Tác phẩm đoạt giải

Trọng trách của cơ quan tổ chức cấp ủy
Đồng chí Bùi Văn Tiếng (hàng sau, thứ hai từ phải qua) nhận Giải Khuyến khích Giải Búa liềm vàng lần thứ VII- năm 2022.
Đồng chí Bùi Văn Tiếng (hàng sau, thứ hai từ phải qua) nhận Giải Khuyến khích Giải Búa liềm vàng lần thứ VII- năm 2022.

Trọng trách của cơ quan tổ chức cấp ủy trong công tác luân chuyển cán bộ 

Nhớ lại, vào trung tuần tháng 11-2002, chưa đầy 10 tháng kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý, tôi được BTV Thành ủy Đà Nẵng quyết định luân chuyển từ Ban Tổ chức Thành ủy về Quận ủy Thanh Khê, được chỉ định tham gia BCH Đảng bộ quận, tham gia BTV Quận ủy và giữ chức Bí thư Quận ủy. Khi đó Ban Tổ chức Thành ủy đã trình mấy trường hợp tương tự, nhưng rốt cuộc BTV Thành ủy thống nhất chỉ thông qua trường hợp của tôi. Thấy tôi lo lắng trước lúc rời công việc quen thuộc để nhận nhiệm vụ tuy không quá xa lạ nhưng vô cùng mới mẻ, nhiều đồng nghiệp động viên rằng rất hợp lý khi một đồng chí thành ủy viên là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy được đi tiên phong trong việc thực hiện nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ (trong quyết định của tôi ghi rõ, một trong những căn cứ pháp lý là Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và thay tiêu đề “về việc phân công thành ủy viên” lâu nay vẫn dùng bằng tiêu đề “về việc luân chuyển cán bộ”).

Đây không đơn thuần là việc thay đổi câu chữ trong văn bản hành chính mà còn là cách để Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng tham mưu với BTV Thành ủy việc điều động cán bộ - động thái bình thường trong công tác cán bộ: Chuyển một thành ủy viên từ vị trí công tác này sang vị trí công tác khác. Trong khi đó, trường hợp đầu tiên thực hiện Nghị  quyết  số  11-NQ/TW như trường hợp tôi lại là luân chuyển cán bộ - tức điều động có chuẩn bị, được tính toán, cân nhắc kỹ  lưỡng  trên cơ sở đánh giá đúng cán bộ, đúng nhu cầu của nơi đi và nơi cán bộ đến, nhằm kịp thời bổ sung cho cán bộ đã được đưa vào quy hoạch chức danh cao hơn trong công vụ một số nội dung đào tạo nhằm bổ khuyết kiến thức còn thiếu hoặc còn yếu so với tiêu chuẩn chức danh. Đối với trường hợp của tôi là bổ sung kiến thức và kỹ năng lãnh đạo toàn diện một địa phương. Luân chuyển cán bộ khác với điều động cán bộ, nhưng luân chuyển cán bộ  thường được  thực hiện đồng

thời với điều động cán bộ. Chẳng hạn, để luân chuyển  tôi  về  giữ  chức Bí  thư Quận  ủy  thì trước hết BTV Thành ủy phải điều động đồng chí thành ủy viên là Bí thư Quận ủy tiền nhiệm của tôi về giữ chức Trưởng Ban Dân vận Thành ủy. Đây cũng được xem là thăng tiến vì ngay sau đó, đồng chí này được bầu bổ sung vào BTV thay cho đồng chí Ủy viên BTV Thành ủy là Trưởng Ban tiền nhiệm vừa được điều động sang giữ chức Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố.  Tất cả “kịch bản” luân chuyển và điều động ấy phải do cơ quan tổ chức cấp ủy - Ban Tổ chức Thành ủy  tham mưu. Tuy nhiên, luân chuyển khác điều động ở chỗ: Điều động thì “kịch bản” của cơ quan tổ chức cấp ủy chỉ tính đến chiều đưa cán bộ đi, trong khi với luân chuyển, “kịch bản” phải tính cả hai chiều đưa cán bộ đi và về, thậm chí phải tính chiều đưa về trước cả lúc tính chiều đưa đi. Vừa qua, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW ngày 15-2-2022 hướng dẫn một số nội dung cụ thể về công tác quy hoạch cán bộ, trong đó cho phép cán bộ được chọn đưa vào quy hoạch “chưa nhất thiết phải đáp ứng ngay các tiêu chuẩn như kinh qua chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp dưới, trình độ quản lý nhà nước...”. Hướng dẫn có nêu ví dụ một cán bộ được quy hoạch chức danh phó bí thư tỉnh ủy thì tại thời điểm xem xét quy hoạch, đương sự không nhất thiết phải đáp ứng đầy đủ một số tiêu chuẩn như đã kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp huyện. Đối với “món nợ” chưa kịp trả nhưng nhất thiết phải trả này, đương sự lo một, cơ quan tổ chức cấp ủy lo mười! Khi đã tham mưu đưa đương sự vẫn còn “mắc nợ” vào danh sách quy hoạch, “kịch bản” của cơ quan tổ chức cấp ủy phải tính đến lộ trình “trả nợ” như thế nào để đến lúc xem xét, đưa đương sự vào vị trí chức danh đã quy hoạch thì đương sự không chỉ trả xong “món nợ” nhất thiết phải trả, mà còn và quan trọng hơn là chất lượng công vụ thực sự được nâng  lên, đủ sức đảm đương cương vị công tác mới. Không để tình trạng do chưa trả được “món nợ” nhất thiết phải trả mà đương sự vĩnh viễn mất đi cơ hội thăng tiến. Bởi “nợ” trình độ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương thì khi “nước đến chân” còn có thể linh hoạt “chữa cháy” theo kiểu “vừa học vừa làm”, đang theo học hoặc có thể được  “du di”  thành đang…  có  trình độ!

Nhưng tuyệt đối không thể luân chuyển cán bộ “cấp tốc” kiểu “nhúng” vào thực tiễn trong một thời gian ngắn. Nói cơ quan tổ chức cấp ủy có trọng trách trong công tác luân chuyển cán bộ trước hết là ở chỗ xây dựng “kịch bản” đưa cán bộ nhất thiết phải luân chuyển được kịp thời đi luân chuyển.

Trong “kịch bản”  luân chuyển cán bộ, cơ quan tổ chức cấp ủy càng phải tính đến chuyện đưa cán bộ nhất thiết phải luân chuyển để đào tạo kịp thời được luân chuyển ở đâu, vào lúc nào và trong bao lâu. Ở đâu - tức là nơi đến - có liên quan tới chuyện điều động cán bộ này đi để tạo điều kiện luân chuyển cán bộ khác đến, hoặc ngược lại điều động cán bộ này đến để tạo điều kiện luân chuyển cán bộ khác đi. Điều này đòi hỏi rất cao năng lực quản lý và cả năng lực phối hợp quản lý cán bộ của cơ quan tổ chức cấp ủy. Căng thẳng nhất của cơ quan tổ chức cấp ủy là phải trả lời cho được hai câu hỏi vào lúc nào và trong bao lâu, nhất là câu hỏi trong bao lâu. Có lần tôi nói vui khi tham luận tại một hội nghị cán bộ toàn quốc rằng, người được luân chuyển để đào tạo sợ nhất là “đi  dễ  khó  về/  khi  đi  thường  vụ  khi  về… thường dân”, hoặc “đi dễ khó về/ khi đi tỉnh ủy khi về…  tỉnh bơ”, nghĩa  là cán bộ và cả cơ quan tổ chức cấp ủy sợ nhất là luân chuyển trở thành “chuyển… luôn” cho đến khi nghỉ hưu. Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đáng buồn này trong công tác luân chuyển cán bộ, trọng trách trước hết thuộc về cơ quan tổ chức cấp ủy, làm thế nào để có thể vừa tránh tình trạng “chuyển… luôn”, một đi không trở lại, mặc dù đã đạt yêu cầu, lại vừa tránh tình trạng luân chuyển chiếu lệ, làm lấy được, chưa đạt yêu cầu. 

Đối với cán bộ trong diện quy hoạch, không phải hễ được quy hoạch là đương nhiên được vào vị  trí  chức  danh  đã  quy  hoạch.  Luân chuyển để đào tạo không chỉ yêu cầu cán bộ trong diện  quy  hoạch  phải  hoàn  thành  tốt nhiệm vụ chính  trị mà còn phải  tích cực rèn luyện,  thử  thách,  thậm  chí  phải  gương mẫu trong việc dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, nhằm chuẩn bị gánh vác những trọng trách lớn hơn sau luân chuyển. Cho nên “kịch bản” của cơ quan tổ chức cấp ủy vì thế không thể không tính toán đến việc đánh giá cán  bộ  luân  chuyển  nhằm  tránh  tình  trạng đương sự hoặc có tư tưởng cầu an, “nín thở qua cầu”, chờ đủ ngày, đủ tháng để trở về, hoặc có  “tư duy nhiệm kỳ” khi chạy theo những công việc mang  tính ngắn hạn,  lợi  ích  trước mắt. Đánh giá cán bộ - bao gồm cán bộ thuộc diện luân chuyển  -  là  thẩm quyền của cả cấp ủy, nhưng với trọng trách tham mưu giúp việc cho cấp ủy trong lĩnh vực này, cơ quan tổ chức cấp ủy cần hết sức sâu sát trong việc đánh giá cán bộ thuộc diện luân chuyển nhằm góp phần bảo đảm chủ trương luân chuyển cán bộ của Đảng đạt kết quả như mong đợi.

Trọng trách của cơ quan tổ chức cấp ủy cấp tỉnh trong tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Trong các nội dung tác nghiệp của cơ quan tổ chức cấp ủy cấp tỉnh, căng thẳng nhất là việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn. Một trong các chức năng của ban tổ chức nêu tại Khoản 2, Điều 6 Quy định số 04-QĐ/TW ngày 25-7-2018 của Ban Bí thư Trung ương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy: “Là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác (…) tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị trong tỉnh”.

Mặc dù chỉ trực tiếp tham mưu cho cấp ủy cấp tỉnh về công tác tổ chức bộ máy, biên chế của khối đảng và đoàn thể trong tỉnh - bao gồm cả khối đảng và đoàn thể cấp huyện, cấp xã, nhưng với chức năng nêu trong Quy định số 04-QĐ/TW, cơ quan tổ chức cấp ủy cấp tỉnh còn phải tham mưu cho cấp ủy cấp tỉnh về công tác tổ chức bộ máy, biên chế của khối chính quyền trên địa bàn tỉnh. Không phải ngẫu nhiên mà giám đốc sở nội vụ được cơ cấu kiêm chức phó trưởng ban tổ chức cấp ủy cấp tỉnh, trưởng phòng nội vụ được kiêm chức phó trưởng ban tổ chức cấp ủy cấp huyện. Căng thẳng không chỉ vì phạm vi tham mưu về công tác tổ chức bộ máy, biên chế trải rộng, phải quán xuyến cả hệ thống chính trị toàn tỉnh, mà căng  thẳng còn bởi nguyên nhân dẫn đến phải tinh giản biên chế là do biên chế hiện nay “phình” to quá mức cần thiết; nguyên nhân dẫn đến cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức là do đội ngũ này đang có cơ cấu thiếu hợp lý - hoặc do bộ máy cồng kềnh, hoạt động thiếu hiệu quả, hoặc do sắp xếp cán bộ, công chức không phù hợp với vị trí việc làm… Những chuyện “phình” to, cơ cấu thiếu hợp lý, bộ máy cồng kềnh… có khi xuất phát từ việc tuân thủ mô hình chung, nhưng dẫu  sao  thì căn cứ vào chức năng  tác nghiệp như quy định trên, cơ quan tổ chức cấp ủy cấp tỉnh cũng phải chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên, căng thẳng nhất là do bản thân việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công  chức không hề đơn giản, không  thể  áp dụng các biện pháp thuần túy cơ học đúng với những hạn chế đã nêu  trong Kết  luận  số 28-KL/TWngày 21-2-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII là: “Chỉ tiêu giảm đồng đều 10% biên chế cho tất cả các cơ quan, đơn vị chưa thực sự phù hợp khi bổ sung, tăng thêm chức năng, nhiệm vụ mới với một số ngành, cơ quan, đơn vị; nhìn chung biên chế chủ yếu giảm cơ học”.

Ở đây đòi hỏi quan trọng nhất không phải là làm sao cho biên chế gọn hơn, chẳng hạn giảm bao nhiêu phần trăm so với số lượng biên chế hiện có, mà là cần phải tinh gọn - gọn nhưng vẫn phải tinh, chứ không thể cứ sau mỗi lần tinh giản biên chế thì những cán bộ, công chức có chất lượng công vụ cao lại… ra đi, trong khi phải ngược  lại mới đúng  tinh  thần  tinh giản! Trong cuộc làm việc ngày 25-11-2021 với Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính về quản lý biên chế, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã thẳng  thắn nhận định: “Bộ Tài chính đang ở trong tình trạng như nhiều cơ quan khác trên cả nước, đó là tinh giản biên chế không tập trung vào người năng  lực kém mà chủ yếu rơi vào những người xin thôi việc, bỏ việc hoặc nghỉ hưu, chưa có chính sách để thu hút lớp trẻ được đào tạo bài bản vào làm việc… Trong khi đó, chúng ta đặt mục tiêu, tinh giản những người làm việc kém, năng lực kém, không đáp ứng yêu cầu công việc”(1). Cũng chính vì thế nên Kết  luận  số 28-KL/TW của Bộ Chính  trị đã nhấn mạnh tinh giản biên chế cần gắn với nỗ lực “thu hút người có đức, có tài vào làm việc trong hệ thống chính trị”.

Thời  gian  gần  đây,  khi  tuyển  dụng  công chức, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp - không chỉ ở cấp tỉnh - đều coi trọng hình thức công khai thi tuyển, thậm chí thi tuyển theo vị trí việc làm. Đây được xem là cơ chế sàng lọc, là “tinh giản biên chế” ngay từ “đầu vào”. Thực hiện có hiệu quả động thái này sẽ góp phần hạn chế đến mức thấp nhất biên chế “phình” to quá mức cần thiết - nguyên nhân dẫn tới đòi hỏi tinh giản biên chế  trong  tương  lai. Động  thái này cũng góp phần thể hiện phương châm vì việc xếp người chứ không vì người xếp việc. Lâu nay phương châm vì việc xếp người chứ không vì người xếp việc chỉ mới được quan tâm khi đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chứ chưa được dùng làm cơ sở để tuyển dụng cán bộ, công chức, hay kể cả để… tinh giản biên chế. Nói cách khác, tinh giản biên chế trước hết là một cuộc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức trong từng cơ quan, đơn vị và trên toàn địa bàn theo đúng phương châm vì việc xếp người, theo cách mà ông cha ta hay nhắc nhở là dụng nhân như dụng mộc. Có không ít cán bộ, công chức ở vị trí việc làm không phù hợp với chuyên ngành đào tạo, với kinh nghiệm  công  vụ  rất  dễ  nằm  trong  “tầm ngắm” của tinh giản biên chế, nhưng nếu được bố  trí ở một vị  trí công  tác khác phù hợp với chuyên ngành đào tạo, với kinh nghiệm công vụ thì hoàn toàn có thể phát huy năng lực để tiếp tục cống hiến.

Không phải ngẫu nhiên mà các văn bản quy phạm pháp luật về tinh giản biên chế hiện  hành,  chẳng  hạn  như Nghị  quyết  số  39-NQ/TW  ngày  17-4-2015  của  Bộ  Chính  trị khóa XI về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, hay như Nghị định số 143/2020/NĐ-CP ngày 10-12-2020 sửa đổi,  bổ  sung  một  số  điều  của  Nghị  định  số 108/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014 về chính sách tinh giản biên chế và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31-8-2018 vẫn xem động thái bố trí, sắp xếp việc làm khác phù hợp là động thái cần tích cực triển khai trước khi đưa một cán bộ, công chức nào đó vào danh sách phải tinh giản. Người làm nghề tổ chức xây dựng Đảng thấy dễ chịu hơn khi tác nghiệp trong điều kiện chia tách đơn vị hành chính, thành lập mới cơ quan, đơn vị trực thuộc hơn là sáp nhập, hợp nhất đơn vị hành chính hoặc giải thể cơ quan, đơn vị trực thuộc. Nguyên do chủ yếu là phân bổ thêm chỉ tiêu biên chế bao giờ cũng ít căng thẳng hơn tinh giản  biên  chế. Có  điều  cả  hai  động  thái  trái ngược ấy đều là nội dung tham mưu về tổ chức bộ máy và biên chế mà Ban Bí thư Trung ương Đảng đã giao cho cơ quan tổ chức cấp ủy cấp tỉnh. Vấn đề là tách hay nhập, tăng hay giảm đều phải xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, đều phải thực sự cần thiết - nói như Nghị quyết số 39-NQ/TW  là  “chỉ  thành  lập  tổ  chức mới  trong trường hợp cá biệt thật sự cần thiết do yêu cầu của thực tiễn”. Yêu cầu của thực tiễn cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Người làm nghề tổ chức xây dựng Đảng ở cơ quan tổ chức cấp ủy cấp tỉnh cần nghiên cứu thực tiễn của địa phương mình không chỉ để tham mưu thành lập tổ chức mới mà còn để tham mưu xử lý tình trạng hụt hẫng biên chế ở một số ngành sau các đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 vừa qua như giáo dục mầm non, y tế cơ sở - bao gồm y tế trong trường học…

-----

(1) “Tinh giản biên chế phải gắn với nâng cao năng lực, hiệu quả”, Tạp chí Xây dựng Đảng điện tử, ngày 26-11-2021.

Trọng trách của cơ quan tổ chức cấp ủy trong thực hiện phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử

Phân  cấp  quản  lý  cán  bộ  là một  trong những động thái nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác cán bộ của từng cấp ủy đảng. Diện cán bộ trong mỗi cấp quản lý cũng không nhất thành bất biến mà thường có sự điều chỉnh theo hướng ngày càng thu hẹp diện cán bộ do cấp ủy cấp trên trực tiếp quản lý để phân cấp cho cấp ủy cấp dưới quản lý.

Vừa qua, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19- 12-2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử để trên cơ sở đó dự thảo quy định mới của Bộ Chính trị về nội dung này. Người làm nghề tổ chức và cơ quan tổ chức của  từng  cấp ủy,  trong phạm vi  thẩm quyền quản lý theo phân cấp, có trọng trách tham mưu về công tác cán bộ trên cả ba cạnh của “tam giác đều” quy hoạch cán bộ - đào tạo cán bộ theo yêu cầu quy hoạch - bố trí cán bộ vào chức danh lãnh đạo, quản lý như đã quy hoạch. Cái khó là trong đội ngũ cán bộ ở từng cấp bao giờ cũng có ba diện: Diện cán bộ chưa thuộc cấp ủy cấp mình quản  lý, diện cán bộ  thuộc cấp ủy cấp mình quản lý và diện cán bộ thuộc cấp ủy cấp trên quản lý. Do vậy, mỗi cấp ủy phải trực tiếp quản lý diện cán bộ thuộc cấp ủy cấp mình quản lý đang công tác tại chỗ và diện cán bộ thuộc cấp ủy cấp mình quản lý nhưng đang công tác ở cấp dưới. Đồng thời giúp cấp ủy cấp trên quản lý  tại chỗ diện cán bộ  thuộc cấp ủy cấp  trên quản lý nhưng đang công tác ở cấp mình. Phân cấp quản lý cán bộ nhằm nâng cao hiệu quả  công  tác  cán  bộ  của  từng  cấp  ủy  đảng. Thuận  lợi  phái  sinh  từ  việc  phân  cấp  là  số lượng cán bộ cần theo dõi, đánh giá để lựa chọn đưa vào quy hoạch, để lựa chọn đưa đi đào tạo theo yêu cầu quy hoạch và quan trọng hơn là để lựa chọn bố trí vào chức danh lãnh đạo, quản lý như đã quy hoạch sẽ được thu hẹp đáng kể. Tuy nhiên, bất lợi cũng nằm ngay trong chính thuận lợi này. Trong ba công đoạn lựa chọn nêu trên,  công đoạn  thứ nhất và  thứ hai đòi hỏi người làm nghề tổ chức và cơ quan tổ chức mất nhiều công sức hơn, bởi cán bộ được chọn đưa vào quy hoạch và chọn đưa đi đào tạo theo yêu cầu quy hoạch thực chất vẫn đang thuộc diện cán bộ do cấp ủy cấp dưới trực tiếp quản lý. Muốn quan sát, theo dõi, đánh giá những cán bộ này, không thể không kết nối, kết hợp với cấp ủy, những người làm nghề tổ chức và cơ quan  tổ chức cấp dưới. Ngay cả các cán bộ được lựa chọn bố trí vào chức danh lãnh đạo, quản lý như đã quy hoạch, nghĩa là chính thức thuộc diện cấp ủy cấp mình quản lý, nhưng nếu vẫn còn đang công tác ở cấp dưới thì cũng rất cần  sự  kết  nối,  kết  hợp  này. Nếu  không  thì không thể lựa chọn đưa vào quy hoạch, cử đi đào tạo theo yêu cầu quy hoạch và lựa chọn bố trí vào chức danh  lãnh đạo, quản  lý cao hơn như đã quy hoạch. Sự kết nối, kết hợp này cũng cần thiết trong phân cấp quản lý cán bộ nghỉ hưu - theo nguyên tắc hạ thấp một cấp so với cấp quản lý khi đương chức.

Áp  lực đối với những người  làm nghề  tổ chức và cơ quan tổ chức là vẫn phải kết nối, kết hợp với cấp dưới trong trường hợp cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp dưới trực tiếp, công tác tại chỗ thuộc cấp ấy, thậm chí công tác ở cấp dưới của cấp ấy. Chẳng hạn như một quận ủy viên là bí thư đảng ủy phường hoặc một tỉnh ủy viên là bí thư huyện ủy. Nếu không quan sát, theo dõi, đánh giá “từ xa”, “từ sớm”, chỉ “nhìn quanh” những cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp mình  trực  tiếp quản  lý sẽ khó  lòng phát hiện những cán bộ có triển vọng phát triển sớm hơn, nhanh hơn để kịp thời hơn, đúng lúc hơn trong việc quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ… Chính vì thế, những người làm nghề tổ chức chuyên nghiệp vừa nắm rất vững và tham mưu thực hiện đúng thẩm quyền về phân cấp cán bộ, vừa chủ động “dài tay” để tâm, để mắt một số trường hợp nằm ngoài phạm vi phân cấp quản lý cán bộ của mình. Chẳng hạn đối với những trường hợp ở cấp dưới như vừa phân tích, thậm chí cùng cấp nhưng ở địa phương khác để mở rộng nguồn “tài nguyên nhân lực” của cấp mình và địa phương mình.

Trực tiếp bổ nhiệm cán bộ vào chức danh lãnh đạo, quản lý và giới thiệu cán bộ ứng cử vào chức danh lãnh đạo, quản lý phải qua bầu cử là động thái nghiệp vụ của những người làm nghề  tổ  chức và  cơ quan  tổ  chức  các  cấp  - thuộc  cạnh  thứ  ba  trong  “tam  giác  đều”  về công tác cán bộ. Điều đó có nghĩa là dù trực tiếp bổ nhiệm hay giới thiệu ứng cử, cán bộ đều phải nằm trong quy hoạch và phải được đào tạo theo yêu cầu quy hoạch. Thực ra, trong quá  trình  đào  tạo  cán  bộ  theo  yêu  cầu  quy hoạch, còn có một hình thức “bổ nhiệm” cán bộ đặc thù nữa là cấp ủy cấp trên chỉ định cán bộ thuộc diện luân chuyển để đào tạo vào cấp ủy, vào BTV cấp ủy và chỉ định giữ chức bí thư hoặc  phó  bí  thư  cấp  ủy  cấp  dưới. Đối  với những người làm nghề tổ chức chuyên nghiệp, việc tham mưu đánh giá, lựa chọn cán bộ để trực tiếp bổ nhiệm cán bộ vào chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc để giới thiệu cán bộ ứng cử vào chức danh lãnh đạo, quản lý phải qua bầu cử là căng thẳng và cân não hơn cả, bởi áp lực của yêu cầu chỉ được lựa chọn một phương án nhân sự duy nhất. Một chức danh  lãnh đạo, quản lý có thể được quy hoạch đến ba người và một người có thể được quy hoạch đến ba chức danh lãnh đạo, quản lý. Trong khi đó chỉ có thể bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử một và chỉ một người mà thôi...  Chính do  áp  lực đầy  căng  thẳng này nên những người làm nghề tổ chức chuyên nghiệp - trong đó có Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng - đã sớm tham mưu cho cấp ủy cùng cấp thí điểm  thực  hiện một  cách  thức  lựa  chọn  bổ nhiệm cán bộ khác với cách thức bổ nhiệm cán bộ truyền thống. Đó là tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý, kể cả đối với một số trường hợp thuộc diện được “trải thảm đỏ” thu hút về địa phương, cơ quan, đơn vị. Thời kỳ đầu  thực hiện  thí điểm  thi  tuyển chức danh lãnh đạo, quản  lý, các ứng viên có  thể nằm trong quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý cần thi tuyển, mà cũng có thể chưa được đưa vào quy hoạch chức danh ấy, thậm chí chưa từng được quy hoạch vào bất cứ chức danh nào nhưng nếu đủ sức vượt  lên những ứng viên khác vẫn có thể được bổ nhiệm. Điều này chủ yếu nhằm khắc phục một hạn  chế  của  cách thức bổ nhiệm cán bộ truyền thống là chỉ đơn thuần căn cứ vào quy hoạch nên dễ dẫn đến khả năng bỏ sót người thực sự xứng đáng hơn do họ chưa được quy hoạch. Về sau, việc thi tuyển chức danh  lãnh đạo, quản  lý chủ yếu nhằm  tăng  thêm độ công bằng về cơ hội và nhất là nhằm tăng thêm tính khách quan trong lựa chọn đối với các ứng viên cùng được quy hoạch vào chức danh lãnh đạo, quản lý cần thi tuyển  hoặc  được  quy  hoạch  vào  chức  danh lãnh đạo, quản lý tương đương.

Trọng trách của cơ quan tổ chức cấp ủy trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ - gọi chung là đào tạo cán bộ - là một trong ba cạnh của tam giác đều công tác cán bộ: Cạnh thứ nhất là quy hoạch cán bộ theo từng chức danh lãnh đạo, quản lý; cạnh thứ ba là bố trí sắp xếp cán bộ vào chức danh lãnh đạo, quản lý đã quy hoạch và cạnh thứ hai - nằm giữa hai cạnh vừa nêu - là đào tạo cán bộ theo yêu cầu quy hoạch.

Nói đây là tam giác đều công tác cán bộ chỉ cốt để nhấn mạnh tầm quan trọng như nhau của ba động thái nghiệp vụ mà cơ quan tổ chức cấp ủy cần tiến hành khi tham mưu về công tác cán bộ: Một là, động thái lựa chọn người cơ bản đáp ứng và quan trọng hơn là có triển vọng phát triển nếu được tiếp tục đào tạo sẽ đáp ứng đầy đủ  tiêu chuẩn “đầu vào” của  từng chức danh lãnh đạo, quản lý; hai là, động thái lập kế hoạch xác định nội dung đào tạo sao cho từng cán bộ đã nằm trong quy hoạch sẽ được đào tạo đúng hướng và đúng lúc - hiểu theo nghĩa là còn thiếu nội dung gì so với tiêu chuẩn của chức danh quy hoạch thì được bồi dưỡng đúng nội dung đó và quan trọng hơn là lập kế hoạch xác định phương thức và lộ trình đào tạo sao cho kịp thời điểm xem xét sắp xếp vào chức danh quy hoạch; ba là, động thái lựa chọn - cũng cần phải lựa chọn vì  theo Quy định số 50-QĐ/TW ngày 27-12-2021 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán  bộ thì một  chức  danh  được  quy  hoạch không quá (thực chất là tới) ba người và một người được quy hoạch không quá (thực chất là tới) ba chức danh - để việc sắp xếp vào chức danh  quy  hoạch  sao  cho  đạt  yêu  cầu  đúng người, đúng việc và đúng thời điểm.

Trong thực tế công tác cán bộ, khó tìm thấy những trường hợp mà ba cạnh của  tam giác công tác cán bộ có thể bằng nhau. Trong đó, cạnh thứ hai - đào tạo cán bộ theo yêu cầu quy hoạch - thường là bị kéo dài nhất, thậm chí kéo dài đến mức không còn chỗ cho cạnh thứ ba xuất hiện (người ta hay gọi những trường hợp không mong  đợi  này    “quy  hoạch  treo”). Trọng trách của cơ quan tổ chức cấp ủy là làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới xóa bỏ tình trạng “quy hoạch treo” trong công tác cán bộ và thường xuyên hơn là làm thế nào để rút ngắn khoảng cách giữa cạnh thứ nhất và cạnh thứ ba, thực chất là rút ngắn cạnh thứ hai. Đương nhiên rút ngắn nhưng phải dành đủ thời gian để bồi dưỡng cán bộ  theo yêu cầu quy hoạch chứ không thể vì rút ngắn, “tăng tốc” mà vô tình hay cố ý xóa bỏ cạnh thứ hai. Không phải ngẫu nhiên mà Quy định số 50-QĐ/TW đã quy định: “Không thực hiện quy hoạch đồng thời với việc đề xuất bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử” và Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW ngày 15-2-2022 của Ban Tổ chức Trung ương đã cụ thể hóa quy định này: “Không thực hiện đồng thời quy trình bổ sung quy hoạch với quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vào một chức danh  lãnh đạo, quản  lý. Việc  thực hiện quy trình bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức danh quy hoạch chỉ được thực hiện sau khi phê duyệt quy hoạch ít nhất 3 tháng”.

Trọng  trách  của  cơ  quan  tổ  chức  cấp  ủy trong việc đào tạo cán bộ không dừng ở kết quả cán bộ được sắp xếp vào chức danh lãnh đạo, quản  lý  đã  quy  hoạch  sao  cho  đúng  người, đúng việc và đúng thời điểm. Lý do đơn giản là khi mỗi cán bộ được sắp xếp vào chức danh lãnh đạo, quản lý đã quy hoạch thì đó là lúc kết thúc tam giác đều công tác cán bộ vừa qua và cũng là lúc bắt đầu tam giác đều công tác cán bộ tiếp theo: Được cơ quan tổ chức cấp ủy tiếp tục lựa chọn để quy hoạch vào chức danh lãnh đạo, quản lý cao hơn và do vậy đương nhiên sẽ tiếp  tục được cơ quan  tổ chức cấp ủy  lập kế hoạch để đào tạo theo yêu cầu của chức danh lãnh  đạo,  quản  lý mới  được  quy  hoạch  ấy. Thậm chí trong trường hợp không còn đủ tiêu chuẩn - chẳng hạn tiêu chuẩn về độ tuổi hoặc tiêu chuẩn về sức khỏe - để tiếp tục quy hoạch vào chức danh lãnh đạo, quản lý cao hơn thì để có đủ năng lực đảm đương chức danh lãnh đạo, quản lý hiện tại, cơ quan tổ chức cấp ủy vẫn phải    trách nhiệm đào  tạo  cho  cán bộ  ấy. Chẳng hạn, phải tổ chức cập nhật những kiến thức mới về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, về thông tin thời sự trong và ngoài nước và về cả những thông tin thời sự chuyên ngành theo lĩnh vực mà cán bộ đang được phân công lãnh đạo, quản lý.

Có thể nói, đào tạo cán bộ là nhiệm vụ chính trị  thường xuyên của cơ quan  tổ chức cấp ủy trong quá trình tham mưu, giúp việc cho cấp ủy. Ngay cả một yếu tố rất quan trọng trong việc đào tạo cán bộ là năng lực tự đào tạo - từ văn hóa đọc cho đến ý thức tổng kết thực tiễn để tự rút ra bài học kinh nghiệm trong công vụ - của bản thân từng cán bộ cũng phải được thu vào tầm ngắm của người làm nghề tổ chức, phải được cơ quan tổ chức cấp ủy ghi nhận như là dữ liệu để đánh giá cán bộ, chứ không chỉ dựa vào bằng cấp sau khi đào tạo. Suy ngẫm về trọng trách của cơ quan tổ chức cấp ủy trong việc đào tạo cán bộ không thể không tính tới một khía cạnh cũng rất  quan  trọng  là  đào  tạo  cán  bộ  của  nội  bộ Ngành Tổ chức xây dựng Đảng, bao gồm cả Ngành Tổ chức nhà nước mà trước đây ở cấp tỉnh trở xuống quen gọi là tổ chức chính quyền. Và trong nội dung đào tạo cán bộ của nội bộ Ngành Tổ chức xây dựng Đảng, rất cần đào tạo về những kiến thức và kỹ năng liên quan đến hoạt động tham mưu về đào tạo cán bộ, thậm chí những kỹ năng tác nghiệp trực tiếp đối với các hình thức đào tạo tự tổ chức, chẳng hạn như kỹ năng tuyển sinh, kỹ năng giảng dạy…

 Suy ngẫm về trọng trách của cơ quan tổ chức cấp ủy  trong việc đào  tạo  cán bộ, không  thể không trăn trở về những hạn chế, bất cập vừa chủ quan, vừa khách quan làm ảnh hưởng đến chất lượng tham mưu đối với lĩnh vực công tác này. Thứ nhất là, cho đến nay vẫn chưa thể hình thành một mô hình đào tạo cán bộ một cách bài bản,  chuyên  nghiệp  theo  từng  ngành. Chẳng hạn, đối với cán bộ Ngành Tổ chức xây dựng Đảng, số cán bộ trong ngành được đào tạo chính quy chưa nhiều - trừ một số lớp chuyên ngành Tổ chức do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đào  tạo; còn số được đào  tạo  theo kiểu nghề dạy nghề, lần lượt trưởng thành từ cơ quan tổ chức cấp ủy cấp huyện đến cơ quan tổ chức cấp ủy cấp tỉnh rồi đến cơ quan tổ chức cấp ủy cấp Trung ương, cũng rất hạn chế và cũng chưa thực sự có được mối liên thông này. Trong tương lai, có thể khắc phục hạn chế này bằng việc đề ra tiêu chuẩn phải được đào tạo chính quy về chuyên ngành Tổ chức hoặc nhất thiết phải kinh qua công tác thực tiễn trong ngành ở cấp dưới ít nhất một cấp đối với một số chức danh lãnh đạo ngành từ cấp tỉnh trở lên… Thứ hai, tuy chưa phổ biến nhưng không còn quá cá biệt những trường hợp cán bộ có năng lực và tâm huyết, chất lượng công tác rất tốt lại bị  thủ  trưởng  “tham  công,  tiếc việc”, không chịu sắp xếp cho tham gia các lớp đào tạo theo yêu cầu quy hoạch, đến lúc chuẩn bị bổ nhiệm thì phải chịu hệ quả không thể bào chữa, biện minh là… thiếu tiêu chuẩn về bằng cấp. Ngược lại, không ít trường hợp cán bộ có quá trình đào tạo dày đặc, kèm theo bằng cấp, chứng chỉ đầy đủ, thậm chí vượt tiêu chuẩn, có điều không phải trường hợp nào “danh” cũng đi đôi với “thực”, dẫn đến tình trạng mặc dù thừa tiêu chuẩn bằng cấp để được bổ nhiệm và thực tế đã được bổ nhiệm rất “đúng quy trình”, nhưng lại không… đúng người, đúng việc, hệ lụy là người làm được thì không được làm, còn người được làm thì làm không được! Đây là điều trăn trở, đau đầu nhất mà trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.

Trọng trách của cơ quan tổ chức cấp ủy trong việc sơ kết các mô hình thí điểm về tổ chức – cán bộ

Cách gọi ban tổ chức cấp ủy - không gọi ban cán bộ cấp ủy - đã thể hiện một nội dung tham mưu rất cốt lõi của nghề tổ chức xây dựng Đảng là tham mưu hình thành và  phát  triển  bộ máy  tổ  chức  của  hệ  thống chính trị do Đảng lãnh đạo. Có tổ chức mới có cán bộ. Tổ chức đi liền với cán bộ, do vậy khi tăng thêm một tổ chức, người làm nghề tổ chức xây dựng Đảng phải lo bố trí cán bộ để tổ chức ấy kịp thời đi vào hoạt động, không ít lần phải xoay  xở  trong  điều  kiện  tăng  thêm  tổ  chức nhưng không được tăng thêm biên chế. Ngược lại, giảm bớt một tổ chức, người làm nghề tổ chức càng phải lo sắp xếp cán bộ của tổ chức ấy và cũng không ít lần phải loay hoay trong điều kiện giảm bớt tổ chức nhưng không thể giảm hoặc chỉ có thể giảm không đáng kể số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đặc biệt, do mô hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị không nhất thành bất biến, nên  tuy chưa phổ biến nhưng không còn cá biệt việc người  làm nghề  tổ chức xây dựng Đảng phải tham mưu để thí điểm một số mô hình tổ chức mới - kèm theo là thí điểm một số mô hình cán bộ mới. Quan trọng hơn, người cán bộ tổ chức phải tham mưu để sơ kết các mô hình thí điểm ấy. 

Chỉ tính trong khoảng hơn mười năm trở lại đây,  nhất  là  từ  sau Hội  nghị Trung  ương  6 (khóa XII) đến nay, cơ quan tổ chức cấp ủy từ Ban Tổ chức Trung ương đến ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy và ban tổ chức quận ủy, huyện ủy đã tham mưu cho cấp ủy cùng cấp triển khai thí điểm một số mô hình tổ chức mới và mô hình cán bộ mới, tập trung vào sáu mô hình được xác định trong Kết luận số 34-KL/TW ngày 7-8-2018 về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCH Trung ương khóa XII: 1) Kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và cơ quan chuyên môn của chính quyền có chức năng, nhiệm vụ  tương đồng cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có đủ điều  kiện.  2) Hợp  nhất  cơ  quan  tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn hoặc tham mưu thuộc UBND có chức năng, nhiệm vụ  tương đồng cấp  tỉnh, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện. 3) Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện. 4) Tổ chức lại đảng bộ khối doanh nghiệp  cấp  tỉnh.  5)  Hợp  nhất  các  cơ  quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. 6) Hợp nhất Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung ở những nơi có đủ điều kiện. Nhiều người  làm nghề  tổ  chức xây dựng Đảng cho rằng giữa việc tham mưu thực hiện các mô hình tổ chức, mô hình cán bộ đã được xác định là bắt buộc phải thực hiện thống nhất trong cả nước (tham mưu thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động của các ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ theo hướng chuyển giao cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ y, bác sĩ cho cơ sở y tế và sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức cho phù hợp, hoặc tham mưu thực hiện thống nhất mô hình Văn phòng cấp ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp tỉnh, hay như tham mưu thực hiện thống nhất mô hình Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện…) đã khó và không phải lúc nào cũng phù hợp với thực tiễn địa phương (mô hình Văn phòng cấp ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp tỉnh chỉ phù hợp khi các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy có trụ sở chung, không phù hợp với những địa phương mà mỗi cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy đều có trụ sở riêng và nằm phân tán ở nhiều địa điểm khác nhau), nhưng vẫn không khó bằng việc tham mưu thực hiện các mô hình tổ chức, mô hình cán bộ vẫn đang trong quá trình thí điểm.

Cái khó  trước  tiên  là phải xác định đúng “những nơi có đủ điều kiện”, trong đó quan trọng nhất là điều kiện về cán bộ. Còn nhớ, khi Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng tham mưu thí điểm thực hiện mô hình bí thư quận ủy, huyện ủy đồng  thời  là chủ  tịch UBND cùng cấp ở những nơi có đủ điều kiện, chúng tôi rất coi trọng việc lựa chọn nhân sự đủ sức đảm đương “vai trò kép” này. Tránh tình trạng nhân sự này hoặc chỉ đủ sức tập trung vào công tác đảng, còn “giao khoán” công tác quản lý nhà nước cho các phó chủ tịch UBND quận, huyện, hoặc chỉ đủ sức tập trung vào công tác quản lý nhà nước, còn “giao khoán” công tác đảng cho phó bí thư thường trực quận ủy, huyện ủy. Đặc biệt, tránh tình trạng do chưa có điều kiện bố trí đủ hai nhân sự bí thư quận ủy, huyện ủy và chủ tịch UBND quận, huyện nên chọn “giải pháp tình thế” bằng cách kết hợp thí điểm thực hiện mô hình bí thư quận ủy, huyện ủy đồng thời là chủ tịch UBND cùng cấp.

Cái khó thứ hai là phải tham mưu để đánh giá kết quả thực hiện thí điểm từng mô hình tổ chức, mô hình cán bộ. Khó bởi không phải mô hình nào cơ quan tổ chức cấp ủy cũng có điều kiện để thường xuyên theo dõi quá trình này, do vậy rất cần sự phối hợp thường xuyên của các cơ quan hữu quan. Kinh nghiệm cho thấy khi sơ kết quá trình thực hiện thí điểm từng mô hình, hết sức tránh xu hướng “thấy sang bắt quàng làm họ”, gán tất cả ưu điểm ghi nhận được cho mô hình thí điểm. Ngược lại, cũng hết  sức  tránh xu hướng gán  tất  cả hạn  chế, khuyết điểm ghi nhận được cho mô hình thí điểm. Cần có động thái so sánh, đối chiếu giữa mô hình đại trà với mô hình thí điểm. Ví dụ, giữa một địa phương đang thực hiện mô hình chính quyền địa phương cấp quận, cấp phường theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành với một địa phương cùng loại (quận với quận, phường với phường) đang thực hiện mô hình thí điểm chính quyền đô thị theo các nghị quyết của Quốc hội. Đương nhiên trường hợp này, các Vụ Địa phương của Ban Tổ chức Trung ương sẽ hỗ trợ các ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy  trên địa bàn  thu  thập  thông  tin, so sánh, đối chiếu đối với các thị xã, thành phố và các phường của tỉnh lân cận. Sẽ thuận lợi hơn nếu  so  sánh, đối  chiếu  trong  cùng một tỉnh, thành phố, nơi đang thực hiện mô hình đại trà hiện hành, nơi mới thực hiện mô hình thí điểm.

Ngày  7-7-2022,  Bộ  Chính  trị  ban  hành Thông báo số 16-TB/TW về thực hiện một số   hình  thí  điểm  theo  Nghị  quyết  số  18-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khoá XII về thực hiện Kết luận số 34-KL/TW, theo đó Bộ Chính trị quyết định tạm dừng thực hiện thí điểm các mô hình  sau: Một  là, hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền cùng cấp có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Hai là, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra cấp ủy đồng thời là Chánh Thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện. Ba là, Trưởng Ban Tổ chức cấp ủy cấp tỉnh đồng thời là Giám đốc Sở Nội vụ; Trưởng Ban Tổ chức cấp ủy cấp huyện đồng thời là Trưởng Phòng Nội vụ cấp huyện. Bốn là, Chánh Văn phòng cấp  ủy  cấp  huyện  đồng  thời  là Chánh Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện. Các địa phương đã triển khai thực hiện thí điểm các mô hình trên thì BTV tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương chỉ đạo sắp xếp lại theo mô hình chung của hệ thống chính trị. Có thể thấy, mới vừa triển khai thực hiện thí điểm trong mấy năm đã tạm dừng nó phản ánh một thuộc tính của thí điểm là có thể phù hợp, có thể không phù hợp. Nếu phù hợp  thì  tiếp  tục  thí điểm trước khi đưa ra đại trà, nếu không phù hợp thì tạm dừng,  thậm chí  loại bỏ hẳn, đây đều  là chuyện bình  thường. Quan  trọng hơn  là qua việc tạm dừng thực hiện thí điểm các mô hình lần này, chứng tỏ cơ quan tổ chức cấp ủy đã kịp thời theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm từng mô hình và thực sự cầu thị để tham mưu cho cấp có  thẩm quyền ban hành quyết định tạm dừng thực hiện.

Tóm lại, càng suy ngẫm về nghề, người làm nghề tổ chức xây dựng Đảng càng nhận thức rõ hơn trọng trách của mình trong việc tham mưu  thí điểm  thực hiện một  số mô hình  tổ chức, mô hình cán bộ mới, càng nhận thức rõ hơn trọng trách của mình trong việc tham mưu sơ kết các mô hình thí điểm ấy.

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất