Tác phẩm đoạt giải

Đồng bào ta ở nước ngoài: Gửi niềm tin về đất mẹ

Xa quê biền biệt tháng năm, giữa xứ người phồn hoa, xa lạ, bỗng được chạm vào hồn vía quê nhà. Đó là những sản phẩm Made in Việt Nam, những thước phim, bài báo và uy danh tổ quốc trên trường quốc tế. Đất nước mình đang viết trang sử mới. Lòng người tha hương muốn nói: “Xin chúc mừng đất mẹ!”

-----------------------

Gặp lại hồn quê

“Lần đó, tại một shop thời trang ở London (Anh), tôi đi mua hàng bất ngờ nhìn thấy một chiếc khăn lụa rất đẹp và sang trọng. Và hình như nó còn có một sự quyến rũ nào đó đặc biệt và khó tả với tôi. Nhìn kỹ, tôi xúc động kỳ lạ, vì trên chiếc khăn có dòng chữ “Made in Việt Nam”. Nó là hình ảnh quê hương tôi, đã vượt qua nửa vòng trái đất và hiện hữu ở đây. Đường hoàng quý phái, kiều diễm không kém bất cứ một sản phẩm xa xỉ, sang trọng nào trên thế giới” - chị Hoàng Hải Hà, Chủ tịch Ladies of all nations international UK -VN (Hiệp hội phụ nữ các quốc gia Anh – Việt Nam) kể lại.

Chị Hoàng Hải Hà, Chủ tịch Hiệp hội phụ nữ các quốc gia Anh – Việt Nam.

Chị Hà kể, chị sống tại London, nơi hội tụ các sản phẩm, hàng hóa khắp 5 châu. Tại các siêu thị lớn như Asda, Tesco đều có bán các món ăn Việt Nam như bún, phở, bánh đa cua ăn liền... Đặc biệt, tại chuỗi cửa hàng bán lẻ các thương hiệu cao cấp chị thường tìm thấy khăn lụa tơ tằm, các sản phẩm mây tre thủ công của Việt Nam.

Anh Lê Hạnh, chủ một siêu thị bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng, gia dụng tại Liberec (Cộng hòa Séc) nói, tại Séc bạn có thể tìm thấy đủ các mặt hàng như đồ gia dụng, lụa, đồ gốm, quần áo, hoa quả, bánh kẹo và nhiều loại thực phẩm Việt Nam. Đặc biệt, người Séc yêu thích và tin dùng sản phẩm cà phê G7 của Trung Nguyên.

Chị Mai Phạm - Việt kiều đang sống ở thành phố Auckland (New Zealand) chia sẻ, tại New Zealand hàng Việt Nam rất nhiều. Chị rất vui và tự hào vì chất lượng hàng Việt được các công ty nước ngoài tin tưởng, thị trường quốc tế cao cấp đón nhận.

Những sản phẩm lụa tơ tằm có mặt tại triển lãm Top Drawer at Olympia London, Vương Quốc Anh. (Nguồn: TTXVN)

Kể tiếp về chuyện chiếc khăn lụa quê nhà, chị Hải Hà tâm sự: “Những năm gần đây chị cũng như nhiều bà con Việt kiều khác rất tự hào và hạnh phúc khi nhìn thấy ngày càng nhiều hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam hiện diện ở những thị trường sôi động hàng đầu thế giới. Không chỉ được chiêm ngưỡng, lựa chọn sản phẩm phù hợp với thị hiếu, văn hoá của người Việt mà với chị, đó còn là niềm tự hào, hạnh phúc đặc biệt bởi sự phát triển, lớn mạnh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Sự chuyên nghiệp, hiện đại của ngoại thương nước nhà.

“Khi có nhu cầu mua tôi thường chọn sản phẩm Việt Nam, với tôi đó cũng là một cách yêu nước và thể hiện niềm tự hào dân tộc. Tôi cũng thường khoe với bạn bè nước ngoài về các mặt hàng thủ công của Việt Nam và khuyến khích họ dùng” - chị Hải Hà nói.

 

Miền quê đáng sống

Trở về Việt Nam sau hơn 40 năm xa quê, bà Trần Thị Hồng Mây (Việt kiều tại Ma rốc) không giấu được những giọt nước mắt xúc động trước sự thay đổi của quê hương.

Bà kể: “Về nước, tôi không nhận ra nơi mình đã từng ở. Lúc tôi ra đi nhà cửa bé, thấp giờ thì rất nhiều cao ốc, phố xá hiện đại không kém gì những đô thị quốc tế”.

Về phố Lê Đại Hành (Hà Nội), nơi bà sinh ra và lớn lên, những ngôi nhà bà đã gắn bó hàng chục năm bỗng xa lạ vì quá to lớn, khang trang.

“Đời sống của bạn bè, gia đình người thân tôi nâng cao rất nhiều. Nhiều người có nhà cao tầng, tiện nghi hiện đại. Con cháu học cao đẳng, đại học. Khi sống ở Việt Nam trước đây, gia đình chúng tôi phải ăn cơm độn sắn, khoai nhưng nay tôi được đãi nem, bún chả, dê, gà, hải sản…” - bà Hồng Mây chia sẻ.

Một góc Nha Trang.

GS.TS Phan Văn Ngân (Sao Paulo, Brazil) kể, ông rời Việt Nam từ năm 1957. Mỗi lần trở về ông đều ngỡ ngàng về sự thay đổi của quê hương.

“Tôi có dịp đi bằng ô tô từ Hà Nội tới Cà Mau, từ Hà Nội tới Sapa và biên giới phía Bắc. Được thăm những danh lam, thắng cảnh, thấy đường xá rộng rãi, thuận tiện, nhà cửa khang trang không kém nơi tôi đang sinh sống”.

Theo GS.TS Phan Văn Ngân, khi rời quê hương vào năm 1957, ông nhớ số lượng các trường đại học và trường cao đẳng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngày nay số trường đại học lên tới 460 trường. Nhiều trường có đội ngũ giảng viên là các giáo sư người Việt có học vị cao do những trường đại học danh tiếng ở nước ngoài phong tặng. Nhiều gia đình Việt Nam cho con du học ở Âu - Mỹ.

Anh Lê Hạnh (Liberec, Cộng hòa Séc) chia sẻ: “Đời sống tinh thần, tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam hiện rất phong phú đa dạng. Hàng năm có khoảng 8.000 lễ hội lớn nhỏ. Tôi có những ấn tượng sâu đậm về lễ hội Đền Hùng hấp dẫn và linh thiêng. Đến lễ hội, những người con xa xứ được dâng hương Quốc Tổ, được thưởng thức hoạt động văn hóa đặc sắc như rước kiệu, hội thi gói bánh chưng và giã bánh dày, múa rối nước…”.

Chị Nguyễn My, Việt kiều ở Milano (Ý) tâm sự: “Những người có thu nhập cao ở Việt Nam thường đi du lịch nước ngoài, mở tầm nhìn mới... Trong nước còn có những lễ hội mới được du nhập như Halloween, Carnival... Mọi thụ hưởng của nhân loại về vật chất, văn hoá, tinh thần ngày nay đều có ở Việt Nam, dành cho bất cứ người dân nào của Việt Nam”.

Tự hào tầm vóc Việt Nam

Dù theo dõi rất sát nhưng khi biết tin Việt Nam đạt 192/193 phiếu, chính thức trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021, tôi vẫn trào dâng một cảm xúc tự hào và hạnh phúc tột độ. Điều này nói lên rằng Việt Nam đã thể hiện mình là nhân tố giữ ổn định cho khu vực và thế giới. Chúng ta đã có vị thế đáng tự hào” - ông Nguyễn Quốc Hùng, nghiên cứu viên cao cấp Trung tâm chiến lược Nga tại Châu Á, Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học Nga (Matxcơva, Liên bang Nga) kể.

  Ông Nguyễn Quốc Hùng, nghiên cứu viên cao cấp Trung tâm chiến lược Nga tại Châu Á, Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học Nga.

Theo ông Hùng, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công trọng trách Chủ tịch HĐBA LHQ và các mục tiêu đề ra. Nổi bật và để lại ấn tượng nhất là 02 sáng kiến của Việt Nam về tổ chức phiên thảo luận mở về tuân thủ Hiến chương LHQ để duy trì hoà bình và an ninh quốc tế cho tháng mở đầu kỷ niệm 75 năm ra đời LHQ (1945-2020) và phiên họp về tăng cường hợp tác giữa LHQ và Hiệp Hội các nước Đông Nam Á.

Trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, rất nhiều vấn đề, sự kiện “đầu tiên” đã được sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ trong bối cảnh dịch bệnh.

“Tôi kể về những thành tựu của Việt Nam với bạn bè đồng nghiệp quốc tế, họ cũng chia sẻ sự khâm phục, niềm vui bởi những thành công của Việt Nam trên trường quốc tế” - ông Nguyễn Quốc Hùng tâm sự.

Ông Hùng cho rằng không quá ngạc nhiên với những kết quả mà Việt Nam đã đạt được vì đó là thành quả của những nỗ lực không mệt mỏi trong suốt nhiều thập niên của cả nước.

Nhiều Việt kiều trao đổi với chúng tôi với giọng nói hào hứng và ánh mắt ngời sáng khi nói về sự phát triển của đời sống nhân dân, kinh tế - xã hội và uy danh đất nước trên trường quốc tế. Có người khẳng định: Niềm hạnh phúc và tự hào đó đã thêm nguồn cảm hứng và năng lượng vô giá cho những người xa xứ như tôi...

 Ngọc Lê – Phạm Lý

Đồ họa : Nguyễn Hồng

 

5,3 triệu đồng bào Việt Nam sống xa đất nước bởi những hoàn cảnh khác nhau và đã có những cuộc đời khác nhau. Nhưng khi gặp khó khăn hoặc khi về thăm quê thì đất mẹ luôn rộng vòng tay mừng đón. Được chở che khi dịch bệnh, được đầu tư, được mưu cầu hạnh phúc, được thi tài, toả sáng và được tắm mình cùng biển đảo thiêng liêng…

---------------------

Chở che khi hoạn nạn

Anh Lý Văn Xuân (sinh năm 1985, người dân quận Ruseykeo, Phnom Penh, Campuchia) đã xúc động nhận được những hỗ trợ từ quê hương Việt Nam khi dịch bệnh COVID-19 hoành hành.

Anh chia sẻ: “Từ tháng 3-7/2021 gia đình tôi đã 4 lần được nhận quà cứu trợ. Khi thì gạo, mỳ tôm, nước sát khuẩn, khẩu trang; khi thì nước tương, dầu ăn… Đất nước không bỏ rơi bà con Việt kiều chúng tôi”.

Trong trận bão tuyết lịch sử tại bang Texas (Mỹ) tháng 2/2021, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Houston đã tích cực hỗ trợ Việt kiều và bảo hộ công dân bằng cách mở đường dây nóng 24/24 để tiếp nhận thông tin và hỗ trợ bà con.

Tổng lãnh sự quán đã tặng hàng chục thùng khẩu trang, hỗ trợ Việt kiều tại một số điểm có nhiều người Việt sinh sống, góp phần phòng chống dịch.

Chùm khế quê hương

Sau khi kết hôn 10 năm vợ chồng diễn viên Đức Tiến - Hoa hậu Áo dài Dallas Bình Phương (Westminster, California, Mỹ) vẫn chưa có con. Trải qua nhiều phương pháp không thành công, năm 2019 vợ chồng Đức Tiến về Việt Nam để thụ tinh nhân tạo (IVF) tại Bệnh viện Hạnh phúc (TP.HCM). Năm 2020 cô công chúa nhỏ của họ chào đời.

“Trong lĩnh vực IVF, Việt Nam không thua kém nước nào, kể cả Mỹ và các nước châu Âu. Các bác sĩ Việt Nam có nhiều kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại giúp cho người muốn có con như vợ chồng tôi nghĩ về Việt Nam đầu tiên. Gia đình tôi đã tìm thấy hạnh phúc lớn nhất ngay tại quê nhà” - Đức Tiến chia sẻ - “Chi phí làm IVF ở Mỹ cao gấp 3 lần so với Việt Nam. Tôi có một số người bạn về Việt Nam làm IVF thành công”.

Gia đình diễn viên Đức Tiến, hoa hậu Bình Phương tìm thấy hạnh phúc lớn nhất tại quê nhà với 1 cô công chúa đáng yêu, xinh xắn.

Gần đây có nhiều kiều bào là văn nghệ sĩ, cầu thủ bóng đá về nước lập nghiệp.

Về Việt Nam năm 2014, cầu thủ Mạc Hồng Quân (Praha, Séc) lần lượt khoác áo Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam, U23 Việt Nam và các CLB thi đấu tại V-League.

“Tôi luôn được các cơ quan, tổ chức tạo điều kiện. Tôi được mang hai quốc tịch Việt Nam và Séc” - Quân chia sẻ.

Năm 2000 nghệ sĩ Bảo Chung sang Mỹ định cư cùng với gia đình. Ở Mỹ anh chỉ biểu diễn 2 ngày cuối tuần. Khi hết hợp đồng Bảo Chung về nước. “Tôi về Việt Nam được tự do biểu diễn trong các sự kiện, chương trình ca nhạc, tham gia các gameshow, đóng phim, viết kịch bản. Tôi được trau dồi về nghề, nhận được tình cảm của khán giả. Việt Nam là cái nôi nghệ thuật của những người như chúng tôi và ở đây tôi được cống hiến” – Bảo Chung tâm sự.

Ấm áp tiếng cha anh

Theo chồng sang Ma rốc sinh sống từ năm 1972, bà Trần Thị Hồng Mây (ở Meknes) gặp rất nhiều khó khăn vì khi đó chưa có Đại sứ quán Việt Nam tại Ma rốc, nhưng sau đó cuộc sống gia đình bà đã thay đổi. Bà Hồng Mây kể: “Năm 2004, Thủ tướng Phan Văn Khải sang thăm Ma rốc, rất đông kiều bào được gặp gỡ, nói chuyện với Thủ tướng tại khách sạn Hilton (Rabat). Tôi nói, chúng tôi rất vất vả để nuôi chồng con. Có những chị em phải xa gia đình ở Ma rốc để sang các nước châu Âu làm thuê... Nghe xong Thủ tướng đề nghị báo chí ghi kiến nghị của tôi. Sau đó Thủ tướng hứa rằng những khó khăn của kiều bào Đảng và Nhà nước sẽ giúp đỡ. Đúng sau 1 năm Đại sứ quán Việt Nam tại Ma rốc được mở và 15 ngày sau chúng tôi được làm hộ chiếu. Khi cầm hộ chiếu, tôi mua vé máy bay để về nước. Thế là Thủ tướng giúp tôi sau 40 năm được trở về quê hương.

Đại sứ quán Việt Nam tại Ma rốc tặng quà cho Làng Việt Nam tại Ma rốc. Bà Trần Thị Hồng Mây (người phụ nữ áo hồng) đại diện bà con đón nhận quà.

Năm 2018, nghệ sĩ Ninh Đức Hoàng Long (Budapest, Hungarry) đã có dịp gặp gỡ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi sang thăm Hungary. Đó là một buổi biểu diễn không thể quên của anh.

Anh kể: Tháng 5-2018, Long giành giải nhất cuộc thi âm nhạc cổ điển trên truyền hình Hungary. Chính vì thế trong chuyến thăm Hungary cấp nhà nước của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu, Văn phòng Thủ tướng Hungary đã mời Long biểu diễn 2 tác phẩm Việt - Hung tại nhà quốc hội Hungary. Sau buổi biểu diễn Long được gặp và chụp ảnh lưu niệm cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Hungary Orban Viktor. Thủ tướng Orban Viktor nói: Tôi rất vui và bất ngờ với phần biểu diễn tiếng Hungary của anh. Hãy chụp ảnh cùng chúng tôi. Bác Nguyễn Phú Trọng cười và nói: “Cháu giỏi lắm, hát hay lắm. Hãy cố gắng giới thiệu văn hóa Việt Nam và làm cầu nối văn hóa giữa hai đất nước nhé!”.

Hoàng Long cho biết, hàng năm đều có đoàn công tác của lãnh đạo Đảng và Nhà nước thăm bà con kiều bào, tìm hiểu, lắng nghe những khó khăn vướng mắc để tháo gỡ và hướng dẫn. Mỗi dịp Tết, Chủ tịch nước và Bộ Ngoại giao đều chủ trì chương trình Xuân quê hương đón bà con Việt kiều về quê ăn Tết. Năm 2019, Hoàng Long cũng vinh dự được tham gia đoàn Việt kiều về dự và biểu diễn tại Hà Nội.

Chị Lê Thị Nhành (42 tuổi) sinh sống ở Biển Hồ Campuchia đã hơn 23 năm. Trước đây cuộc sống gia đình chị khó khăn, 5 người con chị không được đi học. Khi lệnh giải tỏa, di dời nhà nổi ở Biển Hồ, năm 2018 gia đình chị Nhành cùng hơn hai chục hộ dân gốc Việt ở Biển Hồ đã được Hội Khmer -Việt Nam tại Campuchia, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia giúp chuyển đổi nghề nghiệp tại Công ty Cao su Tân Biên (Việt Nam), tỉnh Kampong Thom.

“Hiện chồng và 4 người con lớn của tôi đều làm nhân công công ty. Tôi ở nhà nội trợ. Con út 13 tuổi cũng được đi học. Về đây sinh sống tôi không vất vả như ở Biển Hồ. Những ngày lễ tết công ty, Hội Khmer - Việt Nam tặng quà. Gia đình tôi tích góp được tiền. Tôi rất vui vì Đảng, Nhà nước không bỏ rơi chúng tôi” - chị Nhành chia sẻ.

Biển đảo máu thịt chúng ta

Nhà báo Huy Thắng (sinh năm 1952, sống ở Berlin, Đức) xúc động kể về chuyến thăm quần đảo Trường Sa năm 2014 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức.

"Khi lên Tàu Trường Sa HQ-571, tôi được ở chung phòng với Việt kiều Đức, Mỹ, Lào. Trong đó có anh David Nguyễn (Việt kiều Mỹ) từng là sĩ quan cao cấp trong quân đội Mỹ. Bữa trưa đầu tiên David Nguyễn nói mình là người chống Cộng cực đoan. Anh nói: cứ gặp Cộng sản là tôi chống.

Khi ngủ trưa, mọi người quay đầu vào trong tường thì David Nguyễn ôm gối quay đầu ra phía cửa. Sau này anh nói: đó là thể hiện rằng anh không cùng chí hướng với mọi người trong chuyến đi này.

Đến đảo chìm Đá Nam tôi được các chiến sĩ hải quân tặng lá cờ tổ quốc với đầy vết tích phong ba bão táp. Lá cờ đỏ sao vàng này đặc biệt là được treo trên đảo Đá Nam, gió thổi rách xơ xác và được anh thủ trưởng chỉ huy đảo đóng dấu, kí tên. David Nguyễn cũng muốn lá quốc kỳ như vậy và bảo tôi xin hộ. Các chiến sĩ hải quân cho biết cờ mới thì nhiều, cờ cũ chỉ có vậy, nhưng David Nguyễn vẫn muốn có một lá cờ đỏ sao vàng được đóng dấu và ký tên của đảo Đá Nam. Lãnh đạo đơn vị trên đảo đã chiều David Nguyễn thay lá cờ đang treo xuống, đóng dấu và kí tên. David Nguyễn cầm lá cờ ép vào ngực, người anh lặng đi, mặt thẫn thờ như một năng lượng thiêng liêng đã nhập hồn anh.

Từ đảo Đá Nam tàu về đảo Song Tử Tây. David Nguyễn xin được dẫn đến cột mốc mà chính quyền Việt Nam cộng hoà tiếp nhận vào năm 1956. David Nguyễn ôm cột mốc và khóc thống thiết. Anh sờ từng nét chữ trên cột mốc, lẩm nhẩm như người cầu nguyện.

Khoảng 2- 3h sáng David Nguyễn gọi tôi dậy. Anh nói chuyến đi Trường Sa lần này anh đi để tìm sự dối trá của Đảng Cộng sản Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Nhưng anh thừa nhận mình sai lầm khi hơn 40 năm qua đã hiểu lầm về chế độ, đã chống phá Việt Nam.

Tôi không ngờ một người có tư tưởng cực đoan, đã cầm đầu nhiều đoàn biểu tình chống Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam hôm nay lại đã ôm lá cờ đỏ sao vàng, quỳ gối trước cột mốc khóc hồn nhiên đến vậy!..." - nhà báo Huy Thắng chia sẻ.

Bà con Việt kiều ở Đức đón nhận lá cờ Tổ quốc thẫm phong ba bão táp cùng chữ ký tấm lòng gửi gắm của cán bộ chiến sĩ Trường Sa.

Đưa kiều bào thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 là hoạt động thường niên do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp tổ chức, nhằm tạo điều kiện để bà con kiều bào được tận mắt chứng kiến cuộc sống của quân và dân trên quần đảo Trường Sa. Chuyến đi đầu tiên được thực hiện vào năm 2012. Đến nay đã có 8 đoàn được tổ chức với sự tham gia của hơn 500 kiều bào từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Chủ quyền biển đảo đất nước là vấn đề bà con kiều bào quan tâm nhất. Vì vậy, khi Nhà nước tổ chức cho họ được thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1, bà con tỏ ra hạnh phúc, xúc động đặc biệt. Nhiều người không đủ thông tin hoặc hiểu sai sự thật đã bày tỏ sự ân hận sâu sắc. Được hiểu, được thăm biển đảo, nhà giàn DK1, được chứng kiến sự vững bền, toàn vẹn của chủ quyền tổ quốc là khát khao to lớn của cộng đồng Việt kiều. Khi được thụ hưởng quyền lợi chính đáng và thiêng liêng đó, bà con càng thêm tin tưởng Nhà nước và yêu thương quê hương hơn.

Nội dung: Phạm Lý

Đồ họa: Tào Đạt

 

Người Việt có đức tính: làm ăn xa, thường gói ghém những thành quả quý nhất của mình đem về quê… Khi tổ quốc cần chống dịch, chống giặc; cần giữ gìn di sản, làm sạch môi trường, cần sáng tạo và tiếp thu những tinh hoa mới của nhân loại… thì tấm lòng hiếu thảo của đồng bào sẽ đem về hiến dâng tổ quốc.

------------------------

Những dự án của tấm lòng

Chúng tôi gặp Việt kiều Nguyễn Trí Dũng ở một khu vườn có gắn biển “vườn Minh Trân”. Ông có dáng người hơi gầy, nói nhỏ. Ông giới thiệu khu vườn thiết kế theo ý tưởng làng quê ba miền Bắc – Trung – Nam thu nhỏ với những chiếc lu nước xếp dưới hàng cây cổ thụ, ngôi nhà cổ Huế, nhà sàn Tây Nguyên, bàn ghế tre, hoa sen mộc… Khu vườn là một không gian sinh thái sáng tạo văn hóa, giáo dục, khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học - công nghệ. Ông đặt tên là Vườn ươm giấc mơ Việt Nam...

Hiện nay, mỗi năm khu vườn tiếp khoảng 2.000 lượt khách là các nhà trí thức, nhà khoa học đến thảo luận các sáng kiến để ứng dụng ở Việt Nam. Từ vườn ươm này nhiều ứng dụng đã đi vào thực tế giúp Việt Nam phát triển hơn.

Doanh nhân Việt kiều Nguyễn Trí Dũng.

Theo đuổi khát vọng thúc đẩy những giá trị tốt đẹp ở quê nhà, ngoài dự án Vườn ươm giấc mơ Việt Nam, năm 1988 ông Dũng lập mạng lưới kết nối Nhật - Việt Nam JAVINET nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước về kỹ thuật, chuyên viên, mô hình, kinh nghiệm sản xuất... như hệ thống tư duy Kaizen, 5S... Nhờ mạng lưới này nhiều doanh nghiệp cải thiện được năng lực, có cơ hội xuất khẩu.

Việt kiều Nguyễn Trí Dũng sống tại Nhật Bản từ năm 1967. Ông là một điển hình của phong trào Kiều bào về nước đầu tư. Với ông và như nhiều bà con khác, đầu tư về nước thường tập trung vào những lĩnh vực nâng cao trình độ, mức sống, sinh thái của nhân dân. Họ không đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Đồng thời dồn tâm sức, nguồn lực cao nhất để thực hiện ước mơ đóng góp cho quê hương.

Giống câu chuyện trên, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ - kiều bào ở Canada đã về nước khởi nghiệp ở tuổi 60 với mong ước góp phần cải thiện đời sống nông dân quê mình. Công ty RYNAN Technologies của ông Mỹ tại Trà Vinh, sản xuất phân bón thông minh, phần mềm thông minh đo độ mặn của nước, điều khiển tưới tiêu và đánh giá ô nhiễm môi trường. Công nghệ mới này được giới chuyên môn đánh giá đã góp phần vực dậy nền nông nghiệp của các tỉnh bị nhiễm mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Theo thống kê của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện cả nước đã có 365 dự án của kiều bào đầu tư tại 27 tỉnh/thành.

Ông Peter Hồng - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, đầu tư tại Việt Nam khẳng định nhiều giá trị, đó là quê nhà, nỗ lực và sáng tạo. Ông cho rằng, việc cùng ngôn ngữ, văn hóa đã có 50% cơ hội thành công cho doanh nghiệp. Hơn nữa, hiện nay Chính phủ đã và đang tạo nhiều cơ chế thuận lợi để đầu tư tại Việt Nam.

Bầu bí thương nhau

Chiều ngày 29-1-2021, doanh nhân Việt kiều Canada, gốc Hải Dương, Chủ tịch HĐQT công ty Đại Sơn - ông Nguyễn Hoài Bắc nhận được điện thoại của lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại địa phương. Khó khăn là thiếu địa điểm làm khu cách ly tập trung, thành lập bệnh viện dã chiến, mong ông giúp đỡ. Sau 5 phút trao đổi nội bộ, ông Nguyễn Hoài Bắc đồng ý. Lập tức, trụ sở Trường Trung cấp nghề Việt Nam - Canada (Chí Linh, Hải Dương) thuộc sở hữu của Công ty Đại Sơn đã trở thành nơi cách ly tập trung cho công nhân của Công ty TNHH Điện tử Poyul Việt Nam.

Tiếp theo, ông Bắc kêu gọi bạn bè giải cứu nông sản và ủng hộ nông dân một số xã, huyện ở Hải Dương 1 tỷ đồng. Thời gian sau ông liên tục giúp tiền, vật chất cho các tỉnh Ninh Thuận, Bắc Ninh, Bắc Giang chống đỡ dịch bệnh.

“Chia lửa” cùng quê mẹ

Giữa năm 2014, Trung Quốc đưa giàn khoan xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam. Ngày 15/6/2014, tại Berlin (Đức), khoảng 7.000 người Việt và bạn bè quốc tế tham gia biểu tình, tuần hành phản đối hành vi này.

Cùng thời điểm, rất đông người Việt Nam ở Frankfurt đã biểu tình. Ai cũng mặc trên mình những trang phục màu đỏ thắm để thể hiện màu cờ tổ quốc. Mọi người mang băng-rôn, cờ, biểu ngữ, những câu khẩu hiệu và tấm lòng chia lửa với quê nhà để biểu tình.

Việt kiều tại Ý, Séc, Úc và Pháp cũng nhất tề xuống đường ủng hộ chủ quyền đất nước.

Anh Trần Thắng, Việt kiều Mỹ sở hữu bộ sưu tập gồm 150 bản đồ và Atlas chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Về tình yêu biển đảo và quyết tâm đấu tranh, bảo vệ chủ quyền tổ quốc thì câu chuyện đáng khâm phục nhất là bộ sưu tập bản đồ Hoàng Sa của anh Trần Thắng, Việt kiều Mỹ. Bộ sưu tập gồm 150 bản đồ và Atlas. Trong đó có ba sách Atlas của nhà nước Trung Hoa dân quốc, Phái bộ truyền giáo London và 80 bản đồ Tây phương do 50 nhà xuất bản ấn hành. Điểm chung của những tấm bản đồ này là nó chỉ rõ miền Nam của Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam, còn hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa thì thuộc Việt Nam. Ngoài ra, có 50 bản đồ Hoàng Sa và 20 bản đồ cổ của các nước thể hiện Hoàng Sa - Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Anh Thắng gửi tặng toàn bộ cho Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội TP Đà Nẵng.

Anh Thắng kể, cuối tháng 7/2011 anh đã tìm khắp thị trường và thấy có người rao bán vài tấm bản đồ cổ của Tây phương về lãnh thổ của Trung Quốc. Anh liên hệ mua lại. Tuy nhiên, do giá các cuốn sách cổ (bản đồ cổ Tây phương là bản đồ nằm trong sách) này rất đắt. Không đủ tiền, anh Thắng kêu gọi đóng góp. Việc này được thực hiện bí mật, phòng khi thông tin lan rộng người khác mua mất. “Trong 2 tuần chờ tiền tôi rất hồi hộp. Ngày nào cũng đi làm về sớm xem sách còn trên mạng không. Khi cầm được sách trên tay tôi mới thanh thản”, vị kỹ sư trải lòng.

Mua được bản đồ quý, anh kiểm tra, ghi chép tỉ mỉ các thông tin, làm khung, bọc giấy kính bảo quản. Từ đó anh bắt đầu giới thiệu cho công chúng Việt Nam và nước ngoài biết về Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam. Toàn bộ hình ảnh về bộ sưu tập này được lưu lại tại trang web http://www.ivce.org/ của Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ.

Ông Trần Đức Anh Sơn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội TP Đà Nẵng khẳng định đó là những tấm bản đồ quý, đang rất cần cho công tác nghiên cứu, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Giữ gìn hồn cốt quê hương

Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Nga (Việt kiều Pháp) được nhiều người nhắc đến với dự án Bảo tồn, cải tạo cầu Long Biên. Dự án này gồm 5 hạng mục. Cải tạo thành cầu đi bộ và Bảo tàng ký ức thế kỷ XX. Khôi phục cầu nguyên trạng, tạo không gian 12.500m² để trưng bày ký ức các cuộc đấu tranh vệ quốc của dân tộc.

Hai bên thành cầu được nới rộng tạo không gian đi bộ. Cầu chỉ sử dụng năng lượng xanh từ mặt trời, gió và nước sông Hồng.

Điểm nhấn thứ 2 là Phố nghề nghệ thuật. Trong đó 130 vòm cầu cạn đang bịt kín sẽ được mở ra làm 130 cửa hiệu giới thiệu 100 làng nghề Việt Nam và 30 làng nghề quốc tế. Nằm trên 130 vòm cầu cạn là một vườn treo nối cầu Long Biên đến ga Hàng Cỏ, để du khách du ngoạn và ngắm cảnh.

Thứ 3 là bãi giữa sông Hồng sẽ trở thành Công viên Trung tâm (Centre Park). Đây sẽ trở thành lá phổi của Thành phố, nơi dạo chơi của người dân và khách du lịch, hoặc tổ chức những sự kiện quốc tế lớn. Tại đây có bảo tàng nông nghiệp quốc gia, khu nuôi tằm, dệt lụa, khu biểu diễn nhạc ngoài trời...

Hạng mục thứ 4 là Tháp Sen 9 tầng, một bảo tàng nghệ thuật đương đại và cũng là tác phẩm biểu tượng quốc hoa Việt Nam.

Hạng mục thứ 5 là bảo tàng cổ vật Việt Nam trong tháp nước Hàng Đậu. Giữ nguyên hiện trạng tháp nước, trưng bày theo chủ đề, theo niên đại.

Bà Nga kể: Tôi đã phải bán cả tài sản để thực hiện dự án. Nhưng tôi đã dành nửa cuộc đời để theo đuổi nó nên không dừng lại. Hiện nay nhóm thực hiện dự án đã xây dựng xong nghiên cứu tiền khả thi.

“Dự án khai thác cầu Long Biên trở thành Bảo tàng lịch sử cận đại do KTS Nguyễn Nga khởi xướng độc đáo và có giá trị nhân văn, cần được phát triển, thực hiện” – Thạc sĩ, KTS Lã Kim Ngân (Viện trưởng Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội).

Nội dung: Yên Ba

Đồ họa: Tào Đạt

 

Xin gửi về đất mẹ những mong ước bình dị, đời thường. Và xin dâng Người những tâm nguyện, kế sách mong góp phần cho hạnh phúc, phồn vinh, đại đoàn kết của toàn dân tộc. Thời Đại trân trọng gửi bạn đọc những tâm nguyện của đồng bào ta ở nước ngoài.

----------------------

Mong ước

Kế sách

Nội dung: Phạm Lý

Đồ họa: Tào Đạt

 

Hiện thực hóa tích cực hơn nữa quan điểm: người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, thời gian tới Chính phủ sẽ tập trung làm tốt 5 giải pháp cơ bản. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu - Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã trả lời phỏng vấn Thời Đại xung quanh nội dung này.

------------

- Thưa Thứ trưởng, xin ông cho biết Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/08/2021 của Bộ Chính trị “về công tác NVNONN trong tình hình mới” chuyển tải thông điệp gì tới đồng bào ta ở nước ngoài?

Ngày 12-8-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW (sau đây gọi tắt là Kết luận 12) về công tác NVNONN trong tình hình mới. Có thể nói, đây là một trong những dấu ấn quan trọng đối với công tác về NVNONN; những thông điệp mà Kết luận 12 truyền tải nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo đồng bào ta ở trong và ngoài nước.

Thứ nhất, Kết luận 12 thể hiện sự trân trọng và đánh giá cao của Đảng, Nhà nước ta đối với những chuyển biến tích cực và vai trò của đồng bào ta ở nước ngoài đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Cộng đồng NVNONN ngày càng tăng về số lượng, mở rộng hơn về địa bàn. Đến nay cộng đồng NVNONN có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng NVNONN trong xã hội sở tại ngày càng được nâng cao. Đại bộ phận bà con đã có địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại. Một thế hệ trí thức mới người gốc Việt trẻ và tài năng đang hình thành và phát triển, tập trung ở nhiều lĩnh vực mũi nhọn như tin học, viễn thông, điện tử, vật liệu mới, chế tạo máy, sinh học…

Lễ khai giảng lớp học tiếng Việt của con em kiều bào Ukraine tại nhà văn hóa tại làng Staritskogo (Ukraine).

Các hội đoàn NVNONN tiếp tục được củng cố và phát triển, góp phần tăng cường đoàn kết trong cộng đồng, gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc. Nhiều cơ sở tôn giáo của NVNONN được thành lập trong những năm qua và duy trì đều đặn các hoạt động sinh hoạt văn hóa, tâm linh. Phong trào dạy và học tiếng Việt của NVNONN ngày càng phát triển, một số chính quyền sở tại đã cho phép đưa tiếng Việt vào giảng dạy như một ngoại ngữ tại nhiều bậc học.

Cộng đồng NVNONN ngày càng gắn bó với quê hương, đã và đang trở thành một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp vào quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển, hội nhập quốc tế của đất nước và duy trì, củng cố mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và các nước. Ngày càng có nhiều nhà khoa học, doanh nhân, các văn nghệ sĩ kiều bào về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh, hoạt động văn hóa - nghệ thuật; tích cực tham gia kiến nghị về nhiều chủ trương chính sách của Nhà nước.

Bên cạnh những thuận lợi, cộng đồng hiện nay đang đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Cuộc sống của một bộ phận NVNONN tại một số địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, địa vị pháp lý chưa vững chắc. Các hội đoàn truyền thống gặp khó khăn trong việc duy trì và mở rộng hoạt động, xây dựng và phát triển lớp trẻ kế cận. Việc duy trì, gìn giữ các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, trong đó có tiếng Việt gặp nhiều thách thức. Điều này đặt ra những yêu cầu mới trong công tác hỗ trợ cộng đồng NVNONN giai đoạn tiếp theo.

Thứ hai, Kết luận 12 khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước về công tác đối với NVNONN, luôn coi “cộng đồng NVNONN là một bộ phận không tách rời và là nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam”; công tác đối với NVNONN “là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân”, “thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc”. Đây là quan điểm xuyên suốt, mang tính nguyên tắc đã được thể hiện trong Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo khác, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, đặt ra cả cơ hội và thách thức, công tác về NVNONN cần được triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn để đồng bào ta ở nước ngoài thực sự gắn bó với quê hương, phát huy vai trò là một nguồn lực quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Thứ ba, Kết luận 12 thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, toàn bộ hệ thống chính trị, kể cả đồng bào ta ở trong và ngoài nước trong việc đẩy mạnh, triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất hơn nữa công tác NVNONN trong tình hình mới. Kết luận 12 đã cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo “triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn công tác người Việt Nam ở nước ngoài” nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm triển khai công tác trong thời gian vừa qua, Kết luận 12 đã đề ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp toàn diện, trong đó có đẩy mạnh công tác đại đoàn kết dân tộc, phát huy nguồn lực của đồng bào ta ở nước ngoài; chăm lo, hỗ trợ để đồng bào có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống ở nước sở tại, đồng thời nâng cao hiệu quả việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, ngôn ngữ tiếng Việt; thông tin, tuyên truyền hướng tới kiều bào và tổ chức bộ máy, cơ chế phối hợp làm công tác đối với NVNONN. Những nhóm nhiệm vụ, giải pháp trên thể hiện quyết tâm tạo ra những bước tiến lớn trong công tác NVNONN.

- Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về nguồn lực, ý nghĩa và triển vọng của đồng bào ta ở nước ngoài trong việc đồng hành cùng đất nước xây dựng sự phồn vinh và hạnh phúc đó?

Trong lịch sử dân tộc, tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân luôn là nguồn sức mạnh to lớn giúp Việt Nam vượt qua khó khăn, thử thách để vươn lên có vị thế, cơ đồ như ngày nay. Kết luận 12 -KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới đã khẳng định “dù ở bất cứ nơi đâu, đồng bào ta vẫn luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc”. Trong giai đoạn kháng chiến, nhiều trí thức Việt kiều như Trần Đại Nghĩa, Phạm Huy Thông, Võ Quý Huân, Trần Hữu Tước, Võ Đình Quỳnh, Đặng Văn Ngữ... tình nguyện về nước đóng góp công sức, trí tuệ trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà. Tinh thần hướng về quê hương, đất nước đó của người Việt Nam dù ở bất kỳ nơi đâu vẫn luôn được tiếp nối và phát huy đến ngày nay, thể hiện rõ nét trong những giai đoạn đất nước gặp khó khăn, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Dù bà con còn gặp nhiều khó khăn, nhưng luôn tích cực quyên góp, ủng hộ sức người, sức của để chung tay cùng nhân dân trong nước chống dịch.

Trong quá trình phát triển đất nước, khoa học - công nghệ được coi là động lực quan trọng hàng đầu; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 3 đột phá chiến lược. Trong khi đó, 80% đồng bào ta ở nước ngoài đang sinh sống tại các nước phát triển. Khoảng trên dưới 500.000 người là trí thức, chuyên gia, có trình độ đại học trở lên. Trong những năm qua, số chuyên gia, trí thức NVNONN tham gia hoạt động khoa học - công nghệ ở Việt Nam duy trì ở mức khoảng 300-500 lượt người/năm và tiếp tục có nhiều hoạt động đóng góp hiệu quả cho nền khoa học - công nghệ cũng như sự phát triển của Việt Nam nói chung, trong đó có những vấn đề mới như khởi nghiệp sáng tạo, cách mạng công nghiệp 4.0... Nhiều chuyên gia NVNONN đang cộng tác với các bộ, ngành, địa phương. Nhiều trí thức kiều bào đã chuyển giao công nghệ mới, chia sẻ kinh nghiệm và khuyến nghị chính sách phòng chống dịch COVID-19 như TS. Hồ Nhân - kiều bào Mỹ, ông Trần Ngọc Phúc - kiều bào Nhật Bản, TS. Peter Nguyễn - kiều bào Mỹ, GS. TSKH Nguyễn Quốc Sỹ - kiều bào Nga... Nhiều chuyên gia, bác sỹ kiều bào mong muốn về nước trực tiếp tham gia vào tuyến đầu chống dịch hoặc đăng ký tham gia tư vấn từ xa cho người dân trong nước thông qua các nền tảng trực tuyến như “Giúp tôi”, nhiều kiều bào là thành viên của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19.

Một điều rất đáng quý nữa là lực lượng trí thức trẻ trong độ tuổi 25-40, là thế hệ kiều bào thứ 2, thứ 3, hoặc du học sinh dù vẫn phải tập trung lo toan cuộc sống, phát triển bản thân nhưng vẫn dành nhiều tâm huyết với sự phát triển của đất nước, thúc đẩy hình thành các mạng lưới liên kết của chuyên gia, trí thức như AVSE Global, Sáng kiến Việt Nam, VietChallenge, Hành trình Việt, Viện Hàn lâm trẻ Việt Nam... Ngoài ra, người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, tiếp cận quy trình làm việc tiên tiến, công nghệ hiện đại khi trở về nước cũng sẽ trở thành nguồn nhân lực có chất lượng.

Đồng bào ta ở nước ngoài cũng đóng góp nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 10/2020, các doanh nghiệp kiều bào đã đầu tư theo hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại 360 dự án với tổng số vốn đăng ký khoảng 1,6 tỷ USD, chưa kể đến số vốn đầu tư không hề nhỏ của các doanh nghiệp kiều bào theo hình thức đầu tư trong nước (kể từ sau khi Luật Đầu tư 2014 được ban hành). Bên cạnh đó, lượng kiều hối hàng năm đồng bào ta gửi về trong nước là nguồn lực rất lớn, đóng góp vào việc ổn định cán cân thanh toán và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Tính từ năm 1993 đến năm 2020, lượng kiều hối gửi về nước luôn tăng trưởng, đã đạt 175 tỷ USD, gần bằng tổng lượng vốn FDI giải ngân từ 1991 đến nay. Nhiều doanh nhân người Việt ở nước ngoài với các hệ thống cửa hàng, siêu thị và mạng lưới kinh doanh của mình cũng đang tích cực góp sức vào việc thúc đẩy tiêu thụ, phân phối, quảng bá các sản phẩm của Việt Nam ở nước ngoài.

Tóm lại, trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, nhiều khó khăn, thách thức; với tinh thần yêu nước, luôn hướng về quê hương và tiềm lực to lớn về trí lực, tài lực, kiều bào ta tại nước ngoài sẽ luôn đồng hành cùng dân tộc, là nguồn lực quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của đất nước.

Đoàn kiều bào ra thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa năm 2016.

- Để đạt được chiều sâu và hiệu quả như kỳ vọng, công tác NVNONN sẽ được triển khai theo những hướng lớn nào trong thời gian tới? Có những điểm gì chúng ta cần phải thay đổi, từ đó tạo bước đột phá thực sự nhằm đạt được mục tiêu đề ra?

Trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước cũng như của đồng bào ta ở nước ngoài, công tác đối với NVNONN cần triển khai theo những nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được Kết luận đề ra. Tới đây, Chính phủ sẽ có Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về công tác NVNONN giai đoạn 2021-2026 nhằm triển khai thực hiện Kết luận 12, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai một số giải pháp mang tính đột phá sau:

Thứ nhất, cần tích cực triển khai các biện pháp nhằm tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, trong đó có tăng cường vận động các cá nhân NVNONN còn có định kiến, thiếu thông tin về tình hình trong nước. Đây là giải pháp mang lại hiệu quả lâu dài, góp phần củng cố niềm tin, thay đổi nhận thức của cộng đồng, từ đó huy động nguồn lực phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Thứ hai, cần tăng cường các giải pháp phát huy nguồn lực của NVNONN đóng góp cho công cuộc phát triển đất nước, trọng tâm là nghiên cứu hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút chuyên gia, trí thức kiều bào có chuyên môn cao; đa dạng hoá các hoạt động hội đoàn NVNONN như thành lập các câu lạc bộ kiều bào, hiệp hội doanh nhân kiều bào, hiệp hội chuyên gia theo chuyên ngành, lĩnh vực... Đây sẽ là cơ chế, khuôn khổ tạo thuận lợi để NVNONN đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Thứ ba, cần đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cộng đồng NVNONN giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trong đó việc tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả phương thức dạy và học tiếng Việt đóng vai trò quan trọng, giúp bà con có thể tiếp thu, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống dân tộc. Cụ thể, cần tăng cường các hoạt động dạy và học tiếng Việt trực tuyến, nâng cao năng lực, chất lượng của đội ngũ giáo viên, tình nguyện viên kiều bào; nghiên cứu, biên soạn những giáo trình dạy và học tiếng Việt phù hợp với đặc thù của địa bàn cũng như đặc điểm của từng cộng đồng, có thể số hóa, tiện cho bà con sử dụng. Việc nghiên cứu, lựa chọn Ngày tôn vinh tiếng Việt cùng những hoạt động ý nghĩa cả ở trong nước và tại các địa bàn có đông bà con kiều bào sinh sống cũng sẽ tạo chuyển biến tích cực thúc đẩy phong trào tiếng Việt trong cộng đồng.

Thứ tư, công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại hướng tới cộng đồng NVNONN cần tăng cường đổi mới về nội dung, tư duy và phương thức để kịp thời thông tin về tình hình đất nước và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, đồng thời phục vụ nhu cầu thông tin văn hóa của cộng đồng. Bên cạnh đó, cần phát huy các phương tiện truyền thông đa dạng của cộng đồng, tăng cường hợp tác với báo chí kiều bào để kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của NVNONN… Các cơ quan báo chí, truyền thông trong nước cần tiếp tục đồng hành, thể hiện trân trọng đối với những đóng góp ý nghĩa của bà con NVNONN trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, giúp lan tỏa hơn nữa tinh thần yêu nước, sự sẻ chia của cộng đồng NVNONN với nhân dân trong nước.

Thứ năm, tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành trong công tác NVNONN; xây dựng tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác NVNONN, đặc biệt là các bộ phận làm việc trực tiếp tại các nước sở tại nhằm đáp ứng kịp thời, thực chất, hiệu quả nguyện vọng chính đáng của bà con.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nội dung: Trâm Anh- Lê Sơn thực hiện.

Đồ họa: Tào Đạt

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất