Tác phẩm đoạt giải

Luân chuyển cán bộ: Bước tiến mang tính đột phá trong công tác cán bộ của Đảng

Đảng ta có chủ trương từ rất sớm về công tác luân chuyển cán bộ. Đây được xem như là công đoạn tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thực tế; thông qua công tác luân chuyển giúp cán bộ có điều kiện, môi trường rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành, phát triển nhanh và toàn diện hơn. Đây cũng là một bước tiến mang tính đột phát trong công tác cán bộ của Đảng nhằm thử thách và đào tạo ra những cán bộ nhiều bản lĩnh, kinh nghiệm gắn với thực tiễn ở cơ sở…

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị quán triệt, triển khai Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28-4-2022 của Bộ Chính trị “Về luân chuyển cán bộ” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố, ngày 28-5.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị quán triệt, triển khai Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28-4-2022 của Bộ Chính trị “Về luân chuyển cán bộ” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố, ngày 28-5.

Do chúng ta có chủ trương từ rất sớm và đã thực hiện rất tốt, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trưởng thành từ luân chuyển cán bộ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn chỗ này, chỗ kia, cấp này, cấp khác, lĩnh vực này, lĩnh vực khác… còn chưa thực hiện tốt chủ trương luân chuyển cán bộ, còn bộc lộ một số mặt hạn chế, bất cập.

Chính vì vậy, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 65-QĐ/TW nhằm kế thừa những vấn đề, nội dung còn phù hợp trong các văn bản trước đây về công tác điều động, luân chuyển cán bộ; bên cạnh đó, bổ sung những vấn đề mới, sát với thực tiễn, phù hợp với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là công tác cán bộ hiện nay.

Quy định này cùng với rất nhiều quy định, quy chế khác trở thành một hệ thống các văn bản để thực hiện công tác cán bộ tốt hơn, khắc phục được những hạn chế, tiêu cực và thực sự khiến công tác cán bộ đóng vai trò then chốt của nhiệm vụ then chốt trong công tác "xây dựng Đảng".

BÀI 1: “LÒ LUYỆN” CÁN BỘ TRONG THỰC TIỄN

Điều động, luân chuyển có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác cán bộ với mục tiêu đào tạo, rèn luyện đội ngũ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Chủ trương mang tầm chiến lược của Đảng

Cán bộ nói chung, cán bộ cấp chiến lược nói riêng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành, bại của cách mạng Việt Nam. Xây dựng đội ngũ cán bộ là một nhiệm vụ then chốt của Đảng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng".

Trong suốt quá trình sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nói về điều động, bố trí cán bộ: "Khi cần điều động một người cán bộ cao cấp, thì phải nói rõ lý lịch, năng lực, ưu điểm và khuyết điểm của cán bộ ấy; và vì sao cần phải điều động" (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, tập 6, tr.417). "Phải chịu khó, chịu khổ, khắc phục khó khăn, chấp hành mệnh lệnh, cố sức làm việc với tinh thần xung phong và thi đua. Làm việc gì phải học tập chuyên môn việc ấy. Thường xuyên tổ chức học tập văn hóa. Qua từng thời gian công tác sẽ luân chuyển về chỉnh huấn chính trị" (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, tập 8, tr.332).

Thấm nhuần lời dạy của Bác, nhận thức được tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định liên quan đến công tác xây dựng cán bộ, trong đó có công tác luân chuyển cán bộ.

Đó là Nghị quyết số 03-NQ/HNTW ngày 18-6-1997 Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII, về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam trong sạch, vững mạnh; Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 25-1-2002, của Bộ Chính trị, về "Luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp"; Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 30-11-2004, của Bộ Chính trị, về "Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"; Kết luận số 37-KL/TW, ngày 2-2-2009, của Hội nghị Trung ương 9 khóa X, về "Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020"; Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16-1-2012, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"; Kết luận số 24-KL/TW, ngày 5-6-2012, của Bộ Chính trị, về "Tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo"; chủ trương này tiếp tục được nêu tại Quy định số 98-QĐ/TW, ngày 7-10-2017, của Bộ Chính trị, về luân chuyển cán bộ; Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, về "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ".

Và đặc biệt, Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 65-QĐ/TW, ngày 28-4-2022 về luân chuyển cán bộ, để thay thế Quy định số 98-QĐ/TW, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Thử thách và rèn luyện

Quy định số 65-QĐ/TW sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phục vụ cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt góp phần rất quan trọng cho công tác cán bộ của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Mục tiêu của công tác luân chuyển cán bộ là tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn, giúp cho cán bộ có thêm kiến thức thực tế và phát triển nhanh, toàn diện hơn.

Để thực hiện tốt mục tiêu đó, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương cho rằng cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần làm tốt, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ nói chung và luân chuyển cán bộ cấp chiến lược nói riêng theo đúng Quy định mới của Bộ Chính trị.

Đầu tiên, cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu trong việc quán triệt sâu sắc quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu của Đảng, nhất là Quy định số 65-QĐ/TW của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ. Xác định rõ luân chuyển cán bộ là việc phân công hoặc bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý giữ một chức danh lãnh đạo, quản lý khác trong một thời hạn nhất định để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, thử thách và rèn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc yêu cầu của chức danh được quy hoạch.

Thực hiện tốt việc quản lý, giám sát, đánh giá, nhận xét cán bộ luân chuyển và xây dựng chính sách, chế độ phù hợp nhằm tạo điều kiện, môi trường cho cán bộ luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Luân chuyển cán bộ phải bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa các cấp, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa công tác quy hoạch cán bộ với luân chuyển cán bộ.

Luân chuyển để đào tạo, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn với tăng cường cán bộ cho những địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, có khó khăn, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, cục bộ, khép kín. Góp phần thúc đẩy thực hiện chủ trương bố trí lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và người đứng đầu không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp; giữa yêu cầu luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Trung ương với việc tạo nguồn cán bộ tại chỗ của địa phương, cơ quan, đơn vị, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trước mắt, vừa chuẩn bị nguồn cán bộ lâu dài.

Cụ thể hơn, theo Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương, trên cơ sở quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2025-2030, 2026-2031 được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ, lựa chọn đúng cán bộ để xem xét, đưa đi luân chuyển nhằm rèn luyện, thử thách ở những địa bàn, lĩnh vực quan trọng, cần thiết, vừa để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, vừa để rèn luyện cán bộ trưởng thành trong thực tiễn. Từ đó, chủ động về nguồn nhân sự cấp ủy, lãnh đạo chính quyền nhiệm kỳ kế tiếp cho cả Trung ương và địa phương.

Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác luân chuyển cán bộ phải bảo đảm công tâm, khách quan trong đánh giá cán bộ; dân chủ, công khai, minh bạch trong tổ chức thực hiện; đồng thời, phải chủ động bồi dưỡng, trang bị kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành cho cán bộ luân chuyển và có dự kiến, phương án, kế hoạch tổng thể, phù hợp để bố trí, sắp xếp cán bộ sau luân chuyển.

Đồng chí Nguyễn Quang Dương nhấn mạnh yêu cầu cán bộ luân chuyển phải quán triệt sâu sắc quan điểm luân chuyển để đào tạo, rèn luyện, thử thách, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, không phải để lên chức vụ cao hơn. Phải thực sự cầu thị, khiêm tốn, tích cực học hỏi, nâng cao ý thức phấn đấu, rèn luyện, gắn bó mật thiết với địa phương, cơ quan, đơn vị nơi luân chuyển đến.

Cán bộ luân chuyển phải là các đồng chí có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực công tác, uy tín; đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của chức vụ đảm nhiệm khi luân chuyển; được quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý, có triển vọng phát triển.

Đối với cán bộ diện Trung ương quản lý, để góp phần đẩy mạnh thực hiện chủ trương về luân chuyển cán bộ, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng nên xem xét, lựa chọn những cán bộ là cấp thứ trưởng, còn ít nhất 10 năm công tác, có phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực nổi trội, công tác ở các lĩnh vực trọng yếu, quan trọng hiện thiếu nguồn cán bộ kế cận theo yêu cầu của Trung ương.

Bên cạnh đó, không thực hiện tăng thêm chức danh để luân chuyển cán bộ; trường hợp đặc biệt, cần tăng thêm chức danh ngoài quy định, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ xem xét cụ thể để luân chuyển và bố trí cán bộ sau luân chuyển.

Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hài hòa giữa luân chuyển cán bộ để đào tạo với bố trí, sử dụng nguồn cán bộ tại chỗ; vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trước mắt, vừa đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ lâu dài.

Về bố trí chức danh khi luân chuyển, cơ bản thực hiện theo nguyên tắc bố trí giữ chức vụ tương đương với chức vụ đang đảm nhiệm. Trường hợp cần thiết, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí chức vụ cao hơn chức vụ đang đảm nhiệm đối với cán bộ có phẩm chất, năng lực nổi trội, có khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của chức vụ dự kiến phân công, bố trí.

Nếu công tác luân chuyển cán bộ được thực hiện hiệu quả sẽ góp phần đào tạo, rèn luyện cán bộ và chủ động chuẩn bị nguồn cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, tạo sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ cán bộ.

Đồng chí Ngô Văn Tuấn: Thuận lợi nhất với cán bộ được luân chuyển từ Trung ương về địa phương là không bị không vướng bận bởi quan hệ, lợi ích nhóm, chỉ có một tâm nguyện là làm thật tốt nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Ngô Văn Tuấn: Thuận lợi nhất với cán bộ được luân chuyển từ Trung ương về địa phương là không bị không vướng bận bởi quan hệ, lợi ích nhóm, chỉ có một tâm nguyện là làm thật tốt nhiệm vụ được giao.

Không vướng bận 'quan hệ', lợi ích nhóm

Đã từng là cán bộ từ Trung ương về địa phương, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình khẳng định: "Chủ trương luân chuyển cán bộ giữa Trung ương và địa phương là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn và phù hợp".

Với cán bộ từ Trung ương về địa phương, thuận lợi là có tư duy bao quát về quản lý Nhà nước và có nhiều phương pháp tiếp cận để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra.

Bên cạnh đó, việc sâu sát, gắn bó, lăn lộn với cơ sở sẽ giúp cán bộ tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng quản lý Nhà nước, cũng như tổng kết thực tiễn để nâng tầm thành lý luận trong xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để phát triển một địa phương, một khu vực.

Ngay khi lên Hòa Bình, trong 4 tháng đầu, đồng chí Ngô Văn Tuấn đã trực tiếp đi hết các xã khó khăn của những huyện khó khăn nhất trong tỉnh để nắm bắt tình hình, từ đó, cùng lãnh đạo tỉnh xây dựng nghị quyết về chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2030 cho tỉnh Hòa Bình.

Theo đồng chí Ngô Văn Tuấn, thuận lợi nhất với cán bộ được luân chuyển từ Trung ương về địa phương là không bị không vướng bận bởi quan hệ, lợi ích nhóm, chỉ có một tâm nguyện là làm thật tốt nhiệm vụ được giao.

Nhưng cái khó là cán bộ quen công tác ở Trung ương, khi xuống làm công tác Đảng, công tác địa phương cần nhiều thời gian, tâm sức tìm hiểu, làm quen thực tiễn địa phương, "phong tục tập quán", nắm kỹ tình hình để xây dựng quyết sách phát triển cho thật trúng, thật đúng.

Đồng chí Ngô Văn Tuấn cho rằng, chủ trương bí thư cấp ủy không phải người địa phương là một quyết sách đúng đắn và quan trọng. Thời gian được điều động, luân chuyển có thể không dài nhưng giúp cán bộ làm phong phú hơn thực tiễn, quyết đoán hơn, cán bộ trưởng thành nhanh hơn rất nhiều so với việc chỉ làm ở một vị trí hoặc một đơn vị nhất định.

BÀI 2: NHẬN THỨC RÕ TRÁCH NHIỆM NẶNG NỀ ĐỂ HOÀN THÀNH SỨ MỆNH LỊCH SỬ

Chúng ta đã có nhiều bài học quý báu từ cha ông xưa trong cách dùng người và từ công tác cán bộ của Đảng trong suốt sự nghiệp cách mạng. Những bài học, giá trị quý báu đó đến nay vẫn được vận dụng rất hiệu quả, nhất là về chế độ, trách nhiệm trong công tác luân chuyển cán bộ. Cán bộ được luân chuyển phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình để nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, trưởng thành và phát triển, hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình.

Từ bài học của cha ông

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng, chủ trương luân chuyển cán bộ của Đảng và Nhà nước cũng là một cách áp dụng "Luật Hồi tỵ" trong tình hình mới. Thời vua Lê Thánh Tông, hồi tỵ được luật hóa trong Luật Hồng Đức, quy định việc quan lại không được lấy vợ, kết hôn, làm thông gia ở nơi mình cai quản; không được tậu đất, làm nhà nơi mình làm quan lớn; không được dùng người cùng quê giúp việc.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng.

Sang đời vua Minh Mạng, Luật Hồi tỵ còn triệt để hơn, được mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng, như quan lại nếu có bố, con, anh em ruột, chú bác, cô dì cùng làm một chỗ phải đổi đi chỗ khác; không được làm quan ở quê vợ, nơi đi học lúc còn trẻ; người có quan hệ thông gia, thầy trò cũng không được làm quan cùng một chỗ.

Luật Hồi tỵ đời vua Minh Mạng còn nghiêm cấm các quan đầu tỉnh không được đặt quan hệ giao du, kết thân, kết hôn nơi mình trị nhậm, cấm tậu nhà, tậu ruộng... trong địa hạt cai quản.

Trước đó, ngay từ thời Lý, hoạt động luân chuyển quan lại dần trở thành chế độ thường xuyên trong sử dụng đội ngũ quan lại thời phong kiến.

Nội dung của hoạt động điều chuyển quan lại là chuyển một viên quan từ vị trí này sang vị trí khác trong hệ thống quan trường, hay chuyển từ địa bàn trị nhậm của một viên quan từ nơi này sang nơi khác.

Việc luân chuyển có thể diễn ra đối với từng vị trí ở cấp Trung ương, có thể là sự điều động từ Trung ương xuống địa phương và ngược lại.

Hoạt động thăng, giáng chức cũng là hoạt động diễn ra bình thường. Có công được phong, có tội bị giáng, thậm chí bị cách hết mọi chức tước, nhưng sau đó vẫn có thể được phục hồi như cũ nếu có thành tích nổi bật.

Việc luân chuyển nhằm mục đích phát huy tối đa năng lực của quan lại thông qua việc điều chuyển sang vị trí thích hợp hơn, tạo sự công bằng về quyền lợi và trách nhiệm của quan lại, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định. Ngoài ra còn phòng tránh việc quan lại lợi dụng thời gian trị nhiệm lâu dài tại một địa phương hay một vị trí  nào đó để gây thanh thế lớn, có thể trở thành nguy cơ đe dọa sự an toàn của chế độ quân chủ.

Đến thời Trần, việc luân chuyển quan lại diễn ra thường xuyên hơn, được thực hiện bằng các quy định cụ thể của Nhà nước, thể hiện rõ trong việc điều động, phân bổ quan lại.

Dưới thời Lê Thánh Tông, hoạt động luân chuyển quan lại diễn ra dồn dập, quy mô rõ rệt. Trong lịch sử ghi nhận nhiều công thần khai quốc vốn bị tước hết quyền lực ở thời Lê Lợi nhưng đến thời Lê Thánh Tông lại được bổ dụng trở lại như Lê Khuyên được phục chức Nhập nội thiếu uý, Tham tri Hải Tây đạo chư vệ quân sự thái giám, Lê Khiêm được cử làm Đô áp nha tri tư bản sự.

Các quy định chế độ quan chức thời phong kiến vẫn giữ được giá trị lịch sử. Những bài học từ lịch sử không chỉ là những cái đã qua mà còn là người thầy dạy cho chúng ta hiểu biết, nghiên cứu, vận dụng vào thời đại ngày nay, nhất là về chế độ, trách nhiệm trong công tác luân chuyển cán bộ.

 Luân chuyển cán bộ không còn là "chuyện mới"

Ở thời kỳ hiện đại, công tác luân chuyển cán bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng là một chủ trương rất quan trọng trong công tác cán bộ nhằm tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ qua thực tiễn, nâng cao bản lĩnh chính trị, nhân sinh quan cách mạng, năng lực lãnh đạo toàn diện của đội ngũ cán bộ.

PGS.TS Đào Duy Quát - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương cho rằng, ngay trong thời kỳ kháng chiến chống giặc cứu nước ở thế kỷ XX, đã có sự thay đổi liên tục với các vị trí cán bộ hậu phương, tiền tuyến, dân quân tự vệ… Thực tiễn ấy chính là quá trình luân chuyển cán bộ.

PGS.TS Đào Duy Quát - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương.
PGS.TS Đào Duy Quát - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương.

"Sau khi đất nước giải phóng, bước vào thời kỳ xây dựng thống nhất, trong giai đoạn 1975-1985 chúng ta cũng đạt được một số thành tựu nhưng rõ ràng vẫn gặp khó khăn, nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, bị bao vây cấm vận. Một trong những nguyên nhân ấy, nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính là công tác cán bộ", PGS.TS Đào Duy Quát nhận định.

Từ trước Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986), Đảng đã có chủ trương điều cán bộ từ cơ quan Trung ương về nhận vai trò lãnh đạo chủ chốt ở địa phương. Và ngược lại, điều cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo các tỉnh, thành lớn về nhận công tác tại cơ quan Trung ương.

Sau 10 năm đổi mới, vào năm 1997, Đảng ta mới có nghị quyết đầu tiên về công tác cán bộ, trong đó luân chuyển là khâu quan trọng.

Nghị quyết số 03-NQ/HNTW ngày 18-6-1997 Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII đã đưa nội dung "luân chuyển cán bộ" vào một mục, theo đó sẽ "thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giữa các vùng, các ngành, các cấp nhằm sử dụng có hiệu quả và tạo nên sự đồng đều trong đội ngũ cán bộ; bồi dưỡng toàn diện cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn; khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ trong từng ngành, từng địa phương, từng tổ chức".

Nghị quyết cũng nói rằng "căn cứ vào đặc điểm từng vùng, từng ngành, từng cấp, nhu cầu công tác và năng lực, sở trường cán bộ, cấp uỷ Đảng lập quy hoạch, kế hoạch luân chuyển cán bộ theo một quy trình chặt chẽ và có chế độ, chính sách thích hợp". Đặc biệt, "mọi cán bộ, đảng viên phải phục tùng tuyệt đối quyết định điều động, luân chuyển của Đảng và Nhà nước".

Theo ông Đào Duy Quát, luân chuyển cán bộ là một chủ trương đúng, phù hợp với quy luật phát triển của cán bộ trước đây cũng như trong thời kỳ đổi mới.

Việc một cán bộ lãnh đạo được điều chuyển nhận công tác mới là việc bình thường trong đời sống chính trị của đất nước ta. Tuy nhiên, câu chuyện luân chuyển cán bộ đã được tiến hành một cách có hệ thống trong 25 năm trở lại đây. Bởi đây chính là một phần rất quan trọng trong chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng.

Trong giai đoạn 1999-2000, nhiều quyết định luân chuyển đáng chú ý đã được tiến hành trong Đảng. Có thể kể đến việc luân chuyển Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Trần Đình Hoan về làm Chánh Văn phòng Trung ương. Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Tô Huy Rứa được luân chuyển về làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển về làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Phan Diễn được điều về làm Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam - Đà Nẵng thay thế ông Trương Quang Được ra Hà Nội làm Trưởng Ban Dân vận Trung ương. Ông Nguyễn Minh Triết được điều trở lại TP. HCM làm Bí thư Thành ủy TP. HCM, trong khi Bí thư Thành ủy TPHCM Trương Tấn Sang ra làm Trưởng Ban Kinh tế Trung ương thay ông Phan Diễn.

Thời kỳ sau đó, việc luân chuyển cán bộ được đẩy mạnh hơn nữa để có một đội ngũ cán bộ của Đảng "phải vừa có đức, vừa có tài, trong đó đức là gốc", Đảng ta đã ban hành Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 25-1-2002 về việc luân chuyển cán bộ và lãnh đạo quản lý.

Nghị quyết nhấn mạnh: "Đây là một chủ trương rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, của toàn bộ hệ thống chính trị và các lực lượng vũ trang, nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ".

Ông Phạm Văn Thọ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Ðảng khoá IX nhắc lại giai đoạn năm này, khi Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Nguyễn Thị Kim Ngân luân chuyển làm Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, thay ông Nguyễn Văn Chiền, được cử làm Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.

Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Thép Việt Nam được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, thay ông Võ Ðức Huy được điều về làm Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương...

Ông Thọ hồi tưởng lại về nhân sự được luân chuyển thời gian đó, đều là những người còn trẻ, có năng lực, đã là Uỷ viên Trung ương Đảng và nằm trong chương trình luân chuyển cán bộ theo chủ trương của Ðảng và Nhà nước.

Luân chuyển đã tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong diện quy hoạch được rèn luyện, thử thách; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước; tăng cường cán bộ cho các lĩnh vực và địa bàn cần thiết; khắc phục tình trạng cục bộ trong công tác cán bộ, khép kín trong từng ngành, từng địa phương và từng đơn vị.

Đối với đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, công tác luân chuyển cán bộ lại càng có vai trò quan trọng, xuất phát từ chính vị trí, vai trò của đội ngũ này trong thực tiễn. Nhiều cán bộ cao cấp hiện nay cũng đều từng được "luân chuyển".

Nỗ lực phấn đấu cho nhiệm vụ nặng nề hơn

Trong bài phát biểu "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh về một cuộc chuyển giao lịch sử "từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau".

Ngay trong giai đoạn chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2021-2026, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quyết định số 98-QĐ/TW ngày 7/10/2017 về luân chuyển cán bộ. Trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ công tác luân chuyển cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng; ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen...

Bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị và cán bộ cấp chiến lược.

Cùng với đó là việc kết hợp luân chuyển với điều động, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ trong toàn hệ thống chính trị; tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn có nhu cầu, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu và cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ.

Đồng thời tiếp tục thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ kết hợp chặt chẽ với bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Kết quả từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã điều động 45 cán bộ diện Trung ương quản lý (trong đó có 34 ủy viên Trung ương Đảng, cả chính thức và dự khuyết) giữ chức bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối; chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Đồng thời đã phân công, bố trí công tác sau luân chuyển với 53 cán bộ.

Hội nghị gặp mặt các đồng chí cán bộ Trung ương điều động, luân chuyển diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Hội nghị gặp mặt các đồng chí cán bộ Trung ương điều động, luân chuyển diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Tại Hội nghị gặp mặt các đồng chí cán bộ Trung ương điều động, luân chuyển diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý vừa được tổ chức mới đây, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định điều động, luân chuyển cán bộ là chủ trương lớn của Đảng, trong đó điều động và luân chuyển có mối liên hệ mật thiết với nhau.

Trao đổi dưới góc độ là người trong thực tiễn đã luân chuyển ở nhiều vị trí công tác, đồng chí Võ Văn Thưởng mong muốn các đồng chí được điều động, luân chuyển phải nhận thức đúng và đầy đủ về trách nhiệm được giao, thực hiện đúng nguyên tắc,"nói đi đôi với làm", nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong phạm vi công tác được phân công; quan tâm làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại địa phương; thực sự quan tâm, giải quyết những vấn đề vướng mắc, khó khăn của nhân dân.

Đặc biệt, mỗi cán bộ được điều động, luân chuyển cần tích cực nêu gương, dành thời gian tìm hiểu đặc điểm, tình hình, phải trở thành một phần không thể thiếu của địa phương nơi được điều động, luân chuyển; chú trọng tự rèn luyện, tự đào tạo, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu công việc cao hơn khi được Bộ Chính trị, Ban Bí thư sắp xếp, phân công.

Chia sẻ với tâm sự của một số đại biểu về những lo lắng khi nhận nhiệm vụ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng "lo lắng khi nhận nhiệm vụ, sợ không hoàn thành nhiệm vụ, sợ không tạo ra sự đồng thuận, đó là sự lo lắng tích cực, lành mạnh... Khi chúng ta không thấy được sức nặng của công việc đè lên đôi vai mình thì sẽ thiếu nỗ lực để vượt qua, suy nghĩ những giải pháp để làm. Quá trình đi tìm giải pháp, khắc phục, giải quyết sự lo lắng là quá trình trưởng thành và tiến bộ của chính chúng ta"./.

BÀI 3: CHÚ TRỌNG ĐÀO TẠO, TẠO ĐỘNG LỰC CHO LỚP TRẺ

Luân chuyển, điều động là phép thử đối với sự phấn đấu, trưởng thành của cán bộ. Việc đưa cán bộ luân chuyển về cơ sở, “đúng người, đúng việc, đúng thời điểm”, đang tạo chuyển biến rõ rệt tại nhiều địa phương, đơn vị.

Các đại biểu là cán bộ được điều động, luân chuyển tham dự buổi gặp mặt các cán bộ Trung ương điều động, luân chuyển diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Các đại biểu là cán bộ được điều động, luân chuyển tham dự buổi gặp mặt các cán bộ Trung ương điều động, luân chuyển diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Qua 5 năm thực hiện Quy định số 98-QĐ/TW ngày 7-10-2017, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đã luân chuyển 13.503 lượt cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý và các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý.

Trong đó, Ban Tổ chức Trung ương tham mưu trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, phân công bố trí công tác và thực hiện chế độ chính sách đối với 55 cán bộ thuộc diện Trung ương luân chuyển. Trong đó, 48 đồng chí được phân công, bố trí công tác về các cơ quan Trung ương, 3 đồng chí được tiếp tục bố trí công tác tại địa phương, 4 đồng chí đã nghỉ hưu ở địa phương theo quy định.

Đối với cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, đã luân chuyển 36 đồng chí, trong đó 14 đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng giữ chức Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương; 22 đồng chí giữ chức Phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Qua thực hiện, Quy định 98 đã giúp công tác luân chuyển cán bộ đi vào nền nếp, có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực và đạt kết quả tốt; chất lượng cán bộ luân chuyển được nâng lên một bước, phần đông cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, năng lực, uy tín, chấp hành sự phân công, bố trí công tác của cấp có thẩm quyền.

Tại các địa phương, công tác luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý ngày càng được quan tâm, đi vào nền nếp và nhận được sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hầu hết cấp ủy và chính quyền nơi tiếp nhận cán bộ tin tưởng, tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển phát huy năng lực, sở trường, từ đó tạo khí thế, động lực cho cán bộ.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã nỗ lực, sáng tạo, kiên trì thực hiện việc luân chuyển cán bộ cấp tỉnh về huyện công tác, cấp huyện về công tác tại cấp cơ sở đem lại nhiều kết quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong phong trào cũng như sự đổi mới trong công tác cán bộ.

Ngày 1-3-2022, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị công bố, trao quyết định điều động, phân công đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký trao quyết định cho đồng chí Nguyễn Hồng Dương thôi giữ chức vụ Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư để đảm nhận chức vụ Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh.
Ngày 1-3-2022, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị công bố, trao quyết định điều động, phân công đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký trao quyết định cho đồng chí Nguyễn Hồng Dương thôi giữ chức vụ Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư để đảm nhận chức vụ Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Bí thư cấp huyện không phải người địa phương

Quảng Ninh là một trong những địa phương mạnh dạn tổ chức luân chuyển, bố trí cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp cơ sở. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có 175 cán bộ lãnh đạo các phòng, ban, cơ quan cấp huyện được luân chuyển về giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt ở cấp xã. Việc luân chuyển được các địa phương tính toán hết sức kỹ lưỡng nhằm bảo đảm phương châm chung là đúng người, đúng việc, hướng tới mục tiêu giúp cán bộ trong diện quy hoạch cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy huyện rèn luyện, trưởng thành và tăng nguồn lực chất lượng, góp phần giúp cơ sở giải quyết những vấn đề hạn chế, nổi cộm ở địa phương.

Hiện nay, Quảng Ninh đang thực hiện 100% Bí thư cấp huyện và 85% Bí thư cấp xã không phải là người địa phương.

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh, thời gian qua, nhất là từ nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy đã quan tâm thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ, nhất là luân chuyển cán bộ từ cấp huyện về giữ các vị trí chủ chốt cấp xã. Các địa phương thực hiện khá tốt công tác luân chuyển cán bộ là TP. Móng Cái, huyện Tiên Yên... Quá trình lựa chọn, luân chuyển bảo đảm công tâm, khách quan, đúng nguyên tắc, quy trình. Các địa phương thường xuyên tạo điều kiện, hỗ trợ để các trường hợp luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhiều đồng chí đã ghi dấu ấn đậm nét ở địa bàn công tác, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong tập thể cấp ủy, chính quyền, giải quyết được nhiều vấn đề còn tồn tại ở địa phương, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm.

Việc thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ kết hợp với bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, cấp xã không phải là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp đã khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín, bè phái trong từng đơn vị, địa phương. Việc này giúp tránh được tình trạng chạy chức, chạy quyền, hạn chế hiện tượng tham nhũng đối với cán bộ làm việc ở những vị trí, ngành nghề, địa bàn nhạy cảm.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra, đánh giá cán bộ luân chuyển để có phương án bố trí cán bộ phù hợp luôn được Quảng Ninh chú trọng. Sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ này giúp cán bộ luân chuyển có thêm động lực làm việc và giúp tổ chức Đảng nắm bắt kịp thời chuyển biến của cán bộ, sử dụng cán bộ đúng người, đúng việc.

Tạo điều kiện cho lớp cán bộ trẻ, triển vọng

Trong nhiệm kỳ 2015-2020 và năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã tiến hành thực hiện luân chuyển 13 đồng chí là lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh về giữ các chức vụ chủ chốt tại các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, trong đó có 4 đồng chí bí thư; 2 đồng chí phó bí thư thường trực; 2 đồng chí phó bí thư, Chủ tịch UBND huyện; 5 đồng chí phó chủ tịch UBND huyện.

Đối với cấp huyện, đã thực hiện luân chuyển 84 đồng chí, trong đó có 62 đồng chí lãnh đạo các phòng, ban cấp huyện về công tác tại các xã, phường, thị trấn; 1 đồng chí từ huyện này sang huyện khác; 14 đồng chí từ ngành này sang ngành khác; 5 đồng chí từ xã, phường, thị trấn về các phòng, ban cấp huyện; 2 đồng chí từ xã này sang xã khác.

Đối với thực hiện chủ trương bố trí cán bộ không phải là người địa phương, Khánh Hòa đã kết hợp công tác luân chuyển với điều động, bố trí cán bộ nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp huyện không là người địa phương. Kết quả, đã thực hiện bố trí 4/8 đồng chí bí thư cấp ủy cấp huyện, 1/8 đồng chí chủ tịch UBND cấp huyện, 6/8 đồng chí chánh án TAND cấp huyện, 6/8 đồng chí viện trưởng viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện, 7/8 đồng chí trưởng công an cấp huyện, 6/8 đồng chí chánh thanh tra cấp huyện, 5/8 đồng chí là cấp trưởng phòng tài chính cấp huyện và 1/8 đồng chí là cấp trưởng ngành hải quan.

Về phân công, bố trí công tác đối với cán bộ sau luân chuyển, trong số 13 đồng chí là lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh được luân chuyển về giữ các chức vụ chủ chốt tại các huyện, thị xã, thành phố, có 4 đồng chí sau thời gian luân chuyển được Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động lại về tỉnh, bố trí giữ chức vụ cao hơn. Đối với cấp huyện, trong số 62 đồng chí được các huyện ủy, thị ủy, thành ủy luân chuyển, có 17 đồng chí được bố trí nhiệm vụ mới sau khi luân chuyển, trong đó, 9 đồng chí được bố trí chức vụ cao hơn, 6 đồng chí giữ nguyên chức vụ hoặc tương đương, 2 đồng chí được bố trí chức vụ thấp hơn.

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh nhận xét: "Các đồng chí cán bộ được luân chuyển đã thể hiện rõ trách nhiệm, khắc phục được khó khăn, chủ động tìm tòi, học hỏi, tiếp cận nhanh với công việc mới, cùng với tập thể lãnh đạo địa phương, đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Thời gian tới, các đồng chí cán bộ luân chuyển phải luôn cầu thị, hòa nhập, có phương pháp làm việc khoa học và thực hiện tốt đoàn kết nội bộ; phải sâu sát cơ sở, chủ động trao đổi, kiến nghị với cấp có thẩm quyền để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời, cần phải phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì nhiệm vụ chung tại nơi mình luân chuyển đến".

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Khắc Hà cho biết thời gian tới Khánh Hoà sẽ tập trung chú trọng kết hợp chặt chẽ các khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng với luân chuyển cán bộ. Khuyến khích, động viên để cán bộ thống nhất nhận thức, thông suốt tư tưởng, tự giác chấp hành quyết định luân chuyển. Đồng thời, xử lý nghiêm những cán bộ không chấp hành quyết định luân chuyển mà không có lý do chính đáng, cán bộ có tư tưởng cục bộ, tiêu cực, lợi dụng công tác luân chuyển cán bộ để xây dựng "phe cánh" người nhà, người thân trù dập, gây mất đoàn kết nội bộ, làm giảm uy tín của tổ chức.

Động lực mới trong công tác cán bộ

Đồng Nai là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ gắn với bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương. Từ tháng 10-2017 đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai đã thực hiện luân chuyển 84 cán bộ, trong đó luân chuyển từ tỉnh về huyện 6 đồng chí để giữ chức phó bí thư huyện ủy và phó chủ tịch UBND huyện; luân chuyển từ huyện về xã 63 đồng chí để giữ chức bí thư, phó bí thư đảng ủy xã và chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã; luân chuyển từ xã về huyện 6 đồng chí để giữ chức trưởng phòng và phó trưởng phòng cấp huyện; luân chuyển từ xã này sang xã khác 9 đồng chí.

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai Đặng Minh Nguyệt cho biết, trong thời gian luân chuyển, hầu hết cán bộ đã phát huy vai trò, trách nhiệm, sở trường công tác, tiếp cận nhanh với nhiệm vụ mới, trưởng thành hơn trong nhận thức, có phương pháp chỉ đạo, điều hành sâu sát, toàn diện hơn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Từng đợt luân chuyển, Tỉnh ủy đều phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách địa bàn theo dõi, giúp đỡ cán bộ luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Để động viên cán bộ trong diện luân chuyển yên tâm công tác ở đơn vị mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong suốt thời gian luân chuyển, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã chỉ đạo ban hành quy định về chế độ hỗ trợ đối với cán bộ được luân chuyển, điều động trên địa bàn tỉnh. Theo đó, cán bộ được luân chuyển được hỗ trợ 800 nghìn đồng đến 1,3 triệu đồng/tháng (tùy theo khoảng cách nơi nhận công tác mới so với nơi ở thường xuyên). Ngoài ra, cán bộ luân chuyển được bố trí nhà ở công vụ hoặc nhà khách, hoặc hỗ trợ tiền thuê nhà trong thời gian luân chuyển.

Việc luân chuyển cán bộ đã tạo động lực mới trong công tác cán bộ, nhất là đối với đội ngũ cán bộ trong quy hoạch, có năng lực và triển vọng phát triển. Luân chuyển cán bộ góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ năng động, xây dựng được nguồn cán bộ dự bị có kinh nghiệm thực tiễn trong công tác; khắc phục sự bị động trong công tác cán bộ. Sau thời gian luân chuyển, qua đánh giá cán bộ, nhiều đồng chí được xem xét bổ nhiệm những vị trí, chức vụ cao hơn, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh Đồng Nai.

Cơ hội để rèn luyện, thử thách và trưởng thành

Việc đưa cán bộ cấp huyện về cơ sở "đúng người, đúng việc" tạo chuyển biến rõ rệt tại các địa phương. Thực tế tại nhiều đơn vị cơ sở khác, những thành quả mà người dân được hưởng hôm nay mang dấu ấn không nhỏ của các cán bộ luân chuyển. Họ đã phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ được giao, nhanh chóng tiếp cận, giải quyết được nhiều vấn đề còn tồn tại của cấp ủy, chính quyền địa phương, được cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Không chỉ ở các địa phương, nhiều bộ, ngành như Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều đang thực hiện rất hiệu quả chủ trương luân chuyển. Ngay trong tổ chức Đoàn – cánh tay phải của Đảng, thời gian qua, công tác luân chuyển, điều động cán bộ Đoàn đã được thực hiện thường xuyên, liên tục, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ Đoàn các cấp. Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam Nguyễn Ngọc Lương cho biết, Ban Bí thư Trung ương Đoàn có chủ trương cử cán bộ Cơ quan Trung ương Đoàn và các ban, đơn vị thuộc Cơ quan Trung ương Đoàn đi luân chuyển, đào tạo thực tế tại cơ quan chuyên trách của cấp tỉnh, cấp huyện với thời gian từ 12 đến 24 tháng.

Kết quả, trong nhiệm kỳ này, có 58 lượt cán bộ Đoàn cấp tỉnh luân chuyển, điều động xuống cấp huyện, xã; 90 lượt cán bộ Đoàn cấp xã, huyện luân chuyển, điều động lên cấp tỉnh; 172 lượt cán bộ Đoàn cấp huyện luân chuyển, điều động xuống cấp xã; 214 lượt cán bộ Đoàn cấp xã luân chuyển, điều động lên cấp huyện. Có 584 lượt cán bộ Đoàn chuyên trách cấp tỉnh, 2.038 lượt cán bộ Đoàn chuyên trách cấp huyện, 5.813 lượt cán bộ Đoàn cấp xã luân chuyển sang cơ quan khác.

Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Lương chia sẻ rằng, qua công tác luân chuyển cán bộ Đoàn, cán bộ trẻ được các cấp uỷ tin tưởng, giao nhiệm vụ, giúp đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và rèn luyện trong thực tiễn. Công tác luân chuyển, điều động cán bộ Đoàn đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy các cấp cán bộ Đoàn nhưng vẫn giữ vững sự ổn định trong nội bộ đơn vị có cán bộ được điều động, luân chuyển. Luân chuyển, điều động cán bộ Đoàn vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác Đoàn, vừa tạo nguồn cán bộ lâu dài cho các cơ quan của Đảng, Nhà nước.

Qua thời gian luân chuyển, hầu hết các cán bộ được rèn luyện về phẩm chất chính trị, kỹ năng chuyên môn, tư duy, phong cách và bản lĩnh; tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn; có quan điểm, cách nhìn nhận và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc cụ thể, sát thực tế hơn. Đa số đều có bước trưởng thành toàn diện và có chiều hướng phát triển; tạo uy tín và quan hệ tốt trong nội bộ đơn vị, địa phương và nhân dân nơi chuyển đến.

 BÀI 4: LUÂN CHUYỂN, THỬ THÁCH ĐỂ CÁN BỘ BỘC LỘ TÀI NĂNG, BẢN LĨNH

"Lửa thử vàng, gian nan thử sức", nhiều ý kiến cho rằng cần tập trung đưa cán bộ luân chuyển đến các địa bàn khó khăn để rèn luyện, qua đó có thể bộc lộ được tài năng, bản lĩnh của mình.

Bên cạnh những thành công rất căn bản, theo báo cáo tại Hội nghị sơ kết việc thực hiện Quy định 98-QĐ/TW ngày 7-10-2017 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, công tác luân chuyển cán bộ trong thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần nhận diện rõ và có giải pháp phù hợp.

Đó là chưa tạo được sự chủ động trong việc đưa cán bộ đi luân chuyển do phải chờ các địa phương khuyết chức danh; việc xử lý hài hòa giữa luân chuyển cán bộ với đào tạo, sử dụng nguồn cán bộ tại chỗ và gắn với chức danh quy hoạch còn bất cập, hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh đó, một số cán bộ luân chuyển chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, chưa nắm chắc các quy định, quy chế, nguyên tắc trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc. Có không ít cán bộ còn nhận thức đi luân chuyển để được đề bạt lên chức vụ cao hơn, vì vậy có biểu hiện nể nang, ngại va chạm, thiếu quyết liệt, giữ mình "chờ ngày về".

Chính vì vậy, Quy định 65-QĐ/TW được ban hành lần này đã giải quyết được những tồn tại hạn chế trong công tác luân chuyển cán bộ. Có cán bộ luân chuyển thì luôn giữ tròn cho bản thân mình, sợ đấu tranh, thiếu máu lửa và thiếu sự gắn bó với nhân dân và địa phương…

Không đi tắt, không chủ quan, không cá nhân

Theo ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương), Quy định 65-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã nêu quy trình để thực hiện luân chuyển là qua 5 bước, phải thực hiện tất cả các bước đầy đủ, trọn vẹn, nghiêm túc, không được đi tắt, không được lướt qua, không được chủ quan, không được bỏ bước nào.

Tuy nhiên, ông Hà cho rằng có một bước không nằm riêng trong quy trình nào nhưng đây chính là vấn đề quyết định nhất. Đó là việc đánh giá, nhận xét cán bộ và thực hiện chủ trương luân chuyển phải xuất phát từ lợi ích chung, không được chủ quan, không được lồng ghép cá nhân, không được lợi ích nhóm mà phải hoàn toàn xuất phát từ lợi ích quốc gia, dân tộc. Như vậy mới công tâm, khách quan, dân chủ như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Phải có con mắt tinh đời" để nhìn nhận vấn đề, đánh giá, xem xét cán bộ một cách khách quan, trong sáng. Điều này rất quan trọng, quyết định toàn bộ vấn đề về công tác cán bộ.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Hà, yêu cầu "luân chuyển phải nằm trong quy hoạch" không phải bây giờ Bộ Chính trị mới đề cập, ngay từ Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 25-1-2002, của Bộ Chính trị, về "Luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp" đã quy định "đối tượng đưa đi luân chuyển cán bộ là những cán bộ trẻ đã được quy hoạch và có khả năng phát triển". Thời gian thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW rất đúng đối tượng và đã có rất nhiều cán bộ đã trưởng thành. Tuy nhiên, sau thực tiễn 20 năm, vẫn còn chỗ này chỗ khác, cấp này cấp khác, lĩnh vực này lĩnh vực khác vẫn có bộc lộ những mặt tiêu cực. Cũng đã có những người đi luân chuyển không còn trẻ, có người không nằm trong quy hoạch…

Vì vậy, lần này, Quy định 65-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã tập hợp tất cả những điều còn phù hợp trong các văn bản trước đây và quy định cụ thể, rõ ràng, chi tiết, khắc phục được những mặt tiêu cực, hạn chế đã từng xảy ra trong thực tiễn. Chắc chắn những quy định này sẽ khắc phục được tình trạng "chọn nơi đi", "chọn nơi về", thay đổi được suy nghĩ cố hữu của một bộ phận cán bộ rằng "sau luân chuyển sẽ được ở chức vụ cao hơn".

Lửa thử vàng, gian nan thử sức

PGS. TS. Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng giải pháp để công tác luân chuyển cán bộ cấp chiến lược trong thời gian tới đạt kết quả tốt hơn nữa, rất cần thực hiện luân chuyển cán bộ từ sớm.

Theo đó, để có đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đông về số lượng, tốt về chất lượng, việc thực hiện luân chuyển cán bộ cần được tiến hành sớm và chia thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn một là thực hiện luân chuyển từ lúc cán bộ còn trẻ. Mục đích chủ yếu là để đội ngũ cán bộ nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và học hỏi kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng xử lý vấn đề từ sớm.

Trong giai đoạn này, cán bộ, công chức sau khoảng 5 năm được tuyển dụng, bắt đầu thể hiện năng lực chuyên môn, tố chất lãnh đạo sẽ được lựa chọn, bố trí luân chuyển. Cán bộ luân chuyển sẽ được đảm nhiệm những vị trí chuyên môn khác nhau nhưng trong cùng một lĩnh vực.

Mục tiêu của giai đoạn này là tạo nguồn dồi dào cho quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý sau này, nên không hạn chế về số lượng. Tuy nhiên, không phải cán bộ nào cũng được luân chuyển từ sớm, mà phải có một quá trình theo dõi, đánh giá liên tục trong 5 năm đầu công tác. PGS. TS. Lê Văn Chiến cho rằng để làm được điều này, vai trò của người làm công tác tổ chức - cán bộ trong việc theo dõi, đánh giá cán bộ thật khách quan và công tâm để sớm phát hiện cán bộ có đức, có tài, có tố chất là rất quan trọng.

Giai đoạn hai là thực hiện luân chuyển cán bộ có đích đến, vị trí rõ ràng, như hiện nay. Trên cơ sở đánh giá, rà soát kết quả quy hoạch của giai đoạn một, từ đội ngũ cán bộ đã được rèn luyện qua nhiều vị trí, đơn vị khác nhau, Đảng lựa chọn những cán bộ có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn vững vàng, kỹ năng lãnh đạo, quản lý tốt để bố trí luân chuyển có hướng đích rõ ràng, sẽ bố trí vào vị trí cụ thể sau khi luân chuyển. Việc bố trí phải căn cứ vào kết quả công tác của họ trong thời gian luân chuyển.

Để có căn cứ bổ nhiệm cán bộ sau luân chuyển, theo Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công Lê Văn Chiến, Ban Tổ chức Trung ương cần lập hội đồng đánh giá toàn diện công tác luân chuyển cán bộ, bao gồm đánh giá cá nhân cán bộ luân chuyển; đánh giá tập thể lãnh đạo địa phương, đơn vị nơi cán bộ đến luân chuyển và đánh giá cá nhân, tập thể đề xuất cử cán bộ đi luân chuyển. Kết quả đánh giá là căn cứ quan trọng cho việc bổ nhiệm, bố trí cán bộ sau luân chuyển, bảo đảm khách quan, khoa học, hiệu quả.

Ban Tổ chức Trung ương cần xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá cho từng cán bộ luân chuyển. Một số điểm cần tính đến trong bộ tiêu chí đánh giá cán bộ luân chuyển là những đóng góp của họ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương qua những kết quả cụ thể; sự ổn định, thống nhất, đoàn kết của tập thể nơi cán bộ đến luân chuyển; kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng lãnh đạo, quản lý của bản thân cán bộ sau luân chuyển.

Đối với địa phương, đơn vị đón nhận cán bộ luân chuyển, cần đánh giá bối cảnh kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian cán bộ luân chuyển thực hiện nhiệm vụ; mức độ tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ luân chuyển hoàn thành nhiệm vụ. Việc đánh giá này có thể thông qua ý kiến trực tiếp của cán bộ luân chuyển, kết hợp với nghiên cứu các hoạt động tại địa phương, đơn vị có liên quan đến vai trò, chức năng, nhiệm vụ của cán bộ luân chuyển. Đây là cơ sở để đánh giá nguyên nhân thành công hoặc chưa thành công của cán bộ luân chuyển.

PGS. TS. Lê Văn Chiến cho rằng điều này là rất cần thiết, bởi vì có trường hợp cán bộ luân chuyển có năng lực nhưng lại không thể hiện được năng lực của mình, do không được tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để làm việc. Đối với cá nhân, tập thể cử cán bộ đi luân chuyển, cần căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ luân chuyển, kết hợp đối chiếu với tiêu chuẩn cán bộ luân chuyển để đánh giá trách nhiệm của cá nhân, tập thể cử cán bộ đi luân chuyển. Bởi sự thành công hay không thành công của cán bộ luân chuyển, một phần là do cá nhân, tập thể cử cán bộ đi luân chuyển đã lựa chọn đúng người, đúng việc hay chưa để bộc lộ hết khả năng, nhận thức của mình.

Bên cạnh đó, cần tập trung đưa cán bộ luân chuyển đến các địa bàn khó khăn. Chính những nơi có điều kiện khó khăn, thử thách là những nơi rèn luyện cán bộ luân chuyển, qua đó họ có thể bộc lộ được tài năng, bản lĩnh của mình. Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là những người nắm giữ vận mệnh của đất nước, quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Vì vậy, yêu cầu mang tính tiên quyết đối với đội ngũ này là phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, tầm nhìn xa trông rộng, tư duy chiến lược, "thắng không kiêu, bại không nản". Những phẩm chất này không bỗng dưng mà có được, mà đòi hỏi phải được tôi luyện, thử thách qua công việc và qua thời gian. Trong bối cảnh khó khăn, đòi hỏi người lãnh đạo phải quyết đoán, sáng tạo, bản lĩnh, dám làm, biết làm, dám chịu trách nhiệm và qua đó, những phẩm chất của họ mới được bộc lộ rõ. Vì vậy, cần đưa cán bộ luân chuyển đến các địa bàn khó khăn, lĩnh vực trọng yếu, nơi thí điểm mô hình mới để thử thách, rèn luyện và giúp họ thể hiện được hết năng lực của mình. Đó cũng là cơ sở để Đảng đánh giá cán bộ một cách thực chất, chính xác, không để lọt những người không xứng đáng!

Cuối cùng, một trong những giải pháp quan trọng là việc cử cán bộ đi luân chuyển cần được thực hiện theo đúng các quy định của Đảng một cách công khai, minh bạch, khách quan, công tâm. Có như vậy mới tạo động lực tốt cho cán bộ được lựa chọn đi luân chuyển, đồng thời tạo điều kiện cho cấp trên, đồng nghiệp và nhân dân tham gia giám sát cơ quan cử cán bộ đi luân chuyển và cán bộ luân chuyển; qua đó, góp phần hạn chế, ngăn chặn hiện tượng "chạy quy hoạch", "chạy luân chuyển" trong công tác luân chuyển cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược. 


 

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất