Tác phẩm đoạt giải

Ánh sáng ở vùng cao

Sau những nỗ lực không mệt mỏi, người ta nhắc đến nhiều về sự đổi thay của miền núi xứ Quảng. Một hành trình “lột xác” được ví như luồng sinh khí mới, bắt nguồn từ tinh thần cộng đồng của những “người con của Đảng”, cùng góp xây cho non ngàn xanh thắm… Chuyện chúng tôi ghi được trên hành trình tác nghiệp ở miền núi Quảng Nam về tinh thần đảng viên trong đời sống vùng cao.

Từ nghị quyết của chi bộ, gươl làng Pơr’ning được khôi phục và đang trong quá trình hoàn thiện. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

BÀI 1: Ý ĐẢNG THUẬN LÒNG DÂN

Bí thư Chi bộ thôn Pơr’ning (xã Lăng, Tây Giang) - Cơlâu Nhức đứng trước gươl ngắm công trình của làng. Sau những đóng góp chung của cộng đồng, gươl - nhà sinh hoạt truyền thống Cơ Tu - của thôn Pơr’ning cơ bản đã hoàn thiện, từ tinh thần và lòng nhiệt huyết của những cán bộ, đảng viên trẻ vùng cao.

"Mình phải làm gương…"

Ba hồi trống được đánh vang. Chẳng mấy chốc, dân làng Pơr’ning đã có mặt đông đủ để dự họp. Giọng Cơlâu Nhức phát ra từ loa, thông báo với dân làng về chủ trương khôi phục gươl theo nghị quyết của Chi bộ thôn Pơr’ning.

“Mùa mưa đang đến gần, không triển khai nữa là không kịp” - Bí thư Chi bộ Cơlâu Nhức nói, rồi trình bày thêm những phần việc cụ thể để dân làng thống nhất. Sau một hồi bàn bạc, những cánh tay giơ cao tán thành…

Nêu cao tinh thần vì cộng đồng: Bí thư Đảng ủy xã Lăng - bà Bríu Thị Sen cho hay, rất nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng khắc phục hậu quả thiên tai được các chi bộ thôn trên địa bàn xã triển khai. Như đợt mưa lũ năm 2020, từ chủ trương của Đảng ủy xã, các chi bộ trực thuộc đã bắt tay vào việc nạo vét đưa nguồn nước sinh hoạt về làng, hỗ trợ người dân tái tạo khu đất sản xuất, hoa màu và kết nối các nhà hảo tâm chia sẻ với từng hoàn cảnh khó khăn sau mưa lũ. “Vai trò của cán bộ, đảng viên còn được thể hiện qua các đợt vận động quyên góp, ủng hộ lương thực, thực phẩm cho đồng bào vùng dịch Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh vừa qua. Không chỉ tích cực hưởng ứng, nhiều gia đình đảng viên trên địa bàn xã còn vận động người thân, gia đình góp thêm từng bó rau, quả bí, buồng chuối… gửi về miền xuôi chống dịch” - bà Sen nói.

 

Cơlâu Nhức nói với tôi, đó là câu chuyện của tháng trước, còn bây giờ, gươl đã sắp sửa hoàn thành. Trên mặt bằng tái định cư, mỗi ngày có hàng chục thanh niên, già làng và cả phụ nữ đến góp công, hỗ trợ tinh thần, vật chất cho công trình thuộc hạng bậc nhất của làng người Cơ Tu.

Nhưng, để gươl sớm được dựng, Cơlâu Nhức và cán bộ, đảng viên chi bộ phải làm gương để dân làng hưởng ứng. Cùng nhau lên rừng, họ vượt qua những triền núi hiểm trở kiếm lá apoong - một loại mây rừng chỉ có ở vùng Trường Sơn - mang về lợp gươl. Thanh niên lên rừng, phụ nữ ở nhà lo bếp núc; những người già đảm nhận công việc chẻ sợi mây, điêu khắc, trang trí cột gươl…

Vì thế, Cơlâu Nhức nói, nghị quyết chi bộ nay đã trở thành công việc chung của làng, cùng góp sức hình thành nên công trình mang dấu ấn đặc biệt về tình đoàn kết giữa cộng đồng vùng cao.

“Nghị quyết của chi bộ trong nhiệm kỳ này, ngoài dựng gươl, còn làm thêm 2 nhà dài truyền thống. Một cái để sinh hoạt, hội họp công việc nội bộ; một dành đón tiếp khách. Cả 31 đảng viên chi bộ đều thống nhất, dân làng cũng hưởng ứng nên quyết tâm làm cho bằng được” - Cơlâu Nhức quả quyết.

Trao niềm tin bằng hành động

Mưa vẫn rả rích trên ngàn. Tôi theo chân Cơlâu Nhức tìm đến gươl, bên trong đã thấy người làng quây quần bên bếp lửa thực hiện các công đoạn cuối cùng. Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bh’ling Phát nói, vì mưa, vì dịch bệnh Covid-19 nên tiến độ hoàn thiện gươl chậm hơn so với dự kiến. Nhưng việc đó không làm ảnh hưởng đến tinh thần chung của làng.

Bởi, khi nghị quyết đưa ra, ngoài sự tán đồng của đảng viên chi bộ, từng hộ dân Pơr’ning cũng bày tỏ nguyện vọng được góp sức, xem đó như trách nhiệm chung của cộng đồng.

“Nhưng, đảng viên thì phải làm gương, đi đầu trong mọi công việc để người dân làm theo. Ở vùng cao này, niềm tin không được đánh giá bằng lời nói, mà phải bằng một hành động cụ thể nào đó thật ý nghĩa với cộng đồng” - ông Phát chia sẻ.

Bí thư Cơlâu Nhức kể, nhiều chuyến ngược rừng tìm hái lá apoong, lúc nào anh cũng được thanh niên trong làng cho… nghỉ sớm. Thậm chí, chùm lá apoong của anh cũng được bó nhỏ hơn để “vượt núi an toàn”.

Nhưng, chưa lần nào Cơlâu Nhức đồng ý chuyện đó. Bởi bí thư chi bộ hay đảng viên không là ngoại lệ của... nghị quyết và cộng đồng. Anh nghĩ vậy nên chia sẻ công việc cùng anh em, vì thế tình cảm giữa cán bộ đảng viên với dân làng ngày thêm gắn kết.

“Mình làm, để góp sức với anh em vì tinh thần, vì công trình chung, chứ không phải đến để chỉ đạo” - Cơlâu Nhức bày tỏ.

Dân vận trên… nguồn nước

Miền núi đang vào mùa mưa dông. Lại thêm ảnh hưởng của cơn bão số 5 (bão Conson) càng khiến lượng mưa đổ xuống nhiều hơn. Lũ từ phía đầu nguồn chảy về cuồn cuộn, tàn phá hoa màu, ao thả cá và cả hệ thống nước sinh hoạt của người dân.

Cán bộ, đảng viên ở xã Lăng cùng người dân nạo vét đưa nước về làng sau ảnh hưởng do mưa lũ. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Sau lũ, tại cuộc họp Chi bộ thôn Pơr’ning, Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bh’ling Phát đưa ra ý kiến, huy động lực lượng cùng tham gia nạo vét nguồn nước, khơi thông dòng chảy sau mưa lũ.

“Mấy ngày nay, dân làng không có nước để dùng. Lũ gây tắc đường ống, phải khắc phục thôi!”. Một lần nữa, những cánh tay giơ lên. Cả chi bộ thống nhất, ngày mai cùng dân làng tìm đến đầu nguồn để đưa dòng nước về.

Lắng nghe đầy đủ nội dung cuộc họp, già làng Cơlâu Nhấp - đảng viên kỳ cựu của làng Pơr’ning bảo, mặc dù đã hình thành tổ thanh niên xung kích, nhưng không thể để mỗi lực lượng này triển khai nhiệm vụ.

Các đảng viên, cán bộ thôn phải cùng tham gia, góp sức hoàn thành công việc chung của làng. Lời gợi nhắc của già làng Cơlâu Nhấp nhanh chóng được tiếp thu. Ngày hôm sau, cả 31 đảng viên chi bộ cùng 15 thành viên tổ xung kích cùng lên đường…

Già Nhấp từng là cán bộ xã, tiếng nói có trọng lượng trong cộng đồng. Hôm ghé chân vào gươl, tôi ngồi cạnh già Nhấp, hỏi han mấy điều vụn vặt. Câu chuyện “kéo rê” sang nguồn nước và ruộng đồng.

Già Nhấp nói, hễ mưa lũ, hễ nắng hạn, cả cán bộ và thanh niên đều đến tận nguồn nước để dọn rác, nạo vét bùn đất, cát sỏi đọng trên bể lắng giúp thông dòng chảy. Trong những chuyến đi như thế, rất nhiều câu chuyện được già Nhấp kể, mang hàm nghĩa về tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt qua hoạn nạn trong cuộc sống cộng đồng.

Nói chuyện với già Nhấp và cả Bí thư Cơlâu Nhức, tôi có cảm giác, chừng như những đảng viên của vùng cao này có thể làm công tác dân vận mọi lúc mọi nơi. Trao đi niềm tin để đổi lấy tinh thần cố kết cộng đồng. Truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay tiếp tục được vun đắp như chính câu ví của người Cơ Tu ở vùng đất này về niềm tin với Đảng: “Mắt tơ’ngay zớ ang, loom ahe zớ Đảng” (Mặt trời còn sáng, lòng ta còn Đảng)…

Bài 2: NHƯ MẠCH NGUỒN TRƯỜNG SƠN

Một góc làng Glao giáp biên giới Việt - Lào. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Cơn mưa chiều vừa dứt, màn sương phía chân đồi như sà xuống ngôi làng nhỏ Cheng Tông (thôn 1, xã Trà Cang, Nam Trà My), tái hiện hình ảnh lần trước tôi đến thôn Glao (xã Ga Ry, Tây Giang). Dù cách nhau gần 400km, nhưng thật kỳ lạ, câu chuyện góp nhặt ở 2 điểm rơi giữa rừng lại có chung “mạch nguồn” về tinh thần của những đảng viên giữa rừng già Trường Sơn…

Không bỏ cuộc ở Cheng Tông

Có tiếng lao xao từ căn nhà của chị Trương Thị Luôn - Bí thư Chi bộ thôn 1, xã Trà Cang. Thì ra, người làng Cheng Tông tìm đến để bàn công việc. “Mai đúng 7 giờ, bà con tập trung tại nhà làng để đi. Mỗi người mang theo nắm cơm ăn trưa và cả cuốc, xẻng hoặc rựa để mở đường mới về khu sản xuất” - Luôn dặn dò. Vừa giờ tan trường, một cô giáo đến thông báo, chuyến đi này không thể tham gia, vì có việc gia đình ở tận xã Trà Don, phải về.

Nhiều năm làm trưởng thôn, rồi bí thư chi bộ, Trương Thị Luôn nói, chị rất hiểu tâm lý của người làng. Gần như, tất cả công việc chung, cả làng chưa bao giờ vắng mặt một ai, trừ trường hợp ốm đau hoặc có công chuyện cần thiết.

Tinh thần đoàn kết, được ví như những sợi mây trên nóc nhà làng, gắn chặt vào nhau cùng vượt qua một đời sương gió. Nhưng, đó là câu chuyện của mươi năm trở lại. Còn trước đây, những cư dân ở làng Cheng Tông, cũng không nằm ngoài tập quán của vùng cao: sống phân tán dọc sườn núi hiểm trở. Cũng vì biệt lập với bên ngoài nên mọi thứ với Cheng Tông đều rất… mơ hồ.

Câu chuyện cũ được gợi nhắc, chừng như chạm vào khoảng lặng rất riêng của “người phụ nữ mạnh mẽ” nhất làng Cheng Tông, khiến chị có chút thoáng buồn trên gương mặt. Tôi hiểu, đó là niềm riêng của những cán bộ miền núi khi “dám” chống lại với nếp nghĩ cũ của cộng đồng, thậm chí nếp nghĩ đó có thể là những hủ tục cay nghiệt tồn tại hàng trăm năm.

Trương Thị Luôn vận động dân làng Cheng Tông tìm hiểu thông tin phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

 “Mình quyết tâm phải làm thay đổi cuộc sống của dân làng nên dù khó đến mấy cũng không bỏ cuộc. Bắt đầu từ bản thân, mình tiên phong dời đi, làm nhà trước để dân làng thấy được cái lợi, cái ích mà theo chủ trương di dân, ổn định cuộc sống” - Luôn chia sẻ.

Gương mặt rắn rỏi của người phụ nữ chỉ ngấp nghé 30 tuổi, nhìn tôi bằng ánh mắt rất lạ, khác xa lúc mới bắt đầu câu chuyện. Đó là thời điểm chị thành công. Sau hành trình miệt mài tuyên truyền, vận động dân làng, đến khi tận mắt chứng kiến hàng chục hộ dân rời núi về sinh sống tại mặt bằng mới, phút giây hạnh phúc, chị rơi nước mắt.

Luôn nói, đó là năm 2017, dấu mốc lịch sử ngày dân làng Cheng Tông định cư ở “vùng đất hứa” ngay sát con đường lớn, như bây giờ. Nhưng, về làng mới, mục tiêu tiếp theo là thoát nghèo. Năm đó, Luôn được bầu làm trưởng thôn và kiêm luôn bí thư chi bộ.

Dù được rất nhiều người tin tưởng, nhưng khi thực hiện chủ trương kêu gọi người dân xóa bỏ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, lần thứ 2 chị vấp phải sự “phản đối” từ cộng đồng.

Bí thư Chi bộ Trương Thị Luôn trong một dịp cùng người dân mở đường về khu sản xuất. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Năm 2019, Luôn rớt phiếu bầu trưởng thôn. Buồn tủi, nên khi hay tin có đoàn công tác của huyện về địa phương, Luôn xin gặp lãnh đạo huyện để tâm sự và đề đạt nguyện vọng xin từ chức bí thư chi bộ. Mọi người khuyên Luôn cố gắng.

Giữa lúc tâm trạng rối bời, Luôn gặp chị Phạm Thị Mỹ Hạnh - cán bộ tuyên giáo, bây giờ là Bí thư Huyện đoàn Nam Trà My. Thấu hiểu câu chuyện, chị Hạnh động viên Luôn hãy mạnh mẽ, tiếp tục cống hiến cho dân làng.

“Em đang đi đúng hướng, em là người tiến bộ. Em nghĩ xem, bây giờ điều quan trọng nhất với em là gì? Đó chính là quyết tâm làm thay đổi nếp sống của dân làng. Em đã làm được một chặng đường không ai làm được, vậy vì sao phải bỏ cuộc? Phải biết vượt qua để bước tiếp chặng đường phía trước. Em làm được không?”. Chị Hạnh vừa dứt lời, Luôn lặng lẽ rời đi…

“Lúc đó, tôi nghĩ, mình là đảng viên, lại là bí thư chi bộ. Chỉ vì cái tôi của mình mà từ bỏ tất cả, liệu có nên không. Rồi còn mặt mũi nào nhìn mặt những người đã tin tưởng, động viên mình” - Luôn kể.

Dặm dài theo từng câu chuyện của cô gái Xê Đăng là hành trình “vực dậy” với những cuộc dân vận không mệt mỏi. Rồi Luôn thành công, ghi dấu cuộc đổi mới của dân làng Cheng Tông, lần lượt bằng các quy ước “Xóa nạn tảo hôn”; “Cộng đồng Xê Đăng không vi phạm pháp luật”; để hạn chế uống rượu, nhất là thói quen uống rượu từ sáng sớm của dân làng, quy ước không uống rượu buổi sáng cũng được xây dựng và thống nhất thực hiện... Nhờ đó, hộ nghèo trong làng giảm dần. Vài năm nay, sâm Ngọc Linh được di thực, mở ra kỳ vọng mới về cuộc sống đủ đầy nơi miền rừng Cheng Tông.

Cứu sinh một phận đời

Trở về từ buổi chăm sóc ruộng lúa nước, Bríu Ngô - Chi ủy viên Chi bộ thôn Glao (xã Ga Ry) tất tả chạy sang căn nhà của một hộ dân trong làng, cùng phụ giúp công đoạn vận chuyển vật liệu gỗ. Ngô nói, bất kể công việc gì trong làng, hễ có mặt, anh đều sẵn sàng góp sức…

Bríu Ngô động viên người dân Glao vươn lên trong cuộc sống, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Tôi không xa lạ gì Bríu Ngô. Nhiều năm trước, anh từng là nạn nhân trong vụ lũ cuốn, suýt chết. Ngô ngại ngùng nhắc lại chuyện cũ, mắt đăm chiêu theo màn mưa.

“Gần 8 năm rồi. Lúc đó, cũng mưa như bây giờ, sau khi xuống nhận tiền từ kho bạc, tôi cùng một vài anh em cán bộ xã ngược núi trở về Ga Ry. Đến đoạn suối Achâm tại thôn K’noonh, xã A Xan thì gặp lũ.

Một nhóm người qua trước, tôi nhờ anh em còn lại đẩy hộ xe. Trên xe cột vali tiền vừa nhận để chi trả lương cho gia đình chính sách, cán bộ về hưu của xã. Đến giữa dòng nước, bất ngờ lũ đột ngột từ đầu nguồn, không may thanh gỗ bị lật, tôi cùng chiếc xe máy và vali tiền rơi xuống dòng lũ, bị nước cuốn trôi. May mắn, mình bám được nhánh cây” - Ngô kể.

Lúc sự việc xảy ra, Ngô rơi vào tâm trạng rối bời. May khi còn sống sót nhưng số tiền gần 650 triệu đồng bị lũ cuốn không biết phải làm sao. Ngô suy sụp.

“Lúc ngồi sưởi ấm tại đồn biên phòng và cả khi đã về nhà, mình đều lo sợ. Mình suy nghĩ rất nhiều, vì lúc đó vợ mới sinh con, nếu mình đi tù thì không ai lo việc gia đình” - Ngô trải lòng.

Lo Ngô nghĩ quẩn, chính quyền địa phương cắt cử lực lượng đến động viên cũng là phòng anh làm chuyện dại dột. Cán bộ thôn và dân làng Glao cũng tìm cách chia sẻ với gia đình. Mấy ngày sau, có vài người từ làng K’noonh ngược núi mang số tiền hơn 2,5 triệu đồng vừa nhặt được trả Ngô.

Già làng Tơ Ngôl Lăng, lúc đó đương chức Bí thư Chi bộ thôn Glao kể, để động viên Ngô an tâm tư tưởng, già gặp gỡ vận động cán bộ, đảng viên và gia đình chính sách trong làng tặng hết số tiền bị mất giúp Ngô bớt lo lắng. Câu chuyện của già Lăng lan sang các làng lân cận. Một tuần sau đó, Đảng ủy xã Ga Ry tổ chức cuộc họp khẩn, trưng cầu ý kiến tất cả người có danh sách nhận lương trong tháng.

Bí thư Đảng ủy Ga Ry - Riáh Nhoóp nhớ như in cuộc họp hôm ấy. Câu chuyện vừa đưa ra, đã thấy đồng loạt cánh tay giơ lên đồng ý. Từng người bày tỏ được chia sẻ với rủi ro của Ngô. Sự việc được báo cáo lên huyện, rồi lên tỉnh. Cấp trên đồng ý, lực lượng chức năng vào cuộc xác minh, mọi chuyện đều do thiên tai, bão lũ.

“Đa số người nhận lương hưu, tiền chính sách là cán bộ, đảng viên. Rất hiểu hoàn cảnh của Ngô, với tinh thần đồng chí, họ đồng thuận hỗ trợ nên mọi người cùng theo, nếu không, Ngô lấy gì mà trả” - ông Nhoóp nói.

Chuyện đã cũ ở làng, nhưng không cũ với Ngô. Biết không thể trả hết tình cảm của những người đã từng “cứu sinh” mình nên Ngô tìm cách đền đáp bằng việc làm rất nhỏ trong cuộc sống cộng đồng. Nhen nhóm trong câu chuyện của mình, Ngô đang ấp ủ ý tưởng cho cuộc đổi thay ở vùng đất giáp biên bằng các mô hình kinh tế mới…

Bài 3: ĐỐI ĐẤU, BƯỚC QUA HỦ TỤC

Nguyễn Thế Phước lịch lãm bước vào trụ sở làm việc tại Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Phước Sơn. Phước là chàng trai Bh’noong, vừa tốt nghiệp đại học, từng là nạn nhân của hủ tục chôn sống những đứa trẻ “mang nghiệp con ma rừng”, được cứu bởi một người đàn ông không máu mủ, trong một chuyến công tác…

Nhưng, Phước chỉ là lát cắt trong câu chuyện của những đảng viên ở vùng cao bất chấp mọi sự hiểm nguy để đối đầu với hủ tục cay nghiệt tồn tại trong cộng đồng dân tộc thiểu số.

Cha con ông Nguyễn Thế Thọ và Nguyễn Thế Phước. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Sau những cuộc chiến với “con ma rừng”, họ chặn đứng tác động của hủ tục, giành lại mạng sống cho từng sinh linh bé nhỏ và hơn cả, là trao niềm tin cho chính cộng đồng, sau này.

“Nếu tôi nuôi sống, thì sao?”

Nhìn Phước, tôi càng dành nhiều hơn sự cảm phục và ngưỡng mộ về ông Nguyễn Thế Thọ - Trưởng Phòng VH-TT huyện Phước Sơn. Nhưng ông Thọ khoát tay, bảo “ai trong tình cảnh của mình hôm đó cũng đều làm thế” nên tỏ ra khá ngại ngùng khi nghe tôi nhắc lại chuyện cũ. Tôi đoán, ông lo cho cảm xúc của Phước.

Chúng tôi ngồi dưới nhà sàn, nơi treo rất nhiều chứng nhận, giấy khen của Phước. Niềm tự hào thoáng hiện trên gương mặt, khi câu chuyện cũ được gợi nhắc, ông Thọ như mở lòng… Hơn 20 năm trước, trong một chuyến công tác ở vùng cao Phước Công tuyên truyền về ngày hội bầu cử, tình cờ ông Thọ bắt gặp việc hy hữu trong đời.

Tôi từng suýt bị chôn sống

Năm đó, mẹ tôi kể, lúc sinh ra đời, tôi (tác giả loạt bài viết này) hoàn toàn khỏe mạnh nhưng “lì đòn”, không chịu khóc, mặc cho bà đỡ dùng rất nhiều biện pháp. Dân làng “khuyên” mẹ tôi nên bỏ đứa trẻ vì “bây giờ không khóc, có sống nó cũng bị câm”. Nhưng, mẹ nhất quyết giữ lại, giành giật mạng sống cho con từ hủ tục cay nghiệt, để có tôi hôm nay.

 

 

“Hôm đó, trời vừa chập choạng tối. Sau cơn mưa dông tầm tã, đang cùng người bạn đốt củi sưởi ấm thì nghe tiếng dân làng rầm rập chạy đến. Lúc đó, mình nghĩ bà con tập trung họp thôn nên cũng không để ý nhiều. Một lúc sau, thấy một người đàn ông với vẻ mặt ủ rũ tìm đến hỏi mượn dầu cù là, mới biết vừa có một phụ nữ sinh con, đang nguy kịch” - ông Thọ nhớ lại.

Theo quán tính, ông chạy đi, tìm đến căn chòi được dựng tạm phía bìa rừng. Dân làng đứng ngoài xa, can ngăn ông đừng đến gần vì sợ “con ma rừng” bắt đi. Nhưng ông nhất quyết đến tận nơi, vì không thể bỏ mặc sản phụ và đứa trẻ.

Người phụ nữ thoi thóp, nằm dưới lớp chiếu được trùm kín. Máu tươi loang chảy, chị bị băng huyết sau sinh. Được một lúc thì người mẹ tắt thở. Người nhà ngồi trầm ngâm bên chòi lửa, bàn tính chuyện ngày mai chôn cất. Trong đêm tối, loáng thoáng từ ánh lửa, vô tình ông Thọ nhìn thấy ngón tay cử động của đứa trẻ.

Ông tiến đến, lật tấm chiếu lên và phát hiện cháu bé vẫn còn sống, người đã tím tái. “Tôi bồng nó lên, dùng tấm vải sạch lau khô, rồi tìm cật tre để cắt rốn, băng vết thương. Sau đó, một mình chạy vào khu bãi vàng gần đó xin ít sữa tươi, nước ấm pha cho cháu uống” - ông Thọ kể.

Sáng sớm hôm sau, ông Thọ thức giấc bởi tiếng lao xao của dân làng. Mọi người bắt gia đình phải chôn sống đứa bé theo mẹ. “Vì nó là con ma rừng, nuôi cũng không thể nào sống được đâu. Nếu không chôn, sau này nó sẽ mang họa cho dân làng”.

Ông Thọ bật dậy, bồng đứa trẻ trên tay, nói: “Đứa trẻ vẫn còn sống, luật pháp không cho phép bất kỳ ai được giết người. Đó là hành vi phạm pháp”. Dân làng nhìn ông, trầm ngâm một lúc, rồi tiếng xì xào lại vang lên. “Tôi cũng là người ở địa phương. Nếu gia đình không nuôi, làng không nhận, tôi sẽ mang cháu bé về nhà mình”.

Giây phút căng thẳng, già làng kéo tay ông Thọ đến tận huyệt để… khuyên ngăn, nhưng ông nhất quyết không nghe. “Bây giờ, dân làng nói cháu bé là con ma rừng, nuôi sẽ không sống. Sau này, nếu tôi nuôi sống nó, thì sao?” - ông Thọ quả quyết.

Một khoảng lặng dài dưới chân núi sâu nơi bìa rừng. Trước sự cương quyết của ông Thọ, cuối cùng người dân cũng đồng ý, với điều kiện ông phải nộp một con heo, cùng lễ vật để cúng thần linh theo tập tục của làng.

Chấp thuận lời đề nghị, ông Thọ gửi cháu bé ở nhà một người quen là đồng bào Kinh, vốn có mối quan hệ thân thiết từ trước. Đường xa, nên phải mất một tuần sau đó ông mới trở lại đưa lễ vật, bồng cháu bé về nhà. Lúc đó, vợ ông cũng vừa sinh đứa con thứ 2 được vài tháng, biết việc làm của chồng nên hết sức chia sẻ và đồng thuận.

Bà nói, hoàn cảnh gia đình vốn đã khó, nay khó thêm chút nữa cũng không sao. Cứu một mạng người là việc làm tốt, nên bà sẽ nuôi cả 2 đứa trẻ. Ngặt nỗi Phước không bú sữa mẹ. Mới hơn năm rưỡi, vợ chồng ông Thọ đã nợ tiền sữa ngót nghét 25 triệu đồng.

“Trời thương nên từ nhỏ Phước không ốm đau. Vì thế, dù khó vợ chồng mình cũng không nản lòng” - ông Thọ tâm sự.

Không giấu Phước về nơi xuất thân, năm ngoái, lúc ông ngoại ruột mất, ông Thọ gọi điện thông báo để Phước về chịu tang. Bởi “nó là con của mình rồi, từ nhỏ mình cũng nhiều lần dắt nó về thăm quê, nhận lại họ hàng”.

Như để bù đắp những thiệt thòi, gần như tất cả đồ vật sắm sửa cá nhân, Phước cũng được ưu tiên hơn các thành viên khác trong gia đình. Phước ngồi bên, nhìn ba Thọ, nở nụ cười hạnh phúc, lấp lánh như sắc màu của chiếc Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng của bà nội (mẹ ông Thọ) treo trang trọng trên vách nhà.

Vượt qua ám ảnh bóng đêm

Tồn tại nhiều hủ tục, phần lớn là ở những vùng có điều kiện đời sống khó khăn, tách biệt. Tôi từng đến các bản làng của đồng bào Cơ Tu, Xê Đăng, Giẻ Triêng... và nhận thấy ở đó, người ta tin vào chuyện “ma rừng”. Nguồn cơn của nhiều câu chuyện đau lòng, kể ra, có khi không chỉ ám ảnh cộng đồng miền núi, mà còn gây chấn động người dân cả nước.

Chị Hồ Thị Hiếu nhận lời động viên của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, vào tháng 3.2016, lúc bấy giờ là Phó Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Như vụ “làng ma” ở Bút Tưa (xã Sông Kôn, Đông Giang), sau những “cái chết xấu”, người dân lũ lượt bỏ làng đi vì sợ “hồn ma” về bắt, như lời thầy bói nói. Hay hủ tục “sinh con ở bìa rừng”, “sinh đôi chỉ được chọn 1” của người Bh’noong, Xê Đăng; thậm chí là câu chuyện thêu dệt về con ma nước… trong thế giới siêu nhiên khá rùng rợn.

Hôm trước tôi ghé Trà Leng, vô tình nghe câu chuyện về bác sĩ Nguyễn Thanh Hải - Trưởng trạm Y tế xã Trà Vân (Nam Trà My). Hơn 20 năm trước, y sĩ Nguyễn Thanh Hải - lúc đó là cán bộ Trạm y tế xã Trà Leng - chuẩn bị đi ngủ thì nghe tiếng gõ cửa.

Người ta nói, ở nóc Ông Méo (thôn 1) có một sản phụ người M’nông đã 47 tuổi, chuyển dạ đẻ khó trong tình trạng nguy kịch cần sự giúp đỡ của cán bộ y tế. Ngoài kia, trời mưa tầm tã. Y sĩ Hải cùng một cán bộ của trạm vội vã trong đêm làm nhiệm vụ cứu người. Sau một giờ nỗ lực, đứa bé được cứu sống, nhưng người mẹ đã ra đi vì bị băng huyết.

Đứa bé sau đó, được người làng quyết định chôn sống cùng mẹ vì cho rằng nó là “con ma rừng”. Biết chuyện, y sĩ Hải thuyết phục dân làng xin được mang về nuôi. Nhưng luật tục là điều không thể thay đổi. Trong phút giây sinh tử đó, chàng y sĩ trẻ giằng co với dân làng, ôm đứa bé chạy về trong đêm…

“Con ma rừng” ngày nào, giờ đã là cô thiếu nữ Nguyễn Trần Thị Giang, nối nghiệp cha làm cán bộ y tế. Câu chuyện cũ dần rơi vào quên lãng, cộng đồng M’nông cũng thôi hủ tục chôn sống “con ma rừng”, đổi lấy cuộc sống mới ấm no và hạnh phúc, mỗi ngày.

Bác sĩ Trần Văn Thu - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My nói, ngoài câu chuyện của bác sĩ Hải, ngành y tế địa phương còn có nhiều tấm gương khác trong chuyện giải cứu trẻ sơ sinh thoát khỏi hủ tục chôn sống của dân làng. Câu chuyện đấu tranh với hủ tục để cứu đứa bé từ tay thần chết của y sĩ Hồ Thị Hiếu, dân tộc Xê Đăng, Trưởng trạm Y tế xã Trà Cang là một ví dụ điển hình.

Tròn 10 năm trước, sau khi hạ sinh một bé trai kháu khỉnh, sản phụ Hồ Thị Y. qua đời do mất nhiều máu. Theo luật tục người Xê Đăng, đứa trẻ vừa ra đời nhưng mẹ mất được cho là “ma rừng”, phải chôn sống cùng. Lúc đó, Hiếu đang làm việc tại Tăk Pỏ, khi hay tin, đã vội vã băng rừng, phối hợp cùng người thân giải cứu đứa trẻ, rồi mang về nhà nhận nuôi.

Đứa trẻ ấy, bây giờ đã là học sinh lớp 5, mang tên Hồ Quốc Khánh, trở thành câu chuyện đời thực trong hành trình thay đổi quan niệm và xóa dần hủ tục của đồng bào Xê Đăng, sau này...

Bài cuối: NIỀM TIN THEO ÁNH LỬA HỒNG

Sau trận mưa núi kéo dài từ chiều hôm trước, chúng tôi đón ánh nắng giữa không gian mặt bằng khu dân cư mới thôn Achoong (xã Ch’Ơm, Tây Giang). Nơi này, là vùng đất định cư lâu đời của đồng bào Cơ Tu, giáp biên với nước bạn Lào, được hình thành từ chủ trương, nghị quyết của huyện và tấm lòng của những đảng viên cơ sở...

Diện tích đất hơn 5ha tại trung tâm xã Ch’Ơm (Tây Giang) do gia đình đảng viên Alăng Nhun và cộng đồng hiến tặng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Achoong không là cá biệt. Tôi từng đến rất nhiều nơi ở miền núi, và thấy ở đó, gần như chuyện hiến đất xây dựng khu dân cư trở thành trách nhiệm chung của cả cộng đồng, từ cán bộ đảng viên cho đến người dân, thậm chí người dân ở làng khác cùng “tiếp lửa”. Và hơn cả, gắn với từng khu dân cư mới này, là vô vàn câu chuyện về tình người gắn kết, giúp nhau vượt qua gian khó bằng tinh thần “Người của Đảng” ở vùng cao.

Trên đất chung của làng

 Sương mai phủ xuống từng mái nhà. Từ chòi duông của Alăng Lơ - Trưởng thôn, kiêm Phó Bí thư Chi bộ thôn nhìn xuống, khu tái định cư Achoong như một vùng bình nguyên xanh thẳm giữa rừng.

Ông Lơ pha nước mời khách bằng những sợi dây leo tiện tay ngắt lúc băng qua cánh rẫy. Nâng chén nước màu vàng nhạt, ông Lơ nói đó là đảng sâm, một sản vật quý có giá trị kinh tế cao, góp công rất lớn cho sự đổi thay của làng vùng biên Achoong.

Nhấm nháp hương vị của loại thảo mộc vùng Trường Sơn Đông, ông Lơ nói, ở Achoong, gần như nhà nào cũng có vài héc ta đất rẫy trồng đảng sâm. Nhưng, đảng sâm thực sự được mở rộng, cũng chỉ vài năm trở lại đây, khi mặt bằng tái định cư được xây dựng, cuộc sống người dân ổn định hơn trước.

Ẩn sâu trong ký ức ngày cũ của ông Lơ, là khoảng trời lang bạt với cuộc sống “nay đây, mai đó”. Chừng mươi năm trước, làng người Cơ Tu này nằm cheo leo trên sườn dốc, tách lập với bên ngoài. Làng cách làng phải mất vài ngày đường băng rừng, lội suối khiến chuyện học hành của trẻ cũng đầy gian nan.

“Cho đến khi chủ trương, nghị quyết của Đảng về ổn định đời sống cho người dân vùng cao, xóa bỏ du canh du cư, được triển khai đồng bộ từ huyện đến cơ sở, sự đổi thay mới bắt đầu. Nghị quyết đi vào cuộc sống, hàng loạt người dân miền núi, đặc biệt là các già làng, người có uy tín và cán bộ đảng viên đã đồng lòng hưởng ứng, rồi hiến tặng đất đai, vườn tược để xây dựng làng mới, cùng các công trình dân sinh khác…

Hôm trước, tôi ghé thăm mô hình trồng, sản xuất chè dây razéh của vợ chồng ông Phạm Quốc Phòng (ở thôn Panan, xã Tư, Đông Giang). Ông Phòng là Phó Bí thư Chi bộ thôn, được biết đến như người tiên phong trong việc hỗ trợ giảm nghèo cho người dân địa phương. Vốn có nhiều kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc và chế biến sản phẩm từ chè dây razéh, nhiều năm trước, ông Phòng đảm nhận nhiệm vụ hỗ trợ việc làm cho người khó khăn, bước đầu cụ thể hóa chủ trương của nghị quyết của chi bộ, thông qua mô hình “Đảng viên giúp đỡ hộ nghèo”. Mỗi năm, ông Phòng duy trì giúp đỡ 3 - 4 hộ dân, tạo điều kiện cho họ cải thiện kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

 

Ở nhiều nơi, ngoài trực tiếp hiến đất và hoa màu, nhiều cán bộ đảng viên còn tích cực vận động bà con, dân làng cùng hiến đất, nhường chỗ cho các công trình dân sinh quan trọng, nhất là trường học và trạm y tế” - ông Lơ chia sẻ.

Nhiều mặt bằng ở Tây Giang được hình thành từ góp sức của cán bộ, đảng viên cơ sở. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Nghe Alăng Lơ kể, bất chợt nhớ đến câu chuyện của Bí thư Đảng ủy xã Ch’Ơm - Pơloong Năng về diện mạo của trung tâm xã. Ông Năng nói với tôi, toàn bộ diện tích đất gần 5ha phủ rộng cả trung tâm xã, đều do các thế hệ đảng viên địa phương hiến tặng, cùng góp thêm ước vọng cho miền non cao khởi sắc.

Chuyện ông Năng nói là có thật. Tôi đến nhà các hộ dân từng hiến góp, họ xác nhận và đưa ra giấy chứng nhận ghi công. Alăng Nhun - cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã kể, chỉ riêng gia đình ông có đến gần 3ha đất được hiến cho xã làm trụ sở ủy ban, cùng trường học và trạm y tế vào đầu những năm 2000.

Lúc đó, cha ông Nhun là Alăng Kiah làm cán bộ Trung tâm Y tế huyện. Hay tin chính quyền địa phương chọn đặt trung tâm xã ngay làng mình, ông Kiah tình nguyện hiến đất và vận động người dân ủng hộ chủ trương chung.

Gần 10 năm sau, những người con của ông Kiah như Alăng Nha, Alăng Nhun… noi theo tinh thần của cha nên hiến thêm hàng nghìn mét vuông đất vườn, góp vào “đất chung” của làng để hình thành mặt bằng định cư mới, như bây giờ.

Tôi hỏi Nhun, hiến xong, bây giờ có thấy tiếc không? Nhun cười, rồi hướng ánh mắt về phía những dãy nhà đối diện. “Bây giờ, mình hết đất rồi. Nếu còn, cũng sẽ hiến để mở rộng thêm không gian làng, có chỗ cho mấy đứa nhỏ vui chơi” - Nhun bộc bạch.

Từ dưới bếp, mẹ Nhun - bà Tơ Ngôn Chín góp lời: “Ôi, tiếc gì đâu con. Nhà amế (mẹ) nhiều người là cán bộ, đảng viên mà. Thời amế đã khổ rồi, bây giờ phải khác xưa chứ. Đó là điều mà lúc còn sống, chồng amế mong muốn nhất!”. Phía gươl - nhà truyền thống cộng đồng, những phụ nữ Cơ Tu vừa trở về sau đợt thu hoạch đảng sâm, nụ cười lung linh bóng nắng…

Không bỏ rơi người nghèo!

Nghe có vẻ hơi “suông”, nhưng tinh thần này được chuyển hóa thành việc làm cụ thể đã giúp hàng nghìn hộ đồng bào Ca Dong, Xê Đăng ở huyện Nam Trà My thoát nghèo bền vững. Chính xác là 2.225 hộ, được ghi nhận qua 4 năm (2017 - 2020) Nam Trà My triển khai mô hình “Cán bộ, đảng viên giúp hộ dân thoát nghèo”.

Bí thư Huyện ủy Nam Trà My - Lê Thanh Hưng nói, con số này là thực chất. Bởi qua rà soát tỷ lệ giảm nghèo hàng năm, số hộ dân đăng ký thoát nghèo bền vững tăng dần đều với nhiều mô hình phát triển kinh tế, nhất là chăn nuôi gia súc tập trung và di thực trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng.

Nhiều mô hình giúp nhau làm giàu được các chi bộ cơ sở ở Nam Trà My duy trì, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Vài ngày trước, tôi theo chân ông Hưng đến tận làng Tu Ton (xã Trà Linh). Nơi này, được xem như “thủ phủ” sâm Ngọc Linh với nhiều câu chuyện thực tế đến… bất ngờ. Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Văn Dang (dân tộc Xê Đăng) kể, cho đến bây giờ anh vẫn không thể nào quên ánh mắt rơm rớm của vợ chồng Hồ Văn Dân khi lần đầu tiên được trả công bằng 5 cây giống sâm Ngọc Linh từ tay của chủ vườn.

Đó là vào năm 2015, thời điểm Dang bắt đầu thực hiện việc trả công cho người chăm sóc vườn sâm gia đình bằng… sâm giống. Mỗi ngày, khi hoàn tất công việc, những cây sâm hơn 1 năm tuổi được Dang trao tận tay từng hộ dân, góp thêm vào cuộc đổi đời chung của cộng đồng.

Dang nói, đó là cách anh khuyến khích các hộ dân khó khăn vươn lên trong cuộc sống và cũng là câu chuyện thực tế để anh cụ thể hóa nghị quyết của huyện về giảm nghèo. Sau nhiều năm hỗ trợ, số sâm giống Ngọc Linh được Dang “chia lửa” đã lên đến hàng trăm cây, nhiều hộ từ nghèo khó nay đã trở thành khá giả, tiếp tục học theo cách làm của Dang giúp đỡ các hộ khó khăn phát sinh mới.

“Quà sinh nhật, mình cũng tặng bằng sâm giống, cứ thế để các hộ dân có thêm điều kiện mở rộng vườn sâm, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống” - Dang chia sẻ.

Câu chuyện của Dang chỉ là lát cắt nhỏ trong rất nhiều cách mà cộng đồng Xê Đăng giúp nhau trong cuộc sống. Tinh thần đảng viên được phát huy, mang nhiều dấu ấn tiên phong và thực tế. Như mô hình “Vườn sâm của Đoàn”, hình thành từ 6 năm trước, giúp hàng chục thanh niên ở Trà Linh thoát nghèo.

Mô hình này được khởi xướng bởi đảng viên trẻ Hồ Văn Dấu - Bí thư Đoàn xã Trà Linh. Dấu là em ruột Hồ Văn Dang, sau thời gian vận động đã tập hợp 32 thành viên lập chốt sâm để tạo “quỹ sâm giống” hỗ trợ thanh niên khó khăn, mới lập gia đình.

Như trường hợp hộ Hồ Văn Linh (29 tuổi), sau thời gian được trả công từ mô hình, nay đã trở thành chủ vườn với hơn 200 gốc sâm Ngọc Linh đang phát triển tốt. Năm ngoái, Linh mạnh dạn đăng ký thoát nghèo, mở cơ hội lập nghiệp bằng niềm tin từ mô hình của các đảng viên trẻ và cộng đồng, phía chân núi Ngọc Linh...

*

*          *

Vùng cao Quảng Nam hôm nay rộn rã thanh âm nhịp sống mới. Hòa trong nhịp sống đó là tinh thần tiền phong đi đầu vì lợi ích cộng đồng của cán bộ đảng viên và niềm tin nhân dân hướng về Đảng, về ngày mai tươi sáng.

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất