát triển cơ quan, đơn vị, địa phương đó và xa hơn là của xã hội.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên động viên các bác sĩ trẻ được tăng cường về y tế cơ sở tháng 2-2022. Ảnh: VIỆT DŨNG.
Lãnh đạo TPHCM động viên các bác sĩ trẻ được tăng cường về y tế cơ sở năm 2022. Ảnh: VIỆT DŨNG.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Tinh thần ấy đã thể hiện rất rõ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 vừa qua. Cùng với các địa phương khác trong cả nước có nhiều mô hình, sáng kiến, sáng tạo trong phòng chống dịch, TPHCM là một trong những địa phương đã phát huy rất tốt tinh thần dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, đi trước một bước. Trong đó, TPHCM thí điểm thành lập Trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch Covid-19. Qua đó giúp TPHCM chủ động, kịp thời chăm lo, hỗ trợ các hộ dân, lực lượng tham gia phòng chống dịch tại các khu vực phong tỏa, cách ly… Trong ứng phó với dịch bệnh, duy trì sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội, TPHCM còn thực hiện nhiều mô hình hiệu quả khác, như mô hình thu dung chăm sóc F0 không triệu chứng tại huyện Củ Chi, từ đó giảm tỷ lệ F0 không triệu chứng chuyển thành F0 có triệu chứng. Tại quận 6, quận Phú Nhuận đã đưa thuốc vào điều trị ngay từ sớm cho các F0. TP Thủ Đức cũng có trên 200 mô hình, cách làm mới được triển khai áp dụng, đưa số ca bệnh nặng và tử vong ở TP Thủ Đức xuống mức thấp, góp phần từng bước phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Một mô hình sáng tạo khác mà TPHCM đang triển khai và đánh giá bước đầu có hiệu quả, đó là đưa bác sĩ trẻ về tăng cường cho y tế cơ sở. Người đứng đầu ngành y tế TPHCM chia sẻ, để làm được việc này, thành phố phải vượt qua nhiều ý kiến trái chiều vì pháp luật không quy định về mô hình trên. Do đó phải tham mưu, thuyết phục bằng những luận cứ, luận điểm chắc chắn mới được cấp trên chấp thuận. Tại buổi làm việc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Ban Chấp hành Đảng bộ và cán bộ chủ chốt của TPHCM vào ngày 23-9, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc chia sẻ thêm, qua thực hiện mô hình này đã đưa 286 y, bác sĩ trẻ về các trạm y tế phường, xã, thị trấn, giúp củng cố y tế cơ sở. Qua 6 tháng thực hiện cho thấy, bằng kiến thức chuyên môn và thái độ giao tiếp, ứng xử tốt, các bác sĩ trẻ đã chứng minh được năng lực, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ông HUỲNH THANH NHÂN, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM:

Cán bộ không ngại đổi mới, sáng tạo

Thực tế tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của cán bộ gặp không ít rào cản. Trong đó, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công vụ gặp nhiều vướng mắc, rủi ro pháp lý. Hôm nay cán bộ được đánh giá là gương điển hình nhưng ngày mai có thể bị xem là vi phạm. 

Trong thời gian qua, có những vụ việc, vụ án xảy ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng của cán bộ trong việc tham mưu, thực hiện đúng các quy định pháp luật, chứ chưa nói đến sự sáng tạo. Các quy định pháp luật hiện nay chưa đồng bộ, còn chồng chéo, thiếu thống nhất. Có những vấn đề chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Lằn ranh đúng - sai rất mong manh đối với những cán bộ năng động không ngại đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung nếu không có cơ chế khuyến khích và bảo vệ họ.

Ông TRẦN QUANG LÂM, Giám đốc Sở GTVT TPHCM:

Cần tạo môi trường làm việc cống hiến, tự hào

Pháp luật được hoàn thiện thông qua thực tiễn để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp. Cùng với đó là những cơ chế cho thí điểm để tháo gỡ, giải quyết những tồn tại, vướng mắc từ thực tiễn. Mặt khác, khi thí điểm thì khó có thể dự liệu được hết rủi ro, nên kết quả thí điểm có thể thành công hoặc không thành công.

Dù vậy, cùng một vụ việc nhưng quan điểm xử lý của từng cơ quan, vào từng thời điểm lại khác nhau. Cán bộ bị đặt trong tình trạng đối mặt với áp lực sợ sai, sợ rủi ro pháp lý. Vì vậy, cán bộ cần có điểm tựa vững chắc để tin tưởng, yên tâm làm việc, đổi mới sáng tạo, hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước. Chúng ta rất cần tạo nên một môi trường công vụ làm việc mà trong đó cán bộ, công chức được làm hết mình, cống hiến, tự hào và cảm thấy được trân trọng, hạnh phúc.

Bài 2: Không hình sự hóa việc cán bộ làm với động cơ trong sáng

Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định, Ban Chỉ đạo PCTNTC TPHCM sẽ theo dõi, giám sát thực hiện Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị để giúp cán bộ yên tâm làm đúng, làm tốt nhiệm vụ được giao; đồng thời, khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, có sáng kiến, sáng tạo trong công việc.

Mô hình thí điểm xe đạp công cộng được Sở GTVT TPHCM triển khai và nhân rộng thời gian qua. Ảnh: THU HƯỜNG.
Mô hình thí điểm xe đạp công cộng được Sở GTVT TPHCM triển khai và nhân rộng thời gian qua. Ảnh: THU HƯỜNG.

Tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) TPHCM vào ngày 19-9, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, khẳng định, Ban Chỉ đạo PCTNTC TPHCM sẽ theo dõi, giám sát thực hiện Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị (về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung) để giúp cán bộ yên tâm làm đúng, làm tốt nhiệm vụ được giao; đồng thời, khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, có sáng kiến, sáng tạo trong công việc. Đây là một cam kết cụ thể giúp cán bộ, đảng viên có điểm tựa và an tâm đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung.

Giải bài toán xung khắc

Trong buổi làm việc với UBND TPHCM về tình hình kinh tế - xã hội mới đây, lãnh đạo Bộ KH-ĐT phân tích, TPHCM hiện nay còn bề bộn công việc, đặc biệt là những đầu việc tồn đọng, vướng mắc từ trước để lại chưa giải quyết được. Những vấn đề khó khăn, hóc búa nhất đều dồn về TPHCM. Nếu thực hiện đúng theo quy định pháp luật thì hầu như gặp khó, hoặc một bộ phận người dân không đồng tình. Trong khi đó, nếu đáp ứng theo nguyện vọng người dân hoặc các mong muốn của TPHCM và nhà đầu tư thì bị vướng pháp luật.

Mong muốn của người dân là cán bộ TPHCM phải đổi mới, sáng tạo. Nếu tiếp tục làm việc cứng nhắc, theo sách vở thì công việc không thể trôi chảy trước yêu cầu phát triển của TPHCM. Song thực tế, cán bộ nóng lòng giải quyết công việc có thể rơi vào tình huống làm trái quy định của Đảng, Nhà nước và gặp rủi ro. Điều đó gây ra lo lắng cho cấp lãnh đạo, quản lý nói riêng và cán bộ, đảng viên nói chung.

Trong các buổi lấy ý kiến góp ý triển khai thực hiện Kết luận 14-KL/TW, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo là động lực phát triển của TPHCM nói riêng và đất nước nói chung. Tuy nhiên, đổi mới, sáng tạo thường vướng rào cản pháp lý, đó là khác với các quy định của pháp luật. Vì vậy đổi mới, sáng tạo và pháp lý là hai vấn đề xung khắc nhau. Cùng nhìn nhận thực tế này, Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ đề xuất, đối với những việc tồn đọng, vướng mắc, cấp thành phố chọn từng đầu việc cụ thể giải quyết trước, cấp quận thực hiện sau. Nếu không thì TPHCM rơi vào tình huống “nghị quyết, kết luận có cho cơ chế” nhưng vẫn không thực hiện được.

Nêu dẫn chứng cụ thể, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Hoàng Quân chia sẻ, TPHCM quyết tâm đến năm 2025 không còn nhà ở trên và ven kênh rạch (với hơn 18.500 căn nhà). Trong số này, có trường hợp nhà chỉ mười mấy mét vuông, theo quy định thì bồi thường khoảng vài chục triệu đồng, cao nhất cũng chỉ 100 triệu đồng/căn. Với số tiền này, người dân không đủ mua căn nhà khác để ở sau khi bị giải tỏa. Do đó, Sở Xây dựng TPHCM đề xuất bố trí bằng nhà ở xã hội hoặc nhà tái định cư (diện tích tối thiểu từ 30-45m2) cho người dân. Với cách làm này, người dân có lợi nhất nhưng chắc chắn sẽ có độ chênh lệch về số tiền, mà đó lại là tiền ngân sách. “Cách làm này có lợi cho người dân nhưng 1-2 nhiệm kỳ sau bị truy lại thì có thể bị cho là làm thất thoát tiền ngân sách”, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM giãi bày.

"Để các ý tưởng sáng tạo được phát huy đúng lúc, đúng chỗ, hàng tuần lãnh đạo HĐND TPHCM duy trì chế độ giao ban. Qua đó, có thể nắm bắt tâm tư, tình cảm cán bộ, đảng viên, người lao động, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn; cũng như các nội dung, ý tưởng cần được tập thể góp ý, tổ chức thực hiện có hiệu quả thông qua quy chế dân chủ. Từ đó, HĐND TPHCM triển khai thực hiện các ý tưởng sáng tạo, kết quả là các chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời”, “Đối thoại cùng chính quyền thành phố” ra đời" - Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng

Tiền lương - một công cụ kích thích sáng tạo

Hiện nay, có một số việc giải quyết rất chậm, do sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa đồng bộ. Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng nhìn nhận, trong công việc mà cán bộ chỉ lo làm tròn vai, xong nhiệm vụ mà không có đổi mới sáng kiến, sáng tạo thì sản phẩm làm ra đôi khi không đạt, công việc nhiều lúc chậm, không trôi chảy. Minh họa thêm, lãnh đạo Sở GTVT TPHCM cho biết, khi triển khai thí điểm mô hình xe đạp công cộng tại trung tâm thành phố, sở đề xuất sử dụng vỉa hè làm nơi để xe đạp công cộng nhưng một số sở, ngành liên quan có những ý kiến khác nhau. Trong đó, có ý kiến phản đối cho rằng vướng các quy định, vì sử dụng vỉa hè liên quan đến quy định tài sản công. Đây là việc có lợi cho TPHCM, cho người dân nhưng các cơ quan có trách nhiệm liên quan chưa nỗ lực phối hợp thực hiện. Sau đó, Sở GTVT TPHCM phải báo cáo xin ý kiến UBND TPHCM thống nhất cho thí điểm và được lãnh đạo TPHCM đồng ý thực hiện.

Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Nguyễn Việt Dũng phân tích, người lãnh đạo sợ sai thì sẽ không dám quyết những vấn đề đổi mới, sáng tạo. Do đó, người lãnh đạo phải có đủ bản lĩnh, đủ tâm huyết dám quyết định nên làm hay không. Đồng tình, Đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM Phạm Khánh Phong Lan nhận định, mỗi cán bộ có năng lực, khả năng riêng. Vấn đề là người lãnh đạo phải biết phát huy và đặt họ vào vị trí, môi trường để họ phát triển. Tuy nhiên, trong đội ngũ cán bộ, công chức chưa thực sự cạnh tranh để phát triển. Để giải quyết câu chuyện này, cần dùng đến “vũ khí” đồng lương: Sử dụng quỹ lương một cách linh động để trả cao hơn cho người làm được việc, làm tốt, có sáng tạo, sáng kiến…

Trong bối cảnh hiện nay, TPHCM xác định đây là cơ hội để đánh giá lại cán bộ cũng như giải quyết tâm tư, giải tỏa tâm lý trong một bộ phận cán bộ. Trong những tình huống cấp thiết, cán bộ dám quyết để xử lý công việc tốt hơn là điều nên làm. Có như vậy, TPHCM mới giải quyết được những vấn đề khó khăn, đang tồn đọng. Muốn làm được điều này, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Trần Văn Bảy cho rằng, phải cụ thể hóa thành các quy định pháp luật chứ không dừng lại ở việc cụ thể hóa Kết luận 14-KL/TW. Đặc biệt là quy định cán bộ làm việc với động cơ trong sáng thì phải được bảo vệ, không hình sự hóa. Đó là biện pháp cụ thể, rõ ràng khuyến khích, động viên được cán bộ năng động, sáng tạo. 

Đồng chí Hoàng Thị Khánh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM: Cần sự bao dung và thấu hiểu

Một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện được tinh thần của Kết luận 14-KL/TW là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có tâm. Bởi cán bộ dám đột phá, phá bỏ cái cũ để triển khai cái mới thường là những nhân tố hiếm hoi và cũng rất dễ bị để ý, cô lập. Nếu gặp lãnh đạo, quản lý không sát sao, không hiểu cán bộ, không khách quan thì dễ khiến cán bộ nhụt chí, không dám làm. Cùng với đó, các văn bản pháp luật phải đồng bộ, không chồng chéo.

Kết luận 14-KL/TW đề cập, phải xem mục đích của sự sáng tạo, sự đổi mới đó là nhằm vào mục đích gì, vì lợi ích chung hay lợi ích cá nhân. Người làm công tác kiểm tra nên lấy ý này làm trọng điểm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Cụ thể, cán bộ ngành xây dựng Đảng trước hết phải là những tấm gương về phẩm chất đạo đức và ý thức trách nhiệm trên cương vị được giao. Cán bộ làm công tác kiểm tra, ngoài liêm khiết, giữ vững nguyên tắc, kiên quyết thì cũng phải rất cần sự bao dung và thấu hiểu. Khi phát hiện những dấu hiệu “lệch đường ray” thì phải chỉ ra, uốn nắn cán bộ kịp thời. Công tác kiểm tra không chỉ là phát hiện sai phạm để kỷ luật và xử lý hình sự, mà bản chất của kiểm tra là phát hiện sớm để ngăn chặn những sai phạm, bảo vệ cán bộ, giữ cán bộ.

Đồng chí Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM: Cần có cơ chế bảo vệ cán bộ

Chúng ta cần cơ chế bảo vệ cán bộ, gồm cơ chế khuyến khích và cơ chế bảo vệ. Trong cơ chế khuyến khích có xem xét khen thưởng, ghi nhận từ ý tưởng cho đến xây dựng đề án, tổ chức thực hiện thành công đề án. Một ý tưởng sáng tạo phải được khen thưởng ngay để anh em mạnh dạn đề xuất. Ngoài ra, với cơ chế bảo vệ, cần miễn trừ trách nhiệm người đề xuất, cơ quan đề xuất khi đề án được đề xuất, thẩm định phê duyệt và được triển khai thực hiện nhưng quá trình thực hiện chưa đạt hoặc đạt ở mức độ nhất định.

Chúng ta cũng không đặt nặng trách nhiệm đối với người đề xuất, mà nên đặt trách nhiệm với người quyết định đưa đề xuất ý tưởng để thực hiện. Điều này đòi hỏi người đứng đầu phải có trách nhiệm hơn, bởi người đứng đầu không giải quyết công việc đặt ra thì nhiệm vụ, chức năng của cơ quan mình không hoành thành.

 Bài 3: Thể chế hóa Kết luận 14-KL/TW - yêu cầu bức thiết

“Chúng ta không thể bảo vệ cán bộ bằng lời nói mà phải được thể chế hóa bằng pháp luật, vì khi xử lý bất cứ một vấn đề gì đều phải căn cứ vào pháp luật. Cán bộ, công chức và người dân đang rất mong chờ Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị được thể chế hóa”, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên Báo SGGP về việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải.

Cơ hội khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo

Phóng viên: Thưa đồng chí, TPHCM luôn đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, thì Kết luận 14-KL/TW có ý nghĩa thế nào đối với thành phố?

Đồng chí NGUYỄN HỒ HẢI: Ngay từ những năm đầu giải phóng, TPHCM là một trong những nơi hình thành các ý tưởng sáng tạo đổi mới rất mạnh mẽ. Chúng ta vẫn còn nhắc đến những quyết định “xé rào” của chú Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) và lãnh đạo thành phố vào thời điểm ấy; của đồng chí Nguyễn Thị Ráo (bà Ba Thi) thu mua gạo, bán gạo một giá đầu tiên trong cả nước, góp phần quyết định lo đủ gạo ăn cho người dân của TPHCM từ cuối thập niên 1970 đến thập niên 1980.

Tiếp sau đó là các mô hình mới như Lực lượng Thanh niên xung phong hình thành tại TPHCM đã thu hút đông đảo thanh niên thành phố tham gia xây dựng những nông trường ở vùng sâu, vùng xa, những công trình có ý nghĩa kinh tế - quốc phòng. Sự đột phá trong công tác quản lý của công ty, xí nghiệp, các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông. Các phong trào về văn hóa - xã hội như “đền ơn đáp nghĩa”, “xóa đói giảm nghèo”… xuất phát từ TPHCM và sau này được nhân rộng ra toàn quốc.

TPHCM có truyền thống năng động, sáng tạo, là nơi khởi nguồn cho nhiều chủ trương đột phá hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, nhiều mô hình đã trở thành cách làm chung của cả nước. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đổi mới, chấp nhận thử thách của một bộ phận cán bộ thành phố, nhất là các đồng chí cán bộ lãnh đạo, chủ chốt đứng đầu TPHCM qua các thời kỳ, là động lực thúc đẩy để thành phố luôn vận động và phát triển bền vững.

Với nền tảng đó, theo cá nhân tôi, đông đảo cán bộ, công chức và cả người dân TPHCM đón nhận Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị trong tâm thế hết sức phấn khởi, háo hức. Đây là điều kiện, cơ hội để TPHCM khơi dậy tinh thần mạnh mẽ để tìm ra những giải pháp mới, cách làm sáng tạo, đột phá để tiếp tục phát triển đi lên. Chỉ có đổi mới, sáng tạo hiệu quả mới tương xứng với vị trí, vai trò, tiềm năng của TPHCM.

Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã có những hoạt động cụ thể triển khai thực hiện Kết luận 14-KL/TW ra sao?

Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã ban hành Kế hoạch 124 về thực hiện Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị. Tại hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Kế hoạch 124, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM đã yêu cầu tất cả quận ủy, huyện ủy, Đảng ủy cấp trên cơ sở, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải cụ thể hóa kế hoạch này tại cơ quan, đơn vị mình.

Đồng thời, các cấp ủy, tổ chức Đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả, sớm đưa Kết luận 14-KL/TW đi vào cuộc sống gắn với việc phát huy vai trò nêu gương, đi đầu của người đứng đầu. Xây dựng môi trường thuận lợi để đội ngũ cán bộ địa phương, cơ quan, đơn vị mình quản lý chủ động nghiên cứu, phát hiện những vấn đề phát sinh, vướng mắc để tìm hướng xử lý, giải quyết. Cùng với đó là tự tin và không ngừng đặt ra các mục tiêu phấn đấu ngày càng cao trong học tập, công tác; dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Cần thể chế hóa Kết luận 14-KL/TW

Trong khi chờ cơ chế bảo vệ cán bộ, TPHCM sẽ chủ động thực hiện những nhiệm vụ, công việc gì, thưa đồng chí?

Trong khi các cơ quan Trung ương chưa thể chế hóa Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị thì chính các văn bản triển khai thực hiện tại cơ quan, đơn vị đặt nền móng để từng tổ chức, cá nhân mạnh dạn đề xuất những ý tưởng, phương pháp đổi mới, sáng tạo. Cụ thể, TPHCM đang tiếp tục nghiên cứu ban hành quy trình thông qua và triển khai thực hiện các nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM. Sau khi ban hành, quy trình sẽ là khung để các cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng quy trình tại cơ quan, đơn vị mình.

Một vấn đề quan trọng luôn được nhắc đến khi đề cập đến việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, đó là cơ chế bảo vệ. Chúng ta không thể bảo vệ cán bộ bằng lời nói mà phải được thể chế hóa bằng pháp luật. Cán bộ, công chức và người dân đang rất mong chờ thể chế hóa kết luận này.

Tuy nhiên, TPHCM không thụ động trong việc bảo vệ cán bộ. Kế hoạch 124 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã giao nhiệm vụ cho các cấp ủy Đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị “cấp có thẩm quyền phải tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế; cần đánh giá kết quả một cách khách quan, đầy đủ đối với từng phần việc cụ thể”.

Bên cạnh đó, trong quy trình đang được xem xét ban hành có giao nhiệm vụ cho từng cơ quan tham mưu, giúp việc của Thành ủy TPHCM, Ban cán sự Đảng UBND TPHCM trong công tác bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm và những cán bộ có ý tưởng đột phá vì lợi ích chung. Vừa qua, UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị triển khai rất nghiêm túc và trao đổi, bàn bạc cụ thể, sâu sắc, quyết tâm cao.

Trong quá trình xây dựng kế hoạch và dự thảo quy trình triển khai thực hiện Kết luận 14-KL/TW, TPHCM nhận được ý kiến ra sao?

Trong suốt quá trình xây dựng kế hoạch và dự thảo quy trình thông qua các nội dung thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, rất nhiều ý kiến cho rằng để thực hiện đúng tinh thần Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị thì trước hết từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong bộ máy, nhất là người đứng đầu, phải làm đúng và làm tốt nhiệm vụ được giao theo quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước.

Tiếp theo đó, cần phải có quy trình, quy định rạch ròi trách nhiệm, thẩm quyền, quyết định thực hiện. Đồng thời cần phải xác định rõ trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự, thậm chí có ý kiến đề xuất không “hình sự hóa” đối với các ý tưởng sáng tạo, đổi mới khi gặp rủi ro. Có thể nói, mọi sự đổi mới, sáng tạo phải dựa trên cơ sở thực tế khoa học, phải trong khuôn khổ pháp lý, đạo lý; không ai có thể đứng trên pháp luật.

Tạo điều kiện để cán bộ phát triển

Để khuyến khích cán bộ an tâm đổi mới, sáng tạo, theo đồng chí cần làm những gì?

Mọi sự đổi mới, sáng tạo phải xuất phát từ yêu cầu đòi hỏi, cấp thiết của thực tiễn. Dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, không phải là làm liều, không có tính toán. Do đó, các ý tưởng, giải pháp, đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải được báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, phải được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với quy định của Hiến pháp và quy định của Điều lệ Đảng. Chính việc được cơ quan có thẩm quyền thông qua trước khi triển khai đã là lớp bảo vệ đầu tiên cho ý tưởng đổi mới.

Sau khi ý tưởng được triển khai, thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra của cấp thẩm quyền, của lãnh đạo cơ quan, đơn vị để chủ động phát hiện vấn đề, kịp thời uốn nắn, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh quyết định phù hợp với tình hình thực tế.

Thực hiện được những điều trên với tinh thần bảo vệ cán bộ trong sáng, quyết liệt thì tôi cho rằng sẽ có tác dụng rất lớn trong việc khuyến khích một bộ phận cán bộ còn tâm lý e dè, ngần ngại, sợ sai sẽ mạnh dạn hơn trong việc đề xuất đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung.

Bên cạnh đó, TPHCM sẽ nghiên cứu cơ chế giới thiệu, tiến cử các cá nhân năng động, sáng tạo, có tinh thần đổi mới, vì người sáng tạo thường ít khi tự giới thiệu mình. Do đó, những cá nhân này cần được phát hiện và tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển xứng đáng với năng lực, khả năng của mình.

Những việc đã có quy định nhưng một số cán bộ, công chức vẫn sợ trong thực hiện chứ chưa nói đến sáng tạo, TPHCM sẽ đánh giá cán bộ ra sao?

Đó là vấn đề ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức. Như tôi đã nói phần trên là Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã quy định mỗi cán bộ, công chức, viên chức, trước hết là người đứng đầu, phải làm đúng và làm tốt nhiệm vụ được giao. Từng bản thân cán bộ phải lấy sự hài lòng của người dân là mục tiêu cho công việc. Cùng với đó, cán bộ chủ động tìm tòi, tìm ra những vấn đề vướng mắc trong công việc để đề xuất các giải pháp mới; đấu tranh với những tư tưởng ngại khó, né tránh.

Bên cạnh đó, chúng ta phải cùng nhau xây dựng văn hóa của cán bộ, công chức, viên chức để hình thành được đội ngũ cán bộ thật sự năng động, sáng tạo, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đó chính là mục tiêu cao nhất trong tất cả các chủ trương, nghị quyết của Đảng chứ không phải chỉ riêng Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời, phải đổi mới công tác thi đua khen thưởng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Thời gian tới, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM khẩn trương hoàn chỉnh, sớm ban hành quy trình thông qua và triển khai thực hiện đối với những ý tưởng, sáng kiến thuộc thẩm quyền. Gắn với chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết của Thành ủy TPHCM: định kỳ 6 tháng, hàng năm, sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm và hoàn thiện quy trình để đảm bảo tính khả thi trên thực tiễn. Đồng thời, chủ động xây dựng cơ chế, giải pháp cụ thể để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung phù hợp với đặc thù của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị…

Bài 4: Khuyến khích và bảo vệ cán bộ vì lợi ích chung

Sau đại dịch Covid-19, đất nước ta nói chung, TPHCM nói riêng đang trong giai đoạn đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Những cán bộ dám đổi mới sáng tạo, dám hành động vì lợi ích chung, vì dân, vì nước đang cần hơn bao giờ hết. Việc xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung xuất phát từ đòi hỏi, yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Cán bộ nghĩ đúng, làm trúng rất cần cơ chế bảo vệ. Ảnh: VIỆT DŨNG.
Cán bộ nghĩ đúng, làm trúng rất cần cơ chế bảo vệ. Ảnh: VIỆT DŨNG.

* Đồng chí NGUYỄN VĂN NÊN Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM: Khơi dậy khát vọng, cống hiến


TPHCM có khát vọng, tâm huyết, trách nhiệm cao trong quá trình xây dựng và phát triển, những tố chất ấy cần được khuyến khích, vun bồi cho đội ngũ trong thời gian tới. Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ vì lợi ích chung đã góp phần khơi dậy điều này trên tinh thần đổi mới sáng tạo, hết lòng phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.

Hiện nay TPHCM có rất nhiều đầu việc cấp bách cũng như lâu dài, do đó cần phương pháp triển khai thực hiện gắn với ứng dụng công nghệ thông tin để tối ưu hóa quy trình, tiết kiệm công sức, thời gian; đồng thời tăng cường xây dựng kỷ luật, kỷ cương hành chính và văn hóa công sở. Trong đó, cán bộ muốn đổi mới, sáng tạo thì trước hết phải làm đúng, làm tốt nhiệm vụ được giao. Trong công việc, khi xuất hiện tình huống cần giải quyết, xử lý mà chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp, cán bộ làm tờ trình lên lãnh đạo, cấp có thẩm quyền. Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM và lãnh đạo các sở ngành, địa phương sẽ chịu trách nhiệm theo thẩm quyền để cán bộ yên tâm làm việc.

TPHCM đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực (gọi tắt là Ban Chỉ đạo). Ban Chỉ đạo theo dõi, giám sát việc thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; có sáng kiến, sáng tạo trong công việc. Bí thư Thành ủy TPHCM là người đứng đầu Ban Chỉ đạo và cam kết sẽ xem xét thấu đáo từng vấn đề, từng loại sự việc một cách khách quan, công tâm để cán bộ yên tâm làm việc, không hồi hộp sợ sai. Cùng với đó, không để cá nhân, tổ chức nào lợi dụng chủ trương thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực.

* TS NGUYỄN SĨ DŨNG, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Đổi mới tư duy lập pháp

Tình trạng vừa làm vừa sợ sai, sợ vướng vào rủi ro pháp lý một phần vì cơ quan, đơn vị, cán bộ không thể tuân thủ hết các quy định pháp luật chứ chưa hẳn vì cán bộ, đảng viên thiếu tinh thần trách nhiệm. Kết luận 14 của Bộ Chính trị đã mở đường cho một định hướng tư duy mới để thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm. Điều quan trọng nhất là các tư tưởng cơ bản của kết luận phải được cụ thể hóa trong hoạt động lập pháp của nhà nước.

Có 2 vấn đề liên quan đến lập pháp ảnh hưởng rất lớn đến sự đổi mới, sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, trong đó có sự chồng chéo, xung đột của các quy định của pháp luật. Vì vậy, chúng ta cần phải hoàn thiện quy trình lập pháp, mà trước hết là hoàn thiện kỹ thuật soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, nhằm khắc phục sự chồng chéo, sự xung đột giữa các văn bản pháp luật. Cụ thể, tất cả các văn bản quy phạm pháp luật đều phải được soạn thảo bởi một cơ quan có chuyên môn sâu, không nên phân tán ở rất nhiều bộ, ngành. Làm được như vậy không chỉ nâng cao chất lượng các văn bản pháp luật mà còn khắc phục được sự chồng chéo, sự xung đột pháp lý.

Bên cạnh đó, sự lạm dụng điều chỉnh trong hoạt động xây dựng pháp luật cũng “trói chặt chân tay”, gây ảnh hưởng lớn đến sự đổi mới, sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ. Hầu như khi thực hiện bất cứ việc gì cũng phải tuân thủ “1.001” quy định, trong đó nhiều khi quy định cứng nhắc, chồng chéo. Như thế thì làm sao cán bộ, công chức còn có thể dám nghĩ, dám làm! Vì vậy, nếu nói về việc dám nghĩ, dám làm thì cần phải đổi mới tư duy lập pháp. Trước hết là chớ nên lạm dụng điều chỉnh, chớ nên gặp bất cứ vấn đề gì thì cũng nghĩ là phải ban hành pháp luật để xử lý.

* Đại biểu Quốc hội LÊ THANH VÂN: Quy định rõ trách nhiệm của lãnh đạo, quản lý


Nhiều người cho rằng, ranh giới giữa dám nghĩ, dám làm, giữa sự sáng tạo với lợi dụng chủ trương để trục lợi cá nhân hoặc vì lợi ích nhóm rất mong manh. Để bảo vệ cán bộ trước lằn ranh trên, điều cốt lõi là yếu tố con người. Trong đó, lãnh đạo, quản lý phải là người sáng suốt, công tâm, phải hiểu thấu bản chất sự việc cũng như mục đích mà cán bộ cấp dưới dám nghĩ, dám làm hướng đến điều gì. Bởi thực tế, nếu cán bộ dưới quyền một lãnh đạo, quản lý thiếu bản lĩnh thì rất khó “xé rào” để triển khai những điều mới mẻ. Còn lãnh đạo, quản lý thờ ơ, bàng quan, không sâu sát thì cán bộ cũng dễ bước sang ranh giới của sự cám dỗ. Ngoài ra, còn một dạng nữa là lãnh đạo, quản lý cố tình ngăn chặn cán bộ năng động, sáng tạo.

Để cụ thể hóa Kết luận 14, trước hết cần phải luật hóa chủ trương này. Nghĩa là, cần có văn bản pháp lý, trong đó quy định rõ trách nhiệm của lãnh đạo, quản lý và có chế tài rõ ràng đối với những cá nhân cố tình trù úm, ngăn chặn cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm. Quy định cũng phải chứa đựng quy phạm pháp luật, phù hợp với các đạo luật hiện hành và định nghĩa được người dám nghĩ, dám làm là ai, thế nào là “vì lợi ích chung”, động cơ cán bộ đó thực hiện trong sáng hay toan tính điều gì.

Trong khi chờ luật hóa, TPHCM và các địa phương có thể thành lập Ban chỉ đạo hoặc có nghị quyết của HĐND, đề ra chương trình hành động cụ thể trong việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Ban chỉ đạo đó phải gồm những người lãnh đạo công tâm, khách quan, sáng suốt để bảo vệ người dám nghĩ dám làm, trọng cán bộ tài giỏi.

Riêng chương trình hành động phải cụ thể, có thể định lượng được hành vi mà các tổ chức, cá nhân cần làm để thực hiện được Kết luận 14. Việc xác định trách nhiệm của từng cá nhân cũng rất quan trọng, những ai tham gia vào quá trình đánh giá cán bộ phải có trách nhiệm, từ cán bộ tham mưu đến người đứng đầu cơ quan tham mưu về tổ chức nhân sự, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Đi liền với trách nhiệm của mỗi cá nhân thì phải có chế tài cụ thể.

* Đại biểu Quốc hội PHẠM VĂN HÒA: Hoàn thiện hành lang pháp lý, bảo vệ cán bộ

Việc cán bộ thực hiện nhiệm vụ gặp sai sót là khó tránh khỏi, nhưng chúng ta cần xem xét cụ thể đối với sai sót đó. Nếu sai do chủ quan hay có lợi ích nhóm, có tư lợi hoặc tham ô, tham nhũng thì phải kiên quyết xử lý. Còn sai do khách quan, từ việc thí điểm thì phải có cơ chế bảo vệ cán bộ. Khi có cơ chế pháp lý bảo vệ, động viên cụ thể thì mới đảm bảo kích thích cán bộ làm việc năng động, sáng tạo.

Cho nên muốn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vực dậy tinh thần cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý cũng phải có bật đèn xanh, mà đặc biệt là quy định về trách nhiệm bảo vệ cán bộ khi cán bộ thực hiện những công việc không mang tính vụ lợi, không tư lợi, toan tính cá nhân. Làm đúng thì khen thưởng động viên, làm sai thì uốn nắn, nhắc nhở.

Do đó, việc cần làm ngay là cụ thể hóa Kết luận 14 bằng quyết định hoặc nghị quyết, chỉ thị của cơ quan hành pháp. Chính phủ có thể ban hành nghị quyết cụ thể hóa Kết luận 14 để có căn cứ về mặt pháp lý, từ đó các tổ chức, cơ quan đơn vị, địa phương tổ chức, triển khai thực hiện. Về lâu dài, chúng ta phải đề xuất Quốc hội ban hành luật để bảo vệ cán bộ được hoàn chỉnh, tốt hơn so với những văn bản khác. Đây là hành lang pháp lý cao nhất để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cống hiến cho dân, cho nước.

 

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất