Tác phẩm đoạt giải

Khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo

Bài 1: Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy sáng tạo, trọng dụng nhân tài

Vượt qua nhiều khó khăn, nguy hiểm, đã từng bị phê phán, thậm chí bị Quốc tế Cộng sản nghi ngờ, Nguyễn Ái Quốc đã thể hiện bản lĩnh kiên nhẫn và khôn khéo của một chiến sĩ cách mạng dày dạn kinh nghiệm để tự bảo vệ mình và những luận điểm cách mạng sáng tạo của mình vượt qua thử thách. Người để lại tấm gương sáng “năng động, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”.

Dân tộc Việt Nam là dân tộc có truyền thống, phẩm chất vượt trội cần cù, thông minh, dũng cảm, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm… xuyên suốt từ thủa dựng nước, khởi nguyên đến bây giờ. Phẩm chất, truyền thống quý báu đó  được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, phát triển lên tầm cao mới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Người cũng thấy rõ, đánh giá đúng, thật sự trân trọng nhân tài của đất nước, tư tưởng, tấm gương của Người khơi nguồn cho sức mạnh trí tuệ của dân tộc được phát huy mạnh mẽ, ngay cả trong thời kỳ phát triển và hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay.

Tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trong đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam, do Người sáng lập và rèn luyện, qua nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, xuyên suốt qua các giai đoạn cách mạng.  Cùng tinh thần sáng tạo Hồ Chí Minh trong lịch sử, Người cũng thấy rõ, đánh giá đúng, thật sự trân trọng nhân tài của đất nước, khơi nguồn cho sức mạnh trí tuệ của dân tộc được phát huy mạnh mẽ- GS Phạm Hồng Tung, Viện Việt Nam học và khoa học phát triển, Đại học quốc gia Hà Nội, nhận xét.

Người cũng để lại tấm gương sáng “năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” như tinh thần Kết luận số 14-KL/TW Về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Sáng tạo trong xây dựng đường lối cách mạng giải phóng dân tộc

Với mỗi vấn đề Chủ tịch Hồ Chí Minh đều bám sát thực tiễn để tìm ra cách giải quyết sáng tạo nhất, hiệu quả nhất.

Nguyễn Ái Quốc đã có sự tìm tòi và có quan điểm sáng tạo lớn khi phát hiện ra vị trí, tầm quan trọng của sức mạnh dân tộc. Từ rất sớm (1924), Người cho rằng phải bổ sung vào chủ nghĩa Marx - Lenin những vấn đề của các dân tộc phương Đông mà trong thế kỷ 19 do những điều kiện lịch sử, Marx chưa phát triển một cách đầy đủ. Người đã phát hiện ra sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc chân chính và tinh thần yêu nước tiềm tàng được bồi đắp lâu dài từ truyền thống. Và Người nêu vấn đề (cần) “Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”[1]

Nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã rất dũng cảm khi nêu lên quan điểm mới, độc đáo, sáng tạo cho rằng cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa là do những nhân tố mâu thuẫn bên trong của xã hội thuộc địa. Nguyễn Ái Quốc cho rằng “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước” và nếu phát động - phát huy được nguồn “động lực lớn” đó công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân có thể giành được thắng lợi. Bằng cuộc đấu tranh của mình, các dân tộc thuộc địa có thể đứng lên tự giải phóng mà không cần chờ đến cuộc cách mạng thắng lợi trước ở “chính quốc”. Sự luận giải đầy sáng tạo đó đã được thực tiễn lịch sử thế kỷ 20 chứng minh.

 

Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Tua (12/1920)

Sự vận dụng sáng tạo trong lý luận cách mạng của Chủ nghĩa Marx - Lenin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc thể hiện rõ ở tinh thần: Tập trung vào nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc, đoàn kết tập hợp mọi lực lượng dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân để chống đế quốc và tay sai. Nhiệm vụ giành độc lập dân tộc, giải phóng nhân dân khỏi ách áp bức thực dân là nhiệm vụ mang tính cấp bách, sống còn được đặt trước nhiệm vụ đấu tranh giai cấp. Trong cuộc đấu tranh này Đảng cần tập hợp được khối lực lượng đông đảo nhất, huy động được sức mạnh đoàn kết to lớn nhất mới bảo đảm giành được thắng lợi.

Cương lĩnh đầu tiên do Hồ Chí Minh soạn thảo phù hợp với yêu cầu khách quan cuả quần chúng, của dân tộc, phù hợp với xu thế của thời đại… Từ một quan điểm chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn và một sự am hiểu sâu sắc về tình hình, thái độ các giai cấp ở Việt Nam, Hồ Chí Minh đã đề ra được một chủ trương chính xác đối với sự liên minh các giai cấp và và các tầng lớp nhân dân trong cách mạng nước ta

-------------

PGS Lê Mậu Hãn, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn

Vượt qua nhiều khó khăn, nguy hiểm, đã từng bị phê phán, thậm chí bị Quốc tế Cộng sản nghi ngờ, Nguyễn Ái Quốc đã thể hiện bản lĩnh kiên nhẫn và khôn khéo của một chiến sĩ cách mạng dày dạn kinh nghiệm để tự bảo vệ mình và những luận điểm cách mạng sáng tạo của mình vượt qua thử thách.

Qua những “khúc quanh lịch sử”, ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Người cũng mang về cho cuộc cách mạng giải phóng của nhân dân Việt Nam những nhân tố sáng tạo chưa từng có trong các giai đọan trước: Mặt trận Việt Minh, lực lượng vũ trang cách mạng và những mối quan hệ quốc tế đầu tiên. Những nhân tố mới, sáng tạo đó được bén rễ phát triển trong thực tiễn cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đang tiến dần đến giai đoạn cuối. Đây là nguyên nhân quan trọng và trực tiếp dẫn đến thành quả của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 thẳng lợi trọn vẹn, giành lại độc lập dân tộc.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện (ngày 19/9/1954) với các chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô.

Trọng dụng nhân tài, nguồn lực trí tuệ, động viên tính sáng tạo

Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng từng người trí thức - những người nắm được nhiều tri thức. Người coi đây là nguồn vốn trí tuệ quý báu của dân tộc. Từ Cương lĩnh đầu tiên của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, Người đã khẳng định lực lượng cách mạng không chỉ bao gồm công nhân, nông dân mà còn phải có tiểu tư sản, trí thức… Đến giai đoạn cuối của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc những năm 1941 - 1945, có Hội Văn hóa cứu quốc (ra đời năm 1943) là thành viên Mặt trận Việt Minh do Hồ Chí Minh sáng lập và Đảng cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Hội Văn hóa cứu quốc đã tập hợp các nhà văn hóa, văn nghệ, cuốn hút  ngày càng rộng rãi học sinh, sinh viên, trí thức tư sản trong các thành phố hướng theo phong trào Việt Minh. Để thu hút hơn nữa tầng lớp trí thức tham gia cách mạng, Việt Minh đã giúp thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam ngày 30/6/1944. Đảng Dân chủ Việt Nam tập hợp nhiều trí thức yêu nước nổi tiếng đã tự nguyện tham gia Mặt trận Việt Minh ngay sau khi ra đời.

Tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa dân tộc đã diễn ra thắng lợi hoàn toàn trên cả nước. Theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam tự cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Chính phủ lâm thời gồm 15 thành viên do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và nhiều nhân sĩ, trí thức không phải là đảng viên cộng sản như: Dương Đức Hiền, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Văn Tố, Vũ Trọng Khánh, Vũ Đình Hòe, Đào Trọng Kim…

Với tinh thần “cầu người hiền tài” cùng gánh vác nhiệm vụ kiến thiết đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trên báo Cứu quốc tình cảm và nhiệm vụ (của Chính phủ do Người đứng đầu) trọng dụng người tài: “Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi. Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”.  [3]

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham khảo ý kiến của các nhân sĩ, trí thức để thành lập Uỷ ban nghiên cứu kế hoạch kiến thiết (gồm 50 thành viên là các trí thức, nhân sĩ nổi tiếng). Uỷ ban này được giao trách nhiệm nghiên cứu một kế hoạch kiến thiết quốc gia và dự thảo những đề án kiến thiết đệ trình lên Chính phủ. Các nhân sĩ, trí thức đã hưởng ứng lời mời trân trọng người tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Học giả nổi tiếng Nguyễn Văn Tố được Quốc hội bầu giữ cương vị Trưởng ban thường trực cùng với các ủy viên là những trí thức tiêu biểu thời đó: Bùi Bằng Đoàn, Hoàng Văn Đức, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Hoàng Minh Giám, Dương Đức Hiền… Trong Chính phủ có Huỳnh Thúc Kháng: Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phan Anh: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Vũ Đình Hòe: Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Trần Đăng Khoa: Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính… Tại Hội nghị đàm phán ở Fontainbleau, tháng 7/1946, đoàn Việt Nam có Phạm Văn Đồng là trưởng đoàn và các thành viên đều là các trí thức có uy tín và tài năng.

Sau chuyến thăm Pháp với tư cách thượng khách (từ tháng 6/1946 đến tháng 9/1946), trên đường trở về Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chấp thuận nguyện vọng của kỹ sư Phạm Quang Lễ cùng với bác sĩ Trần Hữu Tước, kỹ sư Võ Đình Quỳnh, kỹ sư Võ Quý Huân theo Người về nước tham gia vào cuộc kháng chiến đang đến gần. Bảy ngày sau khi về nước, ngày 27/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho kỹ sư Phạm Quang Lễ tiến hành nghiên cứu chế tạo các loại vũ khí cho bộ đội. Kỹ sư Phạm Quang Lễ trở thành Cục trưởng Cục Quân giới đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông nổi tiếng với cái tên Trần Đại Nghĩa do Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn đặt.

Với tinh thần “Dân tộc trên hết - Tổ quốc trên hết”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thu hút được sự tham gia, ủng hộ của nhiều trí thức tiêu biểu đi theo kháng chiến, “đi theo Cụ Hồ”. Nguyên nhân có đươc sự ủng hộ nhiệt thành đó sau này được luật sư Phan Anh nói rõ khi trả lời phỏng vấn của nhà sử học Na Uy S. Tonnesson về thời kỳ 1945 - 1946: “Điều mấu chốt là Chủ tịch Hồ Chí Minh áp dụng chính sách tín nhiệm đối với trí thức”. Trí thức, nhân tài Việt Nam được Chính phủ, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, trọng dụng và phát huy tài năng trên các mặt trận kháng chiến và kiến quốc trong năm đầu của nền cộng hòa non trẻ và trong sự nghiệp bảo vệ quyền độc lập tự do ở các chặng đường cách mạng tiếp theo.

Toàn cảnh khai mạc Hội nghị Fontainebleau ở Pháp vào ngày 6/7/1946 (ảnh tư liệu).

Trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên cả dân tộc phát huy khả năng sáng tạo cao nhất để giành thắng lợi trước những kẻ địch mạnh hơn. Từ năm 1948, khi gửi thư cho bộ đội khu II và khu III Người đã viết: “Một quân đội văn hay võ giỏi là một quân đội vô địch. Vì vậy, trong lúc tôi khen bộ đội khu II và khu III tôi mong bộ đội các khu khác cũng sẽ ra sức tiêu diệt cho hết giặc dốt.”[4]. Năm 1949, Người lại viết : “Quân nhân phải biết võ, phải biết văn, võ là như tay phải, văn là như tay trái của quân nhân. Biết võ biết văn mới là quân nhân hoàn toàn. Muốn biết thì phải thi đua học .

“Văn” - “ trong ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn đạt ở văn cảnh đó chính là tri thức, là văn hóa. Trong cả hai cuộc kháng chiến, Người nhiều lần đến thăm các đơn vị bộ đội khen ngợi động viên, khuyến khích các chiến sỹ nắm vững và làm chủ các phương tiện kỹ thuật hiện đại để sáng tạo cách đánh Việt Nam, làm mất ưu thế những phương tiện kỹ thuật hiện đại của địch.

Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển truyền thống “lấy nhỏ đánh lớn”, “lấy đoản binh mà chế trường trận” (Trần Hưng Đạo), “lấy đại nghĩa để thắng hung tàn” (Nguyễn Trãi), mưu trí sáng tạo, “dĩ nhu xử cương”... Đó là cách đánh sáng tạo của một dân tộc nhỏ yếu hơn chống lại kẻ thù lớn, mạnh, kế thừa truyền thống chống xâm lược của cha ông, phát huy sáng tạo tối đa, chú trọng dùng mưu để chiến thắng.

Bác Hồ nói chuyện thân mật với trí thức ngành Y.

Nghệ thuật quân sự trong chiến tranh nhân dân đã được Hồ Chí Minh phát triển lên tầm cao mới và đã tạo nên những sức mạnh mới cho dân tộc. Đó là nghệ thuật giành thế chủ động, kiên quyết tiến công nhưng không phiêu lưu mạo hiểm mà biết kết hợp bảo tòan lực lượng để tiết kiệm sức quân, tiết kiệm sức dân, bảo đảm kháng chiến lâu dài, “Tiến công phòng ngự không sơ hở”... Đó là nghệ thuật tạo lực, lập thế, dùng mưu, tận dụng thời cơ, làm địch bất ngờ, đánh địch bằng mọi lực lượng: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích; đánh địch ở mọi quy mô, mọi phương thức tác chiến: đánh du kích và đánh tập trung, đánh tiêu hao và đánh tiêu diệt lớn; đánh bằng mọi lọai vũ khí trang bị, kết hợp vũ khí thô sơ và vũ khí hiện đại một cách sáng tạo. Đó là nghệ thuật biết thắng từng bước để tiến lên giành thắng lợi hòan tòan; đánh địch trên mọi mặt trận: quân sự, chính trị, ngọai giao, kinh tế, văn hóa, bằng nhiều mũi tiến công: quân sự, chính trị, địch vận... Dân tộc Việt Nam nhỏ bé mà kiên cường trong Thời đại Hồ Chí Minh  đã nêu cao ý chí quyết tâm Dám đánh và đã phát huy trí tuệ sáng tạo của mình để Biết thắng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh học tập, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin rất sáng tạo. Tất cả theo véc-tơ giải phóng con người, là hướng đích chủ nghĩa nhân văn, chủ nghĩa nhân đạo. Người đã viết rất rõ về việc trọng dụng nhân tài trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc. Người phê bình căn bệnh hẹp hòi mà vì nó mà “không biết dùng nhân tài… Bệnh chủ quan, bệnh ích kỷ, bệnh hẹp hòi, v.v., mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài”… Phải tạo ra những người có tinh thần trách nhiệm, “có gan phụ trách, có gan làm việc, ham làm việc…Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo “đập đi hò đứng”, không dám phụ trách, như thế là một việc thất bại cho Đảng”

-------

GS Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trong sự nghiệp xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý tới những đặc điểm riêng của Việt Nam trong quá trình những bước đầu tiên xây dựng những cơ sở vật chất cho CNXH: nền sản xuất nông nghiệp truyền thống, lạc hậu, quy mô nhỏ bé, tính chất khép kín trong từng khu vực, văn hoá - xã hội chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của mổ hình tố chức xã hội phong kiến theo tư tưởng Nho giáo... Người nhấn mạnh tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trên con đường tiến lên CNXH: “Hiện nay đứng về mặt xây dựng chủ nghĩa xã hội, tuy chúng ta đã có những kinh nghiệm dồi dào của các nước anh em, nhưng chúng ta cũng không thể áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách máy móc, bởi vì nước ta có những đặc điểm riêng của ta”[5]. Người còn nhấn mạnh thêm: “Ta không thể giống Liên Xô vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử, địa lý khác. Ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội”[6]. Người cũng lưu ý cần phải cảnh giác với bệnh giáo điều, sao chép một cách máy móc và cả bệnh nóng ruột, chủ quan, duý chí… - tất cả những điều đó đi ngược với tinh thần sáng tạo trên cơ sở nắm chắc thực tiễn.

Trong cuộc sống lao động hàng ngày, Người luôn đòi hỏi và khuyến khích tìm những cách làm mới, phát huy những sáng kiến. Người thường xuyên động viên, biểu dương, khen thưởng những người năng động, sáng tạo trên các lĩnh vực - những người đã làm tốt công việc không của mình và cả những công việc do mình phụ trách, không vì quyền lợi của mình mà vì lợi ích chung. Tháng 6/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo việc xuất bản sách Người tốt, việc tốt. Người cho rằng, những người tốt, những điều tốt tăng lên sẽ đẩy lùi những người xấu, những điều xấu. Ðây cách tốt để xây dựng Ðảng, xây dựng con người và xã hội. Với những gương người tốt, việc tốt được nêu trên báo, Người đánh dấu lại để thưởng huy hiệu. Gần 5.000 huy hiệu của Người đã được tặng thưởng cho những gương người tốt làm những việc tốt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện cùng bà con nông dân xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên ngày 20/9/1954

Khi nói về công việc xây dựng và phát triển đất nước sau chiến tranh, trong những dòng cuối cùng để lại cho chúng ta, một lần nữa Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh về ý nghĩa và sức mạnh của sự sáng tạo cách mạng: “Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã hư hỏng, cũ kỹ, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi”. Người nêu nhiệm vụ của Đảng: “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của  nhân dân” (Di chúc).

Từ rất sớm, trong quá trình khai phá một hướng đi mới để tìm con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người hiểu rõ và đánh giá cao vai trò của tri thức trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Chủ trương đúng đắn sáng suốt này đã biến những nguồn lực trí tuệ thành sức mạnh, đem lại những tác động thúc đẩy mạnh mẽ cho cách mạng Việt Nam trên các chặng đường cách mạng. Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là hành trình sáng tạo không ngừng. Không những thế, Người còn khơi nguồn cho sáng tạo Việt Nam trong thời đại mới.

Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta, và trong thực tế tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành một tài sản tinh thần quí báu của Đảng và của cả dân tộc.

-------------------------

[1] Hồ Chí Minh (2011) – Toàn tập – Nxb CTQG, Hà Nội, tập 1, tr. 510.

[2] Lê Mậu Hãn (2001) – Sức mạnh dân tộc của cách mang Viêt Nam dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh – Nxb CTQG, Hà Nội, tr. 57; 61

[3] Hồ Chí Minh (2011) – Toàn tập – Sđd, tập 4, tr. 114

[4] Hồ Chí Minh (2011) – Toàn tập – Sđd, tập 5, tr. 470

[5] Hồ Chí Minh (2011) – Toàn tập – Sđd, tập 11, tr. 97

[6] Hồ Chí Minh (2011) – Toàn tập – Sđd, tập 10, tr. 391

***

Bài 2: Có niềm tin là có cán bộ dám nghĩ, dám làm

Kết luận số 14 của Bộ Chính trị ban hành ngày 22/9/2021 chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, ở đâu có cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì nhất định mang lại thành công.

Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Cha ông ta đã nói như vậy. Sau cách mạng tháng Tám thành công không lâu, ngày 14/11/1945, với bài “Nhân tài và kiến quốc” đăng trên báo Cứu Quốc, Bác Hồ viết: “Kiến thiết thì phải có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”. Một năm sau, ngày 20/11/1946, Người lại viết bài “Tìm người tài đức”. Bài báo như “Chiếu cầu hiền”, như một thông điệp gửi đến toàn thể quốc dân đồng bào:“Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài,...trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”.  Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; người có tài, đức ở trong quần chúng. Từ trước đến nay, nhất là hơn 35 năm đổi mới, Đảng ta luôn xác định như vậy và chính nhờ khuyến khích cán bộ cống hiến tài năng cho Tổ quốc cùng với công sức to lớn của toàn Đảng, toàn dân, đất nước ta mới có được cơ đồ, tiềm lực,vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Những bài học từ lịch sử

Ngày 19/8/1945, Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, các lực lượng quần chúng cách mạng đánh chiếm Bắc Bộ Phủ - Ảnh tư liệu TTXVN.

Trao đổi với Báo Nhân Dân, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, trong Cách mạng tháng Tám, vai trò của ông Nguyễn Khang (1919-1976) ở Hà Nội là rất lớn. Tháng 8 năm 1945, khi là Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp phụ trách Hà Nội, ông Nguyễn Khang đã sớm đưa ra quyết định Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội - quyết định mà những người hoạt động cùng ông luôn coi là một bước đi táo bạo và không kém phần sáng tạo trong thời điểm ấy.

Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc (áo trắng, đi giữa) đón Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc - Ảnh tư liệu TTXVN.

Quyết định để Hà Nội khởi nghĩa được đưa ra chỉ hai ngày sau khi có tin Nhật đầu hàng phe Đồng minh và Pháp còn đang lúng túng trong chính sách cụ thể đối với Đông Dương. Trong khi ngày 17/8/1945 Đại hội Quốc dân Tân Trào mới bế mạc và có thư kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên khởi nghĩa. Trong điều kiện phương tiện giao thông khó khăn, lệnh khởi nghĩa không thể truyền nhanh tới các địa phương, nhưng căn cứ vào bản Chỉ thị của Trung ương: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Nguyễn Khang đã quyết định cho Hà Nội đứng lên khởi nghĩa, quyết định ấy có thể coi như một sự sáng tạo, một cách chớp thời cơ để “vùng lên” giành chính quyền ngay từ khi mệnh lệnh chưa đến.

Trong thời xây dựng chủ nghĩa xã hội, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc thí điểm giao ruộng khoán cho từng hộ nông dân để xây dựng tập thể hợp tác xã vững mạnh. Tuy nhiên, xu thế chung lúc đó thực hiện đúng đường lối của Đảng là phải tập thể hóa, chứ không thể chấp nhận chuyện chia ruộng cho các hộ. Việc “xé rào” giao khoán của ông Kim Ngọc lúc đó chính là thúc đẩy sản xuất và mang lại hiệu quả rất thiết thực, tạo tiền đề “cởi trói” sức lao động của người nông dân.

Ảnh tư liệu TTXVN.

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc phân tích, việc “xé rào” giao khoán của ông Kim Ngọc xuất phát từ tư tưởng của Bác Hồ: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Ông Kim Ngọc tin cách làm đó là đúng, vì cái gì mang lại lợi ích nhiều cho người dân sẽ đúng. Động cơ của ông Kim Ngọc là xuất phát từ tình yêu thương nhân dân, và dùng hiệu quả công việc, hiệu quả sản xuất làm căn cứ để đưa ra quyết định.

“Lịch sử chứng minh đấy là cơ sở để ta có khoán 100 năm 1981, rồi sau đó có khoán 10 năm 1988 giao ruộng đất lâu dài cho nông dân. Hiện nền nông nghiệp phát triển chính nhờ bước đi quan trọng ở người cán bộ có trách nhiệm, có tâm, có tình cảm với dân, thương dân, trách nhiệm với Đảng, đất nước”, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc nói.

Việc “xé rào” giao khoán của ông Kim Ngọc xuất phát từ tư tưởng của Bác Hồ: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Ông Kim Ngọc tin cách làm đó là đúng, vì cái gì mang lại lợi ích nhiều cho người dân sẽ đúng.

-----

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng

Nhắc đến câu chuyện xây dựng đường dây điện cao áp 500kV Bắc-Nam năm 1992, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc cho biết, khi ấy Nhà máy thủy điện Hòa Bình đi vào vận hành với sản lượng 8 tỷ kWh/năm, nhưng miền Bắc chỉ dùng hết 5 tỷ kWh, trong khi đó miền Nam cần tới 5,7 tỷ kWh lại không có nguồn cung cấp, nên luôn đói điện.

Quyết định xây dựng đường dây siêu cao áp 500kV Bắc-Nam nhằm truyền tải điện từ Bắc vào Nam, giúp đồng bào miền Nam bớt cơn “khát điện” đã được Thủ tướng Võ Văn Kiệt ấp ủ từ năm 1991. Tuy nhiên, mục tiêu hoàn thành xây dựng đường dây 500kV Bắc-Nam có chiều dài tới 1.500km trong 2 năm cũng đã được nhiều người cho là không khả thi, nhất là việc giải quyết bài toán 1/4 bước sóng, khắc phục tình trạng điện áp không ổn định khi truyền tải từ Bắc vào Nam. Sau khi tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia và khẳng định có thể làm được, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã hạ quyết tâm xây dựng bằng được. Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 5/4/1992. Gần 30 năm kể từ ngày đóng điện, đường dây 500 kV Bắc-Nam (mạch 1) vẫn vận hành an toàn, thông suốt, mang điện tỏa sáng muôn nơi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Không chỉ đưa điện từ Bắc vào Nam, góp phần đưa khu vực Đông Nam Bộ trở thành đầu tàu trong phát triển kinh tế của đất nước những giai đoạn tiếp theo, kể từ năm 1999, đường dây 500kV Bắc-Nam (mạch 1) lại làm nhiệm vụ truyền tải điện ngược từ Nam ra Bắc là chủ yếu.

Hội thảo và Triển lãm Ngày Internet Việt Nam - Internet Day 2018 tổ chức ngày 5/12 tại Hà Nội. Ảnh: VGP

Chia sẻ câu chuyện đưa Internet vào Việt Nam thập niên 1990, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông cho biết, khi đó, có những lo ngại khi đưa Internet vào Việt Nam có nguy cơ lộ bí mật nhà nước, tuyên truyền chống phá chế độ, du nhập văn hóa trái thuần phong mỹ tục.

“Chúng tôi phải báo cáo, giải trình với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thậm chí từng đồng chí ủy viên Bộ Chính trị. Một ngày mùa hè năm 1997, khi tiễn tôi ra đến cổng nhà riêng, Thủ tướng Phan Văn Khải đặt tay lên vai tôi nói: đồng chí cố gắng quản lý Internet cho tốt, mở ra mà đóng lại thì không biết ăn nói với thế giới như thế nào. Tôi thấy nặng cả hai vai nhưng có cơ hội được làm mà mình run thì làm sao được, có cơ hội thì dấn thân thôi”, ông Mai Liêm Trực chia sẻ. 

Internet vào Việt Nam 1997 nhưng khi ấy vẫn còn những tranh cãi, có yêu cầu quản lý là “quản đến đâu mở đến đấy”, tức là cái gì quản được mới mở chưa quản được thì chưa mở, cho nên không có đại lý Internet, không có cà-phê Internet, bưu điện cũng không làm được đại lý cho người dân.

Quyết định đi thẳng vào công nghệ hiện đại, đưa tất cả các dịch vụ mới trên thế giới về Việt Nam, kể cả Internet là một quyết định mang tính chiến lược tạo đột phá cho sự phát triển của viễn thông và Internet tại Việt Nam

----

Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông

“Chúng tôi lại mất 2-3 năm thuyết phục, cuối cùng Nghị quyết số 58, ban hành ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá, mới thay đổi quan điểm “quản lý phải theo kịp tốc độ phát triển”, từ đấy là nở rộ Internet khắp nơi”, ông Mai Liêm Trực chia sẻ.

Theo ông Trực, quyết định đi thẳng vào công nghệ hiện đại, đưa tất cả các dịch vụ mới trên thế giới về Việt Nam, kể cả Internet là một quyết định mang tính chiến lược tạo đột phá cho sự phát triển của viễn thông và Internet tại Việt Nam.

Người thợ truyền tải điện sửa chữa, bảo dưỡng đường dây 500 kV Bắc Nam.

Tạo môi trường thúc đẩy cán bộ dám nghĩ, dám làm

Đại hội lần thứ VI là một dấu mốc lớn của Đảng và dân tộc ta, mở đầu cho thời kỳ đổi mới. Để tăng cường sức chiến đấu và năng lực tổ chức thực tiễn của mình, Đảng xác định phải đổi mới về nhiều mặt: đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức... Về công tác cán bộ, Văn kiện Đại hội chỉ rõ: Nhân tài không phải là sản phẩm tự phát, mà phải được phát hiện và bồi dưỡng công phu... Muốn tạo nên một tập thể vững mạnh, phải xây dựng từng con người, quan tâm phát hiện và bồi dưỡng nhân tài.

Thi công đường dây 500kV Bắc -Nam.

Tuy nhiên, đến Đại hội VII, Đảng nhận định, chưa có cơ chế hợp lý để phát hiện và lựa chọn nhân tài. Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, Đảng ngày càng khẳng định vai trò then chốt trong công tác cán bộ, nhất là việc phát hiện, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng người có tài đức. Vì thế năm 1997, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã ban hành nghị quyết rất quan trọng về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết nêu rõ: “Phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, tập hợp rộng rãi các loại cán bộ, trọng dụng nhân tài, không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, dân tộc, tôn giáo, người ở trong nước hay người Việt Nam định cư ở nước ngoài; không định kiến với những người có sai lầm trong quá khứ, nay đã hối cải và sửa chữa”. Đây là bước tiến mới từ nhận thức đến hành động trong công tác cán bộ của Đảng, nhằm tạo môi trường thúc đẩy cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Quan điểm mới đó thể hiện rõ sự kế thừa, phát triển tư tưởng của ông cha ta về cách dùng người, đặc biệt là tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài.

Nghị quyết Trung ương ba, khóa VIII mang đầy đủ tinh thần ấy, đó vừa là bản chất, truyền thống tốt đẹp, nhân văn của Đảng ta trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc- một tư tưởng cơ bản, xuyên suốt quá trình đấu tranh, lãnh đạo cách mạng, vừa là chủ trương lớn nhằm phát hiện, đào đạo, bồi dưỡng trọng dụng những người có trí tuệ, đạo đức để tham gia công việc chung của Đảng, Nhà nước, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt kiểm tra tiến độ thi công Đường dây 500kV Bắc - Nam - Ảnh tư liệu TTXVN.

Từ khi có nghị quyết quan trọng này đến nay, Đảng còn ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về công tác cán bộ, như Nghị quyết số 11,ngày 25/1/2002 của Bộ Chính trị về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý; Nghị quyết số 42 ngày 30/11/2004 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước... Gần đây là Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Nghị quyết xác định “Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài,... Chuẩn hoá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”.

Mặc dù vậy, theo PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm còn nhiều bất cập. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã thẳng thắn chỉ ra điều đó: “Chính sách cán bộ chưa thực sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc; chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”.

Chủ trương thu hút nhân tài của Đảng dường như ở một số nơi chưa được quán triệt thực hiện tốt trong thực tế. Có nơi chủ trương thu hút người tài đức, nhưng sử dụng, đãi ngộ chưa hợp lý, làm cho người có tài đức sớm thui chột ý chí đổi mới, sáng tạo, khát vọng cống hiến…

Nhằm khắc phục những bất cập nêu trên, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc cho biết, Kết luận số 14/KL-TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị đã cụ thể hóa thêm một bước quan điểm của Đảng nêu trong Văn kiện Đại hội XIII. Đại hội đã khẳng định: “Xây dựng, hoàn thiện chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài; có cơ chế bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”.

Kết luận số 14 của Bộ Chính trị như một thông điệp kêu gọi, khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, cụ thể ở đây là quan điểm bảo vệ cán bộ “sáu dám”. Quan điểm này từng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại nhiều lần trong các bài phát biểu quan trọng tại Đại hội XIII, đó là: dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách.

"Tôi cho rằng Kết luận số 14 là bước tiến mới trong công tác cán bộ. Theo tôi, phải có những quy định như thế thì công tác cán bộ mới sát với thực tiễn... Chọn được người cán bộ tốt đã khó, tạo dựng cho họ môi trường tốt để yên tâm công tác, cống hiến lại càng khó", PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc phân tích.

Theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Kết luận số 14 của Bộ Chính trị thể hiện rõ quan điểm lập trường của Đảng ta trong việc phát huy truyền thống của dân tộc, luôn luôn trọng dụng hiền tài.

"Ông cha ta có câu: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội có nhiều vấn đề rất mới nên phải có con người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám vì lợi ích chung, do đó cần phải khuyến khích và bảo vệ”, ông Hùng nhận định.

Ông cha ta có câu thành ngữ: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội có nhiều vấn đề rất mới nên phải có con người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám vì lợi ích chung, do đó cần phải khuyến khích và bảo vệ”

-----

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Hơn 35 năm đổi mới, cùng với sự phát triển về nhiều mặt của đất nước, đội ngũ cán bộ của ta không chỉ đông mà chất lượng được nâng lên rõ rệt. Chính thực tiễn đổi mới là cái nôi sinh thành, nuôi dưỡng cán bộ nâng cao trình độ, năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cùng toàn Đảng, toàn dân phấn đấu đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển thu nhập cao như mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII đề ra. Cùng với tư tưởng chỉ đạo nêu trong Văn kiện Đại hội XIII, Kết luận số 14 của Bộ Chính trị như một thông điệp kêu gọi, khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Để chủ trương đó thành hiện thực sinh động, trước hết các cấp ủy, các cấp, các ngành cần có tư duy đổi mới phong cách lãnh đạo, đổi mới cách đánh giá, đặc biệt là sử dụng cán bộ, dám bảo vệ cán bộ khi họ mắc khuyết điểm nhưng không phải vì động cơ cá nhân mà do điều kiện khách quan mang lại. Trước mỗi ý tưởng đổi mới, tư duy đột phá của cán bộ, cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo hãy nghiên cứu, xem xét, đánh giá, hỗ trợ, tạo điều kiện thôi thúc cán bộ dám nghĩ, dám làm. Trước mỗi sai lầm, thiếu sót của cán bộ, nhất là khi thực hiện thí điểm những mô hình mới, cần được phân tích công tâm, khách quan, biết giữ cán bộ, “giải cứu” khi không may họ “sảy chân” mà chưa gây hậu quả nghiêm trọng, đồng thời xử lý nghiêm khi ai đó cố tình lợi dụng chủ trương này để làm bừa, làm ẩu thiếu nghiên cứu, tính toán, hoặc vì động cơ cá nhân, lợi ích nhóm, mà gây hậu quả nghiêm trọng.

Khi có niềm tin với Đảng và chế độ, với tổ chức đảng, với cán bộ lãnh đạo quản lý trực tiếp, với chính mình, khi có động lực thúc đẩy bằng sự khích lệ động viên, cộng đồng trách nhiệm, bằng cơ chế chính sách thỏa đáng thì tin rằng mọi cán bộ sẽ không ngừng phấn đấu tự hoàn thiện mình về mọi mặt nhất là trình độ, năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ngược lại không có được niềm tin đó, thì không bao giờ có cán bộ như thế. Có niềm tin là sẽ có cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của đất nước ./.

***

Bài 3: Tạo môi trường, không gian tối đa cho đổi mới, sáng tạo

Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung có ý nghĩa rất quan trọng và cần được hiểu đúng, vận dụng đúng trong thực tiễn. Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cần đề cao tính công khai, minh bạch và phân biệt rõ người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung với người liều lĩnh, phiêu lưu.

Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung được ban hành đúng thời điểm Đảng ta đang triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đây là chủ trương, là cơ chế đột phá, quan trọng, để khuyến khích, đồng thời bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, nhằm tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được cụ thể hóa trong thực tiễn phát triển; khai thác hiệu quả bước đi sáng tạo, đột phá được tổ chức, người đứng đầu công nhận, cho phép, chưa có trong tiền lệ, nhằm mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, địa phương.

Những quyết sách táo bạo để phát triển

Không phải đợi đến khi Kết luận 14 của Bộ Chính trị ra đời, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương, việc khuyến khích đổi mới, sáng tạo đã được đặt lên hàng đầu. Là địa phương nhiều năm liên tục luôn dẫn đầu cả nước về các chỉ số cạnh tranh, Quảng Ninh luôn xác định cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là động lực quan trọng để thúc đẩy thu hút các nguồn lực cho đầu tư, đặc biệt là thúc đẩy sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội bền vững của tỉnh.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn cho biết, tỉnh là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước đưa mục tiêu hàng năm giữ vững vị trí nhóm dẫn đầu cả nước về các chỉ số PCI (Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), PAR (Chỉ số cải cách hành chính), SIPAS (Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành nhà nước), PAPI (Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) vào văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh và được đưa vào thành một mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội với phương châm: "Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo cho sự phục vụ".

Đặc biệt, Quảng Ninh ban hành Nghị quyết đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đề ra mục tiêu tiếp tục cải thiện và nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp thông qua thước đo hàng năm giữ vững vị trí nhóm dẫn đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR, SIPAS, PAPI. Nghị quyết đã thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Quảng Ninh nhằm hướng đến nền hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn. Đồng thời, xây dựng một hình ảnh địa phương đi đầu về đổi mới, sáng tạo, xây dựng văn hóa cam kết và đồng hành của chính quyền địa phương với người dân và doanh nghiệp.

Đường hầm xuyên núi thuộc dự án đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả dài 235 mét và là đường hầm xuyên núi lớn nhất của Quảng Ninh. Ảnh: Quang Thọ

Ông Nguyễn Tường Văn cũng cho biết, Quảng Ninh còn mạnh dạn và sáng tạo trong triển khai các mô hình mới. Nhằm cải cách thủ tục hành chính, giảm các đầu mối và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) là cơ quan đầu mối, thường trực trong theo dõi, đôn đốc tham mưu về công tác xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ đầu tư của tỉnh Quảng Ninh; thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện trực thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp; thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn...

Các mô hình này đang vận hành hiệu quả và phát huy được vai trò cầu nối giữa chính quyền các cấp và người dân, doanh nghiệp; từng bước thay đổi tư duy và phương thức xúc tiến đầu tư với suy nghĩ và hành động từ góc nhìn của nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Để có một địa phương đi đầu về đổi mới, sáng tạo thì cần những cán bộ dám đổi mới, sáng tạo. Mặc dù vậy, ông Văn cũng thừa nhận, việc thu hút và trọng dụng nhân tài vào làm việc tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Đội ngũ nhân tài trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập là lực lượng tinh hoa, đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật; dẫn dắt quá trình đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững

----

Ông Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Nguyễn Tường Văn cho rằng, Quảng Ninh cần bố trí công chức, viên chức theo yêu cầu của vị trí việc làm, xây dựng môi trường làm việc dân chủ, thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo trong công việc và mở rộng cơ hội thăng tiến. Có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám hành động vì lợi ích chung. Xây dựng quy chế, tiêu chuẩn đánh giá nhân tài gắn với từng vị trí việc làm, trong đó chú trọng đến kết quả, hiệu quả công tác, đa đạng hóa các kênh đánh giá và triển khai đồng bộ việc kiểm tra, sát hạch định kỳ.

“Đội ngũ nhân tài trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập là lực lượng tinh hoa, đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật; dẫn dắt quá trình đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn nói.

Trong chín tháng đầu năm 2021, với quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” trong trạng thái bình thường mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hải Phòng vừa quyết liệt trong phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, vừa khắc phục khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Hải Phòng là thành phố trực thuộc trung ương duy nhất không phải thực hiện giãn cách xã hội, và cũng là địa phương có mức tăng trưởng kinh tế cao trong tốp dẫn đầu của cả nước. Trong đó, tốc độ phát triển với chỉ số GRDP tăng 12,28% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt 19,68% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 18,5 tỷ USD, tăng 25,5% so cùng kỳ; sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt hơn 106 tiệu tấn, tăng hơn 8%.

Sản xuất ô tô tại Nhà máy ô tô Vinfast Hải Phòng. Ảnh: NGÔ QUANG DŨNG.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng khẳng định, thành quả đáng phấn khởi của Hải Phòng luôn bắt nguồn từ sự hỗ trợ tích cực của trung ương, sự nỗ lực phấn đấu, đổi mới, sáng tạo của Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân toàn thành phố, và cũng là kết tinh của một quá trình lao động bền bỉ qua nhiều nhiệm kỳ của Ðảng bộ thành phố.

Trong đó, Hải Phòng đã mạnh dạn đổi mới công tác đầu tư, khơi thông và huy động mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, tạo sự bứt phá với tổng vốn đầu tư trên địa bàn thành phố giai đoạn 2015 - 2020 đạt 564.295 tỷ đồng, gấp ba lần giai đoạn 2010 - 2015, trong đó vốn đầu tư ngoài ngân sách chiếm khoảng 90%, vốn đầu tư từ ngân sách là 10%.

Đây chính là nguồn lực để Hải Phòng đầu tư phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trước hết là kết cấu hạ tầng giao thông; chỉnh trang, nâng cấp đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; đầu tư nhiều công trình phúc lợi công cộng như: bệnh viện, trường học, xây dựng công viên, cây xanh, cải thiện môi trường sống cho người dân đất Cảng…

Chia sẻ về những bài học kinh nghiệm trong thời gian qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng Đỗ Mạnh Hiến nhấn mạnh, Hải Phòng luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, nhất là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, có trình độ, năng lực nổi trội, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thật sự tiền phong gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết vì sự nghiệp chung. Thành phố đã triển khai việc đưa cán bộ trẻ giữ chức vụ lãnh đạo cấp huyện, cấp xã; sắp xếp, bố trí, luân chuyển cán bộ giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị theo quan điểm công khai, dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch, bước đầu mang lại hiệu quả và được sự đồng thuận cao. Ðây chính là yếu tố có ý nghĩa quyết định làm nên những thành công toàn diện của thành phố Cảng trong thời gian qua.

Đổi mới, sáng tạo phải công khai, minh bạch

Tuy nhiên, để có nhiều điểm sáng như Quảng Ninh, Hải Phòng, Kết luận 14 cần được hiểu đúng, vận dụng đúng và cụ thể hóa trong từng chủ trương, quy định và quyết sách của từng ngành, từng địa phương.

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, việc khuyến khích cán bộ sáng tạo, dám đột phá có những khó khăn nhất định. Những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá bao giờ cũng có những cái ngoài quy định của pháp luật, tổ chức. Do đó, phải hiểu quy định, phải rõ động cơ người đó là trong sáng muốn làm mới, muốn làm cái đột phá đem lại lợi ích cho dân nhưng pháp luật, quy định chưa cho phép. Đồng thời phải cảnh giác với người nhân danh dám nghĩ, dám làm, và lợi dụng Kết luận 14 để bao che cho lợi ích của bản thân, của nhóm.

“Theo tôi mọi việc phải công khai. Ở địa phương chẳng hạn, khi có đề án, ý tưởng mới phải báo cáo Bí thư Tỉnh ủy, Huyện ủy xem có đồng ý cho thí điểm không. Nếu không đồng ý thì tôi sẽ báo cáo cấp trên. Phải hình thành cấp xem xét người dám nghĩ, dám làm để khuyến khích và bảo vệ cán bộ”, ông Hùng gợi ý.

Trao đổi với Báo Nhân Dân, PGS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, đổi mới và sáng tạo luôn luôn phải gắn với minh bạch, công khai để người dân biết. Nếu sáng tạo đổi mới nhưng không ai biết thì làm sao đánh giá đúng được mức độ, hiệu quả đến đâu.

“Cũng giống như ngày xưa, đánh giá chủ trương khoán của đồng chí Kim Ngọc, lấy thước đo là sản xuất phát triển, đời sống người dân tốt hơn. Như ở TP Hồ Chí Minh, quyết định của đồng chí Nguyễn Văn Linh, đồng chí Võ Văn Kiệt, cả thành phố năng động, hiệu quả, từ đó Bộ Chính trị thấy hay quá nên tổng kết có được đường lối đổi mới của Đại hội VI”, PGS Nguyễn Trọng Phúc nêu thí dụ.

Bên cạnh đó, theo ông Phúc, thì cần tổng kết, đánh giá công khai, làm mọi người hiểu, mang lại lợi ích cho đất nước, nhân dân, cho sự nghiệp cách mạng của Đảng lãnh đạo. “Đồng chí nào có chủ trương, cách làm hay có thể triệu tập cán bộ khoa học, quản lý các lĩnh vực ngồi thảo luận lại với nhau xem hiệu quả không. Đó chính là công khai, minh bạch để phát huy trí tuệ tập thể. Bao giờ cũng phải có đề xuất cá nhân nhưng muốn đề xuất thành hiện thực tốt thì cố gắng phát huy trí tuệ tập thể, biết lắng nghe, biết tổng hợp lại. Chân lý và cái đúng chỉ có một”, ông Phúc nhận định.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhìn nhận, Kết luận 14 chắc chắn sẽ tạo động lực rất lớn cho đội ngũ cán bộ là những người tâm huyết, năng động, sẵn sàng dấn thân vì sự nghiệp chung của dân tộc. Điều này là vô cùng cần thiết trong tình hình hiện nay, khi hệ thống pháp luật của chúng ta còn chưa đồng bộ, nhiều bất cập, chồng chéo và không ít mâu thuẫn, nhất là các văn bản dưới luật; trong khi thực tiễn vô cùng phong phú, những đòi hỏi của cuộc sống là vô cùng cấp bách và chính đáng; áp lực phải hoàn thành tiến độ luôn luôn thường trực, yêu cầu trách nhiệm người đứng đầu rất lớn trong khi quyền hạn lại không tương xứng. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, các ngành còn hạn chế về năng lực, tận tâm với công việc do cơ chế tuyển dụng, bố trí, đề bạt, đánh giá… chưa thật sự khách quan, thực chất; chế độ tiền lương còn thấp, chưa tạo động lực và yên tâm làm việc.

Để Kết luận 14 đi vào thực tiễn, theo tôi, cần làm rõ hơn những nội dung thí điểm là ở các mức độ nào? Tương ứng với đó là các hình thức báo cáo, có thể bằng văn bản hoặc không bằng văn bản (do tính cấp bách, cần quyết định ngay); cấp nào cho ý kiến, cấp nào thẩm định, cấp nào quyết định (người đứng đầu hay tập thể cấp ủy, chính quyền, Chính phủ, Ban Bí thư, Bộ Chính trị tùy tính chất, mức độ, nội dung), nếu chưa đồng thuận cao thì có được báo cáo lên cấp trên không?

-----

Ông Lê Trí Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

“Do vậy, để Kết luận 14 đi vào thực tiễn, theo tôi, cần làm rõ hơn những nội dung thí điểm là ở các mức độ nào? Tương ứng với đó là các hình thức báo cáo, có thể bằng văn bản hoặc không bằng văn bản (do tính cấp bách, cần quyết định ngay); cấp nào cho ý kiến, cấp nào thẩm định, cấp nào quyết định (người đứng đầu hay tập thể cấp ủy, chính quyền, Chính phủ, Ban Bí thư, Bộ Chính trị tùy tính chất, mức độ, nội dung), nếu chưa đồng thuận cao thì có được báo cáo lên cấp trên không?”, ông Lê Trí Thanh đặt vấn đề.

“Đây là vấn đề rất khó cần được làm rõ, đặc biệt khi Kết luận 14 cho phép làm những gì không vi phạm Hiến pháp, Điều lệ Đảng mà pháp luật chưa quy định hoặc quy định nhưng chưa phù hợp thực tiễn. Bên cạnh quy định của Đảng, cần thể chế hóa thành các quy định của pháp luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất giữa quan điểm lãnh đạo của Đảng với pháp luật của Nhà nước và thể hiện bản chất tốt đẹp của nền pháp chế Xã hội chủ nghĩa”, ông Thanh đề xuất.

Bản lĩnh của những người đổi mới

Nói về bản lĩnh của cán bộ trong đổi mới, sáng tạo, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông nhấn mạnh: “Những người đổi mới trước hết phải có khát vọng. Phải có khát vọng làm gì để đột phá, làm gì để có thể bứt lên. Thứ hai là một sự dấn thân. Và tùy từng giai đoạn mà có thể khơi dậy được khát vọng hay sự dấn thân đó”.

Theo ông Mai Liêm Trực, cán bộ sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong mỗi giai đoạn có sự khác nhau. “Thế hệ của chúng tôi là thế hệ của chiến tranh cho nên sự dấn thân vào chiến trường như là chuyện của một thế hệ. Còn ngày nay, khi cán bộ khát vọng, dấn thân đương nhiên là họ mong muốn có một cái hành lang pháp lý, một luật chơi minh bạch, công bằng, công khai để họ không phạm luật. Và nếu tốt hơn là cần có những chính sách của nhà nước để thúc đẩy những khát vọng đó”.

Còn PGS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, Kết luận 14 có tính chất khuyến khích cán bộ sáng tạo, dám đột phá, vì thế có hai từ: “khuyến khích và bảo vệ”. Có nghĩa là khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nhưng cũng phải bảo vệ cán bộ đó. Khuyến khích và bảo vệ ở đây có quan hệ mật thiết với nhau.

Ông Phúc phân tích, khuyến khích tốt sẽ tạo tâm lý hồ hởi trong cán bộ lãnh đạo quản lý sẵn sàng đề xuất vấn đề khác nhau trong ngành hoặc địa phương để làm. Khuyến khích sẽ đổi mới, năng động hơn trong tư duy lãnh đạo quản lý, nếu không lãnh đạo quản lý chỉ là người thực hiện chỉ đạo có sẵn, kết luận có sẵn sẽ rất hạn chế đến kết quả. Vì với chủ trương ấy, mỗi địa phương vận dụng khác nhau, đòi hỏi suy nghĩ, sáng tạo để tìm cái mới, tìm cái riêng bảo đảm theo quan điểm đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đó chính là xử lý mối quan hệ giữa giữ vững nguyên tắc và sáng tạo, nếu không giữ vững nguyên tắc sẽ dễ chệch hướng, nhưng nếu không sáng tạo sẽ rất khó thành công.

“Thực tế có một số cán bộ lợi dụng sáng tạo để làm bừa, thậm chí vi phạm quy chế, quy định về quản lý tài sản, tài chính. Cái gì là nguyên tắc phải bảo vệ, nhưng thấy chủ trương chưa phù hợp có thể sáng tạo, điều chỉnh cách làm cho phù hợp, mang lại kết quả. Đặc biệt kết quả phải mang lợi ích chung chứ không phải lợi ích nhóm, lợi ích cho bản thân”, ông Phúc lưu ý.

Ông Phúc cũng nhấn mạnh, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung không có nghĩa là bao che, bênh vực. Kết luận 14 cũng đã nêu rõ xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.

Bên cạnh đó, hiện nay cũng có cán bộ tốt rất muốn sáng tạo, đột phá nhưng có khi lại bị người khác gièm pha, có lời nói, việc làm cản trở công việc, thậm chí xúm vào chê bai, đố kỵ, ghen ghét. PGS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, muốn bảo vệ cán bộ sáng tạo, dám đột phá cần phải nhận thức rõ điều đó, nhất là đối với những người có trách nhiệm trong công tác đánh giá cán bộ thì càng phải nhạy việc đó để bảo vệ người làm tốt, làm đúng.

“Nên phải trở lại nguyên tắc thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải phê phán. Chứ có hiện tượng đúng không được bảo vệ, sai không bị phê phán, cứ mũ ni che tai. Đó là điều phải nhấn mạnh trong tình hình hiện nay”, ông Phúc nói.

Xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới

Là những người nghiên cứu Đề án “Xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”, ông Dương Mộng Huyền, Trợ lý Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng: Để xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung cần phải lưu ý một số vấn đề sau:

Một là, xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của nhân dân nhằm hạn chế khả năng cổ xúy cho việc đi ngược với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, không triệt tiêu, hạn chế sự sáng tạo, đổi mới của cán bộ nếu đem lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc.

Hai là, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cần phân biệt được người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung với người liều lĩnh, phiêu lưu; phân định được ý tưởng đổi mới, sáng tạo với những ý tưởng viển vông, không thực tế để có cách phòng ngừa, ngăn chặn ngay từ đầu. Khi cán bộ, đảng viên có ý tưởng mới mẻ, đột phá thì cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cần nghiêm túc xem xét tính khả thi, nội dung, tính chất, quy mô của ý tưởng để yêu cầu cán bộ, đảng viên xây dựng kế hoạch hoặc đề án phù hợp; sau đó, thảo luận, bàn bạc dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ, trưng cầu ý kiến chuyên gia và các đối tượng bị tác động; đánh giá, thẩm định kế hoạch và quyết định cho cán bộ, đảng viên triển khai hoặc không triển khai. Ngược lại, cán bộ, đảng viên có ý tưởng đổi mới, sáng tạo nhất thiết phải báo cáo và được sự cho phép của cấp có thẩm quyền trước khi triển khai. Không nên thiên về một phía mà phải hết sức hài hòa, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để quyết định cho phù hợp. Nguyên tắc là cán bộ, đảng viên có ý tưởng đổi mới, sáng tạo phải báo cáo cấp ủy xin chủ trương về ý tưởng của mình; đồng thời, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu phải đơn giản hóa quy trình cho chủ trương, giảm bớt các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chờ đợi để tạo môi trường, không gian tối đa cho đổi mới, sáng tạo.

Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cần phân biệt được người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung với người liều lĩnh, phiêu lưu; phân định được ý tưởng đổi mới, sáng tạo với những ý tưởng viển vông, không thực tế để có cách phòng ngừa, ngăn chặn ngay từ đầu

----

Ông Dương Mộng Huyền, Trợ lý Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ

Ba là, việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá phải thực hiện trong suốt quá trình, trước, trong và sau đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là bảo vệ những trường hợp xảy ra rủi ro, sai sót, để họ không nhụt chí, dám dấn thân vào việc triển khai các ý tưởng đổi mới, sáng tạo. Nội dung bảo vệ cán bộ phải được thiết kế theo phương châm: Cách bảo vệ cán bộ, đảng viên tốt nhất, hiệu quả nhất là chủ động ngăn ngừa rủi ro, sai sót ngay từ khi cán bộ mới xây dựng kế hoạch dám làm, dám đột phá. Yêu cầu đặt ra là phải vừa xây dựng được quy trình bảo vệ cán bộ hiệu quả, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, vừa không làm mất quyền dám nghĩ, dám làm, dám đột phá của cán bộ, đảng viên.

Bốn là, bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá là việc rất khó khăn, đòi hỏi sự tham gia quyết liệt và trách nhiệm cao của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu có ý nghĩa quyết định tới phong trào đổi mới, sáng tạo. Nếu cấp ủy, người đứng đầu có quan điểm tiến thủ, ủng hộ cái mới, cái đúng, khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung thì sẽ thúc đẩy phong trào đổi mới, sáng tạo của địa phương, cơ quan, đơn vị phát triển. Ngược lại, nếu cấp ủy, người đứng đầu có tâm lý sợ trách nhiệm, sợ mắc sai lầm, khuyết điểm sẽ dẫn tới thoái thác trách nhiệm hoặc không tạo điều kiện cho cán bộ cấp dưới phát huy những sáng kiến, đột phá của mình, kìm hãm đổi mới, sáng tạo. Vì thế, xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ phải gắn liền với xây dựng trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu.

Năm là, bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá phải dựa trên các tiêu chí, điều kiện, quy trình cụ thể, rõ ràng để phân biệt giữa hành vi đột phá, quyết đoán vì lợi ích chung nhưng mắc sai lầm, khuyết điểm với những sai lầm, khuyết điểm tương tự nhưng vì lợi ích cá nhân. Bên cạnh đó, cũng cần tạo thời gian và không gian, nguồn cảm hứng sáng tạo, đặc biệt là chế độ, chính sách thỏa đáng để cán bộ, đảng viên thật sự có tâm huyết, hứng thú với công việc mà mình đang theo đuổi, giải phóng tinh thần, đổi mới tư duy, phát huy tính sáng tạo và xóa bỏ những lối suy nghĩ giáo điều, giản đơn, xơ cứng, rập khuôn, máy móc, chỉ đi theo lối mòn.

***

Bài 4: Đột phá, sáng tạo trong cuộc chiến Covid-19

Đại dịch Covid-19 là thách thức, phép thử cho những đổi mới, sáng tạo trên mặt trận khoa học công nghệ, y tế, chiến lược chống dịch. Nhiều quyết sách, sáng kiến, dám làm, dám chịu trách nhiệm từ cơ sở đã góp phần chặn đà lây lan của dịch bệnh, điều trị tốt cho người dân, duy trì hoạt động kinh tế.

Bắc Giang là địa phương đầu tiên của cả nước được Chủ tịch nước tặng thưởng về thành tích trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Từ mô hình chống dịch của Bắc Giang đã đem lại những bài học kinh nghiệm quý trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Tỉnh đã lựa chọn con đường chống dịch kiên quyết, liên tục, bảo đảm đa mục tiêu.Bắc Giang là đã đưa các ca F0, F1 vào điều trị kịp thời, phong tỏa nhanh. Tỉnh đã có nhiều mô hình sáng tạo như: Lập vành đai, bảo vệ vùng vải, đưa vải thiều lên các sàn thương mại điện tử… là những kinh nghiệm có thể chuẩn hóa để áp dụng cho nhiều địa phương trong cả nước.

Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch lần thứ tư, nhiều quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh đã có những sáng kiến đi trước một bước so với chỉ đạo của cấp trên. Đó là mô hình thu dung chăm sóc F0 không triệu chứng hiệu quả của huyện Củ Chi để giảm tỷ lệ F0 không triệu chứng chuyển thành có triệu chứng. Quận 6, quận Phú Nhuận đã đưa thuốc vào điều trị ngay từ sớm cho các F0 trước khi các cơ quan chức năng của Thành phố hướng dẫn và sau đó đã được công nhận chính thức. Quận 7 đã triển khai xét nghiệm nhanh từ sớm, đồng thời đưa cả bồn oxy lỏng công nghiệp vào lắp đặt hệ thống oxy tập trung vào bệnh viện trong lúc thiếu bồn oxy y tế.

TP Hồ Chí Minh phát huy được lợi thế, tinh thần sáng tạo của nguồn nhân lực có trình độ rất cao so với mặt bằng chung của cả nước. Một trong những thế mạnh của TP Hồ Chí Minh là tinh thần dám nghĩ, dám làm, sáng tạo.

Sáng tạo trong triển khai xét nghiệm, tiêm chủng

Tháng 7/2021, TP Hồ Chí Minh bắt đầu bước vào giai đoạn số ca nhiễm tăng nhanh trong cộng đồng. Để triển khai kế hoạch xét nghiệm trên diện rộng, Bí thư Quận ủy quận 7 Võ Khắc Thái và Ban Thường vụ Quận ủy đã chủ trương không phân biệt xét nghiệm rRT-PCR với xét nghiệm nhanh kháng nguyên (test nhanh) do nếu chờ rRT-PCR sẽ rất lâu, mà virus thì lây lan quá nhanh. Bí thư Thái quyết định test nhanh nếu phát hiện ca dương tính sẽ bóc tách ra khỏi cộng đồng. Bộ test nhanh thì làm mọi cách xin, vận động tài trợ, vay mượn… được 240.000 bộ. Từ đó, việc bóc tách F0 (xác định qua test nhanh) trở nên nhanh chóng, không cần đến xét nghiệm bằng rRT-PCR mới đưa F0 đi cách ly.

Khi thực hiện chủ trương F0 không triệu chứng điều trị tại nhà, quận 7 lập các Tổ Y tế tự quản với khoảng 50 hộ/tổ và có đến 803 tổ, kịp thời xử lý ngay các vấn đề F0 phản ánh. Kế đến, mỗi khu phố thành lập trạm y tế trên cơ sở y tế lưu động được chi viện, nhân viên y tế nghỉ hưu, sinh viên y khoa và tình nguyện viên (được tập huấn y tế). Chính lực lượng này đã kịp thời đưa các gói thuốc A, B đến F0; xử trí và đưa ngay lên tuyến trên các ca nặng.

Khi việc chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên ngày càng khó khăn, quận đã thiết kế mô hình: Bệnh viện Tân Hưng, Bệnh viện Dã chiến quận 7, Khu cách ly. Trong đó Bệnh viện Tân Hưng đón tất cả ca cấp cứu từ phường chuyển lên, sau đó đánh giá tình trạng bệnh để đưa vào bệnh viện dã chiến hoặc vào khu cách ly. Nhờ đó, F0 được phân loại đúng hướng. Số ca tử vong từ 10-12 ca/ngày giai đoạn cao điểm, giảm xuống chỉ còn 2-3 ca/ngày vào cuối tháng 8/2021. Trong nửa đầu tháng 9/2021, có những ngày không còn ca tử vong.

Bí thư Thái đã liên hệ một đơn vị cung cấp oxy công nghiệp có bồn oxy dành cho… nhà máy đóng tàu. Loại bồn này chỉ cần làm thêm hệ thống để chuyển từ oxy lỏng qua oxy khí là có thể dùng cho F0 nặng. Tăng cường xin từ chiếc đầu cắm để nối hệ thống oxy, đến đồng hồ… hoàn thiện chiếc bồn oxy 32 tấn cùng hệ thống oxy trung tâm (được lắp đặt gấp rút trong 2 ngày) đủ dùng cho hàng chục F0 một lúc cần máy thở oxy dòng cao. Điều này thể hiện ý chí quyết đoán của cá nhân bí thư và hệ thống chính trị của quận.

Trong khi đó, quận 6 đã có những bước đi trước so với phương án triển khai của thành phố trong việc đưa y tế tới sát gần dân bằng phát thuốc điều trị tại nhà. Chỉ sau 4 ngày Bí thư Quận ủy quận 6 Lê Thị Hờ Rin chỉ đạo Bí thư Đảng ủy 14 phường, nội dung: “Đưa thuốc kháng viêm, kháng đông vào toa thuốc cho các F0 tại nhà dùng, phải theo chỉ định của trạm y tế”, đến ngày 8/8, tất cả các phường đều đã có trong tay và phát hai loại thuốc trên cho các F0 có triệu chứng sớm của suy hô hấp, cùng với các loại thuốc hạ sốt, vitamin... Đây cũng là quận đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh phải đưa ra quyết định không thể chần chừ, dù việc này chưa được ngành y tế hướng dẫn.

 

Tư vấn y tế, chia sẻ các gói thuốc dùng cho F0 điều trị tại nhà (có thuốc kháng viêm, kháng đông) ở phường 5, quận 6.

Hồi hộp theo dõi quyết định của mình, Bí thư Hờ Rin và tập thể Quận ủy quận 6 ngày đêm đôn đốc, kiểm tra việc này tại các trạm y tế. Thiếu thuốc, họ đã không ngại “xin xỏ, vận động” từ nhiều nguồn hợp lệ, miễn sao có cho F0 dùng. Để thêm tác dụng, Quận ủy chỉ đạo các đoàn thể nấu nước chanh, sả, gừng phát cho toàn bộ điểm phong tỏa và F1; chỉ đạo toàn bộ phòng ban, phường bổ sung vitamin C và D3 cho cán bộ công chức uống tăng đề kháng. Chỉ sau đó một tuần, con số tử vong giảm hẳn, số người âm tính tăng liên tục.

Từ 17/8 đến 27/8, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh bắt đầu ban hành các văn bản “hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0” (phiên bản 1.3 đến 1.5). Như được “công nhận”, Ban Chỉ đạo Phòng Chống dịch Covid-19 quận 6 đồng loạt làm rất quyết liệt phát hơn 15 nghìn gói thuốc A (Paracetamol, vitamin tổng hợp), gói thuốc B (bổ sung kháng viêm, kháng đông), gói thuốc C (thuốc kháng virus Molnupiravir). Kết quả là trong 3 ngày 15, 16, 17/9, số F0 hết bệnh (tại nhà cũng như xuất viện) lũy kế tăng từ 7.712 người lên 9.797 người rồi 11.111 người.

Ở một mặt trận khác, khi phải triển khai chiến dịch tiêm chủng thần tốc, nhanh chóng bao phủ mũi 1, nhiều quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh đã có những bước đi sáng tạo, đột phá, giảm thời gian chờ đợi cho người dân, tăng hiệu quả cho nhiều mũi tiêm trong ngày.

Tiêm ngừa lưu động cho người dân tại vùng đỏ ở quận 11, TP Hồ Chí Minh.

Trong đợt tiêm ngừa thần tốc tại TP Hồ Chí Minh, để rút ngắn thời gian, quận 11 đã lược bỏ bớt khâu khai báo y tế tại điểm tiêm. Người dân sẽ tự khai báo y tế ở nhà, khi đến điểm tiêm các nhân viên chỉ kiểm tra. Việc này giảm bớt 10-15 phút/một người. Sau khi tiêm, người dân được theo dõi 30 phút theo quy định, tuy nhiên nếu ai ổn định sẽ cho về sớm hơn để giảm tải cho điểm tiêm. Vì thế, số người được tiêm tăng rất cao so trung bình.

Bí thư Quận ủy quận 11 Trương Quốc Lâm kêu gọi hệ thống y tế công lập, y tế tư nhân và các lực lượng bác sĩ, điều dưỡng đã nghỉ hưu cùng vào cuộc: “Chúng ta không phân biệt đối tượng ưu tiên tiêm ngừa, vì ai cũng cần được quan tâm và bảo vệ”. Toàn quận đã “tiêm an toàn” (mũi 1) cho 100%, tiêm mũi 2 cho hơn 94% dân số quận.

Nhờ đó, ngày càng có nhiều F0 cách ly điều trị tại nhà khỏi bệnh; nhiều người bệnh được xử trí kịp thời không trở nặng; nhiều F0 trong các bệnh viện tuyến dưới tránh được nguy cơ tử vong. Đó là cách “an dân” rất kịp thời của nhiều địa bàn, làm cho người dân tin tưởng và làm theo lời kêu gọi của chính quyền địa phương.

Quyết đoán, thần tốc chặn đà lây lan của dịch bệnh

Tỉnh Bắc Giang từng là tâm dịch lớn nhất của cả nước nhưng bằng sự đồng lòng, quyết tâm tỉnh đã khống chế dịch bệnh thành công, sớm khôi phục sản xuất. Trong công cuộc chống dịch ở Bắc Giang ngoài sự hỗ trợ lớn lao về vật chất và con người của các tỉnh, thành phố trong cả nước tỉnh đã triển khai quyết liệt hàng loạt các biện pháp đồng bộ, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đây là những bài học quý không chỉ giúp tỉnh bảo vệ thành công thành quả chống dịch, phát triển kinh tế mà còn là kinh nghiệm để các tỉnh, thành phố học hỏi trong quá trình đấu tranh với dịch bệnh.

Thần tốc truy vết, đẩy mạnh xét nghiệm là hai vũ khí sắc bén giúp Bắc Giang sớm phát hiện các ca mắc bệnh và kịp thời bóc tách F0 khỏi cộng đồng, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư ập xuống Bắc Giang bởi 2 ổ dịch. Trong đó ổ dịch tại xã Phương Sơn, huyện Lục Nam lây lan trong cộng đồng nhà người dân đã sớm được dập tắt.

Xét nghiệm cho công nhân tại khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: DUY LINH)

Sau khi phong tỏa y tế trên địa bàn công tác truy vết được các lực lượng chức năng thực hiện ngày đêm trong đó lực lượng công an là nòng cốt. Ngay từ những ngày đầu hàng trăm F1 đã được đưa đi cách ly tập trung, người dân được tổ chức làm xét nghiệm trên diện rộng và thường xuyên nhờ đó chỉ sau một chu kỳ lây lan ổ dịch này đã hoàn toàn được không chế không phát sinh thêm các ca mắc mới.

Đối với ổ dịch bùng phát trong khu công nghiệp, qua một ngày đêm xét nghiệm Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh đã đưa ra nhận định đây là ổ dịch đã lan rộng, nguy cơ hàng nghìn người đã mắc bệnh là hiện hữu bởi do đặc thù công nhân làm việc trong môi trường yếm khí, tập trung đông, công nhân lại ăn ở và di chuyển đông đúc từ nhà máy đến nhà trọ là điều kiện lý tưởng để dịch bệnh lây lan. Sau một cuộc họp đến đêm khuya tỉnh Bắc Giang quyết định tạm dừng hoạt động bốn khu công nghiệp và phong tỏa toàn bộ huyện Việt Yên nơi có hơn 160.000 công nhân đang làm việc và sinh sống để tổ chức dập dịch trên diện rộng.

Hướng dẫn các biện pháp an toàn chống dịch cho công nhân ở Bắc Giang.

Chia sẻ về quyết định này ông Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Đây là quyết định khó khăn nhất của tôi kể từ khi tôi lên làm Chủ tịch tỉnh. Tạm dừng hoạt động bốn khu công nghiệp có khả năng làm đứt gẫy chuỗi cung ứng trong sản xuất, nhưng chúng tôi đã thuyết phục được những chủ doanh nghiệp lớn với lời hứa tạm dừng để tái cơ cấu lại sản xuất cho phù hợp với tình hình dịch bệnh. Thứ đến là vì sao phải phong tỏa ngay lập tức vào lúc 12 giờ đêm; bởi nếu thông báo phong tỏa trước thì nguy cơ hàng nghìn công nhân đã nhiễm bệnh sẽ di chuyển về quê và mang mầm bệnh ra các tỉnh ngoài. Bắc Giang phải vì cả nước, chúng tôi quyết định giữ chân công nhân để dập dịch mặc dù phải đối diện với việc phải bảo đảm an sinh cho hàng trăm nghìn công nhân trong khu vực phong tỏa.

“Đến nay kết quả cho thấy đây là quyết định mang tính quyết đoán, sáng suốt và kịp thời của Ban chỉ đạo phòng phong chống dịch của tỉnh. Nhờ đó chúng tôi đã thành lập được các tiểu ban chỉ đạo phân công công việc rõ ràng cho các ngành chức năng triển khai chống dịch bài bản, khoa học”, ông Dương chia sẻ.

Mặc dù lúc đầu dịch bệnh ở Bắc Giang có hiện tượng lan rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của hàng nghìn cán bộ y tế từ các tỉnh ngoài, công tác tầm soát xét nghiệm được thực hiện ngày đêm. Người dân đồng lòng chấp hành tốt các biện pháp chống dịch, các ca bệnh nhanh chóng được bóc tách ra khỏi cộng đồng và dần dần chỉ còn F0 trong các khu vực cách ly phong tỏa.

Đây là quyết định khó khăn nhất của tôi kể từ khi tôi lên làm Chủ tịch tỉnh. Tạm dừng hoạt động bốn khu công nghiệp có khả năng làm đứt gẫy chuỗi cung ứng trong sản xuất, nhưng chúng tôi đã thuyết phục được những chủ doanh nghiệp lớn với lời hứa tạm dừng để tái cơ cấu lại sản xuất cho phù hợp với tình hình dịch bệnh

------

Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang

Trong công tác chống dịch, cán bộ chủ chốt được xác định phải chịu trách nhiệm cao nhất. Không ít cán bộ chủ chốt cấp huyện, cấp xã lơ là để địa bàn xảy ra tình hình phức tạp đã bị lãnh đạo tỉnh nhắc nhở, phê bình bằng văn bản thậm chí điều động công tác khác, từ đó đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở nêu cao tinh thần gương mẫu không quản ngại khó khăn gian khổ đồng lòng tổ chức chống dịch.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho tỉnh Bắc Giang. Ảnh: baobacgiang.com.vn

Ban Dân vận tỉnh ủy, Liên đoàn lao động tỉnh và Mặt trận tổ quốc các cấp là lực lượng trụ cột bảo đảm chăm lo đời sống cho nhân dân, vận động nhân dân chống dịch. Hàng nghìn tổ Covid cộng đồng đã được hình thành trong các khu dân cư, tổ dân phố thể hiện được vai trò là cánh tay nối dài của ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại các địa phương. Kịp thời thông báo, hướng dẫn những người mắc bệnh thực hiện các biện pháp cần thiết để không làm lây lan dịch bệnh.

Song song với việc triển khai phòng, chống dịch Covid 19 tỉnh Bắc Giang nỗ lực tổ chức lại sản xuất cho các khu công nghiệp. Tỉnh hình thành tổ hỗ trợ khôi phục sản xuất hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện ba cùng là công nhân cùng làm việc cùng sinh hoạt ăn, ở và cùng di chuyển. Tổ chức cho công nhân tạm thời ăn ở và làm việc tại nhà máy.

Công nhân trở lại làm việc sau dịch tại Bắc Giang.

Sau khi dịch bệnh được kiểm soát tỉnh Bắc Giang hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức khu nhà trọ an toàn cho công nhân trong đó hướng đến mỗi doanh nghiệp có một khu nhà trọ riêng và di chuyển tập trung. Hạn chế tình trạng tiếp xúc giữa các công nhân ở các nhà máy, doanh nghiệp khác nhau, tăng cường công tác phòng, chống dịch tại nơi làm việc và nơi ở.

Mô hình sản xuất phải chống dịch, chống dịch để sản xuất đã giúp Bắc Giang sớm khôi phục phát triển triển kinh tế toàn diện. Các dự án đầu tư được tích cực triển khai. Các khu công nghiệp hoạt động sôi động đến nay đã tạo ra hơn 4 nghìn việc làm mới so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Sáng tạo phân lập thành công chủng virus SARS-CoV-2

Sự sáng tạo mang tính đột phá, nâng tầm của Việt Nam là việc phân lập thành công chủng virus SARS-CoV-2 mới vào năm 2020, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 4 nước đầu tiên trên thế giới phân lập thành công virus này.

Năm 2020, PGS, TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cùng các đồng nghiệp tại phòng Thí nghiệm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương bắt tay vào nghiên cứu một loại virus mới đang có nguy cơ gây ra đại dịch cho toàn thế giới. Đứng trước virus corona chủng mới mà thế giới vẫn còn đang loay hoay, cỡ mẫu tại Việt Nam còn ít, các cán bộ nghiên cứu phải lựa chọn dòng tế bào nào phù hợp để nhân lên con virus corona. Để có định dạng về virus, PGS, TS Quỳnh Mai phải dùng kỹ thuật giải trình tự gene thế hệ mới, mất rất nhiều thời gian và công sức.

Các nhà khoa học nghiên cứu, phân lập virus SARS-CoV-2.

PGS Quỳnh Mai cho biết, thời điểm đó, những kiến thức về chủng virus còn rất mơ hồ, các tài liệu nghiên cứu còn hạn chế, nhóm nghiên cứu đã phải sử dụng rất nhiều loại tế bào khác nhau, cuối cùng đã lựa chọn dòng tế bào thụ cảm phù hợp để phân lập. Cuối cùng, trong các mẫu bệnh phẩm phân lập có mẫu dương tính, đồng nghĩa là con virus đã xâm nhập vào trong tế bào, sống và nhân lên trong tế bào.

Chỉ sau một tuần nuôi cấy, phân lập, nhóm nghiên cứu đã tự tin đã tìm được loại virus lạ đang gây ra dịch bệnh lan rộng toàn cầu này. Thành tựu y tế này giúp cho Việt Nam sớm triển khai được các biện pháp phòng, chống dịch một cách chủ động, trong đó, ý nghĩa lớn nhất là giúp cho chúng ta có thể sản xuất test xét nghiệm nhanh cho các trường hợp nhiễm, nâng khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm mỗi ngày trong trường hợp cần thiết. Thành công đó còn giúp cho nghiên cứu về độc lực của virus này trên người Việt Nam, đặc điểm lây nhiễm, giúp công tác điều trị và chống dịch hiệu quả.

“Đây là thành công rất quan trọng vì kết quả phân lập được virus sẽ giúp Việt Nam giải mã nguồn gốc của virus mới, độc lực, cơ chế gây bệnh, khả năng xâm nhập, tính sinh miễn dịch… Kết quả này là dữ liệu tiên quyết để nghiên cứu các liệu pháp điều trị, phát triển các sinh phẩm chẩn đoán đặc hiệu và sản xuất vaccine sau này”, PGS,TS Lê Thị Quỳnh Mai nói.

Với PGS Quỳnh Mai và các đồng nghiệp, 72 giờ phân lập virus xuyên ngày đêm là khoảng thời gian nhiều thách thức, cân não nhất bởi tốc độ lây lan của virus đang lan nhanh, số ca liên tục tăng. Vì thế, chạy đua với thời gian, PGS Quỳnh Mai tâm sự, bất kỳ nhà khoa học chân chính nào cũng không đầu hàng trước ẩn số mới trong lĩnh vực mình nghiên cứu.

Nghiên cứu không ngừng, PGS, TS Lê Thị Quỳnh Mai đã liên tục có nhiều các công trình, bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế. Ngày 12/2/2020, Bộ Y tế đã trao Bằng khen của Bộ Y tế cho một tập thể và sáu cá nhân của Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương vì đã có thành tích xuất sắc trong việc nghiên cứu nuôi cấy và phân lập thành công Covid-19. PGS,TS Lê Thị Quỳnh Mai đã được trao Giải thưởng Kovalevskaia vào năm 2019, là 1 trong 5 nhà khoa học Việt Nam trong danh sách 100 nhà nghiên cứu xuất sắc nhất châu Á năm 2021 do Tạp chí Asian Scientist - tạp chí khoa học uy tín hàng đầu châu Á công bố.

Đây là thành công rất quan trọng vì kết quả phân lập được virus sẽ giúp Việt Nam giải mã nguồn gốc của virus mới, độc lực, cơ chế gây bệnh, khả năng xâm nhập, tính sinh miễn dịch… kết quả này là dữ liệu tiên quyết để nghiên cứu các liệu pháp điều trị, phát triển các sinh phẩm chẩn đoán đặc hiệu và sản xuất vaccine sau này

----

PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai

Trong cuộc chiến chống Covid-19, ngày ngày chị vẫn lăn mình ở các chiến tuyến nóng bỏng, tư vấn các chiến lược xét nghiệm để làm sao chạy đua kịp với tốc độ lây lan của virus. Trong làn sóng thứ tư, tại Bắc Giang, chị đã phân tích biến chủng Delta có khả năng nhân lên và phát tán mầm bệnh rất nhanh, vì thế nếu với biến chủng này nếu có biện pháp xét nghiệm chậm là muộn. Chị cũng là người trực tiếp triển khai kế hoạch test nhanh tại khu cách ly, giúp cho Bắc Giang nhanh chóng khoanh vùng được ổ dịch.

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên trao tặng Bằng khen của Bộ Y tế cho PGS, TS Lê Thị Quỳnh Mai vì thành tích phân lập virus corona chủng mới.

Từ kết quả phân lập thành công chủng virus SARS-CoV-2, rất nhanh chóng, Việt Nam cũng trở thành nước nghiên cứu, chế tạo và phát triển bộ kit xét nghiệm.

Chỉ sau đó thời gian ngắn, Việt Nam đã trở thành nước thứ 5 trên thế giới sản xuất thành công sinh phẩm xét nghiệm kháng thể. Sự chủ động bằng cả hai phương pháp xét nghiệm giúp cho chúng ta triển khai được các chiến dịch xét nghiệm phù hợp với từng giai đoạn và từng vùng dịch.

***

Bài 5: Gỡ nút thắt để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung

Câu chuyện về các điển hình đổi mới, sáng tạo ở 3 miền đất nước đem đến các bài học kinh nghiệm, đồng thời đặt ra các vấn đề cần tháo gỡ để khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Kết luận 14 của Bộ Chính trị được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển trong giai đoạn mới.

Đại hội XIII của Đảng đã xác định đổi mới mạnh mẽ và có hiệu quả mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng nền công nghiệp quốc gia hiện đại, vững mạnh, gồm những ngành công nghiệp nền tảng và công nghiệp mũi nhọn gắn với công nghệ thông minh; đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng tới mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại.

Để tạo động lực phát triển mới, cần có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Cha đẻ loại gạo ngon nhất thế giới và 3 lần sáng kiến “gây tranh cãi”

Một ngày trong trạng thái “bình thường mới”, tại thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, kỹ sư – Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua trải lòng cùng chúng tôi về chuỗi thời gian dài làm việc của mình, trong đó có ba việc mà ông tâm đắc nhất: thứ nhất là tham mưu để Tỉnh ủy Sóc Trăng đưa ra chủ trương phát triển lúa thơm; thứ hai là đưa cây lúa thơm cải tiến xuống vùng đất mặn có nuôi tôm; thứ ba là xây dựng, chuyển giao quy trình sản xuất nấm xanh cho nông dân để diệt bọ rầy nâu hại lúa (2006 – 2007).

Ông Cua cho biết, năm 1993, một năm sau ngày tái lập tỉnh Sóc Trăng, ông tham mưu để Tỉnh ủy Sóc Trăng đưa ra chủ trương phát triển lúa thơm. Ông đã tự xây dựng mô hình gieo trồng cây lúa thơm Khao Dawk Mali, có nguồn gốc Thái Lan từ trại giống huyện mà mình phụ trách, từ ruộng nhà, từ hợp tác với những nông dân đã tích lũy được kiến thức bản địa ở vùng đất quê. Qua đó chứng minh được rằng: Năng suất lúa thơm, dẫu là lúa mùa cảm quang nhưng vẫn cao hơn lúa thường, không làm giảm sản lượng mà giá bán cao hơn gần gấp đôi giúp nâng cao đời sống nông dân. Từ đó, Tỉnh ủy Sóc Trăng mới đưa ra chủ trương phát triển lúa thơm trong giai đoạn an ninh lương thực chưa bảo đảm.

“Những tưởng đây là điều không thể vì khi đó còn trong giai đoạn an ninh lương thực rất bấp bênh nhưng sau đó chủ trương này lan tỏa tới Trung ương và được Chính phủ tán đồng vàphát triển hầu hết các tỉnh có điều kiện trong cả nước”, kỹ sư Hồ Quang Cua chia sẻ.

Đến khi hệ thống thủy lợi phát triển, cần cây lúa thơm cải tiến để tăng năng suất và tăng vụ nhằm tăng sản lượng, kỹ sư Hồ Quang Cua và công sự lại mạnh dạn tổ chức lai tạo từ đầu thế kỷ 21.

“Mặc bao lời “đe nẹt” từ một số nhà “khoa học hàn lâm” đang giữ trọng trách lai tạo giống lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Họ nêu ra các khó khăn rất lớn để né tránh nhưng chúng tôi xem đó là bảng chỉ đường những vật cản phải vượt qua và thực tế đã vượt qua thật”, kỹ sư Hồ Quang Cua nói.

Kỹ sư Hồ Quang Cua (thứ 3 từ trái sang) và các công sự nhận Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Ảnh: Nguyễn Phong

Để minh chứng cho thành quả, kỹ sư Hồ Quang Cua và cộng sự đã đăng ký dự thi Gạo ngon nhất thế giới và trong hai lần đầu gạo thơm ST (Sóc Trăng) đã đoạt “Top ba” (2017, 2018). Năm 2019, gạo thơm ST đoạt giải Nhất và sang năm 2020 đoạt giải Nhì. Qua bốn lần thi gạo thơm ST đều được vinh danh, được giải thưởng và đã nâng tầm hạt gạo Việt Nam trên thế giới.

Năm 2001, sau khi có chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi khác của Thủ tướng chính phủ, chúng tôi mạnh dạn đem giống lúa thơm ST3 gieo trồng vào mùa mưa sau vụ tôm nước lợ vào mùa khô thì lại có ý kiến “…lúa cho ra lúa, tôm cho ra tôm…” của một vị giám đốc Sở. Nhưng hiện nay cây lúa thơm ST đã chiếm vị trí chủ lực ở vùng nước lợ ven biển đồng bằng sông Cửu Long, được các nhà khoa học thế giới xem là “Mô hình độc đáo trên thế giới” và là chủ trương phát triển của các tỉnh ven biển và cũng được nhiều doanh nghiệp xây dựng “Thương hiệu gạo Lúa – Tôm”.

Những đóng góp cho phát triển của chúng tôi đều xuất phát từ cơ sở, từ thực tiễn, từ ít tới nhiều, từ nhỏ tới lớn nên được thời gian chứng minh cho sự bền vững, hiệu quả và làm tham mưu tốt cho các cấp lãnh đạo trong việc xây dựng các chủ thương chính sách phát triển.

Kỹ sư Hồ Quang Cua tại ruộng mạ lúa thơm ST. Ảnh: Nguyễn Phong

Mặc bao lời “đe nẹt” từ một số nhà “khoa học hàn lâm” đang giữ trọng trách lai tạo giống lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Họ nêu ra các khó khăn rất lớn để né tránh nhưng chúng tôi xem đó là bảng chỉ đường những vật cản phải vượt qua và thực tế đã vượt qua thật

----

Kỹ sư Hồ Quang Cua

Nhà khoa học Việt Nam có tầm ảnh hưởng thế giới

GS,TS Nguyễn Xuân Hùng, Viện trưởng Viện Công nghệ CIRTech (Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh) là nhà khoa học sống tại Việt Nam duy nhất nằm trong danh sách nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới. Các đóng góp của giáo sư 45 tuổi này thể hiện trong lĩnh vực liên ngành cơ học tính toán, ứng dụng khoa học máy tính, công nghệ in 3D, học máy…

GS,TS Nguyễn Xuân Hùng chia sẻ, 20 năm qua, ông kiên trì xây dựng và phát triển một hệ thống nghiên cứu trong nước với kinh phí chủ yếu từ các Quỹ nghiên cứu quốc tế. Mỗi năm, ông dành thời gian để duy trì đi mở rộng hợp tác quốc tế, tìm kiếm các dự án uy tín, các học bổng Thạc sĩ, Tiến sĩ. Việc hợp tác quốc tế giúp ông không ngừng học tập nâng cao kiến thức, có điều kiện xây dựng nhóm nghiên cứu quốc tế, chương trình kết nối nghiên cứu với các chuyên gia đầu ngành ở các nước tiên tiến.

Chúng ta cần phải chung tay góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam bằng con đường hội nhập trong nghiên cứu khoa học. Công bố quốc tế uy tín về lịch sử, văn hóa, con người, chủ quyền biển đảo… là cơ sở dữ liệu tin cậy để hàng triệu độc giả khắp các châu lục truy cập, tham khảo. Đó là một phương pháp tiếp cận sáng tạo để nâng cao vị thế khoa học của Việt Nam với thế giới

----

GS, TS Nguyễn Xuân Hùng

“Nhóm của chúng tôi duy trì hệ thống làm nghiên cứu 24/24. Khi đội ngũ nghiên cứu trong nước nghỉ ngơi thì nhóm ở ngoài tiếp tục công việc (theo khung lệch giờ giữa các châu lục). Với cách này, dữ liệu nghiên cứu được chia sẻ không gian để bảo đảm hệ thống nghiên cứu vận hành tối ưu nhất. Đối với tìm kiếm các dự án, mức độ cạnh tranh thường rất cao, vì thế nội dung nghiên cứu đòi hỏi tính thời sự quốc tế, tính mới, sáng tạo và tính chuyên nghiệp cao trong khâu chuẩn bị hồ sơ. Do đó, cần phải duy trì nhịp nghiên cứu hội nhập xu thế phát triển của thế giới, cơ hội lấy được kinh phí mới khả thi. Các dự án quốc tế được tài trợ là cơ hội để tôi gửi các bạn trẻ ra nước ngoài học tập và đến nay nhiều người trong số đó đã thành danh”, GS,TS Nguyễn Xuân Hùng chia sẻ.

Quan điểm của GS, TS Nguyễn Xuân Hùng là ưu tiên theo đuổi những hướng nghiên cứu mà các tổ chức, các nhóm nghiên cứu quốc tế đang quan tâm nhất, vẽ được bản đồ khoa học mà người Việt Nam phải có chỗ đứng và tạo ra cơ hội để bồi đắp tri thức cho bản thân, cho học trò.

“Chúng ta cần phải chung tay góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam bằng con đường hội nhập trong nghiên cứu khoa học. Công bố quốc tế uy tín về lịch sử, văn hóa, con người, chủ quyền biển đảo… là cơ sở dữ liệu tin cậy để hàng triệu độc giả khắp các châu lục truy cập, tham khảo. Đó là một phương pháp tiếp cận sáng tạo để nâng cao vị thế khoa học của Việt Nam với thế giới”, GS, TS Nguyễn Xuân Hùng chia sẻ.

Chiến lược phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo

Trong 2 năm 2019, 2020 và 9 tháng đầu năm 2021, Ninh Thuận thuộc nhóm tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước, trong đó lĩnh vực năng lượng tái tạo đóng góp hết sức quan trọng. Trong suốt quá trình phát triển, với mục tiêu tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế để phát triển nền kinh tế xanh theo hướng nhanh và bền vững; trong đó, năng lượng sạch là nhóm ngành ưu tiên phát triển. Tỉnh đã chủ động nghiên cứu, đề xuất cũng như ban hành một số cơ chế, chính sách có hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng sạch trên địa bàn, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong tất cả các khâu.

Cụ thể, về công tác định hướng chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định phát triển bền vững dựa trên trục phát triển điện hạt nhân (năng lượng sạch) và tiếp tục được đẩy mạnh từ khi Trung ương chủ trương dừng đầu tư nhà máy điện hạt nhân, Ninh Thuận đã chủ động chuyển hướng chiến lược sang phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là khâu đột phá. Xây dựng và thực hiện đồng bộ các quy hoạch từ Trung ương đến địa phương; từ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến các quy hoạch chuyên ngành về năng lượng, đất đai, xây dựng,.... Chủ động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, tạo sự kết nối và lan tỏa cao, tạo đột phá trong thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư như: Hạ tầng giao thông, thủy lợi; hạ tầng truyền tải điện... Chủ động, kịp thời kiến nghị và được Trung ương chấp thuận một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc như: Chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận với nhiều cơ chế, chính sách hiệu quả thúc đẩy các nhóm ngành trụ cột; cơ chế giá mua bán điện; chính sách về ưu đãi thuế, hỗ trợ tín dụng, tiền sử dụng đất, lao động...

Một số mô hình về đổi mới, sáng tạo, kết hợp đa mục tiêu về nâng cao hiệu quả nguồn lực trong phát triển nguồn năng lượng trên địa bàn tỉnh, như: Thực hiện thí điểm lần đầu tiên trong cả nước về xã hội hóa, giao cho tư nhân đầu tư Dự án Nhà máy điện mặt trời 450MW gắn với đầu tư Trạm biến áp và đường dây truyền tải 500kV tại huyện Thuận Nam.

Đến thời điểm này, Tổ hợp năng lượng tái tạo điện gió và điện mặt trời của có quy mô tổng công suất hơn 355MW (trong đó điện mặt trời 204MW; điện gió 151MW) nhằm kết hợp khai thác tối đa hiệu quả diện tích đất phía dưới các tua-bin trụ gió để phát triển trang trại điện mặt trời của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam tại huyện Thuận Bắc được coi là lớn nhất, duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á.

Tại huyện Thuận Nam, mô hình sản xuất muối công nghiệp kết hợp phát triển điện mặt trời, điện gió với quy mô công suất 330MW điện mặt trời và 88 MW điện gió của Tập đoàn Bim được triển khai trên các diện tích trước đây sản xuất muối, nhưng hiện nay không còn sản xuất.

Việc triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án trên đã khai thác tối đa nguồn lực, hiệu quả sử dụng đất tại những vùng đất hoang hóa, không có khả năng sản xuất nông nghiệp, đóng góp cho điện lưới quốc gia hơn 2 tỷ kWh/năm, góp phần tăng thu ngân sách, phát triển kinh tế-xã hội địa phương ngày càng nhiều.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh (ngoài cùng bên phải) tham quan dự án nhà máy điện mặt trời BP Solar 1.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh: Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị được ban hành đúng thời điểm Đảng ta đang triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Đây là chủ trương, là cơ chế đột phá, quan trọng, để khuyến khích, đồng thời bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, nhằm tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được cụ thể hóa trong thực tiễn phát triển; khai thác hiệu quả bước đi sáng tạo, đột phá được tổ chức, người đứng đầu công nhận, cho phép chưa có trong tiền lệ, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, địa phương.

Quảng Nam và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Cũng nằm trên dải đất miền trung, Quảng Nam là một trong những địa phương có nhiều việc làm năng động, sáng tạo và đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Khi tái lập tỉnh năm 1997, Quảng Nam nằm trong nhóm địa phương nghèo nhất nước nhưng đến nay, đã được đứng vào tốp 15 tỉnh, thành phố cả nước có điều tiết nguồn thu ngân sách về Trung ương.

Một trong những vấn đề mà tỉnh quan tâm trong thời gian gần đây, đó là công tác khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tỉnh Quảng Nam xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo muộn hơn các địa phương khác trong khu vực miền trung – Tây Nguyên. Đầu năm 2017, UBND tỉnh mới bắt đầu thành lập Tổ công tác hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chính thức xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Toàn tỉnh hiện có 16 hội/câu lạc bộ về khởi nghiệp sáng tạo với số lượng các thành viên tham gia các câu lạc bộ ngày càng đông đảo, hầu hết là các doanh nhân trẻ, cán bộ khoa học trẻ, thanh niên và sinh viên.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Nam Phạm Ngọc Sinh cho biết, thời gian qua, Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản nhằm tạo đà cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mạnh hơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh (đeo kính) tham gia sự kiện Phụ nữ Quảng Nam với phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh: Tấn Nguyên

Đáng nói, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND (ngày 02/11/2020) về việc quy định nội dung và mức chi hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành quyết định về quy định nội dung và mức chi hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025 và quyết định về Đánh giá, công nhận và khuyến khích ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo về Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quy mô cấp vùng, quốc gia (như: Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp thời kỳ 4.0, Diễn đàn khởi nghiệp nông nghiệp, Diễn đàn phát triển nông nghiệp gắn khởi nghiệp nam Trung bộ, Diễn đàn kết nối doanh nhân trong hệ thống Câu Lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp với cộng đồng khởi nghiệp Quảng Nam, Diễn đàn khởi nghiệp du lịch nói không với rác thải nhựa, Hội thảo Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo địa phương…).

Đến nay, UBND tỉnh đã tổ chức công nhận hơn 60 dự án khởi nghiệp cấp tỉnh và 5 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc đã được Hội đồng đánh giá, xét chọn doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ tiêu biểu toàn quốc (do Hội doanh nhân trẻ Việt Nam chủ trì thực hiện) vinh danh. Quảng Nam cũng là địa phương khởi xướng và duy trì mạng lưới Câu lạc bộ khởi nghiệp miền trung – Tây Nguyên nhằm tạo lập Hệ sinh thái khu vực phát triển bền vững.

Sản phẩm tinh dầu tràm Linh Vũ của chị Bùi Thị Nguyệt (huyện Thăng Bình) được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh 3 sao. Ảnh: Tấn Nguyên

Ngoài ra, Quảng Nam đã tổ chức đào tạo cho gần 60 ý tưởng, dự án khởi nghiệp từ trên địa bàn tỉnh. Ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh đã phối hợp Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hỗ trợ vay lãi suất 0 đồng cho các dự án khởi nghiệp cấp tỉnh, với số tiền hỗ trợ 3 tỷ đồng; đào tạo 2 lớp chuyên gia nguồn tại chỗ; đăng cai, phối hợp Đại học Huế tổ chức lớp đào tạo giảng viên nguồn cho các tỉnh: Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, quá trình phát triển mạnh mẽ của tỉnh Quảng Nam trong suốt thời gian qua gắn liền với tinh thần dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo của các thế hệ lãnh đạo và đội ngũ cộng sự. Đây có lẽ đó cũng là cốt cách của người xứ Quảng xưa nay.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, vấn đề quan trọng được rút ra ở đây không chỉ là những con số, kết quả đạt được mà lớn hơn chính cách tư duy, sáng tạo trong công tác triển khai, thực hiện khởi nghiệp sáng tạo. Lãnh đạo tỉnh ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực các cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân đã có những việc làm hay, sáng tạo trong quá trình khởi nghiệp sáng tạo; đồng thời cho biết, lãnh đạo tỉnh luôn theo dõi, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để mọi người có thể lao động, sáng tạo trên cương vị, công việc của mình.

“Mọi người được làm những gì không trái Hiến pháp, pháp luật, tháo gỡ những vướng mắc, nút thắt trong thực tiễn; nếu vì động cơ trong sáng, vì lợi ích chung mà không thành công thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm… theo đúng tinh thần Kết luận 14 của Bộ Chính trị (ngày 22/9/2021) về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Đây là điều ông Thanh rất tâm đắc và khuyến khích mọi người vận hành công việc theo hướng này nhằm mang lại kết quả, hiệu quả cao nhất.

Quá trình phát triển mạnh mẽ của tỉnh Quảng Nam trong suốt thời gian qua gắn liền với tinh thần dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo của các thế hệ lãnh đạo và đội ngũ cộng sự. Đây có lẽ đó cũng là cốt cách của người xứ Quảng xưa nay

-----

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh

Những người trẻ xuất sắc của một doanh nghiệp lấy sáng tạo làm sức sống

Đổi mới, sáng tạo đã mang đến nhiều thành công trong các ngành, lĩnh vực, địa phương khác nhau, và doanh nghiệp không phải là ngoại lệ, thậm chí đó chính là lẽ sống còn của doanh nghiệp. Chính việc đưa đổi mới sáng tạo lên ưu tiên hàng đầu của Tập đoàn Viettel đã tạo nên đội ngũ những người trẻ, dám bứt phá trong nghiên cứu để vươn lên lọt vào top những người xuất sắc của thế giới.

Nguyễn Danh Thành, sinh năm 1995, Giám đốc Trung tâm Công nghệ, Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel là một trong 8 cá nhân điển hình toàn cầu năm 2020 và là giám đốc trẻ nhất tại Viettel.

Nguyễn Danh Thành vốn là một kỹ sư phần mềm làm việc tại Tổng công ty Viễn thông Viettel (VTT), nhiệm vụ chính là phát triển Bank Plus rồi tiếp theo là ViettelPay. Sau đó, anh ra ngoài một thời gian ngắn. “Ngay cả lúc đó, tôi cũng chưa từng nghĩ là sẽ không quay lại. Khoảng thời gian đó tôi làm việc này việc kia, coi đó là quãng thời gian để tôi tự làm mới bản thân”, anh tâm sự.

Khoảng giữa tháng 8/2019, anh quay trở lại với Viettel. Lúc này, bộ phận về thanh toán số đã được tách ra khỏi VTT và đưa về VDS - một tổng công ty mới được xây dựng với nhiệm vụ chiến lược cho nền tảng thanh toán số.

Dù từng nghỉ làm ở Viettel, khi quay lại anh vẫn được trọng dụng và giao dự án trọng điểm Mobile Money. Viettel là một trong những công ty đầu tiên trên thế giới triển khai Mobile Money theo hướng tích hợp nó vào tài khoản viễn thông. Thực tế cho đến nay cũng chỉ có mình Viettel đi giải quyết bài toán theo hướng độc đáo này. “Chúng tôi sẽ phải tự nghiên cứu, giải quyết tất cả mọi thứ vì không ai có thể chỉ cho mình một cách chính xác phải làm như thế nào mới là đúng”, anh cho biết.

Nguyễn Danh Thành, 1 trong 8 cá nhân điển hình toàn cầu năm 2020.

Chuyên gia Quản trị dữ liệu Trần Anh Vũ, sinh năm 1993, đã trở thành người Việt Nam đầu tiên trong danh sách các thành viên xây dựng tài liệu hướng dẫn Quản trị dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp tại diễn đàn công nghệ toàn cầu TMForum. Đây là một diễn đàn công nghệ toàn cầu bao gồm hơn 850 công ty, trải dài ở 180 quốc gia trên toàn thế giới với nhiều tên tuổi lớn như Microsoft, Nokia, Verizon, Saleforce, Huawei, Telefonica, Amdocs, Vodafone, Orange, T-Mobile, … Trong danh sách này chỉ có 15 người, họ đều là các chuyên gia dữ liệu hàng đầu trên thế giới.

Quản trị dữ liệu Trần Anh Vũ đã có đóng góp trong các tài liệu đầu tiên trên thế giới về Quản trị dữ liệu như “Quản trị dữ liệu IG1225 – Nhận thức mới về Quản trị dữ liệu trong tương lai v1.0.0”, “Tóm tắt chiến lược về quản trị dữ liệu cho Ban Điều hành IG1246 v1.0.0”, …. không chỉ dừng lại ở mức nghiên cứu thực trạng pháp lý dữ liệu hiện tại, mà còn định hướng phát triển trong tương lai cho các tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng quản lý tài sản dữ liệu trong thời kỳ chuyển đổi số.

Chuyên gia Quản trị dữ liệu Trần Anh Vũ.

Nguyễn Chí Thanh, sinh năm 1994, là Trưởng ngành Công nghệ dữ liệu lớn và là Trưởng ngành trẻ nhất tập đoàn Viettel. Anh phụ trách nghiên cứu và định hướng các công nghệ Big Data sử dụng trong toàn Tập đoàn Viettel. Anh trực tiếp xây dựng và thiết kế nhiều hệ thống ứng dụng Big Data với các công nghệ mới nhất hiện nay trên thế giới như Hadoop, Kafka, Spark... Các hệ thống như Data Warehouse, Data Lake, đặc biệt Nền tảng dữ liệu Viettel - Viettel Data Platform (VDP) là nền tảng dữ liệu lớn đầu tiên ở Việt Nam giúp xử lý khối lượng dữ liệu lớn trong khoảng thời gian rất ngắn với chi phí tối ưu.

Hiện Thanh chủ trì nhóm xây dựng Nền tảng dữ liệu lớn (Big Data Platform) do người Việt làm chủ cả về công nghệ lõi và kiến trúc nền tảng. Nguyễn Chí Thanh còn là Đồng sáng lập kiêm Quản trị viên của Cộng đồng Big Data Việt Nam với hơn 10.000 thành viên. Đây là nơi anh và những người yêu thích công nghệ có thể chia sẻ niềm đam mê và lan tỏa kiến thức cho những người yêu thích công nghệ Dữ liệu lớn tại Việt Nam.

Trưởng ngành Công nghệ dữ liệu lớn Nguyễn Chí Thanh.

Đinh Văn Kiệt, sinh năm 1996, bắt đầu vào làm việc tại Công ty An ninh mạng Viettel (VCS) từ 8/5/2017 dưới hình thức sinh viên thực tập, sau 2 năm thực tập, đến 2019, Kiệt chính thức trở thành nhân viên của VCS. Và chỉ sau 1 năm công tác, Kiệt chính thức trở thành Product Manager (Trưởng sản phẩm) trẻ nhất VCS cho sản phẩm iML - một trong những sản phẩm mũi nhọn của VCS, bắt kịp xu hướng phát triển của thị trường an toàn thông tin nói riêng và công nghệ thông tin nói chung.

Giữa những thách thức mới của thời đại 4.0, Đinh Văn Kiệt đã chủ động sáng tạo, ứng dụng và phát triển công nghệ AI để tối ưu hệ thống giám sát an toàn thông tin, qua đó tiết kiệm chi phí vận hành cho Tập đoàn.

Tại Công ty An ninh mạng Viettel (VCS), Trung tâm Giám sát và Phản ứng trên không gian mạng (SOC) làm nhiệm vụ giám sát, phát hiện, phân tích, ứng cứu và xử lý các sự cố an toàn thông tin cho các hệ thống CNTT. Khi hệ thống phát ra những cảnh báo về việc bị tấn công, SOC ngay lập tức xử lý, đánh trả các cuộc tấn công ấy.

Về sự thành công đột phá của những gương mặt trẻ này, bà Vũ Thị Mai, Trưởng Ban Tổ chức nhân lực Tập đoàn Viettel cho biết, như nhiều cá nhân có thành tích nổi bật đã chia sẻ, họ không chỉ bị thu hút bởi các chế độ đãi ngộ mà còn tính thách thức của các dự án. Làm việc tại Viettel có cơ hội để tạo ra các thay đổi lớn và đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam thông qua các dự án công nghệ tầm cỡ như phát triển công nghệ 5G, sản phẩm quốc phòng, giải pháp kỹ thuật số, nhiệm vụ quốc tế.

Đinh Văn Kiệt, Trưởng sản phẩm Công ty An ninh mạng Viettel.

Sáng tạo là sức sống Viettel. Mọi cán bộ nhân viên tại Viettel đều được khuyến khích đưa ra các ý tưởng mới để hoàn thiện tốt hơn công việc hiện tại cũng như các sáng kiến, giải pháp đột phá hoàn toàn mới. Tinh thần sáng tạo và tư duy khuyến khích thử nghiệm được thấm nhuần xuyên suốt các cơ quan đơn vị và các cấp quản lý tại Viettel thông qua các hoạt động đa dạng

-----

Bà Vũ Thị Mai, Trưởng Ban Tổ chức nhân lực Tập đoàn Viettel

“Sáng tạo là sức sống Viettel. Mọi cán bộ nhân viên tại Viettel đều được khuyến khích đưa ra các ý tưởng mới để hoàn thiện tốt hơn công việc hiện tại cũng như các sáng kiến, giải pháp đột phá hoàn toàn mới. Tinh thần sáng tạo và tư duy khuyến khích thử nghiệm được thấm nhuần xuyên suốt các cơ quan đơn vị và các cấp quản lý tại Viettel thông qua các hoạt động đa dạng”, bà Mai nói.

Kinh nghiệm của Viettel là duy trì Ngày hội Sáng tạo hàng năm như một hoạt động truyền thống vào ngày 1/6 với hàng loạt các hoạt động gắn kết nội bộ và đóng góp sáng kiến, ý tưởng tiên phong mới. Giải thưởng Viettel Stars và Giải thưởng Ý tưởng sáng tạo nhất đã nhận được hơn 8.000 ý tưởng vào năm 2020 (cao hơn 4% so với 2019) và đã đóng góp cho Viettel gần 10 triệu USD.

Cơ hội tăng trưởng bứt phá trong kỷ nguyên số

Đánh giá về tầm quan trọng của Kết luận 14 trong giai đoạn hiện nay, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông, nhận định: Trong hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đạt được một số kết quả rất tốt, nhưng gần đây một số lĩnh vực có sự chững lại về tốc độ phát triển.

Theo ông Mai Liêm Trực, Kết luận 14 của Bộ Chính trị có 2 vai trò rất quan trọng. Thứ nhất, làm trong sạch bộ máy, bảo vệ sự sáng tạo vì lợi ích chung, chống lại sự trì trệ, lợi ích nhóm, chống lại những làm việc tùy tiện của bộ máy công quyền, tăng niềm tin của nhân dân đối với chế độ, đối với Đảng. Thứ hai, tận dụng những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà chuyển đổi số là nội dung cốt lõi. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bắt buộc các nước phải đổi mới, sáng tạo mà như ngày xưa gọi là “đổi mới hay là chết”.

Để đưa Kết luận số 14 vào cuộc sống, theo ông Mai Liêm Trực cần làm 3 việc. Thứ nhất là vấn đề tuyển dụng và sử dụng cán bộ, phải là người có tài, nhất là người đứng đầu phải qua thử thách và qua kết quả làm việc. Thứ hai là hành lang pháp lý và chính sách. Bảo vệ cán bộ phải cụ thể bằng pháp luật và hành lang pháp lý, bằng các quy định cụ thể. Những người đổi mới, sáng tạo cần một hành lang pháp lý sòng phẳng minh bạch rõ ràng, đến mức nào là phạm luật và đến mức như nào là không phạm luật. Thứ ba là tinh giản, cải tổ bộ máy nhà nước, tạo động lực phát triển kinh tế tư nhân.

“Khát vọng và dấn thân vẫn là cái cốt lõi cho một nước Việt Nam hùng cường nhưng để tạo động lực sáng tạo, đổi mới cuối cùng vẫn phải bằng hành lang pháp lý, bằng luật chơi, bằng các cơ chế chính sách, bằng khen thưởng, lợi ích thì mới làm được”, ông Mai Liêm Trực nói.

Cũng chung quan điểm này, GS, TS Nguyễn Xuân Hùng cho rằng: Việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo sẽ thực sự là kim chỉ nam cho đội ngũ các nhà khoa học. Chúng ta coi trọng khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt bằng cơ chế, chính sách khen thưởng, kinh phí rõ ràng… bởi “nhà khoa học cũng là con người, phải cần các nhu cầu cơ bản của cuộc sống mới có thể tập trung nghiên cứu”.

Trên tất cả, yếu tố đóng vai trò quyết định để đưa Kết luận số 14 vào cuộc sống chính là thể chế, trong thể chế có hành lang pháp lý, có chính sách, có vấn đề cán bộ, thể chế ở đây là thể chế quản trị của quốc gia, hành lang pháp lý cho người dân, doanh nghiệp hoạt động và cho cán bộ làm việc.

“Đây là yếu tố quan trọng nhất, không thực hiện được thì Kết luận số 14 cũng chỉ dừng ở mức nguyện vọng, ý chí chứ chưa đi vào cuộc sống”, ông Mai Liêm Trực nhấn mạnh.

Khát vọng và dấn thân vẫn là cái cốt lõi cho một nước Việt Nam hùng cường nhưng để tạo động lực sáng tạo, đổi mới cuối cùng vẫn phải bằng hành lang pháp lý, bằng luật chơi, bằng các cơ chế chính sách, bằng khen thưởng, lợi ích thì mới làm được

-----

Ông Mai Liêm Trực nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất