Tác phẩm đoạt giải

Mở đường văn hóa từ chức

Ngày 3-10, tại Hội nghị lần thứ sáu, Trung ương đã thống nhất cho ba trường hợp từng bị kỷ luật cảnh cáo thôi tham gia Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII. Đây chính là 3 trường hợp đầu tiên thực hiện Thông báo Kết luận số 20 của Bộ Chính trị, trong đó có việc khuyến khích những người bị kỷ luật từ chức.

Trong 2 ngày, 21, 22-7, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Tại Hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai truyền đạt chuyên đề về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.

Bà Mai cho biết, năm 2021 đã thi hành kỷ luật 223 tổ chức đảng. Dù tỷ lệ bị kỷ luật chỉ chiếm 0,2% là thấp trong hơn 50.000 tổ chức cơ sở đảng, nhưng Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh “không thể xem thường, mỗi một nơi, tổ chức cơ sở đảng bị kỷ luật thì ở đó lòng tin của nhân dân bị giảm sút”.

Đặc biệt, bà Mai đề nghị Chủ nhiệm UBKT Trung ương phối hợp, ở đâu, tổ chức cơ sở đảng bị kỷ luật phải thay cấp ủy viên ngay. “Không thể để mấy ông cán bộ bị kỷ luật ngồi đó mãi để ảnh hưởng lòng tin của nhân dân với Đảng, trong khi đó hàng chục ngàn tổ chức cơ sở đảng làm tốt”, bà Mai nói.

Thực tiễn trong trong 10 năm qua (tính đến tháng 6-2022), các cơ quan của Đảng đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng. Tuy nhiên, đến trước Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, gần như không có cán bộ nào chủ động xin từ chức do bị kỷ luật, dù uy tín giảm sút.

Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã có hơn 50 cán bộ diện Trung ương bị kỷ luật, trong đó có 7 Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm. Đó là các ông: Trần Văn Nam (Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương), Chu Ngọc Anh (Chủ tịch Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN), Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Bộ Y tế), Nguyễn Thành Phong (Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM), Huỳnh Tấn Việt (Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên), Phạm Xuân Thăng (Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) và Bùi Nhật Quang (Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Điều đáng nói là sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương có kết luận sai phạm, thậm chí có trường hợp đã bị Bộ Chính trị kỷ luật nhưng vẫn ngồi yên trên “ghế”, không hề có thông tin về sự chủ động trong việc xin từ chức.

Ngày 8-9, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Thông báo Kết luận số 20 về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.

Thông báo của Bộ Chính trị nêu rõ: Việc bố trí công tác đối với cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật nhằm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng và Quy định của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Cùng với đó, kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, thực hiện phương châm "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện; góp phần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.

Tiếp đó, ngày 21-9, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 21 để cụ thể hóa Thông báo Kết luận số 20. Cụ thể, đối với cán bộ tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc xin nghỉ công tác thì làm đơn gửi ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương nơi công tác.

Ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương nơi cán bộ công tác họp, cho ý kiến và gửi văn bản báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư qua Ban Tổ chức Trung ương. Ban Tổ chức Trung ương tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; các cơ quan chức năng thực hiện thủ tục theo quy định.

Đối với cán bộ là Ủy viên Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương trao đổi với cán bộ bị kỷ luật; trao đổi với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi cán bộ công tác về việc thực hiện chủ trương của Đảng, gồm cả trường hợp cán bộ bị kỷ luật là người đứng đầu.

Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm trao đổi với cán bộ bị kỷ luật; báo cáo ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương nơi cán bộ công tác để cho ý kiến và gửi văn bản báo cáo Bộ Chính trị.

Trên cơ sở ý kiến của các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, Ban Tổ chức Trung ương lấy ý kiến bằng văn bản của UBKT Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan; tổng hợp ý kiến các cơ quan, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định; các cơ quan chức năng thực hiện thủ tục theo quy định.

Hơn 20 ngày sau khi Bộ Chính trị ban hành Thông báo Kết luận số 20, trong ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị lần thứ sáu (ngày 3-10), Trung ương đã thống nhất để ba trường hợp thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Đó là các ông: Nguyễn Thành Phong, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Bùi Nhật Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Huỳnh Tấn Việt, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương. Trước đó, cả ba Ủy viên Trung ương Đảng trên đều đã bị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác.

Việc cho ba cán bộ trên thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII dựa trên căn cứ quyết định hiện hành, ý kiến của các cơ quan liên quan và chủ trương của Bộ Chính trị về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật; Trên cơ sở đề nghị của cấp uỷ, tổ chức đảng, ý kiến của các cơ quan chức năng và xem xét nguyện vọng của cán bộ.

Trước đó, theo thông báo của Bộ Chính trị, ông Huỳnh Tấn Việt phải chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng đoàn HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất, tài sản nhà nước, quản lý và bảo vệ rừng, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư, xây dựng, thi tuyển công chức, đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, làm thất thoát ngân sách nhà nước; để xảy ra một số vụ án hình sự, một số cán bộ, đảng viên trong đó có lãnh đạo chủ chốt của UBND tỉnh bị kỷ luật, xử lý hình sự..

Đối với ông Nguyễn Thành Phong, trong thời gian giữ chức vụ Phó Bí thư Thành uỷ, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.HCM đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương; chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu đối với các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng và Uỷ ban nhân dân thành phố nhiệm kỳ 2016 - 2021; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Còn ông Bùi Nhật Quang phải chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng uỷ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020 (giai đoạn từ tháng 11-2019 đến tháng 8-2020) và nhiệm kỳ 2020 - 2025. Vi phạm nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, Quy chế làm việc của Đảng uỷ dẫn đến nội bộ Ban Thường vụ Đảng uỷ, tập thể lãnh đạo Viện Hàn lâm mất đoàn kết.

Ông Quang cũng vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương, về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; thiếu trách nhiệm, buông lỏng chỉ đạo, quản lý; thiếu kiểm tra, giám sát để Viện Hàn lâm và một số đơn vị trực thuộc có nhiều vi phạm kéo dài trong công tác cán bộ, quản lý sử dụng tài chính, tài sản, đầu tư công; quản lý nghiên cứu khoa học, đào tạo; giải quyết khiếu nại, tố cáo; không thực hiện nghiêm chỉ đạo, kết luận của các tổ chức đảng cấp trên...

Từ việc 3 trường hợp thôi giam gia Ban Chấp hành v Đảng khóa XIII, các chuyên gia cho rằng, muốn hình thành văn hóa từ chức, cần phải kiên trì trong thực hiện, từ Trung ương cho đến địa phương. Còn về lâu dài, không chỉ những người bị kỷ luật, mà ngay cả người sợ sai, năng lực hạn chế, không dám quyết, dám làm cũng tự giác “rời ghế” cho người xứng đáng hơn thay thế.

Theo ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội, việc 3 Ủy viên Trung ương Đảng, gồm các ông: Huỳnh Tấn Việt, Nguyễn Thành Phong, Bùi Nhật Quang thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là thực hiện theo Thông báo Kết luận số 20 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.

Còn, để hình thành văn hóa từ chức cần có thời gian rất dài với sự kiên trì, kiên định trong việc thực hiện. Bởi trong hệ thống hiện nay, với nhiều người, từ chức vẫn còn là điều gì đó rất nặng nề, chưa kể xung quanh cái “chức tước” đó còn có biết bao nhiêu “quyền lợi” đi kèm theo. “Phấn đấu bao năm mới vào được Ủy viên Trung ương nên về mặt con người, không ai muốn từ chức cả”, ông Chức nói.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, với tâm lý của người Á Đông, đang làm vị trí đó, giờ từ chức thì lại mất hết mọi thứ, lo lắng dư luận cười chê. Thậm chí có người bị kỷ luật rồi nhưng vẫn cố “bấu víu” chức vụ, chờ được “trợ giúp”. Chưa kể còn có suy nghĩ rằng, “tổ chức có nói gì đâu mà mình lại xin từ chức, mình từ chức là mình dại”.

Tuy nhiên, theo ông Dĩnh, sau khi Bộ Chính trị ban hành Thông báo Kết luận 20 và Ban Tổ chức Trung ương có hướng dẫn cụ thể thì không còn lý do gì để những người bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp “bấu víu” giữ “ghế” nữa. Nếu không tự giác xin nghỉ thì tổ chức sẽ vận động, khuyến khích để cán bộ từ chức, không từ chức thì sẽ không còn danh dự và uy tín.

Khẳng định việc Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ bị kỷ luật từ chức là quyết định đúng đắn, tuy nhiên các chuyên gia lưu ý, việc thực hiện phải công tâm, khách quan, kiên trì, không nể nang, né tránh; không để xảy ra tình trạng, cùng hành vi vi phạm, mức kỷ luật mà người này từ chức, còn người kia thì không, gây nảy sinh tâm tư.

Đặc biệt, trong khi chưa thành được tiền lệ, chưa hình thành được văn hóa từ chức thì không nên chỉ dựa vào ý thức tự giác, của cán bộ mà phải có sự vào cuộc của cấp ủy, của cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ.

Đã là con người thì thường tham, sân, si, trong khi quyền lực luôn có sự sức hút, cám dỗ lớn nên nếu chỉ chờ đợi vào sự tự giác của cán bộ thì khó tạo được tính hiệu quả cao. Nói thẳng chẳng mấy ai chịu tự giác đâu. Cho nên bắt buộc các cơ quan làm công tác cán bộ phải chủ động vào cuộc để vận động, giải thích, khuyến khích những người bị kỷ luật từ chức để giữ danh dự cho chính bản thân, cũng như cơ quan, đơn vị nơi mình đang công tác”, ông Chức góp ý.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Dĩnh khẳng định, cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ có vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành tiền lệ từ chức. Theo ông, trong Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương thực hiện Thông báo Kết luận 20 đã nêu rõ: Đối với cán bộ là Ủy viên Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương trao đổi với cán bộ bị kỷ luật; trao đổi với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi cán bộ công tác về việc thực hiện chủ trương của Đảng, gồm cả trường hợp cán bộ bị kỷ luật là người đứng đầu.

“Như vậy, trong trường hợp cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, không tự giác rời ghế, thì Ban Tổ chức Trung ương cần chủ động, tích cực trao đổi, vận động đối với cán bộ đó”, ông Dĩnh lưu ý.

Trước mắt để tạo thành tiền lệ từ chức theo Thông báo Kết luận số 20 của Bộ Chính trị, một chuyên gia từng có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tổ chức, cán bộ cho rằng cần lan tỏa việc thực hiện này từ Trung ương xuống xuống địa phương. “Giống như trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với sự quyết liệt của Trung ương tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” đã dần được hạn chế. Nay việc khuyến khích cán bộ bị kỷ luật từ chức cũng phải như thế. Không thể để tình trạng trên thì từ chức, còn cán bộ cấp dưới bị kỷ luật cứ ngồi đó”, vị chuyên gia nói.

Về lâu dài, các chuyên gia cho rằng, cần hướng đến mục tiêu, không chỉ cán bộ bị kỷ luật, mà cán bộ sợ sai, không dám quyết, dám làm, hoặc làm việc không hiệu quả cũng nên rời ghế để những người xứng đáng hơn đảm nhận.

“Ở nhiều nước trên thế giới, quan chức vi phạm nhỏ, gây bức xúc cho người dân thôi là đã có thể xin từ chức. Một vụ tai nạn giao thông lớn xảy ra, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng có thể xin thôi chức vụ. Đấy chính là văn hóa từ chức mà chúng ta cần hướng đến”, ông Nguyễn Viết Chức nói.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng thừa nhận, để xây dựng được văn hóa từ chức là rất khó, cần rất nhiều thời gian. “Khó không có nghĩa là không làm được, càng khó càng phải làm, càng khó càng phải kiên trì thực hiện, có thể thì mới hình thành nên văn hóa từ chức”, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa – Giáo dục Nguyễn Viết Chức nói. Ông đồng thời cho rằng, về lâu dài, việc từ chức không chỉ áp dụng đối với những người bị kỷ luật, mà ngay cả những người sợ sai, không dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung cũng nên dũng cảm rời “ghế” để những người xứng đáng hơn.

“Một công trình hàng nghìn tỷ đồng, giao cho anh thực hiện mà không hiệu quả, chậm trễ, đội vốn thì cũng nên được thay thế để người khác làm. Anh là người đứng đầu địa phương, đứng đầu ngành, nhưng năng lực hạn chế khiến cho kinh tế địa phương không phát triển thì cũng nên xin thôi chức để nhường ghế cho người khác làm”, ông Chức nói.

Theo ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, khi Đảng đã mở đường, các cơ quan nhà nước cũng nên tiếp nối, luật hoá bằng các quy định cụ thể để việc từ chức được thực hiện hiệu quả, nhất quán trong bộ máy hành chính từ Trung ương xuống địa phương.

Khoảng 10 năm lại đây, đã có hơn 170 cán bộ cấp cao, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng bị kỷ luật, nhưng gần như không thấy có cán bộ nào chủ động xin từ chức. Vì thế, việc có đến 3 Uỷ viên cùng lúc thôi tham gia Ban chấp hành Trung ương được nhiều người kỳ vọng "mở đường" hình thành nên văn hóa từ chức. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

Trước tiên, nhìn rộng ra các nước, chúng ta đều thấy, khi quan chức không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc để xảy ra vụ việc gì đó trong cơ quan, đơn vị, không còn đủ tín nhiệm nữa, họ sẽ xin từ chức, thôi không làm nhiệm vụ nữa. Đó là chuyện rất bình thường, thành truyền thống.

Còn chúng ta khái niệm từ chức dường như còn rất mới mẻ. Trước giờ tôi thấy trường hợp xin từ chức theo đúng nghĩa, có lẽ là trường hợp của ông Lê Huy Ngọ. Cách đây, gần 19 năm (năm 2004), khi đó đang là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Ngọ đã xin từ chức để nhận trách nhiệm trong một vụ việc. Từ chức, thực chất đó cũng là một văn hoá. Khi cảm thấy không còn đủ năng lực, tín nhiệm, hoặc không còn đủ sức khoẻ, uy tín thì nên xin từ chức, xin thôi nhiệm vụ để người khác đảm đương thay mình. Làm sao phải coi đó là việc rất bình thường chứ không phải cái gì đó quá nặng nề.

Với 3 Uỷ viên thôi tham gia Ban chấp hành Trung ương vừa qua, tôi nghĩ rằng nó đã mở ra một tiền lệ tốt. Dù không thích thú gì, nhưng ở một góc độ khác, điều đó cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Người không hoàn thành nhiệm vụ, có tỳ vết, không có điều kiện đảm đương công việc nữa thì xin từ chức để tạo điều kiện cho người khác có khả năng làm tốt hơn thay thế.

Đặc biệt, lâu nay dư luận ngoài xã hội cũng hay nói câu rất khôi hài rằng: "Cán bộ rất đỗi tự hào, đã lên không xuống, đã vào không ra". Việc hình thành văn hoá từ chức sẽ xoá đi cái ấn tượng không tốt này trong công tác cán bộ. Mặt khác cũng mở ra tiền lệ, để cán bộ dù không đến mức bị cách chức, nhưng bản thân thấy mình không đủ điều kiện để tiếp tục công việc thì họ xin từ chức.

Rõ ràng việc từ chức như vậy cũng sẽ mở ra tiền lệ mới. Không chỉ ở Trung ương, mà tôi hi vọng sẽ lan toả xuống địa phương, cấp uỷ các tỉnh, thành, quận, huyện.

Nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ những người bị kỷ luật mà ngay cả những người năng lực hạn chế, sợ sai, không dám quyết, không dám làm, hoặc làm không hiệu quả cũng nên mạnh dạn xin từ chức, nhường ghế cho những người xứng đáng hơn, ông nghĩ sao?

Quả đúng là như vậy. Tôi đã từng phát biểu, không phải chỉ những người có tỳ vết, bị kỷ luật đâu, mà có những trường hợp không đủ uy tín, năng lực, dù chưa đến mức bị kỷ luật nhưng nếu cảm thấy vị trí này, công việc này quá nặng với mình, thấy gánh không nổi, hay vì lý do sức khoẻ, gánh nặng từ phía gia đình…họ cũng nên xin từ chức. Điều đó cũng tạo điều kiện tốt cho người khác phát triển.


Hay với những ai không dám làm, không dám quyết, thiếu bản lĩnh, sợ làm sai, thì anh có còn là cán bộ nữa không? Nhất là với cán bộ cấp cao, cán bộ chiến lược đòi hỏi phải có sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm… Khi không còn những cái “dám” đó nữa, tự nhiên anh trở thành vật cản cho cơ quan, tổ chức, thậm chí là vật cản cho xã hội, chức vụ càng cao, lực cản càng lớn.


Cho nên, nếu cán bộ mà sợ trách nhiệm, không dám làm cũng nên xin từ chức. Nếu cảm thấy công việc đang làm là gánh nặng với mình thì nên trao gánh nặng đó cho người khác đủ sức đảm đương. Sức vóc bản thân chỉ gánh được 50 cân, mà bắt gánh 100 cân thì gánh sao nổi? Với một chiếc áo quá rộng, dù có đẹp đến mấy, giá trị đến mấy cũng không nên mặc.

Từng chất vấn trên nghị trường về những dự án thua lỗ, yếu kém, những “quả đấm thép” tan chảy… theo ông, những trường hợp cán bộ liên quan đó có nên mạnh dạn xin từ chức?

Hiện nay chúng ta vẫn còn tồn tại nhiều dự án nghìn tỷ “đắp chiếu”, vậy cần phải quy rõ xem trách nhiệm cụ thể thuộc về ai? Theo tôi, những người gây ra hậu quả nặng nề này cũng nên xin từ chức. Không chỉ với những dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” mà còn nhiều dự án khác, rồi làm sai quy hoạch, gây hậu quả nặng nề, nếu có lòng tự trọng thì nên từ chức, đừng để đến khi các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc, lúc đó buộc anh phải bị cách chức thì chuyện lại khác rồi. Nếu xin chủ động từ chức với lý do không hoàn thành nhiệm vụ, như thế sẽ tốt hơn, vì dù sao vị cán bộ đó vẫn giữ được liêm sỉ, lòng tự trọng.

Cán bộ cũng cần xoá bỏ tâm lý đã làm quan là làm suốt đời, cũng đừng nghĩ công việc ấy chỉ có mình mới làm được còn người khác thì không. Xin thưa, xã hội còn rất nhiều người tài. Nếu mở rộng dân chủ, tuyển chọn rộng rãi, tôi tin sẽ có rất nhiều người đảm đương được, thậm chí còn làm tốt hơn.

Để việc từ chức trở thành văn hóa, theo ông cần phải làm gì?

Có thể thấy, Thông báo Kết luận số 20 của Bộ Chính trị, trong đó có việc khuyến khích người bị kỷ luật từ chức cũng là bước mở đường cho việc hình thành văn hoá từ chức. Đảng đã mở đường, thì các cơ quan nhà nước cũng nên tiếp nối, luật hoá bằng các quy định cụ thể, làm sao để chủ trương này được thực hiện hiệu quả, nhất quán.

Thế nào là từ chức? Ở mức độ nào thì cán bộ nên từ chức?... Tất cả cần phải được minh bạch hoá với những tiêu chí rõ ràng bằng các văn bản hướng dẫn cụ thể. Khi người ta nhìn vào đó, thấy bản thân không đủ các tiêu chí, thì người ta tự nguyện từ chức, không cần phải chờ đến khi các cơ quan của Đảng, cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc, xử lý. Bên cạnh đó cũng phải động viên, khuyến khích, đánh giá đó là những người có lòng tự trọng, ít nhất còn có liêm sỉ...

 

Cũng giống như Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã có kết luận thì chính quyền cũng phải có động tác tiếp theo cho phù hợp. Trong công tác cán bộ, từ chức cũng như thế, để sau này chúng ta không phải nói nhiều, hay ngạc nhiên khi lại có ông này, bà kia từ chức. Có lên có xuống, có vào có ra, từ chức phải coi đó là việc bình thường trong công tác cán bộ.

Mới đây ngành Y chứng kiến một cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo vô cùng đặc biệt, khi Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương Bạch Quốc Khánh, dù đủ điều kiện và thời gian công tác nhưng lại xin được thôi tái bổ nhiệm để làm chuyên môn, nhường vị trí lãnh đạo cho đồng nghiệp kế cận.

Hơn 2 tuần kể từ ngày “từ quan” về làm chuyên môn, TS Bạch Quốc Khánh đã có những chia sẻ với phóng viên Tiền Phong về quyết định và công việc hiện tại của mình.

Từ Viện trưởng, đứng đầu đơn vị, sau 2 tuần xuống làm Trưởng khoa, chịu sự chỉ đạo của biết bao người, ông cảm thấy thế nào?

Tôi thấy cũng bình thường mà (cười). Ngày đầu tiên tôi làm trưởng khoa, mọi người cười rất vui, vì thứ 2 (ngày 3-10) khi thực hiện lễ chuyển giao, kí các văn bản thì anh Nguyễn Hà Thanh (Viện trưởng) trao cho tôi quyết định bổ nhiệm làm Trưởng khoa. Đây cũng là quyết định đầu tiên mà tân Viện trưởng kí sau khi nhậm chức lãnh đạo Viện.

Khi anh Thanh trao cho tôi quyết định đó, tất cả mọi người đều rất vui, cười rất to. Với tôi đó là cái duyên, hai chúng tôi đã gắn bó và song hành với nhau suốt một chặng đường dài vì sự phát triển của ngành Huyết học và Truyền máu.

Thực ra quay trở lại làm Trưởng khoa Điều trị Hóa chất thì không có vấn đề gì vì đó là nơi tôi đã thuộc về và gắn bó từ đầu khi vào Viện. Khi quay trở lại với công việc bác sĩ điều trị, tôi sẽ phải đọc tài liệu nhiều hơn, xem bệnh nhân nhiều hơn. Tất nhiên, giờ tôi không làm trực tiếp như kê đơn thuốc hay làm bệnh án như trước nữa, vì đã một khoảng thời gian dài không trực tiếp điều trị trong bối cảnh công nghệ và kĩ thuật đã có nhiều bước tiến hiện đại.

Tuy nhiên, tôi vẫn có thể bằng kinh nghiệm của mình để xem bệnh nhân và trao đổi với anh em đồng nghiệp để điều trị. Viện trưởng có giao cho tôi một số công việc như phụ trách nghiên cứu khoa học của Viện, hướng dẫn học sinh, giảng bài… Tôi cũng đã 58 tuổi, dừng lại để quay lại cuộc sống của một bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt vì nghề nghiệp vẫn là thứ tôi say mê, sợ để dài quá thì sau này không quay lại kịp nữa.

Ngoài xã hội, người ta vẫn râm ran nói về tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, thế mà ông đang giữ chức Viện trưởng lại xin thôi được tái bổ nhiệm để về làm chuyên môn. Quyết định này của ông được mọi người đón nhận thế nào?

Ý định không làm Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương xuất hiện khá lâu rồi, từ thời của GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Khi đó Đảng ủy, ban Lãnh đạo Viện đã có những quy hoạch xa đến 10 năm. Chúng tôi xác định cần xây dựng đội ngũ kế cận lâu dài. Vì thế, việc tôi xin thôi tái bổ nhiệm cũng là việc bình thường.

Chuyện tôi xin về làm chuyên môn, ngay trong Viện, Đảng ủy cũng không ai nghĩ đến. Trước đó tôi chỉ trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hà Thanh và Trưởng phòng Tổ chức cán bộ chứ không nói rộng ra ngoài vì không cần thiết. Vì thế khi chúng tôi bắt đầu nhận được thông báo của Bộ Y tế về việc chuẩn bị cho quy trình bổ nhiệm lại của tôi thì tại cuộc họp Đảng ủy và với vai trò Bí thư Đảng ủy, tôi cũng trình bày nguyện vọng của mình. Lúc đó, mọi người đều không nhất trí. Thế nhưng khi tôi giải thích cặn kẽ thì mọi người đều đồng tính và nhất trí cao.

Tuy nhiên, với cán bộ viên chức của Viện, mọi người đều rất ngạc nhiên với quyết định này. Còn bạn bè tôi, mười người gọi điện thoại thì 9 người chung thắc mắc, đều hỏi tôi có dính “phốt” gì không mà từ chức (cười). Khi tôi trao đổi với Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, bạn ấy có vẻ không tin lắm.

 

Ông có nghĩ việc mình làm có thể khiến nhiều người thay đổi suy nghĩ về quan điểm “chức tước” không?

Tôi nghĩ việc đó cũng cần một số điều kiện cụ thể, nhất định. Ví dụ như phải đào tạo, xây dựng đội ngũ thế hệ kế cận một cách xứng đáng, có tài, có đức. Đó là điều không đơn giản chút nào. Vì để đào tạo được người kế cận, có đủ năng lực, tài đức có khi phải mất 10 năm, 2 thế hệ Viện trưởng mới có thể có được người như mong muốn. Đây là vấn đề được Đảng ủy, Ban lãnh đạo Viện rất quan tâm. Viện đã có những quy hoạch xa đến 10 năm. Nên từ lúc anh Nguyễn Anh Trí làm Viện trưởng đã tính toán đến việc xây dựng đội ngũ kế cận lâu dài. 

 

Đó cũng là truyền thống của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Nếu mình chuẩn bị trước vài năm đội ngũ kế cận thì hoàn toàn có thể lựa chọn được. Nhưng đồng thời với đó mình phải chứng minh qua năm tháng rằng sự lựa chọn đó là đúng, bản thân người được lựa chọn đó cũng phải cố gắng rất nhiều.

Điều ông muốn nhắn nhủ thế hệ lãnh đạo tiếp nối mình là gì?

Khi mình ở vị trí lãnh đạo không chỉ là nghĩ về câu chuyện của những năm mình làm, mà cần nghĩ đến những năm sau khi nghỉ hưu để chuẩn bị cho sự ổn định, tiếp tục phát triển của đơn vị.

Ông nghĩ thế nào về văn hóa từ chức và có nên khuyến khích điều đó không?

Thực ra điều này nó liên quan đến cụ thể một đơn vị và những con người trong đó. Tôi nghĩ rằng nó tùy theo từng hoàn cảnh để quyết định và mỗi cá nhân luôn phải đặt lợi ích tập thể lên trên hết mới làm được. Chứ không đặt lợi ích tập thể lên trên và không hướng về tương lai thì sẽ không bao giờ làm được. Tôi thì nghĩ rằng kể cả có làm trọn vẹn cả nhiệm kì thì mình cũng phải tính toán câu chuyện xây dựng đội ngũ để kế cận.

 

Mọi người đặt câu hỏi với tôi là đang là Viện trưởng giờ xuống làm Trưởng khoa thì có thể chịu đựng được không? Với tôi không có sự chịu đựng nào ở đây cả. Thật ra mọi người mới nhìn duy nhất ở khía cạnh chức vụ, nhưng con người còn nhiều thứ khác, chứ đâu hẳn ở chức tước.

Trở thành “người bình thường” theo đúng nguyện vọng rồi, giờ đây ông có mong ước gì?

Một trong những sở thích tôi muốn làm đó là trở về nhà sau khi làm việc, có thể là sớm, có thể là muộn nhưng kiểu gì tôi cũng phải trở về nhà. Về nhà có một không gian rất khác, nó đem lại cho mình sự thư giãn tuyệt vời, ví dụ như nghe nhạc hay xem phim hoặc có thể đọc sách hay vào mạng đọc tài liệu chẳng hạn. Thế nhưng, trong những năm ở  vai trò quản lí, cuộc sống của người làm nghề y rất bận rộn, đi trực, đi làm, thời gian dành cho gia đình cứ thế bị cuốn đi. Việc tôi xuống làm chuyên môn cũng chính là bước đệm ấy giúp mình cân bằng cuộc sống và làm việc với nghề của mình, rèn giũa chuyên môn và dành thời gian cho gia đình.

Chuyến đi nghỉ đầu tiên sau khi rời vị trí lãnh đạo Viện cũng rất ấn tượng vì không bị ai làm phiền, không bị ai gọi điện thoại. Do trước đây vì công việc nên không thể không nghe điện thoại, mình đi nghỉ cũng không thoải mái lắm. Bây giờ đi cùng gia đình rất thoải mái. Ngay tuần đầu tiên ở vị trí mới, đi làm ở Viện tôi cũng thấy thoải mái lắm, có cảm giác rất tự do (cười to - PV).

Cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện!

“Thông báo kết luận số 20 của Bộ Chính trị như một lời cảnh tỉnh, đánh thức lòng tự trọng tối thiểu, bên cạnh đó là sự răn đe, nếu cảnh tỉnh mà không được thì sẽ trừng trị, nên mới có hiện tượng từ chức như chúng ta đã thấy. Đó là bước đột phá trong thúc đẩy văn hoá từ chức”, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân chia sẻ với Tiền Phong.

Từ chức và văn hoá từ chức là vấn đề được nhắc đến nhiều trong thời gian qua, nhưng vì sao khi nói đến vấn đề này, người ta lại hay nhắc đến trường hợp của ông Lê Huy Ngọ, thưa ông?

Từ chức, từ nhiệm, hay từ quan là thuật ngữ từng lưu hành trong chế độ xã hội phong kiến trước đây, và đã có những con người cụ thể thực hiện. Mỗi thuật ngữ phản ánh tâm thế, trạng thái, hoàn cảnh cụ thể đối với hành vi ấy. Trong đó từ chức bao hàm cả điều kiện làm việc và năng lực bản thân. Xã hội phong kiến, từ quan, từ nhiệm, từ chức diễn ra bình thường, được lịch sử ghi lại.

Còn trong bộ máy của chúng ta hàng chục năm qua, cán bộ từ chức lại rất hiếm. Có lẽ dư luận chỉ nhớ đến việc từ chức của ông Lê Huy Ngọ, khi ngành nông nghiệp xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực, đặc biệt vụ án Lã Thị Kim Oanh. Trước Quốc hội, ông Lê Huy Ngọ đã xin từ chức và được nhiều người hoan nghênh, đánh giá cao. Vì sao? Vì lúc đó nhiều người cho rằng, ông Lê Huy Ngọ từ chức chủ yếu vì danh dự của người đứng đầu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong ngành.

Sở dĩ dư luận đánh giá cao, vì họ cho rằng ông ấy là người có nhận thức đầy đủ về danh dự của một vị thượng thư, và ông ấy có lòng tự trọng cao; thứ nữa, ông ấy thấy việc xảy ra trong nội bộ ngành đã ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, nên từ chức để bảo toàn danh dự không chỉ cho Bộ NN&PTNT mà còn cho uy tín của Đảng, Nhà nước nữa. Nhưng suốt từ đó đến nay, dường như không có trường hợp nào từ chức cả.

Nhiều người cho rằng, Thông báo kết luận 20 của Bộ Chính trị vừa ban hành sẽ mở đường cho văn hoá từ chức, thưa ông?

Trước đây, một số trường hợp dù thanh danh đã không còn nhưng vẫn cố giữ lấy chức, cố giữ lấy cái ghế quyền lực. Vì cái ghế ấy, chức tước ấy vẫn mang lại lợi lộc cho họ; vì nữa là họ không trọng liêm sỉ, không trọng danh dự, chỉ biết nghĩ đến lợi ích của gia đình, bản thân...

Đến gần đây, Bộ Chính trị ban hành Thông báo kết luận số 20, đưa ra các tình huống và khuyến khích việc từ chức, nếu không sẽ xử lý kỷ luật. Điều này, trước hết là khơi dậy lòng tự trọng của cán bộ, khi đã bị kỷ luật, uy tín giảm sút thì nên nghỉ để người khác thay thế. Tại Hội nghị Trung ương 6 vừa qua, bước đầu đã có 3 trường hợp được cho thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Có thể thấy, Thông báo kết luận 20 của Bộ Chính trị như một lời cảnh tỉnh, thức tỉnh lòng tự trọng tối thiểu, bên cạnh đó là sự răn đe, cảnh tỉnh, nếu không tự rút lui thì sẽ xem xét xử lý, nên mới có hiện tượng từ chức như chúng ta đã thấy. Đó là bước đột phá trong thúc đẩy văn hoá từ chức.

Ngoài những trường hợp bị kỷ luật, người năng lực hạn chế, không dám quyết, không dám làm, sợ sai, thậm chí “ngồi nhầm chỗ”… có nên xem xét “rời ghế” không?

Ngoài các trường hợp trên, tôi suy nghĩ thêm rằng, có lẽ phải tiếp tục thực nghiệm tinh thần Thông báo kết luận số 20, để bổ sung thêm những tình huống khác nữa, làm sao thúc đẩy được quá trình tự rút lui, từ chức của những người thấy mình “ngồi nhầm chỗ”. Năng lực không có cũng nên từ chức sớm, nếu không sẽ gây hậu quả cho tổ chức, đơn vị, lớn hơn là tổn hại đến thanh danh của Đảng, Nhà nước.

Cần phải có những chế tài nghiêm khắc hơn, vì có những người không làm được việc, ngồi đó sẽ cản trở sự phát triển của chính cơ quan, đơn vị, địa phương, bộ ngành đó. Ví dụ, một vị chủ tịch tỉnh, cả nhiệm kỳ không làm gì cả, kinh tế- xã hội của địa phương không phát triển, nhiều dự án, công trình không triển khai được là gây hại. Tương tự như vậy, ở các cấp khác, người đứng đầu không làm gì, khiến công việc đình trệ, tác động đến hiệu quả, công việc của bộ máy Nhà nước, tác động đến phát triển kinh tế- xã hội, như thế là tội chứ?

Theo ông, khâu “đầu vào” cần phải được kiểm soát, chọn lọc thế nào để lựa chọn được cán bộ, nhân sự xứng tầm, đủ tâm, đủ tài?

 

Trong nhiều năm qua, tôi thường xuyên nói về công tác cán bộ. Tôi từng cảnh báo, thể chế về công tác cán bộ nói chung, công tác nhân sự nói riêng còn một số kẽ hở. Vì chúng ta chưa có quy định để trừng phạt những hành vi gian lận trong quá trình tiến cử, đề cử, thẩm định hồ sơ, xem xét giới thiệu, nên mới "lọt lưới" cán bộ không xứng đáng, có sai phạm. Đó chính là khâu kiểm soát chất lượng đầu vào. Cũng như xây một ngôi nhà, nếu phát hiện vật liệu rởm, kém chất lượng thì vứt bỏ. Ai thiết kế, tư vấn mua vật liệu đó, ai thẩm định sử dụng, cung cấp vật liệu rởm đó đều bị xử lý về mặt kinh tế, hoặc hình sự.

Bên cạnh đó cũng cần phải phân loại cán bộ. Một nhà khoa học có thể giỏi trong nghiên cứu, phát minh, sáng chế nhưng chưa chắc đã trở thành một chính trị gia trong khởi xướng chính sách và vận động thực thi chính sách được. Họ cũng có thể không trở thành một nhà quản lý, chỉ huy được. Vì phân công không đúng người, không đúng vai nên họ vô tình vi phạm. Vì không có năng lực, chuyên môn, không đủ trí tuệ để phân biệt đúng sai, nên họ vô tình mắc bẫy cấp dưới trình lên, và họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Bên cạnh đó, trong công tác cán bộ, tính giám sát theo hệ thống cũng làm chưa tốt. Cấp uỷ, chính quyền ở từng cấp, dù quy định có nhưng còn tình trạng nể nang, dè dặt, sợ hãi uy quyền của người đứng đầu, không dám lên tiếng, để họ mặc sức lộng hành, vô hiệu hoá sức mạnh tập thể, sức chiến đấu không có, dẫn đến a dua, ba phải…

Đáng lưu ý là chính sách trọng dụng nhân tài. Nghị quyết của Đảng đều đề cập nhưng lại chưa có nghị quyết chuyên đề về trọng dụng nhân tài. Cho nên cơ sở pháp lý không có, chỉ có cơ sở chính trị thôi. Tôi nhiều lần kiến nghị phải có Luật Trọng dụng nhân tài. Vì không có cơ sở pháp lý, nên mỗi nơi làm một kiểu, không cưỡng bức, buộc phải sử dụng nhân tài, dẫn đến chảy máu chất xám.

Gần 40 nghìn người nghỉ việc trong thời gian qua, tôi tin trong số đó nhiều cán bộ, viên chức là những người có năng lực, được bên ngoài trọng dụng, nên họ rời bỏ cơ quan Nhà nước. Ngoài đối đãi về vật chất, có lẽ còn lý do lòng tự trọng của họ bị tổn thương. Nhưng tôi tin, nếu các vị lãnh đạo quản lý ở cơ quan đó là những người thực tâm, thực tài, đủ sức tạo ra nguồn cảm hứng, dẫu có đói họ vẫn làm, vẫn gắn bó và cống hiến…

Theo quy định giữa nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Kết quả từ số phiếu sẽ là thước đo tín nhiệm, để người được lấy phiếu soi lại mình và có thể nghĩ đến văn hoá từ chức, nếu đạt tín nhiệm thấp?

Quốc hội khoá XIII đã có nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Khi thảo luận, nhiều ý kiến đã đề nghị thay lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng với tinh thần thực nghiệm, vừa làm vừa tổng kết, nên đưa ra ba mức tín nhiệm, nhưng việc thực nghiệm diễn ra đã lâu mà chưa có tổng kết, đánh giá. Cả ba phương án đều là tín nhiệm, trong khi có những trường hợp đại biểu không còn tín nhiệm nữa, thì không có ô nào để thể hiện cả. Nên phải xem xét lại, trên cơ sở tổng kết đánh giá, xem tác động như thế nào và bất hợp lý chỗ nào phải sửa.

Bên cạnh đó, theo nghị quyết, ai tín nhiệm thấp dưới 50% sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng tôi nghĩ không cần. Bởi theo tinh thần Thông báo kết luận 20 của Bộ Chính trị thì không cần bỏ phiếu tín nhiệm nữa. Một là anh từ chức, hai là bỏ phiếu bãi nhiệm anh thôi. Nên nghị quyết cần sớm được tổng kết, xem xét lại cho phù hợp. Theo tôi, chỉ nên đưa ra hai mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”.

Ngoài ra, nếu một nhiệm kỳ chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần vào giữa nhiệm kỳ (còn cuối nhiệm kỳ đương nhiên rồi), như vậy thì hơi ít. Tôi nghĩ mỗi năm nên lấy phiếu một lần thì chúng ta mới kịp thời thay đổi được cán bộ khi họ không còn tín nhiệm nữa, nếu không sẽ trễ, mà thay đổi nhân sự trễ sẽ mất cơ hội thay đổi kinh tế - xã hội của địa phương, bộ, ngành. Cán bộ là có vào có ra, có động có mở theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương.

Đi liền với đó phải có quy định về việc trình bày chương trình hành động của các vị được Quốc hội bầu, phê chuẩn. Ví dụ, một bộ trưởng đưa ra chương trình hành động cho 5 năm, được cụ thể hoá thành kế hoạch từng năm. Ví như Bộ trưởng GTVT nói “tôi sẽ làm được 2 nghìn km đường, mỗi năm tôi làm 400 km, từ điểm A đến điểm B”. Năm đầu tiên bộ trưởng làm, cuối năm Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm. Nếu anh hứa một đằng, làm một nẻo, đương nhiên sẽ có cơ sở để bỏ phiếu, như vậy sẽ hiệu quả, sát thực hơn.

Cảm ơn ông!

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất