Tác phẩm đoạt giải

Phòng chống nguy cơ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong Đảng - vấn đề sống còn của Đảng và chế độ ta

Bài 1: Nhận diện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

 

Cuộc chiến “giữ niềm tin”

 

Văn kiện Đại hội XII của Đảng, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Đảng ta nhận định: “Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, vào chế độ có mặt bị giảm sút”. “Niềm tin” có lẽ là một trong những từ khóa chính trị được nhắc đến nhiều nhất ở Việt Nam hiện nay. Niềm tin của nhân dân với Đảng, niềm tin vào vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng và năng lực quản lý, điều hành của Nhà nước; niềm tin của cán bộ, đảng viên vào con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; vào Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh... đang bị thử thách rất gay gắt. GS. Nguyễn Đức Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, từ nhiều năm trước đã cảnh báo: “Chúng ta nhận rõ thực tế là, trong Đảng, trong nhân dân, trong xã hội có một bộ phận không nhỏ đang giảm sút hoặc đánh mất niềm tin”. Vì thế, Đảng, Nhà nước ta đang ra sức xây dựng, củng cố lòng tin trong nhân dân bằng hành động cụ thể. Các thế lực thù địch, phản động lại đang ra sức chống phá quyết liệt, tìm mọi cách kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chia rẽ nhân dân với Đảng, Nhà nước. Trong “cuộc chiến không tiếng súng” để giành và giữ niềm tin ấy, xuất hiện nhân tố thứ ba, nhân tố “tự diễn biến”, ‘tự chuyển hóa” trong Đảng. Phòng, chống được nhân tố “nội xâm” này, Đảng ta, nhân dân ta sẽ giành chiến thắng vẻ vang trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

 

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là thuật ngữ xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây. Trên các diễn đàn chính thức, những thuật ngữ này được nhắc đến trong Nghị quyết Đại hội XI, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) và gần đây là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Nhưng từ lâu, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không hề là câu chuyện xa lạ với mỗi chúng ta. Trong lịch sử hàng nghìn năm qua, nhân loại đã chứng kiến biết bao thể chế, vương triều, quốc gia, dân tộc tự tan rã, biến mất trên bản đồ thế giới vì những “vạ trong tường vách”. Gần đây nhất, cuộc “giải giáp tư tưởng đơn phương” được xem là nguyên nhân cơ bản, chủ yếu gây nên sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu. Khi cơn địa chấn chính trị này lắng xuống, tỉnh ngộ sau những “cơn mê sảng dân chủ”, rất nhiều người thuộc Đông Âu, Liên Xô chua chát nhận ra sự thật là họ đã biểu tình hay đứng lên chống lại chính mình. Và những “cơn mê sảng” đó, cũng đang diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên nhưng có thể gây ra những nguy hại khôn lường ở Việt Nam hiện nay.

 

Hiện đang có những tranh luận khá phong phú về khái niệm “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nhận thức chung về “tự diễn biến” được hiểu là quá trình đấu tranh giữa các mặt tích cực và tiêu cực trong nội tâm cán bộ, đảng viên trước những tác động phức tạp của tình hình đất nước và quốc tế. Trong đó, yếu tố tiêu cực, sai lầm và tư tưởng tư bản chủ nghĩa dần dần tăng lên; yếu tố tích cực, cách mạng, tư tưởng XHCN phai nhạt dần. Đây là quá trình biến đổi từ bên trong chủ thể, đến một thời điểm nhất định, sự biến đổi này sẽ dần chuyển thành hành động của chủ thể. “Tự chuyển hoá” là sự nối tiếp của quá trình “tự diễn biến”. Khi sự biến đổi về chất đã làm thay đổi quan điểm tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, dẫn đến hành động chống lại chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

 

Như vậy, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ là sự suy thoái từ bên trong; là quá trình tự biến đổi về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên theo chiều hướng tiêu cực, làm mất dần các chuẩn mực của người đảng viên cộng sản, dẫn đến xa rời những nguyên tắc, quan điểm Mác-xít; suy giảm nghiêm trọng niềm tin vào Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đến khi những yếu tố cách mạng, tích cực bị phai nhạt, triệt tiêu, tư tưởng phi xã hội chủ nghĩa tăng dần, thắng thế, lúc đó sẽ dẫn đến sự “tự chuyển hoá” cán bộ, đảng viên từ người tốt trở thành phần tử chống đối Đảng, Nhà nước. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của cá nhân nếu không được ngăn chặn kịp thời, triệt để sẽ dẫn đến tổ chức bị suy thoái, tự tan rã. Khi “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” diễn ra ở tầm vĩ mô sẽ dẫn đến sự chuyển hoá làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa sang con đường tư bản chủ nghĩa.

 

Sự suy thoái không có “thẻ miễn trừ”

 

TS. Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quyền con người (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhận định: “Tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” ở nước ta đang diễn biến hết sức phức tạp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội với nhiều mức độ khác nhau. Nguy cơ trước hết và trọng tâm của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn là trong lĩnh vực tư tưởng chính trị. Nếu lĩnh vực tư tưởng chính trị bất ổn thì các lĩnh vực khác như kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... sẽ khó có khả năng và điều kiện phát triển lành mạnh. Khi tư tưởng chính trị bị chệch hướng, bộ máy Đảng và Nhà nước bị chia rẽ thì nguy cơ sụp đổ của thể chế chính trị là điều khó tránh khỏi.

 

Chúng ta chưa quên một sự thật ở Liên Xô khi tiến hành cải tổ, một Đảng cộng sản cầm quyền “tự chuyển hóa” đã tự triệt tiêu mình do xa rời và từ bỏ Chủ nghĩa Mác-Lê-nin, ảo tưởng chấp nhận “cả gói” trào lưu tư tưởng tư sản phương Tây và tư tưởng của chủ nghĩa xã hội dân chủ, khiến đất nước rơi vào hỗn loạn về tư tưởng và đường lối, đánh mất trụ cột tinh thần và năng lực tập hợp tư tưởng, đánh mất luôn năng lực phân biệt phải trái, đúng sai trong cán bộ, đảng viên; khiến cho một cá nhân tuyên bố giải thể Đảng mà 21 triệu đảng viên im lặng chấp nhận. Có người cho rằng, sự tan rã của Liên Xô là hệ quả trực tiếp và chủ yếu từ chiến lược “Diễn biến hòa bình” do các thế lực thù địch phương Tây tiến hành, nhưng đó chỉ là nguyên nhân bên ngoài. Nếu không có  nguyên nhân bên trong thì không thể nào xảy ra thảm họa chính trị ở thành trì của CNXH như vậy. Nguyên nhân bên trong ấy, thực chất là Đảng Cộng sản Liên Xô đã “tự chuyển hóa” ở ngay hàng ngũ lãnh đạo cấp cao, rơi vào chủ nghĩa xét lại, cơ hội, bài xích nguyên tắc tập trung dân chủ, phản bội lý tưởng XHCN dẫn đến Đảng cộng sản bị suy thoái, biến chất do quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi... Bài học “tự chuyển hóa” từ các đảng cộng sản ở Liên Xô, Đông Âu trước đây là bài học nhãn tiền, đắt giá với chúng ta. Ở nước ta, ngay từ khi chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến việc chống thoái hóa, biến chất cho cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng. Ngay trong tác phẩm Đường Cách mệnh viết năm 1927, Người chỉ rõ: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm nòng cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa thì cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”.

 

"Tự diễn biến", "tự chuyển hóa" là hiện tượng như những mạch ngầm “thẩm thấu” êm dịu. Đó là quá trình âm thầm diễn ra bên trong mỗi cá nhân, tổ chức. Các nhà khoa học xã hội cho rằng, cũng như căn bệnh phụ thuộc vào sức đề kháng của người bệnh, sự “miễn dịch” của người cán bộ, đảng viên trước sự thẩm thấu “tự diễn biến” phụ thuộc vào độ vững vàng về chính trị và độ thanh liêm về đạo đức, lối sống của họ. Đảng ta tiến hành sự nghiệp đổi mới, chủ động và tích cực hội nhập sâu rộng với thế giới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là những bước đi tất yếu, hợp quy luật nhưng bản thân con đường ấy vốn rất phức tạp và đầy mâu thuẫn. Đó là con đường đầy cám dỗ vật chất rất dễ khiến con người sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, lãng phí; bè phái, cục bộ, mất đoàn kết, “lợi ích nhóm”; cán bộ quan liêu, xa dân, sống xa hoa, hưởng lạc. Nó cũng sẽ thúc đẩy quá trình phân hóa giàu nghèo trong xã hội và ngay trong Đảng. Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Bây giờ trong Đảng cũng có sự phân hóa giàu nghèo, có những người giàu lên rất nhanh, cuộc sống xa cách người lao động; liệu rồi người giàu có nghĩ giống người nghèo không? Nhà triết học cổ điển Đức Phơ-bách đã từng nói rằng, người sống trong lâu đài nghĩ khác người ở nhà tranh. Mai kia Đảng này sẽ là Đảng của ai? Có giữ được bản chất là đảng cách mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc không?”.

 

Ba mức độ “tự diễn biến”, ‘tự chuyển hóa”

 

Băn khoăn, trăn trở của đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân là chúng ta rất khó có thể nhận diện, gọi tên những người đang "tự diễn biến” khi họ chưa đến mức công khai đối lập, “trở cờ”. Tuy nhiên, bằng sự nghiên cứu, đánh giá công phu, khách quan, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, con đường “tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" thường diễn ra qua ba giai đoạn, ứng với ba mức độ. Ở giai đoạn ban đầu, đối tượng thể hiện sự hoang mang, dao động về tư tưởng chính trị, sự hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, tính khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin. Giai đoạn hai, biểu hiện ở mức độ thấp của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", đối tượng bắt đầu chủ động hơn trong tiếp nhận những thông tin trái chiều, những luận điệu chống đối, những lý luận phản động, bắt đầu thích nghe, thích kể, thích mọi người nói về tiêu cực. Về hành động, đối tượng bắt đầu có các hoạt động câu kết với các phần tử thù địch từ bên ngoài để tiếp tay cho chúng thực hiện hoạt động "Diễn biến hòa bình" và "chuyển hóa nội bộ". Biểu hiện rõ nhất là hoạt động thu thập, tổng hợp tin tức nội bộ ta để chuyển ra nước ngoài, giúp các phần tử phản động, thù địch từ bên ngoài sử dụng trong các hoạt động chống lại ta thông qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hoạt động quốc tế. Những đối tượng "tự diễn biến" trở thành những phần tử "hoạt động có tính chất nội gián". Bản chất chính trị của hoạt động này là chống đối song chưa đủ thời gian và chứng cứ để kết luận họ đã là kẻ làm gián điệp cho nước ngoài hay là kẻ phản bội Tổ quốc hay chưa. Giai đoạn ba, là giai đoạn ở mức độ cao của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Đối tượng đã hoàn toàn bộc lộ tư tưởng phản động, chống đối, thể hiện rõ tư tưởng chính trị phản động, sẵn sàng đối đầu với pháp luật và hệ thống chính trị. Họ không còn biết sợ hãi trước sức mạnh pháp luật và chính trị. Thậm chí, họ sẵn sàng hành động để làm thay đổi hệ thống chính trị. Họ chủ động tìm đến những phần tử đang "tự diễn biến" để tập hợp lực lượng, hình thành nhân lõi tổ chức ban đầu. Một số kẻ sẽ tự tìm đến các cơ quan đặc biệt nước ngoài để câu kết.

 

Thực tiễn trong Đảng và trong xã hội thời gian qua đã “điểm mặt”, “chỉ tên” một số người như vậy. Ban đầu, họ là những cán bộ, đảng viên được chú ý vì dám phản biện, dám nghi ngờ, dám chỉ ra những điều chưa hợp lý trong nền tảng tư tưởng, cũng như chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách và luật pháp của Nhà nước. Nhưng khi chưa được giải đáp thỏa đáng, họ tự nghiên cứu, tự giải thích và tự cho mình là đúng. Những “thư ngỏ”, “tâm thư”, “kiến nghị”... được họ xây dựng và phát tán ra cộng đồng trái pháp luật. Dần dần, họ tập hợp lại, thành lập những “hội”, “đoàn” độc lập, tuyên bố thoát ly sự lãnh đạo của Đảng mà thực chất là hình thành những tổ chức chính trị đối lập với mong muốn thách thức, tranh quyền lãnh đạo với Đảng. Con số cán bộ, đảng viên như vậy không nhiều, nhưng điều nguy hại là có cả những người là lão thành cách mạng, là cán bộ cấp cao, là trí thức có tên tuổi. Họ ít nhiều có ảnh hưởng trong xã hội và trong giới trẻ, cho nên những nhận thức và hành động “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của họ dễ lây lan, phát tán trong giới trẻ. Khi những đối tượng “tự chuyển hóa” này đã hình thành tổ chức phản động đối lập; việc giáo dục, thuyết phục, cảm hóa họ bằng lý lẽ khách quan là vô cùng khó khăn. Các thế lực thù địch thực hiện Chiến lược “Diễn biến hòa bình” ngay lập tức bắt tay, kết nối, hà hơi, tiếp sức các cá nhân, tổ chức đã ‘tự chuyển hóa” khiến cho công tác đấu tranh làm tan rã tổ chức, chuyển hóa tư tưởng phản động gặp phải vô vàn khó khăn, thử thách. (Còn tiếp)

 

NHÓM PV(thực hiện)

Bài 2: Góc nhìn thẳng về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiện nay

 

Một trí thức đã “tự chuyển hóa” tới mức độ công khai “sáng lập” ra tổ chức được đặt cái tên mỹ miều là “xã hội dân sự” để “thúc đẩy quá trình dân chủ hóa Việt Nam”; một người “trở cờ” từng là cán bộ giữ chức vụ cao trong hệ thống chính trị nước ta, đều nằng nặc cho rằng, việc họ “tự chuyển hóa” là đúng đắn, họ đang làm hết mình vì sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Đó cũng là tâm lý chung của những người “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà chúng ta cần nhìn nhận, đánh giá thật khách quan, khoa học thì mới giải thích được căn nguyên và có giải pháp thấu đáo khắc phục tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Những người “ngộ nhận yêu nước”

Có hai điều mà những người “tự chuyển hóa” luôn khẳng định: Một là chối bỏ mọi mối liên hệ của họ với chiến lược “Diễn biến hòa bình” do các thế lực thù địch, phản động tiến hành nhằm vào Việt Nam. Hai là, họ thường tự cho mình là người có đạo đức và luôn thể hiện sự cuồng tín về mục tiêu khi đấu tranh phủ nhận vai trò lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nhiều người trong số họ thậm chí sẵn sàng là những kẻ “tử vì đạo”, không sợ tù đày, giam cầm, sẵn sàng thực hiện các hành động rất cực đoan như tự thiêu, tuyệt thực... Chúng ta thấy họ mắc sai lầm nghiêm trọng trong nhận thức, nhưng họ lại ngộ nhận đó là chân lý, là lẽ phải, là đang chiến đấu vì dân, vì nước, tìm đường đi mới đúng đắn hơn cho dân tộc. Họ mặc định quan điểm rằng, nếu không thay đổi chế độ thì đất nước sẽ lụn bại, không phát triển được, thậm chí loạn lạc, bị diệt vong. Thực tế, thời gian gần đây, các làn sóng chống đối ta về mặt tư tưởng chính trị lại rộ lên, có lúc dồn dập. Các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chắc mẩm đây là cơ hội để họ dấn tới tác động, làm chuyển hóa tình hình, thay đổi đường lối ở nước ta, cho nên họ hoạt động rất điên cuồng với nhiều thủ đoạn và sách lược mới; vừa dùng các lực lượng, phương tiện từ bên ngoài, vừa tận dụng phát triển lực lượng ở trong nước ta để tạo ra sự "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", chống đối từ nội bộ Đảng ta, xã hội ta, hòng phá ta từ bên trong, làm cho "cộng sản tự diệt cộng sản", "cộng sản con diệt cộng sản bố". Họ đang cố tìm ra và dựng lên những "ngọn cờ" để chống ta. Một số người cơ hội chính trị, bất mãn cũng lợi dụng các diễn đàn, các mối quan hệ để truyền bá những quan điểm sai trái của mình, liên tiếp viết đơn, thư, tài liệu vu cáo, đả kích chế độ ta, tác động vào nhân dân, nhất là thanh niên, sinh viên, văn nghệ sĩ, trí thức.

Vấn đề nêu trên cho thấy tính chất hết sức phức tạp và đặc biệt nguy hiểm của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nó liên quan đến sự tồn vong của Đảng và chế độ, nó là âm mưu “làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ gốc, từ bên trong”. Không thể đơn giản hóa, xem nhẹ, e ngại, “sợ phạm húy” hay thiếu khách quan khi nhìn nhận về hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đại tá, PGS, TS. Lê Duy Chương (Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng) cho rằng: Những người đã lộ mặt “tự chuyển hóa” luôn chối bỏ quan hệ của họ với các thế lực phản động bên ngoài nhưng trong thực tế, cả hai có mối quan hệ rất chặt chẽ. Cả hai đều nhằm đến mục tiêu phủ định Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, làm chệch hướng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Tất nhiên, chủ thể của “Diễn biến hòa bình” là địch, còn chủ thể của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là ta. Địch có thể thực hiện được âm mưu, thủ đoạn của chúng hay không, chính lại do ta quyết định. Vì vậy, xét về hành vi của chủ thể thì cả “Diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đều là ta cả. Tuy nhiên, cơ chế hình thành của loại hành vi do “Diễn biến hòa bình” gây ra khác về căn bản so với cơ chế hình thành của loại hành vi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Hành vi do “Diễn biến hòa bình” gây ra được hình thành chủ yếu theo cơ chế thụ động, dưới sự tác động mang tính quyết định của các nhân tố bên ngoài, là loại hành vi bị “sai khiến”, bị “thôi miên”, bị “ám thị”, bị “nhồi sọ”, bị “kích động”, bị “mua chuộc” bởi các thế lực bên ngoài. Vì thế, chủ thể của hành vi do “Diễn biến hòa bình” gây ra thiếu tính tự nguyện, tự giác, không có được sự thanh thản về lương tâm, đạo đức khi thực hiện hành vi này. Còn hành vi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được hình thành mang tính chủ động, tự quyết, tự nguyện, tự giác, dưới sự tác động mang tính quyết định của các yếu tố bên trong như tư duy, nhận thức, lương tâm, đạo đức của chính bản thân chủ thể.

Căn nguyên sâu xa nhất của hành vi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chính là tư duy sai lầm, ngộ nhận. Ngộ nhận trái thành phải, sai thành đúng, ác thành thiện, hại dân, hại nước thành “ích nước, lợi dân”. Chúng ta, những người quan sát từ bên ngoài, nhìn vào những người có hành vi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì thấy rất rõ rằng, các hành vi đó thể hiện sự tự suy thoái, sự tự tan rã, sự chuyển biến từ tốt thành xấu, từ yêu nước thành phản động, nhưng những người trong cuộc, những người có hành vi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì lại nghĩ khác, nghĩ ngược lại (do ngộ nhận), thậm chí còn tin tưởng “sắt đá” rằng, chân lý, lẽ phải là thuộc về họ, chính họ mới là những người yêu nước chân chính, yêu nước thực sự.

Đại tá, PGS, TS. Nguyễn Mạnh Hưởng (Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn Quân sự, Bộ Quốc phòng) lý giải rằng: Có hai nguyên nhân chính của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cần quan tâm là: Thứ nhất, “Diễn biến hòa bình” là nguyên nhân quan trọng trực tiếp thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và mức độ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” lại là sự phản ánh kết quả cụ thể, trực tiếp của “Diễn biến hòa bình”. Do đó, đấu tranh ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” phải gắn chặt với đấu tranh làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Tuy nhiên, không phải mọi vấn đề đều “đổ lỗi” cho các thế lực thù địch với “Diễn biến hòa bình”. Thứ hai, sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên cũng là nguyên nhân rất nguy hại dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn là kết quả lô-gích từ sự suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống. Từ sự suy thoái, thậm chí chỉ suy thoái về lối sống cũng có thể dẫn đến biến chất về chính trị, trở thành kẻ phản động, chống lại Đảng và chế độ. Điều đó không phải là khoảng cách quá xa và không phải là không thể xảy ra. Đối với những đảng viên có chức, có quyền, đặc biệt là cán bộ cấp cao, nếu diễn ra, thì tính chất nguy hại càng trở nên trầm trọng.

Bản chất vẫn là “những con rắn nước”

Nghiên cứu toàn bộ những quan điểm, tư tưởng hay “cương lĩnh” của các tổ chức hội, đoàn “độc lập” của những người “tự chuyển hóa” thì thấy họ đích thị vẫn chỉ là “con cháu” của những người cơ hội, xét lại, hay còn có thể gọi là chủ nghĩa cơ hội, xét lại trong thời kỳ Đổi mới. GS, TS Phạm Ngọc Hiền (Bộ Công an) cho biết, chủ nghĩa cơ hội, đối tượng cơ hội chính trị đã xuất hiện trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế từ cuối thế kỷ 19. Các phái theo khuynh hướng tư tưởng đối lập nhau như: Phái Lát-xan, phái Công Liên, phái Blông-xki, phái Bru-đông, phái Ba-cu-nin… Những phần tử thuộc các trường phái đó không những không đi theo, không ủng hộ mà còn công khai, quyết liệt chống lại Học thuyết Mác về chủ nghĩa xã hội khoa học. Đó là những người cộng sản đã bị biến chất, thoái hóa về tư tưởng chính trị, họ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và trở thành những "con chiên ngoan đạo" của "chủ nghĩa cơ hội tả khuynh" hay "chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh".

Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu trước đây trong quá trình phát triển đều phải tiến hành cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống chủ nghĩa cơ hội. Ngay trong thời kỳ đầu của nước Nga Xô-viết, Lê-nin đã lấy hình ảnh con rắn nước để so sánh với những người cơ hội trong Đảng. Đó là những người ban đầu không tỏ rõ chính kiến, lúc ủng hộ bên này, lúc ủng hộ bên kia, thực chất họ không phải là những người cộng sản mà mục đích của họ là quyền lực. Việc Khơ-rút-xốp và sau này là Goóc-ba-chốp được bầu làm Tổng Bí thư, đại diện của chủ nghĩa cơ hội đã “chui sâu, leo cao” lên đến vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng trong Đảng Cộng sản Liên Xô. Tháng 4-1989, Goóc-ba-chốp kêu gọi các ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã “tuổi cao, sức yếu” hãy nghỉ hưu. 115 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã viết đơn xin nghỉ hưu vì tin lời Goóc-ba-chốp, mong muốn đất nước phát triển hơn với đội ngũ được trẻ hóa. Đây chính là bi kịch của những người cộng sản chân chính trong Đảng Cộng sản Liên Xô. Trong ba năm 1987-1989 có khoảng 50% cán bộ cơ quan chiến lược của quân đội, hơn 100 cán bộ chính trị cấp chiến dịch-chiến lược và 30% tướng lĩnh bị cách chức hoặc cho ra quân với lý do “tư tưởng bảo thủ, không ủng hộ cải tổ”, thay thế họ là những phần tử “cấp tiến”. Từ năm 1986 đến 1988, một loạt cán bộ chủ chốt của các tờ báo có ảnh hưởng lớn tại Liên Xô được thay thế bởi những người ủng hộ chủ trương “Tây hóa” của Goóc-ba-chốp, từ đó các tờ báo này đã “quạt gió châm lửa” khuynh đảo dư luận, làm cho nhiều người ngộ nhận, say đắm và ảo tưởng vào phương Tây...

Ở Việt Nam, từ ngày ra đời cho đến nay, Đảng ta luôn quan tâm đến việc giữ gìn bản chất cách mạng, giữ gìn nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình trong suốt quá trình phát triển nên chủ nghĩa cơ hội, xét lại ít có điều kiện hoành hành, “chui sâu, leo cao” như các đảng cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô. Đặc biệt, khi tiến hành công cuộc Đổi mới, Đảng ta sớm ban hành nguyên tắc của Đổi mới, nhờ thế mà các thế lực cơ hội, thực dụng càng ít có điều kiện “chui sâu, leo cao”. Tuy nhiên, cũng đã có một số cán bộ cấp cao, giữ những trọng trách trong hệ thống chính trị ngả nghiêng, dao động hoặc sa vào vũng bùn “tự chuyển hóa” hoàn toàn, như Bùi Tín, Hoàng Minh Chính trước đây hoặc một số nhân vật đứng ra lập những “hội”, “đoàn”, “câu lạc bộ” độc lập hiện nay. Theo GS, TS. Phạm Ngọc Hiền, tuy trí trá, ngụy trang bằng những ngôn từ hiện đại, nhưng những nhân vật “tự chuyển hóa” ở nước ta vẫn “hiện nguyên hình” thông qua những tôn chỉ, mục đích hoạt động của các “hội”, “đoàn”, “câu lạc bộ”. Nội dung các quan điểm của họ vẫn là những luận điệu lâu nay các nhà tư tưởng chống cộng đã từng nói và đã từng nhiều lần bị chúng ta phê phán, bác bỏ. Đại thể vẫn là phủ nhận thành tựu của cách mạng; thổi phồng khuyết điểm, tồn tại của chúng ta, "bôi đen" hiện thực, gieo rắc hoài nghi, phá rã niềm tin của nhân dân và cán bộ, quy kết là do đường lối sai, sự lãnh đạo, quản lý yếu kém của Đảng và Nhà nước. Phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ định con đường xã hội chủ nghĩa, định hướng xã hội chủ nghĩa; hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, phê phán, đổ lỗi cho Đảng, đòi đa nguyên, đa đảng. Kích động chia rẽ nội bộ, tung ra những luận điệu trong Đảng, trong Trung ương, Bộ Chính trị có phe này, phái kia; bịa đặt, xuyên tạc lịch sử; vu cáo, bôi nhọ một số đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, kể cả Bác Hồ, tìm mọi cách "hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh".

Theo báo cáo tổng kết của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong nhiệm kỳ Đại hội XI, số đảng viên bị kỷ luật là 73.325; trong đó, có 11 người do Trung ương quản lý, 754 người do cấp tỉnh và tương đương quản lý, 10.743 người do cấp huyện và tương đương quản lý, 62.389 người do cấp cơ sở quản lý. Việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập của cán bộ còn hình thức. Trong giai đoạn 2005-2015, chỉ xử lý được 17 người trong tổng số 4.859 trường hợp kê khai tài sản không trung thực... Như vậy, con số kỷ luật trong Đảng còn khá khiêm tốn so với thực tế. Thậm chí, ở nhiều tổ chức Đảng, một số sai phạm là khá rõ nhưng chưa làm rõ được trách nhiệm của tập thể, cá nhân, chưa xử lý kỷ luật được hoặc xử lý kỷ luật còn nương nhẹ. Có trường hợp cán bộ “tự chuyển hóa” bị tổ chức Đảng xử lý kỷ luật, nhưng chính quyền không thi hành, hoặc được điều động sang công tác khác hoặc cho nghỉ hưu. Có cán bộ bị xử lý kỷ luật ở cấp dưới lại được bố trí một chức vụ tương đương ở cấp trên. Trong xử lý kỷ luật còn tình trạng “nhẹ trên, nặng dưới”, đảng viên có chức vụ thì xử lý nhẹ, đảng viên không giữ chức vụ thì xử lý nặng, gây bức xúc trong dư luận, làm mất niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân... Đó là những nguyên nhân chính làm phát sinh đơn, thư tố cáo, khiếu nại trong chính nội bộ Đảng; gây “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong hàng ngũ; ảnh hưởng đến uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng.

NHÓM PV (thực hiện)


Bài 3: Xây dựng trường thành phòng vệ

Để đẩy lùi “tự diễn biến", "tự chuyển hóa”, có rất nhiều việc cần làm ngay nhưng việc làm cơ bản nhất là phải làm sao cho Đảng khỏe hơn, mạnh hơn từ mỗi tế bào của mình, mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng…

 

Giữ vững kim chỉ nam tư tưởng

Trong những căn bệnh của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", suy thoái về tư tưởng, chính trị là căn bệnh nguy hiểm hàng đầu, là căn nguyên gây ra nhiều căn bệnh khác. Không phải ngẫu nhiên mà trong các bài giảng huấn luyện cho cán bộ từ năm 1925, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy”.

Nghiên cứu của PGS, TS Trần Nguyên Việt (Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam) gần đây khi nhìn lại bài học sụp đổ của Liên Xô đã khẳng định: “Một trong những nguyên nhân sai lầm quan trọng nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô là từ bỏ Chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Thông qua công cuộc cải tổ, Ban lãnh đạo Đảng mà đứng đầu là Tổng Bí thư Goóc-ba-chốp đã loại dần những người trung thành với Chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Không chỉ thế, ông còn cho rằng, học thuyết Mác - Lê-nin đã lỗi thời”. Trong bài viết “Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã” đăng trên Tạp chí Cộng sản từ năm 1992, tác giả Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: “Chính là vì người ta hiểu sai và làm sai Chủ nghĩa Mác - Lê-nin”.

Lời cảnh báo trên, gần đây đã thấp thoáng trong bản danh sách những người ký các tâm thư, thỉnh nguyện tập thể kêu gọi xóa bỏ Điều 4 của Hiến pháp, từ bỏ Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đổi tên Đảng, đổi tên nước… có cả những người nguyên là cán bộ cấp cao. Thậm chí, phát biểu trên những diễn đàn “quốc gia đại sự”, có người còn đòi “thay đổi thể chế” vì “cái mô hình CNXH làm gì có mà cứ mãi đi tìm”.

Đây là điều đáng lo ngại nhất và cũng là nguy cơ lớn nhất đối với một đảng cầm quyền, như Lê-nin và Bác Hồ đã từng cảnh báo. Cho nên, giải pháp hàng đầu để ngăn chặn, đẩy lùi "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chính là xây dựng sự kiên định Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường XHCN trong mỗi cán bộ, đảng viên. Cùng với việc phải đổi mới, nâng cao hiệu quả giáo dục chính trị tư tưởng, đã đến lúc, Đảng ta phải có các quy định nghiêm khắc với những đảng viên nhạt phai lý tưởng, suy giảm niềm tin, nói, viết trái với nền tảng tư tưởng và đường lối của Đảng. Trên cơ sở đó, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kiên quyết khai trừ những đối tượng thoái hóa về tư tưởng chính trị ra khỏi Đảng.

Giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng

Trước hết, phải khẳng định đây là giải pháp không mới nhưng đó là giải pháp “gốc” luôn được Đảng ta nhấn mạnh suốt hơn 80 năm qua. Trong tình hình hiện nay, cần phải có những cách làm mới hơn, thiết thực hơn.

Vụ việc Trịnh Xuân Thanh gần đây lộ ra nhiều vấn đề trong giáo dục, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Tại sao trong một tổ chức Đảng có người đứng đầu luôn mẫu mực, đi chiếc xe ô tô không thuộc hạng sang và không cần mua sắm xe mới thì một cán bộ cấp tỉnh lại chạy siêu xe tư nhân gắn biển xanh mà đồng chí, đồng đội xung quanh không thấy phản cảm, không phê phán, đấu tranh? Hay trong vụ án Giang Kim Đạt, chỉ là một cán bộ cấp Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Vận tải viễn dương Vinashin còn trẻ tuổi, vốn là một thanh niên trong một gia đình nghèo ở quê lúa Thái Bình, chỉ sau vài năm vào Vinashin đã tham ô gần 19 triệu USD, có lối sống xa hoa, vung tiền mua 40 biệt thự, căn hộ cao cấp, đất đai trên khắp cả nước cùng nhiều ô tô mà tại sao tổ chức Đảng, cơ quan nơi Đạt công tác không ai nhận thấy sự bất thường về đạo đức, lối sống sinh hoạt? Ngoài kẽ hở về quản lý kê khai tài sản thì dường như trong Đảng ta, trực tiếp từ cấp chi bộ lâu nay dường như đã buông lỏng, xem nhẹ giáo dục, giám sát cán bộ đảng viên về đạo đức, lối sống. Nếu như những biểu hiện “lệch chuẩn”, những dấu hiệu bất thường về đạo đức, lối sống sớm được phát hiện, chấn chỉnh từ nơi đảng viên công tác, thì có lẽ sự tha hóa, trượt dài trên những vũng bùn tội lỗi sẽ được ngăn chặn.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, từ kinh nghiệm xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2, khóa VIII), nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhắc đi nhắc lại việc giáo dục cán bộ, đảng viên phải làm sao để mỗi người thấm thía, tự biết sửa mình. “Có một hình ảnh rất xúc động mà cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ mãi. Nghĩ về xây dựng Đảng, tôi nghĩ nhiều đến Bác Hồ, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc của mình, Bác trăn trở: “Trước hết nói về Đảng”. Vì vậy, tôi nghĩ ngay đến việc phải gắn việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng với học tập Di chúc của Bác Hồ, động viên và khơi dậy tình cảm thiêng liêng của mỗi cán bộ, đảng viên thì cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ đi vào lòng người. Lúc đó, bản Di chúc chưa có nhiều nên tôi chỉ đạo cho Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia in nhiều bản Di chúc để gửi đến các chi bộ. Tới đây, phải có quy định cụ thể hơn về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp cao, đồng thời có tiêu chí, quy định cụ thể về các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên ở từng lĩnh vực, có quy định để xem xét, xử lý đối với những cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống” - nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chia sẻ kinh nghiệm.

Theo đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, trong 10 nội dung xây dựng Đảng của Đại hội XII, nội dung “tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng” được nhấn mạnh, là một nội dung mới rất quan trọng để thực hiện mục tiêu “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Việc bổ sung nội dung xây dựng Đảng về đạo đức mới được đưa vào nghị quyết Đại hội XII, là sự tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ “coi trọng cả đức và tài, trong đó đức là gốc”. Giải pháp để thực hiện không dừng ở việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà còn phải thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát của tổ chức Đảng, giám sát, phản biện của nhân dân.

Sửa đổi từ “cái gốc” của công việc

Nhắc lại những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nguyên lý như: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” nhưng ông Nguyễn Đình Hương từ kinh nghiệm 53 năm làm công tác tổ chức cán bộ đưa ra nhận định: “Chúng ta đã trải qua 3 cuộc vận động từ “ba xây, ba chống” thời Bác Hồ, rồi Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2, khóa VIII) từ Đại hội VIII, Nghị quyết Trung ương 4 từ Đại hội XI, nhưng việc chỉnh đốn Đảng vẫn chưa thành công như mong muốn. Không thể hô hào mãi mà phải tìm ra nguyên nhân vì sao thất bại? Cũng giống như Đại hội VI về đổi mới, tìm ra nguyên nhân do cơ chế tập trung quan liêu bao cấp thì phải xóa bỏ, chuyển sang cơ chế thị trường theo định hướng XHCN. Hiện nay, mấu chốt để đẩy lùi "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" là công tác cán bộ. Công tác cán bộ mang tính chất đột phá, quyết định; chứ chờ hiệu quả từ công tác giáo dục, vận động thì “rất lâu”. 10 tỉnh, 5 bộ, ngành có thể bố trí sai cán bộ vẫn sửa chữa được khi nằm trong tập thể tốt, nhưng bộ máy thượng tầng kiến trúc lãnh đạo đất nước không thể cho phép sai sót, bởi đó là sự kết tinh từ tinh hoa, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam”.

Tình trạng “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ” như dư luận bàn tán trong công tác cán bộ lâu nay đã trở thành phổ biến. Song nhìn nhận vấn đề ở tầm khái quát hơn, TS Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cảnh báo rằng, trong “tự chuyển hóa” thì nguy cơ lợi ích nhóm và chủ nghĩa tư bản thân hữu là nguy hiểm nhất.

Một cán bộ làm công tác tổ chức kỳ cựu cho biết, đã theo dõi các vụ tham nhũng lớn từ sau năm 1975 đến nay thì đã có tới hơn 30 vụ ở tầm “chấn động dư luận”. Càng về sau, phạm vi, quy mô tham nhũng càng lớn và càng biểu hiện rất rõ sự cấu kết, lợi ích nhóm, mỗi vụ đều lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều vụ việc tiêu cực trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, biến cổ phần hóa thành “chia phần hóa”, hàng nghìn tỷ đồng tài sản Nhà nước chuyển vào túi gia đình quan chức. Ở một khía cạnh khác, công tác cán bộ nảy sinh nạn “xin-cho”, “cấp-phát”, “tư duy nhiệm kỳ”, “lợi ích nhiệm kỳ”. Có cán bộ cấp lãnh đạo tỉnh, trong một nhiệm kỳ ưu ái cho doanh nghiệp “sân sau” thực hiện hàng trăm dự án với danh sách hàng chục trang dài dằng dặc, làm biến dạng môi trường đầu tư, động lực phát triển của địa phương. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ giai đoạn 2011-2015, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý hơn 102.000 tỷ đồng, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý hơn 265.000 tỷ đồng. Nhiều dự án đầu tư công kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí tới hàng chục nghìn tỷ đồng như: Thua lỗ tại Vinalines 3.478 tỷ đồng, Công ty Đạm Ninh Bình 2.084 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam lỗ 10.520 tỷ đồng… Trong khi chỉ cần 16.500 tỷ đồng là đủ tăng 5% mức lương cơ sở cho công chức, viên chức.

Vì vậy, trong công tác tổ chức cán bộ, chống “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ” phải trở thành “những việc cần làm ngay” hiện nay.

Phòng tuyến bằng "chiếc phanh" cơ chế

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, người rất tâm huyết với giải pháp thực hiện tự phê bình và phê bình sâu rộng trong Đảng khi triển khai cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ Đại hội VIII đến nay vẫn cho rằng, phải tiếp tục kiên trì, thực hiện tốt vấn đề này. “Cần triển khai nghiêm túc nhưng không lên gân, đao to búa lớn mà vẫn mang tính chiến đấu cao. Thời đó, trong Bộ Chính trị có đồng chí nào dư luận nêu việc A, việc B, việc C, chúng tôi đều gặp nhau trao đổi và đều gặp riêng chỉ rõ. Cách làm tuy nhẹ nhàng nhưng lại sâu, khá hiệu quả để họ thấy sai rồi thì phải sửa. Có đồng chí trong Bộ Chính trị có biểu hiện trái với Nghị quyết của Đảng, đều được đưa ra đấu tranh thẳng thắn, “đúng sai phải phân minh, nhưng nghĩa tình thì trọn vẹn”, không chụp mũ, không áp đặt, nhưng kết quả phải rõ ràng” - nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu phân tích.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Đảng là người, nên có sai lầm, tức là cũng có lúc khỏe mạnh, lúc ốm đau, bệnh tật. Đó là lẽ thường tình, không vì thấy ốm đau mà phát sinh tư tưởng lo sợ, bi quan, tuyệt vọng, giấu giếm bệnh tật trong mình”; “Tự phê bình là phương thuốc trị bệnh cứu mình, phê bình là phương thuốc trị bệnh cứu người".

 “Năm 1956, tôi về Ban Tổ chức Trung ương, đến khi tổ chức Đại hội III của Đảng, Bác Hồ đã chỉ đạo phải có phần chỉnh đốn Đảng, chống suy thoái trong Đảng rồi. Năm 1954, cả nước có 50.000 đảng viên. Năm 1959 chỉ còn 7.000 đảng viên vì chiến tranh, hy sinh nhiều lắm. Đảng viên ít vậy mà đến năm 1973, ở miền Bắc, Đảng ta kiên quyết đưa ra khỏi Đảng 62.914 đảng viên” - ông Nguyễn Đình Hương lần giở cuốn sổ tay cũ khi trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân. “Chỉnh đốn Đảng phải quyết liệt như thế mới thành công. Trên có lệnh ngừng kết nạp đảng viên mới để chỉnh đốn. Ai yếu kém, ai thoái hóa, ai đầu hàng… đều đưa ra khỏi Đảng”.

Chung quan điểm với ông Nguyễn Đình Hương, nhiều cán bộ lãnh đạo, chuyên gia xây dựng Đảng đều cho rằng, phải siết chặt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng hiện nay. Trong thời gian tới, cần có thêm giải pháp đồng bộ, tăng cường hơn nữa vai trò, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, các cơ quan nội chính, ủy ban kiểm tra các cấp cũng như các cơ quan pháp luật. Cần có cơ chế giám sát cán bộ, đảng viên chặt chẽ hơn, nhất là giám sát về kê khai, công khai tài sản; phải có cơ chế như "chiếc phanh" hãm lại mọi tham vọng, tiêu cực, suy thoái trong Đảng. Phát biểu trước báo chí gần đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nêu ra giải pháp: “Xây dựng cơ chế phòng ngừa để “không thể tham nhũng”, cơ chế răn đe, trừng trị để “không dám tham nhũng”; xây dựng văn hóa, giáo dục đạo đức, nâng cao lòng tự trọng để “không muốn tham nhũng”…

NHÓM PV (thực hiện)

 
 
 

Bài 4: Giữ vững nguyên tắc, xây dựng Đảng vững mạnh từ gốc

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng chỉ rõ: “Các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi vừa bị buông lỏng trong thực hiện, vừa chưa được quy định cụ thể để làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát...”. Do đó, việc thực hiện đúng, đủ, triệt để, hiệu quả đường lối, chủ trương, nguyên tắc, Điều lệ Đảng; chủ động, sáng tạo xây dựng cơ chế phát hiện kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng được xem là những giải pháp nền tảng, hữu hiệu phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang diễn biến phức tạp hiện nay.

Không để tổ chức đảng bị “tê liệt”, vi phạm nguyên tắc

Dư luận đặc biệt quan tâm ở thời điểm hiện tại là việc Trịnh Xuân Thanh, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang “biến mất” một cách kỳ lạ, mang theo nhiều bí ẩn liên quan đến công tác tổ chức và công tác cán bộ.

Chỉ mới đây thôi, ít ai có thể hình dung được chân dung thật của con người này. Đến nay, một phần sự thật được hé mở, con đường đến với chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang của Trịnh Xuân Thanh không nằm trong quy hoạch, không đúng quy trình công tác cán bộ, mà chỉ là sự “hợp thương”, “gửi gắm”...? Và còn nữa, hàng loạt tội lỗi “tày đình” Trịnh Xuân Thanh đã gây ra cho Đảng, đất nước và nhân dân. Điều đáng nói ở đây là có phải một mình Trịnh Xuân Thanh có thể vung tay che lấp lưới trời pháp luật; bịt kín mọi dư luận và sự kiểm tra, giám sát trong Đảng, trong dân? Phải chăng tất cả các tổ chức Đảng, cơ quan đơn vị, cán bộ, đảng viên Trịnh Xuân Thanh từng gắn bó, cùng sinh hoạt, công tác lại không biết, không nhận ra, không tỏ tường về con người và những sai phạm, tội lỗi mà anh ta đã gây ra? Hay chính là sự thật đáng buồn, có những người biết rõ, nắm chắc nhưng “mũ ni che tai”, “makeno”, “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, nên  không đấu tranh, không phê bình?!

Nhưng vụ án trên không phải là cá biệt. Những năm qua, chúng ta chứng kiến nhiều vụ việc mà trước khi bị phát hiện, các đối tượng vẫn ung dung ở vị trí công tác quan trọng, thậm chí có đối tượng còn được tôn vinh, đề xuất khen thưởng với những hình thức cao. Trong hàng trăm vụ án tiêu cực trong Đảng được đưa ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật, hầu hết, chưa có cấp ủy, chi bộ nào phát hiện cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật do quá trình đấu tranh phê và tự phê bình. Hiếm thấy cấp trên trực tiếp phát hiện cấp dưới sai phạm để xử lý và càng hiếm có chuyện cấp dưới phát hiện cấp trên sai phạm để phê bình, đấu tranh, tố cáo... Phê và tự phê bình, thứ “vũ khí” hữu hiệu nhất bảo đảm Đảng tồn tại và phát triển lành mạnh đã âm thầm lặng lẽ bị vô hiệu hóa.

Trong vụ án Trịnh Xuân Thanh, nguyên tắc tập trung dân chủ bị lợi dụng, biến dạng và biến thành “bình phong” cho những toan tính lợi ích cá nhân và mưu đồ tiến thân của Trịnh Xuân Thanh, với sự giúp sức, hợp thức hóa của tổ chức. Dân chủ ở một số tổ chức Đảng chỉ còn là hình thức, nhường chỗ cho sự tập trung không đúng nghĩa, không chân chính. Nói về thực trạng này, đồng chí Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, nguyên Trưởng ban Bảo vệ Đảng cho rằng, việc vi phạm các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ đang diễn ra phổ biến, nghiêm trọng ở nhiều tổ chức Đảng hiện nay. Biểu hiện trước tiên là trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng còn dân chủ hình thức. Tình trạng thảo luận xuôi chiều, thiếu tranh luận, thiếu phản biện lẫn nhau để tìm ra chân lý còn diễn ra khá phổ biến. Thay thế vào đó, việc áp đặt ý kiến chỉ đạo của đồng chí chủ trì cấp ủy, thiếu sự trao đổi của các thành viên cấp ủy vẫn chưa được khắc phục. Có những cấp ủy viên, đảng viên khi thảo luận thì không phát biểu thể hiện chính kiến của mình, nhưng sau khi có nghị quyết lại biểu hiện sự thiếu nhất trí, hoặc nghi ngờ tính khả thi của nghị quyết. Tình trạng nói không đi đôi với làm, thiếu quyết tâm chỉ đạo còn diễn ra ở một số tổ chức Đảng, cấp ủy viên.

Từ việc vi phạm nguyên tắc Đảng nên ở nhiều nơi xuất hiện tình trạng độc đoán, chuyên quyền; công tác cán bộ cũng vì thế mà bị “lũng đoạn” bởi một số người có chức, có quyền. Biểu hiện rõ nhất là kiểu dân chủ hình thức trong việc bố trí, sử dụng cán bộ thiếu sự bàn bạc của tập thể cấp ủy mà dường như mọi quyết định về bố trí sử dụng, cất nhắc đề bạt cán bộ ở những tổ chức đảng đó đều do đồng chí chủ trì cấp ủy quyết định. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bố trí, bổ nhiệm con, em, người thân của lãnh đạo các cấp chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện diễn ra phổ biến; dẫn tới nguy cơ tạo ra những “ê kíp” cán bộ vận động theo hướng tiêu cực và tạo nên “trào lưu” cán bộ, đảng viên tìm mọi cách “chạy chức, chạy quyền”...

Hiện tượng này nếu không được khắc phục sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, dễ gây mất đoàn kết nội bộ, làm suy giảm niềm tin của quần chúng đối với bộ máy Đảng, Nhà nước. Nó cũng là nguyên nhân làm nảy sinh “tự diễn biến” ở nhiều đối tượng trong Đảng. Một bộ phận tự đắc, ỷ lại, trịch thượng, phát triển đột biến mà không cần phấn đấu, cố gắng; bộ phận còn lại (số đông), xuất hiện tư tưởng chán nản, nhụt ý chí phấn đấu, thiếu niềm tin vào tổ chức Đảng, cơ quan đơn vị, thậm chí có những phản ứng tiêu cực. Đó là những biểu hiện “tự diễn biến” rõ ràng dễ nhận biết; đồng thời cũng là nguy cơ dẫn đến “tự chuyển hóa” hiện nay.

Những biểu hiện nói trên, không bỗng nhiên xuất hiện, mà có một quá trình từ chớm nở như một ung nhọt nhỏ rồi phát triển qua nhiều giai đoạn. Những bệnh tật này lặng lẽ tích dồn liên tục trong nhiều tháng, nhiều năm làm cho tổ chức Đảng mất sức chiến đấu, thiếu nhạy bén, không phát huy được trí tuệ tập thể, không đưa ra được đường lối, quyết sách đúng đắn, khả thi. Đến nay, tình trạng vi phạm nguyên tắc của Đảng đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng và chế độ ta; mà bài học về sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô vẫn để lại những bài học vô cùng đắt giá về việc vi phạm các nguyên tắc của Đảng.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng, việc duy trì nghiêm túc, lập lại nền nếp, chế độ nguyên tắc Đảng là công việc hết sức cần kíp hiện nay. Trước hết, cần đẩy mạnh nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về nội dung, bản chất của mỗi nguyên tắc Đảng để vận dụng thực hiện hiệu quả, không chệch hướng. Cùng với đó Đảng cần chủ trương đẩy mạnh lãnh đạo việc tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa các nguyên tắc thành quy chế, quy định trong Đảng và pháp luật của Nhà nước để tổ chức thực hiện hiệu quả, nhất là trong thảo luận ra nghị quyết và công tác cán bộ. Hệ thống quy chế, quy định đồng bộ, nhất quán càng có cơ sở để quản lý, điều chỉnh các hành vi hoạt động của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên. Cần rà soát lại những điểm bất hợp lý, lạc hậu trong các quy chế, quy định đã ban hành để bổ sung hoàn thiện, giúp cho việc thực hiện các nguyên tắc được thống nhất. Nên chăng mỗi loại quy chế, quy định, luật pháp cần lượng hóa trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên dưới quyền; làm rõ quyền hạn gắn với trách nhiệm, giáo dục đi đôi với kiểm tra giám sát, tự giác gắn liền với bắt buộc cán bộ, đảng viên thực hiện.

Sử dụng hiệu quả công năng “quả đấm thép”

Kỷ luật Đảng được xem là “quả đấm thép” với tiêu cực, hạn chế, yếu kém trong Đảng. Thế nhưng, với tinh thần thẳng thắn nhìn vào khuyết điểm, Đảng ta chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng: “Những sai sót, vi phạm không được đấu tranh, xử lý nghiêm minh. Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thường xuyên ráo riết; đấu tranh với những vi phạm còn nể nang chưa nghiêm túc”.

Từ trước đến nay, Đảng ta luôn nhất quán duy trì nghiêm minh, nghiêm khắc kỷ luật Đảng. Vụ xử tử Trần Dụ Châu vì tham ô (năm 1950); tử hình Nguyễn Hữu Giộc (Mười Vân), nguyên Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, tham nhũng hàng trăm ki-lô-gam vàng (năm 1988)... là những ví dụ cho thấy sức mạnh của kỷ luật thép trong Đảng. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng cho rằng, Đảng ta có truyền thống tự chỉnh đốn và thực hành kỷ luật nghiêm minh từ rất lâu rồi. Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đảng ta đã tự phê bình, nhận ra sai lầm “tả khuynh” của mình. Thời đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư, Đảng ta còn non trẻ, nhưng đã “Tự chỉ trích” rất nghiêm khắc. Rồi cải cách ruộng đất có những sai lầm, Bác Hồ đã khóc, đã xin nhận hình thức kỷ luật và xin lỗi quốc dân đồng bào; Tổng Bí thư Trường Chinh xin từ chức... Thậm chí, có thời điểm, Trung ương chủ trương “đóng cửa Đảng”, thực hiện ngừng kết nạp đảng viên mới, tập trung sức chỉnh đốn Đảng, chống “tự chuyển hóa” trong Đảng...

Truyền thống kỷ luật Đảng là vậy, nhưng gần đây, dư luận cho rằng, Đảng chưa có nhiều giải pháp hiệu quả để xiết chặt kỷ cương. Các vụ án liên quan đến “tự chuyển hóa” được xử lý là thích đáng, nhưng khung hình phạt với loại tội phạm này còn khá nhẹ, trong khi tính chất, mức độ nguy hại của các vụ án là quá lớn và phức tạp. Cũng có quan điểm cho rằng, hiệu quả kỷ luật Đảng hiện nay chưa đạt như mong muốn là vì chúng ta chưa giải quyết tận cùng gốc rễ của vấn đề. Có nghĩa, Đảng chỉ tập trung xử lý cán bộ, đảng viên suy thoái, “tự chuyển hóa”, vi phạm kỷ luật Đảng, mà chưa xem xét, kỷ luật, xử lý các đối tượng để xảy ra tình trạng suy thoái, “tự chuyển hóa” trong tổ chức và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Đáng lo ngại nhất hiện nay là hiếm có cán bộ lãnh đạo nào dám đứng ra nhận trách nhiệm trước những yếu kém, sai trái ở tổ chức do mình phụ trách, quản lý, mà đinh ninh đó là lỗi của “tập thể lãnh đạo”. Đã có hàng trăm, hàng nghìn vụ án được pháp luật đưa ra ánh sáng. Thế nhưng, hầu như cán bộ lãnh đạo các cấp đều bình an trước những sự vụ, sự việc, vụ án mà đáng ra họ có trách nhiệm liên đới. Gần đây, trong các phiên họp Quốc hội, một số bộ trưởng có các đơn vị, cán bộ, đảng viên do mình phụ trách mắc sai phạm lớn, khi phát biểu thường là xin nhận hoàn toàn trách nhiệm, hứa sẽ kiểm điểm nghiêm túc và rút kinh nghiệm kịp thời...; nhưng chưa thấy cán bộ, đảng viên nào tự giác nhận hình thức kỷ luật hoặc xin từ chức. GS, TS Phùng Hữu Phú, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng: Đảng rất cần cơ chế giám sát quyền lực, cụ thể hóa thành những chế tài nhằm quy trách nhiệm và xử lý cán bộ chủ trì các cấp khi để xảy ra sai phạm lớn trong tổ chức thuộc thẩm quyền lãnh đạo, quản lý. Cũng đồng thời, sớm ban hành quy chế về việc thay thế những cán bộ không đủ năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, có tín nhiệm thấp, chứ không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.

Cần thấy rằng, việc thực hiện nghiêm kỷ luật Đảng cũng phải hết sức linh hoạt, tùy vào tình hình và đối tượng cụ thể. Đối với những cán bộ, đảng viên đã thật sự bị chuyển hóa thì cần xử lý nghiêm khắc, quyết liệt; nhưng đối với những đối tượng có biểu hiện tự diễn biến lại cần mềm dẻo khi áp dụng các hình thức kỷ luật Đảng. Cần sớm phát hiện để giúp họ khắc phục “tự diễn biến”; có cách lôi kéo họ về phía Đảng, ngăn chặn xu hướng tiêu cực; không nên cứng nhắc để vô hình trung đẩy đồng chí, đồng đội về phía kẻ thù và lực lượng phản động, chống đối... Tiếp cận theo nghĩa đó, thấy rằng, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống các cơ chế, chế tài, quy định nhằm phát hiện, giám sát, ngăn chặn, đẩy lùi “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” cần được sớm xây dựng, bổ sung, hoàn thiện trong tình hình hiện nay.

NHÓM PV (thực hiện)

Bài 5: Gắn bó máu thịt với nhân dân, giữ vững bản chất cách mạng của Đảng

 

Có thể nói rằng, đấu tranh phòng chống, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là một cuộc “đấu tranh nội tâm” vô cùng gay gắt, quyết liệt trong bản thân mỗi cán bộ, đảng viên. Tuy vậy, “cuộc chiến” này có thành công hay không, ngoài sự cố gắng nỗ lực vượt bậc của mỗi chủ thể là cán bộ, đảng viên, thì đòi hỏi cần phải có sự tham gia rất tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các tầng lớp nhân dân.

 

Đảng không được phép sống xa dân và trên dân

Đảng ta là “con nòi” của dân tộc, ra đời, trưởng thành và lớn lên trong phong trào cách mạng của nhân dân. Nhân dân ta tự nguyện đi theo Đảng, tự nguyện tôn vinh sự lãnh đạo, dìu dắt của Đảng, nhưng để Đảng không đi “chệch hướng” thì nhất thiết Đảng phải chịu sự giám sát của nhân dân. Nhân dân với tư cách “là chủ” và “làm chủ” của xã hội và đất nước, do đó việc cần kíp lúc này là phải thực sự coi trọng, phát huy cao nhất vai trò, sức mạnh của nhân dân trong việc phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, thực tiễn lịch sử cũng như bài học kinh nghiệm của Đảng ta và phong trào cộng sản quốc tế đã cho thấy, ở đâu, lúc nào mà Đảng giữ vững được bản chất cách mạng của mình, giữ vững được mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân; cán bộ, đảng viên sống gần dân, trọng dân, hiểu dân, tin dân, có trách nhiệm với dân, thì ở đó, lúc đó, nhân dân dành trọn niềm tin, tình cảm cho Đảng, hết lòng, hết sức đùm bọc, chở che và bảo vệ Đảng. Ngược lại, lúc nào Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên mắc bệnh quan liêu, xa rời quần chúng, tham nhũng, hủ hóa, không tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, không lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân, lúc đó Đảng sẽ dần xa rời bản chất cách mạng rồi tự sụp đổ ngay dưới chân mình!

Xin nhắc lại lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cách đây 5 năm: “Mai kia Đảng này sẽ là đảng của ai? Có giữ được bản chất là đảng cách mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc không?”. Trước khi đưa ra câu hỏi đầy nỗi niềm này, Tổng Bí thư đã đặt vấn đề: “Bây giờ trong Đảng cũng có sự phân hóa giàu - nghèo, có những người giàu lên rất nhanh, cuộc sống cách xa người lao động; liệu rồi người giàu có nghĩ giống người nghèo không?”.

Câu hỏi trên không khó trả lời. Bởi trong số những người giàu lên một cách bất thường ấy, có không ít cán bộ đang nắm những chức vụ quan trọng trong bộ máy đảng, chính quyền các cấp. Cái sự giàu ấy không phải chủ yếu do tài năng, trí tuệ, mồ hôi, công sức họ bỏ ra, mà phần lớn là do lợi dụng vị trí công tác để vun vén lợi ích cá nhân, tìm mọi kẽ hở của pháp luật, lôi bè cánh theo “lợi ích nhóm” để làm ăn thiếu đàng hoàng, khuất tất với mục đích vinh thân, phì gia. Theo GS, TS Trần Văn Bính, nguyên Trưởng khoa Văn hóa XHCN (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), tưởng như sự giàu có bất thường, cuộc sống hưởng thụ cao sang của một số cán bộ lãnh đạo chẳng ảnh hưởng gì đến những người xung quanh và cộng đồng, nhưng sự thật đã để lại bao hệ lụy cho bản thân họ và xã hội. Chính cuộc sống xa hoa, cách biệt với dân đang tự biến họ trở thành “nô lệ” của đồng tiền, “bóng ma” của vật chất. Hệ lụy đáng nói nhất mà họ gây ra là làm đảo lộn các chuẩn mực giá trị đạo đức xã hội, làm cho lòng người hoài nghi và ly tán, lòng tin của dân vào Đảng và chế độ bị xói mòn và làm cho tính giai cấp, tính nhân dân, tính dân tộc của Đảng từng bước bị mọt ruỗng từ bên trong và lung lay từ gốc rễ.

Còn nhớ khi Liên Xô trong thời điểm sụp đổ, một số học giả nước này đã làm cuộc điều tra xã hội học rất đáng suy ngẫm. Trong phiếu điều tra, trả lời câu hỏi “Đảng Cộng sản Liên Xô đại diện cho ai”?, thì có tới 85% ý kiến cho là đại diện của giới cán bộ quan chức nhà nước quan liêu, chỉ có 11% cho là đại diện của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Một đảng cộng sản cầm quyền mà tỷ lệ giới chức quan liêu, xa rời quần chúng lớn đến mức nghiêm trọng như vậy, thế nên lúc gặp “sóng gió” không được nhân dân ủng hộ và bị các thế lực khác “tước” quyền lãnh đạo cũng không có gì khó hiểu!

Đấy là chuyện ở xứ người. Còn ở nước ta cũng cần nhắc lại một ví dụ điển hình về thực trạng đội ngũ cán bộ, đảng viên “sống xa dân, sống trên dân” nên đã để lại một bài học xương máu về mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền và nhân dân. Năm 1997, một bộ phận không nhỏ nông dân tỉnh Thái Bình bột phát nổi dậy phản đối cấp ủy, chính quyền có nguyên nhân chủ yếu là do quyền làm chủ của người dân đã bị vi phạm nghiêm trọng, chính quyền cơ sở huy động quá sức dân, thậm chí lạm thu nhiều khoản bất chính, trong khi đó một số cán bộ chủ chốt ở địa phương giàu lên một cách bất minh và lại có lối sống xa hoa, kệch cỡm, nên càng gây bức xúc, bất bình trong nhân dân. Sau sự kiện đáng buồn này, đã có hơn 2.000 cán bộ, đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật, hơn 70% số tổ chức cơ sở đảng phải thay từ một nửa đến hai phần ba cấp ủy. 

Trong điều kiện Đảng cầm quyền hiện nay, càng phải hết sức coi trọng giữ vững bản chất cách mạng của Đảng. Sức mạnh đó không ở đâu khác, mà bắt nguồn từ sức mạnh niềm tin của nhân dân. Niềm tin thuộc phạm trù tinh thần, nhưng nó có thể biến thành sức mạnh “dời non lấp biển” nếu như mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng luôn thấm nhuần và thể hiện sâu sắc quan điểm “Dĩ dân vi bản” (lấy dân làm gốc) trong cả tư tưởng và hành động, suy nghĩ và việc làm, thái độ và hành vi ở mọi lúc, mọi nơi. Lánh xa dân, sống trên dân, làm việc không vì dân-đó là quá trình “tự diễn biến” tuy diễn ra âm thầm, lặng lẽ, nhưng lại là quá trình “tự chuyển hóa” nhanh nhất, để lại tác hại ghê gớm và hậu quả khốc liệt nhất mà đội ngũ cán bộ, đảng viên không bao giờ được phép coi nhẹ, xem thường.

Trọng dân, tin dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng

Cương lĩnh, các văn kiện đại hội và Điều lệ Đảng đều khẳng định: Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Trên thực tế, Đảng ta cũng đã có nhiều chủ trương, giải pháp để thực hiện nguyên tắc cốt tử đó, như mỗi dịp Đại hội Đảng các cấp đều lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân; quy định cán bộ chủ chốt các cấp phải tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân; triển khai Quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”...

Chủ trương là vậy, nhưng thực tế nhiều nơi hoặc là né tránh, hoặc là làm qua loa, đại khái những việc liên quan đến phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Việc nhiều cấp ủy, chính quyền chưa chú trọng huy động được đông đảo người dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng.

Trong 73.325 đảng viên bị kỷ luật giai đoạn 2010-2015, có 62.389 đảng viên ở cấp cơ sở (chiếm tỷ lệ 85%). Trong khi tổ chức đảng ở cơ sở là cầu nối giữa Đảng với dân, là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, mà số đảng viên ở cơ sở bị kỷ luật nhiều như vậy thì sẽ tác dụng tiêu cực đến tình cảm, niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Mặt khác, con số đảng viên cấp cơ sở bị kỷ luật nêu trên cũng phần nào nói lên tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm nguyên tắc Đảng... là rất hiện hữu, chứ không còn dừng lại ở nguy cơ.

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) mới đây cho biết, trong số 11 đầu việc chưa được đa số nhân dân ghi nhận, hài lòng, thì có tới 6 đầu việc liên quan thiết thân đến cuộc sống của nhân dân, đó là: Giải quyết khiếu nại, tố cáo cho công dân; Giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân; Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Chống lạm phát, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu đối với đời sống nhân dân; Thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; Giải quyết mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Bên cạnh đó, có 4 đầu việc chủ yếu liên quan đến cán bộ, đảng viên cũng chưa được đa số nhân dân ghi nhận, đó là: Tiết kiệm, chống lãng phí; Chống tham nhũng; Phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; Nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. 

Dẫu số liệu điều tra trên đây chỉ phản ánh phần nào về tâm trạng, tình cảm, niềm tin và cả những băn khoăn, lo lắng của nhân dân, nhưng cũng khiến tất cả những ai nặng lòng với Đảng, với đất nước và quan tâm đến vận mệnh chế độ cũng không khỏi trăn trở. Có một câu hỏi đặt ra là sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, phần lớn đời sống nhân dân đã thoát khỏi đói nghèo, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đều có bước chuyển biến tích cực, nhưng tại sao người dân vẫn rất quan tâm, thậm chí lo lắng đến vận mệnh của Đảng và chế độ? Theo GS, TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, Hội đồng Lý luận Trung ương, vì từ trong tâm niệm sâu xa của mình, đa số người dân vẫn yêu Đảng, thủy chung với Đảng, tự nguyện đi theo mục tiêu, lý tưởng của Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, cho nên người dân có tâm lý lo lắng về một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cũng là điều dễ hiểu. Khi người dân còn biết lo cho vận mệnh của Đảng, lo công việc chung của Đảng, đấy là hồng phúc của Đảng và dân tộc. Vấn đề cốt tử hiện nay là Đảng phải làm sao để cho người dân giảm bớt và tiến tới không còn phải băn khoăn, lo lắng nhiều vì những bất cập, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng nói chung, và những biểu hiện thoái hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên nói riêng. 

“Mai kia Đảng này sẽ là đảng của ai”? Nếu Đảng chỉ thuộc về một số người giàu có, sống cách biệt với dân, không đồng cam cộng khổ với dân, không thấm nhuần và thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ “Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, thì Đảng đã vô hình trung “đứng trên, đứng ngoài” lợi ích của nhân dân và nguy cơ Đảng thoái hóa, biến chất rồi sụp đổ là khó tránh khỏi. Ngược lại, nếu hơn 4,6 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay cùng hòa chung nhịp đập với hơn 90 triệu trái tim người Việt, cùng biết lo toan gánh vác việc Đảng, việc nước, việc dân, đó chính là cơ sở bảo đảm cho Đảng ta thực hiện tốt trọng trách cao cả của mình. Đó cũng là một trong những giải pháp căn cơ để phòng chống, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng đạt hiệu quả tối ưu.

 

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất