Tác phẩm đoạt giải

Nâng tầm năng lực lãnh đạo của Đảng - nhìn từ thực tiễn Quảng Ninh

Bài 1: "Cẩm nang" của Quảng Ninh

Một bộ máy trùng chéo, bất hợp lý, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ; một lực lượng cán bộ, công chức, viên chức nhiều tới mức “lạm phát”; sự bất hợp lý trong chi ngân sách cho đầu tư phát triển và chi để nuôi bộ máy; sự hạn chế, yếu kém về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một bộ phận đảng viên, cơ sở đảng; sự chưa đồng bộ trong đổi mới hệ thống chính trị và đổi mới về kinh tế... là thực trạng chung ở nhiều địa phương trong cả nước hiện nay. Nhận diện rõ những hạn chế, yếu kém này, trên cơ sở chủ trương của Đảng về đổi mới hệ thống chính trị, Quảng Ninh đã xây dựng và đang vào guồng triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh, Đề án 25 về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”.

Sức sống mới ở Tiên Yên

Với khát vọng vươn cao từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển, trong những năm qua Quảng Ninh đã đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức và tầm nhìn chiến lược, linh hoạt và sáng tạo trong cụ thể hoá các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Từ đó, đưa ra những sáng kiến chính trị hành chính có tính đột phá, tạo không khí thi đua lao động sản xuất đoàn kết, gắn bó, tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới của Đảng.

3 năm trở lại đây toàn tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ để nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, trong đó Tiên Yên là một trong những điểm sáng trong “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”. Đến Tiên Yên thời gian này, hẳn ai cũng có thể cảm nhận rõ ràng sức sống mới ở địa bàn miền núi, ven biển với gần 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số này. Những con đường nông thôn mới trải dài từ xã xuống thôn, từ thôn đến xóm, từ xóm ra đồng đều được cứng hoá, mở rộng từ sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, những mô hình sản xuất “2 con 1 cây” (con gà, con tôm và cây dược liệu) nở rộ trên những cánh đồng, trang trại. Người nông dân hào hứng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền. Từ những đổi mới, đột phá trong xây dựng bộ máy, hệ thống chính trị, Tiên Yên đã tạo sự đoàn kết, thống nhất, huy động tổng nguồn sức mạnh phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; tạo niềm tin sắt son vào Đảng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Đồng chí Trương Công Ngàn, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên cho biết: Tiên Yên đang có một sinh khí mới từ việc chăm lo, làm tốt khâu “then chốt”, nhất là từ khi thực hiện Đề án 25. Như đối với ngành giáo dục và y tế nhờ mạnh dạn sắp xếp lại hoạt động của ngành giáo dục và y tế, Tiên Yên đã đột phá thành công trong thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế ở 2 ngành có đầu mối, cán bộ, biên chế nhiều và phức tạp nhất này. Kết quả là các em học sinh đã được thụ hưởng điều kiện học tập tốt hơn sau khi sắp xếp lại các trường, điểm trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân được tập trung và hiệu quả hơn.

Đối với tổ chức, bộ máy để minh bạch hoá, Tiên Yên thực hiện bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý có cạnh tranh thông qua trình bày chương trình công tác; thí điểm thực hiện chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý (tập sự 6 tháng); luân chuyển cán bộ các phòng, ban, đơn vị huyện về làm Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND tại các xã, thị trấn; thực hiện luân chuyển Phó Bí thư giữa các xã, trưởng phòng cấp huyện có thời gian giữ chức vụ 7 năm trở lên và do yêu cầu công tác, luân chuyển 18 công chức kế toán và công chức địa chính xã, thị trấn theo Nghị định 158 và Nghị định 150 của Chính phủ... Năm 2015, Tiên Yên được Tỉnh uỷ Quảng Ninh lựa chọn là Đảng bộ tổ chức đại hội điểm cấp huyện nhiệm kỳ 2015-2020, thí điểm đại hội bầu trực tiếp Bí thư, Phó Bí thư, Ban Thường vụ; thực hiện nhất thể hoá chức danh người đứng đầu địa phương - Bí thư Huyện uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND huyện. Và Tiên Yên đã “mở hàng” rất may mắn cho kỳ Đại hội cấp huyện thành công rực rỡ của Quảng Ninh nhiệm kỳ 2015-2020 với nhiều đổi mới để mở rộng dân chủ trong Đảng. Cũng là Tiên Yên với mô hình “2 trong 1” - Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND huyện không chỉ khẳng định lựa chọn rất đúng đắn của cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn để bộ máy của huyện ngày càng vận hành nhịp nhàng, đồng bộ, ăn khớp, công việc chạy nhanh hơn, vai trò người đứng mũi chịu sào thể hiện rõ ràng hơn mà còn chứng minh chủ trương của Đảng về đẩy mạnh thực hiện nhất thể hoá chức danh (Nghị quyết XII của Đảng) đã đáp ứng yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn. Như Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên Trương Công Ngàn khẳng định: Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 19, Đề án 25 ở Tiên Yên đã tạo ra những chuyển biến rất tích cực trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị của huyện, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của nhiều cấp uỷ, tổ chức Đảng được nâng lên, phương thức lãnh đạo có nhiều đổi mới, nhất là trong chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. Tổ chức bộ máy được sắp xếp tinh gọn, hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ và có hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được tinh giản; trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc, ý thức và tinh thần trách nhiệm cơ bản được nâng lên. Quá trình thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU, Nghị quyết số 19-NQ/TU và Đề án 25 gắn với tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, bầu cử Đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021 và thực hiện Nghị định 108/NĐ-CP có hiệu quả.

Không chỉ là nâng tầm lãnh đạo...

Một trong những điểm đột phá mà Quảng Ninh đã và đang quyết tâm thực hiện đó là “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (gọi tắt là Đề án 25). Trả lời câu hỏi tại sao trong 3 năm qua, cả hệ thống chính trị của tỉnh tập trung cao độ cho Đề án này, là bởi Quảng Ninh nhìn nhận thấy rõ những cái được và những mặt hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Đó là, năng lực lãnh đạo ở nhiều cấp uỷ chưa theo kịp yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, một số tổ chức Đảng, đảng viên, sức chiến đấu chưa cao, bộ máy chưa tinh gọn, chức năng, nhiệm vụ ở một số cơ quan, đơn vị còn chồng chéo, bất hợp lý; trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước chiếm tỷ lệ cao và có xu hướng ngày càng tăng... Và trong những nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế, tồn tại này là đổi mới phương thức cầm quyền, lãnh đạo của Đảng chưa theo kịp với sự phát triển của thực tiễn, chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế. Vì vậy, Quảng Ninh đã nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá về năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp uỷ đảng, tiến hành rà soát trong hệ thống chính trị về tổ chức bộ máy, biên chế, phát hiện nhiều yếu kém, bất cập cần phải mạnh dạn đổi mới. Sau khi phân tích kỹ những hạn chế, yếu kém, làm rõ nguyên nhân, yếu tố tác động, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện quyết liệt Đề án 25. Như khẳng định của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Đỗ Thị Hoàng thì Đề án 25 không chỉ là để nâng tầm lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy mà đối với Quảng Ninh, Đề án 25 chính là “cẩm nang” trong quá trình đổi mới để hiện thực hoá khát vọng to lớn của nhân dân trở thành động lực và nguồn lực cho sự phát triển.

Mặc dù rất nóng ruột sớm đồng bộ giữa đổi mới kinh tế và hệ thống chính trị nhưng Quảng Ninh rất thận trọng trong xây dựng Đề án 25 chung của tỉnh và các địa phương, đơn vị. Tất cả các Đề án đều được lấy ý kiến tham gia góp ý trực tiếp của nhân dân, mọi đối tượng chịu tác động và phải được thông qua HĐND các cấp. Riêng đối với đề án cấp tỉnh trong 2 năm 2013, 2014, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức các cuộc làm việc với các bộ, ngành và các cuộc hội thảo, toạ đàm khoa học với các cơ quan nghiên cứu lý luận của Đảng, Nhà nước để có được những ý kiến đóng góp xác đáng. Đối với đề án của 14 địa phương, tỉnh chủ trương không cứng nhắc, rập khuôn tỉnh làm gì, địa phương làm đó, mà sự khác biệt trong Đề án 25 của mỗi địa phương là trên cơ sở đặc điểm tình hình của mình, chủ động đề xuất lựa chọn những lĩnh vực, những nội dung trọng điểm nhưng đồng thời vẫn thực hiện triệt để, toàn diện đề án.

Trong quá trình thực hiện, từ tỉnh đến cơ sở xuyên suốt một tinh thần, một mục tiêu cao nhất là “việc gì có lợi cho dân, cho nước thì hết sức làm”. Thể hiện trước tiên là việc xác định trúng mục tiêu lãnh đạo đột phá để phát triển: Đối với tỉnh, tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, xây dựng các quy hoạch chiến lược, các đề án trọng điểm... Đối với cấp huyện tuỳ vào đặc thù để lựa chọn khâu đột phá trong lãnh đạo chỉ đạo, như: Đông Triều, Cô Tô là tập trung lãnh đạo đạt chuẩn nông thôn mới; Hoành Bồ phát triển theo hướng xây dựng thành vùng kinh tế mở rộng của 3 thành phố: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí; Vân Đồn sẽ là đặc khu kinh tế mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế; TP. Móng Cái là Khu kinh tế mở vùng biên... Thay đổi tư duy lãnh đạo, đồng bộ với tinh gọn bộ máy, tỉnh Quảng Ninh đã sắp xếp, giảm được 2 đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh, 118 phòng, đơn vị, đầu mối trực thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương, chuyển chức năng quản lý nhà nước của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long về UBND thành phố Hạ Long... Với mô hình nhất thể hoá bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện được tỉnh thực hiện rất thận trọng, bước đầu đang thực hiện nhất thể hoá ở 2 huyện là Tiên Yên và Cô Tô và tiếp tục thực hiện ở các xã, thôn, khu. Riêng đối với 2 ngành y tế và giáo dục đã tiết kiệm được khoảng 300 tỷ đồng từ việc sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế để dành nguồn cho đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hỗ trợ học sinh và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Dù rằng kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, còn rất nhiều việc mà Quảng Ninh sẽ phải làm để xây dựng “cẩm nang” nâng tầm năng lực lãnh đạo của Đảng, nhưng Quảng Ninh đã và đang rất tự tin vào con đường đang đi và ở phía trước khi chủ trương của Đảng đã là cuộc sống từ “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”...

Lan Hương - Thuỳ Linh

Bài 2: Thổi bùng những khát vọng cống hiến

Từ thực tiễn sinh động của Quảng Ninh có thể thấy, tỉnh đã có những sáng kiến chính trị hành chính có tính đột phá trong việc đổi mới tổ chức, hoàn thiện bộ máy lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Những sáng kiến này không chỉ cụ thể hoá chủ trương của Đảng được thể hiện nhất quán trong các Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết Trung ương 7 (khoá XI) và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, mà đã trở thành động lực thúc đẩy, thổi bùng khát vọng cống hiến trong đội ngũ cán bộ. Từ đó, nâng tầm năng lực lãnh đạo của Đảng, tạo ra động lực quan trọng cho phát triển.

Hướng tới bộ máy vừa gọn, vừa tinh

Với mục tiêu cao nhất là “việc gì có lợi cho dân, cho nước thì hết sức làm”, Quảng Ninh đã thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế với những giải pháp hết sức sáng tạo. Tỉnh đã sáp nhập các cơ quan, đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ hoặc chức năng, nhiệm vụ tương đồng theo hướng “một chức năng, một nhiệm vụ chỉ có một người hoặc một đơn vị chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm”. Đến nay đã giảm 2 đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; 118 phòng, đơn vị, đầu mối trực thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương; chuyển chức năng quản lý nhà nước của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long về UBND TP. Hạ Long... Đồng thời, thực hiện kiêm nhiệm, cơ bản nhất thể hoá bí thư cấp huyện, xã đồng thời là chủ tịch HĐND hoặc UBND; trong đó, nhất thể hoá các chức danh người đứng đầu cấp uỷ và UBND, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp uỷ với chương trình hành động và việc triển khai tổ chức thực hiện của UBND. Cùng với đó, tỉnh cũng rà soát, điều chỉnh quy mô đơn vị y tế; sắp xếp lại các trường, điểm trường; sắp xếp các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp. Sau hơn 2 năm triển khai, trên toàn tỉnh đã thực hiện bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện tại 2/14 địa phương; bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã ở 33,87% địa phương; đồng thời chuẩn bị để thực hiện nhất thể hoá chức danh bí thư kiêm chủ tịch UBND ở khoảng 50% đơn vị cấp xã; bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, khu phố và bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận ở 499 (31,83%) thôn, bản, khu phố...

Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Hạnh, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: “Việc sắp xếp, điều chỉnh các đơn vị và tinh giản biên chế được Quảng Ninh thực hiện một cách thận trọng, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, đơn vị. Đi kèm với đó là các cơ chế, chính sách cụ thể để tránh giảm “cơ học” mà quan trọng là hướng tới nâng cao chất lượng thực thi công vụ, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả”. Chính vì lẽ đó, tỉnh đã ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ như: Ban hành bộ tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, làm căn cứ đánh giá, tuyển dụng, bổ nhiệm và thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng; xây dựng quy hoạch và đề án nâng cao chất lượng toàn diện nguồn nhân lực; dành nguồn lực lớn để bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, kể cả cán bộ cơ sở và lao động nông thôn ở trong, ngoài nước. Hiện, tỉnh đã hoàn thành Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Đề án phát triển toàn diện nguồn nhân lực đến năm 2020 và dành nguồn lực hơn 2.000 tỷ đồng để triển khai thực hiện đề án. Đặc biệt, qua rà soát, tinh giản biên chế, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ phù hợp với tiêu chuẩn, chức danh, vị trí việc làm, toàn tỉnh đã tinh giản hơn 1.600 công chức, viên chức và hợp đồng lao động; giảm phụ cấp thường xuyên đối với gần 19.000 vị trí không chuyên trách ở cơ sở.

Đặc biệt, sáng kiến của Quảng Ninh về xây dựng cơ quan tham mưu, giúp việc chung trong khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện đã nhận được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Đến nay, 12/14 địa phương đã xây dựng cơ quan tham mưu, giúp việc chung trong khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Hoạt động của các khối bước đầu tránh được sự chồng chéo, trùng lắp; bộ máy cơ quan tham mưu giúp việc chung từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu và hoạt động, tạo ra sức mạnh tổng hợp, thống nhất; tăng cường vai trò liên minh chính trị của MTTQ. Đồng chí Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, cho biết: “Việc xây dựng và đưa cơ quan tham mưu, giúp việc chung trong khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện vào hoạt động đã khắc phục tình trạng “hành chính hoá”, tạo chuyển biến về cơ chế hoạt động nhằm thống nhất triển khai thực hiện nhiệm vụ toàn khối, hướng về cơ sở để giải quyết lĩnh vực yếu, địa bàn yếu, địa bàn trọng điểm; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức bảo đảm chất lượng, cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị. Quan trọng hơn, việc xây dựng cơ quan khối đã tránh được sự trùng chéo trong thực hiện nhiệm vụ; tạo sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, đoàn thể, đồng thời thúc đẩy xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân”.

Được lòng dân

Đồng chí Trần Văn Lâm, Bí thư Thành uỷ Uông Bí chia sẻ: “Đến nay, chúng tôi đã thực hiện bí thư đồng thời là chủ tịch UBND tại 4/11 xã, phường; bí thư đồng thời là chủ tịch HĐND ở 5/11 xã, phường; bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu phố và bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận ở 87/101 thôn, khu phố, bằng 86,2%. Từ năm 2015 đến nay, thành phố đã tinh giản biên chế gần 200 người, thực hiện việc không chi trả phụ cấp thường xuyên từ ngân sách cho cán bộ bán chuyên trách xã, phường và thôn, khu: 1.436 định suất... Khi bắt tay vào thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế theo tinh thần Đề án 25, TP. Uông Bí đã gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Đây là nội dung rất dễ xảy ra va chạm nên đòi hỏi sự phối hợp, quyết tâm cao và dám “hi sinh”. Chính vì thế, khi thực hiện chúng tôi rất thận trọng. Không chỉ tuyên truyền sâu rộng, bàn bạc kỹ mà lãnh đạo thành phố còn gặp gỡ, trao đổi, lấy ý kiến với các đơn vị, cán bộ các cấp, kể cả những người thuộc diện tinh giản, vị trí cần sáp nhập, nhất thể hoá... Việc tinh giản bộ máy, biên chế đều được thực hiện trên cơ sở quy định của pháp luật nhưng vẫn mang tính nhân văn, đúng lý, đúng tình, đảm bảo mục tiêu đề ra nhưng vẫn giữ vững sự ổn định, đoàn kết, nhất trí cao và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Không chỉ riêng TP. Uông Bí mà cả tỉnh Quảng Ninh đã có những bước đột phá trong đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng đối với công tác tổ chức và cán bộ theo “cẩm nang” Đề án 25. Trong đó, đã chủ động làm tốt công tác nhân sự trước, trong và sau Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; đổi mới công tác đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, công tâm, toàn diện, đề cao thẩm quyền trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị; thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức và lãnh đạo ở từng cơ quan, các ngành, đơn vị theo nhiều hình thức như: “Từ trên xuống”; “từ dưới lên” và “sang ngang”. Bên cạnh việc đưa những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ra khỏi bộ máy, Quảng Ninh cũng thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ. Đồng thời, mạnh dạn lựa chọn và đưa những cán bộ được đào tạo bài bản, có lập trường tư tưởng vững vàng, có năng lực đang công tác để đưa vào các chức danh thực hiện nhất thể hoá, nhất là ở cơ sở. Qua cách làm này, người có năng lực thực sự, có khát vọng cống hiến có dịp được tiếp cận cơ sở, hiểu hơn đời sống từ cơ sở và qua đó thử thách phẩm chất và năng lực điều hành của người lãnh đạo. Từ đó học tập, tích luỹ vốn sống, có nhiều kinh nghiệm lãnh đạo để trưởng thành hơn. Và Đảng cũng từ đó có nguồn cán bộ tốt, dồi dào để kế cận...

Anh Nguyễn Cao Khải Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Yên Than (Tiên Yên) cho biết: “Là một cán bộ thực hiện nhất thể hoá các chức danh, tôi xác định phải nỗ lực phấn đấu, nỗ lực cống hiến để xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân. Đây là cơ hội lớn để những cán bộ trẻ như tôi có những đóng góp, đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống...”.

Đến nay, cơ bản những cán bộ giữ các chức danh nhất thể hoá đều phát huy năng lực, chuyên môn, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác tham mưu, thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, địa phương. Qua theo dõi, đánh giá, các đồng chí được giao trọng trách giữ các chức vụ nhất thể hoá từ tỉnh đến cơ sở đều tích cực học hỏi nâng cao trình độ, phát huy được năng lực, trình độ chuyên môn, áp dụng các giải pháp sáng tạo vào thực tiễn công tác và bước đầu đã tạo được những chuyển biến tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, địa phương mình. Điển hình như đồng chí Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Trước khi nhận trọng trách này, đồng chí là Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên. Mặc dù gánh “hai vai” nhưng đồng chí Vũ Văn Diện đã làm tốt cả hai vị trí: Vừa đứng đầu cấp uỷ vừa đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước và đã tạo sự nhất quán giữa lãnh đạo của cấp uỷ với quản lý điều hành của chính quyền, giảm thiểu các công việc trung gian, không cần thiết. Đồng thời, xây dựng được một tập thể đoàn kết, nỗ lực cống hiến, tạo sự đồng thuận của nhân dân. Dưới sự điều hành, chỉ đạo của người đứng đầu này, tình hình chính trị, kinh tế - xã hội ở Tiên Yên đã có bước khởi sắc đáng kể. Vai trò lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền, khả năng tập hợp, vận động quần chúng của MTTQ và các đoàn thể nhân dân được khẳng định. Có thể nói, với việc thực hiện nhất thể hoá chức danh Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, người đảng viên Vũ Văn Diện đã ghi dấu ấn rõ rệt, khẳng định năng lực, uy tín, vai trò người đứng đầu. Điều này không chỉ được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Tiên Yên thừa nhận mà còn được các đại biểu HĐND tỉnh tín nhiệm bầu giữ chức vụ cao hơn ở tỉnh.

Thực tế gần 3 năm qua cho thấy, “cẩm nang” Đề án 25 đã trở thành nhịp sống của Quảng Ninh. Những giải pháp sáng tạo của Đề án đã mang đến sinh khí mới, mang đến sự chuyển động tích cực trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh. Quan trọng hơn, Đề án đã trở thành động lực, thổi bùng lên khát vọng cống hiến của đội ngũ cán bộ, khát vọng nâng tầm lãnh đạo của Đảng, đồng thời tạo được niềm tin cho nhân dân. Đảng viên hơn 50 năm tuổi Đảng Phạm Văn Hưu, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Yên Than, huyện Tiên Yên, chia sẻ: “Hiếm có một đề án nào lại đi vào cuộc sống một cách mãnh liệt như Đề án 25. Không chỉ cán bộ biết, đảng viên chúng tôi biết mà bà con nhân dân cũng hiểu, cũng ủng hộ những giải pháp đó. Là một đảng viên, một người dân, tôi thấy rằng cái được lớn nhất của Đề án là được lòng dân!”.

Lan Hương - Thuỳ Linh

                                                               
 
Thị xã Quảng Yên công bố quyết định thành lập cơ quan tham mưu, giúp việc chung
 trong khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Bài 3: Chính quyền kiến tạo, phục vụ nhân dân

5 năm trở lại đây cả nước nhìn nhận, đánh giá về Quảng Ninh như một hiện tượng của sự đổi mới và đột phá trong cả phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị. Những việc mà Quảng Ninh chủ động xây dựng và đề xuất Trung ương cho phép được thực hiện như: Đề án Đặc Khu kinh tế Vân Đồn, Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”, thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, Trung tâm Hành chính công... không chỉ vì sự phát triển của riêng Quảng Ninh mà còn là một cách thể nghiệm mô hình phát triển mới của đất nước, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn.

Khi khát vọng sáng tạo được thăng hoa

3 năm liền (2012-2014) Quảng Ninh liên tục báo cáo Trung ương, xin ý kiến các bộ, ngành, các chuyên gia về những đề án phát triển của tỉnh. Đã có những ý kiến băn khoăn rằng Quảng Ninh có lý thuyết quá không khi dày công xây dựng những đề án lớn với những ý tưởng quá táo bạo, không chỉ là chưa có tiền lệ mà thậm chí phải là thay đổi đến Hiến pháp mới có thể thực hiện được... Nhưng thực tế đã chứng minh Quảng Ninh đã chọn đúng điểm chốt để đột phá. Điển hình như Đề án xây dựng Đặc Khu kinh tế Vân Đồn - năm 2012, nếu Quảng Ninh không quyết tâm xây dựng và chủ động thực hiện từng phần việc theo đề án thử hỏi “chú sư tử ngủ quên” - (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói khi đến thăm Vân Đồn năm 2014) cả chục năm (kể từ khi Chính phủ có Quyết định xây dựng Khu Kinh tế năm 2004) đến bao giờ mới thức giấc? Và đến bao giờ Vân Đồn mới có được một cảng hàng không để đón chuyến bay đầu tiên vào năm 2017 mà ngân sách không phải bỏ ra vài nghìn tỷ đồng để đầu tư? Đến bao giờ cái tên Vân Đồn mới là sự lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư khi “ngắm” vào Quảng Ninh cũng như khu vực phía Bắc? Điều quan trọng hơn tất cả là chính từ Đề án Đặc Khu kinh tế Vân Đồn của Quảng Ninh mà khái niệm về Khu hành chính - kinh tế đặc biệt (hay Đặc khu kinh tế) đã được đưa vào Hiến pháp năm 2013 và chương trình xây dựng luật của Quốc hội. Quyết định này đã được các chuyên gia nghiên cứu trong nước và quốc tế khẳng định, đây là sự đổi mới mạnh mẽ, cởi mở của Việt Nam về mặt thể chế và không ai phủ nhận khởi nguồn của sự đổi mới đó là từ những ý tưởng đề xuất rất sáng tạo của Quảng Ninh.

Cùng với xây dựng các Đề án chiến lược, Quảng Ninh tập trung nghiên cứu, vận dụng sáng tạo những chỉ đạo của Trung ương để xây dựng chính quyền kiến tạo và phục vụ như: Thay đổi quy trình giải quyết các thủ tục đầu tư “từ trên xuống thay vì từ dưới lên” thông qua thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) trực thuộc UBND tỉnh (mô hình đầu tiên trong cả nước). Trước đây khi chưa vận hành mô hình mới này các dự án đầu tư vào Quảng Ninh sẽ phải từ các sở, ngành tham mưu, đề xuất mới đến lãnh đạo tỉnh. Chính vì cán bộ, chuyên viên sở, ngành được trao quyền quyết định ban đầu nên đã có những dự án bị “ngâm tôm” cả năm trời, sự nhũng nhiễu doanh nghiệp, nhà đầu tư từ đó mà ra. Chọn cách giải quyết vấn đề là đổi ngược quy trình làm việc, tỉnh Quảng Ninh quyết định dự án đầu tư sẽ được lãnh đạo tỉnh xem trước, sau đó mới chuyển cho các sở, ngành giải quyết chuyên môn và thời hạn quy định cụ thể. Với cách làm này Quảng Ninh đã rút ngắn được thời gian cấp phép đầu tư từ 25 ngày xuống còn 7 ngày, thậm chí có dự án được cấp phép trong vòng 24 giờ sau khi hoàn thiện thủ tục. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thành cho biết: Cái được trong đổi mới quy trình đầu tư của Quảng Ninh không chỉ là số vốn đầu tư vào địa bàn đạt 7 tỷ USD, môi trường đầu tư minh bạch, chỉ số năng lực cạnh tranh luôn đứng trong top đầu cả nước mà điều quan trọng hơn cán bộ, công chức, viên chức đã “ngoan” hơn trong một chính quyền phục vụ, các dự án đầu tư, nhà đầu tư vào Quảng Ninh đều là những tập đoàn hàng đầu trong nước, có tiếng trên thế giới như Vingroup, Sun Group, FLC, BIM Group, Him Lam, My Way, Texhong, Rent A Port...

Chính quyền phục vụ nhân dân, doanh nghiệp không gì tốt hơn là làm những việc có lợi cho dân, theo đó Quảng Ninh đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng tách dần dịch vụ công ra khỏi quản lý nhà nước thông qua thành lập trung tâm hành chính công cấp tỉnh và 14 địa phương cấp huyện, liên kết đến cấp xã gắn với xây dựng chính quyền điện tử, đào tạo công dân điện tử để giải quyết thủ tục hành chính theo nguyên tắc “tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt tại trung tâm” bảo đảm thuận tiện, công khai, minh bạch. Đây là mô hình duy nhất ở Quảng Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm thành lập theo Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 28-10-2015. Đồng thời rà soát và công bố thủ tục hành chính của ba cấp chính quyền, chuẩn hoá và đưa vào thực hiện. Đến nay, 95% các thủ tục được thực hiện trực tiếp tại Trung tâm Hành chính công, 99,5% số hồ sơ được giải quyết trước và đúng hạn, cắt giảm 40% thời gian giải quyết so với quy định. Qua khảo sát bằng nhiều hình thức, trên 98%  người dân và doanh nghiệp có ý kiến hài lòng về hành chính công của Quảng Ninh.

Khơi mạch nguồn thành công

Năm 2017 Quảng Ninh sẽ có tuyến đường cao tốc đầu tiên kết nối tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cũng năm này Cảng hàng không Quảng Ninh sẽ cất cánh chuyến bay đầu tiên để kết nối Quảng Ninh với quốc tế và cũng năm 2017, Quảng Ninh sẽ có Công viên Đại Dương Hạ Long (được ví như Disneyland của Việt Nam) nằm ngay bên bờ Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới... Ai đã đem đến cho Quảng Ninh những dấu ấn tuyệt vời này - đó là sự nỗ lực, quyết tâm và đoàn kết của cả hệ thống chính trị khi là tỉnh đầu tiên trong cả nước xây dựng cơ chế, đề nghị Chính phủ cho phép tự đầu tư xây dựng đường cao tốc, sân bay, hạ tầng du lịch bằng nguồn vốn tự huy động. Với gần 10.000 tỷ đồng từ ngân sách và trên 32.500 tỷ đồng huy động đầu tư theo hình thức PPP, Quảng Ninh đã làm được Cảng hàng không, gần 100km đường cao tốc, các trụ sở liên cơ quan của tỉnh, địa phương và 36 dự án đầu tư khác đang được triển khai. Chủ động xây dựng mô hình và vận dụng sáng tạo hình thức đối tác công - tư (PPP) để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng đồng bộ theo nguyên tắc Nhà nước không trực tiếp làm những gì nhân dân, doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn, PPP của Quảng Ninh đã là cơ sở thực tiễn để Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

Không chỉ khẳng định hiệu quả của cách làm trong thực hiện đột phá chiến lược của Đảng về hạ tầng, Quảng Ninh cũng là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh (theo tinh thần Kết luận Hội nghị T.Ư 3 khoá XI). Lấy du lịch, dịch vụ làm trọng tâm phát triển, đã giảm được tỷ lệ thu ngân sách nhà nước từ than và đất từ 67% năm 2011 xuống 47% năm 2015; giảm cơ cấu công nghiệp năm 2010 từ 53,4% xuống 50,9%; tăng tỷ trọng dịch vụ từ 39,3% lên 43,4% năm 2015. Và Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên của cả nước quyết tâm về trước cả nước 5 năm trong xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2015, Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh nông thôn mới. Toàn tỉnh đã có 82 xã cơ bản đạt tiêu chí xã nông thôn mới, có 6/10 huyện, thị xã, thành phố cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới; 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới cao hơn so với mức bình quân cả nước (đạt 13,6% số xã so với 9,36% số xã của cả nước); 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới là Cô Tô và Đông Triều. Thu nhập của người dân khu vực nông thôn tăng từ 11 triệu đồng/năm (2010) lên gần 30 triệu đồng/năm (2015).

“Góp phần xây dựng nhà nước kiến tạo, chính quyền phục vụ, từ thực tiễn ở địa phương Quảng Ninh đã đổi mới tư duy theo hướng đột phá, nâng cao tầm nhìn mang tính chiến lược, hành động hiệu quả và quyết liệt, chỉ đạo và tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả, dứt điểm với phương châm “việc gì có lợi cho dân, cho nước thì phải hết sức làm”. Những kết quả mà Quảng Ninh đạt được trong phát triển kinh tế, xây dựng hệ thống chính trị khẳng định năng lực lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long khẳng định.

Lan Hương - Thuỳ Linh

Bài 4: Làm những việc có lợi cho dân, cho nước

Thực hiện 2 nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã cụ thể hoá thành 3 đề án trong Chương trình làm việc toàn khoá của Trung ương để trình ra các hội nghị Trung ương khoá XII. Trong đó, Đề án “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, gắn với xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”, sẽ được trình tại Hội nghị Trung ương 6, tháng 10-2017. Từ đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng của Quảng Ninh sẽ cung cấp cho Đảng những luận cứ khoa học để “đưa tổng kết thực tiễn lên trước nghiên cứu lý luận”.

Chinh phục đỉnh cao mới

Bước vào nhiệm kỳ 2011-2015, trước bối cảnh suy thoái của tình hình kinh tế, những bất ổn về chính trị trên thế giới, GDP chung của cả nước, một số tỉnh, thành phố đã phải có sự điều chỉnh, Quảng Ninh chủ động nhận diện rõ hơn tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, nhận thức rõ hơn những mâu thuẫn, thách thức để xác định rõ hơn mục tiêu và định hướng phát triển đến năm 2020 trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp, trung tâm du lịch quốc tế, một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước. Theo đó, trên lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã quy hoạch lại không gian phát triển theo hướng “một tâm - hai tuyến - đa chiều - hai mũi đột phá”, lập 7 quy hoạch chiến lược làm căn cứ định hướng phát triển bền vững, lâu dài, xây dựng các đề án chiến lược, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, từ bề rộng sang chiều sâu để phát triển đột phá... Trên lĩnh vực xây dựng Đảng, hệ thống chính trị là xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”, nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa đổi mới hệ thống chính trị chưa tương xứng phù hợp với đổi mới kinh tế và tình hình thực tiễn diễn ra. Đồng thời mở rộng dân chủ trong sinh hoạt Đảng và công tác tổ chức cán bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, giảm đầu mối, tránh trùng chéo, thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tăng cường phân cấp gắn với phân công, quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu...

Đỉnh cao mới mà Quảng Ninh chinh phục được đó là, 3 năm gần đây tốc độ phát triển vẫn nằm trong top địa phương cao nhất của cả nước, trong đó tăng trưởng kinh tế luôn đạt trên 10%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ; tổng thu ngân sách nhà nước năm 2015 trên địa bàn đạt gần 35.000 tỷ đồng (tăng 3,5% so cùng kỳ và tăng gấp đôi so với năm 2011), trong đó thu nội địa cao nhất từ trước tới nay, đạt gần 20.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 57,5% tổng thu ngân sách nhà nước. Điều đặc biệt Quảng Ninh đã tự làm mới mình, thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận, đánh giá của các nhà đầu tư trong nước, quốc tế về một địa bàn chỉ có than và đất bằng sự đổi mới đột phá ngoạn mục về thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh từ đột phá vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Khoảng 100.000 tỷ đồng của các tập đoàn như Sun Group, Vingroup, FLC... đổ vào đang biến Quảng Ninh thành “thiên đường” du lịch của Việt Nam là minh chứng cụ thể nhất cho kết quả chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Quảng Ninh.

Trong lĩnh vực xây dựng đảng, Quảng Ninh đã thực hiện thành công việc bầu bí thư trực tiếp tại đại hội ở trên 80% đảng bộ cơ sở và cấp trên cơ sở, 100% đảng bộ cấp huyện, 100% các chức danh chủ chốt được bầu với số phiếu tín nhiệm từ 80% trở lên, bí thư cấp uỷ trúng cử với tỷ lệ 90% trở lên. Đặc biệt trong thực hiện quy trình Đảng giới thiệu nhân sự để nhân dân lựa chọn bầu vào chức danh (trưởng thôn, bản, khu phố) sau đó cấp uỷ mới phân công theo phương châm “dân tin đảng mới cử” đã được nhân dân rất đồng tình, đánh giá cao. Đối với cơ chế tuyển dụng cán bộ, công chức được đổi mới theo hướng khách quan, công khai minh bạch, có sự giám sát của người dân và xã hội. Thông qua thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý Quảng Ninh đã bổ nhiệm 89 chức danh, trong đó có trên 70% tuổi trẻ, 100% được đào tạo từ thạc sĩ, tiến sĩ, hai bằng đại học trở lên.

Đồng chí Cao Tường Huy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cho rằng: Thành quả Quảng Ninh đạt được trong cả phát triển kinh tế, xây dựng đảng, hệ thống chính trị khẳng định năng lực lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh không chỉ được đổi mới, nâng tầm mà còn bắt nhịp kịp với thực tiễn phát triển và những yêu cầu đặt ra của quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Quảng Ninh đã lập thêm “chiến công” mới trong chinh phục lòng dân, đó là niềm tin của nhân dân đối với Đảng ngày càng được nâng lên, từ 52% lên 73,5% kể từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI).

Việc gì có lợi cho dân, cho nước phải làm!

Trong chuyến thăm và làm việc với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ninh vào tháng 4-2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Thực tiễn Quảng Ninh đang rất sôi động, sự phát triển nhanh, mạnh, toàn diện, sự năng động, sáng tạo, những ý tưởng đổi mới trong phát triển kinh tế, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị đang đưa Quảng Ninh trở thành hiện tượng cần được nghiên cứu, xem xét, đánh giá một cách đầy đủ, để đúc rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện đổi mới của Đảng, Nhà nước ta. Tổng Bí thư cho rằng: Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo là vấn đề mà Trung ương chủ trương nhất quán từ nhiều nhiệm kỳ, nhiều nghị quyết của Đảng đã đề cập. Và sự năng động, sáng tạo, luôn suy nghĩ, tìm tòi những ý tưởng mới, cách làm mới như mạch ngầm được truyền từ thế hệ lãnh đạo trước cho thế hệ lãnh đạo sau của tỉnh Quảng Ninh. Những đổi mới về mô hình phát triển kinh tế, về hệ thống chính trị không chỉ khơi gợi tiềm năng phát triển của một địa phương mà còn là hình mẫu trong cả nước, Trung ương gửi gắm niềm tin, sự kỳ vọng ở Quảng Ninh.

Như biểu dương, ghi nhận của đồng chí Tổng Bí thư, trong những năm qua bám sát Cương lĩnh xây dựng đất nước, xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, Quảng Ninh đã đề xuất và thực hiện nhiều sáng kiến chính trị hành chính nổi bật. Tỉnh đã vận dụng và cụ thể hoá các nghị quyết, kết luận của Trung ương, nhất là triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI với nhiều quan điểm đổi mới về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế... Đến nay, Quảng Ninh đã có thể tự hào về sự nỗ lực hết sức để thực hiện mục tiêu nâng tầm năng lực lãnh đạo của Đảng, mang lại những thành tựu ấn tượng trong phát triển. Hơn 50 đoàn của các tỉnh, thành phố trong cả nước đã đến thăm và học hỏi kinh nghiệm của Quảng Ninh trong phát triển kinh tế, trong triển khai các mô hình cụ thể là một minh chứng rõ rệt cho niềm tự hào này. Trong chặng đường mới, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng sau bước đầu thực hiện hiệu quả Đề án 25 trong tinh giản biên chế, nhất thể hoá chức danh lãnh đạo cấp cơ sở và cấp huyện, cấp phòng, ban ở huyện đạt hiệu quả, Quảng Ninh đã tiếp tục thực hiện thí điểm mô hình cơ quan tham mưu, giúp việc chung trong khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp huyện, lựa chọn cán bộ đủ năng lực, đủ tầm để thực hiện tiếp việc nhất thể hoá chức danh...

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn thì những sáng tạo của tỉnh bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật và quy chế của Trung ương ban hành chưa theo kịp với yêu cầu phát triển hoặc không còn phù hợp với thực tiễn nhưng chậm được đổi mới, thay thế. Mặt khác, có những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng thiếu quy định pháp lý như mô hình thí điểm “cơ quan tham mưu, giúp việc chung trong khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp huyện” còn vướng mắc sử dụng ngân sách và chế độ quản lý tài chính theo Luật Công đoàn) khiến cho nỗ lực của Quảng Ninh chưa đạt được như mong muốn. Hay trong thực hiện nhất thể hoá chức danh do chưa có hướng dẫn của Trung ương, hệ thống chính sách, thể chế, văn bản hiện hành chưa “nhất thể hoá” nên giữa tổ chức và hoạt động chưa đồng bộ, khó kiểm soát. Bên cạnh đó còn nhiều vấn đề được tổ chức thực hiện trong thực tiễn có hiệu quả nhưng Trung ương chậm cho tổng kết, đánh giá bổ sung vào lý luận và điều chỉnh các quy định pháp luật. Các khó khăn, kiến nghị của địa phương chậm được xử lý, tháo gỡ, nhất là những đề xuất, kiến nghị có tính đổi mới, đột phá.

Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Bài học đầu tiên mà tỉnh rút ra trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển là đoàn kết. Sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, nhất là các đồng chí trong Thường trực để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, có tính chiến đấu cao; kiên quyết phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chính là sức mạnh, là động lực và nguồn lực cho sự phát triển. Tỉnh cũng đã xuất phát từ thực tế, nhìn thẳng vào sự thật, phát hiện ra những mâu thuẫn, thách thức, mạnh dạn chỉ ra những hạn chế yếu kém để tìm giải pháp trên quan điểm tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Đồng thời, coi trọng dân chủ, nhất là dân chủ từ cơ sở, lắng nghe tiếp thu ý kiến nhân dân, phải có sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân; xây dựng và tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; giải quyết khó khăn và luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp... Trong quá trình thực hiện những đổi mới còn có rất nhiều khó khăn mà Quảng Ninh phải vượt qua, nhưng với sự tin tưởng của Trung ương, với tâm niệm “việc gì có lợi cho dân, cho nước phải làm” cả hệ thống chính trị của tỉnh quyết tâm làm tốt hơn nữa việc đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng.

 

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất