Tác phẩm đoạt giải

Chặn đứng những liên minh “ma quỷ” làm suy tàn đất nước

Những liên minh “ma quỷ”, chằng chịt như ma trận, đan xen phức tạp, tinh vi giữa các quan chức biến chất với những kẻ tha hóa ở khu vực ngoài nhà nước, với nhiều chiêu trò thao túng, giật dây để trục lợi… đã và đang hình thành các “điểm nóng” về tham nhũng, tiêu cực, thể hiện qua những đại án, vụ việc nóng bỏng nhất, bức xúc dư luận nhất thời gian qua.

Liên minh “ma quỷ” mang độc tố cao, hủy hoại thành quả phát triển của đất nước, phá hoại Đảng từ bên trong, làm xói mòn niềm tin của nhân dân, đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ.

Trước mối nguy đó, Đảng ta chủ trương “từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng, lãng phí ngoài khu vực nhà nước” - bước đi tiếp theo rất “đúng”, rất “trúng” của Đảng để kịp thời chặn đứng những liên minh “ma quỷ”, tiến tới chặt đứt gốc rễ tham nhũng, không để chúng làm suy tàn Đất nước.

BÀI 1: “QUÁI VẬT” VIỆT Á THAO TÚNG THAM QUAN

Con số gần 100 cán bộ từ nhỏ tới to, từ cấp chuyên viên đến cấp cao, thậm chí là Ủy viên Trung ương Đảng sa vào vòng lao lý liên quan đến đại án Việt Á (tính đến tháng 10-2022) cho thấy sự hủy diệt khủng khiếp của cái tên “Việt Á”.

Những đồng tiền “bẩn” từ Việt Á đã cuốn nhiều cán bộ y tế, cán bộ lãnh đạo, quản lý, bao gồm cả cán bộ cấp chiến lược vào vòng lao lý.

Hạ gục cấp cao, thao túng cấp thấp

Ngay trong ngày đầu tiên của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XIII, BCH Trung ương đã xem xét, biểu quyết, quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương.

Trước đó, ông Thăng đã bị đình chỉ mọi chức vụ trong Đảng, bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến vụ việc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á). Trung ương kết luận, ông Thăng đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn cho ngân sách của Nhà nước, nhân dân và xã hội; để xảy ra vụ án tham nhũng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương.

Ông Thăng đã là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII thứ 3 “ngã ngựa” trong vụ việc này. Trước đó, liên quan đến vụ án, cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh và cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Sẽ không quá khi nói rằng, đại án Việt Á sẽ lưu dấu trong lịch sử tư pháp như một “vết chàm” khó gột rửa nhất, với mức độ tác động, ảnh hưởng rộng nhất, sâu nhất, cao nhất, khi nó lây lan tới 62 tỉnh, thành phố trên cả nước; len lỏi khắp các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), các bệnh viện, tỉnh, thành phố, cho đến nhiều bộ, ngành ở Trung ương. Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố điều tra hàng chục vụ án, với gần trăm bị can… Nói như ông Nguyễn Văn Yên, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương tại phiên họp tháng 8-2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thì đây là vụ án điển hình về “tham nhũng có hệ thống”.

“Quả bom” Việt Á đã thực sự làm rung chuyển dư luận khi nó “phát nổ” đúng vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm, khi cả nước đang căng mình phòng, chống đại dịch COVID-19.

Nhìn lại, đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát, nhu cầu về trang thiết bị phòng, chống dịch rất lớn, song lại rất thiếu thốn, đặc biệt là sản phẩm kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Khi đó, việc có một đề tài nghiên cứu cấp quốc gia về chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 “made in Việt Nam” được phê chuẩn, hứa hẹn sản xuất quy mô lớn không chỉ là niềm kỳ vọng của Chính phủ và người dân, mà còn là niềm tự hào về trí tuệ, bản lĩnh của người Việt Nam khi đã nhanh chóng làm chủ được khoa học - kỹ thuật, ứng dụng vào công cuộc chống dịch đang rất “nóng”.

Nhưng, đằng sau kỳ vọng lớn lao đó lại là những cái bắt tay “bẩn”, những đường đi, nước bước đầy toan tính, những đồng tiền nhớp nhúa chạy từ doanh nghiệp vào túi những cán bộ, quan chức biến chất. Và thật đau lòng, khi tham gia vào “vở kịch” nhơ bẩn này lại là những người công tác trong những bộ, ngành, đơn vị nghiên cứu có bề dày, từng giành được niềm tin yêu của xã hội, như Học viện Quân y, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế…

Dư luận đặt câu hỏi, một công trình nghiên cứu khoa học cấp bách dùng 19 tỷ đồng tiền ngân sách, có liên quan đến tính mạng, sức khỏe của hàng chục triệu dân giữa lúc đại dịch COVID-19 hoành hành, và Học viện Quân y được tin tưởng giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện, nhưng do ai, bằng cách nào, kết quả nghiên cứu lại được chuyển giao cho Công ty Việt Á? Rồi sau đó, công ty này lại được “mở đường” đưa sản phẩm đến các cơ sở y tế với giá cao, thu về hàng ngàn tỷ đồng.

Đến nay, cơ quan chức năng xác định, một số lãnh đạo thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã vi phạm quy định trong việc ký hợp đồng, nghiệm thu, chuyển giao, thanh quyết toán kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu bộ kit test cũng như trong truyền thông, xác nhận và đề nghị khen thưởng đối với Học viện Quân y và Công ty Việt Á. Còn lãnh đạo Bộ Y tế - đơn vị cấp phép lưu hành cho bộ kit test của Công ty Việt Á - không chỉ từng khẳng định các sản phẩm cấp phép “đều đã được đánh giá đạt yêu cầu, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng của Việt Nam và bảo đảm đúng theo các quy định hiện hành”, mà còn có công văn giới thiệu sản phẩm kit test của Việt Á với giá bán 470.000 đồng/test để các Sở Y tế và các bệnh viện chủ động liên hệ mua sắm, phục vụ phòng, chống dịch.

Mức giá này được Bộ Công an xác định là bị “nâng khống”, giúp Việt Á thu lợi hàng ngàn tỷ đồng. Còn cơ quan chức năng xác định, lãnh đạo Bộ Y tế có vi phạm trong việc đánh giá chuyên môn, kiểm tra, giám sát; cấp phép, cấp số đăng ký lưu hành; hiệp thương giá và mua sắm bộ kit test Việt Á. Trong đó, cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” để can thiệp, tác động, hỗ trợ Công ty Việt Á trong các bước, các khâu nêu trên.

Có thể nói, với sự dẫn dắt của những đồng tiền “bẩn” và sự tiếp tay của hàng loạt cán bộ các cấp, bộ kit test của Việt Á đã nhanh chóng và dễ dàng tràn tới gần như toàn bộ tỉnh, thành phố trên cả nước.

“Việt Á là ai” mà “quyền lực” như vậy?

Câu hỏi được đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) nêu tại hội trường kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV (tháng 6-2022) không chỉ là nỗi day dứt của riêng ông, mà là sự day dứt của chính nhân dân. Việt Á là ai? Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Việt Á là ai? Vì sao lại “quyền lực” như thế, có sức “công phá” ghê gớm đến như thế, “xô đổ” gần trăm cán bộ, đảng viên từ cấp thấp đến cấp cao như vậy?

Câu trả lời, chỉ có thể là, đó là những doanh nghiệp, doanh nhân tha hóa, sử dụng những đồng tiền vấy bẩn để đánh gục những cán bộ biến chất.

Sẽ không quá khi nói rằng, đại án Việt Á sẽ lưu dấu trong lịch sử tư pháp như một “vết chàm” khó gột rửa nhất, với mức độ tác động, ảnh hưởng rộng nhất, sâu nhất, cao nhất…

Theo kết quả điều tra của Bộ Công an, Việt Á đã chi tới khoảng 800 tỷ đồng tiền hoa hồng, “lót tay” cho lãnh đạo cơ sở y tế các cấp để kit test của công ty này dễ dàng, nhanh chóng chiếm lĩnh khắp các cơ sở y tế.

Thật khó hình dung và chấp nhận nổi, khi mà cả nước sôi sục trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19, bao cán bộ, nhân viên Ngành y bất chấp hiểm nguy, tình nguyện xông pha vào tâm dịch, thì thông qua 5 hợp đồng mua kit test COVID-19 trị giá 151 tỷ đồng của CDC Hải Dương, Giám đốc Phạm Duy Tuyến đã nhận “lót tay” của Việt Á 27 tỷ đồng! Còn tại Bắc Giang, theo cơ quan điều tra, ông Lâm Văn Tuấn, Giám đốc CDC tỉnh này đã thông đồng, cấu kết với Phan Quốc Việt và những người liên quan, tổ chức đấu thầu mua kit test do Công ty Việt Á sản xuất với tổng giá trị hơn 148 tỷ đồng. Bù lại, thông qua một công ty, Việt Á đã chi tới 44 tỷ đồng là phần trăm (%) ngoài hợp đồng, để công ty này trích lại cho ông Tuấn.

Hay tại Phú Thọ, ông Trần Gia Phú, Phó giám đốc Trung tâm Xét nghiệm (thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chỉ “tham mưu” cho lãnh đạo Bệnh viện mua kit test COVID-19 của Việt Á cũng đã “bỏ túi” 2 tỷ đồng!

Đó chỉ là vài con số nói lên sức mạnh hủy diệt của những đồng tiền “bẩn” từ tay Việt Á. Và cho đến nay, con số những cán bộ y tế, cán bộ quản lý - bao gồm cả những cán bộ cấp chiến lược - đã “nhúng chàm”, sa vào vòng lao lý từ sự thao túng của Việt Á đã lên tới ngót trăm người, càng cho thấy, chỉ một doanh nghiệp tư nhân tha hóa, làm ăn bất chính đã có thể công phá, hạ gục các cán bộ trong bộ máy quản lý khu vực công đến mức như thế nào.

Song, “quả bom” Việt Á, hay “con quái vật” Việt Á chỉ là một điển hình cho sự cấu kết tinh vi giữa những tổ chức, cá nhân làm ăn bất minh ở khu vực tư đối với những cán bộ thoái hóa ở khu vực công. Hàng loạt vụ việc khác, ở nhiều lĩnh vực khác cho thấy, sự cấu kết đó đang ngày càng trở nên phổ biến, là một nguy cơ lớn đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng.

Tại Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương khóa XIII, Trung ương đã nghiên cứu, thảo luận Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, trong đó nhấn mạnh phương thức lãnh đạo bằng “trách nhiệm nêu gương” của cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên giữ cương vị lãnh đạo. Đây là một trong những vấn đề nóng bỏng hiện nay.

Trước đó, liên quan đến đại án Việt Á, tại cuộc họp ngày 4-6-2022, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã kết luận, các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Công Tạc đã vi phạm “Quy định trách nhiệm nêu gương” cùng nhiều nội dung khác, như suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế. 

 BÀI 2: KHI THAM NHŨNG, TIÊU CỰC KHOÁC BỘ MẶT ĐẠO LÝ

Những cái bắt tay “công - tư” được thực hiện dưới gầm bàn kèm những khoản lợi kếch xù, hay trên nỗi đau của đồng bào mình, bất chấp đạo lý…, thì đó chính là nguy cơ với thể chế, với Đảng, phải được ngăn chặn, bóc gỡ triệt để.

Khoác bộ mặt đạo lý vì nước, vì dân, giữa những tháng ngày đại dịch COVID-19 hoành hành, một số cán bộ tha hóa đã bắt tay với cá nhân, doanh nghiệp để kiếm ăn trên nỗi lo của đồng bào.

Hợp tác công - tư là bình thường trong nền kinh tế, nhưng khi những cái bắt tay “công - tư” lại được thực hiện dưới gầm bàn kèm những khoản lợi kếch xù, hay trên nỗi đau của đồng bào mình, bất chấp đạo lý…, thì đó chính là nguy cơ với thể chế, với Đảng, phải được ngăn chặn, bóc gỡ triệt để.

Trục lợi trên nỗi an nguy của đồng bào

Những chuyến bay “giải cứu” đưa đồng bào Việt Nam ở nước ngoài bị “kẹt” lại vì COVID-19 trở về đoàn tụ với gia đình, với quê hương từng để lại những tình cảm xúc động, nghẹn ngào trong bao người; từng được bạn bè khắp năm châu cảm phục vì nghĩa đồng bào thương yêu, đùm bọc nhau trong hoạn nạn.

Nhưng thật xót xa, những tình cảm tốt đẹp đó phần nào đã bị ảnh hưởng bởi những “con sâu” chúa, “sâu” to, “sâu” nhỏ trong vụ án “đưa hối lộ, nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Đó là những cán bộ biến chất, lợi dụng bối cảnh nhà nhà, người người đang lo cho tính mạng, sự an toàn của người thân để trục lợi. Đó là những kẻ tham nhũng, hại dân, hại nước, nhưng lại khoác bộ mặt đạo lý vì nước, vì dân.

Những quan chức, cán bộ, công bộc nào đã để đồng tiền bất chính dắt lối trong đại án này? Đó là cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng; là vị trợ lý Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ, ông Nguyễn Quang Linh; là những cán bộ cấp vụ trưởng, cục trưởng, phó cục trưởng, cán bộ sứ quán… Đến nay, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam hàng chục bị can gồm nhiều quan chức, cán bộ của Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Giao thông - Vận tải, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an)... để làm rõ các tội “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cơ quan chức năng xác định, từ năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, Việt Nam đã triển khai gần 2.000 chuyến bay và đưa 240.000 công dân Việt Nam từ 60 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Bộ Công an cho biết, mỗi chuyến bay, các bị can thu lợi bất chính hàng tỷ đồng sau khi trừ chi phí; số tiền đưa, nhận hối lộ trong vụ án lên đến hàng chục tỷ đồng và hàng trăm ngàn USD. Những con số cho thấy, các “công bộc” của dân này đã phản bội niềm tin của nhân dân đến mức nào!

Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (tháng 9-2022), đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh, cử tri quan tâm, bức xúc về tình trạng các “công bộc” phạm tội, bởi người dân chờ đợi ở họ những quy chuẩn đạo đức cao hơn thông thường. Người dân bức xúc, bởi trong lúc khó khăn, đảo lộn do dịch COVID-19, có rất nhiều công bộc bất chấp nguy hiểm tính mạng để cứu dân, hy sinh lợi ích của gia đình, thì một nhóm công chức, cán bộ cấp cao lại cấu kết với nhau một cách có hệ thống để trục lợi rất lớn như vậy.

Vị đại biểu so sánh, “hàng ngàn vụ móc túi, trộm cắp cũng nguy hại, nhưng khó có thể so với mức độ nguy hiểm, thiệt hại lớn như vụ Việt Á, vụ Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao)”, bởi các vụ án này làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Đáng chú ý, cùng với những “công bộc” của dân, vụ án này đồng thời “điểm tên” những cá nhân là doanh nhân, lãnh đạo, nhân viên các doanh nghiệp, như Hoàng Diệu Mơ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch và Dịch vụ hàng không An Bình; Nguyễn Thị Tường Vi, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư ATA Việt Nam; Nguyễn Thị Dung Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH G Việt Nam 19; Nguyễn Tiến Mạnh, Phó giám đốc Công ty cổ phần Du lịch thương mại Lữ Hành Việt, Giám đốc Công ty Vận tải du lịch Hoàng Long Luxury (cùng bị bắt về hành vi “đưa hối lộ”).

Những cái bắt tay là nghi thức, là hành động nhằm bày tỏ sự thân thiện, biết ơn, hay cam kết về sự chung tay, đồng lòng, hợp tác - vốn rất có ý nghĩa, nhất là đối với ngành ngoại giao. Nhưng thật đau lòng, những cái bắt tay vấy bẩn của một số cán bộ tha hóa này với các cá nhân, doanh nghiệp làm ăn bất chính lại là để họ kiếm ăn, đút đầy túi tham, làm méo mó một chủ trương nhân đạo, nhân văn của Đảng, Nhà nước; trục lợi trên nỗi an nguy của hàng chục vạn đồng bào mình giữa những tháng ngày đại dịch COVID-19 hoành hành.

“Bắt tay” để làm ngơ, “bắt tay” để “ăn” dự án

Trong phiên thảo luận nhắc ở trên, luật sư - đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu một vấn đề đáng chú ý, là tình trạng tội phạm trong giới “công bộc của dân” đang gia tăng.

Ông Nghĩa đặt vấn đề, phải chăng, tình trạng công chức nhà nước nhận “hoa hồng”, lót tay của doanh nghiệp, của người dân để mua hàng giá cao bằng tiền ngân sách; hoặc bỏ qua, làm ngơ các vi phạm, tội phạm... đã tồn tại từ lâu và khá phổ biến ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực? Cho đến khi xảy ra vụ Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, hay vụ việc tại Cục Lãnh sự, thì mới bộc lộ “phần nổi của tảng băng”, bởi lúc này, nó đã đạt đến quy mô quá lớn, quá trắng trợn, không che giấu được? Vậy còn biết bao nhiêu vụ tương tự như thế đang diễn ra và chưa bộc lộ?

Câu hỏi này của vị đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM phần nào cũng đã là câu trả lời. Và câu trả lời đau xót từ thực tiễn là, đã có những cái “bắt tay” giữa các quan chức, cán bộ biến chất với đối tượng phạm tội, với doanh nghiệp làm ăn bất chính để làm ngơ cho sai phạm, để được “lại quả” những khoản tiền lớn từ các phi vụ đó.

Tham nhũng về tiền bạc đã đáng lên án. Tham nhũng về chức vụ, về chính sách là tham nhũng khủng khiếp. Nhưng tham nhũng về lòng tin, đưa đất nước đến chỗ sụp đổ mới thực sự là trọng tội, là thảm họa. Trong đại án Việt Á, Cục Lãnh sự…, họ đã không chỉ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng tiền bạc, mà còn làm mất lòng tin của nhân dân.

- TS. Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

 

Khi cơ quan chức năng làm rõ, Nguyễn Thế Anh, cựu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang, đã nhận hối lộ của “ông trùm” đường dây buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Phan Lê Hoàng Anh, tổng số tiền 560.000 USD và 6,2 tỷ đồng, thì dư luận đã hiểu vì sao, đường dây buôn lậu xăng, làm xăng giả số lượng lớn tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam do Hữu cầm đầu lại hoành hành được trong thời gian dài như thế.

Đáng nói, thời điểm phạm tội, ông Nguyễn Thế Anh là Phó cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng), biệt phái sang giữ chức Phó chánh văn phòng, thuộc Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia). Một quan chức cấp cao, nắm giữ vị trí quan trọng về phòng, chống tội phạm của lực lượng biên phòng - lực lượng giữ gìn bình yên nơi phên giậu của Tổ quốc; đồng thời nắm chức vụ cao ở Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhưng lại “bắt tay”, “ăn tiền” của trùm buôn lậu, thì ông ta sẽ chống buôn lậu thế nào? Và nỗ lực phòng, chống buôn lậu của cơ quan chức năng, của chính những đồng nghiệp, đồng chí, đồng đội của ông ta, sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí gặp nguy hiểm ra sao?

Cũng trong vụ án này, một cán bộ khác là Đại tá Phùng Danh Thoại, Trưởng phòng Xăng dầu (thuộc Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) cũng đã “bắt tay” với đối tượng buôn lậu để bỏ túi hàng chục tỷ đồng.

Còn nhiều nữa những cái “bắt tay” trong các phi vụ nhơ bẩn mà những “công bộc” suy thoái, biến chất đã nhắm mắt, đưa tay để làm ngơ, để “ăn bẫm”. Nó đang dần được đưa ra ánh sáng trong những vụ việc nóng mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực yêu cầu khẩn trương làm rõ.

Đó vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Tập đoàn FLC và các công ty liên quan; vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở Tập đoàn Tân Hoàng Minh, liên quan đến vai trò quản lý của một số lãnh đạo ngành tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; là vụ Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) đưa “quân xanh” vào tham gia thầu, móc ngoặc với cán bộ y tế của địa phương (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) để thông thầu, nâng khống giá trị thiết bị y tế, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước. Hay hàng loạt quan chức lãnh đạo cấp cao, kể cả những cán bộ đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền ở Khánh Hòa, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Dương, TP.HCM… buông lỏng quản lý, cấu kết với tư nhân để trục lợi từ những dự án “đất vàng” đang được cơ quan chức năng điều tra, xét xử…

Những vụ việc nói trên cũng được Tiểu ban 5 (thuộc Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) “điểm tên” khi theo dõi hoạt động phòng, chống tham nhũng. Tiểu ban này đánh giá, năm 2022, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm”, “sân sau” có chiều hướng gia tăng, xảy ra ở cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán.

Vì sao công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được ghi nhận đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng tham nhũng, tiêu cực gắn với “lợi ích nhóm”, “sân sau” lại có xu hướng gia tăng, cả ở khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước như vậy? Nó xuất phát từ những lỗ hổng trong cơ chế, chính sách, hay do chính sự suy thoái, biến chất, tự chuyển hóa của đội ngũ cán bộ, đảng viên?

BÀI 3: LÔI RA ÁNH SÁNG NHỮNG CÁI “BẮT TAY” DƯỚI GẦM BÀN

Những cuộc “đi đêm”, những cái “bắt tay” bẩn dưới gầm bàn nhằm trục lợi tiền bạc của Nhà nước và nhân dân ắt sẽ bị lôi ra ánh sáng.

Trước “ma lực” của đồng tiền, không ít cán bộ, quan chức đã bất chấp pháp luật, “bắt tay” cá nhân, tổ chức làm ăn bất chính để bỏ qua, làm ngơ, tiếp tay cho các vi phạm, tội phạm.

Cho đến trước khi tra tay vào còng số 8, nhiều cán bộ các cấp đều quả quyết trong sạch, có những phát ngôn, chỉ đạo hùng hồn về chống tham nhũng, tiêu cực. Nhưng sự thật chỉ có một. Những cuộc “đi đêm”, những cái “bắt tay” bẩn dưới gầm bàn ấy ắt sẽ bị lôi ra ánh sáng.

“Cháy nhà” lòi ra… hoa hồng

Hải Dương là “điểm nổ” đầu tiên của đại án Việt Á. Ngày 17-12-2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố vụ án “vi phạm các quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Công ty Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan, khởi tố 7 bị can, trong đó bắt tạm giam Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á; Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương và Nguyễn Mạnh Cường, Kế toán trưởng CDC Hải Dương.

Vài ngày sau, ngày 21-12-2021, tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, ông Phạm Xuân Thăng, khi đó đang giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy, đã khẳng định, sai phạm của ông Phạm Duy Tuyến là rất nghiêm trọng, đi ngược với nỗ lực chống dịch của cả hệ thống chính trị, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Nhưng gần một năm sau, giữa tháng 9-2022, chính ông Phạm Xuân Thăng bị khởi tố, bắt tạm giam do sai phạm liên quan đến vụ việc. Điều đáng nói là, chính ông Thăng là Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh Hải Dương.

Đây không phải trường hợp đầu tiên, cán bộ, quan chức trước khi “ngã ngựa” vẫn cố gắng bằng mọi giá giấu kín hành vi sai phạm của mình, thậm chí còn quả quyết mình “trong sạch”. Chỉ đến khi cơ quan chức năng vào cuộc, đưa ra chứng cứ thuyết phục, thì những cái “bắt tay” dưới gầm bàn của họ mới bị lộ sáng.

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thông tin khi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình (Hà Nội), các ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh “lúc đầu cũng chưa nhận thức hết sai phạm”; sau này, với cách làm chặt chẽ, bài bản, chứng cứ rõ ràng, các đương sự mới nhận tội.

Một trường hợp khác là cựu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Thế Anh, khi ra tòa vẫn ngoan cố chối tội đến cùng, khẳng định không nhận tiền của “trùm” buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu. Cơ quan chức năng phải cho Nguyễn Thế Anh đối chất với Hữu, rồi chính đối tượng là em họ của Nguyễn Thế Anh thừa nhận trước tòa đã cả chục lần được Nguyễn Thế Anh cử đi nhận tiền.

Trong vụ Việt Á, còn nhiều trường hợp khác, như Giám đốc CDC Nghệ An Nguyễn Văn Định từng khẳng định với báo chí, bản thân “minh bạch, làm đúng trình tự, quy trình, thủ tục trong các gói thầu cung cấp vật tư kit test với Công ty Việt Á”; Giám đốc CDC Bắc Giang Lâm Văn Tuấn, Giám đốc CDC Nam Định Đỗ Đức Lưu, Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế Hoàng Văn Đức… từng quả quyết “không nhận một đồng nào” từ Công ty Việt Á. Thậm chí, ông Đức còn mạnh miệng khẳng định: “Công ty Việt Á cho tôi dù một ly cà phê, tôi đi tù cũng xứng đáng”… Nhưng sau một thời gian, cơ quan chức năng đã xác định, chính những cán bộ tuyên bố hùng hồn đó đều đã tư lợi, trục lợi từ các hợp đồng đấu thầu, mua bán kit test của Việt Á.

Đáng chú ý, theo cơ quan điều tra, để che giấu hành vi “đi đêm” của mình, trong vụ Việt Á, việc chuyển tiền chiết khấu cho các cá nhân trong cơ sở y tế công được Việt Á thực hiện rất tinh vi, sử dụng các tài khoản phụ, tài khoản cá nhân cùng hàng chục công ty trong hệ thống do Phan Quốc Việt thành lập, điều hành.

Để tránh cho các quan chức bị phát hiện việc nhận tiền, Phan Quốc Việt yêu cầu nhân viên phụ trách vùng sau khi nhận được chuyển khoản sẽ rút tiền mặt, đưa trực tiếp cho các cá nhân trong cơ sở y tế công. Trường hợp chuyển khoản từ tài khoản của em vợ Phan Quốc Việt đến số tài khoản theo chỉ định của các cá nhân trong cơ sở y tế công, thì đều ghi nội dung dưới dạng “thanh toán tiền mua hàng”, “nhờ thanh toán tiền mua hàng”.

Toàn bộ hoạt động kinh doanh của các công ty thuộc hệ thống Công ty Việt Á cũng sử dụng 2 hệ thống phần mềm, sổ sách, đồng thời sử dụng hệ thống quản trị mạng bảo mật rất cao, chiêu nạp hàng chục chuyên gia công nghệ để bảo mật thông tin, cũng như nhanh chóng xóa dữ liệu điện tử khi bị phát hiện.

Song, dù thủ đoạn của các đối tượng tinh vi đến đâu, các giao kết, hành vi có mờ ám, lẩn khuất đến đâu, thì sự thật vẫn bị phơi bày, những cái “bắt tay” bẩn dưới gầm bàn vẫn bị lôi ra ánh sáng.

Gục ngã trước “virus kim tiền”

Qua thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các đại án, nhất là vụ Việt Á, có thể thấy, cả các cá nhân, tổ chức tư nhân làm ăn bất chính lẫn các cán bộ, quan chức biến chất đều chủ động thực hiện hành vi trục lợi và khi có nguy cơ bại lộ, họ đều ngoan cố, “đấu” đến cùng để qua mắt cơ quan chức năng và dư luận.

Nhìn lại, từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã có 7 Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm bị kỷ luật (trong đó, có 4 người bị xử lý hình sự, 3 người thôi tham gia BCH Trung ương Đảng khóa XIII) do liên quan đến những vụ án, vụ việc phức tạp, gây bức xúc trong dư luận.

Dư luận đặt câu hỏi, vì sao liên tiếp các vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã bị xử lý; liên tiếp cán bộ, lãnh đạo các cấp, kể cả cấp chiến lược bị xử lý; “lò” đang hừng hực nóng như vậy, mà nhiều cán bộ, quan chức vẫn chưa biết “sợ”?

Phải chăng, hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách về phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn nhiều sơ hở, khiến các đối tượng dễ dàng lợi dụng? Hay do nhiều cán bộ suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, bản lĩnh yếu kém?

Theo TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Thanh tra Chính phủ), phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần đồng bộ cả hai hướng, như hai gọng kìm: một là, cơ chế, chính sách để kiểm soát từ bên ngoài; hai là, kiểm soát từ bên trong mỗi tổ chức (bằng cơ chế kiểm soát nội bộ) và mỗi cá nhân (bằng bản lĩnh, đạo đức).

Hiện nay, bên cạnh xử lý nghiêm để “không dám tham nhũng”, Đảng, Nhà nước đang hoàn thiện cơ chế, chính sách, bịt các lỗ hổng, tăng hiệu quả kiểm soát từ bên ngoài, để “không thể tham nhũng”.

Nhưng ông Minh cho rằng, cái gốc của vấn đề chính là tiêu cực; nhận thức, đạo đức yếu kém, muốn kiếm lợi bất chính thúc đẩy dẫn đến tham nhũng. Như vụ Việt Á, sự thao túng diễn ra trên diện rộng; cán bộ ở gần như khắp các tỉnh, thành phố, CDC, cơ sở y tế công có tham gia mua bán thiết bị y tế đều bị “nhiễm” “virus kim tiền” của Việt Á. Nó cho thấy, “sức đề kháng” của cán bộ trước cám dỗ vật chất rất yếu, nên rất dễ bị lôi cuốn, sa ngã vào tiêu cực, tham nhũng.

“Vừa qua, ta xử lý nhiều người, nhiều vụ việc là sự cảnh tỉnh rất lớn. Nhưng không chỉ là chuyện giám sát, phát hiện, xử lý; không thể đổ hết lỗi cho cơ chế, mà trước hết, gốc rễ vẫn phải là từ bản lĩnh, phẩm chất của người cán bộ; là khả năng tự kiểm soát từ bên trong mỗi người”, TS. Đinh Văn Minh bày tỏ quan điểm.

Đây cũng là quan điểm được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ khi tiếp xúc cử tri tại Sóc Sơn (Hà Nội) cuối tháng 9-2022 vừa qua. Trước lo ngại, băn khoăn của một số cử tri về việc, những hạn chế, lỗ hổng về cơ chế hiện nay có thể khiến nhiều người sợ sai, không dám làm, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, những người sai phạm, bị bắt đều có “leng keng, ting ting” cả.

“Vừa rồi COVID-19, ‘ting ting’ nhiều lắm. Ban Chỉ đạo có tinh thần rất rõ ràng. Cán bộ không có mặc cả, không đòi hỏi hoa hồng, thì xử lý rất nhân văn. Chúng ta cứ làm trong sáng thì không vấn đề gì cả. Làm trong sáng mà có quá tay một tí thì bị ‘thổi còi’, xử lý hành chính, kỷ luật thôi…”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nói.

Những cuộc “đi đêm”, thỏa hiệp với “ting ting”, “leng keng” đã và đang bị lôi ra ánh sáng, nhưng câu hỏi căn cơ hơn là, phải làm gì để chặn đứng những cuộc ngã giá, chia chác, trao đổi giữa cá nhân, tổ chức làm ăn bất chính ở khu vực tư với các quan chức suy thoái, để không còn những “Việt Á” khác hoành hành, tàn phá đất nước?

Năm 2022, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán…, xảy ra ở cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.

 

Một số hành vi tham nhũng phổ biến trong lĩnh vực y tế vẫn tiếp diễn như: thông đồng, nâng khống giá trị thiết bị, vật tư y tế trong đấu thầu; lợi dụng chủ trương xã hội hóa tại các cơ sở y tế công để trục lợi; tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý thuế, hải quan…

(Ý kiến của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022) 

BÀI 4: SIẾT CHẶT ‘VÒNG VÂY’, TIÊU DIỆT GIẶC NỘI XÂM

Nhận rõ sự nguy hiểm của việc cấu kết giữa cá nhân, tổ chức làm ăn bất minh ở khu vực tư với quan chức suy thoái, biến chất, Đảng ta đã quyết định mở rộng đấu tranh phòng, chống tham nhũng ra khu vực này. Đây là yêu cầu khách quan, cấp thiết, là một trong những “mũi tiến công” uy lực, từng bước siết chặt vòng vây, tiêu diệt “giặc nội xâm” tham nhũng, tiêu cực.

Đấu tranh, phòng ngừa “từ sớm, từ xa”

Ngay từ những ngày đầu thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm cảnh báo, lên án những biểu hiện của sự tha hóa quyền lực nhà nước trong không ít cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Năm 1952, Người đã chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ ‘giặc ở trong lòng’. Nếu chiến sỹ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”. Người nêu rõ rằng, tham ô, tham nhũng là “kẻ thù khá nguy hiểm vì nó không mang gươm, mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng mọi việc của ta”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, cũng nhấn mạnh: phòng, chống tham nhũng là “chống giặc nội xâm”, tức là chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức; tiền tài, của cải, vật chất... do người khác “biếu xén”, “cho, tặng”, hối lộ... với động cơ không trong sáng. Nó thường diễn ra đối với những người có chức, có quyền.

Soi vào thực tiễn, hầu hết những vụ việc, đại án đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo năm 2022 như vụ Việt Á, các chuyến bay “giải cứu”, FLC, Tân Hoàng Minh, Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế... đều có sự đan xen công - tư, cấu kết, bắt tay giữa những “quan tham” và doanh nghiệp, cá nhân làm ăn bất chính. Nó cho thấy, thứ “giặc nội xâm” đó vẫn vô cùng nguy hiểm, như Đảng ta đã xác định, là một trong những nguy cơ “đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ”.

Song, Đảng ta đã sớm nhìn ra nguy cơ tiềm ẩn từ sự cấu kết này. Ngay đầu nhiệm kỳ XIII, Đảng đã nêu chủ trương “từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng, lãng phí ngoài khu vực nhà nước” (Văn kiện Đại hội XIII). Chủ trương này cho thấy tầm nhìn của Đảng đối với việc xác định trọng tâm, trọng điểm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tiếp đó, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu “từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước” (Kết luận số 12-KL/TW ngày 6-4-2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực).

Theo TS. Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, những vụ đại án đã và đang được đưa ra xử lý là một minh chứng về sự nguy hiểm trong cuộc cấu kết giữa quyền lực chính trị tha hóa và quyền lực kinh tế lũng đoạn.

“Quyền lực chính trị là của nhân dân. Nhân dân trao nó, ủy quyền cho những người làm công bộc của dân. Nếu nó bị chiếm đoạt, để trục lợi cho bản thân cán bộ, gia đình, một nhóm người… thì rất nguy hiểm, hậu họa khó lường. Do đó, phải ngăn chặn sự liên kết giữa thế lực kim tiền với quyền lực chính trị bị tha hóa, mới có thể chặn tham nhũng, tiêu cực từ mầm mống”, TS. Nhị Lê bày tỏ.

Chính vì thế, mở rộng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ra khu vực ngoài nhà nước là yêu cầu xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, phù hợp với yêu cầu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đặt ra trong tình hình hiện nay, đồng thời phù hợp với xu thế quốc tế, với các công ước Liên hợp quốc mà Việt Nam là thành viên.

Tiến công toàn diện, đúng, trúng “điểm nóng” tham nhũng

Thực tế, tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước không chỉ xâm phạm hoạt động đúng đắn của các tổ chức, doanh nghiệp ở khu vực đó, mà khi nó “vươn vòi” vào khu vực công, “bắt tay” với cán bộ suy thoái ở khu vực công để cùng trục lợi, thì tác hại, thiệt hại là khôn lường.

Trong một số trường hợp, khu vực ngoài nhà nước có thể trở thành “sân sau”, là nơi “rửa tiền” cho những quan chức, cán bộ biến chất. Do đó, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ không hiệu quả nếu bỏ qua khu vực này, “điểm nóng” này.

Phòng, chống tham nhũng là “chống giặc nội xâm”, tức là chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức...

 

Bên cạnh đó, tham nhũng trong khu vực tư còn ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư; có thể khiến nhà đầu tư nước ngoài lo ngại, cân nhắc khi bỏ vốn, mà câu chuyện “chi phí không chính thức” đã được đề cập không ít lần, như một vấn nạn nhức nhối.

Do đó, theo PGS-TS. Phạm Tất Thắng, Phó viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), không chỉ có chủ trương đúng đắn, lo sớm, nhìn xa, quan tâm đến công tác cán bộ, nâng cao trình độ, bản lĩnh, đạo đức cán bộ, đảng viên, Đảng ta còn không ngừng xây dựng, hoàn thiện các chế tài cụ thể, đủ bao quát, đủ mạnh để xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên vi phạm, có hành vi cấu kết, “đi đêm” với tổ chức, cá nhân khu vực tư để trục lợi.

Từ gốc và bao trùm, là Văn kiện Đại hội XIII, Kết luận số 12-KL/TW; hay chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố để “dọc ngang thông suốt, trên dưới đồng lòng”, cho đến nhiều văn bản rất cụ thể, kịp thời, như quy định về những điều đảng viên không được làm; miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ hạn chế về năng lực, không đủ uy tín, để xảy ra sai phạm; Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 1-8-2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “điểm tên” rõ 19 nhóm hành vi tiêu cực cần tập trung chỉ đạo phòng, chống…

PGS-TS. Phạm Tất Thắng đặc biệt nhấn mạnh Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6-7-2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.

“Quy định số 69-QĐ/TW là sự cụ thể hóa rất quan trọng, rất sát thực tiễn, đã nêu rõ các hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với những vi phạm nổi lên, phổ biến, rất ‘nóng’ vừa qua. Đó là tình trạng chạy chức, chạy quyền; dành các dự án lớn, những lô ‘đất vàng’ cho người nhà, người thân, ‘sân sau’, từ đó trục lợi. Đặc biệt, Quy định số 69-QĐ/TW đã ‘gọi tên’ nhiều hành vi, tệ nạn được nhắc đến từ lâu, nay càng lộ rõ trong những vụ việc sai phạm có sự kết nối, ‘hợp tác’ công - tư, như đưa, nhận, môi giới hối lộ; môi giới làm thủ tục hành chính, vấn nạn ‘hoa hồng’ trong các vụ làm ăn…”, PGS-TS. Phạm Tất Thắng đánh giá.

Nhưng, cơ chế, khung khổ pháp lý thôi chưa đủ, nếu chính mỗi cán bộ, mỗi doanh nghiệp hay doanh nhân không có bản lĩnh, đạo đức, không làm chủ được mình. Nhìn từ góc độ khu vực ngoài nhà nước, cụ thể là các doanh nghiệp, doanh nhân, TS. Nguyễn Viết Chức (Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long) khi chia sẻ tại Hội thảo khoa học về Đạo đức doanh nhân và Văn hóa kinh doanh vừa diễn ra tại Hà Nội nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, đã bày tỏ sự trăn trở, “áp lực” khi suy nghĩ về câu hỏi: Tại sao đất nước đang có cơ hội làm ăn lớn, mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân hành xử như là đã không cần chữ tín! Phải chăng, sức mạnh đồng tiền và những thành công lớn đã làm người ta ngưỡng mộ cái triết lý chết người “cái gì không mua được bằng tiền, thì mua được bằng nhiều tiền”?

Để rồi, họ hành xử đầy toan tính, tìm mọi cách mua chuộc quan chức, xây dựng niềm tin bằng “cửa sau” và quyền lực ngầm. Và rồi, họ gánh chịu hậu quả cay đắng, nhưng xã hội và thị trường cũng gánh chịu những hậu quả không hề nhỏ, đó là không chỉ mất tài sản, mà còn mất niềm tin, lòng tốt bị lung lay, cái ác, cái xấu được đà xâm lấn...

Xót xa khi không ít doanh nhân đã vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả, coi thường đạo lý, vi phạm pháp luật, làm đảo lộn các chuẩn mực, các giá trị đạo đức, TS. Cấn Văn Lực (thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia) cho rằng, kinh tế càng phát triển, thì tính phức tạp của đạo đức doanh nhân càng khó kiểm soát.

Để nâng cao đạo đức của đội ngũ doanh nhân gắn với xây dựng văn hóa doanh nghiệp và xây dựng đất nước toàn diện, hội nhập quốc tế, cần sự nỗ lực không chỉ của lực lượng doanh nhân chân chính, mà còn cần sự ủng hộ, đồng hành và kiến tạo của Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, với những giải pháp toàn diện, từ hoàn thiện thể chế, pháp luật, chuẩn mực đạo đức kinh doanh, đạo đức doanh nhân, đến tăng cường giám sát xã hội…

Thực tiễn cho thấy, công cuộc phòng, chống tham nhũng vẫn còn nhiều gian nan, khi với tác động của mặt trái kinh tế thị trường, các tổ chức, cá nhân, cán bộ, đảng viên suy thoái ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi hơn hòng qua mặt cơ quan chức năng nhằm trục lợi. Song, với việc nhanh nhạy nhận diện chính xác, có giải pháp kịp thời và tiến công mạnh mẽ, đúng, trúng những “điểm nóng” tham nhũng, tiêu cực, chúng ta tin tưởng và kỳ vọng sẽ chặn đứng những liên minh “ma quỷ”, không để chúng tàn phá, làm suy yếu Đất nước.

BÀI 5: XU THẾ KHÔNG THỂ ĐẢO NGƯỢC

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, trở thành “xu thế không thể đảo ngược” như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.

Cuối tuần qua, khi tiếp xúc cử tri tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh tinh thần của Đảng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “cuộc chiến đấu” vẫn đang tiếp tục; đã và đang làm những vụ việc trọng tâm, trọng điểm. “Còn mấy vụ sắp tới sẽ làm, các vụ tồn lâu rồi, nổi tiếng rồi, thậm chí chạy trốn đi rồi, nhưng tôi bảo trốn cũng không thể trốn được. Ai bao che cũng không được, ai bao che xử lý người bao che”, Tổng Bí thư nhấn mạnh quyết tâm làm đến cùng các vụ việc.

Theo Tổng Bí thư, bảo đảm xử lý nghiêm minh, nhưng kèm đó là tinh thần giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, để người khác tránh không đi vào “vết xe đổ”, bởi “không thích thú gì kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình”.

Thông điệp của người đứng đầu Đảng về tinh thần “cuộc chiến” đã rõ ràng, và đó chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho những cuộc “đi đêm”, cái “bắt tay” bẩn giữa những tổ chức, cá nhân làm ăn bất chính ở khu vực ngoài nhà nước với những cán bộ, lãnh đạo thoái hóa, biến chất ở khu vực công để trục lợi, hại nước, hại dân.

Sự cấu kết đó của chúng, dù có tinh vi, phức tạp đến đâu, thì cũng sẽ bị chặn đứng bởi sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị, với những quyết sách đúng đắn; kịp thời bịt những lỗ hổng, kẽ hở về cơ chế, luật pháp; đồng thời xử lý nghiêm minh, có tình, có lý.

Một trong những bước đi đúng, trúng đó là chủ trương mở rộng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sang khu vực ngoài nhà nước, với nhiều vụ việc “nóng” được dư luận quan tâm hiện nay. Đó là minh chứng khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, với quyết tâm chính trị rất cao, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội; trở thành “xu thế không thể đảo ngược” như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.

Cùng với đó là tinh thần của Đề án “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới” mà Hội nghị lần thứ sáu, BCH Trung ương khóa XIII vừa cho ý kiến, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, là phải “hoàn thiện đồng bộ, đầy đủ hệ thống pháp luật, vận hành thông suốt, thống nhất bộ máy nhà nước và các lĩnh vực của đời sống xã hội; phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong thực hiện quyền lực nhà nước; tăng cường kiểm soát quyền lực; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tinh gọn, liêm chính; phòng, chống có hiệu quả tham nhũng, tiêu cực”. Chúng ta tin tưởng, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tiếp tục đạt được những kết quả cao tương xứng với kỳ vọng, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; củng cố hơn nữa niềm tin của nhân dân; xây dựng môi trường phát triển kinh tế - xã hội ổn định, minh bạch, đưa đất nước phát triển bền vững và thịnh vượng.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012 - 2022 và định hướng hoạt động thời gian tới, ngày 30-6-2022.

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ làm “chùn bước” người có động cơ không trong sáng

Không phải như một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, làm “chậm” sự phát triển đất nước; mà hoàn toàn ngược lại. Chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”.

Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm.

(Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012 - 2022 và định hướng hoạt động thời gian tới, ngày 30-6-2022).

 Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Doanh nhân liêm chính luôn nói không với tham nhũng, tiêu cực.     

- Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tôi mong muốn tầng lớp doanh nhân lựa chọn con đường phát triển phồn vinh, thịnh vượng dựa trên nền tảng của việc thực hành đạo đức doanh nhân và những chuẩn mực của văn hóa kinh doanh. Liêm chính và trách nhiệm xã hội là những phép thử đầu tiên về sự cống hiến của doanh nghiệp, doanh nhân.

Trong hoạt động kinh doanh, liêm chính là tấm hộ chiếu thông hành để doanh nhân chiếm lĩnh niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ. Sự liêm chính của doanh nhân thể hiện ở việc tuân thủ pháp luật, minh bạch các thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp của mình và luôn nói không với tiêu cực, tham nhũng.

(Trích phát biểu tại Hội thảo khoa học Đạo đức doanh nhân và Văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới, Hà Nội, tháng 10-2022)

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Thực hành tốt quản trị công ty góp phần ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực.   

- Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Khung khổ pháp lý về quản trị công ty, tự kiểm soát nội bộ, phòng ngừa tham nhũng, chống xung đột lợi ích đã có. Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định, các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế ngoài nhà nước ban hành, thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích, ngăn chặn hành vi tham nhũng và xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh. Luật Doanh nghiệp cũng có nhiều quy định về trách nhiệm trung thành, trung thực, cẩn trọng của người quản lý công ty trong hành động vì lợi ích công ty, kiểm soát giao dịch có nguy cơ phát sinh tư lợi. Do đó, thực hành tốt quản trị công ty sẽ góp phần ngăn chặn sự cấu kết, “bắt tay” trục lợi giữa khu vực ngoài nhà nước và cán bộ suy thoái.

Tuy nhiên, để giải quyết căn bản vấn đề, vẫn cần một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, mà ở đó, doanh nghiệp có thể phát triển bằng chính năng lực cạnh tranh của mình.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương).

Phát huy vai trò TCCSĐ, nâng cao chất lượng đảng viên.

- Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương)

Có thể nói, ở nhiều vụ việc vừa qua, vai trò lãnh đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát, “nắm” cán bộ, đảng viên của các TCCSĐ còn yếu kém, bị buông lỏng, chưa kịp thời phát hiện vi phạm, hoặc phát hiện, nhưng không xử lý kịp thời, nghiêm minh, để vi phạm kéo dài, từ vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, dẫn đến hậu quả lớn hơn, mất cả cán bộ, đảng viên, mất niềm tin của nhân dân.

Do đó, phải kết hợp kiểm tra, giám sát của cấp trên với tự kiểm tra, giám sát ở cấp dưới; phải làm có trọng tâm, trọng điểm, xem xét vai trò người đứng đầu, chú trọng những lĩnh vực có nguy cơ cao xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16-6-2022, Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa XIII yêu cầu, cán bộ, lãnh đạo tham gia sinh hoạt đảng ở chi bộ, tổ chức nào mà tổ chức đó xảy ra vi phạm, sai phạm, thì cũng phải xem xét trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo đó. Đây thực chất là nâng cao chất lượng đảng viên, nâng cao ý thức, trách nhiệm của đảng viên đối với tổ chức, đơn vị mình.

PGS-TS. Lê Văn Cường, Phó viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).

Chú trọng xây dựng thể chế, theo kịp thực tiễn.

- PGS-TS. Lê Văn Cường, Phó viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

Ngày nay, tham nhũng, tiêu cực như vòi bạch tuộc, cấu kết với nhau, khu vực tư có thể là “sân sau”, “hút” tài sản từ khu vực công ra để trục lợi. Như vụ Việt Á, khi một doanh nghiệp tư nhân thao túng cán bộ ở tổ chức, cơ sở công, trục lợi hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, thì đó cũng chính là tiền từ ngân sách, là tiền của dân bị “rút ruột”, đổ vào túi các cá nhân. Nó không chỉ làm thất thoát tài sản của Nhà nước, của xã hội, mà đau xót hơn là “thất thoát” về cán bộ, mất niềm tin của nhân dân.

Do đó, mở rộng đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ra khu vực ngoài nhà nước là cấp thiết, kịp thời. Tôi cho rằng, trong nhiều vấn đề, thì xây dựng thể chế rất quan trọng và phải theo kịp thực tiễn, ngăn chặn việc lợi dụng chính sách chưa có, hoặc có nhưng còn lỏng lẻo để trục lợi, gây thiệt hại cho xã hội.

Một số bài học kinh nghiệm về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Đặc biệt chú trọng công tác cán bộ. Đánh giá, lựa chọn, bố trí đúng cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý; tăng cường quản lý, giáo dục, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Coi trọng công tác phòng ngừa, kết hợp chặt chẽ với xử lý nghiêm khắc những hành vi tham nhũng, tiêu cực; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, giải quyết từ sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.

Kết hợp giữa trừng trị với khoan hồng. Đồng thời bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhất là việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức.

(Trích Báo cáo Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 của Chính phủ gửi Quốc hội, phục vụ kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV khai mạc sáng mai, 20/10/2022). 

 

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất