Tác phẩm đoạt giải

Đảng mạnh là do chi bộ tốt

Từ nguy cơ mất vai trò lãnh đạo của Đảng ở những nơi không có đảng viên, không có chi bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An xác định việc xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên là nhiệm vụ cấp bách trong công tác xây dựng Đảng…

------------------------

“Muốn làm nhà tốt phải xây nền cho vững”

Nghệ An là địa phương có bề dày truyền thống cách mạng, đặc biệt ngay từ ngày đầu Đảng mới thành lập, trên mảnh đất Nghệ Tĩnh đã nổ ra cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), thể hiện rõ tinh thần quật khởi, sức mạnh của liên minh công - nông đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sau cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp thực hiện chính sách khủng bố một cách ráo riết, nhiều đồng chí đảng viên hy sinh và bị bắt. Để đảm bảo lực lượng và duy trì cơ sở cách mạng, Xứ ủy Trung kỳ chủ trương mở rộng phạm vi hoạt động lên các huyện miền núi Nghệ An gây dựng phong trào. Lúc đó, những người cộng sản đã băng rừng, vượt suối, giác ngộ những thanh niên dân tộc có tinh thần yêu nước đứng vào hàng ngũ của Đảng, lập nên Chi bộ Đảng Môn Sơn đầu tiên ở miền Tây xứ Nghệ. Chi bộ vừa ra đời đã bắt tay ngay vào công tác lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng: in ấn tài liệu tuyên truyền, thành lập tổ chức Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ để tập hợp, giác ngộ tinh thần đấu tranh của nhân dân, từng bước tạo sự lan tỏa của phong trào trên khắp các bản, làng miền Tây xứ Nghệ. Chi bộ Đảng ra đời đã nhóm lên ngọn lửa cách mạng trong đồng bào các dân tộc thiểu số, từ đó, phong trào cách mạng ở miền Tây xứ Nghệ ngày càng phát triển, góp phần cùng với phong trào đấu tranh cách mạng của cả nước giành được nhiều thắng lợi quan trọng…

Nhớ lại những tháng ngày sôi nổi tham gia các phong trào đấu tranh cách mạng, đảng viên lão thành Ngô Xuân Lan, năm nay đã 95 năm tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng, nguyên Trưởng Khoa Triết học, Trường chính trị Trần Phú Nghệ Tĩnh cho biết: “Ở vào những thời khắc “ngàn cân treo sợi tóc”, trước những khó khăn chồng chất, đảng viên là những chiến sỹ tiên phong, luôn luôn đi đầu trong các phong trào, sẵn sàng nhận gian khổ, khó khăn, kể cả phải hy sinh tính mạng của mình vì cách mạng, vì nhân dân. Họ được đồng bào tuyệt đối tin tưởng. Chính tinh thần đấu tranh và sự hy sinh bất khuất của những đảng viên - chiến sỹ cộng sản kiên trung đã góp phần xây đắp nên truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương xứ Nghệ anh hùng”.

 Còn với những người thuộc thế hệ sau như ông Vi Văn Tụ - Phó Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn (Con Cuông) thì bày tỏ: Thực tiễn đã cho thấy, nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, sự gương mẫu xông pha trên mọi mặt trận của đội ngũ cán bộ, đảng viên, cuộc sống của nhân dân Môn Sơn nói riêng, đồng bào các dân tộc thiểu số nơi miền Tây xứ Nghệ nói chung đang từng ngày đổi mới. Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Cây Đa - Cồn Chùa - nơi ươm mầm “hạt giống đỏ” đầu tiên của miền Tây xứ Nghệ, hiện nay, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng mà trực tiếp là các chi bộ ở cơ sở, đồng bào các dân tộc đang ngày đêm thi đua lao động, sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, để Môn Sơn mãi mãi xứng danh vùng đất cách mạng, nơi “giữ lửa” truyền thống.

Đề cập đến vai trò của các chi bộ Đảng, ngay từ năm 1953, trong tác phẩm Thường thức chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Tổ chức gốc rễ của Đảng là chi bộ”, “các chi bộ mạnh tức là Đảng mạnh. Các chi ủy vững tức là chi bộ mạnh”. Người cũng thường xuyên nhắc nhở phải chăm lo củng cố chi bộ giống như việc “muốn làm nhà cho tốt phải xây nền cho vững”. Ngày 30/01/1961, nói chuyện tại Hội nghị phổ biến nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ III về kế hoạch Nhà nước năm 1961, Người chỉ rõ: “Thực tế cho thấy chỗ nào chi bộ tốt, công việc trôi chảy; chỗ nào chi bộ yếu, công việc xộc xệch”. Tháng 4/1966, tại Hội nghị tổng kết 3 năm xây dựng chi bộ và đảng bộ cơ sở “Bốn tốt”, Người khẳng định: “Đối với Đảng ta, xây dựng chi bộ cho tốt, cho vững mạnh là một việc vô cùng quan trọng”.

Nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”, đảng viên lão thành Ngô Xuân Lan chia sẻ, Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của chi bộ, coi chi bộ là tế bào, là cơ sở của Đảng, là hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở; là nơi giáo dục và rèn luyện đảng viên; thực hiện phê bình và tự phê bình, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, giúp phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm; là sợi dây liên hệ, gắn bó Đảng với quần chúng nhân dân, làm tốt vai trò của Đảng.

Thực tiễn trải qua chặng đường hơn 90 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã chứng minh, mọi hoạt động của chi bộ nhằm đảm bảo cho đường lối, chủ trương của Đảng được quán triệt và thực hiện một cách có hiệu quả ở cơ sở; đồng thời góp phần vào việc bổ sung, hoàn chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Đảng viên là những người có trách nhiệm góp phần xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; đồng thời có trách nhiệm tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách đó với tư cách vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ của nhân dân. Do vậy, xây dựng chi bộ tốt, đội ngũ đảng viên tốt là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng; làm cơ sở, nền tảng xây dựng Đảng ta xứng đáng với trọng trách là Đảng cầm quyền, là lực lượng chính trị duy nhất giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Nhiệm vụ cấp bách

Cùng với sự phát triển của sự nghiệp cách mạng, tuyệt đại đa số đảng viên của Đảng được rèn luyện, thử thách trong trường kỳ cách mạng gian khổ, tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu và con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Công tác quản lý, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên luôn được coi trọng và chỉ đạo chặt chẽ.

Tuy nhiên, một nguy cơ đã và đang nảy sinh, như Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp”. Và mới đây, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục nêu: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, chưa bị đẩy lùi”.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa XVIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, phần hạn chế, khuyết điểm cũng chỉ rõ: “Công tác phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức Đảng trong các loại hình doanh nghiệp, vùng đặc thù còn khó khăn. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức Đảng còn yếu”.

Đồng chí Hồ Đăng Tài - Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: “Trong nhiều năm qua, nhất là sau khi thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ", công tác xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng chi bộ, phát triển đảng viên trên địa bàn toàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, các chi bộ đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng; đa số cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý thức rèn luyện đạo đức, lối sống, phục vụ nhân dân, qua đó, góp phần củng cố được niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, hoạt động của các chi bộ, nhất là chi bộ ở khối dân cư đang còn nhiều khó khăn, bất cập; việc kiện toàn, củng cố chi bộ ở một số nơi chưa được cấp ủy cơ sở quan tâm chỉ đạo kịp thời; số khối, xóm vùng giáo chưa có chi bộ, chưa có đảng viên còn nhiều; số đảng viên là người có đạo được kết nạp hàng năm ngày càng giảm; số chi bộ có đảng viên ở độ tuổi cao, già yếu được miễn sinh hoạt đang có chiều hướng gia tăng, trong lúc nguồn phát triển đảng viên hạn chế, dẫn đến nhiều khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ.

Đặc biệt, do thiếu vai trò lãnh đạo của Đảng, nên nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và hoạt động của các tổ chức, đoàn thể nhân dân ở những khối, xóm chưa có chi bộ gặp nhiều khó khăn, hạn chế hơn so với những nơi khác có cùng điều kiện; có nơi còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch lợi dụng làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, gây chia rẽ khối đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Từ nguy cơ mất vai trò lãnh đạo của Đảng ở những nơi không có đảng viên, không có chi bộ, nên việc xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên là nhiệm vụ cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án 01 “Xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2016 – 2020”.

 Thực trạng khi chưa có Đề án 01 (Tháng 12-2016): Toàn tỉnh có 296 xóm thuộc phạm vi đề án, trong đó:  Có 134 xóm có nguy cơ không còn chi bộ (do chỉ có 3 - 4 đảng viên tại chỗ hoặc có nhiều đảng viên tuổi cao mà chi bộ nhiều năm không kết nạp được đảng viên mới ...). Có 176 xóm không đủ điều kiện để thành lập chi bộ với 100% đảng viên tại chỗ (85 xóm chỉ có 1 - 2 đảng viên tại chỗ, 91 xóm không có đảng viên). Các huyện đã thành lập 154 chi bộ bằng cách tăng cường đảng viên về (trong đó, có 10 chi bộ sinh hoạt ghép). Còn 22 xóm chưa có chi bộ.
 

Kết quả thực hiện Đề án 01 (đến 30-6-2020): Số xóm không có chi bộ: Chỉ còn 1 xóm; Khối, xóm, bản trắng đảng viên tại chỗ: Còn 53, (giảm 38). Chi bộ có nguy cơ không còn chi bộ: Còn 78 (giảm 56 chi bộ). Kết nạp từ năm 2016 đến năm 2019 trên 50 đảng viên, trong đó, người có đạo (Thiên Chúa giáo) 12 đảng viên; có 194 quần chúng đã học lớp cảm tình Đảng.

Căn cứ vào tình hình trên địa bàn, Nghệ An cũng đã ban hành nhiều giải pháp nhằm phát triển, củng cố và nâng cao chất lượng, vai trò của các chi bộ, như: Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2011-2015"; Đề án số 5155-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Phát triển đảng viên, tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn nước ngoài trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2014-2020”; Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; ngày 15-8-2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An có Quyết định số 3062 - QĐ/TU thành lập 5 tổ nghiên cứu chuyên sâu các loại hình chi bộ trên địa bàn tỉnh gồm: Chi bộ trong các doanh nghiệp, chi bộ trong các đơn vị sự nghiệp, chi bộ trong lực lượng vũ trang, chi bộ trong các cơ quan và chi bộ trong các xã, phường, thị trấn do 5 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm trưởng đoàn…

 

Chi bộ là nơi gần dân nhất, trực tiếp tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng thực hiện các Nghị quyết của Đảng. Vì vậy, xây dựng chi bộ vững mạnh chính là “chìa khóa” để nâng chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nơi nào nghị quyết chi bộ sát thực tiễn, đảng viên gương mẫu đi trước, sẽ phát huy được sức dân, có được lòng dân...

---------------------------------

Mỗi đảng viên là một cột cờ

Những năm trước nơi đây ai có dịp đi qua Tỉnh lộ 534, qua giáo họ Cổ Lãm, xóm 10, xã Nghi Văn (Nghi Lộc), đều nhận thấy đây là vùng đất cằn sỏi đá, đường sá trong thôn thường xuyên bị xói lở do địa hình nằm chênh vênh ở sườn đồi, nhà văn hoá xuống cấp, khuôn viên sũng nước. Nhưng hôm nay, vùng đất này đã “thay da đổi thịt” đến bất ngờ. Chị Nguyễn Thị Hương - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nghi Văn, kiêm Bí thư Chi bộ xóm 10 dẫn chúng tôi tham quan những công trình mà xóm vừa xây dựng, cải tạo khang trang đẹp đẽ.

Đứng trong khuôn viên nhà văn hoá rộng rãi, có sân bóng chuyền, ghế ngồi được bố trí khang trang, chị Hương phấn khởi cho biết, đây là công trình đầu tiên triển khai và kêu gọi nhân dân thực hiện khi về đảm nhận cương vị Bí thư chi bộ. Lúc đó chi bộ còn ít đảng viên, nhiều người tuổi đã cao, nên không phát huy được vai trò, bà con trong xóm chủ yếu là người theo đạo. Với kinh nghiệm trước đó đã được tăng cường về sinh hoạt tại chi bộ vùng có đồng bào theo đạo 4 năm, cũng như từng trực tiếp đến làm việc với các chị em trong chi hội phụ nữ, nữ Bí thư chi bộ đến với bà con xóm đạo không đơn thuần chỉ bằng trách nhiệm của người đảng viên, mà còn cả tấm lòng chân thành, tâm huyết.

Cán bộ xóm 10, xã Nghi Văn (Nghi Lộc) giới thiệu về những thành tích của xóm; Người dân Nghi Văn làm đường giao thông nông thôn; Đường hoa nông thôn mới ở các xóm của xã Nghi Văn.

Chị Hương cho biết, những cuộc họp chi bộ, họp xóm ở vùng đặc thù cũng có những đặc thù. Ban ngày thì chị phải làm việc hành chính, người dân đi lao động; cuối tuần, kể cả buổi tối các ngày trong tuần bà con đi nhà thờ. Nên nhiều cuộc họp xóm có khi 9 giờ tối mới bắt đầu tiến hành và kéo dài đến 11, 12 giờ đêm mới hoàn thành.

Nói về nữ Bí thư Chi bộ xóm, cũng là người đồng hành, tâm đầu, ý hợp trong suốt 4 năm nay, bà Trương Thị Tâm, Xóm Trưởng xóm 10 chân thành chia sẻ: Chị Hương về làm Bí thư Chi bộ phối hợp chặt chẽ với ban cán sự xóm trong mọi công việc. Dân thấy Bí thư Chi bộ khi mô cũng vui vẻ, năng nổ tham gia việc xóm nên ai cũng yêu mến, phong trào cũng sôi nổi lên. Xóm cũng thay đổi hẳn so với trước đây.

Để chỉnh trang lại nhà văn hóa, chị Hương đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, kêu gọi người dân đóng góp 70.000 đồng/khẩu để cải tạo nhà văn hoá, chị còn tự bỏ tiền túi 1 triệu đồng góp thêm vào với xóm. Bên cạnh đó, còn lập nhóm facebook của con em xóm 10 để huy động sự đóng góp của con em đi làm ăn xa. Kết quả, nhà văn hoá xóm 10 được cải tạo khang trang để bà con hội họp, khuôn viên trở thành điểm vui chơi của người già, trẻ em mỗi buổi chiều. Với sự năng nổ của Bí thư Chi bộ, sự nêu gương của các đảng viên, những con đường bê tông cũng theo đó mà hình thành trong niềm vui chung của xứ đạo.

Trước tết Nguyên đán 2021, xã Nghi Văn có chủ trương xây dựng đường cờ Tổ quốc ở mỗi xóm để thực hiện nông thôn mới nâng cao. Phát huy tính tiên phong của đảng viên, Chi bộ xóm 10 thống nhất “mỗi đảng viên đóng góp xây dựng một cột cờ”, chị Nguyễn Thị Hương còn ủng hộ thêm 4,5 triệu đồng. Cờ Tổ quốc do Mặt trận Tổ quốc ủng hộ; kết hợp với đó chị bàn với giáo họ để làm cột đèn chiếu sáng. Nhờ đó góp thêm cho người dân lương, giáo nơi đây được đón một cái Tết cổ truyền bừng sáng thêm niềm vui mới…

Việc nêu gương với hình ảnh “mỗi đảng viên là một cột cờ” cũng được Đảng uỷ xã Nghi Văn quán triệt, đã phát huy vai trò chi bộ đảng ở cơ sở, tạo nền tảng vững chắc để xã vùng bán sơn địa, có diện tích lên đến 3,4 km2, dân số 11.700 người, trong đó có 6.000 giáo dân, về đích nông thôn mới năm 2019 và hiện đang xây dựng nông thôn mới nâng cao.

 Ông Nguyễn Ngọc Biên - Trưởng ban Tổ chức Huyện uỷ Nghi Lộc cho biết: Thực hiện Đề án số 01 của Tỉnh ủy Nghệ An, tiêu chí đảng viên được tăng cường về cơ sở ở vùng đặc thù có lựa chọn phù hợp thực tiễn nơi được tăng cường. Kết quả, từ năm 2016 đến nay, Nghi Lộc đã thành lập thêm được 8 chi bộ trước đây chưa có chi bộ; đồng thời kết nạp được 20 đảng viên tại các địa bàn xóm có đồng bào theo đạo, trong đó đảng viên mới được kết nạp thuộc phạm vi Đề án 01 là 12 người.
 

Nói đi đôi với làm

2h chiều ngày 2-3-2021 mới bắt đầu sinh hoạt chi bộ, nhưng trước đó 30 phút Bí thư Chi bộ bản Trung tâm xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn) Vừ Vả Chống đã đến để kiểm tra lại hệ thống loa máy chuẩn bị cho buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ. Ngay sau đó, các đảng viên Chi bộ bản Trung Tâm, xã Huồi Tụ đã tập trung đông đủ để dự sinh hoạt. “Đã từ lâu không ai phải nhắc nhở lịch đi họp chi bộ nữa, mà đúng vào ngày đã được quy định hàng tháng, các đảng viên tự giác đến theo thói quen thôi”, ông Vừ Vả Chống cho biết. Địa điểm quen thuộc là nhà văn hóa cộng đồng của bản, nằm cạnh Trường Tiểu học Huồi Tụ 1. Ông Vừ Vả Chống đảm nhận vai trò Bí thư Chi bộ đảng ở cơ sở đã ngót nghét hai chục năm, và cũng chừng ấy năm đồng chí vừa làm tốt vai trò cán bộ cơ sở, vừa phát triển kinh tế gia đình, trở thành một hình mẫu để các đảng viên và người dân noi theo. Năm 2021, một trong những mục tiêu mà các đảng viên ở Chi bộ này quan tâm, trăn trở đó là hiện thực hóa Nghị quyết của Chi bộ về xây dựng bản nông thôn mới, một trong những nhiệm vụ khó của bản vùng cao xa xôi này.

Theo đó bài toán xóa đói giảm nghèo được Chi bộ bản đưa lên hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo. Tại buổi sinh hoạt, một số đảng viên bày tỏ, chỉ cần người khác và bà con học theo sự chăm chỉ, cách phát triển kinh tế bền vững của Bí thư Vừ Vả Chống là có thể thành công. Bởi hiện tại trên trang trại cách nhà không xa, ông Vừ Vả Chống đã trồng được hơn 7.000 cây pơ mu, sa mu tươi tốt, có nhiều cây thân đã to hơn vòng tay người ôm. Ngoài ra đồng chí còn trồng chè shan tuyết, nuôi gà đen, bò Mông. Thậm chí, vị Bí thư chi bộ này đang ấp ủ triển khai kế hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái cộng đồng ngay tại khu gia trại, dưới tán cây pơ mu, sa mu…

Và hiện nay, theo Bí thư Đảng ủy xã Huồi Tụ Vừ Bá Lỳ thì đã có hơn 100 hộ học theo cách làm của ông Vừ Vả Chống, trong đó bản Trung Tâm có hơn 30 hộ làm theo. Bí thư chi bộ “miệng nói tay làm” đã tạo được uy tín đối với đảng viên và quần chúng nhân dân, việc triển khai các nghị quyết cũng vì thế mà nhanh chóng có hiệu quả, nhiều hộ dân nhờ đó cũng khấm khá theo.

Cũng như ở Chi bộ bản Trung tâm xã Huồi Tụ, Chi bộ bản Khe Ló ở xã biên giới Môn Sơn (Con Cuông) cũng là một chi bộ mạnh nhờ người đứng đầu “mạnh” và nội bộ đoàn kết. Chị Lương Thị Tâm - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Khe Ló tươi cười khi gặp lại chúng tôi, vừa lúc chi bộ đang triển khai chỉ đạo người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao năng suất sản xuất nông nghiệp. Chi bộ Khe Ló có 20 đảng viên, chị Lương Thị Tâm vừa là Bí thư chi bộ, vừa là Trưởng bản, “một gánh hai vai” nên công việc, trách nhiệm càng nặng nề hơn. Bản Khe Ló vừa mới được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 12-2020. Chị Tâm cho hay, trước khi hoàn thành đạt yêu cầu các tiêu chí thì bản Khe Ló còn 3 tiêu chí chưa đạt, cũng là 3 tiêu chí khó nhất, đó là tỷ lệ hộ nghèo, chỉ tiêu môi trường và đường giao thông nông thôn.

Để đưa bản Khe Ló trở thành bản nông thôn mới, Chi bộ bản đã họp nhiều cuộc để bàn bạc, tìm phương án chỉ đạo sát đúng, hiệu quả nhất. Về đường giao thông, ngoài tuyến đường vào khu nghĩa trang được bà con hưởng ứng tự nguyện hiến cây, hiến đất thì trục đường nội đồng cũng được thi công xong. Trong đó, các hộ đảng viên đóng góp, hiến cây, hiến đất nhiều nhất. Không chỉ đi đầu trong hiến cây, hiến đất, ngày công xây dựng đường giao thông, các đảng viên ở Khe Ló còn là những người xung phong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng rau màu kém hiệu quả sang trồng bí xanh. Khi triển khai, nhiều người dân còn e ngại, nhưng khi thấy Bí thư kiêm Trưởng bản Lô Thị Tâm, trưởng các hội, đoàn thể, các đảng viên đều xung phong thực hiện trước, thấy cây bí lên xanh đồng, bà con ai cũng an tâm hưởng ứng.

Ông Vi Văn Tụ - Phó Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn cho biết, Khe Ló là ví dụ sinh động cho việc muốn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thì đảng phải lãnh đạo toàn diện. Trong đó đảng viên phải tiên phong đi trước, nhất là phát triển kinh tế. Chỉ khi thấy người thật việc thật, hiệu quả thì bà con sẽ nghe theo.

Nghị quyết sát đúng với thực tiễn

Về với thôn Đức Xuân, xã Tiến Thuỷ (Quỳnh Lưu), chúng tôi được chứng kiến cách làm hay ở một chi bộ vùng biển. Sống bên chân sóng, người dân thôn chủ yếu dựa vào biển. Đặc thù trên đòi hỏi công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ có những nét khác. Ông Nguyễn Văn Thanh, hơn 10 năm nay làm Bí thư Chi bộ cho biết: “Chúng tôi có 12 đảng viên, mấy năm trước có 3 đảng viên làm nghề đi biển, đến năm nay còn 1 đảng viên làm nghề đi biển. Vì đặc thù trên nên Chi bộ báo cáo với Thường trực Đảng uỷ xã để xin phép thời gian sinh hoạt vào đúng ngày trăng trong tháng nhằm tạo điều kiện cho đảng viên ra khơi, bám biển. Với lịch sinh hoạt này cũng gặp khó khăn khi triển khai công việc. Tuy nhiên, Chi bộ cố gắng khắc phục bằng nhiều giải pháp như giao nhiệm vụ kịp thời cho từng đảng viên. Ngược lại, quá trình lao động trên biển, đảng viên cũng nắm bắt được nhiều nội dung, thông tin để báo cáo về chi bộ như: tình hình thiếu lao động nghề biển, hay những vấn đề trên biển… để báo cáo lại kịp thời với Đảng uỷ xã”.

Ở miền biển vốn đất chật, người đông nên sân chơi cộng đồng rất khó khăn, vậy mà ở Đức Xuân vẫn xây dựng được sân chơi bóng chuyền rộng rãi trị giá hàng trăm triệu đồng, nhà văn hóa khang trang. Rồi còn lập được cả quỹ hỗ trợ cho các hộ khó khăn ở trong thôn. Khi được hỏi bí quyết nào mà Đức Xuân lại xây dựng được cơ sở hạ tầng tốt như vậy, Bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Thanh vui vẻ cho biết: Cái chính là mọi việc mình làm đều phải thống nhất trong chi uỷ, chi bộ và đưa ra bàn với Ban Cán sự xóm, Ban Công tác Mặt trận và thống nhất trong nhân dân. Mọi việc được thực hiện rất công khai, minh bạch, vì lợi ích chung cộng đồng. Vì vậy, có khi chúng tôi chưa kịp vận động, người dân đã tự nguyện ủng hộ.

Có thể thấy ở Đức Xuân, dù có những khó khăn đặc thù của một địa phương miền biển, nhưng chính tổ chức cơ sở đảng nơi đây thông qua tấm gương, cách làm của từng đảng viên, chi uỷ đã trở thành ngọn cờ trung tâm đoàn kết, để phát huy sức mạnh và những giá trị cao đẹp của động đồng.

Hoặc như ở Chi bộ thôn 2/9 ở xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, để đưa thôn hoàn thành các chỉ tiêu nông thôn mới vào năm 2018, hiện đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, là nhờ Chi bộ có những nghị quyết chỉ đạo sát đúng. Có như vậy mới có thể huy động kinh phí xây dựng, tu sửa nhà văn hóa hơn 1 tỷ đồng; bê tông hóa 3,5km đường nội thôn; xây dựng sân bóng và các cổng chào hơn 240 triệu đồng cùng 160 bồn hoa; xây dựng các vườn mẫu và hàng chục trang trại trồng cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm như chè, cam, bưởi.

Theo Bí thư Chi bộ thôn 2/9 - ông Trần Xuân Định, thì “Mỗi việc triển khai xuống dân đều phải gắn với một nghị quyết của chi bộ. Quan trọng là trước khi ra nghị quyết thì chúng tôi đều nghiên cứu tình hình thực tiễn, chọn cách làm và thăm dò ý kiến nhân dân rồi mới họp bàn, thống nhất nội dung triển khai để đảm bảo nghị quyết luôn sát đúng, hiệu quả cao và phù hợp với lòng dân”. Vị Bí thư chi bộ này cũng cho rằng, cách nhanh nhất để đưa nghị quyết của chi bộ vào cuộc sống là “Cán bộ, đảng viên cứ thực hiện đúng “nói đi đôi với làm” thì bà con sẽ nghe, tin và làm theo”...

 

 Vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ là hai yếu tố bảo đảm hiệu quả của công tác xây dựng Đảng ở cơ sở. Khi chi bộ tốt, mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng, trái lại chi bộ kém, đảng viên thiếu gương mẫu sẽ khó dẫn dắt phong trào chung ở cơ sở.

 

  Đảng viên vi phạm, chi bộ mất uy tín

Về thôn 2/9, xã Châu Khê (Con Cuông) sau Rằm tháng Giêng, bên cạnh không khí ra quân lao động sản xuất đầu năm mới, là những nỗi niềm suy tư, trăn trở khi có 4 đảng viên thuộc chi bộ thôn vừa bị Huyện ủy Con Cuông khai trừ khỏi đảng. Theo các quyết định ban hành ngày 23-2-2021 của Huyện ủy Con Cuông: 4 đảng viên này đã giảm sút tinh thần đấu tranh, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có hành vi lập khống hồ sơ chiếm đoạt tài sản trong đền bù GPMB Dự án Thủy điện cột nước thấp xã Chi Khê - bị TAND huyện Con Cuông đưa ra xét xử vào ngày 3-2-2021. Vi phạm nêu trên không chỉ làm mất uy tín của bản thân các đảng viên, tổ chức và chi bộ nơi các đảng viên đang sinh hoạt mà còn gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và một bộ phận nhân dân.

Điều đáng buồn cả 4 đảng viên đều từng là cán bộ đứng đầu thôn, trong đó bà Nguyễn Thị Hoài nguyên là Bí thư Chi bộ, ông Trần Văn Hùng nguyên Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn; ông Nguyễn Văn Sáng nguyên Bí thư Chi đoàn kiêm Phó thôn kiêm công an viên, ông Nguyễn Hồng Phong nguyên Chi ủy viên Chi bộ, Chi hội trưởng Hội nông dân.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Tâm - Bí thư Chi bộ thôn 2/9 hiện nay thừa nhận đó là “bài học xương máu cho chi bộ và các đảng viên”.  “Thời điểm đó tôi cũng là đảng viên trong chi bộ, không nắm cụ thể nhưng có nghe dư luận nhân dân nên đã gọi riêng đồng chí Hoài - Bí thư Chi bộ đến để trao đổi, nhắc nhở chứ trong sinh hoạt chi bộ hoàn toàn không đề cập đến chuyện này. Đến khi mọi chuyện vỡ lở ra thì đã muộn rồi…”, ông Tâm bày tỏ.

Theo người đứng đầu Chi bộ thôn 2/9 hiện nay thì nguyên nhân dẫn đến sự việc đáng tiếc trên là do lãnh đạo thôn thời điểm ấy đã thiếu gương mẫu, thiếu bản lĩnh trước cám dỗ vật chất, không lắng nghe dân để kịp thời soi mình, sửa mình. Bên cạnh đó, chi bộ cũng không nắm bắt thông tin kịp thời để có những giải pháp hiệu quả trong phê bình và tự phê bình nhằm ngăn ngừa sai phạm.

 Về phía xã Châu Khê, đồng chí Trần Thế Tài - Bí thư Đảng ủy xã cũng thừa nhận: Đây là bài học đắt giá đối với cấp ủy đảng trong việc quản lý, kiểm tra giám sát phòng ngừa vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên nhất là đối với các lĩnh vực nhạy cảm như đền bù giải phóng mặt bằng. “Vì có đảng viên vi phạm nên chúng tôi đã mất danh hiệu 5 năm Đảng bộ trong sạch vững mạnh, quan trọng hơn là mất cán bộ, uy tín của tổ chức đảng và đảng viên bị giảm sút...”

Thực tiễn cho thấy, tại một số đơn vị, địa phương đã để xảy ra sai phạm, khuyết điểm liên quan đến cán bộ, đảng viên, nguyên nhân là do năng lực và sức chiến đấu của chi bộ đảng yếu kém, người đứng đầu thiếu gương mẫu, một bộ phận cán bộ đảng viên tha hóa, biến chất… Vụ việc xảy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Yên Thành là một ví dụ điển hình. Chỉ vì lợi ích cá nhân, Phan Tiến Sỹ - lúc còn là Trưởng ban, Bí thư Chi bộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Yên Thành đã chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ bồi thường 27/31 thửa đất, tương đương 639.745m2 của đơn vị  thành hồ sơ bồi thường cho cá nhân ông và 3 người khác. Bốn thửa đất đứng tên các cán bộ quản lý rừng này sau đó được bồi thường hơn 5 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền không được hạch toán vào sổ kế toán, không báo cáo quyết toán nguồn thu của đơn vị mà chi cho các cá nhân. Khi vụ việc được phanh phui và đưa ra tòa xét xử vào ngày 2-6-2020, Phan Tiến Sỹ và các đồng phạm đều phải cúi đầu nhận tội với những mức án đích đáng. Ngoài chịu trách nhiệm trước pháp luật, Phan Tiến Sỹ và đồng phạm liên quan đều bị khai trừ ra khỏi Đảng. 

Sai phạm trên phản ánh một thực tế là Chi bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Yên Thành trong một thời gian dài hoạt động hình thức, mất sức chiến đấu, thậm chí là tê liệt, khi để đảng viên trong chi bộ, dưới sự chỉ đạo của Bí thư chi bộ cố tình “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để trục lợi cá nhân.

 “Quân pháp bất vị thân” là nguyên tắc được đề cao. Mọi cán bộ, đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và quy định của pháp luật. Để xảy ra sai phạm, xử lý cán bộ là điều đau xót nhưng phải thực hiện để răn đe, cảnh tỉnh những người khác và cũng là bài học sâu sắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của mỗi cấp uỷ.

 Năm 2020, cấp uỷ các cấp trong toàn Đảng bộ tỉnh Nghệ An thi hành kỷ luật 6 tổ chức đảng, 889 đảng viên, trong đó có 79 cấp uỷ viên. Uỷ ban Kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật 250 đảng viên, trong đó có 50 đảng viên là cấp ủy viên.
 

Chi bộ không mạnh, phong trào khó lên

Thực hiện các đề án, Nghị quyết của Tỉnh ủy, thời gian qua các địa phương đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của từng loại hình chi bộ đảng. Đến thời điểm này, trên toàn tỉnh chỉ còn duy nhất một khối xóm thuộc vùng đồng bào có đạo ở thành phố Vinh chưa có chi bộ. Đây là kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, nhìn vào thực tế thì ở một số nơi chi bộ chưa thực sự mạnh, dẫn đến các phong trào chung còn trì trệ.

Tại huyện biên giới Kỳ Sơn - một trong 62 huyện nghèo của cả nước với 203,409 km đường biên tiếp giáp với 4 huyện thuộc 3 tỉnh của nước bạn Lào. Toàn huyện có 20 xã, thị trấn với 191 bản (trong đó có 10 xã biên giới với 45 bản tiếp giáp biên giới) với nhiều thành phần dân tộc sinh sống. Mặc dù đến nay 100%  thôn bản không còn chi bộ nào thuộc diện nguy cơ tái trắng. Tuy nhiên, theo đánh giá của BTV huyện ủy: khó khăn hiện nay là tình trạng đảng viên đi làm ăn xa ngày càng gia tăng, thiếu nguồn phát triển đảng. Một số chi bộ ít đảng viên, hạn chế về năng lực lãnh đạo, điều hành phải tăng cường đảng viên là cán bộ, công chức cấp xã và đảng viên các đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn về sinh hoạt nhằm giúp đỡ chi ủy chi bộ trong công tác triển khai các nhiệm vụ tại địa phương.

Một góc xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn); Mô hình trồng rừng của ông Vừ Vả Chống, bản Trung tâm, xã Huồi Tụ; Bí thư chi bộ bản Huồi Thăng (xã Huồi Tụ) Lầu Gà Hùa (áo đỏ) trao đổi về những khó khăn của chi bộ.

Điều này được minh chứng khi chúng tôi đến Huồi Thăng- một bản nhỏ thuộc xã Huồi Tụ với 23 hộ, 105 khẩu Thái, Mông, Khơ Mú cùng sinh sống, chi bộ có 8 đảng viên. Trò chuyện với Bí thư Chi bộ Lầu Gà Hùa, SN 1976, ông thật thà thừa nhận mặc dù thoát diện nguy cơ tái trắng nhưng “vẫn là chi bộ còn yếu”. Nguyên nhân là bởi “Đảng viên thường đi làm ăn xa, mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ chỉ có từ 3-4 đảng viên, trong đó chỉ có Bí thư chi bộ và cán bộ địa chính xã sinh hoạt thường xuyên còn nữa luân phiên nhau vắng. Bên cạnh đó mặc dù bản được thành lập từ năm 1981 nhưng vẫn chưa có nhà văn hóa cộng đồng “mọi sinh hoạt đều tập trung ở nhà Bí thư chi bộ, khó khăn lắm…” - Bí thư Lầu Gà Hùa bày tỏ.

Bên bếp lửa bập bùng trong một ngày sương mù dày đặc, Bí thư Chi bộ người Mông cho biết: Hàng chục năm nay, do người trong bản thường đi làm ăn xa nên việc tạo nguồn kết nạp đảng viên khá khó khăn, năm 2018 có 2 đảng viên dự bị nhưng sau đó không kết nạp được vì đi làm ăn xa. Đến năm 2020 chi bộ mới kết nạp được 1 đảng viên là Kha Văn Ỏn - Bí thư Chi đoàn. 

Thế trưởng bản có hỗ trợ cho Bí thư chi bộ nhiều không? Nghe chúng tôi hỏi, khuôn mặt Lầu Gà Hùa trở nên đăm chiêu: “Trưởng bản trước đây bị bắt vì tham gia buôn bán ma túy với người Lào, từ tháng 4 năm 2019 được bổ sung trưởng bản mới nhưng chưa phải đảng viên mà cũng chưa có kinh nghiệm lắm. Trong bản có đầy đủ chi đoàn, chi hội nhưng để duy trì hoạt động khá khó khăn”.

Bản Huồi Thăng hiện có 18/23 hộ nghèo; 6/7 đảng viên tại chỗ cũng thuộc diện hộ nghèo, trừ Lầu Gà Hùa vì có mô hình trang trại chăn nuôi với vài chục con lợn, 10 con trâu bò. Sao Bí thư chăn nuôi giỏi thế mà không hướng dẫn cho đảng viên và người dân làm theo với?- “Có chứ, trong các cuộc họp đều có tuyên truyền vận động người dân phát triển kinh tế để xóa đói giảm nghèo nhưng họ nhác không làm đành chịu thôi…”, Lầu Gà Hùa trả lời. Trước thực tế tại Chi bộ bản Huồi Thăng, mới đây, Đảng bộ xã Huồi Tụ đã phân công đồng chí Trưởng Công an xã về chỉ đạo phong trào chung tại bản này. 

Tương tự, Chi bộ thôn Tân Hòa thuộc Đảng bộ xã Bồng Khê (Con Cuông), người dân chủ yếu là lao động tự do và đánh bắt cá ven sông Lam, đời sống gặp nhiều khó khăn nên không mặn mà với công tác đảng và sinh hoạt đoàn thể. Bí thư kiêm Trưởng thôn là thợ xây nên không ở nhà thường xuyên, từ năm 2020 trở về trước chi bộ đã có hơn 20 năm không kết nạp được đảng viên, vai trò người đứng đầu và chi ủy chi bộ hạn chế nên các phong trào chung chưa mạnh. Trước thực tế đó, Đảng ủy xã Bồng Khê tăng cường 5 cán bộ công chức xã về sinh hoạt cùng 4 đảng viên tại chỗ nhằm “cầm tay chỉ việc” giúp chi ủy chi bộ điều hành, lãnh đạo toàn diện trong thôn. Nhờ vậy, trong năm 2020 chi bộ kết nạp thêm được 3 đảng viên mới nâng tổng số đảng viên trong chi bộ lên 12 người trong đó có 7 đảng viên tại chỗ. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Phan Thanh Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Bồng Khê thì năng lực lãnh đạo của Chi bộ thôn Tân Hòa tuy đã có chuyển biến nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của cấp trên. Vừa rồi, thôn hoàn thành tuyến đường dài 800m trong đó nhân dân tự nguyện hiến đất, hiến cây, lùi bờ rào trị giá hơn 500 triệu đồng nếu không có Đảng ủy xã thành lập tổ công tác về cùng với hệ thống chính trị xóm trực tiếp tuyên truyền vận động nhân dân thì cũng khó khăn trong công tác GPMB.

Không để mất vai trò “hạt nhân” chính trị

Thực tế cho thấy vai trò của chi bộ có tác động rất lớn đến sự phát triển chung của hệ thống chính trị cơ sở. Để có một chi bộ tốt phải có nền móng vững và người “đứng mũi chịu sào”. Trở lại câu chuyện xảy ra tại Chi bộ thôn 2/9, xã Châu Khê (Con Cuông). Khi hàng loạt cán bộ bị phát hiện có sai phạm trong bồi thường giải phóng mặt bằng, BCH đảng bộ xã Châu Khê đã kiện toàn cử ông Nguyễn Đình Tâm làm Bí thư Chi bộ thôn này. Với kinh nghiệm nhiều năm làm cán bộ thôn trước đó, ông Tâm và chi ủy mới quyết tâm lấy lại uy tín của chi bộ, bắt đầu bằng việc phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến của nhân dân, tuân thủ nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”.Mọi nghị quyết chi bộ ban hành đều bám thực tiễn và đặt lợi ích của người dân trong thôn lên cao nhất. Kết quả là chỉ một thời gian ngắn sau đó, thôn 2/9 đã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7/140 hộ và đang phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao trong năm 2021.

Còn tại thôn Sơn Hải -xóm giáo toàn tòng của xã Tiến Thuỷ (Quỳnh Lưu). Nhiều năm nay, để duy trì chi bộ đảng, Đảng uỷ đã tăng cường đảng viên về sinh hoạt tại Chi bộ. Tại thời điểm Đại hội chi bộ thôn nhiệm kỳ 2020 – 2022, đồng chí Nguyễn Thị Hoa Mai - Chủ tịch Hội LHPN xã được bầu làm Phó Bí thư chi bộ. Chị cùng Trưởng Công an xã, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã phụ trách tôn giáo và Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã và 2 đảng viên là cán bộ hưu trí nguyên là cán bộ xã được tăng cường về sinh hoạt tại chi bộ. Chia sẻ về mô hình chi bộ tăng cường, chị Mai cho biết: “Để chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước xuống người dân một cách thuận tiện, chúng tôi tổ chức họp chi bộ mở rộng đến trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng các chi đoàn, chi hội, các cá nhân có uy tín. Ngoài nội dung công tác Đảng còn lồng ghép thêm các vấn đề mà người dân quan tâm. Bên cạnh đó, chi bộ tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của các chi đoàn, chi hội để mở rộng việc tập hợp đoàn viên, hội viên. Đơn cử như Chi hội Phụ nữ thôn Sơn Hải có mô hình “1 + 5”, tức là một chị đi họp mời thêm 5 chị khác đi họp, triển khai các chương trình vay vốn để thu hút hội viên tham gia.

Công an tỉnh tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân; Đảng viên ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) tuyên truyền pháp luật cho thuyền viên trước khi ra khơi; Đường làng ở xóm Sơn Hải, xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) được bê tông hóa khang trang.

Từ những giải pháp đó, vai trò lãnh đạo của chi bộ thôn dù còn rất nhiều khó khăn phía trước song cũng dần thể hiện rõ như, triển khai cho nhân dân làm được 3,1 km đường giao thông nông thôn, tôn tạo lại nhà văn hoá và hiện đang đề xuất với xã khảo sát lựa chọn địa điểm làm sân chơi cho nhân dân. Đồng chí Ngô Quang Nuôi - Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Sơn Hải trao đổi: So với hệ thống chính trị ở các thôn khác thì thôn Sơn Hải chưa bằng, nhưng đặt vào trong bối cảnh cụ thể, có thể thấy thông qua vai trò của chi bộ, phong trào đã được nhen nhóm lên!

Thực tiễn trên đã minh chứng cho lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng trong quần chúng”, “gốc có vững thì cây mới bền”…

 

 Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn nhất quán khẳng định: Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng. Vì vậy, việc xây dựng, củng cố tổ chức Đảng “sâu rễ, bền gốc” từ cơ sở, là công việc phải làm thường xuyên, liên tục. Thực tiễn cũng đã chứng minh, nơi nào tổ chức Đảng yếu kém, đảng viên suy thoái, đánh mất vai trò, thì nơi đó phong trào chung sẽ sa sút...

 

Nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ

Chi bộ bản Nga My trước năm 2017 được xếp vào diện có nguy cơ tái trắng  với vỏn vẹn chỉ có 4 đảng viên (1 người đi làm ăn xa). Nguyên Bí thư Chi bộ bản Nga My - đồng chí Hoàng Viết Xanh, khi đó đã 75 tuổi, sức khỏe kém, không biết đi xe đạp, 2 đảng viên còn lại còn trẻ, chưa có kinh nghiệm nên hoạt động của chi bộ rất khó khăn. Đồng chí Võ Anh Tuấn - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quỳ Châu (thời điểm đó được huyện tăng cường về làm Bí thư Đảng ủy xã Châu Nga) cho biết: Đảng ủy xã đã làm việc trực tiếp với Chi bộ bản Nga My (hiện tại đã sáp nhập với bản Nga Sơn và đổi tên thành bản Mưn) để kiện toàn lại chi ủy, trẻ hóa nhân sự, đưa đảng viên trẻ Vi Văn Dấu, lúc đó là Bí thư chi đoàn lên làm Bí thư chi bộ; đồng thời tăng cường 8 đảng viên là công chức xã xuống sinh hoạt chi bộ tại bản Nga My để “cầm tay chỉ việc’’.

Nhớ lại thời điểm đó, đảng viên Vi Văn Dấu - hiện là Phó Bí thư chi bộ, Trưởng bản Mưn cho hay: Lúc đó tôi còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, nên còn lúng túng lắm. Đích thân đồng chí Bí thư Đảng ủy xã đã trực tiếp xuống chỉ đạo, hướng dẫn từ cách điều hành, xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đảng viên đến việc ra nghị quyết, chỉ đạo thực hiện nghị quyết, bồi dưỡng kết nạp đảng viên nên mọi việc dần đi vào quy lát. “Từ kinh nghiệm ở Chi bộ bản Nga My và cách làm ở Châu Nga, chúng tôi đã triển khai ra toàn huyện. Trước khi thực hiện Đề án 01 của Tỉnh ủy, huyện Quỳ Châu có 3 chi bộ thuộc diện nguy cơ tái trắng, hiện nay không còn chi bộ nào có dưới 5 đảng viên tại chỗ”, đồng chí Võ Anh Tuấn - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quỳ Châu cho hay.

Nói về công tác phát triển và củng cố tổ chức cơ sở Đảng ở vùng rẻo cao, đồng chí Lỳ Bá Thái - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết: Đối với huyện biên giới như Kỳ Sơn, để xây dựng chi bộ mạnh, thứ nhất là cần tranh thủ vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, trưởng các dòng họ trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Thứ hai, là tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong nội bộ. Nếu không đồng thuận thì dù cá nhân có năng lực cũng không phát huy được vai trò “hạt nhân” của chi bộ, không tạo được hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành. Bên cạnh đó, một chi bộ mạnh còn phải biết cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của đảng đến với quần chúng, để người dân thấy được, hiểu được và làm theo một cách thiết thực nhất. “Ví dụ như đối với việc thực hiện Chỉ thị 05, nếu nói theo lý thuyết thì rất nhiều người sẽ thấy mơ hồ, không hiểu. Huyện Kỳ Sơn đã cụ thể hóa bằng việc ban hành Chỉ thị 17 về cán bộ, đảng viên giúp hộ nghèo. Mỗi người tùy theo khả năng của mình để giúp người nghèo (có thể giúp vật chất, con giống, ngày công...). Qua đó để nhân dân thấy được vai trò của cán bộ, đảng viên, thấy được chính sách của Đảng luôn quan tâm đến dân, vì dân’’- đồng chí Lỳ Bá Thái chia sẻ.

Còn ở huyện vùng biển Quỳnh Lưu, để củng cố chi bộ ở các vùng đặc thù, hàng năm, Huyện ủy đều mở lớp tập huấn công tác Đảng cho các chi bộ, đồng thời theo dõi, chỉ đạo sát sao; trích kinh phí hỗ trợ các chi bộ vùng giáo; xây dựng các mô hình ở các xóm giáo… Đồng chí Lê Xuân Kiên - Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Quỳnh Lưu cho biết: Sau khi củng cố, vai trò của các chi bộ vùng đặc thù được thể hiện rõ và hoạt động hiệu quả hơn. Cán bộ cốt cán tham gia các cuộc họp chi bộ mở rộng tích cực; qua đó giúp hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là các chi đoàn, chi hội hoạt động tương đối tốt.

Để tiếp tục củng cố tổ chức cơ sở Đảng, Văn kiện Đại hội XIII, nhiệm kỳ 2020-2025 nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các loại hình tổ chức cơ sở Đảng phù hợp với tiến trình đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị. Nâng cao vai trò, trách nhiệm giáo dục, quản lý, rèn luyện, kiểm tra, giám sát đảng viên; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sinh hoạt của chi bộ”.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 nêu quyết tâm: “Tiếp tục củng cố tổ chức Đảng, nhất là vùng đặc thù và trong các loại hình doanh nghiệp. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt có tư duy đổi mới, khát vọng phát triển, dám nghĩ, dám làm và dám đương đầu với khó khăn, thách thức”.

Tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 2, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (ngày 9/3/2021), đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khoá XII) về xây dựng Đảng, giữ vững bản chất cách mạng trong sáng của Đảng; xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh”.

Gieo “hạt giống đỏ”

Chỉ thị 51-CT/TW, ngày 21/1/2000 của Bộ Chính trị khóa VIII đã chỉ rõ: “Kết nạp đảng viên là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, có tính quy luật trong công tác xây dựng Đảng cũng như trong quá trình phát triển, hoạt động lãnh đạo của Đảng, nhằm tăng thêm sức chiến đấu và bảo đảm sự kế thừa, phát triển của Đảng”. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục nhấn mạnh: “Coi trọng công tác phát triển đảng viên, bảo đảm số lượng, chất lượng. Phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng những thanh niên ưu tú trưởng thành trong phong trào lao động, học tập, trong lực lượng vũ trang, tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị các cấp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên. Sàng lọc, kiên quyết đưa những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng căn dặn: “Nếu Đảng ta không biết chọn lọc, kết nạp, đề bạt đồng chí mới thì đâu có như ngày nay”.

Thấm nhuần lợi dạy của Bác, là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở miền Tây xứ Nghệ, Đảng bộ xã Môn Sơn (Con Cuông) luôn chú trọng công tác bồi dưỡng, phát triển Đảng. Sau 5 năm thực hiện Đề án 01, Đảng bộ xã Môn Sơn đã phát hiện, bồi dưỡng 60 quần chúng ưu tú học cảm tình Đảng, trong đó, có 11 người là con em tộc người Đan Lai. Toàn đảng bộ kết nạp thêm được 55 đảng viên mới. Nói về cách tuyên truyền, vận động quần chúng vào Đảng, đồng chí Vi Văn Tụ - Phó Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn cho rằng: Trước hết cần giúp quần chúng hiểu rõ: Vào Đảng thì đảng viên luôn là những người được nắm bắt các chính sách, chủ trương của Đảng đầu tiên, được học tập, bồi dưỡng thường xuyên về bản lĩnh, lập trường chính trị, rèn dũa, trau dồi nhân cách, đạo đức. Thứ nữa, muốn theo “nghiệp” cán bộ, phục vụ nhân dân thì trước hết phải vào Đảng. Bên cạnh đó, khi vào Đảng nếu có dấu hiệu vi phạm, hay biểu hiện suy thoái thì thông qua sinh hoạt chi bộ hàng tháng sẽ được nhắc nhở kịp thời để soi mình, sửa mình... - Phó Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn cho hay.

Còn đối với các tổ chức cơ sở Đảng ở vùng đồng bào có đạo, theo đồng chí Trần Văn Sao - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nghi Văn (Nghi Lộc), thì bên cạnh những giải pháp về mặt tổ chức, con người để củng cố hệ thống chính trị vùng đặc thù như: Lựa chọn cán bộ để điều động về sinh hoạt tại các xóm vùng giáo. Mỗi đảng viên khi về với nhân dân phải là người thực sự gương mẫu, có lý luận, có kinh nghiệm trong vận động quần chúng, xây dựng phong trào ở cơ sở bằng những việc làm thực để mang lại hiệu quả, sản phẩm thực chứng minh, thuyết phục được cho người dân; qua đó củng cố vai trò của chi bộ, cũng là củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng.

 Trong giai đoạn từ 2016 - 2020, Đảng bộ tỉnh Nghệ An kết nạp được 23.955 đảng viên, trong đó, có 68 đảng viên là người có đạo, 3.890 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh Nghệ An phấn đấu kết nạp mới bình quân hàng năm từ 4.500 - 5.000 đảng viên.

Khắc phục hiện tượng “khoảng tối chân đèn”

Khối Trung Hợp, phường Hưng Dũng (TP. Vinh) có diện tích chưa đầy 1 km2, nhưng có đến 585 hộ dân với trên 2.000 khẩu. Đảng viên bao gồm cả đương chức và nghỉ hưu trên địa bàn với gần 250 đồng chí. Đảng viên sinh hoạt trong chi bộ là 46 người, trong đó, có 13 đảng viên miễn sinh hoạt. Với đặc điểm một chi bộ ở khu vực đô thị, đảng viên chủ yếu là cán bộ nghỉ hưu, dân cư nhiều thành phần, Chi bộ khối Trung Hợp đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, cũng như thể hiện rõ vai trò lãnh đạo ở cơ sở. Bên cạnh tổ chức sinh hoạt “đủ, đúng, đều kỳ” theo quy định, Bí thư chi bộ là đồng chí Nguyễn Hồ Cảnh -  nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh còn lập nhóm Zalo của chi bộ để kịp thời thông tin, tuyên truyền các chủ trương, hoạt động tới cán bộ, đảng viên.

Tuy nhiên, cũng như không ít khu dân cư vùng đô thị, ở khối Trung Hợp cũng có những khó khăn. Bởi “chân đèn thường tối ở gốc”, có những gia đình một năm đi du lịch 7 - 8 nước, hàng xóm lại chẳng mấy khi gặp nhau nên không tránh khỏi “gần mặt không gần lòng, gần lòng mà không gần mặt” - đồng chí Nguyễn Hồ Cảnh chia sẻ. Bên cạnh đó, trên địa bàn khối có 6 nhà chung cư, là nơi sinh sống của hàng trăm hộ dân, trong đó có những chung cư chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng, chưa có ban quản trị… nên việc phát huy vai trò của chi bộ cũng là một phép tính khó. Đây là những vấn đề mà thời gian tới Chi bộ khối Trung Hợp, phường Hưng Dũng (TP. Vinh) sẽ tập trung khắc phục để gắn kết thêm “tình làng, nghĩa xóm”. Nhìn rộng hơn, có một thực tiễn, nhất là ở khu vực dân cư đô thị, là đảng viên khi nghỉ hưu, gia đình ở thường xuyên nơi này nhưng giấy tờ lại đăng ký ở nơi khác; từ đó dẫn đến không chuyển sinh hoạt Đảng hay sinh hoạt các tổ chức, đoàn thể về nơi cư trú thường xuyên, mà chuyển hồ sơ về theo địa chỉ đăng ký nên mặc dù sinh sống trên địa bàn nhưng chi bộ cũng không nắm bắt được.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Hồ Cảnh, để khắc phục vấn đề trên, Tỉnh ủy nên có công văn yêu cầu các tổ chức Đảng, đặc biệt là trong ngành Quân đội, Công an, các sở, ban, ngành khi làm thủ tục nghỉ hưu cho cán bộ, đồng thời chuyển sinh hoạt Đảng về nơi ở thường xuyên của đảng viên đó. Mặt khác, cũng cần thực hiện nghiêm hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên trước khi bổ nhiệm là phải lấy ý kiến nơi ở thực tế của cán bộ để nâng cao mối liên hệ giữa đảng viên đương chức với chi bộ, khối.

Bên cạnh đó, để tránh việc sinh hoạt chi bộ mang tính chất hình thức, dẫn đến mất đi tính chiến đấu, phê bình trong Đảng, theo đảng viên lão thành Ngô Xuân Lan (xã Hưng Đông, TP. Vinh), trong sinh hoạt chi bộ phải có nội dung thiết thực, chi ủy chuẩn bị phần đánh giá tình hình và phương hướng hành động, có những gợi mở để đảng viên trong chi bộ dễ bề góp ý, thảo luận sôi nổi, bàn luận và đi đến nhất trí; tránh tình trạng chi ủy chuẩn bị “một chiều”, còn “chi bộ dễ dàng nhất trí cao”.

Trao đổi về những hạn chế, bất cập còn tồn tại trong các tổ chức Đảng ở cơ sở, đồng chí Hồ Đăng Tài - Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Một trong những nguyên nhân dẫn đến tổ chức cơ sở Đảng còn yếu kém là do việc định hướng nội dung sinh hoạt của cấp ủy cơ sở đối với chi bộ chưa thường xuyên nên một số chi bộ sinh hoạt có tính chất chiếu lệ, hoạt động chưa bám sát dân; còn đơn giản trong sinh hoạt, nội dung nghèo, không phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên. Một số cấp ủy khi thành lập chi bộ tăng cường, chi bộ sinh hoạt ghép còn chủ quan, hình thức; khi phân công đảng viên tăng cường chưa chú trọng đến yếu tố địa bàn công tác, tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, dân tộc nên hiệu quả còn hạn chế, nhiều đảng viên không phát huy được vai trò trong việc phát hiện, bồi dưỡng tạo nguồn phát triển Đảng.

Bên cạnh đó, việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chỉ thị, đề án, nghị quyết, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng tuy đã có chuyển biến nhưng chưa quyết liệt; chưa tổ chức sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm và giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở”.

Do đó, để củng cố tổ chức cơ sở Đảng, cần tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo tinh thần Chỉ thị số 10 -CT/TW ngày 30-3-2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Hướng dẫn số 12 -HD/BTCTW, ngày 6-7-2018 của Ban Tổ chức Trung ương "một số vấn đề nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ". Trong đó, đặc biệt phát huy vai trò đội ngũ đảng viên là cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn khi tham gia sinh hoạt tại các chi bộ khối dân cư; gắn tránh nhiệm trong việc xây dựng chi bộ và phát triển đảng viên mới và coi đây là tiêu chí đánh giá xếp loại cán bộ, công chức hàng năm.

Định kỳ hàng năm, cấp ủy cấp trên phải chỉ đạo cấp dưới rà soát, thống kê số lượng đảng viên cao tuổi, đảng viên được miễn sinh hoạt, đảng viên đi làm ăn xa, chi bộ có số lượng đảng viên ít tại các xóm, trường học... để làm cơ sở xây dựng kế hoạch bồi dưỡng phát triển đảng viên; lấy kết quả công tác phát triển đảng viên là một trong những tiêu chí quan trọng để xếp loại tổ chức Đảng và đảng viên. Bởi như sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đảng là gồm các đảng viên mà tổ chức nên. Mọi công việc của Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết của Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng”. Do vậy, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, không thể tách rời việc nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất